Nội Dung Chính

Trích dịch ở kinh tự thuyết

Ta có nghe như vầy: Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ở trên núi Xa-La-Ca, lúc đó thầy Mê-Ghi-Ya theo hộ, thầy lại gần bên Phật, quỳ bạch rằng: Đệ tử cúi xin Đức Thế Tôn cho phép đệ tử vào làng Djantou để xin cơm.

  • Meghiya ôi! Thầy làm thế nào vừa ý thì làm.

Thầy Meghiya khi xin cơm xong, trở về dùng rồi đi theo mé sông Kimikala, xem thấy một đám xoài mát mẻ và thanh tịnh, thầy nghĩ thầm: đám xoài này rất vui vẻ, tiện cho người chơn tu dùng để tham thiền, nhập định. Nếu Đức Thế Tôn bằng lòng, ta lại đây mà hành đạo. Tính xong thầy Meghiya lại gần, quỳ và bạch rằng: Trước giờ ngọ, đệ tử có đi vào xóm Djantou để xin cơm, và khi trở về ngọ thực rồi đệ tử có đi theo mé rạch Kimikala thấy có một đám xoài rất mát mẻ và vui vẻ, đệ tử có ước thầm: đám xoài ấy rất tiện cho kẻ chơn tu tham thiền, nhập định. Nếu Đức Thế Tôn cho phép, đệ tử xin trở lại nơi ấy mà hành đạo. Thấy Meghiya bạch vừa rồi, Đức Thế Tôn đáp rằng: Để chờ một chút nữa, Meghiya này! Chờ các thầy Sa-môn khác lại đến đã.

Qua lần thứ nhì, thầy Meghiya bạch với Đức Thế Tôn rằng: Bạch Đức Thế Tôn, Ngài không còn phải hành pháp nữa. Còn phần đệ tử cần phải tìm nhiều việc nếu Đức Thế Tôn chuẩn hứa, xin cho đệ tử trở lại vườn xoài kia để hành đạo. Thế Tôn cũng bảo chờ một chút nữa, Meghiya này! Bây giờ chỉ có chúng ta, chờ các thầy Sa-môn khác lại đến đã. Đến lần thứ ba, thầy Meghiya cũng xin như trước. Đức Thế Tôn nói: Meghiya này! Các cách để diệt trừ cái lòng vọng tưởng, Như Lai đã chỉ dạy đều đủ, vậy ngươi cứ hành theo lời mà ngươi đã nghe. Thầy Meghiya đứng dậy, xá chào Đức Thế Tôn và đi vòng theo bên tả mà lui. Thầy đi lại đám xoài tham thiền trong lúc trời nắng.

Trong khi tham thiền ở nơi đám xoài ấy, thấy Meghiya hằng bị tư tưởng xấu xa nảy sanh ra trong trí, trái hẳn với lẽ đạo. Thầy nghĩ thầm rằng: Thật khác thường, lạ kỳ, ta đã sẵn lòng, bỏ nhà theo đạo, sao nay lại bị các tư tưởng tội lỗi rối loạn như vậy. Cớ ấy, thầy Meghiya, bỏ nơi đó trở lại gần bên Đức Thế Tôn, xá chào và bạch rằng: trong lúc đệ tử tham thiền nơi đám xoài, bị các tư tưởng xấu xa nổi lên ba lượt, khuấy rối dường này: ý tưởng bất tịnh, hung dữ, nghịch hẳn với đạo lý.

Đức Thế Tôn giải: như muốn cho trí mau giải thoát, Meghiya này! Thầy Sa-môn phải có năm phép. Meghiya này! Sa-môn phải có người bạn đạo đức là điều thứ nhất. Meghiya này! Thầy Sa-môn phải hết lòng chơn tu, gìn giữ giới luật cho tinh khiết, phải có lòng từ bi là điều thứ nhì. Meghiya này! Thầy Sa-môn phải lánh dữ làm lành, thông rõ đạo lý chán nản sự thế, dứt sự sa mê theo tình dục, và lòng háo sanh, tâm cho được thanh tịnh, bền chí mong tới từ bi, tham thiền, giác tánh và giải thoát là điều thứ ba. Meghiya này! Thầy Sa-môn phải bền lòng chắc dạ, đi cho đến nơi cùng tột, để tìm sự giải thoát. Phải dứt bỏ những điều trái lẽ, phải quyết định và có nghị lực, một lòng không lùi sụt là điều thứ tư. Meghiya này! Thầy Sa-môn phải thông minh sáng láng, hiểu thấy góc ngọn của tất cả vạn vật, suốt thông con đàng đi để diệt cái khổ, là điều thứ năm. Meghiya này! Đó là năm phép mà người tu hành muốn cho được mau giải thoát, phải biết. Thầy Sa-môn phải có bạn thiện hữu tri thức, phải hay gần gũi với các bạn đạo đức và thầy phải hết lòng tu hành tinh tấn có nghị lực và tính khiêm nhường.

Meghiya này! Thầy Sa-môn phải giữ thêm bốn phép khác nữa là: phải tham thiền về cái mạng trược để trừ dục vọng; phải tham thiền về pháp từ, bi, hỷ, xả để trừ cái tâm sân hận; phải tham thiền về số tức quan để diệt cái tâm vọng tưởng; phải quán tưởng về cái vô ngã để dứt cái lòng kiêu căng. Phàm ai xét thấu và dứt được cái ngã chấp, mới thấy Niết-bàn nội trong kiếp này.

·        Ông Xá-Lợi-Phất nói

Không rõ cái khổ, bạn ôi! Không rõ nguồn cội cái khổ, không rõ phép diệt cái khổ, không rõ con đàng đi để diệt trừ cái khổ, đó bạn ôi! Gọi là vô minh vậy. Bởi không thấu Tứ diệu đế nên trước kia ta phải bị luân hồi mãi mãi. Nay ta đã rõ thấu Tứ diệu đế, nên mới được thoát ly sanh tử luân hồi, diệt tận cái ái nên ta không con đầu thai nữa.

·        Phật giải về lý vô thường

Chúng sanh phải suy xét như vầy: trong cõi trần này, chẳng có cái chi được bền vững lâu dài cả. Những cái chi mà ta có đây, ta chỉ tạm dùng nó thôi, ta không quyền gì làm chủ nó được (có thân phải có già, có đau, có chết), thế sự vạn ban có ngày phải diệt tận, hoặc tự nó hoặc bị sự xảy đến từ nơi ngoài.

Thử hỏi, ta tìm kiếm được cái chi lâu dài trong cõi này chăng? Ta bỏ chỗ này, đi tìm nơi khác và cũng phải bỏ nơi khác đó nữa. Có đó, mất đó, thật như vậy, những cái chi mà ta đã tạo, phải có ngày diệt tận, có sự thay đổi luôn luôn.

Vả lại cái khổ là nguyên nhân bi yếu của giống hữu tình. Ta thử xem ở xung quanh ta, hay xem trong vũ trụ, ta chỉ thấy những sự đau đớn buồn rầu rất là thảm khổ và tức tối mà ta ráng lắm mới chịu nổi. Mắt ta thấy những là đau đớn, khổ não và tai nạn. Phía nào ta cũng bị điều ghê gớm, khó nhọc, thảm khổ bao vây, chẳng có một nơi nào ta gặp được sự an tịnh và khoái lạc hết. Thật là rất vô ích để tìm sự thanh nhàn an vui được. Hai điều này là mơ màng, ta không thể nào gặp nó được. Nếu xem cho chín chắn ta thấy chỉ có cái “danh” và cái “sắc”, nhưng cũng đều là ảo mộng thôi. Thế thì ta phải suy nghĩ như vầy: những cái chi ta thấy đó, nó chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, ta cũng chẳng phải là nó. Những cái chi mà ta cho là ta, thật chẳng phải là ta, cũng chẳng phải là của ta vậy. Ấy là những điều ảo mộng thôi. Sắc chẳng phải là sắc, chúng sanh chẳng phải là chúng sanh. Cả thảy đều do nơi ngủ uẩn và tứ đại (đất, nước, lửa, gió) và những điều này cũng do “danh” và “sắc” là những sự tưởng tượng cả, là không thật cả. Trong thân có hai cái: “danh” và “sắc” có hơi chắc chắn hơn mấy cái khác, nhưng theo cái tính chất của nó, cũng chẳng phải là bền vững.

Phật thấu rõ các tướng của vạn vật đều là vô thường nên Ngài chán nản, không màn tới nữa. Ngài rất gớm ghê dứt bỏ và không trước ý đến nữa.

·        Phật giải về sự làm lành (Cho một thầy Bà-la-môn nghe)

Có một đức vua thân chinh thắng trận, ban cư hồi trào, nhứt định làm lễ cúng dường chư vị Thánh Thần. Ngài có thỉnh một nhà sư để bày tỏ ý Ngài đã muốn. Nhà sư bèn khuyên vua: như muốn làm phước, trước hết phải làm cho trong nước dân được an cư lạc nghiệp rồi sau mới nên làm lễ cúng dường. Trong lúc làm lễ chẳng nên sát sanh hại vật, đốn cây chặt cỏ. Cả thảy bộ hạ của vua cũng phải làm lành, lánh dữ, một lòng cùng vua, dùng sữa bò, dầu ăn và mật ong mà làm lễ cúng dường. Đức Vua nghe theo y lời nhà sư chỉ dạy rất được toại lòng sở nguyện.

