ÂN ÐỨC CHÁNH BIẾN TRI SAMMA SAMBUDDHO
Bậc giác ngộ tối thượng không thầy chỉ dạy
Trong tiếng Pali, Samma là đúng, chân chánh. Sam là tự mình tỏ ngộ không thầy giáo hóa. Buddho là bậc hoàn toàn giác ngộ, thông suốt các pháp, biết được tất cả những gì có thể biết được. Samma Sambuddho là bậc giác ngộ tối thượng không thầy chỉ dạy.
Tại sao Ðức Bổn Sư có danh hiệu là Samma Sambuddha mà các vị Phật khác không có danh hiệu nầy?
Trước hết, chúng ta xét trường hợp của Ðộc giác Phật hay Bích chi Phật (Paccekabuddhas). Giống như Phật Thích ca, Ðộc giác Phật đã tự mình tu tập và giác ngộ, không có thầy chỉ dạy. Tuy nhiên, khác với Ðức Bổn Sư, Ðộc giác Phật không thể dạy người khác giác ngộ như mình. Vì thế, Ðộc giác Phật chỉ được danh hiệu Sambuddha mà thôi tức là bậc tự mình giác ngộ. Bây giờ đến trường hợp của các Vị Thánh (Ariya). Giống như Ðức Phật Bổn Sư, các vị thánh đã tu tập giác ngộ và có thể dạy đệ tử mình tu tập để giác ngộ. Nhưng sự khác biệt chính giữa các vị thánh và Ðức Phật là họ không thể tự mình tu tập và giác ngộ. Họ phải được sự chỉ dạy của Ðức Bổn Sư. Vì thế họ chỉ có danh hiệu là Sammabuddha mà thôi tức là bậc có được sự hiểu biết chân chánh. Chỉ có đức Phật Bổn sư mới vừa có thể tự mình tu tập để hoàn toàn giác ngộ và có thể hướng dẫn người khác tu tập và giác ngộ như mình. Vì thế Ðức Phật mới có cả hai danh hiệu: Samma Sambuddha.
Ðức Phật đã tự mình phát giác, hiểu biết tường tận về 4 chân lý vi diệu là Tứ Diệu đế (Caturariyasacca) và dạy cho chúng sanh giác ngộ về 4 chân lý vi diệu nầy.
Bốn chân lý vi diệu ấy là:
- Khổ đế (Dukkha ariyasaccam)
- 2.Tập đế (Samudaya ariyasaccam)
- Diệt đế (Dukkha nirodha ariyasaccam)
- Ðạo đế (Dukkha nirodha gaminipatipada ariyasaccam)[ii]
Chân lý vi diệu hay Diệu đế (ariyasacca) có nghĩa là:
- Pháp chắc chắn và chân thật của bậc thánh nhân.
- Pháp chắc chắn và chân thật dắt dẫn chúng sanh xa lìa kẻ nghịch là phiền não. Bậc nào đã đắc pháp Tứ Ðế rồi thì các kẻ nghịch là phiền não không còn tồn tại trong thân tâm nữa.
- Pháp chắc chắn và chân thật làm cho quả thánh phát sanh tròn đủ, vì bậc nào đã đắc pháp Tứ đế rồi thì trí tuệ phát khởi thấy rõ: “Ðây là khổ, đây là nguyên nhân phát sinh sự khổ, đây là nơi diệt khổ, đây là con đường đi đến nơi diệt khổ”, có thể đắc đạo quả thánh nhân dễ dàng.
- Pháp chắc thật đáng tôn quý. Tôn quý vì tính cách hiển nhiên, chân thật của Tứ đế: Khổ, thật có trên thế gian nầy. Nguyên nhân phát sinh sự khổ, nguyên nhân ấy có thật. Nơi diệt khổ, nơi ấy có thật. Con đường đi đến nơi diệt khổ, con đường ấy có thật.
- KHỔ ÐẾ:
Khổ đế là những điều thống khổ hiển nhiên mà chúng sanh ở đời không ai tránh được.
Có 12 sự khổ:
– Khổ sanh (Jatidukkham).
