Phần Hoàn Thiện Con Đường Tu – Chương 18 – Đối Với Bản Thân

5.Hoàn Thiện Con Đường Tu

Chương 18

Đối Với Bản Thân

Kinh Từ Bi đã chỉ cho hành giả biết phải đối xử với tha nhân như thế nào -phải thương yêu họ như thương người thân. Nhưng kinh nầy không dạy chúng ta phải đối với bản thân phải như thế nào. Dĩ nhiên là ta phải đối với bản thân giống như ta đối với tha nhân.

Vì tất cả chúng sanh ai cũng đều lo cho chính bản thân trước hết, nên điều quan trọng là ta cần phải biết vấn đề mình đang đối đầu là gì. Với sự có mặt của tha nhân ở chung quanh, ta có ảo giác mình đang phải đối đầu với thế giới quanh ta. Trên thực tế, chính là chúng ta luôn luôn phải đối mặt với tâm bất tịnh, hay thanh tịnh của mình. Tất cả những ngoại cảnh diễn ra quanh ta chỉ là một chuỗi những chất xúc tác làm ngòi nổ cho các hành động của mình.

Thế giới quanh ta có thể là các hoàn cảnh, kinh nghiệm hay con người mà ta tiếp xúc qua các giác quan. Một trong những giác quan nhạy bén nhất là tâm với khả năng suy tưởng của nó. Tiếc thay, tâm tưởng lại có khuynh hướng bay khỏi tầm kiểm soát của ta. Chúng ta thường không để ý đến cái trước mặt mà nghĩ tưởng cái có thể là. Chúng ta một là lo sợ cho tương lai, hay là mong mỏi những điều tốt lành nhất. Sự mong muốn chỉ là ảo tưởng, còn nỗi sợ hãi chỉ là những lo lắng không đâu. Cả hai đều dẫn đến phiền não, rắc rối. Vì có mong muốn, nên ta sinh lòng sợ hãi -sợ hãi rằng những mong ước của ta sẽ không thành tựu. Ngược lại vì sợ hãi, nên ta có ước mong -mong rằng nếu ta hành động khôn khéo thì những lo âu, sợ hãi của ta sẽ không biến thành hiện thực. Hơn nữa, ta còn lo sợ rằng mình không đủ sức chịu đựng những gì sẽ xảy ra cho ta.

Do đó ta tự cảm thấy lo lắng, bất an, những khổ thọ mà ta trốn tránh bằng nhiều hình thức như: ăn uống, tiêu khiển, chuyện trò, ngủ nghê, đọc báo, xem truyền hình, dùng điện thoại- bất cứ thứ gì trong tầm tay ta. Nếu không tìm đưọc gì, ta trở nên trầm uất hay sân giận.

Trên thực tế tất cả những biến thái nầy (papanca) đều do tính chất không thể kiểm soát của tâm. Chúng ta để nó đi tán loạn, nghĩ về tương lai với hy vọng và âu lo, nhớ tưởng quá khứ với niềm hối tiếc, xót thương, thay vì tập trung tất cả chú tâm vào những gì đang xảy ra trước mắt.

Chú tâm vào ngay giây phút hiện tại, đó là ý nghĩa của chánh niệm. Khó có thể có đưọc tâm chánh niệm hoàn toàn vì tâm thường lăng xăng. Nhưng nếu chúng ta hoàn toàn chú tâm ở từng phút giây, thì làm sao lăng xăng xuất hiện. Nhưng chỉ tự nhắc nhở mình phải có chánh niệm không thôi thì chưa đủ. Ta còn cần phải có các sự hỗ trợ khác. Biết chấp nhận, biết đánh giá cao chính bản thân là một sự hỗ trợ tinh thần không thể thiếu. Đó không phải là sự tự đề cao, liệt kê tất cả những kiến thức mình có. Giữa hiểu biết đến hành động có thể cách nhau một khoảng xa. Nhưng nếu ta có thể tự đánh giá đưọc những việc mình đã làm thì rất hữu ích. Không có gì đáng kể ngoài các hành động của ta. Những hiểu biết của ta như thế nào không thành vấn đề, nhưng những gì ta thực sự làm sẽ đem lại hậu quả. Nếu cần phát triển cách đánh giá cao về mình, ta cần phải nhớ đến những nghiệp thiện của mình.

Ngoài ra, ta cũng cần biết tự bằng lòng với chính mình, nếu không ta sẽ không bằng lòng với bất cứ điều gì, bất cứ ai hay ở đâu. Trong hoàn cảnh hiện tại, ta đành chấp nhận còn phải bám víu vào ‘cái tôi’ nầy -bám víu vào cái vừa là thầy mình, mà cũng vừa là kẻ phá hoại mình. Điều quan trọng nhất là ta phải tự bằng lòng với mình, để từ đó có thể nhận ra đưọc những bản tính thiện căn bản của nhân loại. Điều nầy đã đưọc trình bày rất rõ trong kinh Từ Bi. Kinh nói rằng chúng ta cần phải biết bằng lòng và dễ dàng chấp nhận. Kinh nói đến mười lăm điều kiện có thể mang đến cho ta sự bình an. Nếu chúng ta không thể tìm thấy những đặc tính nầy trong ta, thì sự bình an trong nội tâm không thể có đưọc.

