TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 71
Tam Minh
- TOÁT YẾU
Tevijjavacchagotta Sutta – To Vacchagotta on the Threefold True Knowledge.
The Buddha denies possessing complete knowledge of everything at all times and defines the threefold knowledge he does posses.
Giảng cho Vachchagotta về ba minh.
Phật phủ nhận có toàn tri về mọi sự vào mọi lúc, và định nghĩa ba minh mà Ngài chứng.
- TÓM TẮT
Vacchagotta [1] hỏi Phật, có phải sa môn Gotama là bậc nhất thiết trí [2] khi đi, đứng, ngủ và thức, tri kiến nơi Ngài tồn tại liên tục [3].
Phật dạy ai nói vậy là đã vu khống Ngài với điều không thực. Phải nói sa môn Gotama có ba minh. Nếu muốn, Ngài có thể nhớ lại nhiều đời quá khứ với đại cương và chi tiết. Nếu muốn Ngài có thể thấy bằng thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, sự sống chết chúng sinh tùy theo nghiệp. Và với sự đoạn diệt các lậu hoặc, ngay hiện tại Ngài chứng trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Phật trả lời các câu hỏi của du sĩ: Trong số những người tại gia chưa đoạn trừ kiết sử tại gia [4], không người nào đoạn tận khổ đau sau khi chết; nhưng rất nhiều người được sinh lên trời. Không có tà mạn ngoại đạo nào khi thân hoại mạng chung có thể diệt tận khổ đau; và dù Phật nhớ đến 91 kiếp Ngài cũng không biết một tà mạn ngoại đạo nào chết được sanh thiên, trừ một vị, vị này thuyết về nghiệp và tác dụng của nghiệp [5].
Khi nghe vậy Vacchagotta bạch Phật: Nếu vậy thì ngoại đạo quả là trống rỗng ngay cả vấn đề sinh lên trời.
Phật xác nhận đúng như thế.
III. CHÚ GIẢI
- Kinh này và 2 kinh kế tiếp dường như trình bày sự tiến hóa của Vacchagotta theo thứ tự thời gian. Kinh Tương Ưng Bộ có cả một chương thuật lại những đàm luận ngắn giữa Phật và vị này.
- Theo luận giải, mặc dù câu này có một phần có giá trị, đức Phật vẫn bác bỏ toàn bộ vì cái phần vô giá trị của nó. Cái phần có giá trị trong câu nói ấy là xác nhận rằng Phật là toàn tri, thấy biết tất cả. Phần hơi quá đáng là xác nhận rằng tri kiến ấy luôn luôn hiện hữu nơi Ngài một cách liên tục. Theo truyền thống Thượng Tọa Bộ, Phật là toàn tri với ý nghĩa rằng tất cả những gì có thể biết. Ngài có khả năng biết được. Tuy nhiên Ngài không thể đồng lúc biết tất cả mọi sự, mà phải tác ý đến điều gì Ngài muốn biết. Trong kinh 90, Phật dạy rằng có thể biết và thấy tất cả mặc dù không thể cùng một lúc, và trong kinh Tăng Chi IV, Ngài công bố biết được tất cả những gì có thể thấy, nghe, và nhận thức, mà theo truyền thống Thượng Tọa Bộ, điều này được hiểu là xác nhận về toàn tri.
- Ðây là loại toàn tri mà vị thầy Ni kiền tử tự cho mình có được, theo kinh 14.
- Kết sử tại gia có nghĩa là sự ràng buộc đối với các vật dụng của một gia chủ như đất, đồ trang sức, tài sản, ngũ cốc… Luận nói, mặc dù kinh này có đề cập vài người cư sĩ đắc quả A La Hán, nhưng khi ở đạo lộ A La Hán, họ đã phá hủy tất cả ràng buộc với các vật thế gian và như vậy hoặc họ xuất gia làm tỳ kheo, hoặc từ trần ngay sau khi chứng đắc. Vấn đề A la hán cư sĩ được bàn trong Kinh Milinda Vấn Đạo (Milinda Panha), câu 142, “Về cư sĩ A la hán”.
- Vì ông này tin hiệu quả của nghiệp, nên ông không thể theo thuyết định mệnh chính thống của giáo phái ông, một giáo phái phủ nhận hiệu quả của nghiệp và những hành động cố ý trong việc thay đổi số phận con người. Theo kinh sớ, vị này đời trước là một bồ tát.
- PHÁP SỐ
Hai giải thoát; Ba minh.
- KỆ TỤNG
Vacchagotta hỏi
– Con nghe người ta nói
Tôn giả Gotama
Là bậc nhất thiết trí
Khi đi đứng ngủ thức
Tri kiến Ngài liên tục
Lời này có đúng thực
Ðể nói về Như Lai?
Phật dạy ai nói vậy
Là đã vu không Ngài
Và xuyên tạc Như Lai
Với một điều không thực
Muốn nói về Như Lai
Một cách chân chính nhất
Thì phải nói rằng Ngài
Là bậc có ba minh.
Bằng trí túc mạng minh
Nếu muốn, Ngài có thể
Nhớ nhiều đời quá khứ
Ðại cương và chi tiết.
Nếu muốn, Ngài có thể
Dùng thiên nhãn thuần tịnh
Thấy sống chết chúng sinh
Tùy theo nghiệp của chúng,
Và với sự đoạn diệt
Tất cả các lậu hoặc
Ngài hiện chứng vô lậu
Tâm và tuệ giải thoát.
Phật trả lời du sĩ
Những người chưa đoạn trừ
Các kiết sử tại gia
Chết không tận diệt khổ
Nhưng có rất nhiều người
Còn kết sử tại gia
Vẫn được sinh thiên giới
Trừ tà mạn ngoại đạo
Vì với trí thanh tịnh
Nhớ về chín mốt kiếp
Phật chỉ thấy một vị
Mạng chung sinh thiên giới
Vị này thuyết về nghiệp
Và tác dụng của nghiệp.
Khi nghe nói như vậy
Vacchagotta bạch:
– Nếu vậy thì ngoại đạo
Quả thực là trống rỗng
Cho đến cả vấn đề
Thác sinh lên thiên giới.
-ooOoo
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 72
Aggivacchagotta
- TOÁT YẾU
Aggivacchagotta Sutta – To Vacchagotta on Fire.
The Buddha explains to a wanderer why he does not hold any speculative views. With the smile of an extinguished fire he tries to indicatethe destiny of the liberated being.
Giảng cho Vachchagotta về ngọn lửa.
Phật giảng cho một du sĩ tại sao Ngài không giữ một quan điểm tư duy nào. Với ví dụ ngọn lửa, Ngài cố nói ra số phận của người đã giải thoát.
- TÓM TẮT
Du sĩ ngoại đạo Vacchagotta đến hỏi Phật: Thế giới là thường trú hay vô thường? Thế giới là hữu biên hay vô biên? Thân và mạng là một hay khác [1]? Sau khi chết Như Lai có tồn tại hay không tồn tại? Hay vừa tồn tại vừa không tồn tại, hay không tồn tại cũng không tồn tại [2]?
Ðức Phật phủ nhận tất cả, cho đấy là rừng tà kiến, kiến trói buộc, đưa đến tranh chấp hí luận, không đưa đến ly tham, an tịnh, giác ngộ, Niết bàn. Vì thấy sự nguy hại của quan điểm nên Phật không chấp nhận chúng [3]. Tất cả tà kiến đã được Như Lai đoạn trừ. Nhưng đây là điều Như Lai đã thấy: đây là sắc, tập khởi của sắc, đoạn diệt của sắc. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức, cũng vậy. Với sự đoạn diệt, xả ly mọi ảo tưởng về ngã, ngã sở, mạn tùy miên, Như Lai hoàn toàn giải thoát không chấp thủ.
Khi ấy Vacchagotta hỏi một vị giải thoát như vậy sinh về đâu? Phật đáp sinh không áp dụng cho vị ấy.
Vacchagotta lại hỏi Phật có phải vị ấy không sinh? Phật trả lời: không sinh cũng không áp dụng [4]. Ðối với hai mệnh đề sau, vừa có vừa không, và không có cũng không không, cũng vậy.
Vacchagotta đâm ra hoang mang mờ mịt, nói rằng một số tin tưởng do các cuộc đàm thoại trước đây mang lại đã biến mất nơi ông. Phật dạy thật khó cho Vacchagotta để hiểu được điều này, khi ông thuộc về ngoại đạo, vì pháp này thật sâu kín khó thấy, tế nhị, chỉ bậc trí hiểu nổi.
Phật hỏi Vacchagotta, khi ngọn lửa đang cháy, ông có thể biết nó đang cháy, biết nhân và duyên của nó. Nhưng khi nó tắt, ông có thể biết ngọn lửa ấy đã đi về phương hướng nào hay không? Vacchagotta trả lời không, vì ngọn lửa đã tắt do hết nhiên liệu.
Phật dạy: Cũng vậy, do sắc pháp [5] mà người ta nhận biết Như Lai, nhưng sắc pháp ấy được Như Lai đoạn diệt làm cho không thể sinh khởi trong tương lai. Như Lai đã giải thoát khỏi sắc pháp, cho nên có sinh, không sinh, vừa có vừa không, không có không không, đều không áp dụng được. Với thọ, tưởng, hành, thức nơi Như Lai cũng vậy, đều đã được cắt đứt tận gốc rễ không thể sinh khởi trong tương lai, nên bốn trường hợp trên đây không áp dụng [6].
Du sĩ ngoại đạo nghe xong ca tụng Phật dùng nhiều phương tiện trình bày chính pháp, và xin quy y.
III. CHÚ GIẢI
- Quan điểm cho rằng mạng và thân là một là thuyết duy vật, vì thân mạng vào thân xác. Quan điểm cho rằng mạng khác thân là một thường kiến, chấp trường tồn, xem mạng hay linh hồn là một nguyên lý tâm linh trường cửu có thể hiện hữu độc lập với thân xác.
- Quan điểm cho rằng Như Lai hiện hữu sau khi chết là một kiểu thường kiến, xem Như Lai có một bản ngã đạt đến giải thoát vĩnh viễn sau khi thân xác chết. Quan điểm cho rằng Như Lai không hiện hữu sau khi chết cũng nhận Như Lai có một bản ngã, nhưng bản ngã này bị hủy diệt khi thân xác chết. Quan điểm thứ 3 tổng hợp 2 quan điểm này, bị Phật bác bỏ vì cả 2 thành phần đều bao hàm tà kiến. Quan điểm thứ tư có vẻ đầy hoài nghi, cố chối bỏ cả 2 trường hợp trên, hoặc cố tránh giữ một lập trường nhất định.
- Trong Pàli ở đây có sự chơi chữ giữa Ditthi gatta, có nghĩa là quan điểm trừu tượng mà Như Lai đã gạt bỏ và Dittha, nghĩa là những gì được thấy bằng tri kiến trực tiếp của Như Lai, nghĩa là sự sinh và diệt của 5 uẩn.
- Luận nói “không sinh trở lại” có nghĩa vị A la hán không còn trải qua một đời sống mới. Nhưng nếu Vacchagotta nghe lời này, ông ta sẽ hiểu lầm là đoạn diệt, nên Phật phủ nhận.
- Luận nói đây là sắc pháp qua đó người ta mô tả Như Lai là một tự ngã có sắc pháp. Luận thêm sắc pháp đã được từ bỏ nhờ sự từ bỏ những kiết sử liên hệ đến nó, nên nó không thể nào trở lại trong tương lai.
- Ðoạn này cần liên hệ đến ví dụ về ngọn lửa tắt. Cũng như không thể nói ngọn lửa tắt đã đi về hướng nào. Như Lai cũng vậy khi đạt đến Niết bàn tối hậu, không thể được mô tả theo 4 trường hợp trên kia, “có, không, vừa có vừa không, vừa không có vừa không không.”
- PHÁP SỐ
Bốn vấn đề bất thuyết: về thời gian, không gian của thế giới, về thân mạng, về Như Lai. Bốn cú.
- KỆ TỤNG
Một du sĩ ngoại đạo
Tên Vacchagotta
Đi đến hỏi Thế tôn
Thế giới thường, vô thường?
Thế giới hữu, vô biên?
Thân, mạng một hay khác?
Như Lai sau khi chết
Có tồn tại hay không
Hay vừa còn vừa mất
Hay không mất không còn?
Phật phủ nhận tất cả
Cho là rừng tà kiến
“Kiến trói buộc con người
Gây tranh chấp hí luận
Không đưa đến ly tham
Giác ngộ và Niết bàn
Vì thấy sự nguy hại
Của các loại quan điểm
Nên Phật không chấp nhận
Bất cứ quan điểm nào.
Như Lai đã đoạn trừ
Tất cả các tà kiến
Nhưng Ngài đã thấy được:
Sắc và tập khởi sắc
Sự đoạn diệt của sắc
Và con đường đoạn diệt
Với thọ, tưởng, hành, thức
Cũng thấy biết như vậy.
Xả ly mọi ảo tưởng
Về ngã và ngã sở
Cùng với mạn tùy miên
Ngài giải thoát chấp thủ.”
Vacchagotta hỏi
– Vị giải thoát như vậy
Sẽ tái sinh về đâu?
“Sinh hay là không sinh
Hoặc vừa có vừa không,
Không có cũng không không
Ðều không thể áp dụng
Với người đã giải thoát.
Như ngọn lửa đang cháy,
Ta thấy được nhân duyên
Nhưng khi nó đã tắt
Biết nó đi đằng nào?
Như ngọn lửa đang cháy,
Ta thấy được nhân duyên
Nhưng khi nó đã tắt
Biết nó đi đằng nào?
Như lửa hết nhiên liệu
Sắc pháp nơi Như Lai
Ðược hoàn toàn đoạn diệt
Không sinh khởi tương lai
Như Lai đã giải thoát
Sắc thọ tưởng hành thức
Nên có sinh, không sinh
Ðều không áp dụng được.”
Du sĩ ca tụng Phật
Khéo trình bày chính pháp
Và ông xin Thế tôn
Nhận ông làm đệ tử.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 73
Ðại kinh Vacchagotta
- TOÁT YẾU
Mahàvacchagotta Sutta – The Greater discourse to Vacchagotta.
The story of the wanderer Vacchagotta’s full conversion to the Dhamma, his going forth, and his attainment of arahantship.
Bài kinh dài giảng cho Vachchagotta.
Câu chuyện về du sĩ Vacchagotta hoàn toàn quay về Pháp, việc ông xuất gia và đắc quả a la hán.
- TÓM TẮT
Vacchagotta đến xin Phật giảng vắn tắt về các thiện và bất thiện pháp. Phật giảng tham, sân, si là bất thiện; vô tham, vô sân, vô si là thiện.
Bất thiện là 10 pháp: sát sinh, lấy của không cho, tà hạnh về dục, nói láo, hai lưỡi, ác khẩu, nói phù phiếm, xan tham, giận dữ, tà kiến. Thiện là không mười pháp này.
Lại nữa, khi Ái được một tỳ kheo đoạn trừ tận gốc không cho sinh khởi trong tương lai, tỳ kheo ấy thành bậc A la hán đã đạt lý tưởng giải thoát.
Vacchagotta hỏi Phật có tỳ kheo đệ tử nào đã đạt đến quả ấy không [1]. Phật trả lời có rất nhiều tỳ kheo, tỳ kheo ni đạt đến quả ấy; rất nhiều nam nữ cư sĩ đã đoạn 5 hạ phần kiết sử sống phạm hạnh [2]; nhiều nam nữ cư sĩ hưởng thụ vật dục nhưng chấp nhận giáo huấn, đãđoạn nghi hoặc, chứng vô sở úy [3], không nương tựa kẻ khác, sống trong thánh giáo của bậc Đạo sư.
Vacchagotta xác nhận nền giáo lý của Phật lợi lạc cho tất cả các hạng người, và xin xuất gia theo Phật. Phật dạy ai từ ngoại đạo muốn xuất gia phải qua bốn tháng thử thách. Vacchagotta chấp nhận dù phải qua bốn năm thử thách. Nửa tháng sau khi thọ đại giới, ông đến xin Phật dạy pháp gì cao hơn bậc hữu học [4]. Phật dạy ông tu tịnh chỉ và tuệ quán, căn bản [5] để đắc các thắng trí.
Sau một thời gian sống độc cư tinh tấn, Vacchagotta đạt đến mục đích của đời phạm hạnh, tự biết sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, sau đời này không còn đời nào khác. Ông gửi lời này đến Phật khi có một nhóm tỳ kheo đi yết kiến Ngài: “Thế tôn đãđược con hầu hạ, Thiện thệ đã được con hầu hạ [6].”
III. CHÚ GIẢI
- Câu này và câu sau ám chỉ quả A la hán mà Vacchagotta nghĩ chỉ có Phật chứng được.
- Câu này ám chỉ quả Bất hoàn. Mặc dù đời sống thế tục, vị ấy nhất thiết tuân giữ phạm hạnh vì đã tận trừ kiết sử tham dục.
- Câu này ám chỉ bậc Dự Lưu và Nhất Lai, các vị này vẫn còn có thể tham đắm dục lạc nếu sống đời tại gia.
- Theo Luận giải, vị này đã đạt đến quả vị Bất Hoàn và đến Phật để hỏi về sự tu tập tuệ quán để chứng quả A la hán. Tuy nhiên Phật thấy ông có đủ điều kiện để đắc thắng trí, nên Ngài dạy ông tịnh chỉ để phát sinh 5 loại thắng trí thế gian và tuệ quán để đắc quả A La Hán quả.
- Xứ hay căn bản thích hợp là thiền thứ tư để đắc 5 thắng trí và tuệ để đắc quả A La Hán.
- Thế tôn đã được con hầu hạ, Thiện thệ đã được con hầu hạ. Ðây là một cách gián tiếp tin cho Phật biết ông đã đắc quả A La Hán. Các tỳ kheo không hiểu điều này nên Phật đã giải thích ý nghĩa cho họ.
- PHÁP SỐ
Ba minh, Ba độc, bốn chúng đệ tử, 10 bất thiện, 10 thiện.
- KỆ TỤNG
Thể theo lời yêu cầu
Của Vacchagotta
Phật giảng dạy vắn tắt
Về thiện và bất thiện
Tham sân si bất thiện
Thiện, không tham sân si
Bất thiện gồm 10 pháp:
Sát sinh và trộm cắp
Tà hạnh trong các dục
Nói láo và hai lưỡi
Ác khẩu, nói phù phiếm,
Xan tham, sân, tà kiến.
Thiện là mười ngược lại
Và khi đoạn tận ái
Không cho sinh trở lại
Thì thành A la hán.
Du sĩ lại hỏi Phật
Về tu hành đắc quả
Phật dạy nhiều tỳ kheo
Chứng quả A la hán,
Tỳ kheo ni cũng vậy
Và vô số nam nữ
Ðoạn 5 hạ kết sử
Chứng Nhất lai, bất hoàn.
Du sĩ xin xuất gia
Và được thọ đại giới
Sống độc cư tinh tấn
Chứng A la hán quả.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 74
Trường trảo
- TOÁT YẾU
Dìghanakha Sutta – To Dìghanakha.
The Buddha counters the disclaimers of a sceptic and teaches him the way to liberation through the contemplation of feelings.
Giảng cho Trường trảo.
Phật bác bỏ những lời tuyên bố của một kẻ theo chủ thuyết hoài nghi và dạy con đường giải thoát do quán cảm thọ.
- TÓM TẮT
Du sĩ Trường trảo [1] đến Phật, tuyên bố lý thuyết của ông là, tất cả đều không làm ông thích thú [2]. Phật hỏi lại, có phải tất cả là bao hàm luôn quan điểm này của ông. Du sĩ vẫn một mực khẳng định ông không thích thú bất cứ gì [3]. Phật dạy, đa số nói như vậy, nhưng về sau vẫn chấp thủ một quan điểm. Chỉ có một số ít sau khi thấy mâu thuẫn nội tại trong quan điểm mình, liền từ bỏ tất cả quan điểm [4].
Phật phân tích: Một số người tuyên bố: tất cả đều làm tôi thích thú. Một số người tuyên bố: tất cả đều không làm tôi thích thú. Một số người nói: một phần làm tôi thích, một phần làm tôi không thích [5]. Quan điểm đầu gần với tham dục, trói buộc, chấp thủ. Quan điểm 2 gần với không tham dục, không trói buộc, không chấp thủ.
Khi nghe vậy, Trường Trảo cho rằng Phật tán dương quan điểm mình. Nhưng Phật bình tĩnh tiếp tục phân tích: Ai chủ trương: một phần làm tôi thích, một phần làm tôi không thích, thì các phần làm họ thích là gần với tham dục, trói buộc, chấp thủ; phần làm họ không thích là gần với không tham dục, không trói buộc, không chấp thủ.
Người trí nhận thức rằng, nếu nói lên bất kỳ một quan điểm nào trong ba quan điểm trên [6], và cho đấy là sự thật, ngoài ra đều sai, thì sẽ chống lại hai hạng người chủ trương hai quan điểm kia. Tóm lại, có kiến chấp là có đối nghịch, đối nghịch đưa đến tranh luận, tranh luận đưa đến chống đối, chống đối đưa đến bực mình. Thấy thế, vị này hủy bỏ những tri kiến ấy.
Phật dạy Trường Trảo [7]: Thân này là sắc pháp do bốn đại tạo thành, do cha mẹ sinh, nhờ thực phẩm duy trì; nó vô thường, phân tán, hoại diệt. Khi quán sát thân này vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, vô ngã, thì tham dục đối với thân, sự ái luyến, phục tùng thân được trừ diệt.
Có ba thọ là lạc, khổ và bất khổ bất lạc, cả ba đều vô thường, hữu vi, duyên sinh; nên thánh đệ tử yểm ly cả ba thọ, do yểm ly, vị ấy ly tham, do ly tham, vị ấy được giải thoát. Với tâm giải thoát, tỳ kheo không nói thuận theo ai, không tranh chấp với ai, chỉ sử dụng danh từ thế gian nhưng không chấp thủ danh từ [8].
Nghe xong, tôn giả Xá lợi Phất không còn chấp thủ, giải thoát lậu hoặc [9], thành A la hán. Trường Trảo được mắt pháp thanh tịnh, dứt sạch hoài nghi, được tự tín không y cứ nơi người khác. Ông xin Phật nhận ông làm cư sĩ, từ nay đến mạng chung ông trọn đời quy ngưỡng.
III. CHÚ GIẢI
- Phạm chí Trường Trảo là cháu của tôn giả Xá Lợi Phất. Vào lúc ông đến nơi Phật, tôn giả Xá Lợi Phất chỉ mới xuất gia làm tỳ kheo 2 tuần, và đang còn là một bậc Dự Lưu.
- Theo luận giải, Trường Trảo là một người theo đoạn diệt luận, chấp đoạn diệt luận, và giải thích lời này là: “Không có một kiểu tái sinh nào tôi có thể chấp nhận được.” Tuy nhiên bản kinh này không đưa ra một bằng cứ cụ thể nào hỗ trợ cho lối giải thích này. Có lẽ đúng hơn, lời nói của Trường Trảo “không gì làm tôi chấp nhận được” là cốt để đặc biệt ám chỉ các quan điểm triết học khác, và như thế chứng tỏ Trường Trảo là một người hoài nghi triệt để thuộc loại mà kinh 76 đã mô tả một cách trào phúng là “lý luận trườn uốn như con lươn.” Lời của ông ta như vậy cũng như sự bác bỏ toàn diện tất cả quan điểm triết học.
- Sự trao đổi này theo các bản luận sớ, cần được hiểu như sau: Phật cho rằng, với câu hỏi của ông ta, Trường Trảo Phạm Chí có một mâu thuẫn nội tại. Vì ông không thể bài bác mọi sự mà không bác luôn cả quan điểm của ông, và điều này sẽ kéo theo lập trường ngược lại, nghĩa là ông có chấp nhận một điều. Tuy nhiên, mặc dù Phạm Chí Trường Trảo nhận ra ẩn ý của câu hỏi Phật đặt ra, ông vẫn tiếp tục nhấn mạnh quan điểm của ông rằng không có gì làm ông chấp nhận được.
