Tương Quan Thứ Năm
Do Lục Nhập Làm Điều Kiện, Xúc Sanh Khởi (Salāyatanam-paccayā phasso = Lục Nhập Duyên Xúc)
Tương quan thứ năm trong Mười Hai Nhân Duyên liên hệ đến Lục Nhập và Xúc có công thức là “Do Lục Nhập làm điều kiện, Xúc sanh khởi.”
Trong tương quan trước, Lục Nhập là sáu nội căn (ajjhattikāyatana) như nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn. Nhưng trong tương quan này có hai quan điểm về Lục Nhập. Một số Pháp Sư nói rằng vì Mười Hai Nhân Duyên liên hệ đến chúng sanh hữu tình nên Lục Nhập chỉ là sáu nội căn. Tuy nhiên, một số Pháp Sư khác nói tuy Mười Hai Nhân Duyên đề cập đến chúng sanh hữu tình nhưng chúng sanh hữu tình là pháp hữu vi hay pháp do điều kiện tạo thành và điều kiện có thể ở ngoài hay ở trong. Do đó, theo quan điểm của họ, Lục Nhập bao gồm 12 căn tức là sáu nội căn và sáu ngoại căn (bahiddhāyatana) hay sáu căn và sáu trần. Sáu trần là sáu đối tượng tương ưng với sáu nội căn chẳng hạn như vật thấy được, âm thanh, mùi, vị, sự đụng chạm và các pháp. Và như vậy tương quan này tổng quát sẽ là “Do sáu căn và sáu trần làm điều kiện, Xúc sanh khởi”.
Xúc là gì? Tiếng Pali là phassa có nghĩa là tiếp xúc. Xúc là một trạng thái của tâm hay tâm sở (cetasika) riêng biệt. Xúc cùng với sáu tâm sở khác gồm thọ (vedanā), tưởng (sañña), tư hay ý muốn (cetanā), nhất tâm (ekaggata), mạng căn (jivita) và tác ý (manasikāra) luôn luôn có mặt với các loại tâm vương. Đặc tính của Xúc là tiếp xúc hay đụng chạm. Tuy nhiên, Xúc không thuộc về sắc pháp hay vật chất nhưng là về tâm hay danh pháp. Vì thế, Xúc thật sự không phải là đụng chạm theo ý nghĩa thông thường. Chẳng hạn, khi thấy đối tượng mạnh mẽ khiến quí vị bị ảnh hưởng thì đó là kết quả của Xúc.
Trong Kinh, các ví dụ về Xúc dựa theo cách biểu hiện của tiếp xúc hay đụng chạm. Ví dụ khi thấy một người đang ăn trái cây như xoài, miệng quí vị chảy nước miếng. Đó là tác dụng của Xúc. Khi thấy vật hay người bị hành hạ, ai có lòng bi mẫn sẽ đau lòng, đôi khi run sợ. Đó cũng là tác dụng của Xúc. Một người nhút nhát đứng trên mặt đất coi một người khác đang chú tâm giữ thăng bằng trên cành cây cao bỗng thấy đầu gối mình bị run rẩy. Đó là do tác dụng của Xúc. Khi coi xiệc thấy người diễn trò đi dây hay những người nhào lộn trên cao, ta cảm thấy hồi hộp trong tim. Đó cũng là tác dụng của Xúc. Khi thấy một điều kỳ dị kinh hoàng như ma hay thú dữ, chân như mất hết năng lực không thể nào di chuyển được nữa. Đó là kết quả của Xúc. Sư còn nhớ một tu viện dành riêng cho tăng ni tọa lạc trên một ngọn đồi gần giống như một khu rừng có nhiều beo ở Sagaing gần Mandalay. Ban đêm beo đến dòng sông uống nước và khi chó đánh mùi beo, chúng đứng bất động và trở thành mồi ngon cho beo. Đó là tác dụng của Xúc. Quí vị có thể tìm thêm nhiều thí dụ nữa về Xúc từ chính kinh nghiệm riêng của mình.
Hòa Thượng Thiền Sư Mahasi có giải thích về khác biệt giữa tâm vương (citta) và tâm sở (cetasika) Xúc. Tâm vương là nhận biết đơn thuần sự có mặt của đối tượng trong khi Xúc là kinh nghiệm đối tượng. Trong trường hợp thấy, tâm vương là nhãn thức. Đây là nhận biết đơn thuần về sự có mặt của đối tượng thấy được khi đối tượng này lọt vào tầm nhìn của mắt đang chú ý. Cùng sanh khởi với Nhãn Thức là kinh nghiệm rõ ràng về đối tượng thấy được và kinh nghiệm này theo cố Hòa Thượng chính là đặc tính của Xúc.
Xúc sanh khởi đồng thời với tâm vương có công năng đưa tâm vương hay thức và đối tượng lại với nhau để chúng ta có kinh nghiệm mạnh mẽ về đối tượng. Do đó, bất cứ khi nào nhận biết đối tượng, quí vị có thêm kinh nghiệm rõ ràng này chứ không phải chỉ thuần có tâm vương không mà thôi.
Trong thời gian hành thiền, nếu chú tâm khắn khít đề mục và có định tâm mạnh mẽ, quý vị có thể thấy Xúc. Khi có chánh niệm về đối tượng, quí vị thấy đối tượng rõ ràng và kinh nghiệm mạnh mẽ này về đối tượng chính là đặc tính của Xúc. Khi có cơn đau nơi cơ thể, quí vị ghi nhận và cơn đau trở nên rõ ràng, đó là Xúc. Đôi khi thiền sinh giật mình và sợ hãi vì một tiếng động yếu ớt như tiếng thằn lằn chẳng hạn, đó là tác dụng của Xúc. Các căn lúc đó rất nhạy có thể khám phá những đối tượng nhỏ nhoi hay vi tế. Chẳng hạn một tiếng động rất yếu ớt trở thành tiếng động lớn trong tâm khiến thiền sinh giật mình. Rất nhiều thiền sinh kinh nghiệm loại Xúc này.
Bây giờ chúng ta xem thử các điều kiện nào cần phải có để cho Xúc sanh khởi. Khi thấy một cái gì, có nghĩa là các điều kiện đã hội đủ cho sự thấy xảy ra. Các điều kiện này bao gồm mắt tốt, đối tượng có thể thấy được, chú tâm và nhận biết đơn thuần về sự có mặt của đối tượng tức là nhãn thức. Như vậy có ít nhất ba yếu tố: giác quan, đối tượng và thức. Khi ba yếu tố này gặp gỡ, Xúc sanh khởi để điều hợp chúng lại với nhau. Do đó, Xúc không chỉ là sự gặp gỡ của ba yếu tố này nhưng còn là một cái gì sanh lên từ sự gặp gỡ đó giống như ba trái banh đụng với nhau và tiếng động sanh ra. Vì thế, Xúc là một trạng thái tâm hay tâm sở riêng biệt sanh khởi dựa vào ba điều kiện vừa được đề cập.
Như thế, khi thấy đối tượng, tâm của quí vị như chạm vào đối tượng và kinh nghiệm rõ ràng đối tượng. Đó là đặc tánh (lakkhana) của Xúc. Công năng (rasa) của Xúc là đánh vào hay tạo sự gặp gỡ đối tượng. Mặc dầu Xúc không bám chặt vào một chỗ đặc biệt nào nơi đối tượng vì Xúc không thuộc sắc pháp nhưng nó đem Thức và đối tượng lại với nhau. Đôi khi công năng của Xúc được dùng để chỉ cho Xúc vì công năng của Xúc là tạo sự gặp gỡ của các điều kiện. Biểu hiện (paccupatthana) của Xúc chính là sự gặp gỡ hay là tính cách đồng thời của các yếu tố. Đây chính là kết quả của Xúc. Chẳng hạn hành giả thấy trong tâm có một cái gì sanh khởi từ sự gặp gỡ của ba yếu tố như nhãn căn, đối tượng thấy được và nhãn thức thì đó là biểu hiện của Xúc. Nguyên nhân kế cận (padathāna) của Xúc là đối tượng đã lọt vào sự tập trung của các căn như đối tượng nằm ngay tầm nhìn của mắt. Không có gì ngăn cản được Xúc sanh khởi một khi đối tượng đã được chú ý. Đây là lý do vì sao đối tượng được chú ý là nguyên nhân kế cận của Xúc.
Xúc là điều kiện cho cảm thọ (vedanā) sanh khởi. Xúc rõ rệt có thể là điều kiện cho cảm thọ mạnh mẽ sanh khởi và cảm thọ mạnh mẽ này có thể là điều kiện gây ra những nghiệp thiện hay bất thiện. Ví dụ, quí vị thấy và kinh nghiệm mạnh mẽ một vật và bị thu hút bởi vật đó. Trong trường hợp này, quý vị dính mắc vào đối tượng đến nỗi quí vị có thể làm điều sai lầm như cướp của hay sát sanh để được sở hữu đối tượng. Như vậy các điều bất thiện này bị điều kiện bởi Xúc. Ngược lại, khi quí vị ngắm nhìn và thấy rất rõ hình tượng Đức Phật và sanh khởi những tư tưởng thiện lành thì đó là tác dụng tốt đẹp của Xúc.
