TRUYỆN ÐỨC BỒ TÁT

BODHISATTA – BODHISATVA

Những người mong hiểu Phật giáo, nên đọc truyện Bồ-tát. Vì cụm từ ‘Phật giáo’ có nghĩa là lời Phật dạy, mà người sẽ là Phật, trước tiên phải tu hạnh Bồ-tát. Hơn nữa, sự thông rõ sử kinh về đức Bồ-tát là một phương pháp phát sanh trí tuệ, đem đến cho ta nhiều lợi ích, giúp cho ta nên bậc quí nhân.

Truyện Bồ-tát, hay nói một cách khác là cổ tích của vị anh hùng (virapurasa) hoặc bậc đại nhân (mahāpurasa) vì là bậc xuất chúng, đáng làm gương độ đời trở thành người hào kiệt hoặc đại nhân được, bằng không cũng khiến cho người đời càng phát tâm trong sạch, xác nhận trung thành đối với Tam bảo. Họ càng thấu rõ chân lý, tự xét đoán, quyết định rồi hoan hỷ, mát mẻ thực hành theo, tâm linh của người thêm sáng suốt thanh cao.

Với từ ‘Bồ-tát’, chúng ta nên quan sát tỉ mỉ mẫu truyện sau đây, rồi đem so sánh tài trí tuệ của mình với đức tính của Bồ-tát có danh hiệu là người anh hùng và đại nhân.

Bodhisatta – đức Bồ-tát

Cụm từ Bồ-tát (Bodhisatta hoặc Bodhisatva) dịch là người sẽ giác ngộ pháp tối cao, không thể so sánh được, hoặc là sự thông suốt pháp không cho sanh, già, bịnh, chết, và những khổ não, dù là một tí ti nào. Các sự hiểu biết khác như là: sáng tác văn chương, sáng tạo máy móc v.v… chỉ có lợi ích trong đời, không sao sửa được sự sanh, già, bệnh, chết là những điều khổ trọng đại vậy.

Những bậc đắc pháp ba-la-mật là: dāna (bố thí), sīla (trì giới), nekkhamma (xuất gia), paññā (trí tuệ), viriya (tinh tấn), khantī (nhẫn nại), sacca (ngay thật), adhiṭṭhāna (quyết định), mettā (bác ái), upekkhā (xả), cả bậc thấp, bậc trung và bậc cao, đều gọi là Bồ-tát. Bậc này sẽ chứng quả Chánh đẳng Chánh giác, là pháp giác ngộ thoát ly sanh tử luân hồi lẫn tất cả sự thống khổ ở đời.

Lại nữa, Bồ-tát có 3 hạng: Pannādhika, Saddhāhika, Viriyādhika.

Chú giải: 1) Pannādhika: Hạng có trí tuệ nhất. Bồ-tát hạng này có trí tuệ nhiều hơn các đức tính khác. Nghĩa là cũng có đức tin, tinh tấn, vv… Nhưng kém hoặc yếu hơn trí tuệ. 2) Saddhāhika: Hạng có đức tin nhất. Bồ-tát hạng này có đức tin nhiều hơn các đức tính khác. 3) Viriyādhika: Hạng có tinh tấn nhất. Bồ-tát hạng này có tinh tấn nhiều hơn các đức tính khác.

Tóm tắt: Bồ-tát hạng nhất có trí tuệ hướng dẫn, hạng nhì có đức tin hướng dẫn, hạng ba có tinh tấn hướng dẫn.

Hạn kỳ tu hạnh ba-la-mật (pāramī) của Bồ-tát

Cả 3 hạng Bồ-tát đều phải thực hành tròn đủ 30 phép ba-la-mật (pāramī: đến bờ kia, Sangkrit: pāramīta), nhưng mau hoặc lâu khác nhau.

1) Paññādhika bodhisatta: Bồ-tát có trí tuệ nhất phải tu 20 a-tăng-kỳ (asankheyya) và 100.000 kiếp. Trong thời đại tu chia ra làm 3 thời lỳ: thời kỳ trù định (âm thầm ước nguyện) sẽ cố gắng cho được thành bậc Chánh đẳng Chánh giác phải trải qua 7 a-tăng-kỳ; thời kỳ thuyết minh (nguyện ra lời) phải trải qua 9 a-tăng-kỳ; thời kỳ được Phật dự đoán phải trải qua 4 a-tăng-kỳ và 100.000 đại kiếp.

2) Saddhādhika bodhisatta: Bồ-tát có đức tín nhất, phải tu 40 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp.

Thời kỳ trù định phải trải qua 14 a-tăng-kỳ; thời kỳ thuyết minh phải trải qua 8 a-tăng-kỳ; thời kỳ được Phật dự đoán phải trải qua 8 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp.

3) Viriyādhika bodhisatta: Bồ-tát có tinh tấn nhất phải tu 80 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp.

Thời kỳ trù định phải trải qua 28 a-tăng-kỳ; thời kỳ thuyết minh phải trải qua 36 a-tăng-kỳ; thời kỳ được Phật dự đoán phải trải qua 16 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp.

Ba danh hiệu đức Bồ-tát

– Bồ-tát có trí tuệ nhất gọi là Ugghatitaññū: Có thể chứng quả, khi đức Phật vừa khởi đầu thuyết pháp. Bồ-tát hạng này, được nghe Phật thuyết pháp, nếu cần quả Thinh văn giác phân tích, khi vừa nghe Phật thuyết đầu đề thì được chứng quả ngay.

– Bồ-tát có đức tin nhất gọi là Vipacitaññū: Có thể chứng quả, khi đức Phật vừa thuyết pháp xong. Bồ-tát hạng này, được nghe pháp đức Phật, nếu muốn chứng quả Thinh văn giác, lục thông sẽ đắc khi vừa nghe xong thời pháp.

– Bồ-tát có tinh tấn nhất gọi là Neyya: Có thể tiến dẫn được. Bồ-tát hạng này, muốn chứng quả Thinh văn giác lục thông có lẽ chứng được khi đã nghe Phật thuyết pháp tỉ mỉ rõ ràng từng chi tiết.

Hai hạng Bồ-tát

Trong 3 hạng Bồ-tát đã giải rút ngắn lại còn 2 là: bất định (aniyata) và xác định (niyata)

1) Bất định Bồ-tát: Cả 3 hạng Bồ-tát, nếu chưa được Phật dự đoán gọi là Bất định Bồ-tát, nghĩa là không định chắc sẽ thành Phật vị lai, có thể sẽ thành bậc Độc giác hoặc Thinh văn giác.

2) Xác định Bồ-tát: Khi đã được Phật dự đoán gọi là Xác định Bồ-tát, nghĩa là định chắc sẽ chứng quả Chánh Biến Tri

Samodhānadhamma – tám liên hợp pháp

Bồ-tát được Phật dự đoán, cần phải có đầy đủ 8 liên hợp pháp là:

1) Manussattaṃ: Phải là người nam thật.

2) Lingasampatti: Phải có đầy đủ hình tướng của người nam

3) Hetu: Phải có đặc sắc đắc Thinh văn giác, như Sumedha đạo sĩ v.v…, nghĩa là nếu cần thành Thinh văn giác thì đắc ngay trong thời đó.

4) Satthāradasanam: Phải gặp Phật và được làm điều cao thượng, dâng đến đức Phật như vị đạo sĩ Sumedha trải thân làm cầu dâng cho Ðỉnh Quang Phật (Dipankāra) ngự đi.

5) Pabbajjā: Phải là người xuất gia chơn chánh (đạo sĩ cũng được).

6) Gunasampatti: Phải có đủ đức tính phi thường, nhất là ngũ thông, bát thiền.

7) Adhikāro: Phải được làm việc tốt cao thượng là xả thí sinh mệnh và vợ con, do tác ý, mong được chứng bậc Toàn Giác.

8) Chandatā: Phải có tâm hăng hái đầy đủ trong sự tu chứng đạo quả, không mong điều chi khác, dù khổ não thế nào cũng không nao núng.

Khi được đủ cả 8 đức tánh trên trong kiếp nào thì mới được Phật dự đoán là xác định Bồ-tát.

Buddhabhūmidhamma – trình độ pháp

Là pháp chỉ về đạo đức với tài năng cao, thấp của đức Bồ-tát, xác định Bồ-tát là bậc chắc sẽ chứng quả Phật Toàn Giác, phải có trình độ xuất chúng phi thường.

Bốn trình độ pháp: ussāha: có nghị lực; ummagga: có nhiều trí tuệ; avatthānaṃ: có sự quyết định kiên cố; hitacariyā: chỉ làm điều lợi ích.

Chú giải: Ussāha: Có nghị lực. Xác định Bồ-tát có khả năng quả quyết trong khi làm việc lành, không thối bộ. Ummagga: Có nhiều trí tuệ. Xác định Bồ-tát có sự hiểu biết tinh tường trong nhân quả của mọi việc, rằng thế nào là điều lành, dữ, rồi tránh nhân ác, cố tạo điều lành để thọ quả vui. Avatthānan: Có sự quyết định kiên cố. Xác định Bồ-tát khi đã làm điều thiện nào, thì nguyện làm cho thành tựu, không bỏ dở. Hitacariyā: Chỉ làm điều lợi ích. Xác định Bồ-tát chỉ làm điều lợi ích cho mình và cho người, lánh xa nghiệp ác.

Trong 4 pháp trên, nên sắp theo thứ tự như vầy: ummagga: có nhiều trí tuệ; hitacariyā: chỉ làm điều lợi ích; avatthānaṃ: có sự quyết định kiên cố; ussāha: có nghị lực.

Chú giải:

Khi làm một việc gì thì cần phải áp dụng theo thứ tự của trình độ pháp. Trước tiên, phải dùng trí tuệ (trình độ pháp thứ nhất) quan sát rồi mới bắt đầu làm (trình độ pháp thứ nhì), tiếp theo dùng sự quyết định (trình độ pháp thứ ba) sau cùng đến nghị lực (trình độ pháp thứ tư). Ðức Xác định Bồ-tát, mỗi khi hành động một việc gì dù lớn hay nhỏ, ngài hằng suy nghĩ, dự liệu tinh tường, thấy có lợi ích thật rồi, quyết chú tâm làm cho kỳ được, dù gian lao đến đâu cũng không ngã lòng, bỏ dở. Hạng phàm nhân, chưa phải là Xác định Bồ-tát, cũng nên trì chí trụ trong 4 trình độ pháp như thế, mới mong đem mình ra khỏi bể khổ luân hồi, khỏi vòng sanh tử, hưởng quả vị siêu thoát. Bậc có 4 trình độ pháp, mới gọi là người thượng lưu (panitapuggala). Người chưa có đủ 4 trình độ pháp, gọi là kẻ hạ lưu (omakapuggala).

Ajjhāsayadhamma – sáu khuynh hướng pháp

Lệ thường Xác định Bồ-tát hằng có 6 khuynh hướng pháp là: alobhajjhāsaya: thiên về không tham; adosajjhāsaya: thiên về không sân; amohajjhāsaya: thiên về không si; nekkhammajjhāsaya: thiên về xuất gia; pavivekajjhāsaya: thiên về an tĩnh; nissaranajjhāsaya: thiên về thoát ly.

Chú giải: Thiên về không tham: Là không mong được riêng về mình, hằng quan tâm đến những lợi ích cho kẻ khác, tức là sẵn có tác ý bố thí. Thiên về không sân: Là chận đứng tâm không cho nóng giận, khi phát sân thì lấy đức từ bi đè nén. Thiên về không si: Là không ngây dại, có trí tuệ không vội tin. Xác định Bồ-tát hay suy nguyên nhân quả rồi mới tin. Thiên về xuất gia: Xác định Bồ-tát, hằng bỏ đi tu, lìa khỏi sự thương yêu, quyến luyến ngũ dục. Thiên về an tĩnh: Xác định Bồ-tát, hằng lánh xa chốn huyên náo, tìm ngụ trong nơi thanh vắng một mình. Thiên về giải thoát: Là tìm đường ra khỏi phiền não, để thoát ly các sự thống khổ ở đời.

Như thế, chúng ta thấy rõ Bồ-tát có đặc tính ra sao, có khuynh hướng khác thường thế nào. Chúng ta nên cố gắng hành theo, để hưởng quả vui cho mình và cho kẻ khác.

Acchariyadhamma niyatabodhisatta – phi thường pháp của Xác định Bồ-tát.

Ðức Xác định Bồ-tát có 7 pháp phi thường, đáng cho trời, người nhận rằng cao thượng vượt khỏi thường nhân là: pāpapatikuthacitto: có tâm chán nản điều ác; pāsaranacitto: có tâm truyền thiện; adhimuttakālakiriyā: có tâm khuynh hướng về sự chết; visesajanattam: người đặc biệt không giống kẻ khác; tikalaññū: biết rõ ba thời kỳ; pasūtikālo: khi đản sinh; manussajātiyo: sinh ra làm người.

Chú giải:

1) Pāpapatikuthacitto: Có tâm chán nản điều ác. Xác định Bồ-tát, hằng hổ thẹn (hiri) và ghê sợ (ottappa) tội lỗi, vừa thấy điều chi xấu xa thì ngài liền ngã lòng ví như lông gà bị cháy.

2) Pāsaranacitto: Có tâm truyền thiện. Xác định Bồ-tát hằng có tâm hoan hỉ với việc lành, không thoái bỏ trước lẽ phải. Nếu làm việc gì mà chưa toại nguyện thì không khi nào chán nản bỏ qua.

3) Adhimuttakālakiriyā: Có tâm khuynh hướng về sự chết. Xác định Bồ-tát, sanh trong cõi trời trường sinh, ngài sợ mất thì giờ tu pháp Ba la mật, nên Ngài nguyện rằng: xin cho sinh mạng tôi đừng tồn tại nữa. Nguyện xong, ngài đi thọ sanh ngay (điều này nếu chưa phải là Xác định Bồ-tát thì không thi hành được).

4) Visesajanattaṃ: Người đặc biệt không giống kẻ khác. Xác định Bồ-tát trong kiếp chót, thọ sanh vào lòng mẹ không giống như thường nhân.

Thường nhân: khi ở trong thai bào hết sức là u tối và vấy bẩn; phải úp mặt vào lưng mẹ, lưng xoay ra bụng mẹ. Trái lại, Xác định Bồ-tát ngự trong nơi sạch sẽ, không chút bợn nhơ dính mình. Ngài ngồi xoay mặt ra phía trước và ngồi bán già như vị pháp sư trên pháp tọa.

5) Tikalaññū: Biết rõ ba thời kỳ. Xác định Bồ-tát trong kiếp chót biết rõ 3 thời kỳ: khi giáng sinh từ cõi trời vào lòng mẹ; khi ngự trong thai bào 10 tháng; khi đản sinh.

Ðức Ðộc Giác và 2 thủ đệ tử Phật là Dvikālaññū chỉ biết 2 thời kỳ: Khi sanh vào lòng mẹ và lúc ở trong thai bào. Tám mươi vị Thinh văn giác là Ekakālaññū chỉ biết một thời kỳ là khi thọ sanh vào lòng mẹ. Ngoài ra, phàm phu chẳng có ai biết như ba hạng trên.

6) Pasūtikālo: Khi đản sinh. Xác định Bồ-tát trong kiếp chót, giờ đản sanh, ngài duổi 2 tay theo 2 chân, trong thoáng mát, ngài ra khỏi thai bào ví như vị pháp sư đang xuống pháp tọa, trong khi bà mẹ ngài đang đứng. Mẹ ngài và ngài không thọ khổ chi cả. Ngày đức Bồ-tát đản sinh vạn vật trong vũ trụ đều rung rinh.

7) Manussajātiyo: Sinh ra làm người. Xác định Bồ-tát trong kiếp chót, ngài có thế lực sinh ra theo 3 nhân là: đời vừa cho ngài truyền bá Phật pháp; hân hạnh có người xuất gia để thừa hành giáo pháp của ngài; nơi có dịp để lưu truyền xá lợi, sau khi Phật nhập Niết-bàn; sự phi thường của Xác định Bồ-tát trong kiếp chót, chỉ có 3 là pháp thứ 5, 6, 7.

‒ Dứt cụm từ ‘Bồ-tát’ ‒

1.      Temiya Jātaka ‒ Truyện Ðức Temiya (Bồ tát tu hạnh xuất gia ba-la-mật)

Mā paticca yaṃ vibhaneyya idaṃ satthā jetavane viharanto mahabhinekakkhamma paramīnārabbha kathesi ‒ Thuở đức Thế Tôn là đấng Giáo chủ của trời người. Ngài ngự nơi Kỳ Viên tịnh xá, có đề xướng hạnh tu xuất gia Ba-la-mật của ngài trong tiền kiếp như dưới đây:

Ngày nọ, chư tăng hội họp trong giảng đường, tán dương oai lực của đấng cứu thế. Nhờ nhĩ thông, đức Thế Tôn hiểu rõ, rồi ngự đến giảng đường hỏi chư tăng rằng: “Các ngươi luận về điều chi?” Có vị tỳ khưu bạch: “Chúng tôi không nói chi khác hơn là bàn về đức Thế Tôn từ bỏ ngai vàng xuất gia tìm đạo”. ‒ “Như Lai chẳng phải chỉ có xuất gia trong kiếp cuối cùng này đâu, trong các kiếp trước cũng có xuất gia vậy”, nói đến đây rồi Ngài nín thinh. Chư tăng bèn bạch: “Xin đức Thế Tôn từ bi diễn giải tiền kiếp cho chúng tôi nghe”.

Ðức Phật bèn gọi các thầy tỳ khưu: “Bhikkhave, này các thầy! Atite kāle, trong thời quá khứ có một hiền vương danh hiệu là Kāsikarāja trị vì trong xứ Bārānasī. Hoàng hậu là Candadavi. Không bao lâu hoàng hậu thọ thai và đến ngày mãn nguyệt khai hoa.

Ðây nói về đức Bồ-tát giáng sinh từ cung trời Ðạo Lợi vào lòng mẹ là hoàng hậu của vua Bārānasī. Ngày ấy gió mưa tầm tả khắp mọi nơi khiến cho toàn dân đều mát mẻ hoan hỷ. Nhà chiêm tinh của vua vào tâu rằng: “Hoàng tử có đủ tướng tốt, có thể làm cho đời được an vui, vì thế ngày đức Bồ-tát đản sanh, vua, hoàng hậu, hoàng thân quốc thích đồng đặt tên là Temiyakumāra”. Trước khi giáng sanh, Temiya Bồ-tát đã là một vị hoàng đế trị vì trong xứ Bārānasī 20 năm. Khi thăng hà, ngài bị sa xuống địa ngục Đồng Sôi (Ussudanaraka) tám mươi ngàn (80.000) năm, bởi nghiệp ác đã tạo. Khi hết kiếp, ngài được sanh trên cung trời Ðạo Lợi, rồi giáng sanh làm hoàng tử của vua Bārānasī tên Temiya như đã giải.

Sinh ra được một tháng, nhũ mẫu bồng hoàng tử đến hầu vua cha, được vua ẩm vào lòng nâng niu, yêu mến. Khi đó có quân dẫn 4 tội nhân vào tâu để vua cha phân xử. Đức vua tùy tội nặng nhẹ mà phán đoán tử hình và phạt tù 4 tội nhân. Ðược nghe vua cha phán đoán, hoàng tử rất ghê sợ đối với hình phạt, ngài liền hồi tưởng rằng: “Ta từ đâu mà sanh lên đây”, nhờ có trực giác, ngài biết được tiền kiếp[11] (jātisasarannāna). Kiếp kế ta từ Ðạo Lợi Thiên cung giáng sanh xuống. Ngài xét nghĩ thêm: “Trước kia ta ở đâu mà đến Ðạo Lợi Thiên cung”. Ngài biết rằng từ địa ngục đồng sôi. Trước khi sa địa ngục là một Hoàng đế tại thủ đô Bārānasī này. Ngài bèn nghĩ rằng: Rồi đây khi ta trưởng thành sẽ kế vị vua cha, lên án tội nhân (xử trảm hay gông cùm, xiềng xích…), như thế ta sẽ sa địa ngục như kiếp trước chẳng sai. Xét thấy vậy làm cho ngài phát tâm chán nản, rất ghê sợ sự nghiệp Ðế Vương.

Sau khi nhũ mẫu bồng ngài về cung nội, ngài quá lo sợ và nghĩ: Thế nào cho ta khỏi làm vua, do tâm lành của ngài, có vị thiên nữ là mẹ của ngài trong kiếp trước hiện xuống khuyên nhủ (chỉ cho hoàng tử nghe biết mà thôi): “Này Temiya con ôi! Nếu con muốn lánh ngai vàng, con phải là người liệt, câm và điếc đi, như thế mới mong thoát khỏi được”. Chỉ rõ phương pháp cho hoàng tử, rồi vị thiên nữ liền biết mất, hoàng tử rất vui mừng. Khi nhận được lời giáo huấn của vị thiên nữ, ngài bèn thực hành y theo lời dạy, cho đến ngày ra khỏi đền vàng. Từ đó hoàng tử không cử động, không khóc la, kẻ nào kêu gọi, trêu chọc, ngài tỏ ra như không hay, biết. Vì thế, các nhũ mẫu lấy làm lo sợ, buồn rầu, bèn tâu với hoàng hậu. Hoàng hậu khám xét rõ tự sự rồi tâu lên đức vua. Vua cho ngự y đến khám, tìm không ra căn bệnh của hoàng tử. Ai ai cũng lấy làm ngạc nhiên. Ðến giờ ăn các nhũ mẫu cho hoàng tử dùng như thường, nhưng Ngài không cử động, la khóc, như dáng điệu người tê liệt, câm điếc. Không hiểu vì sao lại như thế? Do đó, mới bày ra 17 cách thử thách là: thử bằng sữa, bánh, trái cây, đồ chơi, thực phẩm, lửa, voi, rắn, diễn kịch, múa đao, tiếng tù và, tiếng trống, đèn, ruồi, nước tiểu và phẩn, than lửa, thanh nữ theo thứ tự của mỗi cách. Cách thử bằng sữa: Không cho hoàng tử bú, để xem Ngài có phải liệt, câm, điếc thật chăng? Nếu không, ngài phải la khóc trong khi đói khát. Nhưng lúc đói nhiều, hoàng tử có trí tuệ nhớ tự hoá rằng: “Này Temiya! Sự đói này không bằng thuở ngươi bị hình phạt đói khổ trong địa ngục đồng sôi đâu. Nếu ngươi bất thường, làm cho thất nguyện mà cử động, la khóc, ngươi sẽ không thoát khỏi ngai vàng, là nhân gây nhiều tội ác, rồi phải xa địa ngục nữa”. Ðược tự khuyên mình như thế, ngài nhẫn nại với sự đói khổ, rồi nằm yên. Cách thử bằng bánh: Các nhũ mẫu để hoàng tử nằm trên long sàn, xung quanh có những đồng nam, rồi đem bánh trưng bày trước mặt gần hoàng tử, cho các trẻ con giành nhau ăn, để rình xem hoàng tử có tranh lấy bánh chăng. Nhưng không thấy ngài động đậy. Cách thử bằng trái cây: Thừa lúc hoàng tử đói, dùng trái cây để trước mặt ngài, cho trẻ con tranh nhau như trước, hoàng tử cũng vẫn an tĩnh tự nhiên. Cách thử bằng đồ chơi: Thông thường trẻ con thích đồ chơi (voi, ngựa, xe…). Một hôm các nhũ mẫu đem các vật chơi như xe, ngưa voi đến dâng cho hoàng tử, để xem cử chỉ của ngài, song cũng vô ích. Cách thử bằng thực phẩm: Ðể quá giờ ăn, đem thực phẩm cho trẻ con ăn trước mặt hoàng tử, mà chẳng thấy ngài đòi hỏi chi cả. Cách thử bằng lửa: hoàng tử đã lên 5 tuổi, các nhũ mẫu bồng ngài để giữa đám trẻ đang chơi đùa. Bổng nhiên họ đốt lá cây, lửa cháy xung quanh làm cho các trẻ em sợ, la hoảng chạy trốn. Nhưng hoàng tử vẫn im lặng. Cách thử bằng voi: Các nhũ mẫu ẩm hoàng tử để nằm chơi đồng trống, có cả trẻ nhỏ tùy tùng chơi tại đó, đoạn cho thả voi chạy ngang qua chỗ hoàng tử, các trẻ kinh hãi kiếm đường lánh nạn, mà hoàng tử làm như không hay biết chi cả. Cách thử bằng rắn: Vua cho người đem rắn cuốn khoanh dấn thân hoàng tử. Rắn cũng không đủ làm cho ngài lo sợ chi cả. Cách thử bằng kịch vui: Vua cho bọn hát múa đến diễn kịch, có cả trẻ nhỏ tùy tùng cùng xem. Ðến lúc giễu cợt, các nhi đồng vỗ tay, reo cười cố trêu ghẹo hoàng tử, mà ngài vẫn bất động. Cách thử bằng dao: hoàng tử lên 9 tuổi, vua cho đao phủ múa gươm vào ngay hoàng tử, dường như muốn sát hại ngài, để xem cử chỉ của ngài, nhưng vô hiệu quả. Cách thử bằng tiếng tù và: Vua cho bồng hoàng tử để ngồi giữa đám đông, thình lình họ đồng thổi tù và một lượt nghe rất rùng rợn, để xem coi hoàng tử có thật điếc chăng? Lệ thường, khi chúng ta ngồi hoặc nằm, mà ngẫu nhiên nghe tiếng vang động, thì giựt mình hoảng hốt. Song hoàng tử làm như chẳng nghe chi cả. Cách thử bằng trống: Thừa lúc hoàng tử đang yên giấc, vua cho đánh trống vang rền, rất huyên náo. Nhưng hoàng tử vẫn nằm im. Cách thử bằng đèn: Hoàng tử lên 12 tuổi, vua cho đem đèn rất nhiều để xung quanh giường của hoàng tử, rồi đồng thời đốt lên sáng loà, đoạn từ từ họ cho đèn cháy lu xuống đều nhau, sau cùng tắt hết, chỉ chừa một ngọn đèn to, vặn tim lên cho cháy thật sáng, để xem cử chỉ của hoàng tử, coi ngài có liếc xem chăng? Lệ thường ta có thái độ bất thường trước nghịch cảnh, song hoàng tử không động đậy chi cả. Cách thử bằng ruồi: Hoàng tử lên 13 tuổi, vua cho thị vệ lấy nước mía thoa vào khắp thân thể hoàng tử, rồi bồng ngài đem để chỗ trống cho ruồi bu nút. Hoàng tử vẫn chiến thắng với sự khổ, không chút than phiền. Cách thử bằng nước tiểu và phẩn: Trải qua hai ngày, hoàng tử đại tiểu tiện không ai tắm rữa. Trước cảnh bẩn thỉu hôi thúi như thế, nhưng hoàng tử không chút than phiền. Cách thử bằng lửa: Vua cho đem than lửa, để chung quanh gần mình hoàng tử. Theo người thường không ai chịu nổi, mà ngài vẫn điềm nhiên. Cách thử bằng thanh nữ: Hoàng tử lên 16 tuổi. Vua cho các công chúa, tiểu thư trang điểm, xinh lịch vào khiêu gợi tình ái của hoàng tử, hoàng tử vẫn bất động. Ðây là cách thử cuối cùng của vua cha. Sau khi đã thi hành 17 cách thử thách, làm cho đức vua cùng triều thần đều hết phương kế, đồng cho hoàng tử là liệt, câm, điếc thật, là kẻ bất hạnh không nên dưỡng sinh[12] trong đền nữa. Vua cha định cho người đem đi hạ sát, mặc dù hoàng hậu hết sức khẩn cầu, cũng không chuẩn cho. Vua bèn truyền đao phủ đem hoàng tử lên xe, ra cửa thành tây đưa vào rừng chôn sống. Vào đến rừng bọn đao phủ ngừng xe, đào hầm để chôn sống hoàng tử.

Trong khi ấy, hoàng tử thấy là dịp may được lìa khỏi ngôi vàng mà từ lâu ngài đã mong muốn. Ngài nghĩ rằng: “Ðây là cơ hội thuận tiện và cũng vừa lúc cho ta bày tỏ sự thật”. Vừa nhận xét như thế, ngài liền duỗi tay, chân để thứ sức mình. Thấy rằng có đủ lực lượng như thường. Ngài bèn xuống nắm gọng xe đưa lên khỏi đầu quây nghe vụt vụt. Lúc đó bọn đao phủ xem thấy kinh hồn, cho là phi thường, họ đến quì trước hoàng tử mà tạ tội, rồi phi báo cho vua và hoàng hậu hay. Vua cùng triều thần đồng ngự đến nơi, thỉnh cầu hoàng tử trở về kế vị vua cha. Hoàng tử từ tạ và tâu cho vua cha rõ nguyên nhân mà hoàng tử phải nhẫn nại với những thử thách đến 16 năm. Ngài mong thoát ly đế vị, để được xuất gia và xin vua cha cho phép tu đạo sĩ. Thấu rõ nguồn cơn về chí nguyện cao cả của hoàng tử, vua cha không thể ép uổng và bất đắc dĩ phải phê chuẩn. Chẳng bao lâu, nhờ sự tinh tấn tu hành, đức Bồ-tát tham thiền đắc định phi thường. Ngài hiện thần thông, biến hoá cho mọi người thấy và thuyết về tội ngũ dục, khiến cho quần thần nhất là vua cha và mẫu hậu của ngài đều phát tâm hoan hỷ trong sạch xin xuất gia tu theo rất đông. Khi mệnh chung, ngài được sanh lên cõi Phạm thiên. Những người đã tu theo giáo pháp của ngài cũng đều tùy định lực mà được sanh lên cõi trời Dục giới và Sắc giới cả.

Khi chúng ta được xem truyện Temiya Bồ-tát đã giải tóm tắt, quí độc giả nên tự hỏi mình rằng: Hành động của Temiya Bồ-tát có chi là quan trọng hay cao thượng chăng? Nếu chỉ xem sơ thiểu thì quí vị chỉ nghĩ rằng Bồ-tát Temiya vì quá mong được xuất gia, nên mới ráng chịu bao thử thách đến 16 năm. Có khi cũng dám chê trách ngài rằng sao quá nông nỗi.

Quí vị nào có nhiều duyên lành mong sự giải thoát, xem rồi thẩm xét mới thấy rõ chơn lý mà phát tâm trong sạch. Vì sự tích của Temiya Bồ-tát có đầy đủ 4 trình độ pháp và 6 khuynh hướng pháp, phân tích như sau:

  • Ðức Temiya Bồ-tát cam tâm chịu với bao thử thách trọn 16 năm trường (thuộc về trình độ pháp thứ nhất “có nghị lực”).
  • Ðức Temiya Bồ-tát quán tưởng thấy tội khổ trong địa ngục và đế vị là nguyên nhân cẩu thả, có thể gây nghiệp ác to tát. Ngài chán nản ghê sợ ngôi vua sẽ đến cho ngài, ví như người ghê tởm ô trược. Ngài quá sợ địa ngục hơn các cách thử thách mà vua cha đã ban hành đối với ngài (thuộc trình độ pháp thứ nhì “có nhiều trí tuệ”).
  • Ðức Temiya Bồ-tát, từ khi được nghe vị thiên nữ khuyên ngài phải nên quyết chí làm người liệt, câm, điếc cam chịu các thử thách cho đến khi ra khỏi đền vàng, được như ý nguyện, dù là phải nhẫn nhục đến 16 năm (trình độ pháp thứ ba “quyết định kiên cố”).
  • Ðức Temiya Bồ-tát cam chịu nhiều điều cực nhọc với chí xuất gia. Ngài tinh tấn tu chứng bát thiền và hướng dẫn phần đông, nhất là vua cha và mẹ ngài cùng xuất gia theo giáo pháp của ngài. Tất cả đạo sĩ hành theo đạo ngài, từ thấp lên cao đều được sanh lên cõi trời (thuộc về trình độ pháp thứ tư “chỉ làm những điều lợi ích”).

Nói về bẩm tính của Temiya Bồ-tát, chúng ta thấy rằng ngài “khuynh hướng không tham”. Như lúc họ bỏ, không cho ngài thọ thực, trọn một, hai ngày mà ngài vẫn điềm nhiên, không cử động. Chỉ cho ta thấy rằng ngài có khuynh hướng không tham ăn, nhất là không tham ngai vàng, thật là một bậc phi thường vậy. Những điểm ấy cũng chưa cực kỳ quan trọng hơn là cách thử cuối cùng là vua cho đem các thanh nữ trang điểm xinh đẹp, toàn là con dòng vua, quan trong triều, đến khiêu gợi tình ái, mà ngài vẫn lãnh đạm. Ngài rất sợ về tình trường[13]. Ðiều này chứng tỏ rằng, ngài có khuynh hướng không tham trong xúc vật thực (phassāhāra) tức là vật ăn mê mẫn tinh thần của phàm nhơn. Ðây chỉ cho ta thấy rằng: Xác định Bồ-tát hằng “khuynh hướng không tham”, dù là đối với thực phẩm và ngũ dục.

Ðức Xác định Bồ-tát hằng “khuynh hướng không sân” là đối với các cách thử thách. Nếu kẻ khác bị bỏ không cho ăn một, hai ngày thì phát sân, kêu la, than khóc là thường tình; hoặc có người đem nước mía thoa khắp mình, bỏ cho ruồi bu nút, thử hỏi mình có chịu được chăng? Ðây là đức tính phi thường của Xác định Bồ-tát.

Ðức Xác định Bồ-tát hằng “khuynh hướng không si” với sự khích động tình ái của thanh nữ, ngài chẳng màn và cũng không ưa thích lời thỉnh cầu của vua cha để trở về, lên ngôi cửu ngũ tại Bārānasī. Ngài không thất nguyện, vẫn cố gắng chịu bao gian lao thử thách trọn 16 năm, cho đến khi được xuất gia hành đạo.

Ðức Xác định Bồ-tát hằng “khuynh hướng xuất gia”, bởi ngũ dục là nhân sanh tội lỗi, khổ nhiều hơn vui, là những điểm ám ảnh người đời phải chìm đắp trong bể khổ.

Ðức Xác định Bồ-tát hằng “khuynh hướng an tĩnh”, là người hoan hỷ cho đao phủ chở Ngài vào rừng để chôn sống. Ngài không vừa lòng ở chốn huyên náo, ồn ào, rất trở ngại cho ngài tu chứng đến bát thiền được. Cần phải ngụ trong nơi thanh vắng, mới có thể làm được những đều thanh cao mau chóng và hướng dẫn kẻ khác làm điều lợi ích được dễ dàng. Ðây là đức tính phi thường của Xác định Bồ-tát. Sự an tĩnh có hai là: an tĩnh bên ngoài: là xa lánh náo nhiệt; an tĩnh bên trong: là yên lặng phiền não.

Ðức Xác định Bồ-tát, hằng “khuynh hướng thoát ly” đế quyền, xuất gia tu đạo sĩ. Ngài cố gắng thực hành Chánh pháp, từ bỏ những vui thích thế sự, ảo mộng, vô thường bằng pháp thiền định, ấy là chí hướng phi thường của Xác định Bồ-tát.

Cụm từ ‘Xác định Bồ-tát’, cũng như Temiya Bồ-tát, đều phải luôn luôn hành 30 ba-la-mật, 4 trình độ pháp và 6 khuynh hướng pháp. Những pháp ấy hằng in sâu vào tâm não của các ngài.

Truyện Temiya Bồ-tát, đã diễn giải tóm tắt trên đây, chỉ cho ta thấy rằng: Chư Xác định Bồ-tát hay có tâm quả quyết trong sự xuất gia. Dù là một việc phước thiện nào, các ngài cũng nhất định thực hành đầy đủ 4 trình độ là: nghị lực, trí tuệ, quyết định, chỉ làm những lợi ích đến mình và cho kẻ khác. Khi làm một việc gì, các ngài hằng dùng trí tuệ trước tiên, để tìm xét theo nhân quả, thấy rõ có hiệu nghiệm, mới quyết định kiên cố thực hành cho đến khi mãn nguyện.

Hơn nữa, các ngài có đủ pháp khuynh hướng không tham, không sân, không si, xuất gia tìm nơi an tĩnh và thoát tục; không say đắm trong bả lợi danh của cuộc đời ảo mộng, cố công tu luyện cho đến khi chứng quả Phật. Quan sát cho tỉ mỉ, ta thấy rằng: Xác định Bồ-tát là bậc xuất chúng xứng đáng với lời mà đức Siddhattha tuyên bố trong lúc ngài đản sanh rằng:

Aggohamasmi settho

Aggohamasmi jettho

Aggohamasmi anuttaro

Ayamanti mā jāti natthi dāmi punabbhavo.

 

Ta là bậc cao nhất trên đời

Ta là người quí nhất trên đời

Ta là bậc trí tuệ tôn trên đời

Sự sinh ra của ta kiếp này, là kiếp cuối cùng, nay ta chẳng còn sinh nữa.

            Satthā imaṃ dhammadesanaṃ āharitvā – Ðức Thế Tôn thuyết xong, gọi chư tăng mà rằng: “Bhikkhave – Này các thầy! Chẳng phải Như Lai chỉ từ bỏ ngai vàng trong kiếp này đâu, kiếp sanh ra làm Temiya, Như Lai cũng bỏ đế vị vậy”. Samodhānesu – Ngài họp các tiền kiếp lại rằng: Bhikkhave: Này các thầy! Devadhitā: Thiên nữ khuyên hỏi ta đó, sau này là tỳ khưu ni Upalavaṇṇatherī; Sarathī: xa phu sau là Xá Lợi Phất tỳ khưu; Sakko: Trời Ðế Thích sau là A Nậu Lầu Đà tỳ khưu; Mātāpitaro: cha mẹ của ta sau là Tịnh Phạn Vương và Mayā hoàng hậu. Sesaparisa những bộ hạ tùy tùng, sau là hàng Phật tử. Temiya Pandito: bậc hiền minh Temiya sau là (Āhameva) Như Lai vậy.

‒Dứt tích Bồ-tát Temiya tu hạnh xuất gia‒

 

 

  1. Mahājanaka jātaka ‒ Truyện Mahājanaka (Bồ tát tu hạnh tinh tấn ba-la-mật)

Atite kāle: Trong thuở quá khứ có một vị Hoàng đế danh là Mahājanaka, trong kinh đô Mithilā. Tassa ranno devaputta: Ðức Hoàng đế có hai hoàng tử là: Arikhajana và Pojana. Vua cha phong con trưởng (Arikhajana) làm đông cung, con thứ (Pojana) làm đại tướng.

Không bao lâu Hoàng đế băng hà, đông cung lên kế vị, rồi phong cho em Pojana làm thứ vương. Vì vua quá tin lời sàm tấu của nịnh thần, nên bắt em là thứ vương hạ ngục. Sau thứ vương vượt ngục trốn khỏi, chiêu binh mãi mã[14] trở về tranh ngôi báu, giết được vua anh (Arikhajana) rồi đoạt vị. Hoàng hậu của vua Arikhajana, khi hay tin chồng tử trận, bà bèn tìm đường tẩu thoát. Lúc đó nhờ đức Bồ-tát vào thọ sanh trong thai bào, nên khiến trời Ðế Thích hiện xuống, giả làm xa phu thỉnh hoàng hậu lên xe, đưa bà đến kinh đô Kālacampaka tỵ nạn, rồi từ biệt biến mất. Hoàng hậu tìm chỗ an nghỉ, nương náu trong một phước xá. Khi ấy có một vị Bà-la-môn trứ danh, giáo sư (Dīsāpamokkha) trong thành Kālacampaka dẫn năm trăm đồ đệ đi tắm, thấy hoàng hậu liền phát tâm thương hại như em ruột (do phước báu của đức Bồ-tát trong thai bào) nhận làm em gái, rồi đem về cho vợ chăm nom như em ruột. Không bao lâu, hoàng hậu sanh được một hoàng nam diện mạo khôi ngô, xinh đẹp, màu da như vàng, đặt tên là Mahājanaka. Lớn lên đùa giỡn với trẻ con. Bồ-tát có nhiều sức mạnh nên lũ trẻ rất kiêng nể. Bữa nọ, vì bất bình, Bồ-tát đánh bọn trẻ chạy, chúng mách cha mẹ chúng hay, rồi chỉ Bồ-tát mà rằng: “Ðấy, nó là đứa không cha”. Bồ-tát nghe qua lòng chẳng yên, về hỏi mẹ: “Cha con đâu?” Hỏi nhiều lần hoàng hậu khó giấu được, nên nói rõ tự sự. Từ đó, Bồ-tát an lòng thủ phận, trầm tư suy nghĩ. Lên 16 tuổi, ngài rất thông minh, trong năm trăm đồ đệ của vị trứ danh giáo sư chẳng ai sánh bằng.

Một hôm, Bồ-tát Mahājanaka hỏi: “Mẹ có vật chi quí giá chăng?” Hoàng hậu đáp: “Khi ra khỏi thành, mẹ có đem theo nhiều báu vật để làm của cho con”. Bồ-tát xin phân nữa dùng làm vốn buôn bán lấy lời, với mục đích là chiêu binh mãi mã trở về phục nghiệp. Ngài xin phép mẫu hậu xuống thuyền qua biển về kinh đô Mithilā (xứ Phụ vương của ngài đã trị vì). Không may, thuyền ra biển đến ngày thứ 7, bị trận bão to phải chìm. Lúc bấy giờ, các thủy thủ sợ chết, khóc la, khẩn cầu ông này bà nọ bảo hộ. Trái lại, Bồ-tát tìm thực phẩm độ cho no, rồi lấy y phục nhúng dầu, mặc vào, xong leo lên cột buồm, nhảy ra xa khỏi bầy cá đang ăn các thủy thủ. Ngài lội mãi như thế, đến ngày thứ 7, thấy trăng tròn, biết là rằm, ngài bèn dùng nước mặn súc miệng rồi nguyện thọ trì bát quan trai và không quên sự cố gắng. Trong kiếp ngài là Bồ-tát Mahājanaka này, gọi là Bồ-tát tu hạnh tinh tấn đến bờ kia (viriya pāramī).

Thuở đó, có một thiên nữ tên là Manīmekhalā lãnh trách nhiệm cứu vớt nạn nhân trong biển, song nàng mắc đi dự hội với các thiên nữ khác nên không hay biết (do tiền nghiệp của Bồ-tát). Ðến ngày thứ 7, thiên nữ mới rõ có Bồ-tát mắc nạn trong biển đã 7 ngày, nàng liền bay đến ngay trên chỗ Bồ-tát đang lội, rồi cất tiếng gọi: “Người thanh niên này! Vì sao ngươi đến chịu chết trong biển to như vậy?” Bồ-tát nghĩ rằng đây chắc là thiên nữ đến cứu ta, rồi đáp: “Mẹ ôi! Xin mẹ từ bi ra ơn cứu độ con với!” Thiên nữ nghe những lời cảm động như thế, liền hỏi tiếp: “Do nguyên nhân nào, mà con phải lâm nạn trong biển này? ‒ “Vì tôi mong đi buôn lấy lời, để tìm dịp chiêu binh mãi mã về phục hồi đế nghiệp vua cha tôi”. (Ngài kể hết cho thiên nữ nghe). ‒ “Thôi con đừng lo ngại, mẹ đến đây để cứu con được đắc kỳ sở nguyện”. Nàng vớt Bồ-tát, bay đến kinh đô Mithilā, rồi trở về. Bồ-tát vào ngự uyển của đức vua Mithilā nằm nghỉ mê man, vì quá cực nhọc trọn 7 ngày đêm trong biển.

Thuở đó, đức vua trong thủ đô Mithilā đã thăng hà 7 ngày, mà chưa có người xứng đáng lên kế vị. Công chúa Sīvalī của vua thành tâm khẩu cầu người có trí tuệ lên ngôi vàng, thay thế vua cha, thì nàng cũng hoan hỉ làm hoàng hậu, để thừa kế đế nghiệp. Công chúa cho đòi vị cố vấn vào, cho ông biết tâm ý của nàng. Vị cố vấn bèn tâu: “Ðể hạ thần cầu khẩn Chư thiên, rồi cho xe rồng chạy vòng quanh kinh thành Mithilā, long xa ngừng ngay một nhân vật nào, hạ thần sẽ thỉnh vị ấy lên ngôi báu trị vì thiên hạ”. Công chúa hoan hỷ nhận lời.

Sáng ra, triều thần cho long xa nhiễu[15] ba vòng thành, rồi ra cửa đông chạy về hướng ngự uyển. Xe chạy rất nhanh, không ai theo kịp. Vị cố vấn ra lệnh, không cho chận xe, dù chạy đến 100 do tuần[16] cũng được, chúng ta cứ theo sau. Xe chạy đến chỗ Bồ-tát nằm, quay 3 vòng rồi ngừng bên cạnh Bồ-tát, dường như mong thỉnh ngài lên xe. Vị cố vấn chạy đến, chờ các quan hội họp đông đủ, bảo cùng nhau rằng: “Vị nằm trên tảng đá có tướng mạo đoan trang, không biết có đáng lên ngôi báu chăng? Nếu thật là người có trí tuệ xứng đáng với ngôi rồng, dù là nghe tiếng ngựa xe, tiếng trống, tiếng kèn cũng không vội ngồi dậy, xem bên này, ngó bên kia rồi chạy đi. Các ngươi hãy đánh trống, thổi kèn mau lên, như thế mới thấy rõ là người có phước hay bất hạnh”. Khi đó, kẻ đánh trống, người thổi kèn một lượt nghe vang rền. Nghe trống, kèn, Bồ-tát ngồi dậy xem thấy đám người, đoán biết ngai vàng đã đến, ngài bình tỉnh nằm trở lại như cũ, nằm nghiên bên phải. Vị cố vấn lại gần quan sát hai chân của Bồ-tát rồi tâu rằng: “Thật là bậc quý nhân, thỉnh ngài ngồi dậy, ngôi trời đã đến cho ngài rồi”. Bồ-tát hỏi: “Chúa của các ngươi đi đâu?”

‒ Tâu, Hoàng thượng của chúng tôi đã thăng hà 7 ngày.

‒ Ðức hoàng tử, thứ vương của đức vua không có sao?

‒ Tâu, không. Chỉ có một công chúa mà thôi.

Bồ-tát ngồi dậy và nhận lời cầu thỉnh. Triều thần đồng đến làm lễ, mặc long bào cho ngài theo lễ tôn vương, xong thỉnh ngài ngự lên long xa, hộ giá về thành Mithilā, thống trị quốc dân hiệu là Mahājanaka Hoàng đế. Ngài phán rằng: “Tất cả triều thần, trước ở tước vị nào, nay giữ như cũ”.

Khi công chúa nghe vua ngự vào cung nội, bèn sai hoạn quan đến thỉnh vua, thử coi ngài có trí tuệ thế nào. Hoạn quan tâu rằng: “Công chúa thỉnh Hoàng thượng vào lập tức”. Đức vua nghe cũng tự nhiên, như không nghe biết, rồi tỏ lời rằng: “Tòa lâu đài này đẹp”. Hoạn quan không biết làm cách nào cho vua nghe lời tâu của mình được, rồi trở vào tâu với công chúa: “Những lời mà lệnh bà dạy, hạ thần đến tâu, vua không để ý đến”. Công chúa nghe qua hiểu rằng đấy là bậc đại phước. Công chúa sai hoạn quan đi tâu với đức vua 2, 3 lần như thế. Đức vua cũng vẫn lãnh đạm như trước. Ngài từ từ bước đi như thường, uy phong lẫm liệt, khác nào như chúa sơm lâm. Công chúa xem thấy lấy kính phục, không dám trường mặt để được gặp ngài và rất kinh sợ. Nàng chỉ dám đưa tay lên làm dấu hiệu cho đức Bồ-tát dừng chân.

Khi lên ngôi vàng, đức vua dạy xây cất các phước xá tại các cửa thành cho ngài bố thí mỗi ngày, có trữ đủ các vật dụng cho những kẻ bịnh tật, nghèo nàn đói khổ. Ðức Bồ-tát không quên cho triều thần đi rước mẹ và vị trứ danh giáo sư tại xứ Kālacampaka, về đến dâng đủ báu vật để báo hiếu về đền đáp ơn dày của vị giáo sư. Từ ngày lên ngôi thống trị trong nước, Bồ-tát ban bố phóng thích tội nhân, chiêu an bá tánh, chẩn bần dân nghèo. Quốc dân hằng được an cư lạc nghiệp. Thật là đời thái bình thạnh trị.

Thuở đó, Bồ-tát là dòng dõi của chư Phật, thấy dân gian an hoà. Ngài nhớ đến lúc bị nạn 7 ngày trong biển, ngài phát tâm hoan hỷ, phỉ lạc, tuyên bố rằng: “Āsinsattheva puriso na bandeyya pandito passāmiroham attānam… ‒ Người có trí tuệ hay cố gắng trong mọi phương diện. Sự tinh tấn là một đức tính thanh cao, đem đến nhiều lợi ích cho mình và cho kẻ khác. Ta đã được thấy rõ điều đó trong lúc ấy rồi. Những người lười biếng đi cùng ta, đã phải làm mồi cho cá. Còn ta nhờ sự tinh tấn không dể duôi, lội đến 7 ngày, gặp được thiên nữ Manimekhalā cứu độ đến kinh đô Mithilā. Do đó, bậc trí tuệ, dù gặp phải khổ thân tâm đến đâu, cũng không bỏ sự tinh tấn, hãy đạt đến hạnh phúc tối cao, mới vừa với danh hiệu là bậc trí tuệ. Sanh ra có ngũ uẩn, trong vòng sanh tử luân hồi, có hạng được vui, kẻ lại chịu khổ, người được giàu sang mà vui, kẻ nhiều của cải mà khổ cũng có, vì bị tử thần giết hại, như bảy trăm thủy thủ đi cùng ta. Hơn nữa, chẳng phải người muốn chi được nấy, mong vật này lại được món khác, có lúc không cầu mà được. Như ta nào ngờ hôm nay mà được ngôi báu như vầy, cũng do sự tinh tấn của ta”.

Khi lên ngai vàng, Bồ-tát tinh tấn thực hành 10 pháp vương[17] (dasa dhammarāja) bố thí, trì giới trong sạch. Ngày nọ, đến mùa trái cây, quan giữ ngự uyển đem dâng các thứ quả và hoa thơm, ngài bèn dạy dọn dẹp ngự uyển để ngài đi ngoạn cảnh. Đến ngự uyển, Bồ-tát thấy xoài chín mong được dùng. Nơi đây có một cây có trái và một cây không trái. Quan giữ ngự uyển bẻ xoài chín dâng đến đức Bồ-tát. Ðức Thứ vương “Dīghāvukumāra” (con ngài) và các quan thấy thế, họ tranh nhau bẻ ăn, làm cho cây xoài có trái trở nên trơ trụi. Sau khi ngắm cảnh vật ngự uyển xong, Bồ-tát trở về ngang qua cây xoài có trái chín lúc nảy, bây giờ rụng lá, gãy cành, còn cây không trái vẫn sum suê tươi tốt. Ðức Bồ-tát hỏi: “Vì nhân nào mà trong hai cây xoài, một cây trơ trụi, một cây thì cành lá xanh tươi?” Các quan tâu: “Cây xoài có trái, sau khi Hoàng thượng đã thọ trái rồi, quan quân đồng nhau tranh giành hái bẻ, nên phải bị trụi lũi, cây kia không trái nên còn nguyên”. Ðược nghe như thế, Bồ-tát bèn than rằng: “Ôi! Cây xoài có trái khác chi sự nghiệp Ðế vương. Ta ngồi trên ngai vàng, cũng như cây xoài có trái, biết bao kẻ nghịch đã chực sẵn giết hại ta. Nếu ta muốn khỏi người thù oán thì nên xuất gia tìm đạo mới được an nhàn như cây xoài không trái, nhành lá vẫn xanh tươi”. Xét vậy, đức Bồ-tát liền cho đòi quan đại thần vào rồi phán rằng: “Từ nay chỉ cho một người mỗi bữa đem thực phẩm, nước dùng và tăm xỉa răng cho trẫm mà thôi, về việc triều chính, các ngươi đảm đương như cũ. Chẳng nên cho ai vào chầu ta, vì ta định tu hành”.

Ðáng thương xót cho triều thần lẫn dân gian, không được gần Thiên nhan, họ than van hoài cảm. Họ đồng nhau hỏi thăm người dâng cơm cho Bồ-tát mỗi ngày, có thấy ngài nói lời chi chăng. Quan hầu đáp: “Phần nhiều chỉ thấy ngài nín thinh”.

Ðôi khi ngài nhớ đến đức Ðộc giác là một vị Sa-môn ngụ trong lâm sơn thanh vắng mới là hạnh phúc cao thượng. Các ngài không còn bận lòng lo đến thế sự ảo huyền, cũng không bị phiền não cuốn lôi trong đường tội lỗi. Các ngài chỉ tham thiền, quán tưởng … “Ôi! Tôi xin hết lòng thành kính lễ bái các ngài”… “Ngẫm nghĩ đến cuộc đời vô thường, thật là đáng chán”… “Ôi! Bao giờ ta mới được xuất gia, ra khỏi đền vàng, vào tu trong non tuyết lãnh, cho tâm thần được an tĩnh”… “Ôi! Bao giờ ta mới thoát ly ngôi rồng gác tía, quan quân, bà-la-môn, cung phi mỹ nữ, họ làm cho ta phải bận lòng mệt trí tuệ. Bao giờ sự đi đứng, đó đây một mình, không người ràng buộc sẽ được kết quả đến ta”… “Ôi! Giờ nào ta mới được xuất gia, cạo tóc, mặc y casa, mang bát, đi khất thực tự do theo ý chí ta”… “Ôi! Bao giờ ta được đi trì bình, khất thực trong mùa mưa liên tiếp 7 ngày, dù y bị ướt ta cũng không quên đi khất thực!”… “Ôi! Khi nào ta mới có sự tri túc, không thương tiếc sự vật, lìa cây này, đến bóng cây khác, ra khỏi rừng kia, sang rừng nọ, từ thạch động này tìm đến hang đá khác, chỉ trải đi một mình, không còn lo sợ chi cả! Dù ngũ dục hoặc sự giàu sang đến đâu ta cũng chẳng màng!”

Ðức Bồ-tát ngự trong cung cấm tu hành được 4 tháng như vậy. Một hôm, ngài dạy quân hầu đến chợ mua y casa và bình bát đem về dâng ngài, đừng cho một ai hay biết. Ngài mặc y, mang bát lấy làm thoả thích và tuyên ngôn rằng: “Aho sukhaṃ parāmaṃ sukhaṃ ‒ Sự xuất gia này là hạnh phúc thực, hạnh phúc cao thượng thật”. Trọn đêm mặc y casa, đến sáng sớm, ngài ngự ra khỏi thành.

