2.Xây Dựng Nền Tảng
Chương 3
Quan Điểm Và Ý Kiến
Bát Chánh Đạo, con đường đưa đến giải thoát, Niết bàn, bắt đầu bằng Chánh kiến. Vậy chánh kiến là gì? Trong Phạm Võng kinh (Brahmajala-sutra), Đức Phật liệt kê sáu mươi hai quan điểm, tất cả đều là những quan điểm sai lầm vì chúng bị che phủ bởi màu sắc của cái ghét, cái ưa do ảo tưởng về Ngã tạo ra. Đó là điều quan trọng cần ghi nhớ. Quan điểm, ý kiến thường dẫn đến tranh luận, sân hận, lo lắng, sợ hãi, tạo ra kẻ thù, mà chưa chắc rằng chúng đúng. Làm sao chúng có thể hoàn toàn đúng khi chúng ta còn chưa đạt đưọc Giác Ngộ.
Nói thế không có nghĩa là chúng ta không thể có ý kiến hay quan điểm. Nhưng nên nhớ: ý kiến, quan điểm chỉ là những thói quen suy nghĩ của ta về một vấn đề gì đó, những định kiến về thế giới ta đang sống. Chúng ta không thể không có ý kiến, quan điểm nhưng cần nhớ rằng chúng không phải là chân lý tuyệt đối. Do đó, ta có thể chấp nhận quan điểm của người khác, mà không phải đưa đến những cuộc tranh cãi để giành phần thắng về mình. Chúng ta có thể nói: “Đây là quan điểm của tôi, và đó là ý kiến của bạn”. Hai quan điểm có thể trái ngược nhau, nhưng không có nghĩa là chúng ta phải trở nên giận dữ, cãi cọ vì nghĩ rằng chỉ có quan điểm của mình là đúng.
Thí dụ. Có bốn người bạn đi qua một khu rừng, trong bọn họ, có một người là nhà thực vật học. Anh ta đi, tay mang sổ, viết để ghi xuống tên các loại cây, phác họa các dáng cây. Anh tỏ vẻ rất thích thú trong công việc đó. Một người khác lại là người chăm sóc bảo vệ rừng. Anh ta chỉ chăm chú xem những gốc cây nào đã bị hư hoại để anh đốt đi, hầu tránh lan bịnh sang các cây khác. Người thứ ba lại là một nhà bảo vệ môi trường, trong đầu anh phác họa ra những kiến nghị để bảo vệ rừng cho những thế hệ tương lai. Và người thứ tư là một nhà chăn nuôi bò sữa. Trong đầu anh đầy những toan tính xem anh cần phải đốn bao nhiêu cây để làm chuồng cho đàn bò của anh. Cùng một cánh rừng, nhưng mỗi người có một cái nhìn riêng. Nếu mỗi người đều cương quyết bảo vệ cho quan điểm của mình là đúng, thì chắc họ sẽ khó là bạn của nhau lâu dài. Mỗi người đều cho quan điểm của mình là đúng, trong khi có bao nhiêu cách nhìn khác nhau về khu rừng, và họ cũng nghĩ rằng họ đúng theo cách nhìn của họ. Thật ra ai cũng có cái lý của mình, nhưng không có ai là hoàn toàn đúng cả. Mỗi quan điểm đưọc tạo nên bởi cái yêu, cái ghét của riêng mỗi người.
Chánh kiến của Đức Phật là samma ditthi, tam muội. Chánh kiến là bước đầu trong Bát chánh đạo, nhưng cũng không thể thiếu ở các phần tu tập khác. Là bước khởi đầu, chánh kiến dẫn dắt ta vào con đường đạo, ở giai đoạn cuối cùng, chánh kiến trở thành chánh định, tức là trí tuệ của chân lý tuyệt đối. Nhưng trước khi đến được nấc thang cuối cùng, ta phải tin tưởng rằng tâm cấu uế có thể đưọc thanh tịnh hóa, rằng tất cả những phiền nào, khổ đau không ở ngoài ta, không phải là do lổi của thế giới bên ngoài. Chánh kiến ban đầu đó là viên gạch lót đường để ta đi vào con đường tâm linh. Giáo lý của Đức Phật chia làm ba phần: sila, samadhi và panna. Sila là giới luật, samadhi là định và panna là trí tuệ. Nhưng Bát chánh đạo bắt đầu bằng trí tuệ như cánh cửa vào các cửa khác.
