PHÁP THẬP ÐỘ hay THẬP BA-LA-MẬT (DASA PĀRAMĪ)

Phạn ngữ: pāramī hay pāramīta[1] dịch là độ hoặc đáo bỉ ngạn, nghĩa là đến bờ kia. Ba-la-mật là nhân đến bờ kia hoặc là pháp báu hay là pháp của các bậc cao nhân, là con đường đi của đấng: Chánh đẳng Chánh giác (Sammāsambuddha), Độc giác (Paccekabuddha), Thinh văn giác (Savakabuddha). Những người tu Phật, nếu muốn thành một trong 3 bậc giác ấy, cần phải một lòng tinh tấn tu hành theo pháp thập độ cho được viên mãn, bằng chẳng vậy thì không thể đắc đạo quả Niết-bàn được.

Thập độ là pháp giải thoát, ngăn ngừa ái dục, ngã mạn, tà kiến không cho nhiễm vào tâm, do lòng từ thiện. Nếu bố thí, trì giới mà còn vọng cầu danh lợi hoặc ngã mạn tự cao, khinh bỉ kẻ khác thì chẳng đáng gọi là người tu thập độ, vì không lòng từ bi đối với chúng sanh.

Hơn nữa, bậc tu pháp thập độ nếu bị chê trách hoặc được ngợi khen thì các ngài vẫn tự nhiên bất động, ví như tảng đá liền lạc, dù bị mưa to gió lớn cũng không lay chuyển. Như thế mới đáng gọi là người tu thập độ. Các bậc trí tuệ không hay tưởng đến những việc của mình đã làm, nghĩa là không lòng ăn-năn, than tiếc hoặc bất bình đến người nhạo báng mình.

Hỏi: Cớ sao bậc trí tuệ không đem lòng phiền trách kẻ nhạo báng mình? Ðáp: Vì các ngài không hay để ý những lời chê khen của người đời. Dầu có người nào hợp ý khen tặng rằng: anh hoặc thầy là hạng thông minh tài trí tuệ, các ngài cũng không tỏ vẻ ưa thích.

Hỏi: Tại sao vậy? Ðáp: Bởi các ngài thầm xét rằng: Nếu ta làm lành thì cái quả lành ấy sẽ cho ta hưởng những hạnh phúc, từ đây. Lại nữa, các ngài thường làm những việc mà người khó làm, vì có đức tin nhiều và giàu lòng sốt sắng bởi các ngài có trí tuệ thông rõ thời vụ.

Hỏi: đáo bỉ ngạn hoặc ba-la-mật có mấy pháp? Ðáp: Có 10 pháp: 1) dānaṃ: thí, là đem của cải hoặc Phật pháp mà cho chúng sanh; 2) sīlaṃ: giới, là không phạm điều luật của đức Phật đã răn cấm hoặc gìn giữ thân và khẩu được trong sạch; 3) nekkhammaṃ: xuất gia, là sự đi tìm đạo đức cao thượng hoặc dứt bỏ vợ con, của cải mà đi tu hành; 4) paññā: trí tuệ, là thông suốt tất cả các pháp; 5) viriyaṃ: tinh tấn, là một lòng cố gắng tu hành tấn tới; 6) khantī: nhẫn nhục, là gắng chịu những điều sỉ nhục; 7) saccaṃ: chân thật, là không gian tà, giả dối; 8) ādhitthānaṃ: quyết định, là quyết định không thay đổi chí hướng; 9) mettā: bác ái, hiền lành, nhân từ, mong cho tất cả mọi loài được vui; 10) upekkhā: xả, là không vui, không buồn, thờ ơ không để ý, có tâm bình đẳng.

1. Bố thí ba-la-mật (dāna pāramī)

Sẵn có tác ý lành, đem tài vật của mình như: vật thực, y phục, chỗ ở, thuốc men, cho chúng sanh do lòng bác ái gọi là bố thí ba-la-mật. Bồ-tát hằng có lòng hoan hỉ trong việc bố thí, ngài rất thỏa mãn khi tìm được dịp đem của cho người, cho nên ngài ráng bố thí một lòng bất hối.

