MƯỜI HAI NGHIỆP

Trong Thanh Tịnh Kinh (Visuddhimagga) quyển III có giải (12) mười hai thứ nghiệp chia ra làm ba loại là:

Loại I– Nghiệp cho quả theo thời có bốn:

1- Ditthadhammavedaniiyakamma: Nghiệp cho quả hiện tại.
2- Upapajjavedaniiyakamma: Nghiệp cho quả trong kiếp kế tiếp (sau khi thác).
3- Aparaaparavedaniiyakamma: Nghiệp cho quả trong các kiếp sau sau.
4- Ahosikamma: Nghiệp thôi cho quả.

Loại II– Nghiệp cho quả theo công việc là theo phận sự của nghiệp có bốn:

1- Janakakamma: Nghiệp sinh sản.
2- Upatthambhakakamma: Nghiệp vào cấp dưỡng.
3- Upapilikakamma: Nghiệp vào áp chế.
4- Upaghàtakakamma: Nghiệp vào sát hại.

Loại III– Nghiệp cho quả theo thứ tự là tùy nặng nhẹ của nghiệp cho quả trước hay sau, có bốn:

1- Garukamma: Nghiệp nặng.
2- Bahulakamma: Nghiệp thường có.
3- Asannakamma: Nghiệp cận thời. (Nghĩa là nghiệp làm hoặc nhớ được trong khi hấp hối)
4- Katattakamma: Nghiệp vô ý (không cố ý làm).

4.1 Loại I nghiệp cho quả theo thời

1- Ditthadhammavedaniiyakamma:

Tiếng Ditthadhammavedaniiyakamma: dịch là nghiệp cho quả trong hiện tại.

Chú thích: Nghiệp có sức mạnh cho quả nhãn tiền, người tạo thụ quả trong đời này.

Nghiệp này chia ra làm hai:

A- Cho quả trong bảy ngày gọi là Parisattadit thadhammavedaniyakamma.
B- Cho quả lâu hơn trước song quả quyết, sau khi thác phải thụ quả cũng gọi là: Ditthadhammavedaniyakamma: như trên.

Nghiệp cho quả nhãn tiền có hai:

A- Vui
B- Khổ.

A- Nghiệp Lành Cho Quả Nhãn Tiền

Chú thích: Trong kinh đô Raajagaha có chàng nhà nghèo tên Pu.n.na phải làm tôi mọi cho một triệu phú gia (làm ruộng mỗi ngày) vợ y thường bữa đem cơm cho dùng.

Ngày kia Đức Xá Lợi Phất xuất diệt thọ tưởng định (Nirodhasamaapatti) rồi quan sát thấy rằng: vợ của Pu.n.na có thể cúng dường được và khi Ngài đã thọ rồi, chàng Pu.n.na sẽ thành địa vị triệu phú gia. Thấy như thế Ngài mặc y mang bát đi theo đường mà vợ chàng Pu.n.na đang đem cơm cho chồng. Gặp Đức Xá Lợi Phất, nàng rất hoan hỉ đem thực phẩm dành cho chồng, dâng hết đến Ngài, rồi trở về nhà lấy thực phẩm mới cho chồng. Khi chồng nàng dùng xong, nàng mới thuật lại, việc cúng cơm đến Đại Đức và cầu chàng hoan hỉ phước thí thực ấy.

Chồng nàng cũng đồng vui thích như vợ, xong rồi chàng Pu.n.na trở ra cày ruộng nữa. Những lằn đất cày đều biến thành vàng tức tốc. Chàng Pu.n.na mới đem câu chuyện tâu cho đức vua rõ. Vua sai người đến chở vàng ấy đi, nhưng khi chở lên xe thì vàng trở thành đất. Nhà vua biết rằng phước dành riêng cho Pu.n.na, nên vua bèn phong chàng làm đại phú gia Mahaadhanase.t.thi.

B- Ditthadhammavedaniiyakamma – Ác:

Nghiệp ác của Mandagoghaataka (người hàng bò)

Như có tích rằng: Có người hàng thịt giết bò bán để nuôi sống. Y làm nghề này hơn năm mươi năm. Vì đã thường dùng thịt, trong mỗi bữa ăn nên phải có thịt bò y mới ăn cơm được. Ngày kia vợ hắn bán hết, không có đủ thịt để làm món ăn, nên hắn giận không dùng cơm, liền cầm dao ra cắt lưỡi bò sống, bảo vợ đem nướng rồi ngồi chờ ăn. Khi vợ hắn nướng xong đem cho hắn dùng ngay, nhưng miếng thịt lưỡi bò chưa xuống đến dạ dày quả của nghiệp ác phát sinh tức khắc, nghĩa là lưỡi của Nanda rớt liền xuống mâm cơm. Nanda la khóc như tiếng bò, chịu vô cùng khổ sở, chết rồi thụ sinh trong vô gián địa ngục (Aviciinakara).

Ác Nghiệp Của Nàng Ci~ncamaanavikaa

Trong sơ giác thời Phật giáo (Pathamabodhikaala) lợi danh phát sinh rất nhiều đến Chư Tỳ khưu trong Phật giáo.

