Vai Trò Của Sát Na Dịnh

Vai trò của Sát na định Khaṇika Samādhi trong Thiền Minh Sát Vipassanā

Câu hỏi 6: Có thể thực hành thiền Minh sát mà không cần hoàn tất sự thanh tịnh tâm trước qua định của bậc thiền được không?

Có người dạy rằng chỉ nên hành thiền Vipassanā với tâm đã hoàn toàn thanh tịnh qua định của bậc thiền (tức phải đắc một bậc thiền nào đó trước). Nếu không thì, họ nói, không thể hoàn thành việc Minh sát được.

Đó chẳng qua chỉ là chủ nghĩa cực đoan.

Thực ra, Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi-magga) nói rõ rằng chuẩn bị định (parikamma-samādhi, trong thiền Minh sát thì gọi là sát-na định) là vừa đủ để hành Minh sát cho đến A-la-hán Thánh Quả (sự giác ngộ viên mãn) bởi vì nó thanh tịnh tâm khỏi các triền cái. Còn trong các bản Kinh như Mahā-satipatthāna (Đại Niệm Xứ) Đức Phật đề cập một cách minh bạch rằng người ta có thể đạt đến A-la-hán, sự giác ngộ cao tột nhất, qua chuẩn bị định bằng cách quán tứ oai nghi – đi, đứng, ngồi, nằm, v.v…

Trong Anusati Sutta – Kinh Tuỳ Niệm (Anussati Sutta, A.II.235), một bài kinh thuộc Tăng Chi Kinh, Đức Phật có nói, một người có thể trở thành bậc A-la-hán qua định (Định do tu tập các đề mục tuỳ niệm ân Đức Phật, Pháp, Tăng, v.v… cần phải hiểu là cận định. Còn giai đoạn trước định này gọi là chuẩn bị định. được tu tập bằng cách quán những ân đức của Phật.

Cũng trong Chú giải về Sampajjaññapabba, phần nói về tỉnh giác có nói rõ ràng là người ta có thể đề khởi định bằng cách quán những ân đức của Phật hoặc Tăng, và rồi quan sát chính(tâm) định ấy đang sanh và diệt cho đến khi đắc A-la-hán quả.

Câu hỏi 7: Sát na định hay nhất thời định (khaṇika samādhi) có giúp phát triển Vipassanā được không?

Hãy nhớ rằng Thanh Tịnh Đạo đã đề cập minh bạch trong Dhātu-manasikāra-pabba là: do quán tứ đại, hay quan sát bốn yếu tố căn bản (đất, nước, lửa, gió) ngay sát-na chúng xảy ra, người hành thiền sẽ khơi dậy chuẩn bị định loại trừ tạm thời các triền cái. Còn Mahā-tika hay phụ Chú giải của bộ Visuddhimagga nói rằng, thực ra nó không phải chuẩn bị định vì không có định thuộc các bậc thiền (jhānic) cho nó dẫn đến.

Tuy nhiên, nó được xem như vậy theo lối ẩn dụ gọi là Sadisu-pacara, nghĩa là nó tương tự với bậc thiền thực sự dưới dạng khả năng loại trừ các triền cái của nó. Định như vậy gọi là sát-na định hay nhất thời định (khaṇka samādhi) trong trường hợp của thiền Minh sát. Đó là lý do vì sao tôi luôn luôn gọi nó là Vipassanā Khaṇika Samādhi (sát-na định Minh sát). Có số người, không thể hiểu được điều này, đã lý luận rằng sát-na định không thể giúp đưa đến Minh sát được, vì nếu nó làm được như vậy, những người hành thiền ắt hẳn có thể tạo ra tuệ Minh sát.

Tôi đồng ý với họ về điểm này, nếu các thiền sinh đã tu tập định đủ mạnh để thoát khỏi các triền cái, do quan sát các hiện tượng tâm-vật lý hiện tại hợp với tinh thần kinh Đại Niệm Xứ (Mahā-sāti-paṭṭhāna Sutta). Trong thực tế, rõ ràng là định được đề khởi bằng cách suy luận, xét đoán, hay phân tích những con số thống kê mà thiền sinh đã học thuộc lòng, không cách nào thoát khỏi năm triền cái, và rằng thực sự họ cũng hoàn toàn không quan sát tâm và thân hay danh -sắc hiện tại. Vì thế những người ưa thích lý luận này hẳn phải là những người có ít hay không có kiến thức về cách tiến hành Minh sát thực sự.

Trong Thanh Tịnh Đạo, sát-na định được nói đến như Khaṇika Cittekaggatā, tức sát-na tâm nhất cảnh tánh, và trong phụ Chú giải của bộ luận, sự định nghĩa được đưa ra là Khaṇa-matta-thitiko samādhi, tức định kéo dài từ sát-na này đến sát-na khác. Dựa trên căn bản của Chú giải và phụ Chú giải của Thanh Tịnh Đạo này, tôi gọi nôm na nó là sát-na định – Khaṇika samādhi, loại định thường được gọi theo lối ẩn dụ là cận định (Upacāra Samādhi). Tuy nhiên cũng không nên lúng túng nếu gọi như thế không hợp.

Định khởi lên ở sát-na chánh niệm được gọi là Khaṇika Samādhi, tức định kéo dài từng mỗi sát-na hành giả quan sát. Không có sát-na định này, thiền Minh sát không thể tu tập được. Vì thế nhất thiết phải có sự định tâm đủ mạnh như vậy cho tuệ Minh sát. Đối với các hành giả thực hành thuần Minh sát (thuần quán hành giả) không dựa vào bậc thiền (jhāna), sát-na định này là định dẫn hành giả đến sự chứng ngộ Đạo Quả (Magga Phala).

Thiền Minh sát không quan sát một đối tượng duy nhất, thay vào đó nó đòi hỏi phải có sự quan sát các đối tượng từ sát-na này đến sát-na khác. Dù đối tượng thay đổi tâm vẫn có thể khéo tập trung trên chúng từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Điểm này có lẽ rất sáng tỏ đối với những hành giả đã thực hành một cách hiệu quả.
Nguồn trích dẫn: Minh Sát Thực Tiễn, Tác giả: Mahasi Sayadaw, Dịch giả: Pháp Thông

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app