CHƯƠNG 8
KINH TỪ BI
Người hằng mong thanh tịnh:
Nên thể hiện pháp lành,
Có khả năng, chất phác,
Hiền hòa, không kiêu mạn,
Sống dễ dàng, tri túc,
Thanh đạm không rộn ràng,
Lục căn luôn trong sáng,
Trí tuệ càng hiển minh,
Chuyên cần, không quyến niệm,
Không làm điều ác nhỏ,
Mà bậc trí hiền chê,
Nguyện thái bình an lạc,
Nguyện tất cả sinh linh,
Tràn đầy muôn hạnh phúc,
Chúng sinh dù yếu mạnh,
Lớn nhỏ hoặc trung bình,
Thấp cao không đồng đẳng,
Hết thảy chúng hữu tình,
Lòng từ không phân biệt,
Hữu hình hoặc vô hình.
Đã sinh hoặc chưa sinh,
Gần xa không kể xiết.
Nguyện tất cả sinh linh,
Tràn đầy muôn hạnh phúc.
Đừng lừa đảo lẫn nhau,
Chớ bất mãn điều gì,
Đừng mong ai đau khổ,
Vì tâm niệm sân si,
Hoặc vì nuôi oán tưởng.
Hãy mở rộng tình thương,
Hy sinh như từ mẫu,
Suốt đời lo che chở,
Đứa con một của mình,
Hãy phát tâm vô lượng,
Đến tất cả sinh linh,
Từ Bi gieo cùng khắp,
Cả thế gian khổ hải,
Trên dưới và quanh mình,
Không hẹp hòi oan trái,
Không hờn giận căm thù,
Khi đi, đứng, ngồi, nằm,
Bao giờ còn thức tĩnh,
Giữ niệm từ bi nầy,
Thân tâm thường thanh tịnh,
Phạm hạnh chính là đây.
Ai xả ly kiến thủ,
Có giới hạnh nghiêm trì,
Đạt Chánh trí viên mãn,
Không ái nhiễm dục trần,
Thoát ly đường sinh tử.
— Lời Đức Phật dạy (Kinh Nipata)
(Nguồn: Nghi Thức Tụng Niệm, Chùa Đạo Quang, TX USA)
Nếu chúng ta đứng quá gần một tấm kính, ta sẽ không thể thấy gì. Mà xa quá thì cũng thế. Chúng ta cần đứng một khoảng cách vừa phải thì mới có thể nhìn thấy rõ.
Kinh Từ Bi quá quen thuộc đối với đa số chúng ta. Chúng ta hiểu nghĩa kinh khuyên nhủ ta nên thương yêu tất cả mọi người. Điều đó rất đúng. Nhất là đối với những người gây khó khăn cho ta, những người không theo ý ta, không như ta mong đợi. Vậy ta hãy bước gần lại với Kinh Từ Bi, nếu ta đang đứng quá xa, hay lùi lại vài bước nếu ta chỉ biết thuộc kinh, để hiểu thật sự những lời kinh nói gì, có ý nghĩa gì.
Kinh bắt đầu với: Người hằng mong thanh tịnh, nên thể hiện phép lành… Đó là một lời nói khá thú vị vì nó diễn tả tính hoàn thiện như một kỹ năng, và kỹ năng có thể được rèn luyện, học tập. Tất cả chúng ta đều có những kỹ năng do rèn luyện mà có được. Nói là một kỹ năng. Đi đứng cũng thế. Chúng ta đã luyện tập những kỹ năng nầy khi còn bé, và sau bao nhiêu năm, giờ chúng ta đã trở nên quá thuần thục. Việc hành thiền cũng là một kỹ năng có thể được học tập, rèn luyện, và trong thực tế thiền đang được người ta học tập, rèn luyện. Lái xe, giặt ủi cũng là kỹ năng. Chúng ta học tập các kỹ năng nầy trong các cộng việc hằng ngày ở nhà.
Thiện tánh được rèn luyện qua giáo dục, môi trường, nhưng nó sẽ chẳng thể hoàn toàn nếu như chúng ta không cố gắng thực hành. Nó không phải tự nhiên mà có. Tất cả chúng sanh đều có căn tánh thiện, nếu không chúng ta đã không có mặt ở nơi nầy. Do nghiệp lành mà ta có mặt nơi đây, nhưng chúng ta cũng mang đầy các nghiệp chướng. Đức Phật trong Tâm kinh đã hướng dẫn đầy đủ các cách để viên mãn thiện căn trong ta. Đó là một phẩm kinh ngắn, mở đầu với những lời giáo huấn cơ bản trong cuộc sống đời thường, dẩn đến hoàn toàn giải thoát giác ngộ. Đây là bài thuyết pháp có nhiều cấp độ. Các bài Pháp của Đức Phật thường là như thế; ai cũng có thể lắng nghe, dầu là những người sơ cơ hay đã huân tập lâu ngày, đều có thể tìm thấy sự lợi ích. Tất cả chúng sanh, những ai có thể nghe và lãnh hội được, có thể áp dụng bài kinh để đi từ cuộc sống thế tục dần tiến lên cõi thanh cao.
Đức Phật nói lời thuyết pháp của Ngài tựa như biển cả. Lúc đầu khi ta còn ở gần bờ, thì biển cạn. Có thể chỉ làm ướt chân ta. Khi ta tiến sâu hơn ra xa, biển trở nên sâu hơn, sâu hơn nữa để dần trùm phủ ta trong lòng biển. Giáo lý của Đức Phật cũng thế. Chúng ta bắt đầu bằng cách nhún chân, thăm dò nước biển ấm lạnh. Như khi ta thử hành thiền nữa ngày, rồi dăm ba ngày, cho đến khi cuối cùng ta có đủ can đảm để dự khóa tu thiền mười ngày và có thể hành thiền suốt thời gian ấy. Chúng ta học Phật pháp cũng thế, từng chút từng chút, cho đến khi cả cuộc sống của ta đều là sống trong pháp.
Và rõ ràng sự bình an không phải do ai ban tặng cho ta. Chính ta phải tìm lấy. Không thể có bình an chỉ vì ta mong mỏi hay ước muốn điều đó. Mà chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm. Không thể đạt được điều gì nếu không có sự nỗ lực.
Tiếp theo Đức Phật cho biết ta cần có những đức tính gì để có thể viên mãn thiện tánh, đạt đến giải thoát. Có hai điều căn bản quan trọng nhất trong bài pháp nầy, đó là cách ta giao tiếp với người. Trước hết ta phải tự sửa đổi chính bản thân. Không ích lợi gì khi chúng ta chỉ nói, hay nghĩ: “Từ bi, từ bi” nhưng không làm gì để tự thanh lọc bản thân.
Đức Phật bảo rằng cần có mười lăm đức tính để tự hoàn thiện, để có thể sinh lòng từ bi đối với mọi người quanh ta hay rộng hơn cho đến tất cả nhân loại trên thế giới. Những đức tính nầy được kể ra: Ta cần có khả năng, không phải phụ thuộc vào người khác, chỉ dựa vào chính bản thân. Tự lực sẽ khiến ta có lòng tự tin; lòng tự tin lại khiến ta cảm thấy tự tại. Khi chính ta cảm thấy tự tại, ta mới có thể mở lòng thương yêu người khác. Ngược lại khi ta còn phải phụ thuộc vào kẻ khác, còn phải nhờ vào sự giúp đở, hỗ trợ, nhờ vào lòng tốt của người khác để có thể sinh tồn hay hoàn thành các công việc hằng ngày, thì chúng ta luôn sợ hãi rằng họ sẽ bỏ rơi ta. Sự sợ hãi, âu lo không thể mang đến cho tâm sự bình an. Tất cả chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau, nhưng lòng sợ hãi bị bỏ rơi hay không có khả năng để tự chăm sóc là một vấn đề hoàn toàn khác. Sự sợ hãi quá đáng có thể khiến ta phải tuân phục theo bất cứ điều kiện nào để nắm giữ cái ta đang có, do thiếu lòng tự tin. Như thế làm sao có thể tự tại.
Cần sự chất phác… Người chất phác không chỉ nói lời chân thật, là điều căn bản, mà cũng không tìm cách lợi dụng người hay tạo điều kiện để thủ lợi cho cá nhân. Chất phác là hoàn toàn chân thật, chỉ nói những điều dựa vào sự hiểu biết của mình, chứ không phải để làm vừa lòng người khác. Chất phác có nghĩa là chúng ta coi trọng sự thật. Giáo lý Đức Phật đặt trọng tâm ở “bốn chân lý diệu nghiệm”. Nếu chúng ta tự biết mình có tánh chất phác, trong sạch, ta sẽ không bao giờ xa rời các cảm xúc, hiểu biết của mình. Chúng ta biết mình chân thật với chính mình. Nếu không như thế, ta sẽ không bao giờ có được tâm bình an.
Kế tiếp ta phải thẳng thắng… có nghĩa là trung thực, không quanh co, không tô vẽ, không dua nịnh. Người như thế cần có tâm chân thật. Không có tâm chân thật thì khó có thể là người trung thực. Đó là một khả năng, cần được trao dồi bằng chánh niệm trong thiền định. Với người thẳng thắng, ta thấy dễ giao tiếp. Vì ta biết rằng họ chỉ nói những điều họ thật sự nghĩ. Chúng ta không phải thắc mắc, “Không biết họ có thực sự nghĩ vậy không? Không biết nói thế, họ có ý gì?” Trái lại, ta có thể tin tưởng họ. Với những người đáng tin cậy, ta sẽ có được sự liên hệ tốt đẹp. Nếu tất cả mọi người đều có thể tin cậy lẫn nhau, thì liên hệ giữa con người sẽ dễ dàng, bớt phức tạp biết bao nhiêu.
Không kiêu ngạọ… Một thành ngữ tiếng Anh có nói “Kiêu ngạọ đứng trước Thất bại”. Kiêu ngạo là sự tập trung vào cái ngã một cách vô lý, dầu đó là kiêu ngạo về địa vị, sở hữu, sự thành đạt hay vẻ dáng bề ngoài. Tất cả chỉ để tôn vinh cái ngã. Hay hơn thế nữa. Lòng kiêu ngạo khiến ta có cảm giác mình hơn người, khiến ta lạnh lùng với người.
Có câu chuyện về một người Bà la môn ở vào thời Đức Phật còn tại thế. Ông ta được đặt biệt hiệu là Cứng Cỗ (Pridestiff) vì không bao giờ chịu đảnh lễ một ai. Dầu cho người đó là các đấng ông ta hằng thờ phụng, hay là các sư phụ của mình. Ong ta cũng không bao giờ đến nghe Đức Phật giảng Pháp. Nhưng một ngày, trước sự kinh ngạc của mọi người ông ta đã xuất hiện. Ong ta lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, và khi Đức Phật chấm dứt bài pháp, ông đến đảnh lễ Đức Phật. Cả hội chúng đều phải kêu ồ lên. Tuy nhiên ông ta có giao ước với Đức Phật. Ong nói rằng sau khi được nghe bài thuyết pháp của Đức Phật, ông rất muốn được trở thành đệ tử của Ngài, nhưng ông không muốn đánh mất biệt hiệu của mình. Cho nên sau nầy nếu có gặp Đức Phật ở nơi công cộng, Đức Phật có chấp nhận cho ông chỉ ngã mũ chào, thay vì phải quỳ đảnh lể theo đúng phép tắc? Đức Phật đã chấp nhận lời đề nghị đó. Vì thế ông ta đã giữ biệt hiệu ‘Cứng Cổ’ cho đến ngày cuối đời.
“Cứng nhắc vì Tự Ái” là cách chúng ta thường nói. Sự cứng nhắc cho thấy người đó không có khả năng chấp nhận những tư tưởng mới, những cái nhìn mới. Tự ái là một quan điểm, và bất cứ điều gì mới mẻ đều có thể làm cho cái nền tảng mà lòng kiêu ngạo được đặt trên đó bị lung lay. Rất khó cho người tự ái học hỏi một điều gì mới. Người đó rất thường nói, “Tôi biết rồi” trong lúc thực sự không biết gì hết.
Sống dễ dàng … khiến người khác dễ giao tiếp, chuyện trò. Không hay giận dữ, nổi nóng vì những điều nhỏ nhặt, thường để ý đến điều người khác nói, có khả năng lắng nghe. Biết lắng nghe là một nghệ thuật, mà đa số chúng ta chưa phát triển được. Sống dễ dàng, dễ giao tiếp khiến phát sinh những mối quan hệ tốt với người. Người khác cảm thấy được cảm thông, được lắng nghe, không bị chỉ trích, được giúp đở.
Tuy nhiên, “dễ giao tiếp” không có nghĩa là hay nói chuyện phiếm, hay nói để mà nói. Mà đó là người đáng để chúng ta trò chuyện, người đầy lòng thương yêu với mọi người. Không có lòng thương yêu, thì khó thể khiến người muốn đến gần ta, vì ta đang mãi lo nghĩ về bản thân hơn là nghĩ về ai khác.