Hoàng hậu Sīvalī, vì quá thương nhớ vua, liền cho đòi cả bảy trăm phi tần, dạy phải trang điểm xinh đẹp, để vào hầu vua sáng mai này. Các nàng ráng làm thế nào, để cám dỗ đức vua ở trong đời. Sáng ra, hoàng hậu và các phi tần đồng nhau vào thành nội, đang lên thì đức Bồ-tát ngự xuống. Thấy mặc y mang bát tưởng là đức Độc giác đến dạy đạo, nên các bà không để ý. Khi lên tận tầng trên, thấy tóc cạo bỏ đó và long bào, ngọc báo cởi để lại long sàng, mới rõ khi nảy không phải là đức Ðộc giác, mà là đức vua. Hoàng hậu cùng cung phi lập tức chạy theo để nài nỉ, cầu khẩu Bồ-tát trở lại. Thương thay! Hoàng hậu cùng cung phi theo sau khóc than rằng: “Hoàng thượng ôi! Ngài nỡ nào đành bỏ chúng tôi, không nơi nương tựa, không còn ai dạy bảo lẽ phải lời ngay, hết lòng thương xót, cứu vớt như Hoàng thượng! Muôn tâu Hoàng thượng! Khẩn lạy ngài trở về cùng chúng tôi, tội nghiệp. Nếu mất ngài, chúng tôi không an thân được!” Khóc than, kể lể làm ồn ào náo động cả xứ. Chúng dân hay rõ câu chuyện, cũng đều cảm động khóc theo các cung phi. Hoàng hậu và các cung phi theo kịp vua, đồng quì lạy khẩn cầu, than khóc trước mặt ngài “Xin Hoàng thượng trở lại”. Nhưng đức Bồ-tát không đáp, cũng không ngó đến ai, vẫn tiến hành tự nhiên.

Hoàng hậu nghĩ ra kế, bảo các quan trở về cho quân gom cỏ khô, vật cũ, đốt cháy tưng bừng trong đền, rồi kêu la cầu cứu rằng: “Ðền vua bị cháy” hoàng hậu thừa dịp ấy, quỳ tâu rằng: “Tâu Hoàng thượng, xin ngài nhìn xem, lửa cháy đỏ trời tại hoàng cung. Cầu Hoàng thượng từ bi trở lại coi chửa lửa rồi sẽ ngự đi”. Than van thế nào, Bồ-tát vẫn làm ngơ không đáp, không hỏi thăm, cũng không liếc xem. Thấy vậy, dân gian đồng chê trách Bồ-tát rằng: “Lửa cháy thành như thế, mà đức vua đành lãnh đạm, không nghĩ tưởng thương xót chúng dân đau khổ; dù Hoàng thượng có ngự đi nơi nào chăng nữa, cũng nên về chữa lửa rồi sẽ đi, cũng không trở ngại.” Tiếng la khóc càng vang rền: Lửa cháy đến kho vàng, kho báu, kho lương thực, mà đức vua cũng không dừng bước. Triều thần và dân chúng đồng khẩu cầu, nhất là hoàng hậu và cung phi lăn theo chân, vật mình than khóc rất thảm đạm rằng: “Xin Hoàng thượng từ bi thương xót, trở về cứu độ chúng tôi”. Ðức Bồ-tát trả lời rằng: “Ye tan no natthi kiṇcānan…. Người nào không có phiền não, không bị phiền não dục và vật dục chi phối, kẻ ấy sống được hạnh phúc. Như ta, không bận vì phiền não, ta đây là người xuất gia, chẳng có chi là của cải, dù thành nội kia bị cháy tiêu tan, cũng chẳng can chi đến ta, chẳng có một vật gì của ta bị cháy cả”. Nói xong, Bồ-tát ra cửa bắc rồi tiến hành. Hoàng hậu bèn bày kế dạy các quan giục quân giả làm giặc đến cướp phá hoàng cung, rồi cho quân phi báo rằng: “Tâu Hoàng thượng, nay có quân cướp giết người đoạt của rất nhiều”. Hoàng hậu đến quỳ tâu: “Bây giờ, có nhiều kẻ cướp, suy mưu làm loạn, đoạt kho tàng, sát hại lương dân, lấy ngọc ngà châu báu, thành phố phải hư hại, nhân dân chịu nạn cướp bóc khổ sở vô cùng, Hoàng thượng đành lòng nào sống một mình, mà để nhân dân phải chịu khổ. Xin Hoàng thượng mở lượng từ bi thương xót, trở về trừ bọn cướp trước, rồi sau sẽ ngự đi cũng chẳng muộn”. Bồ-tát biết rõ là mưu kế của hoàng hậu, ngài ngâm câu kệ rằng: “Sukhaṃ vajavāpa yesaṃ no natthi kinñcanaṃ… Này sīvalī! Người không bị phiền não dục và vật dục chi phối, người ấy hằng sống được an vui. Như hôm nay, ta không bận vì phiền não, đã là kẻ xuất gia vô tài sản, dù kẻ cướp đoạt hết thành Mithilā cũng chẳng có một vật gì là của ta cả. Chúng cũng chẳng cướp được một vật gì của ta, bởi ta thường được phỉ lạc, dùng phỉ lạc làm vật thực, như các vị Phạm thiên no lòng nhờ phỉ lạc. Chư Phạm thiên nhập định và ở được an vui nhờ thiền định thế nào, ta cũng được an vui như thế ấy”. Bồ-tát giảng giải thế nào, cũng không một ai chịu bỏ ngài, họ vẫn theo bén gót không ngừng nghỉ. Khỏi kinh đô, lối hai ngàn thước, Bồ-tát muốn cho quần thần và hoàng hậu, cung phi trở về, nên ngài lấy cây gạch một đường ngang qua con lộ làm dấu, xong, ngài phán hỏi các quần thần: “Ðây là đất của ai?”

‒ Tâu, của Hoàng thượng.

‒ Vậy kẻ nào qua khỏi hoặc làm mất dấu vết này, trẫm sẽ chiếu theo luật hình mà trị tội.

Nghe như thế, không ai dám vượt qua khỏi, hay làm mất dấu gạch ấy. Mọi người thấy vậy, nhào lăn, khóc than thảm đạm tại nơi đây. Còn hoàng hậu thì không dám theo vì quá nể lệnh vua, nhưng lại sợ mất người đáng kính mến, nên bà gieo mình vật vã khóc than, thật đáng thương hại. Vì quá quý mến, hoàng hậu không còn sợ chi liền đứng dậy chạy riết theo đức Bồ-tát. Quần thần cho rằng hoàng hậu đã lắp mất dấu gạch rồi nên đồng chạy theo sau. Bồ-tát nhắm hướng bắc đi ngay vào núi Tuyết Sơn. Hoàng hậu dẫn đường quan quân đi theo Bồ-tát đến 20 do tuần.

Thuở đó có một vị đạo sĩ danh là Nārada. Ðạo sĩ ngụ trong thạch động Tuyết Sơn, khi xuất định, đạo sĩ tuyên minh rằng: “Ôi! Thật là hạnh phúc cao thượng, hạnh phúc thật”. Ðạo sĩ nghĩ rằng: Trong đời này ai có chí hướng tìm hạnh phúc như vầy chăng? Ðạo sĩ biết có đức Bồ-tát Mahājanaka là dòng dõi của bậc Toàn giác, đang xuất gia tìm đạo thanh cao, nhưng khó làm cho hoàng hậu và đại chúng trở về được, sợ ngài thối chuyển. Vậy, ta nên đến đó giúp cho ngài càng phát đức tin trong sạch. Vị đạo sĩ bèn vận thần thông bay đến, ngồi trên hư không, trước mặt Bồ-tát, rồi thốt rằng: “Kim maheso mahāgho so kanuā āmeva kiriyā samanataneva pucchāmi hatthesobhisato janoti ‒ Này thầy Sa-môn thọ trì phạm hạnh pháp! Tôi xin hỏi: Do nhân chi mà đại chúng theo dính người, có cả tiếng ngựa, xe, rộn rực như cuộc đại lễ trong kinh thành? Nầy thầy Sa-môn. Quần chúng theo hộ vệ đến đây là thế nào?”

‒ Bạch đạo sĩ, ngài đã rõ rồi, tiếng họ than van vì đức vua Mahājanaka bỏ ngôi vàng, xuất gia hành đạo. Bạch ngài, nay tôi lìa đế vị để tu phạm hạnh. Bậc trí tuệ không ưa thích sự huyên náo, không thương tiếc chỗ ăn ngon, ngủ kỹ, để tìm trí tuệ sáng suốt, tôi đây cũng thế. Nay tôi cũng chưa hoàn toàn xuất gia, vì còn bị đại chúng ràng buộc, họ muốn cho tôi trở về trị vì như trước, nên họ mới theo khẩn cầu tôi.

‒ Này thầy Sa-môn! Ngươi không nên cho mình vượt khỏi phiền não. Bậc xuất gia chẳng phải chỉ mặc y casa, cạo tóc đó đâu, chưa lìa được lưới phiền não đâu? Phiền não làm hư hại đường trời, người.

‒ Bạch ngài, tôi từ bỏ ngai vàng, chẳng mong được ngũ dục ở cõi người và trời, như thế còn có chi nguy hiểm đến tôi nữa chăng?

‒ Này thầy Sa-môn! Điều nguy hiểm trong thân thể của ngươi, sẵn chờ cám dỗ ngươi chẳng ít. Tình trạng ngủ ngủ, thức thức là điều nguy hiểm. Lười biếng là điều nguy hiểm.   Tình trạng mơ màng, ưa thích ngủ dục là điều nguy hiểm. Tình trạng ưa thích nhục dục là điều nguy hiểm. Tình trạng ham ăn là điều nguy hiểm.

Này Sa-môn! Ngươi có tướng mạo đẹp như vàng, khi cho họ hiểu rằng ta là vua, bỏ ngôi tìm đạo, họ dâng thực phẩm quí đầy bát, thọ thực no đủ, xong ngủ mê và ngây, đến lúc thức lại không dậy, trở ngủ nữa. Ngủ rồi thức, thức rồi ngủ như vậy là điều nguy hiểm, làm cho thối bộ sự xuất gia. Ngủ ngủ, thức thức như vậy là nhân sanh lười biếng, không quét chỗ ngụ, không xách nước để dùng, dần dần sẽ sanh dục tư duy[18] là nhân chán nản trong sự xuất gia. Tất cả điều nguy hiểm đó, đều phát sanh do ăn no ngủ kỹ. Này Sa-môn! Không nên cẩu thả, tưởng rằng ta có tăng tướng rồi là vượt khỏi hẳn phiền não đâu?

‒          Bạch đạo sĩ, ngài đến đây thức tỉnh tôi, thật là hân hạnh vô cùng. Bạch ngài, xin cho tôi biết quý danh của ngài?

‒          Pháp danh tôi là Nārada đạo sĩ.

‒          Vì thấy thầy là bậc cao quý, sẽ đem những lợi ích đến chúng sanh sau này, nên tôi mới gặp thầy. Này Sa-môn! Chẳng nên ưa thích nhục dục, chẳng nên chán nản trong sự xuất gia, hãy cố gắng tinh tấn, phát tâm hoan hỉ thực hành chánh pháp cho đến ngày mãn nguyện. Này Sa-môn! Thầy nên tinh tấn tu pháp “Tứ vô lượng tâm[19] đừng bỏ qua. Nên bổ túc giới, định, tuệ cho viên mãn, chẳng nên ngã mạn rằng ta là vị vua xuất gia tu hành, cần phải thọ trì pháp nhẫn nại, quan tâm về sự dập tắt phiền não, không nên tự cao mà hại người, phải thực hành thập thiện nghiệp, ngũ thông, bát thiền cho hoàn bị. Như thế, sự xuất gia của thầy mới đem lại nhiều kết quả tốt, không thối bộ và hối hận về sau.

Giảng giải xong, vị đại sĩ từ giả trở về núi. Sau đó có một vị đạo sĩ nữa là Mitājāna khi vừa xuất định như Ðạo sĩ Nārada, cũng đến khuyên giáo đức Bồ-tát. Đạo sĩ hỏi:

‒ Do thân nào mà ngài xuất gia?

‒ Bạch, tôi là Hoàng đế tại kinh đô Muthilā, vì xét thấy đời là khổ, chúng sanh mê đời, không thấy trạng thái vô thường của vạn vật, cho đời là vui thú hơn cả, nên say đắm cuộc đời mộng ảo. Họ gây biết bao nghiệp ác, vì lòng tham, sân thúc đẩy, rồi phải chịu hình phạt trong kiếp hiện tại, sau khi chết còn phải bị sa đọa trong 4 ác đạo, không biết đời kiếp nào mới ra khỏi được. Bởi thấy thế, tôi phát tâm chán nản, ghê sợ không tiếc ngai vàng, của báu, vợ đẹp, hầu xinh, để tìm đường đạo đức, thoát ly thống khổ. Nếu còn quyến luyến, tôi không sao tránh khỏi như quần chúng.

Ðạo sĩ Mitājāna nghe được như thế, bèn hỏi: “Những lời ngài nói đó, ai là thầy của ngài, hay là nhờ nghe đức Ðộc giác chỉ dạy?”

‒ Bạch, tôi chưa từng nghe ai giáo huấn, vì khi còn ở ngôi báu, có ngày nọ, tôi đi ngoạn cảnh, đến ngự uyển thấy hai cây xoài: Cây có trái bị trơ trụi, cây không trái còn nguyên. Tôi xét nghĩa rằng: Sự nghiệp đế vương của tôi ví như cây xoài có trái, sẽ bị nhiều người tranh giành mai hậu. Kẻ vô tài sản như bậc xuất gia, tam y, quả bát, không nhà không cửa thì hằng được an vui như cây xoài không trái, vẫn được xanh tươi. Tôi đem mình so sánh với hai cây xoài nên sanh lòng chán nản rồi xuất gia như vầy: Bạch ngài người giết cọp vì muốn được da, sát voi mong được ngà, hại người mong đoạt của. Gia chủ không trí tuệ, ở một mình ắt bị kẻ nghịch sát hại, bằng có pháp trí tuệ thì hẳn được vui như sự xanh tươi của cây xoài không trái; của cải nhiều thì lo nhiều, bị nhiều người ganh ghét oán thù. Hạng xuất gia chơn chánh là hạnh phúc thật. Vì thế, tôi mới bỏ đế quyền, tìm tu một mình trong nơi thanh vắng. Bạch ngài, hai cây xoài đó là thầy tổ của tôi, dạy tôi thực hành theo bậc xuất gia như vậy.

‒ Này thầy Sa-môn! Thầy không nên cẩu thả, hãy tinh tấn trọ trì pháp xuất gia cho đến kỳ cùng. Khuyên Bồ-tát rồi, đạo sĩ trở về chỗ ngụ.

Thì khi ấy, hoàng hậu quỳ tâu nài nỉ Bồ-tát trở về, vì chúng dâng khóc than, kể lễ không ai nương nhờ, xin Hoàng thượng hồi triều tôn vương cho hoàng tử rồi sẽ ngự đi xuất gia. Bồ-tát đáp: “Nay ta đã từ bỏ ngôi vàng, quan quân thân quyến không còn bận lòng một cái gì cả”. Hoàng hậu vật mình nhào lăn khóc than rằng: “Ôi! Kiếp trước tôi đã tạo nghiệp chi mà nay phải chịu phân ly chồng vợ như vầy. Hoàng thượng xuất gia bỏ tôi một mình, biết nương cậy vào đâu!”

‒ Này Sīvalī! Nên nghe ta chỉ giáo, người ở trong của cải là nhân khiến mình gây nghiệp ác. Khi nàng trở về thành tôn vương cho hoàng tử rồi phải giúp con trị vì trăm họ, gây thêm nghiệp thân, khẩu, ý ác, vì quyến luyến trong sự nghiệp. Ta đã dứt được tình thương nhỏ hẹp, trải đi khất thực nuôi mạng, do sự bố thí của mỗi nhà chút ít. Xuất gia là điều thoát khổ, của cải là nhân sanh những nghiệp tội. Này Sīvalī nàng nên suy xét…

Bồ-tát và hoàng hậu tranh luận nhau dài theo đường cho đến tối. Quan quân che trại cho Bồ-tát và hoàng hậu nghỉ. Nhưng Bồ-tát ngự đi tìm ngụ đưới tàng cây một mình.

Sáng ra, Bồ-tát vẫn tiến hành, hoàng hậu cùng quần chúng theo sau. Ði gần đến chợ, có người nướng thịt, để sơ ý nên chó tha, chạy đến thấy Bồ-tát và hoàng hậu đang đi, nó sợ hoảng chạy bỏ miếng thịt lại. Bồ-tát nghĩ rằng, miếng thịt này chó đã bỏ, không còn mến tiếc như vật vô chủ, thế là vô tội, đáng cho người xuất gia dùng. Ta hãy thọ miếng thịt này. Ngài bèn lượm miếng thịt, phủi bụi rồi đặt vào bát, đến nơi có nước, ngài tìm chỗ để thọ thực. Hoàng hậu xem thấy, kể lể khóc than rằng: “Hoàng thượng không gớm thịt của chó tha mà lượm đem dùng. Ôi! Thật là thê thảm”. Bồ-tát đáp: “Nàng vô trí tuệ, đây là vật thực cao quý”. Rồi Ngài tìm ngồi nơi khuất mắt hoàng hậu mà thọ thực. Hoàng hậu trách Bồ-tát ăn thịt của chó tha không nhờm gớm. Bồ-tát đáp: “Này Sīvalī! Vậy vô chủ là món trong sạch, đáng cho bậc xuất gia dùng. Trái lại vật không hợp pháp dù có giá trị đến một trăm ngàn bạc thì ta nhờm gớm và hổ thẹn, không ước mong”.

Ði đến trước, gặp nhóm trẻ đang chơi cát, có một em gái một tay đeo một chiếc xuyến, tay kia đeo hai chiếc. Tay đeo một chiếc không nghe khua động, tay đeo hai chiếc thì chạm nhau nghe lạch cạch. Bồ-tát liền nghĩ rằng: Nàng Sīvalī theo sau ta không tốt vì phụ nữ là phiền não của xuất gia. Người đời xem thấy họ dèm siểm. Bồ-tát liền hỏi thử đứa bé: “Này cháu! Vì nhân nào mà tay cháu đeo một chiếc xuyến không nghe kêu, còn tay đeo hai chiếc lại nghe tiếng?” Ðứa bé đáp: “Vì có hai vật mới có chạm nhau ra tiếng, như có hai người sẽ có lời qua tiếng lại. Bạch ngài, ngài là bậc xuất gia, tại sao lại có phụ nữ xinh đẹp theo sau? Lệ thường, dù là em gái, người xuất gia cũng chẳng nên đi chung, chỉ đi một mình mới được trong sạch”. Bồ-tát nghe qua rất thỏa thích, bèn nói với nàng Sīvalī: “Nàng có nghe lời trẻ em nói y như ta chăng? Này Sīvalī! Ta đã bị trẻ nhỏ chê trách, vậy nàng chẳng nên theo ta nữa. Ðây là con đường rẽ hai, mỗi người đi mỗi ngã. Nàng vừa lòng đường nào thời cứ dời bước, ta đi đường khác. Nàng đừng theo sau tỏ ý chồng vợ cho người đời chê trách”. Hoàng hậu nghe Bồ-tát nói như thế, rất đau lòng xót dạ, nhưng cũng theo sau ngài luôn. Ði đến một dậm đường nữa, gặp một người thợ vót tên lấy cây vót rồi ngắm xem bằng một mắt. Bồ-tát lại gần hỏi: “Nhân chi ngươi nheo mắt lại mà nhắm cây tên?”

‒ Bạch Ngài, nếu xem cả hai mắt, thì thấy không ngay, vì hai mắt sẽ thấy cây tên khum quẹo, thế nào, người xuất gia cũng nên tu một mình mới có kết quả, nếu tu hành mà dẫn vợ trang điểm như thế kia, hằng có tai hại và vô hiệu.

Bồ-tát nói với hoàng hậu rằng: “Nàng Sīvalī này! Có nghe thợ vót tên nói chăng? Họ là người tay sai của ta, mà còn tỏ lời chê trách ta như thế, nàng không nên đi chung cùng ta nữa, hãy đi ngã khác đi”. Hoàng hậu vì quá nể, vâng lời cố gắng đi riêng một đoạn đường, đau lòng chịu không nỗi, liền dắt đại chúng trở lại theo sau Bồ-tát nữa. Ðến gần núi, Bồ-tát bèn ngồi xuống nhổ một cọng cỏ, cho hoàng hậu xem và thốt rằng: “Cọng cỏ này không còn dính liền với gốc nữa được, thế nào, nàng với ta cũng chẳng phải là vợ chồng nữa như cọng cỏ ấy. Nàng đừng theo gót ta mà luống công, hãy trở về ở một mình đi, ta cũng chỉ ở riêng một mình mà thôi. Như thế, mới mong thoát khổ được. Muốn giải thoát hãy tu hành như ta vậy”. Nghe Bồ-tát nói những lời tuyệt vọng, hoàng hậu khóc nức nở, từ đây ta và Mahājanaka (Bồ-tát) chẳng còn là vợ chồng nữa, hẳn rồi. Nàng nhào lăn ra khóc thảm thương vô cùng khổ não đến bất tỉnh. Thừa dịp hoàng hậu hôn mê, Bồ-tát đi nhanh vào rừng sâu tuyết lãnh, tham thiền đắc định được an vui như ý nguyện. Khi hết kiếp, ngài sanh lên cõi Phạm thiên.

Quan quân đến nơi thấy hoàng hậu nằm mê trên đất, vội vã dạy người đến cấp cứu. Khi tỉnh dậy, hoàng hậu xem tứ phía không thấy Bồ-tát bèn hỏi: “Có ai thấy Hoàng thượng đi nơi nào chăng?” ‒ “Tâu lệnh bà, chúng tôi theo sau lệnh bà, nào thấy được”. Hoàng hậu liền sai người tìm đủ các hướng mà không một ai gặp Bồ-tát cả. Hoàng hậu vật mình, kêu la khóc kể thật là đau đớn, thiết tha, không sao tả xiết, ai nghe cũng đều xúc động thương tâm; cung phi, triều thần; chí dân gian đều khóc và theo bà. Hoàng hậu bèn dạy xây tháp để kỷ niệm và dâng hương hoa cúng dường trong các chỗ như: nơi đức Bồ-tát đứng trong giờ chót, nơi đức Bồ-tát hỏi người thợ vót tên, nơi đức Bồ-tát hỏi đứa bé đeo xuyến, nơi đức Bồ-tát nghe vị đạo sĩ Nārada giảng đạo.

Về thành, vào đến cung nội, thấy các nơi mà Bồ-tát thường đến ngoạn thưởng (ao sen, vườn hoa, hồ tắm,…), hoàng hậu càng nghĩ tưởng, càng khóc than thảm đạm. Sáng ra lâm triều, hoàng hậu truyền cho bá quan văn võ làm lễ tôn vương cho đông cung lên kế vị; xong, hoàng hậu cạo tóc xuất gia tu trong ngự uyển, thực hành theo lời dạy của Bồ-tát, tham thiền đắc định. Sau khi mệnh chung, bà sanh lên cõi trời Phạm thiên.

Đức Phật Tổ Thích Ca chúng ta, khi đã giảng thuyết xong tích đức Bồ-tát Mahājanaka, gọi chư tăng rằng: “Này các thầy! Như lai chẳng phải chỉ bỏ ngai vàng đi xuất gia trong kiếp cuối này đâu. Thuở Như Lai là Mahājanaka được kế vị rồi cũng bỏ đi tu như đã giải…”

Ngài thuyết thêm pháp Tứ Ðế rồi họp Bổn sanh truyện như vầy: Tasā sakko unumiddho akosi, samu darakkhitā devadhitā upalavaññā eva, narado sāriputto, mitājino maggalāno, kumārikā khemā bhikkhunī, usukāro ānandoceva, qesapurisā buddhaparisā, sāvalidevā rāhulomātā, dīghayukumāro, āhulo, mātāpitaro mahārājakulāni ahesun mahājanakarinado āha meva sammāsambuddho akosāti. Tasā: Thuở đó, đức Ðế Thích nay là tỳ khưu A Nậu Lâu Ðà; thiên nữ cứu vớt nạn nhân trong biển, nay là tỳ khưu ni Upalavaṇṇātherī; đạo sĩ Nārada nay là Ðại ÐứcXá Lợi Phất; đạo sĩ Mitājana nay là Ðại Ðức Mục Kiền Liên; trẻ gái đeo xuyến nay là tỳ khưu ni Khemā; người thợ vót tên nay là đức Ananda; tất cả những người còn lại (đã có trong câu truyện) nay là hàng Phật tử; hoàng hậu Sīvalī nay là mẹ Rāhula; Dīghāvukumāra nay là Rāhula; cha mẹ của đức Mahājanaka nay là đức Tịnh Phạn vương và hoàng hậu Māyā. Còn Mahājanaka nay chính là đấng Chánh đẳng Chánh giác tức là Như Lai đây.

‒ Dứt tích bồ tát Mahājanaka‒

3.      Suvannasāma jātaka ‒ truyện Suvannasāma (Bồ tát tu hạnh bác ái ba-la-mật)

Thuở nọ, đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá của trưởng giả Cấp Cô Ðộc, vì lòng từ bi về lời thỉnh cầu của chư tăng mà giảng thuyết rằng: Atite kāle bhikkhave… Này các thầy tỳ khưu! Trong kiếp quá khứ, tại thủ đô Bārānasī có đức vua Karalyayaksa trị vì, quốc dân được an vui lạc nghiệp.

Thuở ấy, có hai ngư ông ngụ hai bên bờ một con sông kết bạn thân cùng nhau, hằng ngày thường lai vãng thăm viếng và có hứa cùng nhau rằng, nếu một bên sanh con trai, một bên sanh con gái, thì sẽ làm thông gia. Không bao lâu, hai người vợ của hai bạn ngư ông, một người sanh con trai, một người đẻ con gái. Cha mẹ bên gái đặt tên con là Pārikākumarī, bên trai đặt danh con là Dukurakumāra. Khi hai con đến tuần cập kê, cả hai đều có nhan sắc xinh đẹp. Một hôm, cha mẹ cô Pārikā, hỏi con rằng: “Cha mẹ đã hứa từ lâu sẽ làm sui với người bạn bên kia sông. Nay con đã lớn khôn, cha mẹ định gả con cho cháu Dukurakumāra là con của ngư ông ấy, con nghĩ thế nào?” Nàng Pārikā nghe cha dạy như thế, bèn nghĩ rằng: Cha mẹ ta là dòng dõi làm nghề sát sanh để nuôi sống, không hổ thẹn và ghê sợ tội, nếu ta nghe theo, ta cũng sẽ là hạng ngư ông, sau chết không khỏi sa trong ác đạo, phải chịu khổ nhiều đời kiếp. Nàng thưa rằng: “Con không ưa thích làm nghề sát sinh đâu”. Cha mẹ nàng thấy vậy nín thinh.

Về Dukurakumāra, cha mẹ chàng cũng khuyên chàng cưới cô Pārikā, Dukurakumāra nghĩa rằng: Cha mẹ ta chỉ biết làm nghề ác, nếu ta nghe theo ắt không tránh khỏi chịu quả khổ trong địa ngục. Vạn vật trong đời toàn là vô thường vắn vỏi, ta ưa thích phụ nữ làm gì! Ta hãy xuất gia tu hành thoát khỏi phiền não. Chàng thưa với cha mẹ, xin cho phép chàng xuất gia tìm đạo.

Sáng hôm sau, vị thanh niên Dukurakumāra dậy sớm suy nghĩ rằng: Ta không vừa lòng, thương tiếc trong phiền não dục, theo lời chỉ giáo của cha mẹ ta. Nhưng không rõ tâm của nàng Pārikā ra sao, vậy ta nên gởi thư hỏi thử ý kiến nàng xem, rồi chàng liền viết thư như vầy: “Này nàng thanh nữ Pārikā, nàng có sắc lịch thiên hương. Cha mẹ nàng vui lòng gả nàng cho ta. Ta không ưa thích tình dục, mong dứt bỏ phiền não để tránh khỏi địa ngục. Vậy nàng nghĩ thế nào?”  Viết xong, chàng bảo kẻ ở chuyển thư giao đến nàng Pārikā. Xem qua thư của Dukurakumāra, nàng khen rằng: Chàng thanh niên này cũng có chí hướng như ta. Vậy sau khi làm lễ thành hôn, ta sẽ tu hành, được dễ dàng hơn. Vị Dukurakumāra được thư trả lời như ý muốn, hết lòng hoan hỷ.

Sau khi đã hành lễ cưới rồi, mỗi người đều giữ bổn phận ngủ riêng, khác với thường nhân. Ngày nọ, vợ chồng bèn bàn cùng nhau, nếu ta ở chung với cha mẹ ta là người sát sanh như vầy, ta phải tùy cha mẹ, rồi bị sa địa ngục. Vậy ta hãy xin phép cha mẹ cho chúng ta vào non tu luyện, mới mong thoát ly ác đạo được. Sáng ra, hai vợ chồng Dukura đến lạy, xin phép cha mẹ đi xuất gia vào rừng. Cha mẹ không vui lòng và nói rằng: “Hai con nên ở nhà ráng tập rèn nghề nghiệp cho thuần thục, để nuôi mạng như cha mẹ, có hay chăng? Hai con không phải là kẻ tê bại chân tay mà bỏ nghề của cha mẹ”. Dukura nài nỉ rằng: “Chúng con không dám hành nghề sát sanh, vì sự giết hại sanh linh rất là tội lỗi, sau khi chết phải chịu khổ trong địa ngục, không ai cứu vớt được” Nghe con nói như vậy cha mẹ càng nổi giận mà mắng rằng: “Hai con là kẻ lười biếng. Vậy hai con muốn đi thì cứ đi, và từ đây đừng trở lại nhà này nữa”. Ðược cha mẹ cho phép, vợ chồng Dukura rất hoan hỷ, lạy từ tạ cha mẹ, rồi đồng nhau vào rừng hành đạo.

Sự xuất gia của Dukura và nàng Pārikā rất trong sạch, phát sanh lẽ cảm ứng đến đức Ðế Thích, ngài biết rõ tự sự, bèn sai một vị trời xuống tế độ vợ chồng Dukura. Vị trời ấy xuống phía trước gần nơi đó, biến ra hai tịnh thất nhỏ, rồi đề chữ trước thất rằng: Nếu người nam nữ nào đã phát nguyện làm đạo sĩ, hãy vào đây ngụ được tự do như của mình, vị trời ấy bay về tâu cho đức Ðế Thích rõ. Vợ chồng Dukura đi đến hai tịnh thất, có đủ vật phụ tùng, nhìn lên thấy bảng đề lấy làm vui thích, rồi nguyện làm đạo sĩ, tu phạm hạnh không nhớ tưởng đến vật dục và phiền não dục nữa.

Thời gian qua, trời Ðế Thích xét thấy không bao lâu, vợ chồng đạo sĩ sẽ bị mù. Ngài từ bi hiện xuống để tế độ, ngài khuyên hai đạo sĩ nên xả giới ở với nhau cho có con, để sau này nhờ con phụng dưỡng, trong khi già yếu bệnh tật. Vợ chồng đạo sĩ không thuận theo lời khuyên, vì mong thọ trì phạm hạnh cho được trong sạch, mặc dù bị nghiệp dữ đến cho quả. Ðức Ðế Thích bèn khuyên rằng: “Ngài có thể rờ bụng cô đạo sĩ ba lần, được chăng?” Ông đạo sĩ đồng ý, nên làm thinh. Ðức Ðế Thích hiểu ý ông đạo sĩ khứng chịu, bèn trở về Ðạo Lợi thiên cung, thỉnh đức Bồ-tát giáng sanh. Vị đạo sĩ nhớ làm theo lời dạy của đức Ðế Thích thì cô đạo sĩ thọ thai. Ðến kỳ khai hoa sanh ra được Bồ-tát, có Chư thiên hiện xuống hộ trì săn sóc, tắm rửa cho đức Bồ-tát mỗi ngày, Bồ-tát lên 7 tuổi, đạo sĩ đặt tên là Suvaṅṅasāma. Mỗi ngày, đạo sĩ vào rừng hái trái về nuôi Bồ-tát. Lúc sau, Bồ-tát xin theo, để giúp đỡ cha mẹ, được 7 ngày, đạo sĩ dạy Bồ-tát ở nhà, không cho theo nữa.

Một ngày nọ, vợ chồng đạo sĩ vào rừng hái trái, bị cơn mưa to, nên tìm chỗ đục nơi một gò mối cao ráo. Lúc ấy có một con rắn độc phun nọc độc ra nhằm mắt của hai đạo sĩ đều mù cả. Không thấy đường về, phải bơ vơ trong rừng. Ðây là quả của tiền nghiệp mà hai đạo sĩ đã tạo, từ kiếp trước cho thuốc trị mắt bệnh nhân, khi mắt đã lành, mà họ nói là chưa vì không muốn trả tiền công. Hai vợ chồng thầy thuốc bất bình, chế thuốc độc nhỏ vào mắt, làm cho bệnh nhân phải mù. Do tiền nghiệp đó mà phải chịu quả khổ, cả vợ lẫn chồng đều mù mắt. Thấy trời chiều mà cha mẹ chưa về, Bồ-tát đi tìm gặp mẹ cha bị mù loà, đang bối rối trong rừng, biết rõ nguồn cơn. Ngài than van kể lể, thương xót cha mẹ vô cùng, xong dẫn song thân về tịnh thất.

Từ đó, Bồ-tát hết lòng phụng dưỡng cha mẹ. Ngài cất nhà tắm, cầu xí, gánh nước sẵn cho cha mẹ cần dùng và ngài luôn luôn niệm pháp bác ái. Mỗi ngày vào rừng hái trái ngon ngọt dâng đến cha mẹ. Những loài thú thấy Bồ-tát có tính hiếu đạo, nhất là từ bi đối với mọi loài, nên hằng theo chung quanh ngài; khi vào rừng, lúc đi gánh nước, chúng không lìa ngài.

Thuở đó, đức vua Karaliyaksa trị vì trong kinh đô Bārānasī, nhân dân được an cư lạc nghiệp, nước giàu, dân mạnh, nên đức vua cẩu thả, chỉ biết sa mê tửu sắc, quên nghĩ đến tội phước chánh tà. Đức vua nghĩ rằng, trẫm ngự trong đền không có chi là phi thường, để trẫm vào rừng bắn thú cho mọi người rõ tài năng của trẫm. Ngài vào tâu, xin phép vua cha và mẫu hậu. Ðược lệnh Phụ vương phê chuẩn, đức vua Karaliyaksa vào rừng săn bắn. Ði đến gần một rạch nước trong có rất nhiều thú rừng, ngài thấy có các loài thú, lẩn quẩn theo một thanh niên, mang thùng đi gánh nước. Đức vua lại gần thấy Bồ-tát rất đẹp trai, định hỏi thăm, song nghĩ rằng nếu ta lên tiếng, bầy thú chạy tan thì bắn sao được, khi trở về đền vua cha hỏi, có thịt thú lạ đâu mà dâng. Nghĩ thế, ngài bèn giương cung bắn trúng Bồ-tát té nhào. Vì tên có tẩm thuốc độc, làm cho Bồ-tát rất đau đớn, khổ sở. Ngài nghĩ phải chịu quả khổ của nghiệp ác đã tạo, ngài không nên oán trách ai và cất tiếng mời người nào đã bắn tôi xin lại đây cho tôi tỏ vài lời. Ðức vua Karaliyaksa nghe lấy làm lạ, người bị nạn đã không oán giận, mà lại còn mời ta đến để nói chuyện. Vậy ta nên đến đó xem. Ðức vua nghe Bồ-tát than rằng: “Ai là người giết tôi? Từ khi tôi sanh ra đến nay được 16 tuổi, cha mẹ tôi và tôi chẳng bao giờ làm điều ác. Nay tôi phải chịu chết đã đành, nhưng rất thảm thương, cha mẹ tôi đều mù lòa biết lấy ai nương nhờ. Ông là ai mà đến đây hại tôi thế này?”

‒ Ta là Hoàng đế trong thủ đô Bārānasī, vì ham việc săn bắn, mong tìm thịt thú, mà lỡ tay nhằm cháu, thật trẫm không cố ý đâu.

‒ Đại vương đã bắn trúng tôi, bây giờ lại chối, tôi đâu tin được. Ôi! Tôi phải chết, bỏ cha mẹ mù loà biết lấy ai phụng dưỡng, thật là đáng thương xót cha mẹ tôi vô cùng.

Ðức vua nghe mấy lời than van của Bồ-tát, lấy làm động lòng, chua xót nói rằng: “Thôi! Cháu an tâm, để ta tìm đến chỗ ở, phụng sự hai vị đạo sĩ thay thế cháu, đến trọn đời của ta”. Bồ-tát nghe đến đây phát tâm hoan hỷ, bèn tỏ lời Sādhu[20] rồi tắt hơi.

Lúc đó, có thiên nữ tên Sunadarī ngự trên cây gần đấy. Nàng thường hộ trì Bồ-tát, song lúc Bồ-tát bị tên, nàng mắc đi dự hội nên vắng mặt. Khi trở về nàng thấy Bồ-tát chết liền trách đức vua bằng nhiều lời rằng: “Đức vua sao không ghê sợ tội lỗi. Ngài sẽ sa địa ngục chẳng sai. Bồ-tát đây là người rất hiếu thuận, hết lòng phụng sự mẹ cha, là hai vị đạo sĩ, không rời. Đức vua phạm tội như vầy, không sao tránh thoát quả khổ”. Ðức vua Karaliyaksa nghe tiếng mà chẳng thấy người, biết rằng là Chư thiên, tinh thần hoảng hốt và cảm động thương hại Bồ-tát. Ngài đến gần thi hài Bồ-tát mà khóc than, rải hoa cúng dường. Ngài nguyện phải phụng dưỡng hai đạo sĩ ấy thế Bồ-tát. Đức vua gánh nước về đến tịnh thất và thưa với hai đạo sĩ rõ tự sự. Hai đạo sĩ kể lể khóc than, rồi yêu cầu đức vua dẫn đến chỗ Bồ-tát chết. Ðến nơi, hai đạo sĩ vuốt ve con và phát nguyện rằng: “Yena saccena yan sāmo dhamamacārīpure ahu etena saccavajjena, visansāmassa haññatūti ‒ Con chúng tôi thực hành phạm hạnh pháp trong sạch, gồm có bác ái pháp, là người hiếu đạo, là nơi thương yêu của cha mẹ, thật là bậc tu hạnh bác ái. Do lời thành thật này, xin cho thuốc độc tiêu tan khỏi mình Suvaṅṅasāma con chúng tôi lập tức”. Vị Thiên nữ cũng nguyện: “Na me piyataro kociañño sāmehi vijjati, etena saccavajjena visansamassa haññatūti ‒ Tôi ngụ trên núi Gandhamādana đã lâu, đạo sĩ Suvannasāma người mà tôi vừa lòng thương mến, không ai bằng. Do lời chân thật này, xin cho thuốc độc tiêu tan khỏi mình đạo sĩ tức khắc”. Nhờ đức tu trong sạch và tiền nghiệp đã hết, nên khi đó thuốc độc không làm hại được. Tức thì Bồ-tát sống lại, luôn cả mắt của hai vị đạo sĩ cũng được sáng tỏ như xưa, thật là hạnh phúc biết bao.

Sau khi đó, bèn đem nhau trở về tịnh thất. Đức vua cũng về theo và xin thọ giới tu theo Bồ-tát và hai đạo sĩ.

“Tamatthaṃ pakāsento tatthā āha”; Khi đức Thế Tôn dẫn tiền tích Dukura, rồi Ngài giảng tiếp rằng: Ðạo sĩ Dukura nay là Kasapa[21], cô đạo sĩ Pārikā nay là Vadhakāpilā tỳ khưu, thiên nữ Sunadarī nay là Upavaṇṇa tỳ khưu, ngài Suvaṇṇāsāma Bồ-tát tức là Như Lai đây.

‒Dứt truyện Bồ-tát Suvaṅṅāsāma‒

4.      Nemirājajātaka ‒ truyện Nemirāja (Bồ tát tu hạnh quyết định ba-la-mật)

Thuở nọ, đức Thế Tôn ngự nơi vườn xoài của đức vua Maghadevarājā tại kinh đô Mithilā, ngài phán rằng: “Này Ananda! Đây là nơi mà ngày xưa Như Lai đã sanh ra là Hoàng đế Maghadevarāja”, rồi Ngài nín thinh.

Ðức Ananda bèn quỳ bạch, cầu đức Thế Tôn từ bi giảng tiếp cho chúng tôi nghe. Ðức Phật thuyết rằng: “Atīte kāle bhikkhave… Này các thầy tỳ khưu! trong thời quá khứ, Như Lai sanh ra là Hoàng đế Madhadevarāja, thống trị tại thủ đô Mithilā này, tuổi thọ rất lâu. Nhưng Hoàng đế đó không say mê danh lợi, có bảo người thợ cạo nhớ, khi thấy có một sợi tóc bạc thì cho ngài hay.

Một hôm, người thợ cạo nhổ tóc bạc trình bày, ngài bèn ban thưởng thợ cạo, rồi dạy đòi hoàng tử vào để truyền ngôi báu. Trước khi ra đi xuất gia hành đạo. Ngài dặn dò hoàng tử rằng: “Khi thấy có tóc bạc, con nên xuất gia ngay, đừng quên, con chớ bỏ qua tục lệ nhà ta”. Vua cha dạy xong, cạo tóc, mặc y, tu đạo sĩ, tham thiền tứ vô lượng tâm. Sau khi ngũ uẩn tan rã, ngài được sanh lên cõi Phạm thiên.

Hoàng Tử nối ngôi, khi được biết có một sợi tóc bạc, cũng xuất gia theo lời vua cha dạy bảo. Các con cháu phụ truyền tử kế như vậy được tám ngàn bốn trăm vị.

Ðức vua xuất gia trước hết là Maghadevarāja khi đã sinh lên cõi Phạm thiên, xét thấy dòng dõi ta đã tu hành theo tục lệ, trãi qua được tám ngàn bốn trăm vị, nay còn 2 vị nữa sẽ không theo thói cũ, như thế sẽ mất dòng họ nhà vua và mất cả điều hạnh phúc. Vậy ta nên giáng sanh để nối dòng, ngõ hầu tiếp độ quần sanh. Lập tức, ngài xuống thọ thai vào lòng hoàng hậu. Ðến ngày khai hoa là một vị hoàng tử xinh đẹp khác thường, màu da như vàng. Nhà chiêm tinh của vua cha xem tướng và tâu rằng: “Hoàng Tử có tướng rất quý, sau này sẽ nối dòng vua được lâu dài, là noi chí ông cha xuất gia tìm đạo”. Vì thế mà vua đặt tên là Nemirājakumāra.

Khi được lên ngôi cửu ngũ, đức Nemirāja Bồ-tát dạy cất 5 phước xá (tại 4 cửa thành và một giữa đền) trữ sẵn vật dụng thí cho mọi người cần dùng, mỗi ngày 5 ngàn lượng. Ngài thọ trì ngũ giới và bát quan trai giới rất trong sạch. Ngài dạy về tội phước, chánh tà, làm lành được vui, gây dữ chịu khổ. Dân gian đều hoan hỷ hưởng ứng theo lời dạy của ngài, nên sau khi mệnh chung đều sanh lên Thiên cung cả.

Những người được sanh lên cõi trời nhiều vô số, và thường hội họp nhau, tán dương công đức của vua Nemirāja Bồ-tát rằng: “Tất cả chúng ta đều nhờ đức Bồ-tát chỉ dạy tu hành, nay mới được hưởng quả vui như vầy. Thật hiếm người có đức tính như hoàng đế Nemirāja Bồ-tát này. Ðến ngày bát quan trai giới, đức Nemirāja Bồ-tát nguyện thọ trì rất trong sạch, ngài hằng suy nghĩ không biết giới và bố thí điều nào cao quý hơn. Ngài tìm hiểu mãi không ra, khiến cho đức Ðế Thích khó chịu, rồi xét biết. Ðức Ðế Thích bèn hiện xuống, ngự trên hư không cho đức Nemirāja Bồ-tát thấy, Bồ-tát bèn hỏi: “Ngài là ai xin cho trẫm rõ?”

‒ Ta là vua trời, đến đây để giải đáp câu hỏi của Đại vương.

‒ Tâu Đại vương, giới và bố thí, pháp nào cao quý hơn?

‒ Tâu, giới cao quí hơn.

‒ Kẻ trì giới được làm người, không tà dâm gọi là giới thấp, có thể sanh vào nhà vua, được quả người như ý nguyện. Nếu trì giới mà đắc cận định, gọi là bậc trung sẽ sanh lên Dục giới thiên. Tham thiền đắc định, là bậc thượng, sẽ sanh lên cõi Phạm thiên.

Tỳ khưu trong Phật giáo, hành đạo trì giới trong sạch, mong lên Dục giới thiên, gọi là giới thấp. Vị nào đã có giới trong sạch, cố gắng tham thiền đắc định, sẽ thọ sanh trong Phạm thiên, gọi là giới bậc trung. Những bậc trì giới, tham thiền và quán tưởng pháp minh sát sẽ thấy rõ Niết-bàn, là giới bậc thượng. Còn những người bố thí trong sạch cũng sanh lên Dục giới thiên, nhưng khó lên cõi Phạm thiên. Song, hạng cư sĩ cần phải bố thí, trì giới mới trong sạch được.

Có tích 7 vị vua là: Sāgara, Sela, Bhajja, Bhāgisara, Usinara, Atthaka, Assaka, Puthujana, cả 7 vị vua cố gắng bố thí rất nhiều, sau khi thăng hà đều được sanh lên 6 cõi Dục thiên, không thể lên Phạm thiên giới được. Ngoài ra có nhiều vị vua tinh tấn bố thí cũng không qua khỏi đời ma quỉ, tức là lục Dục thiên.

Có lời chú giải rằng: Ðiều mà đức Ðế Thích gọi lục dục thiên và nhân gian chỉ danh là “cõi ma quỉ” (Peta loka) thật là đúng lắm. Vì Chư thiên và người đều có tâm mong mõi ưa thích tình ái trong sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Nếu đã ước mong trong ngũ dục rồi, dù không phải là lìa nơi nương tựa cũng gọi là cô ái tử (con mồ côi cha mẹ) trong đời này. Nếu không có nơi nhờ cậy, mà không phải là ma quỉ, thì lục dục thiên và nhân gian cũng đáng gọi là đời ma quỉ thật. Ðúng theo Phật ngôn như vầy: Ye adutiyā naramanti… nasukhāva ragā…‒ Người nào ưa thích, cố gắng tìm phụ nữ, khi kiếm được đem về làm bạn trăm năm cùng nhau thì vừa lòng, nhược bằng không thì rầu rĩ. Người hạng này, dù có của cải như trời Ðế Thích, được vui nhờ kẻ khác cũng đáng gọi là mồ côi thật.

Hơn nữa, kẻ nào không gặp, không thấy, không được, không tìm hương vị của phỉ lạc phát sanh từ cái tâm an tỉnh, tức là nhập định. Người như đây, dù có tài sản nhiều như đức Ðế Thích, cũng đáng gọi là cô ái tử thật.

Ðức Ðế Thích giảng thuyết nhiều sự tích, đem so sánh để phá nghi của đức vua Nemirāja cho thấy rõ rằng: Quả báo của giới, cao quý hơn phước bố thí. Song, muốn trì giới được trong sạch, cần phải bố thí để dứt lòng tham lam bỏn xẻn. Ðức Ðế Thích lại dẫn thêm tích như sau.

Thuở trước, có vị Hoàng đế trong thủ đô Bārānasī, hằng ưa thích bố thí. Có một đạo sĩ thường đến trì bình[22] tại nhà vị cố vấn (Purohita) của đức vua. Vị Purohita thấy đạo sĩ, có giới hạnh trang nghiêm bèn tín thành thỉnh vào nhà để bát luôn ba ngày. Vị cố vấn nghe được giáo lý, xin xuất gia. Ðạo sĩ dạy phải chờ lệnh vua. Vị cố vấn vào đền xin, vua cho phép và dặn dò, nên trở lại tế độ trẫm với. Vị cố vấn theo đạo sĩ tu hành chẳng bao lâu cũng đắc định, được tự do đi khất thực. Bữa nọ, vị đạo sĩ mới này, nhớ đến lời yêu cầu của đức vua, bèn xin phép thầy vào thành trì bình. Đức vua nhìn biết rồi thỉnh vào đền nội. Khi cúng dường xong, đức vua bạch hỏi: “Bạch đạo sĩ, ngài ngụ trong rừng một mình hay sao?”

‒ Tâu Đại vương, trong rừng có cả 10 ngàn vị.

‒ Cầu ngài thỉnh các vị đạo sĩ ấy đến cho tôi cúng dường.

‒ Không tiện. Các ngài không mong hưởng thực phẩm quý, nên khó thỉnh. Nếu Đại vương vào rừng gần đó, tôi sẽ thỉnh cho.

Ðức vua hoan hỷ vâng lời, liền dạy quan quân chuẩn bị đầy đủ thực phẩm quí, để vào rừng dâng cúng 10 ngàn vị đạo sĩ.

Sáng hôm sau, vua đồng cùng triều thần vào đến rừng, được cúng dường như nguyện. Đức vua phát tâm trong sạch thỉnh tất cả 10 ngàn vị đạo sĩ cho phép cúng dường mỗi ngày, như thế đến một muôn năm[23].

Tâu Đại vương, mặc dù đức vua ấy có tâm trong sạch bố thí không chọn vị nào cao hoặc trung hay thấp hạ, cũng không phân giai cấp xã hội, cho rằng vị này trước nghèo, giàu hay sang hèn chi cả. Như thế, mà sau khi đức vua đó thăng hà, chỉ được sanh lên cõi Dục giới thiên mà thôi. Còn 10 ngàn vị đạo sĩ toàn là hạng xuất gia, song có giới trong sạch, tham thiền, đắc định. Sau khi mệnh chung, các ngài đều thọ sanh lên cõi Phạm thiên cả. Tâu Đại vương, đức vua trong thủ đô Bārānasī thuở đó, chính là tôi đây. Giải cho đức Nemirāja biết rõ ‘giới’ có phước cao quý hơn ‘bố thí’ như thế, đức Ðế Thích liền trở về Ðạo Lợi thiên cung.

Khi về đến, thấy Chư thiên hội họp đông đủ tại phước xá, đức Ðế Thích bèn phán rằng: “Các ông tụ hội nơi đây nên chú ý nghe trẫm giảng thuyết. Trẫm xuống cõi người, để phá nghi cho đức vua Nemirāja. Ðức Nemirāja thật là một vị Hoàng đế đạo đức, bố thí, trì giới và khuyên nhân dân lánh dữ làm lành vô số kể. Ngài là một bậc trí tuệ hiếm người sánh kịp. Ngài không phân biệt giữa ‘giới’ với ‘bố thí’ điều nào cao quí hơn. Trẫm đã giải phân minh cho đức Nemirāja hiểu, nên mới trở về đây”. Chư thiên đồng tâu rằng: “Ðức Nemirāja là thầy của chúng tôi, nhờ ngài khuyên bảo, chúng tôi mới tạo được nhiều nghiệp lành, nên sau khi thác đều được lên Đao Lợi thiên cung này, hưởng phước cõi trời như mong muốn. Tất cả chúng tôi đồng khẩn cầu Hoàng thượng từ bi cho vị trời Mātalī xuống rước đức vua Nemirāja lên đây cho chúng tôi thấy mặt, vì chúng tôi nhớ ân đức của ngài lắm”. Ðức Ðế Thích hoan hỉ nhận lời yêu cầu của Chư thiên, đòi vị Mātalī đến phán rằng: “Người hãy đem xe rồng xuống rước đức vua Nemirāja”.

Khi xe trời xuống gần tới, nhằm ngày rằm trăng tỏ, chúng dân thấy rõ xe trời bay xuống, rất lấy làm lạ, rồi chờ xem xe ấy đến. Họ tin chắc là xe trời xuống rước đức vua, vì đức vua chúng ta bố thí, trì giới trong sạch, trong đời chưa ai sánh bằng. Xe trời xuống tới đền vua, vị trời Mātalī tâu thỉnh đức vua Nemirāja, theo lời dạy của đức Ðế Thích. Ðức Nemirāja liền từ giả và dặn bảo triều thần, ân cần xem xét việc triều chính và thay thế ngài làm việc bố thí mỗi ngày, rồi lên xe trời đi cùng Mātalī. Mātalī tâu rằng: “Bây giờ Hoàng thượng muốn đi ngã nào, nếu Hoàng thượng muốn xem địa ngục, cho biết trong đó tội nhân bị hành phạt cách nào, tôi xin hộ giá đưa ngài đi xem”. Ðức Nemirāja đáp: “Như thế, nên đi xem địa ngục trước, rồi sẽ lên Thiên cung”. Vị trời Mātalī liền lái xe đi qua những địa ngục như:

1) Ðịa ngục cường thủy[24] trong địa ngục này nước vẫn sôi hoài. Tội nhân bị quỷ sứ dùng đủ thứ vũ khí cháy đỏ (gươm, dao, đao, búa, riều…) đâm, chém, đập, bửa tội nhân té nhào trong địa ngục. Khi ở trong địa ngục, cũng có các khí giới chém đâm v.v… và bị nước chua sôi thấm vào mình, chịu muôn vàn lần đau khổ, không kể xiết, cả ngày lẫn đêm chỉ nghe tiếng kêu la, than khóc không dứt. Tâu Hoàng thượng, những tội nhân đó ở thế gian ỷ mạnh hiếp yếu, chửi, mắng, đánh, đập, hành hạ người, nên nay phải sa địa ngục này, thọ khổ như vậy.

2) Ðịa ngục chó dữ: Trong địa ngục này có chó to bằng voi trắng, đen, đỏ, vàng đủ màu, chúng rượt cắn và xé tội nhân la khóc vang rền. Tội nhân chạy trốn đường nào cũng không khỏi, chó cắn xé thịt, ăn đến xương, lại bị lửa cháy hoả hào thiêu đốt, rồi hoàn hình sống lại liền, để chịu hình phạt như thế nữa, vì nghiệp duyên chưa hết. Tội nhân trong địa ngục này, vì kiếp trước bỏn xẻn, không bố thí giúp đỡ kẻ đói khát, tật bệnh và khinh rẽ chửi mắng bậc tu hành, lại còn khuyến dụ kẻ khác làm theo họ, nay phải chịu trị tội như vậy.

3) Ðịa ngục sắt lửa cháy đỏ: Tội nhân trong địa ngục này bị quỷ sứ đánh bằng cây sắt cháy đỏ và đâm bằng lao trước mặt thấu đến lưng, đầu đến trôn, té ngã trong địa ngục, toàn thân thể bị cháy đỏ. Tội nhân trong địa ngục này, kiếp trước hay chửi mắng, đánh đập, hà hiếp người vô tội.

4) Ðịa ngục than lửa: Tội nhân bị quỷ sứ đánh bằng cây sắt đỏ, rồi liệng trong địa ngục than lửa. Quỷ sứ lấy búa, riều bửa đầu, chặt thân hình ra nhiều đoạn, bị lửa than đốt cháy. Tội nhân la khóc kêu vang không kể xiết. Tội nhân trong địa ngục này, kiếp trước giả dối quyên tiền để cất chùa, xây tháp cúng dường Tam bảo, nhưng đem tiền về nuôi sống, nên phải sa đọa vào địa ngục này.

