Paṭicca Samuppāda – Nguyên lý duyên khởi
Đức Phật dạy rằng, hiện tại của chúng ta là kết quả của những ý tưởng, lời nói, việc làm trong quá khứ. Vì thế, trong từng khoảnh khắc, tương lai của chúng ta được hình thành bằng những gì chúng ta suy nghĩ, nói năng và hành động trong hiện tại. Thông điệp này của Đức Phật thật là thâm diệu. Khi thực hành nghiêm túc, ta nhận ra được sự thật không thể né tránh trong thông điệp này, chạm mặt với sự thật này trong những lúc hành thiền cũng như trong cuộc sống thường nhật. Ta sẽ thấy rõ ràng rằng chính ta chịu trách nhiệm về tương lai của mình, và khi làm chủ được tâm, ta có thể định hình được tương lai. Nhận hiểu và chấp nhận định luật này – được gọi là nguyên lý duyên khởi – paṭicca samuppāda – sẽ giúp chúng ta có được bình an trong tâm thức và mở ra cánh cửa giải thoát.
Đức Phật đã trải qua vô lượng kiếp tu tập để phát triển những phẩm tính cần thiết cho việc đạt đến giải thoát viên mãn, để học được con đường thoát khổ. Với lòng từ bi vô hạn, đức Phật trao truyền tuệ giác này đến tất cả chúng sinh đang đau khổ vì sợ hãi, sân hận, tham lam, cô thế, tuyệt vọng, già, bệnh, chết, để họ cũng có thể tự mình thoát khổ.
Đây là con đường lâu dài và khó khăn. Việc bám chặt vào thói quen xưa cũ, thà chấp nhận những mô thức đau đớn và khổ não ta đã quen thuộc, sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc phải đối mặt với những đổi thay khó chịu của sự tu tập rèn luyện tâm.
Đời sống của chúng ta thật khó khăn. Có nhiều hôm ta thấy mệt nhoài, căng thẳng. Thay vì đối diện với nguồn gốc khổ đau trong tâm, ta mê mải tìm cách giải khuây, thụ hưởng; và vì thế việc hành thiền trở thành một việc rất là thứ yếu. Việc phá bỏ thói quen cố hữu sâu đậm mê thích những cảm giác dễ chịu và né tránh những cảm giác khó chịu gần như là không thể được. Nhưng khi ta sẵn sàng nỗ lực, đức Phật sẽ cung cấp cho ta một phương thức hoàn hảo để tạo ra sự thay đổi cốt yếu.
Sau đây là giảng giải của Goenkaji về nguyên lý duyên khởi (paṭicca samuppāda) được trích từ Pháp thoại ngày thứ 5 trong những khóa thiền 10 ngày, in trong sách Tóm lược các bài giảng (The Discourse Summaries).
Những khổ đau của cuộc đời – bệnh tật, già suy, chết chóc, đau đớn cả thân lẫn tâm – là những hệ quả rõ ràng không thể tránh được sau khi sinh ra đời. Nhưng vì lý do gì ta sinh ra? Dĩ nhiên, nguyên nhân gần của sinh (生, jāti) là do sự kết hợp thể xác của cha mẹ, nhưng trong một toàn cảnh rộng hơn thì có sinh ra là do tiến trình hiện hữu (有, bhāva) bất tận với sự liên quan đến toàn thể vũ trụ. Ngay cả vào lúc chết, tiến trình này cũng không dừng lại: thân xác tiếp tục hoại diệt, tan rã, trong khi tâm thức bắt đầu kết nối với một cấu trúc vật chất khác và tiếp tục lưu chuyển – hiện hữu.
Và tại sao có tiến trình hiện hữu này? Đức Phật đã thấy rõ nguyên nhân là do ta nuôi dưỡng sự bám chấp. Do bám chấp, hay thủ (取, upādāna), ta phát sinh những phản ứng mạnh mẽ, tức saṅkhāra (hành nghiệp), tạo thành những ấn tượng sâu đậm trong tâm thức. Vào lúc chấm dứt đời sống, một trong những saṅkhāra này sẽ khởi lên trong tâm thức và tạo ra một sức đẩy để dòng tâm thức tiếp tục lưu chuyển.
Vậy những gì là nguyên nhân của thủ hay sự bám chấp này? Đức Phật nhận ra rằng, sự bám chấp khởi sinh vì những phản ứng ưa thích, ghét bỏ trong từng khoảnh khắc. Ưa thích phát triển thành thèm khát, hay tham ái (愛, taṇhā, tṛṣṇā), ghét bỏ phát triển thành sân hận, một dạng phản chiếu của tham ái, và cả hai đều chuyển thành sự bám chấp.
