Luận giải Kinh Sa Môn Quả (phần 2) – Chương IV. Phần II: Sự thành tựu

A- Các tầng thiền ([1]).

Sơ thiền (pathamajhāna) .

226. Chánh kinh.

So vivicceva kāmehi, vivicca akusalehi dhammehi savitakkaṃ savicāraṃ vivekajaṃ pītisukhaṃ pathamaṃ jhānaṃ upasampajja viharati

Tỳ-khưu hoàn toàn ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú sơ thiền có tầm, có tứ với hỷ lạc sinh lên do lìa bỏ.

So imameva kāyaṃ vivekajena pītisukhena abhisandeti parisandeti paripūreti parippharati

Tỳ-khưu thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh,

Nāssa kiñci sabbāvato kāyassa vivekajena pītisukhena apphutaṃ hoti.

Không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

Giải.

“Tỳ-khưu hoàn toàn ly dục …. do ly dục sanh”. Bản Sớ giải giải thích là: Đức Thế Tôn chỉ ra nét độc đáo là “tâm định tỉnh do đắc định”.

Ở cuối đoạn kinh văn 225, Đức Phật nêu ra “tâm định tỉnh”, là chỉ cho tâm ở giai đoạn cận định.

Trong đoạn kinh văn này (226), Đức Phật đề cập đến “định tỉnh do đắc định”.

Sự đắc định này do có nhân gần là “ly dục và ly bất thiện pháp” ở giai đoạn cận định.

Nói cách khác “cận định” là nền tảng cho tất cả các tầng thiền, nhân gần cho định trong các tầng thiền thì khác nhau.

Như nhân gần cho định Sơ thiền là “ly dục, ly bất thiện pháp”, nhân gần của định nhị thiền là định Sơ thiền bị cắt đứt tầm-tứ; nhân gần của định Tam thiền là định nhị thiền bị cắt đứt chi hỷ …

“Hoàn toàn ly dục” (vivicceva kāmehi).

Vivicceva kāmehiti kāmehi viviccitvā vinā hutvā apakkamitvā:

Là đã không có, đã từ bỏ các dục không phải “đã khởi đầu (từ bỏ)” (Vsm,70).

“Hoàn toàn” (eva), nghĩa là tuyệt đối (niyama) không có các dục.

Ở giai đoạn cận định tuy có lạc xuất ly (nekkhammasukhaṃ), nhưng tâm vẫn còn “dư hưởng của dục lạc”, ví như khúc gỗ ngâm trong nước thơm, tuy được đưa ra khỏi nước thơm, được rữa sạch phơi khô, nhưng vẫn còn dư hưởng mùi thơm.

Còn “hoàn toàn” ở đây, chỉ cho tâm vắng mặt trọn vẹn các dục lạc cùng dư hưởng của chúng. Ví như khúc gỗ được phơi khô và không còn mùi thơm.

Cái gì là dục? Dục gồm có 2 lọai : Thể vật chất và thể tinh thần.

Thể vật chất là: Sắc thinh hương, vị và xúc, còn gọi là vật dục (kāmavatthu).

Thể tinh thần là: Những pháp đáng hài lòng, đáng ưa thích liên hệ đến sắc, thinh, hương, vị và xúc, còn gọi là “phiền não dục” (kilesakāma).

Dục ở thể tinh thần được gọi là “nhơ bẩn của tâm”, chính là dục dục (kāmacchanda). Như Bộ Phân tích trong Tạng Diệu pháp có ghi:

“Sự mong muốn là dục, sự tham luyến là dục, dục tham là dục, suy nghĩ đến dục (kāma) là dục”([2]).

Khi chứng hay trú (viharati) Sơ thiền thì dục (kāma) vắng mặt “hoàn toàn”([3]).

Ví như “mặt trời lộ diện thì hoàn toàn vắng mặt bóng đêm”.

Lại nữa, “hoàn toàn ly dục” ám chỉ cho “việc làm của niệmtrí” (sđd).

Lìa bỏ” (vivicca). Ở đây chỉ cho 3 sự “lìa bỏ” (ly) là:

Thân lìa bỏ. Là hoàn toàn xa lánh những đối tượng quyến rủ của vật dục. Tức là “trú nơi thanh vắng”.

Tâm lìa bỏ . Là hoàn toàn xa lánh “phiền não dục”.

Lìa bỏ bằng cách đè nén.

Có 5 sự xa lánh là:

– Xa lánh bằng cách đè nén nhờ định.

– Xa lánh bằng cách thay thế, là dùng tâm thiện thay thế tâm bất thiện; cách xa lánh này nhờ tuệ.

– Xa lánh bằng cách cắt đứt, tức là pháp ấy không còn cơ hội sinh lên nữa; cách xa lánh này nhờ Đạo.

– Xa lánh bằng cách yên lặng tuyệt đối (tịnh chỉ) bằng quả Siêu thế.

– Xa lánh bằng cách viên tịch.

“Hoàn toàn” ở đây cũng dùng cho “bất thiện pháp”.

Vì sao? Vì ly dục là nêu lên mãnh lực tham (lobha) đối với các dục (kāma), nhưng có những loại tham không liên hệ đến dục, như “dính mắc” đến những chủ thuyết sai lệch (tà kiến), “dính mắc” đến những triết thuyết do tưởng tượng, do suy luận hình thành …

Ly dục chỉ nêu lên “chướng ngại là tham dục”, nhưng còn 4 chướng ngại (nīvaraṇa) còn lại thì sao?

Cũng phải “lìa bỏ”; nên Đức Thế Tôn dùng cụm từ “ly các bất thiện pháp” tiếp theo từ “ly dục”.

Ly dục là từ bỏ nhân tham, ly bất thiện pháp là từ bỏ nhân si.

Ly dục là làm an tịnh thân nghiệp, ly bất thiện pháp là làm an tịnh ý nghiệp.

Ly bất thiện pháp. Chủ yếu là tách ly 5 pháp chướng ngại, như Phật ngôn:

Có 5 pháp mê ngủ; khi pháp khác tỉnh thức([4])

Trong năm pháp chướng ngại, nguy hiểm nhất là phóng dật như Phật ngôn:

Appamādo amataṃ padaṃ; pamādo maccunop padaṃ …

“Chuyên cần đường bất tử; giải đãi lộ tiêu vong …” (Đức Pháp Minh dịch)([5]).

Giải đãi (pamāda) là tên gọi khác của phóng dật (uddhacca).

Đồng thời không một pháp bất thiện nào vắng bóng phóng dật, khi không có mặt phóng dật xem như “vắng mặt các bất thiện pháp”.

Nhưng vì sao phải đề cập đến 5 pháp chướpng ngại?

Đó là sự “nhấn mạnh”, năm thiền chi chỉ xuất hiện khi vắng mặt 5 pháp chướng ngại; sự vắng mặt năm pháp chướng ngại này có được là do có trí tham dự.

Những tâm quả vô nhân cũng vắng mặt 5 pháp chướng ngại, nhưng không có các thiền chi; những tâm thiện dục giới tuy vắng mặt các pháp chướng ngại, nhưng các tâm sở Tầm, Tứ, hỷ, lạc và Nhất hành (ekaggatā) không thể trở thành thiền chi.

“Chứng đạt” (upasampajja).

Upasampajjāti upagantvā, pāpuṇitvāti vuttaṃ hoti:

Chứng đạt là đã đi vào, đã đến nơi. (Vsm, 73).

“Trú” (viharati). Là do đạt được Sơ thiền trong oai nghi thích hợp; hay đạt được do đường lối thích hợp, được duy trì với thời gian dài (sđd).

Hành giả “chứng đạt Sơ thiền” chỉ có 1 sát-na tâm Sơ thiền, còn “trú trong Sơ thiền” thì có vô số sát-na tâm Sơ thiền.

“Sơ tthiền” (pathamaṃ jhānaṃ).

là trước tiên. Thiền (jhāna) là “thấp sáng” (upanijjhāna) đối tượng (tức là ấn tướng của đề mục thiền) và “đốt cháy” (jhāpana) pháp nghịch.

Có tầm” (savitakkaṃ).

Tattha vitakkanaṃ vitakko ūhananti vuttaṃ hoti:

“Tìm kiếm”, “cân nhắc” ở nơi đó, gọi là tầm (Vsm,71).

Ở nơi đó là nơi nào? Là ở nơi tâm.

Tìm kiếm cái gì? Tìm kiếm cảnh cho tâm.

Vì sao phải cân nhắc? Vì cảnh ấy phải phù hợp với tâm. Ví như Đức vua phải lâm triều, Đức vua phải mặc vương phục đúng theo cách “lâm triều”, người hầu cận phải chọn đúng chiếc hoàng bào cho Đức vua. Cũng vậy, giúp cho tâm đắc định, chi tầm phải chọn “đúng cảnh thích hợp với tâm Sơ định”, nên gọi là “cân nhắc”.

Hay “Tầm là hướng tâm về đối tượng (ārammaṇa)” (sđd).

Ví như con ong hướng về vườn hoa, để tìm hoa.

Chi thiền Tầm của thiền có nét đặc biệt hơn là “lựa chọn”, như con ong đến vườn hoa, “lựa chọn “ cánh hoa để hút mật hoa.

Có tứ” (savicāraṃ).

Vicāro anusañcaraṇanti vuttaṃ hoti: Tứ là đi vòng quanh (sđd).

Ví như con ong bay vòng quanh cánh hoa nhiều lần để xem xét.

Chi thiền Tứ “xem xét” đối tượng rất cẩn thận, như người thợ ngọc xem xét “viên ngọc” một cách tỉ mỉ.

“Với hỷ-lạc” (pītisukhaṃ).

Pītisukhanti ettha pīṇayatīti: Hỷ-lạc ở đây chỉ cho “sự hài lòng”.

Hỷ (pīti)([6]). Gọi là hỷ vì có sự vui thích (ratī) và tươi tỉnh (pirayati) (sđd).

Có 5 loại hỷ là:

1- Tiểu hỷ (khuddikāpīti). Là loại hỷ khiến cho rởn ốc, lông trên da dựng đứng, những lỗ chân lông nổi lên.

2- Chớp nhoáng hỷ (khaṇikāpīti). Là ánh sáng thỉnh thoảng “lóe sáng” lên rồi mất.

3- Ba hỷ (okkantikā). Là loại hỷ làm rung động thân, như bị sóng biển đánh tạt vào người.

4- Khinh hỷ (ubbegāpīti). Là loại hỷ làm nâng bổng cơ thể lên không trung như quả bóng chứa đầy hơi.

5- Sung mãn hỷ (pharaṇāpīti). Là loại hỷ thấm nhuần cơ thể như hang động chứa đầy nước.

Năm loại hỷ này tăng trưởng làm cho thân khinh an (kāyapassaddhi)([7]) và tâm khinh an (cittapassaddhi); khi “khinh an được tăng trưởng cường thịnh” sẽ làm cho tâm an lạc và thân an lạc; khi tâm an lạc và thân an lạc sung mãn dẫn đến thành tựu 3 loại định: Định sát-na (khaṇikasamādhi), cận định (upacārasamādhi) và định an chỉ (appamānasamādhi).

Hỷ ở đây là sung mãn hỷ có trong Sơ thiền.

Lạc (sukha). Là sự hài lòng, sự an lạc; hoặc “làm bể vụn” (khādati), “hủy diệt” (khanati) hoàn toàn (sutthu) sự sầu khổ của thân tâm (Vsm, 73).

Hỷ liên kết với lạc như thế nào?

Hỷ là “thích thú với điều đạt được”, còn lạc là “thọ nhận điều đạt được”, hỷ thuộc hành uẩn, còn lạc thuộc thọ uẩn.

Thông thường khi có lạc tất nhiên có hỷ, nhưng khi có hỷ chưa hẳn có lạc.

Như thế nào? Như người bị khát trong sa mạc, nghe nói phía trước có hồ nước trong mát, người ấy vui thích (ví như hỷ); khi người ấy đến được hồ nước, tắm rửa, uống nước trong mát, giải trừ được nóng và khát, đó là lạc.

Cũng có trường hợp có lạc nhưng không có hỷ, như Đức vua thường an ngự nơi an lạc, Đức vua không còn “thích thú với điều đạt được”nữa.

Đây là trường hợp hành giả thành tựu được Tam thiền.

Do vậy, Đức Thế Tôn dùng “hỷ-lạc” trong đoạn kinh văn này, để nhấn mạnh “định Sơ thiền có cả hỷ lẫn lạc”.

“Sinh lêndo lìa bỏ ” (vivekajaṃ).

Vivekajanti ettha vivitti viveko, nivaraṇavigamoti attho:

Ở đây, sự yên lặng (vivitti), sự vắng vẻ, sự biến mất các pháp chướng ngại, gọi là “sinh lên do lìa bỏ ” (Vsm, 73).

Hoặc “các pháp liên hệ đến Sơ định” vắng mặt các pháp chướng ngại (sđd).

Sinh lên do lìa bỏ”. Là sinh lên do “từ bỏ các pháp chướng ngại” này.

“Hỷ-lạc sinh lên do từ bỏ ”. Là loại hỷ – lạc sinh lên do “hoàn toàn lìa bỏ dục, hoàn toàn lìa bỏ các bất thiện pháp”.

“Tẩm ướt” (abhisandeti).

Abhisandetīti temeti sneheti, sabbattha pavattapītisukhaṃ karoti:

Tẩm ướt” là làm cho hỷ-lạc lan ra khắp nơi, như tẩm với dầu (sneha) (At).

“Thấm nhuần” (parisandeti).

Parisandetīti samantato sandeti : “Thấm nhuần” là tẩm ướt trọn vẹn (At).

“Sung mãn” (paripūreti).

Paripūretīti vāyunā bhastaṃ viya pūreti:

Sung mãn là tràn đầy như ống thổi đầy hơi (At)

“Tràn đầy” (parippharati).

Parippharatīti samantato phusati: “Tràn đầy” là xúc chạm trọn vẹn (At).

“Trọn vẹn thân” (sabbāvato kāyaṃ). Là tất cả mọi bộ phận nơi thân.

Tại những nơi là sắc sinh ra do nghiệp([8])ngập tràn hỷ-lạc, từ đó lan rộng thấm nhuần khắp nơi thậm chí những nơi mong manh như máu, da, thịt đều thấm nhuần hỷ-lạc, không một nơi nào ở thân không có hỷ-lạc lan đến (At).

Tại những nơi là sắc sinh lên do nghiệp”, là chỉ cho những nơi có sắc thần kinh thân. Vì sao? Vì tâm Thân thức (kāyaviññāṇa) chỉ có 2 loại thọ là: Thọ lạc và thọ khổ. Thân thức nương sinh và trú tại thần kinh thân. Ba loại thọ: Xả, hỷ, ưu là chỉ cho những loại tâm khác, những loại tâm này không trú ở thần kinh thân. Ở đây đang nói đến “thọ lạc”, nên sắc sinh lên do nghiệp là chỉ cho “sắc thần kinh thân”.

Đoạn kinh văn 227. Đức Phật đưa ra ví dụ “như cục bột nhồi được người hầu tắm lão luyện, nhồi từ bột được tẩm ướt với nước, nước thấm nhuần trọn vẹn cục bột nhưng không rỉ chảy nước.

Hỷ – lạc Sơ thiền sinh lên thấm nhuần khắp cơ thể không sót một nơi nào, ví như cục bột nhồi kia vậy”.

Nhị thiền (dutiyajhāna).

228. Chánh kinh.

Puna caparaṃ, mahārāja, bhikkhu vitakkavicārānaṃ vūpasamā

Kế tiếp, này Ðại vương, Tỳ-khưu làm yên lặng tầm-tứ,

ajjhattaṃ sampasādanaṃ cetaso ekodibhāvaṃ avitakkaṃ avicāraṃ samādhijaṃ pītisukhaṃ dutiyaṃ jhānaṃ upasampajja viharati.

Bên trong yên lặng, tâm trở thành một, chứng và trú nhị thiền không tầm không tứ, một trạng thái hỷ lạc do định sanh.

So imameva kāyaṃ samādhijena pītisukhena abhisandeti parisandeti paripūreti parippharati,

Tỳ-khưu ấy thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh,

nāssa kiñci sabbāvato kāyassa samādhijena pītisukhena apphuṭaṃ hoti.

không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.

Giải.

Làm yên lặng tầm – tứ (vitakkavicārānaṃ vūpasamā).

Vitakkavicārānaṃ vūpasamāti vitakkassa ca vicārassa cāti imesaṃ dvinnaṃ vūpasamā samatikkamā, dutiyajjhākkhaṇe apātubhāvāti vuttaṃ hoti:

Làm yên lặng tầm-tứ”, là vượt qua tầm- tứ. Hai chi thiền này không có mặt trong sát-na tâm Nhị thiền (Vsm, 79).

Tuy trong tâm Nhị thiền cũng có một số tâm sở như: Xúc, thọ, tưởng, tác ý, thắng giải … như trong tâm Sơ thiền. nhưng những tâm sở này không phải như những tâm sở trong Sơ thiền, mà chúng được tinh luyện tốt hơn.

Tâm Nhị thiền tuyệt nhiên không có tâm sở Tầm – Tứ, điều này cho thấy khi “buông bỏ được những pháp thô” sẽ tiến lên bậc thiền cao hơn (Vsm, 8o).

Như thế nào? Người mang vật nặng nhảy không cao, khi buông bỏ vật nặng người ấy sẽ nhảy cao hơn.

Hành giả sau khi chứng đắc Sơ thiền, nhận thấy Sơ thiền thật mong manh dễ rơi trở lại dục giới, nguyên nhân do có Tầm – Tứ.

Tầm có công năng mang cảnh đến cho tâm, Tứ có công năng quan sát cảnh đó.

Ví như một người mang vật lạ đến mời chủ nhà mua, một người đi theo để giới thiệu sản phẩm, chủ nhà nghe 2 người này thuyết phục sẽ xiêu lòng mua món hàng ấy.

Hai người bán hàng ví như Tầm – Tứ, món hàng ví như cảnh dục giới, chủ nhà ví như tâm.

Hành giả nỗ lực làm “an tịnh tầm – tứ”, cắt đứt tầm – tứ, bằng cách nào? Bằng cách phát triển ấn tướng thiền cho thật tinh sạch.

Ví như người đưa dầu mè còn tươi vào chảo dầu đun sôi lên, vì nhận thấy dầu mè dễ bị hư hỏng, khi dầu được nấu sôi, một số nước có trong dầu sẽ biến mất và chất lượng dầu sẽ tăng lên tốt hơn so với dầu mè tươi, đồng thời không dễ bị hư thối.

Và dầu mè thứ 2 xuất phát từ dầu mẻ tươi, nên kinh văn nói “trạng thái hỷ-lạc không tầm, không tứ do định sinh.

“Bên trong yên lặng” (ajjhattaṃ sampasādanaṃ).

Bên trong (ajjhata). trong tâm.

