SƯU TẬP PHÁP

GIẢI VỀ PHÁP THỨ TÁM CỦA BỰC XUẤT GIA VÀ SA MÔN

“Mattaññuta ca bhattasmin: Trạng thái người biết tiết chế trong thực phẩm.

Biết tiết chế là biết buộc mình ở trong lễ phép, khiến cho khỏi thái quá, là biết hạn chế trong 4 oai nghi: đứng, đi, ngồi, nằm cho đều; biết hạn chế trong khi: nói, làm, nghĩ đúng theo quy tắc của Phật giáo v.v… Song nơi đây chỉ giải về 3 điều là:

1. Biết tiết chế trong sự tìm kiếm;
2. Biết tiết chế trong sự thọ lãnh;
3. Biết tiết chế trong sự dụng;

Xin xem trong “Chánh mạng thanh tịnh giới và phép quán tưởng thọ vật dụng”.

GIẢI VỀ PHÁP THỨ CHÍN CỦA BẬC XUẤT GIA VÀ SA MÔN

Trong Tạng Luật, quyển thứ 8, đức Phật có giải: Tỳ kheo ngủ mê có 5 tội:

1. Ngủ mê khổ.
2. Thức dậy cũng khổ.
3. Nằm mộng xấu xa.
4. Chư thiên không hộ trì.
5. Di tinh.

Chư thinh văn đệ tử Phật chỉ có nghĩ:

1. Buổi trưa sau khi thọ thực, nghỉ chốc lát rồi thức dậy (đứng, đi, ngồi) để tham thiền quán tưởng;

2. Ban đêm phân làm 3 canh: canh đầu và canh cuối cùng (đứng, đi, ngồi) tham thiền quán tưởng; canh giữa nghỉ (nằm nghiêng bên tay mặt, như lúc Phật nhập diệt) đem trí nhớ nguyện rằng: ta nghĩ đến hết canh giữa rồi thức dậy, và tịnh tâm mà nghĩ. Ngủ như vậy có 5 phước báo;

a. Ngủ được vui.
b. Thức dậy cũng vui.
c. Không nằm mộng xấu xa.
d. Có chư thiên hộ trì.
e. Tinh không di.

 

GIẢI VỀ PHÁP NƯƠNG NGỤ TRONG NƠI THANH VẮNG

Pantanca sayanasanam: Nơi nằm, chỗ ngồi thanh vắng”

Rừng núi hoặc rừng cây, xa khỏi xóm làng, và tịnh thất không người ở (suññagāratthāna) đều gọi là nơi nằm, chỗ ngồi vắng vẻ. Các nơi thanh vắng đó, cho hành giả nương ngụ xa khỏi sắc và tiếng người, cho tâm dễ bề yên lặng ṅhân đó, mà các bậc trí tuệ chỉ vừa lòng với chỗ ngụ vắng vẻ nhất là rừng núi”.

Lẽ thường, rừng núi là nơi yên vui, đáng cho bậc hành giả ưa thích. Song người hành đạo cần xu hướng, đem cái tâm mình thí dụ với rừng vắng, theo lời đại đức Nagasenatthera tâu với đức vua Milinda rằng:

NĂM CHI CỦA RỪNG LỚN

1.- “Rừng lớn là nơi che đậy những kẻ không tốt, thế nào, hành giả cũng nên là người che đậy tội lỗi và sự quên lãng của kẻ khác cho giống như rừng lớn giấu kín kẻ xấu xa vậy”

2.- “Rừng lớn là nơi rỗng không, chẳng có kẻ tới lui, thế nào hành giả cũng nên là người rỗng không, chẳng có ô nhiễm là: tham, sân, si, ngã chấp, tà kiến cho giống như rừng vắng, chẳng có kẻ tới lui vậy”.

3.- “Rừng lớn là nơi vắng tanh thế nào, hành giả cũng nên là người lặng tâm khỏi ác pháp xấu xa, lạ tâm của hạng thường nhơn, chẳng phải là tâm của bậc thánh, cho giống như rừng lớn vắng tanh vậy”

4. – “Rừng lớn là nơi yên lặng trong sạch, thế nào, hành giả cũng nên là người có tâm yên tịnh, nên là người dứt lòng ngã chấp, quên ơn, cho giống như rừng lớn yên lặng trong sạch vậy”

5 – “Rừng lớn là nơi thân cận của hàng thánh nhân, thế nào, hành giả cũng nên làm cho mình là nơi thân thiết của bậc thánh nhân vậy”

Hiệp theo Phật ngôn có ghi trong “Sañyuttanikaya” rằng:

Pavittehi ariyehi pahitattehi viññuhi niccam āraddhaviriyedi panditehi sahāsave:
“Hành giả nên ngụ chung với hàng trí tuệ, bậc yên lặng, người xa khỏi đều ô nhiễm, người đưa cái tâm đi trong thiền định, là người thông minh, có sự tinh tấn luôn khi.”