Vì thế, Xúc được ví như là con bò không da. Một con bò bị lột da sẽ là nơi côn trùng bám vào để cắn thịt. Bất cứ ở đâu con bò không da cũng bị các loài trùng chiếu cố đến. Vì vậy, con bò không thể nào tránh bị cắn dù ở trên cạn hay dưới nước. Tương tự như vậy, bất cứ lúc nào có Xúc sẽ có Thọ nên chúng ta sẽ không tránh khỏi cảm thọ nếu có Xúc sanh khởi. Vì thế, Xúc là nơi ở của cảm thọ nên được ví như là bò không da là nơi bám của các loài côn trùng.
Xúc có sáu loại: Nhãn Xúc là xúc sanh khởi với tâm thấy hay nhãn thức, Nhĩ Xúc là xúc sanh khởi với tâm nghe hay nhĩ thức, Tỉ Xúc là xúc sanh khởi với tâm ngửi hay tỉ thức, Thiệt Xúc là xúc sanh khởi với tâm nếm hay thiệt thức, Thân Xúc là xúc sanh khởi với tâm đụng hay thân thức, và Ý Xúc là xúc sanh khởi với ý thức.
Bây giờ chúng ta hãy xem như thế nào Xúc chịu điều kiện bởi các căn theo tương quan thứ năm “Do Lục Nhập làm điều kiện, Xúc sanh khởi”. Lấy sự thấy làm ví dụ. Khi chúng ta thấy một đối tượng, diễn trình của sự thấy xảy ra như thế nào? Trước khi thấy trong tâm hiện diện một loại tâm kết quả thụ động gọi là Hữu Phần hay Luồng Hộ Kiếp (bhavanga) có mục đích duy trì sự liên tục của dòng tâm thức. Thức Hữu Phần này sanh khởi liên tiếp trong suốt cuộc đời của chúng ta. Nó chỉ tạm dừng nghỉ khi chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng và nghĩ đến đối tượng. Sau đó, khi các tâm hay thức năng động này hoại diệt, hữu phần sanh khởi trở lại và tiếp tục như vậy. Chúng ta có thể gọi hữu phần là loại thức tiêu cực hay thụ động so với những loại thức tích cực hay năng động khác như nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức xảy ra trong đời sống của chúng ta.
Khi đối tượng thấy được (rupāramana) lọt vào thị trường hay tầm nhìn của mắt hoặc đối tượng đánh vào nhãn căn, nó cũng đánh vào hữu phần. Hữu phần bị rung chuyển trong hai khoảnh khắc rồi dừng nghỉ. Sau đó, một chập tâm hay thức sanh khởi hướng đến cửa mắt gọi là Nhãn Môn Hướng Tâm (cakkhudvārāvajjanacitta) để tìm xem đối tượng. Nhãn môn hướng tâm là một trong năm tâm hướng đến năm cửa giác quan gọi là Ngũ Môn Hướng Tâm (pañcadvārāvajjanacitta). Sau đó là Nhãn Thức (cakkhu viññana) hay tâm thấy tức là thức thuần nhận biết sự có mặt của đối tượng. Kế đến là chập tâm tiếp nhận đối tượng gọi là Tiếp Nhận Tâm (sampaticcana). Tiếp theo là chập tâm xem xét đối tượng gọi là Suy Đạc Tâm (santirana). Rồi theo sau là Quyết Định Tâm (votthabbana) xem thử đối tượng tốt hay xấu hoặc thực hay giả… Kế đến là Tốc Hành Tâm hay Luồng Xung Lực (javana) kinh nghiệm hoàn toàn đối tượng. Cuối cùng là Đăng Ký Tâm (tadarammana) theo sau tốc hành tâm để đăng ký đối tượng kinh nghiệm được vào tâm thức. Đó là tổng quát về diễn trình tâm (citta vithi) của sự thấy.
Chuyện gì xảy ra khi chúng ta thấy đối tượng? Thấy đối tượng có nghĩa là tâm thấy hay nhãn thức sanh khởi. Cùng với tâm thấy hay nhãn thức có Xúc, Thọ và một số các tâm sở khác. Các tâm sở này sanh khởi đồng thời với nhãn thức. Nói một cách khác, nhãn thức và các tâm sở hiện diện đồng thời với nhãn căn và tùy thuộc vào nhãn căn.
Xúc chịu điều kiện bởi các căn nào trong trường hợp này? Nhãn Xúc chịu điều kiện của cả ba căn gồm nhãn căn (cakkhu pasāda), sắc trần và ý căn. Nhãn căn là phần nhạy cảm của mắt làm điều kiện cho nhãn thức sanh khởi, sắc trần là đối tượng thấy được thuộc sắc pháp, và ý căn là nhãn thức.
Nếu đối tượng là âm thanh (sadda), chúng ta có tâm nghe hay nhĩ thức (sota viññana), Xúc, Thọ và một số tâm sở khác sanh khởi đồng thời với nhĩ thức và chịu điều kiện của nhĩ căn hay phần nhạy cảm của tai. Như vậy Nhĩ Xúc chịu điều kiện bởi âm thanh hay thanh trần, nhĩ thức, và nhĩ căn. Nếu đối tượng là mùi (gandha), chúng ta có tâm ngửi hay tỉ thức (ghāna viññana), Xúc, Thọ và một số tâm sở khác sanh khởi đồng thời với tỉ thức và chịu điều kiện của tỉ căn hay phần nhạy cảm của mũi. Như vậy Tỉ Xúc chịu điều kiện bởi mùi hương hay tỉ trần, tỉ thức, và tỉ căn. Nếu đối tượng là vị (rasa), chúng ta có tâm nếm hay thiệt thức (jivhā viññana), Xúc, Thọ và một số tâm sở khác sanh khởi đồng thời với thiệt thức và chịu điều kiện của thiệt căn hay phần nhạy cảm của lưỡi. Như vậy Thiệt Xúc chịu điều kiện bởi vị hay thiệt trần, thiệt thức, và thiệt căn. Nếu đối tượng là vật đụng chạm (photthabba), chúng ta có tâm đụng hay thân thức (kāya viññana), Xúc, Thọ và một số tâm sở khác sanh khởi đồng thời với thân thức và chịu điều kiện của thân căn hay phần nhạy cảm của thân. Như vậy Thân Xúc chịu điều kiện bởi vật đụng chạm hay thân trần, thân thức, và thân căn.
Bây giờ hãy xét đến kinh nghiệm thực sự xảy ra khi quí vị thấy đồ biểu này. Quí vị thấy đồ biểu vì đồ biểu là vật thấy được (sắc trần), quí vị có mắt (nhãn căn) cũng như có sự nhận thức đơn thuần về sự có mặt của đồ biểu (nhãn thức). Cả ba yếu tố nhãn căn, sắc trần và nhãn thức gặp gỡ nên Xúc sanh khởi. Do đó, Nhãn Xúc chịu điều kiện của cả ba yếu tố này và nhãn xúc ở đây chính là sự kinh nghiệm rõ ràng đối tượng đồ biểu.
Khi thấy một đối tượng, nếu chú niệm ghi nhận ngay, thiền sinh sẽ biết rằng vì có nhãn căn, đối tượng thấy được, và nhãn thức nên mới có sự thấy. Nhận thức này có được vì có chánh niệm ghi nhận đối tượng nổi bật ngay trong giây phút hiện tại.
Ở đây nhận biết đơn thuần đối tượng là nhãn thức hay tâm thấy và kinh nghiệm đối tượng rõ ràng là nhãn xúc. Thiền sinh nhận ra được như vậy bằng cách chú niệm ghi nhận sự thấy. Và thiền sinh cũng trực nhận ra rằng nhãn thức sanh khởi tùy thuộc vào điều kiện hay do nhân duyên mà thành chứ không phải được tạo ra bởi Thượng Đế hay Phạm Thiên nào cả.
Trường hợp đối tượng là âm thanh thì hiển nhiên hơn vì âm thanh đến và đi rất rõ rệt. Khi chánh niệm ghi nhận những gì được nghe thiền sinh biết sở dĩ có nghe là vì có âm thanh chạm vào tai. Nghe ở đây là nhận biết đơn thuần về âm thanh đang có mặt và sự nhận biết này chính là nhĩ thức. Sự gặp gỡ giữa âm thanh (thanh trần), tai (nhĩ căn), và nhĩ thức làm cho sanh khởi kinh nghiệm rõ rệt về âm thanh. Kinh nghiệm này là Nhĩ Xúc. Và như vậy thiền sinh biết rằng nghe hay nhĩ xúc sanh khởi là do kết quả của các điều kiện liên hệ đến sự nghe gặp gỡ với nhau chứ không phải được sáng tạo bởi bất cứ ai cả.