Bọn ngoại đạo thì suy vi, kém sút, nên các thầy sinh lòng ghen tỵ, mong được lợi danh về mình, bèn hội họp nhau để trù tính mưu mô, làm cho hư danh mất lợi đến Phật giáo. Rốt cuộc các thầy đồng ý nhau rằng: kế hoạch sẽ được kết quả do nàng Ci~ncamaanavikaa. Như thế, khi nàng Ci~ncamaanavikaa vào chùa các sư ngoại đạo giả bộ bất bình không thốt lời chi cả. Nàng hỏi:

– Bạch các Ngài giận tôi về vấn đề gì, nên không tỏ lời chi cùng tôi?

Các thầy đáp:

– Chúng tôi không giận chi nàng đâu, nhưng hiện nay nàng không hiểu sao; chúng ta đâu còn được an vui gì, bởi Đức Gotama (Cồ Đàm) làm cho chúng ta phải khổ sở.

– Vậy, tôi phải làm thế nào cho các Ngài được vui?

– Nàng có sắc đẹp, chúng ta thấy nàng có thể làm tội đến Đức Cồ Đàm được.

Nghe các thầy ngoại đạo nói như thế, nàng Ci~ncamaanavikaa hiểu ngay nên nhận lời rồi từ giã trở về nhà.

Từ đấy, trong mỗi buổi chiều mát, hàng Phật tử đã thính pháp xong từ Đức Thế Tôn trở về nhà. Nàng Ci~ncamaanavikaa đi theo con đường vào Kỳ Viên tịnh xá, khi có người hỏi nàng đi đâu? Nàng đáp: “Đi vào Kỳ Viên tịnh xá”.

Đến buổi sáng khi tín đồ dẫn nhau đến chùa thì nàng lại trở về.

Thiện tín hỏi thì nàng đáp: “Tôi từ Kỳ Viên tự trở về”.

Như thế, trải qua nhiều ngày quần chúng đem lòng ngờ vực. Sau rồi nàng có cho họ biết rằng: nàng vào ngụ chung cùng Đức Cồ Đàm. Dần dần nàng độn bụng dường như phụ nữ mang thai, cho đến khi độn bụng to như gần đến kỳ lâm bồn. Xong, nàng đến trước mặt Phật, giữa tứ chúng (Chư Sư và Thiện tín đang nghe pháp), nàng khiển trách Đức Phật rằng:

– Này Đức Cồ Đàm! Ngài hãy quan sát coi có xứng đáng không? Tôi nay đã thai nghén gần ngày; Ngài lầm tưởng như không hay biết hử? Vì sao không tội nghiệp tế độ Ci~ncamaanavikaa chút nào vậy. Ngài chỉ có biết khoái lạc, nhưng không biết sắp sửa cho tôi khai hoa nở nhụy được an toàn sao? Dù Ngài không biết cách lo liệu thế nào, thì cũng nên bảo kẻ hộ Ngài như đức vua Pasenadikosala, ông Cấp Cô Độcv.v. trông nom sự sinh đẽ thế sao? Ngài chỉ biết thỏa mãn tình dục, đến lúc tôi mang thai lại chẳng có một lời thăm hỏi đến Ci~ncamaanavikaa chút nào cả.

Có phương ngôn rằng: “Khi nàng Ci~ncamaanavikaa thốt lời nhiếc mắng đức Phật vậy, ví như người làm hại vầng trăng trên không trung xa vong( [1] ) làm hại được vầng trăng không hay biết bị ai làm hại thế nào, hằng lóng lánh sáng ngời như thường; và ví như người dùng cục phẩn nhét vào mồm của chính mình, thật vậy“.

Khi nàng Ci~ncamaanavikaa thốt lời nhục mạ giữa tứ chúng như vậy, Đức Phật đáp rằng:

– Nàng Ci~ncamaanavikaa ! Những lời nàng thốt đây, không rõ rệt đến kẻ khác mà họ cũng không hay không thấy, chỉ có Như Lai và nàng rõ câu chuyện ấy, có phải vậy chăng? Trong lúc ấy, chỗ ngụ của Đức Trời Đế Thích chuyển động (Pháp cú kinh có nói: chỗ ngụ của Đức Đế Thích là một tảng đá màu vàng, dài lối sáu mươi do tuần, rộng sáu mươi do tuần, dầy mười lăm do tuần, khi Đức Đế Thích ngự lên thì nó hạ mình xuống, Ngài xuống rồi nó phồng lên). Khi bảo tọa của Ngài có dáng điệu như thế, Đức Đế Thích dùng thiên nhãn quan sát hiểu ngay rằng nàng Ci~ncamaanavikaa đang vu cáo Đức Thế Tôn bằng lời thô lỗ giữa Tứ Chúng làm cho họ ngờ vực. Ngài liền xuống Kỳ Viên tịnh xá, rồi biến làm con chuột vào cắn dây và vải mà nàng đã độn cho đứt lìa rơi xuống giữa hàng Tứ Chúng.