5) Ðịa ngục đồng sôi: Tội nhân bị bỏ vào đó, trôi qua, lại, chìm xuống tận đáy, bị nước đồng sôi, chịu khổ kêu la thảm đạm. Tội nhân trong địa ngục này, trước kia chửi mắng khinh rẻ bậc tu hành, Sa-môn, Bà-la-môn, nên nay phải thọ quả khổ như thế.

6) Ðịa ngục nước sắt cháy đỏ: Quỷ xứ bắt tội nhân vặn cổ bằng dây sắt cháy đỏ rồi liệng vào địa ngục này. Tội nhân trong địa ngục này, kiếp trước bắt chim vặn cổ nhổ lông, bẻ giò, nên nay phải sa đọa trong địa ngục này.

7) Ðịa ngục trấu: Trong địa ngục này có đầy nước trong, tội nhân bị hành đốt nóng, thấy nước trong muốn uống cho mát, khi uống vào, nước thành trấu cháy thiêu thân mình. Tội nhân trong địa ngục này, kiếp trước dùng trấu trộn lộn với lúa để bán cho kẻ khác, nên nay phải bị hành phạt như vậy.

8) Ðịa ngục lao: Quỷ sứ dùng lao, đâm, chém, đứt làm nhiều đoạn. Tội nhân trong địa ngục này, trước kia trộm cướp của, tiền, gạo, lúa, trâu, bò để nuôi sống, nên nay phải bị hành phạt như vậy

9) Ðịa ngục vũ khí cháy đỏ: Quỷ sứ trói tội nhân bằng dây sắt cháy đỏ khi tội nhân té nằm, quỷ sứ dùng các khí giới đâm, chém, đập, bửa v.v…. Tội nhân bị đọa trong địa ngục này, bởi kiếp trước giết thú, heo, gà, vịt, tôm, cá v.v… đem bán, nên nay phải sa vào địa ngục này.

10) Ðịa ngục phẩn và nước tiểu: Tội nhân khi quá đói khát, quỷ sứ liệng vào địa ngục cho ăn phẩn và uống nước tiểu. Người nào kiếp trước quên ơn thầy, phản bạn và trộm của ân nhân, nên phải sa trong địa ngục này.

11) Ðịa ngục máu và mủ: Quỷ sứ bỏ tội nhân trong địa ngục này, cho ăn máu và mủ thay cơm. Địa ngục này dành cho kẻ giết mẹ, cha, chửi mắng Tỳ khưu.

12) Ðịa ngục hành người gian xảo: Quỷ sứ dùng móc lưỡi cho chảy nước miếng, rồi lấy búa đập vào chân tội nhân. Tội nhân trong địa ngục này, trước kia gian xảo bán đồ quá giá, miệng nói lời dịu ngọt cho họ mua lầm.

13) Ðịa ngục núi sắt: Quỷ sứ liệng tội nhân trong địa ngục đồng sôi hoặc bị núi sắt ép, thân hình toàn là máu mủ. Những người phụ nữ nào mất trinh thất tiết với chồng, thông dâm với kẻ khác, mới sa trong địa ngục này.

14) Ðịa ngục hầm than lửa: Quỷ sứ hành tội nhân bằng vũ khí đâm, chém v.v… rồi liệng trong địa ngục than lửa cháy đỏ. Ðịa ngục này dành cho người tà dâm vợ con kẻ khác.

15) Ðịa ngục tà kiến: Những người thấy không chơn chánh là hiểu rằng: Bố thí không có quả phước; cúng dường, làm lành, gây dữ không có quả báo; mẹ cha không phải là mẹ cha; đời này đời sau không có v.v… phải sa vào địa ngục này.

Vị trời Mātalī tâu với đức vua Nemirāja rằng: Chúng sanh vì vô minh và ái dục, không rõ đời là tội khổ, gây biết bao ác nghiệp nên chịu biết bao muôn vàn khổ não như thế, Hoàng thượng đã xem thấy rõ, khi trở về thế gian nên tỏ bày cho nhân gian biết.

Nói về đức Ðế Thích, dùng nhãn thông xem thấy Mātalī đang đưa đức Nemirāja quan sát địa ngục, ngài nghĩ rằng địa ngục rất nhiều nếu xem cho đều đủ, thì vua Nemirāja phải thăng hà trước khi lên Thiên cung, nên ngài sai vị trời Mahājavana đến triệu về. Khi Mātalī được lệnh đức Ðế Thích, bèn tâu với đức Nemirāja rằng, lệnh Hoàng thượng đã xem sơ lược địa ngục rồi, xin đưa ngài lên cõi trời. Vị trời Mātalī lái xe đến một dinh thự có hào quang sáng ngời rực rỡ. Vị trời Mātalī tâu rằng: Ðây là dinh của một thiên nữ. Thuở Phật Kassapa ra đời, nàng là một nô tỳ của một triệu phú Bà-la-môn. Ông Bà-la-môn này, muốn trai tăng bố thí đến chư sư, bèn lấy một ngàn lượng bạc dạy vợ con đi mua thực phẩm. Vợ con không vừa lòng làm theo, ông Bà-la-môn liền bảo nô tỳ, cô tớ gái này rất hoan hỉ, đi chợ mua sắm các thứ thức ăn, đem về làm ra bữa trai tăng, có đủ thực phẩm quý. Cô tớ rất vui với sự bố thí đó, đến khi mạng chung, được sanh lên là vị thiên nữ trong dinh thự này, có các tùy tùng hầu hạ. Vị trời Mātalī, liền lái xe chạy tới nữa, thấy 7 tòa lâu đài sáng đủ 7 báu, có rất nhiều thiên nữ hầu hạ. Đức vua Nemirāja xem thấy rất thỏa thích bèn xin vị trời Mātalī giảng cho biết sự tích: “Tâu lệnh Hoàng thượng, hồi Phật Kassapa, có một vị trưởng giả tên Sonadinna, ngụ xứ Kāsikarāja, phát tâm trong sạch cất 7 chánh điện dâng đến chư tăng và cúng dường đủ 4 vật dụng. Ông trưởng giả tín thành lo săn sóc 7 chánh điện đó cho đến khi thác, sanh lên làm chủ 7 tòa lâu đài này, thật là sang trọng”. Vị trời Mātalī, lái xe đến trước gặp một tòa lầu lớn, cao 25 do tuần toàn là ngọc pha lê sáng rỡ, có cả thiên nam, thiên nữ, ca sang thật là vui thú. Ðức Nemirāja xem thỏa mãn, cầu Mātalī giảng cho biết: “Tâu, Chư thiên ở trong tòa lầu to toàn bằng ngọc pha lê, có rất đông Chư thiên hầu hạ vui thú đó, là do tiền kiếp đã tạo nhiều nghiệp lành: bố thí, trì giới và thọ bát quan trai cho đến ngày cùng, nên được sanh lên ở tòa lầu quý báu như thế. Vị trời Mātalī lái xe chạy tới trước cho đức Nemirāja xem các dinh thự của Chư thiên bằng ngọc pha lê, xà cừ, mã não, san hô, hổ phách, v.v… có hào quang chiếu dịu xem rất ngoạn mục. Ðức Nemirāja hỏi về tiền kiếp của Chư thiên này. Mātalī tâu: “Chư thiên đó thuở làm người trong thế gian, đời Phật Kassapa có bố thí, trì giới dâng vật dụng đến chư tăng hằng ngày và thọ bát quan trai trong sạch, lập chùa, cất tịnh thất. Sau khi bỏ ngũ uẩn, được sanh về cõi này, ngự trong các tòa lầu cao đẹp toàn bằng 7 báu, có nhiều ngọc nữ hầu hạ, ca múa hát ngày đêm, như thế”.

Ðức Ðế Thích dùng nhãn thông thấy Mātalī đang lái xe cho đức Nemirāja xem các dinh thự Chư thiên, ngài bèn nghĩ rằng: Nếu Mātalī cho đức Nemirāja xem hết các lâu đài của Chư thiên, thì tuổi thọ của ngài phải hết trước. Ðức Ðế Thích liền sai vị khác đến triệu Mātalī về gấp. Mātalī được lịnh, liền quay xe lên Ðạo Lợi thiên cung. Xe đang bay trên hư không, đức Nemirāja xem thấy 7 tầng núi chập chồng, xung quanh Tu Di sơn vương (Merurāja pabbato), có biển Sīdhantara nước rất trong và rất sâu, không có thể dùng vận tải gì mà qua biển đó được cả, vật chi sa trong biển phải chìm ngay. Ðức Nemirāja muốn biết rõ, bèn hỏi vị trời Mātali rằng: “Biển và núi đó tên gì?”

‒ Tâu, 7 lớp núi cao từng bậc theo thứ tự, từ thấp đến cao, nhất là núi Sudassana, rồi đến Khokāra, Vikayugunadhara, Neminadara, Vinantaka, và Hassakaṇṇa v.v… Nước biển Sidhantava chảy theo các khoảng, núi đó là nơi du lãm của Gandhabba[25] và Dạ-xoa, là nơi cư ngụ của các đạo sĩ Sidhividyādhara và các Kinnara (mình chim đầu người).

Lên đến Ðạo Lợi cung, vua Nemirāja thấy nhiều hình ảnh của đức Ðế Thích chung quanh Tu Di sơn vương. Ðức Nemirāja hỏi do nhân nào như thế? Mātalī tâu: “Ðó là để ngừa, không cho bọn nghịch đến phá, nhất là hạng A-tu-la thiên, khi lên núi thấy ảnh của đức Ðế Thích thì sợ”. Vào đến phước xá Sudhammā devasabhā có cả Chư thiên sẵn chờ đón tiếp và thỉnh đức Nemirāja xuống xe vào trong phước xá. Ðức Ðế Thích mời ngồi và tâu rằng: “Xin thỉnh đức vua ở lại hưởng ngai vàng chung với trẫm, đừng trở về nhân gian làm gì”. Ðức Nemirāja tâu: “Tôi không dám! Vì chẳng phải là phước tôi tạo. Người không làm phước mà thọ của kẻ khác, ví như người ăn xin. Tôi chỉ mong cố gắng tạo phước báu, bố thí, trì giới, tham thiền, rồi quả lành sẽ đến cho tôi, mới là chánh đáng”. Ðức Ðế Thích và Chư thiên thỉnh cầu đức Nemirāja thuyết pháp. Thuyết pháp xong, ngài tán dương ân đức của Mātalī. Nhờ vị Mātalī nên ngài thấy rõ địa ngục là nơi hành phạt những kẻ đã gây nghiệp ác và được xem các dinh thự của Chư thiên có hào quang chói lọi, mong chi được nấy, cũng do các ngài tạo đủ phước nơi kiếp trước. Ngự tại Ðạo Lợi thiên cung 7 ngày (tính theo ngày ở thế gian) rồi đức vua Nemirāja từ biệt đức Ðế Thích và Chư thiên trở về nhân gian. Ðức Ðế Thích cho Mātalī lái xe đưa đức Nemirāja về đến thành Mithilā.

Các triều thần vào lạy mừng và tâu hỏi thăm về cõi trời Ðạo Lợi. Ðức Nemirāja giảng thuyết nghe cõi trời rất là hạnh phúc, cùng là cảnh đẹp an vui. Nếu ai mong được sanh về cõi trời, cần phải tu hành tinh tấn, nghe pháp, bố thí, trì giới, thọ bát quan trai cho trong sạch, khi chết nhờ phước đã tạo, chắc sẽ thọ sanh lên Dục giới thiên. Ðức Nemirāja không say mê sự nghiệp Ðế vương. Ngài dặn thợ cạo khi thấy một sợi tóc bạc của trẫm, thì cho trẫm hay. Không bao lâu, thợ cạo nhổ một sợi tóc bạc dâng cho ngài xem, thấy sợi tóc bạc Ngài giựt mình, biết là già yếu rồi, ta không còn sống bao lâu nữa, tử thần sẽ đến tìm ta. Vậy ta phải xuất gia hành đạo. Hoàng Tử quỳ tâu: “Phụ vương, do nhân nào mà Phụ vương đành bỏ con đi xuất gia. Cầu Phụ vương từ bi cho con biết trước”. Ðức Nemirāja phán rằng: “Uttaman garukāmeyhan… pabbajā samajo mananti ‒ Này con! Phụ vương nay đã già rồi, tóc bạc này là kẻ đem tin thứ nhì, đã phát sanh rõ rệt, cha đã qua khỏi tuổi trung niên rồi. Cha đang vào thời kỳ đến tay tử thần, không sao cẩu thả như trước được. Nay đến thời kỳ cho cha xuất gia tu hành, con hãy ở lại an vui”. Ngài bèn làm lễ tôn vương cho hoàng tử. Chỉ dạy, dặn dò xong, ngài xuất gia làm đạo sĩ ngự tại ngự uyển tham thiền pháp ‘tứ vô lượng tâm’, đến khi mạng chung được lên cõi trời Phạm thiên. Dòng dõi Ðế vương này, phụ quyền tử kế và xuất gia liên tiếp được tám ngàn bốn trăm vị.

Ðức Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni đã dẫn cổ tích, giảng thuyết như thế, Ngài bèn gọi chư tăng và giảng tiếp rằng: “Chẳng phải Như Lai chỉ xuất gia hành đạo Ba-la-mật trong kiếp này mà thôi. Trong các tiền kiếp, Như Lai cũng có xuất gia tu thập độ vậy”.

Ngài hợp tiền kiếp lại như vầy: Thuở ấy, đức Ðế Thích nay trở lại là Anuruddho, vị trời Mātalī nay là Ananda, tất cả tám ngàn bốn trăm vị vua nay là hàng Phật tử, đức Nemirāja nay là Ahaṃ eva! Như Lai Sammāsambuddho Giác ngộ Chánh Biến Tri như thế.

‒ Dứt truyện bồ tát Nemirāja‒

5.      Mahosatha jātaka ‒ truyện Mahosatha (Bồ tát tu hạnh trí tuệ ba-la-mật)

Pancālo sabbasenāyāti iman dhammadesanan satthā jetavane viharanto paññāpāramī arabbha kathesi ‒ Thuở đức Giáo chủ ngự trong Kỳ Viên tịnh xá. Ngài thuyết về tích Mahosatha Bồ-tát tu hạnh trí tuệ Ba la mật, nhất là:

Pañcālo sabbasenāya iti … Hi – Giảng thuyết rộng ra rằng: Ekadivasam. Một ngày nọ đức Thế Tôn gọi: Này các tỳ khưu: Trong thời quá khứ có một vị Hoàng đế danh là Videharāja thống trị trong thủ đô Mithilā. Đức vua có bốn vị giáo sư là: Senaka, Kaminda, Devinda, và Pakuttha.

Một đêm kia, đức vua nằm mộng thấy như có bốn đám lửa cháy lên ngọn bằng nhau. Có một tia lửa nhỏ bằng con đom đóm, ở giữa bốn đám lửa ấy, phực cháy lên ánh sáng rực rỡ chiếu diệu bốn phương trời (chỉ cõi Phạm thiên). Chúng dân đều đem lễ vật đến cúng dường, đi dập trên ngọn lửa đó, nhưng không bị phỏng. Khi vua tỉnh giấc cho đòi bốn vị giáo sư vào dạy đoán điềm mộng của ngài. Bốn vị giáo sư tâu: “Bốn đám lửa to, tức là bốn chúng tôi, thường hầu hạ lệnh Hoàng thượng mỗi ngày đây. Còn tia lửa nhỏ chiếu sáng bốn hướng, cao tột trời che áng bốn chúng tôi là bậc có nhiều trí tuệ”.

Nói về đức Bồ-tát từ cung trời Ðạo Lợi giáng sanh vào lòng bà Sumanadevī, vợ ông Triệu phú Sirivaddhanaseṭṭhi ở phía đông nhà vua. Lúc ấy cũng có một ngàn vị trời cùng giánh sanh với đức Bồ-tát, làm con của một ngàn tiểu phú gia ở gần đó. Ðến kỳ khai hoa, đức Ðế Thích xuống để một hoàn thuốc vào tay đức Bồ-tát, sanh ra khỏi lòng mẹ, đức Bồ-tát có cầm hòn thuốc, mẹ ngài thấy vậy, hỏi: “Con cầm vật chi trong tay?” Bồ-tát tuy mới sanh mà biết nói, đáp: “Thưa mẹ, đây là vị thuốc, ai có bệnh chi uống cũng mạnh”. Lập tức mẹ ngài cho mài thuốc, bảo đem cho chồng uống, vì ông triệu phú mang bệnh đã 7 năm mà chữa không lành. Khi uống vào thì ông triệu phú bình phục như xưa. Do đó mà đặt tên Bồ-tát là Mahosatha. Từ đấy, tiếng đồn ai có bệnh chi đến xin thuốc uống đều lành cả.

Lên 7 tuổi, đức Bồ-tát thường hiệp chơi với một ngàn trẻ nhỏ, con của tiểu phú gia. Một ngày nọ, đang cùng nhau chơi ngoài trời, bị trận bão to, các trẻ đều sợ chạy tìm đụt mưa gió, đức Bồ-tát có sức mạnh hơn nên chạy đến trước, mấy trẻ nhỏ kia chạy sau bị mưa gió to té khóc. Sau lúc đó, đức Bồ-tát bèn nói với các trẻ nhỏ kia rằng: “Chúng ta hãy nên đậu tiền mỗi người một lượng để cất phước xá. Các trẻ đồng ý. Ðược một ngàn lượng luôn cả đức Bồ-tát, rồi mướn thợ cất 5 phước xá như: Phước xá dành cho các thầy Sa-môn, Bà-la-môn; phước xá dành cho người thương mãi; phước xá dành cho kẻ nghèo đói và phụ nữ mang thai; phước xá để giảng đạo phá nghi những điều khó hiểu; phước xá cho các diễn kịch viên. Cất xong, cho thợ vẽ nhiều bức tranh ảnh rất có mỹ thuật (có ao sen trồng đủ thứ cây, vườn hoa, hồ tắm) trông thật ngoạn mục, như trên Thiên cung. Những hành khách được đến đó đều ghé vào nghỉ mát, ngắm cảnh như ý muốn. Ðức Bồ-tát thường chăm nom, săn sóc và có trữ đủ các thức ăn, uống, tắm rửa cho hành khách. Ai có điều chi nghi ngờ, đều được đức Bồ-tát phá nghi, theo ý nguyện.

Nói về đức vua Videharāja, hằng tưởng nhớ đến lời dự đoán của bốn vị giáo sư, nên cho quan quân đi xem xét bốn phương, để tìm nghe tin tức bậc trí tuệ. Các thám tử dò xét đến hướng đông, gặp các phước xá của đức Bồ-tát, mướn thợ cất thật là đẹp. Hỏi han thì chúng dân cho biết những phước xá này, không phải tự nhiên mà thợ làm được. Nhờ Hosatha Kumāra[26] mới lên bảy, có nhiều trí tuệ, dạy cho thợ cất và vẽ tranh đó. Vị thám tử nghe qua, rồi tĩnh từ ngày đức vua nằm mộng đến nay là 7 năm, nên định chắc rằng đây là bậc trí tuệ ứng nghiệm theo điềm mộng của vua. Vị thám tử bèn viết sớ tâu lên vua rõ. Ðức vua hỏi ý kiến bốn vị giáo sư, các vị này sợ có bậc trí tuệ đến thì mình sẽ mất lợi, nên tâu rằng: “Xin để cho quan quân xét nét rồi sẽ hay. Chớ sự cất phước xá dù tốt đẹp đến đâu ai cũng có thể tạo được”. Ðức vua nghe theo nên truyền cho thám tử ở lại trong nơi đó, chờ xem có chi lạ nữa chăng.

1) Một ngày kia, có người lái bò ở gần đấy thả bò cho ăn, còn anh chàng thì nằm nghỉ dưới bóng cây rồi ngủ quên. Kẻ trộm thấy vậy dẫn bò đi. Khi người chủ thức dậy không thấy bò, tìm xem biết kẻ trộm dắt bò đi, anh chủ bò rượt theo kịp, đòi bò lại. Kẻ trộm cũng dành là bò của y. Hai người cãi nhau đến gần phước xá của đức Bồ-tát, ngài nghe biết rõ là của ai, nhưng, muốn cho công chúng phân minh, ngài bèn hỏi kẻ trộm rằng: “Bò này anh mua từ đâu?”

‒ Thưa, bò này của tôi, sanh ra tại nhà.

‒ Anh cho nó ăn vật chi?

‒ Thưa, tôi cho nó ăn cháo hoặc đậu.

Ngài hỏi đến chủ bò: “Anh được bò này tại đâu?”

‒ Tôi đã mua nó tại làng kia, có nhiều người nghe thấy.

‒ Anh cho nó ăn vật chi?

‒ Thưa, tôi nghèo chỉ cho nó ăn cỏ.

Ðức Bồ-tát dạy người đem cháo đậu và cỏ để coi bò ăn vật nào. Thấy rõ, nó chỉ ăn cỏ, theo lời khai của chủ bò, nên chủ được trả bò lại. Phần đông bèn đánh đập kẻ trộm rồi đuổi đi.

2) Có một phụ nữ nghèo đến hồ tắm của đức Bồ-tát, thay y phục để trên bờ hồ, rồi xuống tắm. Có cô nọ thấy vậy phát tâm tham, đi ngay đến hỏi thăm rồi lấy áo quần mặc thử, xong, mang đi luôn. Người nữ đang tắm, bèn lên đuổi theo nắm kéo lại la rằng: “Cô này lấy đồ của tôi”. Cô trộm y phục cãi rằng là của y. Phần đông nghe đều hội lại xem coi. Ðức Bồ-tát đang chơi với một ngàn trẻ em, nghe cãi nhau như thế liền hỏi: “Hai cô bằng lòng cho tôi xử đoán dùm cho chăng?”

‒ Thưa, chúng tôi vừa lòng lắm.

Bồ-tát bèn hỏi cô trộm rằng: “Vật này cô ướp bằng mùi gì?”

‒ Thưa, tôi ướp bằng các mùi hoa thơm.

Bồ-tát hỏi cô chủ: “Cô thấm y bằng vật gì?”

‒ Thưa, tôi chỉ thấm y bằng mùi hoa thường.

Ðức Bồ-tát bèn dạy nhờ người nữ khác, biết mùi ngửi thử coi, rõ thật chỉ có mùi hoa thường. Bồ-tát bèn dạy trả y phục lại cho cô chủ và ngài khuyên cô trộm y chẳng nên làm nghiệp xấu xa như vậy nữa. Từ đó, tiếng đồn của đức Bồ-tát là bậc trí tuệ phi thường.

3) Có một phụ nữ ẵm con đi tắm, rồi để con nằm trên y, cô xuống tắm trong hồ sen. Trong lúc đó, có một Dạ-xoa nữ thấy, muốn bắt đứa bé để ăn thịt, nên biến làm một cô gái đến hỏi đứa bé ngộ nghĩnh, rồi ẵm nựng, chốc lát bồng đứa bé đi luôn. Thấy vậy, người mẹ liền đuổi theo kịp la rằng: “Tại sao bồng con tôi đi đâu?”

‒ Đây là con của tôi, nào phải con của cô.

Khi cả hai phụ nữ cãi nhau, đến phước xá của đức Bồ-tát. Bồ-tát mời vào, rồi thấy cử chỉ của phụ nữ, ngài biết rõ tự sự, ngài bèn hỏi rằng: “Hai cô có muốn tôi đoán giùm cho chăng?” Cả hai cô đồng bằng lòng. Bồ-tát dạy để đứa bé nằm xuống, rồi bảo Dạ-xoa nắm tay trẻ, mẹ thiệt nắm chân trẻ. Ngài tuyên bố, người nào giành được là mẹ của đứa trẻ này. Hai phụ nữ kéo qua níu lại, làm cho đứa trẻ đau điếng, khóc la, người mẹ thấy con khóc, động lòng từ bi buông con ra, đứng dậy than van không nở làm cho con đau khổ. Khi ấy đức Bồ-tát tuyên bố rằng: “Lệ thường phụ nữ không phải là mẹ thì không lòng thương xót con trẻ. Phụ nữ bắt được đứa trẻ là kẻ trộm. Cô kia là mẹ thực vì có tâm tội nghiệp con”. Ðức Bồ-tát hỏi dạ-xoa nữ: “Vì sao cô lại trộm con của người?”

‒ Thưa, tôi mong ăn thịt nó.

‒ Này phụ nữ ác, từ đây ngươi không nên tạo nghiệp dữ nữa. Vì kiếp trước ngươi là kẻ ác, nay mới luân hồi làm Dạ-xoa. Ngươi làm như vầy có nên chăng?

Ðức Bồ-tát khuyên bảo Dạ-xoa rồi dạy thọ trì ngũ giới. Người mẹ đứa trẻ hết lòng cảm tạ đức Bồ-tát rồi từ biệt ẵm con ra về.

4) Có một thanh nam tên là Agotrakāla lùn, đi làm thuê bảy năm mới cưới được vợ, trang điểm xinh đẹp, dẫn vợ về quê hương. Ðến một con sông, cả hai vợ chồng đều sợ, không dám lội qua, lúc đó có một anh nhà nghèo danh Dīghapiṭṭhī lưng dài cũng vừa đến nơi ấy. Anh lùn bèn hỏi: “Anh ôi! sông này sâu hay cạn?” Biết là người sợ nước, nên dối rằng: “Sông này sâu lắm, có cả cá dữ”.

‒ Anh có thể qua sông này được chăng?

‒ Tôi thường qua lại, sấu và cá dữ đã quen với tôi rồi, không làm gì tôi đâu.

‒ Vậy, anh có thể đưa chúng tôi qua bờ bên kia được chăng?

‒ Ðược, không sao đâu, mà thầy và cô muốn tôi đưa ai qua trước?

‒ Ðưa vợ tôi trước.

‒ Ðược.

Rồi Dīghapitthī liền khòm cõng vợ anh lùn xuống sông, lúc ra xa bờ, anh này giả bộ rùn xuống làm cho anh kia thấy là sông sâu, rồi khuyên vợ anh lùn nên lấy anh làm chồng, vì anh giàu sang, có tôi tớ đông đủ. Bị gạt như vậy, vợ anh lùn hoan hỉ ưng thuận. Khi qua đến bờ rồi, bèn dắt nhau đi luôn. Thấy thế, sợ mất vợ, anh lùn liền lội đại xuống sông, nhưng rồi lại sợ, trở lên đôi ba lần như vậy. Cuối cùng, vì quá yêu vợ nên liều chết, ra đến giữa sông mới rõ rằng cạn, anh chàng liền rượt theo kịp, la, bảo anh lưng dài phải trả vợ lại. Hai bên cãi cọ nhau đến phước xá của đức Bồ-tát. Bồ-tát dạy kêu hai bên vào, rồi hỏi anh lưng dài trước: “Anh tên họ là gì, cha mẹ vợ tên gì, làm nghề gì, vợ anh tên chi?” Rồi Ngài hỏi đến anh lùn: “Vợ anh tên gì, cha mẹ vợ tên gì?” Kế đến, ngài hỏi người phụ nữ, biết rõ phía nào phải. Ðức Bồ-tát xin công chúng nghe và hiểu giùm coi ai phải ai quấy. Ngài hỏi Dīghapitthī rằng: “Có phải anh là người cướp vợ người chăng?”

‒ Dạ phải.

‒ Anh chẳng nên làm việc xấu như vầy nữa.

Bồ-tát dạy giao vợ lại cho anh Āgotrakāta. Công chúng rất khen ngợi đức Bồ-tát là bậc trí tuệ .

Vị thám tử vâng lệnh vua ở lại quan sát hành vi của Bồ-tát, có dâng sớ về đền tâu cho vua rõ tất cả những phán đoán của đức Bồ-tát. Đức vua được tin như thế, bèn hỏi ý bốn vị giáo sư. Họ đồng tâu: Xin đức vua nên chờ xem đã.

5) Có một người chủ xe, đem xe để gần vườn rồi đi tắm. Ðức Ðế Thích xem thấy nghĩ rằng để ta làm cho trí tuệ của đức Bồ-tát (là dòng dõi của Phật) rõ rệt trong đời. Ngài hiện xuống trộm chiếc xe, đem khỏi nơi ấy. Người chủ xe sau khi tắm xong, không thấy xe. Xem kỷ thấy người trộm đang đem xe đi. Ðuổi theo kịp, người chủ đòi xe lại. Hai bên đều viện lẽ là xe của mình, cãi nhau đến phước xá của đức Bồ-tát. Ðức Bồ-tát dạy mời người vào, rồi ngài xem qua, rõ chắc ai là chủ xe. Ngài hỏi: “Hai người có vui lòng cho tôi xử đoán chăng?

‒ Thưa, chúng tôi chịu.

Bồ-tát dạy ai chạy theo kịp xe là của người đó. Chủ xe theo kịp một lúc rồi mệt, không theo nỗi nữa. Về phần đức Ðế Thích đuổi theo kịp xe, chẳng thấy mệt nhọc chi cả. Ðức Bồ-tát cho công chúng biết rằng: “Người theo kịp mà không mệt nhọc chi cả, đó là đức trời Ðế Thích trên Ðạo Lợi thiên cung”. Rồi Ngài hỏi lại đức Ðế Thích rằng: “Có phải ngài là đức Ðế Thích hiện xuống đây chăng?”

‒ Này cháu là bậc trí tuệ, thật vậy, ta là trời Ðế Thích.

‒ Do nhân nào mà ngài đến đây làm như thế?

‒ Vì ta muốn cho trí tuệ của Bồ-tát thêm rõ rệt.

Xong ngài bay lên hư không, tuyên bố khen ngợi trí tuệ Ba-la-mật của Bồ-tát, rồi ngài trở về trời.

Về phần vị đại thần trở về triều tâu với đức vua Videhāraja rằng: “Tâu Hoàng thượng, em Mahosetha Pandita xử đoán thật là phân minh theo công lý, cho đến đức Ðế Thích hiện xuống thử cũng cho là bậc trí tuệ phi thường”. Ðức vua Videharāja bèn phán hỏi bốn vị giáo sư rằng: “Nên mời em trí tuệ đến hay thế nào?”

‒ Tâu, để chờ xem thêm nữa đã.

Ðức vua Videharāja cũng mặc tưởng.[27]

Ngày nọ, đức vua muốn thử thách Mahosetha Pandita, dạy người chuốc cây bằng thẳng hai đầu rồi gởi đến hỏi dân trong làng Bồ-tát, ai biết đầu nào là gốc ngọn. Người nào biết phân biệt rõ rệt, trẫm sẽ ban thưởng một ngàn lượng. Nhân dân trong làng không một ai phân biệt được, bèn đem đến cho Triệu phú Sirivaddhana (cha Bồ-tát), vị Triệu phú gọi Bồ-tát đến, rồi trình bày khúc cây đó. Bồ-tát đem khúc cây thả trong nước, đầu chìm trước, đầu chìm sau và ngài hỏi công chúng rằng: “Lệ thường, (cây) đầu gốc nặng hay đầu ngọn nặng?”

‒ Thưa, phía gốc nặng hơn.

‒ Phải rồi, gốc nặng hơn ngọn.

Cha của Bồ-tát tâu lên đức vua rõ. Đức vua rất thoả thích.

6) Lần này đức vua gởi hai cái đầu người, dạy dân chúng quan sát coi đầu nào của người nữ, đầu nào của người nam. Chúng dân tìm không ra, nên đem đến đức Bồ-tát. Ngài giải rằng. Lệ thường đầu của người nữ có đường tóc rẽ cong, còn đầu của người nam thì đường tóc rẽ ngay. Các ngươi trả lời như thế đi.

Ðức vua được nghe rất khen và hỏi ý kiến bốn vị giáo sư, họ cũng còn tâu để chờ xem nữa đã.

7) Đức vua dạy dân làng Bồ-tát phải nạp bò có sừng nơi chân, có đuôi ở đầu, kêu mỗi ngày 3 lần. Nếu kẻ nào không nạp sẽ bị phạt một ngàn lượng. Ðức Bồ-tát dạy: “Ðiều nói có sừng ở chân tức là cựa gà, có đuôi ở đầu tức là mồng gà, kêu mỗi ngày 3 lần tức là gà gáy”. Đức vua nghe rất hoan hỷ.

Ðã nhiều lần thấy Bồ-tát Mahosatha trả lời đúng đắn theo câu hỏi, đức vua hết lòng hoan hỷ, chỉ mong mau được gặp mặt Bồ-tát, nên bàn với bốn vị giáo sư. Họ cũng cản ngăn nữa. Phen này không cần hỏi nữa, ngài dạy dọn long xa cho ngài ngự đi rước Bồ-tát. Ra khỏi thành không bao xa, ngựa bị vấp chân té, đi không tiện nên phải trở về. Bốn vị giáo sư vào chầu thăm vua và tâu rằng: “Vì không nghe lời tâu của hạ thần, nên Hoàng thượng mang tai nạn như thế. Tâu lệnh Hoàng thượng, không cần Hoàng thượng phải ngự xe khỏi đền, ngài chỉ gởi câu đố rằng: Ngày trước trẫm ngự đi tìm cháu, ngựa bị vấp té, nên phải hồi trào. Cháu hãy gởi ngựa tốt hoặc ngựa hay hơn cho trẫm. Nếu cháu Mahosatha vào chầu bệ hạ, bằng không sẽ có ông Triệu phú cha Mahosatha đến chầu. Ngựa tốt tức là cháu Mahosatha; ngựa hay hơn tức là thân sanh của Mahosatha. Nếu cháu Mahosatha là bậc trí tuệ thật cháu sẽ đến, bằng không cũng cho thân sanh vào chầu”. Bốn vị giáo sư tâu như vậy, đức vua bèn làm y theo.

Khi Bồ-tát Mahosatha được lệnh vua như thế, liền hiểu rằng đức vua muốn cho ngài vào đền, ngài bèn đến thưa với thân sanh rằng: “Thưa, cha nên cầm hộp trầm đựng đầy sữa và mật ong vào chầu vua cùng với một ngàn tiểu phú gia. Khi vào chầu, vua mời ngồi rồi, lúc cha thấy con ngó cha, cha nên đứng dậy, tránh khỏi nơi ấy, rồi gọi con đến ngồi nơi ghế của cha đã ngồi trước đó, ấy là câu thai cao thượng.

Khi vào chầu, đức vua mời ngồi xong, hỏi thăm đến Bồ-tát. Vị triệu phú tâu: “Con hạ thần sẽ vào sau”. Ðức Bồ-tát điểm trang rất đẹp, đi đến đâu dân chúng đều ngoạn mục. Vì ngài còn bé mà trí tuệ nhất trong đời, có cả một ngàn thiếu nam tùy tùng. Ngài thấy một con lừa ăn cỏ gần thành nội. Ngài dạy người bắt, buộc miệng không cho nó la được, lấy chiếu đắp lên mình nó và dẫn theo sau ngài. Ðến sân rồng, Bồ-tát liếc xem cha ngài, vị triệu phú thấy, liền đứng dậy nhường chỗ cho đức Bồ-tát. Bồ-tát bèn đến ngồi chỗ của cha ngài, những người thiếu trí tuệ, nhất là bốn vị giáo sư bèn vỗ tay cười nhạo rằng: “Ðó là bậc trí tuệ nhất của Hoàng thượng xem coi cha đứng dậy nhường chỗ để mời con ngồi có đúng chăng? Thật là một trẻ ngu ngốc, như thế phần đông có đáng khen là bậc trí tuệ chăng?” Ðức vua nghe thấy nhiều người nhạo báng. Ngài rất hổ thẹn ngó xuống. Ðức Bồ-tát tâu hỏi đức vua: “Vì sao lệnh Hoàng thượng hổ ngươi?”

‒ Trước kia trẫm hằng khen cháu là bậc trí tuệ trong đời. Nay thấy cháu làm những chuyện không hay như vầy, nên trẫm buồn; vì cháu bảo cha cháu đứng dậy, rồi cháu lên ngồi lên ghế của cha cháu, bởi cha cháu là bậc cao quý hơn con đủ cả mọi phương diện.

‒ Tâu, lệnh Hoàng thượng có ra lệnh phải đem ngựa tốt hoặc ngựa hay nhất chăng? Rồi Bồ-tát dạy người dẫn con lừa lúc nảy đem vào cho nằm gần chân đức vua rồi tâu rằng: “Lừa này đáng giá nào?”

‒ Này cháu trí tuệ, con lừa này chỉ dùng được để kéo xe chở đồ mà thôi, đáng giá 8 đồng hoặc 8 lượng.

‒ Tâu, ngựa tốt sanh ra từ lừa cái, đáng giá nào?

‒ Này cháu trí tuệ! Ngựa đó vô giá.

‒ Tâu, trước, lệnh Hoàng thượng phán rằng cha cao quý hơn con đủ mọi phương diện, thật vậy, con lừa này phải quý hơn ngựa hay. Vì con lừa này là cha của con ngựa hay. Nếu cha cao quý hơn con đủ mọi phương diện, thật như thế rồi, con lừa này cũng quý hơn con ngựa hay, phải vậy chăng lệnh Hoàng thượng? Nếu lệnh Hoàng thượng cho rằng cha cao quý hơn con, xin Hoàng thượng dùng cha tôi đi, nếu con quí hơn cha thì Hoàng thượng dùng tôi. Trước, Hoàng thượng ra lệnh, dạy tôi phải đem ngựa hay dâng. Nay lệnh Hoàng thượng thấy rõ rằng cha quí hơn con, lệnh Hoàng thượng bắt con lừa này để dùng đi, vì lừa này là cha của ngựa hay nhất, quí hơn ngựa tốt. Nếu lệnh Hoàng thượng cho rằng ngựa hay hơn lừa thì lệnh Hoàng thượng dùng tôi. Bốn vị giáo sư của Hoàng thượng đây, Hoàng thượng chọn từ đâu? Câu thai dễ dàng như thế mà tìm không ra, lại còn nhạo cười toe toét.

Ðức vua nghe thấy làm cảm phục và rất vui thích. Các quan đại thần đều nhìn nhận Bồ-tát là bậc trí tuệ thật, đồng vỗ tay hoan hô vang rền, có vị lại đem vật quí đến cúng dường. Bốn vị giáo sư tỏ vẻ buồn thiu, hổ ngươi, gục đầu.

Lời hỏi: Ðức Bồ-tát là bậc hiếu đạo, do nhân nào lại làm như thế? Ðáp: Không phải Bồ-tát làm bỉ mặt cha ngài đâu. Vì đức vua có ra lệnh dạy phải đem ngựa tốt bằng không thì ngựa hay nhất. Như thế, nên đức Bồ-tát phải làm như vậy. Hơn nữa, phải làm cho vị giáo sư biết mình.

Từ đó, đức vua ban thưởng cho ông Triệu phú Sirivaddhanaseṭṭhā và một ngàn tiểu phú gia, được trọn quyền hưởng lộc trong quận các ngài ngụ. Đức vua cũng không quên ban vật báu đến mẹ của đức Bồ-tát, rồi xin Bồ-tát làm hoàng tử, ngự tại đền với ngài. Ðức vua phán hỏi Bồ-tát: “Này con, con vừa lòng ngự trong đền nội hay ở ngoài thành?” ‒ “Tâu, hạ thần có rất nhiều kẻ tùy tùng, hạ thần xin ở thành ngoại”. Ðức vua bèn cho tạo dinh thự và ban thưởng đầy đủ vật dụng cho Bồ-tát được an vui, cả một ngàn thiếu nam theo hầu Bồ-tát.

Một ngày nọ, chúng dân thấy ánh sáng ngọc ma-ni hiện trong ao sen, liền tâu cho đức vua rõ. Đức vua bèn truyền đòi bốn vị giáo sư để tìm ngọc ma-ni. Họ dạy tát nước ao cho cạn để lấy ngọc, mà vẫn chưa thấy ngọc ma-ni. Ðức vua bèn hỏi Bồ-tát: “Có thể tìm được chăng? ‒ “Tâu, muốn lấy ngọc ma-ni, không khó, xin thỉnh Phụ vương ngự đến đó cùng tôi”. Ðức Bồ-tát đến mé ao đứng quan sát thấy rằng ngọc ma-ni trên đọt cây thốt nốt, rồi tâu rằng: “Ngọc ma-ni không có trong ao nước đâu”.

‒ Cớ sao có ánh sáng trong nước, mà con nói rằng không có ngọc trong đó?

Ðức Bồ-tát dạy người đem mâm nước đầy để tại nơi đó, rồi thỉnh đức vua xem. Ngài thấy ngọc ma-ni như thấy trong ao, rồi đức vua hỏi tại sao nói không có ngọc trong ao?

‒ Tâu, ngọc ma-ni có tại trong ổ quạ, trên cây thốt nốt. Ðức Bồ-tát cho người leo lên đọt cây thốt nốt gần phía đông ao nước, lấy ngọc ma-ni trong ổ quạ đem xuống dâng đến vua.

Công chúng đồng hoan hô, khen ngợi đức bồ tát và trách bốn vị giáo sư kia rằng, bảo người tát ao rất nhọc côn vô ích. Thật không có bậc trí tuệ nào sánh bằng bồ tát đâu. Ðức vua rất thỏa mãn, rồi ban thưởng ngọc báu đang đeo trong mình đến Bồ-tát. Còn ngọc ma-ni vừa tìm được, đức vua tặng cho một ngàn thiếu nam tùy tùng Bồ-tát. Ðức vua dạy Bồ-tát mỗi khi vào chầu phải trang điểm bằng ngọc báu này rồi phong Bồ-tát làm đại tướng.

Một hôm, đức vua cùng triều thần ngự đi ngắm cảnh. Đức vua chợt thấy con tắc kè to, từ ngọn cây bò xuống, thấy đức vua rồi nó gật đầu. Đức vua hỏi Mahosatha Bồ-tát: “Con tắc kè làm gì đó?”

‒ Tâu, nó làm lễ lệnh Hoàng thượng.

Ðức vua nghe hoan hỷ bèn dạy người mỗi ngày lấy tiền mua thịt cho nó ăn. Ðến ngày bát quan trai, mua không được thịt, người nuôi nó lấy tiền đáng giá mua thịt buộc vào cổ nó. Từ đó, cắc kè tự đắc vì có tiền.

Ngày sau, đức vua ngự đến thấy con cắc kè bò xuống gặp đức vua nó ngóc đầu lên, coi bộ tự đắc. Đức vua hỏi Bồ-tát thế là sao?

‒ Tâu, vì con tắc kè nương nhờ có tiền. Ngày bát quan trai, người nuôi nó mua thịt không được, nên đem tiền buộc vào cổ nó rồi nó ỷ lại như thế.

Ðức vua bất bình, dạy người đánh đuổi nó đi. Cũng vì tự đắc, ỷ lại mà phải chịu khổ.

Có một học sinh của vị trứ danh giáo sư Disāpāmokkha tên là Piṅgutta vừa lòng thầy nên thầy gả con gái cho. Cô thiếu nữ này rất đẹp. Nhưng Piṅgutta là người xấu số, nên khi về với anh, khiến anh không vừa ý, không chịu đồng tịch đồng sàng với vợ, bởi anh là người ít phước. Cách một tuần, sau khi đã làm lễ thành hôn, anh Piṅgutta xin phép cha mẹ vợ trở về xứ. Ði đường xa mệt nhọc và đói khát, gặp một cây sung có trái chín, anh bèn leo lên bẻ trái ăn. Vợ ở dưới xin vài trái, anh nói: “Vậy, có chân tay để làm gì?” Vợ biết chồng không lo, nàng phải trèo lên để kiếm ăn. Anh chồng thấy thế, lén lần xuống đến gốc lấy gai chất xung quanh gốc cây sung rồi bỏ đi mất. Vợ anh xuống không được, kêu la, khóc kể. Hạnh phúc cho nàng, ngày ấy có đức vua ngự đi ngoạn cảnh, nghe người than khóc bèn dạy quan quân đi tìm xem và hỏi thăm, rồi đem nàng về cho làm hoàng hậu.

Ngày khác, đức vua ngự đi ra khỏi thành, hai bên đường, dân gian lo quét dọn. Lúc ấy, hoàng hậu thấy anh Piṅgutta, là chồng cũ, cũng đang cấm cúi quét đường. Hoàng hậu cười. Đức vua thấy bèn hỏi: “Cớ sao Hậu cười?”

‒ Tâu, vì thần thiếp thấy chồng cũ, bỏ thần thiếp, rồi hôm nay phải bị làm công việc như vầy, nên cười.

Ðức vua nghe tâu, không tin, cho nên ngài thịnh nộ, rút gươm cầm trong tay. Đức vua hỏi ý bốn vị giáo sư.

‒ Tâu, chẳng nên tin lời phụ nữ. Chúng tôi chưa từng thấy người nam nào có vợ đẹp xinh như vầy mà từ bỏ cho đành.

Ðức vua bèn hỏi Bồ-tát, và Bồ-tát trả lời: “Tâu, lệ thường kẻ có tội với người hữu phước xa nhau lắm, cũng như trời với đất, cũng như bờ biển đây với bờ biển kia. Kẻ có tội hoặc ít phước không bao giờ ở chung cùng người đại phước được, lời của lệnh hoàng hậu là rất đúng”. Ðức vua nghe là hữu lý mà rằng: Nhờ con trẫm là Mahosatha mà trẫm được hậu, bằng ta nghe lời bốn vị giáo sư kia thì đã giết hoàng hậu rồi. Nghĩ như thế phát tâm hoan hỷ, đức vua bèn ban thưởng đức Bồ-tát rất nhiều báu vật. Bà hoàng hậu nghĩ rằng: Nhờ có Mahosatha, nên mệnh ta mới còn, thật là bậc ân nhân của ta. Lập tức, hoàng hậu quỳ, tâu xin đức vua cho phép từ đây, thần thiếp xin Mahosatha làm em ruột của thần thiếp. Bao giờ thần thiếp có vật chi quí báu hoặc cao lương mỹ vị, thần thiếp được phép biếu cho Mahosatha là em, bất kỳ là giờ phút nào. Đức vua hoan hỷ phê chuẩn. Từ đây, hoàng hậu thường ban cấp cho Bồ-tát những vật quí giá, không dám quên ơn cứu tử.

Có một ngày bát quan trai, đức vua lên tầng lầu cao đi kinh hành, thấy có một con chó và một con dê. Dê đi ăn cỏ dành chỗ voi, bị nài voi đánh đập, dê bỏ cỏ chạy trốn, bị nài voi đuổi theo liệng nhằm lưng quá đau, dê lết nằm dựa bức tường thành. Chó cũng lén vào ăn thịt cá trong nhà bếp, bị đánh đập què giò. Chó chạy trốn đến vách tường thành cũng gặp dê tại đó. Dê hỏi chó: “Vì sao mà anh bị như thế?” Chó thuật lại cho dê nghe, rồi hỏi: “Còn anh do nhân nào mà bị lại nằm tại đây?” Dê cũng tỏ cho chó nghe tự sự. Dê và chó bàn nhau phải làm thế nào để nuôi sống cho dễ dàng bằng không phải chết đói. Dê bèn bày mưu rằng: “Bây giờ tôi phải vào nhà bếp trộm thịt cá về cho anh, còn anh thì đi ăn cắp cỏ về cho tôi. Hai ta sẽ đổi thực phẩm nhau mà ăn, thì lưỡng tiện lắm”. Tính xong, dê và chó đồng ưng thuận làm theo kế đó, nên được an vui. Vì thấy người nấu ăn đâu sợ dê ăn thịt cá mà gìn giữ, nên dê dễ trộm được thịt cá. Về phần nài voi thấy chó đến, thì nào có để ý đến chó trộm cỏ, vì thế mà chó trộm cỏ không khó. Từ đấy, dê và chó kết bạn thân thiết nhau.

Ðức vua xem thấy chuyện như thế, sáng ra nhập trào. Ngài có câu đố cho 5 vị trí tuệ đoán xét, rằng: “Trẫm hỏi 5 khanh, trong đời có loài thú nào nghịch cùng nhau, mà trở thành thân thiết không? Nếu khanh nào đoán không ra, trẫm sẽ đuổi khỏi thành”. Nghe đức vua ra câu đố như thế thật là mắc mỏ, nên vị Senaka bèn tâu xin qua ngày sau sẽ trả lời. Đức vua phê chuẩn. Về đến dinh, bốn vị giáo sư bàn tính nhau mãi mà tìm chưa ra, nên đồng quyết định kỳ này phải qua yêu cầu đức Bồ-tát chỉ dạy, không dám tự hào nữa. Về phần đức Bồ-tát, ngài nghĩ rằng: “Có lẽ đức vua thấy cái chi đây, nên mới ra câu đố này”. Ngài bèn vào thăm hoàng hậu rồi tâu hỏi: “Hôm qua lệnh bà có thấy vua ngự đến nơi nào chăng?” Hoàng hậu trả lời: “Hôm qua lệnh Hoàng thượng lên tầng lầu cao đi kinh hành, và ngự lãm[28] phía dưới thành rất lâu”. Ðức Bồ-tát ngụ ý, khi ra khỏi cung nội, ngài đi dò xét thấy dê và chó đang ăn, có vẻ thân thiết nhau lắm. Ðức Bồ-tát thấy như vậy hiểu rõ rằng: Dê và chó mật thiết là do trao đổi thực phẩm cùng nhau, rồi ngài trở về dinh an nghỉ. Về phần bốn vị giáo sư kia không ai tìm ra nổi đáp án của câu đố của vua, các ông đồng hội nhau tính cả ngày cũng chưa ra lẽ. Bất đắc dĩ phải đến cầu đức Bồ-tát chỉ dạy cho. Ðức Bồ-tát nghĩ rằng: Nếu ta không thương xót thì họ sẽ bị vua đuổi ra khỏi thành. Vậy ta nên tế độ họ, rồi ngài dạy mỗi vị đọc một câu kệ ngôn.

Qua ngày thứ hai, bốn vị giáo sư vào chầu. Đức vua phán hỏi bốn vị giáo sư rằng: “Này bậc trí tuệ, các khanh đã hiểu rõ câu đố rồi chăng?”

‒ Tâu, nếu chúng hạ thần không hiểu thì còn ai hiểu được.

‒ Vậy các khanh hãy trả lời cho trẫm nghe.

‒ Tâu, xin Hoàng thượng hãy lắng nghe: Uggaputtrājaputti … Sanghayamassati.

Mỗi vị đọc một câu kệ ngôn, đức vua cũng tin rằng phải, vì không rõ ý nghĩa của câu kệ ngôn. Đức vua hỏi sang đức Bồ-tát: “Tâu, dê đó có bốn chân, khi đi, tha đồ ăn thì lén lút tha. Dê đi tha cá thịt về cho chó, chó tha cỏ về cho dê, rồi trao đổi nhau ăn. Lệnh Hoàng thượng ngự trên tầng lầu cao, đã thấy rõ hai thú, dê và chó làm bạn thân nhau như thế”. Ðược nghe rõ lời tâu của đức Bồ-tát, đức vua rất thỏa thích bèn ban thưởng tất cả 5 vị trí tuệ rất nhiều báu vật đồng nhau. Khi ấy, hoàng hậu Uduma hiểu rằng: bốn vị giáo sư kia nhờ Bồ-tát mà trả lời được câu đố của đức vua, song đức vua không rõ, ban thưởng đồng nhau. Đức vua ban thưởng em trai ta nhiều hơn mới phải, rồi hoàng hậu liền vào cung tâu cho đức vua hay sự thật. Đức vua nghe theo nên ban thưởng Bồ-tát nhiều hơn.

Ngày nọ, bốn vị giáo sư vào chầu, đức vua phán hỏi: “Trẫm muốn biết rõ trong đời có hai hạng người: Người giàu mà kém trí tuệ và kẻ có trí tuệ nhưng nghèo. Hai hạng này ai là người cao quý hơn?” Seneka ācārya tâu: “Theo hạ thần hiểu là người giàu quý hơn hết. Trong đời này, dù là người có trí tuệ bao nhiêu, làm quan đại thần hay con dòng sang cả mà nghèo thì cũng phải cần kính nể kẻ giàu, làm tôi cho người giàu sai khiến. Mặc dầu người giàu có tật nguyền, điếc, câm… cũng làm chủ kẻ khác được”. Nghe tâu như thế, đức vua liền hỏi Bồ-tát: “Con hiểu thế nào?”

‒ Tâu, kẻ ngu vô trí tuệ, khi có của nhiều thì say mê, dầu là hạng người sang cả cũng thế, cho rằng ta là cao quý rồi, hằng gây những nghiệp dữ, không hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, nghĩ thế nào thi hành như thế nấy, cứ theo ý muốn mình. Những kẻ tối tăm thường không thấy xa, chỉ biết trong kiếp hiện tại, không xét đến ngày vị lai, nên tạo biết bao điều ác, sau khi tan rã ngũ uẩn sẽ sa trong ác đạo, rồi sanh lên làm người nghèo hèn khổ sở, do các điều dữ đã tạo. Vì kẻ thiếu trí tuệ mới say đắm trong tài, sắc, lợi, danh. Tâu, tôi quan sát thấy như thế, mới hiểu rằng, người có trí tuệ mới cao quí hơn.

Ðức vua nghe theo rồi hỏi lại Seneka ācārya rằng: “Khanh hiểu thế nào?”

‒ Tâu, Mahosatha còn bé, miệng còn hôi sữa, biết gì, xin Hoàng thượng hãy nghe theo hạ thần. Không cần nói đâu xa xôi như Triệu phú Govindasetthi, nghề nghiệp chi cũng chẳng biết, con trai con gái cũng không, thân hình rất xấu xa, khi nói chuyện thì nước miếng tuôn chảy. Có hai nàng đẹp như ngọc nữ chực hờ, dùng hoa sen xanh tươi chờ hứng nước miếng. Biết bao khách khứa tới lui nườm nượp. Họ hết lòng tôn trọng, cho đến người sang cả cũng kính nể. Bấy nhiêu cũng đủ rõ ràng, người có của là quý hơn bậc có trí tuệ.

Bồ-tát tâu: “Seneka chẳng sáng suốt, chỉ thấy gần, chỉ biết có được mà thôi; không quan sát cho chu đáo. Ví như quạ thấy cục cơm họ làm rớt hoặc như chó thấy miếng thịt trong nồi họ quên đậy nắp, không xem chừng cây gậy sẽ bổ trên đầu. Lệnh Hoàng thượng nên thẩm xét. Lệ thường, kẻ có của mà vô trí tuệ, khi được vui thì hằng cẩu thả vì không thấy 3 tướng phổ thông của vạn vật là vô thường, khổ não và vô ngã, chỉ biết sa mê ngũ dục mãi mãi, không tưởng đến sự chết ngày mai. Kẻ tối tăm thiếu trí tuệ, khi gặp khổ, tai hại đến thì quên mình tán loạn, giãy giụa như cá mà bị liệng trên khô. Kẻ vô trí tuệ trong giờ hấp hối thì vật mình kêu khóc, thương tiếc vợ con, của cải, thân thuộc, quyến luyến trong vật dục. Nhớ đến nghiệp ác đã tạo, rồi kinh sợ trong bốn ác đạo. Vì thế mà phải nóng nảy, bực tức, vật mình, khóc kể, sợ sa địa ngục, cũng vì thiếu trí tuệ. Trái lại, bậc có trí tuệ rõ rằng: Sanh ra trong nẻo luân hồi, thì phải chịu luật sanh tử luân hồi, là một định luật không sao tránh thoát được. Tâu, hạ thần thấy rằng: Người mà dính mắc trong của cải thì khó tránh được ác đạo, không nơi nương tựa. Dù là vợ, chồng, con, của, thân thuộc, bạn bè cũng không làm cho sự đau khổ được nhẹ nhàng, chỉ lấy mắt nhìn nhau mà chịu, không sao cứu vớt được”.