Trước khi nói đến thương yêu tha nhân, ta cần phải hội đủ những tính chất trên. Bài kinh đã không nhắc đến lòng từ bi, tình thương cho đến khi tất cả những điều kiện khác đã được nói rõ.
Đức Phật đã dùng một ẩn dụ để nói về những loại người khác nhau. Đức Phật đã so sánh những người lắng nghe Ngài với bốn loại nồi khác nhau. Loại thứ nhất bị lủng ở đáy. Khi người ta chế nước vào, nước lập tức bị chảy ra. Những người vừa nghe thấu tai nầy đã ra tai kia. Loại thứ hai có vết rạn. Khi đổ nước vào, nước cũng dần dần thấm ra ngoài. Loại người nầy khi rời khỏi chỗ ngồi, ra đến cửa là đã quên ngay. Loại thứ ba là loại đã đầy đến tận miệng. Đây là những người luôn nói “Tôi biết, tôi hiểu rồi”. Những người nầy hoặc là không lắng nghe, hoặc những điều họ nghe thấy chẳng có ảnh hưởng gì. Ta có thể chế thêm bất cứ gì, nhưng họ đã đầy những quan điểm riêng, những hiểu biết riêng của họ. Cuối cùng là loại nồi không thủng đáy, không có vết nứt, hoàn toàn trống rỗng. Ta có thể chế nước sạch, nước trong vào, nó sẽ giữ nước mãi sạch trong như thế để cho mọi người cùng uống.
Điều kiện kế tiếp là hiền hòa… Hiền hoà đối nghịch với sấn sổ, lấn lướt. người độ lượng đã phát triển được tâm đến độ thấy được lỗi mình hơn là thấy lỗi nu. Tự thấy được lỗi mình rất lợi ích cho ta, vì ta có thể tự sữa đổi. Trái lại thấy lỗi người không ích lợi gì. Chỉ khiến ta thấy không ưa người khác. Rồi từ không ưa, dẫn đến không thân thiện, cãi vả, trang luận, thuyếp phục, tất cả đều vô ích. người độ lượng hay tự soi rọi mình với tâm đầy chánh niệm.
Thanh đạm … Người thanh đạm, tự tại là người thanh thản. Do đó ta cần phải biết bằng lòng với hoàn cảnh, môi trường sống, tiền bạc, vẻ bề ngoài, hay sự hiểu biết của ta. Không có nghĩa là ta trở nên dễ dãi. Tự tại và dễ dãi không phải là một thứ.
Sự dễ dãi khiến ta nói: “Tôi đã làm tất cả khả năng rồi. Tôi yên ổn rồi. Không phàn nàn gì hết”. Trái lại, sự tự tại là “Những gì xảy ra cũng là điều kiện giúp tôi tiến bộ”. Sự tự tại rất cần cho hoà bình. Vì sự phật lòng, trái ý khiến tâm cũng như thế giới trở nên đảo lộn. Khi không vừa lòng, ta dễ làm những việc kỳ cục nhất để thay đổi những gì ta nghĩ là nguyên nhân. Chúng ta tranh cãi, cố thay đổi những người sống quanh ta, thế giới ta đang sống, tranh cãi về các món ăn, về quan niệm, đôi khi cả tôn giáo. Tại sao tất cả những việc nầy lại xảy ra? Vì ta không tự tại, không vừa lòng. Tất cả các hành động trên đều không mang đến sự tự tại. Chỉ có một cách khiến ta được tự tại vừa lòng là hãy tự sửa đổi mình. Là điều không thể thực hiện được khi không có tự tại. Mà chỉ có thể được thực hiện với lòng kiển nhẫn, cố gắng và một ít trí tuệ. Không có trí tuệ sẽ không có gì xảy ra cả.
Tri túc … Tri túc có nghĩa là chúng ta không có nhiều tham cầu cá nhân; không phải vì chúng ta đè nén chúng, mà là vì ta nhận thấy chúng không đem đến cho ta hạnh phúc. Chúng ta không chạy đuổi theo đủ kiểu áo quần mới, đủ kiểu bàn ghế, ăn uống hay những thứ vật chất khàc. Nhở thế ta được tự tại vì ta biết bằng lòng với những gì mình đang có. Chúng ta hiểu rằng dầu ta có mua sắm, sở hữu bất cứ thứ gì, rồi chúng cũng trở thành cũ, rách, để rồi cuối cùng ta cũng phải vứt bỏ chúng đi, mà ta lại phải khổ sở chạy đuổi theo chúng, khiến ta không được tự tại. Dĩ nhiên ta cần có những thứ cơ bản cho cuộc sống của ta được thoải mái, nhưng ta không cần những thứ ấy trong đủ kiểu dáng, màu sắc, kích cở khác nhau mới có thể sống thoải mái.
Ham muốn thì khổ đau vì nó chứng tỏ là người ta còn thấy thiếu thốn. Nếu chúng ta là người tri túc, biết đủ, ta sẽ buông bỏ được lòng ham muốn vì ta muốn xả phiền não, khổ đau. Nếu ta có được điều mình ước muốn, có thể ta sẽ thấy vui sướng trong chốc lát; nhưng nếu ta không đạt được ý nguyện, thì ta cảm thấy khổ đau, rồi sau đó ta lại khởi lòng ham muốn trở lại. Một vòng luẩn quẩn trong khổ đau, chẳng bao giờ dẫn ta đến được thanh tịnh. Trước khi hiểu được thế nào là lòng từ bi, tình thương yêu chân thật, ta cần phải buông bớt tham cầu, để cái ngã của ta không còn chiếm lĩnh mọi suy tư của ta.
Không rộn ràng, không bị nhấn chìm trong lo toan… Nếu chúng ta không có thời gian để quay vào bên trong, tự vấn lòng, chúng ta sẽ khó thay đổi được gì. Nếu ta hết tham gia họp hành, lại viếng thăm hàng xóm, bà con, nếu chúng ta tự tạo ra sự bận rộn, lăng xăng quanh mình, không tự để ta có được giây phút nào tự suy gẫm, thiền quán, thì ta sẽ không có được sự bình an. Chúng ta cần thời gian để tạo ra một môi trường lành mạnh, bình an quanh ta cũng như trong ta.
Biết cần kiệm cũng là một trong muôn cách… Cần kiệm là một đức tính. Nó chứng tỏ lòng trân trọng đối với những gì đã được tạo ra bằng sức lao động, công khó nhọc của người khác; ta không vứt bỏ đi sản phẩm của họ khi chúng bắt đầu hao mòn. Cần kiệm cũng có nghĩa là biết bằng lòng với những cái ít ỏi, không đòi hỏi những cái tốt nhất cho mình. Vì lúc nào cũng có cái tốt hơn cái ta đang có. Một chiếc TV lớn hơn, một tủ lạnh rộng hơn, một cái nhà đẹp hơn, một cái xe tốt hơn, không kể đến bao nhiêu thứ có thể khác. Không có chỗ dừng cho các ham muốn. Nếu cuộc đời ta chỉ để chạy đuổi theo những ham muốn đó thì thật là phí thời gian, phí một kiếp người.
Cần kiệm có nghĩa là biết bằng lòng với cái càng ít càng tốt, chứ không phải cố gắng để có được càng nhiều càng tốt. Chút ít đến đâu để có thể chấp nhận được thì có chừng mực, nhưng lòng ham muốn thì không có giới hạn. Tham cầu có thể dẫn ta lên đến mặt trăng. Còn nói được gì hơn nữa? Ai cần đến mặt trăng chứ? Chúng ta có thể suy nghĩ thêm về điểm nầy, và cố sống cần kiệm, vì nó đem đến cho ta sự bình yên.
Các căn thanh tịnh… Sự thanh tịnh của các căn là một trong những yếu chỉ của Đức Phật. Các căn của ta luôn dẫn ta đi lạc hướng. Nhìn thấy cái gì đẹp, ta liền muốn sở hữu ngay, dầu chỉ là một đóa hoa. Nhìn thấy hoa đẹp, liền khiến ta có những hành động sai quấy như hái hoa, khiến cánh hoa bị hủy hoại, không còn mang lại niềm vui cho ai khác nữa.
Thực tập chánh niệm giúp ta nhận thức được rằng nghe chỉ là nghe, thấy chỉ là thấy. Nghe chỉ là âm thanh. Thấy chỉ là cảnh. Rồi tâm bày vẽ thêm bao điều quanh những cái ta thấy nghe như là: “Cái nầy đẹp quá, tôi muốn có. Cái kia xấu quá, tôi không muốn nhìn, muốn nghe về nó nữa”. Các căn của ta không ngưng tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Chúng ta đâu muốn không được thấy, nghe, ngửi, sờ, nếm. Cuộc sống của ta sẽ khó khăn biết bao nếu thiếu chúng, nhưng chúng cũng mang đến cho ta bao ảo tưởng trong cuộc sống. Chúng giống như các nhà ảo thuật vì bất cứ lúc nào, khi vừa tiếp xúc với bên ngoài, chúng lập tức khiến tâm ta tạo ra bao tiếng vang dội, phản ứng. Do vậy ta luôn phải canh các cánh cửa giác quan để cho dầu có thấy, có nghe, có ngữi, có xúc chạm, chúng ta cũng không sinh tâm luyến ái hay ghét bỏ. Điều nầy rất khó thực hiện, nhưng là một yếu tố quan trọng gíup ta thoát khỏi được khổ đau.
Vào thời Đức Phật còn tại thế, có một vị tu sĩ trưởng lão, tên là Bahia. Là người đã tu nhiều năm, cũng được bao người kính trọng, nên vị tu sĩ nầy nghĩ là mình đã đắc đạo. Ông nghĩ mình đã dứt bỏ được nhiều ham muốn, sân hận trong nhiều năm. Một đêm kia, một vị thần hiện ra nói với ông: “Bahia, ông chưa thật sự đạt được giải thoát giác ngộ. Thật ra, ông còn chưa biết đến con đường đưa đến giác ngộ”. Nghe vậy, thầy Bahia rất giận, ông nói: “Gì chứ? Tôi mà không biết con đường giải thoát giác ngộ sao? Vậy thì ai biết? Hãy nói cho tôi biết mau”. Vị thần trã lời: “Chính Đức Phật mới là người biết con đường đi đến giác ngộ. Hãy đến tham kiến Người”.
Thầy Bahia liền hỏi thăm nơi Đức Phật ở. Vị thần liến bảo cho ông biết, lập tức, giữa đêm khuya, thầy Bahia ngồi dậy, bắt đầu đi tìm Đức Phật. Sáng hôm sau, ông tìm đến ngôi nhà nơi Đức Phật đang trú ngụ, nhưng người ta trã lời: “Xin lổi. Ông không thể gặp Đức Phật bây giờ. Ngài đang đi khất thực”. Bahia trã lời: “Tôi sẽ đi tìm Ngài”. Lại được trã lời: “Không. Xin ông đừng đi. Đức Phật không trã lời tham vấn khi Ngài đang đi khất thực”. Nhưng Bahia nhất quyết làm theo ý mình. Vì ông rất nóng lòng muốn biết con đường đưa đến giác ngộ.
Ông chạy tìm và gặp Đức Phật đang trên đường khất thực. Ông đảnh lễ Đức Phật và nói: “Thưa Ngài, tôi muốn được hỏi Ngài một câu”. Đức Phật trã lời: “Bahia, ông đã đến không đúng lúc”. Bahia lại hỏi và lại được trã lời: “Ông đã đến không đúng lúc”. Bahia lại hỏi đến lần thứ ba, Đức Phật nói: “Thôi được rồi Bahia. Thế ông muốn biết điều gì?” Bahia đáp: “Tôi muốn biết con đường đi đến giác ngộ”. Đức Phật trã lời: “Nầy Bahia, khi thấy chỉ thấy. Khi nghe chỉ nghe, khi biết chỉ biết”. Thầy Bahia liền tạ ơn Đức Phật rồi đi.
Buổi chiều, khi Đức Phật cùng đi với các vị đệ tử khác, Ngài nhìn thấy xác Bahia ở bên đường, chết vì một con trâu đâm phải. Đức Phật nói: “Bahia đã chứng đắc giác ngộ trước khi chết”. Bahia đã tu hành trong ba mươi năm, và có thể trong nhiều kiếp trước đó nữa, nên đã có thể hiểu ngay những lời dạy của Đức Phật. Khi ta thấy cái gì, đó chỉ là cái thấy, nhưng ta lại vẽ thêm bao nhiêu điều về người hay vật ta thấy, do đó sinh ra thương ghét. Với các giác quan khác cũng thế, kể cả cái biết, cái nghĩ suy. Tất cả các căn đều không thể khiến ta tạo ra nghiệp kể cả ý căn, trừ khi chúng ta bắt đầu thấy ưa, thấy thích, thấy ghét, thấy chán. Thầy Bahia đã hiểu được điều đó.