– Khổ già (Jaradukkham)
– Khổ đau (Byadhi dukkham)
– Khổ chết (Marana dukkham)
– Khổ vì buồn rầu thương tiếc (Soka dukkham)
– Khổ vì khóc than kể lể (Parideva dukkham)
– Khổ vì sự khổ (Dukkha dukkham)
– Khổ vì phiền muộn (Domanassa dukkham)
– Khổ vì khó chịu và bực tức (Upayasa dukkham)
– Khổ vì không ưa mà phải gần (Appiyehi sampayoga dukkham)
– Khổ vì thương mến mà phải xa lìa (Piyehi vippayoga dukkham)
– Khổ vì muốn mà không được như ý, thất vọng (Yampiccham na labhati tampi dukkham)
Chữ “khổ” (Dukkha) nếu giải tóm tắt thì chỉ có cái khổ về ngũ uẩn. Vì ta chấp là trong ngũ uẩn nầy, có ta, cho sắc thân là ta, là của ta… và chấp thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn cũng như thế ấy, nên các sự khổ não mới phát sinh lên được. Một lẽ nữa, ngũ uẩn là nguồn cội, là nơi chứa chất các sự thống khổ, vì có thân ngũ uẩn nầy mới có khổ sanh, khổ già, khổ đau, khổ chết…
Tóm lại, khổ đế là ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp trong tam giới là pháp nên biết. Chính Ðức Phật tự mình đã biết rõ xong rồi.
- TẬP ÐẾ:
Nguyên nhân sinh ra khổ là lòng ái dục (Tanha). Lòng ái dục có mãnh lực ngấm ngầm trong tâm của tất cả phàm nhân, khiến cho chúng sanh ước ao tìm kiếm và cố giữ lấy những vật vừa lòng đẹp ý, say mê, quyến luyến, theo ngũ trần không ngừng nghỉ. Chính lòng ái dục dắt dẫn chúng sinh trầm luân từ kiếp này sang kiếp khác, trong vòng sanh tử vô cùng vô tận.
Có 3 loại ái dục:
- Tâm ham muốn và say mê theo ngủ trần, hoặc ước muốn được sanh làm người hoặc làm trời trong 6 cõi dục giới (Kama tanha)
- Tâm ham muốn sanh về cõi trời sắc giới (Bhava tanha)
- Tâm ham muốn sanh về cỏi vô sắc giới
Nếu kể rộng, lòng ái dục có 108, như đã giải thích trong phần ân đức Ứng cúng (Araham)[iii]. Ái dục là nguyên nhân phát sinh ra các sự thống khổ. Nếu ái dục diệt thì các sự khổ não cũng diệt theo. Ái dục là pháp nên diệt. Chính đức Phật đã tự mình diệt tất cả xong rồi.
III. DIỆT ÐẾ
Diệt đế là nơi diệt trừ hoàn toàn các sự khổ, tức là Niết Bàn. Niết Bàn theo tiếng Pali là Nibbana, tiếng Sanscrit là Nirvana. Ni có nghĩa là ra khỏi hoặc không còn. Vana có nghĩa là phiền não hoặc tam giới.
Niết bàn có 32 nghĩa, nhưng nếu giải thích tóm tắt, đại khái có 2 nghĩa như sau:
- Niết Bàn là trạng thái của tâm: Niết Bàn là trạng thái tâm đã đoạn tuyệt, diệt trừ hẳn ái dục. Lòng ái dục phát sanh lên do sự tiếp xúc của lục căn (nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý) với lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Nếu thu thúc lục căn cho thanh tịnh, không cho duyên theo, quyến luyến theo lục trần, thì lòng ái dục không còn phát sinh lên được. Lòng ái dục đã diệt trừ thì các sự khổ não cũng diệt theo không dư sót.
- Niết Bàn là nơi hoặc cõi:Niết bàn là nơi tịch tịnh, không có sanh, già, đau, chết, là cõi ngoài tam giới (xuất thế gian).
Ðức Phật và các bậc A la hán đã đắc 2 Niết Bàn[iv]:
- Phiền não Biết Bàn(Kilesa Nibbanam) hoặcHữu dư Niết Bàn (Saupadisesa nibbanam) là trạng thái tâm các bậc thánh nhân, ngay trong kiếp chót, đã diệt tận ái dục phiền não, đã được giác ngộ và giãi thoát. Nhưng các vị nầy vẫn còn thân ngũ uẩn.