- Theo luận, câu đầu ám chỉ những người lúc đầu có 1 quan điểm chấp thường hoặc chấp đoạn, rồi sau theo những quan điểm hơi đổi khác về những kiến chấp ấy. Câu thứ 2 ám chỉ những người từ bỏ kiến chấp căn bản của mình nhưng sau đó không theo một quan điểm nào khác. Nhưng nếu Trường Trảo là một người hoài nghi triệt để, như có vẻ thế, thì lời của Phật có thể được hiểu là hiển thị một sự bất ổn nội tại trong lập trường của người hoài nghi: về phương diện tâm lý, thật không dễ chịu gì để ở mãi trong bóng tối hoài nghi. Như vậy phần đông những nhà hoài nghi, trong khi tuyên bố mình bác bỏ tất cả quan điểm, vẫn lén lút theo một quan điểm nhất định nào đó, trong khi một số ít từ bỏ hoài nghi luận của mình để tìm một con đường đưa đến tri kiến.
- Luận nói 3 quan điểm này là thường kiến, đoạn kiến và một phần thường một phần đoạn. Thường kiến thì gần với tham ái, chấp thủ vì nó xác nhận và thích thú hiện hữu dưới bất cứ hình thức tinh vi nào; Ðoạn kiến thì gần với vô tham, vô chấp vì mặc dù quan niệm sai lầm về tự ngã, đoạn kiến cũng đưa đến sự chán chường hiện hữu. Nếu quan điểm thứ hai được hiểu là hoài nghi luận tuyệt đối, thì nó cũng có thể được xem là gần với vô tham, vì nó biểu lộ sự vỡ mộng đối với hiện hữu, với một nền tảng lý thuyết, và như vậy tiêu biểu một bước tiến dò dẫm, mặc dù sai lầm, về hướng ly dục.
- Theo luận giải, giáo lý này cốt để chỉ cho Trường Trảo thấy nguy hiểm trong quan điểm của ông và do đó khuyến khích ông từ bỏ nó.
- Ở điểm này, Trường Trảo đã từ bỏ đoạn kiến. Bây giờ Phật bắt đầu dạy cho ông ta thiền quán. Trước hết quán vô thường của sắc pháp hay thân xác, rồi quán vô thường của các tâm pháp dưới đề mục cảm thọ.
- Luận trích một câu kệ nói rằng một vị A La Hán có thể sử dụng danh từ tôi và của tôi nhưng không có kiêu mạn nổi lên, cũng không lầm chúng ám chỉ một tự ngã. Xem thêm Trường Bộ Kinh 9 trong đó Phật nói về những lời phát biểu có sử dụng danh từ tôi: “Ðây chỉ là những tên gọi, thành ngữ, những lối nói, những cách chỉ định thường dùng trong thế gian, mà đức Như Lai sử dụng nhưng không lầm về chúng.”
- Theo Luận, sau khi tư duy về bài pháp Phật giảng cho người cháu, tôn giả Xá Lợi Phất phát triển tuệ quán, đắc A La Hán quả. Trường Trảo đắc quả Dự Lưu.
- PHÁP SỐ
Ba thọ, ba loại kiến chấp – thích tất cả, không thích gì, một phần thích một phần không.
- KỆ TỤNG
Du sĩ tên Trường Trảo
Tuyên bố lý thuyết ông
Là tất cả những gì
Ông đều không thích thú
Phật bèn hỏi lại ông
“Có phải rằng tất cả
Là bao hàm trong đó
Quan điểm này của ông”
Du sĩ vẫn khẳng định
Không thích bất cứ gì.
“Phần đông đều nói vậy
Nhưng vẫn có chấp thủ
Chỉ một số ít người
Thấy mâu thuẫn nội tại
Trong quan điểm của mình
Nên bỏ luôn quan điểm
Một số người tuyên bố
Tất cả tôi thích thú
Một số người tuyên bố
Tất cả tôi không thích
Một số người lại nói
Một phần thích, phần không
Quan điểm đầu gần tham
Gần trói buộc, chấp thủ
Người chủ trương không thích
Thì gần với không tham
Không trói buộc, không chấp.”
Trường Trảo nghe, khoái chí
Cho rằng Phật đồng ý
Với quan điểm của ông
Nhưng Phật cứ bình tĩnh
Phân tích tiếp vấn đề:
“Ai một phần thích thú
Còn một phần không thích
Thì cái phần thích thú
Là gần với tham dục,
Với trói buộc, chấp thủ;
Phần không thích, ly tham
Gần với không tham dục,
Không trói buộc, chấp thủ.
Người trí cần nhận thức
Nếu nói lên bất kỳ
Một trong ba quan điểm
Sẽ chống hai hạng người.
Kiến chấp là đối nghịch,
Ðối nghịch sinh tranh luận
Tranh luận sinh chống đối,
Chống đối sinh bực mình.
Khi thấy được như vậy
Từ bỏ mọi tri kiến
Nhưng đây là sự thật
Như Lai đã liễu tri:
Thân này gồm bốn đại
Do cha mẹ sinh ra,
Nhờ thực phẩm duy trì;
Nó vô thường, phân tán.
Khi quán sát thân này
Là vô thường, đau khổ,
Như bệnh, như cục bướu,
Mũi tên, điều bất hạnh,
Như tai ương, kẻ địch,
Là trống không, vô ngã
Thì sự ái luyến thân
Ðược hoàn toàn trừ diệt.
Có ba thọ: lạc, khổ
Và bất khổ bất lạc,
Cả ba đều vô thường
Hữu vi, do duyên sinh.
Thánh đệ tử yểm ly
Tất cả ba loại thọ,
Do yểm ly, ly tham,
Do ly tham, giải thoát.
Với tâm đã giải thoát,
Không nói thuận theo ai,
Không tranh chấp với ai,
Không chấp thủ danh từ.”
Nghe xong, Xá lợi Phất
Giải thoát hết chấp thủ,
Thành lậu tận la hán
Trường Trảo chứng Dự Lưu.
Ông xin Phật nhận ông
Làm đệ tử cư sĩ,
Từ nay đến mạng chung
Ông trọn đời quy ngưỡng.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 75
Magandiya
- TOÁT YẾU
Magandiya Sutta – To Magandiya
The Buddha meets the hedonist philosopher Magandiya and points out to him the dangers in sensual pleasures, the benefits of renunciation, and the meaning of Nibbàna.
Giảng cho Magandiya.
Phật gặp người theo thuyết hưởng lạc tên Magandiya và chỉ cho ông ta thấy những nguy hiểm trong năm dục, lợi ích của xuất ly và ý nghĩa của Niết Bàn.
- TÓM TẮT
Phật đến nghỉ trong nhà lửa của một Bà la môn, và buổi sáng đắp y cầm bát đi khất thực. Du sĩ Magandiya đến nhà Bà la môn trông thấy thảm cỏ dành cho Phật, bảo Bà la môn rằng thật là môt sự bất hạnh khi ông thấy thảm cỏ của Gotama một vị phá hoại sự sống (1). Bà la môn bảo du sĩ hãy thận trọng trong lời nói, vì tôn giả Gotama được nhiều trí tôn trọng, là người đã tu theo thánh đạo. Magandiya bảo dù có mặt tôn giả Gotama bây giờ, ông cũng sẽ nói vậy, vì thánh điển của ông đã truyền lại như thế.
Phật đang ngồi trong rừng, với thiên nhĩ thanh tịnh, nghe được câu chuyện ấy bèn trở về nhà lửa của Bà la môn, Ngài hỏi có phải du sĩ Magandiya đã nói về thảm cỏ này không. Bà la môn hoảng kinh bạch Phật đó là điều ông sắp nói, không ngờ Phật đã biết. Khi ấy Magandiya xuất hiện.
Phật hỏi Magandiya có phải vì Ngài chủ trương hộ trì năm giác quan nên ông cho là Ngài phá hoại sự sống. Du sĩ xác nhận, và đưa thánh điển của mình ra làm chứng.
Phật hỏi ông, nếu một người sau khi thụ hưởng chán chê năm dục lạc, thấy rỏ sự nguy hiểm trong đó, và xuất ly các sắc, thanh, hương, vị, xúc, sống với nội tâm an tịnh, với khát ái được đoạn trừ. Về một người như vậy ông có ý kiến gì không? Du sĩ nói không. Phật dạy khi còn tại gia Ngài hưởng thụ đầy đủ năm dục (2), nhưng sau một thời gian thấy rõ vị ngọt, sự nguy hiểm của chúng, Ngài đã đoạn tận dục ái, trừ diệt sự nóng bức của dục, an trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Khi thấy các chúng sanh khác chưa xả ly năm dục, đang bị dục thiêu đốt, Ngài không ao ước được như họ. Vì Ngài đã nếm được hỉ lạc của thiền định ly dục, ly bất thiện pháp, siêu quá hỉ lạc cỏi trời (3) nên Ngài không còn ao ước cái gì thấp kém.
Phật đưa ra hai ví dụ về dục lạc so với thiền lạc.
Ví dụ 1: Một người sinh lên cỏi trời 33, được chúng thiên nữ hầu hạ, thọ hưởng các thiên dục một cách sung mãn. Khi trông thấy người đời thọ hưởng năm dục, vị trời kia có khao khát trở lui về các dục của loài người không? Du sĩ nói không, vì dục cỏi trời vô cùng vi diệu hơn cỏi người. Phật dạy cũng vậy khi còn tại gia Ngài đã hưởng thụ năm dục một cách sung mãn; nhưng về sau khi đã chứng trú hỉ lạc thiền định, Ngài không còn ham thích dục lạc thấp kém.
Ví dụ 2: Người bệnh cùi với thân thể lở lói dùng ngón tay cào rách miệng các vết thương cho chảy máu và đốt mình trên hố than hừng; trong lúc ấy người cùi cảm thấy khoái trá (4) vì dịu cơn ngứa. Nhưng một người lành mạnh hay một người cùi đã hết bệnh, khi nhìn thấy cảnh tượng máu me và lửa nóng ấy, có ao ước được như người cùi kia không? Du sĩ đáp không, người khỏi bệnh hay người không bệnh sẽ xem cảnh ấy là đáng sợ. Phật dạy người đã ly dục, ly bất thiện pháp, trú trong hỉ lạc thiền định nhìn năm dục cũng vậy, xem nó là khổ não nóng bức. Chỉ vì chúng sanh chưa đoạn trừ tham ái, bị ái dục thiêu đốt, nên có ảo tưởng lạc thọ trong năm dục.
Một người còn hưởng thụ đầy đủ năm dục, chưa trừ diệt sự nóng bức của dục vọng thì không thể an trú với khác ái đã được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Khi ấy Phật thốt lên bài kệ đã phổ biến trong quần chúng (5):
Không bệnh, lợi tối thắng
Niết bàn, lạc tối thắng
Bát chánh là độc đạo
An ổn là bất tử.
Du sĩ xác nhận ông cũng đã được nghe các tôn sư của ông truyền lại bài kệ ấy. Phật hỏi ông thế nào là không bệnh, thế nào là Niết bàn. Du sĩ trả lời rằng tôi nay không có bệnh tật gì, được an lạc (6). Phật dạy ví như người mù bị gạt về màu sắc, du sĩ cũng bị gạt về vô bệnh và Niết bàn. Vì thân này chính là bệnh, là cục bướu, là mũi tên, là điều bất hạnh. Khi đã biết gì là không bệnh, ông có thể thấy Niết bàn. Khi pháp nhãn khởi lên, lòng tham đối với năm thủ uẩn được đoạn trừ, ông có thể thấy trong một thời gian dài đã bị tâm này lừa gạt, khiến ông chấp thủ vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức (7). Do chấp thủ nên có hữu, do có hữu sinh, do sinh có già chết. Đó là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn.
Khi ấy du sĩ xin Phật thuyết pháp cho ông để hết mù. Phật dạy ông hãy thân cận các vị chân nhân để được nghe diệu pháp. Nhờ nghe pháp ông sẽ sống đúng với chánh pháp. Nhờ sống đúng chánh pháp ông sẽ tự chứng biết thân này là bệnh, cục bướu, mũi tên, sẽ biết những pháp này (8) được trừ diệt không có dư tàn. Do chấp thủ được trừ diệt nên già chết diệt. Như vậy là đoạn diệt toàn bộ khổ uẩn.