Xem truyện như sau đây rồi rõ. Kinh Jātaka trang 323 có dẫn tích đức Bồ-tát (tiền kiếp của Phật Thích Ca Mâu Ni) trong một kiếp nọ, ngài sanh làm quan đại thần của vua Brahmadatta. Quan đại thần ấy, rất mong được đôi giày và cây dù bằng lá thốt nốt của đức vua. Trong 12 năm mà ngài không dám xin của người. Vì thế, Bồ-tát hay tìm dịp bố thí. Nhưng Bồ-tát khi đem vật gì cho ai rồi, ngài không cần được báo đáp, hoặc trông mong được lợi ích riêng. Ngài làm như quên hoặc kể như vật thí ấy mất đi vậy, không lòng thương tiếc, muốn người trả ơn.

Lại nữa, ngài không giấu giếm một vật gì cả. Nếu có người muốn xin món chi thì Bồ-tát liền cho món ấy hoặc có kẻ nào muốn xin vật gì mà không dám tỏ lời, xin biết được ngài hoan hỷ cho ngay. Khi Bồ-tát cho vật thực thì ngài không bao giờ đem vật không ngon hoặc không vừa lòng người mà cho; ngài thường cho những thức ăn vừa ý người. Cách bố thí của Bồ-tát như vậy mới đáng gọi là bố thí chân thành.

Về các vật dụng, ngài thường bố thí 10 món như sau: 1) annadāna: thí các món ăn thì ngài nguyện cầu cho tất cả chúng sanh đều được 5 điều hạnh phúc: sắc đẹp, yên vui, mạnh khỏe, trí tuệ, thánh quả mà người hằng đem lòng hoan hỷ; 2) pānadāna: thí nước lạnh hoặc nước nóng, ngài cầu cho tất cả chúng sanh đều khỏi sự đói khát; 3) vatthudāna: thí y phục thì ngài cầu được nhan sắc xinh đẹp như kim thân để giác ngộ và hổ thẹn các tội lỗi; 4) yānadāna: thí xe, ngựa, kiệu, võng, thì ngài cầu đắc lục thông được an lạc Niết-bàn; 5) gandhadāna: thí các vật thơm thì ngài cầu được món giới hương; 6) mālāvilepanadāna: thí tràng hoa và các vật để tắm, thì ngài cầu được tướng trang nghiêm của Phật; 7) āsanadāna: thí chỗ ngồi, thì ngài cầu được bồ đoàn của Phật tọa; 8) seyyadāna: thí chỗ nằm, thì ngài cầu được chỗ nằm của Phật ngọa; 9) avāsadāna: thí chỗ ở, thì ngài cầu khi ngài thành Phật thì tất cả chúng sanh đều qui y theo ngài; 10) padīpeyyadāna: thí đèn đuốc, thì ngài cầu được ngũ nhãn, nhất là nhãn thông.

Lại nữa, đức Bồ-tát còn bố thí thêm 6 món như sau: 1) rūpadāna: thí sắc, là dùng tràng hoa, y phục xinh đẹp cúng dường đến Tam bảo, thì ngài cầu cho được hào quang phóng ra một sải, chung quanh thân ngài; 2) saddadāna: thí tiếng là dùng đờn kèn cúng dường đến Tam bảo hoặc dâng cúng nước mía, dầu, dùng làm thuốc cho các vị pháp sư, khuyên người đi nghe pháp hoặc tự mình nói pháp cho người nghe, thì ngài cầu cho có tiếng thanh tao, dịu dàng như tiếng của vị Ðại Phạm thiên; 3) gandhadāna: thí các mùi thơm cúng dường đến tam bảo, ngài nguyện khi được chứng quả bồ đề, thì chúng sanh đều đem lòng cảm mến ngài; 4) rasadāna: thí vật cao lương cúng dường đến Tam bảo, ngài nguyện khi được chứng quả bồ đề, thì chúng sanh đều đem lòng cảm mến ngài; 5)patthabbadāna: thí chỗ nghỉ ngơi (giường, ghế, ván ngựa) cúng dường đến Tam bảo, thì ngài nguyện cho thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; 6) bhesajjadāna: thí thuốc men, nước mía, dầu, mật ong, v.v… cúng dường đến Tam bảo, thì ngài nguyện cho khỏi sanh, lão, bệnh, tử, khổ.