Yên lặng. Chữ sampasādana có nhiều nghĩa như: mang đến sự yên lặng, mang đến sự trong sạch (pasāda), làm cho tin tưởng. Nên chữ sampasādana còn có nghĩa là “đức tin”, như có Pāli sau:

Sampasādananti sampasādanaṃ vuccati saddhā:

Đức tin được gọi là “trong sạch”(Vsm,80).

Như vậy “bên trong yên lặng” là trong tâm được yên tịnh với niềm tin.

Hay “làm tâm an ổn với niềm tin”; hoặc là “thiền làm cho tâm yên lặng, đi chung với niềm tin do không có tầm – tứ” (sđd).

“Tâm trở thành một” (cetaso ekodibhāvaṃ).

Chữ ekodi được giải thích: Là khởi lên (udeti) cao nhất (eka) (sđd).

Tâm trở thành một”. Là tâm đạt đến trạng thái cao nhất khi không có tầm – tứ.

Ví như người buông bỏ một số vật năng, nhảy lên cao nhất (của cái nhảy đó).

“Tâm trở thành một” là từ chỉ cho định (samādhi).

Nhị thiền là “mang lại” (bhaveti), làm tăng trưởng cái “duy nhất” (ekodi), cái “duy nhất” ấy chỉ có trong tâm (ajjhatta),nên gọi là “tâm trở thành một”.

Có câu hỏi rằng: Sơ thiền không có “niềm tin và nhất tâm” hay sao? Tại sao chỉ trong Nhị thiền mới có “niềm tin và nhất tâm”?

Đáp: Tuy Sơ thiền có niềm tin, nhưng niềm tin này chưa vững mạnh, vì còn bị dao động bởi tầm – tứ, ví như nước chưa được yên lặng vì còn những làn sóng lăn tăn, đồng thời, định chưa yên lặng hoàn toàn cũng vì có tầm – tứ.

Nghĩa là “tín – định” còn bị tầm – tứ làm dao động.

Do vậy, tín – định trong Sơ thiền không được gọi là “bên tropng yên lặng, tâm trở thành một”.

Bộ Phân tích (Vibhaṅga) có giải thích: “Sampasādanaṃ (tín) là niềm tin, tin cậy, tín nhiệm, tin tưởng hoàn toàn.

Nhứt tâm (ekodibhāvaṃ) là vững chải của tâm… sự tập trung chân chánh” (Vbh, 258)([9]).

Khi không còn tầm – tứ, bấy giờ “bên trong mới yên lặng hoàn toàn” và “tâm trở thành một”.

Không tầm, không tứ” (avitakkaṃ avicāraṃ).

Avitakkaṃ avicāranti bhāvayāna pahīnattā etasmiṃ, etassa vā vitakko natthīti avitakko, imināva nayena avicāraṃ:

Tu tiến loại trừ (pahīna) dần tầm, hoặc không có tầm, là “không tầm”, tiếp đến là loại trừ tứ, hoặc không có tứ, gọi là “không tứ” (Vsm, 81).

Tầm được loại bỏ đầu tiên, kế đến tu tiến (bhāvanā) để loại trừ tứ.

Bộ Pháp tụ, trong Mẫu đề tam (māṭikā) có ghi:

– Savitakka savicārā dhammā: Các pháp có tầm có tứ.

– Avitakka savicārā dhammā: Các pháp không tầm, có tứ.

– Avitakkāvicārā dhammā: Các pháp không tầm, không tứ.

Điều này cho thấy “tầm – tứ” không phải loại trừ một lần, phải loại trừ tầm trước rồi đến tứ.

Nhưng đoạn trên đã “làm yên lặng tầm – tứ” rồi, vì sao trong đoạn này Đức Thế Tôn lại lập lại “không tầm, không tứ”?

Đáp. Khi Đức Thế Tôn dạy “làm yên lặng tầm – tứ”, Ngài chỉ ra “muốn tiến đạt cao hơn” phải làm yên lặng hai pháp thô tháo trong Sơ thiền là tầm và tứ. Tức là trong giai đoạn tu tiến (bhāvanā).

Còn “không tầm, không tứ”, Đức Thế Tôn chỉ ra sự thành đạt từng phần, khi loại trừ được tầm là tiến lên một bậc thiền, khi loại trừ được tứ, là tiến lên một bậc thiền nữa.

Tức là Ngài chỉ cho định trong 2 sát-na tâm, một sát-na định không tầm và một sát-na định không tứ; rồi Ngài gom “2 sát-na tâm ấy” chỉ chung cho tầng nhị thiền được vững mạnh, gọi là “không tầm, không tứ”.

Nói cách khác, khi loại trừ được tầm là đạt được nhị thiền, nhưng thiền này còn yếu ớt, như sư tử vương mới sơ sinh, khi loại trừ được tứ nhị thiền đã vững mạnh ví như sư tử vương trưởng thành.

Mặt khác, Đức Thế Tôn lập lại “không tầm, không tứ” là Ngài chỉ cho “nhân gần của không tầm, không tứ” chính là “làm yên lặng tầm – tứ”, tức là Đức tin và định Sơ thiền là nhân gần của “không tầm, không tứ”.

Như thế nào? Là khi định vững mạnh, đức tin vững chắc thì tầm -tứ không thể xâm nhập vào tâm để làm dao động tâm. Ví như nước đóng băng, gió không thể xâm nhập vào “bên trong nước” để làm cho nước gợn “lăn tăn”.

Lại nữa, “không tầm, không tứ” ở đây không phải tự nhiên có như trong ngũ song thức (như nhãn thức, nhĩ thức…), cũng không phải đã thành tựu như trong Tam thiền, tứ thiền … mà là “đang” thành tựu.

Sự thành tựu “không tầm, không tứ” này phải có “nỗ lực làm yên lặng tầm – tứ” để trợ duyên.

Có câu hỏi rằng: “Tầm – tứ” này được từ bỏ ở thời điểm nào? Ở thời điểm chứng nhị thiền, tức là ở sát-na tâm nhị thiền.

Trước khi hành giả chứng nhị thiền hoặc an trú (nhập) nhị thiền phải qua giai cận định (upacārasamādhi), trong giai đoạn cận định này vẫn có tầm-tứ nhưng chúng đã yếu ớt .

Cận định trong lộ tâm đắc nhị thiền hay nhập nhị thiền là bốn sát-na: Chuẩn bị (parikamma), cận hành (upacāra), thuận thứ (anuloma) và gotrabhū (vượt qua), cả 4 sát-na này đều là tâm thiện dục giới hoặc tâm duy tác dục giới gữu nhân ([10]).

Ở sát-na Gotrabhū, tầm-tứ bị rơi xuống và sát-na Nhị định sinh lên thì tầm-tứ bị “dứt bỏ”.

“Do định sanh” (samādhijaṃ).

Samādhijanti paṭhamajjhānasammādhito sampayuttasamādhi vājātanti attho:

Nghĩa là “sinh lên từ định sơ thiền” hay từ “pháp tương ưng định Sơ thiền” , gọi là “do định sanh” (Vsm, 81).

“Pháp tương ưng định Sơ thiền” là chỉ cho tâm Sơ thiền và tâm sở hợp (ngoại trừ tầm – tứ và định)

Đoạn kinh 229. Đức Phật chỉ ra “hỷ lạc của nhị thiền” thù thắng hơn “hỷ lạc sơ thiền”. Hỷ lạc sơ thiền như “nước ấm”, còn hỷ lạc của nhị thiền thì “mát lạnh”.

“Nước phún lên(ubbhidodako).

Ubbhidodakoti ubbhinna – udako, na heṭṭhā ubbhijjhitvā uggacchanaka – udako:

Là nước vỡ ra nhảy lên, là nước phún lên trên mãnh liệt như dự lễ hội (At).

Không có lỗ thoát” (āyamukhaṃ).

Āyamukhanti āgamanamaggo: Là không có đường thoát ra (At).

“Bốn phương không có chỗ thoát”, nghĩa là nước mát lạnh từ hồ phún lên, nhưng không thoát ra ngoài hồ.

Cũng vậy, hỷ – lạc của nhị thiền dâng cao trong tâm, nhưng không thoát ra khỏi thân- tâm.

Nghĩa là “thân ví như hồ mát lạnh”, “lạc ví như nước mát lạnh”.

Tam thiền (tatiyajhāna).

  1. Chánh kinh.

“Seyyathāpi, mahārāja, bhikkhu pītiyā ca virāgā upekkhato ca viharati sato sampajāno, sukhañca kāyena paṭisaṃvedeti, yaṃ taṃ ariyā ācikkhanti “upekkhako satimā sukhavihārī”ti, tatiyaṃ jhānaṃ upasampajja viharati.

Lại nữa, này Ðại vương, Tỳ-khưu ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “xả niệm lạc trú”, chứng và an trú thiền thứ ba

So imameva kāyaṃ nippītikena sukhena abhisandeti parisandeti paripūreti parippharati,

Tỳ-khưu ấy thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy,

nāssa kiñci sabbāvato kāyassa nippītikena sukhena apphuṭaṃ hoti.

không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.

Giải.

Vị Tỳ-khưu nhận thấy rằng “hỷ lạc của Nhị thiền này mỏng manh, có thể rơi xuống hỷ lạc Sơ thiền.

Vì sao? Vì có hỷ, hỷ là chất nhơ bẩn của nhị thiền, ví như váng nước trên mặt nước”.

Đồng thời chi hỷ này “gần” với tầm -tứ, nên dễ dàng rơi trở lại “với tầm-tứ”. Vị ấy nỗ lực làm “yên lặng chi hỷ của nhị thiền”.

“Ly hỷ” (pītiyā ca virāgā).

Chữ ca ở đây ám chỉ cho “tầm-tứ”.

Nhưng tầm-tứ đã được “làm yên lặng” rồi, vì sao còn nhắc lại ở đây? Nhắc lại ở đây là chỉ ra rằng “con đường đến Tam thiền, trước tiên phải làm yên lặng tầm -tứ”, sau đó là “ly hỷ”.

Như ba giây trói buộc (samṃyojana – kiết sử) là: Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ được trừ diệt ở tâm Sơ đạo, nhưng khi nói đến bậc A-na-hàm, Đức Thế Tôn dạy “vị ấy do đoạn tận 5 hạ phần kiết sử …”([11]), tức là “muốn trừ diệt tham dục và sân, trước tiên phải trừ diệt 3 giây trói buộc ban đầu.

Cũng vậy, tuy tầm-tứ đã được yên lặng hoàn toàn ở nhị thiền, tiếp theo hành giả làm yên lặng chi hỷ, nhưng vẫn nhắc lại “tầm-tứ”, để chỉ ra rằng “phải làm yên lặng tầm- tứ” trước, đó là nhân gần nhất để làm “yên lặng hỷ”.

Từ bỏ (virāgā).

Virāgāti virāgo nāma vuttappakārāya pītiyā jigucchannaṃ vā samatikkamo vā. Ubbhinnaṃ pana antara ca saddo sampiṇdanattho:

Gọi từ bỏ là chỉ cho cách thức “lánh xa” (pakāra), hoặc “nhàm chán” (jigucchana) hoặc “vượt qua” (samatikkama).

Nghĩa là “phá vỡ” và làm rung chuyển sự liên kết của chúng (Vsm, 82).

“Ly hỷ” là làm “rơi rung” hỷ ở nhị thiền, sau khi làm “rơi rụng tầm-tứ” ở Sơ thiền (sđd).

“Xả” (upekkhā).

Upapattito ikkhattīti upekkhā: Nhìn sự vật diễn tiến một cách thản nhiên, gọi là xả (Vsm, 84).

Trú xả. Nghĩa là “vị ấy thản nhiên nhìn sự vật diễn tiến như thế nào thì ghi nhận là “như vậy”, không có thiên kiến, không thêm không bớt (sđd).

Sách Thanh Tịnh đạo có giải thích về 10 loại xả và xả ở đây là thiền xả (jhānupekkhā)([12]).

Nghĩa là hành giả có trạng thái “quân bình” (tatramajjhattatā) với các ấn tướng dù khi ấy các ấn tướng này rất xinh đẹp, đồng thời “thản nhiên” với lạc tối ưu.

Ví như người dùng vật thực thượng vị nhất với tâm “thản nhiên” không đắm nhiễm trong loại vật thực ấy.

Chi pháp thiền xả chính là tâm sở tatramajjhattatā (quân bình).

Có câu hỏi rằng: “Loại xả này không có trong tâm Sơ thiền hay trong tâm nhị thiền sao? Phải chăng loại xả này chỉ có trong tâm Tam thiền?”.

Đáp. Trong tâm Sơ thiền hay tâm Nhị thiền vẫn có loại xả này, vì tâm sở Quân bình (tatramajjhattatā) có trong những tâm tốt đẹp (sobhanacitta).

Nhưng với 2 tầng thiền đầu, xả này bị che lấp bởi tầm, tứ và hỷ; khi không còn “tầm, tứ, hỷ”, loại xả này mới hiển lộ trọn vẹn.

Do đó, khi nói “trú xả” là nhấn mạnh “thiền xả xuất hiện trọn vẹn.

“Niệm, tỉnh giác”. Tuy niệm- tỉnh giác này cũng có ở hai tầng thiền đầu, nhưng chưa phát huy trọn vẹn uy lực, vì rằng “nếu không có niệm – tỉnh giác” thì không thể đạt đến cận định (upacārasamādhi), còn nói gì đến sơ hay nhị định.

Nhiệm vụ (rasa) của niệm là “không quên” (asammusannarasā); nhiệm vụ của tỉnh giác là “tra xét” (tīraṇarasaṃ).

Nhưng trong 2 tầng thiền đầu, niệm – tỉnh giác còn yếu, tâm có thể còn rơi vào “phiêu lãng”, tỉnh giác có thể rơi vào “tra xét qua loa”.

Trong tầng thiền thứ ba này, niệm – tỉnh giác đã vững mạnh và hiển lộ rõ rệt; niệm – tỉnh giác ở hai tầng thiền đầu ví như người đi trên đất bằng, còn niệm – tỉnh giác trong thiền thứ ba ví như người đi trên những lưỡi đao bén, phải chú ý và nhận định cao tột.

Niệm – tỉnh giác được nhắc lại ở tầng Tam thiền là “nhấn mạnh sức mạnh của niệm được phát huy để ngăn chận hỷ phát sinh lên”.

Ví như con bê không được gìn giữ, nó sẽ quay trở về với mẹ của nó. Cũng vậy, nếu không chú ý ngăn chận hỷ, hỷ sẽ quay về và tam thiền sẽ rơi xuống nhị thiền.

Lại nữa, tâm lý chúng sinh thường thích thú với lạc, mà lạc tam thiền là tối thắng nhất trong các loại thọ lạc, cần phải có “tỉnh giác để ngăn chận lạc này.

Do đó “niệm – tỉnh giác” được nêu rõ trong Tam thiền.

Đoạn kinh văn 231. Đức Phật ví thân như những đóa sen và lạc tam thiền như nước mát lạnh nuôi dưỡng đóa sen.

Tứ thiền (catutthajhāna).

  1. Chánh kinh.

Puna ca paraṃ, mahārāja, bhikkhu sukhassa ca pahānā dukkhassa ca pahānā, pubbevā somanassadomanassānaṃ atthaṅgamā,

Lại nữa, này Ðại vương, Tỳ-khưu từ bỏ lạc và từ bỏ khổ, từ bỏ hỷ – ưu đã cảm thọ từ trước,

adukkhamasukhaṃ upekkhāsatipārisuddhiṃ catutthaṃ jhānaṃ upasampajja viharati.

chứng và trú vào thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

So imameva kāyaṃ parisuddhena cetasā pariyodātena pharitā nisinno hoti,

Tỳ-khưu ấy thấm nhuần toàn thân với tâm thuần tịnh trong sáng,

nāssa kiñci sabbāvato kāyassa parisuddhena cetasā pariyodātena apphutaṃ hoti.

không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.

Giải.

Hành giả sau khi an trú Tam thiền, xuất khỏi Tam thiền, quán xét thấy rằng “chi lạc này là pháp thô của thiền”, vị ấy tác ý từ bỏ chi lạc này.

Từ bỏ lạc và từ bỏ khổ” (sukhassa ca pahānā dukkhassa ca pahānā)

Sukhassa ca pahānā dukkhassa ca pahānāti kāyikasukhassa ca kāyika dukkhassa ca pahānā:

Là từ bỏ lạc thân và khổ thân (Vsm,88).

“Từ trước” (pubbeva).

Pubbevāti tañca kho pubbeva, na ca tutthamajjhānakkhaṇe

Là từ bỏ trước đó, không phải từ bỏ ở sát-na tứ thiền (sđd).

Vì sao? Vì trong lộ tâm đắc tứ thiền, bốn sát-na cận định là: Chuẩn bị, cận hành, thuận thứ và gotrabhū phải là “những đổng lực thọ xả”.

Theo quy luật tâm (cittaniyāma), “thọ trong luồng đổng lực (javanavīthi) chỉ một lọai”, tâm tứ thiền là thọ xả, do đó những tâm cận định tứ thiền cũng phải thọ xả.

Vì vậy, Đức Thế Tôn nhấn mạnh “từ trước”. Tức là trong giai đoạn tu tiến để tiến đắc tứ thiền, hành giả phải loại trừ khổ-lạc trước.

“Từ bỏ hỷ([13]) – ưu đã cảm thọ (somanassadomanassānaṃ atthaṅgamā).

Somanassadomanassānaṃ atthaṅgamāti cetasikasukhassa ca cetasikadukkhassa cāti, imesampi dvinnaṃ pubbeva atthaṅgamā, pahāna vuttaṃ hoti:

Là chỉ cho lạc tâm và khổ tâm, hai cảm thọ này đã có từ trước, được từ bỏ (sđd).

Cụm từ “khổ – lạc” là chỉ cho thân, cụm từ hỷ – ưu” chỉ cho tâm.

“Sự từ bỏ này” được hiển lộ ở giai đoạn nào? Ở giai đoạn cận định của bốn tầng thiền.

– Khổ thân, ưu tâm được từ bỏ vào giai đoạn cận đinh của sơ, nhị, tam, tứ thiền.

– Lạc thân, hỷ tâm được từ bỏ ở giai đoạn cận định của Tứ thiền.

Sở dĩ sự từ bỏ không “nêu rõ” thứ tự, vì y cứ vào thân – tâm. Thân chỉ có 2 loại thọ : Thọ lạc, thọ khổ; tâm có 3 thọ: Thọ hỷ, thọ ưu và thọ xả.

“Không khổ, không lạc” (adukkhamasukhaṃ)

Adukkhamasukhanti dukkhābhāvena adukkhaṃ. Sukkhābhāvena asukhaṃ:

Vắng mặt khổ là “không khổ”. Vắng mặt lạc là “không lạc” (sđd).

Không khổ không lạc” là trạng thái “quân bình” không nghiêng về khổ hay lạc, nên đồng nghĩa với thọ xả (upekkhā).