Phật giảng tiếp rằng: còn một cách làm phước dễ dàng mà được nhiều phước hơn, là bố thí cho những thầy chơn tu, cất tịnh xá cho Phật và cho các thầy Sa-môn ở.

Nhưng cũng có một cách làm phước cao thượng hơn là phải thành tín quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, không sát sanh hại vật, không vọng ngữ, không gạt gẫm người v.v…

Có một thế làm phước cao thượng hơn trước là không còn biết tới cái vui, cái buồn, phải giữ lòng cho được thanh tịnh.

Rốt cuộc còn một cách làm phước tối cao, là phải tu cho đắc quả, thoát khỏi cái khổ luân hồi nhập Niết-bàn là nơi bất sanh bất diệt mới gọi là cực lạc. Ấy mới thật là phước cao thượng tuyệt đối.

Phật dạy xong, thầy Bà-la-môn liền bạch rằng: Tôi nguyện quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng. Tức thì thầy Bà-la-môn vui lòng thả vài trăm con thú của thầy cho chúng nó đi thong thả, mặc tình ăn cỏ tốt, uống nước trong (mát) không còn hành hạ, bắt buộc chúng nó nữa.

·        Phật giải về sự xét lỗi mình

Xá Lợi Phất này! Bổn phận Sa-môn phải quán tưởng: trong lúc vào xóm, đi khất thực, nơi ngừng xin cơm hoặc trong lúc trở về. Trong khi hành động ấy, thầy có cảm giác những điều vui mừng, tham lam, ưa muốn, sân si chăng? Xá Lợi Phất này! Thầy Sa-môn phải biết quán tưởng rằng: như lúc vào xóm khất thực, nơi ngừng xin cơm, khi trở về thầy có phạm những tội lỗi là có cảm giác vui mừng, tham lam, ưa muốn, sân si. Xá Lợi Phất này! Thầy Sa-môn phải ráng dứt bỏ những tánh xấu xa vọng tưởng ấy. Xá Lợi Phất này! Nếu xét tưởng như vậy rồi, biết được không phạm các tội lỗi chi. Xá Lợi Phất này! Thầy Sa-môn phải khen thầm mình và nên vui mừng đẹp ý vậy.

Rất hữu phước cho những người đã quen làm lành dường ấy. Ví như có một cậu trai hoặc cô gái kia có lòng điểm trang, thường hay soi gương, nếu thấy nơi mặt lấm nhơ hay có vết tích chi thì họ tìm cách làm cho hết chỗ dơ hoặc vết tích ấy. Bằng xem không thấy, họ rất vui mừng đẹp ý và tự khen rằng: như thế là được, như vậy mới mãn nguyện.

Cũng vậy, thầy Sa-môn khi xét thấy biết mình có phạm tội lỗi xấu xa rồi phải ráng làm cho dứt hết các tội lỗi ấy đi. Nếu đã xem xét mà chẳng thấy có điều tội lỗi thầy lại khen, mừng thêm cho mình và đêm ngày thầy cũng làm lành thêm nữa.

·        Chuyện đức A-la-hán-Na-Tiên với vua Mi-Lan-Đà

Đức Vua Mi-Lan-Đà có hỏi Ngài Na-Tiên tỳ-khưu, làm thế nào mà biết Ngài được?

  • Bạch, Ngài tên chi?
  • Ta tên Na-Tiên Đại Vương à! Na-Tiên đó là cái tên, cái danh hiệu, là một tiếng kêu thường vậy thôi, chớ không có người.
  • Đó cả thảy 500 kẻ bộ hạ của tôi và 80.000 thầy Sa-môn có nghe chăng? Ngài Na-Tiên tại đây, mà Ngài nói là không có Ngài; vậy, có ai nhận chịu như vậy chăng? Đức Vua bèn hỏi tiếp:
  • Thầy Na-Tiên này! Ngài nói tai đây không có người, vậy ai là kẻ săn sóc các việc cho Ngài cần dùng đó? Như là: y bát, món ăn, chỗ ở và thuốc men cho những kẻ tật bệnh, ai dùng mấy món mới kể đó; ai làm phước, làm lành, ai trau dồi đức hạnh, ai tu hành đắc đạo, ai được thấy Niết-bàn, ai sát sanh, trộm đạo, tà dâm, vọng ngữ, ẩm tửu; ai phạm năm điều tử tội? Như vậy, cũng không lành, không dữ, không thầy, không tớ; sang, hèn, lành, dữ, không phân biệt cũng cũng không thưởng phạt. Nếu có ai cố sát Ngài, bạch Ngài, người đó cũng không mang tội giết người sao? Ngài ôi, vậy tóc đó có phải là Na-Tiên chăng?
  • Chẳng phải đâu Đại vương à!
  • Móng tay, răng, thịt, xương, có phải là Na-Tiên chăng?
  • Chẳng phải đâu Đại vương à!
  • Danh và sắc, có phải Na-Tiên chăng?
  • Chẳng phải đâu Đại vương à!
  • Sự cảm giác có phải Na-Tiên chăng?
  • Chẳng phải đâu Đại vương à!
  • Thọ, tưởng, hành, thức có phải Na-Tiên chăng?
  • Chẳng phải đâu Đại vương à!
  • Bạch Ngài, vậy ngoài cái danh, sắc, thọ, tưởng, hành, thức ra có chỗ nào là Na-Tiên chăng?
  • Chẳng có chỗ nào cả, Đại vương à!
  • Bạch Ngài, tôi đã hỏi đủ điều, mà chẳng gặp chỗ nào có Na-Tiên cả. Bạch Ngài, tiếng không không có phải là Na-Tiên chăng?
  • Chẳng phải đâu, Đại vương à!
  • Vậy Na-Tiên là gì? Bạch Ngài, Ngài nói sai rồi, Ngài nói dối là không có Na-Tiên.

Rồi đó đức Na-Tiên hỏi lại đức vua bằng cách này: Đại vương ôi! Đại vương là bậc sang trọng, sang trọng tột bực, như thế lúc đúng ngọ như vầy, Ngài ngự lại đây đất nóng, lại thêm đá sỏi bén, có lẽ chân Ngài đau nhức lắm, thân thể và trí Ngài mệt mỏi lắm. Vậy Ngài ngự lại đây bằng xe hay bằng chân?

  • Bạch, tôi chẳng phải đến đây bằng chân, tôi đến đây bằng xe.
  • Nếu Đại vương đến đây bằng xe, vậy tôi xin Đại vương giải cái xe cho tôi nghe. Cái gọng dây, Đại vương này! Có phải là xe chăng? Đức Na-Tiên thừa dịp khi nãy hỏi lại đức vua như vầy: cái ví, cái mui, cặp bánh xe, hay là trừ các món ấy ra, có phải là cái xe chăng?
  • Bạch, đều là chẳng phải.
  • Đại vương này! Tôi đã hỏi đủ điều mà chẳng có chỗ nào gặp cái xe cả. Vậy tiếng không không đó là xe chăng? Vậy xe là gì đâu? Đại vương nói sai rồi, Đại vương nói dối là không có cái xe. Đại vương ôi! Ngài là chúa cả đất Ấn Độ, Ngài còn sợ ai, nên Ngài không dám nói sự thật. Vậy 500 bộ hạ của Ngài và 80.000 Sa-môn, có nghe đức Vua Mi-Lan-Đà, Ngài nói lại đây bằng xe chăng, mà tôi nhờ Ngài giải cái xe cho tôi nghe, Ngài lại không chịu nói. Vậy ai có công nhận chăng? Đức Na-Tiên nói rồi, thì 500 bộ hạ của Vua Mi-Lan-Đà đều cảm phục lời của đức Na-Tiên và tâu với vua rằng: Đại vương ôi! Như có thể được, xin Đại vương trả lời. Nhưng đức Vua bạch với đức A-la-hán như vầy: tôi chẳng phải không nói sự thật, bạch Ngài, gọng, ví, mui, cặp bánh, cả thảy thật chẳng phải là xe.
  • Thật như vậy, Đại vương này! Cũng như so sánh với tóc, da, gân, xương, danh sắc, thọ, tưởng, hành, thức, người ta dùng cái danh từ để gọi tên Na-Tiên đó thôi. Nhưng, thật không có chi hết. Đại vương này! Vì thế mà bà Vajira có bạch với Phật như vầy: nơi nào có các phần của cái xe hiệp lại thì gọi đó là xe, nơi nào có ngũ uẩn hiệp lại gọi đó là người vậy. Đó là lời của phàm nhơn thường kêu như vậy.
  • Thật rất hay, Ngài Na-Tiên này! Hay rất lạ thường ngài Na-Tiên này! Có nhiều câu hỏi nó làm rộn trí tôi, mà nay Ngài đã bày tỏ rất phân minh. Nếu Phật còn, chắc Đức Phật khen Ngài lắm. Thật là hay, thật là hay, Ngài Na-Tiên này! Có nhiều câu hỏi nó làm rộn trí tôi, mà nay Ngài bày tỏ rất phân minh.