Một khía cạnh khác của chánh kiến là nghiệp. Tất cả những việc ta làm, nói, nghĩ suy đều tạo ra ảnh hưởng lẫn nhau. Khi ta có ý nghĩ thiện, lời nói lành sẽ theo sau, và từ lời nói lành, sẽ dẫn đến hành động chính đáng. Nghiệp quả tức thời (vipaka) của những hành động, lời nói, ý nghĩ nầy là sự bình an, hỉ lạc trong tâm, giúp cho việc hành thiền của ta đưọc dễ dàng, trái với tâm hành thiền trong bất mãn, khổ đau. Thiền mang lại cho ta sự bình an, hạnh phúc, nhưng ta sẽ không thể tọa thiền nếu như ta ở trong trạng thái tâm khổ đau, bất mãn. Vì chỉ có tâm an lạc mới có thể thực tập hạnh buông xả. Nghiệp quả của tâm ý ta ảnh hưởng rất lớn đến việc thiền quán của ta. Nên nhớ mỗi khi ta có vọng tưởng hay hành động gì, là ta đang tạo ra nghiệp quả cho mình, mà chúng ta thì không ngừng vọng tưởng, nghĩ suy suốt ngày đêm. Cuộc đời đầy những chuyện bình thường. Lâu lâu ta mới gặp phải một vài thăng trầm, biến cố lớn lao. Thường ta chỉ phải trả lời những câu hỏi không quan trọng lắm như: Tôi sẽ phản ứng thế nào trong hoàn cảnh nầy? Giải quyết những đòi hỏi kia ra sao? Làm sao tôi vượt được hoàn cảnh nọ? Tâm tôi đang nghĩ gì? Những suy nghĩ của tôi có ích lợi gì không? Tốt đẹp không? Tất cả những sự lựa chọn nầy, từ sáng đến tối, góp phần tạo ra các nghiệp quả của ta. Dầu chúng không tạo ra những hậu quả trầm trọng, nhưng chúng cũng ảnh hưởng đến các trạng thái của tâm khiến việc hành thiền của ta khó có kết quả. Nên nhớ rằng mỗi lựa chọn của ta đều quan trọng vì đó là quyết định của chính ta. Đừng để ta phải làm nô lệ cho những tình cảm của mình hay bị trói buộc bởi các hành động của mình. Sự lựa chọn nào cũng tạo ra nghiệp.
Trong phạm vi của các nghiệp quả, ta chẳng có nhiều sự lựa chọn. Nếu các quyết định của ta càng khôn khéo, thì ta càng có nhiều cơ hội. Nếu muốn việc hành thiền của ta đưọc có kết quả, ta cần phải luôn tỉnh thức trong mọi nghĩ suy, hành động. Chánh kiến giúp ta hiểu rằng ta là chủ nghiệp của mình, rằng các ý kiến của cá nhân ta không thể là chân lý tuyệt đối. Ai cũng có quyền có ý kiến, chỉ nên nhớ không phải lúc nào ta cũng đúng. Nếu biết suy nghĩ như thế, ta sẽ ít xung đột với người khác khi quan điểm, ý kiến của họ không giống ta. Đó là những bước đầu trên con đường đạo. Con đường dẫn ta đến sự thật tuyệt đối về con người mà ta gọi là ‘tôi’, với những khó khăn, niềm vui, nổi khổ, hy vọng, ước mơ, hoài ức riêng. Dần dần ta sẽ nhận ra rằng con người nầy có những tình cảm, suy nghĩ hoàn toàn khác với cái nhìn của chánh kiến về nó, vì có quá nhiều phiền não trong tâm trí nó. Muốn có đưọc tâm an lành, ta phải thay đổi bao quan niệm của mình. Và để có thể hiểu rõ đưọc chính mình, ta cần tâm tĩnh lặng, tâm đưọc kiềm chế để có thể xoay chuyển nó ra khỏi những thói quen, định kiến về con người của mình.