Khi ngửi một mùi là có tỉ thức. Tỉ thức hay nhận biết đơn thuần về sự có mặt của mùi sanh khởi khi có mùi (tỉ trần) gặp gỡ với phần nhạy cảm của mũi (tỉ căn). Cả ba yếu tố tỉ trần, tỉ căn và tỉ thức gặp gỡ nhau nên tỉ xúc hay kinh nghiệm rõ rệt về mùi sanh khởi. Do có chú niệm vào những gì ngửi thấy, thiền sinh biết Tỉ Xúc sanh khởi tùy theo sự gặp gỡ thích nghi của các điều kiện liên hệ đến sự ngửi chứ không do ai tạo ra cả.
Khi nếm quí vị biết thiệt thức hay nhận biết đơn thuần về sự có mặt của vị sanh khởi là vì có phần nhạy cảm của lưỡi hay thiệt căn và có vị hay thiệt trần. Cả ba yếu tố thiệt thức, thiệt căn và thiệt trần gặp gỡ và quí vị kinh nghiệm rõ rệt đối tượng. Đây là Thiệt Xúc. Thiệt thức và thiệt xúc sanh khởi tùy thuộc vào điều kiên chứ không do ai tạo ra cả.
Chúng sanh khởi và hoại diệt theo theo cánh vận hành của chúng mà không do ai kiểm soát hết. Quí vị sẽ thấy được điều này nếu chánh niệm theo dõi những gì đang xảy ra ngay trong giây phút hiện tại.
Bây giờ đến các đối tượng vật chất có thể đụng chạm được. Những đối tượng vật chất có thể đụng chạm được ở đây thật ra là tổng hợp của ba yếu tố đất, lửa và gió của tứ đại. Đối tượng thuộc loại này rất nhiều bởi vì phần nhạy cảm của thân hiện diện khắp nơi trên cơ thể ngoại trừ tóc, đầu móng chân và đầu móng tay. Do đó, chúng ta có thể có thân thức hay cảm nhận đối tượng trên hầu hết thân phần khi sự tiếp xúc hay đụng chạm xảy ra. Khi ngồi thiền, bàn tọa đụng gối, chân đụng nhau, tay đụng nhau, mí mắt đụng nhau…và chúng ta có thể cảm nhận sự đụng chạm như vậy tại hầu hết các nơi trên cơ thể. Nếu chú niệm về sự đụng chạm này, chúng ta sẽ thấy cảm giác sanh khởi vì có thân thức, phần nhạy cảm của thân hay thân căn, và đối tượng là những gì có thể đụng chạm được hay thân trần. Kinh nghiệm rõ ràng về đối tượng khi sự đụng chạm xảy ra là Thân Xúc. Thân xúc sanh khởi đồng thời với thân thức.
Trong lộ trình của tâm (citta vithi), sau các tâm vương như nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức hay thân thức là Tiếp Nhận Tâm. Tiếp nhận tâm cũng là tâm vương. Cùng sanh khởi với tâm này có tâm sở xúc, thọ và những tâm sở khác. Tiếp nhận tâm tùy thuộc vào Tim Căn (hadaya-vatthu) để sanh khởi. Như vậy, tiếp nhận tâm không chỉ tùy thuộc vào các căn như nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, mà còn tùy thuộc vào tim căn và những tâm khác. Như vậy các tâm này làm tâm căn hay ý căn cho tiếp nhận tâm. Câu hỏi đặt ra là Xúc câu hữu hay tương ưng với tiếp nhận tâm chịu điều kiện bởi căn nào? Đó là ba căn gồm sắc căn, tim căn, và ý căn. Tiếp nhận tâm quay trở lại làm điều kiện cho các tâm khác sanh khởi nên cũng đóng vai trò tâm căn hay ý căn cho các tâm đó.
Tương tự như vậy, cùng sanh khởi với Suy Đạc Tâm (santirana) có tâm sở xúc, thọ và một số tâm sở khác. Suy đạc tâm và xúc của nó cũng chịu điều kiện của đối tượng tiếp xúc, các sắc căn, tim căn, và ý căn. Suy đạc tâm có thể làm điều kiện cho các tâm khác sanh khởi nên cũng là tâm căn hay ý căn cho các tâm này.