Bồ-tát còn thí thêm 10 món nữa: 1) dāsānambhijjissadāna: thí tôi tớ, là thả kẻ hầu hạ khỏi vòng nô lệ, thì ngài nguyện cho được sự giải thoát, dứt phiền não và lòng ái dục; 2) anavajjakhiddhā vatihetudāna: thí những sự chơi vô tội, thì ngài nguyện chúng sanh phát lòng hoan hỷ nghe pháp của ngài; 3) puttadāna: thí con trai, ngài nguyện khi chứng được phật quả, thì con của ngài cũng được gặp ngài; 4) dāradāna: thí vợ, thì ngài nguyện cho đắc pháp vô thượng bồ đề; 5) rājadāna: thí ngôi vua, thì ngài nguyện cho thành vị pháp vương; 6) rājadāna: thí tay, thì ngài nguyện cho tay ngài nắm cả pháp báu để tế độ chúng sanh và cho ngài được thoát khỏi 5 đại hồng thủy[2] nhất là ngũ dục hồng thủy; 7) kānānasādidāna: thí thân thể (tai, mũi), thì ngài nguyện cho được ngũ căn thanh tịnh; 8) cakkudāna: thí mắt, thì ngài nguyện cho được ngũ nhãn[3] nhất là thiên nhãn; 9) mamsalohitadāna: thí máu thịt, ngài nguyện cho có thân thể tròn đủ; 10) uttamanga dāna: thí đầu, thì ngài nguyện cho thành Vô Thượng đại giác.

Các sự bố thí ấy, chia ra làm 3 hạng: 1) pháp dứt bỏ các món dùng của mình (vợ, con, của) mà cho, gọi là bố thí đến bờ kia (dānapāramī); 2) pháp dứt bỏ tay, chân, mắt, thịt mà cho, gọi là bố thí đến bờ trên (dāna upapāramī); 3) pháp dứt bỏ mạng sống của mình mà cho, gọi là bố thí đến bờ cao thượng (dāna paramatthapāramī).

Ðức Bồ-tát đã bố thí các vật ngoài thân của ngài, mà ngài chưa vừa ý, nên ngài thí đến tay, chân, mắt, mũi, da, thịt của ngài. Tuy vậy, cũng chưa mãn nguyện, nên thí đến mạng sống của ngài, ngài mới an lòng.

Trong kiếp đầu thai làm thái tử Vessantararāja, lúc lên 8 tuổi ngài có nguyện rằng: Nếu có người đến hỏi xin trái tim, là nơi nương tựa của tâm, là sanh mạng của ta, thì ta mổ ngực lấy tim đem thí chẳng sai. Nếu họ hỏi xin mắt thì ta dùng dao bén rọc lấy mắt để trên bàn tay mà cho người. Tuy nhiên, nếu có người hỏi xin thịt, ta sẽ cắt thịt mà cho, với lòng hoan hỷ của ta.

Các pháp bố thí (đại hoặc tiểu thí) đã giải trên đều thích trong Kinh[4]. Xin các bậc thiện trí tuệ thức, nếu muốn biết thêm, nên xem trong các thứ kinh Jātaka (Tiền thân Ðức Phật) ấy.

2. Trì giới ba-la-mật (sīla pāramī)

Lời ngay thật mà đức Bồ-tát hằng trau dồi, do sự sáng trí tuệ và thương xót chúng sanh (nghĩa là: ngài hằng thốt lời ngay thật và hữu ích) bởi ngài có lòng từ bi đối với chúng sanh không phân giai cấp, gọi là trì giới trong sạch.