Du sĩ Magandiya tán thán Phật, xin quy y và xuất gia thọ đại giới. Phật dạy ai trước kia là ngoại đạo muốn xuất gia phải qua bốn tháng biệt trú. Du sĩ tình nguyện biệt trú bốn năm. Sau khi thọ đại giới không bao lâu, ông chứng được mục đích tối cao mà con cháu các lương gia khi từ bỏ gia đình sống không gia đình hướng đến: Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này không còn đời nào khác.
III. CHÚ GIẢI
(1) Bhùnahuno, kẻ phá hoại sự sống. Luận giải thích du sĩ có quan điểm rằng sự “trưởng thành” cần phải được thực hiện qua 6 giác quan, bằng cách kinh nghiệm bất cứ cảnh vật nào ta chưa từng kinh nghiệm trước kia, không bám vào các đối tượng đã quen thuộc. Quan điểm này có vẻ gần với thái độ người ta hiện nay, cho rằng hạnh phúc tối thượng chính là nồng độ và sự đa dạng của kinh nghiệm, bởi thế cần theo đuổi kinh nghiệm không hạn chế.
(2) Phụ thân của Ngài, Đức Vua đã cung cấp cho Ngài 3 cung điện và nhiều phụ nữ vây quanh với hy vọng giữ Ngài lại trong đời sống thế tục, làm cho Ngài lãng quên ý tưởng xuất gia.
(3) Theo Luận, điều này được nói để ám chỉ sự đắc quả A la hán căn cứ trên tứ thiền.
(4) Từ ngữ này ám chỉ “điên đảo tưởng” thấy khổ cho là vui. Luận nói dục lạc là đau khổ vì chúng gợi lên những ô nhiễm và vì chúng đem lại quả khổ trong tương lai.
(5) Toàn bài kệ đã được Chư Phật quá khứ tụng đọc giữa bốn hội chúng. Quần chúng học thuộc xem như một bài kệ liên hệ đến điềm lành. Sau khi Đức Phật cuối cùng qua đời, bài kệ này lan truyền trong các du sĩ, nhưng họ chỉ có thể nhớ được hai câu đầu.
(6) Magandiya rõ ràng đã hiểu câu này phù hợp với tà kiến thứ 58 trong Kinh Phạm Võng: “Khi tự ngã này được cung cấp 5 dục trưởng dưởng, hoan lạc trong đó, vào lúc ấy tự ngã đạt đến Niết bàn tối thượng trong hiện tại, ngay ở đây”. (Trường Bộ kinh I).
(7) Từ ngữ này ngụ ý vị ấy bám víu sắc, thọ, … được lầm tưởng là tôi, của tôi và tự ngã của tôi. Khi khởi lên tri kiến đắc quả Dự lưu thì kiến chấp về ngã được đoạn trừ, và vị ấy hiểu rằng 5 uẩn chỉ là những hiện tượng trống rỗng vô ngã.
(8) Những pháp này ám chỉ năm uẩn.
- PHÁP SỐ LIÊN HỆ
5 dục, 5 căn, 12 nhân duyên.
- KỆ TỤNG
Phật nghỉ trong nhà lửa
Của một Bà la môn
Vào buổi sáng đắp y
Cầm bát đi khất thực.
Du sĩ Magandiya
Khi trông thấy thảm cỏ
Dành cho Đức Thế Tôn
Đã phẫn nộ bất mãn.
Ông nói với chủ nhà:
– Thật là một bất hạnh
Khi trông thấy thảm cỏ
Kẻ phá hoại sự sống.
Phật ngồi thiền trong rừng
Với thiên nhĩ thanh tịnh
Nghe được bèn trở về
Nhà lửa Bà la môn
Ngài hỏi: “Có phải chăng
Lúc Như Lai vắng mặt
Đã khởi lên câu chuyện
Về cái thảm cỏ nầy?”
Rồi Phật hỏi du sĩ
“Phải chăng ông ám chỉ
Hộ trì năm giác quan
Là phá hoại sự sống?”
-Thưa Cồ Đàm chính phải
Đấy là lời truyền dạy
Của các bậc tôn sư
Trong giáo phái của tôi.
“Ta xưa kia hưởng dục,
Thấy dục lạc hiểm nguy
Ta đoạn tận dục ái
An trú tâm tịch tịnh.
Khi thấy các chúng sinh
Đang bị dục thiêu đốt,
Ta không ước như họ
Trở về hưởng dục lạc
Vì Ta đã nếm được
Vị ngọt của thiền lạc
Ly dục, ly bất thiện
Hơn hỉ lạc chư thiên.
Như người sinh lên trời
Thọ hưởng các thiên dục
Thì không còn khát khao
Trở lui về nhân dục.
Lại như kẻ bệnh cùi
Cào rách các vết thương
Hơ trên hố than hừng
Để cảm thấy dễ chịu.
Nhưng với người không bệnh
Sẽ không có ước muốn
Cào quấu và hơ lửa
Lại xem là đáng sợ.
Cũng vậy người ly dục
Trú hỉ lạc thiền định
Xem dục lạc ở đời
Là nóng bức khổ não
Bị ái dục thiêu đốt
Chúng sanh có ảo tưởng
Năm dục là an vui”.
Rồi Phật thốt lời kệ:
“Không bệnh, lợi tối thắng
Niết bàn, lạc tối thắng
Bát chánh là độc đạo
An ổn và bất tử”.
Các tôn sư của con
Cũng truyền tụng kệ này
Thế nào là không bệnh,
Thế nào là Niết bàn?
Con nay không bệnh tật
Hoàn toàn được an ổn.
“Ông đã bị lừa gạt
Về vô bệnh, Niết bàn
Vì thân chính là bệnh,
Là cục bướu, mũi tên,
Khi pháp nhãn khởi lên,
Hết tham năm thủ uẩn
Như người mù sáng mắt
Khi ấy ông sẽ thấy
Thế nào là vô bệnh,
Thế nào là Niết bàn
Ông sẽ thấy lâu nay
Bị tâm mình lừa gạt,
Khiến ông chấp thủ sắc,
Và thọ, tưởng, hành, thức.
Do chấp thủ có hữu,
Do hữu có sinh ra
Do sinh có già chết
Là tập khởi của khổ”.
Du sĩ Magandiya
Đảnh lễ cầu xin Phật:
-Xin Thế tôn thuyết pháp
Cho con hết bệnh mù.
“Hãy thân cận chân nhân
Để được nghe diệu pháp
Nhờ nghe được chính pháp
Ông sẽ sống đúng pháp
Khi đã sống đúng pháp
Ông sẽ tự chứng biết
Thân là bệnh, cục bướu
Sự chấp thân trừ diệt
Do thủ diệt, hữu diệt,
Do hữu diệt, sinh diệt,
Sinh diệt, già chết diệt
Đây là đoạn diệt khổ”.
Du sĩ Magandiya
Xuất gia thọ đại giới
Đạt mục đích tối cao
Thành vị A la hán.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 76
Sandaka
- TOÁT YẾU
Sandaka Sutta – To Sandaka.
The Venerable Ànanda teaches a group of wanderers four ways that negate the living of the holy life and four kinds of holy life without consolation. Then he explains the holy life that is truly fruitful.
Giảng cho Sandaka.
Tôn giả A nan giảng dạy cho một nhóm du sĩ bốn đường lối phủ nhận đời sống phạm hạnh – phi phạm hạnh trú – và 4 loại đời sống phạm hạnh bất an “bất an phạm hạnh.” Rồi Ngài giảng thế nào là đời sống phạm hạnh thực sự có hiệu quả.
- TÓM TẮT
Các du sĩ đang tụ họp lớn tiếng bàn luận nhiều vấn đề phù phiếm [1] thì tôn giả A Nan đến. Họ im lặng để xin tôn giả thuyết pháp thoại của Phật cho nghe.
Tôn giả A Nan nói Thế tôn đã tuyên thuyết bốn pháp phi phạm hạnh trú và bốn pháp bất an phạm hạnh mà người trí không theo và nếu theo, sẽ không đạt đến thiện pháp [2]:
- Có đạo sư chủ trương rằng không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục của các nghiệp thiện ác, không đời này, đời sau, không mẹ, không cha, không có chúng sinh hóa sinh, trên đời không có sa môn tu hành chứng đắc và công bố về đời này đời sau. Một người gồm bốn đại [3] khi chết trở về với bốn đại; kẻ ngu cũng như người trí chết là hết. Người trí suy nghĩ, nếu vị tôn sư này nói đúng thì ta không cần ở lại tu tập, vì có tu hành cũng như không [4]. Ðây là phi phạm hạnh trú thứ nhất. (Thuyết vô hành)
- Lại có đạo sư có quan điểm như sau: tự làm hay sai bảo chém giết, trộm cắp, dâm dục, đều không có tội. Bố thí, nói thật cũng không tạo nên công đức gì. Ðối với thuyết này, người có trí cũng nghĩ như trên, không theo đạo sư ấy. Ðây là phi phạm hạnh trú thứ hai. (Thuyết vô nhân quả)
- Có đạo sư chủ trương: không do nhân duyên gì, hữu tình bị nhiễm ô, cũng không do nhân duyên gì hữu tình được thanh tịnh. Tất cả đều bị định mệnh chi phối, hưởng thọ khổ lạc y theo sáu sinh loài. Người có trí khi nghe vậy sẽ nghĩ, đạo sư này nếu nói đúng, thì ta không cần ở lại để tu tập. Ðây là phi phạm hạnh thứ ba. (Thuyết định mệnh)
- Có đạo sư có lý thuyết như sau: Có bảy thân [5] thường trú, bất động, không ảnh hưởng đến nhau: địa, thủy, hỏa, phong, khổ, lạc và nạn. Ở đây không có người giết hay người bị giết, khi người nào dùng gươm chặt đầu một người nào, cây gươm chỉ rơi vào bảy thân ấy. Sau một thời gian dài, kẻ ngu người trí sau khi luân hồi sẽ trừ tận khổ đau [6], như cuộn chỉ được tung ra sẽ kéo dài đến một mức nào đó thì chấm dứt. (Thuyết luân hồi tịnh hóa). Phật dạy, người trí không thể sống theo bốn phi phi phạm hạnh trú này, nếu sống theo cũng không thể thànhđạt chánh lý.
Kế đến tôn giả trình bày về bốn bất an phạm hạnh:
- Có bậc đạo sư tự xem đã chứng được toàn tri, dù khi đi đứng ngủ thức, tri kiến ấy vẫn liên tục không gián đoạn [7]. Nhưng vị ấy có khi vào một nhà trống không nhận được đồ ăn khất thực, hoặc bị chó cắn, gặp voi dữ, người dữ; và vị ấy phải hỏi tên người, địa danh. Khi ai hỏi đã nói toàn tri tại sao lại thế, vị ấy trả lời sự việc phải xảy ra như vậy nên đã xảy ra như vậy. Người có trí khi nghe lời ngụy biện của vị tôn sư này, sẽ thấy bất an nếu sống phạm hạnh với ông ta, nên bỏ đi.
- Có vị tôn sư xem truyền thuyết là chân thật; nhưng có phần nhớ đúng, có phần nhớ sai, nên khi vầy khi khác. Ðây là bất an phạm hạnh trú thứ hai.
- Có vị tôn sư giỏi suy luận biện bác, thuyết pháp theo ý mình. Nhưng có phần khéo lý luận, có phần không khéo, khi vầy khi khác.
- Có vị đạo sư đần độn ngu si, khi được hỏi vấn đề gì thì dùng lý luận trườn uốn như con lươn [8]. Ðấy là bốn kiểu tu hành bất an mà người trí không sống theo, nếu sống theo cũng không đạt chí thiện.
