Thế Nào Là Mười Loại Cây Gai
1. Với sự ưa thích viễn ly, ưa thích hội chúng là cây gai.
2. Với sự chuyên chú tướng bất tịnh, chuyên chú tịnh tướng là cây gai.
3. Với sự phòng hộ các căn, xem văn nghệ trình diễn là cây gai.
4. Với đời sống Phạm hạnh, thân cận với phụ nữ là cây gai.
5. Với Thiền thứ nhất, tiếng ồn là cây gai.
6. Với Thiền thứ hai, tầm tứ là cây gai.
7. Với Thiền thứ ba, hỷ là cây gai.
8. Với Thiền thứ tư, hơi thở là cây gai.
9. Với Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ là cây gai.
10. Tham là cây gai, Sân là cây gai, Si là cây gai.
Này các Tỷ-kheo, hãy sống không có cây gai.
Này các Tỷ-kheo, hãy sống rời khỏi cây gai.
Này các Tỷ-kheo, hãy sống không có cây gai và rời khỏi cây gai.
Này các Tỷ-kheo, không có cây gai là bậc A-la-hán.
Này các Tỷ-kheo, rời khỏi cây gai là bậc A-la-hán.
Này các Tỷ-kheo, không có cây gai và rời khỏi cây gai là bậc A-la-hán
(Sumangala Bhikkhu Viên Phúc Edited from Tăng Chi Bộ – Mười Pháp – VIII. Phẩm Ước Nguyện – (II) (72) Cây Gai)
Ghi chú
Trong bài pháp thoại này Đức Phật chỉ ra những chướng ngại chính như cây gai cản trở hành giả chứng đắc Đạo Quả Alahán: đó chính là Tham, Sân, Si như là cội gốc cần được đoạn tận không còn dư sót.
Và để từng bước dẫn đến mục đích rốt ráo đó thì điều quan trọng là phải tránh vui thích nơi hội chúng đông người để có thể sống cuộc sống viễn ly về thân, về tâm để có thể tập trung thời gian công sức tu tập vun bồi viên mãn Giới Định Tuệ;
Đồng thời khi đó phải chuyên chú quán tưởng bất tịnh tướng để diệt trừ tham dục, làm nô lệ cho thân xác của mình và thân xác của người khác giới, cũng như đối với các sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, khả lạc khả hỷ khả ái – các pháp trói buộc trường tồn trong luân hồi;
Đồng thời khi đó cũng phải chú tâm cảnh giác thu thúc lục căn, không chấp giữ tướng chung tướng riêng của trần cảnh thế gian gây nên tham ái, phiền não, như ca hát múa nhạc … v. v…… ;
Và để đảm bảo an toàn cho đời sống Phạm hạnh, lìa xa dâm dục thì phải tránh xa việc vui thích gần gũi người khác giới;
Và không chỉ vun bồi thanh tịnh Giới như vậy, hành giả cần tu tập vun bồi Tâm (Định) và Tuệ thông qua thành tựu Chánh định (tức các bậc Thiền được viên mãn trên nền tảng cơ sở của bẩy chi phần còn lại trong Bát Thánh Đạo) nhờ tu tập Chỉ Samatha và Quán Vipassana, để có thể thấy như thật Tứ Thánh Đế.
Ở đây để chứng đắc Thiền thứ nhất, hành giả cần tránh xa nơi ồn ào náo động, tìm đến nơi thanh vắng tĩnh lặng, với chánh niệm tỉnh giác vị hành giả “ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.;
Để chứng đắc Thiền thứ hai, hành giả cần làm tịnh chỉ tâm Tầm và tâm Tứ còn rất thô tháo: “diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm, vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.”
Để chứng đắc Thiền thứ ba, hành giả cần làm an tịnh tâm Hỷ cũng còn thô tháo: “ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “Xả niệm lạc trú”, chứng và an trú thiền thứ ba. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân, không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần”;
Để chứng đắc Thiền thứ tư hành giả cần làm tịnh chỉ hoàn toàn hơi thở, trở nên vi tế hầu như không có mặt, toàn thân tâm vắng lặng không bị rung động bởi bất kỳ cảm thọ lạc khổ hỷ ưu: “xả lạc, xả khổ, diệt hỷ, ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Tỷ-kheo ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần”;
Và để chứng đắc Diệt Thọ Tưởng Định hành giả là các bậc Thánh Bất lai và Alahán, đã thành thục đệ tứ thiền vô sắc giới, cần tạm thời tịnh chỉ trong vòng bẩy ngày các tâm và tâm sở Thọ, Tưởng: “thân hành của vị này được chấm dứt, được dừng lại, khẩu hành được chấm dứt, được dừng lại, tâm hành được chấm dứt, được dừng lại, nhưng tuổi thọ không diệt tận, hơi nóng không tiêu diệt, các căn được sáng suốt.”
Đối với các hành giả sơ cơ, chưa đắc các tầng Thiền thì chỉ nên tập trung vào phần nội dung gần với mức độ đang thực hành của bản thân với những phần chú ý cần phải tránh, chứ không nên mất thời gian suy diễn, tìm hiểu quá xa về những pháp chưa thành tựu, khi nào tu tập gần đến mức đó thì vị thầy sẽ có sự hướng dẫn thích hợp.
Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.
Trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala