Đến Bờ Kia.
PĀRAMITĀ hay PĀRAMĪ (tiếp theo)
Các pháp Balamật.
Pāli có trích dẫn kệ ngôn đề cập đến 10 pháp Balamật như sau:
Dānaṃ sīlañ ca nekkhammam.
Paññā vīriyena pañcamaṃ.
Khantī saccam‘adhiṭṭhānaṃ.
Mett’upekkhā ti te dasa.
“Thí, giới và xuất gia.
Tuệ, cần đủ cả năm.
Nhẫn, chân thật, quyết định.
Từ, xả hợp thành mười”.
Mỗi pháp Ba la mật có ba bậc là:
– Balamật bờ kia (pāramī).
– Balamật bờ trên (upapāramī).
– Balamật bờ cao tột (paramatthapāramī).
Như vậy có tất cả là 30 pháp Balamật.
Đơn cử một vài ví dụ về ba loại pāramī như sau:
Về bố thí (dāna):
– Hy sinh những vật ngoài thân để cho đến người khác, là bố thí đến bờ kia (dāna pāramī).
– Hy sinh tứ chi, chi thể lớn nhỏ để cho đến người khác, là bố thí đến bờ trên (dāna upapāramī ).
– Hy sinh mạng sống để đem lại an vui cho người khác là bố thí đến bờ cao tột (dāna paramatthapāramī).
Về trì giới (sīla):
– Hy sinh tài sản, vật ngoại thân để bảo vệ giới, là giữ giới đến bờ kia (sīla pāramī).
– Hy sinh chi thể để bảo vệ giới, là giữ giới đến bờ trên (sīla upapāramī).
– Hy sinh mạng sống để giữ giới, là giữ giới đến bờ cao tột (sīla paramattha pāramī).
Về xuất gia (nekkhamma):
– Hy sinh tài sản vật dụng để được xuất gia, là xuất gia đến bờ kia (nekkhamma pāramī).
– Hy sinh chi thể để được xuất gia, là xuất gia đến bờ trên (nekkhamma upapā pāramī).
– Hy sinh mạng sống để được xuất gia, là xuất gia đến bờ cao tột (nekkhamma paramattha pāramī).
Tương tự như thế đối với các pháp bala mật còn lại (phần sau sẽ nêu chi tiết hơn).
- Sự khác nhau giữa ba loại Balamật.
Các Balamật có sự khác nhau là do khi thực hành gặp chướng ngại, có ba loại chướng ngại quan trọng cho vị Bồ tát khi thực hành pháp, đó là:
– Chướng ngại ngoài thân.
– Chướng ngại nơi thân.
– Chướng ngại là mạng sống.
Chính những chướng ngại này tạo thành Balamật bậc thấp, bậc trung và bậc cao nhất.
Tuy nhiên, cả ba bậc Balamật đều đưa đến bờ an toàn tuyệt đối: “chấm dứt sinh tử luân hồi”.
Để hoàn thành con đường đến bờ kia, cơ bản cần phải vượt qua chướng ngại ngoài thân.
Vị Bồ tát không thể vượt qua chướng ngại cơ bản thì pháp thiện ấy không thể trở thành pháp Balamật, chỉ là loại pháp thiện thường tình trong thế gian không có khả năng đưa đến giác ngộ.
Vị đang vượt qua chướng ngại cơ bản, cố gắng hoàn thành 10 pháp Balamật, để chứng đắc quả vị A lahán, vị ấy được gọi là Bồ tát Thinh văn giác.
Vị đang cố gắng vượt qua chướng ngại nơi thân, để chứng đắc quả vị Độc giác (Paccekabuddha), vị ấy được gọi là Bồ tát Độc giác.
Vị đang cố gắng vượt qua mọi chướng ngại từ cơ bản đến cao tột (mạng sống), để chứng đạt quả vị Chánh đẳng giác (Sammā sambuddha), vị ấy được gọi là Bồ tát Chánh đẳng giác.
Nói cách khác:
– Bồ tát Thinh văn thực hành 10 pháp Balamật, chỉ vượt qua được chướng ngại cơ bản.
– Bồ tát Độc giác cũng thực hành 10 pháp Balamật, nhưng vượt qua 2 chướng ngại (cơ bản và nơi thân) thành 20 pháp Balamật.
– Bồ tát Chánh giác vượt cả ba loại chướng ngại, thành 30 pháp Balamật.
- Ba chướng ngại.
a- Chướng ngại là vật ngoại thân:
Là những gì ở bên ngoài thân như vàng ngọc, châu báu… cùng những thành viên trong gia đình như vợ, con, thân, tộc, tôi tớ…
Chướng ngại này xuất phát từ “yêu thích cái của tôi” như: thích thú lợi đắc, danh tiếng, cung kỉnh, ái luyến vợ con …
Vị có tâm dũng mảnh dám khước từ lợi đắc, danh vọng, sự ái luyến vợ con … Vị ấy đang thực hiện pháp Balamật bậc thấp.
Có câu hỏi rằng: “Bồ tát bố thí vợ, con có phải là kẻ vô tình không?”.
Đáp rằng: Không, vì trạng thái (lakkhaṇa) của Balamật là “hướng đến lợi ích người khác” nên Ngài quán xét theo trí thiện xảo, thấy rằng: “nữ nhân hay hài tử này sẽ được an vui khi đến nơi mới”. Và Bồ tát có tâm hoan hỷ “cho ngay”.
Nếu như gặp phải kẻ xấu, với trí thiện xảo trong phương tiện, Ngài sẽ tạo điều kiện để nữ nhân hay hài tử được an vui.
Câu chuyện Bồ tát Vessantara là điển hình.
Khi Bàlamôn hung ác Jūjaka xin Ngài hai hài tử Jālī (trai) và Kaṇhā (gái). Sau khi cho hai trẻ, Ngài nêu lên giá “chuộc lại tự do” cho Jālī và Kaṇhā rất cao, vì Ngài biết lão Bàlamôn này là kẻ tham lam, nghe vậy sẽ mang hai trẻ đến Hoàng cung của đức vua (cha của Ngài) và 2 trẻ sẽ được đoàn tụ với vua nội. Đời sống ở Hoàng cung dĩ nhiên tốt hơn ở rừng Tuyết lãnh rồi.[1]
Lại nữa, tâm nguyện của Bồ tát luôn mong cầu Phật trí, Ngài không hề từ khước mất mát để đạt được quả vị giải thoát.
Với trí tuệ suy xét rõ ràng, tâm Ngài dứt bỏ mọi ái luyến thế gian hướng đến cứu cánh giải thoát.
Ngài Buddhaghosa trong Thanh Tịnh Đạo có giải về sáu cơ tánh (carita) chúng sanh: người có tánh trí và tánh sân giống nhau ở điểm “vô tình”, nhưng sân thì “buộc tội chúng sanh”, trí buộc tội các hành (saṅkhāra).
Do vậy, khi Bồ tát suy quán, thấy các hành mang lại đau khổ nên cố tâm dứt bỏ. Nói cách khác, khi ấy Ngài nhìn vợ, con như một pháp hành trói buộc, không như thường nhân nhìn thấy là một chúng sanh.
b- Chướng ngại là vật trong thân.