Thấy như thế, đại chúng biết rõ rằng nàng Ci~ncamaanavikaa vu cáo Đức Thế Tôn, họ bèn bu chung quanh giết nàng, đất liền nứt ra rút nàng vào trong vô gián địa ngục.

Nghiệp Ác Của Hoàng Tử Duttha Rajakumara

Hoàng tử đi đến vườn ngự uyển thấy chúng dân đang cúng dường Đức Độc Giác Phật, không tỏ lòng tôn kính Ngài, Hoàng tử phát sân xúi voi đuổi Đức Độc Giác Phật cho đến cùng, rồi giật bát của Ngài đổ bỏ thực phẩm xuống đất rồi nói tiếp rằng: “Đức Thầy giận ta, làm gì đến ta được”.

Khi đó nghiệp dữ cho quả nhãn tiền, khắp thân thể Hoàng tử nóng nảy rất mong được uống nước, nước đem đến từ các nơi cho Hoàng tử uống nhưng, các đồ đựng nước đều cạn khô. Không có nước uống nên Hoàng tử thác, rồi đọa vào vô gián địa ngục trong khi ấy.

  1. Upapajjavedaniyakamma:

Upapajjavedaniyaakamma: là nghiệp cho quả khi đã sinh ra rồi trong kiếp kế tiếp là nghiệp nhẹ hơn trước, và sẽ cho quả khi đã sinh ra trong kiếp kế bên.

Nghiệp Này có hai:

a/. Thiện
b/. Ác.

Trong kinh có ghi rằng: Nghiệp này chỉ về tác ý thứ bảy cho kết quả đến người tạo lành hay dữ theo tác ý tốc lực tâm thứ bảy, cho thành tựu quả, trong cõi kế tiếp đời hiện tại này, tức là trong kiếp thứ nhì tiếp theo.

a/. Upapajjavedaniyakamma lành có tâm là:

1) Pathamajhaana: Sơ thiền
2) Dutiyajhaana: Nhị thiền
3) Tatiyajhaana: Tam thiền
4) Catutthajhaana: Tứ thiền

(Bốn thiền hữu sắc).

5) Akaasaa~na~ncaayatanajhaana: Hư không vô biên thiền.
6) Vi~n~naa~nancaayatana: Thức vô biên thiền.
7) Aki~nca~n~naayatana: Vô hữu sở thiền.
8) Nevasa~n~naanaasa~n~naayatana: Phi phi tưởng thiền.

(Bốn thiền vô sắc)

Sơ thiền có năm chi: suy, sát, phỉ, an và định.

Nhị thiền có bốn chi: sát, phỉ, an và định.

Tam thiền có ba chi: phỉ, an và định.

Tứ thiền có một chi: là định, nhưng sự thật thì có xả nữa, như thế thì có hai chi định và xả.

Người đắc thiền không dứt, khi chết sinh trong cõi Phạm thiên. Đắc thiền hữu sắc được lên cõi Phạm thiên hữu sắc. Đắc thiền vô sắc đến cõi Phạm thiên vô sắc.

Vấn: Có lời hỏi rằng: “Người không đắc thiền, nhưng phát tâm làm lành (bố thí, trì giới v.v. ) được sinh trong cõi trời, như thế được gọi là: Upapajjavedaniiyakamma lành không, tại sao? “

Đáp: Cũng gọi là Upapajjaniiyakamma lành như nhau, vì cho quả trong kiếp kế tiếp, nhưng khác nhau là các nghiệp lành như bố thí, trì giới v.v… không nhứt quyết rằng sau khi chết sẽ được sinh trong cõi trời, bởi có người cũng sa trong ác đạo trước, khỏi rồi mới được lên trời. Nhưng về thiền định, như đã giải trên thì quả quyết rằng, nếu đắc thiền mà không dứt thì phải sinh trong cõi Phạm thiên, sau khi thác.

b/. Upapajjavedaniyakamma ác là:

1/- Giết mẹ.
2/- Giết cha.
3/- Giết Đức A-la-hán (Thinh văn giác).
4/- Chích máu Phật tổ.
5/- Chia rẽ Tăng.

Người phạm trong ngũ nghịch đại tội ấy (Anantaraayakamma) dù có tạo được các phước (như tạo tháp xá lỵ bằng vàng, chùa hoặc trai Tăng trong sa bà thế giới) cũng không thể ngăn ngũ nghịch đại tội ấy được, khi thác chắc chắn phải đọa trong vô gián địa ngục.

Giải rằng: Hành giả quyết tâm hành thiền được thuần thục, từ tứ thiền hữu sắc đến tứ thiền vô sắc, thác rồi được sinh trong cõi Phạm thiên do năng lực một thiền nào. Khi thiền cao nhất cho quả, rồi các thiền thấp thì Ahosikamma là không cho quả. Ngũ nghịch đại tội cũng vậy, nếu người nào phạm cả năm tội, một tội nào cho đầu thai, thì các tội kia cũng ngưng cho quả.

Quả quyết rằng: Upapajjavedaniyakamma cho quả ngay trong cõi thứ nhì, tiếp theo kiếp Này.

Upapajjavedaniyakamma ví như thợ săn bắn nhằm thịt rừng như tích Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) và vua A Xà Thế.

  1. Aparaaparavedaniyakamma:

Tiếng Aparaaparavedaniyakamma: là nghiệp cho quả trong các kiếp sau (tức là trong các cõi sau sau), từ cõi thứ ba nối tiếp cõi thứ hai (Upapajjavedaniyakamma) khi có dịp là cho quả ngay, ví như loài chó đuổi theo thú rừng, rượt theo kịp trong nơi nào, nó cắn xé trong nơi ấy.

Chú thích: Người tạo nghiệp nào rồi, sẽ thụ quả trong các kiếp sau không có thể nhất định thời kỳ cho quả. Đây chỉ về tác ý tạo nghiệp, tốc lực tâm nhảy đến năm bực gọi là: Aparaaparavedaniyakamma. Nghiệp này không có Ahosikamma nghĩa là chưa đắc A-la-hán đạo, chưa đoạn tuyệt được phiền não luân hồi, thì nghiệp này dính theo mãi, bất cứ là kiếp nào khi được cơ hội là cho quả ngay; ví như chó đuổi theo kịp thú, nó hằng nhảy đến cắn xé không chịu buông tha. Sớm hay muộn không nhứt định, chó chỉ rượt theo mãi mãi. Aparaaparavedaniyakamma hằng dính theo chúng sinh mỗi kiếp, chẳng có một ai thoát khỏi được.

Nghiệp này có hai:

a/- Thiện
b/- Ác.

a/- Apraapavedaniyakamma ác:

Nếu có nghiệp lành mạnh hơn thì ác chưa cho quả, khi thiện giảm sức ác mới có chủ quyền.

Chú thích: Jatilasetthii (triệu phú gia Jatila) trong kiếp chót triệu phú gia này sinh làm con một kỷ nữ, nàng dạy tỳ nữ để trong nồi rồi đem bỏ giữa đại lộ, đấy là Aparaaparavedaniyakamma ác.

Tích Đức Bồ Tát:

Thuở Ngài sinh ra làm Mahaajanaka( [2] ) bị chìm thuyền giữa bể phải lội đến bảy ngày. Kiếp làm Suva.n.nasaama đạo sĩ bị tên của vua Kapilaya đều là quả của Aparaaparavedaniyakamma ác.

Tích bảy vị Tỳ khưu:

Trong thời kỳ Đức Phật chúng ta có bảy vị Tỳ khưu đi đến hầu Phật, giữa khoảng đường vào nghỉ trong một cảnh chùa. Vị Sư cả bèn cho ngụ trong một hang núi, nhưng nửa đêm có một tảng đá rớt xuống che lấp miệng hang, dù là ai đến tiếp mở thế nào cũng không được.

Cả bảy thầy Tỳ khưu ấy chịu đói khát trong hang đá đến bảy ngày. Đến ngày thứ tám tảng đá ấy tự nhiên ngã ra.

Các thầy bạch cho Phật rõ và hỏi về nghiệp cũ của mình. Đức Thế Tôn giảng rằng: ấy là quả của nghiệp cũ của các thầy đã đuổi con kỳ đà vào trong gò mối đến bảy ngày.

b/- Aparaaparavedaniiyakamma lành:

Nếu nghiệp dữ có sức mạnh hơn đang cho quả thì Aparaaparakamma lành không cho quả được.

Khi nghiệp dữ yếu sức, nghiệp lành Này mới là chủ động.

Chú thích: Nàng Mallikaa Hoàng hậu của vua Pasenàdikosala lúc còn sinh tiền, bà có nhiều đức tin đề xướng cuộc tài thí vô song (Asadisadaana) nhưng khi thác phải sinh trong địa ngục bảy ngày rồi mới lên cõi Trời. Đây là Aparaaparaniiyakamma lành.

4.-Ahosikamma:

Ahosikamma: là nghiệp đã cho quả rồi nghĩa là nghiệp đã qua thời kỳ cho quả, ví như hạt giống hết phát nha( [3] ) vậy.

4.2 Loại II nghiệp cho quả theo phận sự

1- Janakakamma:

Janakakamma: là sinh sản. Nghĩa là có thể dẫn người tạo nghiệp từ kiếp này đi sinh ra trong kiếp khác. Ví như cha sinh con gọi là Kammayonii (nghiệp sinh sản).

Giải rằng: Lành và dữ dẫn đi thụ sinh, không cho quả trước khi thụ sinh, chỉ cho quả trong thời kỳ thụ sinh. Nghiệp cho quả như vậy gọi là: Janakakamma. Nghiệp lành và dữ cho quả trước khi thụ sinh về phần các nghiệp khác. Janakakamma, ví như mẹ sinh con, chỉ là người sinh mà thôi, phần vú nuôi săn sóc, trông nom hài nhi.

2- Upa.t.thambhakakammam:

Upa.t.thambhakakamma: là nghiệp vào cấp dưỡng, nghĩa là sau khi đã sinh, nghiệp này mới vào cung cấp, cũng gọi là Kammabandhu (nghiệp là thân quyến) nếu là Janakakamma lành thì nuôi nấng hài nhi được an vui, ví bằng là Yanakamma dữ thì cung cấp thêm sự khổ.

Chú thích: Upa.t.thambhakakammam lành ủng hộ cho sự tăng gia sự thịnh lợi và sự thạnh thế.

Tích đức vua Adadhamaasakaraaja:

Có ghi trong kinh chú giải rằng: Đức vua Adadhamaaraaja trước là một người nghèo gánh nước mướn, dành để được năm cắc. Ngày kia Đức vua Baaraanasii báo cáo cho biết sẽ làm đại lễ hài kịch ai không dự vào thì bị phạt vạ. Vợ chồng anh nhà nghèo ấy bèn tính góp tiền lại được một đồng.

Chia một phần để mua hoa thơm, một phần mua thực phẩm. Đồng ý cùng nhau rồi, chồng định đi lấy tiền đã giấu phía bắc thành phố, xa nhà lối mười hai do tuần.

Đi đường lúc trời nắng gắt, nóng nực như hơi lửa, dù như thế y vẫn vui thích, mặt mày hớn hở đi và hát, dường như đi trên đường mát mẻ. Khi qua trước hoàng cung, Đức vua Udayaraaja nghe thấy bèn ra lịnh cho quan hầu ra gọi y vào yết kiến và Ngài phán rằng:

– Vì sao người vui thích ca hát giữa đường, lúc trời nắng chang chang?

Hắn tâu rằng:

– Tâu lịnh Hoàng thượng mặt trời dù nắng gắt đến đâu cũng không sao bằng ánh nóng của tình dục, tâu lịnh hoàng thượng, tôi đi lấy tiền về chung góp với của vợ tôi.

Nghe như vậy, Đức vua rất hoan hỉ chia nửa giang sang cho và phong cho vợ hắn làm hoàng hậu, rồi bố cáo cho nhân dân rằng: nay có hai vua cùng nhau thống trị trong nước. Đức vua mới ban hiệu cho là Adadhamaasakaraaja. Đây là thí dụ nghiệp Upa.t.thambhakakamma lành và cung cấp.

Nghiệp này vào cấp dưỡng có hai:

1.- Phá tiêu tai nạn.
2.- Bổ khuyết của cải.

Như tích: Có một gia đình kia, từ ngày kết hôn đến ba năm không có con, rồi trì trai để cầu con, không lâu người vợ thai nghén, song gia đình nghèo khổ. Sau khi sinh được con trai thì trở nên khá dần dần. Con trai ấy nên bốn năm tuổi thì ngày càng phú túc, đây là: Upa.t.thambhakakamma lành vào ủng hộ đứa trẻ đó.

Về Upa.t.thambhakakamma dữ cũng vào cung cấp cho sa sút khốn cùng.

Nghiệp Này cũng có hai phận sự:

1.- Làm cho sinh tai nạn.
2.- Khiến của cải tiêu tan.

Lời chú giải có nói, nghiệp vào ủng hộ về phần dữ, vì thiếu pháp từ ái, có tâm keo kiết và làm hại kẻ khác.

Như tích: Anandasetthii và quỷ Dạ xoa dưới đây:

Anandasetthii (triệu phú gia Ananda) keo kiệt, không bố thí và trì giới, từ ngày sinh ra, nhưng được làm triệu phú do tiền kiếp có trai tăng đến chư Tỳ khưu.

Bởi nghiệp bủn xỉn ấy, sau khi thác phải thụ sinh vào nhà bần khổ. Từ ngày đầu thai vào lòng mẹ, bọn ăn xin trong nhóm quen hành khất đủ nuôi sống, thì trở nên thiếu thốn. Sau rốt, bọn ăn mày không cho người mẹ mang mển ấy đi chung cùng bọn. Khi sinh được hài nhi, người mẹ rời bỏ con, vì nếu đem theo thì hành khất không được.

Lớn lên nhớ được tiền kiếp, trẻ ấy đi ngay đến nhà mình trong đời trước là triệu phú, song bị các con không cho vào nhà, còn thêm bị đánh đập khổ sở nữa. Đây là nghiệp cấp dưỡng về phần ác.

Trong kinh chú giải có ghi rằng, quả của nghiệp ác này phát sinh đến người bội ân hại kẻ khác rằng:

Người tính làm dữ kẻ không làm hại lại, phải chịu khổ muôn phần là bị hành phạt nặng nề, tiêu tan của cải, loạn trí, bị vu cáo, lửa cháy nhàv.v.