GIẢI VỀ HÀNH GIẢ NGỤ TRONG RỪNG SONG LÒNG CÒN DỤC VỌNG

Hành giả nào có thân lánh khỏi vật dục do sự ngụ trong rừng là nơi vắng vẻ, song không ngăn cái tâm cho xa khỏi phiền não được để cho tâm phóng túng theo thế lực 3 tà tư duy là:

1. Suy nghĩ tìm kiếm ngũ dục (kāmavitakka),
2. Suy nghĩ mong oán thù kẻ khác (byāpadavitakka);
3. Suy nghĩ muốn làm khó kẻ khác (vihinsavitakka).

Thì cũng chẳng cao thượng hơn người tu trong xóm làng, mà tâm xa khỏi ngũ dục. Như có vị tỳ khưu tên Meghiya đi ngụ trong rừng mà không được thành tựu các đức thanh cao, vì chìu theo 3 cái vọng tâm đó.

Tích Ðại Ðức Meghiya

Thuở đại đức Ananda chưa lãnh trách nhiệm hầu Phật, thì có vị tỳ khưu Meghiya theo hộ đức Thế Tôn. Lúc thầy Meghiya thấy cụm rừng xoài (ambavana) là nơi đáng ưa thích (ramaniyaṭṭhana) rồi bạch xin Phật đi tham thiền trong nơi đó. Phật ngăn rằng: Ngươi chờ đã, khi có vị khác đến hộ Như Lai rồi sẽ đi”. Tỳ khưu Meghiya vẫn nài nỉ cầu xin nữa rằng: “Ðức Thế Tôn đã được tròn phận sự, phần tôi cần phải tu hành thêm nữa”. Bạch rồi bèn lạy mà đi. Nhưng khi đến trú trong nơi đó, hằng bị tà tư duy đè nén, tham thiền vô hiệu quả, bèn trở lại bạch cho Phật rõ. Ðức Thế Tôn thuyết rằng:

Tandanaṃ capalaṃ cittaṃ durakkhaṃ dunnivārayaṃ ujuṃ karoti medhāvi, usukārova tejanaṃ, vārijova thale khitto, okamokataubhato, patitandatidaṃ cittaṃ, māradheyyaṃ māradheyyam, pahātave

“Người có trí tuệ hằng uốn cái tâm lay chuyển trạo trực, khó gìn giữ, khó ngăn cấm, cho trở nên ngay thẳng được, như thợ làm tên uốn cây tên cho ngay vậy. Lẽ thường loài thủy sanh [*] (vārijāti) nếu bị người đem lên khỏi nước rồi, liệng bỏ trên khô, hằng giãy giụa, thế nào, cái tâm mà hành giả đem ra khỏi chỗ nó quen ở, tức là ngũ dục, rồi bỏ trên khô, tức là pháp quán tưởng, cho khỏi sự buộc ràng của ma vương, nó cũng hằng lay chuyển vậy”.

[*] Loài sanh trong nước như cá.

Phật ngôn trên đây chỉ cho thấy rõ rằng: khi hành giả nương ngụ trong nơi vắng vẻ, nên làm cho yên lặng cả thân, tâm và điều ô nhiễm, mới có thể được quả báo chơn chánh theo lời Phật dạy.

GIẢI VỀ PHÁP TU TÂM CAO CẤP

Adhicitte ca ayogo“: sự tinh tấn tu tập trong tâm cao cấp.

Tiếng adhicitta dịch là “tâm cao cấp” là tâm bậc cao, vượt khỏi lên trên tâm người thường, chia ra làm 2 phần là:

1. Thiền hữu sắc
2. Thiền vô sắc.

Thiền hữu sắc (rūpajjhāna) có 4 bực:

a) Sơ thiền (pathamajjhāna),
b) Nhị thiền (dutiyajjhāna),
c) Tam thiền (tatiyajjhāna),
d) Tứ thiền (catutthajjhāna).

NĂM PHÁP CÁI (NIVARAṆADHARMA)

Pháp che ngăn cái tâm không cho đắc thiền định được gọi là “pháp cái”, có 5:

1. Tham trong ngũ dục (kāmacchanda)
2. Oán (byāpada)
3. Hôn trầm: là thân tâm lười biếng, rã rượi, buồn ngủ (thīnamiddha)
4. Phóng tâm: tâm buông thả, không chú trọng (uddhacca kukkucca)
5. Hoài nghi (vicikiccha)

NGUYÊN NHÂN SANH NĂM PHÁP CÁI

1. Sự tham trong ngũ dục phát sanh “dơ” cho rằng là đẹp, là sạch;
2. Sự oán thù phát sanh do tâm bất bình uất ức;
3. Hôn trầm phát sanh do tâm không vui thích;
4. Phóng tâm phát sanh do lòng không yên lặng;
5. Hoài nghi phát sanh vì không ghi nhớ bằng trí tuệ.