Biết an vui nghĩa là biết bằng lòng với những gì ta có, biết chấp nhận hình dáng, cách nói năng, cách sống, cách xử sự của mình. Điều ấy không có nghĩa là ta sẽ không phải sửa đổi cho tốt hơn. Nhưng nếu ta luôn mặc cảm về con người mình, thì sẽ ảnh hưởng đến thái độ, cách cư xử của chúng ta. Người ta thường có ước muốn đưọc hơn cái mình có. Càng bỏ đưọc các ước muốn nầy, ta càng bớt khổ. Nhưng muốn thực hiện đưọc điều đó, ta cần phải biết bằng lòng với cái trước mắt, dầu cho đó không phải hoàn toàn như ý ta mong muốn. Chúng ta thường có những mong mỏi, đòi hỏi nơi chính bản thân mình và ở tha nhân, dầu những điều đó không thực tế. Vì ta thường quên vạn pháp đều vô thường. Tất cả vạn vật đều luôn thay đổi. Có những điều hôm qua hoàn toàn đúng, thì hôm nay lại sai. Làm sao để sống an vui trong những hoàn cảnh ta cho là khó chấp nhận? Trước nhất, ta phải xét hoàn cảnh đó cho kỹ càng? Tại sao khó chấp nhận nó? Nó sai sót ở đâu? Không thoả mãn bản ngã chăng? Không phải điều ta mong đợi chăng? Một khi đã hiểu rõ tại sao một việc gì đó không toàn hảo, ta sẽ thấy nó quá nhỏ mọn, không đáng để tâm.

Khi có những việc luôn tạo khổ đau trong ta, khiến ta không toại nguyện ước mơ, thì ta hãy tự nhủ: “Ta rồi cũng chết, ta không thể thắng đưọc sự chết”. Tại sao không luôn nghĩ về sự chết? Quán tưởng về cái chết sẽ không mang đến cho ta sự bi thương hay trầm uất, nhưng nó mang ta đến gần hơn với thực tế. Liệu chúng ta có cau có, bực bội khi biết mình chỉ còn mười phút nữa để sống? Nếu thật sự ta chỉ còn sống đưọc thêm mười phút nữa, thì không ai trong chúng ta còn bực bội, khó chịu. Có thể do ghét, ta sinh lòng sợ hãi, nhưng tại sao phải ghét điều ta không thể tránh khỏi? Tại sao ta lại phải ghét cái điều chắc chắn sẽ xảy ra, vì nó sẽ xảy ra? Đó là một trong muôn vàn cái vô minh của ta.

Bằng lòng cũng hàm chứa ý nghĩa chấp nhận, chịu ơn chính bản thân mình. Khi tất cả mọi thứ quanh ta dường như đảo điên, hỗn loạn, chúng ta vẫn có thể quay về với nội tâm của sự thánh thiện, hoàn mỹ. Nếu chúng ta không có những sự thuần khiết căn bản trong nội tâm, thì không có lý do gì để ta tiếp tục tu tập nữa. Tuy nhiên, ta có thể nuôi dưỡng, vun trồng cho nội tâm trong sạch lớn mạnh thêm, và phát triển sự nhận thức về nó. Bất cứ khi nào có khó khăn, sợ hãi, bất như ý hay khổ đau vì những ước muốn không thành tựu, chúng ta đều có thể quay vào bên trong ta, nơi an vui trú ngụ.

Chúng ta thường lầm tưởng rằng sự an vui của mình tùy thuộc vào hoàn cảnh hay con người nào đó. Làm sao nó có thể tùy thuộc vào một điều gì đó bên ngoài chúng ta? Nếu chúng ta muốn đưọc sự an vui thật sự, thì phải tùy thuộc vào những gì bên trong ta. Như thế ta có thể phát khởi sự an vui liên tục. Trái lại nếu phải tùy thuộc vào người hay hoàn cảnh để có đưọc sự an vui, thì ta có khác nào là nô lệ cho chúng. Trong khi con đường đạo của Đức Phật là con đường dẫn tới tự do, giải thoát.

Cũng giống như sự an vui, lòng biết ơn cũng giúp rất nhiều cho cuộc sống của chúng ta. Lòng biết ơn không cần phải nhắm vào một người nào hay một điều gì đặc biệt. Có thể là lòng biết ơn đối với những duyên nghiệp khiến cho các nỗ lực của ta đưọc thành tựu, hay đưọc có một cơ thể khá tốt. Nó giúp cho ta không coi nhẹ những gì mình có đưọc . Người càng giàu sang, càng coi những thứ họ có đưọc là chuyện đương nhiên. Càng có sức khỏe hay nhiều may mắn, ta càng coi thường chúng. Thái độ đó sẽ không giúp ta biết an vui, bằng lòng. Chỉ có lòng biết ơn mới đem đến an vui.