Tại sao những phản ứng ưa thích, ghét bỏ lại khởi sinh trong từng khoảnh khắc? Bất cứ ai quán sát tự thân đều sẽ thấy các phản ứng này xảy ra do những cảm giác, hay thọ (受, vedanā) nơi thân. Bất cứ khi nào một cảm giác dễ chịu khởi sinh, ta liền ưa thích và muốn nó được kéo dài, tăng thêm. Bất cứ khi nào một cảm giác khó chịu khởi sinh, ta liền thấy ghét bỏ và muốn xua đuổi đi.
Điều gì tạo ra những cảm giác này? Rõ ràng những cảm giác phát sinh là do có sự tiếp xúc (觸, phassa, sparśa) giữa một trong những giác quan với đối tượng của giác quan đó: tiếp xúc giữa mắt với hình sắc, giữa tai với âm thanh, giữa mũi với mùi hương, giữa lưỡi với vị nếm, giữa thân với vật xúc chạm và giữa ý với tư tưởng. Ngay khi có sự tiếp xúc thì chắc chắn sẽ có một cảm giác nảy sinh: hoặc dễ chịu, hoặc khó chịu, hoặc trung tính.
Vì lý do gì lại có sự tiếp xúc? Quá rõ ràng, cả vũ trụ này tràn ngập những đối tượng của giác quan. Chừng nào mà sáu giác quan, hay lục căn (六根, saḷāyatana, ṣaḍāyatana) – năm giác quan của thân cộng với ý – còn hoạt động thì chắc chắn chúng phải gặp các đối tượng của chúng.
Và tại sao sáu giác quan này hiện hữu? Rõ ràng chúng là những phần không tách rời của dòng tâm thức và vật chất, haydanh sắc (名色, nāma-rūpa); chúng khởi sinh ngay khi sự sống bắt đầu.
Vậy thì tại sao dòng chảy của sự sống này, dòng chảy của tâm thức và vật chất, hay danh sắc, xuất hiện? Đó là do sự trôi chảy liên tục của thức (識, viññāṇa, vijñāna) từ sát-na này sang sát-na khác, từ kiếp sống này sang kiếp sống khác.
Và tại sao có dòng tâm thức này? Đức Phật nhận thấy dòng thức này sinh khởi là do các hành (行, saṅkhāra, saṃskāra), những phản ứng của tâm. Mỗi một phản ứng đều tạo ra một lực thúc đẩy dòng chảy của thức. Dòng chảy này tiếp tục bởi nguồn lực được cung cấp từ các phản ứng.
Và tại sao các phản ứng này xảy ra? Đức Phật thấy rằng các phản ứng này khởi sinh vì vô minh (無明, vijjā, avidyā). Người ta không biết những gì mình đang làm, không biết mình đang phản ứng ra sao, và vì thế tiếp tục tạo ra những saṅkhāra. Khi vô minh vẫn còn thì vẫn còn khổ đau.
Nguồn gốc của tiến trình khổ đau, nguyên nhân sâu xa nhất, chính là vô minh. Chuỗi sự kiện qua đó con người tạo ra hàng núi khổ đau cho chính mình khởi đầu từ vô minh. Nếu vô minh có thể được diệt trừ, đau khổ sẽ được diệt trừ.
Làm sao ta có thể diệt trừ vô minh? Làm sao ta có thể cắt đứt chuỗi sự kiện [12 nhân duyên khởi đầu từ vô minh]? Dòng chảy của sự sống, của tâm thức và vật chất, vốn đã khởi đầu. Tự tử [để chấm dứt cuộc sống] không giải quyết được vấn đề, chỉ tạo thêm những đau khổ mới. Người ta cũng không thể hủy hoại các giác quan mà không tự hủy hoại chính mình. Chừng nào các giác quan còn hiện hữu, sự tiếp xúc giữa chúng với các đối tượng tương ứng chắc chắn phải xảy ra, và bất cứ khi nào có sự tiếp xúc thì một cảm giác chắc chắn sẽ nảy sinh trong cơ thể.