Năm pháp cái đó, dầu là người không có tác ý mong mỏi, cũng có thể phát sanh lên được, bởi đã có thói quen thân thiết từ lâu rồi.

PHÁP TRỪ NĂM PHÁP CÁI

I. Tham trong ngũ dục trừ bằng tham thiền đề mục bất tịnh (tử thi) (xem trong pháp chánh định). Lại có 6 pháp nữa để dứt lòng tham ngũ dục là:

1. Học đề mục thiền định bất tịnh;
2. Tinh tấn niệm đề mục bất tịnh;
3. Thu thúc lục căn;
4. Biết tiết chế trong thực phẩm;
5. Gần gũi bạn lành;
6. Chỉ nói lời nên nói (nói lời làm cho phát sanh sự chán nản thế sự)

II. Trừ thù oán bằng niệm từ ái (mettā bhāvanā), nghĩa là rải tâm thương xót đến tất cả chúng sanh. Có 6 phép khác nữa để dứt lòng thù oán là:

1. Học đề mục từ ái;
2. Tinh tấn niệm đề mục từ ái;
3. Quán tưởng rằng: chúng sanh có cái nghiệp là của mình;
4. Cố gắng quán tưởng cho nhiều;
5. Gần gũi cùng bạn lành;
6. Chỉ nói lời nên nói.

III. Trừ hôn trầm bằng phép tinh tấn. Có 6 pháp khác để dứt hôn trầm là:

1. Chú tâm về sự tiết chế trong pháp thọ thực;
2. Rán thay đổi oai nghi cho đều, cho được vui;
3. Quán tưởng làm cho tâm sáng láng tươi tỉnh;
4. Chỉ ngụ trong nơi trống (khoảng trống);
5. Gần gũi cùng bạn lành;
6. Chỉ nói lời nên nói.

IV. Trừ sự phóng tâm bằng tịnh tâm. Có 6 pháp để dứt phóng tâm là:

1. Trạng thái người được nghe nhiều học rộng;
2. Ráng tra vấn điều phải chẳng;
3. Biết thuần thục giới luật;
4. Tìm kiếm bậc trưởng thượng hoặc hàng đức hạnh;
5. Gần gũi cùng bạn lành;
6. Chỉ nói lời nên nói;

V. Trừ hoài nghi do sự ghi nhớ bằng trí tuệ trong thiện pháp. Có 6 pháp để trừ hoài nghi là:

1. Trạng thái người nghe nhiều học rộng;
2. Ráng tra hỏi đều phải chẳng;
3. Biết thuần thục trong giới luật;
4. Làm cho tâm có nhiều đức tin;
5. Gần gũi cùng bạn lành;
6. Chỉ nói lời nên nói.

THÍ DỤ NĂM PHÁP CÁI VỚI NĂM THỨ NƯỚC

 

1. Tham ngũ dục ví như nước có lẫn lộn nhiều màu;
2. Oán thù ví như nước đang sôi trào;
3. Hôn trầm ví như nước bị rong rêu che án;
4. Phóng tâm ví như nước có sóng lưỡi búa;
5. Hoài nghi ví như nước và để trong nơi tối.

Khi nước đã biến đổi như vậy rồi, người không thể soi cho thấy bóng mặt được, thế nào, pháp cái cũng là điều che ngăn cái tâm không cho thấy lẽ chánh vậy.

THIỀN HỮU SẮC

Thiền định hữu sắc chia làm 4 bậc là:

1. Khi hành giả tinh tấn trừ năm pháp cái được rồi thu tâm lại còn có năm là:

a) Tầm (vitakka)
b) Sát (vicāra)
c) Phỉ (pīti)
d) An (sukha)
e) Ðịnh (ekakkatā).

Như thế đó gọi là “sơ thiền” (pathamajjhāna).