Đây là sự tổn hại về thân thể, trước sự mất mát những bộ phận như tay, chân… Vị đang thực hành pháp Balamật có thể bị thối chuyển, lui sụt.
Như một người đang hành trì giữ giới Balamật, nhưng do thấy có sự tổn hại đến cơ thể nên nói dối, làm chứng gian…Hoặc sát hại sinh vật khác để bảo vệ thân thể….
c- Chướng ngại là mạng sống.
Lẽ thường, chúng phàm nhân luôn “muốn sống sợ chết”. Chính vì thế, mạng sống là một một chướng ngại lớn nhất, vượt qua chướng ngại này phải là người có dũng lực và lòng vị tha cao độ.
Tuy nhiên, đôi khi Bồ tát Thinh văn vẫn vượt qua chướng ngại lớn nhất này, nhưng chỉ là những trường hợp cá biệt đối với người thân. Còn Bồ tát Chánh giác thì bất kỳ đối tượng nào.
Câu chuyện con nai vàng (suvaṇṇamīga)[2] sau đây là minh chứng cho sự vượt qua chướng ngại sau cùng của Bồ tát Thinh văn.
Câu chuyện này liên quan đến vợ chồng một gia chủ đã chứng quả Dự lưu, sau đó cả hai đều xuất gia trong Giáo pháp của Đức Phật. Về sau cả hai vị đều chứng quả Alahán.
Thuở quá khứ, người chồng là nai chúa, có thân sắc màu vàng óng ánh, người vợ thuở ấy cũng là con nai cái xinh đẹp (vợ của nai chúa).
Một hôm, vì sơ ý nai chúa lọt vào bẩy của gã thợ săn, sau những cố gắng nhưng không thể thoát ra, nai chúa kêu lên từng hồi, bầy nai kinh hoàng chạy trốn.
Nai cái trong lúc chạy trốn không thấy nai chúa, suy nghĩ “hẳn chồng ta đang có nổi kinh hoàng”.
Nai cái tìm thấy chồng đang bị mắc bẩy của gả thợ săn, liền đến bên cạnh nai chúa an ủi chồng và tình nguyện đổi mạng cho chồng được sống. Nai chúa nay là người chồng, nai cái nay là người vợ.
Như vậy, chúng ta thấy rằng: “Bồ tát Thinh văn cũng có lúc hy sinh mạng sống”, nhưng phần nhiều thì hai chướng ngại sau khó vượt qua.
3- Sự chứng ngộ của ba hạng Bồ tát.
Bất kỳ bậc Bồ tát nào Thinh văn, Độc giác hay Toàn giác, khi hội đủ nhân duyên mới có thể chứng đắc quả vị theo ước nguyện.
Thế nào là hội đủ nhân duyên?
- a) Bồ tát Thinh văn:
Tuy tròn đủ 10 pháp bala mật, nhưng không gặp thời có Giáo pháp Đức Phật Chánh giác xuất hiện trên thế gian thì không thể chứng quả A lahán.
Vì rằng: Đạt đến giải thoát trọn vẹn sinh tử luân hồi, phải chứng đạt theo tuần tự từ Dự lưu đến Alahán.
Bậc Dự lưu phải nghe được Giáo pháp của Đấng Chánh đẳng giác mới chứng quả, nên các Ngài có tên gọi là Sotāpatti hay Sotapannā. Do đó, có những chướng duyên cho vị Thánh Dự lưu như sau:
Tuy gặp thời có Giáo pháp của Đức Chánh đẳng giác hiện khởi, nhưng không được nghe pháp của Ngài vì:
– Đang sanh vào khổ cảnh.
– Đang sanh vào cõi Vô sắc, như đạo sĩ Asita (Atưđà), hai vị thầy của Bồ tát là Uddaka, Ālāra.
– Được nghe Chánh pháp, nhưng vị ấy tự hủy hoại đạo quả của mình, như vua Ajātasattu (Axàthế) vì phạm tội giết cha là Bình Sa Vương nên không thể chứng quả Dự lưu ngay tại chính chỗ ngồi, khi nghe Phật giảng pháp [3].
Hoặc như hai vợ chồng công tử trong thành Bārāṇasī có đại tài sản là một triệu sáu trăm ngàn đồng vàng (gia tài hai vợ chồng thừa hưởng), nhưng vì giao du với bạn bè xấu, uống rượu, phung phí tài sản trở thành nghèo khổ phải đi ăn xin.
Khi hai vợ chồng đi đến phước xá để xin tàn thực của chư Tăng, Đức Thế Tôn mĩm cười, Đức Ānanda bạch hỏi về nhân duyên nụ cười ấy, Đức Phật dạy:
– Này Ānanda ! Hãy nhìn hai người ăn xin già yếu này. Nếu lúc thiếu niên, hai người này đừng phung phí tài sản, siêng năng làm việc sẽ trở thành đệ nhất Trưởng giả trong thành này, nếu xuất gia người chồng sẽ chứng quả Alahán, người vợ sẽ chứng quả A nahàm.
– Lúc trung niên đừng phung phí tài sản, siêng năng làm việc sẽ trở thành đệ nhị Trưởng giả trong thành này, nếu xuất gia người chồng sẽ chứng quả Anahàm, người vợ sẽ chứng quả Tưđàhàm.
– Lúc xế niên đừng phung phí tài sản, siêng năng làm việc sẽ trở thành đệ tam Trưởng giả trong thành này, nếu xuất gia người chồng sẽ chứng quả Tưđàhàm, người vợ sẽ chứng quả Dự lưu.
Nhưng nay (lão niên rồi) thì cả hai loại tài sản: tục sản và Thánh sản đều không còn[4].
Tiếp theo Đức Phật dạy kệ ngôn:
“Acaritvā brahmacariyaṃ
Aladdhā yobhana dhanaṃ
Jiṇṇakoñcāva jhāyanti
khīṇaṃaccheva palhati.”.
“Người không sống đời đạo hạnh thiêng liêng, người không thu thập tài sản lúc thiếu thời sẽ tàn tạ mỏi mòn như con cò già trong cái ao không cá“. [5]
Từ câu chuyện này, cho chúng ta một bài học lý thú là: “giới uống rượu nguy hại hơn cả, vì nó có tác năng phá hoại trí”.
Lại nữa, buổi thiếu thời không trui rèn trí tuệ khi trở về già, trí tuệ không thể phát huy như người vợ tuy không uống rượu, nhưng cũng không thể chứng đạo quả dù là quả Dự lưu.
Đó là nhân là duyên cho sự chứng đắc Thánh quả nhất là quả Alahán của vị Thinh Văn.
- b) Bồ Tát Độc Giác:
Tuy tròn đủ 20 pháp Balamật nhưng gặp thời kỳ có Giáo pháp của Đức Chánh Đẳng giác, các Ngài cũng không chứng quả vị Độc giác.
Lại nữa, cũng như bậc Chánh giác, các Ngài chỉ chứng ngộ Đạo quả khi tuổi thọ bình quân của chúng sanh không dưới trăm, cũng không quá 100 ngàn tuổi.