3- Upapiilikakamma:

Upapiilikakamma: là nghiệp vào áp chế. Nghiệp này trái với Janakakamma khi Janakakamma sinh sản rồi Upapilikakamma vào ngăn quả của Janakakamma không cho nẩy mầm đầy đủ. Nếu Janakakamma lành sinh ra cho đẹp thì nghiệp kia vào ngăn cho giảm sức như câu “Jotitamaparaayano: sáng tới rồi, có tối đi phía trước”. Nếu Janakakamma dữ sanh ra thấp hèn nghiệp kia cũng vào ngăn như câu: “Tamojotiparaayano: tối đến rồi có sáng đi phía trước” gọi là nghiệp ngăn cho giảm.

Upapiilikakamma là nghiệp vào áp chế quả của nghiệp khác, trong khi nghiệp này cho quả; nghiệp kia theo kịp áp chế sự vui hay khổ, không cho vui và khổ trú vững lâu dài.

Chú giải: Nghiệp nào vào áp chế sự vui và sự khổ của các nghiệp, rồi tự mình cho quả, nghiệp ấy gọi là UpapiilikakammaUpapiilikakamma chỉ chờ làm cho giảm bớt quả của các nghiệp khác, chia ra có hai:

1- Lành.
2- Dữ.

Chú thích: Tích Hoàng tử Sunakkhattalicchavii, ban đầu phát tâm vui thích trong Phật giáo, vào xuất gia theo luật pháp rồi hành thiền đắc nhãn thông, nhưng không được chứng quả cao thêm nữa. Đến ba năm Ngài chán nản, hiểu lầm rằng: “Đức Phật chỉ đắc nhãn thông, nên không dạy ta đạt đến nhĩ thông. Nếu đã đắc nhĩ thông thì Ngài đã dạy ta rồi”. Khi đã nghĩ quấy như vậy: Sunakkhattalicchavii xin hoàn tục rồi tu theo ngoại đạo sau khi thác đọa trong a tỳ địa ngục.

Về Upapiilikakamma lành đến ngăn, áp chế quả của ác nghiệp, xin xem tích dưới đây:

Chàng Vaatakaalaka được vua phong làm đao phủ thủ trong thành Raajagaha, có phận sự hạ sát kẻ cướp. Tựu chức ấy hơn năm mươi năm rồi về hưu. Thường lệ y không mặc y phục mới, đẹp, trong thuở còn tại chức. Nên chi khi được về hưu y mong trang sức cho đẹp, bèn bảo vợ nấu cơm sữa. Y đi tắm rửa xong, mặc y phục mới trở về nhà, giữa đường gặp Đức Xá Lợi Phất đi trì bình, y nảy tâm vui thích, thỉnh Ngài về nhà dâng cơm sữa. Đức Xá Lợi Phất ngọ thực xong chú nguyện rồi Ngài về chùa. Chàng đao phủ thủ ấy theo đưa, rồi trở về bị bò báng chết giữa đường. Do sự thí thực ấy, y được sinh lên cõi Trời.

Theo tích này, cho thấy rằng, thiện nghiệp áp chế ác nghiệp (vì y tạo ác nghiệp không ít) phải sa trong khổ cảnh, nhưng nhờ được làm lành áp chế ác nghiệp, được sinh lên cõi Trời.

4- Upacchedakakamma:

Upacchedakakamma: là nghiệp vào sát hại, nhưng trong Thanh Tịnh Kinh (Visuddhimagga) gọi là Upaghaatakakamma.

Trong Kinh chú giải có ghi:

Upapii.likakamma như đã giải Upaghàtakakamma hay Upacchedakakamma nói đại khái thì giống nhau, sự cho quả cũng như nhau, chỉ khác nhau về tiếng Pàli là: Upapii.likakamma dịch là vào áp chế.

Upacchedakakamma dịch là: vào sát hại. Upacchedakakamma này chia ra có hai:

1- Lành.
2- Dữ.

Chú giải: Dẫn tích Long vương Eraakapattanaagaraaja đây cho thấy rằng, nghiệp dữ cắt đứt nghiệp lành như: Long vương Eraakapattanaagaraaja này trong kiếp trước là một vị Tỳ khưu trong thời kỳ Phật Kassapa. Có đức tin tu Phạm hạnh được hai muôn năm. Ngày kia, đi thuyền, Ngài nắm lá gừa tại một mé sông, khi ghe đi thì lá gừa ấy đứt, rồi Ngài quên sám hối. Trong giờ sắp chết, Ngài nhớ đến, mong sám hối theo luật định, nhưng tìm không có Tỳ khưu, Ngài phát tâm bôn chôn lo ngại, chết rồi sanh làm Long vương danh là Eraakapatta.

Về nghiệp lành bị nghiệp ác cắt đứt, có tích như vầy:

Cha của một vị Tỳ khưu là người thợ săn giết thú đem bán để nuôi mệnh, đến tuổi già mới vào xuất gia làm Tỳ khưu nơi vị Tỳ khưu con trai của y. Vị này cho học thiền nhưng chưa có kết quả chi. Tâm của thầy vẫn nhớ tưởng đến thú đã giết. Thầy bèn bạch cho ông con nghe, ông con khuyên tĩnh cho tham thiền mãi, khi gần chết, ông con nghĩ rằng, cha ta không nên sinh trong khổ cảnh, nên ông liền tìm lễ vật cúng dường Tháp bảo. Vị Tỳ khưu cha nhìn xem các lễ vật cúng dường để trên giường ngay trước mắt, ông vui thích rồi dùng lễ vật ấy đem cúng tháp nên được sinh lên cõi Trời.