Sau suy đạc tâm là Quyết Định Tâm (votthabhana) và Tốc Hành Tâm (javana) nhưng sẽ không được cứu xét ở đây vì chúng không phải là các tâm kết quả hay Dị Thục Tâm. Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc và Thọ thuộc tâm kết quả. Trong vòng luân hồi, chúng là kết quả trong kiếp hiện tại của nghiệp lực thuộc kiếp trước. Và chúng sẽ là nhân hiện tại của quả trong tương lai nên được cứu xét trong khi quyết định tâm và tốc hành tâm không phải là tâm kết quả nên không được xét đến.
Đăng Ký Tâm (tadarammana) xảy ra sau khi đã thọ hưởng hay kinh nghiệm nên cũng được đối xử tương tự như tâm kết quả. Do đó, Xúc tương ưng với đăng ký tâm chịu điều kiện bởi đối tượng tiếp xúc (pháp trần), sắc căn, tim căn và ý căn.
Trong tương quan này, Xúc tương ưng với tâm kết quả. Và các căn ở đây là Lục Nhập gồm có sáu nội căn và sáu ngoại căn hay sáu trần. Xúc chịu điều kiện của các căn cho nên Lục Nhập làm điều kiện cho Xúc sanh khởi.
Quí vị trong khi hành thiền có thấy được tương quan này không? Lấy trường hợp nghe một tiếng động làm thí dụ. Sở dĩ nghe là vì có tiếng động và nhĩ căn để nghe. Điều này có nghĩa là quý vị đang thấy sự liên hệ giữa âm thanh, nhĩ căn và Xúc tức là thấy được điều kiện tính của tương quan này. Một ví dụ nữa là quý vị nghĩ đến chuyện xảy ra trong quá khứ và nói là mình thấy. Thấy như vậy thật ra là tâm nhớ lại những gì đã xảy ra trước đây và bây giờ trở lại kinh nghiệm rõ ràng chuyện quá khứ. Cần nhấn mạnh đây là chuyện quá khứ được nhớ lại chứ không phải đang xảy ra. Do đó, Xúc có mặt ở đây và đối tượng của Xúc chính là tâm nhớ lại chuyện đã qua. Như thế, Xúc chịu điều kiện bởi tâm nhớ tức ý căn và đối tượng của tâm nhớ hay Pháp Căn (dhammārammana).
Ý căn hay tâm căn bao gồm luôn hữu phần. Lý do là vì khi một thức năng động sanh khởi, nó như sanh ra từ hữu phần. Hữu phần luôn luôn trôi chảy cho đến khi có một thức năng động xảy ra thì gián đoạn và tạm dừng nghỉ. Do đó, nếu không có hữu phần sẽ không có thức sanh khởi. Cho nên hữu phần cũng là ý căn làm điều kiện cho thức sanh khởi.
Ngoài ra, ý căn cũng gồm luôn Ý Môn Hướng Tâm (manodvārāvajjanacitta). Đây là sự hướng tâm trước khi suy nghĩ thực sự xảy ra. Chẳng hạn đôi khi muốn nghĩ đến điều gì, trước hết hướng tâm đến rồi sau đó suy nghĩ mới xảy ra. Mặc dầu chúng ta không thấy được hữu phần vì hữu phần rất khó thấy nhưng chúng ta có thể thấy được ý môn hướng tâm này trước khi tư tưởng sanh khởi. Như vậy, ý môn hướng tâm có thể coi như là phần giới thiệu cho tâm suy nghĩ thực sự. Suốt thời gian hành thiền, chúng ta rất thường có những tư tưởng như vậy và chúng ta sẽ thấy Xúc cùng với tâm suy nghĩ thật sự chịu điều kiện bởi ý căn là ý môn hướng tâm và trạng thái hướng tâm của nó.
Trên đây là tương quan giữa Lục Nhập gồm sáu nội căn và sáu ngoại căn đối với Xúc. Mặc dầu trong khi hành thiền quí vị có thể thấy được tương quan này nhưng Sư khuyên quý vị đừng cố ý kinh nghiệm như vậy. Nếu không, quí vị sẽ bị phóng tâm do chú tâm thái quá để thấy. Hãy để kinh nghiệm tự nó xảy ra. Công việc của quí vị chỉ là chánh niệm ghi nhận đối tượng nổi bật ngay trong giây phút hiện tại mà thôi.