Loại xả này rất vi tế, xả ở Tứ thiền càng vi tế hơn, khó nhận biết.

Ví như có con bò bướng bỉnh, chủ bò khó bắt, vì nó lẫn tránh trong nhóm bò. Chủ bò cho lùa tất cả những con bò vào chuồng, sau đó cho từng con ra khỏi chuồng, còn lại con cuối cùng sẽ bắt nó dễ dàng.

Cũng vậy, vì thọ xả tứ thiền rất vi tế, hành giả khó nhận ra, nên Đức Thế Tôn nêu lên 5 loại thọ, rồi loại dần 4 loại thọ kia (ly khổ-lạc, hỷ-ưu có từ trướ), thọ còn lại chính là “thọ xả”.

“Xả niệm thanh tịnh” (upekkhāsatipārisuddhiṃ).

Upekkhāsatipārisuddhinti upekkhāya janitasatiyā parisuddhiṃ:

Sinh khởi niệm thanh tịnh là nhờ xả này, gọi làxả niệm thanh tịnh” (Vsm,89).

“Tâm thuần tịnh trong sáng” (parisuddhena cetasā pariyodātena).

Parisuddhena cetasā pariyodātenāti ettha nirupakilesaṭṭhena parisuddhaṃ, pabhassaraṭṭhena pariyodātanti veditabbaṃ:

Là nơi vắng mặt phiền não, hoàn toàn thanh tịnh, là nơi chói sáng với màu trắng sạch trọn vẹn (At).

Đoạn kinh văn 233. Đức Thế Tôn ví “niệm thanh tịnh nhờ xả” như tấm vải trắng sạch trùm toàn thân.

Vải trắng sạch” (odātena vatthena).

Odātena vatthenāti idaṃ utupharaṇatthaṃ vuttaṃ:

Ở đây là sức nóng thấm vào được nói đến (At).

Bản Sớ giải giải thích: Trong thiền thứ tư này, thân hành giả ví như tấm vải trắng sạch phủ khắp châu thân, lạc tứ thiền này ví như sức nóng tỏa ra từ tấm vải trắng sạch, lan tỏa khắp thân.

Với một tấm vải dơ không thể có sức nóng tràn ra. Một người sau khi tấm rửa sạch sẽ, ngồi trùm tấm vải trắng sạch phủ kín toàn thân, sức nóng từ thân người ấy tỏa ra thấm nhuần toàn bộ tấm vải trắng.

Cũng vậy, khi tâm có được “niệm thanh tịnh nhờ xả”, lạc tứ thiền này tràn ngập khắp châu thân, không có nơi nào trên thân không có “sức nóng” lan tỏa ấy.

Có câu hỏi rằng: Phải chăng trong Tứ thiền không còn lạc?

Đáp : Đúng vậy, nhưng chính thọ xả ở đây rất thanh tịnh, nên “lạc” ở đây dùng để chỉ ra “sự thanh tịnh của thọ xả”.

Trong Sammohavinodanī (Sớ giải bộ Phân tích) có ghi: Do sự an tịnh của thọ xả, nên thọ xả ở đây được xem là lạc (VbhA, 171).

Lại nữa, tuy bài kinh chỉ đề cập đến thiền Sắc giới, nhưng không nên cho rằng “Đức Thế Tôn chỉ đề cập đến những hành giả chứng đạt thiền Sắc, không đề cập đến những hành giả chứng thiền Vô sắc”.

Thật ra, không thể đạt được tám tầng thiền nếu không thông thạo 14 cách, vì vậy trong bản kinh chỉ nói đến 4 tầng thiền Sắc mà không giải thích bốn tầng thiền Vô sắc.

Theo bản Hậu Ṭīkā thì: Sự thành tựu tám tầng thiền là điều cần thiết vì:

– Để thành tựu 5 năng lực thần thông (iddhi) là: Thần thông (iddhividhi), thiên nhĩ thông (dibbasota), tha tâm thông (cetopariyañāṇa), túc mạng thông (pubbenivāsānussati) và thiên nhãn thông (dibbacakkhu)([14]).

– Bậc Thánh Tam quả hay Tứ quả nhập thiền Diệt thọ tưởng định (Atk).

Để thành tựu năng lực thần thông, vị hành giả phải thành tựu 8 thiền chứng và thông thạo 14 cách là:

1- Theo thứ tự các biến xứ kasina chiều thuận. Các kasina theo thứ tự là: Đất, nước , lửa gió, xanh , vàng, đỏ trắng (không đề cập đến 2 kasina: hư khôbng và ánh sáng); mỗi án xứ kasina phải đạt đến 8 thiền chứng),

2- Theo thứ tự các biến xứ kasina chiều nghịch. Là đi từ kasina trắng theo thứ tự đến kasina đất.

3- Thuận và nghịch chiều.

4- Theo thứ tự tầng thiền chiều thuận. Là chứng và trú từ Sơ thiền đến phi tưởng phi phi tưởng thiền.

5- Theo thứ tự các tầng thiền chiều nghịch. Là đi nghịch từ Phi tưởng phi phi tưởpng xứ đến Sơ thiền.

6- Thuận và ngược chiều các tầng thiền.

7- Nhảy vượt tầng thiền (như từ Sơ thiền sau đó nhập ngay tam thiền …)

8- Nhảy vượt các biến xứ kasina (như từ biến xứ đất có thể chuyển sang biến xứ vàng …).

9- Nhảy vượt cả thiền lẫn kasina. Tức là nhập sơ thiền bằng án xứ đất, xuất Sơ thiền, nhập Tứ thiền bằng án xứ vàng …

10- Chuyển vị trí thiền chi.

11- Chuyển vị trí đối tượng.

12- Chuyển vị trí thiền chi và đối tượng

13- Phân biệt thiền chi.

14- Phân biệt đối tượng.

Mười bốn cách thông thạo được giải thích rõ trong Visuddhimagga. Chương XII.

Sự thành đạt các năng lực thần thông không có được nếu không thành tựu thiền Vô sắc. Do vậy, thành tựu được tứ thiền sắc là điều cần thiết.

Các Giáo thọ sư có giải thích: Với hành giả chưa từng thành tựu năng lực thần thông trong quá khứ, muốn thành tựu thần thông lực phải đạt được 8 tầng thiền, sau đó trở về Tứ thiền Sắc giới thực hành để thành tựu năng lực thần thông.

Ngài Buddhaghosa có giải thích: Với hành giả đã thành tựu năng lực thần thông trong quá khứ, khi đạt đến Tứ thiền Sắc giới, có thể “rèn luyện” thần thông (Vsm, 367).

Mặt khác, tầng Tứ thiền là nhân gần để chứng đắc thiền Không vô biên xứ. Do vậy, bài pháp được dừng ở Tứ thiền, vì hành giả chưa thành tựu Thánh quả.

Riêng các bậc Thánh Tam quả hay Tứ quả muốn nhập thiền Diệt thọ tưởng thì thành tựu 8 tầng thiền là điều rất cần thiết.

B-Trí quán (vipassanāñāṇa).

  1. Chánh kinh.

So evaṃ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āneñjappatte

Vị Tỳ-khưu như vậy, tâm định tĩnh, hoàn toàn tốt đẹp, trong sáng, không nhơ bẩn, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến bất động,

ñāṇadassanāya cittaṃ abhinīharati abhininnāmeti.

hướng tâm, dẫn tâm đến ‘thấy – biết”.

So evaṃ pajānāti “ayaṃ kho me kāyo rūpī cātūmahābhūtiko,

Vị ấy biết “Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành,

mātāpettikasambhavo odanakummāsūpacayo

do cha mẹ sinh ra, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng,

aniccucchādana – parimaddana – bhedana – viddhaṃsana – dhammo,

là pháp vô thường, biến hoại, vỡ vụn, tan rã, hoại diệt,

idañca pana me viññāṇaṃ ettha sitaṃ ettha paṭibaddha’nti.

trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc.

Giải.

“Hoàn toàn tốt đẹp …. đạt đến bất động” .

Đức Phật chỉ cho “vị Tỳ-khưu thành tựu 8 tầng thiền qua 14 cách thông thạo”, được giải thích chi tiết trong Visuddhimagga chương XII (At), đồng thời phải thành tựu 8 yếu tố này, mới có khả năng tiến đạt các thắng trí (abhiññāṇa).

“Vị ấy” (so).

Soti adhigata catutthajjhāno yogī:

Vị ấy là chỉ cho hành giả chứng đắc Tứ thiền (Vsm, 368).

Như vậy (evaṃ). Là chỉ cho vị chứng đắc Tứ thiền theo tuần tự từ Sơ thiền đến tứ thiền và thông thạo 14 cách (sđd).

“Định tỉnh” (samāhite).

Samāhiteti iminā catutthajjhānasamādhinā samāhite:

Định tỉnh là chỉ cho đắc Tứ thiền.

“Tâm” (citte).

Citteti rūpāvacara citte: Là tâm Sắc giới (sđd).

Hoàn toàn tốt đẹp” (parisuddhe).

Parisuddheti – ādīsu pana upekkhāsati parisuddhibhāvena parisuddhe:

Trước tiến nhờ xả – niêm làm cho trong sạch, rồi phát triển trở thành “hoàn toàn tốt đẹp” (sđd).

Trong sáng(pariyodāte).

Parisuddhattāyeva pariyodāte, pabhassarehi vuttaṃ hoti:

Trong sáng nhờ “hoàn toàn tốt đẹp”, đây là ý nghĩa được nói đến.

Không nhơ bẩn” (anaṅgaṇe):

Sukhādinaṃ paccayānaṃ ghātena vihatarāgādi-aṅgaṇattā aṅgaṇe:

Do duyên lạc trước tiên phá vỡ, xóa bỏ tham ái và các nhơ bẩn khác của tâm, gọi là “không nhơ bẩn” (Vsm, 368).

“Không phiền não” (vigatūpakkilese)

Không nhơ bẩn là “không có phiền não”, chính những “nhơ bẩn” làm cho tâm trở nên “nóng bức” (kilesa).

Nhu nhuyến (mudubhūte).

Subhāvitattā mudubhūte: (Tâm) khéo tu tập là “nhu nhuyến”.

Nghĩa là “làm chủ” được tâm; gọi là “tâm nhu nhuyến” (sđd).

“Dễ sử dụng(kammaniye).

Mudutāyeva ca kammaniye: Vì “tâm nhu nhuyến” nên “dễ sử dụng”.

Nghĩa là tâm “chịu sự sử dụng”, đáng dược sử dụng.

Một tâm nhu nhuyến thì “dễ sử dụng”, ví như vàng khéo nấu chảy trở thành nhu nhuyến, dễ sử dụng. Cũng vậy, tâm khéo tu tập trở thành nhu nhuyến, dễ sử dụng. Đức Phật có dạy:

“Này các Tỳ-khưu, Ta không thấy một pháp nào khi được tu tập, được đào luyện, trở thành nhu nhuyến, dễ sử dụng như tâm” (HT. TMC dịch)([15]).

Vững chắc” (ṭhite).

Etesu parisuddhabhāvādīsu ṭhitattā ṭhite:

“Vững chắc” trước tiên do thuần tịnh, đồng thời do “rèn luyện” các đức tính khác.

“Đạt đến bất động”(āneñjappatte).

Ṭhitattāyeva āneñjappatte, acate niriñjanneti vuttaṃ hoti:

“Vững chắc” là “đạt đến bất động”, nghĩa là không lay động, không rung chuyển.

Một cách giải thích khác, “vững chắc” vì có sự “quyết định” riêng và làm chủ “sự quyết định” đó, đồng thời nhờ “tính nhu nhuyến”, “dễ sử dụng”.

Đạt đến bất động” chỉ cho thành tựu được 5 lực:

– Với tín, tâm không còn dao động bởi “vô tín” (assaddhā).

– Với tấn, tâm không còn bị dao động bởi sự “biếng nhác” (kosajja).

– Với niệm, tâm không còn dao động bởi sự “lơ đảng” (pamāda).

– Với định , tâm không còn dao động bở “phóng dật” (uddhacca).

– Với tuệ , tâm không còn dao động bởi “vô minh (avijjā).

– Với ánh sáng (obhāsa), tâm không còn dao động bởi “bóng tối phiền não”.

Một cách giải thích khác là:

– Tâm định tỉnh do đạt được Tứ thiền.

– Được hoàn toàn tốt đẹp nhờ tách lìa năm chướng ngại.

– Được trong sáng nhờ vượt qua “tầm, tứ, hỷ, lạc”.

Không nhơ bẩn do không có ác dục từ sự đắc thiền (như muốn người khác biết mình là “người đắc thiền …).

Không phiền não vì các phiền não như tham, sân, mạn … không có cơ hội sinh lên.

Nhu nhuyến là tâm trở nên mềm mại, uyển chuyển và tự chủ theo cách riêng của nó.

Dễ xử dụng vì dễ dàng đạt đến các thắng trí.

Vững chắc, đạt đến bất động do được rèn luyện, đạt đến sự tinh vi của sự “kết hợp” các pháp một cách vững chắc (ví như chất keo gắn chặt các vật với nhau thành một khối chắn chắn) (sđd).

Vị hành giả muốn thành tựu các thắng trí phải hội đủ tám yếu tố: “hoàn toàn tốt đẹp … đạt đến bất động”.

Ví như người thợ vàng, muốn làm một món trang sức nào đó, phải nấu vàng chảy ra, rồi gạn lọc chất bả trong vàng để vàng “hoàn toàn trong sạch”, nhờ gạn hết chất bẩn có bên ngoài lẫn bên trong vàng, chất vàng trở nên “trong sáng”, chất vàng ấy “không nhơ bẩn”, khi vàng “nhu nhuyến” đến mức “dễ sử dụng”, người ấy đưa vào khuôn “vững chắc”, “không bị lay chuyển

Và người thợ vàng làm thành tựu món trang sức như ý.

“Thấy – biết” (ñāṇadassanāya).

Ñāṇadassaṇanti maggañāṇampi, vuccati phalañāṇampi, sabbaññutaññāṇampi, paccavekkhaṇañāṇampi, vipassanāñaṇampi:

Thấy – biết” là chỉ cho trí đạo, trí quả (siêu thế), trí Toàn giác, trí “xem xét lại”, trí quán (At).

– “Thấy – biết” chỉ cho trí đạo, như trong đoạn:

Như thế nào? Này hiền giả, “thấy – biết” trong sạch, được Đức Thế Tôn tuyên bố là phạm hạnh” ([16]).

“Thấy – biết” chỉ cho trí quả, như trong đoạn:

Đây là trạng thái siêu thế khác, sự khác biệt trong “thấy – biết” của bậc Thánh([17]).

– “Thấy – biết” chỉ cho trí Toàn giác, như trong đoạn:

Trí của Đức Thế Tôn khởi lên, thấy rằng “Ālāra kālāma đã qua đời 7 ngày trước”([18]).

– “Thấy – biết” chỉ cho trí “xem xét lại” như trong đoạn:

“Trí tuệ và sự thấy – biết của ta đã sinh khởi “sự giải thoát của ta không thay đổi, đây là lần sinh cuối cùng, từ nay không còn phải tái sinh nữa”([19]).

Thấy – biết” chỉ cho trí quán, như trong đoạn kinh văn trên: “Hướng tâm, dẫn tâm đến thấy – biết”.

“Hướng tâm”(abhinīharati).

Abhinīharatīti vipassanāñāṇassa nibbattanatthāya tanninaṃ tappoṇaṃ tappabbhāraṃ karoti:

Hướng về tuệ quán, cố gắng thực hành để chấm dứt tái sinh với sự nhiệt tâm mãnh liệt, gọi là hướng tâm (At).

Dẫn tâm”(abhininnāmeti). Là dẫn tâm ra khỏi ấn tướng của Tứ thiền.

Là pháp vô thường, biến hoại, vở vụn, tan rã, hoại diệt”.

Pháp ở đây chỉ cho sắc pháp, tức là sắc uẩn.

Vô thường nghĩa là “thay đổi”.

Biến hoại nghĩa là trở nên hôi thối, phải dùng vật thơm che lấp.

Vỡ vụn là trạng thái đau nhức, cần phải xoa bóp để khỏi đau tay, đau chân, ngay cả khi còn trong thai bào được nằm giữa hai đùi, khi tay chân chưa hình thành, cục thịt ấy bị kéo, đẩy cho giãn ra để tạo thành tay chân.

Tan rã vì hình thành do cách thức như vậy nên phải chịu tan biến đi.

Hoại diệt là chấm dứt.

Trong sáu cụm từ: “pháp, vô thường, biến hoại, vỡ vụn, tan rã, hoại diệt” thì:.

Ba cụm từ “vô thường, biến hoại, vỡ vụn” là chỉ cho trạng thái sinh lên, tiến triển của sắc uẩn.

Từ nguyên tố rất nhỏ ban đầu do thay đổi, sự thay đổi này dẫn đến “biến hoại cái cũ”, cái mới hình thành, khi có “biến họai” thì có sự “vỡ vụn ra”.

Hai cụm từ “tan rã, hoại diệt” là nói đến trạng thái diệt mất của sắc uẩn (At).

Sách Hậu Ṭīkā có giải thích thêm rằng: Sáu cụm từ “sắc pháp, do tứ đại tạo thành, do cha me sinh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại” là chỉ cho sự sinh ra và tiến triển của sắc pháp.

Ba cụm từ “ vỡ vụn, tan rã, hoại diệt” là chỉ cho sự diệt của sắc pháp (Atk).

Hỏi: Ba cụm từ “do tứ đại tạo thành, do cha me sinh, do cơm cháo nuôi dưỡng” là “hình thành sắc pháp”, điều này rõ ràng, không có gì bàn cải.

Riêng ba cụm từ “sắc pháp, vô thường và biến hoại” có đúng là “chỉ cho sự hình thành của sắc pháp” không, vì ý nghĩa của chúng không liên quan đến sự “hình thành”?

Đáp. Đúng, vì cụm từ “sắc pháp” là chỉ ra “có sắc pháp do nhiệt độ (utu) và dưỡng tố (āhāra) tạo thành”([20]).

Hai cụm từ “vô thường, biến hoại” mang ý nghĩa “tạo ra sắc pháp thích hợp” khác.

Trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc”.

Là thức phải nương tựa và bị trói buộc trong thân tứ đại ấy (At).

Bản Hậu Ṭīkā giải thích: “Thức phải nương tựa trong thân tứ đại, là chỉ cho 6 sắc vật (vatthurūpa) là: Nhãn vật, nhĩ vật, tỷ vật, thiệt vật, thân vật và ý vật, khi tâm sinh lên phải có vật (vaytthu) để làm chỗ nương.

Gọi là “bị trói buộc” vì không thể thoát ra, không thể hiển lộ ra ngoài thân,

Ngay cả trí quán cũng bị trói buộc vì đang nhận sắc pháp làm cảnh qua chế định là “thân”(Atk).

