Phá Vỡ Khái Niệm Chế Định – Tục Đế, Thể Nhập Bản Chất Thực Tại – Chân Đế

Phá Vỡ Khái Niệm Chế Dịnh Tục Dế Thể Nhập Bản Chất Thực Tại Chân Dế

PHÁ VỠ KHÁI NIỆM CHẾ ĐỊNH – TỤC ĐẾ

THỂ NHẬP BẢN CHẤT THỰC TẠI – CHÂN ĐẾ

– TT:
Con chào sư.
Đạp là như thế nào? Bắt đầu của sự dở và kết thúc của sự dở là khi nào ạ? Dở là như thế nào? Bước là như thế nào? Con thấy trong tiếng Anh dùng từ lifting, moving, placing. Thưa sư, cho con hỏi một chút về các khái niệm của tiếng Việt khi đi kinh hành ạ.

– @:
Trong thiền tập Minh Sát Vipassana theo phương pháp Thiền sư Mahasi (Myanmar), thiền sinh được hướng dẫn quán sát liên tục và tỷ mỉ về

  1. THÂN – “Nhấc”, ” Bước”, “Đạp” khi thiền hành, “Phồng”, “Xẹp” khi thiền tọa; các cảm
  2. THỌ – “Khổ”, “Lạc”, “Bất khổ bất lạc”; cùng các trạng thái
  3. TÂM – “Tham”, “Sân”, “Hỷ”, “Ưu”…; và các
  4. PHÁP – “Nhìn”, “Nghe”, “Ngửi”, “Nếm”… khi chúng xuất hiện.

Đây là những khái niệm chế định, tục đế (qui ước) cần phải vượt qua, cần được phá vỡ để có được cái biết, cái thấy chân thật về bản chất, về thực tính, tức chân đế (thực tại) của tất cả các pháp trong tam giới là sinh, diệt tức vô thường, khổ, vô ngã – thông qua việc quán sát thể nhập các hiện tượng thân, tâm này, chứ không phải bằng cách thỉnh thoảng quán sát hời hợt, không chú tâm, không tỷ mỉ, không liên tục rồi lại đi hỏi thiền sư: Dở là như thế nào? Bước là như thế nào? Đạp là như thế nào? Phồng là như thế nào? Xẹp là như thế nào? Đau là như thế nào? Tham là như thế nào? Ưu là như thế nào? …

Là những hành giả thiền minh sát vipassana, quý vị cần phải thông qua thực hành tứ niệm xứ để hiểu rõ ràng và chính xác sự khác biệt giữa Khái niệm (Tục đế) và Thực tại (Chân đế), vì chỉ một trong hai điều này – Chân đế – mới là đối tượng của thiền Minh sát Vipassana, và ở đây, Chân đế cũng chính là mục đích giác ngộ chân lý – Tứ Thánh Đế – dẫn đến giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau phiền não đạt được hạnh phúc thật sự tự do thật sự Niết bàn.

Trả lời chính xác, đầy đủ và đúng đắn cho các câu hỏi này (Như thế nào là Dở, Bước, Đạp, Phồng Xẹp Đi Đứng Nằm, Ngồi, Co, Duỗi, Nhìn, Nghe… v… v…? ) là nhiệm vụ của thiền sinh sau khi nhiệt tâm, chánh niệm, tỉnh giác quán sát chúng để có thể tự mình kinh nghiệm, tự mình thực chứng, tự mình thể nhập chân đế (thực tại, bản chất tự nhiên, thực tính: khổ, vô thường, vô ngã), chứ không phải là đi hỏi, đi đọc, đi nghiên cứu để biết về chúng.

Và trả lời các câu hỏi này cũng không phải là trách nhiệm của thiền sư, trả lời như vậy chỉ là cho đáp số, chỉ làm thiền sinh tăng thêm ngã mạn, tăng thêm ảo tưởng về sự hiểu biết khái niệm hời hợt của mình.

Thiền sư chỉ có trách nhiệm hướng dẫn thiền sinh về

① đối tượng quán sát,
② cách quán sát,
③ thái độ quán sát,
④ mục đích quán sát,
⑤ lợi ích quán sát,
⑥ duy trì kỷ luật nghiêm mật,
⑦ hướng dẫn sửa chữa sai lầm trong nhận thức và trong thực hành, và
⑧ sách tấn động viên thiền sinh.

30 phút nhiệt tâm, chánh niệm, tỉnh giác thực hành quán sát Dở, Bước, Đạp hoặc Phồng, Xẹp…, để sống không bám víu bất kỳ thứ gì trên đời thì hơn cả 30 năm học, đọc, nghiên cứu về chúng mà vẫn chẳng hiểu biết như thật bản chất, thực tính thật sự của chúng là gì.