2. Thu cái tâm lại nữa, dứt tầm và sát, chỉ còn có 3 là: phỉ, an, định gọi là nhị thiền (dutiyajjhāna).

3. Thu cái tâm lại nữa, bỏ phỉ ra, chỉ còn có hai là: an và định, gọi là “tam thiền” (tatiyajjhāna).

4. Thu cái tâm lại nữa, bỏ an, chỉ còn có 2 là định và xả (upekkha) gọi là “tứ thiền” (catutthajjhāna).

GIẢI VỀ THIỀN HỮU SẮC

Người muốn suy xét về pháp thiền định, cần phải chủ ý trước rằng: “Cái tâm của thường nhơn có nhiều bậc, tốt cũng có, xấu cũng có, lẫn lộn nhau là lẽ thường. Tất cả điều ác, nếu nói cho nhiều thì có đến 1.500 gọi là ô nhiễm (kilesa). Song trong nơi đây chỉ trích lấy có 10 là bên lành có 5, bên dữ có 5. Về phần lành thì nói về 5 chi thiền (angajhana), phần dữ, về 5 pháp cái (nīvaraṇadharma) đem sắp hạng theo thứ tự như vầy:

PHẦN LÀNH PHẦN DỮ

 

1- Ðịnh (Samādhi)
2- Phỉ (pīti)
3- Tầm (vitakka)
4- An (sukha)
5- Sát (vicāra)

6- Tham (Kāmacchanda)
7- Oán (byāpada)
8- Hôn (thīnamiddha)
9- Phóng (uddhacca kukkucca)
10- Nghi (vicikicchā)

Ðó là tướng tâm của thường nhơn, nghĩa là tâm người đời có lúc ngưng thần được, song khi có sự tham trong một ngũ dục nào rồi thì ngưng thần phải lui. Trong lúc đó tâm liền phóng túng ngay. Khi phỉ phát lên, nếu có điều bất bình tiếp xúc thì phỉ cũng tiêu, trở thành oán cấp kỳ,

Khi tâm xét đều gì rồi bỏ, không nghĩ nữa vì bị hôn trầm đè nén. Có khi được an lạc song bị phóng túng lại sanh lên làm cho hết an lạc đi. Lẽ thường, con người hằng có tâm quan sát trí tuệ tìm đều lợi ích, mà bị sự hoài nghi đè nén rồi, thì không còn xem xét được nữa, không tin chắc phía nào, sát cái gì cũng chẳng thành tựu.

Nếu đã xem và nghe được vừa lòng lời giải trên đó đúng đắn rồi thì dễ hiểu biết trong pháp thiền định, theo thứ tự như sau này:

1. Người đắc sơ thiền có thể cắt cả năm pháp cái phần dữ được, chỉ còn sót 5 phần lành là: định, phỉ, tầm, an và sát.

2. Song về 5 phần lành đó, tầm và sát vẫn còn thô thiển, là nhân làm cho tâm rời rạc nữa được. Cho nên cần cố gắng trừ “tầm và sát”, cho chỉ còn: “định, phỉ và an”. Ðây gọi là đắc ṅhị thiền”.

3. Phỉ là sự no lòng nhưng cũng còn xao động nên sợ e cho ác pháp sẽ nhập vào nữa. Cớ ấy, phải trừ bỏ phỉ, chỉ còn định và an. Ðược như vậy gọi là nhập “tam thiền”.

4. Mặc dầu như thế đó, sự an lạc cũng là điều còn thô thiển, đương yên vui, sự khổ lại đến, vì vui với khổ là pháp tương phản. Lẽ đó, phải diệt vui cho chỉ còn có 1 “định” thì tâm hằng trú trong trạng thái “vô ký” (upekkha). Như thế gọi là “tứ thiền”.

Vì mong cho các hàng Phật tử được học hỏi dễ dàng, nên có bản đồ chỉ rành dưới đây cho thấy rõ tướng tâm của bậc đắc định. Hành giả muốn đắc thiền từ thấp đến cao, cần phải diệt tận đều xấu, lọc lấy cái tâm tốt, cao từng bậc, chỉ còn cái tâm thanh cao tối thượng thôi, ví như lấy nước sạch đem lóng lần lượt cho chỉ còn nước thật trong thôi.

TÂM CỦA THƯỜNG NHƠN

1. Hôn 2. Nghi 3. Sân 4. Phóng 5. Tham

TÂM CỦA BẬC ÐẮC SƠ THIỀN

1. Tầm 2. Sát 3. Phỉ 4. An 5. Ðịnh

TÂM CỦA BẬC ÐẮC NHỊ THIỀN

1. 2. 3.Phỉ 4. An 5. Ðịnh

TÂM CỦA BẬC ÐẮC TAM THIỀN

1.2.3.4. An 5. Ðịnh

TÂM CỦA BẬC ÐẮC TỨ THIỀN

1.2.3.4.5. Ðịnh

BỐN THIỀN VÔ SẮC

1.- Quán tưởng (patibhāgangimitta) của đề mục Kasiṇa cho trở thành “không không” gọi là ṁở Kasiṇa” rồi dùng hư không làm cảnh giới. Niệm “Ananto ākāso hư không vô biên” Niệm cho đến phát sanh định tâm, rồi dứt sự phân biệt trong điều bất bình, bỏ sự phân biệt trong các trạng thái khác.