Ðức vua xoay qua hỏi Senaka rằng: “Mahosattha tâu như thế khanh nghĩ sao?”

‒ Tâu, Mahosatha biết gì, hạ thần xin ví dụ: Cây có trái hằng có loài điểu thú thường lũ lượt bay tới kiếm ăn không dứt, thế nào, người có của hằng có người vãng lai đông đúc. Cho nên người đời chỉ có tiền của là hưởng hạnh phúc an vui. Còn kẻ dù có trí tuệ đến đâu, mà nghèo thì không ai ngó đến. Do đó, hạ thần tâu rằng người có của quý hơn kẻ có trí tuệ mà nghèo.

Ðức vua xoay qua hỏi Mahosatha rằng: “Senaka tâu như thế, con nghĩ sao?”

‒ Tâu Hoàng thượng, Senaka giải như trẻ lên 3 tuổi, thấy sao nói vậy. Kẻ vô trí tuệ ví như cây có trái độc, điểu thú nào đến ăn quả sẽ bị khổ, khác chi người thiếu trí tuệ. Nếu kẻ nào tới lui thân cận, họ sẽ chết, tức là hư hao của cải. Vì kẻ vô trí tuệ hay bày mưu kế để đoạt của người, chỉ tìm làm việc bất chánh là người ác, không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi. Sau khi thác sẽ xuống ác đạo chịu khổ lâu đời, bị quỉ sứ hành hạ đánh đập, chém đâm bằng các vũ khí cháy đỏ vô cùng khổ sở. Ðó cũng vì thiếu trí tuệ. Tâu Hoàng thượng, người có trí tuệ là quí hơn.

Ðức vua phán hỏi Senaka rằng: “Theo lời của Mahosatha tâu qua, khanh nghĩ thế nào?”

‒ Tâu, xin Hoàng thượng đừng tin lời Mahosatha. Hạ thần xin thí dụ: Nước của sông rạch một khi đã chảy đến biển rồi, không còn tên cũ nữa, thế nào, người trí tuệ khi gặp kẻ giàu thì đành chịu lu mờ không rõ rệt. Tôi xét thấy như thế mới tâu rằng, kẻ giàu quí hơn người trí tuệ là vậy.

Ðức vua phán hỏi Mahosatha Bồ-tát: “Senaka giảng như thế con nghĩ sao?”

‒ Tâu, đức Hoàng thượng, chẳng nên nghe lời Senaka. Nước của các sông rạch lớn, nhỏ chảy vào biển, biển giao tiếp nhau bằng lượng sóng nghe lăn tăn, lách tách. Dù sóng có lực đến đâu, khi vỗ vào bờ biển cũng bị dội lại, không vượt khỏi bờ biển được, thế nào, kẻ giàu vô trí tuệ không bao giờ qua khỏi bậc trí tuệ được. Những kẻ ngu độn thiếu trí tuệ, dẫu tranh luận một điều gì với ai cũng chẳng thể vượt qua bậc trí tuệ nỗi. Khi có sự khó khăn nan giải, đều cậy vào bậc trí tuệ. Những người thiếu học được biết tội phước, lợi hại, chánh tà cũng nhờ nghe bậc trí tuệ chỉ dạy. Tâu, tôi xét thấy như thế, mới nhận người có trí tuệ là quí hơn.

Nghe rồi, đức vua xoay qua hỏi Senaka nữa rằng: “Khanh có lời nào giảng giải cho trẫm nghe”.

‒ Tâu, lệnh Hoàng thượng, chớ nên tin lời của Mahosatha. Kẻ giàu dù đi, đứng, ngồi trong nơi nào cũng có người kiêng nể, tiếp rước. Chuyện quấy thành phải, chuyện phải ra quấy, mặc dù là bất công. Người có tiền sẽ được phần đông hưởng ứng, nói chi công chúng đều xu hướng theo. Thấy như vậy, nên hạ thần tâu rằng người triệu phú cao quí hơn.

Ðức vua phán hỏi Mahosatha Bồ-tát: “Con nghĩ sao, tâu cho trẫm rõ”.

‒ Tâu, Senaka chỉ thấy trong kiếp hiện tại, là người thiếu trí tuệ, thấy gần mà không nhìn xa. Những người có của, vô trí tuệ, đen nói trắng, trắng nói đen mà người cũng nghe theo, là vì phần đông là thiếu học. Họ nào biết sẽ bị bậc hiền minh chê trách, đến khi thác còn phải chịu quỉ sứ hành hình nhiều kiếp trong địa ngục. Tiếng xấu còn lưu danh muôn thuở.

Ðức vua phán hỏi Senaka: “Có lời chi hãy tâu cho trẫm nghe”.

‒ Tâu, người trí tuệ có sự hiểu biết dầy dặn nhiều như địa cầu dầy 24 ngàn do tuần, mà nghèo, thì nói lời hay cũng vô hiệu quả. Khi đến gần người có của thì ẩn bóng dấu hình, mất mặt, ví như ánh sáng nhỏ của đom đóm không được rực rỡ như ánh sáng của mặt trời mọc. Do đó nên hạ thần tâu rằng người có của cao quí nhất trong đời.

Ðức vua phán hỏi Mahosatha Bồ-tát: “Con nên giải cho trẫm nghe thêm có được chăng?”

‒ Tâu lệnh Hoàng thượng, Senaka là người không thấy xa hiểu rộng. Bậc trí tuệ thốt lời ngay thật, không nói xuyên tạc theo ai. Bậc trí tuệ hằng được quần chúng ngợi khen và cúng dường bằng các vật báu giữa nơi đô hội. Người trí tuệ hằng quí lời nói ngay thật, sau khi mạng chung được tái sanh làm vua hoặc lên cõi trời. Vì thế tôi tâu rằng, người có trí tuệ cao quí hơn.

Giáo sư Senaka tâu: “Lời của Mahosatha vừa trình bày, thánh thượng chẳng nên tin. Bò, trâu, tôi trai, tớ gái, các thanh nam, nữ cho đến những ngọc ma-ni, xà cừ v.v… chỉ phát sanh trong dòng dõi phú gia. Các loài thú cũng thường có đông đúc để làm phương vận tải cho hàng hữu sản. Người có của hằng được thêm nhiều báu vật. Do đó, mà hạ thần mới gọi kẻ giàu là cao quí”. Ðức vua bèn xoay qua hỏi Mahosatha: “Con nghĩ thế nào?”

‒ Tâu, người vô trí tuệ, dù có nhiều của cũng khó gìn giữ được lâu dài, của cải phải bị tiêu mòn, ví như loài rắn không thể giữ da được; phải lột da bỏ lại. Những người chứa của được nhờ trí tuệ, nếu thiếu trí tuệ, dầu là triệu phú, của ấy cũng phải bị hao mòn. Vì thế hạ thần mới tâu rằng bậc trí tuệ quí hơn cả.

Ðức vua xoay qua hỏi Senaka. Senaka ngẫm nghĩ: Lần này ta phải làm cho Mahosatha phục tùng ta mới được. Rồi tâu: “Tất cả chúng tôi đây hầu hạ, chờ lệnh của Hoàng thượng. Hoàng thượng là bậc cao quí, lãnh đạo chúng tôi là hàng có trí tuệ ví như đức Ðế Thích hay đàn áp Chư thiên, nếu người có trí tuệ là quí, hà tất phải đến tôn sùng người có của như Hoàng thượng. Tâu, em Mahosatha chỉ đem kiếp vị lai để giảng thuyết, không thấy những lợi ích trong hiện tại. Thử hỏi, nếu người có trí tuệ là quí, cớ sao lại vào hầu chực Hoàng thượng như vậy?” Lời Senaka trình bày đây, nếu không phải là đức Bồ-tát, thì khó mà suy tưởng sự lý, ngỏ hầu giải đáp cho phân minh được. Mahosatha (Bồ-tát) tâu: “Giáo sư Senaka là người mù, chỉ biết lợi danh trong đời mà quên đức tính thanh cao là trí tuệ. Kẻ vô trí tuệ khi gặp điều lo sợ, nan giải thì hằng nương nhờ vào bậc trí tuệ chỉ dẫn mới được rõ đường tà, nẻo chánh. Kẻ giàu thiếu trí tuệ hay mù quáng, say mê ngũ dục rồi bị sa sút, bị người chê hay khinh rẻ. Lúc hữu sự thì tối tăm lo sợ, tìm nương vào bậc trí tuệ, cầu các ngài phá nghi và cứu vớt bằng tinh thần mới được an vui. Do đó, mà bảo tồn tài sản được lâu dài. Như Hoàng thượng nhờ bậc trí tuệ nên không say mê trong của cải là nhân lôi cuốn chúng sanh vào vòng sanh tử luân hồi. Do có trí tuệ mà sinh linh đắc đạo, quả, Niết-bàn, thoát ly khổ hải. Các bậc sáng suốt, nhất là lệnh Hoàng thượng, hằng ngợi khen và tìm kiếm bậc trí tuệ. Các hàng thánh nhân được khỏi luân hồi, hết phiền não cũng do trí tuệ, khỏi lo sợ trong đời này và kiếp sau cũng nhờ trí tuệ. Như thế, không gọi trí tuệ là cao quí sao nên”. Ðức vua hỏi Senaka: “Còn lời chi trình bày nữa chăng?” Khi ấy, giáo sư Senaka không còn biết điều chi để thi thố nên gục mặt hổ thẹn làm thinh. Ðức Bồ-tát bèn tâu tiếp rằng: “Trí tuệ là một pháp thực tính mà bậc cao nhân hằng ưa thích, tôn trọng. Kẻ vô trí tuệ hằng say mê của cải, quyền tước lợi danh. Bậc trí tuệ không quyến luyến vật chất, bởi đã quan sát thấy rõ rằng các vật chất của cải hằng xúi giục con người gây nhiều tội lỗi, rồi phải bị trầm luân, là nhân sanh các thống khổ không sao tả xiết. Chỉ người trí tuệ mới có thể phán đoán, biết tìm phương pháp thoát khổ được. Không có chi đem so sánh với trí tuệ được. Năng lực của cải không sao vượt khỏi trí tuệ được. Nhận thấy thế, nên hạ thần tâu trí tuệ là cao quí nhất”. Ðức vua nghe tâu lời hữu lý nên rất hoan hỉ bèn ban thưởng nhiều báu vật hơn các lần trước.

Hoàng hậu thấy em là đức Bồ-tát, nay đã lên 16 tuổi, cần phải có người nội trợ để chăm nom gia tài to tát như thế, nên suy nghĩ tìm một thanh nữ xứng đáng để kết duyên lành với Bồ-tát. Bà bèn tâu cho đức vua rõ, đức vua khen phải và phán rằng: “Cần tỏ cho Bồ-tát hay trước”. Khi hoàng hậu cho Bồ-tát hay biết ý định đó, Bồ-tát liền tâu: “Xin chờ 3 ngày rồi sẽ tâu với đức vua”. Ðoạn Bồ-tát xin để tự mình đi tìm thanh nữ xứng đáng theo ý nguyện. Ngài ra cửa bắc rồi đi lần đến quận Uttara Majjhagāma.

Trong thuở đó, có một nhà trước kia là triệu phú nay đã sa sút. Trong gia đình này có một thiếu nữ tên Amarā có đủ đức hạnh và hình dung xinh đẹp. Một hôm, sáng sớm cô thiếu nữ đem cháo dâng cho cha nàng đang cày ruộng. Bồ-tát đi đến thấy cô dung nhan của thiếu nữ xinh đẹp và tướng mạo đoan trang, rồi thầm nghĩ: Nếu nàng này chưa chồng thì đáng cho ta đem về làm nội trợ được. Phần nàng thiếu nữ thấy đức Bồ-tát cũng thầm nghĩ, nếu ta được người như vầy để nương bóng tùng quân, thì đời ta sẽ được nhiều hạnh phúc, có nơi nương tựa vững vàng. Hai bên đồng một quan niệm có ý yêu nhau. Bồ-tát bèn nghĩ không rõ nàng đã có nơi nào chưa, vậy ta nên thử thách nàng bằng cách ra cử chỉ để đố. Ngài thừa cơ hội nàng liếc xem, ngài ra dấu “nắm tay lại” xem nàng có hiểu lẽ nào chăng? Nàng Amarā thấy, biết Bồ-tát muốn hỏi nàng có chồng chưa, nàng xoè tay để đáp cử chỉ của Bồ-tát. Bồ-tát hiểu rằng nàng chưa chồng. Bồ-tát bèn bước lại gần hỏi: “Xin lỗi nàng, quí danh nàng là chi”.

‒ Thưa, cái chi không có trong quá khứ, vị lai và hiện tại ấy là tên của tôi.

‒ Này cô! Trạng thái bất diệt là cái không có trong quá khứ, vị lai và hiện tại. Như vậy quí danh của cô là Amarā phải không?

‒ Vâng, tên tôi là Amarā.

‒ Bây giờ đây, cô đem cháo cho ai?

‒ Thưa, đem dâng cho bậc tiền thiên Pubbadeva.

‒ Này cô! Tiền thiên, tức là cha và mẹ. Vậy có phải cô đem cháo cho thân phụ cô chăng?

‒ Thưa phải.

‒ Thân phụ của cô làm nghề gì?

‒ Cha tôi làm nơi ‘một thành hai’. (Ở nơi ‘một thành hai’ đó ám chỉ là nghề nông cày ruộng)

‒ Có phải thân phụ cô là nông phu chăng? Và cày ruộng trong nơi nào?

‒ Vâng, thân phụ tôi cày ruộng trong nơi ‘đi không trở lại’.

‒ Nơi đi không trở lại đó là nơi tha ma mộ địa, có phải vậy chăng?

‒ Vâng, đúng lắm.

‒ Hôm nay cô đi rồi trở về chăng?

‒ Thưa, nếu một cái đã đến thì tôi không trở về, một cái chưa đến thì tôi trở về.

‒ Này cô! Thân phụ cô cày gần mé nước, nước lên nhiều thì cô không trở về, nếu nước nhỏ thì cô về phải không?

‒ Thưa phải. Nói xong nàng mời Bồ-tát dùng cháo.

Bồ-tát nghĩ, nếu không dùng cháo thì thất lễ, vậy ta nên dùng chút ít, Bồ-tát bèn nhận lời thỉnh của nàng. Nàng Amarā để cháo trên đất. Bồ-tát nghĩ, nếu nàng chỉ dâng cháo mà không dâng nước thì ta không dùng. Nàng Amarā dâng nước. Nàng dành riêng phần cho cha nàng. Phần của nàng thì để ra mâm rồi dâng cho Bồ-tát dùng. Khi dùng xong, Bồ-tát rửa tay và nói rằng: “Tôi mong được biết nhà cô, xin cô vui lòng chỉ đường cho tôi”. Nàng Amarā bèn chỉ đường bằng câu đố rằng: “Thưa, quán bán chè, quán bán nước cam và cây có lá hai từng ở trong nơi nào; đó là con đường đi đến quận Uttara Majjhagāma, dùng tay mặt cầm cháo mà chỉ”. Xong nàng bèn kiếu từ để đem cháo cho cha nàng.

Bồ-tát nhận rõ rằng đường đi đến nhà nàng Amarā trước hết gặp quán bán chè, kế quán bán nước cam, rồi gặp cây có lá hai chặn, đứng xem thì thấy ngã hai, đừng theo nẻo bên trái, mà nên đi ngả bên phải. Bồ-tát bèn đi theo câu đố của nàng Amarā. Thân mẫu của nàng Amarā thấy Bồ-tát là người có tướng mạo đoan trang đến nhà nên mừng rỡ, dọn chỗ mời Bồ-tát ngồi và dâng cháo. Bồ-tát nói: “Nàng Amarā đã có cho tôi dùng chút ít rồi”. Mẹ nàng Amarā hiểu rằng chàng đến với mục đính muốn được con gái ta. Ðức Bồ-tát hiểu rõ hoàn cảnh sa sút của gia đình nàng Amarā. Bồ-tát xin ở trọ ngôi nhà ấy và thưa rằng: “Thưa mẹ, tôi là người thợ may, vá và mạng y phục, vậy nhà mẹ có y phục rách mang ra con vá mạng cho”.

‒ Này con! Mẹ có y phục cần phải vá mạng nhiều, song mẹ không có chi để trả công.

‒ Tôi chỉ mạng không lấy tiền, xin mẹ đừng ngại chi.

Mẹ nàng Amarā liền mang rất nhiều y phục trong nhà đem giao cho Bồ-tát vá mạng được hoàn bị theo trí tuệ của ngài. Khi vá mạng xong, Bồ-tát yêu cầu rằng: “Xin mẹ cho hàng xóm hay những người nào có y phục cũ, rách đem đến tôi lãnh vá mạng cho”. Chúng dân nghe như thế, nên mang rất nhiều y phục đến cho Bồ-tát mạng vá trọn ngày ấy được tiền 100 lượng. Mẹ nàng Amarā lo dọn cơm chiều cho Bồ-tát dùng. Ðến bữa ăn tối thì cha nàng Amarā và nàng trở về đến nhà. Sau dùng bữa cơm xong, Bồ-tát bèn lạy tạ song thân của nàng Amarā và xin đính hôn cùng nàng. Cha mẹ nàng Amarā đồng hoan hỷ nhận lời.

Sáng hôm sau, Bồ-tát dạy vợ lấy nửa cân gạo, làm 3 món ăn: bánh, cháo và cơm. Nàng vâng lời làm theo ý chồng, khi làm xong đem dâng đến Bồ-tát. Ðồ nấu thật ngon, nhưng Bồ-tát giả bộ chê trách rằng: “Nàng dâng cháo”. Bồ-tát nếm một chút, đoạn ngài đổ trên đất. Nàng Amarā thưa: “Nếu anh dùng cháo không vừa miệng, xin dùng cơm”. Bồ-tát ngửi hơi cơm rồi cũng chê. Nàng nói: “Xin anh dùng bánh”. Bồ-tát thọ bánh thử chút ít rồi quở trách liệng bỏ: “Thế nàng không lành nghề nấu ăn”. Nàng Amarā cũng không buồn. Cư ngụ được 3 ngày, đức Bồ-tát bèn đem hai ngàn lượng bạc dâng đến nhạc gia ngài mà rằng: “Con xin dâng chút ít của này đến nhạc gia chi dụng đỡ, con sẽ tùy tiện phụng dưỡng song nhạc được an vui trọn đời. Nay con xin đem nàng Amarā đi cùng con, xin nhạc gia hoan hỉ”. Hai ông bà đều vui lòng chấp thuận.

Khi Bồ-tát dẫn vợ gần đến kinh đô Mithilā. Ngài gởi vợ cho môn quan. Vào dinh, ngài bèn dạy hai thiếu nam ăn mặc sang trọng tỏ ra con nhà triệu phú đến trêu ghẹo thử ý vợ ngài. Hai thanh nam tuân theo lời dạy của Bồ-tát, tìm đủ mọi cách để thử thách nàng Amarā nhưng vô hiệu quả, bèn trở về trình cho Bồ-tát rõ. Ngài liền cho người dẫn nàng Amarā vào dinh của ngài. Nàng vào thấy tòa lầu cao sang phú túc, nhưng không rõ là của Bồ-tát, nàng bèn cười rồi khóc. Bồ-tát hỏi: “Vì sao nàng cười rồi lại khóc?”

‒ Em cười, bởi kiếp trước khéo tu nên nay người mới được cao sang như vầy, nghĩ đến phước của người nên em cười. Còn em khóc, vì thương xót người ỷ quyền cao tước trọng mà bóc lột của lương dân, cưỡng bách vợ người, làm điều tàn ác, ắt sa đọa trong ác đạo chẳng sai.

Bồ-tát nghe qua khen nàng là người chơn chánh, ngài dạy đem nàng giao lại cho môn quan, rồi vào đền tâu cho hoàng hậu rõ ngài đã chọn được vợ hiền. Hoàng hậu tâu cho vua hay, rồi sắm sanh hôn lễ đầy đủ cao sang đến rước nàng Amarā về đến dinh Bồ-tát. Đức vua, hoàng hậu cho đến dân gian thảy đều vui mừng phỉ dạ, chúc tặng quà sính lễ nhiều không kể xiết. Nàng Amarā bèn chia làm hai dâng đến vua một phần, còn một phần để dùng. Bồ-tát bèn rước song nhạc về phụng dưỡng như cha mẹ ruột.

Nói về bốn giáo sư kia thấy Bồ-tát được vua trọng đãi, quyền cao tước lớn như thế, càng sanh lòng ganh ghét, hằng tìm chước bày mưu để hãm hại. Senaka bàn rằng: “Chúng ta hãy cáo gian Mahosatha là phản nghịch, thì hại hắn mới được. Vậy mỗi chúng ta phải tổ chức trộm báu vật của vua là: cây trâm bằng vàng, hoa bằng vàng lá, y báu Kambala, đôi giày vàng. Khi đã trộm được bốn báu vật của vua chúng ta đem giấu trong dinh Mahosatha rồi vào tâu, vu cáo rằng: Mahosatha mong lòng phản nghịch”. Sau khi Senaka bàn định kế hoạch bèn cùng nhau đồng ý và phân công rằng: Senaka trộm trâm vàng, Pakuttha trộm hoa vàng, Kaminda trộm y báu, Devinda trộm đôi giày vàng. Khi đã trộm được, Senaka để cây trâm vàng vào hộp, rồi dạy đứa tớ gái đem bán tại nhà Bồ-tát. Lúc ấy nàng Amarā ở trong dinh xem thấy lạ, là đứa tớ chỉ rao bán chỉ qua lại trước dinh mình. Nàng bèn gọi vào giả bộ mua để hỏi thăm tìm hiểu, khi xem thấy cây trâm vàng của vua, nàng biết là kẻ gian ác, nàng bằng lòng mua. Xong nàng tìm cách hỏi thăm đứa tớ ấy, ai bảo đem bán.

‒ Chủ tôi là Senaka.

Nàng niêm lại kỷ lưỡng để rõ ngày tháng và tên Senaka, tên đứa tớ và cha mẹ của nó. Phần Pakuttha trộm được hoa vàng, rồi dạy tớ gái đem bán nơi nhà của Bồ-tát. Kaminda trộm y báu Kambala để vào giỏ rau, bảo đứa tớ gái đem đến dinh của Bồ-tát mà bán. Devinda trộm đôi giày vàng để vào bó lúa giao cho tớ gái đem bán như nhau. Nàng Amarā cũng mua tất cả bốn món, rồi biên rõ ngày, tháng, tên họ chủ, tớ và cha mẹ của nó, xong niêm lại kỹ càng. Nàng Amarā trình bày rõ rệt cho Bồ-tát hay rõ tự sự.

Một hôm, bốn vị giáo sư bèn vào chầu vua và tâu rằng: “Vì sao Hoàng thượng không dùng cây trâm vàng mà trang điểm”. ‒ “Vậy khanh đi lấy dâng cho trẫm trang điểm”. Bốn người giả bộ đi kiếm rồi trở ra tâu rằng: “Cây trâm mất rồi, hoa vàng cũng mất, y báu Kambala và đôi giày cũng không còn”. Bốn người ngồi ra vẻ đắn đo suy nghĩ trong chốc lát rồi tâu rằng: “Bốn báu vật này không có trong nơi nào khác, ngoài nhà Mahosatha. Mahosatha trộm của ấy dễ dàng không kiêng nể Hoàng thượng, bởi muốn đoạt ngôi rồng”. Những người tùy tùng chân thành của Bồ-tát nghe rõ bèn chạy về thưa cho Bồ-tát hay. Bồ-tát nói rằng: “Ta sẽ vào lập tức, rồi chúng ta sẽ biết nhau”. Khi ấy Bồ-tát vào chầu vua. Đức vua không cho gặp mặt. Bồ-tát hiểu ngay rằng vua thịnh nộ, bởi thiếu sự suy nghĩ mà tin lời vu cáo của bốn vị kia. Bồ tát trở về dinh thự. Vua hạ lịnh cho quân đến bắt bồ tát. Bồ-tát liền trá hình, giả làm kẻ khó, ra khỏi thành Mithilā đi đến quận Yavamajjhā tá túc nơi nhà người thợ nồi. Tiếng đồn rằng Mahosatha đã trốn khỏi thành rồi.

Bốn vị giáo sư nghe qua rất đắc chí rằng: “Như thế mới rõ ta là bậc có trí tuệ. Nay Mahosatha trốn rồi, thế vợ của hắn là vợ của ta, suy nghĩ như vậy nên tìm cách tâu vua để cho nàng Amarā ở yên”. Mỗi người có ý nghĩ riêng gởi thơ ghẹo nàng Amarā. Nàng nghĩ bốn người này thật đê hèn quá, vậy để ta làm cho họ mang nhơ cho biết mặt. Nghĩ như thế, nàng liền cho tin mỗi vị nên đến nàng giờ này v.v… Nàng dạy kẻ giúp việc đào hầm cho sâu rộng, miệng hầm rào xung quanh, trong hầm chứa đầy phẩn và nước tiểu, miệng hầm đậy bằng ván máy, trải nệm trên mặt hầm kín đáo, rải hoa và nước thơm để tắm.

Tối hôm đó, Senaka trang điểm cao sang, rồi đến dinh Bồ-tát, khi đến nơi, nàng Amarā cho mời vào. Nàng tỏ vẻ vui mừng thỉnh Senaka đi tắm, đặng vào nghỉ. Khi ông ta vừa bước lên miệng hầm, bị máy bật té vào hầm phẩn. Kế Pakuttha, Kaminda và Devinda cũng đồng chung cảnh ngộ. Bốn vị phải ở trọn đêm trong hầm phẩn, nước tiểu, tủi nhục vô cùng. Sáng ra nàng Amarā dạy người kéo lên cho tắm rửa sạch sẽ, rồi bắt cạo trọc, cạo lông mày, nàng dạy tôi tớ lấy gạch chà xát da cho rướm máu, nấu cháo đặc đổ lên đầu v.v… hành hạ bốn vị vô cùng khổ sở. Nàng cho lấy đệm quấn cả bốn vị đó rồi bảo người dẫn vào chầu vua. Nàng cũng không quên đem theo đủ cả bốn báu vật mà họ đã trộm được của bốn tội nhân. Nàng Amarā tâu rõ tự sự và dâng bốn vật báu đến vua rồi trở về dinh. Ðức vua thấy rõ như thế lấy làm hối hận, không biết xử cách nào, vì Bồ-tát đã đi mất rồi, nên thả bốn vị giáo sư về nhà.

Thuở đó, có vị trời thường ngự trên cây lọng nơi bệ rồng để nghe pháp của đức Bồ-tát, nay Bồ-tát đã vắng mặt, vị trời ấy không được nghe pháp nữa, nên tìm dịp làm cho Bồ-tát trở về. Vị trời liền hiện hình cho vua thấy rõ, vừa lúc canh năm và ra bốn câu đố như vầy: “1) Kẻ đánh đập, hiếp đáp, nguyền rủa lại là nơi thương yêu của người. Như vậy là hạng nào? 2) Người đánh chửi theo ý muốn, nhưng chỉ nói ngoài miệng, không có ác tâm làm hại, khi đã mắng chửi, đánh đập rồi lại thương yêu hơn trước. Người ấy là hạng nào? 3) Người cáo gian kẻ khác, rồi trở tội nghiệp hơn xưa thuộc về hạng nào? 4) Người được vật chi cũng lấy (đệm, chiếu, giường, y phục v.v…) càng lấy, càng làm cho người kính thương. Người ấy thuộc về hạng nào?” Ðức vua nghe bốn câu đố của vị trời, cố suy nghĩ nhưng không đáp được. Ngài cho vị trời biết rằng ngài không thể giải đáp, xin chờ ngài hỏi lại bậc trí tuệ và hứa ngày mai sẽ trả lời. Vị trời bằng lòng nhận theo lời hứa của vua. Sáng ra đức vua triệu bốn vị giáo sư vào, rồi dạy đáp bốn câu đố ấy. Bốn vị này không đủ khả năng giải đáp.

Tối lại, vị trời hiện ra hỏi nữa. Đức vua đáp: “Ðã hỏi, mà bốn vị giáo sư cũng không thông”. Vị trời tâu: “Trừ Mahosatha Pandita, không một ai hiểu rõ đâu, vậy Đại vương hãy sai người đi tìm ngài Mahosatha, nếu Đại vương không tuân lời cho người đi tìm thỉnh ngài Mahosatha về, ta sẽ đập đầu Đại vương bằng cây gậy sắt cháy đỏ này, ta không để cho Đại vương sống đâu”. Vị trời bèn nói tiếp: “Thái độ của Đại vương trong lúc này ví như kẻ tìm lửa, rồi gặp đom đóm tưởng là lửa, lại đem củi và cỏ khô đến nhúm, mong gì được lửa, hoặc ví như người muốn được sữa bò, lại tìm sữa ở sừng bò, làm sao mà được sữa? Này Đại vương! Các vị đế vương xưa kia thắng được địch, nhờ có trí tuệ biết dùng người tài thao lược, trong nước mới được thái bình. Còn Đại vương tin đom đóm mà cũng tưởng là lửa, thì tránh sao khỏi điều thất bại. Ngài Mahosatha ví như đám lửa to, rực rỡ bằng trí tuệ. Nay Đại vương hỏi những câu đố nơi bốn vị giáo sư kém trí tuệ ấy, như ánh của đom đóm có đặng chăng? Đại vương hãy sai người đi rước Mahosatha Pandita về và hỏi cho được, bằng không ta chẳng để cho Đại vương sống đâu”. Vị trời hăm dọa đức vua như thế rồi biến mất.

Lúc ấy đức vua lấy làm kinh hãi sợ chết. Sáng ra lâm trào, đức vua liền phán cho bốn đại thần dẫn quân đi tìm rước Bồ-tát Mahosatha, mỗi vị đi một hướng. Ngài dạy phải tìm cho gặp Mahosatha rồi cúng dường một ngàn lượng và rước về đền lập tức. Bốn vị đại thần tuân lệnh đi tìm khắp nơi. May thay! Vị đại thần đi hướng đông được gặp Bồ-tát tại quận Yavamajjhagāna. Ngài đang nhồi đất làm nồi với người chủ nhà, cả hai bàn tay ngài đều lấm đất như các người thợ khác. Ngài không chấp cách ăn ở bình dân chẳng khác nào kẻ làm công trong nhà vậy. Với hành động cao đẹp này là muốn trả lời cho đức vua thấy rằng ngài không phải là kẻ phản bội. Khi thấy vị đại thần từ xa đến, ngài biết rằng mong được gặp ngài. Ðến gần Bồ-tát, vị đại thần thi lễ, rồi trình bày ý muốn của đức vua, và dâng một ngàn lượng bạc của vua ban thưởng. Bồ-tát Mahosatha thọ rồi đền ơn lại cho chủ nhà. Xong ngài lên xe trở về thành. Vị đại thần vào tâu trước cho đức vua hay. Đức vua hỏi: “Khanh gặp Mahosatha tại nơi nào và đang làm gì?”

‒ Tâu, tại nhà thợ làm nồi và đang nhồi đất nắn nồi.

Ðức vua bèn nghĩ: Nếu Mahosatha thật phản nghịch, lẽ đâu phải chịu cực khổ làm nghề ấy. Như thế con trẫm là bậc trung nhân, rồi dạy mời vào. Vị đại thần tâu: “Mahosatha Pandita mình lấm đất, chưa được tắm rửa”. Ðức vua nghe thấy làm cảm động, dạy vị đại thần ra cho phép Mahosatha về dinh tắm rửa sạch sẽ, trang điểm như trước rồi sẽ vào chầu.

Sau khi về dinh tắm rửa trang sức xong, Bồ-tát Mahosatha vào đền. Đức vua dùng lời an ủi và hỏi thử rằng: “Này con Mahosatha! Có hạng người nghĩ rằng, đã được vừa ý rồi không làm tội, có hạng người vì sợ phần đông chê trách nên không dám làm tội, có hạng vô trí tuệ không làm được rồi nín thinh, không tìm làm dữ, về phần bậc có nhiều trí tuệ, cái chi cũng biết như con, có thể mong sự nghiệp to tát trong thế gian, vì sao con lại bơ thờ lãnh đạm, không hại trẫm?”

‒ Tâu, lệ thường người có trí tuệ không bao giờ chỉ mong vui cho mình mà làm khổ kẻ khác. Dù là nghèo khổ đến đâu cũng chẳng tạo nghiệp dữ. Bậc trí tuệ hằng tìm làm việc chơn chánh, trong sạch, không khi nào bỏ qua lẽ phải, không dám tây vị vì thương, vì ghét, vì sợ, vì si mê. Tâu, xin Hoàng thượng hiểu như vậy.

‒ Này con Mahosatha! Trong đời này, khi người đã bị cảnh nghèo đói rồi, có ai nín thinh mà chịu được, họ tìm mưu sanh hạnh phúc trước, rồi sau tự hối tu hành không được sao?

‒ Tâu, bậc trí tuệ không bao giờ làm khổ ai, nhất là với ân nhân. Không nói đến người, dù là cây mà bậc trí tuệ đã nương tựa, họ cũng không làm rơi lá gãy nhành. Người đã nhờ bóng cây, rồi làm cho cây trơ trụi, gọi là kẻ xấu xa, phản bội, không cần nói đến kẻ sát hại ân nhân, người bạc nghĩa cũng gọi là kẻ phản bạn, có đại tội. Như đối với lệnh Hoàng thượng, Hoàng thượng ban thưởng tôi nhiều đặc ân, nếu tôi hại Hoàng thượng, thì tôi là kẻ phản bội quên ơn.

Rồi Ngài thuyết về tội của đức vua rằng: Tâu lệnh Hoàng thượng, người sanh ra trong đời, đã thọ ân thầy dạy bảo, dù là một câu kinh, một lời lành cũng gọi là ân sư, kẻ thọ giáo là môn đệ chẳng nên quên ơn, không thận trọng tỏ vẻ lãnh đạm, làm điều không tốt với thầy, kẻ ấy là kẻ vong ân bội nghĩa có tội”. Rồi ngài chỉ giáo thêm cho đức vua rằng: “Người cư sĩ thọ dụng ngũ dục nếu thiếu sự tinh tấn, là kẻ lười biếng thì không gọi là người tốt. Cư sĩ mà biếng nhác, thật là không hay đâu. Bậc xuất gia mà phá giới cũng là điều hư hại trong Phật pháp. Hàng vua chúa, mỗi khi làm việc mà không quan sát tỉ mỉ, tinh tường, khi nghe có được lời chi, tinh tường, khi nghe được lời chi thời vội tin, không quan tâm dò xét, phán đoán cho chu đáo, thì không tốt cho đế nghiệp. Lệ thường, bậc thống trị trong nước, mà hành động việc gì thiếu trí tuệ đắn đo, cân nhắc, thật là khổ, không hay. Người có trí tuệ mà bị sân hận đè nén, hoặc tây vị vì sân, thực hành theo sự nóng giận chênh lệch gọi là không tốt trong đời. Tâu Hoàng thượng, lệ thường, đức vua cần phải dùng trí tuệ suy xét cho chín chắn rồi mới nên làm, bằng chưa chẳng nên làm. Đức vua nào thực hành theo trí tuệ và tìm xét cẩn thận thì hằng thịnh đạt, quốc thới dân an, ngai vàng kiên cố”.

Ðức Mahosatha (Bồ-tát) vừa giảng dạy xong, đức vua Videharāja liền thỉnh ngài lên ngai vàng, còn đức vua ngồi bên cạnh phía dưới, rồi phán rằng: “Này con! Có vị trời trên cây lọng trên ngai vàng hiện ra hỏi bốn câu. Trẫm và bốn giáo sư đều thúc thủ, cầu con giảng giùm cho rõ”.

‒ Tâu, câu đố ấy như thế nào, xin Hoàng thượng cho con rõ?

‒ Người càng bị đánh chửi, thì càng làm cho kẻ khác mến yêu, là hạng người thế nào?

‒ Tâu, đó là hài đồng mà người mẹ để nằm trên đầu gối. Thông thường, hài đồng nằm trên gối, mẹ hằng vui thích đùa giỡn cùng con; khi đánh, lúc lại đạp, níu tóc mẹ, vả miệng mẹ, còn người mẹ lại nâng niu hôn hít con, càng yêu mến con là như thế.

Vị trời nghe rõ bèn hiện ra, hoan hô khen ngợi là đúng, hay lắm, rồi cúng dường Bồ-tát bằng hoa trời để trong hộp ngọc, xong rồi biến mất. Đức vua thấy thế càng hoan hỷ ban thưởng rất nhiều châu báu, rồi hỏi thêm câu thứ hai: “Này con! Người đánh chửi theo ý muốn mình, song chỉ mắng ngoài môi chớ lòng không sân hận, rồi trở lại càng thấy thương yêu hơn trước. Ðó là hạng người nào?”

‒ Đó là mẹ chửi rủa con, rồi trở lại thương yêu con hơn trước. Sự thật, khi người mẹ đã thấy con lên 6, 7 tuổi có thể sai khiến được, nhưng đứa con thường hoang du từ sáng cho đến tối, rồi không dám trở về nhà, phải nương náu nơi quyến thuộc vì sợ mẹ la rầy. Người mẹ không thấy con về thì rầu buồn, lại vuốt ve mơn trớn con, rồi dẫn con về nhà mà rằng: Nầy con! Mẹ rầy la bấy nhiêu mà con phiền sao. Khuyên rồi càng thương con hơn trước. Tâu Hoàng thượng, câu đố thứ nhì là bà mẹ mắng, chửi con theo sở nguyện, rồi càng thương con thêm bội phần.

Vị trời liền hiện ra cúng dường và đức vua cũng ban thưởng như trước. Rồi xin hỏi đến câu thứ ba: “Người dùng lời dối, đổ lỗi cho nhau, sau lại càng thương yêu nhau hơn trước, là hạng người nào?”

‒ Tâu, đó là lời vợ chồng đổ lỗi cho nhau rằng: Em không thương anh chỉ tìm yêu kẻ khác, vợ cũng nói anh bỏ bụng em, quyến luyến phụ nữ khác v.v… Ðổ lỗi cho nhau như thế, rồi trở yêu nhau hơn trước. Ðó là câu đố nói về vợ chồng tỏ lời không thật cùng nhau như vậy, rồi càng trở mến yêu nhau.

Vị trời liền hiện ra tỏ lời sadhu và cúng dường, đức vua cũng ban thưởng như trước, rồi hỏi đến câu thứ tư: “Này con Mahosatha! Trong đời, có người thọ nhiều vật dụng của kẻ khác, thì càng làm cho họ thêm phần kính mến, đó là hạng người nào?”

‒ Tâu, đó là nói về các thầy Sa-môn, Bà-la-môn, tu phạm hạnh rồi được thí chủ dâng cúng nhiều vật dụng (thực phẩm, y phục, chỗ ở, mùng, chiếu, thuốc men). Thí chủ được dâng cúng nhiều thì họ càng vui thích, kính mến nhiều vì là làm cho họ càng được phước báu. Câu đố này ám chỉ các thầy Sa-môn, Bà-la-môn tu phạm hạnh trong sạch, làm cho thí chủ phát sanh đức tin dâng cúng vật dụng đến các ngài. Khi các ngài thọ lãnh, họ càng hoan hỷ và kính mến nhiều.

Lần này, Chư thiên hiện xuống rất nhiều tỏ lời sādhu và cúng dường đủ cả 7 báu. Đức vua ban thưởng nhiều báu vật và phong cho làm đại tướng tại triều. Từ đây Bồ-tát càng thêm vinh quang chói lọi.

Về sau, bốn vị giáo sư hội nhau bàn luận về địa vị cao siêu của Bồ-tát rằng: “Nay Mahosatha rất có uy thế cao sang hơn chúng ta rồi!” Senaka liền nói: “Nay tôi có một kế để báo thù Mahosatha, vậy chúng ta hãy đến giả bộ thăm viếng và hết lòng thân thiết với Mahosatha rồi hỏi về pháp ‘nên giấu kín việc mình với ai, nên nói việc kín với ai’, rồi vào tâu vu cáo cho vua hay rằng Mahosatha muốn đoạt ngai vàng. Các ông có hợp ý chăng?” Ba vị kia đồng tán thành rồi đem nhau đến dinh Mahosatha. Khi gặp nhau, Mahosatha (Bồ-tát) tiếp đãi bốn vị giáo sư rất trọng hậu. Sau khi trò chuyện vui vầy Senaka bèn hỏi: “Thưa bậc trí tuệ, con người nên giấu việc chi kín với ai, nói việc kín đến ai?”

‒ Bậc trí tuệ không nên tỏ việc kín cho ai cả.

Nghe như thế bốn vị giáo sư rất hoan hỷ, bèn từ giã ra về. Sáng ra, bốn vị giáo sư vào chầu tâu lén cho vua hay rằng Mahosatha (Bồ-tát) cố giấu việc kín làm phản. Khi Mahosatha (Bồ-tát) vào chầu, vua liền hỏi: “Này con Mahosatha (Bồ-tát)! Con nghĩ thế nào? Việc kín của mình nên tỏ cho ai biết?”

‒ Tâu, lệ thường việc kín không nên tỏ cho ai biết, thì sẽ đem nhiều lợi ích cho mình, bằng nói việc kín của mình với kẻ khác, bậc trí tuệ không khen đâu, khi công việc mong muốn được kết quả rồi mới nên nói ra. Các bậc trí tuệ thấy thế, nên hằng dấu nhẹm việc kín của mình.

Nghe Mahosatha (Bồ-tát) tâu như thế, đức vua liếc xem Senaka và nghĩ tin chắc lời tâu lén của bốn vị giáo sư kia, cho Mahosatha là mưu phản, nên đức vua rất bất bình. Mahosatha (Bồ-tát) thấy thái độ của vua, đoán biết rằng vua tin tưởng lời vu cáo của Senaka rồi quỳ lạy ra khỏi đền. Ðức Bồ-tát nghĩ rằng: Bốn vị này, một vị tâu chỉ nên nói việc kín với bạn, một vị nói nên cho con hay, một vị chỉ nên nói cho mẹ biết, một vị nói nên cho em trai rõ, vì họ đã toan tính nhau trước rồi. Vậy nay ta vào núp trong thùng đựng nếp này để tìm nghe cho rõ nhân quả thế nào. Nghĩ như thế, ngài dạy người hầu dời thùng đựng nếp lại, ngài vào núp trong đó, bảo người lấy đồ đậy che cho khuất và dặn rằng: “Sau khi bốn vị giáo sư đến hội rồi đi ra khỏi nơi đây, ngươi sẽ trở lại cho ta hay”.

Khi ra khỏi ngọ môn, Senaka bèn hỏi về lời tâu của 3 vị rằng: “Chỉ nên tỏ sự kín cho mẹ, cho con và cho em trai đó do nhân nào?” Ba vị kia đồng hỏi lại Senaka: “Còn ông tâu nên nói việc kín với bạn là thế nào?” Senaka bèn khai rằng: “Các ông có biết cô gái giang hồ Nagara chăng?”

‒ Chúng tôi biết nàng ấy, song hôm nay không biết cô ấy ở đâu?

‒ Nàng ấy đã bị tôi giết rồi. Một hôm, tôi dẫn nàng đi dạo nơi ngự uyển và ngủ cùng nàng, song thấy nàng có nhiều vật quí trong mình tôi phát lòng tham, nên tôi sát hại nàng rồi đoạt cả đồ nữ trang, nay tôi vẫn còn cất giữ để làm kỷ niệm. Tôi giấu kín việc ấy, chỉ cho bạn thân thiết biết mà thôi, vì thế, nên tâu rằng chỉ nói việc kín cho bạn thân thiết biết.

Senaka bèn hỏi việc kín của Pakuttha. Pakuttha khai rằng: “Chân tôi có bệnh phong, chỉ có em trai tôi biết. Mỗi buổi sáng em tôi lấy thuốc băng bó chân bệnh lở phong, rồi tôi mới vào chầu. Đức vua gọi tôi vào gần rồi dựa mình vào chân tôi và khen rằng chân tôi mền dịu, nhưng mềm dịu do băng bó ghẻ phong đó. Đức vua mà biết được ắt tôi bị tội nặng, nên không có ai biết cả, chỉ có em tôi biết mà thôi”. Kaminda khai sự kín của mình rằng: “Tôi phát cơn như chó điên trong nữa tháng một lần, nếu ai biết được thì thật là xấu hổ, chỉ có con trai tôi biết. Vì thế, tôi mới tâu rằng: chỉ nên cho con trai biết việc kín”. Devinda khai sự kín của mình rằng: “Tôi đã trộm ngọc ma-ni của đức Ðế Thích ban cho mẹ của đức vua Kusaraja là hoàng thái hậu của đức vua Videharāja hiện thời. Nhờ oai lực của ngọc ma-ni, nên mỗi khi tôi vào chầu, đức vua gọi tôi trước hơn cả, rồi ban cho tôi từ 8 đến 16 hoặc 32 đồng mỗi bữa. Việc kín này chỉ có mẹ tôi hiểu, nên tôi đã tâu như vậy”. Cả bốn vị giáo sư trình bày việc kín của mình như thế như thế, rồi trở về nhà, chờ sáng sớm đặng giết Mahosatha (Bồ-tát). Ðức Bồ-tát núp trong thùng đựng nếp nghe đủ cả.

Đây nói về khi đức Bồ-tát lui ra khỏi đền, Senaka bèn tâu: “Hoàng thượng thấy rõ nên tin lời chúng tôi chưa”. Ðức vua vì không kịp suy xét, nên vội tin lời vu cáo của Senaka, bèn trao gươm vàng dạy Senaka phải hạ sát Bồ-tát trong buổi sáng mai khi Bồ-tát vào chầu.

Sáng hôm sau, bốn vị giáo sư mặc triều phục đến trước ngọ môn núp chờ hại Bồ-tát. Ngày càng trưa, chẳng thấy Bồ-tát đến, nên bốn vị vào chầu. Ðức vua phán hỏi: “Các khanh đã giết Mahosatha rồi chăng?”

‒ Tâu, chúng tôi chờ lâu mà chẳng thấy Mahosatha.

Bồ-tát chờ mặt trời mọc lên cao rồi mới mặc triều phục vào chầu, có cả quân hộ vệ, quỳ lạy đức vua. Đức vua Videharāja động lòng hiểu rằng Mahosatha (Bồ-tát) không có tâm phản nghịch, nên hết lòng kính trọng ta. Ngài phán gọi Mahosatha (Bồ-tát) vào gần và hỏi: “Hôm qua con về sớm, bữa nay con về trễ, con có điều gì nghi nan chăng? Và cớ nào con vào chầu có cả quân hộ vệ”.

‒ Tâu, hôm qua Hoàng thượng trao gươm vàng cho bốn vị giáo sư lén hại tôi tại ngọ môn, cho nên hạ thần vào chầu hôm nay có cả quân hộ vệ.

Ðức vua nghe qua rồi liếc xem hoàng hậu, vì nghi bà thông tin cho Mahosatha (Bồ-tát). Ðức Mahosatha (Bồ-tát) hiểu rằng, vua thịnh nộ hoàng hậu, nên ngài quỳ tâu rằng: “Thánh thượng nghi lệnh hoàng hậu thông tin cho tôi biết chuyện kín của thánh thượng. Hạ thần xin trình bày những điều kín cho thánh thượng tường tri. Tâu, Senaka này, có tâm hèn hạ, làm những tội tày trời, ông là bậc giáo sư thân cận chỉ dạy thánh thượng. Tâu Senaka là bậc đê hèn, dẫn cô gái giang hồ Nagara đến ngự uyển ân ái nhau rồi giết nàng Nagara đoạt tất cả nữ trang để làm của. Tâu, nếu Hoàng thượng mong bắt kẻ nghịch, nên nả tróc Senaka trước đi”. Ðức vua hỏi Senaka. Senaka nhìn nhận tội lỗi y theo lời của Mahosatha (Bồ-tát) vừa tâu. Ngài hạ lệnh bắt giam Senaka nơi ngục đường. Kế, Mahosatha (Bồ-tát) lần lượt trình bày nghiệp ác của Pakuttha, Kaminda, và Devinda rằng: Pakuttha có ghẻ phong nơi chân, không đáng vào chầu Bệ hạ đâu. Kaminda có bệnh điên, bị quỷ nhập không nên làm thầy Hoàng thượng đâu. Devinda là kẻ trộm ngọc ma-ni. Đức vua nghe tâu qua, rồi hỏi cả 3 vị đều thú tội. Đức vua truyền lệnh tống giam vào ngục như Senaka.

Tiếp theo, đức Mahosatha (Bồ-tát) giảng thuyết về đức tính của sự thầm kín rằng: “Tính giữ kín là cao quý đáng cho bậc trí tuệ ngợi khen. Sự thổ lộ việc bí mật của mình hàng trí tuệ hằng cố tránh. Bậc trí tuệ mong điều gì, mà chưa thành tựu thì vẫn giữ kín, chẳng cho một kẻ nào biết được. Phàm ở đời bậc trí tuệ hằng giữ kín công việc như giữ hầm của cải. Sự không tiết lộ là tánh cách quí của những bậc trí tuệ. Các ngài không bao giờ nói việc của mình cho phụ nữ nghe, với kẻ thù cũng thế, vì sẽ có tai hại đến mình. Với kẻ tham danh dục lợi, với người nghịch hay phường giả dối ngoài môi (khẩu Phật tâm xà), bậc trí tuệ vẫn kín miệng. Hàng trí tuệ thường lo sợ kẻ biết việc kín của mình. Lệ thường bậc trí tuệ muốn trình bày việc kín cho bạn trí tuệ nghe, thì hằng bàn với nhau trong khoảng trống, để ngừa sự nghi nan kẻ khác. Nếu luận cùng nhau trong nơi khuất lấp, làm cho người tìm hiểu dễ dàng, sẽ bị tiết lộ mau lẹ”. Ðức vua nghe lời giảng giải thanh cao của Bồ-tát lấy làm hoan hỷ, rồi dạy quân dẫn bốn vị pháp sư ra pháp trường xử trảm. Bồ-tát liền quỳ, tâu xin lượng khoan hồng của vua, xá tội cho họ. Đức vua chuẩn tấu, nhưng dạy phải làm tôi mọi cho Bồ-tát đến trọn đời. Bồ-tát cầu vua ân xá phục chức như xưa. Với hành động cao đẹp này, làm cho đức vua kính phục và suy nghĩ rằng Mahosatha (Bồ-tát) là bậc hiền nhân, quân tử, không lòng phản nghịch và từ bi cứu vớt người thù nữa thật là hiếm có. Đức vua ban thưởng đến Mahosatha (Bồ-tát) rất nhiều báu vật. Từ đây, bốn vị giáo sư chẳng còn phương chước nào vu cáo Bồ-tát nữa, ví như rắn đã bị người lấy nọc ra hết.

Bồ-tát bắt đầu dạy đạo cho đức vua và lo xây thành đắp lũy kiên cố, gìn giữ sơn hà xã tắc cho được thịnh đạt lâu dài. Ngài có nuôi con két Potaka tập nói tiếng người, két rất khôn ngoan, dạy sao thi hành theo không sai chạy. Bồ-tát bèn dạy két Potaka bay đi do thám các nước, cho biết ngoại bang nào mong mỏi điều gì, cho tỉ mỉ rồi trở về báo cáo cho ngài rõ. Két Potaka thừa lệnh bay đến kinh đô Uttarapañcā do đức vua Culanībrahmadatta trị vì, có vị cố vấn danh là Kevata là bậc bác học đang dạy đạo cho đức vua.

Một ngày nọ, vị cố vấn Kevata thức sớm xem thấy trong dinh có đủ cả báu vật và kẻ tùy tùng thật là cao sang, hiếm người sánh bằng, nên ông nghĩ rằng: Những sự vinh quang đều do đức vua ban thưởng cho ta. Vậy ta nên tìm cách làm cho đức vua trở thành vị hoàng đế duy nhất trong đời, thì ta cũng được quyền cao tước lớn, một vị cố vấn tối cao. Xong, Kevata liền vào chầu, tâu rằng: “Hạ thần có việc bí mật cần tâu cho Hoàng thượng rõ”. Đức vua nghe rồi đồng cùng Kevata vào ngự uyển. Khi két Potaka thấy cử chỉ của vua và Kevata như thế, hiểu rằng vua và vị cố vấn có việc kín muốn bàn cùng nhau. Vậy ta nên cố gắng tìm nghe cho đầy đủ, nghĩ rồi liền bay theo vua và Kevata.

Khi đức vua Culanībrahmadatta đến ngự uyển an tọa rồi, Kevata tâu rằng: “Việc mà hạ thần tính đây chỉ nên nghe được bốn tai mà thôi, nếu Hoàng thượng nghe theo, thì sẽ thành một vị đại Hoàng đế trong đời”. Nghe qua lời tâu của Kevata, đức vua lấy làm thỏa thích vô cùng, nên phán hỏi rằng: “Vậy khanh muốn cho trẫm phải làm thế nào, trẫm sẽ làm theo, trẫm xin nghe lời sáng suốt của khanh”.

 ‒ Tâu, xin Hoàng thượng phát binh đến các tiểu quốc. Phần hạ thần đi khuyên các tiểu bang nên hàng phục, vì đức vua của tôi nước giàu dân mạnh có đủ binh hùng tướng giỏi lại thêm đức hạnh, không cự địch nỗi, các ngài đầu hàng thì sự nghiệp Ðế vương đâu có mất, các ngài cũng vẫn ngồi trên ngai vàng như cũ, lại khỏi hao binh tổn tướng. Như thế các tiểu vương sẽ đầu hàng. Khi các tiểu bang đã qui phục, thì chúng ta sẽ đem binh chinh phạt các cường quốc. Hạ thần cũng đi chiêu hàng; nếu các đại quốc chống cự, chừng ấy ta đã có thêm binh rồng tướng mạnh, sẽ cử đại hùng binh chinh phạt bắt vua ấy mà hạ sát. Khi đã thâu phục được tất cả một trăm lẻ một nước, chúng ta sẽ bày yến tiệc trọng đãi một trăm lẻ một vị vua tại ngự uyển, cho uống rượu độc chết hết, thì lo chi Hoàng thượng không được làm một vị đại Hoàng đế trên thế gian này. Tâu, xin thánh thượng giữ kín kế này chẳng nên để cho ai thấu rõ.