  1. Chánh kinh.

Seyyathāpi, mahārāja, maṇi veḷuriyo subho jātimā aṭṭhaṃso suparikammakato accho vippassanno anāvilo sabbākārasampanno.

Này Ðại vương, ví như một hòn lưu ly bảo châu, xinh đẹp, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, sáng chói, không chất bẩn, đầy đủ tất cả mỹ tướng.

Tatrāssa suttaṃ āvutaṃ nīlaṃ vā pītaṃ vā lohitaṃ vā odātaṃ vā paṇdusutaṃvā.

Và một sợi giây được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi giây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng nhạt.

Giải.

“Xinh đẹp”(subho).

Subhoti sundari: Xinh đẹp là tốt đẹp (At).

“Trong suốt” (jātimā)

Jātimāti parisuddhākarasamuṭṭhito:

Nơi tạo ra trong sạch, gọi là “trong suốt” (At)

Khéo dũa”(suparikammakato)

Suparikammakatoti sutthu kataparikammo apanītapāsāṇasakkharo:

Khéo léo bỏ đi những mãnh dư thừa, làm cho tốt đẹp trọn vẹn, là “khéo dũa” (At).

“Khéo mài” (accho)

Acchoti tanucchavi: Làm mỏng da ngoài, là “khéo mài” (At).

“Sáng chói” (vippasanno).

Vippassannoti sutthu pasanno: Tốt đẹp rực sáng, là “sáng chói” (At).

Đầy đủ tất cả mỹ tướng” (sabbākārasampanno).

Sabbākārasampannoti dhovanavedhanādīhi sabbehi ākārehi sampanno:

Tất cả sự trong sạch được làm trọn vẹn một cách khéo léo (vedha), là “đầy đủ tất cả mỹ tướng” (At).

Bản Sớ giải giải thích: Đức Thế Tôn nêu ra ví dụ về “viên bảo ngọc”, nên hiểu như sau:

Viên bảo châu ví như thân (sắc pháp), sợi dây xuyên qua viên bảo ngọc ví như tuệ quán.

Khi cầm viên ngọc trên tay, người ấy xem xét và biết rõ “đây là viên bảo ngọc”, cũng vậy vị Tỳ-khưu có trí quán, quán xét thân này trọn vẹn như sợi chỉ xuyên suốt viên bảo ngọc.

Với trí quán vị ấy dẫn tâm, hướng tâm quán xét ngũ uẩn với tâm sở xúc (phassacetasika) dẫn lộ, vị ấy thấy rõ các trạng thái của tâm và tâm sở và trí quán nhận chúng làm cảnh để quán xét (như người thợ ngọc xem xét cẩn thận viên bảo ngọc), chúng trở nên rõ ràng trước tuệ quán (At).

Sách Hậu Ṭīkā giải rộng là: Với trí quán, trước tiên nhận cảnh là thân (sắc uẩn), từ cảnh đó (tadārammaṇaṃ) trí quán xuyên suốt để nhận thấy thức, thọ, tưởng và hành uẩn bị trói buộc trong đó (như sợi chỉ xuyên qua viên bảo ngọc), tất cả được hiển lộ qua trí quán (Atk).

Hỏi. Vì sao trí quán cũng bị trói buộc trong thân?

Đáp. Do câu nói “trong thân này, thức nương tựa và bị trói buôc”.

Trí quán thấy thức bị trói buộc, mà trí quán đồng hành với thức, trí quán là một tâm sở của thức. Thức bị trói buộc thì trí quán cũng bị trói buộc.

Ví như có một nhóm người bị nhốt chung nhau, người A biết người B bị nhốt thì chính người A cũng tự biết “mình đang bị nhốt như người B”.

Đức Phật ví “thân này như viên bảo ngọc có 8 cạnh” nghĩa là: Tuy thân này bị chi phối bởi luật vô thường, nhưng các việc lành như bố thí, trì giới, cung kỉnh … sinh khởi từ thân này (ví như bảo ngọc), thực hành con đường trung đạo (tám cạnh) cũng từ thân này.

Yathā’pi puppharāsimhā; kayirā mālāguṇe bahū.

Evaṃ jātena maccena; kattabbaṃ kusalaṃ bahuṃ.

“Như từng đống hoa; nhiều cành hoa được làm.

Cũng vậy, thân sinh tử; phải làm nhiều việc lành” (HT. TMC dịch)([21]).

“Sợi chỉ có màu xanh, màu vàng, màu đỏ, mà trắng, màu vàng nhạt”.

Đây là các màu của ấn tướng thể trược trong thân, như:

– Ấn tướng của “tóc, lông, mật, đàm, mủ …” có màu xanh.

– Ấn tướng của “da, mở đặc, phẩn …” có màu vàng.

– Ấn tướng của “máu, thịt…” có màu đỏ.

– Ấn tướng của “xương , răng, móng …” có màu trắng.

– Ấn tướng của “mở lỏng, nước tiểu, nước nhờn …” có màu vàng nhạt.

Theo Bản sớ giải thì: Trí quán này đi trước trí đạo, nhưng được nêu ra ở đây (trước các thắng trí – abhiññāṇa) vì không có chỗ “trung gian”.

Trí quán được nêu ra trước các thắng trí nhằm mục đích loại trừ các sợ hãi, như khi thấy các “sắc ghê rợn” bằng nhãn thông, nghe các âm thanh khủng khiếp bằng nhĩ thông, sự sợ hãi, kinh khiếp sẽ phát sinh, nếu hành giả không quán “ các hành là vô thường”, “các hành là khổ”… vị ấy có thể bị hoại thiền và thắng trí.

Nhưng nếu hành giả quán “các hành là vô thường…” thì sợ hãi sẽ không sinh lên.

Lại nữa, trí quán được nêu ra ở đây trong đoạn đầu, vì hỷ lạc của trí quán là “quả thiết thực vi diệu của Sa-môn hạnh”, dẫn đến thành tựu hỷ lạc của Đạo – quả Siêu thế .

Sách Hậu Ṭīkā giải thích thêm rằng: Trong 6 thắng trí, “trí đoạn tận tất cả ô nhiễm” (lậu tận thông – āsavakkhayaññāṇa), được đề cập sau 5 thắng trí thế gian (hiệp thế), vì sao ở đây trí quán được nêu lên trước các thắng trí thế gian? Bản Sớ giải đã giải thích để giải trừ nghi hoặc ấy.

Đồng thời “trí đoạn trừ tất cả ô nhiễm” là trí Siêu thế (là trí Đạ0 hay trí quả Siêu thế), là trí được thành tựu từ trí quán, không phải là trí quán.

Không có nơi trung gian”. Sau năm thắng trí thế gian, các bản kinh thường đề cập đến “trí đoạn trừ tất cả ô nhiễm”, trí này mang đặc tính của thắng trí (abhiññāṇa), trong khi trí quán không có đặc tính này, nên trí quán không thể chen vào giữa thắng trí thế gian và thắng trí Siêu thế.

Vì không có cơ hội đề cập đến trí quánmột cách hợp lý, nên Đức Thế Tôn đề cập đến trí quán ngay sau bốn tầng thiền Sắc giới.

Thấy hình dáng ghê sợ bằng nhãn thông”. Ở đây có thể nói “thấy bằng con mắt thường”, sách Thanh Tịnh đạo có giải thích “vị ấy thấy khi tạo ra ánh sáng qua kasina, khi ánh sáng ấy mất thì không còn thấy”.

Vị ấy thấy được các hình ảnh ghê sợ, những hình ảnh này do thắng trí phản ánh trở lại. Sự sợ hãi sẽ sinh lên nếu vị ấy không tạo được nền tảng trí quán như “quán vô thường, quán khổ, quán vô ngã”, như trường hợp Trưởng lão Mahānāga (xem sách Thanh Tịnh Đạo).

Nỗi sợ hãi này cũng xảy ra với vị chứng được thiên nhĩ thông, vị ấy cũng nghe được với “tai thông thường”, khi khoảng không không còn, vị ấy hết nghe (Atk).

C- Các Thắng trí (abhiññāṇa) ([22]).

Trí ý hóa thông (manomay’iddhiñāṇa).

  1. Chánh kinh.

So evaṃ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āneñjappatte,

Vị ấy như vậy, với tâm định tĩnh,trong sáng, khôngnhơ bẩn, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến bất động,

manomayaṃ kāyaṃ abhinimmānāya cittaṃ abhinīharati abhinnāmeti.

hướng tâm, dẫn tâm đến sự hóa hiện một thân do ý làm ra.

So imamhā kāyā aññaṃ kāyaṃ abhinimmināti rūpiṃ manomayaṃ sabbaṅgapaccaṅgiṃ ahīnindriyaṃ.

Vị ấy tạo một thân khác từ nơi thân này, cũng là sắc pháp, do ý làm ra, đầy đủ các chi thể lớn nhỏ, không thiếu một quyền nào.

Giải.

“Hướng tâm” là “hướng đến “ý hóa thông”.

“Dẫn tâm” là đưa tâm thoát ra ấn tướng của Tứ thiền.

Do ý làm ra” (manomayaṃ).

Manomayanti manena nibbattitaṃ:

Do ý làm ra là do ý tạo (At).

“Đầy đủ các chi tiết lớn nhỏ” (sabbaṅgapaccaṅgiṃ).

Sabbaṅgapaccaṅginti sabbehi aṅgehi capaccaṅgehi ca samannāgataṃ (At):

Tất cả các chi phần và chi thể phụ đều thành tựu, gọi là “đầy đủ các chi thể lớn nhỏ”.

“Không thiếu một quyền nào” (ahīnindriyaṃ).

Ahīnindriyanti saṅthānavasena avikalindriyaṃ:

Là không thiếu một quyền nào theo hình dạng (At).

Nếu vị ấy (người sở hữu năng lực siêu nhiên này) có thân hình trắng thì dạng sắc pháp tạo ra cũng trắng, thậm chí nếu tai vị ấy có xỏ lỗ tai thì dạng sắc pháp ấy cũng có “xỏ lỗ tai”.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn thuyết “đầy đủ các chi thể lớn nhỏ”, Ngài lại thuyết thêm “không thiếu một quyền nào”?

Đáp. Các quyền ở đây chỉ cho “mắt tai, mũi, lưỡi và thân”. Dạng sắc pháp được tạo ra ý, không phải như tượng đá hay đồng “giống y như vị ấy”, mà dạng sắc pháp này cũng biết cử động, biết nháy mắt, biết nói …

Như Trưởng lão Cūlapanthaka([23]) tạo ra 1.000 vị Tỳ-khưu giống như Ngài, khi Ngài nói thì cả ngàn vị Tỳ-khưu ấy cũng nói.

Bản Hậu Ṭīkā giải thích rộng: “Không thiếu một quyền nào”, các quyền ở đây chỉ có “hình dáng” (san.thaana), “không có nhạy cảm” với các cảnh của giác quan. Nghĩa là các quyền ở đây không có “sắc mạng quyền” (Atk).

Đoạn kinh văn 237. Đức Thế Tôn đưa ra 3 ví dụ về “ý hóa thông”, ba ví dụ này nhằm mục đích “chỉ ra các sắc pháp giống nhau do ý tạo, giống như sắc pháp ban đầu về hình dạng”.

– Cây lau được rút ra từ vỏ lau thì giống như vỏ lau đó.

– Thân kiếm được rút ra từ vỏ kiếm, nó cũng giống như vỏ kiếm, tức là “phần kiếm nằm trong vỏ kiếm, giống như vỏ kiếm; nếu thân kiếm có hình tròn dài thì vỏ kiếm có hình tròn dài; nếu thân kiếm có hình dẹt thì vỏ kiếm cũng có hình dẹt …

– Con rắn rút ra khỏi vỏ rắn, nó cũng giống như vỏ rắn về hình dạng.

Tuy trong bài kinh Đức Thế Tôn có nói “ví như người lột xác một con rắn”, nhưng nên hiểu rằng “vị ấy “dùng ý thực hiện”, chứ không dùng tay.

Không ai có thể “lột rắn ra khỏi da mà con rắn còn sống”, con rắn “tự lột xác” theo 4 ý nghĩa “đặc trưng của loài rắn”:

* Không thay đổi hình dáng theo nòi giống sau khi lột bỏ vỏ cũ.

* Tự chống lại những vật va chạm vào thân khi di chuyển.

* Tự kéo thân ra khỏi vỏ bằng sức mạnh của mình.

* Ghê tỡm thân xác cũ (tức là vỏ rắn).

Cũng vậy, với ý hóa thân vị ấy tạo ra một thân giống như mình, nhưng vị ấy vẫn còn sống.

“Vỏ khác, cây lau khác. Nghĩa là vị ấy “hiểu rõ” thân xác này “không thât”.

Tức là dù là “hiện thân hay hóa thân” đều không thật.

Tương tự như vậy với “vỏ kiếm là khác, thân kiếm là khác”, “vỏ rắn là khác, con rắn là khác”.

Thần thông trí (iddhividhañāṇaṇādi).

  1. Chánh kinh.

So evaṃ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āneñjappatte,

Vị ấy như vậy, với tâm định tĩnh,trong sáng, không nhơ bẩn, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến bất động,

idhividhāya cittaṃ abhinīharat abhinnāmeti.

hướng tâm, dẫn tâm đến các thành tựu.

So anekavihitaṃ iddhivithaṃ paccanubhoti,

Vị ấy chứng được các loại thành tựu,

ekopihutvā bahudhā hoti, bahudhāpi hutvā eko hoti;

một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân trở thành một thân;

āvibhāvaṃ tirobhāvaṃ tirokuṭṭaṃ tiropākāraṃ tiropabbatam.asajjamāno gacchati seyyathāpi ākāse.

hiện – biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi xuyên qua khoảng trống.

Pathaviyāpi ummujjanimujjaṃ karoti, seyyathāpi udake.

Chun xuống, trồi lên xuyên qua đất, như ở trong nước.

Udakepi abhijjamāne gacchati seyyathāpi pathaviyā.

Đi trên nước không chìm như đi trên đất.

Ākāsepi pallaṅkena kamati seyyathāpi pakkhī sakuno.

Ngồi kiết già, đi trên hư không như con chim.

Imepi candimasūriye evaṃmahiddhike evaṃmahānubhāve pāṇinā parāmasati parimajjati.

Với tay chạm, rờ mặt trăng, mặt trời, những vật có đại uy lực, đại thần lực như vậy.

Yāva brahmalokāpi kāyena vasaṃ vatteti.

Tự thân đến cõi Phạm thiên.

Giải.

“Thành tựu”(iddhidhāya)([24]).

Ettha ijjhanaṭṭhena iddhi nipphatti – atthena paṭilābhatthena cāti vuttaṃ hoti:

Ở đây, “thành tựu” nghĩa là sự thành công, nghĩa là “làm sinh ra” hay “đạt được” (lābha) (Vsm, 369).

Vì có được cái phát sinh như ước muốn, gọi là thành tựu, như kinh văn:

Kāmaṃ kāmayamānassa; tassa cetaṃ samijjhati.

“Ai ao ước được dục; nếu dục được thành tựu…”(HT. TMC dịch)([25]).

Hay nói “sự xuất gia thành công”, đó là một “thành tựu”.

Hoặc đắc được đạo A-la-hán, đó là một “thành tựu”.

Iddhi còn có nghĩa là “biến hóa” vì chuyển đổi cái cũ nhanh chóng trở thành khác([26])

Một nghĩa khác của “iddhi” là “lớn mạnh”, đó là “điều theo sau “ước nguỵện” và được thành tựu.

Như khi gia chủ Citta bịnh nặng, các chư thiên đến thăm, đã nói với gia chủ Citta rằng: Này gia chủ Citta, hãy nguyện: “Trong tương lai ta sẽ thành vua Chuyển luân”([27]).

Một ý nghĩa khác của “iddhi” là “thịnh vượng”, nghĩa là “nhờ phương tiện nào đó dẫn đến thành công, rồi tăng trưởng thành công đó”

Mười loại thành tựu.([28])

1- Thành tựu do “quyết định” (adhiṭṭhāna). Với một thân, vị ấy tác ý biến thành nhiều thân, sau khi tác ý, vị ấy quyết định với trí “hãy biến thành nhiều thân”.

Như trường hợp Ngài Cūlapanthaka hóa ra một ngàn vị Tỳ-khưu.

2- Thành tựu do “biến hóa” (vikubbanā). Là từ bỏ hình dáng thông thường, hiện ra hình dáng khác như: Voi, ngựa, cậu bé …

Như trường hợp Đức Moggallāna (Mục- Kiền-liên) hóa thành Kim-xí điểu (supanna) rượt đuổi Long vương Nandapananda.

3- Thành tựu “do ý”. Là “ý hóa thông” (manomayā).

4- Thành tựu “do trí” (ñāṇavipphārā).

* Khi trí đang sinh khởi. Như vị Tỳ-khưu quán vô thường, chứng đạo A-la-hán, khi ấy tẩy sạch mọi phiền não, thành tựu bậc Vô sinh bất tử.

* Khi trí sẽ sinh khởi. Là chỉ cho trí đạo A-la-hán sẽ sinh ra trong kiếp ấy.

Như trường hợp Ngài Bakula bị cá lớn nuốt vào bụng mà không chết, hay Ngài Saṅkicca còn trong thai bào, mẹ Ngài lại chết. Vào lúc hỏa thiêu xác bà, người thợ thiêu xác chết dùng cọc nhọn đâm vào bụng bà, hài nhi ở trong bụng mẹ bị cọc nhọn ấy đâm trúng vào góc mắt,, hài tử khóc lên và người ta cứu sống hài tử, đặt tên là Saṅkicca (Vô sự) và Ngài Saṅkicca chứng quả A-la-hán lúc 7 tuổi.

* Khi trí đã sinh khởi.

Như cậu bé Bhūtapāla là người thường tụng kệ ngôn đảnh lễ Đức Phật “namo tassaa… sammāsambuddhassa” với sự hiểu biết về “ân đức Phật”.

Một lần nọ cậu theo cha vào rừng kiếm củi, khi cha con dùng cơm ở nơi tha ma mộ địa, những con bò của ông theo đàn bò khác đi vào thành, ông để cậu Bhūtapāla ở lại giữ xe củi, ông vào thành tìm bò.

Khi tìm được bò thì cổng thành đã đóng lại, ông không thể ra được.

Câu Bhūtapāla nằm ngủ cạnh xe củi ở trong mộ địa và câu thoát khỏi tai nạn do dạ xoa hung ác, toan sát hại cậu để ăn thịt, câu giật mình niệm ngay câu “namo tassa … và dạ-xoa bị trừng phạt, sau khi sám hối cậu mới khỏi bị hình phạt([29]).

Đây là thành tựu do trí đã sinh.

5- Thành tựu “do định” (samādhivipphārā).