Nếu không có thái độ đúng, biết tự bằng lòng, biết để lòng thanh thản, không vướng bận, ta sẽ không tìm thấy tổ ấm dù ở bất cứ nơi nào. Sự yên ổn, tổ ấm là ở nội tâm, chứ không phải ở bên ngoài. Khi ta biết mở lòng ra, để có lòng biết ơn, cảm nhận, bằng lòng với chính mình thì ta có thể tìm thấy tổ ấm, dù đang ở bất cứ nơi nào trên trái đất hay trong vũ trụ nầy.

Một căn nhà chỉ là một nơi chốn với bốn bức tường bọc quanh. Nhưng một căn nhà lý tưởng thì phải có sự ấm cúng, nhất là khi thế giới bên ngoài đầy lạnh giá. Sự ấm cúng từ đâu ra, nếu không từ những trái tim chúng ta? Đó là nơi ta cần tạo ra sự thoải mái, hạnh phúc, an bình khó nắm bắt mà ta luôn tìm kiếm. Trái tim là trung tâm. Khi mọi việc êm thuận, ta coi đó như là chuyện phải thế, nhưng khi gặp trở ngại, đối đầu với khó khăn, thì ta lại quay ra tìm sự giúp đỡ ở bên ngoài ta, đâu biết rằng chỉ có thể tìm đưọc lời giải nơi trái tim mình. Nếu chúng ta đã tạo ra đưọc một nền tảng vững bền, ấm áp, đầy thương yêu ở nội tâm, thì ta luôn có thể nương tựa vào đó.

Phải dựa vào người khác để có đưọc hạnh phúc, thì quá dại khờ; dựa vào họ để đưọc bảo vệ, chở che thì thật kỳ quặc. Làm sao ta có thể dựa vào họ, khi chính họ cũng đang đi tìm hạnh phúc và sự chở che? Chỉ có những người đã tìm đưọc kho tàng nội tại mới là người đã tìm đưọc mái ấm của mình. Dựa vào chính hạnh phúc, sự chở che của bản thân, mới có thể giúp ta chịu đựng đưọc mọi thử thách, khó khăn trong đời. Không có ai trong thế giới tránh khỏi khổ đau, nên khi đã có một mái ấm nội tâm, ta sẽ biết tìm về nơi đâu trong những khi căng thẳng. Những căng thẳng nầy có thể ở mức độ nhẹ như khi ai đó đòi hỏi mình điều gì hay khi những mong ước của chúng ta không thành hiện thực. Lúc đó ta bước vào mái ấm trái tim của mình, nơi ta sẽ tìm đưọc sự ấm áp, lòng biết ơn, cảm nhận và hoan hỷ. Bằng cách là diệt bỏ tất cả mọi ý tưởng bất thiện, để chỉ còn có tư tưởng tốt đẹp, hữu ích, tích cực đọng lại. Càng chất chứa nhiều tư tưởng ô uế, thì mái ấm trái tim ta càng hôi hám, ô nhiễm. Mỗi khi ta hủy diệt đưọc một tư tưởng bất thiện, ta sẽ có thêm sức mạnh để bỏ nó lần sau, lần sau nữa. Bằng cách ấy ta đã tự dọn sạch ngôi nhà tâm của mình. Mỗi ngày ta đều quét phòng, quét ngõ. Hãy quét dọn tâm ta mỗi ngày như thế!

Mỗi khi ta dọn sạch cái gì -một khu vườn cỏ dại, một nhà bếp, quần áo dơ- ta cũng nhớ để dọn sạch tâm mình cùng lúc. Khi tâm ta đã thanh tịnh, bền vững, ta sẽ tràn đầy tình thương cho chính mình, cho mọi người chung quanh. Lúc đó ta không cần cố gắng để thương yêu tha nhân; lòng thương đã thành quán tính do ta biết yêu thương chính bản thân mình. Nhưng đó không có nghĩa là tự dễ dải với chính mình. Mà chỉ là sự vun trồng tình yêu thương cho bản thân, để rồi ta có thể dễ dàng thương yêu người khác.

Tha nhân cũng đưọc hưởng lợi lộc do sự vững chải của chúng ta. Ta là cái neo, là hòn đá để cho người khác tựa vào. Vì dầu cho có gì xảy ra, chúng ta vẫn luôn cứng rắn, không lung lay.

Khi tình thương, sự vững chắc đầy trong tim, thì sự hành thiền của ta cũng đưọc tốt đẹp và cuộc đời ta cũng thay đổi. Chúng ta sẽ cảm giác giống như trước đó cuộc sống của ta không trọn vẹn, nhưng giờ ta cảm thấy toàn vẹn hơn, giải thoát hơn. Và cuộc sống thánh thiện đâu có gì hơn là được sống trọn vẹn, tràn đầy.

-ooOoo-

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app