Đồng thời, phải có sự tác động đến tâm yếm ly, khiến vị Bồ tát Độc giác quán xét khổ lụy thế gian, sinh khởi tuệ quán chứng đắc quả vị Độc Giác[6].
- c) Bồ tát Chánh giác.
Tuy tròn đủ 30 pháp độ, nhưng Bồ tát Chánh giác cũng phải chờ đợi hợp thời. Như trước khi giáng trần Ngài quán xét năm điều:
– Thời kỳ (kāla).
– Quốc độ (padesa).
– Châu (dīpa).
– Dòng (kula).
– Mẹ (mātā).
Pāli có dẫn như sau:
Kālaṃ pavesañca
Dīpañca kulaṃ
Mātarameva ca [7].
Tức là Ngài quán xét:
– Thời kỳ (kāla).
Là khi tuổi thọ bình quân của chúng sanh nằm trong khoảng 100 đến 100 ngàn năm, đó là thời kỳ thích hợp để Bồ tát Chánh giác giáng trần kiếp chót chứng đắc Phật quả.
Nếu như tuổi thọ chúng sanh dưới 100 tuổi, Ngài không giáng trần. Vì khi ấy do ác pháp tăng thịnh, thiện pháp giảm thiểu, đa số chúng sanh không đủ duyên lành chứng quả (nhất là quả Alahán tuệ phân tích).
Đồng thời, khi ấy chúng sanh hành đạo rất vất vả, chứng đắc đạo quả lại khó khăn, nên dễ sinh chán nản rồi từ bỏ pháp hành (dường như ngày nay phần lớn chúng sanh rơi vào điều này).
Còn như tuổi thọ chúng sanh trên 100 ngàn tuổi, khi ấy chúng sanh có sự dễ duôi (pamāda), lại không thấy rõ vô thường, khổ.
Do đó “không tinh cần hành pháp”, không hành pháp dĩ nhiên không chứng đạt Đạo – quả.
Tâm nguyện của vị Bồ tát Chánh giác là tế độ chúng sanh, vào những thời điểm như thế, sự tế độ chúng sanh của Ngài không mang lại kết quả như ý muốn. Do vậy Ngài không giáng trần.
– Quốc độ (padesa).
Bồ tát quán xét quốc độ để giáng trần, quốc độ ấy phải là Trung quốc độ (majjhimapadesa), Ngài không giáng sinh ở vùng biên địa (pacantappadesa).
Vì rằng: Trung quốc độ là nơi tập hợp các nền minh triết cao, đó là nhân duyên khiến trí tuệ của Ngài có cơ hội tăng thịnh tột đỉnh.
Lại nữa, nơi Trung quốc độ có những vị Bồ tát Thinh văn đại đệ tử đang tập trung về đó. Ví như vị Hoàng tử chuẩn bị đăng quang thì đã có các văn thần, võ tướng đang sẵn sàng phò tá.
Mặc khác, với nền minh triết cao đang có Trung quốc độ, khi Ngài xiển dương Giáo pháp, Giáo pháp này sẽ rực sáng huy hoàng hơn so với những nền minh triết thấp kém ở vùng biên địa.
– Dòng (kula).
Đức Bồ tát Chánh giác kiếp chót không hề sanh vào dòng thấp kém, Ngài sẽ giáng sanh vào dòng cao quý nhất trong thời đó.
Theo Chánh giác tông (Buddhavaṃsa) thì Bồ tát giáng sanh vào một trong hai dòng: Bàlamôn hoặc Sát đế lỵ (khattiya – dòng vua).
Ở điểm này, có lẽ các Ngài Giáo thọ sư theo truyền thống của Ấn Độ cổ.
Có nên chăng, khi nói rằng “Bồ tát sẽ chọn dòng cao quý nhất đang hiện hành ở Trung quốc độ?”.
Vì rằng: khi Đức Bồ tát trở thành bậc Chánh giác, thì chính dòng cao quý nhất trong thời kỳ ấy là duyên tạo đức tin cho đại chúng.
Các bậc trí có dòng dõi cao quý đi đến yết kiến (gặp) Ngài sẽ không e ngại bị chỉ trích là “hạ mình”, tạo điều kiện cho những bậc hữu phước ấy chứng đạo quả.
Như trường hợp vua Bình Sa Vương (Bimbisāra), vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) thấy Bồ tát cũng xuất thân từ dòng Sátđếlỵ như mình, nên vua Bìnhsavương, vua Batưnặc hoan hỷ tiếp cận Đức Thế Tôn.
Giả như Bồ tát sanh vào dòng thấp kém, với tư tưởng ngã mạn chấp vào dòng dõi. Các dòng cao hơn sẽ khinh thường rồi phỉ báng Đức Phật thì “nghiệt ngã vô cùng”, sẽ tự hủy hoại đạo quả thay vì nhận lãnh được. Đồng thời không chịu tìm đến Đức Phật để nghe giảng pháp.
Và điều này chúng ta thấy rõ trong Kinh tạng.
Vào thời Đức Phật, dòng Bàlamôn so với dòng sátđếlỵ, tuy kém nhưng chẳng là bao. Có những Bàlamôn thông thái như Brahmāyu, Pokkharadī, Janussoni, Bāvarī … nghe “Sa môn Gotama là vị Phật Chánh giác”, các vị ấy không vội tin hẳn, chỉ khi nào thấy được 32 đại nhân tướng mới xác định: “đây là vị Chánh Đẳng giác”, khi ấy mới chịu tìm đến Đức Phật hỏi pháp.
Niềm tự hào về dòng dõi thế gia của chúng sanh là thế, nên Đức Bồ tát phải giáng sinh vào dòng cao quý nhất thời đó.
– Châu (dīpa).
Theo vũ trụ quan Phật giáo thì có bốn châu do Tứ Đại Vương trông nom [8].
Ba châu: Đông thắng thần châu, Tây ngưu hóa châu và Bắc cưu lưu châu (kurudīpa) thì không có nhiều thiện pháp lẫn ác pháp, đồng thời không có tâm dũng mãnh.
Riêng Nam thiện bộ châu (Jambūdīpa) có đủ ba đặc tính trên, người Nam thiện bộ châu có tâm dũng mãnh: “khi thiện thì cực thiện (phát tích những nhân vật phi thường), khi ác thì cực ác (phạm vào ngũ nghịch tội)”.
Do đó, Bồ tát sẽ giáng sinh vào Nam thiện bộ châu để “cải ác tùng thiện cho chúng sanh”, “giúp chúng sanh tăng trưởng thiện pháp, chứng đắc đạo quả giải thoát”.
Theo Sớ giải “chúng sanh và sanh thú “[9] thì người ở cõi Nam thiện bộ châu vượt xa Chư thiên cùng ba châu kia về tri thức, người Nam thiện bộ châu luôn tìm hiểu hai vấn đề lớn là Danh – sắc.
Mặc khác, so với Chư thiên cõi Đạo lợi (Tāvatiṃsabhūmi) và người ba châu kia, người Nam thiện bộ châu hơn hẳn về ba phương diện.
– Surabhāva: Tâm dũng mãnh, tức là đủ tâm lực thực hiện những điều to lớn quan trọng.
– Satimanta: Có chánh niệm vững mạnh.