* Định đang sinh. Như “vị Tỳ-khưu thành tựu Sơ định, khi áp chế được 5 chướng ngại”, thành tựi nhị định khi lìa bỏ được tầm – tứ …

* Định đã sinh. Như Hoàng hậu Sāmāvatī với định tâm từ khiến mũi tên của vua vua Udena quay ngược lại ([30]), hay nàng Uttarā với định tâm từ khiến cho dầu nóng sôi sục trở thành nguội lạnh([31]), hay như Ngài Sāriputta với định Diệt thọ tưởng, con dạ-xoa Nanda cầm chùy đánh vào đầu Ngài, Ngài vẫn vô sự ([32]).

6- Thành tựu “do là bậc Thánh” (ariya). Tức là vị Thánh A-la-hán làm chủ được tâm. Các Ngài “không ghê tởm trong vật đáng ghê tởm, ghê tởm trong vật không đáng ghê tởm”.

Như trường hợp Ngài Mahākassapa khi đi bát khất thực, một người cùi cúng dường vật thực đến Ngài và rớt ngón tay vào bát, Đức Mahākassapa tìm nơi ngồi thích hợp, Ngài nhặt ngón tay ấy ra rồi thọ dụng vật thực ấy.

Đây là “tưởng không ghê tởm trong vật đáng ghê tởm”.

Ba cô thiên nữ con của Ma vương quyến rũ Đức Thế Tôn, nhưng bị thất bại vì Đức Thế Tôn “tưởng ghê tởm trong vật không đáng ghê tởm”.

7- Thành tựu “do quả của nghiệp” (kammavipākajā). Như loài chim bay trong hư không, một số ma đói (peta) nhớ lại ác nghiệp kiếp trước, hay những vị thiên nhân nhớ lại hạnh lành kiếp trước, hoặc một số người nhân loại cũng có được khả năng nhớ lại kiếp trước (nhưng sự nhớ lại này chỉ được 1 kiếp mà thôi).

8- Thành tựu “do phước” (puññavato).

Như vua Chuyển luân du hành trên không với 4 đạo quândo có thiên báu luân.

Gia chủ Jotika có lâu đài bằng 7 loại ngọc báu, hoặc gia chủ Ghosaka thoát chết 7 lần …

9- Thành tựu “do chú thuật” (vijāmayā). Một số chú thuật gia có thể phi hành giữa hư không , như Rohitassa([33]).

10- Thành tựu “do nỗ lực đúng” (sammāpayoga). Như nói “nỗ lực từ bỏ tham dục, thành tựu xuất ly” hay “nỗ lực trừ diệt các ô nhiễm, thành tựu A-la-hán đạo”.

Đây là “thành tựu do nỗ lực đúng”.

“Thành tựu” trong đoạn kinh văn này là “thành tựu “do quyết định”, là cách thành tựu “biến hóa”.

“Hướng tâm” là hướng đến các loại thành tựu “biến hóa”.

Một thân hiện ra nhiều thân” (ekopihutvā bahudhā hoti).

Có hai loại:

Do ý hóa thân. Là có nhiều thân giống nhau, như trường hợp Trưởng lão Cūlapanthaka nói ở trên.

Do “biến hóa”. Là có nhiều người, nhưng khác nhau về hình tướng, về tuổi như thiếu niên, trung niên, lão niên, có tóc, không tóc …

Vị ấy nhập vào Tứ thiền, xuất khỏi Tứ thiền rồi “quyết định”: Có bao nhiêu vị có hình dáng như thế này, có bao nhiêu vị có hình dáng như thế kia, có bao nhiêu vị trẻ tuổi, có bao nhiêu vị trung niên … sau khi “quyết định” rồi, vị ấy lại nhập Tứ thiền, xuất tứ thiền. Điều vị ấy “quyết định” thành hiện thực.

Lại nữa, sự khác nhau giữa “ý hóa thông” và “biến hóa thông” là: Ý hóa thông chỉ tạo ra “đúng với hình dáng của vị ấy”, còn “biến hóa thông” có thể tạo ra “hình dáng sai khác với hình dáng vị ấy, như vị ấy hóa thành chim Supanna (Kim-xứ-điểu), voi, long vương …

“Nhiều thân thành một thân” (bahudhāpi hutvā eko hoti). Tương tự như trên, vị Tỳ -khưu nhập vào Tứ thiền, xuất Tứ thiền, rồi “quyết định”: Nhiều thân hãy trở thành một. Vị ấy nhập vào Tứ thiền, xuất Tứ thiền thì “nhiều người trở thành một”.

“Nhiều người” chỉ cho “những người do vị ấy hóa ra”. Còn “nhiều người thật” thì như thế nào? Không thấy Kinh điển hay sách Thanh Tịnh đạo đề cập đến.

Mặt khác, nếu vị ấy không thực hiện “gom lại thành một”, sau thời gian ấn định thì “nhiều người ấy” cũng trở lại thành một.

“Hiện – biến hình” (āvibhāvaṃ tirobhāvaṃ).

Āvibhāvaṃ tirobhāvanti ettha āvibhāvaṃ karoti tirobhāvaṃ karoti ayamattho:

“Hiện – biến hình” ở đây là “làm xuất hiện, hay tan biến”, “ngang qua” là làm cho “xuyên qua”. (Vsm, 387).

Về điểm này, Paṭisambhidāmagga (Vô ngại giải đạo) có giải thích:

– “Xuất hiện” là không bị che lấp, không bị dấu khuất.

“Tan biến” là bị che khuất, bị dấu mất”([34]) (sđd).

“Hiện hình” là làm cho “vật không nằm trong tầm mắt, hiện ra trong tầm mắt”, bằng cách “chuyển bóng tối thành ánh sáng”, hay quyết định “vật này hãy hiện ra trong nhãn giới”.

Loại biến hóa này được chính Đức Thế Tôn thực hiện khi Ngài thi triển Song thông lực, rồi ngự lên cung trời Đạo lợi, đại chúng dày đặc cả 36 do tuần đều thấy rõ Đức Thế Tôn bước chân thứ nhất đặt lên cây xoài Nanda, bước chân thứ 2 đặt lên đỉnh núi Trì song sơn (Yugandhara), bước chân thứ ba đặt lên đỉnh Tu-di sơn (Sineru).

“Tan biến”. Là làm cho vật đang có bị che khuất, không xuất hiện trong nhãn giới,

Điều này được Đức Thế Tôn thực hiện, Ngài che khuất Ngài Yasa đang ngồi sau lưng Ngài, Đức Thế Tôn thuyết pháp độ cha Ngài Yasa chứng quả Dự lưu, sau đó Ngài thu hồi thần lực trở lại.

Lại nữa, “biến hình” là biến mất ở nơi này, “hiện hình” là xuất hiện ở nơi khác, như trường hợp Đức Thế Tôn “biến mất” ở cõi nhân loại, xuất hiện ở cõi Quảng quả để tế độ Đại phạm thiên Baka.

Cũng chính tại cõi ấy, Đức Thế Tôn biến hình khiến Đại Phạm thiên Baka cùng thiên chúng tùy tùng không thấy Ngài, nhưng vẫn nghe rõ âm thanh thuyết pháp của Ngài tại nơi ấy, sau đó “Ngài hiện hình trở lại.

“Ngang qua” là vị ấy “quyết định” những chướng ngại trở thành hư không.

Đi ngang qua vách, qua tường, qua núi, như đi xuyên qua khoảng trống.

Là vị ấy, xuyên qua tường, vách hay núi như đi xuyên qua “hư không”. Đây là kết quả kỳ diệu của biến xứ “hư không”.

Tuy nhiên, theo sách Thanh Tịnh đạo thì “Nếu đó là vách, tường hay núi do một vị có thần thông tạo ra trước chiếm ưu thế. Vị có thần thông sau phải đi phía sau hay phía trên núi”.

“Chun xuống, trồi lên xuyên qua đất, như ở trong nước”.

Vị ấy quyết định “đất hãy trở thành nước” và đất sẽ trở thành nước đối với vị ấy.

Như người bình thường lặn xuống nước rồi trồi lên như thế nào, đất trở nên “nước” đối với vị ấy và vị ấy lặn xuống đất rồi trồi lên nước.

Đây là điều kỳ diệu của biến xứ nước.

Đi trên nước không chìm như đi trên đất.

Vị ấy quyết định “nước này hãy trở thành đất”, nước ấy sẽ “như đất liền với vị ấy” hoặc với người khác theo ý muốn vị ấy. Đây là sự kỳ diệu của biến xứ đất.

Ngồi kiết già, đi trên hư không như con chim”.

Tương tự như trên, vị ấy quyết định “khoảng hư không này trở thành đất” và vị ấy ngồi, đi như ngồi trên đất, đi trên đất.

Với tay chạm, rờ mặt trăng, mặt trời, những vật có đại uy lực, đại thần lực như vậy.

“Đại uy lực, đại thần lực” là chỉ cho mặt trời và mặt trăng.

“Chạm” (parāmassati)

Parāmassatīti pariggaṇhati eka dese vā chupati:

Nắm lấy hay đụng tại một nơi nào đó, gọi là chạm (Vsm, 396).

“Rờ” (parimajjati).

Parimajjatīti samantato ādāsatalaṃ viya parimajjati:

Vuốt khắp mặt như vuốt mặt gương soi, gọi là “rờ” (sđd).

Sách Thanh Tịnh Đạo giải thích “đây là loại thần thông do thiền, không do một biến xứ (kasina) nào cả, vị đắc thiền với tâm tự tại, vị ấy quyết định “mặt trời hay mặt trăng ở trong tầm tay ta”. Và nó ở trong tầm tay vị ấy.

Tương tự như vậy với “tự thân đến cõi Phạm thiên”. Với tâm tự tại, vị ấy đạt đến “tưởng lạc”, “tưởng nhẹ” và đi đến cõi Phạm thiên bằng thân theo ý muốn.

Đoạn kinh văn 239. Đức Thế Tôn đưa ra hình ảnh “người thợ gốm thiện xảo, từ đất sét người ấy tạo ra những đồ gốm như ý muốn”, hay như “người thợ vàng thiện xảo, tạo ra những món trang sức theo như ý muốn từ vàng”.

Cũng vậy, vị Tỳ-khưu thành đạt “thành tựu trí” này, có thể làm bất kỳ việc nào theo ý muốn từ thiền định và tâm tự tại.

Thiên nhĩ trí (dibbasotañāṇaṃ).

  1. Chánh kinh.

So evaṃ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āneñjappatte,

Vị ấy như vậy, với tâm định tĩnh, trong sáng, không nhơ bẩn, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến bất động,

dibbāya sotadhātuyā cittaṃ abhinīharat abhinnāmeti.

vị ấy hướng tâm. dẫm tâm đến thiên nhĩ giới.

So dibbāya sotadhātuyā visuddhāya atikkantamānusikāya ubho sadde sunāti dibbe ca mānusse ca ye dūre santike ca.

Vị ấy với thiên nhĩ thuần tịnh, siêu nhân, có thể nghe 2 loại tiếng, chư thiên và người, âm thanh xa và âm thanh gần.

Giải.

Vị chứng đạt trí thiên nhĩ, vị ấy có thể nghe được 2 loại tiếng: chư thiên, người, và tiếng ở gần, tiếng ở xa.

Thiên nhĩ giới (dibbāya sotadhātuyā).

Dibbāya sotadhātuyāti ettha dibbasadisattā dibbā:

Ở đây, thiên nhĩ giới là giống tai chư thiên (Vsm, 400).

Chư thiên có thần kinh nhĩ nhạy bén, sinh lên từ nghiệp thiện, thần kinh nhĩ ấy không bị mật, đàm, mủ, máu …. là chướng ngại, nên chư thiên có khả năng nghe được “những âm thanh rất xa”, vì thần kinh nhĩ này đã thoát ra mọi nhơ bẩn.

Cũng vậy, do nỗ lực tu tập, thành tựu tâm “không ô nhiễm” vị ấy có thể nghe được những âm thanh rất xa như tai của chư thiên, nên gọi là “thiên nhĩ giới” (sđd).

Lại nữa, gọi là “nhĩ giới” vì nó chỉ có phận sự “nghe” như tai thường.

“Thuần tịnh” (visuddhāya).

Visuddhāyati parisuddhāya niruppakkilesāya:

Thuần tịnh là hoàn toàn trong sạch, không có ô nhiễm (Vsm, 400).

“Siêu nhân”(atikkantamānusikāyā).

Trong “sự nghe” vượt qua sự nghe và phạm vi nghe của loài người, gọi là “siêu nhân”(sđd).

“Nghe cả hai loại âm thanh” (ubho sadde suṇāti).

Ubho sadde suṇātīti dve sadde suṇāti. Katame dve? Dibbe ca mānuse ca, devānañca manussānañca saddeti vuttaṃ hoti:

Nghe 2 loại âm thanh. Đó là gì? Âm thanh chư thiên và âm thanh người (sđd).

Điều này bao gồm “những âm thanh ở xa lẫn âm thanh ở gần”.

Nghĩa là vị ấy nghe được âm thanh ở thế giới khác, hoặc những âm thanh của chúng sinh trong thân vị ấy.

Hỏi. Những âm thanh của chúng sinh khác, ngoài âm thanh người và chư thiên, vị ấy có nghe được ko?

Đáp. Vẫn nghe được, khi nói âm thanh người và chư thiên Đức Thế Tôn chỉ ra loại âm thanh súc tích, có ý nghĩa vi diệu.

Âm thanh người và chư thiên là chỉ cho “người có trí”.

Sách Thanh Tinh Đạo có giải thích: Vị ấy nhập vào thiền thắng trí cơ bản (là Tứ thiền) rồi xuất định, trước tiên vị ấy tác ý đến những âm thanh thô ở gần như “tiếng sư tử gầm trong rừng …” hay “tiếng chuông, tiếng trống, tiếng các Tỳ-khưu trẻ đang tụng đọc kinh …”; rồi vị ấy tác ý đến những âm thanh vi tế xa dần ở phương Đông, phương Tây, phương nam, phương Bắc, phương trên, phương dưới.

Đoạn kinh văn 241. Đức Phật ví như “người đi đường nghe rõ các loại âm thanh như tiếng trống nhỏ, tiếng trống lớn …”, cũng vậy, vị đắc được thiên nhĩ trí nghe được các loại âm thanh gần lẫn xa, âm thanh loài người và âm thanh của chư thiên như thế ấy”.

“Đường”. Có 2 loại “con đường”: Con đường nguy hại và con đường an toàn.

Với con đường nguy hại, tâm người ấy luôn hoảng hốt, lo sợ thì không thể nhận ra các tiếng trống lớn, trống nhỏ …

Trong ví dụ về thiên nhĩ thông, Đức Phật không ví dụ con đường nguy hại, đường

ở đây chỉ cho con đường an toàn.

Tha tâm trí (Cetopariyañāṇaṃ).

  1. Chánh kinh.

So evaṃ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āneñjappatte,

Vị ấy như vậy, với tâm định tĩnh, trong sáng, không nhơ bẩn, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến bất động,

cetopariyañāṇāya cittaṃ abhinīharati abhininnāmeti.

Vị ấy, hướng tâm, dẫn tâm đến tha tâm trí

So parasattānaṃ parapuggalānaṃ cetasā ceto paricca pajānāti,

Vị ấy, sau khi đi vào tâm của chúng sanh, của loài người với tâm của mình, vị ấy biết được như sau,

Bản kinh văn ghi: Với tha tâm trí, vị ấy biết được 16 loại tâm của người khác là: Tâm có tham (sarāga), tâm không có tham (vītarāga), tâm có sân (sadosa), tâm không có sân (vītadosa), tâm có si (samoha), tâm không có si (vītamoha), tâm co rút (saṅkhitta), tâm tán loạn (vikhitta), tâm đáo đại (mahaggata), tâm không phải đáo đại (amahaggata), tâm có hạn lượng ( sa uttara), tâm vô lượng (anuttara), tâm có định (samāhita), tâm không có định (asamāhita), tâm giải thoát (vimutta), tâm không giải thoát (avimutta)

Giải.

“Đi vào” (pariya).

Ettha pariyātīti pariyaṃ paricchindatīti attho:

Ở đây, đi cùng khắp là đi vào, nghĩa là “quyết định” (paricchindati)” (Vsm, 401.).

Cetopariyañca taṃ ñāṇañcāti cetopariyañānaṃ:

Đi vào tâm (người khác) với “hiểu biết” (ñāṇa) như vậy, gọi là tha tâm trí (sđd).

“Của chúng sinh khác (parasattānaṃ).

Parasattānanti attānaṃ ṭhapetvā sesasattānaṃ:

Là đặt mình vào một phần chúng sinh khác (sđd).

“Của người khác”. Tương tự như “của chúng sinh khác”.

Sách Thanh Tịnh Đạo có giải thích:

“Tha tâm trí được thành công, trước tiên hành giả phải có thiên nhãn trí.

Vị ấy cần phải tìm ra “tâm người khác” bằng thiên nhãn, quan sát “màu sắc”của số máu đang hiện diện ở chót trái tim.

Khi tâm đi chung với hỷ thì “số máu ở chót trái tim” có màu đỏ như trái sung chín, máu có màu đen là tâm đi chung với thọ ưu, có màu “trong như dầu mè” là tâm an tịnh. Vị ấy phải hiểu biết: Loại tâm đi chung với hỷ thọ thì có màu đỏ, đi chung với ưu thọ thì có màu đen, đi chung với xả thọ thì có màu trong.

Khi thuần thục, vị ấy theo dõi tâm hành để biết “đây là tậm Sắc giới”, đây là “tâm Vô sắc giới” mà không cần xem màu máu ở chót trái tim.

Và do đó, vị ấy biết được tâm của chúng sinh ở cõi Vô sắc (sđd).

“Tâm có tham” (sarāgaṃ vā cittaṃ).

Sarāgaṃ vā cittanti – ādīsu pana aṭṭhavidhaṃ lobhasahagataṃ cittaṃ sarāgaṃ cittanti veditabbaṃ:

Tám loại tâm cùng sinh lên với tham, được hiểu là “tâm có tham” (sđd).

Tâm không có tham” (vītarāgaṃ cittaṃ).

Avasesaṃ catubhūmakaṃ kusalābyākataṃ cittaṃ vītaragaṃ:

Những tâm thiện và vô ký còn lại trong bốn lãnh vực (dục giới, sắc giới, vô sắc giới và siêu thế), gọi là “tâm không tham”.

Ngài Buddhaghosa có giải thích: Hai tâm sân và 2 tâm si không được kể vào “tâm không có tham”, mặc dù một số vị trưởng lão cho rằng .

Khi nói “tâm có tham”, ngầm hiểu là loại tâm bất thiện, do đó Ngài Buddhaghosa loại trừ những tâm bất thiện còn lại, chỉ đề cập đến tâm thiện và tâm vô ký cho cụm từ “tâm không có tham”.

Một số vị Trưởng lão lại cho rằng “những tâm nào không đồng sinh với tâm sở tham(lobhacetasika), là “tâm không có tham”.