Như Lai xuất hiện ở đời, sau khi chứng ngộ với thượng trí, đã tuyên thuyết những gì Ngài thân chứng, dạy hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh. Người theo Phật sau khi từ bỏ 5 triền cái, chứng trú thiền thứ nhất cho đến thiền thứ tư, thành vị A la hán. Vị ấy không thể phạm vào 5điều [9]: sát, đạo, dâm, vọng, và tàng trữ vật thực để hưởng dụng [10]. Một vị đã chứng lậu tận chỉ khi suy tư về vấn đề này [11], mới biết rằng các lậu hoặc đã được ta đoạn tận, chứ tri kiến ấy không an trú liên tục khi vị ấy đi đứng ngủ thức.
Khi ấy Sandaka hỏi trong giáo pháp này có được bao nhiêu vị đã giải thoát [12]; và Phật trả lời có vô số người đã thành bậc lãnh đạo tối thắng như vậy.
Du sĩ Sandaka nói thật là vi diệu, trong giáo pháp của Phật không có khen mình chê người, nhưng cả phần lý thuyết lẫn thực hành đã sản sinh nhiều vị lãnh đạo tối thắng như vậy, trong khi tà mạn ngoại đạo chuyên tự tán hủy tha, lại chỉ có ba vị lãnh đạo là Nanda Vaccha, Kisa Sankicca và Makkhali Gosala [13] . Ông cùng đồ chúng của ông xin xuất gia theo Phật.
III. CHÚ GIẢI
- Tiracchànakathà có khi dịch “câu chuyện thú vật.” Tiracchàna có nghĩa đen là đi ngang, và mặc dù có nghĩa súc sinh hay bàng sinh, theo kinh sớ, ở đây ám chỉ cuộc nói chuyện đi nganghoặc đi thẳng góc với con đường đưa lên cõi trời hay đưa đến giải thoát.
- Bốn phi phạm hạnh trú là những giáo lý trên nguyên tắc, phủ nhận viễn ảnh đạt đến kết quả tối hậu của sự tu tập. Như kinh này hiển thị, những người chủ trương các thuyết này – ngược lại với nguyên tắc của chính họ – vẫn tuân giữ phạm hạnh và thực hành các khổ hạnh. Bốn bất an phạm hạnh không phá hủy nguyên tắc sống phạm hạnh, nhưng cũng không đưa ra viễn ảnh kết quả tối hậu của kỷ luật tâm linh.
- Ðoạn kinh kế tiếp nói rõ những chủ trương duy vật của quan điểm chấp không đã nêu trong kinh 60. Kinh Sa Môn Quả cho rằng quan điểm này là của Ajita Kesakambalin (Trường II).
- Lập trường ở đây dường như là, dù người ta không sống đời phạm hạnh, cuối cùng cũng sẽ gặt hái những quả báo như người có sống phạm hạnh, như phần còn lại của đoạn kinh sẽ nói rõ.
- Trong kinh Sa Môn Quả, quan điểm này được gán cho Pakudhakaccàyana (Trường II). Tuy nhiên trong kinh ấy, đoạn phân loại chi tiết, cho đến “người ngu và kẻ trí, cả 2 sẽ chấm dứt đau khổ” thì liên hệ đến thuyết vô nhân, và đặt ngay sau lập thuyết vô nhân đề ra trong kinh này. Toàn thể quan điểm được gán cho Makkhali Gosala. Vì rõ ràng có sự liên hệ giữa hai thuyết, và vì cả 2 tiêu biểu phong trào Ajìvaka do Makkhali Gosala lãnh đạo, dường như rằng sự bao hàm hệ thống phân loại này trong lý thuyết về 7 thân, là do một sai lầm trong giáo lý truyền khẩu. Bản kinh chính xác có lẽ là bản kinh được duy trì trong Trường Bộ kinh. Về Luận giải hệ thống phân loại này, xem Bodhi, kinh Sa Môn Quả.
- Lời này xác nhận lại quan điểm định mệnh về giải thoát đã được công bố ở trên.
- Ðây là lời công bố của đạo sư Ni kiền tử trong Trung Bộ Kinh 14, và ở kinh Tăng Chi 9, Ni kiền tử và Phú Lan Na Ca Diếp cũng công bố như vậy. Sự kiện rằng ông ta làm những phán đoán sai và phải đặt câu hỏi, chứng minh ngược lại lời công bố toàn tri của ông.
- Lập trường này được gọi là “trườn uốn như con lươn” (Amaràvikkhepa) bởi vì lý thuyết này rong duỗi chỗ này chỗ khác như một con lươn luồn vô luồn ra trong nước, không thể nào bắt được nó. Trong kinh Sa Môn Quả, lập trường này được gán cho Sanjaya Blatthi Putta (Trường II). Rất có thể rằng những nhà lý luận “như con lươn” này là một hạng hoài nghi triệt để, không tin toàn bộ viễn ảnh tri kiến về các vấn đề tối hậu.
- Theo Trường 29, có 4 việc khác bậc A la hán không thể làm, đó là: vị ấy không thể làm một tà nghiệp đạo do tham sân si sợ.
- Kinh sớ: vị ấy không còn chất chứa lương thực và những vật dụng khả lạc khác để hưởng thụ.
- Ðoạn này dịch theo bản in PTS.
- Niyyàtàro, Nanamoli dịch là hướng đạo, Horner dịch là Ðại đạo sư. Rõ ràng cả 2 đều theo tự điển nói danh từ này liên hệ đến chữ niyyàmaka, hoa tiêu. Nhưng niyyata do động từ niyyàti có nghĩa là đạt đến giải thoát tối hậu, do đó ở đây dịch là người đã giải thoát.
- Về 3 bậc thầy của Àjìvaka, xem Trung 36. Theo kinh sớ, câu putamatàya puttà, “những đứa con chết của bà mẹ” có nghĩa “Ông ta nghĩ, những người theo Ajìvaka đã chết; mẹ của chúng có những đứa con đã chết.”
- PHÁP SỐ
Ba minh, 4 phi phạm hạnh, 4 bất an phạm hạnh, 4 thiền; 7 thân – địa thủy hỏa phong khổ lạc mạn.
- KỆ TỤNG
Du sĩ đang tụ họp
Bàn những chuyện phù phiếm
Thấy tôn giả A Nan
Bèn xin nghe pháp Phật
Thế tôn đã tuyên thuyết
Bốn phi phạm hạnh trú
Bốn bất an phạm hạnh
Người trí không sống theo
Có đạo sư chủ trương
Không bố thí, tế tự,
Không có quả dị thục
Của các nghiệp thiện ác
Không có đời này, sau,
Không mẹ cũng không cha
Không có sự hóa sinh
Không tu hành chứng đắc
Con người gồm bốn đại
Chết trở về bốn đại
Kẻ ngu như người trí
Chết là xong một đời.
Người trí nên suy nghĩ,
Nếu tôn sư này nói đúng
Thì không cần theo ông
Vì tu cũng như không.
Có đạo sư lập thuyết:
Sát sinh, trộm cắp, dâm
Tự làm, bảo người làm
Ðều không có tội báo.
Bố thí hay nói thật
Cũng không công đức gì.
Người trí nghĩ như trên
Không theo đạo sư ấy.
Có đạo sư chủ trương:
Hữu tình nhiễm hay tịnh
Do định mệnh chi phối
Không do nhân duyên gì.
Tất cả hưởng khổ lạc
Y theo sáu sinh loài.
Nếu thầy này nói đúng
Cũng không cần theo tu
Có đạo sư lại nói
Có bảy thân thường trú
Gồm địa thủy hỏa phong
Khổ, lạc, mạn là bảy
Bảy thân không tương quan
Không người giết, bị giết
Khi dùng gươm chém chặt
Gươm rơi vào bảy thân
Sau một thời gian dài
Kẻ ngu như người trí
Sẽ trừ tận khổ đau
Như cuộn chỉ kéo hết.
Người trí không sống theo
Bốn phi phạm hạnh này
Và nếu có sống theo
Không thành đạt chánh lý.
Bốn bất an phạm hạnh:
Có thầy xưng toàn tri
Dù đi đứng ngủ thức
Tri kiến ấy liên tục.
Dù tuyên bố như vậy
Vị ấy đi khất thực
Nhè đi vào nhà trống
Bị chó cắn, voi rượt
Lại nhiều lúc phải hỏi
Tên người và địa danh.
Có ai hỏi toàn tri
Sao lại phải như thế,
Thì vị ấy trả lời
Sự việc phải như vậy
Có kẻ bị chó cắn…
Nên đã xảy ra vậy.
Nghe lời ngụy biện ấy
Người trí thấy bất an
Nếu sống đời phạm hạnh
Dưới vị tôn sư này.
Có vị trọng truyền thuyết
Xưa truyền lại đều chân
Trí nhớ có đúng sai,
Nên khi vầy khi khác.
Có thầy giỏi biện bác
Thuyết pháp theo ý mình
Nhưng có phần khéo biện
Cũng có phần không khéo
Lại có thầy liệt tuệ
Khi được hỏi điều khó
Lại tránh né trả lời
Lý luận kiểu con lươn
Ðây bốn lối tu hành
Là bất an phạm hạnh
Người trí không sống theo
Theo cũng không ích lợi
Như Lai hiện ra đời
Chứng ngộ với thượng trí
Tuyên thuyết pháp nhân chứng
Dạy phạm hạnh đầy đủ
Dạy bỏ 5 triền cái
Chứng trú thiền thứ nhất
Cho đến thiền thứ tư
Thành lậu tận la hán.
Vị này không thể phạm
Sát, đạo, dâm, vọng ngữ
Cùng vật thực tàng trữ
Ðể hưởng dụng cho mình.
Một vị chứng lậu tận
Khi tác ý mới biết
Tri kiến không liên tục
Dù đi đứng ngủ thức.
Sandaka lại hỏi
Trong giáo pháp Như Lai
Bao nhiêu vị lậu tận
Phật dạy có rất nhiều.
Du sĩ Sandaka
Tán thán Phật pháp tăng
Rồi cùng đồ chúng ông
Xin xuất gia theo Phật.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 77
Mahàsakuludàyi
- TOÁT YẾU
Mahàsakuludàyi Sutta – The Greater discourse to Sakuludàyi.
The Buddha teaches a group of wanderers the reasons why his disciples venerate him and look to him for guidance.
Bài giảng dài cho Sakuludayi.
Phật dạy cho một nhóm du sĩ những lý do vì sao các đệ tử Ngài tôn trọng Ngài và sống dưới sự hướng dẫn của Ngài.
- TÓM TẮT
Phật đi đến tu viện các du sĩ do Sakuladayi cầm đầu. Sakuludayi chào đón Phật và bạch Phật, trong khi các đạo sư nổi tiếng của ngoại đạo như Makkhali Gosala, Ni kiền tử… được quần chúng tôn sùng, họ lại không được các đệ tử của họ tôn trọng, sống nương tựa. Mỗi khi thuyết pháp, họ bị các đệ tử tranh lời, kích bác, mạ lị. Ngược lại, sa môn Gotama được quần chúng tôn sùng, lại được các đệ tử cung kính tôn trọng. Mỗi khi Ngài thuyết pháp giữa hội chúng hàng trăm người, thì không có một tiếng ho giữa các đệ tử. Ðại chúng sống nhiệt tình kỳ vọng nơi Phật, ngay cả những đệ tử hoàn tục vì cãi lộn với bạn đồng tu, vẫn tán thán bậc Đạo sư, tán thán Pháp và Tăng, chỉ tự trách mình thiếu phước không thể sống phạm hạnh cho đến trọn đời. Như vậy sa môn Gotama được đệ tử cung kính sống nương tựa.
Và theo Ưu đà di sở dĩ như vậy là nhờ Ngài có 5 đức và tán thán năm đức:
- Ăn ít;
2. Biết đủ với bất cứ loại y phục nào;
3. Biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào;
4. Biết đủ với bất cứ loại sàng tọa nào;
5. Ngài sống viễn ly.
Phật dạy không phải do 5 điều ấy mà các đệ tử cung kính Ngài, vì có nhiều đệ tử của Ngài còn khổ hạnh hơn Ngài gấp bội, xuất sắc hơn Ngài về 5 phương diện ấy. Nhưng chính do 5 pháp sau đây khiến họ cung kính nương tựa vào Như Lai. Ðó là:
- Ngài đã thành tựu Giới uẩn tối thượng, các đệ tử thán phục Ngài về tăng thượng giới;
- Tri kiến vi diệu nhờ đó Như Lai thuyết pháp với thắng trí, có nhân duyên, có thần thông lực.