·        Phật giải về Tứ diệu đế

Trong lúc người tu hiểu rõ tứ đế, thì được thoát khỏi cái thủ về tình ái, lòng háo sanh, lầm lạc và vô minh. Người được giải thoát, biết rõ rằng mình được giải thoát, hết luân hồi, được vào bậc Thánh, phận sự đã tròn, chẳng còn trở lại cõi trần này nữa. Đó là cái tự kiến của người đắc đạo vậy.

Các tỳ khưu này! Cũng vì có dầu nên ngọn đèn mới cháy, nếu không ai châm dầu và thêm tim, các tỳ khưu này! Hễ dầu hết thì đèn tắt, bởi thiếu món ăn của nó “là dầu” cũng như con người trì chí, có trong tim cho biết thấu được những điều mau hư hoại của sự vật trong thế gian, thì ái dục phải dứt tuyệt, ái dứt, thủ cũng tiêu v.v… Đó là phép để biệt cái thống khổ vậy.

·        Phật giải về cái thủ

Bởi có sóng to, sóng rất to chồm lên bao quanh cả con người (là cái khổ sanh, lão, bệnh, tử) mà con người không biết thế nào gặp được hòn đảo kappa này, đó là nơi Như Lai dạy vậy.

Nơi nào chăng, có cái thủ thì có đảo, mà chỉ có một hòn đảo, hòn đảo Như Lai gọi đó là Niết-bàn, là nơi cuối cùng của cái già và cái chết vậy.

Kẻ tham thiền, nhập định mà không thối chí, một lòng sốt sắng thì gặp Niết-bàn.

Sự đói khát là môt cái bệnh rất khó chịu, mà các điều tạo tác là cái khổ khó chịu hơn nữa. Hiểu được như vậy rồi gọi là gặp Niết-bàn, là được cái đạo quả tối cao. Bậc đắc đạo chẳng khi nào làm hại ai, hằng kềm chế cái thân, để đi đến chốn thiêng liêng, ai đến được nơi đó rồi chẳng còn biết gì đến cái khổ nữa.

·        Phật giải về cái ý

Cái chi mà ta có đây là cái kết quả của sự hành động của ý ta tự nơi ý ta mà ra, tự nơi ý ta mà làm ra. Nếu người nói hay làm theo cái ý tưởng xấu xa, thì cái họa theo liền tay, cũng như bánh xe lăn theo chân con thú vậy.

Cái chi mà ta có đây là cái kết quả của sự hành động của ý ta, tự nơi ý ta mà ra, tự nơi ý ta làm ra. Nếu người nói hay làm theo cái ý trong sạch, thì cái phước nó theo mình như bóng tùy hình không khi nào nó lìa xa mình vậy.

Người nào nói nhiều điều cao thượng chân chánh, mà chẳng làm theo, ấy là kẻ điên. Cũng như anh chăn bò kia cứ đi đếm bò của kẻ khác. Người như vậy chẳng đáng làm thầy Sa-môn đâu.

Người nào ít nói lời cao thượng, chân chánh, mà hành theo chân lý, không lòng tham, sân, si… thì được giải thoát, chẳng còn vọng tưởng đều chi ở cõi trần này hay cảnh thiên đàng kia, người đó mới đáng làm thầy Sa-môn vậy.

·        Phật giải về cái ái

Các điều khổ não và than van ở cõi trần này mà có cũng bởi mình có kẻ thân thiết hay vật chi yêu dấu mà ra. Nơi nào không có cái chi thân thiết và yêu dấu, cũng chẳng có cái khổ sanh ra được. Vì thế, người chẳng có cái chi thân thiết, ắt được vui mừng và cũng chẳng có sự chi buồn rầu xảy đến. Vậy con người muốn được an vui, thanh tịnh, dứt sự khổ não và không còn vướng bụi trần, không nên có cái chi thân thiết và yêu dấu ở thế gian này nữa.

Không thể nào mình vui được, không thể nào mình mê sa điều vui sướng được, vì mình đang bị phiền não đời đời kiếp kiếp, cái vô minh bao vây mình. Hỏi vậy mình có muốn tìm ánh sáng không?

Mình trồng hoa, các ý tưởng mình chăm chú vào điều vui thích vì hoa, như nửa đêm cái chết đến và bắt mình, mình còn vui thích được với hoa nữa chăng? Mình trồng hoa, các ý tưởng mình chăm chú vào điều vui thich vì hoa, mình mê sa nó vô hạng, mà có kẻ theo hại mình, nắm mình trong tay.

Trên không trung, giữa biển cả, trong hang đá chật hẹp, kín đáo và nơi nào khác nữa, mình trốn cũng chẳng khỏi tay Ma vương.

Vui sanh ra khổ, vui sanh ra sợ. Người nào tránh khỏi cái vui, người đó tránh khỏi cái khổ, như thế, cái sợ không thể nào sanh ra được.

Thương yêu sanh ra khổ, thương yêu sanh ra sợ. Người nào tránh khỏi cái thương yêu, người đó không còn khổ nữa. Như thế, cái sợ không sao sanh ra được

Người nào thấy tất cả chúng sanh như thấy bọt nước, như thấy chiêm bao, người đó được giải thoát.

Người nào tránh khỏi tội lỗi, lầm lạc; người nào đến mé bờ bên kia, đứng được trên mé bờ rồi, hằng đem lòng suy xét: không tham, không ngã lòng; người nào tránh khỏi sự luân hồi, dập tắt lửa lòng, người đó mới đáng làm thầy Sa-môn vậy.

·        Phật giải về cái tham

Người nào bị cái tham việc trần thế, thì cái khổ càng sanh thêm nhiều như cỏ mọc vậy.

Người nào làm chủ được cái tham, là tham việc trần thế, là điều rất khó bỏ được, đối với những người ấy, cái khổ đã dứt hẳn, cũng như nhỏ nước trên bông sen rớt xuống vậy.

Nếu cây bị chặt đứt mà còn nguyên rễ, cây ấy mọc lại hẳn hòi, cũng như mảnh bụi của cái tham chưa tuyệt, thì cái khổ càng sanh thêm nhiều.

·        Phật giải về cái vô ngã

(Nhờ nghe giải bày này mà bốn thầy trong nhóm ông Kiều-Trần-Như được thành A-la-hán).

Các tỳ khưu này! Cái sắc thân chẳng phải là ta. Các tỳ khưu này! Nếu cái sắc thân là ta, thì nó không phải chịu điều đau đớn và khổ não, thì các thầy nên nói như vầy: ta muốn cái xác thân ta như thế này, ta không muốn nó như thế kia. Các tỳ khưu này! Bởi các sắc thân chẳng phải là ta, vì nó phải chịu đau đớn và khổ não, như vậy, các thầy không nên nói: ta muốn sắc thân ta như thế này ta không muốn nó như thế kia.

Các tỳ khưu này! Cái thọ chẳng phải là ta… Cái tưởng chẳng phải là ta… Cái hành chẳng phải là ta… Cái thức chẳng phải là ta… Các tỳ khưu này! Nếu nó phải là ta thì nó không phải chịu đau đớn và khổ não, thì các thầy nên nói như vầy: Ta muốn nó như thế này, ta muốn nó như thế kia. Nhưng các tỳ khưu này! Bởi thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là ta, thì các thầy không nên nói như vầy: ta muốn nó như thế này, ta không muốn nó như thế kia.

Các tỳ khưu này! Các thầy tưởng thế nào? Các sắc thân được lâu dài hay là không được lâu dài?

  • Bạch, nó không được lâu dài.
  • Cái chi không được lâu dài là đau đớn hay không đau đớn?
  • Bạch, là đau đớn.
  • Cái chi hay đau đớn và không được lâu dài, là phải chịu phép thay đổi luôn. Vậy bậc thiện trí thức thông rõ đạo lý, luận về sắc thân, có nên nói: cái này là ta, ta là cái này, cái này là của ta không?
  • Bạch, không nên nói.
  • Các tỳ khưu này! Các thầy tưởng thế nào? Cái thọ có được lâu dài không?… Cái tưởng có được lâu dài không?… Cái thức có được lâu dài không?… Cái hành có được lâu dài không?…
  • Bạch, không được lâu dài.
  • Cái chi không được lâu dài là khổ hay không khổ?
  • Bạch, là khổ.
  • Cái chi không được lâu dài và chịu khổ não là phải chịu phép thay đổi luôn. Thế nào, bậc thiện trí thức thông rõ đạo lý, luận về cái ta, có nên nói: cái này là ta, ta là cái này, cái này là của ta không?
  • Bạch, không nên nói.

Vì thế, các tỳ khưu này! Các sắc tướng trong đời trước, đời này hay đời sau, trong hay ngoài, dày hay mỏng, dơ hay sạch, xa hay gần, các cái ấy đều chẳng phải là ta, ta chẳng phải các cái ấy, cả thảy đều chẳng phải là của ta. Đó là điều mà bậc thông rõ đạo lý, phải suy xét như vậy. Như thế, các tỳ khưu này! Bậc thiện trí thức hiểu rõ đạo lý phải nói như vầy: cái ngũ uẩn mà ta có đây, ta biết nó chẳng phải là ta, nếu ta thấy rõ như vậy rồi, ta chẳng còn sa mê theo cõi trần này nữa, không sa mê thì ta chẳng còn tham lam, vọng tưởng, ta được vào Niết-bàn trọn vẹn vậy; cái kiếp này là kiếp chót của ta, ta sẽ vào chốn vĩnh an, ta chẳng còn biết cái thân nào khác hơn cái thân này nữa.

·        Trong kinh Phật diệt độ, Đế Thích có nói như vầy:

Thật như vậy, cái chi có tạo tác ra là không được lâu dài cả. Có sanh ắt có diệt, có sống ắt có chết, ấy là lẽ thường. Không sanh không diệt mới là được an vui lâu dài vậy.

·        Phật giải về lục căn

Các tỳ khưu này! Cả thảy đều bị lửa đốt, cả thảy đó là cái chi? Các tỳ khưu này! Mắt thấy bị lửa đốt, vật thấy bị lửa đốt, biết vật thấy, bị lửa đốt, cảm giác vật thấy, bị lửa đốt, sự cảm giác sanh ra bởi cảm xúc, bị lửa đốt, bất hạn vui hay khổ, không vui hay không khổ, các sự cảm giác đó đều bị lửa đốt. Bị lửa chi đốt? Bị lửa tham, sân, si đốt; bị sanh, lão, bệnh, tử, tội lỗi, than van, khổ não, buồn rầu, rên siết, thất vọng đốt. Đó là lời của Phật vậy.

Tai nghe bị lửa đốt, tiếng mà tai nghe, bị lửa đốt, sự cảm động sanh ra bởi tai nghe, bất hạn vui hay buồn, không vui hay không buồn, sự cảm động đó cũng đều bị lửa đốt. Bị lửa chi đốt? Bị lửa tham, sân, si đốt; bị sanh, lão, bệnh tử, tội lỗi, than van, rên siết, buồn, thất vọng đốt. Đó lời của Phật vầy (tới tỷ, thiệt, thân, ý Phật cũng giải y như trên kia).

Biết rõ như vậy rồi, các thầy tỳ khưu này! Bậc trong sạch thông hiểu đạo lý, bắt chán xem, chán những vật thấy, chán biết vật thấy, chán gặp vật thấy, chán sự cảm giác sanh ra do cảm xúc, bất hạn vui hay buồn, không vui hay không buồn.

Chán nghe… chán ngửi… chán nếm… chán đụng chạm… chán biết… Lúc mà biết chán như vậy, các bậc cao nhân có được thoát khỏi cái tham, thoát khỏi cái tham thị họ được thoát khỏi lưới trần, mà tự họ được biết rằng: ta được giải thoát, chẳng còn luân hồi nữa. Ta được vào bậc Thánh nhơn, phận sự ta đã trọn. Ta chẳng còn trở lại cõi trần này nữa. Đó là cái biết của bậc chứng quả vậy.

(Nhờ nghe giải bày này mà ba anh em ông Ca-Diếp và một ngàn đệ tử của ông thảy đều được đắc quả).

Người mà ngũ quan được bình tịnh, cũng như ngựa bị kẻ chăn chuyên tập cách khéo léo; người trừ được tánh kiêu căng, tránh khỏi điều bất tịnh, người mà được trọn lành như thế, thì các vị thánh hiền cũng đều có lòng ao ước vậy.

Được vui hẳn ở đời này, là với những kẻ nghịch mà lòng mình không nghịch. Được vui hẳn ở đời này, là chung với kẻ đau mà mình mạnh. Được vui hẳn ở đời này, là chung với người mệt mà mình không mệt. Được vui hẳn ở đời này, là mình không còn dính dấp việc trần thế nữa. Người nào ở nơi vắng vẻ, tâm được thanh tịnh, suy xét điều chân lý trước mắt thì được an lạc luôn.

Biển, biển các tỳ khưu này! Kẻ thế thường hay gọi như vậy vì họ chưa rõ thông chân lý. Nhưng các tỳ khưu này! Bậc đại trí thức không thể không kêu biển, biển như vậy được. Đó chỉ là một vũng nước to vậy thôi.

Các tỳ khưu này! Mắt thường cho đó là biển: các điều thấy được đó là sóng dợn của biển. Người nào qua khỏi các lượng sóng dợn đó, người ấy mới xứng đáng làm thầy Sa-môn vậy. Nhờ tâm vững vàng nên qua mới khỏi biển, có sóng gió, nguy hiểm, mà khi qua đến bờ kia rồi mới đứng được trên miếng đất rất chắc chắn và vững vàng vậy.

Tới nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng giải như trên vậy, Phật tiếp nói thêm nữa rằng: người nào đã qua khỏi biển rất nguy hiểm, có cả sóng to, gió lớn, thì được sáng suốt, làm bậc thánh nhơn, là người đã đi đến bỉ ngạn vậy.

·        Phật giải về cái vô tướng

Cái đó chẳng phải là ta, ta chẳng phải là cái đó, cái đó chẳng phải là của ta. Cũng như một cái thành kia bị cháy, nó không cháy cái chi của ta hết. Cũng như một xứ kia bị cướp phá, họ không cướp phá cái chi của ta hết.

·        Thức và danh sắc

Ananda này! Nếu cái thức không có danh và sắc là nơi nương dựa, thì cái sanh, lão, bệnh, tử là nguồn cội của cái khổ, có thế nào sanh ra được không?

  • Bạch, không thể nào sanh ra được.
  • Bởi vậy, Ananda này! Cái nguyên nhân của thức đó là danh và sắc vậy.

Do đâu mà có danh và sắc? Danh và sắc từ đâu mà đến? Bởi có cái thức mới có danh và sắc, từ cái thức mà danh và sắc đến. Do đâu mà có cái thức? Cái thức từ đâu mà lại? Do danh và sắc mới có cái thức, cái thức từ danh và sắc mà lại.

Các thầy tỳ-khưu này! Bị Bồ-tát Vipassi có nói như vầy: thức nương theo danh và sắc mà danh và sắc cũng nương theo thức vậy.

Ông Xá-lợi-phất có nói như vầy: cũng như hai bụi cỏ lan, ngã đụng nhau, nương lấy nhau mà đứng được. Nên cái thức mà có, cũng bởi danh và sắc, danh và sắc mà sanh cũng bởi cái thức vậy.

·        Phật giải cho một thầy Bà-la-môn nghe (Dịch theo kinh Majjhima Nikaya)

Tôi có nghe như vầy: một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại thành Xá-Vệ, nơi vườn của ông Cấp-Cô-Độc, có giảng cho các đệ tử nghe rằng: cũng như một miếng vải lấm bùn, đem nhúng vào nước màu xanh, vàng, đỏ hay đen, nó không ăn màu được tốt tươi vì miếng vải còn dơ. Các thầy tỳ-khưu này! Cũng như một người kia tâm chưa được trong sạch, phải hằng chịu điều đau khổ.

Trái lại, miếng vải sạch, ăn nước màu đẹp đẽ. Cũng như một người kia, tâm được trong sạch thì hằng được sáng suốt luôn. Thế nào gọi là tâm bất tịnh? Là tâm bủn xỉn, ham giàu sang, hung dữ, giận hờn, oán ghét, tật đố, oán thù, tham lam, nịnh hót, xảo trá, ngang ngược, kiêu căng, xấc xược, tự tôn tự trọng. Bao giờ con người biết rằng đó là tâm bất tịnh, họ mới sanh lòng chán nản. Lúc biết chán, họ mới đem lòng tin Phật Pháp. Bậc Thánh nhơn được sáng suốt hoàn toàn, đi theo con đàng đạo đức, được an lạc, rõ thấu thế sự; được làm chủ cái tâm, làm thầy trời và người là Phật vậy.

Hết lòng tin Phật Pháp, biết Pháp đó, Phật dạy theo chơn lý, vừa lòng tất cả mọi người hữu duyên và cho sự giải thoát.

Tin có Tăng, có giới luật, tin sự hành động và lời của Đức Thế Tôn dạy theo chơn lý. Tin có sự bình đẳng trong nhà Tăng, để tìm sự an lạc mà trong đời, không có chi sánh bằng.

Sau rốt diệt tận được cái lòng tật đố, biết rằng mình chỉ tin Phật, Pháp, Tăng, người đó được an vui, trí được sáng láng. Nhờ vậy mới có thân an tịnh, thân an tịnh, tâm mới an tịnh.

Thầy Sa-môn được như vậy, hết lo sợ buồn rầu, đau đớn, khổ não, cũng như miếng vải dơ mà được sạch sẽ, sau khi nhúng vào nước trong, như vàng được tinh hảo, sau khi đốt trong lửa. Cũng như, thầy Sa-môn đã không còn buồn rầu, đau đớn, mà được tự do, tự tại vậy. Tâm chứa những ý tưởng từ, bi, hỷ, xả thì được vững vàng, sáng suốt, rải khắp bốn phương trời. Khắp thế giới đều được rước cái ý tưởng vui vẻ đó, cái trí thông minh hoàn toàn vô cùng tận không còn biết tới cái hung dữ và sân si là gì. Thầy Sa-môn đó được biết rằng: sự giải thoát ở ngoài cái thức. Lúc thấy và hiểu như vậy, thầy khỏi bị lầm lạc mê sa sự vui sướng theo ngũ quan, khỏi luân hồi và không còn vô minh nữa. Khi được giải thoát, thầy biết rằng thầy được giải thoát, là không còn phải sanh ra nữa. Như thế mới nên nói thầy đó được rửa lòng trong sạch vậy.

·        Phật giải về cái thân trược

Ananda này! Biết được cái thân trược là thế nào? Đây, Ananda này! Thầy Sa-môn phải suy xét cái thân bọc trong da chứa đầy những sự dơ, từ bàn chân lên chi trên, từ đầu và chân lông cho tới dưới như vầy:

Trong thân mình có những: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy xương, cật, tim, gan, mũi, đàm, lá lách, phổi, ruột già, ruột non, bao tử, phẩn, màng bao ruột, mật, mủ, máu, mồ hôi, mỡ đặc, mỡ lỏng, nước mắt, nước miếng, nước tiểu, nhớt, óc, cả thảy đều là trược cả.

Ananda này! Thầy Sa-môn phải bền chí gẫm xét về thể trược trong cái thân như vậy. Đó, Ananda này! Như Lai gọi là biết cái thân trược.

·        Phật giải về cái khổ

Ananda này! Biết được cái khổ là thế nào? Đây, Ananda này! Thầy Sa-môn phải tham thiền như vầy:

Thầy phải bị nhiều điều khổ, bởi cái thân này, phải chịu nhiều điều rất khổ vậy. Có nhiều chứng bịnh xảy ra trong cái thân như thế này: đau mắt, đau tai, đau mũi, đau lưỡi, đau mình, nhức đầu, đau lỗ tai, đau miệng, đau răng, ho, suyễn, khạc đàm, nóng lạnh, đau bụng, bị máu xâm, đau kiết, hồi hộp, đau thiên thời, cùi, nhọt, ho lao, kinh phong, rát da, gàu, ngứa, ghẻ ngứa, tiểu có chất ngọt, đau vai, trái, đau trĩ, đau ruột, cảm, bịnh sanh bởi tật, bịnh sanh do quả báo sớm, bệnh đói, ăn không biết no, bệnh hay khát nước, bệnh tả v.v…

Ananda này! Đó là những chứng bịnh trong cái thân mà thầy Sa-môn phải hằng gẫm xét. Ananda này! Ấy, Như Lai gọ là biết cái khổ vậy.

·        Phật giải về sự dứt bỏ

Ananda này! Biết sự dứt bỏ là thế nào?

Ananda này! Bao giờ nảy sanh ra ý tưởng, thương yêu, ham muốn sự tìm quấy (tội quấy), thầy Sa-môn không nên nghĩ tới nó nữa, phải dứt bỏ nó liền, làm cho nó tan mất và diệt tận nó, không nên cho nó sanh ra được nữa.

Khi nó nóng giận, thầy đừng nghĩ tới nó, phải dứt bỏ nó liền, làm cho nó tan mất và diệt tận nó, chớ cho nó sanh ra được nữa.

Mỗi khi nghĩ tới điều tội lỗi, nghịch hẳn với lẽ đạo, thầy không nên tưởng nó, phải dứt bỏ nó liền, làm cho nó tan mất và diệt tận nó, chớ cho nó sanh ra nữa.

Đó, Ananda này! Như Lai gọi là biết được sự dứt bỏ vậy.

·        Phật giải về cái vô ngã

Ananda này! Biết được cái vô ngã là thế nào? Đây, Ananda này! Thầy Sa-môn phải gẫm xét như vầy: Mắt chẳng phải là ta, sắc chẳng phải là ta, tai chẳng phải là ta, tiếng nghe chẳng phải là ta, lưỡi chẳng phải là ta, vị chẳng phải là ta, mũi chẳng phải là ta, mùi chẳng phải là ta, thân chẳng phải là ta, sự đụng chạm chẳng phải là ta, ý chẳng phải là ta, pháp chẳng phải là ta.

Ananda này! Thầy Sa-môn phải suy xét về lục căn và lục trần như vậy. Đó Ananda này! Như Lai gọi là biết được cái vô ngã vậy.

·        Toát yếu

Đức Phật dạy các đệ tử phải xem xét việc làm, lời nói và ý tưởng cho nhặt nhiệm nếu không sự tu hành khó bề tiến hóa.

Ở nơi vắng vẻ, người tu được tránh khỏi những điều trở ngại và sự lo âu. Người ẩn tu có thể làm tròn phận sự hơn người tu ở chùa. Sự tự trị là một điều rất cần ích để cho tinh thần được mau tấn hóa.

Bốn điều nghịch làm trở ngại trong việc tu hành là: tội lỗi, xu hướng theo bạn dữ, lo lắng để nuôi sống, không được tự trị. Vì thế, nhà Tăng lập ra để giảm bớt các điều khó khăn ấy. Sự bình đẳng bề ngoài trong nhà Tăng là: tăng chúng phải “đầu tròn y vuông”. Luật buộc mỗi thầy phải có ba manh y, không hơn mà cũng không thiếu. Ngoài ra mỗi vị được thêm một cái bình bát, một sợi dây nịt lưng, một con dao cạo, kim, chỉ và miếng vải lọc nước. Luật cấm không cho các thầy để dành đồ ăn dư, nghĩa là vật thực xin ngày nay, không nên để qua ngày mai. Phật có nói với ông Ananda như vầy: Ananda này! Các ngươi chẳng nên lo về sự kính trọng Xá-Lợi của Như-Lai. Các ngươi chỉ chuyên cần tu hành cho được tấn phát. Đã có bực sang cả: vua, quan, Bà-la-môn và các nhà tâm đạo sẵn lòng tôn trọng Như Lai; để cho họ đưa đám và thờ cúng hài cốt Như Lai. Sự giải thoát chẳng phải ở dạng bề ngoài, nó ở trong tâm người vậy. Sự mê tín là tin nhờ có pháp chi ở ngoài cứu giúp cho là điều rất vô ích và thêm nguy hiểm nữa.

Cái chi không được bền vững lâu đều là khổ. Con người bị khổ là vì sự vật không được chắc chắn. Thân ta đây hay ngoài nó ra cũng vậy, có cái chi hòa hiệp mà không chia lìa chăng? Người thường, ít hay để ý suy nghĩ đến sự mau tiêu hủy của cuộc thế, họ cứ vui đâu theo đó. Họ hằng bị tử thần rình bắt luôn, như thế, họ nào có được an vui lâu dài. Ma vương nghịch hẳn với chơn lý, nó thích thinh âm và sắc tướng. Nó hằng tưởng rằng: cái này là của ta, cái này là ta. Nó bắt giữ con người tại cái tâm thức. Các sự hành động của ngũ quan và cái chi để nuôi sắc thân đều bị mắc vào tay Ma vương hết. Thầy tỳ-khưu nào theo bên, nắm chéo y Như Lai mà lòng xa Như Lai, Như Lai cũng xa thầy vậy. Vì sao? Bởi thầy không thấy Pháp tức là không thấy Như Lai vậy.

Phật chan chứa lòng từ bi với tất cả chúng sanh, nên Ngài đã chỉ con đàng đi để diệt cái khổ. Nhưng Ngài để cho con người tự mình ân cần, lo lắng mà giải thoát lấy. Ngài nói: các ngươi ráng hết lòng chuyên cần lấy. Như Lai chỉ biết khuyên bảo thôi. Cái quấy của người làm người phải chịu lấy, cái tội mà người tránh khỏi, người tự được trong sạch. Cái lành và cái dữ, sanh ra chẳng phải tại việc làm mà tại cái ý muốn.

Ông Mục-Kiền-Liên có hỏi đức Xá-Lợi-Phất: sư huynh ôi! Tội, tội, cái tiếng tội ấy nghĩa là gì?

  • Đó là cái tên của cái ý ác.

Việc làm có tội là từ khi người cố ý làm và thừa nhận. Sự vui sướng mà thành tội là từ khi nó còn ở trong cái ý tưởng ham muốn. Lúc nào người định làm điều ác, người đã mang tội rồi, không cần đã làm hay chưa làm. Sự ăn năn không cũng không đủ trừ tội, phải làm lành thêm nữa, làm lành nhiều hơn cái lỗi mới được.

Một vị Bồ-tát muốn rửa khỏi tội lỗi đã phạm, Ngài phải làm theo bốn điều này: tự cáo lỗi mình, làm lành để đền tội, hết lòng dứt bỏ, theo phép nương nhờ. Tự cáo lỗi mình là hết lòng ăn năn; đền tội là quyết chí làm việc nhân đức; dứt bỏ là nhất tâm sám hối, răn mình theo giới luật; phép nương nhờ là quy y Tam bảo.

Bởi nguồn cội cái lỗi ở trong tâm, nên cái sở hành cũng phải ở trong tâm. Sự trì chí là cái máy phép để làm lành, nó ở trong cái đức tin, nó là điều rất cần ích cho giới, định, tuệ. Lúc mới vào đạo, người tu phải có chí khí trong lời nguyện như vầy: nếu tôi không hết lòng trì chí, tu hành cho đến khi đạt được mục đích, tôi nguyện cho thân này (da, thịt, gân, cốt, máu) đều bị khô héo.