Tâm có sân (sadosaṃ cittaṃ).

Duvidhaṃ pana domanassacittaṃ sadosaṃ cittaṃ:

Hai tâm thọ ưu là “tâm có sân”.

Tâm không có sân (vītadasaṃ cittaṃ).

Sabbampi catubhūmakaṃ kusalābyākataṃ vītadosaṃ:

Tất cả tâm thiện và vô ký trong bốn lãnh vực, là “tâm không có sân”.

Tương tự như trên, Ngài Buddhaghosa cho rằng “10 tâm bất thiện là: Tám tâm tham, hai tâm si, không được kể vào tâm không có sân ”.

Một số vị Trưởng lão cho rằng .

Tâm có si (samohaṃ cittaṃ). Thuần túy chỉ có 2 tâm là: Tâm si hợp nghi, tâm si hợp phóng dật, vì 2 tâm này không có 2 căn tham, sân.

Nhưng tâm có si có thể bao gồm cả 12 tâm bất thiện, vì không có tâm bất thiện nào nào “thiếu vắng tâm sở si (mohacetasika)”.

Những tâm còn lại (ngoài 12 tâm bất thiện) là tâm không có si.

Tâm co rút (saṅkhittaṃ cittaṃ).

Thinamiddhānuggataṃ pana saṅkhittaṃ:

Tâm có hôn trầm – thụy miên, là tâm co rút (chỉ cho 5 tâm bất thiện hữu trợ là: 4 tâm tham hữu trợ (sasaṅkkhārikaṃ), tâm sân hữu trợ).

Tâm tán loạn (vikkhitaṃ cittaṃ). Là tâm có phóng dật (uddhacca), là 12 tâm bất thiện.

Tâm đáo đại (mahaggataṃ cittaṃ). Chỉ cho tâm thiền Sắc giới và tâm thiền Vô sắc giới.

Những tâm ngoài tâm đáo đại là tâm phi đáo đại (amahaggataṃ cittaṃ).

Tâm thuộc ba lãnh vực: Dục giới, sắc giới và vô sắc giới, là tâm có hạn lượng (sa uttaraṃ cittaṃ).

Tâm Siêu thế là tâm vô lượng (anuttaraṃ cittaṃ).

Tâm có định (samāhitaṃ cittaṃ).

Upacārappattaṃ appanāppattañca samāhitaṃ:

Đạt được cận định và an chỉ định, là “tâm có định”. Không đạt được cận định hay an chỉ định, gọi là “tâm không có định”.

Tâm giải thoát (vimuttaṃ cittaṃ). Là tâm đạt được 1 trong 5 giải thoát:

Thay thế giải thoát (tadaṅgavimutti). Là làm sinh khởi tâm thiện thay thế tâm bất thiện, chủ yếu là nhờ tuệ quán, như: Từ tâm giải thoát khỏi sân tâm, bi tâm giải thoát khỏi hận tâm, hỷ tâm giải thoát khỏi tâm ganh tỵ, xả tâm giải thoát khỏi tâm oán thù, tín tâm giải thoát khỏi tâm nghi hoặc …

Áp chế giải thoát (vikkhambhanavimutti). Là nhờ Sơ định áp chế các pháp chướng ngại, nhị định áp chế được tầm – tứ, tam định áp chế được hỷ ….

Đoạn trừ giải thoát (samucchedavimutti). Là nhờ trí đạo diệt trừ bất thiện pháp, không còn cơ hội sinh khởi, như: Sơ đạo diệt tận tà kiến, hoài nghi; Tam đạo diệt tận tham dục, sân; Tứ đạo diệt tận tất cả ô nhiễm.

Khinh an giải thoát (paṭipassaddhivimutti). Là nhờ tâm quả Siêu thế.

Từ bỏ giải thoát (nissaraṇavimutti). Là viên tịch.

Như Ngài Anuruddha theo dõi biết được tâm viên tịch của Đức Thế Tôn([35]).

Tâm chưa đạt được một trong 5 loại giải thoát trên, gọi là tâm chưa giải thoát.

Mặt khác, bậc thấp tuy có tha tâm trí, nhưng không thể biết được tâm Đạo và tâm quả Siêu thế của bậc cao hơn.

Nhờ có tha tâm trí với thiên nhãn trí, xác định được cõi Vô sắc.

Tức là “với tâm mình, vị ấy nhận biết tâm chúng sinh cõi vô sắc, nhưng khi dùng thiên nhãn trí để tìm thì không thấy”.

Vị ấy đi đến kết luận “có chúng sinh không có sắc pháp”.

Đoạn kinh văn 243. Đức Phật ví “một nngười soi gương thấy rõ gương mặt mình có tỳ vết như thế nào”, cũng vậy, vị có tha tâm trí biết rõ 16 loại tâm của chúng sinh khác như thế ấy.

Trong ví dụ này cho thấy “vị ấy biết rõ tâm người khác nhờ sự “phản ánh” tâm của người ấy qua gương trí, nói cách khác “tâm người khác” là cảnh của trí vị ấy.

Túc mạng trí (pubbenivāsānussatiñāṇa).

  1. Chánh kinh.

So evaṃ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āneñjappatte,

Vị ấy như vậy, với tâm định tĩnh, trong sáng, không nhơ bẩn, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến bất động,

pubbenivasānussatiñāṇāya cittaṃ abhinīharati abhininnāmeti.

Vị ấy, hướng tâm, dẫn tâm đến túc mạng trí.

So anekavihitaṃ pubbenivāsaṃ anussarati, seyyathidaṃ ,

vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như

ekampi jātiṃ dvepi jātiyo tissopi jātiyo catassopi jātiyo pañcapi jātiyo dasapi jātiyo vīsampi jātiyo tiṃsampi jātiyo cattālīsampi jātiyo paññāsampi jātiyo jātisatampi jātisahassampi jātisatasahassampi,

một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời,

anekepi saṃvaṭṭakappe anekepi vivaṭṭakappe anekepi saṃvaṭṭavivaṭṭakappe …

nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại – thành kiếp …

Giải.

Túc mạng trí là “nhớ lại đời sống trước đây”.

Có 6 hạng người nhớ lại “các kiếp sống trước” là:

– Phàm nhân có thể nhớ được 40 kiếp trái đất. Đây là chỉ cho Bồ-tát chánh giác, các loại phàm nhân khác thì không đến con số này.

– Bậc Thánh thinh văn thường có thể nhớ được một ngàn kiếp trái đất.

– Bậc Thánh A-la-hán đại đệ tử nhớ được một trăm ngàn kiếp trái đất.

– Thượng thủ thinh văn nhớ được 1 A-tăng- kỳ (asaṅkheyya) và 100 ngàn kiếp trái đất.

– Đức Độc Giác Phật nhớ được 2 A-tăng -kỳ và 100 ngàn kiếp trái đất([36]).

-Đức Chánh giác nhớ không giới hạn.

Ở đây muốn nói đến túc mạng trí của các vị Thánh thinh văn đệ tử.

Trong thời Đức Phật Gotama có 2 vị nhớ được 1 A-tăng kỳ là Đức Bakula và bà Yasodharaa (Da-du-đà-la).

Hai vị Thượng thủ thinh văn nhớ được 1 A-tăng -kỳ và 100 ngàn kiếp trái đất.

Phàm nhân chỉ nhớ được “sự tiếp nối” các uẩn, không thể nhớ “sự chết và sự tái sinh”. Ví như người mù phải nương theo chiếc gậy để dò đường.

Vị Thánh A-la-hán thường cũng phải lần theo “sự tiếp nối các uẩn”, nhưng các Ngài thấy rõ “sự chết và sự tái sinh”. Ví như người mắt sáng phải đi trên cầu “độc mộc” phải bám vào tay vịn để lần qua.

Vị Thánh Đại để tử cũng vậy, nhưng dễ dàng hơn. Ví như người đi trên cầu nhỏ.

Thượng thủ thinh văn là Đức Độc giác không cần “lần theo các uẩn”, khi các Ngài thấy được “sự chết” thì thấy ngay “sự sinh”. Ví như người đi trên đường nhỏ.

Đức Chánh Giác khi cần nhớ đến kiếp nào thì kiếp ấy hiện rõ ngay. Ví như người đi trên đại lộ thênh thang.

Túc mạng trí chẳng những nhớ lại kiếp sống quá khứ của chính mình mà còn nhớ đến kiếp sống quá khứ của chúng sinh khác.

Riêng đời sống của chư Phật Chánh giác quá khứ, chỉ có Đức Chánh giác hiện tại nhớ lại được mà thôi([37]), ngay cả túc mạng trí của chư Phật Độc giác cũng không thế nhớ biết được.

Đời sống trước (pubbenivāso).

Pubbenivāsoti pubbe atītajātīsu nivutthakkhandhā:

Đời sống trước là các uẩn sinh khởi trong quá khứ (Vsm,402).

Sống (nivāsa). Nghĩa là sinh lên, trải qua và chết. Hay là “dòng tâm thức khởi lên cho đến khi chấm dứt”, hoặc “sống” là chỉ cho cảnh giới, vùng đất, chỗ trú, giai cấp, dòng họ, chủng tộc … trong quá khứ.

Một đời (ekamp jātiṃ).

Tattha ekampi jātinti ekampi paṭisandhimūlaṃ cutipariyosaanaṃ ekabhavapariyā pannaṃ khandhasantaanaṃ :

Ở đây, một đời là sự nối tiếp (sandhi) các uẩn trong một sinh hữu, kể từ khi tục sinh đến khi chết (Vsm, 404).

Hoại kiếp (saṃvaṭṭakappe).

Ādīsu pana parihāyamāno kappo:

Là kiếp làm giảm đo lường (sđd). Là chỉ cho kiếp giảm.

Thành kiếp (vivat.t.akappe).

Vaḍḍhamāno vivaṭṭakappo:

Tăng thêm đo lường là thành kiếp. Là chỉ cho kiếp tăng.

Hoại kiếp – thành kiếp.

Là chỉ cho giai đoạn dừng lại của hoại kiếp để chuyển sang thành kiếp, hay giai đoạn dừng lại của kiếp thành để chuyển sang hoại kiếp.

Trong giai đoạn dừng lại của hoại kiếp, được kể vào kiếp hoại (còn gọi là kiếp không). Giai đoạn dừng lại của kiếp thành được kể vào thành kiếp (còn gọi là kiếp trụ).

Như Phật ngôn:

“Này các Tỳ-khưu, có bốn vô lượng của kiếp. Thế nào là bốn?

– Khi kiếp thành, này các Tỳ-khưu, thật không dễ gì ước tính, có bao nhiêu năm như vậy, có nhiều trăm năm như vậy, có nhiều ngàn năm như vậy, có nhiều trăm ngàn năm như vậy.

– Khi kiếp thành dừng lại, này các Tỳ-khưu, thật không dễ gì ước tính như vậy.

– Khi kiếp hoại, này các Tỳ-khưu, thật không dễ gì ước tính, có nhiều năm như vậy … như vậy.

– Khi kiếp hoại dừng lại, này các Tỳ-khưu, thật không dễ gì ước tính như vậy”([38]).

Kiếp tăng là khi tuổi thọ nhân loại từ 10 tuổi tăng dần đến vô lượng tuổi.

Kiếp giảm là khi tuổi thọ nhân loại từ vô lượng tuổi giảm xuống cho đến khi còn 10 tuổi.

Đức Chánh giác chỉ xuất hiện trong kiếp giảm và trong khoảng 100 ngàn tuổi cho đến 100 tuổi.

Phật vức (buddhakhetta).

Có 3 loại là: Sinh vức (jātikhetta), uy vức (āṇākhetta) và tuệ vức (visayakhetta).

Sinh vức. Là chỉ cho 10 ngàn thế giới rung động khi Bồ-tát kiếp chót giáng sinh vào thai bào.

Uy vức. Là chỉ cho 100 ngàn triệu thế giới rung động khi Đức T^hế Tôn thuyết lên những bài kinh an lành như: Ratanasutta (kinh Châu báu), Khandha paritta (Uẩn an lành), Ātānātiya paritta (Hộ kinh).

Tuệ vức. Phạm vi mà trí Ngài biết đến thì vô biên. Như Kinh văn : “Xa đến khi nào Ngài muốn”([39]).

Tức là Đức Toàn giác biết bất cứ việc gì, bất cứ ở nơi đâu.

Khi hoại kiếp dừng lại thì uy vức cũng bị tiêu hoại, luôn cả sinh vức.

Đoạn kinh văn 245. Đức Thế Tôn ví túc mạng trí như “người đi từ làng mình, sang làng khác, từ làng khác sang làng khác nữa, rồi từ làng ấy trở về làng mình trong ngày”.

Những gì làm trong ngày, vị ấy nhớ rõ và hiểu rõ. Cũng vậy, với túc mạng trí vị ấy nhớ rõ những kiếp quá khứ đã diễn ra trong tam giới.

Thiên nhãn trí (dibbacakkhu ñāṇa).

  1. Chánh kinh.

So evaṃ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āneñjappatte,

Vị ấy như vậy, với tâm định tĩnh, trong sáng, không nhơ bẩn, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến bất động,

sattānaṃ cutūpapātañāṇāya cittaṃ abhinīharati abhinninnāmeti.

Vị ấy, hướng tâm, dẫn tâm đến trí sinh tử của chúng sinh.

So dibbena cakkhunā visuddhena atikkantamānusakena satte passati cavamāne upapajjamāne,

Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh,

hīne panīte suvaṇṇe dubbaṇṇe sugate duggate yathākammūpage satte pajānāti …

Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh hạ liệt, cao sang, xinh đẹp, thô xấu, may mắn, bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng.

Giải.

“Sinh tử trí” (cutūpapātañāṇāya).

Cutūpapātañāṇāyāti cutiyā ca upapāte ca ñāṇāya. Yena ñāṇena sattānaṃ cuti ca upapāto cā nāyati, tadatthaṃ dibbacakkhuñāṇatthanti vuttaṃ hoti:

Sinh tử trí là trí biết sự chết và sinh lên. Nghĩa là nhờ trí đó “sự chết và tái sinh” của chúng sinh được biết đến. Ở đây nghĩa là “thiên nhãn trí”(Vsm, 411).

“Thiên nhãn”. Giống như mắt chư thiên, mắt chư thiên sinh lên do nghiệp thiện có đặc tính bén nhạy, do không có chướng ngại là mật, đàm, máu huyết … có thể thấy được rất xa do không có ô nhiễm (sđd).

Thiên nhãn trí là trí của con mắt do sự tinh tấn của vị Tỳ-khưu, vị ấy rõ các vật ở rất xa như mắt chư thiên.

Gọi là “thuần tịnh” (visuddhena), vì thấy rõ sự chết và tái sinh.

Người thấy được “sự chết” mà không thấy “sự tái sinh” sẽ chấp nhận đoạn kiến.

Người thấy được “tái sinh” nhưng không thấy sự chết trước đó, sẽ chấp nhận quan điểm là “ngẫu nhiên” (là vô nhân kiến).

Người thấy được cả hai thì từ bỏ hai quan điểm trên, là nhân cho “kiến thanh tịnh”.

Do đó, gọi là thuần tịnh, vì là nhân cho “kiến thanh tịnh” (sđd).

“ Chết và tái sinh” (cavamāne upapajjamāne).

Cavamāne upapajjamāneti ettha cutikkhaṇe upapattikkhaṇe vā dibbacakkhu daṭṭhuṃ na sakkā:

Thiên nhãn không thật sự thấy sát-na tử hay sát-na tái sinh (sđd).

Ở đây, “chết” là nói những người “sắp chết”; “tái sinh” là những chúng sinh đã tái sinh.

“Hạ liệt” (hīne). Là bị rẻ rúng, bị khinh khi do nòi giống, chủng tộc, tài sản … Đây là quả của si mê.

Cao sang” (paṇīte). Là ngược lại với “hạ liệt”, đây là quả của vô si.

“Xinh đẹp” (suvaṇṇe). Là có bề ngoài đáng ưa nhìn, đáng mong muốn, đáng hài lòng. Đây là quả của vô sân.

“Thô xấu” (dubbaṇṇe). Là có bề ngoài không đáng ưa nhìn, không đáng hài lòng, không khả ý. Đây là quả của sân hận.

“May mắn”(sugate). Là sinh về nhàn cảnh hoặc có đại tài sản. Đây là quả của vô tham.

“Bất hạnh” (duggate). Là đi đến cõi khổ, hoặc nghèo khổ. Đây là quả của tham.

“Hạnh nghiệp của chúng” (yathākammupage). Là do nghiệp tích lũy trước đó.

Thiên nhãn” chỉ có phận sự thấy (hạ liệt, cao sang, đẹp, xấu, may mắn, bất hạnh), còn trí thì hiểu rõ do tạo nghiệp nào mà có kết quả như thế.

Sách Thanh Tịnh Đạo có giải thích: Vị ấy chiếu ánh sáng xuống các địa ngục, thấy chúng sinh đang bị thống khổ trong các địa ngục, vị ấy chú ý như sau: Chúng sinh này đã tạo ác nghiệp gì mà phải chịu thống khổ như thế?

Và trí hiểu rõ “những ác nghiệp ấy”.

Tương tự như thế, vị ấy chiếu ánh sáng đến các cảnh trời, thấy chúng sinh cõi này an hưởng hạnh phúc trong cung điện Nandana. Missaka, Phārusaka … vị ấy chú ý như sau: Chúng sinh này đã tạo nghiệp lành nào mà có kết quả an lạc như thế?

Và trí hiểu rõ những hạnh lành ấy (Vsm, 411).

Chánh kinh.

Imeva bhonto sattā kāyaduccaritena samannāgatā vāciduccaritena samannāgatā manoduccaritena samannāgatā ariyānaṃ upavādakā micchādiṭṭhikā micchādiṭṭhikammasamādānā.

Đây là những chúng sinh thành tựu thân ác hạnh, thành tựu ngữ ác hạnh, thành tựu ý ác hạnh, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo những nghiệp theo tà kiến như vậy.

Te kāyassa bheda paraṃ maraṇā apāyaṃ duggatiṃ vinipātaṃ nirayaṃ upapannā.

Những chúng sinh này, thân hoại, sau khi chết phải tái sinh vào cõi dữ, khổ cảnh, đọa xứ, địa ngục.

Giải.

Ác hạnh (duccaritena).

Duccaritenati duṭṭhu caritaṃ , duṭṭhaṃ vā caritaṃ kilesapūtikattāti ducaritaṃ:

Việc làm xấu, hoặc việc làm hôi thối, hay việc làm nhơ bẩn, ô nhiễm, gọi là ác hạnh (Vsm, 411).

Thân ác hạnh (kāyaduccaritena).

Kāyena duccaritaṃ, kāyato vā uppannaṃ duccaritanti kāyaduccaritaṃ:

Làm ác qua phương diện thân, hay làm ác phát sinh qua thân, gọi là “thân ác hạnh”.