- Ngài thành tựu trí tuệ tối thượng, biết trước các đường lối lý luận [1] trong tương lai nên các đệ tử của Ngài không bao giờ gián đoạn một cuộc đàm thoại đang diễn tiến;
- Ngài khéo trả lời cho đệ tử khi họ đắm chìm trong đau khổ. Ngài làm cho tâm họ thỏa mãn với pháp tứ diệu đế;
- Ngài thuyết giảng con đường tu hành gồm có: 4 niệm xứ [2], 4 chánh cần, 4 thần túc, 5 căn, 5 lực, bảy giác chi, thánh đạo tám ngành, nhờ an trú các pháp này mà đệ tử chứng ngộ thắng trí [3].
Ngài dạy 8 giải thoát [4], 8 thắng xứ [5], quán nội sắc thấy ngoại sắc có hạn lượng, và do nhiếp thắng chúng, vị ấy thấy biết, đây là thắng xứ thứ nhất [6]. Quán nội sắc thấy ngoại sắc vô hạn và nhiếp thắng chúng, vị ấy thấy biết, là thắng xứ thứ hai. Không quán nội sắc, thấy ngoại sắc có hạn lượng là thắng xứ thứ ba [7]; thấy ngoại sắc vô hạn lượng và nhiếp thắng, là thắng xứ thứ tư. Bốn thắng xứ kế tiếp là do quán vô sắc nội tâm, thấy các ngoại sắc thuần tịnh màu xanh, vàng, đỏ, trắng và sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy thấy biết.
Ngài giảng dạy cách tu tập 10 biến xứ [8], 4 thiền. Ly dục ly bất thiện pháp, vị tỳ kheo chứng trú thiền thứ nhất có tầm có tứ, với hỉ lạc do ly dục sinh [9]… cho đến thiền thứ tư không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Ngài giảng dạy đệ tử tuệ tri [10] thân này là sắc pháp do duyên sinh; trong thân ấy thức nương tựa và bị trói buộc như sợi dây xâu qua những viên ngọc.
Ngài thuyết giảng về con đường tu hành để hóa hiện một thân ý sinh, để đắc các thắng trí như biến hình, thiên nhĩ, thiên nhãn, túc mạng, tha tâm, và lậu tận. Ðây là những pháp làm cho đệ tử cung kính tôn trọng và sống nương tựa Ngài.
III. CHÚ GIẢI
- Nanamoli dịch “hậu quả của một lời xác nhận.” Dường như có nghĩa rằng Phật hiểu rõ tất cả những ẩn ý của giáo lý Ngài cũng như của học thuyết khác. Câu này cũng có thể ngụ ý rằng trong những kinh như Phạm Võng, Phật đã đưa ra một lời phê bình có thể áp dụng cho bất cứ lý thuyết nào có thể khởi lên trong tương lai, về các tư tưởng triết học tôn giáo.
- Ðược giải thích đầy đủ trong kinh số 10. Bảy nhóm thiện pháp đầu tiên là 37 bồ đề phần pháp.
- Luận giải thích là sự đắc quả A la hán. Ðây có lẽ là ý nghĩa duy nhất của danh từ ba-la-mật khi nó xuất hiện trong 4 Nikayà. Trong văn học Thượng tọa bộ về sau, khởi đầu với Buddhaghosa, danh từ này bắt đầu có ý nghĩa những đức tính toàn hảo mà một bồ tát phải hoàn tất trải qua nhiều đời kiếp để thành Phật. Trong ý nghĩa ấy nó tương đương với danh từ ba-la-mật của văn học đại thừa, mặc dù con số những đức tính kể ra có phần khác nhau.
- Luận giải thích giải thoát ở đây có nghĩa sự giải phóng hoàn toàn (nhưng tạm thời) của tâm thức khỏi những pháp đối lập và sự giải phóng hoàn toàn nhưng tạm thời của nó do thích thú với đối tượng. Sự giải thoát đầu là đắc Tứ Thiền có sự dụng một biến xứ xuất phát từ một vật có màu sắc trên cơ thể của mình; thứ hai là sự đắc các thiền do sử dụng một biến xứ từ một đối tượng bên ngoài; thứ ba có thể hiểu là sự đắc thiền nhờ một biến xứ thuần tịnh, có màu sắc rất đẹp, hoặc nhờ 4 phạm trú. Những giải thoát còn lại là những định chứng vô sắc và định diệt tận.
- Theo Kinh sớ, những pháp này gọi là Thắng xứ vì chúng vượt lên trên các pháp đối nghịch và các đối tượng, nhờ áp dụng phương pháp đối trị thích hợp và nhờ khởi lên tri kiến.
- Theo kinh sớ, thiền giả làm công việc chuẩn bị với một hình tướng nội tại – ví dụ màu xanh của con mắt cho biến xứ màu xanh, da cho biến xứ màu vàng, máu cho biến xứ màu đỏ, răng cho biến xứ trắng – nhưng khi định tướng xuất hiện thì ở ngoài. Sự “vượt qua các hình tướng” là sự đắc định đồng lúc với tướng khởi lên. Nghĩ rằng tôi biết, tôi thấy là một chướng ngại khởi lên sau khi vị ấy xuất định chứng chứ không phải khi đắc định. Thắng xứ thứ 2 chỉ khác thắng xứ đầu do sự trải rộng tướng từ hữu hạn thành vô hạn.
- Kinh sớ: thắng xứ thứ 2 và thứ 4 bao hàm công việc chuẩn bị được làm trên một tướng bên ngoài và sự khởi lên tướng ở bên ngoài. Thắng xứ thứ 5 cho đến thứ 8 khác với thứ 3 và thứ 4 về sự thuần tịnh thù thắng và ánh sáng của những màu sắc.
- Biến xứ là một đối tượng thiền quán phát xuất từ một vật làm bằng tứ đại dùng làm cơ sở để đắc “tướng” ở bên trong. Ví dụ một cái đĩa làm bằng đất sét có thể dùng làm đối tượng để thực hành pháp tu biến xứ đất, một bát nước dùng để tu tập biến xứ nước. Các biến xứ được giải thích chi tiết trong Thanh tịnh đạo 4 và 5. Tuy nhiên biến xứ hư không ở đấy được giới hạn vào không gian hữu hạn, và biến xứ thức được thay bằng biến xứ ánh sáng.
- Những ví dụ về thiền cũng xuất hiện trong kinh 39, như các thí dụ về 3 loại trí sau cùng.
- Các đoạn mô tả 8 thắng trí theo kinh Sa Môn Quả, là những kết quả thù thắng của hạnh sa môn.
- PHÁP SỐ
2 giải thoát, 3 lậu hoặc, 4 đại, 4 thiền, 4 niệm xứ, 4 chánh cần, 4 thần túc. Năm căn, 5 lực, 5 pháp do đó các đệ tử tôn trọng Phật. Năm pháp do đó ngoại đạo tán thán Phật: ăn ít, biết đủ về hành, mặc, ở, sống viễn ly. 6 thần thông. 7 giác chi. Tám giải thoát, tám thắng xứ, 8 thánh đạo. 10 biến xứ, 37 pháp trợ đạo.
- KỆ TỤNG
Phật đến thăm tu viện
Của Sakuludayi
Du sĩ chào đón Phật
Và khởi sự luận đàm
Du sĩ bạch Thế tôn
– Các đạo sư nổi tiếng
Ðược quần chúng tôn sùng
Không được đệ tử nể
Mỗi khi họ thuyết pháp
Các đệ tử tranh lời
Kích bác và mạ lị
Chẳng ra thể thống gì.
Sa môn Gotama
Ðược quần chúng tôn sùng
Ðược đệ tử tôn trọng
Thật là điều hy hữu.
Mỗi khi Ngài thuyết pháp
Giữa hội chúng hàng trăm
Không có một tiếng ho
Giữa những người nghe pháp.
Chúng đệ tử của Phật
Sống nương tựa vào Ngài
Họ nhiệt tình kỳ vọng
Nơi đức Phật Thế tôn.
Ngay cả người hoàn tục
Vẫn tán thán Tam bảo.
Chỉ tự trách thiếu phước
Không tu đến trọn đời
Theo Ưu đà di nghĩ
Do Ngài có 5 đức
Nên đệ tử tôn trọng
Và sống nương tựa Ngài:
Ngài hành hạnh ăn ít
Và ngợi khen ăn ít;
Biết đủ về y phục
Và ca ngợi biết đủ;
Về món ăn khất thực
Và chỗ nằm cũng vậy
Và Ngài sống viễn ly
Ðây là năm hạnh đức
“Nếu do 5 điều ấy
Thì có nhiều đệ tử
Còn khổ hạnh gấp mấy
Sẽ không tôn trọng ta
Nhưng này Ưu đà di
Chính 5 pháp sau đây
Khiến họ sống nương tựa
Và tôn kính Như Lai
Thành tựu thánh giới uẩn;
Có Tri kiến vi diệu
Thuyết pháp với thắng trí
Lợi ích cho người nghe;
Ðạt trí tuệ tối thượng
Nên các đệ tử Ngài
Không bao giờ gián đoạn
Cuộc đàm thoại diễn tiến;
Khéo trả lời đệ tử
Bị đắm chìm đau khổ
Làm tâm họ thỏa mãn
Với pháp 4 diệu đế;
Giảng dạy con đường tu
4 niệm xứ, 4 cần
5 căn và 5 lực
7 giác chi, 8 chánh
Dạy tu 8 giải thoát
Và tu 8 thắng xứ,
10 biến xứ, 4 thiền
Dạy tuệ tri thân xác
Là sắc do duyên sinh
Trong đây thức nương tựa
Và đang bị trói buộc
Như dây xuyên hạt ngọc.”
Ngài thuyết giảng đường tu
Ðể hiện thân ý sinh,
Ðể đắc các thắng trí
Như biến hình, thiên nhĩ
Như túc mạng, tha tâm
Cho đến đắc lậu tận;
Khiến đệ tử tôn trọng
Và sống nương tựa Ngài.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 78
Samanamandika
- TOÁT YẾU
Samanamandikà Sutta.
The Buddha explains how a man is “one who has attained to the supreme attainment.”.
[Phật giải thích làm thế nào một người được gọi là đã đạt đến sự chứng đắc tối thượng.]
- TÓM TẮT
Thợ mộc Ngũ Phần đệ tử Phật đi đến du sĩ Uggahamana đang ở cùng 30 du sĩ trong giảngđường Ekasalaka [1] do Mallika xây để tranh luận. Du sĩ cho rằng thành tựu 4 pháp sẽ là bậc sa môn tối thượng: không làm ác về thân, lời, ý, không sống bằng nghề ác. Nghe xong thợ mộc trở về bạch Phật. Phật bác chủ trương ấy, vì nếu vậy thì một đứa trẻ sơ sinh vô trí là đã thành đạt thiện tối thắng, vì nó không thể làm ác được về thần lời ý và cũng không có nghề ác. Vậy theo Phật 4 pháp ấy không làm nên bậc sa môn tối thượng.
Phật dạy một người thành tựu 10 pháp sẽ là một bậc sa môn tối thượng, nhưng trước hết cần phải biết [2] thế nào là bất thiện giới, nó từ đâu sinh ra, sự diệt trừ bất thiện không có dư tàn và con đường thực hành để trừ diệt. Về thiện giới cũng vậy. Cũng vậy về thiện tư duy và bất thiện tư duy.
Bất thiện giới là thân khẩu ý nghiệp bất thiện và nếp sống ác. Sự sinh khởi của chúng là do tâm. Vì tâm có tham sân si, nên có các bất thiện giới sinh ra. Do đoạn trừ thân ác hành, tu tập thân thiện hành, đoạn trừ khẩu ác hành tu tập khẩu thiện hành, đoạn trừ ý ác hành tu tập ý thiện hành, đoạn trừ nếp sống ác, tu tập nếp sống chân chính [3] mà những bất thiện giớiđược trừ diệt không có dư tàn. Con đường trừ diệt bất thiện giới là khởi lên ý muốn, quyết tâm làm cho các ác bất thiện pháp chưa sinh không sinh khởi, đã sinh được trừ diệt; các thiện pháp chưa sinh nay được sinh, và các thiện pháp đã sinh được tăng trưởng đi đến viên mãn. Ðây là sự thực hành đưa đến sự diệt trừ các bất thiện giới [4].