Thế nào gọi là kiềm chế ngũ quan? Như gặp sắc tốt phải tưởng rằng: cái sắc tốt này nó xúi giục ta phải chịu nhiều điều khổ não, ta nên sanh lòng gớm ghê. Khi thấy vật chi không vừa lòng nên nói thầm: ta không nên gớm những vật đáng ghê, thì ta mới không gớm ghê. Ái ôi! Ta biết ngươi từ đâu mà sanh, ngươi sanh từ cái muốn. Nhưng ta không muốn cho ngươi sanh, thì ngươi không được sanh ở nơi tâm ta vậy.

Muốn cho được, như thế phải luyện tập và xem xét cái trí nhớ cho nhặt nhiệm và hết lòng gìn giữ lục căn. Như vậy, sự chăm chỉ, cẩn thận là điều cần thiết mà ông thầy nên khuyên đệ tử phải cho có. Nó lại hơn cái hạnh từ bi nữa, nó là gốc của cái nền đạo đức vậy.

Tỳ-khưu phải thường quán sát luôn đến sự hành động của thân, khẩu, ý hằng vững vàng, chăm chỉ, cũng không lòng ham muốn và than trách như kẻ thế. Có sự chăm chỉ là khi nào làm chủ được ngũ quan và một lòng theo chân lý. Phải chăm lo để ngăn ngừa cái trí nhớ không cho lầm lạc ra ngoài đường đạo. Tỳ-khưu nào ỷ mình được tiến hóa, không hết lòng chú ý trong việc hành đạo sẽ bị nguy to.

Người nào còn ở tại gia là chưa dứt ái tình. Có một vị hoàng tử Thích-ca bạch với Phật như vầy: tôi suốt thông đạo lý, nhưng không rõ vì sao tôi hằng bị cái tham, sân, si phá rối luôn? Phật đáp: đó là tại ngươi chưa dứt được cái tánh nến xấu xa, tội lỗi. Nếu đã dứt xong, người không còn ở trong nhà được và chẳng còn ăn uống theo ý thích ngươi nữa.

Được định trí là nhờ sự dứt bỏ, chớ ở chốn phồn hoa thì không thế nào có sự an lạc được. Cần phải tránh xa năm điều vui sướng này, nó làm cho tinh thần chậm tiến hóa: vui theo thế sự, nói nhiều, ngủ nhiều, có nhiều việc, hay chiều theo việc nhỏ nhặt và sự xảy đến bất kỳ.

Tỳ-khưu muốn được thanh tịnh, cần phải thọ thực trong nơi vắng vẻ, nếu ở chốn tịch mịch thì cảnh ấy cho phù hạp với phép tham thiền. Phải chọn nơi nào không xa lắm và cũng không gần làng xóm lắm, cho dễ bề khất thực, có nước trong, có cây lá, xa thú dữ và được hưởng cảnh êm đềm.

Muốn cho kẻ học đạo có sự vui theo lẽ chánh, Phật hằng khuyên đệ tử phải gìn giữ giới luật và có lòng từ bi ác ái, trì chí với sự hoan hỷ theo lẽ đạo.

Thế nào là hành đạo cho mau được kết quả? Là tỳ khưu phải tránh sự khổ hạnh và nên vui theo lẽ phải.

Khi người tu gặp kẻ dữ, không nên có ý tưởng ghen ghét hay quở trách kẻ đó. Đã không xử đoán mà lại phải tỏ lòng muốn khuyến dụ người tội lỗi đó.

Tỳ-khưu có đạo đức là khi được đắc giới-định-huệ, không nên gọi mình là đủ và khinh rẻ đi, cũng không khoe mình mà phải hằng hết lòng tinh tấn tu hành cho công đức càng thêm cao thượng nữa.

Sự nặng nề của con chim chỉ có cặp cánh của nó, nên nó được thong thả, muốn bay đi đâu cũng chỉ có bấy nhiêu thôi. Cũng như thầy tỳ-khưu được no ấm chỉ nhờ có ba manh y và cơm của kẻ tâm đạo. Đi đến đâu chỉ có tam y và cái bình bát. Ai cho cùng không, gặp cảnh khổ cùng vui với sự khen chê, sang hèn, sanh tử với kẻ nghịch cùng bạn lành, thầy cũng vẫn tự do thơ thới và không lòng tật đố cùng quở trách ai.

Phật dạy con người phải hết lòng gìn giữ lấy mình luôn luôn, để ngăn ngừa các điều ác trong kiếp hiện tại và vị lai. Bởi cái phước hay cái tội sanh ra do cái nhân lành hoặc dữ, chắc như vậy. Số mạng con người trong kiếp này (tội lỗi, tật bịnh, dốt nát, yếu đuối, ốm đau) đều tại con người đã làm ra cả, vậy người nên trông cậy nơi mình, vì các sự khổ đều do tội lỗi sanh ra.

Rất hữu phước cho những người được ở nơi vắng vẻ, được phỉ chí, nghe và thấy chơn lý. Rất hữu phước cho những người không lòng độc ác, không làm hại loài động vật. Rất hữu phước cho những người đã được dứt bỏ tình quyến luyến, việc trần thế và trừ được lòng tham muốn. Những người không lòng ngã chấp (là chấp cái ta) mới thật là hạnh phúc tối cao.

Biết được rằng không có cái ta, các bậc tu Phật cho đó là nguồn cội của cái quả phước vô lượng vậy. Nó là cái giáp sắt để ngừa tất cả tội lỗi và sự kinh hãi xảy đến.

Bao giờ biết rằng: chẳng có cái chi là ta, cũng chẳng có cái chi là của ta, với những vật gì cùng với người nào, mình cũng không có lòng yêu dấu và ghen ghét hay sợ hãi, khi ấy mới gọi là đạt được mục đích cứu cánh thoát ly sinh tử, luân hồi, chứng quả vô sanh bất diệt.

·        Niết-bàn

Phật nói cho ông Purna nghe như vầy: nhờ cái biết nên Như Lai mới thấu lẽ hư không của ngũ uẩn, Như Lai mới không còn nhiễm bụi trần nữa. Như Lai chỉ tìm sự cần ích. Như Lai sẽ diệt độ.

Có thầy Bà-la-môn hỏi đức Xá-Lợi-Phất rằng:

  • Niết-bàn, Niết-bàn, các ống cứ nói Niết-bàn hoài. Vậy Niết-bàn là gì đây?
  • Là dứt tham, sân, si thầy ôi! Đó gọi là Niết-bàn vậy.
  • Thánh, Thánh, các ông cứ nói Thánh, Thánh hoài, vậy Thánh là thế nào?
  • Là dứt tham, sân, si thầy ôi! Đó gọi là Thánh vậy.

·        Lời dặn

Phật có dạy: những kẻ có tâm đạo như có nghe hoặc xem kinh, hay nghe xem rồi phải nhớ vào lòng để suy xét cho thấu lẽ đạo mới có đức tin, có tin chắc mới có sự mong tới, chăm chỉ, có định và tuệ rồi mới có giải thoát.

Vậy mình nên dùng hết trí tuệ để suy gẫm những lời Phật đã giáo truyền. Phải suy đi xét lại cho nhiều lần mới được thông suốt ý nghĩa lý trong mỗi bài giảng cho ăn sâu vào trong trí thì nhập định mới mau cho kết quả. Bằng chưa chịu tin, tâm hay phóng, tâm phóng thì không đại định được, đại định không xong mong gì phát tuệ.

Thái tử Sĩ-Đạt-Ta xưa kia, trước khi nhập định Ngài hằng xét về: cái vô thường, cái khổ não, cái vô ngã rồi Ngài mới nhập định theo số tức quan. Các bậc A-lan-hán trước kia cũng nhờ tưởng gẫm thấu lẽ Phật ngôn, rồi nhập định mới được nên quả vị.

Vậy, chẳng nên xem qua một đôi lượt rồi thôi mà gọi rằng đủ. Phải quán tưởng cho tột lẽ, bài nào hiệp ý mình nên đem ra suy nghĩ một, hai tháng cho thâm thúy rồi sẽ xét tới bài khác. Xin các bậc có đạo tâm nên lưu ý đến.