2.- Dùng cái thức (viññana) làm cảnh giới niệm rằng: “Anantam viññanam (thức vô biên). Niệm cho đến phát sanh định tâm, rồi dứt bỏ sự phân biệt trong “ākāsānañcāyatana (hư không vô biên) ra gọi là (Viññānañcajjhāna) “thức vô biên thiền”.

3.- Chẳng dùng cái gì làm cảnh giới cả, niệm rằng: Natthi kiñci (cái gì chút ít cũng chẳng có). Niệm cho đến phát sanh định tâm, rồi dứt bỏ sự phân biệt trong “thức vô biên” ra được, gọi là “vô hữu sở thiền”.

4.- Chẳng dùng cái gì làm cảnh giới cả, rồi niệm “Santametam panitame tam (cái đó vi tế lắm, cái đó quý báu lắm). Niệm cho đến phát sanh định tâm rồi dứt bỏ sự phân biệt trong “vô hữu sở thiền” ra, gọi là “Phi phi tưởng thiền” (Nevasaññānāsaññāyatajjhāna).

Hành giả đắc tứ thiền này mà gọi là “biết mình” cũng không được hoặc “không biết mình cũng không được”.

PHÂN BIỆT THIỀN HỮU SẮC VỚI THIỀN VÔ SẮC

Gọi là thiền hữu sắc, vì còn nương theo đề mục có sắc như Kasina song sau khi đắc thiền hữu sắc được thuần thục, rồi nhập thiền không cần dùng kasina nữa mới gọi là “thiền vô sắc”.

Xin giải thêm cho rõ rệt về thiền vô sắc lần thứ nhì nữa như sau này:

1. Thiền vô sắc đầu tiên, dùng hư không làm đề mục, nghĩa là chỉ niệm: “Hư không là cái vô biên” thôi. Không tưởng nhớ đến patibhāgangimitta, không dùng sắc làm cảnh giới. Ðó gọi là “hư không vô biên thiền”

2. Dứt sự nghĩ nhớ đến hư không đó ra, chỉ niệm cái thức thôi rằng: “thức là cái vô biên”. Ðó gọi là “thức vô biên thiền”.

3. Dứt sự nghĩ nhớ đến cái thức ra, không có nhớ tưởng đến cái gì cả, nghĩa là làm cho cái tâm vắng lặng, không có cái gì đến dính mắc cả. Ðó gọi là “vô hữu sở thiền”.

4. Khi cái tâm đã nhập vững chắc trong thiền cao cấp, vi tế, tột bực như thế, hành giả đắc thiền đó cũng gọi là bực quý cao, tức là có śự biết mình rất ít”, dường như gọi rằng: “không biết mình” cũng được. Dầu có người đến đánh đập cũng chẳng biết, song vẫn còn sanh mạng. Cho nên gọi là “phi phi tưởng thiền”.

Tất cả 8 thiền (4 thiền hữu sắc và 4 thiền vô sắc) thông thường đều có trong các thời gian (là trong thời gian có Phật hoặc không có Phật). Song ngoài Phật giáo, hành giả đắc thiền không có thể dứt điều ô nhiễm và khổ não chỉ được yên vui trong cái pháp mà mình thấy đó thôi và được sanh lên trong cõi Phạn thiên thôi.

GIẢI VỀ TRÍ TUỆ

Cái tư chất thông minh, hiểu rõ nhân quả, gọi là “trí tuệ (paññā)”. Trí tuệ biết giữ mình được yên vui trong đời gọi là “trí tuệ đời” (lokiyapaiññā). Trí tuệ ra khỏi đời, đến đạo quả Niết bàn, gọi là “trí tuệ thoát đời” (lokuttarapaññā).

Ðạo lý của trí tuệ mà đức Phật đã giảng giải đó, nói về trí tuệ biết rõ trong 3 tướng (trayalakkhana).

1. Aniccatā: Vô thường;
2. Dukkhatā: Khổ não;
3. Anattatā: Vô ngã.

Theo lẽ đó bậc trí tuệ nên phân biệt theo Phật ngôn như sau này:

1. “Sabbe sankhārā aniccati yadā paññāya passatti attha nibbindati dukkhe esa maggo visuddhiyā“.

2. “Sabbe sankhārā dukkhati yadā paññāya passatiattha nibbindati dukkhe esa maggo visuddhiya“.

3. “Sabbe dhammā anattati yadā paññāya passati attha nibbindati dukkhe esa maggo visuddhiyā“.