Vì két Potaka thám tử, được nghe rõ mọi điều, liền lần xuống nhánh dưới rồi đại tiện ngay đầu Kevata. Vị cố vấn này ngước đầu lên xem, và nói rằng cái chi rớt trên đầu ta đây, vừa thả mồm thì két lại đại tiện ngay vào nữa, rồi két kêu ki-ri, ki-ri, xong nhảy lên cành trên nói bằng tiếng người rằng: “Này cố vấn Kevata, ngươi tưởng rằng chỉ có bốn tai nghe sao? Bây giờ đây đã có 6 tai nghe rồi, dần dần sẽ thành 8 tai và rất nhiều tai nghe thêm nữa”. Ðức vua Culanī và vị cố vấn rất bực tức, liền dạy quân lính phải bắn cho được con két. Nhưng than ôi két đã đập cánh bay về phương trời xa thẳm làm cho đức vua Culanī và cố vấn Kevata ôm sầu nuốt hận.

Két Potaka đến nước, bay thẳng vào dinh, đáp trên vai của Mahosatha (Bồ-tát), vì két Potaka này biết nói tiếng người và được tập thuần thục rất khôn ngoan, không muốn cho ai hay biết, nên nó đậu trên vai Bồ-tát, là chỉ mong một mình đức Bồ-tát nghe mà thôi, đây là thói quen của két Potaka. Ðức Mahosatha đem két Potaka lên tầng lầu cao thanh vắng, rồi hỏi người đi đâu dò xét như thế nào?

‒ Thưa chủ, tôi bay đến thủ đô Uttara Pañcā Mahanagara có đức vua Culanībrahmadatta thống trị và vị cố vấn Kevata đi đến thượng uyển bàn việc kín cùng nhau.

Rồi két Potaka tỏ hết những lời Kevata tâu vua Culanī cho Mahosatha nghe. Khi đã rõ câu chuyện quan trọng như thế, Bồ-tát bèn thưởng cho két Potaka vừa lòng. Từ đây Mahosatha lo việc cải cách điền địa khuyếch trương thương trường, chỉnh đốn việc ăn ở của nhân dân. Ngài cho dân nghèo ra ở ngoài thành, nhà giàu vào cư ngụ trong vòng thành và dạy phải lo làm ruộng rẫy, tích trữ lúa gạo v.v… cho đầy kho.

Ðức vua Culanībrahmadatta thi hành theo lời tâu của Kevata đem binh chinh phạt các tiểu quốc. Còn Kevata thì dùng lời lẽ để khuyến dụ các tiểu bang qui thuận, rồi đến các đại quốc. Cứ theo kế hoạch ấy chẳng bao lâu, đức vua Culanī thâu phục được một trăm lẻ một nước nhỏ lớn. Khi ấy, những thám tử của Mahosatha đã cho đi dò xét trong các nước cho người trở về phi báo cho Bồ-tát rõ tự sự rằng: “Trong bảy năm, bảy tháng, bảy ngày, đức vua Culanībrahmadatta đã chinh phục tất cả 101 nước chỉ còn sót xứ Mithilā”. Đức vua Culanī bèn xúi Kevata đem binh đánh thành Mithilā. Kevata tâu: “Kinh đô Mithilā có Mahosatha Pandita bậc nhiều trí tuệ đã bảo vệ kiên cố, khó cho chúng ta phá được. Vả lại, bậc nhiều trí tuệ dù có binh chinh phạt được cũng bị hao binh tổn tướng rất nhiều, chi bằng ta để yên, thong thả rồi xứ Mithilā cũng sẽ vào tay chúng ta”. Sau khi đã thâu binh về nước, đức vua Culanī dạy dọn dẹp, trang hoàng thượng uyển để tiếp đãi tất cả 101 vị vua đã qui phục rồi dùng độc tửu, giết cho chết hết để được làm Ðại Hoàng đế một mình.

Các thám tử bèn thông tin cho Mahosatha (bồ tát) hay rằng, ngày này, tháng này đức vua Culanībrahmadatta làm lễ ẩm tửu khải hoàn. Ðức Mahosatha nghe qua biết rõ kế độc ác sâu hiểm của vua Culanī. Ngài rất thương xót tất cả các vị vua sẽ rước đại họa vì rượu độc: “Ta là người có trí tuệ đâu nỡ ngồi yên xem cái chết của các vua ấy đâu. Vậy, ta hãy là nơi nương tựa của quý ngài”. Nghĩ xong, Bồ-tát bèn truyền lệnh, sai 1000 quân tinh nhuệ cho qua đến ngự uyển của vua Culanī brahmadatta, nửa đêm thừa lúc chúng bất cẩn, tấn công vào đập phá tất cả những tĩnh rượu độc trong cuộc lễ và cho biết rằng Mahosatha sai quân phá hoại. Ðức vua Culanī và 101 tiểu vương rất giận Mahosatha. Đức vua Culanī bèn truyền lệnh khiến 101 tiểu vương đem binh chinh phạt thành Mithilā bắt cho được Mahosatha (Bồ-tát) và vua Videharāja hạ sát cho được mới nghe. Xong rồi đức vua Culanī bèn vào phòng kín để thương nghị với vị cố vấn Kevata. Kevata tâu: “Thủ đô Mithilā có Mahosatha bảo vệ thành trì kiên cố như hang đá, vả lại, người là trí tuệ trên đời, sợ e ta đem binh đi không kết quả chi, mà lại còn mất thanh danh nữa”. Nghe Kevata tâu như vậy, nhưng đức vua Culanī vì háo chiến, cho mình là chúa tể, tự cao nên không nhận lời, bèn dẫn đại chủng binh và cả một trăm lẻ một tiểu vương qua chinh phạt thành Mithilā.

Những thám tử vào báo tin cho Mahosatha (Bồ-tát) hay rõ tự sự. Đức vua Videharāja liền phát binh phòng thủ cẩn mật không dám dể duôi. Ðức vua Culanī dẫn đại binh đến thành Mithilā, rồi hạ lệnh bao vây thành bằng voi binh một vòng, mã binh một vòng, xa binh một vòng, sau rốt là bộ binh. Quân binh trùng trùng điệp điệp, nào tiếng voi, ngựa, xe, người nghe rầm rộ, vang rền như trời gầm, núi lở.

Nói về bốn vị giáo sư khi nghe tiếng quân binh rầm rộ, nên lo sợ lén vào tâu đức vua Videharāja: “Tâu lệnh Hoàng thượng, chẳng hay chuyện chi xảy ra, mà có tiếng người, ngựa la ó rền trời như thế?”

‒ Trẫm nghe báo rằng đức vua Culanī, dẫn binh qua đánh nước ta. Vậy trẫm cùng các khanh lên lầu xem thử.

Vua tôi đồng nhau lên xem thấy. Ôi! Là quân binh trùng trùng điệp điệp vây chặt vòng thành, khiến cho chúa tôi kinh sợ chết, than thở cùng nhau chẳng biết mưu kế chi để bôn đào tị nạn. Trong lúc sợ hãi ấy, thình lình thấy đức Bồ-tát mặc triều phục chỉnh tề vào đến sân rồng, sắc mặt vui tươi, bình tĩnh không chút gì lo ngại như chúa sơn lâm. Ðức vua thấy Mahosatha (Bồ-tát) vào chầu, ngài rất mừng và nghĩ rằng: Ngoài Mahosatha ra không có một ai đáng là nơi nương nhờ của trẫm được. Ngài liền ngỏ lời rằng: “Này con Mahosatha! Nay vua Culanībrahmadatta đã cử đại hùng binh có cả 101 tiểu vương đến vây chặt bốn phía thành nào là voi binh, mã binh, xa binh và bộ binh đông nghẹt, không người qua lọt, voi rống, ngựa hí, xe kêu, người la rầm rộ rền trời, vang đất, chúng ta không còn nẻo trốn thoát, ngoài con ra, trẫm xét chẳng có ai đủ tài năng giải khổ được, con mau liệu biện mưu nào cho trẫm khỏi sa vào tay kẻ nghịch”. Mahosatha (Bồ-tát) nghe qua những lời phó thác sanh mạng và tin tưởng ở mình, ngài rất tội nghiệp cho đức vua quá lo sợ chết, nên yêu cầu ta giải khổ cho. Vậy ta nên làm nơi nương tựa của đức vua, ví như vị lương y là nơi nhờ cậy của bệnh nhân, như thực phẩm là nơi trông cậy của người đói; hoặc như nước là nơi cần yếu của kẻ khát. Nghĩ như thế Bồ-tát bèn tâu rằng: “Xin Hoàng thượng yên tâm chớ lo ngại chi cả, sự dẹp giặc là phận sự của hạ thần, dù vua Culanī có quân binh nhiều đến đâu, hạ thần cũng trừ được dễ dàng, hạ thần sẽ làm cho chúng chạy bỏ khí giới và lương thực lại cho chúng ta dùng. Tâu xong Mahosatha (Bồ-tát) bèn quỳ lạy lui ra.

Ðức Mahosatha (Bồ-tát) truyền rao cho nhân dân đừng lo sợ chi cả, đối với kẻ nghịch, chúng dân chỉ nên diễn kịch vui chơi 7 ngày đêm đi, nều cần mua chi hãy lấy tiền nơi ta mà dùng. Còn về phần chống kẻ ngoại xâm thì thuộc về phần ta, các ngươi chớ nên lo sợ. Dân gian nghe lời bá cáo đanh thép của Mahosatha (Bồ-tát) họ rất an vui làm theo, chỉ biết ăn mặc vui chơi, đờn ca xướng hát cả ngày lẫn đêm. Quân giặc nghe kèn trống ca hát vui chơi như thế, bèn lùng theo các cửa ngỏ vào xem, quân gác cũng cho phép tự do. Ðức vua Culanī nghe tiếng trống kèn, ca hát hỉ hả vang rền trong thành lấy làm lạ nên hỏi các quan thám tử và họ tâu rằng: “Chúng tôi có vào theo cửa nhỏ đến thành nội xem họ diễn kịch và hỏi thăm vì sao nay trong nước bị giặc vây thành trùng trùng điệp điệp, mà không lo sợ, các anh cứ vẫn vui chơi như vầy?” Chúng dân đáp rằng: “Đức vua của chúng tôi có nguyện, bao giờ có giặc đến vây thành thì cho phép nhân dân được vui chơi như thế. Nay lời nguyện đã đến, nên chúng tôi bày tiệc cuộc chơi ăn mừng như vầy”. Nghe quân thám tử tâu, đức vua Culanī phát lòng tự ái đại nộ, ra lệnh cho quân lính tấn công hãm thành và tiêu diệt nhân dân đang ăn chơi trong thành đó, bắt cho được vua Videharāja lấy thủ cấp đem nạp cho trẫm lập tức. Ðược lệnh truyền, quân lính ồ ạt tiến đến, kẻ gươm, người giáo, cung tên, khí giới đầy đủ xông vào các cửa thành. Nhưng phải một phen thất bại, bị quân trên thành đổ sỏi, cát nóng và bắn tên ra chết vô số; không một ai đột nhập gần vào thành được phải thối binh trở lại. Ðức vua Culanī bèn thương nghị với vị cố vấn Kevata. Kevata tâu: “Bây giờ ta phải chiến đấu trường kỳ mới có thể thắng được vua Videharāja. Chúng ta nên kiên nhẫn vây thành chặt chẽ, lâu ngày dân trong thành hết lương thực, chừng ấy ta sẽ vào bắt cóc họ không khó. Vây càng lâu cũng vẫn thấy không hiệu quả, vì trong thành đã tích trữ đầy đủ lương phạn không thiếu hụt chút nào. Trái lại quân lính của vua Culanī phải chịu vất vả cực khổ, dầm sương dãi nắng lâu ngày mòn hơi kiệt sức, hao tổn lương thực”. Thấy thế, đức vua bèn hỏi ý với vị cố vấn Kevata. Kevata tâu: “Bây giờ còn một kế là đấu pháp với nhau mới rõ tài cao thấp”. Ðức vua hỏi: “Thế nào là đấu pháp?”

‒ Tâu lệnh Hoàng thượng, đấu pháp nghĩa là dùng pháp mà đấu nhau không dùng quân lính, hai bậc trí tuệ của hai nước sẽ hội nhau trong một nơi, để luận đạo cùng nhau. Người nào cuối đầu lễ bái là bại, nghĩa là tôi già, Mahosatha trẻ. Mahosatha không rõ sẽ mắc kế chúng ta, khi gặp nhau thì Mahosatha sẽ bái chào tôi, như thế là người bại trận.

Ðức vua Culanī nghe rất khen ngợi rồi gởi thông điệp cho đức vua Videharāja hay rằng: “Sáng mai tôi và Đại vương gởi bậc trí tuệ cho hai người gặp nhau trong một nơi nào để đấu pháp. Nếu người nào lễ bái trước gọi là bại”. Ðức vua Videharāja được thông điệp liền cho Bồ-tát xem. Xong trả lời ưng thuận và hẹn nơi đến để đấu pháp cho vua Culanī rõ. Mahosatha truyền cho người đến dọn dẹp sắp đặt nơi đấu pháp ngoài thành.

Sáng ra đức vua Culanī và 101 tiểu vương đều dự ra xa chờ xem hai bậc trí tuệ đấu pháp. Với bộ triều phục chỉnh tề Mahosatha vào chầu vua Videharāja. Đức vua hỏi: “Hôm nay con đi đấu pháp phải chăng? Vậy con cần vật chi thì được phép lấy dùng”. Mahosatha tâu: “Hạ thần cần ngọc ma-ni để dụ dỗ Kevata”.

‒ Này con! Con cứ tự tiện lấy đem theo đi. Chúc con đi được nhiều may mắn và đắc thắng khải hoàn.

Khi Mahosatha ra khỏi thành gần đến nơi, ngài xuống xe, rồi ngự đến chỗ đấu pháp với vẻ mặt tươi tỉnh, bạo dạn, đầy đủ nghị lực, không khác nào chúa sơn lâm ra khỏi động báu. Tất cả 101 tiểu vương đến hội họp gần nơi ấy, được thấy quí tướng của Mahosatha thì phát tâm phỉ lạc, trầm trồ ngợi khen rằng: “Vị đại nhân con của Triệu phú Sirivaddhana ẩn đủ trí tuệ, trong đời không ai sánh kịp. Ai cũng đều tán dương oai lực phi thường rằng như trời Ðế Thích có cả Chư thiên hậu hạ tùy tùng”. Khi Mahosatha cầm ngọc ma-ni đi ngay đến trước mặt vị cố vấn Kevata. Kevata không thể đứng vững được, nên bước tới bái chào Mahosatha rồi nói: “Này bậc trí tuệ Mahosatha, hai ta đều là bậc trí tuệ, tôi đến nương náu trong nước của ngài đã lâu, vì sao ngài không biếu lễ vật gì cho tôi?”

‒ Này Ngài cố vấn, tôi định sẽ dâng lễ đến ngài, nhưng tìm mãi chẳng thấy vật chi quý báu ứng đáng biếu ngài. May thay, tôi vừa được ngọc ma-ni trong ngày nay, ngọc ma-ni này tôi cho là của biếu xứng đáng để dâng đến ngài. Vì thế, tôi mới cố gắng đến đây xin dâng cho ngài bây giờ, mời ngài đến thọ lãnh.

Vị cố vấn lòng mừng khắp khởi tin rằng là thật, thấy Mahosatha cầm ngọc ma-ni hào quang chiếu sáng liền đưa tay ra để thọ. Mahosatha bèn ném ngọc ma-ni trên tay Kevata, ngọc ma-ni liền rớt xuống đất, lăn vào gần chân Bồ-tát. Kevata mong được ngọc nên vội vàng cuối xuống gần chân Mahosatha để lượm ngọc ma-ni. Thuận tiện, Bồ-tát dùng một tay ấn mạnh vào cổ Kevata không cho đứng dạy được. Bồ-tát bèn tuyên bố rằng: “Này, ngài cố vấn nên ngồi dậy đi, mời ngài không nên lễ bái tôi làm gì!” Lời tuyên bố của Bồ-tát nghe vang đến tất cả quân lính, làm cho ai cũng đều thấy rõ và nhận rằng vị cố vấn đang quỳ bái đức Bồ-tát, cho đến 101 tiểu vương và vua Culanī cũng đồng nhận như vậy. Quân lính của Mahosatha cũng tiếp báo cáo lên rằng: “Kevata quỳ lạy Mahosatha”. Ðịch quân đều hãi hùng sợ chết, đồng nhau lên ngựa chạy dài về thành Uttarapancā. Quân lính của Mahosatha càng la to lên rằng đức vua Culanī trốn rồi, làm cho toàn cả địch quân rối loạn mạnh ai nấy chạy hết. Khi đó, Mahosatha bèn dẫn quân trở về thành. Còn vị cố vấn Kevata cố gắng chạy theo vua tâu rằng: “Xin các ngài dừng lại, không phải tôi lạy Mahosatha đâu”.

Mặc dầu Kevata kêu nói, họ cũng không cần nghe và đáp rằng: “Ngươi là kẻ đê hèn, sau lưng thì ngươi ngã mạn, nói sẽ làm cho Mahosatha lễ bái mình, đến khi gặp mặt Mahosatha thì hoảng sợ liền lạy sát đất, bây giờ lại nói không lạy Mahosatha, ai tin được, chúng ta không nghe ngươi đâu!” Vị cố vấn nói: “Xin các ngài hãy tin sự thật là tôi cuối đầu lượm ngọc ma-ni của Mahosatha biếu cho nhưng đã làm rơi xuống đất”.

‒ Vậy ông có lượm được ngọc ma-ni không?

‒ Không, tôi vừa cuối xuống bị Mahosatha đè cổ cứng như sắt, khiến tôi không đứng dậy được.

Nghe giải rõ nên đức vua Culanī đem toàn quân trở lại vây thành Mithilā như trước. Ðức Mahosatha bị sợ vây lâu ngày lòng dân rối loạn, nên ngài tìm mưu đuổi địch trở về. Ngài cố tìm người trí tuệ và trung thành để giúp ngài; ngài bèn gọi Anukenata vào rồi hỏi: “Ngươi có hết lòng giúp ta chăng?”

‒ Thưa, tôi sẵn lòng tuân lời dạy bảo của ngài, dù cho thân này tan nát tôi cũng vui lòng làm theo.

Bồ-tát dạy Anukenata làm khổ nhục kế trá hàng, và trù hoạch cho Anukenata thi hành. Trước hết bắt tội Anukenata suy mưu phản nghịch giam vào ngục hình tra tấn thậm tệ, đến đỗi máu đổ thịt rơi. Một hôm, Anukenata vượt ngục chạy qua quân địch than khóc, oán trách Mahosatha làm động lòng quân lính của vua Culanī. Anukenata được dẫn vào chầu vua Culanī để tâu rõ tự sự rằng: “Mahosatha thấy tôi được đức vua Videharāja tin cậy ban thưởng nhiều rồi sanh lòng ganh tỵ, tìm kế đoạt hết binh quyền tôi, rồi còn dạy quân tra tấn tôi tàn nhẫn, nên tôi buộc tình phải trốn qua xin đầu hàng Hoàng thượng để dâng kế hoạch đoạt thành Mithilā và bắt Mahosatha cùng vua Videharāja giết cho tuyệt tộc”. Ðức vua Culanī nghe được rất mừng và phong cho làm hầu cận vua. Trong những hôm sau động binh, Anukenata từng dịp tâu dối rằng: “Tôi đã xem xét tỉ mỉ, thấy phần đông các vương và binh sĩ cho đến vị cố vấn Kevata đều cố ý theo Mahosatha, vì trong các vật dụng đều có dấu hiệu riêng của Mahosatha, xin Đại vương tra xét thì rõ. Ðây là kế hoạch đã vạch sẵn của Mahosatha”. Khi đức vua Culanī dạy Anukenata lấy ra cho ngài xem, thấy rõ tang vật bèn tin hẳn là thật. Rồi ngài hỏi ý kiến Anukenata: “Như vậy phải làm thế nào?”

‒ Tâu, hạ thần xin cầu Bệ hạ hồi trào để bảo tồn chúa tôi, chẳng nên ở đây vì sẽ bị kế của Mahosatha thì trở tay không kịp.

Ðức vua nghe rất lo sợ, rồi hỏi kế nơi Anukenata, Anukenata tâu: “Bệ hạ nên trở về nước nội đêm nay, nếu sáng ra không tránh khỏi tay Mahosatha đâu. Vì tất cả quân binh, 101 tiểu vương, nhất là vị cố vấn Kevata đã thọ ngọc ma-ni của Mahosatha rồi mà trở lại nói dối là ngọc ma-ni bị Mahosatha lấy lại”. Ðức vua Culanī nghe được kinh hãi sợ chết, hối Anukenata mau thắng yên ngựa cho ngài bôn đào. Khi lên ngựa xong, Anukenata theo đưa vua Culanī một đổi đường, rồi quay ngựa trở lại la lên rằng đức vua Culanī đã trốn rồi. Khi đó các tiểu vương và cố vấn Kevata tin rằng đức vua đã bị Mahosatha bắt rồi, nên ai cũng đều kinh khủng, sợ chết, lên ngựa tẩu thoát, không kịp mang theo vật chi cả, tất cả quan binh cũng ùa nhau chạy tán loạn.

Sáng ra, được tin thám tử phi báo, ngọ môn quan mở cửa thấy vật dụng bỏ đầy đường, quân vào tâu cho Mahosatha rõ. Ðức Mahosatha dạy: “Vật của vua Culanī và 101 tiểu vương thì lượm thâu đem dâng cho đức vua mình. Phần nào của triều phủ và vị cố vấn Kevata thì đem cho ta. Còn lại bao nhiêu thời cho quân binh và dân chúng được phép lấy dùng. Ai ai cũng đều hoan hỷ nhặt tiền, bạc, vàng, ngọc rất nhiều đến nửa tháng mới hết vật quí. Tìm lượm những vật dụng thường đến bốn tháng mới hết. Ðức Mahosatha bèn ban thưởng cho Anukenata rất nhiều của cải châu báu”. Từ đó, nhân dân trong xứ Mithilā trở nên giàu sang thạnh vượng.

Nói về vị cố vấn Kevata càng nghĩ càng tức giận Mahosatha, đã bị đại bại còn mang vết thương trên mặt, hết sức là nhục nhã; nên Kevata hằng tìm mưu chước để báo thù. Một hôm, vị cố vấn Kevata thấy một kế rất hay, là nhờ đến nàng công chúa của đức vua Culanī có nhan sắc xinh đẹp tuyệt vời (nhạn sa, cá lặn) như ngọc nữ, và thầm nghĩ: Nếu ta đem công chúa làm mỹ nhân kế dụ dỗ gả cho vua Videharāja, khi đức vua Videharāja và Mahosatha đến đây, ta sẽ phân thây mà rửa hờn, chừng ấy mặc sức ta ca khúc khải hoàn. Tính như thế, bèn vào chầu, tâu kín với đức vua Culanī. Ðức Culanī từ khi trở về nước âu sầu, hổ thẹn, ngày ăn chẳng no, đêm không yên giấc, sợ cảnh nước mất nhà tan. Khi nghe Kevata muốn tâu việc kín, phán rằng: “Thôi đi, khanh đã nhiều phen lập kế bày mưu mà thất bại luôn làm cho hao binh tổn tướng, nay còn mưu mô gì nữa!” Vị cố vấn Kevata hết sức khẩn cầu: “Xin Hoàng thượng dằn cơn thịnh nộ cho hạ thần tâu một kế rất hay không còn phương pháp nào hơn”.

‒ Vậy khanh hãy tâu cho trẫm nghe thử.

‒ Tâu, xin Hoàng thượng đến nơi thanh vắng chỉ có bốn tai mới nên nói.

Ðức vua nhận lời lên tầng lầu cao nhất, Kevata tâu rằng: “Tôi tính cho những thi sĩ, nhạc sĩ, đặt các bài hát du dương quyến rũ, rồi dạy tập cho công chúa biết ca xướng, múa hát đúng nhịp đờn kèn cho thật hay, chừng ấy sẽ trải đi đến thành Mithilā mê hoặc vua tôi Aideharāja. Khi đã làm cho vua Videharāja say mê công chúa rồi, Bệ hạ sẽ sai hạ thần đến tâu xin gả công chúa cho vua Videharāja. Nếu đức vua Videharāja đẹp dạ thuận tình, tôi sẽ thỉnh ngài qua đây rước dâu, chừng ấy sẽ có Mahosatha theo chầu, ta tùy cơ ứng biến bắt chúng mà giết cho sạch để trả thù xưa”. Ðức vua Culanī nghe được lấy làm hoan hỉ rằng: Kế này thật hay. Rồi đức vua cho đòi các thi sĩ trứ danh trong nước đến dạy, đặt bài ca, thơ, phú, đủ cách và có treo nhiều giải thưởng. Đức vua dạy công chúa và cung phi, mỹ nữ phải học cho thuần thục nghề ca hát, đờn kèn trong đền. Đức vua không quên tuyển chọn các thanh nữ xinh đẹp có tiếng thanh tao cùng học ca hát đờn kèn giúp công chúa. Chẳng bao lâu trở thành một đoàn ca kịch nổi tiếng khắp xứ. Đức vua Culanī cho sang diễn kịch trong thành Mithilā làm cho nhân dân, chí đức vua Videharāja nghe tiếng ca hát, đờn kèn đều thoả thích, dần dần có tin đồn rằng đức vua Culanī sẽ gả công chúa cho đức vua Videharāja.

Khi đức vua Videharāja được nghe càng thêm say mê tiếng đờn ca, hát xướng và càng quyến luyến sắc nước hương trời của công chúa. Đức vua bèn ban thưởng rất nhiều tiền bạc cho bọn ca nhi. Sau khi đã thi hành công việc theo lời dạy của đức vua Culanī với kết quả khả quan, đoàn ca kịch về nước. Lúc bấy giờ, đức vua Videharāja hằng thương tiếc và nhớ đến lời ca điệu múa, hình ảnh xinh đẹp của công chúa.

Vị cố vấn Kevata thấy đã có hiệu quả phần nào rồi, nên vào tâu vua, xin cho mình đi qua xứ Mithilā để đính hôn cho công chúa với đức vua Videharāja. Khi đến thành Mithilā, vị cố vấn Kevata xin vào yết kiến đức vua Videharāja và tỏ lời của vua Culanī xin hứa gả công chúa để tỏ tình bang giao giữa hai nước. Đức vua Videharāja nghe được, mừng rỡ xiết bao, ban thưởng rất nhiều và khuyên vị cố vấn nên gặp Mahosatha cho hai bên cùng được giải hoà nhau. Vị cố vấn Kevata nghe lời đến dinh Mahosatha. Mahosatha (Bồ-tát) biết Kevata là người độc ác không tốt nên cố ý không muốn đàm luận bèn giả đau nằm trên giường không tiếp khách. Lúc ấy vị cố vấn Kevata đến, gặp Bồ-tát mà ngài không mời ngồi và cũng không trò chuyện nên Kevata phải xin từ giã lui ra.

Trở vào chầu, vua Videharāja hỏi Kevata: “Ðến thăm con trẫm, Mahosatha ra sao?”

‒ Tâu, ngài Mahosatha đâu có phải là bậc trí tuệ, không biết cách tiếp khách, thật là hạng vô trí tuệ.

Ðức vua nghe rồi vẫn làm thinh. Khi Kevata từ tạ lui ra, đức vua Videharāja bèn suy nghĩ rằng: “Cớ sao con trẫm lại không chịu tiếp rước Kevata, có lẽ con trẫm đến xứ người rồi tìm cách hại trẫm chăng? Ôi! Sang đến đó ta sẽ ở trong tay kẻ nghịch!” Nghĩ rồi rất lo sợ.

Kế có bốn vị giáo sư là: Senaka, Pakuttha, Kaminda và Devinda vào chầu. Đức vua Videharāja bèn hỏi ý kiến của bốn vị giáo sư cho biết nên sang xứ Uttarapañcā không? Senaka tâu: “Vì sao mà Bệ hạ lại hỏi chúng tôi như thế. Sự ngự đến nước Uttarapañcā của Bệ hạ là đúng, có nhiều lợi ích: được rước công chúa về làm hoàng hậu thì có chi quí bằng; các nước lân bang, ngoài Uttapañcā, đều tùng phục Bệ hạ như họ đã đầu hàng đức vua Culanī; sẽ được bang giao hòa hảo với đức vua Culanī thì có chi quí bằng”. Ðức vua hỏi ba vị kia, họ đồng tán thành ý kiến của Senaka. Khi ấy, vị cố vấn Kevata vào tâu xin từ biệt đức vua Videharāja và trở về nước cho vua mình hay ngày hôn lễ.

Ðược nghe Kevata trở về nước rồi, đức Mahosatha mới vào chầu. Đức vua Videharāja bèn cho Bồ-tát hay rằng: “Tất cả 6 người là bốn vị giáo sư, cố vấn Kevata và trẫm đồng ý sang xứ Uttarapañcā để rước công chúa về. Vậy, con là bậc trí tuệ, con nghĩ sao?” Ðức Mahosatha xét rằng đức vua đã say mê sắc dục không tưởng đến tại hại lớn lao, để ta tâu cho thấy rõ sự nguy hiểm, mong đức vua thức tỉnh. Nghĩ rồi bèn tâu rằng: “Hoàng thượng không sợ bị người sát hại, ví như thợ săn gài bẫy, đem thú cái làm mồi cho thú đực sa vào bẫy rồi họ phân thây như thế nào, vua Culanī ví như thợ săn, công chúa như thú cái, Kevata ví như cây lao mà thợ săn cầm trong tay. Đức vua Culanī đem công chúa làm mồi bắt Bệ hạ như thế ấy, hoặc ví như ngư ông móc mồi vào lưỡi câu, cá mê rồi phải bị giết thế nào, đức vua Culanī ví như ngư ông, công chúa ví như miếng mồi, Kevata ví như lưỡi câu, Bệ hạ ví như cá mong ăn mồi. Tâu, nếu Bệ hạ say mê công chúa và ngự đến nước Uttarapancā thì sẽ bị tai hại chẳng sai”. Mahosatha cố tìm đủ lý luận để tâu bày, ngõ hầu giải nạn cho đức vua. Nhưng than ôi! đức vua Vikeharajā nghe rồi phát cơn thịnh nộ rằng Mahosatha khinh rẻ trẫm thái thậm. Xem trẫm như tôi tớ của người, không trọng ta là bậc Ðế Vương chi cả. Ðã hiểu rõ đức vua Culanī mời ta để gả công chúa, nói không có một lời nào chia vui cùng ta, mà thêm khinh khi nhạo báng ta thái quá. Nghĩ rồi đức vua bèn phán rằng: “Này Mahosatha! Ai ai cũng đều tán thành cho trẫm sang cưới công chúa, vậy họ chẳng hiểu lợi ích chi cả sao? Không một ai có trí tuệ cả, đều là mù quáng hết sao? Chỉ có mình ngươi là biết việc hơn hết chăng? Này Mahosatha, ngươi là con nhà ruộng rẫy chỉ biết cày bừa mà thôi, đâu có hiểu điều hạnh phúc của nhà vua. Ngươi chỉ biết cầm cày cuốc đất, nào rõ công việc của đế vương. Senaka, Pakuttha, Kaminda và Devinda thông suốt điều lợi ích của trẫm. Ngươi là kẻ nhà quê, chỉ biết nghĩ đến công cấy cày mà thôi. Vậy ai đâu, người nào đó hãy vào đánh đuổi Mahosatha ra khỏi chỗ này cho khuất mắt trẫm, Mahosatha chỉ nói những lời bất hạnh. Trẫm được lợi báu và trở làm cho trẫm mất à”. Ðức vua chỉ phán bấy nhiêu lời chớ không gọi ngay người nào, bảo bắt Mahosatha vì đức vua vẫn còn thương yêu, kính trọng Bồ-tát. Mặc dù đức vua không dằn được cơn thịnh nộ, nên mới phán bấy nhiêu lời.

Ðức Mahosatha hiểu rằng vua không vừa lòng nên lui về dinh. Ðức Bồ-tát tự nhủ rằng: Hoàng thượng ta ham vui quá, chỉ biết sự đi rước công chúa mà không tưởng điều tai hại đến sanh mạng mình. Chỉ thấy lợi mà không rõ sự tai hại lớn lao. Ta chớ nên cố chấp, chỉ ghi nhớ lời sân hận của ngài, mà quên sự trọng đãi và ban thưởng ta biết bao nhiêu quyền tước trọng. Vậy ta hãy là nơi nương tựa của ngài mới nên cho, giờ đây ta nên đi qua xứ Uttarapancā trước, để trần thiết kinh thành và cung điện cho đức vua ngự và tạo bãi chiến trường, đào đường hầm và lỗ hổng để sẵn, ngừa khi lúc đức vua Culanī bao vây, ta sẽ thỉnh đức vua, các quan đại thần và bắt luôn công chúa theo xuống hầm rút binh thẳng về nước, thế mới được an vui, tránh mọi điều nguy hiểm. Sự vãng lai của đức vua là phận sự của ta. Xét thấy thế, Mahosatha (Bồ-tát) mặc triều phục dẫn kẻ tùy tùng đến chầu vua và tâu rằng: “Thánh thượng quyết định sang kinh đô Uttarapañcā thật chăng?”

‒ Ôi! trẫm định đi để rước công chúa về, bằng không thì sự nhiệp Ðế vương có ích gì! Vậy con hãy cùng trẫm đi thì được hai lợi ích: được công chúa; có sự bang giao với đức vua Culanī.

‒ Tâu, như vậy hạ thần xin đi trước để trang hoàng cung điện sẵn sàng, đón rước Hoàng thượng. Khi làm xong hạ thần sẽ sai quân về thỉnh Bệ hạ ngự sang.

Ðức vua mừng rằng Mahosatha đâu có bỏ trẫm, rồi hỏi: “Con cần dùng chi đem theo chăng?”

‒ Tâu, hạ thần cần dùng quân lính vừa đủ để làm các công việc được kết quả.

Xong Mahosatha tuyển chọn một đội quân tinh nhuệ, thiện chiến và những người có khả năng để giúp việc cho ngài. Dẫn binh đi được một dặm đường, ngài bèn cho hạ trại từng khoảng theo đường rồi dặn các tướng chỉ huy rằng phải cẩn mật đề phòng bọn nghịch tấn công. Khi thấy đức vua đem công chúa về đến thì lo thay đổi ngựa, voi, xe cho đức vua và lập tức theo hộ tống thẳng về đến kinh đô Mithilā chớ nên để cho đức vua lo sợ, nhất là ngăn ngừa địch quân. Dặn dò xong xuôi, Mahosatha bèn dẫn binh đến kinh thành Uttarapañcā, còn cách một đặm đến thành đô; Bồ-tát cho quân hạ trại và tạo cung đình cho đức vua ngự, sắp đặt các công việc phòng thủ đào đường hầm có lỗ hổng để ngừa khi hữu sự.

Ðức vua Culanībrahmadatta nghe Mahosatha qua đến, rất mừng vì cho rằng đã mắc mưu chước của mình, thong thả rồi đây vua Videharāja cũng sẽ qua nữa. Phen này chúa tôi chạy đâu thoát khỏi tay ta. Dân chúng nghe đồn Mahosatha qua đến, mong tìm xem cho biết tướng của người trí tuệ vang danh khắp nơi. Thấy Mahosatha uy nghi lẫm liệt, tướng mạo đoan trang thật đáng yêu kính, trí tuệ nhất trong đời khiến cho 101 vị vua phải kính sợ chạy dài, ví như bầy quạ bị đánh đuổi bằng gậy. Trí tuệ của bậc này xứng đáng với hình dung xinh đẹp. Ðức Mahosatha đến ngọ môn xin vào yết kiến đức vua Culanī rồi đứng một bên. Đức vua tỏ lời thiện cảm với Mahosatha rồi hỏi: “Này Mahosatha! Đức vua Videharāja bao giờ mới đến?” Mahosatha tâu: “Khi nào được tin tôi, thì chúa thượng tôi sẽ đến”.

‒ Khanh đến trước với mục đích gì?

‒ Tâu, tôi đến để trần thiết cung điện tiếp rước đức vua Videharāja.

‒ Tốt lắm!

Rồi đức vua Culanī ban thưởng cho Bồ-tát và phát lương phạn cho quân sĩ, ban dinh thự đến Bồ-tát: “Khanh hãy ngụ được an vui đi, ở đây cũng như với đức vua Videharāja vậy. Khanh xem việc nào có lợi ích nên giúp cho trẫm thì cứ làm, chớ lo ngại chi cả”. Mahosatha quỳ tâu rằng: “Tâu Hoàng thượng, Hoàng thượng cho phép tôi tạo cung điện cho đức vua Videharāja ở đâu, trong nơi nào?”

‒ Này bậc trí tuệ, ngoài cung đình của trẫm, khanh coi nơi nào vừa ý thì cứ làm.

‒ Tâu, tôi là người khách, nếu chỗ ở mà tôi vừa lòng tạo cung điện nơi ấy, thì sao khỏi cãi cọ, rầy rà với dân chúng.

‒ Này bậc trí tuệ, trẫm đã cho phép, khanh cứ làm theo ý muốn, nếu ai cưỡng lại thì khanh bắt làm tội đi.

‒ Tâu, nếu họ không vừa lòng, họ sẽ vào ra tâu mãi với Hoàng thượng, thì bận lòng Hoàng thượng lắm. Vậy để tỏ lòng thân thiện và tri ân, tôi xin cho người của tôi được phép gác cửa đền của Bệ Hạ, và không cho ai ra vào làm rối lòng Bệ hạ.

‒ Trẫm cho phép, không sao đâu, khanh cứ thi hành, miễn sao tốt đẹp thì thôi.

Ðức Mahosatha lạy tạ lui ra, liền đổi lính mình gác cửa đền vua, không cho ai vào ra tự do như trước. Ðức Mahosatha giả tìm chỗ tạo cung điện cho vua Videharāja tại cung của hoàng thái hậu là mẹ của đức vua Culanī, bảo quân phá cửa cạy gạch v.v… Hoàng thái hậu thấy bất bình hỏi, tại sao vậy? Những người của Mahosatha không cần trả lời cứ làm phận sự mình. Bà hoàng thái hậu la rầy ngăn cản không được, bèn tính vào tâu cho hoàng nhi rõ. Ðến cửa đền, ngọ môn quan không cho vào. Bà nói: “Ta là mẹ của vua Culanī tại sao không cho ta vào?” Ngọ môn quan không cần nghe, bà bất bình. Không biết làm sao phân trần, bà trở về đến kêu nài với người Mahosatha, ngài vẫn nín thinh. Bà khẩn khoản với người hầu Mahosatha hối lộ một trăm ngàn lượng bạc. Kevata bèn dẫn quân đến chầu vua, mà cũng không vào được; buộc lòng phải khẩn cầu hối lộ một trăm ngàn lượng bạc như bà hoàng thái hậu. Cứ như thế hết dinh này đến thự nọ, thâu được tất cả chín chục triệu lượng bạc.

Ðức Mahosatha vào chầu. Đức vua Culanī phán hỏi: “Khanh đã tìm được chỗ nào chưa?”

‒ Tâu, lựa nơi nào cũng chẳng có ai chống cự cả, nhưng xét thấy hạ thần làm như thế, rất tội nghiệp cho chúng dân. Nếu Hoàng thượng từ bi thì tôi xin tạo cung điện xa đền của Hoàng thượng lối bốn ngàn thước, và cách mé sông lối nửa do tuần nơi đó rất thích hợp.

Ðức vua Culanī xét rằng: Nếu cho vua Videharāja ngụ trong đền thì bất tiện cho chiến tranh, và hại cho ta. Vậy ngoài thành thì rất hợp và được nhiều lợi ích. Nghĩ rồi bèn phán rằng: “Khanh tính như vậy thật hay, khanh cứ khởi công đi”.

‒ Tâu, sợ e có người vào rừng đốn củi rồi gây ra bận lòng.

‒ Trẫm cấm không cho một ai đến đó cả.

‒ Tâu, gần mé sông, quân binh của hạ thần thường xuống tắm rửa, có làm cho dân chúng bất bình chăng?

‒ Khanh cứ cho phép quân binh tự do xuống tắm rửa không ai dám làm chi đâu.

Mahosatha quỳ lạy lui ra, về truyền quân lính khởi công lập tức. Ðức vua Culanī ra lệnh bố cáo cho dân chúng biết, nhà vua cấm nhặt không ai được đến gần để bậc trí tuệ Mahosatha hành sự, kẻ nào vi lệnh sẽ bị phạt một ngàn lượng bạc. Ðức Mahosatha đóng dinh lập trại, lập thành một quận to hiệu là Taggaligāma cho voi binh, ngựa binh, xa binh và bộ binh, rồi phân phát công việc cho sáu ngàn quân thợ, đào đường hầm và lỗ hổng gần mé sông, vì thế mà nước sông phải đục. Ðức Bồ-tát dạy đào đường hầm to rộng có cả lỗ hổng, xây vách tường có trần phía trên, có đèn máy, đủ cả tiện nghi, có 101 ngai rồng cho 101 vị vua, có giường rồng, màn che sáo phủ, sơn phét, họa tranh cõi trời dục giới, trời Ðế Thích Chư thiên hầu hạ, có đủ cả đồ trần thiết xem rất ngoạn mục như cõi trời Ðạo Lợi. Khi đã tạo đường hầm, cung điện hoàng thành Bồ-tát bèn dâng sớ về tâu, thỉnh đức vua Videharāja qua, quan quân rần rộ sang đến, đức Bồ-tát ra đón rước đức vua Videharāja vào cung điện an nghỉ.

Sáng ra, đức vua Videharāja gởi tin tâu cho đức vua Culanī hay rằng: Vua Videharāja đã qua đến và xin định ngày lễ thành hôn với công chúa. Ðức vua Culanī mừng thầm, nay mưu chước ta được hiệu quả. Ta sẽ tùy cơ bắt chúa tôi hạ sát cho tuyệt dòng, chừng ấy ta sẽ bày lễ ẩm tửu khải hoàn. Hiện nay, chúng như cá đang nằm trên thớt ta chẳng lo chi, nghĩ rồi bèn sai quân đến cho đức vua Videharāja lựa ngày tốt, thuận tiện để rước công chúa. Ðức vua Videharāja cho nhà chiêm tinh xem sao, rồi tâu rằng: “Ngày mai rất tốt”. Đức vua Videharāja bèn sai quân vào tâu cho vua Culanī rõ. Đức vua Culanī rất mừng, mai là ngày vua tôi chúng đền tội, ta sẽ bắt cho được vua tôi Videharāja hạ sát mà rửa hờn. Ðức vua Culanī ra lệnh 101 tiểu vương đem binh bao vây chỗ vua Videharāja ngự. Ngài dạy hoàng thái hậu, hoàng hậu, thái tử và công chúa vào ngự chung cùng nhau và cho quân binh hộ vệ nghiêm nhặt. Còn phần trẫm, trẫm sẽ xuất chinh bắt cho được vua tôi Videharāja. Về phần Mahosatha, ngài cho đãi vua, các quan đại thần và quân lính ăn uống no đủ. Khi được nghe vua Culanī xuất chinh, thì đức Bồ-tát ra lệnh ba trăm binh vào thỉnh bà thái hậu, hoàng hậu và thái tử, công chúa đem chờ tại cửa gần mé sông.

Trong khi ấy, bà hoàng thái hậu dẫn ba vị hoàng tộc là: hoàng thái hậu, thái tử và công chúa vào ngự trong một phòng có quân lính canh phòng nghiêm nhặt. Không lâu, có một toán lính đến gần cửa phòng tâu: “Kính thỉnh quý ngài đi dự lễ khải hoàn. Nay đức vua bắt được vua Videharāja cùng Mahosatha và hạ sát rồi. Đức vua và 101 tiểu vương đang dự lễ ẩm tửu khải hoàn. Vì thế đức vua dạy tôi đến thỉnh đức Hoàng thái hậu, Hoàng hậu, Thái tử và Công chúa đến gặp Hoàng thượng”. Bốn vị hoàng gia tin là thật, rồi ngự đi theo. Quân lính dẫn bốn vị đến đường hầm. Bốn vị bèn hỏi: “Ðường này có từ bao giờ, sao chúng tôi không biết?”

‒ Tâu, đây là đường phúc đạo, khi nào có đại lễ mới được đi.

Bốn vị cũng tin theo. Tất cả quan lính tấn công vào thành nội, chia ra làm hai đội[29]. Một đội ở lại lục soát lấy hết vật báu trong cung nội, một đội dẫn đường đem bốn vị Hoàng gia về đường hầm. Bốn vị ngự đến đường hầm to, thấy có trần thiết cao sang đầy đủ báu vật, giống như cõi trời, nên khen rằng: “Ðây thật là nơi thắng cảnh, dành cho nhà vua du lãm”. Khi đến đường hầm gần mé sông, quân lính thỉnh bốn vị vào ngự một phòng riêng biệt. Có người đến báo cho đức Bồ-tát biết, Bồ-tát rất hoan hỷ rằng: “Thật là mãn nguyện của ta rồi”. Ngài bèn đến chầu đức vua Videharāja rồi đứng qua một bên.

Về phần đức vua Videharāja, ngài hằng nóng lòng vì phiền não dục. Sáng ra đức vua cùng bốn vị giáo sư lên lầu thấy biết bao quân lính, trùng trùng điệp điệp, bao vây cung đình, nên sanh nghi. Ngài bèn hỏi bốn vị giáo sư rằng: “Các khanh thấy quân lính bao vây, có hiểu thế nào chăng?”

‒ Tâu, Hoàng thượng cần chi lo ngại, đó là đức vua Culanī đem quân đội hộ giá và đưa công chúa đến cho Hoàng thượng, theo lễ nghinh giá là khách quí, có chi đâu mà Bệ hạ sợ.

Quân lính dần dần vây chặt vòng thành, lại thêm nghe tiếng các đại tướng ra lệnh và lập đi lập lại rằng: “Chớ dể duôi, đừng cho chúng trốn thoát”. Ðức vua Videharāja càng lo sợ, nên hỏi Mahosatha: “Này con Mahosatha! Con có hiểu thế nào chăng?” Mahosatha xét rằng: Đức vua vì mê sắc và tin bốn vị giáo sư, không nghe lời ta can gián, nên hôm nay phải gặp tai hại lớn lao như vậy. Vậy để ta làm cho ngài hoảng hốt, rồi sau sẽ an ủi ngài. Bồ-tát bèn tâu rằng: “Hôm nay, đức vua Culanī đem đội binh bao vây cung điện, chẳng phải để hộ giá Hoàng thượng đâu, đây là cố mong sát hại Bệ hạ đó”. Nghe Bồ-tát tâu như thế, các quan hầu cận vua đều khủng khiếp và sợ chết. Đức vua Videharāja sợ xuất hạn, tâm ngài rung động như lá cây bị gió thổi. Ðức Bồ-tát tâu tiếp rằng: “Hoàng thượng say mê vì phiền não dục, không còn suy xét chu đáo. Hạ thần đã thấy nhiều điều nguy hiểm, nên hết lòng khuyên can Bệ hạ. Nhưng Hoàng thượng bất luận[30] cứ nghe và khen lời tâu của bốn vị giáo sư. Như thế có kết quả tốt hay thế nào? Hạ thần hết dạ trung thành tìm lợi ích cho Bệ hạ mà Bệ hạ không nghe, Bệ hạ đồng ý với bốn vị giáo sư rằng: Là hạng người tốt có nhiều kinh nghiệm. Nay có khổ đến, Bệ hạ nên hỏi ý kiến và cầu các ngài đó giải vây[31] cho. Hôm nay Bệ hạ đã sa trong quyền lực của đức vua Culanī ví như loài thú mắc bẫy của thợ săn, ấy cũng vì bệ hạ hoan hỷ, ưa thích ngũ dục. Khi trước, hạ thần đã nhiều phen tâu khuyên: Nếu Bệ hạ mê sắc nàng công chúa của vua Culanī và ngự đến kinh đô Uttarapancā ắt sẽ mang nhiều tai hại, ví như loài thú muốn chết vì mê thú cái của thợ săn, hoặc như loài cá mê mồi mắc phải lưỡi câu của ngư ông. Bệ hạ ngự đi đây gặp nhiều điều nguy hiểm như thú si mê vào gần đường, cận xóm làng. Hạ thần dùng hết lý luận để tâu bày mà Bệ hạ không tin, lại còn chê trách hạ thần là vô tri thức, mù quáng không bằng Kevata. Bệ hạ, vì gần bạn lành là Kevata mới gặp những thống khổ như vậy. Khi hạ thần tâu mong cho Bệ hạ được hạnh phúc, mà Bệ hạ bất bình, nhiếc hạ thần là kẻ mù, không rõ điều an vui của nhà vua, làm cho vua thất lợi, mất nàng ngọc. Bệ hạ cho hạ thần là kẻ chỉ biết cấy cày, sanh trong gia đình nông phu và đuổi hạ thần ra khỏi thành. Bệ hạ tán dương những người vừa lòng của Bệ hạ, họ có đủ thao lược để hộ giá Bệ hạ được, vậy Bệ hạ nên hỏi mưu chước nơi họ đi. Phần hạ thần chỉ biết cầm cày, cuốc đất mà thôi! Bệ hạ đã đuổi hạ thần rồi, nay sao Bệ hạ lại trở lại hỏi ý kiến hạ thần nữa?” Ðức vua nghe rồi nghĩ rằng: Nay Mahosatha khai tội ta. Thật ra trước kia Mahosatha xét thấy lo sợ trong vị lai, nên mới đàn áp ta thái quá. Có lẽ Mahosatha đã biết có nhiều tai hại như vầy mới qua trước lâu ngày để tìm phương giải cứu ta chăng? Nghĩ rồi ngài bèn tỏ lời phủ ủy Bồ-tát rằng: “Này con Mahosatha, lệ thường bậc trí tuệ không nên vạch tội quá khứ, để dùng lời châm chích đâu. Ồ! Vì sao con lại bắt lỗi quá khứ đem xói mói cha? Này con Mahosatha! Nếu có mưu chước hay, nên cứu cha trong lúc này. Ngoài con ra không ai là nơi nương cậy của cha đâu! Chỉ có con là người cứu mệnh cha được mà thôi”. Ðức Bồ-tát nghĩ đức vua thật là mù quáng, không biết dùng người, vậy ta nên làm cho ngài sợ thêm chút nữa, để ngài hối cải từ đây, rồi tâu rằng: “Nay đã vượt trí tuệ của phàm nhân rồi, trừ loài điểu thú hoặc đại bàng, điểu hay Long vương, có thể bay trên hư không, mới mong thoát khỏi nạn này. Hạ thần đâu có thần thông và cũng không đủ khả năng cứu nguy Bệ hạ được”. Nghe như thế, đức vua đành ngậm miệng không còn lời nào nói nữa.

Vị giáo sư Senaka nghĩ rằng: Những nạn khổ đã đến cho đức vua mà chính ta đây không phải là người nương tựa của đức vua được, trừ Mahosatha ra. Nay đức vua nghe Mahosatha tâu nên hoảng sợ, không thể cầu khẩn nữa, vậy ta nên khẩn khoản Mahosatha thử xem, rồi nói rằng: “Này bậc trí tuệ! Ghe đắm giữa biển, những thủy thủ không thấy đâu là bờ bến, chỉ lội theo sống lượn mà được vào bờ, hết khổ thế nào, đức Thánh thượng và chúng tôi đây ví như kẻ lội trong biển, ngài Mahosatha là bậc trí tuệ đáng cho chúng tôi nương nhờ. Khi đức vua Culanī đem binh vây thành Mithilā đó, chúng tôi được giải cứu cũng nhờ ngài. Nay xin ngài từ bi thương xót mà cứu mạng chúng tôi”.

‒ Này ông Senaka! Bây giờ đây, lướt qua trí tuệ của người, trừ loài điểu thú mới có thể bay khỏi được, nếu bay không được, thế là lướt qua trí tuệ rồi.

Ðức vua Videharāja thấy trù tính với Bồ-tát không được nữa, túng thế phải bàn với Senaka rằng: “Này Senaka! Nên tìm phương pháp nào để tránh nạn tai trong lúc này được, Mahosatha đã bỏ chúng ta rồi, vậy khanh có phương thế nào hay cứ tâu cho trẫm rõ”. Senaka nghe đức vua hỏi, nghĩ rằng ta phải tâu thế nào đây chớ không lẽ nín thinh, thôi để cho ta tâu vài lời: “Theo thiển kiến hạ thần, thì nên nổi lửa đốt cung điện này cho cháy đỏ, chúng ta mỗi vị cầm một binh khí, ngồi mà chịu lửa thiêu, còn hơn để vua Culanī cắt lấy thủ cấp”. Ðức vua nghe rồi đáp: “Như thế khanh đi thiêu vợ con khanh đi”. Đức vua hỏi qua Pakuttha: “Có kế nào hay chăng?”

‒ Tâu, chúng ta nên dùng thuốc độc mà uống vào cho chết hết, còn hơn để cho vua Culanī sát phạt.

Ðức vua hỏi đến Kaminda.

‒ Tâu, chúng ta nên tìm lấy mỗi người một sợi dây thắt cổ chết cho rồi.

Ðức vua hỏi đến Devinda. Devinda xét: đức vua mong tìm lửa, mà lại kiếm đom đóm, chẳng hay ngài nghĩ thế nào há! Nên ngài lại hỏi đến ta, sao không hỏi Mahosatha, ta biết gì mà nói. Nhớ đến lời Senaka vừa trình bày, bèn quỳ tâu rằng: “Chúng ta đồng hiểu rằng, chỉ có bậc trí tuệ Mahosatha đây là nơi nương dựa duy nhất, vậy ta nên đồng nhau khẩn cầu Mahosatha, khi Mahosatha giải cứu không được, thì chúng ta hãy thi hành theo lối của Senaka, tốt hơn các phương pháp khác”. Ðức vua nghe rồi tâm thần rối loạn, không có thể thương thuyết với Mahosatha được, ngài bèn than thở, kể lể rằng: “Con người đi tìm lõi danh mộc mà lại được lõi cây tạp, dùng vào việc gì cũng không tiện, thế nào, cũng như trong lúc này ta tìm phương giải khổ không được nơi hạng người tối tăm, ví như voi bạch ở trong nơi không nước. Thân ta đây ví như lá bồ đề bị gió, cổ ta khô khan, bụng ta nóng như lò lửa, ta không tìm được nơi để dập tắt sự nóng, ví như người bị lửa thiêu, thật là thảm đạm”. Ðức Bồ-tát thấy đức vua than kể những nổi khổ tâm như thế, bèn nghĩ rằng: đức vua đã khổ sở thái thậm rồi, nếu ta vẫn nín thinh thì ngài phải khổ mà chết không sai. Xét như vậy, đức Bồ-tát liền an ủi đức vua rằng: “Xin Hoàng thượng đừng quá ưu tư, tôi sẽ cứu nạn cho Bệ hạ được, ví như vị trời đem voi bạch khỏi bùn lầy, hoặc như người cứu rắn ra khỏi giỏ, hay đem chim ra khỏi lồng, cho đến tất cả quan quân cũng đều được thoát khỏi. Tâu, xin Hoàng thượng an tâm, hạ thần sẽ đánh đuổi quân binh của vua Culanī, ví như kẻ đuổi bầy quạ bằng cục đất. Quan quân đại thần có trí tuệ, khi chúa mình bị khổ, nếu không giải nguy được thì đâu gọi là người có trí tuệ. Tôi sang đến đây trước, đâu có phải đi không về rồi, tôi đã làm được những việc có kết quả tốt rồi”. Khi nghe đức Bồ-tát tâu rõ rệt như thế, đức vua và quan quân đều hân hoan vui sướng. Senaka bèn hỏi: “Vậy bậc trí tuệ tính đem chúng tôi đi bằng cách nào?”

‒ Tôi sẽ dẫn tất cả theo đường hầm này mà ra khỏi, không sai.

Rồi ngài dạy quân binh mở cửa đường hầm thì các phòng đường hầm sáng trưng rực rỡ, tốt đẹp như cõi trời. Bồ-tát bèn thỉnh đức vua Videharāja xuống lầu, Senaka lột mão ra, vén quần lên, cởi áo buộc ngang hông. Bồ-tát hỏi: “Tại sao ông làm như vậy?”

‒ Nếu không làm vậy, thì vào đường hầm sao tiện?

‒ Phải bò đi sao? Ðứng lên như thường. Ðường hầm của tôi cao đến 5 thước và rộng lắm, ngựa chạy cũng được, không có chi trở ngại cả.

Bồ-tát cho Senaka đi trước, đức vua ngự đi giữa, còn chính ngài thì theo sau. Tất cả quan binh hộ tống hai bên; vừa đi vừa ăn uống vui chơi như thường, như đi trong chợ vậy. Đức vua ngự đi xem thấy trong đường hầm trần thiết thật đẹp, xem rất ngoạn mục như cõi trời, nên vừa đi vừa ngắm. Khi đức vua vừa đi đến cửa ra đường hầm thì gặp bốn Hoàng gia (hoàng thái hậu, hoàng hậu, hoàng tử và công chúa) của đức vua Culanī, các vị này xem thấy rất kinh khủng, sợ chết. Hoàng hậu bèn la hoảng, khi nghe tiếng la, đức vua Culanī ở không xa nên nghe được và tin rằng đó là tiếng của hoàng hậu mà không dám nói, e quân lính biết, rồi cười nhạo rằng: Ta đã chinh chiến mà còn nhớ đến vợ con nên hổ thẹn mà nín thinh.

Về phần đức Bồ-tát thỉnh đức vua Videharāja và công chúa lên ngồi trên giường ngọc, rồi tôn công chúa lên làm hoàng hậu của đức vua Videharāja. Ngài thỉnh cả bốn vị Hoàng gia lên ngồi thuyền đã xếp đặt sẵn trong nơi ấy, khi đó đức Bồ-tát chỉ giáo cho đức vua biết rằng: “Tâu Bệ hạ, Dalacandī là em hoàng hậu. Bệ hạ nên từ bi thương xót như em ruột của Bệ hạ. Bà Nandā đây là mẹ vợ, Bệ hạ phải phụng sự như mẹ của Bệ hạ. Bệ hạ ngự đi đến lần này chỉ mong được nàng Pancālacandī, nàng là hoàng hậu của Bệ hạ rồi, tùy theo chí hướng của Bệ hạ. Nhưng với bà Nandā, Bệ hạ phải bảo vệ phụng sự cho chơn chánh”. Ðức Bồ-tát tâu, khuyên bảo như thế, vì không tin bụng đức vua Videharāja. Về phần hoàng thái hậu đã già, không cần phải dặn bảo, hay phải lo như bà Nandā. Ðức vua xuống ngự trên thuyền rồi gọi đức Bồ-tát rằng: “Con Mahosatha, con ở lại làm gì, hãy về luôn với trẫm”.

‒ Tâu, hạ thần đi về chưa tiện, vì còn nhiều binh lính của mình trong thành. Chúng còn đang ăn uống, chưa biết Bệ hạ đã ngự đi rồi. Hạ thần không thể bỏ chúng được, dù là một người. Thỉnh Bệ hạ ngự về, vì hạ thần đã xếp đặt quân binh ngự sẵn, để rước Bệ hạ và thay đổi ngựa, xe cho Bệ hạ được an vui ngự về đến xứ Mithilā.

‒ Này con! Còn quân lính ít, làm thế nào cự địch nỗi với muôn vàn binh lực của vua Culanī?

‒ Tâu, mặc dù ít lính, xong có trí tuệ rồi thì không khó, ví như một mặt trời vẹt tan sự tối tăm, có thể chiếu minh[32] cả thế giới được.

Xong đức Bồ-tát tạ từ vua Videharāja mà trở lại. Đức vua Videharāja nhớ đến ân đức Bồ-tát rằng: Ta được thoát nạn đây cũng nhờ Mahosatha, được nàng công chúa Pancālacandī cũng nương Mahosatha. Nhớ đến ân đức của đức Bồ-tát như thế, ngài rất thỏa thích rồi phán Senaka giáo sư rằng: “Này Senaka! Được thân cận với bậc trí tuệ có rất nhiều lợi ích, như trẫm và các khanh mà được khỏi nạn nhờ Mahosatha, khác gì người thả chim khỏi lồng, phóng sanh cá thoát lưới. Senaka thấy thế nào?”

‒ Tâu, tốt lắm. Senaka tuyên bố, tán dương công đức Bồ-tát, như đức vua Videharāja.

Khi lên khỏi thuyền, đến các trại, cho quân lính thay ngựa, xe mà Bồ-tát đã dự sẵn, không bao lâu đức vua về đến kinh đô Mithilā.

Nói về đức Bồ-tát khi tiễn biệt đức vua rồi, bèn trở lại đường hầm đến cung điện tắm rửa, thọ thực xong vào phòng nghĩ rằng: Sự ước mong của ta đã được kết quả như nguyện, rồi phát tâm phỉ lạc, ngủ một giấc rất ngon.

Nói về vua Culanībrahmadatta dẫn hùng binh và 101 tiểu vương bao vây cung điện của vua Videharāja, trùng trùng điệp điệp không một người qua lọt, quân lính canh phòng nghiêm nhặt trọn đêm. Đức vua trông sáng ra công kích vào cung điện của đức vua Videharāja. Còn đức Bồ-tát, sau khi đã nghỉ an một đêm có sức khỏe lại rồi, thức dậy tắm rửa, điểm tâm xong, mặc triều phục lên tầng lầu cao, xem thấy đức vua Culanī dẫn vô số quân binh quyết bắt cho được đức vua Videharāja, nên đức Bồ-tát liền tâu rằng: “Đại vương định chắc sẽ hạ sát được chúng tôi theo sở nguyện chăng? Cung tên và các vũ khí khác, Đại vương nên liệng bỏ cả đi, đừng mang mà nhọc mình rồng, nên trở về đền nghỉ cho khỏe, mưu chước của Đại vương và Kevata, tôi đã thấu rõ hết rồi. Hôm nay Đại vương ví như người ngồi trên ngựa què, thì chạy sao kịp đức vua Videharāja. Ngài đã hồi trào gần tới thành Mithilā rồi. Tâu, đức vua Videharāja đã lên thuyền về nước từ hôm qua. Ngài không phải hồi loan một mình mà đi với các quân binh. Tâu, những chó sói thấy hoa vàng rớt trong đêm vì ánh sáng của trăng tưởng là miếng thịt rồi bao vây mà nghĩ rằng: Sáng sớm chúng ta sẽ ăn miếng thịt cho được. Sáng ra thấy rõ là hoa vàng rớt rồi lén đi, thế nào, Đại vương đem binh vây chúng tôi hôm nay khi đã rõ được vua Videharāja đã hồi trào thì không còn mong mỏi chi, rồi kéo binh đi cũng như vậy”. Ðức vua Culanī nghe Bồ-tát tâu những lời rất khẳng khái, không sợ sệt như thế, ngài nghĩ rằng: Ta định bắt cho được cả hai là Videharāja và Mahosatha. Nay ta đã bắt được một Mahosatha thì cũng nên. Đức vua bèn khiến quân tấn công vào thành bắt cho được Mahosatha rồi cắt tay, chặt chân, xả thịt ra từng mảnh cho trẫm. Ðức Bồ-tát nghĩ rằng: đức vua Culanī này chưa rõ hoàng tộc đã bị ta bắt nên quá tự hào khiến quân bắt ta để sát hại cho hả giận. Nên tâu rằng: “Đại vương khiến quân hạ sát tôi, đến khi đức vua Videharāja biết được sẽ đem hoàng tộc của Đại vương ra hành hạ, đánh đập, rồi Đại vương nghĩ sao? Tâu, tôi và đức vua Videharāja đã dự định kín cùng nhau rằng: Nếu bên này đức vua Culanī giận tra tấn làm hại tôi thế nào, thì đức vua Videharāja sẽ hành phạt Công chúa, Hoàng hậu, Hoàng thái hậu và Thái tử như thế ấy. Tâu, da tôi đã khác chi 100 lớp sắt, có thể ngăn ngừa tất cả tên đạn được như thế nào, cũng bảo tồn thân thể được như thế ấy. Da sắt, tức là trí tuệ của tôi, có thể phòng vệ những mũi tên tức là sự trù tính của Đại vương, tự vệ và tránh khổ được, lại còn đem hạnh phúc đến cho vua Videharāja”. Khi đức vua Culanī nghe đức Bồ-tát thuyết lý như thế, bèn nghĩ rằng: Vì sao Mahosatha nói, nếu ta hành tội hắn, thì vua Videharāja sẽ làm khổ vợ con ta? Có lẽ, Mahosatha không biết vợ, con ta có quân binh bảo hộ nghiêm ngặt rồi ư, hay là Mahosatha sợ chết rồi nói sảng, ta không tin đuợc. Ðức Bồ-tát biết đức vua Culanī không tin, nên tâu: “Nếu ngài nghi ngờ thì xin ngài cho quân đi xem trong cung nội của ngài trống không. Hoàng thái hậu, Hoàng hậu, Thái tử và Công chúa của Ngài, tôi đã dạy quân thỉnh đi theo đường hầm cùng với đức vua Videharāja về đến kinh đô Mithilā rồi. Ðức vua Culanī nghe qua giựt mình, ngài nghĩ rằng: Mahosatha nói cương quyết, có lẽ là sự thật vì đêm nay ta có nghe tiếng giống như tiếng của hoàng hậu. Xét thế, ngài rất cảm động, xong ngài cố gắng gượng, sai một đại thần dẫn binh về khám thành nội. Vị nầy đi vào đền nội, thấy quân lính bị bắt cột tay, chân, bịt miệng trói vào cây, đồ dùng trong bếp nát bét, rải rác cùng nhà, ngọc ngà cùng vàng bạc cũng chẳng còn. Các loài điểu thú đến ăn lôi thực phẩm đổ tùm lum, v.v… như nhà hoang hoặc nơi mộ địa. Quân lính cả kinh, liền trở về tâu với vua Culanī rằng: “Mahosatha nói đúng sự thật, cung nội như chốn tha ma, chỉ thấy loài quạ đến kêu la mổ ăn thực phẩm”. Đức vua nghe tâu lấy làm đau lòng xót dạ và xét rằng: Ðây là do Mahosatha mà ra cả, nên ngài phát thịnh nộ. Ðức Bồ-tát biết bèn nghĩ rằng: đức vua này có nhiều quân binh, vì oán giận, ngài quên cả vợ con, có thể hại ta được. Vậy ta nên tùy cơ tả sắc đẹp của hoàng hậu cho ngài xúc động tình thương thì ta mới thoát khỏi tai hại. Ðức Bồ-tát bèn đưa tay chỉ mà rằng: “Ðây là con đường mà hoàng hậu đã ngự đi rồi tả sắc đẹp duyên dáng của bà: Tâu Hoàng thượng, lệnh bà có đủ tướng tốt, dáng điệu yêu kiều thướt tha, màu da mịn màng, thật là cành vàng gót ngọc, tiếng nói của bà thanh tao êm dịu, giống như tiếng hạc con, mày tầm, mắt phụng, thế gian hi hữu như ngọc nữ trên thiên cung, thật là sắc nước hương trời làm cho người người đều cảm mến. Tâu, bà hoàng hậu đi theo ngõ này”. Nghe Bồ-tát diễn tả dung mạo và dáng điệu của hoàng hậu như thế, đức vua Culanī phát động lòng thương yêu hoàng hậu vô cùng. Ðức Bồ-tát tâu: “Như vậy Đại vương đành lòng để cho hoàng hậu chết chăng? Ngài đại nộ dạy người giết tôi. Nếu Đại vương giết tôi thì đức vua Videharāja chẳng dung tha hoàng hậu của ngài đâu. Bà xuống diêm vương, tôi cũng xuống diêm vương. Diêm chúa thấy tôi và bà bị giết như thế, sẽ đem bà gả cho tôi, tôi chết mà được vợ báu như vậy thì đâu có ân hận”.

[Vấn: – Vì sao đức Bồ-tát chỉ mô tả dung nhan, hình dáng của hoàng hậu mà chẳng nói đến ba vị hoàng tộc kia? Ðáp: – Lệ thường, chúng sinh hay thương yêu và quyến luyến người vợ nhiều hơn kẻ khác, chỉ có vợ con là quan trọng hơn cả, cho nên đức Bồ-tát chỉ diễn tả dung nhan của hoàng hậu Nandā]

Ðức Bồ-tát tâu về hình dung của bà Nandā hoàng hậu như vậy, làm cho đức vua Culanī rất nhớ thương như thấy bà đứng trước mặt, rồi ngài xét rằng: Ngoài Mahosatha ra, chẳng có ai đem hoàng hậu yêu quí của ta về được, chỉ có một Mahosatha thôi. Nghĩ vậy, ngài rất thê thảm xót xa, nhớ thương hoàng hậu vô cùng, làm ngài không ngồi vững trên lưng voi. Ðức Bồ-tát thấy thế, tỏ lời an ủi đức vua Culanī rằng: “Tâu Đại vương chớ lo ngại, ba vị Hoàng gia là bà hoàng thái hậu, hoàng hậu, và hoàng tử, khi tôi về đến thành Mithilā giờ nào, tôi sẽ cho người đưa về ngay. Xin Đại vương an lòng đừng phiền muộn”. Ðức vua Culanī nghe rồi không còn nghi ngờ lo sợ và nghĩ rằng: Kinh đô của ta đã cho người gìn giữ phòng thủ cẩn mật, có quân binh đông đúc, cớ sao Mahosatha lại bắt được cả bảy vị hoàng tộc, đi từ thành này đến thành nọ được và đức vua Videharāja cùng quân binh trở về nước, mà chẳng có một ai hay biết. Như thế Mahosatha có phép che mắt người chăng? Nghĩ rồi ngài bèn phán hỏi đức Bồ-tát rằng: “Này bậc trí tuệ Mahosatha, người có học phép thần thông chăng? Hay là ngươi có phép che mắt người, nên ngươi mới giải nạn cho vua Videharāja ra khỏi tay trẫm?”

‒ Tâu, tôi biết phép thần thông. Lệ thường bậc trí tuệ hằng có học phép thần thông ngừa khi tai nạn, đem dùng giải khổ cho mình và kẻ khác. Những quân lính trẻ trung của tôi, tôi đã tập luyện thuần thục và tinh nhuệ, nên sai họ tạo đường hầm, mới đem đức vua Videharāja về đến xứ Mithilā theo đường hầm đó.

Ðức vua Culanī nghe rồi muốn xem đường hầm. Bồ-tát hiểu ý bèn tâu: “Nếu Đại vương muốn xem đường hầm, hạ thần xin thỉnh Đại vương xem như ý nguyện. Ðường hầm này, tôi cho người trần thiết tốt đẹp bằng cách họa tranh, nhất là hình voi, ngựa, xe lính v.v… Ðường hầm này, sáng sủa như ban ngày và tốt đẹp như cõi trời, có tám mươi cửa lớn, 64 cửa nhỏ, 101 phòng ngủ và hằng nghìn ngọn đèn, nếu Đại vương thật lòng với tôi, không còn thù hận nhau nữa, tôi xin thỉnh ngài vào xem sự cao sang của đường hầm. Ðây, tôi xin mở cửa rước Đại vương”. Ðức vua nghe theo lời, đức Bồ-tát bèn cho mở cửa. Đức vua Culanī cùng 101 tiểu vương có quân binh hộ giá vào thành đường hầm. Đức vua Culanī xem thấy sự trang hoàng trong đường hầm thật là mỹ thuật, đẹp đẽ, vinh hoa phú quý, ngài rất hài lòng, khen ngợi tài năng của đức Bồ-tát rằng: “Này bậc trí tuệ Mahosatha, bậc trí tuệ thông minh như người nếu ở trong xóm làng, quận châu, hay quốc độ nào, người người đều chung hưởng an vui hạnh phúc”, đức vua càng nhìn xem càng tán tụng tài đức của Bồ-tát. Đức vua Culanī ngự đi trước, kế đến Bồ-tát cùng các tiểu vương và quan quân đồng đi theo sau. Vừa đi vừa ngắm cảnh đường hầm trang trí tuệ thật là mỹ quan[33], chưa từng thấy. Khi đức vua Culanī ngự đi gần đến cửa đường hầm bên mé sông, vừa ra khỏi cửa, đức Bồ-tát theo bên cạnh liền giựt máy làm cho 80 cửa to và 64 cửa nhỏ đóng kín lại, nhiều ngọn đèn đều tắt một lượt. Trong đường hầm tối đen, khiến tất cả những vị tiểu vương, quan quân đều sợ hãi, chỉ có đức Bồ-tát và vua Culanī ra khỏi cửa mà thôi. Ðức Bồ-tát liền rút gươm ra đưa lên, hỏi rằng: “Tâu Đại vương, tài sản trong thế gian này là của ai?” Ðức vua kinh sợ đáp: “Tất cả của cải trong đời là của ngươi, nên tha tội cho trẫm đi”.

‒ Tâu, Đại vương, tôi đưa kiếm lên đây không phải là mong hại sát Đại vương, chỉ cố ý trình bày cho thấy rõ uy thế của trí tuệ.

Ðức Bồ-tát bèn trao kiếm cho đức vua Culanī và tâu rằng: “Nếu Đại vương muốn giết tôi thì dùng kiếm này mà giết tôi đi, bằng Đại vương từ bi tha thứ cho tôi cũng được”.

‒ Này bậc trí tuệ Mahosatha, trẫm xá tội cho người, ngươi chớ lo ngại.

Lúc ấy cả hai là đức Bồ-tát và đức vua Culanī đồng nhau thề nguyện không giết hại lẫn nhau và một lòng đoàn kết thương yêu nhau. Đức vua Culanī phán hỏi rằng: “Này bậc trí tuệ Mahosatha, người gồm đủ trí tuệ như vầy, vì sao ngươi không mong đế vị?”

‒ Tâu, nếu tôi muốn đế quyền thì đã hại tất cả vị vua trong hôm nay, rồi đoạt ngôi báu. Nhưng sự giết người và đoạt vị ấy, lấy của đó, không phải là điều đáng cho bậc trí tuệ ngợi khen.

‒ Này bậc trí tuệ Mahosatha, bây giờ đây tất cả vị vương và đại chúng còn ở trong đường hầm, chưa ra khỏi được đang kêu la cầu cứu. Xin bậc trí tuệ hãy cho sinh mệnh đến chúng đi.

Ðức Bồ-tát liền mở cửa đường hầm, lúc bầy giờ đường hầm trở nên sáng sủa. Ðại chúng hết lòng mừng rỡ, cả 101 vị tiểu vương ra khỏi đường hầm đến trước mặt Bồ-tát. Ðức Bồ-tát dẫn đức vua Culanī vào một đại phước xá rồi tâu: “Tôi đã hành lễ thành hôn cho đức vua Videharāja và công chúa Pancālacandī trên giường ngọc, tại nơi đây rồi mới đưa đi”. Tiếp theo 101 vị tiểu vương nói với Bồ-tát rằng: “Ngài ôi! Chúng tôi chỉ nhờ một mình ngài mới khỏi chết, nếu ngài không từ bi mở cửa đường hầm, trong chốc lát thì tất cả chúng tôi đều tử nạn”.

‒ Tâu, chẳng phải quý ngài chỉ nhờ ơn cứu tử của tôi trong kỳ này đâu, khi trước quý ngài cũng nhờ tôi mà thoát khỏi chết.

‒ Này, bậc trí tuệ! Ngài nói rằng: Khi trước cũng nhờ ngài, vậy trong lúc nào?

‒ Tâu, sau khi đức vua Culanī được làm bá chủ trong thế gian này chỉ trừ thành Mithilā. Đức vua trở về thành Uttarapañcā định tổ chức lễ ẩm tửu khải hoàn trong vườn thượng uyển, quý ngài còn nhớ chăng?

‒ Chúng tôi còn nhớ.

‒ Tâu, đức vua Culanī và vị cố vấn Kevata dạy bỏ thuốc độc vào rượu vào vật thực để đãi quý ngài dùng cho tuyệt mạng hết. Rõ biết như thế tôi nghĩ rằng: Giờ nào còn tại tiền, tôi không nên lãnh đạm ngồi yên, đành để cho quý ngài phải bị hại, nên tôi có sai quân binh đến tùy cơ mà tấn công đột nhập vào đập bể tất cả hủ rượu, đổ đồ nấu ăn có độc dược không cho quý ngài dùng, mới cứu thoát quý ngài được.

Các vị tiểu vương nghe qua rùng mình rởn óc bèn tâu hỏi đức vua Culanī có phải thật như vậy không?

‒ Ðúng vậy, lúc đó tôi nghe lời của Kevata mà hành động như vậy thật.

Tất cả 101 tiểu vương đồng nhau tạ ơn Bồ-tát và tán dương công đức cứu tử của bố tát rằng: “Ngài ôi! Trí tuệ của ngài là nơi nương tựa của chúng tôi, chúng tôi cậy vào ngài mới được sinh tồn đến hôm nay”. Các vị tiểu vương cúng dường đến đức Bồ-tát rất nhiều vật báu. Ðức Bồ-tát bèn tâu vua Culanī xin tạ tội với các vị tiểu vương và quan quân trọng thể, có cả kịch vui chơi trong đường hầm đến 7 ngày đêm, mới trở về thành đô Uttarapañcā. Đức vua Culanī ban thưởng Bồ-tát rất nhiều của báu và yêu cầu ngài ở lại trong nước rằng: “Này bậc trí tuệ, ngươi đừng trở về với đức vua Videharāja nữa, ở lại đây, trẫm sẽ trọng đãi ngươi hơn đức vua Videharāja, vậy ngươi hãy ở lại với trẫm đi.

‒ Tâu, bỏ chủ mà ham danh lợi là điều không tốt, phải bị người chê trách để đời. Tâu, bao giờ đức vua Videharāja còn thống trị tôi không thể bỏ ngài mà đi thờ một vị Hoàng đế nào khác.

‒ Như vậy, ngươi nên hứa rằng: Ngày nào đức vua Videharāja băng hà, ngươi sẽ trở qua ở với trẫm đi.

Bồ-tát bèn hứa chịu, ngài ở lại thêm 7 ngày, rồi vào tâu xin trở về thành Mithilā. Đức vua Culanī ban thưởng đức Bồ-tát rất nhiều châu báu, cho thu thuế trong 7 quận gần biên thuỳ xứ Mithilā cấp cho bốn trăm tôi trai, tớ gái, một trăm người vợ ngoài ra còn nhiều vật quí không kể xiết.

‒ Tâu, Đại vương đừng lo ngại đến các vị hoàng tộc của Đại vương. Khi đức vua Videharāja trở về xứ, hạ thần có tâu gởi gấm rằng, phải trọng đãi đức hoàng hậu Candādevī như mẹ đẻ. Khi về đến thành Mithilā, tôi sẽ sai quân hộ giá đưa Hoàng thái hậu, Hoàng hậu, Hoàng tử trở về lập tức.

Ðức vua Culanī nói sādhu (tốt lắm) rồi sắp đặt các nữ trang báu vật gởi qua cho công chúa. Tất cả 101 vị tiểu vương cũng sắm sữa lễ vật biếu cho Bồ-tát rất nhiều vô số kể. Các thám tử cũng từ giã chư vương theo đức Bồ-tát trở về thành Mithilā.

Khi về gần đến thành Mithilā, quân vào báo cho bốn vị giáo sư hay trước, để bốn vị vào tâu đức vua Videharāja rõ. Vua tôi đều mừng rỡ. Ðồng nhau lên tầng lầu cao xem xét. Đức vua thấy quân binh đông đảo bèn giựt mình lo sợ, nghĩ rằng có lẽ vua Culanī kéo quân đến báo thù nữa chăng? Đức vua liền hỏi: “Này các khanh, voi, ngựa, xe và bộ binh sao mà quá nhiều như thế, đáng lo ngại lắm. Vậy các khanh xem kỹ là quân binh của ai?” Senaka tâu: “Xin Bệ hạ hoan hỉ vui mừng đi. Ngài Mahosatha Pandita dẫn quân binh thắng trận hồi trào đã có thám tử vào phi báo trước, ngài sẽ đến đây bây giờ”.

‒ Này Senaka, quân binh của Mahosatha ít, đâu có quá nhiều vậy.

‒ Tâu, có đức vua Culanī phát tâm thỏa thích vui lòng cho quân binh hộ tống đưa ngài Mahosatha về chớ không có chi lạ cả.

Ðức vua dạy quân đem chiên trống đánh rao cho chúng dân biết để trang hoàng trưng dọn, treo cờ kết hoa v.v… từ thành thị chí thôn quê để đón rước Bồ-tát. Ðức Bồ-tát vào đền. Đức vua Videharāja bước xuống ngai vàng đến hôn đức Bồ-tát mà hỏi rằng: “Con Mahosatha ôi! Cha bỏ con ở lại trong xứ người, cha rất đau lòng nên đêm trông ngày đợi. Vậy con ở lại, con dùng phương pháp nào mới thoát nạn được mà về đây, con hãy tỏ cho trẫm nghe”. Bồ-tát tường thuật lại đầu đuôi tự sự câu chuyện cho đức vua Videharāja nghe. Đức vua vô cùng mừng rỡ. Bồ-tát tâu tiếp về đức vua Culanī ban thưởng rất nhiều báu vật. Đức vua Videharāja càng nghe càng ưa thích, rồi tỏ lời tán tụng tài đức của Bồ-tát. Đức vua Videharāja liền bá cáo cho dân chúng hay, để làm lễ diễn kịch trọn 7 ngày đêm ăn mừng cho đức Bồ-tát thắng trận khải hoàn. Quốc dân diễn kịch vui chơi đờn ca xướng hát, trống kèn vang rền trong thành Mithilā. Tất cả quân dân điểm trang y phục đem lễ vật đến cúng dường đức Bồ-tát vô số kể. Cử hành xong đại lễ khải hoàn, đức Bồ-tát bèn vào tâu vua, cho phép đưa ba vị hoàng tộc của đức vua Culanī về nước. Đức vua Videharāja khen phải, rồi dạy đức Bồ-tát xếp đặt cho quân hộ giá để tiễn đưa 3 vị Hoàng tộc về.

Hoàng hậu của đức vua Culanī và hoàng hậu của đức vua Videharāja (tức là công chúa của đức vua Culanī), mẹ con than khóc lưu luyến nhau trước cảnh phân ly, kẻ ở người đi thật là thảm thiết. Ðức Bồ-tát giao cho quân binh tất cả bốn trăm tôi trai tớ gái, 100 người vợ mà đức vua Culanī đã ban thưởng trước kia, theo hộ tống 3 vị hoàng tộc về đến xứ Uttarapancā. Đức vua Culanī hay tin rất mừng ra tiếp rước 3 vị hoàng gia là hoàng thái hậu, hoàng hậu và hoàng tử vào đền. Đức vua Culanī phán hỏi: “Lúc ở bên xứ Mithilā, đức vua Videharāja tiếp đãi thế nào?” Bà hoàng thái hậu đáp: “Đức vua Videharāja trọng đãi bà như vị trời lớn, cung dưỡng hoàng hậu như mẹ ruột và hoàng tử như em ruột”. Ðức vua Culanī lấy làm vừa lòng đẹp dạ, càng ban thưởng cho quân binh của đức vua Videharāja và gởi tặng nhiều vật báu đến đức vua Videharāja. Từ đây hai nước Culanī Pañcā và Mithilā trở nên thân thiết bang giao, quốc thới dân an, người người lạc nghiệp.

Nói về nàng Pancālacandī tức là hoàng hậu thành Mithilā, rất được lòng nhà vua Videharāja thương yêu. Hai năm sau, hoàng hậu sanh được một trai và một gái. Ðến năm thứ 12, hoàng tử lên 10 tuổi, thì đức vua Videharāja thăng hà. Ðức Bồ-tát làm lễ tôn vương có hoàng tử, rồi từ giã qua ở cùng với vua Culanī. Ấu chúa ngăn rằng: “Ngài đừng từ bỏ tôi sớm, vì tôi còn trẻ lắm. Trẫm xin tôn trọng cúng dường ngài như cha”. Bà hoàng thái hậu Pancālacandī cũng khẩn cầu rằng: “Xin ngài từ bi ở lại, ngài đi rồi còn ai là nơi nương tựa của ấu chúa”.

‒ Tâu, tôi ở lại không được vì tôi đã hứa hẹn với Hoàng Tổ phụ trước kia rồi.

Từ các quan cho đến dân gian ai ai cũng cảm mến ân đức, khóc than đưa đức Bồ-tát. Qua đến xứ Uttarapañcā vào chầu đức vua Culanī. Đức vua tiếp rước trọng thể và ban cho đức Bồ-tát dinh thự xứng đáng. Từ đó đức Bồ-tát vào ra chầu đức vua Culanī.

Thuở đó, có một ni cô danh là Pherīparibbājī có nhiều trí tuệ, hay vào thọ thực trong đền nội của vua Culanī. Ni cô này chưa từng gặp mặt đức Bồ-tát, nhưng có nghe danh Mahosatha Pandita thường vào chầu đức vua Culanī. Ðức Bồ-tát cũng đã nghe nói về Ni cô Paribbājī hay vào thọ thực trong đền nội, nhưng chưa từng giáp mặt.

Nói về bà hoàng hậu chỉ nhớ đến con là công chúa Pancālacandī chừng nào thì càng giận Bồ-tát chừng ấy, nên tìm dịp để báo thù. Bà dạy những cung nữ thân cận đáng tin cậy rình xem bắt tội Bồ-tát. Ngày kia ni cô Paribbājī vào thọ thực trong cung nội, khi trở ra gặp Bồ-tát vào chầu vua. Bồ-tát đưa tay lên thi lễ ni cô rồi đứng nép một bên. Ni cô Paribbājī tin chắc rằng đó là Mahosathapandita. Ni cô muốn biết Bồ-tát có trí tuệ thực hay là thế nào, nên ni cô định ra câu hỏi đố. Nghĩ rồi ni cô bèn xòe bàn tay ra trước mặt Bồ-tát cố ý hỏi rằng: “Đức vua mời ngài sang đây, thường ngày đức vua có ban thưởng của cải chi thêm chăng?” Ðức Bồ-tát hiểu ý ni cô hỏi, nên đáp, bằng nắm tay lại dụng ý nói rằng: Chưa ban thưởng vật chi thêm. Ni cô đưa tay lên vuốt đầu là hỏi đố rằng: Như thế thì ngài cực khổ lắm, vậy ngài có thể xuất gia như ta, hay thế nào? Ðức Bồ-tát bèn lấy tay vuốt bụng, cố ý đáp rằng: Tôi chưa xuất gia được, vì có vợ con nhiều phải cần nuôi nấng. Chỉ nói với nhau bằng tâm chí như thế, rồi ni cô ra về chỗ ngụ, Bồ-tát vào chầu vua.

Phần các cung nữ mà hoàng hậu Candā đã sai đi rình, tìm lỗi Bồ-tát đó. Khi thấy được điều như thế, bèn vào tâu cho đức hoàng hậu hay. Hoàng hậu viện cớ đến tâu với vua rằng: “Chúng tôi gặp ni cô Paribbājī và ngài Mahosatha ra câu đố nhau muốn đoạt ngai vàng của Hoàng thượng. Sau khi thọ thực, ni cô vừa ra khỏi đền ngặp ngài Mahosatha hỏi ý rằng: Ngài bắt đức vua rồi đoạt đế vị có được chăng? Ngài Mahosatha nắm bàn tay lại đáp, có nghĩa là: hai ngày nữa tôi sẽ bắt hạ sát đức vua để đoạt ngai vàng. Ni cô đưa tay lên vuốt đầu hỏi, có nghĩa rằng: Chặt đầu đi, đừng để lâu. Mahosatha đưa tay vuốt bụng đáp, có nghĩa là: Tôi chặt đầu không tiện, để tôi chém ngang mình. Tâu, lệnh Hoàng thượng nên giết Mahosatha cho mau đừng chậm trễ, không nên dể duôi mà lâm nạn”. Nghe tâu, đức vua Culanī bèn nghĩ: Có lẽ đâu Mahosatha lại dám hại ta? Vậy để ta hỏi lại ni cô cho rõ đã. Sáng ra, ni cô vào thọ thực, đức vua Culanī bèn hỏi: “Bạch, bà với Mahosatha có gặp nhau chăng?”

‒ Tâu, có được gặp nhau tại ngày hôm qua ngay trước đền.

‒ Bạch bà có nói chuyện chi với Mahosatha chăng?

‒ Tâu, không có nói lời chi cả, chỉ ra câu đố rằng: Tôi xòe bàn tay ra, có ý hỏi. Đức vua mời ngài qua đây có ban thưởng thêm chi chăng? Mahosatha nắm tay lại đáp, có nghĩa là: Chưa ban thưởng chi thêm. Tôi đưa bàn tay lên vuốt đầu, có ý hỏi: Như thế, ngài khổ lắm, vậy nên xuất gia như tôi, ngài nghĩ sao? Mahosatha đưa tay vuốt bụng đáp, có nghĩa là: Tôi có vợ con nhiều cần phải nuôi nấng. Chỉ có cử chỉ thay câu hỏi và đáp như thế thôi, rồi tôi ra về, Mahosatha vào chầu.

‒ Bạch, bà xem Mahosatha là bậc có trí tuệ nhiều thật chăng, hay thế nào?

‒ Tâu, trong đời này, không ai sánh bằng trí tuệ Mahosatha.

Tâu xong, ni cô từ tạ trở về am an nghỉ. Khi ni cô vừa ra về, Bồ-tát vào chầu, đức vua phán hỏi: “Này Mahosatha! Khanh với ni cô Paribbājī có gặp nhau lần nào chăng?”

‒ Tâu, hôm qua hạ thần có gặp Ni cô trước đền.

‒ Có trò chuyện cùng nhau chăng?

‒ Tâu, không có nói bằng lời mà chỉ trao đổi ý kiến bằng cử chỉ thay câu nói, để vấn đáp, Bồ-tát liền tâu rõ tự sự cho đức vua nghe.

Ðức vua Culanī rất hoan hỉ liền phong cho Mahosatha làm đại tướng, rồi giao phó cho tất cả công việc triều chính cho Bồ-tát. Từ đây uy quyền của đức Bồ-tát càng vẻ vang chói lọi. Sau đó, đức Bồ-tát nghĩ rằng: Tại sao đức vua giao phó công việc triều đình cho ta trọn quyền nắm giữ như vầy, thật là khó hiểu. Có khi ngài mưu chước hại mình cũng có. Vậy để ta tìm xét thử coi, ngoài Ni cô ra không ai hiểu được đức vua, để ta đến bạch hỏi xem? Khi vào lễ bái cúng dường ni cô rồi, đức Bồ-tát bạch: “Thưa bà, từ ngày bà tán tụng đức tính của tôi, đức vua nghe được rồi ban thưởng tôi rất trọng hậu, nhưng không rõ đức vua có lòng tin tưởng tôi thật chăng? Cầu bà, tùy dịp hỏi đức vua, rồi cho tôi biết”. Ni cô hứa chịu.

Sáng ra vào đền, ni cô mong tìm hỏi đức vua, nhưng lo ngại có nhiều người sợ vua không nói thật, nên tâu rằng: “Tôi có việc kín xin tâu với Đại vương”. Ðức vua liền bảo mọi người ra khỏi sân rồng chỉ còn ngài và ni cô. Ni cô tâu: “Tất cả 7 người là: hoàng thái hậu, hoàng hậu, thứ vương, vị Thūsekkha, vị cố vấn Kevata, bậc trí tuệ Mahosatha và Đại vương. Tất cả 7 vị đồng nhau xuống thuyền ra đến giữa biển, có một con quái vật nước to, lên tìm ăn thịt người. Quái vật nước ấy vẹt nước ra nổi lên nắm chặt chiếc thuyền, hắn hỏi Đại vương rằng: Ngài phải cho ta ăn 6 người trong thuyền này, thì ta tha ngài. Khi quái vật nói như thế, Đại vương cho hắn ăn người nào trước?”

‒ Bạch, như thế thì tôi cho quái vật ăn mẹ tôi trước, thứ nhì là nàng Nandā (Hoàng hậu) thứ ba là thứ vương, thứ bốn là Thūsekkha, thứ năm là Kevata, còn thứ sáu, tôi biểu quái vật nước hả miệng tôi vén cẩm bào lên cho gọn, nhảy ngay và mồn quái vật cho nó ăn tôi. Còn bậc trí tuệ Mahosatha tôi không cho hắn ăn đâu!

Nghe đức vua đáp như vậy, bà ni cô hiểu rằng đức vua thương Mahosatha thật. Biết rõ lòng vua, bà ni cô mong làm cho tài đức của Mahosatha càng thêm rõ rệt. Bà yêu cầu cho mời tất cả mọi người trong cung nội hội hiệp lại rồi tâu hỏi đức vua về con quái vật nước. Đức vua bằng lòng cho quái vật ăn mẹ trước v.v… Bà ni cô tâu: “Mẹ của Đại vương có rất nhiều ân đức, nhất là công lao sanh thành dưỡng dục, nào là tắm rửa lau chùi những vật ô uế. Khi Đại vương còn thơ ấu, bà lo từng miếng ăn, tắm mặc, lúc khóc la, khi đau ốm, dạy bảo cho Đại vương được an vui cho đến lúc trưởng thành. Khi Đại vương bị Chābbibrāhmana làm hại, đức mẹ của Đại vương tìm đủ phương cách để cứu vớt Đại vương, không có bà mẹ nào sánh bằng. Thật là ân đức sâu dày. Tại sao Đại vương lại cho quái vật nước ăn bà mẹ trước, bà có lỗi chi?”

Có lời hỏi rằng: Tại sao ni cô Paribbājī lại tâu như vậy? Bởi thuở trước đức vua Culanī còn bé, bà hoàng thái hậu thương yêu Chābbibrāhmana, rồi hại vua Culanī đem đế vị dâng đến Chābbibrāhmana, bà trở thành hoàng hậu của Chābbibrāhmana. Ngày nọ hoàng nhi Culanī đến nói với mẹ rằng: “Con đói bụng”. Bà mẹ, tức là hoàng hậu đem nước mía đến cho dùng, nhưng ruồi bay lại đậu, hút nước mía xung quanh mình trẻ Culanī. Hoàng nhi Culanī rãi một chút nước mía lên đất, rồi đuổi cho ruồi đậu hút nước mía ấy xong trở lại dùng nước mía được tự do, khỏi phải đuổi ruồi nữa. Chābbibrāhmana thấy vậy bèn nghĩ rằng: hoàng nhi này rất khôn ngoan, khi trưởng thành đâu có để cho ta giữ an ngai vàng. Vậy ta hãy giết trẻ này cho được. Chābbibrāhmana tính rồi nói với hoàng hậu. Hoàng hậu tâu dối rằng: “Bệ hạ đừng lo ngại, chồng tôi trước kia tôi còn hại được, huống chi đứa trẻ nhỏ này, giết giờ nào lại không được, song nếu hại nó thì nên đừng cho ai biết”. Hoàng hậu tâu dối như thế bởi bà có mưu. Bà gọi người đầu bếp vào rồi dạy kín rằng: “Con trai ta và con trai của ngươi sanh ra trùng ngày, trùng tháng và thường hay gần gủi thân thiết nhau lắm, nay Chābbibrāhmana muốn giết con trai ta. Vậy ngươi nên cứu tử Culanī, con trai ta với đi”. ‒ “Tâu lệnh bà muốn tôi làm thế nào?” ‒ “Này đầu bếp, ngươi cùng con trai ta và con trai ngươi cả 3 nên thường ngủ trong nhà bếp, song chớ cho ai rõ được, rồi ngươi tìm lượm nhặt xương dê đem để tại chỗ mà 3 người thường hay ngủ đó. Ðêm khuya vào giờ ngọ ngủ mê, ngươi hãy đem lửa đốt nhà bếp và dẫn con ta, con ngươi chạy ra khỏi cửa thành, tìm ngụ nơi biên thuỳ, mà cũng chẳng nên cho ai biết Culanī là con của đức vua cả, hãy giữ cho kín miệng thì sẽ được hạnh phúc ngày sau”. Hoàng hậu lén lấy nhiều vật báu cho người đầu bếp. Một hôm, vào lúc đêm khuya thanh vắng, đầu bếp bèn nổi lửa đốt nhà bếp, dẫn hai trẻ chạy ra ngoại bang tìm ở với đức vua Maddharāja tại kinh đô Sākala. Ðức vua bèn thu nhận, cho ở làm đầu bếp. Mỗi khi đầu bếp vào chầu vua, hai trẻ là Culanī và Thūsenakkha cùng vào theo luôn. Đức vua hỏi: “Này đầu bếp, hai trẻ này là con của ai?” ‒ “Tâu, chúng là của hạ thần”. ‒ “Tại sao lại không giống nhau?” ‒  “Tâu, vì khác mẹ nhau”.

Hai trẻ thường hay vào ra trong đền nội nên quen. Một ngày nọ gặp công chúa của đức vua Maddharāja, cùng chơi với nhau. Trẻ Culanī dạy công chúa đi bắt dế kiếm dây buộc dế mà công chúa không đi, Culanī đánh công chúa la khóc. Ðức vua nghe, hỏi ai đánh con trẫm? Các cung nữ chạy hỏi Nandā công chúa: “Ai đánh công chúa?” Trẻ Nandā nghe rồi nghĩ rằng nếu ta nói bị Culanī đánh thì, Phụ vương ta bắt tội (vì thương trẻ Culanī) nên công chúa Nandā đáp, không có ai đánh cả, rồi cũng giỡn chơi với Culanī.

Một bữa nọ, chính đức vua Maddharāja xem thấy con mình bị Culanī đánh. Ngài xét, đứa trẻ này mặt mày khôi ngô không giống người đầu bếp chút nào, nó không kiêng nể ai cả, khác hơn đứa trẻ của người đầu bếp. Từ đó, đức vua Maddharāja để ý phân biệt cử chỉ của trẻ Culanī. Các cung nữ đem bánh dâng cho công chúa, công chúa đem chia cho những trẻ chơi cùng nhau, đứa nào đến lấy bánh cũng có ý kiêng dè cuối đầu mà thọ bánh. Trừ trẻ Culanī đi đến tự nhiên, rồi chen lấn giành lấy bánh. Ngày nọ các trẻ chơi cùng nhau, vào gần chỗ long sàn của đức vua, trẻ nào cũng chun dưới giường kiếm đồ chơi, còn trẻ Culanī chỉ lấy cây khều ra chớ không chịu chun dưới giường. Đức vua Maddharāja thấy khác thường hơn các trẻ nhiều lần như thế, quyết định rằng: Em Culanī không phải là con của thường dân, đức vua dạy cho đòi đầu bếp đến, rồi ngài rút gươm ra, đưa lên mà nói rằng: “Trẫm chắc trẻ Culanī này không phải là con đẻ của ngươi. Vậy ngươi nên khai thật, bằng không trẫm sẽ chém đầu”. Anh đầu bếp kinh hồn bèn tâu ngay: “Tâu, đây là hoàng tử của đức vua Culanī”. Sau khi biết rõ nguồn cơn, đức vua Maddharāja bèn gả công chúa Nandā cho Culanī.

Ðây nói về bà hoàng thái hậu Chalakādevī thấy nhà bếp cháy hết, rồi dạy người đi nhặt xương dê đem trình cho Chābbibrāhmana rằng: “Ðây là hài cốt của trẻ Culanī, nó đi ngủ chung với con của đầu bếp bị cháy, nên nó phải bị chết thiêu như vậy”. Chābbibrāhmana nghe được rất hài lòng.

Bà ni cô Paribbājī tâu: “Khi Chābbibrāhmana hại Đại vương đó, nhờ bà hoàng thái hậu cứu tử Đại vương. Như thế tại sao Đại vương lại cho quái vật nước ăn trước?”

‒ Bạch, thường ngày mẹ tôi đã già mà chưa chịu là già, làm như là gái tơ, dùng đồ nữ trang tô điểm khác thường, không xứng đáng với tuổi già. Một ngày nọ, trẫm đang lâm triều chung lo việc nước cùng các đại thần, mẹ trẫm mang dây lưng có đủ ngọc báu đi qua lại trước đền, tiếng ngọc của dây lưng khua động khắp cả thành nội. Lại nữa, mẹ trẫm các lần gọi các trẻ lại mà đùa giỡn với chúng, thật không xứng đáng, ai ai cũng đều bất bình. Một hôm, mẹ trẫm một mình tạo chiếu chỉ giả rằng: là lệnh của trẫm cho chư hầu biết “Mẹ tôi còn trẻ tuổi cần ngũ dục, ngài nào vừa lòng, thì đến lãnh về chung hưởng”. Viết như vậy rồi gởi về chư hầu, các ngài đáp rằng: Vì sao Hoàng thượng dạy như thế? Chư hầu đem chiếu chỉ ra đọc giữa hội, trẫm lấy làm hổ thẹn muôn phần, và cảm thấy phẩn uất, như bị người áp chế. Vì mẹ trẫm có lỗi như vậy, nên trẫm cho quái vật nước ăn trước.

‒ Nếu Đại vương nói Hoàng thái hậu có lỗi nên cho quái vật nước ăn trước, còn bà Nandā hoàng hậu, thường thốt những lời tao nhã và là người đức hạnh, hết lòng phụng dưỡng gần gũi Đại vương từ thuở ngài còn thiếu niên. Khi Đại vương đến ngự trong nước của bà, bị ngài rầy la đánh đập thế nào, bà cũng không nói thật vì hết lòng yêu mến ngài. Bà Nandā là phụ nữ có trí tuệ biết quan sát tìm điều lợi ích cho Đại vương, do nhân nào Đại vương lại cho quái vật nước ăn, bà có tội gì chăng?

‒ Bạch, nàng Nandā hay hay xin những của không nên xin, vì những đồ trang sức mà trẫm cho vợ con đó, nàng Nandā chờ có dịp thì xin, thấy trẫm mê say nàng giờ nào thì xin giờ ấy. Khi trẫm đã bị phiền não dục lôi cuốn, càng xin trẫm càng cho, khiến trẫm phải chạy theo thế lực của phiền não dục, sau rồi dầu xin mà trẫm không cho nàng cũng lấy, trẫm quở trách cũng không kiêng nể, quyết lấy cho được. Do đó, nên trẫm cho quái vật nước làm thực phẩm.

‒ Tâu, nếu hoàng hậu Nandā có tội, còn vị thứ vương rất thông minh, võ nghệ siêu quần, dẹp an giặc biên thuỳ làm cho các ngoại bang đều kiêng nể hằng phục Đại vương. Cớ sao Đại vương lại cho quái vật nước ăn, thứ vương có tội gì?

Có lời hỏi, cớ sao bà ni cô Paribbājī lại hỏi như thế? Bởi thuở bà hoàng hậu Chalāka thích khách đức vua Culanī (chồng bà) rồi dâng đế vị cho Chābbibrāhmana, thì thứ vương Tikkhanamandi còn trong bào thai, nên tưởng Chābbibrāhmana là cha ruột, không rõ rằng là cha nuôi. Sau rồi mới phân biệt chơn giả, do một vị đại thần tâu kín. Khi được biết rằng Chābbibrāhmana không phải là cha ruột. Ngài bèn thịnh nộ mong giết Chābbibrāhmana. Hoàng tử bày kế cho hai quan đại thần, rầy la đánh đập nhau trước ngọ môn, hoàng tử liền vào tâu với Chābbibrāhmana rằng: “Cây đao mà Hoàng thượng ban cho con, nay có kẻ lại đòi nói là của họ”. ‒ “Tại sao thế? Ðao ấy của trẫm, trẫm nhận biết được, vậy con ra lấy đem vào đây cho trẫm xem lại”. Hoàng tử ra lấy đao vào, đem cho Chābbibrāhmana nhìn, rồi thừa dịp thuận tiện chặt đầu Chābbibrāhmana đứt lìa. Khi hoàng tử hạ sát Chābbibrāhmana rồi, triều thần đồng tôn ngài lên kế vị. Ðức Hoàng thái hậu Chālanī mới chịu khai rõ rằng: “Này con Tikkhanamandi anh trai của con còn sinh tiền, hiện nay còn ngự tại thành đức vua Maddharāja”. Hoàng tử, khi được biết hoàng huynh còn sống liền đem binh đến thành của đức vua Maddharāja thỉnh đức Culanī về tôn lên ngôi báu.

Sau khi được rỏ tự sự như thế, bà ni cô Paribbājī tâu rằng: “Thứ vương có đại ân với Đại vương đi thỉnh Đại vương từ ngoại quốc về, rồi đem đế vị dâng đến Đại vương, thì thứ vương có tội gì mà Đại vương đành cho quái vật nước ăn?

‒ Bạch, mỗi ngày đây, ngự đệ Tikkhnamandi hằng nói rằng: Biên thuỳ nhờ ta mà được thái bình. Đức vua này lên ngôi báu cũng nhờ ta rước về, nay mới được hạnh phúc như vầy. Thường nói như thế, thật rất khinh rẻ trẫm. Vừa lòng thì hắn vào chầu, bằng trái ý thì hắn không đến. Vì lẽ đó trẫm mới cho quái vật nước ăn ngự đệ Tikkhnamandi.

‒ Thôi thứ vương có lỗi đã đành, vậy Thūsekkha là bạn thân thiết của Đại vương, sanh đồng ngày, tháng, năm, cùng Đại vương một quê hương. Lại nữa, ngài hết lòng chăm lo việc triều chính quanh năm, mãn tháng, bạn lành chơn chánh như vậy có tội gì mà Đại vương lại cho quái vật nước làm thực phẩm?

‒ Bạch, bạn Thūsekkha của tôi từ bé ở chung, ngủ chung, đùa giỡn cùng nhau, đến nay cũng vẫn còn như thế, tôi không bỏ rơi phụ bạc bạn xưa. Khi có lỗi, tôi cũng không bắt tội, vào đền sái giờ tôi cũng không cấm. Như vậy mà người không biết xét mình, có lúc tôi cùng hoàng hậu ở trong cung cấm mà hắn vẫn vào tự do. Vì vậy, nên tôi mới cho bạn đến quái vật nước ăn.

‒ Tâu, thôi để đó, vậy vị cố vấn Kevata, ông sáng suốt trong các công việc, biết rõ đây là nhân, kia là quả. Ông nghe được tiếng chim, tiếng quạ biết rõ điều hay lẽ phải, biết coi ngày tháng, xem sao bói quẻ khó mà tìm được một vị cố vấn như ông. Vậy do nhân nào mà Đại vương cho quái vật nước ăn ông?

‒ Bạch, vị cố vấn Kevata có khuynh hướng không tốt, là trước mặt hay khuất mặt người, giữa đại chúng mắt hắn liếc tôi trợn trắng như giận dữ đáng sợ. Vì Kevata có thái độ không đoan trang với tôi như thế, nên tôi cho quái vật nước ăn.

‒ Tâu, tất cả 5 người trước nhất là hoàng thái hậu, cuối cùng là vị cố vấn Kevata, Đại vương cũng cho quái vật nước ăn liên tiếp. Cho đến người thứ 6 là Đại vương, ngài cũng đành nhảy vào miệng của quái vật nước cho nó ăn, không mến tiếc ngai vàng và sinh mệnh, để thế cho bậc trí tuệ Mahosatha, vậy bậc trí tuệ Mahosatha có đặc ân chi với Đại vương? Tâu, Đại vương là bậc quý nhân, sản nghiệp của Đại vương hằng ngày đây, biên giới chí đại hải, chẳng có một cường quốc nào sánh bằng sự vinh quang xán lạn của Đại vương. Đại vương có uy thế lẫy lừng, hơn cả 101 quốc vương trong thiên hạ. Nước giàu dân mạnh, binh hùng, tướng giỏi. Đại vương là một vị đại hoàng đế uy phong lẫm liệt, đường đường chính chính cao sang tột bậc. Lệ thường người giàu sang phú túc như Đại vương, ai ai cũng đều mong được trường thọ để hưởng hạnh phúc lâu dài. Cớ sao Đại vương lại hạ mình đành chịu làm mồi cho quái vật nước, chết thế cho bậc trí tuệ Mahosatha. Mahosatha có ân đức gì với Đại vương?

‒ Bạch Ni cô! Mahosatha đây, từ khi qua ở bên kinh đô này, hằng tìm làm biết bao điều lợi ích cho trẫm. Cả ngày lẫn đêm, Mahosatha không làm điều gì quấy, dù là nhỏ nhen. Trước kia khi còn là thù nghịch, có thể giết trẫm được mà không giết. Mahosatha đủ điều kiện hại vợ con trẫm mà cũng dung tha. Vợ con trẫm mà được an vui, sum vầy chung hưởng hạnh phúc đây cũng nhờ Mahosatha. Mahosatha biết rõ nhân quả trong quá khứ, vị lai và hiện tại, ví như đấng Chánh đẳng Chánh giác. Mahosatha có thân, khẩu, ý lành. Bậc trí tuệ Mahosatha gồm đủ các tĩnh từ, bi, hỉ, xả. Vì thế, nên trẫm mới chịu chết, để bảo vệ bậc trí tuệ Mahosatha.

Ðức vua tường thuật tài đức của ngài Mahosatha như vị trời có nhiều năng lực, cầm vầng trăng đưa lên giữa hư không vậy. Bà ni cô Paribbājī cố ý, mong cho tài đức của ngài Mahosatha được truyền tụng trong đời, nên cầu xin đức vua ra trước đền, rồi bá cáo cho dân chúng hay, tựu hội lại để nghe lời cao quí. Bà hỏi đức vua về câu truyện cho quái vật nước ăn thịt 6 người, để đức vua đáp lại cũng như đã giải trước. Bà ni cô Paribbājī chọn những phần hay để thuyết pháp và nêu cao trí tuệ của đức Bồ-tát Mahosatha, ví như người đã tạo xong nhà, rồi đem ngọc ma-ni treo trên nóc, rằng: “Cùng tất cả quốc dân đến hội họp trong nơi này, hãy chăm chú nghe thiện ngôn của đức vua Culanī, ngài thuyết về câu chuyện mà ngài từ bỏ hoàng thái hậu, hoàng hậu, thứ vương, bạn thiết, vị cố vấn Kevata và sanh mệnh của ngài cho quái vật nước ăn để gìn giữ, bảo vệ bậc trí tuệ Mahosatha. Ðây thật là chuyện hy hữu. Này quí vị! Các ngài nên lưu tâm quan sát cho thấy đức tính của trí tuệ. Ðức của trí tuệ thật là siêu nhiên[34]. Kẻ nào có trí tuệ rộng lớn là chánh kiến, xét thấy chơn chánh rồi, làm những việc vô tội theo sự suy nghĩ đúng đắn, đem lợi ích cho mình và kẻ khác trong kiếp hiện tại và vị lai”. Bà ni cô Paribbājī thuyết về ân đức siêu tuyệt[35] của trí tuệ như thế.