Thiện giới là thân khẩu ý nghiệp thiện, nếp sống thanh tịnh. Sự sinh khởi của chúng là do tâm không tham, không sân, không si. Thiện giới được trừ diệt không có dư tàn [5] là khi vị tỳ kheo có giới hạnh nhưng không chấp trước giới và như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Con đường đưa đến trừ diệt các thiện giới [6] cũng như trên, là bốn chánh cần.
Bất thiện tư duy là tư duy dục, sân, hại. Sự sinh khởi của chúng là do: dục tưởng, sân tưởng, hại tưởng. Sự trừ diệt của chúng khi vị tỳ kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng trú thiền thứ nhất. Ở đây những bất thiện tư duy được trừ diệt không dư tàn [7]. Con đường đưa đến trừ diệt bất thiện tư duy [8] là bốn chánh cần như trên.
Thiện tư duy là tư duy ly dục, vô sân, bất hại; sinh khởi từ ly dục tưởng, vô sân tưởng, bất hại tưởng. Sự diệt trừ thiện tư duy [9] là khi vị tỳ kheo diệt tầm và tứ chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh không tầm không tứ. Con đường thực hành để diệt trừ thiện tư duy [10] là bốn chánh cần như trên. Và 10 pháp sau đây làm thành bậc sa môn tối thượng, đó là vô học [11] chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh trí, và chánh giải thoát.
III. CHÚ GIẢI
- Vườn này do Mạt Lợi phu nhân xây, có nhiều hoa và cây trái xinh đẹp. Lúc đầu chỉ có một giảng đường lớn nên có tên Ekasalaka, nhưng về sau xây thêm nhiều phòng lớn. Nhiều đoàn bà la môn và du sĩ tụ họp ở đấy để trình bày và thảo luận những lý thuyết của họ.
- Trước hết Phật hiển thị quả A la hán vô học gồm 10 thành tựu, kế đến Ngài đưa ra một chương trình có thể áp dụng cho bậc hữu học. Ở đây giới luật dịch là “tập hành”, đôi khi có ý nghĩa rộng rãi hơn chữ đức hạnh.
- Theo Kinh sớ, đây là quả Dự lưu, vì ở điểm này giới biệt giải thoát được hoàn tất (và với một cư sĩ tại gia thì đấy là 5 giới). Kinh sớ cũng giải thích những đoạn văn sau đó bằng cách nói đến các đạo và quả siêu thế. Mặc dù kinh không nói rõ những sự chứng đắc này, sự giải thích của kinh sớ có lẽ đúng nhờ từ ngữ “chấm dứt không dư tàn”, vì chỉ khi đạt đến các đạo quả mới hoàn toàn chấm dứt những ô nhiễm. Quan điểm của kinh sớ càng được củng cố nhờ hình ảnh vị A la hán như tột đỉnh của toàn kinh.
- Cho đến đạo lộ Dự Lưu, vị ấy được gọi là tu tập để chấm dứt các bất thiện giới; khi đắc quả Dự lưu, bất thiện giới được xem là đã chấm dứt.
- Ðoạn này hiển thị A la hán vẫn còn duy trì các thiện hành nhưng không đồng hóa mình vớiđạo đức xem là tôi và của tôi. Vì những thói quen đạo đức của ông không còn phát sinh nghiệp nên chúng không còn được gọi là thiện.
- Cho đến A la hán đạo, gọi là tu tập để chấm dứt các thiện giới, khi đắc quả A la hán, thiện giới được chấm dứt.
- Ðây ám chỉ Sơ thiền thuộc quả Bất hoàn. Bất hoàn đạo tận trừ tham dục và ác ý, nên không còn sinh khởi trong tương lai 3 loại tư duy bất thiện là dục sân và hại.
- Cho đến đạo lộ Bất hoàn, vị ấy được nói là đang tu tập để chấm dứt bất thiện tư duy; khi đắc quả Bất hoàn, bất thiện tư duy được xem là đã chấm dứt.
- Theo Kinh sớ, thiện tư duy trừ diệt không dư tàn là ám chỉ nhị thiền thuộc quả A la hán.
- Kinh sớ nói: cho đến đạo lộ A la hán vị ấy được nói là đang tu tập để chấm dứt thiện tư duy; khi đắc A la hán quả, thiện tư duy chấm dứt. Những ý định tốt lành của A la hán không được gọi là “thiện” (vì không mong chờ quả báo.)
- Xem kinh 65.
- PHÁP SỐ
3 nghiệp, 10 pháp thành đạt thiện tối thắng theo Phật tức 10 thánh đạo, 4 đế.
- KỆ TỤNG
Thợ mộc tên Ngũ Phần
Ðệ tử đức Thế tôn
Ðến du sĩ ngoại đạo
Nghe vị này chủ trương:
Thành tựu 4 pháp này
Là sa môn tối thượng:
Không thân lời ý ác
Không sống bằng nghề ác.
Thợ mộc về bạch Phật
Phật bác chủ trương ấy
Vì nếu vậy trẻ thơ
Cũng đạt thiện tối thắng.
Theo giáo lý Phật dạy
Ðạt đến thiện tối thắng
Là thành tựu 10 pháp
Thuộc vô học la hán
Nhưng trước cần rõ biết
Bất thiện giới sinh, diệt
Và con đường thực hành
Tận diệt bất thiện giới.
Với thiện giới cũng vậy
Thiện, bất thiện tư duy
Cần biết sự sinh, diệt
Và cách tận trừ chúng.
Bất thiện giới nghĩa là
Ác nghiệp thân, khẩu, ý
Và niếp sống không lành
Chúng do tâm sinh ra.
Vì tâm tham sân si
Nên bất thiện giới sinh
Ðoạn trừ các ác này
Thì bất thiện giới diệt
Tu tập các thiện hành
Về thân lời và ý
Lại sống đời trong sạch
Ác diệt không dư tàn.
Cách diệt bất thiện giới
Là khởi tâm quyết định
Không sinh ác chưa sinh
Diệt trừ ác đã khởi.
Các thiện pháp chưa sinh
Thì làm cho sinh khởi
Các thiện pháp đã sinh
Tăng trưởng đến viên thành.
Thiện giới là thiện hành
Về thân lời và ý,
Cùng nếp sống thanh tịnh
Do không tham sân si.
Thiện giới được trừ diệt
Nơi vị A la hán
Cách trừ diệt thiện giới
Như trên, bốn chánh cần.
Những tư duy bất thiện
Là dục, sân, hại niệm
Sinh ra từ dục tưởng
Sân tưởng và hại tưởng.
Bất thiện tư duy diệt
Khi ly dục chứng thiền
Con đường đoạn diệt nó
Bốn chánh cần như trên.
Thiện tư duy ly dục
Vô sân và bất hại
Do ly dục tưởng sinh
Vô sân, bất hại tưởng.
Thiện tư duy trừ diệt
Khi diệt tầm và tứ
Chứng trú thiền thứ hai
Với định sanh hỷ lạc
Con đường diệt thiện tư
Như trên, bốn chánh cần
Ðạt 10 pháp vô học
Thành sa môn tối thượng.
Vô học chánh tri kiến
Chánh tư duy, chánh ngữ
Nghiệp, mạng, và tinh tấn
Niệm, định, trí, giải thoát.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 79
Tiểu Kinh Thiện Sinh Ưu đà di
- TOÁT YẾU
Cùlasakuludàyi Sutta – The Shorter discourse to Sakuludàyi.
The Buddha examines the doctrine of a wandering ascetic, using the smile of “the most beautiful girl in the country” to expose the folly of his claims.
Bài kinh ngắn giảng cho Sakuludàyi.
Phật xét lý thuyết của một du sĩ khổ hạnh, dùng ví dụ người con gái đẹp nhất nước để nêu rõ tính điên rồ của những gì ông tuyên bố.
- TÓM TẮT
Phật đến trú xứ của du sĩ Sakuludayi. Ưu đà di bạch Phật: “Thuở xưa có một vị tự xưng biết tất cả, tri kiến tồn tại liên tục, dù khi đi đứng thức ngủ, nhưng khi được con hỏi về quá khứ lại tránh né, trả lời lạc đề và tỏ phẫn nộ bất mãn.” Phật hỏi ông, vị ấy là ai, du sĩ trả lời là Ni Kiền Tử.
Phật bảo Ưu đa di: “Ai nhớ đến các đời sống quá khứ, biết được sự sống chết của chúng sinh tùy theo nghiệp thì có thể nói chuyện với Ngài về những vấn đề ấy. Nhưng hãy gác chuyện ấy lại, ta sẽ thuyết pháp cho ông: Cái này có mặt thì cái kia có mặt, do cái này sinh nên cái kia sinh. Cái này không có mặt nên cái kia không có mặt; cái này diệt nên cái kia diệt [1].”
Ưu đa di nói: “Ngay đời hiện tại con còn không nhớ đại cương và chi tiết, làm sao mà nhớ được các đời quá khứ, biết được sống chết của chúng sinh. Nay Thế Tôn lại nói cái này có mặt với không có mặt… con càng thêm mù tịt. Tuy vậy con có thể trả lời câu hỏi về bậc đạo sư của mình.”
Phật hỏi bậc đạo sư của ông dạy gì. Ưu đa di đáp: “Sắc này là tối thượng.”
Phật hỏi sắc tối thượng là sắc gì? Ưu đa di đáp: “Khi không có sắc nào khác thù thắng hơn, thì sắc ấy là tối thượng.”
Phật dạy: “Lời ấy cũng như nói tôi luyến ái một cô gái đẹp, nhưng khi hỏi cô ấy tên gì, dòng họ, tầm vóc, màu da ra sao, ở đâu, đều trả lời không biết.”
Ưu đa di lấy ví dụ sắc ấy như một viên lưu ly bảo châu trong suốt, với sắc như vậy, tự ngã là vô bệnh sau khi chết [2]. Khi ấy Phật hỏi ông, ánh sáng của viên lưu ly ấy với lửa đom đóm trong đêm đen, quang sắc nào vi diệu hơn. Ưu đa di trả lời, con đom đóm có quang sắc vi diệu hơn.
Kế tiếp, Phật lần lượt đưa ra ánh sáng ngọn đèn, đống lửa lớn, ngôi sao mai lúc bình minh, mặt trăng rằm khi đứng bóng, mặt trời khi đứng bóng. Ưu đa di trả lời mặt trời lúc đứng bóng là sáng nhất trong các quang sắc ấy.
Phật dạy: Ngài biết rất nhiều chư thiên còn sáng hơn cả mặt trời, nhưng Ngài không bảo không có quang sắc nào khác vi diệu hơn. Còn ông, ông lại bảo một quang sắc thấp kém hơn con sâu đom đóm là quang sắc tối thượng. Và ông lại không chỉ rõ ràng quang sắc ấy.
Kế tiếp Phật hỏi Ưu đa di có một thế giới toàn vui hay không, và có đạo lộ nào đưa đến thế giới ấy? Ưu đà di trả lời là có, theo lời dạy đạo sư mình. Con đường đưa đến thế giới ấy là: từ bỏ sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, và sống theo một loại khổ hạnh. Ấy là đạo lộ đưa đến chứng đắc thế giới toàn vui.
Phật hỏi trong khi thực hành những điều ấy, tự ngã là toàn vui hay cả vui lẫn khổ. Ưu đa di trả lời có vui có khổ.
Khi ấy Phật hỏi lại, như vậy phải chăng đạo lộ ấy chứng đắc một thế giới toàn vui, là còn có vui khổ xen lẫn? Ưu đa di thừa nhận chủ trương của các bậc đạo sư mình không hợp lý; và hỏi Phật có một thế giới toàn vui hay không, và có một đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới ấy hay không.
Phật dạy có, và đạo lộ hợp lý ấy là ly dục ly bất thiện pháp, chứng trú thiền thứ nhất cho đến thiền thứ ba. Ưu đa di hỏi sự chứng đắc ấy có phải đã là thế giới toàn vui không. Phật dạy chưa phải, đấy chỉ là đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới toàn vui.