Lê Văn Giảng

 

 

 

PHẬT NGÔN

·        Dhammapada Khuddakanikāya

  1. Appamādañca medhāvī dhammaṃ seṭṭhaṃva rakkhati: bậc trí tuệ hằng duy trì sự không cẩu thả, như người giữ của báu vậy.
  2. Appamādarato hotha: các ngươi nên ưa thích trong sự không cẩu thả.
  3. Suddhi asuddhi paccataṃ nāñño aññaṃ visodhaye: sự trong sạch và không trong sạch là do lòng mình, kẻ khác khiến tha nhân cho trong sạch không được.
  4. Khanti paramaṃ ṭato ṭītikkhā: nhẫn nại tức là sự nhịn nín, là pháp thiêu hủy tuyệt luân các ác pháp.
  5. Sacittamanurakkhatha: các ngươi hãy theo giữ cái tâm của mình.
  6. Attanova avekkheyya katāni akatānica: phải chỉ nên chú ý xem công việc mình đã làm hoặc chưa làm.
  7. Dhammapīti sukhaṃ seti: người có phỉ lạc trong Pháp, thường ngủ được vui.
  8. Dhammacārī sukhaṃ seti: người hành đúng lý, thường ngủ được vui.
  9. Nahi pabbajito patūpaghāti samano hoti param vihethayanto: bậc xuất gia mà còn sát sanh, làm phiền, đè ép kẻ khác không gọi là Sa-môn đâu.
  10. Hirinisedho puriso koci lokasmiṃ vijjati: người phòng ngừa bằng sự hổ thẹn, ít có trong đời.
  11. Nahi verena verāni sammantidha kudācanaṃ: bất kỳ vào giờ nào, các thù hận chẳng yên lặng bằng sự oán giận được.
  12. Jayaṃ veraṃ pasavati: người thắng thường gây ra thù hận.
  13. Dukkhaṃ seti parājito: người bại hằng ngủ chịu khổ.
  14. Natthi santiparaṃ sukhaṃ: cái vui ngoài cái “tâm” yên lặng chẳng có đâu.
  15. Akkodhena jine kodhaṃ: phải thắng cái giận bằng sự không giận.
  16. Asādhuṃ sādhunā jine: phải thắng cái xấu bằng sự tốt.
  17. Jine kadapikaṃ dānena: phải thắng sự bón rít bằng sự cho.
  18. Saccenālikavādinaṃ jine: phải thắng kẻ nói dối bằng lời ngay thật.
  19. Natthi loke anindito: người không bị khiển trách, chẳng có trong đời.
  20. Danto seṭṭho manussesu: giữa đời, người đã được tự hóa, là kẻ cao quý hơn hết.
  21. Suddasaṃ vajjapannesaṃ attano pana duddasaṃ: người hay xem lỗi kẻ khác khó thấy tội mình.
  22. Sabbādanaṃ dhammadānaṃ jināti: thí Pháp thắng tất cả sự thí.
  23. Sabbarasaṃ dhammaraso jināti: vị của Pháp, tự nhiên thắng tất cả vị.
  24. Sabbarataṃ dhammarati jināti: hoan hỷ Pháp, thắng tất cả sự hoan hỷ.
  25. Taṇhakkhayo sabbadukkhaṃ jināti: sự phá hủy ái dục, thắng tất cả thống khổ.
  26. Hananti bhogā dummedhaṃ: tài sản hằng giết người vô trí tuệ.
  27. Tathattānaṃ niveseyya yathāyaṃ bhūri pavattati: trí tuệ tăng trưởng bằng cách nào, phải chú tâm bằng cách đó.
  28. Sukhā saddhā patiṭṭhitā: đức tin củng cố vững chắc rồi, thường đem đến sự an vui.
  29. Sukhaṃ yāvajarā sīlaṃ: giới cho hạnh phúc đến già.
  30. Adassanena bālānaṃ niccameva sukhi siya: người thường được sự vui, do không gặp kẻ ác (bāla).
  31. Natthi akāriyaṃ pāpaṃ musavadissa jantuno: người năng nói dối, không làm nghiệp ác không được (tức hay làm nghiệp dữ).
  32. Dhīro ca sukhasamvāso nātinamvā samāgamo: sự ngụ chung với bậc trí tuệ, tự nhiên, cho sanh hạnh phúc, như được hội họp với gia quyến.

·        Sagāthavagga saṃyuttanikāya

  1. Puññaṃ corehi dūharaṃ: bọn cướp khó cưỡng đoạt được cái phước.
  2. Yādisaṃ vappate bījaṃ tādisaṃ labhate phalaṃ: người gieo giống nào, tự nhiên hái quả ấy.
  3. Etaṃ bhayaṃ maraṇe pekkhāmāno puññanī kayirātha sukhāvahāni: khi người xem thấy sự kinh sợ trong cái chết, nên làm việc phước là nguyên nhân đem đến hạnh phúc.
  4. Yato yato ca pāpakaṃ tato tato mano nivāraye: tội sanh từ cảnh giới nào, phải ngăn cái tâm ra khỏi cảnh giới đó.
  5. Lobho dhammānaṃ panipaniho: sự tham đem những mối hiểm nghèo đến các Pháp.
  6. Attānance piyaṃ jañña na naṃ pāpena saṃyuje: nếu biết rằng ta là nơi thương yêu vừa lòng của ta, thì chẳng nên làm việc dữ.
  7. Dhammo suciṇṇo sukhamāvahāti: Pháp mà người đã hành đúng rồi, tự nhiên nó đem đến sự vui.
  8. Icchaṃ naraṃ parikassati: lòng nguyện vọng hằng dắt dẫn nhân loại.
  9. Itthi malaṃ brahmacariyassa: phụ nữ là dơ bẩn của Phạm hạnh.
  10. Natthi attasamaṃ pemaṃ: sựu thương yêu (cái chi) không bằng thương mình.
  11. Pannājīvī jivitamāhu setthaṃ: các bậc trí tuệ thường nói rằng sinh mạng của người tồn tại bằng trí tuệ, là sinh mạng cao quý.
  12. Paññāya parisujjhati: người trở nên tinh khiết được do trí tuệ.
  13. Sussūsaṃ labhate paññaṃ: chỉ nên nói lời chân thành.
  14. Viriyena dukkhamacceti: người thoát ly cái khổ được do sự tinh tấn.
  15. Saddhā sādhu patithitā: đức tin đã củng cố rồi, hằng khiến lợi ích được kết quả.
  16. Saddhīdha vittaṃ purisassa setthaṃ: đức tin là của báu của người đời.
  17. Saccena kittiṃ pappoti: người đạt đến danh vọng bằng lời chân thật.
  18. Sacce atthe ca dhamme ca ahu santo patitthitā: các bậc tịnh giả thường củng cố trong lời chơn thật theo pháp và lý.
  19. Satimato sadā bhaddhaṃ: sự tiến hóa hằng có đến người có trí nhớ luôn luôn.
  20. Sabbhireva samāsetha: chỉ nên giao thiệp với bậc tịnh giả.

·        Uddhāna khuddakanikāya

  1. Sukho viveko tutthassa = “viveka”: tức là sự ở ẩn của người tri túc đem đến sự vui.
  2. Abyāpajjhaṃ sukhaṃ loke: lòng không oán ghét, ác cảm là vui trong đời.
  3. Saṃvohārena soceyyaṃ veditabbaṃ: nên biết rõ cái tính trong sạch bằng công việc.
  4. Āpadāsu thāmo veditabbo: người nên biết rõ tâm lực trong khi nguy hiểm.
  5. Sākacchāya paññā veditabbā: người nên biết rõ trí tuệ bằng sự biện luận.
  6. Saṃvāsena sīlaṃ veditabbaṃ: người nên biết rõ giới bằng sự ở chung nhau.
  7. Saññamati veraṃ na pīyati: người tự nhiên, không nên chất chứa mối thù hận.

·        Suttanipāta khuddakanikāya

  1. Dhammakāmo bhavaṃ hoti: người mong mỏi Pháp, tự nhiên, có sự tấn hóa.

·        Suttamanta (pakavatta)

  1. Khantī dhīrassa laṅkāro: đức nhẫn nại là laṅkāra của hàng trí tuệ.
  2. Khantī balavaṃ yatīnaṃ: đức kiên nhẫn là sức mạnh của bậc xuất gia.
  3. Khantī hitasukhāvahā: sự bền chí hằng đem đến những lợi ích tức là hạnh phúc.
  4. Manāpo hoti khantīko: người có đức kiên tâm là nơi vừa lòng (của kẻ khác).

·        Mahāvibhaṅga vinayapitaka

  1. Na taṃ yā ce assa piyaṃ jitiṃse: không nên xin vật vừa lòng của người.

·        Maṅgalatthadīpani

  1. Nānayaṃ nayati dhīro: người có trí tuệ, tự nhiên, không dẫn dắt trong việc không nên.

·        Temiyajāṭaka

  1. Sabbattha pūjito hoti yo mitānaṃ na dubbhati: người không phản bạn, thường được tôn kính cúng dường trong các nơi.
  2. Pūjako labhate pūjaṃ: người tôn kính cúng dường thường được tôn kính cúng dường.

·        Aṭṭhakanipāta jātaka

  1. Anuvicca paññāya kareyya kiccaṃ: nên quan sát bằng trí tuệ trước rồi mới nên làm công việc.

·        Atthakanipāta aṅguttaranikāya

  1. Ujjhattibalā balā: những người si mê hay nhìn lỗi kẻ khác.
  2. Nijjhattibalā paṇḍitā: những bậc hiền minh không hay nhìn xem lỗi của kẻ khác.
  3. Attanujjhattibalā paṇḍitā: bậc trí tuệ hay nhìn xem lỗi mình.
  4. Sampannappaññe sevetha: nên giao thiệp với hàng có trí tuệ đầy đủ.