Muốn tìm hiểu các khái niệm Dở, Bước, Đạp, Phồng Xẹp, Đi, Đứng, Nằm Ngồi, Ăn, Mặc, Co, Duỗi… thì chỉ cần tra từ điển, sách vở… hoặc tự định nghĩa rồi đem ra sử dụng.

Nhưng muốn vượt qua các khái niệm chế định – tục đế như thế này, để thấu hiểu bản chất thật sự, thể nhập thực tính hiện tại – chân đế của chúng: bao gồm những hiện tượng, tiến trình gì đã tạo lên chúng, và các hiện tượng, tiến trình này lại được tạo nên bởi các hiện tượng, tiến trình vi tế hơn nào khác… thì phải nỗ lực tinh tấn thực hành thiền minh sát vipassana, tứ niệm xứ.

Chỉ thông qua tinh tấn, kham nhẫn thực hành mới có hiểu biết chân thật, chứ không phải là học hỏi, đọc, hay nghiên cứu mà có được sự thấy biết dẫn đến tự thực chứng bản chất sinh – diệt tức vô thường, khổ, vô ngã trong các hiện tượng trên chính thân tâm mình.

Để vun bồi minh sát tuệ, Đạo tuệ, Quả tuệ – thay vì đi học hỏi, đọc, nghiên cứu triền miên về các khái niệm trong Phật giáo, hãy học cách thực hành và hãy thực hành Bát Thánh Đạo thông qua Tứ Niệm Xứ – Hàng ngày bỏ ra 30 phút thực hành nhiệt tâm, chánh niệm, tỉnh giác quán sát Dở, Bước, Đạp hoặc Phồng, Xẹp, Hỷ, Ưu, Khổ, Lạc … để vượt qua mọi tham ưu trên đời thì ích lợi hơn đọc mỗi ngày 30 cuốn sách về Phật giáo.

Chỉ có từng bước kiên nhẫn thực hành, đi đúng đường mới dẫn ta đến đích giải thoát, còn chỉ ngồi nghiên cứu thuộc lòng bản đồ thì muôn kiếp vẫn ngồi tại chỗ trong khổ đau phiền não.

PC 112:

Ai sống một trăm năm,
Lười nhác không tin tấn,
Tốt hơn sống một ngày
Tinh tấn tận sức mình.

PC 113:

Ai sống một trăm năm,
Không thấy pháp sinh diệt,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được pháp sinh diệt.

Xin hãy thực hành, ngay và luôn.
Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây.

Trong tâm từ,
TK Viên Phúc Sumangala

LƯU Ý KHI THỰC TẬP THIỀN HÀNH

Hãy thực hành thật thuần thục từng giai đoạn cấp độ sau:

⑴ Một tiến trình: Phải, Trái,
⑵ Hai tiến trình: Dở – Đạp,
⑶ Ba tiến trình: Dở – Bước – Đạp,
⑷ Sáu tiến trình: Bắt đầu Dở – Kết thúc Dở – Bắt đầu Bước – Kết thúc Bước – Bắt đầu Đạp – Kết thúc Đạp.

1 – Cần tập trung quán sát Thực tính (Đặc tính riêng: nặng, nhẹ, cứng, mềm, di động nhanh, chậm, và Đặc tính chung: sinh, diệt tức vô thường, khổ, vô ngã) của các hiện tượng trong từng tiến trình, chứ không quan tâm đến Khái niệm vị trí, hình dạng của các tiến trình Dở, Bước, Đạp đó.

2 – Không nên thực hành nhảy cóc khi chưa thuần thục thực hành ba cấp độ đầu tiên ⑴ ⑵ ⑶, và chỉ chuyển sang cấp độ bốn ⑷ khi có thể niệm và quan sát một tiến trình ít nhất ba hoặc bốn lần, ví dụ: “Dở, dở, dở – Đạp, đạp, đạp”.

3 – Khi thực hành không cố tình tìm kiếm Bắt đầu hay Kết thúc của từng tiến trình, tự nó hiển lộ khi kiên nhẫn chú tâm liên tục.

4 – Khi viết sách giảng về thiền, thì thường phải trình bày từ A tới Z, đầy đủ mọi cấp độ, nhưng khi thực hành thì phải hoàn thiện xong cấp độ này mới được phép thực hành cấp độ tiếp theo nếu không muốn bị lãng phí thời gian công sức hoặc thậm chí tẩu hỏa nhập ma. Đọc và học sách nhiều mà không có hướng dẫn đúng đắn dẫn đến việc nôn nóng kết quả, thực hành nhảy cóc, lạc đường, sai lối, vô phương cứu chữa.

Pháp thoại liên quan: Thiền hành youtu.be

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app