– Brahma cariyavāsa: Có đời sống phạm hạnh.
Theo bản Sớ giải Sumaṅgalavilāsinī của Trường bộ kinh thì:
“Thiên nhân có nhiều an lạc, chúng sanh cõi địa ngục thì hoàn toàn đau khổ. Chỉ có cõi người nữa khổ nữa lạc nên mới có sự kiên trì tuệ niệm (thirā)”.
Và đây cũng là lý do vì sao Chư Phật Độc giác, Phật Toàn giác thành đạo ở cõi người.
– Mẹ (mātā).
Đức Bồ tát xem xét đến người nữ mà Ngài thọ sanh vào.
Người nữ này phải là người có giới hạnh tối thắng (abhinihāra), đã tạo rất nhiều duyên lành trong quá khứ, đồng thời có ước nguyện “có con là Đức Bồ tát Chánh giác kiếp chót”.
Theo Chánh giác tông (Buddhavaṃsa) thì nữ nhân này đã tu tập 1o Balamật trọn 100 ngàn kiếp trái đất rồi.
Khi quán xét năm điều này, nếu khuyết một điều thì Bồ tát không giáng trần. Đây là nhân là duyên của vị Bồ tát Chánh đẳng giác.
4- Trình tự của pháp Balamật.
Có câu hỏi là: Khi thực hành pháp Balamật. là thực hành theo tuần tự như: xong bố thí Balamật mới giữ giới Balamật, giữ giới Balamật hoàn hảo rối mới xuất gia Balamật… phải chăng?
Để trả lời câu hỏi này, chúng hãy tìm hiểu về các trình tự.
Có năm trình tự (kama) là:
a- Trình tự diễn tiến (pavattikkama).
b- Trình tự từ bỏ (pahānakkama).
c- Trình tự thực hành (paṭipattikkama).
d- Trình tự lãnh vực (bhūmikkama).
e- Trình tự thuyết giảng (desanākkama).
– Trình tự diễn tiến.
Đó là sự liên tục khởi lên, làm tăng trưởng điều đang có, như Pāli có ghi: “Paṭhamaṃ kalalaṃ hoti, kalalā hoti abbudaṃ…”.
Chúng sanh sinh ra từ bụng mẹ, giai đoạn đầu tiên là kalala (chất như dầu mè, rất vi tế. Được mô tả như giọt dầu dính lông con thú, rồi rảy đi 7 lần chỉ còn chút ít dính đầu lông, gọi là kalala).
– Bảy ngày kế tiếp, chất kalala phát triển thành abbuda (giống như nước máu dợt dợt).
– Bảy ngày kế tiếp, chất abbuda phát triển thành pesi (giống như thịt nhuyễn rất mềm mại).
– Bảy ngày kế tiếp, chất pesi phát triển thành ghana (như miếng thịt mềm lớn bằng hột gà).
– Bảy ngày kế tiếp, chất ghana chia thành 5 nhánh để sau này phát triển thành đấu, hai tay, hai chân.
Gọi là pañcasākhā (năm giai đoạn phát triển theo tuần tự).
Đây là ví dụ về trình tự diễn tiến hay trình tự phát triển.
– Trình tự từ bỏ.
Như kinh điển có ghi: “Dassanena pahātabbā dhammā. Bhāvanāya pahātabbā dhammā” [10].
“Có những pháp buông bỏ do thấy. Có những pháp buông bỏ do tu tập.”
Tức là “trừ diệt các ô nhiểm” theo tuần tự do chứng đắc Đạo, “buông bỏ tà kiến, hoài nghi do đạo Dự lưu, buông bỏ sân và tham dục do đạo Bất lai, buông bỏ tất cả mọi ô nhiễm do Đạo Alahán.” Đây là ví dụ về “trình tự buông bỏ”.
– Trình tự thực hành.
Trong Trung bộ kinh, bài kinh “Trạm xe (Ratthavivūta sutta)”, Ngài Punna Mantāniputta có dạy: “có bảy giai đoạn trong sạch theo tuần tự là:
– Giới trong sạch (sīlavisuddhi) dẫn đến tâm trong sạch.
– Tâm trong sạch (cittavisuddhi) dẫn đến thấy trong sạch .
– Thấy trong sạch (diṭṭhivisuddhi) dẫn đến “dứt trừ hoài nghi được trong sạch”.
– Dứt trừ hoài nghi trong sạch (kaṅkhāvitarana visuddhi) dẫn đến “thấy được con đường đưa đến trong sạch và con đường không dẫn đến trong sạch (đạo phi đạo kiến tịnh)”.
– Đạo phi đạo kiến tịnh (maggāmaggaññāṇa) dẫn đến thực hành thấy – biết trong sạch (hành tri kiến tịnh).
– Hành tri kiến tịnh (paṭipadāñāṇadassana visuddhi) dẫn đến “thấy – biết trong sạch”(tri kiến tịnh).
– Thấy – biết trong sạch (ñāṇadassana visuddhi) dẫn đến “giải thoát trong sạch (vimutti visuddhi)”(giải thoát tri kiến tịnh).
Đây là ví dụ về trình tự thực hành.
– Trình tự (theo) lãnh vực.
Như nói: ” Trong ba giới (bhūmi), thấp nhất là dục giới (kāmāvacara bhūmi), tiếp theo là Sắc giới (rūpāvacara bhūmi), sau đó là Vô sắc giới (arūpavacara bhūmi).
Đây là ví dụ về trình tự theo lãnh vực.
– Trình tự thuyết giảng.
Đức phật thuyết giảng pháp theo một trình tự riêng với mục đích tế độ người có duyên lành chứng đạt giải thoát.
Ngài dẫn dắt người nghe đi từ điều đã biết đến điều chưa biết, điều chưa biết sau vi tế hơn điều chưa biết trước.
Điển hình như “Tuần tự pháp (anupubbakathā dhamma)”, Đức Phật đi từ điều người nghe đã biết là bố thí, trì giới đến các cảnh trời (vì người nghe chỉ biết chung chung là cảnh trời, nhưng không rõ biết cụ thể) [11].
Tiếp theo Ngài trình bày sự nguy hiểm của dục lạc (điều này người nghe chưa biết và vi tế hơn các điều trước). Sau cùng Ngài nói lên “lợi ích của xuất ly các dục lạc”.
Hoặc khi thuyết về 5 uẩn (khandha), trước tiên Đức Phật nêu lên sắc uẩn (rūpakkhandha) (vì sắc uẩn dễ nhận thấy trước tiên), rối đến thọ uẩn (vedanākkhandha), tưởng uẩn (saññākkhandha), hành uẩn (saṅkhārakkhandha) và thức uẫn (viññāṇakkhandha), điều sau vi tế hơn điều trước.
Hay đối với chúng sanh có trí tuệ già dặn, Đức Phật dạy quán xét 5 uẩn, chúng sanh có trí tuệ trung bình, Đức Phật dạy quán xét 12 xứ (āyatana) đi từ sắc pháp đến danh pháp, chúng sanh có trí tuệ chậm chạp Đức Phật dạy quán xét 18 giới cũng theo trình tự ấy, nhưng rộng hơn….