Satthā imaṃ dammadesanamāharitvā: Ðức Thiên Nhơn Sư thuyết xong tích Mahosatha rồi bèn giải tiếp rằng: “Này các thầy tỳ khưu! Chẳng phải Như Lai chỉ có trí tuệ cao siêu trong kiếp cuối cùng này đâu, thuở Như Lai thọ sanh làm Mahosatha, Như Lai cũng có trí tuệ vượt lên trên tất cả mọi người vậy”. Xong đức Thế Tôn hợp các tiền kiếp lại rằng: Tada kale: trong thời đó, Senako giáo sư Senaka nay là Kassopo, Thượng tọa Ca Diếp; Pakuto giáo sư Pakuta nay là Ambattho, Thượng tọa Ambattho; Giáo sư Kaminda nay là Kutadandabrahmana; Kevinda nay là Sonadanthera; cố vấn Kevata nay là Devadatta (Ðề Bà Ðạt Ða); Chalakā, nàng Chalakā (Hoàng hậu) nay là Tỳ khưu ni Thulanandisundani; Pañcālacandī (Công chúa) nay là Tỳ khưu ni Mangalika bhikkhuni; nàng Udumabara nay là Ditthamangalika bhikkhuni; Đức vua Videharāja nay là Tỳ khưu Kaludayithera; nàng Paribbājī nay là Tỳ khưu ni Upalavanna theri bhikkhuni; Triệu phú Sirivaddhana nay là Suddhano đức Tịnh Phạn Vương; vợ Triệu phú nay là Mahamāyā hoàng hậu; nàng Amora nay là Bimba; Thứ vương Tikkhana nay là Chando tỳ khưu; Thnūsekkha nay là Rahulo tỳ khưu Rahula; két Suvapotaka nay là Sariputto Đại đức Xá Lợi Phất; Mahosatha đức Mahosatha nay là Lokanatho Ðức đại bi Chánh đẳng Chánh giác siêu nhiên như thế.

‒ Mahosatho nitthito ‒ Dứt tích Mahosatha ‒

———

 

THẬP ĐỘ

Quyển II

LỜI TỰA

Nhận thấy Thập độ là một yếu tố căn bản mà người tu Phật phải thông hiểu và tinh tấn thực hành theo. Ðức Thế Tôn khi còn là vị Bồ-tát, ngài cố gắng tu pháp ba-la-mật đã trải qua bao a-tăng-kỳ kiếp, nên chi, Ngài mới được chứng quả vị là siêu thoát Niết-bàn.

Mong cho chư Phật tử được tế nhận rõ rệt đường lối cứu cánh của đức Chánh Biến Tri, chúng tôi không nệ tài hèn đức kém, tìm phiên dịch nối tiếp năm pháp ba-la-mật sau đây (các tiền kiếp của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni) trong mỗi truyện đều có nêu rõ gương chí thiện của đức Bồ-tát.

Những phương pháp đã diễn giải toàn là những lợi ích tối cao, vì chúng ta không quan tâm đến nó, nên không nhận thức được sự tinh túy, ngõ hầu tìm ra ánh sáng để thoát ly trần tục.

Chúng tôi mong tất cả muôn loài lãnh hội chánh pháp, nên chọn lấy con đường chơn chánh để tiến hành. Như thế mới mong đem mình ra khỏi bể trầm luân, không sợ bị thế gian pháp đầu độc trước cái đẹp ảo huyền của vật chất. Chỉ có một tinh thần sáng suốt trên phương diện giải thoát, đạt đến Niết-bàn là pháp vô sanh bất diệt

Mong thay!

Hộ Tông Tỳ khưu

 

Namatthuratanattayassa

6. Bhūridata jātaka ‒ truyện đức Bhūridata (Bồ tát tu hạnh trì giới ba-la-mật)

Một thuở nọ, đức Phật ngự an trong Kỳ Viên tịnh xá, gần kinh đô Sāvatthī, ngài đề cập đến chư thiện tín về sự thọ trì bát quan trai giới cho có nhân rồi Ngài thuyết về truyện này. Bậc A-xà-lê kết tập Tam tạng (Saṅgitikācāriya) tùy ý nghĩa kệ ngôn mà giải rộng thêm rằng: Ta được nghe như vầy: Những thiện tín đến ngày định nguyện thọ trì bát quan trai giới từ lúc rạng đông và làm phước bố thí, xế lại vào chùa dâng hoa, cùng các vật thơm cúng dường và nghe pháp tại Bố Kim Tự. Ngày đó, Ðấng Ðại Bi ngự đến phước xá, vào tọa trên bảo tọa xong, ngài hỏi chư thiện tín rằng: “Ngày nay, các ngươi đã thọ bát quan trai giới chưa?”

‒ Bạch đức Thế Tôn chúng tôi được thọ bát quan trai giới hằng ngày không bỏ qua.

‒ Các ngươi nhờ thầy chỉ dạy, mới thọ bát quan trai giới được, không thấy chi lạ thường. Ngày xưa, bậc trí tuệ không thầy mà vẫn tinh tấn thọ bát quan trai giới, không lo ngại đến gia tài, sự nghiệp. Ngài chỉ nói bấy nhiêu rồi mặc tưởng[36].

Các thiện tín mong được biết tiền tích, nên cầu thỉnh Ngài thuyết pháp. Ðức Phật bèn thuyết về truyện đức Bhūridata rằng. Atito kāle: Này chư thiện tín! Thuở xưa có một đức vua danh hiệu Brahmadata thống trị thủ đô Bārānasī. Ngài phong cho con ngài làm thứ vương. Không bao lâu đức vua thấy thứ vương có nhiều uy thế, nên lo sợ thứ vương đoạt ngôi vàng. Ngài bèn đòi vào phán rằng: “Này con! Con hãy ra khỏi thành tùy sở thích, khi nào cha thăng hà rồi con hãy về kế vị”. Hoàng tử vâng lời, lạy tạ lui ra khỏi đền, lần hồi đi đến sông Yamanā, tạo tịnh thất gần mé sông rồi ngự yên trong nơi ấy.

Thuở đó, có một long nữ tên là Mānavikā, chồng mới chết. Vị Long nữ này thấy các long nữ khác giàu sang vui thú với chồng, nên nàng buồn tủi về ái tình. Nàng bèn ra khỏi long cung, lên bờ biển, thấy dấu chân của hoàng tử. Giờ ấy hoàng tử đi hái trái trong rừng nên vắng mặt. Vào tịnh thất thấy các vật dụng của bậc xuất gia, Long nữ bèn nghĩ rằng: Ðây là tịnh thất của người tu ở rừng. Vậy ta nên thử thách đạo sĩ này, xem có phải là bậc chân tu không? Nếu thật là bậc chân tu thì không nằm trên giường có các thứ hoa mà ta trang hoàng đây. Bằng như không phải là bậc xuất gia theo đức tin chơn chánh thì sẽ nằm trên giường có rãi hoa. Long nữ bèn trở về chỗ ngụ, lấy các thứ hoa đem trần thiết phòng ngủ, có cả nước thơm, rồi nàng trở về cõi Rồng.

Khi hoàng tử trở về tịnh thất, thấy phòng ngủ có rãi hoa và nước thơm thì khen rằng: Ai đến trang hoàng phòng ngủ của ta như vầy, thật là làm cho ta vừa lòng phỉ dạ, rồi ngài nằm trên giường hoa ấy, ngủ cho đến rạng đông. Sáng sớm, ngài vào rừng hái trái độ nhật. Giờ đó, nàng Long nữ Mānavikā trở lại thấy hoa héo, thì biết rằng không phải là bậc chân tu. Nàng đem bỏ các hoa cũ, rồi rải hoa mới, xong nàng trở về chỗ ngụ. Hoàng tử về đến tịnh thất cũng lên giường nằm có rải hoa thơm ấy và nghĩ rằng: Ai đến đây trần thiết như vầy, có lẽ do nguyên nhân gì chăng, không sai.

Sáng ra, hoàng tử không vào rừng hái trái nữa. Ngài lánh mặt trong nơi gần đấy để rình xem, thấy nàng long nữ đem hoa và nước thơm đến tịnh thất. Hoàng tử thấy dung nhan xinh đẹp của nàng Mānavikā liền sanh tâm bồng bột, luyến ái nàng. Ðạo sĩ theo vào phòng nội, trong khi nàng Mānavikā đang trang hoàng chỗ nằm bằng các hoa thơm, đạo sĩ bèn đem lời thiện cảm mà nói rằng: “Nàng là ai, quí danh là chi?”

‒ Bạch, tôi là Long nữ Mānavikā.

‒ Này nàng! Có chồng hay chưa?

‒ Bạch, tôi là sương phụ[37]. Bạch quí danh ngài là chi, ở xứ mô, mà đến ngự trong nơi đây như vầy?

‒ Ta là hoàng tử của đức vua Bārānasī, tên là Brahmadata kumāra. Em bỏ Long cung đến đây, do nguyên nhân nào?

‒ Bạch, tôi thấy sự cao sang vui thú của các long nữ có chồng, nên tủi phận buồn teo, trải đi kiếm người quân tử để nương bóng tùng quân như vầy.

‒ Vậy em hãy lại đây, chúng ta chung sống cùng nhau, từ đây anh là chồng của em.

Nàng Long nữ tuân theo lời của hoàng tử, nàng liền hóa dinh thự có đủ vật dụng nhu cầu cao sang. Từ đây hoàng tử không phải vào rừng hái trái, vì có đủ món cần dùng.

Thời gian qua, nàng Long nữ sanh được một trai, đặt tên là Sāgara Brahmadata. Trẻ này vừa biết ăn, biết nói, lại sanh được một đứa gái nữa tên là Samuddhajā. Một hôm, có người thợ săn đi đến nơi ấy, được biết rõ hoàng tử bèn quì tâu rằng: “Tôi sẽ trở về tâu cho Hoàng gia biết chỗ ngụ của ngài” rồi lạy tạ từ hoàng tử trở về kinh đô Bārānasī. Trong khi đó, đức vua Bārānasī vừa thăng hà. Triều đình đang làm lễ hỏa táng, rồi câu hội trước đền, bàn luận cùng nhau rằng: Nay đức vua đã thăng hà, vậy chúng ta tôn ai lên ngôi báu. Có hoàng tử song không rõ nay ngài ngự trong nơi nào. Như thế chúng ta phải làm thế nào? Khi đó người thợ săn vừa về đến kinh đô Bārānasī, thấy có đông người hội họp trong nơi ấy và được nghe rõ duyên cớ, bèn báo cho các vị đại thần hay rằng: “Tôi biết rõ chỗ ngụ của hoàng tử, vì tôi đã có tới nơi đó”. Các quan nghe lấy làm vui mừng, liền ban thưởng trọng hậu cho người thợ săn, rồi dạy hắn hướng dẫn quân binh vào rừng lạy thỉnh hoàng tử, nghinh giá hồi trào, vì đức vua đã thăng hà rồi.

Ðược biết như thế, hoàng tử vào gần nàng Long nữ tỏ lời thiện cảm, hỏi rằng: “Này em yêu mến! Nay Phụ vương của anh đã băng hà, nên các quan đến thỉnh anh về kinh đô Bārānasī để kế vị. Vậy em nên theo cùng anh về hưởng quyền cao chức trọng, phú quí vinh hoa trong thủ đô Bārānasī. Anh sẽ tôn em làm hoàng hậu lớn hơn tất cả cung phi”.

‒ Thưa ngài, tôi không thể đi cùng ngài được. Tại sao? Vì tôi là loài rồng, khi có điều chi không vừa lòng nhẫn nại được, nếu đã phát sân thì tia nọc độc đến các cung phi, cùng chồng phải tử mệnh. Vì vậy, tôi không thể đi cùng ngài được.

Hoàng Tử vẫn nài nỉ, mà Long nữ vẫn quyết chối từ.

‒ Thưa, hai con đây là loài rồng, nếu ngài mến tôi, xin ngài chăm nom hai trẻ cho cẩn thận, bằng để cho hai trẻ bị gió nắng lúc nào, thì chúng sẽ chết ngay. Ngài nên dạy cho người đào ao, chứa nước cho đầy, dành cho hai trẻ xuống tắm chơi, thế chúng mới được an vui.

Thương hại thay! Cho nàng Long nữ Mānavikā, lạy hoàng tử, ẩm hai con hôn hít, nâng niu và cho nằm ngủ bên mình, ôm ấp tưng tiu, trước cảnh biệt ly tình mẫu tử, nàng đầm đìa giọt lệ rồi biết mất. Hoàng tử rất thảm sầu, tha thiết giọt lệ tuông rơi, ngài lau mặt xong, ra tiếp chuyện với các quan. Triều thần đồng thỉnh ngài về kinh đô Bārānasī. Về đến hoàng cung lên kế vị ngôi vàng, ngài phong quan tấn tước cho quan quân, chẩn bần dân chúng. Ngài dạy quân đào ao chứa nước cho đầy, trồng các thứ hoa thơm, dành cho hai con đến tắm mát, được an vui.

Ngày nọ, có con rùa to vào trong ao ấy, khi tìm đường ra không được, nên nổi lên mặt nước, làm cho hai trẻ hoảng sợ, chạy đến tâu cho Phụ vương rõ rằng, trong ao có con quái vật lội trên mặt nước, khiến chúng con rung sợ, xin Phụ vương dạy người bắt nó, đem đi lập tức cho được. Quan quân đồng nhau đến ao, bắt được con rùa to, đem nạp trước bệ rồng. Đức vua phát thịnh nộ, nên dạy đem giết rùa ấy. Có vị đại thần dạy vua nên đem liệng trong nước xoáy, cho nó chết. Rùa được liệng xuống nước, bèn lội đến cung điện Long vương Dasaratha. Vì oán vua bảo giết, nên rùa tâu dối với Long vương rằng: đức vua muốn gả công chúa cho Long vương. Long vương Dasaratha nghe qua rất hoan hỉ, liền đem binh rồng lên cõi người rước công chúa. Khi đến nhân gian. Cho người vào báo tin. Đức vua Bārānasī vì lo sơ uy lực thần thông biến hoá của Long vương, tuy rằng không có hứa, nhưng đức vua buộc lòng chịu gả công chúa cho Long vương. Khi trở về cùng Long vương dần dần công chúa sanh được 4 trai: Con trưởng tên Sudasana, thứ hai tên Subhoga, thứ ba tên Datakumāra (tức là đức Bồ-tát), có nhiều trí tuệ nên được cha mẹ thương yêu hơn cả, người con thứ tư tên là Ariṭṭha.

Lúc nọ, Long vương lên chầu đức Ðế Thích. Ðế Thích và Chư thiên có nhiều điều nan giải, nhờ có đức Bồ-tát giảng minh rõ rệt nên Ðế Thích hằng ngợi khen đức trí tuệ của bồ tát và tặng danh là Bhūridata (vì có nhiều trí tuệ). Ðức Bhūridata (bố tát) khi lên Ðao Lợi thiên cung thấy sự sang cả vinh hoa của đức Ðế Thích thì mong được về cõi trời, nên nghĩ rằng: Ta là loài thú không tốt, khi trở về cõi Rồng, ta sẽ thọ bát quan trai giới, để hưởng quả báo trong ngày vị lai.

Sau khi trở về Long cung, đức Bhūridata (Bồ-tát) vào xin cha mẹ cho phép ngài lên cõi người để giữ bát quan trai giới, cha mẹ ngài hết sức khuyên lơn ngăn cản, song ngài vẫn quyết trốn lên trần gian tu hành như ý muốn. Ngài chỉ cho Long nữ là vợ của ngài biết rằng: “Anh đi hành bát quan trai tại cây da to, gần mé sông Yamanā”. Ngài giữ được 10 điều học (thập giới) và phát nguyện rằng: “Kẻ nào mong được da, thịt, máu và xương trong thân thể ta, thì tùy sở thích”. Ngài thọ trì thập giới tại cây da ấy rất lâu.

Thuở đó, có hai cha con thợ săn, cha tên là Nesādabrāna, con là Somadatabrāna. Hai cha con thợ săn thường đi trong rừng, bắt thú để nuôi sống. Bữa nọ, tìm trọn ngày không được thịt thú. Người cha mới nói với con rằng: “Này con Somadata, nếu ta trở về nhà tay không như vầy, mẹ con bất bình, vậy ta cố tìm cho được thịt rồi sẽ về”. Nói xong hai cha con bèn đến cây da, nơi Bồ-tát ngự mà nghỉ đêm tại nơi ấy. Nữa đêm nghe có tiếng đờn ca xướng hát của các Long nữ đến chầu Bồ-tát. Thợ săn lén xem, các Long nữ thấy vậy nên biết mất, chỉ còn đức Bồ-tát mà thôi. Người thợ săn liền hỏi: “Này anh! Anh tên chi, từ đâu mà đến đây để làm gì?” Bồ-tát nghĩ rằng: Nếu ta tự xưng ta là Ðế Thích cũng được, nhưng không nên. Ngài bèn tỏ thật rằng: “Ta là Long vương có nhiều uy lực, cha ta là Dasaratha Long vương, mẹ ta là hoàng hậu Samuddhajā. Ta danh là Bhūridata”. Bồ-tát nghĩ, sợ thợ săn này trở về nói lại với thầy rắn đến phá hoại sự trì giới của ta. Vậy ta mời y xuống cõi Rồng, rồi cho báu vật đến y để ngừa sự tai hại ấy. Ngài bèn nói rằng: “Này, người thợ săn! Ngươi nên cùng ta đi đến cõi Rồng, ta sẽ ban thưởng nhiều báu vật đến ngươi”. Bồ-tát dẫn hai cha con người thợ săn xuống Long cung, cho hưởng sự cao sang phú quí, ban cho mỗi người có đủ vật dụng dinh thự, có 700 Long nữ hầu hạ, nên cha con được ở an vui nơi cõi Rồng.

Về phần Bồ-tát, ngài không dể duôi, vẫn tinh tấn thọ trì bát quan trai như thường. Nửa tháng ngài trở về Long cung một lần để viếng cha mẹ ngài và ngài không quên đến vấn an cha con người thợ săn, rồi mới vào cung nội của ngài.

Nói về người thợ săn, vì ít phước, nên ở lâu sanh lòng phiền não, nhớ vợ con trên nhân gian, vì vậy mong mỏi trở về. Người cha khuyên con phải tâu xin với đức Bồ-tát cho phép trở về nhà. Ðức Bồ-tát an ủi bảo thế nào cũng chẳng nghe, nên ngài ban cho nhiều báu vật, rồi sai bốn thanh niên rồng hộ tống hai cha con thợ săn về đến cõi người. Lên trần gian, lần hồi đi đến một ao nước, hai cha con để đồ trên bờ ao, rồi xuống tắm. Bởi ít phước nên những báu vật của Bồ-tát cho đó, đều tiêu mất. Khi tắm xong trở kên, hai cha con thấy của cải đã mất, rất mến tiếc. Lúc về đến nhà, vợ chồng cha con xum họp mừng rỡ. Sau đó người mẹ hỏi con Somadata rằng: “Này con Somadata! Cớ sao cha con và con đi đến nơi nào mà nay mới trở về?”

‒ Thưa, cha và con gặp đức Bhūridata là một vị Long vương, đem về cõi Rồng, ban cho đầy đủ sự sang cả, rồi khuyên bảo ở lại hưởng hạnh phúc nơi cõi ấy. Không bao lâu cha nhớ nhà, bảo con cùng trở về thăm mẹ và các em, nên nay mới được hội ngộ như vầy. Từ đây, hai cha con thợ săn vẫn vào rừng săn thịt, để nuôi mạng như xưa.

Nesāda kandaṃ nitthitaṃ – Dứt đoạn người thợ săn

 

Tadā dakkhiṇamahāsamuddhaṃ eko gruddho pakkavā mahate samudde uddakaṃ viññūhitvā ekaṃ māgarājanaṃ sīse gahi tadāhi supanināgānaṃ natuṭṭhaṃ gahetuṅ ajānanto evaṃ pacchāpaṇḍa rajātake jāninsu so pāna sīse gahetvāpi udake ajottharante evataṃ ukkhipitvā olampantaṃ ādāya himavantaṃ matṭṭhake pāyāsi ‒ Thuở ấy, có một Ðiểu vương[38] ở trên cây gòn gần phía đông bờ biển, có nhiều uy lực thần thông làm gió lớn, rẽ nước làm hai để bắt loài Rồng đem về núi Tuyết Sơn làm thực phẩm. Trong thời gian đó, có một người thợ săn ngụ trong thành Kāsikarāja từ bỏ gia đình, xuất gia tu đạo sĩ trong nơi ấy. Có cây da gần tịnh thất của vị đạo sĩ, là một nơi nghỉ trưa và cũng là chỗ đi kinh hành của ngài.

Một ngày nọ, Ðiểu vương bắt được rồng, bay đem đi ăn, ngang cây da, Rồng dùng đuôi khoanh siết chặt cây da mong thoát chết. Ðiểu vương không hay biết, dùng hết tốc lực bay lên làm cây da phải tróc gốc, đem Rồng đến cây gòn rồi mổ ăn, cây da sa xuống biển nghe tiếng ầm. Ðiểu vương xem biết là cây da, rồi nghĩ rằng cây da này là nơi tu hành của đạo sĩ. Tự hỏi như thế ta có tội chăng? Vậy ta đến hỏi đạo sĩ xem. Rồi biến thành thanh niên đến tịnh thất của đạo sĩ. Thấy đạo sĩ đang sửa sang chỗ cây da tróc gốc cho bằng phẳng. Thanh niên ấy giả như không biết chi cả, bèn bạch hỏi rằng: “Do nguyên nhân nào mà nơi đây có đất sụp như thế?”

‒ Này cậu thanh niên! Có một Ðiểu vương đi tìm thực phẩm, bắt được Long vương rồi đem đi, Long vương dùng đuôi siết chặt cây da, Ðiểu vương dùng sức mạnh bay, đem đi luôn cả.

‒ Bạch, Ðiểu vương vô ý làm cây da tróc gốc vì siết chặt, vậy ai có tội?

‒ Này thanh niên! Ðiểu vương vô ý làm cây da tróc gốc nên vô tội.

‒ Bạch, vậy Long vương có tội chăng?

‒ Này thanh niên! Long vương cũng vô tội, vì sợ chết mà siết chặt cây da.

Khi vị đạo sĩ đáp câu hỏi như thế, Ðiểu vương rất hài lòng nên bạch rằng: “Tôi đây là Ðiểu vương cao quý hơn tất cả các loài điểu, đến đây để hỏi ngài cho rõ chánh tà. Tôi rất hoan hỉ trong sạch với ngài. Tôi có chú ngữ[39] gọi là ālaṃbāyaṇa, xin dâng đến ngài, ngài học để dành”. Ðạo sĩ đáp: “Này thanh niên! Hãy trở về đi, ta không mong được chú ngữ đó đâu”. Ðiểu vương khuyên giải yêu cầu vị đạo sĩ học rồi trở về chỗ ngụ.

Về sau có người thợ săn nghèo khó, không nơi nương tựa, nên tính vào rừng tự tử. Ðến tịnh thất của vị đạo sĩ, xin ở đậu với ngài và hết lòng phụng sự đạo sĩ. Vị đạo sĩ nghĩ rằng: Người thợ săn đây có nhiều công đức với ta, vậy ta nên đem chú ngữ của Ðiểu vương mà truyền lại cho người thợ săn này. Xét như thế, rồi vị đạo sĩ cho biết ý. Người thợ săn bạch: “Tôi không cần chú ngữ đó đâu”. Vị đạo sĩ an ủi nhiều lần, rồi dạy chú ngữ ấy. Khi học xong, người thợ săn ở thêm vài ngày, rồi từ giã đạo sĩ ra đi khỏi nơi ấy. Vừa đi vừa đọc thầm chú ngữ theo đường đến sông Yamanā.

Trong khi đó, có các long nữ đều là vợ của Bồ-tát Bhūridata cầu mong được ngọc ma-ni cho được thành tựu như sở nguyện. Ra khỏi Long cung để ngọc ma-ni trên bãi cát, gần mé sông Yamanā, các long nữ đem nhau giỡn nước trọn đêm, có hào quang của ngọc ma-ni chói sáng. Ðến rạng đông mặt trời vừa mọc, các nàng trang điểm y phục rồi ngồi chung quanh ngọc ma-ni. Thình lình, các nàng nghe tiếng người thợ săn đọc chú ngữ, tưởng là Ðiểu vương hoảng hốt sợ chết, trốn về Long cung, bỏ ngọc ma-ni trên bãi cát. Nói về người thợ săn Ālaṃbāyaṇa đi đến thấy ngọc ma-ni, cả mừng, liền lượm đem đi, gặp hai cha con người thợ săn Somadata. Hai cha con người thợ săn này biết ngọc là ngọc ma-ni của Bhūridata Bồ-tát đã cho mình khi trước, nên tỏ lời thiện cảm với Ālaṃbāyaṇa rồi nói rằng: “Này Ālaṃbāyaṇa! Ngọc ma-ni rất quí, đem đến nhiều hạnh phúc cho thành tựu mọi điều mong muốn, anh được ngọc ma-ni đó từ đâu?”

‒ Này anh! Tôi được ngọc ma-ni này trên bãi biển hồi sáng sớm này.

‒ Này Ālaṃbāyaṇa! Ngọc ma-ni này nếu người biết gìn giữ chân chánh thì nó sẽ đem đến nhiều kết quả tốt đẹp, nếu không biết chăm nom cẩn thận ắt có tai hại chẳng sai.

‒ Anh là kẻ bất hạnh, không nên giữ ngọc ma-ni ấy, hãy cho tôi đi, tôi sẽ trả vàng bạc đến anh.

‒ Này anh thợ săn! Ngọc ma-ni của tôi rất quí, tôi không tin lời anh, tôi không bán cũng không đổi với bất cứ vật gì.

‒ Này Ālaṃbāyaṇa, anh không tin, không bán, vậy anh muốn cái chi?

‒ Nếu anh biết chỗ ngụ của Long vương có nhiều uy lực, cho tôi rõ giờ nào, tôi sẽ cho ngọc ấy đến anh trong giờ ấy.

‒ Vậy anh có phải là Ðiểu vương biết hoá ra để tìm thực phẩm chăng?

‒ Không, tôi là người thuần thục trong nghề bắt rắn, tôi có tên rõ rệt là Ālaṃbāyaṇa, nếu anh biết Long vương ở nơi nào hãy chỉ ngay đi.

‒ Này Ālaṃbāyaṇa, uy lực của anh như thế nào mà dám bắt Long vương?

‒ Này anh thợ săn! Ðiểu vương có dạy chú ngữ đến đạo sĩ đang tu hành trong núi, tôi vào ngụ nơi ấy và hết lòng phụng sự ngài cả ngày lẫn đêm, nên ngài từ bi thương xót rồi truyền chú ngữ ấy đến tôi. Chú ngữ rất linh ứng[40], vì thế mà họ gọi tôi là Ālaṃbāyaṇa. Tôi là thầy cả của thầy giết rắn đây.

Người thợ săn nghe qua liền bàn với con rằng: “Này con Somadata! Ta chỉ Bhūridata cho Ālaṃbāyaṇa đi, hay thế nào?”

‒ Thưa, đức Bhūridata có đại ân với ta, ngài cho cha hưởng được giàu sang vinh hiển, lẽ đâu cha lại lấy ơn đáp oán cho đành. Cha không nên làm điều tội lỗi như thế. Cha mong được của cải, hãy đến ngài mà xin đi, muốn bao nhiêu cũng được toại nguyện, nếu chỉ cho biết ngài Bhūridata thì thật là không nên. Cha chớ nên phản bạn, tội này thật là xấu xa đê hèn lắm, sẽ chịu hình phạt nặng nề trong địa ngục.

‒ Này con Somadata! Con còn nhỏ mà biết gì, những thợ săn xưa kia tạo biết bao nhiêu nghiệp ác mà họ đâu có chịu quả khổ chi, xuống tắm trong sông Hằng[41] thì hết tội. Nói xong, người thợ săn bèn dẫn Ālaṃbāyaṇa đến Bhūridata bồ-tát trong khi ngài đang thọ bát quan trai giới trong nơi đó.

Nói về người con Somadata là kẻ biết ơn, khi đã dùng hết lời để ngăn cản, cha không nghe, nên chỉ trí tuệch nhiều điều rồi tuyên bố cho Chư thiên nghe rằng: “Thưa Chư thiên, xin các ngài chứng minh, tôi không đi chung cùng người có tội như thế”. Somadata tuyên bố rồi lánh xa khỏi cha, xuất gia làm đạo sĩ, hành thiền đắc phạm định và thần thông, sau khi mạng chung, được sanh lên cõi trời Phạm thiên.

Người thợ săn gọi Ālaṃbāyaṇa rằng: “Anh đừng lo buồn, hãy theo tôi, sẽ được gặp Long vương”, rồi dẫn Ālaṃbāyaṇa đến chỗ Bhūridata trì giới chỉ cho Ālaṃbāyaṇa, anh hãy bắt Long vương và cho ngọc ma-ni cho đến tôi đi. Ālaṃbāyaṇa thấy Bồ-tát thì hoan hỉ vui thích, bèn liệng ngọc ma-ni trên bàn tay người thợ săn, ngọc ma-ni rớt xuống đất biến luôn về Long cung. Anh thợ săn bị tiêu tan ba điều lợi ích là: không được ngọc ma-ni, người con bỏ lánh đi mất, lìa xa bạn lành là đức Bồ-tát, vì hắn là kẻ bạc ơn. Bồ-tát liếc xem, thấy người thợ săn dẫn Ālaṃbāyaṇa đến, ngài bèn nghĩ rằng: Người thợ săn này nhờ ta đem xuống Long cung cho hưởng mọi điều hạnh phúc, khi về ta cho nhiều báu vật cũng lấy không được, nay lại dẫn thầy rắn đến hại ta, nếu ta bất bình làm hại hắn rất dễ, nhưng không nên vì ta là người thọ trì giới, vả lại ta đã phát nguyện rằng: Kẻ nào mong được da, thịt, máu và xương của ta thì hãy dùng tùy theo sở thích. Nay Ālaṃbāyaṇa muốn làm sao tùy ý, ta không khi nào sân hận bất bình. Ngài tưởng đến lời nguyện như vậy, rồi nhắm mắt nằm im không động đậy. Ālaṃbāyaṇa dùng thuốc nhai phun cùng mình, tay chân, đọc chú ngữ xong mới vào gần Bồ-tát, nắm đuôi kéo ra khỏi gò mối, nắm cứng đầu Bồ-tát rồi gở miệng ra, nhổ thuốc vào miệng Bồ-tát, thật đáng thương xót, xong nắm đuôi đưa lên, đầu trở xuống cho mửa vật thực ra, để nằm dài trên đất, kéo Bồ-tát tới, lui như thuộc da, máu chảy ra theo miệng và mũi, thật là vô cùng khổ não. Ðoạn hắn liệng trên đất làm khổ trăm bề như thế, mà Bồ-tát vẫn nhẫn nại không hề oán giận. Ngài không liếc xem chi cả, chỉ chăm chú trì bát quan trai cho trong sạch. Ālaṃbāyaṇa làm Bồ-tát yếu sức, mới bức dây làm giỏ nhốt Bồ-tát, Ālaṃbāyaṇa dùng chân đạp Bồ-tát vào, thật là đau đớn vô cùng, rồi quảy vào xóm mà báo tin cho dân chúng biết đến xem Rồng múa nhảy. Khi có người tụ hội đông đủ, Ālaṃbāyaṇa mở giỏ kêu Bồ-tát ra dạy làm thân hình to lớn, xong bảo làm nhỏ lại, làm cho cao, cho thấp. Làm mình cho đỏ, trắng, vàng, xanh, làm cho mất nửa mình, phun độc ra như nước, lửa, khói v.v… Ālaṃbāyaṇa dạy thế nào Bồ-tát cũng làm theo cả. Dân chúng xem rồi, ai ai cũng thương hại Bồ-tát, không ngăn được lệ tuôn. Ngày ấy Ālaṃbāyaṇa thâu góp tiền của dân chúng được 1000 lượng. Trước kia hắn nói khi được 1000 lượng thì hắn thả Bồ-tát, nay được 1000 lượng, hắn càng mong được nhiều hơn nữa. Ālaṃbāyaṇa đem Bồ-tát cho dân chúng xem từ làng này sang quận nọ, lần lượt đến kinh đô Bārānasī. Ālaṃbāyaṇa đem cơm tẩm mật cho Bồ-tát dùng, nhưng ngài không dùng. Ālaṃbāyaṇa vào chầu xin đức vua Bārānasī cho phép mang Bồ-tát vào múa trong đền. Đức vua cho bá cáo đến dân chúng hay, để vào xem Rồng của Ālaṃbāyaṇa múa trong ngày bát quan trai giới.

Nói về khi Ālaṃbāyaṇa bắt đức Bồ-tát, ngày đó, mẹ của ngài là hoàng hậu Samuddhajā, nằm mộng thấy người đen, mắt đỏ, cường tráng, cầm dao, lại chặt lấy tay mặt của bà đem đi, máu chảy ròng ròng. Giựt mình thức dậy, bà rất lo sợ có tai hại đến chồng con, nhất là nhớ tưởng đến Bồ-tát, vì Bồ-tát lên nhân gian thọ bát quan trai giới, có lẽ con bà bị thầy rắn bắt rồi chăng? Càng nhớ đến Bồ-tát bao nhiêu, thì bà càng đau đớn bấy nhiêu. Ðến nửa tháng mà không thấy Bồ-tát về, mẹ Ngài thêm buồn thảm, khóc tham không dứt, bỏ ăn quên ngủ. Nói về ba con của bà là: Sudasana, Ariṭṭha và Subhoga đến thăm mẹ, thấy mẹ rầu buồn não, khóc than, nằm im trên long sàn không thốt lời chi mừng rở như mọi khi, nên lấy làm lạ liền quỳ tâu hỏi cho biết duyên cớ. Bà liền cho ba con biết về điềm mộng mà bà đã thấy và đã quá kỳ rồi, nhưng không thấy con Bhūridata về thăm như mọi khi. Bà cho ba con hay rằng: “Nếu mẹ không gặp con Bhūridata thì khó sống được”. Nghe lời mẹ than van buồn xót dạ, mong tìm cho ra tin tức của Bồ-tát, bèn quỳ tâu với mẹ rằng: “Xin mẹ giảm cơn phiền não, để ba con hết lòng trải đi dò tin tức của Brūradata”. Người anh cả là Sudasana nghĩ rằng: Sự đi tìm Brūradata đây không nên đi chung một đường, vậy ta phải chia ra; một người đi lên cung trời, một người lên núi tuyết sơn, một người đi tìm trong cõi người. Cần phải đi tìm trong ba cõi mới tiện. Vả lại em Kānāriṭṭa hung dữ lắm, nếu để đi trên nhân gian gặp em Bhūridata trong châu quận nào, thì em đốt phá châu quận đó tiêu tan ra tro bụi. Sudasana, là anh cả, xét thấy như thế mới nói với em, Kānāriṭṭha rằng: Này em Ariṭṭha! Hôm nay định đi tìm em Bhūridata, nếu chúng ta đi cùng nhau một đường thì không nên, em lãnh phận sự lên thượng giới, vì Chư thiên, hằng mong thính pháp. Có lẽ Chư thiên muốn thỉnh em Bhūridata lên thiên cung chăng? Nếu gặp em Bhūridata, em nên mau mời về. Tuân theo lệnh anh, Kānāriṭṭha kiếu từ ra đi. Sudasana gọi em Subhoga đến dạy rằng: Em lãnh lệnh đi đến núi Tuyết sơn, phải tìm cho khắp núi sông, rồi sẽ trở về cho mẹ biết. Về phần Sudasana, là anh cả, lãnh trọn trách nhiệm lên nhân gian, nhưng nghĩ rằng: Nếu ta hoá ra một thanh niên đi tìm thì không hay bằng tướng mạo của người xuất gia. Bậc xuất gia là hạng đáng cho phần đông kính mến. Vậy ta nên đi dưới hình thức của vị đạo sĩ trong thời gian này. Nghĩ rồi bèn biến làm Ðạo sĩ, quỳ lạy từ giã mẹ, mong lên cõi người như thế.

Ngày ấy, có một long nữ tên Accamujī là em gái của đức Bồ-tát. Nàng Accamujī đây rất thương mến đức Bồ-tát, thấy Sudasana biến làm đạo sĩ định lên nhân gian kiếm Bhūridata nên thưa rằng: “Thưa anh, tôi rất khổ tâm vì quá nhớ tưởng đến anh Bhūridata, xin cho tôi đi tìm anh Bhūridata cùng với vương huynh, xin vương huynh tội nghiệp, từ bi cho em đi cùng”.

‒ Này em! Em cùng đi không tiện đâu, vì anh đi bằng tướng người đạo sĩ, em là người phụ nữ không tinh khiết cho bậc xuất gia, không nên đi cùng nhau đâu.

‒ Xin anh đừng lo ngại, tôi không đi bằng tướng người, tôi biến thành con nhái thật nhỏ và xanh, rồi ẩn trong búi tóc của anh.

‒ Ờ! Như thế thì được.

Nàng Accamujī biến thành làm con nhái xanh núp trong búi tóc của người anh là Sudasana.

Nói về Sudasana mong trải đi tìm từ nơi đức Bồ-tát thọ bát quan trai giới, theo lời chỉ của các long nữ vợ của Bồ-tát. Sudasana đến nơi đó, đạp nhằm những cục máu của em trai văng ra, và thấy chỗ mà Ālaṃbāyanā dùng dây làm giỏ còn bỏ rác tại đó, nên biết rằng Bhūridata đã bị thầy rắn bắt đem đi, rồi than rằng: “Ôi! Thầy rắn độc ác quá, đến làm tội em ta cho đến chảy máu còn thấy như vầy. Ôi! Không rõ em ta nay ra sao? Thầy rắn đem em ta đến nơi nào?” Ðạo sĩ càng nghĩ đến, càng đau đớn xót xa. Em Bhūridata Ôi! Em chưa từng bị đau khổ, chỉ quen hưởng sự cao sang hạnh phúc, nay em phải chịu khổ hình, nằm trong giỏ dây hẹp, trăm phần khổ não. Sudasana khóc than kể lể thật là thảm thiết, rồi noi theo dấu chân đi của Ālaṃbāyaṇa cho đến nơi Ālaṃbāyaṇa cho Bồ-tát múa, nhảy đầu tiên. Sudasana hỏi thăm người có thấy thầy rắn đem Rồng đến nhảy múa trong nơi nào chăng?

‒ Bạch đạo sĩ! Có người thầy rắn đem Rồng đến đây cho phần đông xem cách nay đã nửa tháng rồi.

‒ Này các ông! Thấy họ xem rồi có cho tiền thầy rắn không?

‒ Bạch, thầy rắn góp được 1000 lượng

‒ Thưa quý ông, nay thầy rắn đem Rồng đến đâu?

Nhờ người chỉ giùm, nên đạo sĩ lần hồi đến đền vua Bārānasī. Khi Sudasana vừa đến cửa thành cũng vừa gặp Ālaṃbāyaṇa dạy người quảy giỏ đựng Bồ-tát đồng đi vào thành. Khi vào thành nội, đến giờ diễn kịch, đức vua còn ngự trong cung nội, dạy các quan ra cho phép diễn cho dân chúng xem trước.

Về Ālaṃbāyaṇa dạy người để giỏ đựng Bồ-tát xuống, rồi ra dấu hiệu rằng: “Này Long vương! Ngươi hãy ra khỏi giỏ đi”. Lúc ấy Sudasana nghe rõ lệnh truyền của Ālaṃbāyaṇa. Ðức Bồ-tát bèn nghiêng đầu ra khỏi giỏ liếc xem dân chúng trước khi diễn kịch, đây là thói quen của loài Rồng, do hai nguyên nhân là: tìm xem Ðiểu vương, tìm xem thân thuộc. Các loài Rồng nếu thấy Ðiểu vương thì không dám diễn kịch, vì sợ hại đến sinh mạng. Nếu gặp quyến thuộc, Rồng cũng không diễn kịch, vì hổ thẹn với thân tộc. Khi Bhūridata (bồ tát) liếc xem công chúng như thế, bèn thấy anh mình là Sudasana biến hình làm đạo sĩ, đứng ở nơi cuối cùng công chúng. Ðức Bồ-tát không thể dằn lòng, hai hàng lệ tuôn rơi, ngài ra khỏi giỏ rồi trườn mình đi đến trước mặt Sudasana là anh ngài, trong lúc ấy. Quần chúng thấy đức Bồ-tát trườn đến, mọi người hoảng hốt, chạy tránh xa chẳng ai dám đứng trong nơi ấy, chỉ còn Sudasana (đạo sĩ). Ðức Bồ-tát bò đến nghiêng đầu xuống nơi chân anh và rơi lệ. Trước cảnh tan thương ấy đạo sĩ Sudasana cầm lòng không đậu, cũng ứa lệ dầm dề, rồi đức Bồ-tát trườn mình trở lại như trước. Ālaṃbāyaṇa tưởng rằng Rồng mình đã mổ đạo sĩ, nên vội vàng đến an ủi đạo sĩ và bạch rằng: “Bạch Rồng có cắn mổ ngài chăng? Xin ngài cho biết để tôi cho thuốc. Tôi là thầy rắn đại tài, xin ngài đừng lo ngại chi, sự cứu chữa cho ngài là bổn phận tôi”. Sudasana đáp: “Này Ālaṃbāyaṇa, Rồng này không thể cắn mổ làm cho ta phải đau khổ đâu, dẫu có cắn mổ cũng chẳng làm hại được ta, ta đây cũng là thầy rắn vậy. Chẳng có thầy rắn nào sánh bằng ta đâu”. Khi Sudasana thốt lời như thế, Ālaṃbāyaṇa không rõ đạo sĩ là Long vương, cho là người tầm thường, nên anh rất bất bình, rồi tuyên bố với quần chúng như vầy: Xin công chúng đừng khiển trách tôi, vì tại đạo sĩ gây chuyện trước. Khi được nghe như thế, Sudasana đáp: “Này Ālaṃbāyaṇa! Anh đừng làm phiền công chúng, nếu anh nói mình là cao cường hãy cùng ta so tài cho quần chúng thấy rõ, anh dùng Rồng, tôi dùng con nhái con, để đấu cho nhau rõ tài cao thấp, với số bạc là 5 ngàn lượng”.

‒ Tôi giàu có không thiếu, chỉ lo cho ông không có tiền. Này đạo sĩ! Ông là kẻ nghèo chỉ khoe khoang bằng lỗ miệng dám đánh cược[42] đến 5 ngàn lượng. Vậy ai là người hộ ông, ông là hàng xuất gia, tiền bạc đâu? Ông hãy đem đến trước đi.

‒ Này Ālaṃbāyaṇa, ta có 5 ngàn lượng thật.

Nói xong, Sudasana vào đền nội của vua đến trước bệ Rồng tâu rằng: “Tâu Hoàng thượng, người là bậc cao quí, có cả đủ sự giàu sang, danh vang bốn bể, cầu Hoàng thượng nghe lời tôi tâu. Xin Hoàng thượng tế độ cho tôi 5 ngàn lượng, bây giờ đây”. Ðức vua nghe qua, lấy làm ngạc nhiên rằng: Tại sao đạo sĩ này đến xin tiền ta như vầy? Ngài nghĩ xong bèn phán hỏi: “Bạch ngài, đến xin tiền ta nhiều như vậy, có lẽ ngài là thân tộc hay bạn thân thiết của trẫm chăng? Trẫm đã có hứa trước nên mới đến như vầy, hoặc ngài dối gạt trẫm chăng? Nên ngài mới tự mình đến đây như thế?”

‒ Tâu, nay Ālaṃbāyaṇa đánh cuộc với tôi 5 ngàn lượng, với một vấn đề trắc ẩn. Do đó, nên tôi đến đây xin ngài 5 ngàn lượng và xin thỉnh Hoàng thượng ra chứng minh một chút. Vậy kính thỉnh Hoàng thượng cùng tôi ra đến đó.

Ðức vua cùng đạo sĩ ra nơi diễn kịch. Phần Ālaṃbāyaṇa thấy bèn nghĩ rằng: Có lẽ đạo sĩ này có đức vua hộ độ, nên mới thỉnh được vua ra đây. Xét như thế nên có ý lo sợ đạo sĩ. Ālaṃbāyaṇa bạch: “Tôi không dám khinh rẽ ngài đâu, tôi vừa nói lúc nảy là vì thấy ngài không kiêng nể, không cúng dường Rồng có nọc độc. Tôi đâu có khinh ngài hiểu biết thấp hèn”.

‒ Này Ālaṃbāyaṇa! Bởi ngươi đem Rồng không có nọc độc mà cho rằng có nọc độc, nên ta cho công chúng rõ biết vậy thôi.

Nghe lời khinh khi của đạo sĩ, Ālaṃbāyaṇa càng thêm sân nên đáp rằng: “Này ông đạo sĩ mặc y vàng da cọp, dốt nát si mê, ông đến đây dám nói giữa đám đông rằng Rồng không có nọc độc, như vậy có nên chăng? Ôi! Nếu tôi nói rằng Rồng không nọc độc, thử vào gần đây một tí, nếu không ra tro bụi thì bắt lấy đi”.

‒ Này Ālaṃbāyaṇa! Nọc rắn mãng xà, rắn nước, rắn lục còn hơn Rồng của ngươi nữa. Rồng đỏ này không có nọc độc, ngươi lừa phỉnh người đó, chớ dối ta không được.

‒ Này đạo sĩ! Như tôi đã có nghe rằng: Người có đức tin là thí chủ, nên hộ độ có bậc giới như A-la-hán, có thiền định cao quí, sau khi mạng chung sẽ được thọ sanh lên cõi trời. Nay nếu ai là đàn-na có vật chi hãy bố thí mau đi, để rồi đạo sĩ này đền tội với Rồng. Rồng này có nhiều nọc độc khó biết được, ta cho nó mổ ông bay giờ đây, sẽ thành ra tro bụi mà xem.

‒ Này Ālaṃbāyaṇa! Nếu ngươi có của nên làm phước cho mau đi, rồi ta cho nhái con tên là Accamujī xịt nọc độc cho ngươi thành tro bụi lập tức bây giờ.

Sudasana liền đưa tay ra gọi em gái giữa quần chúng rằng: “Này em Accamujī! Em hãy ra khỏi đầu tóc và đến bàn tay của anh ngay bây giờ”. Nàng Accamujī nghe anh gọi, bèn thực hành y theo lời dạy. Sudasana hét lên ba tiếng “Biên thùy sẽ tiêu tan”. Tiếng hét của Sudasana nghe vang cả thành Bārānasī rộng 12 do tuần. Khi Sudasana hét lên rằng “Biên thùy sẽ tiêu tan” lúc ấy đức vua Sagarabrahmadata phán hỏi: “Bạch đạo sĩ, tại sao biên thùy sẽ tiêu tan?”

‒ Tâu, tôi không thấy nơi nào để xịt nọc độc, nên phải xịt trong biên thùy, biên thùy sẽ thành ra tro bụi.

‒ Vậy đổ xuống đất có được chăng?

‒ Tâu, nếu xịt trong đất sẽ sanh lên nọc mới, rồi làm hại nữa.

‒ Vậy liệng trong nước đi.

‒ Như thế làm hạn hán 7 năm, cũng không nên.

‒ Than ôi! Tôi chẳng biết làm sao, tùy ý ngài định, mà làm thế nào cho xóm, làng, châu, quận thành thị đừng hư hao.

‒ Tâu, xin Hoàng thượng cho người đào ba cái hầm.

Ðức vua dạy dân chúng lập tức đào ba cái hầm tại nơi ấy. Sudasana dạy lấy củi chất đầy hầm thứ nhất, rồi đem nọc độc đổ vào cho đầy, liền dẫn lửa phát cháy hầm thứ nhất, kế đến hầm thứ nhì, thứ ba cũng như thế cho đến khi cháy hết nọc độc. Nói về Ālaṃbāyaṇa bởi nghiệp ác đã tạo, nên khiến y đứng gần miệng hầm, khi lửa trong hầm phát, cháy thiêu cả thân thể Ālaṃbāyaṇa tiêu tan ra tro. Trong lúc đó, chỉ được nghe tiếng Ālaṃbāyaṇa la lên rằng: “Ta thả Rồng này”. Ðức Bồ-tát nghe tiếng la của Ālaṃbāyaṇa như vậy, liền bò ra khỏi giỏ, rồi hoá ra hình người xinh đẹp, có đủ cả phục sức, đến đứng trước mặt đức vua Bārānasī là bác của ngài, giống như vị trời Ðế Thích. Sudasana và nàng Accamujī cũng trang điểm như Bồ-tát vậy. Sudasana bèn hỏi đức vua rằng: “Tâu Hoàng thượng, ngài có biết chúng tôi đây là ai chăng?”

‒ Trẫm nào có rõ.

‒ Tâu, lệnh Hoàng thượng không biết chúng tôi, vậy hoàng thượng có biết Samuddhajā mà đức vua Bārānasī đã gả cho đức Long vương Dasaraṭṭha chăng?

‒ Ờ, trẫm biết nàng Samuddhajā, tức là em của trẫm.

‒ Tâu, chúng tôi đây không ai đâu xa lạ, tức là con của bà Samuddhajā là em gái của lệnh Hoàng thượng, ngài là bác của chúng tôi.

Ðược nghe như thế, đức vua rất mừng, bèn đến ôm các cháu, rồi đồng nhau vào cung nội, cúng dường rất trọng thể. Đức vua tỏ lời thiện cảm hỏi Bhūridata (Bồ-tát) rằng: “Cháu ôi! Trong tất cả các cháu đây, cháu có nhiều uy lực thần thông, vì sao mà Ālaṃbāyaṇa bắt cháu được?”

‒ Tâu, vì cháu đang thọ trì bát quan trai giới và phát nguyện thí máu, xương, thịt, da cho đức vua nghe đầy đủ, xong đức Bồ-tát thuyết 10 vương pháp[43] đến đức vua bác và khuyên Ngài gìn giữ 10 pháp ấy.

Sudasana tâu: “Chúng tôi ở đây lâu không tiện, vì mẹ chúng tôi rất buồn rầu thương nhớ em Bhūridata”.

‒ Trẫm đây hằng nhớ tưởng em trẫm, là mẹ các cháu. Làm thế nào cho trẫm được gặp em trẫm?

‒ Tâu, ông ngoại của các cháu hiện nay ngụ trong nơi nào?

‒ Cháu ôi! Từ ngày mẹ cháu về Long cung, thì ông ngoại các cháu rất thương nhớ, rồi từ bỏ ngôi vàng vào tu trong núi.

‒ Tâu, mẹ cháu, thường nhớ tưởng, mong được gặp bác và ông ngoại. Nay bác mong được gặp mẹ cháu, xin bác di tìm ông ngoại thỉnh về, rồi chúng cháu sẽ mời mẹ chúng cháu gặp bác và ông ngoại.

Sau khi quyết định ngày hội họp, Sudasana, Bhūridata, và long nữ Accamujī lạy từ giã vua bác, trở về Long cung. Khi đức Bồ-tát về đến Long cung, tất cả triều thần đều nghe tiếng hoan hô chào mừng Bồ-tát. Cha mẹ Bồ-tát ra mừng, Bồ-tát làm lễ mừng cha mẹ, xong rồi trở về cung điện của ngài. Bồ-tát an nghỉ để dưỡng sức, vì đã chịu nhiều đau khổ trong tháng qua. Những thân tộc của Bồ-tát đến viếng, lần lượt kẻ tới người lui nhiều không kể xiết.

Nói về Kānāriṭṭha lên Thiên cung, tìm không gặp đức Bồ-tát nên trở về nước, những hoàng thân thấy Kānāriṭṭha có tính cộc cằn, có thể ngăn cản thân tộc được, nên khuyên giữ ngọ môn cho Bồ-tát an nghỉ. Còn Subhoga khi lãnh trách nhiệm đi tìm Bồ-tát khắp núi Tuyết Sơn mà không gặp, bèn xuống kiếm trong biển cho đến sông Yamanā.

Nói về người thợ săn là cha của Somada khi thấy Ālaṃbāyaṇa bị hình phạt như thế, nên nghĩ rằng: Vì ta mong được ngọc ma-ni nên chỉ cho Ālaṃbāyaṇa đến làm khổ đức Bhūridata. Vậy ta phải rửa tội, đừng cho tội dính theo mình, rồi đến sông Yamanā, xuống tắm, khẩn cầu cho hết tội lấy ơn làm oán, ấy là người bạc ơn quên nghĩa với đức Bhūridata. Khi Subhoga đến nơi đó, vừa được nghe lời khẩn vái của người thợ săn, nghĩ rằng: Thợ săn này là kẻ bạc ơn, anh ta đem hắn về Long cung để hưởng đầy đủ sự sang cả an vui, nay hắn lại chỉ đường cho Ālaṃbāyaṇa đến bắt làm khổ anh ta, ta để hắn sống thế nào cho được v.v… Nghĩ rồi phát sân, bèn dùng đuôi quấn chân người thợ săn lội qua vực sâu nhận cho hắn ngộp thở một chút rồi cho nổi lên, làm khổ hắn nhiều lần như vậy. Khi người thợ săn cất đầu lên khỏi nước bèn hỏi: “Ai nhận nước ta đây, ta đang rửa tội, sao mà nở làm khổ ta như vậy?”

‒ Này thợ săn! Ta là em của đức Bhūridata con của đức vua Dasaratha đã đến vây thành Bārānasī lúc trước đó, ngươi không biết sao? Ta là loài Rồng tên Subhoga.

Thợ săn nghe rồi khủng khiếp. Ôi phen này mạng ta khó sống. Vậy ta nên tỏ lời ca tụng danh đức của Subhoga và cha mẹ y, mong cầu Subhoga thương xót tha thứ cho. Nghĩ xong bèn thưa rằng: “Thưa ngài, ngài là hoàng tử của đức vua Dasaratha là vị Hoàng đế duy nhất, có nhiều đức hạnh không ai sánh bằng. Hoàng phụ của ngài và đại Hoàng đế cả hai cõi, nơi Long cung và trên trần gian, mẫu hậu ngài cũng thế, không ai sánh kịp. Trong đời này, ngài là bậc cao sang quân tử lẽ đâu lại đến nhận nước thợ săn như tôi thế này, xin ngài rộng lượng từ bi tha tôi tội chết.