Tất cả chúng ta đều có những suy nghĩ về chính bản thân mình – về khả năng, ưu điểm hay khuyết điểm của mình. Tất cả chỉ là những quan điểm, không phải là chân lý tuyệt đối. So với thế giới tương đối ta đang sống, chúng cũng có cái đúng, cái sai. Nhưng trên bình diện tuyệt đối, cái tuyệt đối bao trùm vũ trụ, thì tất cả đều không có nghĩa lý gì. Chân lý tuyệt đối là mọi thứ đều biến đổi (vô thường). Tất cả chúng ta chỉ là hiện thân của những biến đổi không ngừng ở thân, ở tâm. Bốn yếu tố (đất, nước, gió, lửa) đã cấu tạo nên chúng ta, không có yếu tố nào là chánh yếu. Tuy nhiên tâm khó chấp nhận những điều nầy trừ khi thiền định có thể mang lại cho ta những an lạc, hạnh phúc hoàn toàn không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Tâm phiền não không thể nào chấp nhận rằng không có một thực thể nào đó đang hứng chịu những khổ đau.
Có hai cách để hiểu Phật pháp: một cách tuyệt đối hay tương đối. Một cách tương đối là tất cả chúng ta đều phải cố gắng đạt đưọc tâm định. Trên bình diện tuyệt đối, thì chẳng có ai, thực thể nào để cố gắng. Để đạt đưọc trí tuệ tuyệt đối, ta phải dựa vào thực tế tương đối của mình. Nếu tôi không cố gắng, không thể nào tôi đạt đưọc chân lý tuyệt đối. Có giai đoạn của suy tư và nhận thức. Chúng ta sẽ không đạt đưọc mức độ của tâm linh sâu lắng trừ khi ta đã trãi qua giai đoạn đầu.
Ở giai đoạn đầu, chánh kiến chỉ có tính cách tương đối: ta nhận thức đưọc rằng ta có thể tu sửa bản thân, có hiểu biết về nghiệp quả, hiểu biết rằng tất cả mọi quan điễm của ta đều chỉ có giá trị tương đối. Thực hành Bát chánh đạo dần dần sẽ giúp ta đến được mức độ thứ hai, đạt đưọc chân lý tuyệt đối.
Một phần khác của Bát chánh đạo là chánh tư duy. Điều tối quan trọng trên con đường tâm linh là cần phải có sự suy nghĩ đúng. Ban đầu, có thể ta sẽ bắt đầu bằng một mục đích ích kỷ, chỉ quan tâm cho sự giải thoát của chính mình. Ta có thể đã tìm đến Đạo vì một mục đích sai lầm. Nhưng điều đó có thể thay đổi. Qua thực hành, tư duy của ta có thể thay đổi cho phù hợp với đạo pháp.