Và chính nơi đây, từ mối liên hệ với cảm giác mà chúng ta có thể cắt đứt chuỗi [12 nhân duyên khởi đầu từ vô minh]. Trước đây, mỗi một cảm giác làm khởi sinh một phản ứng ưa thích hay ghét bỏ rồi phát triển thành sự thèm khát mạnh mẽ hay ghê tởm – cực kỳ khổ đau. Nhưng giờ đây, thay vì phản ứng với cảm giác, bạn học cách chỉ quán sát với sự bình tâm, nhận hiểu rằng: “Điều này rồi cũng sẽ thay đổi.” Bằng cách này, cảm giác chỉ làm khởi sinh tuệ giác, khởi sinh sự hiểu biết về anicca (vô thường). Ta dừng lại được bánh xe khổ đau đang quay và bắt đầu chuyển hướng quay ngược lại, hướng về sự giải thoát.
Bất kỳ khoảnh khắc nào ta không tạo ra một saṅkhāra mới thì một trong những saṅkhāra cũ sẽ trồi lên trên bề mặt tâm thức, và cùng với nó, một cảm giác sẽ khởi sinh trong thân thể. Nếu ta giữ được sự bình tâm, cảm giác này sẽ mất đi và một phản ứng cũ sẽ trồi lên thế chỗ. Ta tiếp tục bình tâm trước những cảm giác nơi thân và những saṅkhāra cũ tiếp tục trồi lên, mất đi, hết lần này đến lần khác. Nếu vì vô minh ta phản ứng với những cảm giác, ta sẽ làm tăng gấp bội các saṅkhāra, làm tăng gấp bội khổ đau của ta. Nhưng nếu ta phát triển tuệ giác và không phản ứng với các cảm giác, thì các saṅkhāra lần lượt được tiêu trừ, hết lần này đến lần khác, và khổ đau được tiêu trừ.
Toàn bộ lộ trình này là phương thức tiêu trừ khổ đau. Nhờ thiền tập, ta sẽ thấy rằng mình đã ngừng không tạo thêm những gút thắt mới, và những gút thắt cũ được tự động hóa giải. Dần dần bạn sẽ tiến đến một trạng thái mà tất cả các saṅkhāra dẫn đến tái sinh – và vì thế cũng là dẫn đến những đau khổ mới – đều đã được diệt trừ: Giai đoạn giải thoát hoàn toàn, giác ngộ viên mãn.
Để khởi sự tu tập, trước tiên ta không nhất thiết phải tin là có tiền kiếp và tái sinh. Trong sự hành thiền Vipassana, hiện tại là quan trọng nhất. Tại đây, trong đời sống này, chúng ta đang tạo tác những saṅkhāra mới và tiếp tục làm khổ chính mình. Tại đây và lúc này, ta nhất thiết phải đoạn trừ thói quen này và bắt đầu vượt thoát khổ đau. Nếu bạn tu tập, chắc chắn sẽ có một ngày bạn có thể nói rằng mình đã đoạn trừ được tất cả các saṅkhāra cũ, đã ngưng không còn tạo tác bất kỳ một saṅkhāra mới nào, và như thế là đã tự giải thoát mình khỏi mọi khổ đau.
– S. N. Goenka
Không có nhân nào không có quả và không có quả nào không có nhân. Luật về nghiệp lực là tối thượng và không thể né tránh. Những gì bạn có trong hiện tại là kết quả của những gì đã làm trong quá khứ. Chừng nào bạn chưa đoạn trừ vĩnh viễn nghiệp lực do mình tạo tác, chưa chứng đắc Niết-bàn tối hậu, thì chắc chắn trong suốt thời gian còn hiện hữu bạn sẽ còn phải chịu đựng những bất ổn dạng này hay dạng khác, phải dùng đến sức mạnh của [tuệ giác về] anicca (vô thường). [Tuệ giác về] vô thường sẽ vượt thắng những bất ổn và bạn sẽ luôn vững chãi bất chấp tất cả những khó khăn này. [Tuệ giác về] vô thường là sức mạnh. Chông gai trên đường là không tránh khỏi. Vận dụng sức mạnh của tuệ giác về vô thường với sự chuyên cần, bạn sẽ được an lành.
– Sayagyi U Ba Khin
Mỗi đời người là một sự chuẩn bị cho cái chết kế tiếp. Người có trí sẽ vận dụng tốt nhất cuộc sống này để chuẩn bị cho một cái chết tốt đẹp.
– S. N. Goenka
Bài viết được trích từ cuốn Nghệ Thuật Chết – The Art Of Dying – Thiền Sư S.N. Goenka và nhiều tác giả. Tải sách file PDF tại đây.