Giờ có lẽ chúng ta cũng đã hiểu, và có thể thực hành như thế. Điều đó có thể thực hiện trong mọi hoàn cảnh. Tiếng ho, tiếng chó sủa, tiếng cửa mở, tiếng chuyển động -đó là những lúc ta có thể thực hành chỉ nghe tiếng động. Khi ta nhìn thấy một bông hoa đẹp, chỉ tập nhìn mà không nói rằng: “Tôi sẽ trồng loại hoa đó trong vườn”, hay, “Cho tôi đi, tôi sẽ đem chưng trong bình hoa”. Hãy chỉ nhìn, và nhận biết được các vọng tưởng khởi lên khi tiếp xúc với các căn.
Các vị A-la-hán vì đã thanh tịnh được các căn, đã buông bỏ được mọi ham muốn, nên được tự tại. Đó là sự tự tại với chính mình, khi không có gì được, có gì mất.
Thanh tịnh các căn, không có nghĩa là hủy bỏ các căn hay đè nén chúng. Chỉ có nghĩa là nhận biết được các căn bằng trí tuệ, biết được bản chất chân thật của chúng. Khi chân bị đau, liền biết đó là do xúc chạm. Từ xúc chạm dẫn đến cảm giác, trong trường hợp nầy là một cảm giác khó chịu. Cảm giàc đó dẫn tới ý thức: “Đây là sự đau đớn”. Từ ý thức dẫn đến tâm hành, “Tôi khó chịu quá. Tôi phải thoát ra khỏi cảnh nầy”. Cũng như với các cảnh, cái nghe, cái thấy khó chịu, ở đây ta cũng muốn thoát khỏi cảm giác khó chịu. Sự thực tập nầy giúp ta thêm chánh niệm, để chấm dứt các hành động theo thói quen. Khi chúng ta có thể thanh tịnh dần các căn, lòng ham muốn của ta cũng dần giảm bớt, giúp ta có được sự tự tại. Vì lòng ham muốn khiến tâm ta xáo trộn, không được an. Lòng ham muốn càng mãnh liệt, sự bất an càng lớn, nhất là đối với những ước muốn không được toại nguyện. Không có được cái ta muốn có là khổ đau. Thanh tịnh các căn dẫn đến sự bình yên…
Trí tuệ… Thật thú vị khi biết trí tuệ là một trong mưới lăm điều kiện, vì ta thường nghĩ con người được sanh ra hoặc là có trí tuệ hoặc là không. Nhưng rõ ràng không phải thế. Nếu ta nằm trên giường ba tháng, ta phải học đi trở lại. Nếu ta không sử dụng cái đầu, thì ta phải học lại cách suy tư. Trí tuệ là cái có thể rèn luyện và phải được vun trồng bằng phương pháp luyện tâm trong thiền định. Nếu không tu tập thiền, rất khó định được tâm. Tâm không uốn nắn muốn đi đâu thì đi, từ hạnh phúc đến khổ đau, từ lo âu đến sợ hãi, từ phấn chấn đến trầm cảm, từ ham muốn đến nhàm chán. Tâm được rèn luyện trong thiền quán có thể sử dụng các khả năng bẩm sinh của mình một cách hữu hiệu nhất. Cần phải có trí tuệ mới hiểu được những lời dạy của Đức Phật. Tâm sáng suốt là tâm nhanh nhẹn, có thể đổi thay, theo hướng dẫn của ta. Nó sẽ đi đến nơi nào ta muốn và còn có thể phát triển. Nó không cố chấp bám vao những thói quen, lế thói, phong cách cũ mòn. Nó có thể phát triển.
Không luyến niệm … Đức Phật đưa ra một ẩn dụ rất thú vị về nam giới và nữ giới. Ngài nói: “Đàn ông giống như những con quạ bay vênh váo trên cao, tìm kiếm con mồi; phụ nữ thì như giống cây leo, mong tìm một thân cây để tựa nương. Cả hai đều phải từ bỏ tánh cách của mình. Con quạ là biểu tượng của càn bướng. Ở tu viện của chúng tôi, các chú quạ vẫn tranh phần ăn của mèo. Thật là càn, phải không? Chúng đi thẳng vào hành lang, giựt đồ ăn ngay dưới miệng mèo. Liều càn là biểu hiện của sự quyết đóan. Quyết đoán không giống như tự tin. Tự tin dựa vào sự bằng lòng với chính bản thân, khiến ta cảm thấy tự tại. Không cần phải lấn lướt ai. Không ai thích người càn bướng, chỉ biết có mình, bất chấp đến ai, giống như chú quạ kia. Trái lại người tự tin có thể tự đứng trên đôi chân, tin chắc vào khả năng, triển vọng của mình. Không cần phải cho người khác biết về những điều đó. Ngược lại càn bướng không phải là để phát huy lòng tự tin, mà chỉ thổi phồng thêm ngã chấp.
Không bị đám đông lôi kéo… Nếu người khác sân hận, ta không để lòng sân đó lôi kéo. Nếu ai đó âu sầu, ta không ủ rũ theo. Nếu người khác có ý chỉ trích ai, ta không hùa theo vì thích nói những chuyện như thế. Chúng ta có thể làm chủ được các cảm xúc của mình.
Khi chúng ta không kiềm chế được lòng sợ hãi, ta sẽ bị khiếp đảm. Khi không kiềm chế được sân hận, sẽ có giao tranh. Khi ta không làm chủ được các cảm xúc của mình, ta sẽ bị kẻ khác lôi kéo -đàm tiếu, nói xấu, hỗn loạn, khiếp đảm, chiến tranh. Để không bị cảm xúc của đám đông lôi cuốn, chúng ta cần phải cảm nhận được những cảm xúc của riêng mình, và phải trụ nơi đó. Ta phải tự biết khi nào chúng tốt đẹp, khi nào chúng xấu ác.
Hãy tránh xa những điều mà bậc hiền trí chê bai… Đó là điều kiện thứ mười lăm, có nghĩa là không phạm ngũ giới:
- Tôi nguyện không giết hại sinh vật.
- Tôi nguyện không lấy của người
- Tôi nguyện không phạm tà dâm
- Tôi nguyện không nói lời sai trái
- Tôi nguyện không uống rượu hay dùng các thứ làm mê say…
Bất cứ ai có chút hiểu biết cũng thấy nếu phạm vào bất cứ giới nào cũng đáng chê trách. Giận dữ, sân hận cũng đáng trách. Thật thú vị khi biết rằng người ta muốn bỏ tánh nầy biết bao. Không chỉ vì đó là khuyết điểm, mà vì lòng sân hận khiến ta rất khó chịu. Lòng ham muốn, tham lam tuy không bị chỉ trích bao nhiêu, nhưng cả hai cũng đều cản trở sự phát triển tâm linh của ta như nhau. Cả hai được nêu lên ở đây để chuẩn bị cho lòng từ bi đối với người khác.
Chúng ta không cần đi đâu để hỏi ý kiến của ai. Tất cả chúng ta đều có lương tâm, để tự biết hành động nào đáng chê trách. Nhưng chúng ta thường bào chữa, “Đúng, nhưng tôi phải làm vì … “, và chúng ta có cả một bảng liệt kê của bao lý do: ‘vì cô ấy quá tệ; vì anh ta không để tôi làm thế; vì lúc nào họ cũng nói …” Chúng ta cần ngưng lại ở nhận thức, “Đây là điều đáng trách”. Chỉ cần nhận biết được rằng một y( nghĩ, một lời nói hay một hành động nào đó của ta bất thiện là đủ. Cần biết, vì điều đó giúp ta tránh lập đi lập lại hành động đó. Nhưng chúng ta không cần phải tự dằn vặt mình: “Tôi thật là tệ. Tôi đã nghĩ suy, nói năng, hành động quái gở quá vậy?” Đó không phải là từ bi. Chúng ta cũng cần được thương vậy.
Không cần phải bào chữa, cải chính. Lầm lổi chỉ có nghĩa là khả năng hành động của ta chưa được viên mãn, có nghĩa là ta phải vun trồng thêm khả năng đó. Đây là mười lăm điều kiện tiên quyết để vun trồng tình cảm tình thương người khác. Đức Phật chỉ bắt đầu nói đến lòng từ bi trong đoạn kinh kế tiếp.
Bài kinh tiếp nối như sau: “Đây là điều ta phải hằng ghi nhớ trong tâm: Nguyện cho tất cả sinh linh tràn đầy muôn hạnh phúc, và nguyện cho tất cả đều được thái bình an lạc… . Nếu chúng ta luôn giữ được lời nguyện nầy trong tâm, thì ta sẽ không bao giờ có những tư tưởng chống báng lại ai.
Bài kinh tiếp nối bằng cách liệt kê đủ loại người:
Bất cứ chúng sinh nào ở trên cõi đời
Dầu cho là loại yếu ớt hay mạnh mẽ
Lớn nhỏ hoặc trung bình
Thấp cao không đồng đẳng,
Hữu hình hoặc vô hình,
Đã sinh hoặc chưa sinh,
Gần xa không kể xiết…
Chúng ta cần hướng lòng từ bi đến tất cả chúng sinh, dầu đang sống hay đang tìm đường tái sinh, hoặc là người hay súc sanh, bất kể hình thể, kích cở nào, có tướng hay không tướng, ở bất cứ cõi giới nào, không ngoại trừ chi. Chúng ta chỉ thấy được loài người, loài thú, nhưng điều đó không có nghĩa là không còn có những hiện hữu khác. Không thể vì tầm nhìn của ta hạn hẹp mà cho rằng không còn gì hơn thế nữa. Các chú ong, là một thí dụ, có thể nhìn thấy tia cực tím, nhưng ta thì không. Chó có thể nghe những âm thanh rất nhỏ mà ta thì không hề hay biết. Do đó những gì ta không thấy, không nghe, vẫn có thể hiện hữu.
Nguyện cho tất cả chúng sanh tràn đầy muôn hạnh phúc … Chúng ta mong tất cả chúng sinh đều được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Chúng ta tập không làm hại đến chúng sinh có nghĩa là ta có lòng nghĩ đến người khác. Mục đích của chúng ta là không làm hại ai. Nguyện cho tất cả được sống bình an, hạnh phúc và nguyện cho tất cả được tự tại trong lòng. Nếu chúng ta luôn biết tư duy như thế thì sẽ được bình an, tự tại nơi bản thân, và ở nơi những người ta tiếp xúc.
Câu tiếp theo: Nguyện không ai làm hại ai, Đừng lừa đảo lẫn nhau, Chớ bất mãn điều gì, Đừng mong ai đau khổ… Hãy nguyện cho chúng sinh không sát hại lẫn nhau. Dầu cho chúng ta không chấp nhận một hành động nào đó, cũng không có nghĩa là ta phải khinh rẻ người thực hiện. Hành động có thể bất thiện, nhưng hãy nhớ có thể người ta hành động như thế vì bị vô minh che phủ. Nếu chúng ta miệt thị người khác, ta sẽ tạo ra ác nghiệp cho mình. người khác đã hành động như thế cũng đã quá đủ.
Như người mẹ hiền hy sinh thân mạng để bảo vệ, che chở cho đứa con duy nhất của mình, chúng ta nên nuôi dưỡng một tình thương như thế đối với tất cả chúng sanh trong vũ trụ… Chúng ta hãy tương tượng mình như mẹ hiền của tất cả chúng sinh -và cũng có thể lắm chứ trong những kiếp quá khứ- có thể chúng ta sẽ biết phải tiếp xúc với người khác, với tất cả chúng sanh, không trừ một ai, như thế nào. Đây là những lời giáo huấn của Đức Phật, và Ngài đã khai thị cho chúng ta như những lời chỉ lối, dẫn đường. Đức Phật đã nói, nếu chúng ta có thể xếp được xương của tất cả những người làm mẹ, làm cha của ta trong hằng hà sa số kiếp, nối tiếp nhau, thì xương đó có thể bao quanh trái đất nầy không biết bao nhiêu lần. Nếu chúng ta đã có nhiều cha, nhiều mẹ như thế, thì chúng ta cũng có thể là cha, là mẹ của bao đứa con. Nếu chúng ta có thể nghĩ một cách rộng rãi bao trùm vũ trụ, thay vì chỉ với một vài đứa con của mình ở nhà, thì ta có thể trãi rộng tình thương đến cho biết bao nhiêu người. Nếu tất cả nhân loại đều là con cái của ta, dĩ nhiên ta không thể mong mỏi tất cả đều theo ý của ta muốn, chúng phải như thế nầy, hành động như thế kia. Tất cả đều không phải ‘của tôi”. Nếu chúng ta có thể tư duy như thế thì những cái ta coi là ‘cái của tôi’ hẳn là sẽ giảm bớt. Người mẹ sẽ hy sinh thân mạng để che chở cho đứa con một của mình, Đức Phật đã dạy. Chúng ta cần nên đối với mọi người bằng tấm lòng của người mẹ như thế.