Đức Phật có người em cùng cha là ngài Nanda. Ngài Nanda không thể quyết định là nên xuất thế đi tu hay ở lại thế gian lập gia đình như bao người khác. Vì Đức Phật, người anh nổi tiếng của mình, ngài Nanda cũng muốn đi tu. Nhưng theo sở thích của mình, thì ngài muốn lập gia đình. Cha mẹ của ngài Nanda quá mệt mỏi vì sự lưỡng lự của Ngài. Họ đi hỏi vợ và định ngày cưới gả cho ngài Nanda. Đức Phật đưọc mời làm khách danh dự. Sau buổi thọ trai, trước khi đám cưới bắt đầu, Đức Phật nói với Ngài Nanda rằng: “Nanda, hãy đến, mang bình bát của ta về tu viện”. Ngài Nanda không dám từ chối, vì Đức Phật là khách mời danh dự, và là người đưọc tôn kính nhất trong họ tộc. Dầu không mấy sẵn lòng, ngài Nanda vẫn bưng bình bát theo sau Đức Phật. Khi họ về đến tu viện, Đức Phật bảo ngài Nanda ngồi xuống một lát. Ngài Nanda trả lời là Ngài rất bận, không thể ở lại. Đức Phật lại hỏi tại sao ngài Nanda lại phải vội vã thế. “Bữa nay là ngày cưới của con. Thế Tôn đã đến dự tiệc rồi”. Đức Phật nói: “Tại sao ngươi muốn lập gia đình? Có gì quan trọng trong việc kết hôn?” Ngài Nanda thưa: “Cô ấy rất đẹp. Con thương cô ấy và muốn lập gia đình với cô ấy. Con phải đi đây, bạch Thế Tôn”. Đức Phật trả lời: “Nếu ngươi ở đây với ta, tu tập theo lời ta chỉ dẫn, ngươi có thể có năm trăm người đàn bà đẹp hơn thế nữa.” Ngài Nanda hỏi: ‘Thật sao?’ Đức Phật trả lời: “Đúng vậy”. Vì thế ngài Nanda đã ở lại tu viện với Đức Phật. Thỉnh thoảng, ngài lại đến hỏi Đức Phật: “Năm trăm cô gái đẹp Đức Phật đã hứa với con đâu?” Đức Phật trả lời: “Ta đã nói rồi, khi nào ông tu chứng đắc, ông sẽ đưọc gặp thôi. Giờ thì trở về tu tập thêm”. Ngài Nanda trở về, tin giữ giới luật, chứng đắc, và không còn hỏi về năm trăm cô thiếu nữ đẹp nữa. Thật ra điều mà Đức Phật hứa với ngài Nanda là nếu ông tu hành chứng đắc, ông sẽ đưọc gặp các vị chư thiên đẹp đẽ gấp bao nhiêu lần những người đàn bà đẹp ở thế gian. Rỏ ràng đây không phải là lý do chánh đáng để đi tu, nhưng ở thời điểm đó, đối với ngài Nanda thì chỉ có nói thế mới giữ đưọc ông ở lại. Qua bao công phu tu luyện, ông đã thay đổi quan niệm của mình. Tóm lại, ngài Nanda đã không có động lực chính đáng lúc ban đầu, nhưng sau đó ông đã đạt đưọc kết quả chánh đáng.
Chánh tư duy phải đi đôi với ý chí gắng công tu tập, trong lúc hành thiền cũng như trong đời sống hàng ngày. Hai phần nầy: chánh kiến và chánh tư duy là những bước đầu trên con đường Bát chánh đạo.
Đức Phật so sánh chúng sanh với bốn loại thuyền. Một loại dưới đáy có lổ hổng. Chúng ta muốn chế bao nhiêu nước vào đây cũng đưọc, vì nó lại chảy ra ngay. Đối với loại người nầy, khi họ nghe Phật pháp, họ nghe tai nầy và để ra tai khác. Loại thuyền thứ hai có những vết rạn. Khi ta đổ chánh pháp vào đó, nó từ từ, từ từ rỉ ra cho đến khi trên thuyền lại trống không như lúc trước. Lọai thuyền thứ ba thì chứa nước bẩn thỉu lên đến mạn thuyền. Ta không thể chế thêm nước trong sạch vào đó, vì tất cả đều trở thành là nước tù ao. Chiếc thuyền có ích duy nhất là chiếc thuyền thứ tư, không có lổ hổng, không có vết rạn và hoàn toàn trống không. Sự trống không ở đây không có ý nghĩa tiêu cực, nhưng hàm ý là nói về tâm không lo lắng, sợ hãi hay u phiền, tâm đó rộng mở để đón nhận Phật pháp vào lòng. Tâm đó không chứa đựng các định kiến về con người và thế giới mình đang sống. Nếu những quan điểm, suy nghĩ của ta đã không đem lại hạnh phúc, an bình trong đời sống hiện tại của ta, thì tốt nhất hãy buông bỏ tất cả để làm chiếc thuyền trống mà chở Phật pháp qua sông. Khi tâm đã tràn đầy chánh pháp, ta sẽ dần dần thay đổi cách suy tư để có đưọc chánh kiến.