Ðức Phật đã đắc Phiền não Niết Bàn khi Ngài ngự dưới cội Bồ Ðề, toàn thắng bọn Ma vương, dứt tuyệt Tham, Sân, Si, ngã chấp, tà kiến cùng 1.500 phiền não và 108 ái dục xa lìa tâm ngài như các giọt nước lìa khỏi lá sen. Khi đã đắc Hữu dư Niết bàn, Ngài có tuyên ngôn như sau:
Khi Như Lai đang tìm người thợ (ái dục) là người cất cái nhà tức là thân tứ đại của Như Lai mà chưa gặp được, Như Lai hằng bị luân hồi trải qua vô lượng kiếp. Sự sanh ấy hằng đem những điều thống khổ đến cho Như Lai không ngừng nghỉ.
Nầy người thợ làm nhà kia! Như Lai đã tìm thấy ngươi rồi! Từ đây ngươi không còn cất nhà là thân tứ đại của Như Lai được nữa. Sườn nhà là các phiền não của ngươi, Như Lai đã bẻ gãy rồi. Nóc nhà là Vô minh mà ngươi đã tạo đó, Như Lai cũng đã phá tan rồi. Hiện nay, tâm Như Lai đã đắc Niết Bàn, lìa khỏi sắc tướng. Như Lai đã liểu chứng quả A la hán là pháp tiêu diệt tất cả Ái dục rồi!
- Ngủ uẩn Niết bàn(Khandha Nibbanam) hoặcVô Dư Niết Bàn (Anupadisesa Nibbanam) là khi tuổi thọ đã đến lúc cùng tận, các bậc Thánh nhân ấy rời khỏi thân ngủ uẩn nhập vào cõi tịch tịnh, không còn sanh tử luân hồi nữa.
Ðức Phật đem giáo lý cao thượng ra giảng giải tế độ chúng sanh trọn 45 hạ, đến khi phận sự đã viên dung, Ngài đến gần kinh thành Câu thi na (Kusinara), an ngọa dưới hai cây long thọ, nhập định rồi viên tịch. Lúc ấy Ngài tịch diệt cả ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Như thế gọi là Ngũ uẩn Niết Bàn.
Do đó Niết bàn là pháp nên chứng ngộ. Chính Ðức Phật tự mình đã chứng ngộ Niết bàn xong rồi.
- ÐẠO ÐẾ:
Ðạo đế là con đường đi đến nơi diệt khổ. Con đường ấy là Bát Chánh Ðạo (Ariyatthanika Magga), gồm có 8 chi:
- Chánh kiến(Samma Ditthi) là thấy biết chân chính.
- Chánh tư duy(Samma Sankappa) là suy nghĩ chân chính, chính hướng tâm.
- Chánh ngữ(Samma Vaca) là lời nói chân chính.
- Chánh nghiệp(Samma Kammata) là sự làm chân chánh.
- Chánh mạng(Samma Ajiva) là sự nuôi mạng chân chánh.
- Chánh tinh tấn(Samma Vayama) là sự cố gắng chân chánh.
- Chánh niệm(Samma Sati) là sự ghi nhớ chân chánh.
- Chánh định(Samma samadhi) là định tâm chân chính.
Bát chánh đạo chia ra làm 3 phần:
- Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc vềGiới.
- Chánh tinh tân, chánh niệm, chánh định thuộc vềÐịnh.
- Chánh kiến, Chánh tư duy thuộc vềTuệ.
Vì thế, người hành theo Bát chánh đạo cũng gọi là người tu Giới, Ðịnh, Tuệ.
Bát chánh đạo cũng là Trung Ðạo (Majjhima paitpada), nghĩa là con đường ở giữa, không thiên về hai cực đoan, không khổ hạnh, ép xác thân (attakilamathanuyoga) và không lợi dưỡng, say mê theo ngũ trần (Kamasakhallikanuyoga). Con đường ấy có năng lực hằng làm cho phát sanh pháp nhãn (cakkhu) và trí tuệ (panna), khiến cho tâm trở nên thanh tịnh sáng suốt mà cứu cánh là sự giác ngộ và Niết bàn.