Điều đó dường như không thể thực hiện được, nhưng đó là những lời khai thị, giúp ta nhận ra rằng chúng ta rất thiếu tình thương dành cho tha nhân. Điều nầy càng rõ ràng hơn, nếu như ta so sánh tình thương mình dành cho con mình với tình thương dành cho con của người hàng xóm. Nói gì đến tất cả chúng sanh trên thế giới nầy? Nhưng cũng không phải là không thể nào ươm trồng sự quan tâm, chăm sóc, thương yêu, hỗ trợ cho tất cả chúng sanh, nhất là những người đang sống trong những hoàn cảnh ngặt nghèo.
Đức Phật mỗi sáng đều toạ thiền, lúc đó Ngài thường phóng chiếc lưới từ bi ra ngoài. Với thiên nhãn của mình, Ngài sẽ cứu vớt chúng sanh nào có thể cúu vớt được. Sau đó Ngài đến với người ấy và truyền Pháp cho họ. Ngài đã hoằng pháp như thế trong bốn mươi lăm năm, đi trên bao lộ trình để đến với chúng sanh. Đó là lòng từ bi của đấng Giác ngộ. Chúng ta cũng có thể phát triển tình mẫu tử đến với những ai đang khổ đau, cũng như Đức Phật đã nhìn thấy họ khi Ngài phóng chiếc lưới từ bi.
Từ tâm siêu việt, đến cõi trời, ngạ quỷ hay khắp trong vũ trụ… Tình thương trãi rộng đến tất cả chúng sanh từ tâm rộng lớn, tâm không bị nhiễm ô cấu uế của hồng trần. Đó là tâm tỉnh thức trong thiền định. Tâm bình thường lúc nào cũng bị phiền não ngậm nhấm như chú chuột ngậm nhấm trên thân gỗ mục. Khi tâm đó tràn đầy lòng từ và bi mẫn, nó chỉ gắn chặt vào đấy, và buông bỏ những suy nghĩ tầm thường. Tâm đó không còn bị phiền não quấy nhiễu.
Không hẹp hòi, oan trái, Không hờn giận căm thù… Nhưng không có nghĩa là tất cả mọi vấn đề vụn vặt đều đã biến mất. Chúng sẽ không bao giờ biến mất. Nếu bạn thử nhìn lại trong giây lát, bạn có nhớ trong hai mươi năm qua, có ngày nào mà không có việc khiến bạn phải bận tâm? Tâm không phiền não, không chứa đựng sân hận vì tâm không phiền não tràn đầy hạnh phúc, mà tâm bình an, hạnh phúc không thể có chỗ cho lòng oán thù.
Khi đi, đứng, nằm, ngồi
Bao giờ còn thức tĩnh
Giữ niệm từ bi nầy,
Thân tâm thường thanh tịnh
Dầu ở đâu, đi, đứng, ngồi hay cả khi nằm mà chưa ngủ, ta nên ươm trồng lòng từ bi. Chánh niệm về lòng từ bi như một người mẹ đối với tất cả chúng sanh. Tâm hồn ta sẽ bị giới hạn trong tình thương dành cho một, hai hay ba, hay bốn, năm người, trong khi quanh ta có đến hơn bốn tỉ người cần được thương yêu.
Khi là cha, là mẹ, ta sẽ không thấy khó khăn biểu lộ tình cảm mình với người khác, vì ta biết tình cảm của mình đối với con cái ra sao. Cũng như ta vẫn nhớ đến cách cư xử của chính cha mẹ mình. Với những kinh nghiệm cá nhân nầy làm nền tảng, chúng ta có thể cố gắng để trãi rộng tình thương xa hơn nữa.
Phạm hạnh chính là đây... Đời sống thánh thiện ngay trên mặt đất nầy. Điều nầy tạo cho ta cảm giác hoàn toàn tự tại, yên ổn, an toàn cũng như tất cả bao trạng thái tốt đẹp khác nữa. Được thế giúp tâm ta dễ đi vào định, là một trong mười một điều lợi của tâm từ bi. Đó là một cách sống thánh thiện ngay trong hiện tại. Ta không cần phải chờ đợi đến khi ta đã vào cõi thiên mới được.
Ai xả ly kiến thủ
Có giới hạnh nghiêm trì
Đạt chánh trí viên mãn,
Không ái nhiễm dục trần,
Thoát ly đường sinh tử
Những lời trên dường như diễn tả một vị A-la-hán. Khi ta sống không còn chấp kiến… Bất cứ là gì! Chánh kiến duy nhất là Tứ Diệu Đế, đưa ta đến giác ngộ. Ngoài ra quan điểm chỉ là quan điểm, không dựa trên những kinh nghiệm đích thực.
Nazarudin, một vị thần Sufi vĩ đại, đã từng nói: “Đừng nhọc công tìm kiếm giác ngộ. Chỉ cần biết buông bỏ quan điểm, ý kiến”. Buông bỏ kiến hoặc không có nghĩa là đánh mất sự phận biệt phải trái trong hành động của ta. Nhưng nhiều người trong chúng ta chứa chấp những quan điểm, ý kiến tự trói buộc mình vào ngục tù của tâm. Buộc họ, cũng như người chung quanh phải nói năng, hành động, dáng vẻ như thế nào, và thế giới phải như thế nào…
... Có giới hạnh nghiêm trì, đạt chánh trí viên mãn … Tuệ giác tròn đầy đạt được là nhờ ở nền tảng của các đạo đức vẹn toàn.
Không ái nhiễm dục trần… Mọi ái dục đều được đoạn trừ, không còn ham muốn điều gì, thì không còn khổ não. Đó là cánh cửa mở đến niết bàn, giải thoát hoàn toàn mọi mong cầu.
Không còn phải luân hồi sinh tử. Không tái sinh! Bài kinh nầy dẫn ta đi từ những trạng thái bình thường của khả năng, chất phác, ngay thẳng và khiêm cung, đến giác ngộ chỉ trong vài vần thơ ngắn ngủi. Trước hết ta phát tâm từ bi thương yêu đến tất cả chúng sanh như thể thương yêu con cái của mình, nhờ đó giúp ta đi vào thiền định, vì từ bi là một trong ba trụ thiền. Khi luôn có tâm chánh niệm, ta có mặt ‘ngay trong giờ phút nầy và ở tại nơi đây”, nên ta không còn chấp kiến về ngã, về nhân, về thế giới bên ngoài ta. Dựa trên nền tảng đạo đức đó, ta sẽ có được tuệ giác và giác ngộ. Một con đường thẳng tắp, không lối ngang, ngã rẽ, không phải luận bàn gì nữa, chỉ cứ thế mà thực hành.
Đó là những điểm trọng yếu của bài kinh quen thuộc nầy, lời kinh quen thuộc, nhưng hành động thì khó làm. Đức Phật đã truyền cho chúng ta những lời dạy rõ ràng để thanh tịnh hoá tâm, chỉ cho ta cách xếp đặt cuộc đời mình trong ngoài vẹn toàn. Tất cả đã bày sẳn cho ta nắm bắt, nhưng không ai có thể làm thay cho người khác. Mỗi người phải tự dấn thân.
Xưa có một người tìm gặp Đức Phật để tham vấn. Ông ta nói rằng đã nghe pháp của Phật nhiều năm nay, trong thời gian đó, ông ta đã được gặp gở với nhiều vị tăng ni, đệ tử của Đức Phật. Ông ta đã kết thân với một số họ, và thấy rằng có người đã hoàn toàn thay đổi. Họ đã trở nên từ bi, tử tế, thông thái, kiên trì hơn, nhưng cũng có nhiều người không thay đổi gì cả. Lại có người còn đánh mất tính kiên nhẫn, không còn thương yêu hay tử tế với người khác nữa. Trong khi tất cả các vị tăng ni nầy đều cùng nghe những bài thuyết pháp gi
Đức Phật bèn hỏi người đó: “Nhà ngươi ở đâu?”. Người đàn ông trã lời: “Ở Rajagaha”. Đức Phật lãi hỏi: “Thỉnh thoảng ngươi có về thăm lại Rajagaha?” Người kia trã lời: “Tôi vẫn thường trở lại nơi đó, vì tôi có công việc làm ăn và gia đình ở đó”. Đức Phật lại hỏi: “Ngươi có biết đường về Rajagaha?” Người ấy trã lời: “Tôi biết rõ đến độ có thể đi trong đêm. Tôi không cần phải nhìn nữa, tôi biết đường quá rõ”. Đức Phật lại nói: “Nhưng nếu có người muốn đi Rajagaha, ngươi có thể chỉ lại không?” Người kia trã lời: “Nếu Ngài thấy ai cần giúp, cứ bảo họ đến tìm tôi, vì tôi có thể chỉ họ rõ ràng. Tôi đã đi trên con đường ấy quá nhiều lần”. Đức Phật nói: “Ta tin ngươi. Nhưng nếu ngươi chỉ cho họ đường đi đến Rajagaha, nhưng họ cứ ở mãi trong thành Benares, đó có phải do lỗi của người không?” Người kia trã lời: “Dĩ nhiên là không. Tôi chỉ là người chỉ đường thôi”. Đức Phật trã lời: “Ta cũng thế. Ta cũng chỉ là người chỉ đường”.
Tất cả những gì các bạn đã nghe, đã ghi chú hay đã hiểu, chỉ là những cột mốc, bảng tên đường cho bạn biết hướng đi đúng sai. Nhưng nếu chúng ta không bắt đầu khởi hành thì ta sẽ mãi là người lữ hành tại chổ. Bài kinh về lòng từ bi cần được thực hành. Không có lời giả dối trong đó, mỗi chữ đều có ý nghĩa, đều rõ ràng.
Đức Phật lại nói: “Nầy các tỳ kheo, nếu tất cả những lời ta nói không đem lại lợi ích cho các ngươi, ta đã không bảo các người nghe theo. Điều nầy có thể thực hiện được”. Đức Phật bảo chúng ta có thể phát khởi tâm từ bi như mẹ hiền đến với tất cả chúng sanh. Cũng như chúng ta có thể chứng ngộ, nếu không Đức Phật đã không khuyên tất cả đệ tử của Ngài như thế. Một điều chắc chắn rằng chúng ta có thể chỉ phát thiện tâm, chỉ tràn đầy bi mẫn. Ý nghĩ quan trọng hàng đầu. Cần phải suy tư, khởi ý như thế nào, trong kinh nầy đều đã nói rõ. Chúng ta suy nghĩ như thế nào sẽ khiến ta phải chịu phiền não, âu lo, bất ổn hay bình an, hạnh phúc.
Bài kinh được bắt đầu bằng những điều ta cần làm để được bình an. Không phải là những điều ta cần làm cho tha nhân. Mà là những điều ta cần làm cho chính bản thân, đó là động lực thúc đẩy ta phải hành động. Đúng thế, vì chỉ có ta mới có thể tự sửa đổi lấy mình. Tha nhân sẽ được hưởng phúc lợi từ lòng từ bi của ta, chỉ là thứ yếu. Điểm chính yếu ở đây là tâm thanh tịnh của ta, đó mới là mục đích chính. Trước hết ta cần phát khởi tâm từ bi, sáng suốt. Hai đặc tính nầy đi với nhau, vì tâm tràn đầy tình thương không thể có chỗ cho sự hỗn loạn. Tâm không xáo trộn là tâm có thể tư duy, nói năng rõ ràng.
Khi ta đã quyết thanh tịnh hoá tâm, ta có thể tận dụng bài kinh nầy để làm thước đo: “Tôi đang làm gì? Tôi có đang hành động theo lời kinh dạy?” Đó là một trong những cách để biết chắc rằng chúng ta không bị lạc đường. Không cần phải tự trách mình. Chúng ta có thể chuyển đổi tâm mình. Không khó khăn gì. Chúng ta càng tinh tấn hành thiền, việc đó càng dễ thực hiện. Khi đó tâm ta trở nên mạnh mẽ, khiến ta có thể chuyển hoá tâm theo ý mình. Người mà có thể làm chủ mọi tư tưởng của mình, là người đã đạt được tri kiến.
-ooOoo-
Chương 9
BỐN HỈ LẠC
Tất cả chúng ta đều kiếm tìm hạnh phúc, nhưng rất ít người bắt được. Hai điều trong Tứ diệu đế của Đức Phật đã nói rằng hạnh phúc thế gian là ảo tưởng, vậy mà ta chẳng bao giờ từ bỏ hy vọng tìm thấy nó. Tuy nhiên điều đó cũng không hoàn toàn xấu, vì nếu không có lòng mưu cầu hạnh phúc, ta sẽ trở nên thối chí, nản lòng khi không thể tìm được hạnh phúc hoàn toàn.
