NỀN TẢNG PHẬT GIÁO GÓP NHẶT NHƯ SAU

  • Phật dạy phải cố sức tin cậy vào mình, chớ nên tối tăm nghĩ tín nhiệm ở kẻ khác.
  • Phật dạy làm những việc lành, ngoài cái tâm ham muốn, hoặc thực hành cái chi mong được người báo đáp, hay làm bằng sự si mê lầm lạc (cái quấy cho là phải rồi làm).
  • Phật dạy cho có sự kiên nhẫn bền lòng không biếng nhác, để tự mình thiết lập nền đạo đức.
  • Phật dạy cho có tâm từ bi đối với kẻ khác, phải có lòng trắc ẩn thương hại người.
  • Phật dạy rằng: ở trong quyền thế của kẻ khác là khổ nên mới khuyên cho có quyền không tùy thuộc, cả phía trong và phía ngoài. Sự tự do ở phía trong, là không làm nô lệ của phiền não, nếu chưa dứt được nó cũng đừng để nó bắt buộc thái quá.
  • Phật dạy thắng cái xấu bằng cái tốt, thắng cái tâm oán hận bằng sự giải thù hằn và đồng thời cũng ráng sức làm cho mình đừng có lời cãi lẫy, cho có kết tình thân hữu nhau.
  • Phật dạy làm theo lẽ phải, là khi thực hành mong được quả vui, chớ nên phỏng đoán rằng: là như vầy, như kia, còn ức đoán đến đâu cũng chưa gọi là thấu chơn lý đến đó.
  • Phật dạy cho có tâm nhẫn nại, chống lại với các sự khó khăn trở ngại, không nên là người nhu nhược, vừa gặp mối chướng ngại thì liền bỏ dỡ, phải tin rằng: sự nhịn nín sẽ đem đến nhiều lợi ích và hạnh phúc.
  • Phât dạy, không nên tin việc chi bằng cách khờ dại vô nhân quả. Ngài khuyên nên dùng trí tuệ trông nom luôn cái đức tin, phải lấy chơn lý làm bằng sự thử kỹ theo cách thực hành và quán tưởng cho chu đáo.
  • Phật giáo rộng lớn hơn một thị xã, có đủ quyền cai trị một khu vực, một chánh phủ thống trị một nước Phật giáo có pháp hộ đời là điều hổ hẹn (hiri) và ghê sợ tội lỗi (attappa).
  • Phật dạy cho có trí nhớ và trí tuệ (đi đôi nhau) là có trí hồi tưởng và tâm sáng suốt.
  • Phật dạy cho có sự tiến hành luôn, như bảo phải tôn kính sự học tập, ân cần nghe pháp, giao thiệp với hiền nhân, và quan tâm nghe lời khuyến dụ. Ngài không ca tụng sự ngưng nghĩ trong việc lành, Ngài chỉ tán dương sự tiến bộ trong đường đạo đức.
  • Phật dạy phải chú tâm truyền bá về vật chất và tinh thần cho xã hội được hoàn hảo an vui.
  • Phật dạy không cho trở nên người thù hận, hoặc trông nôm kẻ khác chống cự thành kẻ nghịch, không dạy ghét bỏ người ngoại đạo.
  • Phật không dạy cách cầu khẩn, van xin, sùng bái, để mong được kết quả, nhưng bảo phải thực hành cho sanh quả vui theo lẽ phải.
  • Phật dạy phải xem đời bằng sự hiểu biết tỉ mỉ, sự thật: đời là vô thường, khó chịu được và là vô ngã, không phải là nơi nương nhờ, là nguyên nhân sanh các thống khổ được dễ dàng.
  • Phật dạy cho duy trì cái pháp tức là chơn lý, không cho mình chấp mình là lớn hoặc đời là quý, nói cho dễ hiểu, không nên chấp người là trọng, phải nhận cái pháp, tức là lẽ phải là lớn lao.
  • Phật dạy “paramattha” là điều lợi ích tối cao, phải hiểu rõ chơn lý là quan trọng, không nên lầm lạc nghĩ tưởng lợi, danh v.v… nhưng trong khi giao thiệp với xã hội, cũng nên biết mình nhận việc làm, lời nói của thân và khẩu cho thích hợp, là phải biết cách vào hội cho hiệp lẽ, chớ nên chấp rằng: chẳng phải là ta, là người, là thú v.v…; đến khi tu tâm không cho dính mắc lầm lạc theo đời.