Khi đã đưọc giác ngộ, giải thoát, có nghĩa là ta không thấy có gì quan trọng nữa. Không có gì đáng để bám chặt, chất chứa trong tâm trí. Khi tâm không có định kiến, nó có thể quan sát sự vật bằng con mắt của đứa trẻ. Thí dụ nếu nhìn một cái cây với tâm định kiến, ta sẽ thấy đó chỉ là một cây trong cái nhìn xưa củ, quen thuộc của ta. Ta không thực sự thấy sự sống trong cây đó. Chúng ta có thể thích nó vì nghĩ là cây mang lại dưỡng khí cho ta, hay không thích vì nghĩ kiến có thể làm tổ trên đó. Có thể ta chăm chút cây vì nó sinh quả cho ta. Hay đốn bỏ cây, vì bóng cây không cho rau cỏ mọc lên, nhưng ta chẳng bao giờ thực sự nhìn thấy nó là gì.
Khi tâm không còn những định kiến, thì ta có thể nhìn thế giới quanh ta dưới một khía cạnh khác. Hoàn toàn khác với bây giờ. Mọi thứ đều luôn thay đổi. Như khi ngồi trên xe lửa, ta có cảm giác như cảnh vật chung quanh ta di chuyển. Thật ra là xe lửa đang chuyển động nhưng ta không thế thấy điều đó. Chúng ta cũng thế, đang ngồi trong một chiếc xe lửa đời chuyển động, nhưng ta tưởng mình bất động. Đó là một cái nhìn sai lệch. Nhưng nếu ta có thể nhìn mọi vật quanh ta, và kể cả chính ta nữa, bằng con mắt không có định kiến, ta có thể đến gần với thực tại tuyệt đối, từ đó phát triển chánh kiến, trí tuệ nội tâm. Điều đó phù hợp với những điều Đức Phật dạy -tự mình phải thực hành, mà không nên tin một cách mù quáng. Chỉ khi nào ta có kinh nghiệm của bản thân thì ta mới có thể tiến gần đến chân lý, không kể đó là kinh nghiệm gì. Còn nếu như ta chỉ nói về những điều ta nghĩ, ta tin, thì ta chỉ phát biểu ý kiến, trình bày quan điểm. Và càng có nhiều ý kiến, ta càng khó có cái nhìn đúng về thế giới quanh ta, hay có đưọc sự thanh tịnh thiết yếu cho thiền định.
Thật thú vị nếu như ta biết rằng mắt chỉ thấy hình thể, màu sắc, tai chỉ nghe âm thanh. Tất cả mọi thứ còn lại đều là sản phẩm của tâm. Không có một thực tại tuyệt đối nào đúng như những điều ta đã nghe, hay thấy, nhưng ta luôn phản ứng theo các căn trần. Khi ta nghe tiếng chim hót hay tiếng chó sủa, thực tại đó chỉ là tiếng động. Nhưng tâm nói “Chó sủa. On ào quá, sao chúng không im đi, tôi đang cần im lặng để toạ thiền”. Hay “May mà tôi không nuôi chó”. Tất cả những thứ đó là phản ứng của tâm. Khi mắt nhìn thấy màu sắc, hình thể, nó giải mã chúng qua những ý thức dựa trên ký ức. Thật sai lầm khi chúng ta nắm bắt một ý tưởng rồi cho đó là của mình, cho đó là chân lý. Thí dụ, cái ta nhìn là một khối, đứa trẻ có thể coi đó một toà nhà. Điều khác biệt là do mức độ trưởng thành khác nhau. Sự suy nghĩ của tôi không cần phải là chân lý. Chúng chỉ là khái niệm, có thể sai cũng như cảm giác của ta. Thế giời bên trong và thế giới bên ngoài không giống nhau. Hãy nhớ rằng quan điểm chỉ là quan điểm, và trên một bình diện tuyệt đối, cả thế giới nầy, kể cả chúng ta, không giống như ta nghĩ.
-ooOoo-