Đây là trình tự thuyết giảng.
Trong năm trình tự ấy, pháp Balamật thuộc về trình tự thuyết giảng.
Có thể phát sinh câu hỏi:
“Tại sao Đức Phật không thuyết giảng trình tự pháp Balamật khác đi, lại trình tự thuyết giảng từ bố thí đến trì giới, rồi xuất gia…?”.
Câu trả lời là:
Khi Bồ tát Sumedha được thọ ký từ Đúc Phật Dīpaṅkara (Nhiên Đăng), Bồ tát quán xét để tìm ra những pháp dẫn đến chứng đắc Phật trí, Ngài tìm thấy pháp bố thí đầu tiên, rồi lần lượt đến trì giới, xuất gia… Và Ngài đã thực hành các pháp đã tìm thấy ấy.
Khi thành tựu Phật quả, Đức Phật đã dạy về các pháp Balamật theo trình tự mà Ngài đã tìm thấy khi còn là Bồ tát Sumedha.
Trong 10 pháp Balamật, giải thích về tương quan liên tục một cách chi tiết thì:
Về bố thí:
– Bố thí dễ thực hiện hơn giữ giới. Một người có thể khó giữ giới nhưng dễ dàng bố thí.
– Bố thí dựa vào giữ giới sẽ tốt đẹp hơn.
Một người tuy bố thí nhiều nhưng không giữ giới vẫn bị chỉ trích “biết bố thí mà không biết giữ giới”, trái lại có giữ giới tăng thêm phần tốt đẹp.
Lại nữa, nếu bố thí mà không giữ giới dễ dàng rơi vào khổ cảnh, cho dù có là ngạ quỷ Vemānika[12]. Hoặc tái sanh vào loài bàng sanh, tuy hưởng quả phước bố thí, những con vật ấy được nuôi nấng đầy đủ, ở nơi sang trọng… có khi sung sướng hơn người (như những con chó hay mèo.. của những vua, quan, trưởng giả), nhưng quả bố thí ấy không đáng mong mỏi, vì chúng vẫn là chúng sanh thấp kém so với người.
Chỉ khi nào được sanh làm người hay chư Thiên, quả bố thí ấy mới đáng hài lòng. Để sự bố thí mà mình đã thực hiện thêm tốt đẹp, đồng thời tránh bị chỉ trích, người ấy sẽ tiến hành giữ giới.
Do đó, bố thí Balamật được đề cập đến đầu tiên và bố thí được tăng phần tốt đẹp, lợi ích do dựa vào giữ giới. Nên sau bố thí là giữ giới Balamật.
Về giữ giới.
– Giữ giới dễ thực hiện hơn xuất gia.
– Trên nền tảng xuất gia, giới được trong sạch tinh nghiêm hơn.
Như thanh niên Sudinna[13], thanh niên Ratthapāla[14] đã suy nghĩ “Đời sống tại gia thật không dễ gì thực hành Phạm hạnh viên mãn, trong sạch như vỏ ốc xa cừ”.
Mặt khác, chính phẩm mạo xuất gia giúp cho thân- ngữ được tề chỉnh hơn. Vị vua không thể có hành động hay lời nói như thường nhân, cũng vậy bậc xuất gia không thể có những cử chỉ hay lời lẽ thô tháo như người tại gia.
Chính địa vị cao quý giúp cho thân – ngữ thêm tốt đẹp. Như Ghosita khi chưa là Trưởng giả đã nhảy qua vũng nước trước Hoàng cung, khi được vua ban cho địa vị trưởng giả thì chỉ bước vòng qua vũng nước.[15]
Cũng vậy, địa vị bậc xuất gia giúp cho thân ngữ nghiêm trang, tức là giúp cho giới hạnh thêm cao quý.
Vì thế, xuất gia được đề cập tiếp theo giới.
Về trí tuệ.
Bậc xuất gia là bậc đáng cao quý chỉ khi nào có giới hạnh và trí tuệ. Dĩ nhiên, giới hạnh là điều cần phải có của bậc xuất gia, còn trí tuệ nhất là trí tu giúp cho bậc xuất gia thêm cao quý.
Đức Phật khiển trách bậc xuất gia không giữ gìn giới hạnh và trui rèn trí tuệ.
Thời Đức Phật có vị Tỳ khưu phát ngôn không hợp thời, Đức Phật khiển trách rằng:
“Appassutāyaṃ puriso.
Balivaddo’va jīrati.
Maṅāani tassa vaḍḍhanti.
Paññā tassa na vaḍḍhanti
“Người ít nghe, kém học.
Lớn già như trâu đực.
Thịt nó tuy tăng trưởng.
Nhưng tuệ không tăng trưởng”[16].
Hay:
” Na tena thero hoti
Yen‘assa phalitaṃ siro
Paripakko vayo tassa.
Moghajiṇṇo’ti vuccati.
“Không phải là trưởng lão
Dầu cho có bạc đầu.
Người chỉ tuổi tác cao.
Được gọi là “lão ngu”[17]
Trái lại, Ngài tán thán bậc xuất gia có trí tuệ, nhất là thành đạt cứu cánh phạm hạnh.
Như vậy, xuất gia dựa trên nền tảng trí tuệ để tăng thêm tính cao quý.
Tương tự, tuệ dựa trên nền tảng tinh tấn để phát triển, tinh tấn dựa vào nhẫn nại (khanti), nhẫn nại dựa trên sự thật (sacca) để vượt qua chướng ngại “khó chịu đựng”, Sự thật dựa vào dựa vào quyết định thực hiện để chứng ngộ, sự thật được hiển lộ qua trí tuệ.
Quyết định thực hiện pháp thiện dựa trên nền tảng tâm Từ (mettā) (vì có tình thương tha nhân mới dễ dàng thực hiện những điều mang lại lợi ích đến tha nhân). Tâm từ dựa trên nền tảng tâm Xả (upekkhā) thì được lợi ích nhất, nên Xả được dạy sau Từ (mettā).
Xả có thể mang đến lợi ích chỉ khi được dựa trên nền tảng của vị tha (karuṇā). Các vị Bồ tát là các bậc luôn có tình thương vị tha làm nền tảng.
Và tình thương vị tha là nền tảng tốt nhất cho pháp bố thí.
Có câu hỏi rằng: “Vì sao Bồ tát luôn có tình thương với chúng sanh, lại có thể có tâm xả (thản nhiên) với chúng sanh?”.
Bố tát chỉ có tâm xả đối với chúng sanh trong những trường hợp cần thiết như khi bị kẻ ác tấn công, làm hại… Ngài giữ tâm bình thản để diệt trừ tâm sân hận. Hoặc khi được chúng sanh khác ái mộ, cung kỉnh… Ngài giữ tâm bình thản để ngăn trừ ngã mạn, ái dục..
Thật ra, Xả Balamật còn mang ý nghĩa đặc biệt khác, chẳng phải chỉ “thản nhiên đối với chúng sanh” (sẽ giải thích rõ hơn trong phần xả Balamật).
Cách giải thích khác.
Bố thí (dāna) được nêu lên đầu tiên là vì:
– Có tính phổ thông và dễ thực hiện. Mọi chúng sanh đều có thể thực hành pháp bố thí.