Khi ấy hội chúng du sĩ lớn tiếng nói họ không biết đến cái gì cao hơn thiền thứ ba này [3]; và hỏi phải đến mức như thế nào mới gọi là chứng đắc thế giới toàn vui. Phật dạy cho đến khi chứng trú thiền thứ 4, nói chuyện được với chư thiên [4] sinh vào thế giới ấy, mới gọi là chứng đắc thế giới toàn vui.
Ưu đa di hỏi có phải vì mục đích ấy mà các tỳ kheo sống phạm hạnh. Phật dạy không phải chỉ vì vậy, mà còn vì muốn chứng đắc các pháp cao thượng hơn như túc mạng trí, sinh tử trí, lậu tận trí, như thật biết khổ, tập, diệt, đạo; tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Vì muốn chứng đắc những pháp này, các tỳ kheo sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Phật.
Ưu đa di ca tụng Phật và xin quy y. Ông xin xuất gia thọ đại giới nhưng bị các đệ tử đi theo ông phản đối, nói ông đã là bậc đạo sư, nay trở thành đệ tử thì cũng như ghè nước tốt bị thủng lỗ chảy nước. Như vậy chính đồ chúng du sĩ đã là một chướng ngại khiến Ưu đa di không được sống phạm hạnh dưới Thế Tôn [5].
III. CHÚ GIẢI
- Xem chú thích kinh 38 về duyên khởi.
- Vô bệnh, arogo thông thường có nghĩa là khỏe mạnh, nhưng ở đây nên hiểu là trường cửu. Theo kinh sớ, ông ta ám chỉ tái sinh vào cõi trời Thiểu Quang thiên, cảnh giới của thiền thứ 3 mà ông đã nghe đến nhưng chưa thực chứng. Quan điểm này rơi vào loại quan điểm được mô tả trong kinh 102.
- Những dịch giả trước đây đều bối rối về động từ anassàma. Nanamoli dịch: chúng ta không từ bỏ giáo lý của thầy ta vì lý do này. Horner dịch: chúng ta đã nghe từ những bậc thầy của chúng ta. Nhưng động từ này là quá khứ của động từ nassati, ngôi thứ nhất số nhiều có nghĩa là hủy diệt, tiêu mất. Hình thức này cũng xuất hiện trong kinh 27. Theo kinh sớ, họ biết trong quá khứ, các thiền giả thường chuẩn bị bằng pháp quán biến xứ để đắc thiền thứ 3 và tái sinh vào Thiểu Quang thiên. Nhưng theo thời gian, thiền giả không còn hiểu việc chuẩn bị với biến xứ, nên không thể chứng tam thiền. Các du sĩ chỉ biết có hiện hữu một thế giới hoàn toàn hạnh phúc và cần 5 đức để được sinh đến đấy. Họ không biết đến thế giới nào an lạc hơn cõi thiền thứ 3, và không biết thực hành pháp nào hơn 5 đức ấy.
- Theo kinh sớ, sau khi đắc thiền thứ tư, vị ấy vận thần thông đi đến cõi trời Thiểu quang thiên và nói chuyện với chư thiên tại đấy.
- Theo kinh sớ, trong một tiền kiếp, lúc làm tỳ kheo dưới thời Phật Ca Diếp, vị ấy đã thuyết phục cho một tỳ kheo bạn hoàn tục để được y bát của vị này. Do nghiệp chướng ấy, trong đời này vị ấy không được xuất gia với Phật Thích Ca. Nhưng Phật giảng cho ông 2 bài kinh dàiđể tạo điều kiện cho ông chứng đạo về sau. Dưới triều vua A Dục ông đắc quả A la hán, đấy là trưởng lão Assaputta, người thực hành tâm từ đến chỗ viên mãn.
- PHÁP SỐ
3 bảo, 3 lậu, 3 minh, 3 thọ, 4 thiền, 10 bất thiện, 10 thiện.
- KỆ TỤNG
Phật đến nơi du sĩ
Sakuludayi
Hỏi thầy ông dạy gì
Ðáp: – Sắc này tối thượng
Phật hỏi là sắc gì?
– Khi có một loại sắc
Không sắc đẹp nào hơn
Thì sắc ấy tối thượng.
“Nói vậy có khác gì
Nói yêu cô gái đẹp
Nhưng không biết mặt mày
Vóc dáng và màu da”
– Như lưu ly bảo châu
Tự ngã sau khi chết
Ðẹp đẽ và vô bệnh
Sắc ấy cũng như vậy.
“Ánh sáng lưu ly ấy
Với đom đóm trong đêm
Quang sắc nào sáng hơn?”
– Con đom đóm sáng hơn.
“Ðom đóm sánh ánh đèn
Ánh đèn sánh lửa lớn
Ánh lửa sánh sao mai
Sao mai sánh trăng rằm
Ánh trăng sánh mặt trời
Giữa lúc trưa đứng bóng
Mặt trời là sáng nhất
Trong các quang sắc này
Ta biết nhiều chư thiên
Sáng hơn cả mặt trời
Nhưng ta không có nói
Không quang sắc nào hơn
Còn ông lại cho rằng
Một quang sắc thấp kém
Thua ánh sâu đom đóm
Là quang sắc tối thượng.”
Kế tiếp Phật hỏi ông
“Có chăng cõi toàn vui
Và có đạo lộ nào
Ðưa đến thế giới ấy?”
– Có thế giới như vậy
Ðạo lộ là từ bỏ
Sát, đạo, dâm, nói láo
Và thực hành khổ hạnh.
Phật hỏi khi thực hành
Con đường đưa đến đấy
Tự ngã là toàn vui
Hay khổ vui xen lẫn?
– Thưa có vui có khổ.
“Vậy phải chăng đạo lộ
Ðể chứng cõi toàn vui
Là khổ vui xen lẫn?”
Ưu đa di thừa nhận
Thuyết của đạo sư mình
Có chỗ không hợp lý
Rồi xin Phật chỉ dạy.
Phật dạy: “Quả thực có
Một thế giới toàn vui
Và đạo lộ hợp lý
Chứng đắc thế giới này:
Ly dục ly bất thiện
Chứng trú thiền thứ nhất
Cho đến thiền thứ ba
Chỉ còn thuần lạc thọ.
Nhưng đây mới chỉ là
Một đạo lộ hợp lý
Ðưa đến sự chứng đắc
Một thế giới toàn vui.”
– Vậy phải đến mức nào
Mới gọi là toàn vui?
“Phải đến thiền thứ 4
Cùng chư thiên trò chuyện.”
– Có phải đây mục đích
Tỳ kheo tu phạm hạnh?
“Không phải chỉ vì vậy,
Mà vị chuyện cao hơn.
Như chứng túc mạng trí
Sinh tử trí, lậu tận
Như thật biết khổ, tập
Và diệt, đạo – bốn đề
Ðạt đến tâm giải thoát
Khỏi dục, hữu, vô minh
Mong chứng các pháp này
Tỳ kheo tu phạm hạnh”
Ưu đa di hoan hỉ
Khen Phật, xin quy y
Xin xuất gia thọ giới
Nhưng đồ chúng phản đối
Nói rằng đã làm thầy
Nay trở thành đệ tử
Như ghè nước lủng lỗ
Còn ra thể thống gì.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 80
Vekhanassa
- TOÁT YẾU
Vekhanassa Sutta – To Vekhanassa.
A discourse partly similar to the preceding one, with an additional section on sensual pleasure.
Giảng cho Vekhanassa.
Một bài kinh có phần tương tự kinh trước, thêm đoạn nói về dục lạc.
- TÓM TẮT
Du sĩ Vekhanassa đi đến Phật, sau khi chào hỏi [1], ông thốt lên lời cảm hứng: Sắc này là tối thượng. Phật hỏi, và cuộc đối đáp cũng y như kinh trước về quang sắc của ngọc lưu ly so sánh với ánh sáng của các chư thiên mà quang sắc còn sáng hơn mặt trời mặt trăng. Kế tiếp Phật dạy về 5 dục trưởng dưỡng [2]: các sắc, thanh, hương, vị, xúc, dễ chịu, hấp dẫn. Do dục có dục lạc; do lạc có tối thượng lạc: lạc như vậy được gọi là tối thượng [3].
Câu này làm cho Vekhanassa hoan hỷ, nhưng Phật dạy khó cho ông có thể hiểu được về dục, dục lạc hay dục tối thượng lạc. Vì ông thuộc mục đích khác, tu tập khác, đạo sư khác. Chỉ có bậc A la hán đã giải thoát mới biết được 3 điều ấy.
Khi nghe nói vậy, du sĩ Vekhanassa phẫn nộ mắng nhiếc: Sa môn Gô ta ma sẽ bị đọa lạc. Rồi ông nói thêm: Có người không biết quá khứ vị lai lại tự cho đã biết và tuyên bố sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, thì đấy chỉ là lời dối trá.
Phật xác nhận ông nói đúng [4], nhưng hãy gác qua chuyện ấy, người có trí không hư ngụy hãy đến nghe pháp và thực hành theo, thì không bao lâu sẽ tự chứng biết mình đã giải thoát khỏi vô minh trói buộc. Như đứa trẻ bị trói bằng năm sợi dây trói [5], khi nó trưởng thành, các sợi dây trói rơi rụng, nó tự biết đã giải thoát.
Du sĩ Vekhanassa xin Phật nhận ông làm đệ tử.
III. CHÚ GIẢI
- Theo kinh, ông này là thầy của Sakuludayi.
- Mặc dù là một du sĩ, ông rất đam mê dục lạc. Phật giảng kinh này để làm cho ông nhận ra sự quan tâm sâu đậm của ông đối với các dục; và như vậy kinh này sẽ lợi lạc cho ông.
- Trong nguyên ngữ Pali, câu này mang hình thức một ẩn ngữ. Luận giải thích rằng lạc thù thắng hơn dục lạc chính là niết bàn.
- Phật bỏ qua lời nói móc của du sĩ, mà xác nhận ai chưa chứng tự cho đã chứng thì quả là nói láo.
- Ám chỉ sự trói buộc của ngũ dục. Người còn bị chúng trói buộc thì cũng như đứa trẻ chưa trưởng thành.
- PHÁP SỐ
5 dục tăng trưởng, 3 pháp về dục (dục, dục lạc, dục tối thượng lạc).
- KỆ TỤNG
Du sĩ Vekhanassa
Ði đến thăm Thế tôn
Chào hỏi rồi thốt lên
Sắc này là tối thượng
Phật đưa ra hình ảnh
Từ quang sắc đom đóm
Ðến quang sắc chư thiên
Chói chang hơn mặt trời
Có gì là tối thượng
Ánh sáng ngọc lưu ly
Khi nó còn kém xa
Một con sâu đom đóm.
Rồi Ngài dạy 5 dục
Sắc, thanh, hương, vị, xúc
Dễ chịu và hấp dẫn
Từ dục có dục lạc.
Chính từ dục lạc này
Có dục tối thượng lạc.
Du sĩ rất hoan hỷ
Khen Phật khéo trình bày.
Phật dạy khó cho ông
Ðể hiểu được về dục
Dục lạc, tối thượng lạc
Vì ông theo đường khác.
Chỉ bậc A la hán
Hiểu thấu 3 điều này.
Du sĩ giận mắng nhiếc
Sa môn sẽ bị đọa
Có người không biết gì
Về quá khứ vị lai
Lại dối xưng đã biết
Sanh tận, phạm hạnh thành.
Ai chưa chứng nói chứng
Ðấy là lời hư ngụy.
Nhưng người trí không dối
Hãy đến nghe, thực hành
Ðể tự mình chứng biết
Ðã thoát khỏi trói buộc
Sự trói buộc chính thức
Là si ám vô minh.
Như đứa trẻ bị buộc
Bằng năm sợi dây trói
Khi nó đã trưởng thành
Tự biết mình giải thoát.
Du sĩ Vekhanassa
Nghe những lời Phật giảng
Nguyện cho đến mạng chung
Xin trọn đời quy ngưỡng.
-ooOoo-