Tóm lại, Ðức Phật đã tri tỏ đứng đắn chính xác những pháp đáng tri tỏ là Khổ đế có 12 điều như đã giải thích phía trước, nên Ngài có hiệu là Toàn tri Khổ Ðế (Parinneyye dhamme sammasambuddho). Ngài đã tri tỏ những pháp đáng diệt trừ là Tập đế tức là tâm ái dục có 3 hoặc 108, nên ngài có hiệu là Toàn tri Ái dục (Pahatabbe dhamme sammasambuddho). Ngài tri tỏ những pháp đáng làm cho rõ rệt là Diệt Ðế mà những bậc trí tuệ đang cố gắng hành theo để đạt bốn đạo quả và Niết Bàn, nên Ngài có hiệu là Toàn Tri Diệt Ðế (Sacchikatabbe dhamme Sammasambuddho). Ngài tri tỏ những pháp đáng nương theo là đạo Ðế tức là Bát Chánh Ðạo có năng lực đem đến nơi giải thoát là Niết bàn, nên Ngài có danh hiệu là Toàn Tri Ðạo Ðế (Bhavetabhe dhamme sammasambuddho).
Ðức Phật đã khẳng định điều nầy với nhóm 5 Tỳ kheo trong bài kinh Chuyển Pháp Luân:
“Này chư Tỳ kheo, khi nào trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của Tứ Thánh Ðế theo tam tuệ luân (Trí tuệ học, trí tuệ hành, trí tuệ thành), thành 12 loại trí tuệ hoàn toàn trong sáng, thanh tịnh đã phát sanh đến với Như Lai”
“Này chư Tỳ Kheo, khi ấy Như Lai khẳng định tuyên bố rằng “Như Lai đã chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác vô thượng vô song trong toàn thế giới chúng sinh, nhân loại, vua chúa, Sa môn, Bà la môn, chư thiên, ma vương, phạm thiên cả thảy”[v]
Như vậy, Ðức Thế Tôn đã tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo-4 Thánh quả trở thành bậc thánh A la hán đầu tiên trên toàn thế giới chúng sanh nên ngài có ân đức là Chánh Biến Tri — Sammasambuddho.
-ooOoo-
[i] Trong tiếng Việt, Chánh là chân chánh. Biến là cùng khắp các nơi. Tri là hiểu biết. Sự hiểu biết đúng đắn và cùng khắp chứ không bị giới hạn nào. Bậc Chánh biến tri là bậc giác ngộ chân chính tối thượng, không gì hơn được. Ở đây, từ Chánh biến tri chỉ nhấn mạnh yếu tố samma (đúng và chân chánh) và buddho (hiểu biết cùng khắp). Yếu tố sam (tự mình chứng ngộ) là yếu tố rất quan trọng nhưng lại không nổi bật .
[ii] Xin xem Ðại đức Bửu Chơn. Sách đã dẫn, trang 26 – 32
[iii] Xin xem trang 4 trong tập sách nầy.
[iv] Có chỗ thêm Niết bàn thứ ba. Ðó là Xá Lỵ Niết bàn (Dhatu Nibbanam). Hiện nay, Xá lợi Ðức Phật ở rải rác khắp nơi cho Chư Thiên và nhân loại chiêm bái. Khi Phật giáo tròn đủ 5.000 năm, Xá lợi của Ngài tự nhiên sẽ bay về quy tụ thành một khối tại Bồ Ðề Ðạo tràng (Buddha Gaya ở Ấn Ðộ), hóa thành một vị Phật Tổ như lúc Ðức Thế Tôn còn tại thế, ngự trên bồ đoàn thuyết pháp trọn 7 ngày đêm. Lúc ấy, các vị Phạm Thiên và Chư thiên từ trên các cõi trời, tay cầm tràng hoa, bay xuốnglễ bái cúng dường và nghe Pháp, được đắc đạo quả từ Tu đà hoàn đến A la hán hằng hà sa số kể. Ðến đủ 7 ngày, tự nhiên trong kim thân lửa phát cháy lên tiêu hoại Xá lỵ, kể từ ngày ấy, giáo pháp của Ngài hoàn toàn tiêu diệt. Như thế gọi là Xá lỵ Niết bàn.
[v] Samyutta Nikaya, Mahavagga, Kinh Dhammacakkappavattanasutta. Trích dẫn trong Tìm hiểu Pháp môn Niệm Phật. Ðại đức Hộ Pháp. Trang 44.