Bồ-tát hằng tránh xa tội lỗi và cố tìm làm việc lợi ích. Bởi đạo hạnh của ngài như vậy, nên gọi là trì giới đến bờ kia. Dầu xuất gia hay cư sĩ, ngài vẫn trì giới trong sạch không khi nào để lấm nhơ. Lúc tại gia, ngài giữ giới cư sĩ không vi phạm. Khi xuất gia, ngài càng hết lòng tinh tấn, thọ trì tứ thanh tịnh giới rất trong sạch theo 4 pháp là: 1) giới bổn thanh tịnh vì đức tin; 2) ngũ căn thanh tịnh giới vì trí tuệ nhớ; 3) chánh mạng thanh tịnh giới do tinh tấn; 4) quán tưởng thanh tịnh giới do tuệ lực. Trong mỗi kiếp chuyển sanh đức Bồ-tát đều trì giới được trong sạch. Cách hành đạo của Bồ-tát có giải rõ trong kinh Ganavera Jātaka số 318.

Giới Ba-la-mật chia ra làm 3 hạng: 1) dẫu có sự thiệt thòi đến vợ, con, đức Bồ-tát cũng quyết giữ giới được trong sạch, gọi là trì giới đến bờ bên kia (sīla pāramī); 2) dẫu có sự tai hại đến thân thể, Bồ-tát cũng chẳng vi phạm giới luật mà ngài đã nguyện thọ trì, gọi là trì giới đến bờ trên (sīla upapāramī); 3) nếu có hại đến sanh mạng đi nữa, Bồ-tát quyết không phá giới gọi là trì giới đến bờ cao thượng (sīla paramattha pāramī)[5]

3. Xuất gia ba-la-mật (nekkhamma pāramī)

Ðức Bồ-tát hằng có chí xuất gia, vì lòng từ bi, nhất là ngài thường thấy những điều tội lỗi của ngũ dục và suy xét để tránh xa. Vì thế, nên ngài quyết định xuất gia tu hành đến bờ kia. Tiếng pabbajjā nghĩa là pháp xuất gia tu hành, dứt bỏ vợ con, của cải.

Lại nữa, các công đức cao thượng nhất là nhập định, đều là phương pháp của bậc xuất gia. Hạng này có thể dứt trừ phiền não, xa lìa dục giới. Nếu đức Bồ-tát không xuất gia ở nhà hành đạo cư sĩ, ngài trì pháp phạm hạnh (brahmacariya dhamma) không sai phạm như đã có giải trong kinh Darimukkha Jātaka.

Xuất gia Ba-la-mật chia làm 3 hạng là: 1) cách dứt bỏ vợ, con, là nhân vật yêu mến mà xuất gia, gọi là xuất gia đến bờ kia (nekkhamma pāramī); 2)  cách dứt bỏ thân thể, tứ chi mà xuất gia, gọi là xuất gia đến bờ trên (nekkhamma upapāramī); 3) cách dứt bỏ sự sống mà xuất gia, gọi là xuất gia bờ cao thượng (nekkhamma paramatthapāramī).

4. Trí tuệ ba-la-mật (paññā pāramī)

Pháp thấu rõ 3 tướng (vô thường, khổ não, vô ngã) để diệt trừ tà kiến mà đức Bồ-tát hằng nguyện đạt đến, gọi là trí tuệ đến bờ kia. Giải rằng: Các danh sắc đều phải hư hoại do 3 tướng đã giải trên. Trí tuệ thấy chắc như vậy gọi là samannlalakkhana là pháp thấy rõ sự khổ về danh[6], sắc[7]. Hơn nữa, danh hằng duyên theo trần cảnh đều phải hư hoại, vì thời tiết (nóng, lạnh). Trí tuệ xét rõ như vậy, gọi là trí tuệ cao thượng. Các bậc Bồ-tát hằng ghi nhớ đến 3 tướng ấy, không bao giờ quên, dù là các ngài chưa đạt đến bậc toàn giác.

Hỏi: Tại sao con người và Chư thiên đều hết lòng cầu nguyện cho được đắc đạo quả A-la-hán. Còn đức Bồ-tát thì lại chẳng mong được đạo quả ấy? Ðáp: Bởi ngài đã chí hướng theo bậc Chánh Biến Tri. Trí tuệ của ngài thường hồi hướng cho chúng sanh. Hơn nữa, chư Bồ-tát khi rõ được pháp nào chơn chánh thì các ngài hằng đem ra giảng giải cho thiên hạ, không giấu giếm.