Khi người suy xét, quán tưởng thấy rõ bằng trí tuệ rằng:

1. “Tất cả sắc tướng đều là vô thường, không bền vững lâu dài”;
2. “Tất cả sắc tướng đều là khổ não khó khăn”;
3. “Tất cả pháp tướng đều là vô ngã, chẳng phải ta”,
khi nào thì hằng có tâm chán nản với vòng khổ não thì khi đó sự quán tưởng được thấy rõ là không thường, là khổ não và là không phải ta đó là con đường của sự thanh tịnh trong sạch”.

Tiếng gọi là “sắc tướng” (sankhārā) đó, trong nơi đây, nên phân biệt xa rằng: Những cái có hình trạng, tạo tác được cả quá khứ, vị lai, hiện tại, toàn là cái không thường, khổ não, không phải của ai cả”. Chỉ có Niết Bàn mới là thường, là vui, vì Niết Bàn thoát khỏi duyên tạo tác là vô vi pháp (là không có duyên tạo tác).

Uppajjanti nirujjhanti evam hutvā abhāvāto:
Nói là không thường đó, bởi vì sanh lên rồi diệt đi. Nếu như vậy, dầu có ai vay trở cho ra thế nào cũng chẳng đặng, ví như vật mượn của người, đem dùng trong một lúc thôi.

“Punappunam pīlitattā upādena vayena ca:
Nói là khổ đó, vì chỉ bị sự sanh lên và sự tiêu diệt phá hoại thường thường, và là tội bởi đều nóng nảy, vì phần chịu lửa khổ và lửa ô nhiễm thiêu đốt luôn luôn.

Vase avattanāyeva attavipakkhabhavato:
Nói là vô ngã đó, vì lẽ không hành theo thế lực sai khiến của người nào, không có ai là chủ nhân, là cái hư không, không phải ta, là cái riêng biệt khác ta.

Trí tuệ quán tưởng thấy rõ trong 3 tướng, như đã giải là đường: đạo, quả, Niết bàn.

Tâm thiệt hành trong pháp thiền định cho đến đạo quả Niết Bàn gọi là tâm cao cấp (adhicitta).

10 PHÁP MÀ BẬC XUẤT GIA CẦN PHẢI QUÁN TƯỞNG THƯỜNG THƯỜNG

 

1. Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: “Bây giờ đây ta có tướng mạo khác hơn kẻ thế, nghĩa vụ nào của sa môn ta phải làm cho tròn;

2. Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: “Sự nuôi sanh mạng của ta nương nơi kẻ khác, ta cần phải làm cho họ dễ cấp dưỡng”;

3. Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: “Sự làm cho thân khẩu thêm chơn chánh, vẫn còn nữa, chẳng phải chỉ có bấy nhiêu thôi đâu”;

4. Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: “Chính mình ta chê trách ta về sự trì giới được chăng?”;

5. Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: “Hàng trí tuệ đã xem xét rồi, họ có thể chê trách ta vì sự trì giới chăng?”;

6. Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: “Ta phải phân ly sự vật mà ta thương yêu vừa lòng, không sao tránh khỏi được”;

7. Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: “Ta có cái nghiệp là của ta, ta làm lành được vui, làm dữ bị khổ”;

8. Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: “Ngày và đêm hằng qua mau lẹ, bây giờ đây, ta làm cái gì?”;

9. Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: “Ta có ưa thích trong nơi thanh vắng chăng?”;

10. Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: “Ta đã có các đức cao quý chăng? Làm cho ta không hổ thẹn khi có bạn phạm hạnh đến tra hỏi ta”.

Mười pháp mà bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường đó gọi là: “Thập Pháp” (dasadhamma). Song dịch như trên đó, mới thật đúng lý. Người tu học cần phải hiểu rằng: “Thập pháp đó là pháp dành để ngay cho hàng xuất gia. Tuy nhiên như đã có giải rằng: “Ðiều nào thuộc về bậc xuất gia, điều ấy, người cư sĩ hành theo cũng được”.

Trong 10 pháp đó nên hiểu như vầy:

Ðiều thứ 1 dạy phải quán tưởng về tướng mạo;
Ðiều thứ 2 dạy quán tưởng về chánh mạng;
Ðiều thứ 3 dạy quán tưởng về sự hành động;
Ðiều thứ 4 và thứ 5 dạy phải quán tưởng về quy tắc;
Ðiều thứ 6 và 7 dạy phải quán tưởng về luật tự nhiên;
Ðiều thứ 8 dạy phải quán tưởng về thời gian;
Ðiều thứ 9 dạy phải quán tưởng về chỗ nơi;
Ðiều thứ 10 dạy phải quán tưởng về đức hạnh cao quý;

Về phước báu trong sự quán tưởng thì chia ra làm 2, làm: phần riêng và phần chung.