- Hỷ Lạc Do Các Cảm Thọ Mang Đến
Đức Phật nói về bốn loại, bốn cấp bực của hạnh phúc. Thứ nhất là dục giới, hỉ lạc do sự cảm thọ của các giác quan mang đến. Đức Phật ví đó giống như một con bò chỉ có da, trong khi bọn ruồi đậu thì cố tìm thịt sống, nên luôn tạo ra sự đau khổ. Đó là một cái nhìn sâu sắc về ngũ dục. Đức Phật cũng nói về ngũ dục là phương tiện đầu tiên đem lại cho ta hạnh phúc. Và phần đông chúng sanh trụ ở cấp bực nầy. Nhưng không phải lúc nào ta cũng nắm bắt được dục lạc ta tìm kiếm, ngay như ta có tìm được, thì nó cũng đến rồi đi, do đó không thể có hạnh phúc trường cửu qua sự tiếp xúc của sáu căn với sáu trần. Khi sự xúc chạm đem lại cảm giác dễ chịu ta thấy hạnh phúc. Nhưng cũng có những sự xúc chạm, đem lại khó chịu, khi cơ thể ta không được thoải mái hay khi ta không được nghe những lời mát lòng mà ta muốn được nghe, không được nếm những mùi vị ta ưa thích, hay ngửi phải mùi hôi thối, hay nhìn thấy những cảnh ta không thích. Không ai thoát khỏi những cảnh nầy. Không ai có thể sống mà không kinh qua những xúc chạm gây khó chịu.
Nhưng cũng không có ai đi qua cuộc đời mà không kinh qua những cảm xúc dễ chịu. Nếu có nghiệp thiện, ta có 50-50 cơ hội. Phân nửa thời gian ta được những xúc chạm dễ chịu, phân nửa không. Phần đông chúng ta tìm cách để tăng thời gian của xúc chạm dễ chịu lên, và muốn chúng xảy ra 100 phần trăm lần, là điều không thể có. Không thể nào có chuyện đó, nhưng người ta vẫn theo đuổi chúng. Và lại trách cho hoàn cảnh bên ngoài khi cảm xúc khó chịu hay cảm giác đau đớn dấy khởi làm cho ta đau khổ. Lý do thật sự, dĩ nhiên, nằm bên trong chúng ta, vì chúng ta phản ứng lại với các cảm xúc.
Người càng trong sạch, càng có nhiều lạc thọ. Một tâm hồn trong sáng sẽ tìm thấy niềm vui ở những điều nhỏ nhặt nhất. Một ngày đẹp trời, thảm cỏ xanh, một cuộc đàm thoại thú vị.
Người không trong sạch có lẻ chẳng để ý đến những thứ nầy. Có thể họ chẳng bao giờ biết ngắm bầu trời đẹp hay một thảm cỏ xanh. Có lẻ họ đi tìm cảm xúc ở những thứ tầm thường hơn. Rượu, thuốc phiện, đồ ăn ngon, gái đẹp, có lẻ là những thứ mang đến cho họ lạc thú hơn.
Nếu các cảm xúc thanh tao, vô hại thì đâu có gì là xấu. Tuy nhiên Đức Phật cho rằng chúng nguy hiểm vì ta dễ biến chúng thành mục đích của đời sống, con đường ta phải đeo đuổi, ta cố gắng tìm thêm, tìm thêm và giữ chúng lại bên ta mãi mãi. Đó chính là sai lầm của ta, vì điều đó không thể thực hiện được. Không có cảm thọ nào vĩnh viễn cả. Thật ra nếu chúng vĩnh viễn thì chưa chắc chúng còn cho ta những cảm giác thích thú. Hơn nửa cũng không thể chắc là ta có thể tìm được các khoái cảm. Việc tìm kiếm làm chúng ta mất thì giờ, sức lực, ta sẽ không còn thì giờ để làm những việc có ý nghĩa hơn.
Thân có các giác quan. Điều đó hiển nhiên. Tuy nhiên nếu chánh niệm, ta có thể thấy rằng các cảm giác dễ chịu do sáu căn mang lại đều là của báu của người ngu. Chúng lấp lánh, nhưng chẳng có giá. Ta có thể nhìn ngắm vẻ hào nhoáng đó, nhưng chớ bám víu vào chúng. Vậy mà chúng sinh vẫn cứ luôn đau khổ vì không thể có được những gì do sáu căn đem lại.
- Hỷ Lạc Của Chư Thiên
Hạnh phúc thứ hai là hạnh phúc như ở cõi Trời. Nói thế không có nghĩa ta phải thành thánh, hay phải chết trước đã, mới được vào cõi Trời Dục Giới. Điều đó xa vời, không liên quan gì đền đời sống hiện tại của ta. Nhưng thật ra, người đã vun trồng được bốn đặc tính cao quý (tứ vô lượng tâm): từ, bi, hỷ và xả sẽ được hưởng niềm vui của cõi Trời Dục Giới. Thứ hạnh phúc đó được so sánh với sống trong thiên đàng ở cõi giới. Thứ hạnh phúc đó không tùy thuộc vào ngũ dục mà chỉ tùy thuộc vào tâm ta. Điều kiện duy nhất là phải thanh tịnh hoá tâm ta để có thể chứa đựng được từ, bi. Cả từ và bi là hai đặc tính của trái tim, cũng như thông minh là đặc tính của trí tuệ, chúng có thể được vun trồng, nuôi dưỡng. Khi ta đạt được những điều đó, thì hạnh phúc, an lạc sẽ ở tại tâm. Tha nhân cũng sẽ được nhờ, nhưng ta là người được hưởng quả an lạc trước tiên, vì lúc đó tâm ta hoàn toàn không phụ thuộc vào những gì xảy ra quanh ta. Người khác nói gì, làm gì, chuyện gì xảy ra hay không xảy ra trên thế giới nầy, đều không ảnh hưởng đến ta. Khi tim ta đã được ươm trồng thanh tịnh với từ, bi, thì không có gì có thể đụng chạm đến nó. Có một sự an lạc, hài hòa, dễ chịu, một cảm giác an toàn luôn ngự trị trong tâm trí ta.
Niềm vui nầy thanh cao hơn so với niềm vui do ngũ dục mang đến. Tự nó không dẫn đến sự gỉai thóat, nhưng chắc chắn nó là hành trang cần thiết trên đường đến giải thoát.
Từ và bi, tự chúng không sinh ra cái thấy bên trong. Chúng chỉ làm lắng dịu những ngọn sóng tình cảm. Khi những làn sóng của đau khổ, buồn phiền, lo âu, sợ hãi, ganh ghét, tị hiềm, hối hận, cuối cùng lắng xuống thì mặt nước sẽ trong xanh, không gợn sóng, giống như một tấm gương, tấm gương của tâm. Tấm gương đó giúp ta thấy mọi việc rõ ràng. Không có sự vun trồng những tình cảm tốt đẹp đó, ta không thể phát triển hơn. Ta có thể hiểu Pháp, nói Pháp nhưng ta không thể đoạn trừ đau khổ. Những ngọn sóng tình cảm là vực chắn. Chúng không chỉ ngăn trở cái nhìn của ta được rõ ràng, mà còn che khuất chính con đường ta phải đi. Khi còn u mê, mờ mịt, ta sẻ không biết mình đang đi đâu. Thậm chí có thể quên rằng mình đang dự vào một cuộc hành trình nào đó.
An lạc ở cõi Trời Dục Giới không tùy thuộc vào luân hồi, sinh tử. Nó có thể xảy ra ngay ở đời sống hiện tại. Đó là sự tu tâm, và ai cũng có thể tu được. Không cần phải theo khóa thiền nào, hay phải là người đặc biệt gì, ai cũng có thể làm được. Đây là một niềm vui có thể tìm thấy do chính sự tu tập không cần phải tìm kiếm đâu xa.
- Hỷ Lạc Qua Nhiếp Tâm
Niềm vui thứ ba đến từ sự nhiếp tâm trong thiền định. Niềm vui nầy cũng chỉ có được khi ta đã thanh tịnh hóa hành động của mình, đã có được sự độ lượng, lòng từ ái trong tâm hồn. Nó cũng không đòi hỏi ta phải là người hòan toàn, vì chỉ có bậc A la hán mới được như thế. Nó chỉ đòi hỏi chút khoáng đạt trong tâm.
Người tu thiền thường tìm được niềm vui như thế. Nhưng ta cần phải huân tập sự chú tâm, thường xuyên thực hành tọa thiền để đạt được sự lắng sâu trong thiền định. Có rất nhiều mức độ của niềm vui, thanh thoát, dễ chịu khi thiền định. Chúng giúp cho tâm được an lạc ngay cả sau khi đã xả thiền.
Người mà có thể lắng tâm trong thiền định và tìm được hỉ lạc trong đó là người có thể tìm thấy niềm vui ngay cả trong những hòan cảnh bất như ý. Người đó biết rằng bất cứ lúc nào mình cũng có thể được sự an lạc của trong thiền định. Biết được như thế, tạo cho họ cảm giác dễ chịu trong tâm vì không có gì còn là quan trọng với họ nữa. Khi một người có thể nhập định lúc nào họ muốn, trong bao lâu tùy họ, thì đó là thực tại của họ, không phải những tranh giành, cãi cọ, chiến tranh, tương lai, quá khứ làm họ bận tâm như bao nhiêu người khác. Những thứ đó không còn quan trọng đối với họ. Thực tại trụ ở trong niềm vui của thiền định.
Nhiếp tâm hay chánh niệm cũng sửa soạn cho tâm. Nó mang đến cho tâm không những chỉ khả năng hạnh phúc, mà cả khả năng duy trì niềm vui đó. Tâm có thể ổn định theo ý mình, là tâm kiên cố. Tâm chúng sinh khó ổn định. Nó luôn dao động mà không cần một động lực nào tác khởi, vì đó là bản thể của nó. Nó không đủ sức mạnh để xuyên qua bức tường ảo tưỡng. Trước bất cứ trở ngại nhỏ bé, hoặc một lời chê bai nhẹ nhàng, hay hơi khó chịu của cơ thể, tâm yếu đuối như bún lập tức tan thành mãnh vụng. Nó còn làm được gì khác hơn chứ?
Tâm kiên cố cứng như đá tảng, không thể lay chuyển. Một tảng đá kiên cố chắc chắn là một dụng cụ tốt hơn cọng bún để đập bể bức tường. Tâm kiên cố sẽ không lay chuyển trước những khó khăn nào. Nó có đủ sức mạnh để xuyên qua thực tại của cuộc sống, tiến đến một thực tại tuyệt đối hơn.
Có tám mức độ của sự nhiếp tâm trong thiền định, giống như tám căn phòng trong một ngôi nhà. Nếu cuối cùng ta đã có thể tìm được đúng chiếc chìa khóa để mở căn phòng thứ nhất ở cửa ngoài, thì không có lý do gì ta không thể đi vào những căn phòng khác. Không có gì khó để tìm ra chìa khóa vào căn phòng đầu tiên. Chìa khóa là sự chủ tâm vào hơi thở, và cánh cửa phòng ngoài được mở khi ta tiếp tục hành thiền với lòng kiên trì và quyết tâm. Ta sẽ không bỏ nửa chừng ‘À, đủ rồi, chân ta đã đau rồi’, hay ‘Có ích gì?’ hay ‘Cho kiếp sau à?’ hay ‘Khó quá cho tôi’, hay bất cứ lý do nào khác.
Đức Phật dạy “Kẻ ngu nói: ‘Sớm quá. Trể quá. Nóng quá. Lạnh quá. No quá. Đói quá’”. Cánh cửa đằng trước mặt chỉ chờ ta mở ra. Ta lại có chìa khóa. Và ta chỉ cần tra chìa khóa vào ổ khóa. Khi cửa mở, ta sẽ thấy các phòng đều hoành tráng. Sự hoành tráng ở ngay trong tâm trí ta nhưng hiện giờ nó còn bị khóa. Ta sẽ không thể mở khoá nếu như ta không biết tu thiền. Nhiều người không bao giờ có thể mở được khóa vì họ không biết chìa khóa là gì hoặc không biết có một cửa vào như thế. Chúng ta rất may mắn được biết lối vào, và có thể cửa đã hé mở cho ánh sáng tràn vào.
Khi sự nhiếp tâm đã được kiên định một thời gian, tâm sẽ trở nên trong sáng, và thân thanh tịnh. Mỗi giây phút nhiếp tâm là mỗi giây phút thanh tịnh. Những ô trược mà ta thường đắm chìm, mang lại cho ta bao đau khổ, phiền não được gạt sang một bên trong thiền định. Càng có cơ hội để gạt chúng sang một bên, chúng càng khó thể trở thành thói quen của ta. Ta càng thường có thể nhiếp tâm, ta càng dễ lãng quên chúng. Lúc đó việc đạt được một tâm trong sạch, sáng lạng chỉ là việc dễ dàng thôi.
Sự nhiếp tâm bắt đầu bằng những cảm giác dễ chịu. Những cảm giác nầy dấy khởi vì tâm ở trong trạng thái đó không bị quấy nhiễu. Điều nầy chứng tỏ cho chúng ta thấy là nếu ta không phiền não, và giữ được tâm luôn trong sáng, thanh tịnh thì ta luôn có những cảm giác thoải mái, dễ chịu.
Ở đây ta đã biết về những thành quả ta có thể đạt được, điều đó làm ta muốn được ở trong trạng thái đó lâu dài. Niềm mong ước lành mạnh, lợi ích dần dần đưa ta đến trạng thái không còn mong cầu, do đó không còn đau khổ, thất vọng.
Sự nhiếp tâm bắt đầu bằng cảm giác dễ chịu, rồi dần dần đưa ta đến trạng thái an lạc, hạnh phúc. Điều nầy chứng tỏ một lần nữa là tâm thanh tịnh chỉ biết có an lạc. Khi có phiền não, thì có ô trược. Hai thứ nầy đi với nhau như hình với bóng. Người an lạc không mong đạt được hạnh phúc qua các căn trần vì họ biết chúng rất ngắn ngủi. Người hạnh phúc thật sự là người luôn an lạc mà không phụ thuộc vào ngoại cảnh. Người như thế sẽ dễ dàng nhiếp tâm thiền định, để tìm cho tâm mình một chỗ an trú thanh tịnh, không còn phiền não dấy khởi. Còn phiền não là do tâm ta còn chưa thanh tịnh. Khi có phiền não dấy khởi, nếu ta nghiệm xét sẽ thấy rằng do có sự ô trược ngầm ẩn chứa trong tâm. Nếu không tìm ra được điều đó, thì do ta chưa thật sự soi xét lại mình.
Khi ở trong thiền định, tâm không còn bị năm chướng ngại quấy nhiễu. Khi các cảm giác dễ chịu, an lạc dấy khởi thì tâm hỉ, xả cũng theo sau. Xả bỏ đưa đến cảm giác không còn ham muốn điều gì. Có người còn có cảm giác mình hoàn toàn không còn tham ái dục nữa nhưng đó chỉ là ảo giác. Dầu gì, ít ra trong những giây phút đó, lòng ham muốn cũng bị hoại diệt.
Đó là một kinh nghiệm quí báu khi đạt đến trạng thái không còn tham dục. Đó là một niềm hạnh phúc tuyệt đối. Một hạnh phúc đáng kiếm tìm. Khi đã kinh qua kinh nghiệm đó, ta sẽ biết được mình phải theo đuổi điều gì. Không phải là theo đuổi để được việc gì. Mà theo đuổi để cởi bỏ hết mọi thứ. Đây là điều nhiều người đã lầm tưởng một cách khá buồn cười. Khi mới bắt đầu tọa thiền, ta mong tìm được an bình, vui vẻ, hạnh phúc tuyệt vời, là những điều ta chỉ có thể có được khi ta đã buông bỏ những thứ khác. Như chấp ngã và tham dục.
Khi ta đã được nếm -dầu chỉ trong giây phút- niềm hạnh phúc tuyệt vời của lòng không tham dục, ta biết mình phải làm gì. Không phải để đuổi theo sự hỉ lạc, mà cái ta cần ươm trồng chính là sự cởi bỏ, buông xả. Không có sự buông xả, đời sống là một chuổi dài của ham muốn. Sự buông xả là câu trã lời cho mọi chứng bịnh đạt thành tích, dầu trong thế gian hay trong đời sống tu hành. Cố gắng để đạt được cái gì đó trong đời sống tu hành thì cũng mê muội như cố gắng đạt được điều gì trong đời sống thế gian. Không có gì cần đạt được. Chỉ cần tập buông xả. Càng cởi bỏ nhiều ràng buộc với chấp ngã, lòng ham muốn và những thứ tương tự, thì hạnh phúc tuyệt vời càng dễ đến hơn.
Niềm an lạc do thiền định mang đến dựa vào sự thanh tịnh. Cũng vậy, trong đời thường, nếu ta biết gieo trồng thanh tịnh, thì ta cũng sẽ được an vui. Tuy các cảm giác dễ chịu, an lạc, xả bỏ trong thiền định thâm sâu hơn các lạc thọ thế gian, nhưng trước hết ta phải thanh tịnh trong đời thường, rồi ta mới có thể tìm được sự thanh tịnh trong thiền định. Chúng đi đôi với nhau. Ta càng khó tìm được các cảm giác dễ chịu khi tham thiền, thì ta càng phải nổ lực thực tập thanh tịnh hoá thân tâm hơn.
Niềm vui trong thiền định được coi là thành quả tối ưu mà ta có thể đạt được. Đó là một sai lầm, vì niềm vui đó cũng chỉ tạm thời, và không hòan toàn độc lập, hay vô điều kiện. Có nhiều điều kiện kèm theo như là: phải có nơi yên tịnh, thân thể phải khỏe mạnh để có thể ngồi yên, và có khả năng nhiếp tâm. Dầu niềm vui nầy không phụ thuộc vào căn trần bên ngoài, nó vẫn còn phải tùy thuộc vào các điều kiện của thân, tâm. Niềm vui đó chưa phải là tuyệt đối.
- Hỷ Lạc Qua Kiến Tánh
Niềm hạnh phúc thứ tư, ở cấp bậc cao nhất, là niềm vui của nội tâm hay là cái thấy, còn gọi là kiến tánh. Kiến tánh, trong ngôn từ Phật học, được dùng khi nói đến sự hiểu biết về vô thường, phiền não và vô ngã. Nếu ta có thể thấy rõ được bản tánh của một trong ba đặc tính nầy, thì ta biết tất cả, vì chúng liên hệ nhau.
Niềm hạnh phúc tuyệt vời của kiến tánh có nghĩa là ta đã dẹp bỏ được chấp ngã. Khi ta có thể buông bỏ cái tôi, thì ta sẽ nhẹ nhàng, giải thoát xiết bao.
Ramana Maharshi, một hiền triết ở miền Nam An Độ, so sánh những vọng tưởng về Ngã chấp giống như một người hành khách trên tàu hỏa. Đã bước vào toa rồi, người ấy cứ đứng ôm chặt các hàng lý trong tay, thay vì bỏ các hành lý vào chỗ để hành lý. Cũng thế, dầu không cần thiết, ta luôn mang mớ hành lý nặng nề của ngã chấp theo bên mình. Những vọng tưỡng về ngã chấp làm ta thấy mọi việc đều có vẻ đe dọa, tấn công ta, họa hoằng lắm thì bảo vệ ta, nhưng khó đối trị, như ngọn núi ta phải vượt qua. Nó làm cho cuộc đời thêm khó khăn.
Các món phiền não, ô trược là lòng ham muốn, sân hận, yếu đuối, lo âu, càn bướng, bám víu vào quan điểm riêng của mình. ‘Khi ta hoàn toàn buông bỏ các quan điểm, ý kiến của mình, ta có thể nhìn thấy bản thể của mọi vật rõ ràng hơn’, đó là đức tính của bậc A-la-hán. Với chúng ta, các quan điểm, ý kiến chính là sự thất bại của ta. Khi ta bắt đầu ‘bảo vệ’ quan điểm, ý kiến của mình, thì thực ra ta đang bảo vệ cho cái tôi của mình. Sự tranh cãi về một quan điểm cho ta thấy rằng quan điểm đó không được thiết lập dựa trên kinh nghiệm. Vì người ta không cần bào chữa cho kinh nghiệm. Giáo lý của Đức Phật dựa trên kinh nghiệm mà có. Trong khi quan điểm dựa vào Ngã chấp. Cả hai (quan điểm và Ngã) đều không phải là sự thật tuyệt đối.
Nhìn thấy rõ ràng tất cả những thăng trầm, biến đổi của vạn vật, trong đó có bản thân chúng ta, giúp ta thấy rằng không có gì trong cõi đời nầy đáng gìn giữ, bám víu. Nhờ có kiến tánh, ta không chống báng quan điểm của người khác, tránh nẩy sinh ra bao nhiêu phiền phức trong cuộc đời. Mỗi người có quan điểm riêng của mình. Không có gì tốt hơn là chúc phúc cho họ thay vì tranh cãi. Sự bám víu vào quan điểm của mình cho thấy là ta vẫn chưa hiểu rõ tính cách vô thường của sự vật. Nếu hiểu rõ được sự vô thường, ta sẽ không nói “Tôi thế nầy, tôi thế nọ”, để có thể xem xét sự việc cẩn trọng hơn. Tôi là ai? Tôi có phải là người sáng hôm qua được thiền định? Hay là người sáng nay toạ thiền mà cứ lo ra? Là kẻ có tâm nghi hoặc hay người hết lòng tin tưởng vào Phật Pháp? Ngưòi nào là tôi? Hay tôi là tất cả những người ấy? Nếu thé, tôi thật là hỗn tạp. Tôi phải là thiên hạ, chứ không phải một người. Vậy thì ta phải chọn lựa: Tôi là tất cả hay là không. Nếu không nhận là không, thì phải là tất cả. Thử tưởng tượng cả trăm ngàn con người khác nhau trong một con người. Nói thế không phải là khuếch đại đâu, trong suốt cuộc đời ta đã có hằng triệu tư tưởng, ý nghĩ, cảm giác, quan điểm, phản ứng khác nhau, đó là chỉ một cuộc đời. Nếu ta chọn làm tất cả thì cuộc đời ta sẽ phức tạp, đau khổ hơn nếu ta không là ai trong họ cả. Vậy thì tại sao không chọn cái không?
Kiến tánh không dung chứa Ngã chấp. Tại sao? Vì ‘cái Tôi’ muốn hiện hữu. Muốn được là gì đó. Là gì? Là ai? Ở đâu? Để làm gì? Tất cả chỉ là các quan điểm, được điều kiện hóa qua quá trình tư duy của ta. Khi ta không chấp vào bất cứ điều gì, an lạc sẽ đến với ta. Ta hạnh phúc trong sự biết chấp nhận. Không có gì cần được hòan thành, tạo tác hay thay đổi. Tất cả đều như tự thể của chúng.
Bốn mức độ của niềm vui khởi đi từ ngũ dục đến kiến tánh là một quá trình thanh tịnh hóa liên tục. Tất cả chỉ có thể chứng nghiệm bằng kinh nghiệm của bản thân. Vì lẻ đó sự tu tập cho đời sống nội tâm phải được ưu tiên. Ta không thể lơ là, chểnh mãng dù đang ở đâu, làm gì: ở bãi biển, trong thiền viện, đang lái xe, hay ở trên máy bay. Không được ngơi nghỉ. Để thoát ra khỏi ngũ dục, ta cần tập nghĩ đến việc phục vụ cho người khác trước tiên. Nghĩa là tu tập từ bi. Phúc vụ cho người khác nghĩa là tập quên mình. Phục vụ người khác có thể bằng nhiều hình thức. Giúp người rửa tay chân hay giúp người tu thiền, cũng là phục vụ, không có gì khác nhau. Phục vụ là lòng từ. Từ tâm là phục vụ. Tâm định có được là nhờ lòng từ. Một trong mười một điều lợi ích khi có từ tâm là tâm ta sẽ vào định dễ dàng.
Không nên coi định như là một mục đích, cứu cánh của ta. Đó chỉ là phương tiện. Phương tiện nuôi dưỡng tâm để quán sát thực tại. Có hai loại thực tại: tương đối và tuyệt đối. Ai cũng biết thực tại tương đối. Trong đó có đàn ông, đàn bà, trẻ, già, giàu, nghèo, ngu, khôn. Có thú vật, cây cỏ, bông hoa, trăng sao, thiên đàng và tất cả những thứ mà ta nghĩ sẽ mang lại cho ta hạnh phúc. Trong thực tại tuyệt đối, không có gì giống như thế. Chỉ có các bản thể vật chất của những thứ tạo ra bởi tâm. Tất cả chỉ có thế. Không có cái gọi là ‘tôi’, là ‘anh’. Không có gì -chỉ có bản thể sự vật luôn biến đổi. Ngay đến vũ trự quanh ta cũng thay đổi. Và chúng ta cũng thế.
Tâm định, an lạc, hạnh phúc là tâm có thể chấp nhận được thế giới luôn biến đổi nầy và xử đụng nó như thế nào để có ích. Tâm không ổn định sẽ không thể chấp nhận những việc bất như ý, họ nói: “Nhưng tôi muốn được hạnh phúc, sung sướng”. Đó là tâm của đa số chúng sanh. Tâm luôn an lạc không phụ thuộc vào ngoại giới, là tâm có thể nói: “Đây là sự giải thoát ra khỏi những khổ đau. Đây là hạnh phúc thực sự”. Tâm đó sẽ nhìn rõ được thực tại tuyệt đối của tất cả những gì đang xảy ra trên thế giới, không phải bám víu, nương tựa vào bất cứ điều gì, không phải trở thành gì, hay là gì đó trong đời. Tâm chỉ làm những gì cần thiết phải làm ở một thời điểm nào đó, rồi buông xả.