– Có tính lợi ích thiết thực rõ ràng hơn giữ giới.
Giới (sīla) được nêu lên sau bố thí vì:
– Giới làm trong sạch cả người bố thí lẫn người thọ thí.
– Bố thí là mang lợi ích tích cực, giới kềm chế sự tổn hại đến chúng sanh khác. Giới mang lợi ích đến người khác qua “không làm ác”.
– Chúng sanh không có khả năng bố thí vẫn có thể thực hiện được việc lành qua giữ giới.
– Bố thí cho quả được giàu sang, giới dẫn đến cõi an lạc người – trời, làm quả bố thí tốt đẹp hơn.
Giả như có người bố thí, nhưng không giữ giới phải tái sanh làm súc sanh, quả bố thí có phát sanh, cũng chỉ là con vật được nuôi trong lồng vàng như con vẹt, con khướu, chim họa mi chẳng hạn, có đầy đù thức ăn nước uống, ở nơi sang trọng.. hay như chó, mèo, ngựa, voi… của đức vua. Quả bố thí ấy không có tác dụng lớn, nếu như được sanh làm người, chư thiên.
– Chúng sanh rất ít người chịu hành trì pháp giữ giới
Do đó, Đức Phật dạy về sự thành tựu “được làm người, chư thiên” sau khi dạy pháp bố thí.
Đức Phật sách tấn, khích lệ chúng sanh giữ giới để đạt được sung mãn tài sản qua pháp giữ giới.
“Này các tỳ khưu, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ sát sanh. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ sát sanh. Vì cớ sao ? Vì không thấy bốn Thánh đế
Này các tỳ khưu, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ lấy của không cho. Và nhiều hơn là các chúng sanh lấy của không cho… tà hạnh trong các dục… nói dối…”[18]
Và:
“Này các tỳ khưu, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, được tái sanh làm người. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ thân người, phải tái sanh trong địa ngục… phải tái sanh trong loài bàng sanh…phải tái sanh vào cõi ngạ quỷ..”[19].
Xuất gia (nekkhamma) được đề cập sau giới vì:
– Qua xuất gia có thể giữ giới được tốt đẹp.
– Xuất gia loại trừ những ô nhiểm về thân – ngữ thêm trong sạch.
– Xuất gia làm giới trong sạch, dễ dàng chứng đạt thiền định [20].
– Bậc xuất gia thường đi đến nơi an tịnh (āsaya suddhi) là nơi thanh vắng, để thực hành tuệ quán (vipassana ñāṇa).
Từ đó có thể tẩy sạch những tà kiến như “thường kiến (sassatadiṭṭhi) hay đoạn kiến (uccheda diṭṭhi) tiềm ẩn trong tâm.
– Xuất gia là phương thức làm trong sạch thân tâm (payoga suddhi) tốt nhất.
-Trong giai đoạn các ô nhiễm tiềm ẩn bộc phát (pariyuṭṭhāna) qua thân – ngữ (vitikkama – vùng vi phạm), bậc xuất gia dễ dàng chế ngự hơn tại gia do hạnh sa môn được trong sạch.[21]
Sau xuất gia là tuệ (paññā) vì:
– Xuất gia được viên mãn trong sạch nhờ tuệ.
– Không có tuệ thì không thể chứng đắc thiền (jhāna).
Vì không thấy được lợi ích của thiền (tức là thiếu trí tuệ), nên bậc xuất gia không thực tập thiền, nên không thể chứng đắc những pháp thượng nhân như: thần thông, Đạo, quả… khiến địa vị xuất gia không rực sáng.
Trái lại, nhờ có trí tuệ hiểu được cách thức thiền tập, có thiền tập càng làm tăng trưởng trí tuệ, bậc xuất gia càng chói sáng qua những thắng trí (như thiên nhãn minh, túc mạng minh…) mà vị ấy đạt được.
Đức Phật có dạy:
“Yogā ve jāyati bhūri
Ayogā bhūrisaṅkhayo
Etaṃ dvedhā pathaṃ ñatvā
Bhavāya vibhavāya ca.
Yathā bhūri pavaḍḍhati.
Tu thiền trí tuệ sanh.
Bỏ thiền, trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngã
Đưa đến hữu, phi hữu,
Hãy tự mình nổ lực
Khiến trí tuệ tăng trưởng”.[22]
– Trí tuệ là nhân cơ bản của sự “buông bỏ luân hồi”, xuất gia cũng vì mục đích này, nếu không có trí tuệ thì mục đích này không thể thành tựu.
– Xuất gia vì lợi ích cho mình lẫn cho người.
Đối với lợi ích cho người, nếu không có trí tuệ thiện xảo trong tiến hóa (āya kosalla ñāṇa) và trí thiện xảo trong (điều) thoái hóa (apāya kosalla ñāṇa) thì không thể giúp người khác tiến hóa được.
Trí thiện xảo trong (điều) thoái hóa là biết rõ “điều này mang lại tai hại như vầy… như vầy, để giải thích cho chúng sanh thấu rõ những tai hại của ác-bất thiện pháp, giúp chúng sanh từ bỏ, lánh xa những điều thoái hóa.
Bao gồm hai loại trí này là “trí thiện xảo trong phương tiện (upāya kosalla).
Bậc xuất gia có được trí thiện xảo trong phương tiện, càng chói sáng trong đời này.
Tiếp theo trí tuệ là tinh tấn(viriya).
– Trí tuệ có tăng trưởng do nương vào tinh tấn.
Nói cách khác, thiền định làm sanh khởi trí tuệ, mà tinh tấn là một chi phần của Định (chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định thuộc về định uẩn – samādhikkhandha).
– Thấy rõ điều tốt đẹp giúp mình lẫn tha nhân tiến hóa, phát sanh lợi ích, nhưng không thực hành thì sự biết (trí tuệ) này cũng vô ích.
Trái lại khi nỗ lực (tinh tấn) thực hành thì lợi ích ấy trở thành hiện thực.
– Những điều vi diệu chỉ hiện khởi trong trí như: “vô thường, khổ, vô ngã”, do nương vào tinh tấn đặc biệt [23] (paggaha) phát sanh.
– Lợi ích thật sự có được khi được trí tuệ xem xét, cân nhắc cẩn thận. Tức là trí tuệr phải xem xét nhiều lần về “vấn đề đang xem xét”. Đó là trí nương vào tinh tấn trở nên sáng rực, trí trong thiền khởi sanh không thể không nương vào tinh tấn là điển hình nhất
Chính vì thế, lời dạy sau cùng trước khi Đức Phật viên tịch là:
“Vayadhammā saṅkhārā appamādena sampādethāti:
Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn chớ có phóng dật”.[24]
Nhẫn nại (khanti) được đề cập sau tinh tấn vì:
– Nhẫn nại là nền tảng ban đầu của tinh tấn.
Chỉ người nào có kiên trì chịu đựng để vượt qua những chướng ngại, khó khăn như: thể xác đau đớn, thời tiết khắc nghiệt, sự quấy rầy của những sinh vật nhỏ bé : ruồi, muỗi, hay độc hại như rắn, rết.. (thời Đức Phật, những vị tỳ khưu thường vào rừng hành pháp Samôn), bấy giở sự tinh tấn mới hình thành và hiển lộ.