4.3 Loại III – Nghiệp cho quả theo thứ tự

Garukamma: dịch là “nghiệp nặng”, có hai:

1- Nghiệp ác nặng thuộc về ngũ nghịch đại tội (Pa~ncàntaràyakamma).
2- Nghiệp thiện cao (thuộc về thiền định).

Trong khi thụ quả, nghiệp nặng cho quả trước (ví như các đồ vật) sắt, đáv.v. từ trên cao rơi xuống, đồ vật nào nặng tất nhiên đến mặt đất trước. Nghiệp dữ nặng hằng cho sinh trong khổ cảnh. Nghiệp lành cao cho lên nhàn cảnh. Dù người đã tạo các nghiệp (nghiệp nặng lẫn nhẹ) nghiệp nặng vẫn cho quả trước.

Về nghiệp lành cao như tích đức Bồ tát (tiền kiếp Đức Phật chúng ta). Một kiếp kia, Ngài xuất gia là đạo sĩ tu trong núi tuyết sơn, đắc bát thiền. Ngày nọ muốn được nếm vị ngọt, mặn trong thế gian, nên Ngài đến kinh đô Baaraanaasi đi khất thực trước hoàng cung. Đức vua Baaraanaasi xem thấy bèn phát tâm hoan hỉ trong oai nghi của Ngài. Đức vua bèn sai quan đến thỉnh vào đền, dâng cúng các món cao lương mỹ vị. Xong đức vua yêu cầu Bồ tát ngự trong vườn thượng uyển và vào hoàng cung ngọ thực mỗi ngày.

Có một lúc, đức vua cần phải thân chinh dẹp giặc ngoài biên thùy, nên dạy bà hoàng hậu phải phụng sự đạo sĩ Bồ tát. Buổi kia đức Bồ tát bay vào hoàng cung được thấy nhan sắc kiều diễm của hoàng hậu vì bà quên bổn phận. Vị đạo sĩ bèn đứt giới với hoàng hậu, thiền định cũng không còn. Các quan đại thần biết rõ nhân ấy nên gởi sớ tâu vua. Đức vua Baaraanaasi khi đã dẹp an phiến động liền khải ca hồi trào, ghé vào vườn ngự uyển hỏi đạo sĩ. Đạo sĩ thú tội. Đức vua xá lỗi và nhắc nhở Bồ tát hành đạo như xưa. Vị đạo sĩ đắc thiền như trước, rồi bay lên không trung xin từ biệt, dù đức vua thỉnh cầu lại nữa, đức Bồ tát cũng không nhận lời, Ngài bay trở về tu trong tuyết sơn như trước.

Hành thiền không dứt, thác rồi đức Bồ tát được sinh trong cõi Phạm thiên.

Về Garukamma áccó tích nàng Sunadrii như vầy: Trong thời kỳ Phật giáo, phái xuất gia theo đạo lõa thể thấy rằng lợi danh mỗi ngày càng giảm nhưng bên Phật giáo thì càng tăng, nên chúng tìm dịp để vu cáo Đức Thế Tôn.

Họ hội họp nhau để mưu hại Phật. Họ đồng ý rằng, phải cần nàng Sunadrii giả bộ làm phụ nữ mang mển, rồi cho kẻ cướp giết nàng đem bỏ gần hương thất của Phật, cho quần chúng tin rằng Đức Thế Tôn ám sát nàng để giấu nhẹm nghiệp xấu. Dầu thế, đại chúng vẫn hiểu được sự thật. Nàng Sunadrii thi hành theo kế hoạch ấy. Mỗi buổi chiều mát tứ chúng nghe pháp xong trở về, nàng Sunadrii đi ngay theo con đường ấy vào Kỳ Viên tịnh xá. Nàng giả bộ như mình đã ngụ trong chùa.

Phái lõa thể đi tuyên cáo rằng, nàng Sunadrii ngụ chung cùng Đức Cồ Đàm. Nhiều người nhẹ tai thiếu sự suy xét, không tìm theo nhân quả nên tin theo, không lâu, nàng Sunadrì bị ám sát, thụ sinh trong địa ngục.

Phe lõa thể, khi đã dạy kẻ cướp giết trộm nàng Sunadrii rồi, vào yết kiến Đức vua. Nhà vua bèn cho người trinh thám cho đến khi thấy rõ sự thật, rồi Ngài ra lệnh bắt bọn tu lõa thể hành phạt và bố cáo cho nhân gian rõ lẽ phải.

2- Bahulakamma:

Bahulakamma: là nghiệp thường có. Có khi gọi là Aci.n.nakamma (nghiệp quen làm).