Xin giải về phần riêng mỗi điều trước:

1.- Giải về phương tiện cho phát sanh sự hổ thẹn (hiri) và ghê sợ (ottappa) tội lỗi, để thiệt hành theo cho vừa với bổn phận người xuất gia, nghĩa là điều nào không đúng quy tắc của bậc xuất gia thì phải chừa bỏ, nhất là: phải hành những pháp chơn chánh, như là trì giới cho thân khẩu trong sạch; tu định cho tâm yên lặng, hành tuệ cho thấy rõ chánh tà. Phải cần kiếp làm cho tròn nghĩa vụ.

2.- Khi đã quán tưởng như vậy rồi thì sẽ được 2 điều lợi ích;

a) Ðược làm tròn phận sự đối với người cấp dưỡng;
b) Sẽ có sự hành động cho họ dễ nuôi, là làm cho mình trở nên người biết đủ (sandosa), thọ 4 vật dụng tùy có, tùy được. Họ cho cái gì thì vừa lòng với cái đó, không được chọn lựa tốt, xấu, ngon, dở.

3.- Bậc xuất gia chưa chứng đạo quả, là đức hạnh cuối cùng trong Phật giáo gọi là còn phận sự phải hành, là còn phải tu tập thanh cao hơn nữa, là cần phải học những điều chưa biết, phải hành trong điều đã biết, khi đã trì giới được trong sạch thì cần phải tu thiền định thêm lên, rồi hành cho trí tuệ được hoàn toàn để đắc đạo quả Niết Bàn là mục đích tối cao của Phật giáo. Nếu bậc xuất gia được biết mình như vậy, thì hằng có sự lợi ích để dạy mình cho trở nên cao thượng. Nếu lầm tưởng rằng: mình là đủ, không cần tu tập nữa, vừa lòng với bấy nhiêu thì không cần mẫn hành bực cao mà mình chưa đắc. Như thế, bực xuất gia đó vẫn còn mắc trong vòng phàm tục và phải bị luật vô thường phá hại, rồi bị sa vào 4 đường ác đạo chẳng sai. Nếu hành giả hằng quán tưởng, biết mình như thế, ắt sẽ tinh tấn tu hành thêm lên.

4 và 5.- Bậc xuất gia quán tưởng hiểu rõ trong điều thứ 4 và thứ 5 như vậy rồi, sẽ thấy mình chưa toàn vẹn, thì phát tâm cố gắng tu trì, không để cho mình chê trách mình được. Nhưng lẽ thường, hàng phàm nhơn hiếm có người được biết chơn chánh như thế. Vì vậy, có lúc làm sai mà họ cho là phải, có khi làm chánh mà họ cho ta là tà. Cho nên, có Phật ngôn rằng: “Tội mình khó biết, lỗi người dễ xem”. Nhân đó, đức Phật dạy phải luôn luôn quán tưởng trong những điều trên đây cho phát sanh trí nhớ.

6.- Khi đã thường thường quán tưởng trong điều này, thì sẽ thấy rõ sự chia lìa do 2 lẽ là:

a) Các sự vật mà ta thương yêu vừa lòng đó, nó sẽ lìa ta khi ta còn sanh tiền cũng có;
b) Trong giờ mạng chung, ta phải bỏ nó cũng có. Ðó là lẽ tự nhiên, không sao tránh được;

Thấy rõ 2 pháp trên đây rồi, mình được 3 điều lợi ích:

a) Dứt cái tâm bất bình nóng giận, khi gặp sự vật đáng ghét bỏ;
b) Ngăn cái tâm không cho buồn rầu thương tiếc, lúc ly biệt sự vật thương yêu;
c) Kiềm chế cái tâm ham muốn ngoài sự vật của mình, là nguyên nhân tìm kiếm trong điều trái phép mà gây ra các nghiệp ác.

Ðó là 3 điều lợi ích mà bực xuất gia nhờ sự quán tưởng thường thường mới được thấy.

7.- Trong điều này nên hiểu câu “Có cái nghiệp là của mình, rằng: Ṁỗi người trong mỗi kiếp, đều có tạo nghiệp, không dữ thì lành, chẳng tốt thì xấu, không có một ai tránh khỏi, cho nên gọi là “Có cái nghiệp là của mình”, Lại nữa, nếu đã làm lành thì được vui, làm dữ thì chịu khổ. Cớ đó, sự quán tưởng trong điều thứ 7 mới có lợi ích, không cho làm ác, chỉ nên tạo việc lành, vì mình đã hiểu rõ quả báo của nghiệp.