– Nhẫn nại hổ trợ, nâng đở cho tinh tấn vượt qua chướng ngại.
Tuy nhiên, chịu đựng những lời chỉ trích đúng đắn để “lười biếng”, không cải thiện sự việc cho tốt hơn thì không gọi là nhẫn nại (một người lười biếng cũng có thể “nhẫn nại” trước những lời chê trách, hoặc cố “chứng tỏ điều này tôi không thể làm được” để rồi buông xuôi như: “tôi không thể thiền tập vì tuổi già, vì bịnh tật, vì bề bộn công việc… trong khi họ có thể vượt qua những chướng ngại ấy).
-Người có nhẫn nại mới có tinh tấn liên tục, sự nỗ lực liên tục đã nói lên sự nhẫn nại cao độ.
– Chính nguyên nhân tán loạn tâm (uddhacca) do tinh tấn quá mức, được loại trừ bằng nhẫn nại.
Tức là khi hành giả biết rằng : “sự tán loạn tâm này do tinh tấn quá mức” thì: kiên nhẫn thực hành trở lại, đồng thời kiên nhẫn theo dõi diễn tiến của pháp, khi thấy “tán loạn” sắp sanh lên, lập tức giảm bớt tinh tấn. Thế là “tán loạn” bị diệt trừ.
Và tán loạn do tinh tấn quá mức được diệt trừ chỉ có thể có qua “tự mình hiểu pháp (dhammanijjhāna), muốn hiểu pháp phải có sự nhẫn nại theo dõi pháp.
Chư Phật có dạy:
“Khantī paramaṃ tapo titikkhā.
Nibbānaṃ paramaṃ dadanti buddhā.
Na hi pabbajito parūpaghātī
Samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto.
” Nhẫn nại là nhiệt cần tối thượng. Chư Phật dạy: Nípbàn là tối thượng.
Đúng vậy, người gây tổn hại cho kẻ khác không phải bậc xuất gia.
Bậc Sa môn không hề áp bức ai.”[25]
– Khi nỗ lực giúp đở tha nhân, vì lợi ích của tha nhân, vị Bồ tát có thể gặp nhiều chướng ngại, nhưng nhờ nhẫn nại Ngài vượt qua.
Như có lần giúp cho hai ông bà Bàlamôn Magandiya chứng đạt đạo quả, Đức Phật đã bị cô Magandiyā (con gái của ông bà) kết oan trái, về sau bà Hoàng Magandiyā đã thuê người mắng chưởi Đức Thế tôn, và Đức Phật dạy Ngài Ānanda rằng:
“…Danto seṭṭho manussesu
Yo’ tivākyaṃ titikkhati.
… Giữa đám người, cao thượng nhất là người thuần thục, chịu đựng những lời nguyền rủa”.[26]
– Nhẫn nại đã giúp cho vị Bồ tát càng trở nên cao quý hơn. Chí đến trong những lúc vô cớ bị kẻ dữ làm hại, vị Bồ tát “vẫn chịu đựng, tâm không hề có sự thù hận”.
Như câu chuyện đạo sĩ Khantivādi hay Bồ tát Culla Dhammapāla lược dẫn như sau:
Khi Bồ tát Dhammapāla được 7 tháng, vì ganh tỵ trước tình thương của Hoàng hậu Candā dành cho con (là Bồ tát), đức vua Mahāpatāpa đã chặt tay, chân con mình. Nhưng Hoàng tử Dhammapāla không hề than khóc, chỉ chịu đựng.[27]
Tiếp theo nhẫn nại là Chân thật (sacca) vì.
– Nhẫn nại chỉ có thể giữ được trong thời gian dài nhờ hiểu biết sự thật (sacca), như hiểu rằng: “sự thủ oán, sân hận chẳng có ích lợi gì, trái lại càng tạo ra đau khổ cho mình lẫn người”. “Gây ra đau khổ cho người là trái với tâm nguyện của vị Bồ tát”.
– Chân thật sẽ hóa giải oán thù bằng cách giữ lời hứa giúp đở người, thậm chí đó là người đã làm điều sai quấy với mình.
– Bồ tát là vị tầm cầu sự chân thật, sẽ không bao giờ lìa bỏ sự thật cho dù chỉ là lời hứa.
Trong bài kinh “Buôn bán” [28] Đức Sāriputta (Xálợiphất) có hỏi Đức Thế Tôn:
– Bạch Đức Thế Tôn, do nhân gì duyên gì, ở đây có hạng người do buôn bán như vậy đi đến thất bại.
Do nhân gì duyên gì, ở đây có hạng người do buôn bán nhưvậy, không thành tựu được như ý .
Do nhân gì duyên gì, ở đây có hạng người do buôn bán nhưvậy, thành tựu được như ý. .
Do nhân gì duyên gì, ở đây có hạng người do buôn bán nhưvậy, thành tựu ngoài ý muốn?.
Đức Phật đáp rằng:
“Ở đây này Sāriputta, có người đi đến vị Samôn hay Bàlamôn, có hứa hẹn như sau: “Thưa tôn giả, hãy nói lên điều tôn giả cần giúp đở”. Nhưng người ấy không cho như đã hứa. Nếu từ chỗ đấy mệnh chung, đi đến chỗ này, dầu cho người ấy có buôn bán gì, buôn bán ấy đi đến thất bại.
…. Nhưng người ấy không cho như đã quyết định muốn cho. Nếu từ chỗ đấy mệnh chung….buôn bán ấy không đi đến thành tựu được như ý.
… Và người ấy cho như đã quyết định cho. Nếu từ chỗ đấy mệnh chung…. buôn bán ấy đi đến thành tựu như ý muốn.
… Và người ấy cho hơn như đã quyết định cho. Nếu từ chỗ ấy mệnh chung…..buôn bán như vậy được thành tựu vượt ngoài ý muốn”.
Lời chân thật đôi khi bị phản tác dụng, Ngài sẽ bị người nghe phản đối hoặc đối xử tàn hại. Nhưng nhờ đó nhẫn nại được trui rèn, do đó nói “chân thật là nền tảng của nhẫn nại”.
– Chân thật trong thiền tịnh, sẽ thấy rõ ba pháp vô thường, khổ nhất là pháp vô ngã.
Quyết định (adhiṭṭhāna) được đề cập sau chân thật vì:
– Sự thật được hoàn thành nhờ có quyết định nâng đở.
Một sự kiện, một điều nào đó sẽ không trở thành hiện thực nếu như không có quyết định thực hiện. Cũng vậy, sự thật sẽ không hiển lộ nếu như không có quyết định thực hành pháp để “thấy rõ sự thật” (ám chỉ Tứ diệu đế).
– Lời chân thật luôn luôn được nói ra vì có “quyết định không nói dối”, thậm chí vào những lúc tánh mạng bị đe dọa.
– Chân thật không hề lay chuyển khi có quyết định gìn giữ.