‒ Này thợ săn ác đức! Ngươi đừng nhiều lời vô ích, ta không tha ngươi đâu. Khi ngươi còn đi săn, sát hại thú rừng, thú chạy trốn, cha con ngươi đuổi theo cố tìm giết cho được. Anh của ta đem ngươi xuống Long cung, cho ngươi hưởng đầy đủ sự giàu sang phú túc, kẻ tùy tùng hậu hạ, ngươi lại đem ân báo oán, chỉ đường cho Ālaṃbāyaṇa bắt hành hạ anh ta. Nay ta không thể cho ngươi sống đâu, ta nghĩ đến tội của ngươi đã làm chừng nào, khiến ta càng thêm phiền não, ta sẽ chặt đầu ngươi ngay bây giờ đây.

Nghe những lời của Subhoga nói, anh thợ săn càng hoảng hốt, mới dùng mưu chước tỏ rằng: “Bà-la-môn có đủ ba chi: hiểu Tam phệ đà, biết trong sự xin ăn, cúng dường lửa. Bà-la-môn nào thông rõ kinh Tam phệ đà như vậy, ngươi không nên giết hại. Kẻ nào làm khổ Bà-la-môn có đủ ba chi ấy, phải chịu đọa trong địa ngục, bị hành phạt lâu đời”. Subhoga nghe lời người thợ săn nói như vậy, liền nghĩ rằng: Có lẽ như thế chăng? Vậy ta bắt thợ săn này đem về hỏi anh ta xem, nếu thật ta sẽ tha hắn, bằng không ta sẽ xử tội hắn. Nghĩ xong, Subhoga dẫn thợ săn về Long cung. Trước khi vào đền, liền gặp em Kānāriṭṭha lãnh phần gác cửa cho anh Bhūridata

Athanaṃ dovāriko hutvā kānāriṭṭho ‒ Nói về Kārāriṭṭha tại ngọ môn quan, thấy anh là Subhoga làm khổ Bà-la-môn nên nói rằng: “Bà-la-môn là con Ðại Phạm thiên vương, nếu ngài biết chúng ta hại con ngài, ngài sẽ làm cho chúng ta tiêu tan chẳng sai đâu. Này anh Subhoga! Bà-la-môn là hạng cao quí nhất, có nhiều uy lực” (vì tiền kiếp Ariṭṭha đã sanh là Bà-la-môn cúng dường lửa, nay sanh lên là Kānāriṭṭha mới tôn kính cúng dường Bà-la-môn như vậy).

Kānāriṭṭha gọi anh Subhoga và các loại Rồng hội họp lại rồi thuyết theo cái hiểu lệc lạc của mình về đạo đức cúng dường lửa của Bà-la-môn rằng: “Này anh Subhoga! sự thông hiểu kinh Tam-phệ-đà và cúng dường lửa không phải là thấp hèn đâu, dầu cho Bà-la-môn nào hèn hạ, nếu đã được học kinh phệ đà và cúng dường lửa, người người đều kính phục chẳng nên làm khổ Bà-la-môn ấy; kẻ nào dể duôi khinh rẻ, họ sẽ bị tiêu tan của cải và hại đến sinh mệnh”. ‒ “Này anh Subhoga! Anh có biết chúng sanh trong thế gian, ai sanh ra chăng?” ‒ “Tất cả chúng sanh đều do Ðại Phạm thiên Vương mà có, Ðại Phạm thiên Vương là cha của Bà-la-môn. Ngài tạo ra tất cả, ngài chia ra hạng người da đen, trắng, vàng v.v… dòng vua, quan, dân… Ngài dạy Bà-la-môn chỉ nên học kinh phệ đà, cúng dường lửa, hàng vua chúa không nên làm công việc khác ngoài sự thắng kẻ nghịch và gìn giữ bờ cõi nước nhà; kẻ nông phu chỉ học nghề cày cấy mà thôi v.v…” ‒ “Này anh Subhoga! Bà-la-môn có nhiều đức tính đáng tôn sùng dâng cúng, các thí chủ sẽ được lên cõi trời, mặt trăng v.v… đều nhờ cúng dường các Bà-la-môn mà được hưởng nhiều hạnh phúc như thế. Thuở xưa, có một vị vua tên Anuja có đủ binh hùng tướng mạnh đáng sợ. Ngài tinh tấn cúng dường lửa, cung cấp các thầy Bà-la-môn, nên sau khi thăng hà được thọ sanh lên cõi trời. Còn một vị vua nữa, thống trị trong kinh đô Bārānasī. Đức vua này cũng tin theo các thầy Bà-la-môn, cúng dường các ngài được đầy đủ an vui, sau khi bỏ ngủ uẩn cũng được lên thiên cung. Anh nên biết, Bà-la-môn là bậc đáng cúng dường trong đời. Có một vị Hoàng đế nữa hiệu là Jupujadinna trong thủ đô Bārānasī cố ý mong về cõi trời, rồi phán hỏi các vị Bà-la-môn, các ngài khuyên dạy cúng dường các thầy Bà-la-môn và Chư thiên của Bà-la-môn (trời của Bà-la-môn tức là lửa, cho lửa ăn sữa v.v…) đức Hoàng đế nghe rồi tinh tấn thực hành theo, sau khi mạng chung cũng được lên Thiên cung. Này anh Subhoga! Anh có biết nước biển vì sao mà mặn không?” ‒ “Anh đâu có rõ”. ‒ “Anh chỉ làm khổ Bà-la-môn, anh có biết vì nguyên nhân nào mà nước biển mặn. Các Bà-la-môn có thuật lại rằng: Thuở xưa có một vị Bà-la-môn, có nhiều đức tính, thông hiểu kinh phệ đà, mong rửa tội, nên xuống biển vì thương mình theo cách rửa tội. Lúc ấy nước biển lớn lên tràn ngập vị Bà-la-môn cho đến chết. Ðức Phạm thiên là cha của vị Bà-la-môn ấy, khi được rõ nước biển lên lấp khỏi đầu, hại con ngài, nên Ngài giận mới phán rằng: “Từ đây nước biển phải mặn, không một ai uống được”. Cho nên từ đó đến nay nước biển vẫn mặn không một ai uống được. Này anh Subhoga! Vị Bà-la-môn này có nhiều đức tánh là bậc đáng cúng dường của trời Ðế Thích”. Kānāriṭṭha tán dương uy đức kinh Phệ đà và Bà-la-môn theo sự tín ngưỡng của y là tà kiến, sai pháp luật như thế.

Tất cả loài Rồng đến thăm và hầu hạ đức Bồ-tát, khi được nghe lời giảng giải của Kānāriṭṭha đều tin theo tà kiến cả, vì cho rằng Kānāriṭṭha nói đúng. Ðức Bồ-tát nằm trên long sàn nghe Kānāriṭṭha thuyết từ đầu đến cuối, ngài bèn nghĩ rằng: Ðể ta phá nghi cho phần đông khỏi lầm lạc, bỏ hẳn tà kiến mà theo về chánh kiến. Ngài bèn dậy đi tắm rửa xong, lên ngồi trên bảo tọa, gọi tất cả đến nghe rằng: “Này Kānāriṭṭha! Những lời em giảng về đức của kinh Phệ đà, sự cúng dường, với đức của Bà-la-môn đều là tà kiến, mà các thầy Bà-la-môn soạn để lại cho chúng được phát sanh lợi lộc. Các bậc trí tuệ không bao giờ tin tưởng những điều ấy. Sự cúng dường lửa không đem về cõi trời được. Lời của em giải đó, anh không nhận một câu nào là chơn chánh cả.

Này em Kānāriṭṭha! Những người đọc đủ Tam-phệ-đà, chỉ làm cho những kẻ si mê, lầm lạc, chớ bậc trí tuệ không ai vừa lòng nghe đâu. Những kẻ ngu dốt mới chịu lời dạy bảo ấy. Nếu ai tin theo ắt phải sa vào bốn ác đạo. Ví như loài thú thấy sóng nắng tưởng là nước, mong được uống, nhưng nào có nước, rồi phải chịu chết khát giữa trời như thế nào, thì kẻ si mê vô trí tuệ, khi nghe thấy không phân biệt, hiểu quấy theo Tam-phệ-đà, thực hành theo thân khẩu, ý ác, sai lời Phật dạy ắt sẽ bị hại trong kiếp này và đời sau, cũng như loài thú thấy sóng nước cho là nước vậy.

Này em Kānāriṭṭha! Kẻ ngu dốt lầm lạc theo Tam-phệ-đà, làm điều tội lỗi, tạo nghiệp ác, phản bạn, hành trái với chân lý, khi quả theo kịp sẽ chịu nhiều thống khổ. Không nên nương theo Tam-phệ-đà đâu. Cái quả học Tam phệ đà không sao che ngăn ác quả mà mình đã tạo, do đấy bậc trí tuệ không gọi là pháp cao quý đâu.

Này em Kānāriṭṭha! Lời mà Bà-la-môn nói Ðại Phạm thiên dạy các đức vua phải chiến thắng kẻ thù nghịch, gìn giữ biên cương đó, tin thế nào được. Này em Kānāriṭṭha! Tam-phệ-đà là lời ghi chép tô điểm để lại của các Bà-la-môn theo sở thích, cũng như chỉ dụ của vua, nếu không lưu ý quan sát, thì khó phân biệt chân giả chánh tà. Ví như đường bị ngập, nếu thiếu óc suy xét thì khó đi được an vui.

Này em Kānāriṭṭha! những người giàu có tận tụy tìm làm công việc là nhân mong được của cải, các Bà-la-môn cũng có tâm xan tham tạo những tội ác là nhân sanh tội lỗi như thế, vì còn đều đủ 8 điều pháp thế gian[44] là: Ðược lợi thì mừng, thất lợi thì buồn, được quyền thì vui, mất quyền thì khổ v.v… Các Bà-la-môn đây khác hẳn các Bà-la-môn ngày xưa, bởi không thực hành chánh pháp theo Bà-la-môn trước, không có trí tuệ quan sát chu đáo, để tìm tội phước chánh tà. Này em Kānāriṭṭha! Chúng sanh hiệu hữu chẳng có một ai lìa khỏi 8 pháp thế gian đâu; các Bà-la-môn cũng chưa khỏi, vẫn còn xao động vì 8 pháp thế gian giống nhau. Những điều giả dối phỉnh người là cao quí. Họ chú tâm đế sự lợi lộc mong quyền thế mãi mãi, như thế thì cao quí chỗ nào?”

Khi đức Bồ-tát là bậc sẽ giác ngộ Chánh đẳng Chánh giác, ngài giảng thuyết phá tan tà kiến như thế, khiến những loài Rồng bộ hạ, nhất là em Kānāriṭṭha đều trở nên chánh kiến theo ngài như thế.

Về phần các loại Rồng, sau khi được nghe chánh pháp của đức Bồ-tát phát tâm hoan hỷ, ưa thích, hoan hô đức trí tuệ của Bồ-tát. Ðức Bồ-tát dạy đem người thợ săn thả về nhân gian.

Sāgarabrahmadanto. Ðây nhắc lại về đức vua Sāgarabrahmadanto là vua bác của đức Bồ-tát. Đức vua không quên lời hứa với các cháu của ngài, nhất là với đức Bồ-tát. Ðến ngày hẹn, đức vua cùng các quan ngự đến tịnh thất, chỗ ngụ của vị đạo sĩ, là Phụ vương của ngài. Về phần đức Bồ-tát, ngài cũng tâu với cha mẹ ngài hay, và thỉnh song thân của ngài đồng lên nhân gian để viếng vua bác và ngoại tổ, có quân lính rồng hộ giá Hoàng gia đến sông Yamanā, ngự ngay đến tịnh thất của vị đạo sĩ ngoại tổ. Ðức Bồ-tát ngự đi trước các anh em và cha mẹ ngài lần lượt đến sau. Ðức vua Bārānasī là vua bác đã đến trước trong tịnh thất của Phụ vương ngài; xem thấy đức Bồ-tát đến với rất nhiều quân binh, đức vua nhận không biết là cháu, mới bạch hỏi Phụ vương rằng: “Tâu Phụ vương. Đức vua ngự đến đó có đủ quân binh hộ giá, trang sức đủ 7 báu chói lọi rực rỡ xem rất ngoạn mục. Đức vua này uy phong lẩm liệt, đường đường chính chính như Ðế Thích thắng hơn A-tu-la vương. Đức vua này danh hiệu là chi? Ngự trong kinh đô nào?” Ðức Ðạo sĩ đã đắc ngũ thông có nhiều uy lực, khi nghe vua Sāgarabrahmadata, là hoàng nhi của ngài, tâu hỏi như thế, mới đáp rằng: “Này hoàng nhi! Đức vua đấy không phải là ai xa lạ, tức là cháu của hoàng nhi tên Bhūridata là con của nàng Samuddhajā, em gái của hoàng nhi và là vợ của Long vương Dasaratha dưới Long cung”. Khi đức vua Sāgarabrahmadata đang đàm thoại cùng Phụ vương thì các tướng Rồng đến, vào quì mọp làm lễ rồi ngồi nơi phải lẽ.

Về phần Bhūridata (Bồ-tát), Sudasana, Subhoga, Kānāriṭṭha và đức Long vương Dasaratha đồng nhau làm lễ vị đạo sĩ và đức vua Sāgarabrahmadata. Khi đó, đáng thương xót cho nàng Samuddhajā từ ngày nàng xa cách vương huynh của nàng là Sāgarabramadata, ngự xuống long cung, đến nay rất lâu, cho đến khi cả bốn con của nàng trưởng thành, nàng mới được gặp anh. Lạy cha, mừng anh rồi, nàng than khóc kể lể chuyện hàn huyên ấm lạnh, cơn nhớ tưởng thiết tha, tình thương yêu thân thiết với cha và anh. Khi đã được giải buồn, bà hỏi thăm chuyện trò cho đến hừng sáng. Nàng Samuddhajā và bốn con, đồng nhau lạy từ biệt đức đạo sĩ và đức vua Sāgarabramadata trở về Long cung. Phần đức vua Sāgarabramadata ngự lưu lại với đạo sĩ là Phụ vương của ngài đến hai, ba ngày sau mới từ tạ trở về kinh đô Bārānasī. Nàng Samuddhajā về Long cung cho đến ngày mạng chung tại cõi Rồng. Ðức Bhūridata (Bồ-tát) hằng thọ trì giới được trong sạch cho đến ngày tan rã ngũ uẩn, được sinh lên Thiên cung. Những loài rồng nghe theo lời dạy bảo của đức Bồ-tát cũng được lên cõi trời rất đông.

Saṭṭhā – Ðức Giáo chủ khi đã thuyết xong bèn giảng tiếp rằng: “Này chư thiện tín! Cận sự nam là bậc hiền minh ngày xưa là Như Lai đây, dẫu trong kiếp trước. Như Lai lộn kiếp là Bhūridata (Bồ-tát) cũng từ bỏ sự cao sang quyền thế nơi cõi rồng, tìm chỗ để thọ bát quan trai giới không dể duôi, như thế”.

Ðức Phật giảng xong, ngài hợp các tiền kiếp lại như vầy: Tadā kale mātāpitato – Trong thuở đó, đức hàng phụ và mẫu hậu của Bhūridata nay là Tịnh Phạn Vương và Māyā hoàng hậu; (Nesado) – người thợ săn nay là Ðề Bà Ðạt Ða, Samadato (Somadata) nay là Ananda, (Accamujī) – nàng Accamujī nay là tỳ khưu ni Upavannatherī – Sudasana nay là đức Xá Lợi Phất, Subhoga nay là Ðại Ðức Mục Kiền Liên, Kānāriṭṭha nay là tỳ khưu Sunakkhatatha, Bhūridata nay là Như Lai đây.

Bhūridatakaṃ niṭṭhitaṃ ‒ Dứt truyện Bhūridata bồ tát.

6.      Candakumara jātaka ‒ truyện Candakumāra (Bồ tát tu hạnhnhẫn nhục ba-la-mật)

Rājā siluddhakammāti idaṃ satthā gijjhakūte pababbate viharanto devadattam ārabbha kathesi tassa vatthuṃ sanghabhedake … pāpunāti ‒ Ðức Thế Tôn là đấng Giáo chủ tối cao trong tam giới ngự trong thạch động Gijjhakūta, ngài đề cập đến Ðề Bà Ðạt Ða chia rẽ tăng, rồi Ngài thuyết về pháp tích Candakumāra này. Các bậc A-xà-lê[45] giải rộng ra như vầy: Các bậc trí tuệ nên hiểu rằng: Ðức A-xà-lê dẫn tích Ðề Bà Ðạt Ða chia rẽ tăng, từ ngày xuất gia cho đến khi vua Bimbisāra thăng hà.

Ðây xin giải rộng về chuyện Candakumāra.

Thuở đấng Ðại bi ngự trong thạch động Gijjhakūta, một ngày nọ, chư tỳ khưu cu hội nơi phước xá, đàm thoại cùng nhau về câu chuyện Ðề Bà Ðạt Ða làm việc không tốt rằng: Này các thầy! Ðề Bà Ðạt Ða là kẻ bạc nghĩa vong ân đức Thế Tôn, cố tìm dịp giết hại nhiều người, cũng vì cố tâm buộc oan trái với đức Giáo chủ. Nhờ nương với đức Phật mà những kẻ ấy mới thoát nạn. Khi chư tăng bàn luận cùng nhau như thế, nhờ nhĩ thông, đức Thế Tôn biết chuyện ấy, bèn ngự đến phước xá, vào ngồi trên bảo tọa, rồi phán hỏi rằng: “Này các thầy tỳ khưu! Các ngươi hội họp nói về chuyện chi đây?”

‒ Bạch đức Thế Tôn, chúng tôi luận về Ðề Bà Ðạt Ða quên ơn đức Thế Tôn, nên làm hại nhiều người, chỉ vì gây oan trái với đấng Ðại bi.

‒ Này các thầy! Chẳng phải hắn chỉ quên ơn Như Lai trong kiếp này mà thôi, từ bao kiếp trước, Ðề Bà Ðạt Ða cũng bạc nghĩa Như Lai vậy, mong giết hại rất nhiều người, cũng do cố tâm gây oan trái với Như Lai như trong kiếp này vậy.

Ðức Thế Tôn chỉ giảng bấy nhiêu rồi nín thinh. Chư tăng mong được nghe tiền kiếp, mới quỳ cầu đức Thế Tôn thương xót thuyết cho chư sư nghe. Ðức Thế Tôn từ bi, bèn giảng về chuyện Candakumara rằng: “Này các thầy tỳ khưu! Atike kāle ‒ Thuở xưa, thành Bārānasī có tên rõ rệt là Pupphavadī, có một đức vua tên Ekarāja là hoàng tử của đức vua Vasavati, thống trị trong thủ đô Pupphavadī. Ngài có một đông cung tên là Candakumāra[46]. Khi đức Candakumara biết đi, hoàng hậu sanh được một hoàng tử nữa tên là Suriyarājakumāra. Lúc hoàng tử này biết nói, hoàng hậu sanh thêm công chúa Selā. Đức vua có hai hoàng tử nữa là: Bhaddasara và Surakumāra, khác mẹ. Khi đức Candakumāra (Bồ-tát) thành nhân, vua cha bèn cho sánh duyên với công chúa Candakumārī làm chánh thất của Bồ-tát, rồi phong cho ngài làm thứ vương. Có một Bà-la-môn tên Kaṇḍahālabrahmana làm cố vấn dạy đức vua. Đức vua thấy Kaṇḍahālabrahmana có nhiều trí tuệ nên phong làm quan toà để phán đoán. Khi được làm quan cao cấp, Kaṇḍahālabrahmana quên mình, không biết sợ tội lỗi là gì cả, xử đoán bất công, không tuân pháp luật, phân xử theo ý muốn, tham quan ô lại thường thường như thế.

Ngày nọ, có kẻ kiện nhau đến cửa toà; khi Kaṇḍahālabrahmana được hối lộ rồi, xử cho người thất thành đặng kiện. Họ bất bình, khi ra khỏi tụng đình, vừa thấy đức Candakumāra vào chầu vua cha, hắn bèn quỳ xuống bên chân đức Bồ-tát rồi vật mình than khóc. Ðức Bồ-tát xem thấy tình trạng như thế bèn hỏi: “Cớ sao, người lại than van khổ não?”

‒ Trăm lạy ngài, nay Kaṇḍahālabrahmana là kẻ si mê, xử đoán không công bình, được của hối lộ, bỏ công lý, tôi phải mà xử tôi quấy, làm cho tôi bất bình buồn khổ; cầu xin ngài từ bi thương xót cứu độ cho ngu dân nhờ.

‒ Vậy, ngươi hãy theo cùng ta đến trước toà kháng cáo[47], không sao đâu.

Rồi Ngài vào tự mình phán đoán theo công lý cho dân chúng thấy rõ rằng: “Người này ngay, kẻ kia gian, phán quyết theo chánh pháp”. Tất cả nhân dân và quan toà hiện diện trong toà án đều hoan hô “đúng lắm” tán dương đức Bồ-tát vang rền. Tiếng reo mừng thấu đến tai đức Ekarāja là Phụ vương của đức Bồ-tát. Đức vua bèn phán hỏi quân hầu, họ tâu rằng: “Đó là tiếng hoan hô khen ngợi đức Candakumāra là hoàng tử của lệnh Hoàng thượng, vì hoàng tử đã phân xử theo công lý không tây vị”. Đức vua Ekarāja biết được rất hài lòng; liếc mắt xem thấy đức Bồ-tát vừa đến chầu mới phán rằng: Này con Candakumāra! Từ đây cha phong cho con làm pháp quan để xét đoán tất cả công việc trong toà. Từ đó, Kaṇḍahālabrahmana bị loại ra khỏi pháp đình, không còn hưởng quyền lợi chi cả. Kaṇḍahālabrahmana cố tâm buộc oan trái, tìm dịp để bắt lỗi đức Bồ-tát, không giờ phút nào bỏ qua.

Một đêm nọ, đức vua ngủ mê đến rạng đông. Ngài nằm mộng thấy đến Đạo Lợi Thiên cung, nào là lầu vàng, điện ngọc bảy báu cao 60 do tuần, có đường đi rộng rãi, đầy những cát vàng, có đền vua cao vút 100 do tuần, toàn là ngọc bảy báu, đủ thứ hoa thơm ngủ sắc, vườn thượng uyển, ao sen cao đẹp, xem rất ngoạn mục. Chư thiên nam nữ hội họp du lãm tắm chơi, Thiên nữ hái hoa và ca xang múa hát hầu hạ đức Ðế Thích. Ngài xem càng vừa lòng hả dạ, ưa thích mê mệt. Đức vua Ekarāja thấy mộng đến đó thì thức dậy. Ngài nghĩ nhớ đến cõi trời, thật là vinh hoa, phú quí, mong được lên thiên cung để thọ hưởng cảnh hạnh phúc ấy, nhưng không biết phải làm phước chi mới được thọ sanh lên đó. Vậy sáng sớm, trẫm sẽ dời các quan vào chầu để hỏi thăm đường lên Ðạo Lợi thiên cung.

Sáng ra, đức vua Ekarāja ngự đi tắm rửa, trang điểm y phục Ðế vương xong, ngài dạy các quan quân hộ giá ngài đi du lãm. Có Kaṇḍahālabrahmana đến lạy chào trong nơi ấy, rồi tâu rằng: “Ðêm hôm lệnh Hoàng thượng được an giấc chăng?”

‒ Này khanh! Nào có được an vui đâu.

Ngài bèn cho phép vị cố vấn Kaṇḍahālabrahmana ngồi, rồi bày tỏ về sự nằm mộng của ngài mà rằng: “Này hiền khanh! Những hàng nam nữ nào trong thế gian, làm phước bố thí trong kiếp này, đến khi tan rã ngủ uẩn sẽ được thọ sanh trong nơi nào? Phước thế nào, mới được sanh lên cõi trời? Ngươi có nhiều trí tuệ, vậy hãy giải cho trẫm nghe phân minh.”

Thật ra đức vua nên hỏi câu này nơi đức Phật toàn giác hoặc Thinh văn giác, đến các thánh nhân. Nếu không có hạng ấy thì nên tìm đức Bồ-tát mà nhờ giảng giải. Nay đức vua lại trở hỏi Kaṇḍahālabrahmana, khác chi là kẻ đã lạc đường 7 ngày, không biết lối ra, lại tìm đến người lầm nẻo trọn tháng thì càng luống công vô ích. Như đức vua Ekarāja phán hỏi Kaṇḍahālabrahmana là người si mê, hỏi đến hắn thì làm cho ngài càng thêm đen tối nữa. Ðược nghe đức vua hỏi như thế, Kaṇḍahālabrahmana lấy làm mãn nguyện, đinh ninh rằng, đây là dịp may cho ta báo oán, giết kẻ thù là hoàng tử Candakumāra, sự mong mỏi của ta sẽ được theo sở ước chẳng sai; nghĩ rồi Kaṇḍahālabrahmana bèn tâu thỉnh đức vua vào trong mà rằng:

‒ Tâu, nếu Bệ hạ hy vọng được lên Thiên cung, Bệ hạ nên giết người như: vợ, con, gia súc là trâu, bò, ngựa, voi vô tội để cúng dường lửa. Tâu Bệ hạ, như thế chắc hẳn được lên cõi trời. Tâu, hàng nam nữ, không phải làm lành bố thí mà được sanh lên thiên cung đâu. Chỉ cúng dường lửa đó, mới thật là phương pháp đem người lên cõi trời được chẳng sai đâu; Bệ hạ ước mong được lên thiên cung, vậy cần phải thực hành theo lời hạ thần đã tâu đó.

‒ Này hiền khanh! Cúng dường lửa là thế nào? Giết người vô tội là sao? Hiền khanh hãy giải cho trẫm nghe đi.

‒ Tâu lệnh Hoàng thượng, cúng dường lửa là phải giết 4 giống chúng sanh, mỗi loại: 4 hoàng tử, 4 công chúa, 4 hoàng hậu, 4 triệu phú, 4 bò đực, 4 ngựa cỡi, 4 voi kéo. Dùng dao chặt đầu chúng sanh ấy, rồi lấy mâm vàng hứng máu đổ trong hầm cúng dường lửa. Tâu, các Ðế Vương ngày xưa mong được lên trời thường giết con, vợ v.v… cúng dường lửa như vậy. Tâu, lệnh Hoàng thượng là chúa tể, ngài bố thí cơm, gạo, nước, y phục đến Sa-môn, Bà-la-môn, kẻ nghèo đói, cô độc thật vô ích, không có phước chi cả. Giết con trai, con gái v.v…, lấy máu đem cúng dường lửa gọi là bố thí cao thượng, trong kiếp hiện tại này.

Nghe đức vua và Kaṇḍahālabrahmana trù tính như thế, những người trong hoàng cung rất sợ hãi, khóc la, kể lể vang động khắp hoàng cung. Kaṇḍahālabrahmana bèn tâu thêm rằng:

‒ Cách cúng dường lửa như vậy, lệnh Hoàng thượng có thể làm được chăng?

‒ Này hiền khanh! Người cứ thực hành đi, trẫm cho phép khanh thi hành cho được kết quả vui đến trẫm.

Vị cố vấn nghe rồi rất hân hoan rằng: Nay sự thạnh lợi phát sanh đến cho ta rồi. Hắn bèn dùng lời phủ uỷ đức vua rằng: Tâu bệ hạ! Hạng người không bạo dạn không thể cúng dường lửa được. Ðây là việc phước lớn và rất khó làm, Bệ hạ đừng trễ nải, hãy dạy bắt chúng sanh ấy hội họp tại đây cho đủ đi. Phần hạ thần lãnh việc đào hầm, dâng đến Bệ hạ. Nói xong, vị cố vấn từ tạ lui ra khỏi thành lo sắp đặt hầm, cho có đủ vật dụng theo phép cúng dường lửa.

Khi ấy, đức vua Ekarāja pháp dạy quân hầu rằng: Các ngươi hãy dẫn 4 con của trẫm đến đây, là: Candakumāra, Suriyakumāra, Bhadasenakumāra, Surakumāra để trước sân rồng cho trẫm giết lấy máu cúng dường lửa ngày nay, (Candakumāra và Surakumāra là con của hoàng hậu Gotami; còn hoàng tử Suriyakumāra và Bhadasenakumāra khác mẹ). Quân thần nghe lệnh vua truyền liền đến bắt Candakumāra trước. Thưa rằng: Chúng tôi vâng chiếu chỉ đến bắt Ngài đem giết máu để cúng dường lửa. Xin ngài vui lòng đừng dể duôi cưỡng lại lệnh truyền.

Ðức Candakumāra (Bồ-tát) hỏi: Này các ngươi! Do nhân chi mà Phụ vương dạy bắt ta cúng dường lửa. Ai trù liệu ra chuyện này?

‒ Thưa, đây là lời tâu bày của Kaṇḍahālabrahmana rằng: Nếu Hoàng thượng muốn được lên thên cung hãy giết các con trai, con gái và loài gia súc, 4 chúng sanh mỗi loại, chặt đầu lấy máu đem cúng dường lửa sẽ được thọ sanh lên cõi trời. Kaṇḍahālabrahmana tâu như vậy nên Hoàng thượng mới ra lệnh bắt Hoàng tử đấy.

‒ Phụ vương chỉ truyền bắt một mình ta, hay còn giết ai nữa?

‒ Thưa, lệnh Hoàng thượng dạy bắt cả 4 Hoàng tử.

Ðức Bồ-tát nghe rồi than rằng: Ôi! Đây cũng vì Kaṇḍahālabrahmana oán giận ta, nên tìm chước báo thù. Từ ngày hắn không được lợi quyền trong pháp đình đến nay, hắn mới hại ta như vầy. Ôi! Thảm thương thay những người đồng chung số phận với ta, vì ta mà phải bị hại chung. Các ngươi thi hành theo lời chỉ dụ, ta đâu dám cãi lịnh Phụ vương. Ta chỉ mong khẩn cầu xin Phụ vương ân xá kẻ khác.

Quân hầu liền bắt đức Bồ-tát đem nạp trước đền, rồi lần lượt dẫn ba hoàng tử nữa là Suriyakumāra, Bhadakumāra và Surakumāra đến gần đức Bồ-tát, rồi vào tâu rằng: Tâu Hoàng thượng, chúng tôi đã bắt bốn hoàng tử nạp trước bệ rồng. Ðức vua bèn dạy rằng: Các ngươi hãy đi dẫn 4 công chúa là Upasena, Korilā, Muddhikā và Nandā, đem để gần các anh của chúng nó, cho trẫm cúng dường lửa. Các quân hầu vào cung thưa rằng: Chúng tôi vâng lệnh Hoàng thượng đến bắt các Công chúa để cúng dường lửa ngày nay. Các Công chúa đều sợ hãi nhào lăn ra khóc. Các quân hầu liền dẫn 4 công chúa đến trước đền. Ðức vua truyền sai đi bắt 4 hoàng hậu dung nhan xinh đẹp sắc nước hương trời là: Bà Vijaya, bà Viāvadī, bà Kesinī và bà Sunandā đem đến cho đều đủ. Quân hầu bèn tuân lệnh làm theo, dẫn bốn hoàng hậu đến gần đức Bồ-tát. Ðức vua truyền dạy bắt 4 nhà triệu phú là: Punnamukha, Bhadohiya, Siñgāla và Bhaddha, để trước đền. Khi các quan hầu vâng lệnh bắt 4 hoàng tử, 4 công chúa, 4 hoàng hậu thì không nghe dân chúng nói lời gì. Về phần 4 nhà triệu phú, họ có nhiều thân tộc, bạn bè, nên khi quân hầu đến bắt thì có tiếng kêu oan vang động rằng: Này, chúng ta ôi! Nay đức vua dạy bắt 4 triệu phú của chúng ta đem cúng dường lửa. Tất cả thân bằng quyến thuộc đến bao vây 4 triệu phú, vào đến sân rồng, rồi quỳ tâu cầu khẩn, xin tha mạng sống cho 4 nhà triệu phú rằng: “Tâu, xin Hoàng thượng từ bi đừng hại 4 triệu phú chúng tôi”. Khẩn cầu thế nào cũng vô ích, các quân hầu dẫn 4 nhà triệu phú đến trước đền. Liền đó đức vua dạy bắt 4 voi là: Abhaya, Nālāgiri, Accugga và Varuṇa, bắt 4 ngựa là: Kesi, Subhamukha, Punnamukha và Vinatako; và 4 bò đực là: Ayudhapati, Modaka, Sisabha và Kavampa. Ðức vua truyền lệnh cho bắt đủ các nhân vật họp lại một chỗ rồi ngài phán rằng: Sáng sớm, trẫm sẽ khởi sự cúng dường lửa.

Nói về Phụ hoàng và Hoàng thái hậu của đức vua Ekarāja, hai hoàng tộc này vẫn còn sinh tồn. Các đại thần dẫn nhau đến tâu cho Hoàng thái hậu hay về việc đức vua cúng dường lửa ấy, phải giết 4 hoàng tử, 4 công chúa, 4 hoàng hậu, 4 triệu phú, và các gia súc… Bà Hoàng thài hậu nghe qua ngậm ngùi, bà đưa hai tay lên than thở, rồi đến ra mắt hoàng nhi và hỏi rằng: Này hoàng nhi! Mẹ nghe hoàng nhi định sát hại 4 hoàng tử để cúng dường lửa phải chăng?

‒ Tâu Mẫu hậu, con giết hại 4 hoàng tử, nhất là Candakumāra để dúng dường lửa được lên Thiên đàng.

Hoàng thái hậu cản rằng: “Hoàng nhi ôi! Hoàng nhi hành động như thế không nên. Giết con, vợ mà được lên Thiên đàng đó, là sai với lẽ đạo từ ngàn xưa. Này hoàng nhi cao quí! Sự sát hại chúng sanh là tạo ác đạo, không phải Thiên đạo đâu. Hoàng nhi nên vâng lời mẹ, mà tha chết cho vợ, con đi.”

Ðức vua nghe mẫu hậu nói như thế, bèn đáp rằng: “Sự giết hại con trai, con gái để cúng dường lửa mà được lên Thiên đàng ấy chẳng phải lời nói ngoa đâu, chính là vị cố vấn Kaṇḍahālabrahmana chỉ dẫn đấy. Tâu mẫu hậu, vì con mong mõi được lên Thiên đàng hưởng sự giàu sang hạnh phúc, nên mới nghe lời dạy của cố vấn Kaṇḍahālabrahmana mà giết cho đủ 4 con trai, 4 con gái, 4 hoàng hậu v.v… để cúng dường lửa, là điều bố thí rất cao thượng, ít ai làm được. Vị cố vấn giải rằng: Nếu đức vua nào, đành dứt bỏ những vật thương yêu trìu mến mà cúng dường lửa, thì ắt sẽ được lên Thiên cung chắc chắn. Những hành động ấy không phải tự con, do lời chỉ dẫn của Kaṇḍahālabrahmana nên con mới nghe theo, vì con mong được lên cõi trời”. Thật vậy, đức vua Ekarāja đã quá tin tưởng như thế, dầu mẫu hậu của ngài khuyên đến đâu, ngài cũng không tuân lời.

Ðức Hoàng thái hậu đã cùng đường, không hy vọng vào đâu cho hoàng nhi nghe theo lời khuyên của bà, nên buộc lòng phải trở về cung nội. Ðức vua Ekarāja vừa đưa mẹ trở về hoàng cung xong, thì hoàng phụ của ngài lại đến nữa. Hoàng phụ của ngài lại phán hỏi:

‒ Này Hoàng nhi! Hoàng nhi sẽ giết 4 hoàng tử để cúng dường lửa phải không?

‒ Tâu Phụ vương, con định giết các con và vợ cùng các loại chúng sanh để cúng dường lửa theo lời dạy của Kaṇḍahālabrahmana rằng: Khi đã làm như thế, sẽ được lên Thiên cung.

‒ Này Hoàng nhi! Hoàng nhi làm như vậy không nên. Sự sát hại con trai, con gái là điều tội lỗi, sẽ bị sa trong 4 ác đạo. Hoàng nhi nên tinh tấn bố thí, trì giới, phụng sự mẹ cha, chú tâm trong pháp từ bi, không tạo nghiệp dữ, không hại chúng sanh, như thế là con đường lên nhàn cảnh đó. Nếu Hoàng nhi hành động ác như vậy chẳng nên đâu. Hoàng nhi chẳng nên nghe theo Kaṇḍahālabrahmana làm tội lỗi như thế.

‒ Tâu Phụ vương, đây là lời chỉ dẫn chân thành của Kaṇḍahālabrahmana. Sự sát hại vợ con để cúng dường lửa như vậy là điều bố thí cao thượng khó làm, kẻ nào thực hành theo, chắc chắn sẽ được thăng thượng giới, nên con hoan hỉ quyết định thực hành cho kỳ được như sở nguyện, ngỏ hầu hưởng hạnh phúc nơi Thiên cung.

Ðức vua cha bèn khuyên giáo thêm rằng: “Này Hoàng nhi! Hoàng nhi nên thống trị theo Thập pháp vương[48] (dasabidharāja) là: 1) dānaṃ: bố thí có giới hạn theo cá nhân, tinh tấn bố thí đến bậc tu hành, kẻ nghèo khó, tật bệnh, cô độc; 2) sīlaṃ: trì giới cho thân khẩu, ý chân chánh; 3) pariccāgaṃ: dứt bỏ của cải đến tất cả chúng sanh, không riêng biệt; 4) ājjavaṃ: có 4 khuynh hướng pháp, ngay thật, chơn chánh, là phán đoán theo luật pháp, không tây vị; 5) mudukaṃ: có khuynh hướng đến chuộng từ bi, thương xót chúng sanh; 6) ātapaṃ: tinh tấn trừ điều ác, làm việc thiện; 7) akodhaṃ: không nên giận vô lý (đè nén tâm sân hận, có tâm từ thiện); 8) avihimsā: không làm khổ kẻ khác, có lòng từ bi mẫn; 9) khanti: có tâm nhẫn nại; 10) avirodhanā: không làm sai pháp luật, không khuynh hướng theo pháp thế gian. Hoàng nhi hãy tinh tấn trong thiện pháp, chớ nên làm cho kẻ khác phải đau khổ, gìn giữ các con cho được an toàn, mới có thể đem lại quốc thới dân an được lâu dài.” Ðức Phụ hoàng hết sức khuyên lơn thế nào cũng vô hiệu quả, vì đức vua Ekarāja khăng khăng một lòng quyết nghe theo lời dạy của cố vấn Kaṇḍahālabrahmana. Thấy khuyên con không được, vua cha ngậm ngùi giọt lệ trở về hoàng cung.

Khi ấy, đức Bồ-tát là dòng dõi của đức Phật xét nghĩ rằng: “Ðại chúng bất bình buồn khổ, chỉ do ta mà ra cả. Vậy ta nên vào tâu, xin Phụ vương ân xá cho mọi người cho dân chúng vừa lòng”. Ðức Bồ-tát Candakumāra bèn quỳ trước bệ rồng, cầu xin: “Tâu Phụ vương, lời Kaṇḍahālabrahmana nói, nếu đức vua nào cúng dường lửa bằng các con thì sẽ được lên Thiên đàng, xin Phụ vương hãy dạy hắn giết vợ, con hắn mà cúng dường lửa đi, cho hắn được lên trời trước, để làm gương mẫu, rồi sau Phụ vương hãy giết các con cúng dường, chúng con nguyện hy sinh tính mệnh cho Phụ vương, không dám trái lệnh. Xin Phụ vương bình tâm xét lại, nếu lời tâu của Kaṇḍahālabrahmana là đúng và chân thật, cớ sao hắn không giết vợ đẹp, con yêu của hắn. Lời của Kaṇḍahālabrahmana như dòng nước ngập tràn, không chắc vào đâu. Tâu Phụ hoàng, kẻ nào cúng dường lửa sẽ sa địa ngục. Người dạy kẻ khác cúng dường lửa hoặc có tâm hoan hỷ, người ấy phải chịu khổ trong địa ngục. Tâu Phụ hoàng, nên bỏ tà kiến trước, nếu Phụ hoàng tin lời của Kaṇḍahālabrahmana rồi phải đoạ trong 4 ác đạo. Tâu Phụ hoàng, Kaṇḍahālabrahmana tin chắc quả báo của sự cúng dường lửa, xin Phụ hoàng cho Kandahālabrahmana tự sát mà cúng dường để dược lên trời trước đi. Vì sao hắn thấy sự lợi ích mà không làm, lại bảo giết anh em chúng con? Xin Phụ vương hãy quan sát cho tường tận trước. Phụ vương ôi! Kaṇḍahālabrahmana không được của hối lộ trong sự xử đoán nơi pháp đình, nên mới tìm mưu chước sát hại chúng con như vậy. Con nay có chết cũng đành, nhưng thương hại cho các em vô tội, vì sự oán thù của Kaṇḍahālabrahmana mà phải chịu liên can. Phụ vương ôi! Nếu Phụ vương không suy xét, nghe theo lời độc ác của Kaṇḍahālabrahmana hành động tội lỗi, rồi đây nước mất nhà tan, đến lúc lâm chung, Phụ hoàng không tránh khỏi 4 đường ác đạo.” Ðức Bồ-tát Candakumāra trình bày cạn lời mà cũng không thể làm cho vua cha động lòng thương xót. Khi ấy, công chúa Selakumāri là em út của đức Bồ-tát, thấy anh hết lòng khuyên giải mà bất thành, nàng rất động lòng, liền quỳ tâu: “Phụ vương định giết chúng con, chỉ mong lên trời để làm gì? Phụ vương cần dùng cái chi mà phải lên Thiên cung, đành sát hại chúng con?” Ðức vua nghe công chúa tâu như thế, ngài cảm động nín thinh.

Có một em bé, con của đức Bồ-tát tên Vasularājakumāra, thấy cha chịu khổ cầm lòng không đậu, bèn nghĩ, để ta vào tâu với Tổ phụ hoàng, xin ân xá cho cha ta kẻo tội nghiệp. Em bé Vasularājakumāra liền vào gặp nội tổ, vừa tâu, vừa khóc rằng: “Nếu Nội tổ không thương xót đến cha cháu, thì cũng xin tội nghiệp dùm cháu, vì cháu nhỏ dại, đừng giết cha cháu cho cháu có người nương nhờ. Xin Nội tổ từ bi thương xót cháu với”, vừa tâu xin vừa than khóc dầm dề, vì rất trìu mến cha lành. Ðức vua Ekarāja thấy cháu thê thảm như thế, đau lòng xót dạ muốn xỉu, tâm thần xao xuyến, như bị tên bắn vào tim, dằn lòng không được nên cũng khóc ròng, đoạn ôm cháu mà dỗ rằng: “Cháu ôi! Lời cháu đúng lắm, cháu hãy vui đi, Nội tổ sẽ tha cha cháu”. Đức vua bèn dạy quân thần phóng thích tất cả. Ngài nói: “Thôi, trẫm không được lên Thiên cung cũng cam, miễn sao chúa tôi được xum họp”.

Khi Kaṇḍahālabrahmana hay được, lập tức chạy vào đền nội tâu rằng: “Tâu, vì sao Bệ hạ lại không giữ lời, hạ thần đã tâu rằng là việc khó làm, mà thực hành được mới là cao thượng. Bệ hạ quyết định phải làm cho được, chẳng nên bỏ qua lời nguyện. Ðức vua nghe lời thúc dục của Kaṇḍahālabrahmana bèn nghe theo. Ngài liền dạy quân hầu bắt hoàng tử, công chúa, hoàng hậu, các triệu phú và các loài thú trở lại. Kaṇḍahālabrahmana nghĩ rằng đức vua có tánh nhu nhược lắm, dạy bắt rồi dạy tha, bảo thả rồi cho bắt. Với đứa cháu Vasula đến khóc mài nỉ mà ngài cũng siêu lòng. Vậy ta nên thỉnh ngài ngự đến hầm cúng dường lửa. Nghĩ xong, Kaṇḍahālabrahmana bèn thỉnh đức vua đến hầm ngay, rằng: “Tâu, hạ thần xin thỉnh Bệ hạ đến dự lễ khai mạc cúng dường, Bệ hạ sẽ lên Thiên cung, bây giờ đây”. Đức vua Ekarāja trang điểm bằng 7 báu rồi ngự đi.

Ðây nói về bà Gotami là mẹ của Candakumāra (Bồ-tát) xem thấy quân dẫn con đến gần hầm cúng dường lửa, thì rất thương tiếc, vật mình khóc than, kể lể, giọt lệ dầm dề trong cơn tử biệt. Bà liều chết vào quì gần chân đức vua mà khẩn cầu xin tính mệnh cho các con rằng: “Tâu, xin lệnh Hoàng thượng từ bi tội nghiệp thần thiếp là Gotami, Bệ hạ đừng giết 4 hoàng tử. Nếu Thánh thượng không ân xá, thì thần thiếp cũng không sống mà làm gì”. Vật mình khóc lóc, thở than đến đâu đức vua cũng bất nể[49]. Khẩu cầu với đức vua không được, bà liền day qua khiển trách thậm tệ Kaṇḍahālabrahmana rằng: “Này Kaṇḍahālabrahmana ác độc kia! Ngươi đem các con ta để cúng dường lửa, làm cho ta phải chịu khổ não muôn phần, những thống khổ này, ta sẽ trả lại cho vợ con ngươi. Ngươi cố tâm tìm mưu chước giết hại con ta, ngươi làm khổ người, những nỗi đau lòng xót dạ này sẽ trả quả ác cho ngươi chẳng sai đâu. Ngươi sẽ chịu hết khổ não, lìa xa dân tộc, vợ con yêu quí của ngươi, để ngươi đền trả lại những thảm trạng khốc hại này”. Hoàng hậu nhiếc mắng Kaṇḍahālabrahmana nhiều điều chua cay như thế.

Lúc ấy, công chúa của đức vua Pancālarāja là vương phi của đức Bồ-tát, khóc chồng. Nhưng không biết tính lẽ nào, vì mẹ chồng nàng đã khẩn cầu nhiều lượt mà đức vua bất kể, nàng Candā là con dâu thì mong gì nài nỉ cho được, cùng kế nên phải đánh liều, liền quì dưới chân đức vua mà tâu rằng: “Tâu Phụ hoàng! Nhân sao mà Phụ hoàng chẳng đoái hoài đến hoàng tử, xin Phụ hoàng từ bi thương tưởng đến tình phụ tử đừng giết hoàng tử”. Ðức vua nghe lời van xin của con dâu như thế, nên phán rằng: “Này con Candā, con nay là dâu của trẫm, trẫm rất thương yêu, song vì mong lên trời nên phải buộc lòng giết con trong lúc này. Con chớ khóc than kể lể, những kẻ giết đó, cũng sẽ gặp nhau trên cõi trời”.

‒ “Tâu, nếu Phụ hoàng không thương xót, quyết định giết Candakumāra cho được, xin Phụ hoàng giết con trước, đừng để con quá khổ tâm, não nề, thê thảm như vầy. Phụ hoàng nỡ đành giết chồng con, để con sống còn có ích chi. Con xin từ biệt Phụ hoàng để đến cõi ma, chết cùng chồng ngay bây giờ. Phụ hoàng hãy sát hại con trước đi, con nguyện chết theo Candakumāra”.

Ðức vua Ekarāja phán với nàng dâu rằng: “Này con Candā! Con chớ lo ngại về sự chết của chồng con, Phụ vương cho con sẽ ở cùng em chồng con”. Nghe vua phán như thế, nàng vật mình than khóc rằng: “Ôi! ta thật là kẻ vô duyên thiếu phước, được chồng vừa lòng yêu mến, mà Phụ hoàng lại nở phân ly chồng vợ như vầy, làm cho ta phải trở thành quả phụ, nổi khổ này ta quyết uống độc dược chết còn hơn, hoặc dùng dây thắt cổ tự tử cho rồi, hay nhảy vào đống lửa chết thiêu càng tốt”. Rồi nàng gọi các con cùng nhau vào tâu với đức vua cha rằng: “Cầu Phụ hoàng đừng giết chồng con, hãy giết con hoặc các cháu bé đây mà cúng dường lửa”. Dẫu nàng Candā quyết hy sinh đủ mọi lẽ để cứu mạng cho chồng, nhưng đức vua cũng chẳng nghe. Nàng bèn trở vào ôm chồng, rồi vật mình nằm lăn lộn bất tỉnh trong nơi ấy.

Trong khi Candādevī (vợ đức Bồ-tát) đang khóc than kể lể, thì Kaṇḍahālabrahmana làm vừa xong cái hầm để cúng dường lửa, liền dạy quân dẫn đức Bồ-tát vào gần miệng hầm. Kaṇḍahālabrahmana lấy sẵn mâm vàng để hứng máu, rồi đứng dậy đi lấy gươm định chặt đầu tất cả trong giờ ấy. Lúc đó, nàng Candādevī thấy cử chỉ Kaṇḍahālabrahmana như thế nàng hoảng hốt, không còn biết đâu là nơi nương tựa. Nàng nghĩ rằng: Giờ đây không có chi nương cậy bằng sự ngay thật, cái quả của sự ngay thật là nơi nương nhờ vững chắc của chồng ta, có thể đem lại sự an vui được. Nghĩ xong nàng đưa hai tay lên khỏi đầu rồi cầu nguyện trong khi đó rằng: “Tamatthaṃ pakāsenato satthā āhasabbasmin upaggatasmin nisidite candasuriyasmin… ajjayanti”

Ðức Chánh đẳng Chánh giác, ngài bèn giảng phân minh của tứ chúng (tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ) nên thuyết rằng: Này chư tỳ khưu! Trong khi Candakumāra và Suriyakumāra vào gần miệng hầm cúng dường, mà người ta sắp đặt sẵn đó, nàng Cadādevī con của đức vua Pancālarāja tỏ lời run run cầu khẩn giữa công chúng, nàng đưa hai tay lên lễ bái Chư thiên và cầu nguyện rằng: “Etena saccavajena: Thưa Chư thiên, do lời thành thật của tôi đây, tôi không giả dối, Kaṇḍahālabrahmana này là kẻ vô trí tuệ, không có giới đức, là người bất lương, không chân thật, vô hạnh kiểm, sự thật là như thế. Do lời thành thật này, cầu mong oai lực của Chư thiên nhất là đức Ðế Thích và Tứ đại Thiên vương ủng hộ chồng tôi cho thoát khỏi tay kẻ độc ác, đừng cho tôi lìa xa chồng tôi trong giờ này”.

Trong lúc đó, đức Ðế Thích cầm côn sắt cháy đỏ, lướt đến ngự trên hư không, hét lớn rằng: “Này vua thống trị bất minh, ngươi được thấy rõ trong nơi nào, từ xưa, ai dạy bảo ‘cúng dường lửa bằng máu rồi được lên Thiên đàng’? Ai là người chỉ dạy ngươi làm như vậy? Nếu ngươi dạy giết con, vợ, các triệu phú v.v… thì ta sẽ bổ côn sắt cháy hoả hào này lên đầu nguơi ra tro bụi, lập tức bây giờ”.

Khi đó, cả hai là Vua Ekarāja và Kaṇḍahālabrahmana nghe tiếng hét la, quở trách trên trời và thấy rõ hào quang của đức Ðế Thích thì kinh tâm tán đởm, mới cho thả ngay tất cả, nhất là hoàng tử Candakumāra. Ðại chúng đang hội hợp gần nơi hầm cúng dường lửa đều xôn xao, huyên náo, đồng cùng nhau dùng cây đánh đập, kẻ ném đá trúng Kaṇḍahālabrahmana chết tại chỗ. Thấy Kaṇḍahālabrahmana chết rồi, công chúng bèn tiến vào định hạ sát vua Ekarāja. Ðức hoàng tử Candakumāra liền xông đến ôm đỡ vua cha khuyên can, không cho người giết. Chúng dân tâu: “Chúng tôi tha chết cho vua Ekarāja, nhưng vua này rất độc ác, bất minh, chúng tôi không bằng lòng cho thống trị nữa. Chúng tôi bằng lòng loại ông ra khỏi thành”. Nói xong, chúng xông vào lột hết y phục triều đình của vua, cho mặc y nhuộm màu vàng nghệ trở thành kẻ hạ tiện, rồi đuổi ra ở với người thấp hèn độc ác. Khi đã giải quyết xong những điều không may ấy, họ xếp đặt trang hoàng để tôn vương cho Candakumāra. Tất cả dân chúng, nhất là các nhà triệu phú đều hội lại đông đủ làm lễ đăng cực[50] đức Candakumāra trong lúc đó.

Khi quan quân, cung phi, đại thần và vị cố vấn đã tề tựu đông đủ, đức Ðế Thích cũng đến cầm cây lọng vàng to và thổi sáo chào mừng. Do uy lực của đức Ðế Thích đến dự lễ tuớc vị của đức Candakumāra nên Chư thiên và các ngọc nữ, nhất là nàng Sujātā cũng đến tham gia lễ lên ngôi của đức Candakumāra.

Khi đức Bồ-tát lên ngôi rồi, ngài bèn tu chỉnh việc triều chính, chẩn bần dân nghèo, phóng thích tù nhân. Nhân dân được gội nhuần ân huệ, nên trong nước toàn dân được an cư lạc nghiệp, thật là đời thái bình thạnh trị. Ðức Bồ-tát hằng hết lòng phụng sự cha già, nhưng không cho cha Ekarāja vào đền. Ngài ngự đến thượng uyển rồi đi thăm cha, song ngài không làm lễ. Cha ngài lại lễ bái ngài và chúc nguyện cho Bồ-tát được an vui lâu dài. Ðức Bồ-tát trị quốc theo thập vương pháp nên sau khi thăng hà được sanh lên Thiên cung.

Satthā – đức Thế Tôn khi đã giải xong truyện đức Bồ-tát Candakumāra, rồi giải tiếp rằng: Bhikkhave – Này các thầy tỳ khưu! Ðề-Bà-Đạt-Đa không chỉ quên ơn Như Lai trong kiếp này mà thôi. Các tiền kiếp trước khi Như Lai chưa sanh làm Candakumāra, Ðề-Bà-Đạt-Đa cũng bạc nghĩa Như Lai vậy, chỉ vì oan trái mong giết hại Như Lai.

Xong, ngài thuyết pháp Tứ Diệu đế, chúng sanh nghe và đắc đạo quả rất đông.

Ðức Thế Tôn bèn hợp các tiền kiếp lại như vầy. Tadā: Trong thuở đó, Kaṇḍahālabrahmana nay là Ðề Bà Ðạt Ða; bà Gotami nay là Māyā hoàng hậu, tức là Phật mẫu; Candavevī nay là nàng Bimbā, tức là mẹ Rahulā; nàng Selākumānī nay là Upavaṇṇa tỳ khưu ni; trẻ Vasulakumāra nay là Ananda; Rāmagotaro nay là đức Ca Diếp; Bhaddhasemo nay là Mục Kiền Liên; Suriyakumāra nay là Ðại đức Xá Lợi Phất; đức Ðế Thích nay là A-Nậu-Lầu-Đà. Tất cả kẻ tùy tùng bộ hạ của Bồ-tát nay toàn là hàng Phật tử. Ðức Candakumāra là dòng dõi của Phật nay tức là đấng Chánh đẳng Chánh giác, giác ngộ tất cả pháp như thế.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app