8.- Ðức Phật có khuyên các tỳ khưu cần phải biết thời gian qua rồi chẳng khi nào trở lại. Nên hiểu rõ chơn chánh rằng nó chỉ thoáng qua mau chóng. Nếu không quán tưởng như thế thì các bậc xuất gia hằng để cho ngày giờ trải qua vô ích, sẽ có điều thất bại ăn năn. Có Phật ngôn rằng: Những người còn trai tráng, có tánh thông minh mà lười biếng, không chuyên cần trong các công việc thì không thế nào gặp đường xuất thế bằng “trí tuệ” được”. Lời Phật dạy đây để tỉnh thức hàng tráng sĩ cho tinh tấn trong niên cấp còn khỏe mạnh, hầu tu tập để mau tấn hóa trong điều lợi ích, trong cả hai phương diện: đời và đạo. Sự quán tưởng thường thường trong điều này, hằng đem lại quả báo và các điều lợi ích an vui cho mình chẳng sai.

9.- Khi đã quán tưởng thường thường thì có sự tĩnh tâm, vừa lòng trong nơi vắng vẻ, lìa xa bè đảng, bầu bạn, ưa thích trong nơi yên lặng để tham thiền, cho tâm an trụ trong một cảnh giới lành, rồi suy xét điều chi cũng được trong sạch rõ rệt, không chi trở ngại và tu bậc thượng thừa cũng dễ dàng.

10.- Có giải rằng: “Các đức tánh cao quý đó là nói về tâm thiền định hoặc giải thoát. Nếu đã quán tưởng thường thường như thế thì được tĩnh tâm, không hề vừa lòng với các hạnh phúc nhỏ nhen bậc hạ, tinh tấn trong đức tánh cao thượng theo thứ tự.

Về phước báo trong cách quán tưởng 10 điều đó, hằng đem lại sự yên lặng cho tâm, để tiến bước trong chánh pháp, tu giới định tuệ cho càng tăng trưởng thanh cao, nói tóm lại, sẽ được mãn nguyện trong hai đường: đời và đạo xuất thế, chứng quả Niết bàn là mục đích cuối cùng của Phật giáo.

DHAMMAPADA
Pháp Cú trích lục

Nā piyehi samā gañchi
Apiychi kudācanam piyanam
Adassanam dukkham
Tasmā piyam na kayibatha piyāyāyo
Hi pāpako gangthā
Tesam na vijjanti
Yesam natthi piyāpiyam.

Trong lúc nào, cũng chẳng nên thân thiết với hạng chúng sanh cùng vật thương yêu, chẳng nên gần gũi với hạng chúng sanh cùng vật không thương yêu. Vì sự không thấy chúng sanh và vật thương yêu, thấy chúng sanh và vật không thương yêu, là điều nhơ nhớp xấu xa. Nếu sự thương yêu và không thương yêu chẳng có đến người nào, thi các phiền não kết buộc lẫn nhau cũng chẳng có đến người ấy.

Piyāto jāyate soko piyāto jāyate bhayam piyāto vippamuttassa natthi soko kuto bhayam.
Thương yêu sanh ra ưa, thương yêu sanh ra sợ, nếu người dứt khỏi điều thương yêu thì tiếc và sợ cũng chẳng do đâu mà sanh được.

Tatiyā jāyate soko rotiyā jāyate bhayam, vippamuttassa natthi soko kuto bhayam.
Ưa thích sanh ra tiếc, ưa thích sanh ra sợ, nếu người dứt khỏi điều ưa thích thì tiếc và sợ cũng chẳng do đâu mà sanh được.

– Dứt “Sưu Tập Pháp” –


LỜI THÍ CHỦ

Ðệ tử, tu nữ Diệu Linh, thế danh Ðỗ Thị Lưu, xin ấn tống quyển sách “PHÁP CHÁNH ÐỊNH và SƯU TẬP PHÁP” để làm pháp thí, hồi hướng phước báu đến Cố Ðại Lão Hòa Thượng Hộ Tông, cầu mong ngài sớm chứng đắc đạo quả vô thượng chánh đẳng, chánh giác, tiếp độ chúng sanh thoát ly vòng sanh tử luân hồi.

Hồi hướng phần phước pháp thí này đến các bậc ân nhân ông bà, cha mẹ; các bậc thầy tổ và tất cả chúng sanh. Người quá vãng được siêu sanh nhàn cảnh. Người còn hiện tiền được tăng phúc tăng thọ.

Nguyện cho con được tái sanh, kiếp nào cũng gặp được chánh pháp tu hành sớm tỏ ngộ Níp-bàn.

Con xin thành kính tri ân:

– Thượng tọa Thiện Pháp
– Thượng tọa Tăng Ðịnh
– Ðại đức Thiện Minh

Ðã hướng dẫn và giúp con thực hiện này để đền đáp công lao của Thầy Tổ đã dạy dỗ con trưởng thành trong Phật pháp.

Sau cùng con thành tâm cầu nguyện và chia phước đến toàn thể quý vị.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Tu nữ Diệu Linh

 

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app