Thân ác hạnh chỉ cho 3 việc: Sát sinh, lấy của không cho, làm quấy trong dục lạc (kāma).

Thành tựu (samannāgātā).

Samannāgatāti samaṅgībhūtā: Thành tựu là những chi tiết hiển lộ.

Ngữ ác hạnh. Chỉ cho 3 việc làm xấu của lời nói là: Nói dối, nói ác, nói chia rẻ, nói vô ích.

Ý ác hạnh. Là chỉ cho 3 việc làm xấu của ý là: tham ác, sân ác và tà kiến ác.

Phỉ báng các bậc Thánh (ariyānaṃ upavādakā). Là muốn hại bậc Chánh giác, bậc Độc giác, chư Thánh thinh văn đệ tử, hoặc những thánh cư sĩ chứng quả Dự lưu.

Phỉ báng có 2 cách: Bằng những lời buộc tội tệ hại nhất, hoặc phủ nhận ân đức đặc biệt của các vị ấy.

Buộc tội tệ hại nhất. Như nói “chúng không có sa môn hạnh, không phải sa-môn”.

Như Bồ-tát trong kiếp quá khứ đã phỉ báng vị Độc giác Phật là “ông sa-môn này chỉ xứng đáng ăn gạo sālī đỏ dành cho ngựa”.

Vào mùa an cư thứ 12, khi Ngài cùng 500 vị Tỳ-khưu an cư mùa mưa tại xứ Verañja, Ngài phải dùng gạo đỏ sālī dành cho ngựa([40]).

Phủ nhận ân đức đặc biệt. Như nói” vị ấy không có thiền, hay không có Đạo giải thoát”.

Dù cố ý hay vô tình đều là “phỉ báng bậc Thánh” và đây là loại nghiệp nặng (garukamma) có khả năng cho quả ngay trong kiếp hiện tại.

Là nghiệp tạo chướng ngại cho sự sinh lên cõi trời hay chứng đạt đạo quả Siêu thế; tuy nhiên khi phạm lỗi này có thể cứu vãn được, nếu vị ấy sám hối với bậc đã bị phỉ báng ấy.

* Là nghiệp nặng cho quả hiện tại. Như kinh văn:

“Này Sāriputta, vị Tỳ-khưu thành tựu giới, định tuệ, có thể chứng được Thánh trí ngay trong hiện tại. Này Sāriputta, cũng vậy, nếu kẻ ấy không từ bỏ lời nói ấy, không từ bỏ tâm ấy, sẽ bị rơi vào địa ngục”([41]).

Điển hình như vua Subbabuddha chận đường Đức Phật, không cho Đức Phật ngự đi khất thực, 7 ngày sau vua Suppabuddha (Thiện giác) bị đất rút, rơi vào địa ngục A-tỳ.

Trong thời Đức Phật còn tại tiền có 5 người bị đất rút, đó là:

– Vua Subbabuddha.

– Nàng Ciñcā đã vu khống Đức Phật hành phi phạm hạnh với nàng.

-Thanh niên Nanda, đã hành phi phạm hạnh với vị Thánh nữ A-la-hán Uppalavaṇṇā.

– Dạ- xoa Nanda, đã đ1nh quả chùy vào đầu Đức Sāriputta khi Ngài đang an trú trong thiền Diệt thọ tưởng.

– Tỳ-khưu Devadatta (Đề-bà-đạt-đa), đã làm chảy máu Đức Phật và chia rẽ Tăng chúng.

Tương truyền Đại thần Vassakāra, có lời phỉ báng Đức Mahākaccāna “là con khỉ”. Khi mệnh chung ông tái sinh làm khỉ trong rừng Trúc([42])

* Có thể cứu vãn”. Như câu chuyện sau:

Vị trưởng lão và Tỳ-khưu trẻ.

Có vị Trưởng lão cùng vị Tỳ-khưu trẻ cùng đi khất thực trong một ngôi làng. Đến ngôi nhà đầu tiên, vị trưởng lão được một gia chủ cúng dường bát cháo nóng, vị Trưởng lão đang bị đau bụng do gió, Ngài suy nghĩ “cháo nóng này thích hợp và có lợi ích cho ta”. Ta hãy uống trước khi cháo nguội”.

Ngài bảo người gia chủ mang ra cho Ngài cái ghế và Ngài ngồi trên ghế thọ dụng bát cháo.

Vị Tỳ-khưu trẻ suy nghĩ “Ngài bị cơn đói bức bách đến nỗi không kềm chế được, thật là bất xứng khi dùng vật thực như Ngài, đáng lẽ Ngài phải hổ thẹn khi dùng vật thực như thế ấy”.

Vị Trưởng lão tiếp tục đi khất thực, khi về đến tự viện Ngài hỏi vị Tỳ-khưu trẻ:

– Này hiền giả, hiền giả có chân đứng trong Giáo pháp này chưa?

– Bạch Ngài, con là bậc Dự lưu.

– Vậy thì hiền giả đừng mong tiến lên Đạo- quả cao hơn, vì hiền giả đã phỉ báng vị đoạn tận mọi ô nhiễm.

Kinh hoàng, vị Tỳ-khưu trẻ sám hối với vị trưởng lão và được phục hồi tình trạng cũ.

Có tà kiến (micchādiṭṭhikā).

Micchādiṭṭhikāti viparītadassana:

Tà kiến là thấy sái quấy.

Tạo những nghiệp theo tà kiến (micchādiṭṭhikammasamādānā).

Là làm những việc do tà kiến dẫn dắt, hoặc xúi kẻ khác thực hành những việc có gốc rễ từ tà kiến.

Khi nói “phỉ báng bậc Thánh” là hàm ý “làm sái quấy” về lời, về thân.

Khi nói “có tà kiến” hàm ý “làm sái quấy về ý”.

Khi nói “tạo những nghiệp tà kiến” là nhấn mạnh ác quả lớn của tà kiến. Như Phật ngôn:

“Này các Tỳ-khưu, Ta không thấy một pháp nào khác, do pháp ấy, các chúng sinh sau khi thân hoại mệnh chung, bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, này các Tỳ-khưu, như tà kiến”([43]).

Phỉ báng bậc Thánh bằng thân ra sao?

Là dùng thân chế nhạo bậc Thánh A-la-hán.

Như nàng Khujjuttarā có thân gù, cũng vì trong quá khứ dùng thân chế nhạo vị Phật Độc giác([44]).

Thân hoại (kāyassa bheda).

Kāyassa bhedāti upādiṇṇakhandhapariccagā:

Lìa bỏ trọn vẹn uẩn được “nắm giữ”, gọi là thân hoại.

Sau khi chết (paraṃ maraṇā).

Paraṃ maraṇāti tadanantaraṃ abhinibbattikkhandhaggahaṇe:

Thành tựu các uẩn hội lại sinh lên sau đó không gián đoạn, gọi là “sau khi chết”.

Hoặc là: “Thân hoại” là “mạng quyền bị hoại” (bhedāti jīvitindriyassa).

Sau khi chết” là vượt qua tử tâm (cuticittato).

Cõi dữ (apāyaṃ). Trước tiên là chỉ cho tất cả địa ngục.

Địa ngục (nirayaṃ) là cõi dữ, vì bị mất lợi ích (aya); là mất đi “nhân” (hetu) dẫn đến cõi trời hay giải thoát. Hoặc vì không có (abhāva) sự tiến hóa (apāya) (At).

Khổ cảnh (duggati).

Dukkhassa gati paṭisarananti duggati, dosabahulatāya vā duṭṭhena kammuna nibbattā gatīti duggati:

Đi đến nơi khổ để nương tựa là khổ cảnh, hoặc đến nơi sinh ra khổ, nhiều nóng bức tăng thịnh là “khổ cảnh” (At).

Đọa xứ (vinipātaṃ).

Vivasā nipatanti ettha dukkatakārinoti vinipāto:

Tách ra rơi xuống nơi phải chịu cực khổ, là đọa xứ(At).

Vinassantā vā ettha patanti sambhijjamānaṅgapaccaṅgātipi vinipāto.

Hoặc nơi tách lìa an tịnh, các chi thể không đầy đủ, là “đọa xứ”.

Đọa xứ ở đây chỉ cho cảnh giới thú.

Địa ngục (nirayaṃ).

Natthi ettha assādasaññito ayoti nirayo:

Nơi không có điều nào đáng ưa thích, là địa ngục(At).

“Súc sinh” là “cõi dữ”, nhưng không phải là khổ cảnh, vì có những Long vương có long cung tốt đẹp.

“Ma đói” (peta) vừa là “cõi dữ”, vừa là “khổ cảnh”.

“A-tu-la”(Asura) vừa là cõi dữ, vừa là khổ cảnh, vừa là đọa xứ.

“Địa ngục” ám chỉ cho địa ngục A-tỳ (avici).

Đoạn kinh văn 247. Đức Phật ví như : Có một lầu cao ở giữa ngã tư đường, một người có mắt đứng trên lầu cao ấy, có thể nhìn thấy “người từ trong nhà đi ra, hay từ ngoài đi vào nhà, hay thấy những người đi qua lại trên các con đường”.

Sinh tử trí thấy rõ sự chết-sống của chúng sinh như thế ấy.

Bản Sớ giải giải thích: Tòa lầu cao ví như sắc thân của vị ấy, “người có mắt” ví như sinh tử trí, thấy người từ nhà ra đi hay thấy người từ ngoài vào nhà, ví như chúng sinh chết từ cảnh giới này sinh đến cảnh giới khác, chết từ cảnh giới khác sinh lại cảnh giới này.

Thấy người đi qua lại trên đường, ví như chúng sinh đang sống trong cảnh giới này hay trong cảnh giới khác.

Mặt khác, trong ví dụ trên “người có mắt nhìn thấy các người khác”, Đức Thế Tôn chỉ ra rằng “Sinh tử trí không thể thấy chúng sinh cõi vô sắc”.

Trí diệt tận ô nhiễm (āsavakkhayañāṇaṃ).

  1. Chánh kinh.

So evaṃ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āneñjappatte,

Vị ấy như vậy, với tâm định tĩnh, trong sáng, không nhơ bẩn, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến bất động,

āsavānaṃ khayañāṇāya cittaṃ abhinīharati abhinninnāmeti.

Vị ấy, hướng tâm, dẫn tâm đến trí diệt trừ các ô nhiễm..

So idaṃ dukkhanti yathābhūtaṃ pajānāti, ayaṃ dukkhasamudayoti yathābhūtaṃ pajānāti, ayaṃ dukkhanirodhoti yathābhūtaṃ pajānāti, ayaṃ dukkhanirodhagāminī paṭipadāti yathābhūtaṃ pajānāti.

Vị ấy biết như thật “đây là khổ”, biết như thật “đây là nguyên nhân của khổ”, biết như thật “đây là khổ diệt”, biết như thật “đây là con đường đưa đến khổ diệt”.

Ime āsavāti yathābhūtaṃ pajānāti, ayaṃ āsavasamudayoti yathābhūtaṃ pajānāti,

ayaṃ āsavanirodhoti yathābhūtaṃ pajānāti, ayaṃ āsavanirodhagāminī paṭipadāti yathābhūtaṃ pajānāti

biết như thật “đây là các ô nhiễm”, biết như thật “đây là nguyên nhân của ô nhiễm”, biết như thật “đây là sự diệt trừ các ô nhiễm”, biết như thật “đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các ô nhiễm”.

Tassa evaṃ jānato evaṃ passato kāmasavāpi cittaṃ vimuccati, bhavāsavāpi cittaṃ vimuccati, avijjāsavāpi cittaṃ vimuccati,

Nhờ hiểu biết như vậy, thấy như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục ô nhiễm, thoát khỏi hữu ô nhiễm, thoát khỏi vô minh ô nhiễm

“vimuttasmiṃ vimuttami’ti ñāṇaṃ hoti”,

ðối với tự thân giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: Ta đã giải thoát,

khīṇā jāti, vusitaṃ brahmacariyaṃ, kataṃ karaṇīyaṃ nāparaṃ itthattāyā’ti pajānāti.

vị ấy biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa.

Giải.

Vị ấy với tâm định tỉnh như vậy (so evaṃ samāhite citte).

So evaṃ samāhite citteti idha vipassanāpādakam. catutthajjhānacittaṃ veditabbaṃ:

Ở đây nên hiểu là “tâm tứ thiền”, dùng làm nền tảng cho trí quán (At).

Bản Hậu Ṭīkā có giải thích như sau:

Có 3 loại trí quán: Trí quán của Bồ-tát Chánh giác, trí quán của Bồ-tát Độc giác và trí quán của Bồ-tát thinh văn.

Trí quán của Bồ-tát Chánh giác và của Bồ-tát Độc giác xuất phát từ trí tư (cintāmayañāṇa) qua sự tu tập.

Trí quán của Bồ-tát thinh văn xuất phát từ trí văn (sutamayañāṇa). Trí quán này được giải thích rộng trong sách Thanh Tịnh Đạo, chương XVIII; như là quán về 5 uẩn, qún về 12 xứ, quán về 18 giới, quán về 22 quyền … Và “trí quán” ở đây là nói đến “trí quán” của Bồ-tát thinh văn (Atk).

Ở đây, khi nói Tứ thiền là chỉ cho Tứ thiền sắc, tuy có thể dùng thiền Vô sắc (ngoại trừ thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ) để triển khai tuệ quán. Nhưng ngay chính tại tầng tứ thiền này, sự triển khai tuệ quán thuận lợi hơn, đồng thời là nền tảng căn bản để vị Thánh A-la-hán có khả năng thành tựu định Diệt thọ tưởng.

Hành giả thành tựu cận định (upācāra) có thể phát triển tuệ quán, thành tựu Thánh quả A-la-hán, nhưng không thể nhập định thiền quả được, vị Thánh này được gọi là bậc Sukhavipassanā (Lạc quán), hoặc được gọi là bậc Tuệ giải thoát (paññāvimutti).

Tôn giả Susima được nghe “nhiều Tỳ-khưu trước mặt Đức Thế Tôn, tuyên bố lên Thánh trí: Sanh đã tân, phạm hạnh đã thành”.

Tôn giả Susima đi đến các vị Thánh ấy hỏi các Ngài có chứng đạt các thắng trí như: Thần thông, tha tâm thông… hay các tầng thiền S8ác hoặc Vô sắc không?

Các Ngài đều trả lời là “không chứng được gì cả”, nhưng các Ngài chứng được “tuệ giải thoát”([45]).

Bậc chứng được định an chỉ (appanāsamādhi) gọi là bậc “tâm giải thoát”

Nhưng nếu chưa chứng được Tứ thiền Sắc giới, vị Thánh A-la-hán này không thể an trú trong định Diệt thọ tưởng.

Hướng tâm, dẫn tâm. Là hướng tâm đến trí quán, dẫn tâm ra khỏi Tứ thiền, với mục đích làm sinh khởi trí diệt tận ô nhiễm.

Hướng tâm (cittaṃ abhinīharati).

Cittaṃ abhinīharatīti vipassanā cittaṃ tanninnaṃ tapoṇaṃ tappabbhāraṃ karoti:

Hướng tâm là tâm hướng đến trí quán với sự nỗ lực, nhiệt tâm và tinh cần (At).

Diệt tận ô nhiễm (āsavānaṃ khaya).

Āsavānaṃ khayo nāma maggopi phalampi nibbānampi bhaṅgopi vuccati:

“Diệt tận ô nhiễm” là tên gọi chỉ cho Đạo, quả (siêu thế), Níp-bàn và trừ diệt (At).

* Chỉ cho Đạo, như “khaye ñāṇaṃ, anuppāde ñāṇanti:

Tuệ đoạn trừ tuệ không sinh khởi”([46]). Nghĩa là “trí này” sinh lên để trừ diệt, khi trí ấy diệt rồi thì không còn sinh lên nữa.

Tức là tâm Đạo (như Sơ đạo chẳng hạn) chỉ sinh lên một lần, không sinh lại lần thứ hai.

* Chỉ cho quả Siêu thế, như “āsavānaṃ khayā samaṇo hotī’ti:

Diệt trừ ô nhiễm là Sa-môn”([47])

* Chỉ cho Nípbàn, như: Paravajjānupassissa; niccaṃ ujjhānasaññino.

Āsavā tassa vaḍḍhanti, ārā so āsavakkhayā”.

Ai đi tìm lỗi người; thường sinh lòng chỉ trích.

Kẻ ấy ô nhiễm tăng; rất xa ô nhiễm diệt”([48]).

Ô nhiễm diệt ở đây chỉ cho Nípbàn.

* Chỉ cho trừ diệt (bhaṅga), như: Āsavānaṃ khayo vayo bhedo aniccatā antaradhānan‘ti:

Diệt trừ ô nhiễm, không còn dấu vết vô thường”. Tức là chỉ cho Nípbàn, A-la-hán đạo và trừ diệt (At).

Đây là khổ (idaṃ dukkhaṃ).

Idaṃ dukkhanti – ādīsu “ettakaṃ dukkhaṃ, na ito bhuyyo”ti sabbampi dukkhassasacce sarasalakkhaṇapaṭivedhena yathābhūtaṃ pajānātīti attho.

Nghĩa là hiểu biết rõ ràng, thông suốt sâu sắc (sara)([49]) khổ qua trạng thái, tất cả sự thật của khổ như vầy “đây là khổ, không có gì khác ” (At).

Khổ này được sinh khởi bởi ái dục (taṅhā), gọi là “biết rõ về nhân sinh khổ”.

Trạng thái trừ diệt khổ cùng nhân sinh khổ, gọi là đây là khổ diệt”, tức là Nípbàn.

Và Đạo Thánh đế thực hiện được điều này, gọi là “con đường dẫn đến khổ diệt”, tức là bát chánh đạo (At).

Sách Hậu Ṭīkā giải thích thêm: “Thông suốt sâu sắc qua trạng thái” (saralakkhaṇapaṭivedha). Nghĩa là Sớ giải sư chỉ ra “để như thật biết về khổ”, hành giả biết rõ ràng về trạng thái của khổ, cùng phận sự (rasa) của khổ.

Phận sự là thực tính (sabhāva) cần phải thấu đáo trọn vẹn, tức là phải thực chứng. Thực chứng như thế nào? Là phải thấy rõ trạng thái “vô thường dẫn đến khổ”.

“Thông suốt sâu sắc qua trạng thái” là “thấy và hiểu rõ” trạng thái khổ, không bị ảo giác, tức là “thấy do trí”, không phải “biết do tưởng”.

Cụm từ “hiểu biết như thật” (yathābhūtaṃ pajānāti) là chỉ cho “chánh kiến” (sammādiṭṭhi) .

“Đây là khổ, không có gì khác”. Sớ giải sư chỉ ra “vị Tỳ-khưu quán xét tất cả mọi chi tiết của khổ” và vị ấy đi đến kết luận “chỉ là khổ”.

Tức là khi ấy mới thật sự “biết rõ đây là khổ”. Vị ấy thấy rõ nhân gần của khổ chính là “ái dục” (taṅhā), tức là tham.