  • Phật dạy các pháp từ thấp đến cao trong mỗi bực vừa với khí chất mỗi người, như cách nuôi hài nhi cho đến kẻ trưởng thành vậy.
  • Phật dạy: trí tuệ là cái soi đường đời, gọi là ánh sáng trong thế gian, trí tuệ phát sanh do sự suy nghĩ, học hỏi và ân cần nghe pháp rồi thực hành luyện tập theo chơn lý.
  • Nhấn mạnh trong cái đức tri ân (katāññū) và báo ân (katavedī). Ngài ca tụng người có đức tính đó, gọi là bậc hiền nhân, họ sẽ được nhiều hạnh phúc.
  • Phật dạy dập tắt cái khổ, cái chi là nguyên nhân đầu tiên, Pháp tắt cái khổ tức là tắt các nhân của nỗi khổ, chung với sự hiểu biết cách thức hành để đến nơi diệt khổ mới gọi là pháp diệt khổ, có nhân quả nên hành theo.
  • Phật không dạy áp bức, hoặc nói xấu người lầm lỗi, phải giúp cho họ hồi đầu hướng thiện, không nên miệt thị họ. Đức Phật cũng từng thuật lại về điều sai lầm của Ngài trong thời gian ở địa vị Bồ-tát (còn luân hồi) cho thấy rằng phiền não còn đến đâu, cũng có thể làm quấy đến đó, song điều quan trọng là nếu biết là quấy rồi cần phải cải tà theo chánh liền.
  • Phật dạy cho phát tâm trắc ẩn thương hại nhau, người nào khinh rẻ kẻ khác, và ỷ giàu sang quyền thế hoặc vì lẽ nào khác, không gọi là thực hành theo Phật giáo.
  • Phật dạy làm lành được vui, làm dữ mang khổ, gieo giống nào hái quả ấy, chỉ phải gieo giống lành tức là cố sức chuyên cần chừa cải các việc dữ.
  • Phật dạy rằng: sự giao thiệp với bạn lành, tự nhiên sẽ được giúp nhau trong đường hạnh phúc. Đức Ānanda gọi đó là trung tâm phạm hạnh; Đức Phật phán rằng: ấy là cái thân của phạm hạnh tròn đủ; Ngài cố ý ca tụng cái đức tính của bạn lành vậy.
  • Phật dạy phải gìn giữ thân, khẩu cho đoan trang bằng sự trì giới, tu tâm cho yên lặng bằng phép thiền định; bảo vệ cái kiến thức không cho sai lầm, cho đi ngay theo trí tuệ, mới gọi là thi hành theo thứ tự thấp cao trong Phật giáo. Do trí tuệ mà người có thể chữa cái khổ được, nhờ trí tuệ mà người tự nhiên, có ánh sáng trong đường đời tốt đẹp, nhờ trí tuệ mà người tu hành không sai lạc, vì thế trí tuệ mới là một đức tính tối cao, hằng đem đến tất cả hạnh phúc.
  • Phật dạy làm cho giảm bớt lòng cố chấp cái ta, người chấp nhiều đến đâu, hằng có sự khổ não, nóng lòng đến đó.
  • Phật dạy cho biết ba trạng thái thông thường của vạn vật và bảo phải quán tưởng luôn luôn về cái vô thường (aniccā) cái khổ não (dukkhā) với pháp vô ngã (anattā) để ngăn ngừa những điều phiền muộn, thất vọng, bồn chồn, lo lắng.
  • Phật dạy: nếu không thông rõ tu thế nào là chân chính (vì có rất nhiều đạo) thì chỉ nên tu một đường, là phải chăm sóc cái tâm cho nó đi ngay theo bát chánh đạo.
  • Phật dạy tu theo trung đạo (ở khoảng giữa của sự chế ngự cái tâm không cho phiền phức và buông thả cái tâm, chẳng đem lợi ích chi trong nơi cuối cùng) cái chi thái quá, quá mực trung bình, tự nhiên không tốt.
