Như Thế Nào Là Thế Giới Quan Theo Kinh Điển Phật Giáo Nguyên Thủy

NHU THE NAO LA THE GIOI QUAN THEO KINH DIEN PHAT GIAO NGUYEN THUY

[lwptoc]

NHƯ THẾ NÀO LÀ THẾ GIỚI QUAN THEO KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY?

– SB: Thiên đường ở đâu: trong hay ngoài ? Nay thỉnh giáo.

– Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala: Không trả lời được câu hỏi này vì trong câu hỏi không hỏi rõ “trong hay ngoài ” của cái gì?!

Nhưng nhân đây có đôi điều về thế giới quan theo những lời dạy của Đức Phật trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy Theravada (Vi Diệu Pháp, Abhidhamma) dành cho những ai mới bắt đầu tìm hiểu về Đạo Phật Nguyên Thủy:

Theo Vi Diệu Pháp (Abhidamma), một tạng trong Tam tạng kinh điển Phật giáo thì Thế giới bao gồm tất cả các Pháp:

– Tất cả các pháp (Dhamma) bao gồm Pháp Tục đế (Chế Định): Samuttisacca, và Pháp Chân đế (Thực Tại Tuyệt đối): Paramatthasacca.

– Pháp tục đế (Chế Định) bao gồm Danh chế định và Nghĩa chế định.

– Pháp Chân đế (Thực tại tuyệt đối) bao gồm Pháp Vô vi (Niết bàn): bất sinh bất diệt; và Pháp Hữu vi (Tâm, tâm sở và vật chất tức Danh và Sắc): sinh diệt vô thường.

Như vậy, trong cách phân loại này Thiên giới (cũng như các phạm trù khác như Địa ngục, Đàn ông, Đàn bà, núi, sông… ) không thuộc Pháp Chân đế (Thực Tại Tuyệt đối ), mà thuộc pháp Tục đế (Danh chế định và Nghĩa chế định). Niết bàn là một Thực tại tuyệt đối, thuộc pháp Chân đế Vô vi.

Chư thiên trong thiên giới tuy được hưởng phước báu, lạc thú vô lượng, không thể nghĩ bàn như lời Đức Phật nói trong kinh Hiền Ngu và các kinh khác, nhưng vẫn phải chịu qui luật sinh tử, khi thân hoại mạng chung phải tái sinh vào các cảnh giới khác nhau tùy theo nghiệp đã được tạo nên trong quá khứ.

Chỉ có bậc Alahán mới không còn tái sinh, chấm dứt sinh tử luân hồi hoàn toàn và vĩnh viễn, chứng nhập Niết bàn.

Để có thể tái sinh trong cảnh lạc thú trong cõi người hoặc cõi Thiên giới cần tạo nhiều thiện nghiệp thông qua bố thí, trì giới và tu tập Thiền Định Samatha.

Để thực chứng Đạo Quả, chứng nhập Niết bàn ngoài những thiện pháp nêu trên cần phải tu tập Thiền Minh Sát Vipassana như lời Đức Phật dạy trong kinh Đại tứ niệm xứ và các kinh khác.

Nguyện cho các thiện nam tín nữ sớm gặp được và thực hành theo chánh pháp đạt tới giác ngộ giải thoát, hạnh phúc thật sự, tự do thật sự.

Trân trọng.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app