Trí tuệ Ba-la-mật chia ra làm 3 hạng: 1) đức Bồ-tát ít quyến luyến vợ, con, ngài hằng lo làm những việc lợi ích đến chúng sanh, nên gọi là trí tuệ đến bờ kia (paññā pāramī); 2) đức Bồ-tát hằng hy sinh thân thể của ngài để tìm sự lợi ích cho chúng sanh, nên gọi là trí tuệ bờ trên (paññāupapāramī); 3)  đức Bồ-tát không màng đến mạng sống của ngài, chỉ mong được sự lợi ích cho chúng sanh, nên gọi là trí tuệ đến bờ cao thượng (paññā paramatthapāramī).

5. Tinh tấn ba-la-mật (viriya pāramī)

Ðức Bồ-tát hằng cố gắng tìm làm những lợi ích cho chúng sanh, không thối chuyển, dầu có việc chẳng lành đến cho ngài, ngài cũng giữ một lòng tu hành tinh tấn. Nếu rõ điều nào chơn chánh thì ngài cố gắng thực hành, để chúng sanh thấy mà xu hướng theo.

Tinh tấn đáo bỉ ngạn chia ra làm 3 hạng: 1) dứt bỏ vợ, con, cố sức làm những việc lành, gọi là tinh tấn đến bờ kia (viriya pāramī); 2) dứt bỏ tứ chi, máu, thịt không than tiếc, nhất tâm tu hành không gián đoạn, gọi là tinh tấn đến bờ trên (viriya upapāramī); 3) cố gắng tận diệt hoặc nghiệp dù có sự hại đến sanh mạng, ngài cũng một lòng bất thối, gọi là tinh tấn đến bờ cao thượng (viriya paramatthapāramī)[8].

6. Nhẫn ba-la-mật (khanti pāramī)

Ðức Bồ-tát thường tu hạnh nhẫn, dằn lòng sân hận, vì tâm từ bi của ngài đối với chúng sanh. Ngài hằng thương xót và hiền lành, không oán giận chúng sanh, gọi là nhẫn đến bờ kia.

Ðức Bồ-tát hay ghi nhớ rằng: Chúng sanh toàn là thân bằng quyến thuộc của ngài, ngài hằng xá tội lỗi cho chúng sanh vì lòng hỉ xả của ngài. Nếu có kẻ nóng giận chửi mắng Ngài vô cớ, ngài chẳng chấp trách, cho nên ngài ít hay tỏ ý bất bình. Dẫu có ai đại nộ muốn đánh hoặc cắt tay chân ngài, ngài cũng chẳng đem lòng oán thù hay nói xấu kẻ ấy. Ngài lại cầu nguyện cho họ được an vui trường thọ.

Nhẫn đáo bỉ ngạn chia ra làm 3 bậc: 1) nhẫn về việc lầm lỗi của chúng sanh đối với vợ, con, gọi là nhẫn đến bờ kia (nhẫn chẳng phải chỉ nín thinh, mà cần nói lời ôn hoà cao thượng và lợi ích mới gọi là nhẫn đáo bỉ ngạn) (khanti pāramī); 2) nhẫn với việc làm sai của chúng sanh phạm đến thân thể, gọi là nhẫn đến bờ trên (khanti upapāramī); 3) nhẫn đến việc quấy của chúng sanh phạm đến mạng sống mà ngài chẳng nóng giận (oán thù), gọi là nhẫn đến bờ cao thượng (khanti paramattha pāramī).[9]

7. Chân thật ba-la-mật (sacca pāramī)

Sự xa lánh lời nói không thật vì lòng từ bi của Bồ-tát, gọi là chân thật đến bờ kia.

Lời thật ấy chia ra làm 3 bậc: 1) dẫu có tai hại đến vợ, con, ngài chẳng nói sai lời, gọi là chân thật đến bờ kia (sacca pāramī); 2) dù có sự tai hại đến thân thể nhưng chẳng nói sai lời, gọi là chân thật đến bờ trên (sacca upapāramī); 3) dù có tai hại đến mạng sống, cũng chẳng nói sai lời gọi là chân thật đến bờ cao thượng (sacca paramattha pāramī).