Niềm vui kiến tánh không phải là sự tưng bừng, oà vỡ. Đó là thứ hạnh phúc chứa đựng sự bình an, không phải có được do tham cầu, mong ước. Khi không còn vọng tưởng, tâm chân thật sẽ nhận biết được điều đó.
oo0oo
Chương 10
NGŨ UẨN
Khi mới bắt đầu hành thiền, ai cũng rất phấn khởi. “Tôi sẽ thực tập thiền thật tốt kể từ hôm nay”. Sau vài ngày, khi đã quen quen, thì tâm bắt đầu suy nghĩ: “Không biết tu tập đến chừng nào đây? Biết bao giờ mới chấm dứt?” Nó sẽ chấm dứt, tôi bảo đảm với bạn, vì mọi thứ đều phải chấm dứt. Không có gì vĩnh cữu.
Khi tâm bắt đầu bàn ra, ta cần nhận biết điều đó để tự nhủ: “À, tâm lại sắp dở trò gì đây?” Đừng nghe theo nó. Ta đã không nghe nó khi đang tọa thiền thì tại sao lại phải nghe nó lúc khác. Có toạ thiền hay không, tâm cũng thích đùa cợt ta.
Mỗi khi tâm nói những lời như :”Tôi bỏ cuộc. Tôi sẽ chẳng bao giờ có thể giác ngộ” hay “Tôi tiến bộ quá rồi, tôi có thể nghĩ xã hơi”, thì ta phải trấn an tâm bằng: “Hãy im đi. Tôi đang hành thiền đây”. Vấn đề là ta phải có quyết tâm, kiên định, là một trong mười điều thiện. Không có lòng quyết tâm, ta sẽ chẳng đi tới đâu cả.
Không chỉ vậy, tâm còn biết bao điều khác để nói. Không được hưởng dục lạc tâm muốn được tiêu khiển bằng những trò chơi khác. Nó vẫn thường được giúp vui, bằng bao nhiêu trò hấp dẫn. Nó thường được chuyện trò, đi đó đi đây, xem bao nhiêu cảnh lạ, đi mua sắm, chọn lựa những thứ nó ưa thích. Nó thường được gặp, làm quen với bao nhiêu bạn bè mới. Còn ở đây, toàn những khuôn mặt quen củ. Không có gì mới lạ. Không có gì đáng bàn cải, thảo luận. Nó thường được thưởng thức bao nhiêu thức ăn ngon và có quyền chọn lựa món mình thích. Còn ở đây, chi những gì được dọn lên.
Tất cả những thứ nầy đều làm tâm bực dọc, vì nó vẫn từng được mọi thứ nó muốn. Cái Tôi nói: “Tôi muốn làm theo ý tôi, không theo ý ai cả”. Chúng ta đã quá quen suy nghĩ nhu thế đến nổi ta chẳng bao giờ ngừng lại đề suy xét về thái độ nầy. Nếu biết suy xét ta đã thấy rằng: đó là lòng ham muốn, tham đắm. Chính lòng ham muốn đó sẽ đưa chúng ta đến khổ đau. Không thể khác hơn được.
Khi tâm bắt đầu ‘dở chứng’, ta phải biết cách đối trị tâm. Hãy làm bà mẹ. Để nói với tâm, như một đứa trẻ đang quấy, rằng bạn chỉ muốn điều tốt lành cho tâm, muốn bảo vệ tâm và bạn biết điều gì tốt cho nó. Hãy vừa làm người mẹ, vừa là đứa con. Thông thường ta là năm mươi hay cả trăm con người khác nhau. Nghĩ tốt, nghĩ xấu, thương người nầy, ghét kẻ kia, tạo bao lăng xăng lộn xộn bên trong. Và ở đây cũng vậy, ta là mẹ, mà cũng là con. Đứa con muốn tất cả mọi thứ phải chiều theo ý nó, và người mẹ khuyên lơn: “Không. Ta phải làm cách gì tốt nhất, không hẳn là dễ chịu nhất, nhưng khôn ngoan nhất”.
Lý do tại sao có những khó khăn nầy đã được Đức Phật giải thích do sự bám víu vào ngũ uẩn của chúng ta. Là những gì ta đã được cấu tạo thành. Ngũ uẩn ở trong chúng ta. Nhưng ta vẽ vời thêm cho chúng. Rồi tin vào những điều đó như thật theo như ý muốn của tâm.
- THÂN (Sắc)
Cơ quan lớn nhất, dễ nhận thấy nhất của ngũ uẩn là Thân (sắc). Không ai không có, và không ai không khổ vì nó, không lúc nầy thì lúc khác. “Tôi không ngồi được. Đầu gối tôi đau. Lưng tôi mỏi. Bụng tôi khó chịu. Tôi chóng mặt. Tôi mệt mỏi”.
Đức Phật nói kẻ không giác ngộ, không tu tập có hai mủi tên làm đau hắn, và người giác ngộ, tu tập thì chỉ có một. Hai mủi tên đó là thân và tâm, và một mủi tên là thân. Đức Phật thỉnh thoảng cũng có bịnh nhưng Ngài vẫn tiếp tục thuyết pháp. Bịnh hoạn không cản trở được Ngài. Cuối đời, Ngài bịnh rất nặng, khi sắp sửa ra đi, Ngài nhập thiền định, rồi tịch.
Các đấng Giác ngộ, có tu tập cũng không thoát ra khỏi cái khổ do thân gây ra. Thân không hoàn toàn và luôn bất như ý. Đối với người không biết tu khi bị bịnh, bị ảnh hưởng bởi căn bịnh, tâm họ phản ứng bằng cách kêu lên: “Tôi không khoẻ. Tôi không thể làm được điều nầy, điều kia vì bịnh; cơ thể tôi đau nhức quá tôi không ngồi, nằm hay đứng được” hoặc bất cứ thứ gì đã làm họ đau đớn. Tệ hại nhất là khi ta phải thay đổi tất cả các sinh hoạt của mình theo sự đòi hỏi của thân. Có sự thay đổi nào rồi làm vừa lòng thân không? Có ai đã tìm ra phương cách gì để thân luôn cảm thấy thoải mái không? Bạn có thể di chuyển nơi nầy, nơi nọ, thay đổi khí hậu, dời từ ghế qua giường, từ giường xuống đất, rồi trở lại ghế. Có gì thay đổi không? Tất nhiên không. Lúc nào cũng có vấn đề. Nên tốt nhất là cứ ngồi yên trên gối thiền.
Thân nầy, một trong năm uẩn, có đặc tính là vô thường, luôn thay đổi. Không ai chối cãi điều nầy. Nhưng tính vô thường mang đến phiền não. Nếu ta có thể ngồi thoải mái thì cũng năm hay mười phút sau là thân thấy khác. Sự khó chịu, đau đớn lại phát sinh. Ngay như tối ngủ, nằm trên giường êm, thân vẫn không chịu yên.
Vì thân mang tính cách vô thường, biến đổi nên luôn có sự va chạm. Sự tuần hoàn của máu, chuyển động của phổi, tim, hơi thở -tất cả để duy trì sự sống, nhưng mỗi chuyển động gây ra cọ xát, va chạm. Đâu có thể nào khác hơn. Sự chuyển động gây ra những khó chịu nhỏ. Càng tỉnh thức, ta càng nhận biết rõ hơn các cảm giác khó chịu đó. Ta càng nhận ra rằng khi nào còn có thân là ta còn có khổ. Dần dần ta phải tập bỏ quên thân, không chạy theo mọi đòi hỏi của nó. Vì thân luôn có những đòi hỏi mới. Khi đã no bụng, nó đòi được bài tiết. Xong lại đòi ăn. Thân luôn đòi hỏi và không bao giờ chịu thỏa mãn. Vì thân luôn thay đổi, nó cần cho vào, cho ra luôn, nếu không nó không thể tồn tại.
Đức Phật luôn nhắc nhở chúng ta là con đường đi đến giải thoát là phải biết quán sát thân với chánh niệm. Ngài nói, ai không biết quán sát thân bằng chánh niệm sẽ không thóat khỏi vòng sanh tử. Điều đó khuyến khích ta buông bỏ không chạy theo mọi đòi hỏi vô lý của thân, cũng như giúp ta soi rọi lại tâm để thấy câu nói ‘Đây là thân tôi’ là vọng tưởng. Nếu thật sự đây là ‘thân tôi’, nếu tôi thật sự là chủ thân nầy thì tại sao thân không làm theo những điều tôi muốn nó làm? Sao nó không luôn trẻ đẹp, mạnh khỏe? Ngay cả khi trẻ đẹp, mạnh khỏe, tại sao thân có những đòi hỏi ta không thể thỏa mãn được như luôn muốn được thoải mái? Tại sao nó chết khi ta còn muốn sống?
Cho nên hoặc là tất cả đều đảo lộn, hai là ta đã có những quan niệm sai lầm trong tâm về thân, Ngã, và sự sống chết. Chúng ta ai cũng tin tưởng mãnh liệt rằng thân nầy là của ta. Nhưng ta chẳng có thể làm được gì với thân ngoài việc luôn phải thỏa mãn các đòi hỏi của nó. Cho nó vào giường khi nó mệt, cho ăn khi nó đói, cho uống khi nó khát vân vân. Ta bám theo các đòi hỏi của thân mà không thật sự làm chủ nó. Chánh niệm giúp ta chú tâm vào các chuyển động của thân, các đặc tính của thân, để dần dần nhận rõ ra rằng thân chỉ là một tổ hợp của nhiều thứ mà khi nào còn có sự sống, chúng còn hợp tác nhau làm việc. Sự hợp tác của các thành phần nầy cũng không phải là luôn ăn khớp, nếu không ta đã không cảm thấy đau nhức chỗ nầy, chỗ nọ, và sự hợp tác đó cũng chỉ kéo dài một khỏang thời gian nào đó thôi.
Ta gọi thân nầy là ‘của tôi’, tạo ra ảo tưởng của Ngã. Chúng ta nghĩ là “Tôi biết tôi ra sao mà. Khi nhìn vào gương, tôi thấy ‘tôi’ và tôi biết ‘tôi’”. Vậy mà nếu ta quan sát kỷ hơn, ta sẽ thấy có cả ngàn ‘cái tôi’, đủ kích cỡ, màu sắc. Đôi khi mập hơn, đôi khi ốm hơn, trước thấp, sau cao, tóc đen rồi tóc trắng, lúc đau khổ, lúc mừng vui. Vậy thì câu hỏi sẽ là “Cái nào là tôi?” Nếu câu trã lời là “Tôi là tất cả những người khác nhau đó”, thì ít nhất ta cũng nhận ra rằng mình không phải là một, mà có thể là hằng trăm ngàn người như đã nói trước đây. Ai trong số cả trăm ngàn người đó thực sự là tôi? Phải có một người nào đó thực sự để duy trì ‘cái tôi’. Không thể một người mà là hằng trăm ngàn người khác có phải không?
Chúng ta có thể nghĩ: “Tôi sẽ chọn ‘tôi’ ở ngay lúc nầy.” Nhưng còn những giây phút sau đó thì sao? Mười năm sau thì thế nào? Luôn luôn ở giây phút hiện tại, đó là tôi. Cuối cùng với cái tôi luôn thay đổi ta trở thành khó nhận diện nổi. Vậy mà ta cứ nghĩ thân nầy là của tôi, và coi nó quan trọng xiết bao. Tất nhiên là ta phải chăm sóc thân nầy. Nếu không ta có khác nào kẻ khờ. Nhưng để thân làm chủ cuộc đời ta thì thật vô vọng, vì thân chẳng bao giờ biết thỏa mãn. Cho tới giờ lâm chung, thân luôn đòi hỏi sự thoải mái. Trong các bài thuyết giảng về nền tảng của Chánh niệm, Đức Phật có nhắc đến một số phương pháp thiền định có thể giúp ta buông bỏ sự bám víu vào thân, ảo tưởng chấp Ngã.
Phải có sự hài hòa giữa sự bình an và trí tuệ. Trí tuệ là điều tiên quyết và có thể đạt được vô điều kiện. Sự bình an sẽ phát sinh khi ta có khả năng chú tâm. Nếu vì lý do gì đó, thân không thể ngồi yên, thì sự bình an, tĩnh lặng cũng biến mất vì trí tuệ đã không phát sinh. Trí tuệ về thân phải là một phần, là trang bị của con đường tâm linh.
Cách quán thân Đức Phật đã dạy chúng ta trong các bài giảng về chánh niệm gọi là quán thây ma hay cách quán về cái chết của chính mình. Ai rồi cũng phải chết, nên tốt nhất là chúng ta nên chấp nhận nó ngay từ bây giờ, chứ đừng đợi đến khi nó xảy ra. Hôm nay có thể ta còn thấy sợ hãi mỗi khi tim ta đập sai nhịp hay khi ta cảm thấy không được khoẻ mạnh như hồi còn trẻ. Một trong những cách quán về sự chết là tự nhìn mình như là một bộ xương. Hãy tưởng tượng ra một bộ xương đang ngồi trong tư thế tọa Thiền. Kế tiếp lấy từ bộ xương ra những mãnh xương nhỏ xếp từng cái bên nhau. Hãy để bộ xương tan rả thành cát bụi. Phép quán nầy làm tan đi những vọng tưởng về ngã và sự bám víu vào thân xác nầy.