– Quyết định là điều kiện tất yếu của các pháp Balamật như : bố thí Balamật không thể thành tựu nếu không có quyết định thực hiện, giới Balamật không thành tựu nếu như không có quyết định giữ giới … và tuệ thấy rõ “bốn sự thật” là kết quả từ “quyết định thực hành pháp“.
Từ (mettā) được đề cập ngay sau quyết định vì:
– Quyết định giúp người khác được thành tựu lợi ích phải dựa trên nền tảng tâm từ (ở đây, từ (mettā) đồng nghĩa vô sân, có vô sân thì sự trợ giúp tha nhân mới tốt đẹp).
– Một người không hề từ chối thực hiện những việc lành vì lợi ích của người khác, và sẽ đạt được mong ước ấy với tâm từ.
Giả như: Người A có tâm sân hay có tâm oán hận người B, dĩ nhiên người A sẽ không có sự giúp đở đối với B (nếu có cũng chỉ là qua loa).
Xả (upekkhā) được đề cập ngay sau Từ vì:
– Xả làm trong sạch Từ.
Khi tu tập tâm Từ mà không có tâm Xả thì có thể bị “nét tâm Từ bên ngoài” làm phát sanh tham dục, ái luyến. Như người ái luyến người khác lại cho là “ta có tâm từ với người kia”….
Các Ngài có dạy : “Nương theo tâm Từ, ái sanh khởi”. do đó cần phải có tâm xả để diệt trừ ái luyến.
Trong Kinh tạng có ghi nhận mẫu truyện: hai mẹ con được xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật, vì sống thân cận với nhau quá mức nên họ rơi vào thông dâm với nhau.[29]
– Chỉ khi tu tập tâm Xả, có thể không bị tham cầu hay ái luyến chi phối.
Sau khi dạy về “giúp đở người khác với tâm Từ”, Đức Phật muốn dạy: “cần thản nhiên đối với sự sai trái của người khác”. Vì rằng:
– Do tâm từ có thể tán đồng với hành động sái quấy của tha nhân, từ đó tạo cho mình một ác nghiệp (do tán thán hành động ác).
– Tha nhân có thể là người “lấy oán báo ân”, nên cần phải có tâm xả, thản nhiên trước sự phản bội, bạc ân của người ấy.
Trong bổn sanh ghi câu truyện Bồ tát khi làm khỉ chúa (mahākapi) đã giải cứu một Bàlamôn rơi xuống vực sâu.
Kiệt sức vì cố gắng cao độ để cứu vị bàlamôn khỏi nguy hiểm, Bồ tát tin tưởng ngủ trong lòng người mà mình đã cứu. Với ý nghĩ sai quấy độc ác (muốn ăn thịt người đã cứu mình), gã bàlamôn độc ác lấy đá đập vào đầu con khỉ.
Không giận dữ Bồ tát nhẫn nại chịu đựng đau đớn trên đầu, lại tiếp tục cố gắng để cứu người bàlamôn thoát khỏi khỏi rừng sâu bằng cách nhảy từ cây này sang cây kia và nhỏ máu xuống để dẫn đường.[30]
Các Balamật nằm trong chuỗi liên tục hoàn hảo như thế, được sắp xếp theo một số nguyên tắc về trật tự kế tiếp nhau, không phải tùy tiện và ngẫu nhiên.
[1] – Thập độ, Đại trưởng lão Hộ Tông dịch, truyện Đức vua Vessantara.
[2] – J.A. Phẩm năm kệ, số 359.
[3] – D.i, Kinh Sa môn quả (Samaññaphala sutta)
[4] – DhA. Kệ ngôn số 155-156. Đại Trưởng lão Pháp Minh dịch.
[5] – Dhp. Đức Nārada soạn – Ông Phạm Kim Khánh dịch.
[6] – Sớ giải kinh Tê giác.
[7] – Budhv: Đại trưởng lão Giới Nghiêm dịch.
[8] – A.i, 142.
[9] – Chúng sanh và sanh thú – Sư Giác Nguyên dịch
[10] – Dhammasaṅgini ( bộ Pháp tụ) – mẩu đề tam (mātikā).
[11] – Xem A.i, 205, phần giảng về ân đức Thiên.
[12] – Một loại ngạ quỷ: ban ngày rất khổ sở, ban đêm thì sung sướng như chư thiên. Hay nửa tháng chịu khổ, nữa tháng thì sung sướng như :Diêm vương (xem kinh Thiên sứ trong Trung bộ kinh).
[13] – Vn. Đại phân tích (Mahāvibhaṅgassa), điều học Pārājika thứ nhất của Tỳ khưu – Đại Đức Gúac Giới dịch.
[14] – M.ii, Kinh Ratthapāla.
[15] – DhpA, kệ ngôn số 21, 22, 23.
[16] – Dhp , kệ ngôn số 152. HT. Thích Minh Châu dịch.
[17] – Dhp, kệ ngôn 26o. HT. Thích Minh Châu dịch.
[18] – S.iv, 468. – S.iv, 469.
[19] – S.iv, 474 , S.iv, 475.
[20] – Ở đây, xuất gia không chỉ đơn thuần đề cập đến việc từ bỏ thế lợi, mà còn là việc loại trừ các ô nhiễm ở thân – tâm.
[21] – Có ba giai đoạn của các lậu hoặc (āsava):
a- giai đoạn tiềm ẩn ( anusaya): các lậu hoặc chỉ là “khuynh hướng”, không hiển lộ ra như trạng thái một tâm sở (cetasika).
b- giai đoạn bùng nổ (pariyuṭṭhāna): các lậu hoặc hiển lộ ra , trở thành một sở hữu tâm trú trong tâm.
c- giai đoạn phát triển (vitikkama) qua thân – ngữ, khiến thân và lời nói không được trong sáng.
Giữ giới làm cho sự ô nhiễm thân – ngữ bị trừ diệt, gọi là “tạm thời trừ bỏ (tadaṅga pahāna)”.
Tu tập thiền chỉ (samatha bhāvana), vào giai đoạn chứng đạt thiền, ngăn không cho các “khuynh hướng tội lỗi” này bộc phát trong tâm. Xem như loại trừ các ô nhiễm trong khoảng thời gian đáng kể, gọi là “áp chế từ bỏ (vikkhambhana pahāna)”.
Các ô nhiễm hoàn toàn bị diệt trừ ngay tại vùng tiềm ẩn (nói cách khác: các khuynh hướng bất thiện bị diệt trừ) nhờ trí đạo (magga ñāṇa), “từ bỏ dứt tuyệt (samuccheda pahāna)”.
[22] – Dhp – kệ ngôn số 282.
[23] – Paggaha có nghĩa là “nỗ lực, trợ giúp, nâng đở”; ở đây dùng nghĩa tinh tấn là thích hợp nhất.
[24] – D.iii, kinh Đại bát Nípbàn (Mahā parinibbāna sutta).
[25] – Dhp, câu số 184 – Đại trưởng lão Nārada soạn, ông Phạm kim Khánh dịch.
[26] – Dhp, câu số 321 , Đại trưởng lão Nārada soạn, ông Phạm kim Khánh dịch.
[27] – JA, truyện số 358 (Culladhammapāla).
[28] – A.ii, 81.
[29] – A.iii, 67.
[30] – JA, 516.
-ooOoo-