8. Quyết định ba-la-mật (adhitthāna pāramī)

Chí nguyện một lòng bất thối, nghĩa là: Nếu Bồ-tát đã quyết định tu thì ngài chỉ nhất tâm hành đạo, y theo lời nguyện của ngài không lòng thối chuyển, gọi là quyết định đến bờ kia.

Quyết định chia ra làm 3 bậc: 1) nếu vợ, hoặc con của đức Bồ-tát có sự khó khăn đến đâu, ngài không bỏ qua lời nguyện, sự tu hành tinh tấn như thế gọi là quyết định đến bờ kia (adhitthāna pāramī); 2) dù có sự thiệt thòi đến tứ chi, thân thể của ngài, ngài vẫn nắm giữ lời nguyện, không thoái bộ, gọi là quyết định đến bờ trên (adhitthānaupapāramī); 3) dẫu có sự hại đến mạng sống, ngài chẳng khi nào thụt lùi bỏ lời nguyện, gọi là quyết định đến bờ cao thượng (adhitthāna paramattha pāramī).

9. Bác ái[10] ba-la-mật (mettā pāramī)

Cách tìm sự lợi ích an vui cho chúng sanh và không lòng sân hận mà đức Bồ-tát hằng thực hành gọi là bác ái đến bờ kia.

Bác ái Ba-la-mật chia làm 3 bậc: 1) không làm mất sự lợi ích an vui của chúng sanh, mặc dù có việc dữ đến vợ, con, thì ngài cũng chẳng sân hận, gọi là bác ái đến bờ kia (mettā pārami); 2) dẫu có kẻ làm hại đến tứ chi, thân thể, ngài vẫn không bất bình, gọi là bác ái đến bờ trên (mettā upapāramī); 3) dẫu có kẻ hại đến mạng sống của ngài, ngài vẫn thương xót, gọi là bác ái đến bờ cao thượng (mettā paramattha pāramī).

10. Xả ba-la-mật (upekkha pāramī)

Ðức Bồ-tát hằng đè nén lòng ưa thích và sự bất bình theo tình dục của chúng sanh, do tâm bác ái của ngài, gọi là xả đến bờ kia.

Xả ba-la-mật chia ra làm 3 bậc: 1) đức Bồ-tát hằng có lòng không thiên vị đối với người, nhất là với vợ, con của ngài, xả như thế gọi là xả đến bờ kia (upekkha pāramī); 2) đức Bồ-tát hằng giữ lòng bậc trung, với những người ân hoặc vô ân với ngài, không lòng thiên vị, gọi là xả đến bờ trên (upekkha upapāramī); 3) dẫu có kẻ nào hại đến mạng sống hoặc cứu tử ngài, thì ngài vẫn giữ tâm điềm nhiên đối với những người ấy, gọi là xả đến bờ cao thượng (upekkha paramattha pāramī).

Phép thập độ này, trong mỗi bộ có chia ra làm 3 bậc: đáo bỉ ngạn đến bờ kia (pāramī), đáo bỉ ngạn đến bờ trên (upapāramī), đáo bỉ ngạn đến bờ cao thượng (paramattha pāramī). Tổng cộng là tam thập độ (30 độ).

Thập độ có thể độ người chứng 3 quả Bồ đề: Chánh đẳng Chánh giác (sammasambodhi), Độc giác (paccekabodhi), Thinh văn giác (savakabodhi). Những người tu Phật tùy sở thích, nên nguyện cho được kết quả một trong 3 bậc giác này. Hàng học Phật nếu chẳng thực hành theo pháp thập độ, thì chẳng mong đạt đến Niết-bàn. Vì thế các bậc thiện hữu trí tuệ thức tinh tấn tu hành theo pháp thập độ này, không dể duôi, thì sẽ ắt đạt đến bậc tiêu dao, tự tại chẳng sai.

– Dứt pháp thập độ –

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app