Nghiệp Này có hai:

1- Dữ.
2- Lành.

Về nghiệp dữ, có tích rằng: Tên Cunda giết heo để nuôi mệnh đã lâu năm, đến khi nghiệp theo cho quả thì hắn la nghe tiếng như heo bò, trườn vô ra trong nhà. Chư Tỳ khưu đi khất thực, nghe tiếng như vậy, tưởng rằng họ giết heo để cúng tế. Các Ngài bạch hỏi Đức Thế Tôn, mới hiểu rõ sự thật. Đức Phật giảng thêm rằng: “người làm nhiều việc dữ, trong đời này hằng than van rên rỉ, chết rồi càng đau khổ trong kiếp sau”.

Về nghiệp lành có giải tích như vầy:

Khi gia thế của ông trưởng giả Cấp Cô Độc, dần dần sa sút, chỉ còn có một cô gái cũng nghèo, dù thế, nàng cũng dâng bát mỗi ngày đến một vị sư, cho đến lúc không còn vật gì cúng nữa. Nàng tìm đi làm công mỗi ngày, lấy tiền mua vật thực để cúng dâng. Nhà vua hay câu chuyện này, cho người tìm nàng vào hoàng cung rồi phong cho làm hoàng hậu. Từ đó nàng có dịp, mỗi ngày dâng cúng đến chư Tăng càng đông. Cúng dường đến các pháp sư, giáo sư, khi thác, nàng được sinh lên cõi Trời.

Nghiệp lành của hoàng hậu này gọi là Bahulakamma. Vì được làm thường thường không ngừng nghỉ. Không cần biết giàu hay nghèo, khi đã năng tạo nghiệp lành thì phước báu càng tăng theo thứ tự, gọi là Bahulakamma. Nếu không có nghiệp nặng thì Bahulakamma cho quả như thế.

3- Aasannakamma:

Aasannakamma: là nghiệp cận thời nghĩa là nghiệp tạo hay nhớ được khi gần chết.

Giải rằng: khi không có Bahulakamma, là không có tạo nghiệp thường thường, dù là ít thì Aasannakamma cũng cho quả. Ví như bò trong chuồng, khi kẻ chăn vừa mở cửa, bò nào đứng gần cửa dù là bò già, yếu, cũng được ra trước các bò khác (có sức lực hơn).

Xin giải cho dễ hiểu rằng: tâm của người, trước khi chết, hằng quyến luyến vợ con, của cải nhiều hơn. Nên chi, nếu không thường niệm tưởng nghiệp lành của mình đã tạo thì ắt lầm lạc, phải sa trong ác đạo.

Aasannakamma là nghiệp cận thời trong việc lành và dữ, nghĩa là người nào nhớ được nghiệp lành nào trong giờ hấp hối, nghiệp ấy sẽ cho quả ngay, như bò đứng gần cửa chuồng vậy.

Theo như hai lẽ đã giải đây, nếu có trí óc thiển bạc( [4] ) thì hiểu rằng là tương phản nhau, nhưng sự thật không phải thế, vì tâm tưởng đến việc lành đã làm trong khi gần chết hoặc đã tạo trước, mà nhớ kịp trong giờ hấp hối gọi là Aasannakamma cho quả đi thụ sinh trong nhàn cảnh được.

Có kẻ nghi ngờ rằng: nếu như thế, ta chỉ làm lành chút ít để dành rồi ta không thiết đến sự lành ta (sát sanh, trộm cắpv.v. ) đến lúc hấp hối ta sẽ tưởng đến nghiệp lành trước, như vậy cũng được lên nhàn cảnh, cần gì phải cố tâm làm phước cho vất vả.

Giải: Ta không nên lầm rằng, Nghiệp luật là điều quy định của nhân quả, nó hằng thực thi theo chế độ bất biến của nó, nếu người đã tạo phước chan chứa để dành rồi bỏ qua, không lưu tâm nghĩ đến mỗi ngày, khi hấp hối khó tưởng đến được, bởi tâm của phàm nhơn quen quyến luyến vợ con, của cải, thế sự, từ vô thủy dĩ lai, nên khó rứt để nhớ niệm đến đạo đức trong giờ sắp chết? Rồi phải sa trong ác đạo.

4- Katattaakamma:

Kattaakamma: là nghiệp vô ý, nghĩa là thiện và ác không thuộc về GarukammaBahulakamma và cũng không phải là Aasannakamma cả và người tạo cũng không rõ là phước hay tội. Vì là nghiệp không biết, chỉ làm thôi.

Nghiệp này không nhất định thời kỳ cho quả. Thí dụ: như tên mà người bắn, nhưng không định bắn đâu. Nếu không có Garukamma, Bahulakamma và Aasannakamma thì nghiệp này cho quả theo thế lực của mình.

( [1] ) Xem trong Thập Độ quyển 1.

( [2] ) Xem trong Thập Độ quyển I

( [3] ) Hết phát nha: hết nảy mầm, mọc mộng.

( [4] ) Thiển bạc: cạn và mỏng

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app