·        Sattakanipāta jaṭaka

  1. Ubhinnamatthaṃ carati attano ca parassa ca: bậc hiền minh làm cả hai lợi ích, lợi ích của mình và lợi ích của kẻ khác.
  2. Jātiṃ kayirā avihethayaṃ paraṃ: nên hành cho phát triển bằng sự không làm phiền kẻ khác.
  3. Yattha verīnivasati na vase tattha paṇḍito: người có sự oán hận ở trong nơi nào, bậc hiền minh không nên ngụ trong nơi đó.
  4. Kareyya vākyaṃ anukampakānaṃ: nên làm theo lời của người thương xót mình.
  5. Kodho dummedhagocaro: khí giận là cái thích hợp của kẻ vô trí tuệ.
  6. Dhammo have rakkhati dhammacāriṃ chattaṃ mahantaṃ viyavassakāle: theo sự thật, pháp tự nhiên hộ trì người hành chánh pháp, như cây dầu to trong mùa mưa vậy.
  7. Manussapheggu nālide yasmiṃ natthi kataññutā: lòng biết ơn không có trong kẻ nào, không nên gần người đó, là người vô giá trị.

·        Ekanipāta jātaka

  1. Ekeva seyyo puriso sappañño yo bhāsitassa vijānati atthaṃ: người có trí tuệ chỉ một mình hiểu rõ nghĩa lý phật ngôn cũng là cao quý quá.
  2. Mokkho kalyāṇinā sādhu: sự thốt lời lành khiến cho lợi ích được kết quả.
  3. Telapattaṃ yathā parihareyya evaṃ sacitta manurakkhe satiyā: người nào nên bảo vệ cái bát đầy dầu thế nào, cần phải giữ gìn cái tâm của mình bằng trí tuệ như thế đó.
  4. Na vissase avissaṭṭhe: chẳng nên thân thiết với người không thân thiết.
  5. Mantīsu akutūhalam: trong sự bàn bạc phải cần người không nói nhảm.
  6. Mānuññameva bāhāseyya: chỉ nên nói lời êm dịu vui thích.
  7. Nāmanuññaṃ kudācānam: bất kỳ vào giờ nào, cũng chẳng nên thốt lời không hoan hỷ.

·        Uparipaṇṇāsaka majjhimanikāya

  1. Adītam nānvāgameyya: chẳng nên suy nghĩ theo cảnh giới đã qua rồi.
  2. Kammaṃ satte vibhajati yadidaṃ hīnappaṇītatāya: cái nghiệp phân hạng chúng sinh thấp hèn và cao sang (khác nhau).
  3. Santimeva sikkheyya: chỉ nên thực hành sự yên lặng.

·        Dukkanipāta jātaka

  1. Attappasaṃsako poso na yaṃ asmāka vuccati: chúng ta đừng vừa ý người tự ca tụng mình.
  2. Kareyya yogaṃ dhuvamappamato: người không cẩu thả nên cố gắng liên tiếp.
  3. Kālo ghasati bhūtāni sabbāneva sahattanā: thì giờ hằng tàn phá tất cả chúng sanh và ta.
  4. Caturāgatigamanaṃ nappasaṃsanti paṇditā: các bậc hiền minh thường không ca tụng sự đeo đuổi theo bên pháp tây vị.
  5. Mā kodhassa vasaṃ gami: đừng đuổi theo thế lực của sự giận.
  6. Sukho have sappurisenā saṅgaho: sự gặp gỡ bậc tịnh giả thường đem đến sự yên vui thật.

·        Mahāvagga dīghanikāya

  1. Indriyāni rakkhanti piṇditā: những bậc hiền minh hằng gìn giữ các căn (nhãn, nhĩ, v.v…)

·        Mahāpariuibbānasūtra dīghanikāya mahāvagga

  1. Atthaṅgiko ca maggānaṃ khemaṃ apatagāminaṃ: trong các đạo, đạo bát chánh là đạo an ninh, là nguyên nhân đến bất diệt pháp.
  2. Appañcidaṃ jīvitamāhu dhīrā: các bậc trí tuệ thốt rằng sinh mạng này mỏng manh lắm.
  3. Kāmehi lokamhi nahatthi titti: sự thỏa mãn bằng ngũ dục chẳng có trong đời.
  4. Pāpāni kammāni karonti mohā: chúng nhân thường tạo ác nghiệp vì lòng si mê.
  5. Puññamākaṇkhamānānaṃ saṅgho ve yajataṃ nukhaṃ: tăng lữ đó là bậc nhất của chúng nhân, những người mong mỏi hạnh phúc nên dẫn nhau cúng dường.
  6. Cite asaṃkiliṭṭhe sugati pāṭikaṅkhā: khi cái tâm không phiền não rồi nên hy vọng tình trạng hạnh phúc.
  7. Cite saṅkilitthe dukkhati pātikaṅkhā: khi cái tâm dơ bẩn rồi, nên tin rằng là khu vực khổ sở.

·        Sattakanipāta anguttatanikāya

  1. Atta hi paramaṃ piyo: cái ta đó là nơi thương yêu vừa lòng xuất chúng.
  2. Kodhano dubbaṇṇo hoti: người hay càu nhàu thường có màu da xấu xa.
  3. Kuddho dhammaṃ na passati: người giận hằng không thấy Pháp.

·        Dasakanipāta anguttaranikāya

  1. Pariyodapeyya attānaṃ cittaklesehi panḍito: bậc hiền minh nên thanh khiết khỏi sự dơ bẩn của cái tâm.

·        Ekadasakanipāta anguttaranikaya

  1. Amanussānaṃ piyo hoti: người hành pháp bác ái, thường là nơi yêu mến của chúng sanh và phi nhơn.
  2. Asammuḷho kālaṃ karoti: người hành pháp bác ái thường không bối rối trong khi hấp hối.
  3. Tuvaṭaṃ cittaṃ samādhiyati: tâm của người hành pháp bác ái thường mau đắc thiền định.
  4. Devatā rakkhanti: chư thiên hằng hộ trì người hành pháp bác ái.
  5. Na pāpikaṃ supinaṃ passati: người hành pháp bác ái, tự nhiên không nằm mộng thấy điều ác.
  6. Manussānaṃ piyo hoti: người hành pháp bác ái, tự nhiên là nơi thương mến của chúng nhân.
  7. Mukhaṃ vaṇṇo pasidati: sắc mặt của người hành pháp bác ái, tự nhiên sáng sủa.
  8. Sukhaṃ supati: người hành pháp bác ái, tự nhiên ngủ cũng vui.
  9. Sukhaṃ paṭibujjhati: người hành pháp bác ái, tự nhiên thức dậy cũng vui.
  10. Nassa aggi vā visaṃ vā satthaṃ kamati: lửa hoặc thuốc độc hay vũ khí, tự nhiên không hại được người hành pháp bác ái.
  11. Uttariṃ appativijjha brahmalokūpago hoti: người hành pháp bác ái, nếu chưa đắc đạo cũng sanh trong cõi Phạm thiên.

·        Pañcakanipāta anguttarakāyā

  1. Aggassa dātā labhate punaggaṃ: người thí vật tối cao hằng được vật tối cao trả lại.
  2. Dhamme ṭhitaṃ na vijahāti kiṭṭi: danh vọng, tự nhiên không từ bỏ người có tánh kiên cố trong pháp.
  3. Puññāni paralokasmiṃ patiṭṭhā honti pāṇinaṃ: phước là nơi nương nhờ của chúng sanh trong ngày vị lai.
  4. Manāpadāyi labhate maṇāpaṃ: người cho vật vừa lòng, tự nhiên được vật vừa lòng.
  5. Sukhassa dātā medhāvī sukhaṃ so ādhigacchati: bậc trí tuệ cho sự hạnh phúc (đến kẻ khác), ngài, tự nhiên được thọ lãnh cái vui trả lại.
  6. Setthandado setthamupeti thānaṃ: người thí vật cao quý, tự nhiên vào đến nơi cao quý.

·        Chakkanipāta jāṭaka

  1. Candanādinaṃ gandhānaṃ sīlagangho anuttaro: trong các mùi thơm, nhứt là trầm hương, thì giới hương cao quý hơn hết.
  2. Dhīro bhoge adhigammā sanganhāti ca nātake: bậc trí tuệ có tài sản, hằng đối đãi tử tế với thân quyến.
  3. Mā tāta kujjhi nahi sādhu kodho: người đừng giận ghét vì khí sân không tốt đâu.

·        Navakanipāta jātaka

  1. Na ghāsahetūpi kareyya pāpaṃ: chẳng nên làm tội chỉ vì nguyên nhân ăn.
  2. Attano uttariṃ bhajetha: nên giao thiệp với người cao quý hơn mình.
  3. Natthi loke raho nāma: việc kín đáo chẳng có trong đời.
  4. Nihīyati puriso nihīnasevī: người giao thiệp với kẻ thấp hèn, tự nhiên phải sa ngã.

·        Pakinnaka subhāsita

  1. Nisamma karaṇaṃ seyyo: quán tưởng rồi mới làm, cao thượng hơn.
  2. Lokopatthambhitā mettā: bác ái là pháp nâng đỡ đời.
  3. Arati lokanāsikā: sự gớm ghét (không ưa thích) khiến cho đời tiêu hủy.
  4. Sammukhā yā disaṃ ciṇṇnaṃ parammukhāpi tādisaṃ: đối diện thực hành thế nào, dầu khuất mặt cũng phải thực tiễn như thế đó.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app