  • Phật dạy phải chịu nghe sự suy nghĩ, thấy, biết của mình và của người, chẳng nên cương ngạnh, khó nói, khó dạy. Người nghe, ngẫm thấy của kẻ khác, tự nhiên, có dịp sửa chữa điều sai lầm của mình được.
  • Phật dạy phải tùy nghi theo nhân quả, dù là chân lý, nhưng nói không hạp thời, cũng chẳng nên, Phật dạy nói theo lẽ thật mà có lợi ích và tùy thời.
  • Phật giảng rằng: kẻ si mê hằng có sự nhìn chòng chọc lỗi người, bậc trí tuệ năng xem lỗi mình, vì thế không nên chỉ luận bàn trong sự sửa chữa điều ác của kẻ khác, cần xem và sửa mình cho tốt trước, rồi sau mới nên dạy người.
  • Phật dạy cho cái tâm yên lặng không rối trí và chỉ cho thấy rằng: lợi, danh, quyền thế nếu không biết dùng, không biết quán tưởng, nó sẽ biến thành chất độc hại mình.
  • Phật dạy phải biết quán tưởng cho tỉ mỉ những điều xảy đến, rồi làm cho đúng trong lúc đầu, mới tránh khỏi sự khổ về sau. “Tượng ảnh Phật cảm thắng Ma vương” là phương pháp tu tâm rất tốt; tất cả võ khí của Ma vương đều biến thành hương, hoa cúng Phật, chỉ cho thấy rằng: những chất độc để cho kẻ khác có thể làm hương, hoa, đăng đến cúng dường, nếu biết dùng trí tuệ quán tưởng.
  • Phật dạy: nếu không có sanh, già, bịnh, chết, Ngài cũng không thành Phật, phát minh rằng: dẫu những điều mà chúng nhân xem là thường, là vật nên ghét, sợ. Phật dùng những vật đó để làm phương tiện tìm lợi ích được. Vì thế, người có sự hiểu biết các loài là Pháp cũng như y sĩ có thể xem các loài cây là thuốc chữa bịnh được như thế.
  • Phật chỉ rõ sự hy sinh từng bực, bỏ cái vui nhỏ, để được cái phúc to, bỏ của để hộ tứ chi, bỏ tứ chi để giữ sinh mạng, bỏ sinh mạng để duy trì cái Pháp, ngõ hầu nâng cao tinh thần đến mức cuối cùng.
  • Phật dạy: nên chịu thất bại ít để tránh sự hại nhiều, vì thế khi có nhân nào phát sanh phải hao tổn một ít, thì quán tưởng, nếu chịu mất, thua chút đỉnh để ngừa sự hao mòn nhiều, điều đó là điều tốt, bằng không nhẫn nại được với cái nhân nhỏ nhen, có thể sanh ra nhiều tai hại đến mình cũng có, vậy cần phải điều tra cho kỹ càng.
  • Phật dạy khi có giới là gìn giữ thân, khẩu đoan trang, tự nhiên, hộ trợ cho thiền định phát sanh mau chóng, thiền định là luyện tập cái tâm không cho phóng túng, là phép trợ lực trí tuệ được dễ dàng.
  • Phật dạy người sanh ra có rìu búa sẵn trong miệng, nếu không rõ thấu cách dùng nó, ắt bị nó chặt đẽo mình cho hư hại được (nhứt nhôn khả dĩ an bang, nhứt ngôn khả dĩ tán bang).

Toát yếu: Phật giáo gom vào phép không cẩu thả, tức là không cho quên mình, ngạo mạng, hoặc không thận trong. Tánh không chú ý là con đường chết, sự cẩn mật là con đường không chết. Vậy chư Phật tử nên đồng nhau cẩn thận trong Pháp, không cẩu thả.

‒ Dứt tác phẩm Phật ngôn trích dịch (Pl.2502 – Dl.1959) ‒

 

[1] Nibbāna hay nivāna; nib, nir: nghĩa là tắt hay là ra khỏi; bāna, vāna: nghĩa là phiền não hay là tam giới. Nibbāna, nirvāna: nghĩa là tắt lửa phiền não hay là ra khỏi tam giới hoặc là dứt lòng ham muốn.

[2] Tàu âm là A-nhã Kiều Trần Như.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app