Một trong những yếu điểm của ta là lòng ưa thích được thoải mái tấm thân. Chúng ta không dám thức khuya vì sợ nó mệt. Lo bảo vệ nó khỏi muỗi mòng, khỏi thời tiết nóng lạnh, khỏi tất cả những gì có thể gây cho thân sự khó chịu. Chúng ta luôn bận rộn bảo vệ thân và mất quá nhiều thì giờ quý báu cho việc nầy.
Biết về cái chết là một chuyện, những có thể tưởng tượng ra cái chết của chính mình trong đầu và chấp nhận nó với tinh thần xả bỏ là một chuyện khác nữa. Hãy thử phép quán nầy trong lần tọa Thiền tới. Hãy quan sát cái chết của mình, và ghi nhận các phản ứng của mình. Có thể phản ứng đầu tiên sẽ là: “Không, tôi không thể thực hiện được, tôi không muốn làm điều đó”. Hãy cố gắng lên. Các bài giảng căn bản về chánh niệm nổi tiếng vì nó giúp ta đạt được trạng thái không còn sanh tử, gọi là giải thoát. Phần đông chúng ta thực hành Thiền quán vì ta cần tìm sự an bình, tĩnh lặng. Vì ta muốn trốn chạy những phiền não, tìm niềm vui trong Thiền định. Tốt thôi. Nhưng đó chỉ là một khía cạnh của Pháp. Đức Phật gọi đó là ‘hạnh phúc thường hằng’, do những điều kiện thuận lợi mang tới. Tuy nhiên có nhiều người không thể ngồi Thiền do những điều kiện của thân thể không cho phép. Có người đã bỏ cuộc ra về, vì tâm họ không chịu được sự khó chịu của thân. Tất cả chúng ta đều có thể phản ứng nhưthế. Hãy cẩn thận trước khi nó xảy ra, và sửa đổi bằng cách nhìn thân đúng hơn.
- THỌ
Kế tiếp là thọ uẩn, gồm các các cảm giác vui buồn của chúng ta. Thọ uẩn cũng góp phần quan trọng vào việc tạo ra ảo tưởng về cái Tôi, vì chúng ta thường nghĩ rằng các cảm giác là Ta. Tôi cảm thấy vui, tôi cảm thấy buồn, thấy bình an, thấy bất an. Tuy nhiên, nếu chúng là của ta, thì sao ta không có quyền hạn gì đối với chúng cả? Sao ta không thể lúc nào cũng được vui, được hạnh phúc? Tại sao không? Ai là người có quyền quyết định sự vui buồn của ta?
Aỏ tưởng về Ngã chấp phát sinh vì ta tin rằng thân nầy, các cảm thọ nầy là của ta. Tuy nhiên, khi thật sự quán xét về chúng, ta thấy rằng ta chẳng có quyền hạn gì với chúng cả. Mọi việc chỉ xảy ra như thế. Thì sao ta lại nghĩ chúng là ta? Khi có cảm giác khó chịu, buồn khổ, bực bội, tuyệt vọng thì ta trở nên khó chịu, buồn bực, chán nản, tuyệt vọng. Chúng ta phản ứng bằng cách đeo bám vào các cảm thọ, thay vì chỉ nhận biết là chúng đã dấy khởi, rồi chúng sẽ qua đi như tất cả mọi cảm thọ khác.
Ngay giây phút ta có thể bỏ qua, không chú tâm đến các cảm thọ vui buồn, chán nản, tưởng chừng không thể chịu đựng được, thì chúng sẽ biến mất, qua đi. Nhưng thay vì thế, ta lại tin rằng những cảm thọ nầy sẽ ở lại với ta, để bị chúng lôi cuốn theo. Khi cảm giác sân giận dấy khởi, ta trở nên sân giận, thay vì chỉ nói: “À, đúng rồi, đó là cảm giác giận hờn. Nó sẽ qua thôi. Tôi sẽ không để ý đến nó”. Sẽ không có gì tạo ra cái Tôi, nếu như không có niềm tin rằng: “Thân nầy là tôi. Các cảm giác nầy là tôi”.
- TƯỞNG
Kế tiếp là Tưởng, có nhiệm vụ cho ta biết về các sự vật. Khi mắt nhìn thấy vật gì, nó chỉ có thể nhận ra hình dáng, màu sắc. Mắt chỉ có thể thấy là vật đó vuông, trắng ở phía trước, phía sau đen. Nhưng vì ta đã nhìn thấy vật đó nhiều lần trước đây, ta biết đó là cái đồng hồ. Lúc đó trong đầu ta sẽ nói ‘đồng hồ’, rồi nó tiếp theo, “không biết đó là đồng hồ nội hay ngoại. Có thể là ngoại, ở Úc chăng? Không biết bên đó giá bao nhiêu?” Đó là sự đối thọai của tâm. Nhưng nếu đó là một em bé ba tuổi, thì em không thể biết đó là cái đồng hồ, mà tưởng rằng đó chỉ là một món đồ chơi. Là những thứ em bé đã quen thuộc. Đó là cái Tưởng của bé về chiếc đồng hồ.
Thị giác chỉ nhìn thấy hình thể, màu sắc, nhưng chính là cái Tưởng có những điều kiện của ký ức cho ta biết việc nầy, việc nọ. Người không có đồng hồ, sẽ có thể nghĩ: “Tôi muốn có một cái như thế”. Trong khi người có cái tốt hơn, sẽ có thể nghĩ: “Cái của tôi giá trị hơn nhiều”. Ngã chấp lập tức dấy khởi, khẳng định lòng ham muốn, hay cảm giác hơn người. Trên thực tế, tất cả chúng ta đều thấy một cái hộp vuông, trắng ở phía trước, phía sau đen. Nhưng vì ảo tưởng về cái Tôi, các điều kiện hóa cái Tưởng đã tạo ra một quá trình tư duy làm ta tin rằng thế nầy, thế nọ. Vì chưa bao giờ mổ xẻ, quán sát sự suy tưởng của mình, ta tin vào đó. Sự tin tưởng đó càng nuôi dưỡng thêm lòng chấp Ngã. Lúc nào ta cũng suy nghĩ vì ta cần nuôi dưỡng ảo tưỡng về cái Ngã của mình. Tự Ngã rất mong manh, nó sẽ ngã đổ nếu không có sự tiếp sức của ta. Khi chúng ta luôn thỏa mãn những đòi hỏi của thân, và trở thành các cảm thọ để nâng đỡ cho ảo tưởng về Ngã. Nhưng nếu chúng ta có thể quán xét các cảm thọ và nói rằng: “Đó chỉ là một cảm thọ”, thì ngã chấp đã không được tăng trưởng.
Tự Ngã luôn cần được nâng đỡ vì nó không có thật. Ta không cần phải luôn nói: “Đây là cái nhà. Đây là cái nhà to. Đây là cái nhà cũ”. Điều đó quá rõ ràng. Vì cái nhà có thật. Nhưng tự Ngã thì không, do đó nó cần sự khẳng định về nó luôn luôn. Sự ủng hộ nầy do quá trình tư duy, cộng thêm các giác quan, các cảm giác được thương, được yêu, và cái Tưởng của ta mang đến.
- HÀNH
Hành được coi là nguyên nhân của nghiệp. Hành tạo ra nghiệp. Ngay giây phút ta có tư tưởng, suy nghĩ, ta đang tạo ra nghiệp của mình. Nếu như ai đó thấy chiếc đồng hồ và nói: “Đó là cái đồng hồ, tôi không có, ước chi tôi có một cái”, lúc đó nghiệp đã tạo hình, đó là nghiệp tham ái. Hay có người nói: “Cái đó đẹp quá. Của tôi không đẹp bằng”. Đó là nghiệp ganh tỵ. Ngay khi tư tưởng dấy khởi, thì một nghiệp nào đó liền được tạo hình. Có nghiêp trung tính. Không có ảnh hưởng gì. Như khi người ta nói: “À, đó là cái đồng hồ”, đó là một nhận xét khách quan. Nhưng phần đông chúng ta đều tạo nghiệp lành hay nghiệp ác. Nếu thấy một màu sắc nào đó, ta có thể nói: “Tôi sẽ sơn nhà tôi cũng màu đó”, đó có thể là trung tính, không lành, không ác. Nhưng đằng sau đó, có thể ta đã có một ý muốn có được cái nhà đẹp hơn hàng xóm. Thì đó không phải là nghiệp lành.
Khi ta tin vào tất cả những gì đi qua tâm trí mình, là ta đã vô tình nuôi dưỡng thêm lòng chấp Ngã. Vì lẽ đó khi toạ Thiền, ta khó dẹp bỏ hết mọi suy nghĩ. Vì làm thế thì sự nâng đỡ cho tự Ngã không còn. Ngay như khi ta có thể ngưng suy nghĩ trong chốc lát, và có được sự an bình, tĩnh lặng, lập tức tư tưởng quay trở về: “Cái gì vậy? Ồ, cảm giác dễ chịu quá”. Vậy là sự chú tâm của ta bị gián đoạn, lại phải bắt đầu trở lại. Vì ta suy nghĩ không ngừng, nghiệp của ta cũng được tạo tác liên tục. Nào là phán đoán, quyết định, bám víu, xô đuổi. Chỉ có tâm chánh niệm từng giây phút mới có thể giúp ta quán xét đúng. Lúc đó ta sẽ có thể biết mình đang làm gì, và không cần phải tin vào tất cả những gì trong đầu ta. Trong khi tham Thiền, ta có thể thấy là hầu hết những suy nghĩ của ta đều không chính đáng. Có thể chúng quá xưa cũ, đã qua rồi hay chưa xảy đến. Hay chỉ thuần là tưởng tượng. Phần lớn các tư tưởng đi qua trong đầu thật sự không dính dáng với những gì ở quanh ta. Tâm ta chỉ chờ có chất xúc tác nào đó, là bám lấy để giở trò đùa với chúng ta.
- THỨC
Uẩn cuối cùng là Thức, tức sự cảm nhận của các giác quan. Là sự xúc chạm của các giác quan. Mắt, vật thể và thị giác, tạo nên cái nhìn. Tai, âm thanh và cảm nhận của tai, tất cả tạo nên cái nghe, v.v… Chúng ta luôn sử dụng các giác quan. Ngay bây giờ, các bạn đang sử dụng thính giác, thị giác, xúc giác và tâm thức. Thị giác giúp bạn quan sát sự vật quanh mình, thính giác giúp bạn nghe được tôi nói, và xúc giác giúp bạn biết được vị trí chỗ ngồi của mình, trong khi tâm giải mả những điều nó đã tiếp thu được. Chúng ta luôn cố gắng tạo ra những điều kiện, trạng thái để các sự xúc chạm sẽ đem đến cho ta sự dễ chịu. Nhưng chỉ hoài công. Khó thể có được những cảm giác xúc chạm hoàn toàn dễ chịu. Qua các giác quan, lúc nào ta cũng gặp phải sự đối kháng từ bên ngoài. Đó là cuộc đời của mọi chúng sanh hữu tình, nhất là ở cõi giới của người. Thí dụ như khi có tiếng động lớn, ta thuòng sợ hãi. Ngay với những thứ âm thanh dễ chịu, nhưng nếu ta phải tiếp tục nghe chúng, ta cũng không thể chịu nổi.
Các giác quan không giống như ta nghĩ. Thực ra ta cũng không để ý đến chúng, coi sự có mặt của chúng như là đương nhiên, và chỉ nghĩ đến các cảm giác khoái lạc. Dĩ nhiên là ta có thể tìm được các cảm giác khoái lạc qua các giác quan, nhưng ít ai nghĩ được rằng chính chúng đem lại đau khổ cho ta. Chúng không ngừng thúc đẩy, áp lực ta từ mọi hướng, để tìm cảm giác thoải mái cho chúng.
Đức Phật đã kể một ẩn dụ về thân, sự đòi hỏi không ngùng của nó và kết quả khổ đau của nó. Một cặp vợ chồng đi qua sa mạc với đứa con nhỏ. Họ không còn thúc ăn, nhưng cứ tiếp tục cuộc hành trình cho đến khi quá kiệt súc, đói khát, họ không còn thể cất bước. Cuối cùng, họ phải giết đứa con để ăn thịt.
Thức thì được so sánh nhu một kẻ tù đày đang bị hai người bạn kéo vào lò lửa. Cũng thế quá trình tư duy của ta, dầu tốt hay xấu, cũng kéo ta vào ngọn lửa luân hồi. Với các câu chuyện nầy, Đức Phật cho ta thấy đau khổ đã gắn với kiếp con người, để ta cố gắng tu sửa để thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử. Chúng ta phải hiểu rằng không có ai là chủ của thân, của thọ, tuỏng, hành, và thức. Đó là điều khó nhất trong giáo lý Phật giáo. Khó để hình dung và khó để chứng nghiệm. Không có Thiền quán, điều đó sẽ mãi chỉ là một sự thực tập có tính cách trí tuệ.
-ooOoo-