Trạng thái diệt trừ khổ, nhân sinh khổ, được gọi là Nípbàn. Nghĩa là “phải nương vào Nípbàn mới có thể “diệt trừ khổ củng nhân sinh khổ”.

Đồng thời Nípbàn cũng là nhân làm sinh khởi Đạo qua khía cạnh “làm cảnh” cho tâm Đạo.

Đồng thời Nípbàn là dấu hiệu (nimitta) cho biết “tham không còn xuất hiện, tham không còn sinh khởi nữa” (Atk).

Biết như thật “đây là các ô nhiễm” (ime āsavāti yathābhūtaṃ pajānāti)

Là chỉ ra kết quả tương tự của “khổ”. Đức Phật đề cập đến các “ô nhiễm” (āsava).

Nghịa là Ngài ngầm (pariyāyato) nhắc lại “khổ” một lần nữa với dạng khác, theo cách các ô nhiễm (At).

Nói cách khác, khi nói trực tiếp về khổ, Đức Phật nêu lên “bốn sự thật”: Sự thật về khổ, sự thật về nhân sinh khổ, sự thật về diệt khổ, sự thật về con đường diệt khổ.

Khi nói “gián tiếp về khổ”, Đức Phật nêu lên “đây là các ô nhiễm; đây là nguyên nhân của ô nghiễm, đây là sự diệt ô nhiễm và đây là con đường dẫn đến diệt ô nhiễm”.

Và đây cũng là nét độc đáo của đoạn kinh văn này.

Sách Hậu Ṭīkā có giải thích: “Theo cách các ô nhiễm” là “ô nhiễm” do ngâm tẩm lâu ngày, do thấm rịn, chảy ra.

* Ngâm tẩm lâu ngày. Là do “chìm đắm lâu ngày” trong dục (kāma), trong sinh hữu (bhāva) và trong “vô minh”.

Khi gọi là “ô nhiễm là gián tiếp sinh khổ”, ám chỉ “những cảnh trần, các cảnh giới tái sinh an lạc”.

Những cảnh trần khiến tâm rơi vào tham ái, những cảnh giới tái sinh an lạc (như cõi thiền sắc, cõi thiền vô sắc) làm hấp dẫn tâm, khiến tâm rơi vào tham ái.

Vô minh cũng là gián tiếp sinh khổ, vì tham sinh lên do nương vào vô minh.

* Thấm rịn, chảy ra. Như nhựa cây do nương theo kẻ nứt thấm rịn ra giác cây, vỏ trong, vỏ ngoài.

Nhựa cây ấy làm nhơ bẩn thân cây như thế nào, cũng vậy tham ở vùng “ngủ ngầm”(anusaya) do nương theo kẻ nứt của ý (là không có niệm) khi có cảnh pháp từ bên ngoài xâm nhập vào dòng tâm, tham ái thấm rịn ra làm nhơ bẩn ý.

Khi 5 trần cảnh xâm nhập vào tâm qua kẻ nứt: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, đồng thời “không có niệm”, tham ái thấm rịn qua những kẻ nứt ấy, khiến cho thân, ngữ trở nên nhơ bẩn.

Nói cách khác, ô nhiễm ở đây chỉ cho 6 loại tham: Tham sắc, tham thinh, tham hương, tham vị, tham xúc và tham pháp, thông qua 6 cảnh trần: Sắc, thinh, hương ,vị, xúc và pháp (Atk).

“Ngầm” (pariyāyato). Vì các ô nhiễm ngầm chỉ cho “khổ đế”, cũng như “như thật hiểu rõ về khổ” là ngầm nói đến 3 sự thật còn lại.

Và “tứ đế” là ngầm nói đến “các ô nhiễm”, vì tiêu đề của đoạn kinh văn này là “trí diệt trừ các ô nhiễm”.

Do đó, Đức Thế Tôn khi thuyết về “bốn sự thật”, Ngài ngầm nói đến các ô nhiễm, khi Ngài nói đến các ô nhiễm, ngầm nói đến tham.

Khi Đức Thế Tôn nêu ra “3 ô nhiễm: Dục ô nhiễm, hữu ô nhiễm và vô minh ô nhiễm”, là Ngài “xác định rõ các ô nhiễm”, “không đề cập đến các ô nhiễm khác” như: ô nhiễm do không thọ dụng, ô nhiễm do không kham nhẫn, ô nhiễm do không tu tập … ([50])

Có câu hỏi rằng: Vì sao Đức Thế Tôn không đề cập đến kiến ô nhiễm (diṭṭhāsava)?

Đáp. Vì đoạn kinh văn này nối tiếp theo sau “sinh tử trí”. Với “sinh tử trí vị ấy thấy chúng sinh chết còn phải tái sinh, nên không còn rơi vào đoạn kiến.

Đồng thời, trước đó Đức Thế Tôn chỉ ra “trí quán “ trước các thắng trí như “thần thông, thiên nhĩ thông…”, nghĩa là vị ấy không còn có quan điểm “có một tự ngã”.

Như vậy, vị ấy tạm thời thoát ra “thường, đoạn và ngã kiến”.

Lại nữa, khi hiểu rõ “đây là khổ…”, “đây là ô nhiễm…”; khi ấy tà kiến không thể sinh lên, nên Đức Thế Tôn không đề cập đến “kiến ô nhiễm”.

Nhờ hiểu biết như vậy, thấy như vậy (tassa evaṃ jānato evaṃ passato).

Tassa evaṃ jānato evaṃ passatoti tassa bhikkhuno evaṃ jānantassa evaṃ passantassa, saha vipassanāya koṭippattaṃ maggaṃ kathesi:

Là vị Tỳ-khưu “hiểu như vậy, thấy như vậy”, đi chung với trí quán, đạt được đỉnh cao của “con đường” (magga) ở tại đây (At).

Tức là Đức Phật giải thích “con đường” đạt đến đỉnh cao tột cùng với trí quán.

Hậu Ṭīkā giải thích: “Trí quán” ở đây chỉ cho “trí quán hiệp thế” (lokiyavipassanāñāṇa). Là trí thấy và hiểu rõ tam tướng: Vô thường, khổ, vô ngã.

Trí hiểu được “sự thật về khổ”, “sự thật về nhân sinh khổ” là trí hiệp thế. Trí Đạo lấy Nípbàn làm cảnh là trí Siêu thế (Atk).

Thoát khỏi (vimuccati).

Vimucchatīti iminā maggakkhaṇaṃ dasseti:

Thoát khỏi là chỉ cho sát-na đạo hiển lộ (At).

Thoát khỏi dục ô nhiễm. Là chỉ cho Thánh Đạo A-nahàm hiển lộ.

Thoát khỏi hữu ô nhiễm. Là chỉ cho Thánh Đạo A-la-hán hiển lộ.

Thoát khỏi vô minh ô nhiễm. Chỉ cho vô minh đi chung với dục ái bị sát trừ khi Thánh Đạo A-na-hàm hiển lộ.

Và chỉ cho vô minh đi chung với ái sắc và ái vô sắc bị sát trừ bởi Thánh Đạo A-la-hán.

“Đối với tự thân giải thoát” (vimuttasmiṃ).

Vimuttasminti iminā phalakkhaṇaṃ: Chính là sát-na quả (Siêu thế) (At).

Khởi lên sự hiểu biết: Ta đã giải thoát. Là chỉ cho trí “xem xét lại” (paccavekkhaṇañāṇa) (At).

Sách Hậu Ṭīkā giải thích thêm là: Với cụm từ “hiểu biết như vậy, thấy như vậy” là nêu lên bốn “thông đạt cao tột” (abhisamaya), là phận sự đối với tứ đế:

– Khổ đế cần phải hiểu rốt ráo (pariññā).

– Tập đế cần phải diệt trừ (pahāna).

– Diệt đế cần phải tác chứng (sacchikiriya).

– Và đạo đế cần phải tu tiến (bhāvanā).

Khi còn phải trừ diệt, Đức Thế Tôn dùng từ “thoát khỏi”, nên Sớ Giải sư chỉ ra tâm Đạo cho cụm từ “thoát khỏi”.

Như thế nào? Ví như dống lửa cháy đỏ, một người mang một thùng nước tạt vào, đống lửa tắt nhưng còn hơi nóng, người ấy mang thêm 2 hay 3 thùng nước nữa tạt vào, đống lửa yên lặng hoàn toàn. Cũng vậy khi tâm Đạo “đang” trừ diệt tham, nhưng tham chưa hoàn toàn nguội lạnh, phải có 2 hay ba sát-na tâm quả Siêu thế sinh lên kế tục để làm nốt công đoạn còn lại.

Do đó Đức Phật chỉ ra tâm quả Siêu thế bằng cụm từ “ tự thân giải thoát”.

Tuy trong bản kinh chỉ nêu lên 3 ô nhiễm, nhưng khi tâm Đạo sinh lên, ngoài sự diệt trừ tham dục còn hàm ý “ diệt trừ cả kiến ô nhiễm”(Atk).

Sanh đã tận (khīṇā jāti).

Khīṇā jātīti – ādīhi tassa bhūmiṃ. Tena hi ñāṇena khīṇāsavo paccavekkhanto khīṇājātīti – ādīni pajānāti.

Do trí “xem xét lại” của vị ấy, biết rõ “các ô nhiễm” bị diệt tận, chúng không còn khởi lên (bhūmi), vị ấy hiểu biết “sinh đã tận” (At).

Hỏi: Sinh nào đã tận? Vì sinh trong quá khứ đã bị diệt rồi, sinh trong tương lai thì chưa có, sinh trong hiện tại đang hiện hữu?

Đáp. Sinh sẽ khởi lên nếu Đạo không được tu tiến trọn vẹn, khi ấy một, bốn hay năm uẩn([51]) sẽ sinh khởi theo sinh hữu của chúng.

Nhưng do Đạo được tu tiến trọn vẹn, tất cả ô nhiễm không còn, khi “xem xét” lại các ô nhiễm, vị ấy thấy rõ, biết rõ là “chúng không còn”, mầm tái sinh do ô nhiễm này bị diệt tận, cho dù trong hiện tại các hành vẫn sinh khởi, nhưng nó không dẫn đến tái sinh trong tương lai. Vị ấy biết “sinh đã tận” (At).

Sách Hậu Ṭīkā giải thích là: Đây là câu hỏi vấn nạn; “không phải là sinh quá khứ”, vì sinh quá khứ không bị diệt do tu tiến Đạo, sinh quá khứ bị diệt trước khi tu tiến Đạo. Các pháp hữu vi trong tương lai có hai là: Còn sinh lên và không sinh lên.

Sự nỗ lực tu tiến Đạo trong hiện tại không thể diệt trừ cái trong tương lai, vì chúng không hiện hữu.

Nhưng lời dạy của Đức Phật là “sanh đã tận” là chỉ cho “các pháp hữu vi không sinh lên trong tương lai”, nghĩa là “nhân trong hiện tại là các ô nhiễm bị diệt trừ”(Atk).

Chúng ta có thể hiểu điều này như sau: Ví như hạt lúa bình thường, trong tương lai chúng sẽ nảy mầm và cây lúa còn sinh lên trong tương lai. Người ta mang hạt lúa ấy luộc trong nồi nước sôi sục, và cây lúa từ hạt lúa này sẽ không sinh lên trong tương lai.

Vì sao? Vì mầm giống của nó bị pha hủy. Cũng vậy “những nhân dẫn đến tái sinh trong tương lai, nhân ấy đã bị Thánh đạo A-la-hán diệt trừ”, nên nói “sinh đã tận”.

Phạm hạnh đã thành (vusitaṃ brahmacariyaṃ).

Vusitanti vutthaṃ parivutthaṃ:

Đã thành là đã làm xong, đã thực hiện đầy đủ (At).

Brahmacariyanti maggabrahmacariyaṃ: Đạo là phạm hạnh (At).

Phạm hạnh đã thành nghĩa là “Thánh Đạo đã được thành tựu”.

Phàm thiện nhân, gọi là “sẽ sống đời sống phạm hạnh”, bảy bậc Thánh hữu học([52]) , gọi là “đang sống đời sống phạm hạnh”. Bậc A-la-hán quả là “Đã sống đời sống phạm hạnh.

Do vậy, khi trí xem xét lại quả A-la-hán hay Đạo A-la-hán đã được thành tựu, vị ấy biết rõ “phạm hạnh đã thành” (At).

Việc cần làm đã làm xong (kataṃ karaṇīyaṃ).

Kataṃ karanīyanti catūsu saccesu catūhi maggehi pariññāpahānasacchikiriyābhāvanavasena soḷasavidhaṃ kiccaṃ niṭṭhāpitaṃ:

Hoàn tất, thông suốt 16 phận sự theo cách “hiểu biết trọn vẹn, diệt trừ, tác chứng, tu tiến” của bốn đạo với 4 sự thật, gọi là “việc cần làm đã làm xong” (At).

Nghĩa là “các ô nhiễm” cần diệt trừ ở mỗi đạo, đã được diệt trừ và gốc rễ khổ tái sinh ấy đã bị diệt tận.

Phàm thiện nhân “sẽ làm các phận sự ấy”; bảy bậc Thánh hữu học “đang làm các phận sự ấy”. Bậc A-la-hán quả “đã làm xong phận sự ấy” (At).

Bậc Dự lưu đã diệt tận “gốc rễ” (mūla) tái sinh vào bốn khổ cảnh; bậc A-na-hàm đã diệt tận gốc rễ tái sinh vào cõi dục; bậc Thánh A-la-hán đã diệt tận”gốc rễ” tái sinh vào tam giới.

Sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa (nāparaṃ itthattāyā) .

Sau đời hiện tại. Chỉ cho sự tái sinh tiếp theo đời sống hiện tại này.

Không còn đời sống nào khác nữa. Sau kiếp sống này, các uẩn không sinh lên nữa.

Vị ấy biết rằng “với trạng thái này”, ta không cần phải tu tiến Đạo nữa, vì đã làm xong 16 phận sự đối với đạo để diệt trừ ô nhiễm rồi.

Năm uẩn đã bị “cắt đứt gốc rễ”; khi tâm tử xuất hiện thì năm uẩn cũng không còn, ví như ngọn lửa không còn nhiên liệu, chúng đi vào trạng thái “không rõ ràng” (At).

  1. Chánh kinh.

Seyyathāpi, mahārāja pabbatasaṅkhepe udakarahado accho vippasanno anāvilo.

Này Đại vương, ví như tại đỉnh núi, có hồ nước thuần tịnh, trong sáng, không vẫn đục.

Tattha cakkhumā puriso tīre ṭhito passeyya sippisambukampi sakkharakathalampi macchagumlampi carantipi tiṭṭhantampi.

Một người có mắt đứng trên bờ sẽ thấy con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá bơi qua lại hay đứng yên một chỗ.

Giải.

Tại đỉnh núi (pabbatasaṅkhepe).

Pabbatasaṅkhepeti pabbatamatthake: Tại đỉnh núi là tại chóp núi (At).

Không vẩn đục (anāvilo).

Anāviloti nikkaddamo: Không vẫn đục là không có bùn (At).

Đức Thế Tôn ví thân núi lớn là thân vị thánh A-la-hán, hồ nước thuần tịnh trong sáng, không vẩn đục là tâm vị A-la-hán. Người có mắt là thánh trí A-la-hán.

Trong ví dụ về Sinh tử trí, Đức Phật dùng ví dụ “người đứng trên lầu cao ở ngả tư đường”.

Trong phần này, Đức Phật ví người đứng trên đỉnh núi là báo trước “quả Sa-môn thù diệu cao nhất”.

Bản Sớ giải giải thích: “Người có mắt thấy các hòn sỏi nhỏ, lớn, các đàn cá” là chỉ ra “vị ấy thành tựu 10 loại trí”.

“Bơi qua lại hay đứng yên” là đề cấp đến 7 loại đối tượng (ārammaṇa).

* Mười loại trí là: Trí quán, trí ý hóa thân, trí thành tựu, thiên nhĩ trí, tha tâm trí, túc mạng trí, trí về tái sinh trong tương lai đi chung với trí hạnh nghiệp, sinh tử trí và trí diệt trừ tất cả ô nhiễm.

* Bảy đối tượng (cảnh) là: Cảnh hạn lượng (paritta), cảnh vô lượng (appamāṇa), cảnh quá khứ, cảnh vị lai, cảnh hiện tại, cảnh bên trong (ajjhatta) và cảnh bên ngoài (bahiddha).

Trí ý hóa thân, lấy sắc pháp làm đối tượng nên có cảnh hạn lượng, cảnh hiện tại và cảnh bên ngoài.

Trí diệt trừ tất cả ô nhiễm lấy Nípbàn làm cảnh, nên có cảnh vô lượng, cảnh bên ngoài và cảnh phi thời gian (At).

Nípbàn là cảnh bên ngoài vì vượt ra ngoài 5 uẩn.

Nípbàn là cảnh phi thời gian vì vượt ra quá khứ, hiện tại và vị lai. Thời chứng đạt Nípbàn được gọi là “thời giải thoát” (vimuttakāla).

Các trí còn lại xin xem sách Thanh Tịnh Đạo (chương XIII).

Sách Hậu Ṭīkā giải thích: Tuy kinh văn không đề cập đến “trí về tương lai và trí về hạnh nghiệp”, nhưng 2 trí này nương trí sinh tử (thiên nhãn trí) sinh khởi. Khi đề cập đến sinh tử trí là “ngầm” nói đến 2 loại trí này (Atk).

Chánh kinh.

Imasmā ca pana, mahārāja, saṅdiṭṭhikā sāmaññaphalā aññaṃ saṅdiṭṭhikaṃ sāmaññaphalaṃ uttaritaraṃ vā paṇītaraṃ vā natthī’ti.

Này Ðại vương, không có một quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn nào vi diệu hay cao tột hơn quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn này.

Giải.

Vi diệu và cao tột hơn (uttaritaraṃ va paṇītaraṃ).

Đức Thế Tôn kết thúc bài pháp bằng quả Sa-môn vi diệu và cao tột nhất là “quả A-la-hán”, không một quả Sa-môn nào cao quý hơn quả A-la-hán.

Sách Hậu Ṭīkā giải thích: Đức Phật kết thúc bài pháp bằng quả sa-môn A-la-hán, những Thánh quả Sa-môn này không thể chia xẻ được cho người khác, phải tự mình thực chứng.

Đồng thời Ngài cho thấy “các ý kiến của 6 vị tôn chủ” bị sai lệch, Ngài chấn chỉnh lại những tri kiến, lý thuyết sái quấy cùng những giới cấm, những lối sống tà vạy.

Cách sống đúng đắn được trang điểm bằng 3 loại giới (tiểu giới, trung giới, đại giới), Ngài giải thích cách tu tập để loại trừ dần các chướng ngại, thành tựu được pháp thượng nhân như thiền định, thắng trí, đó là vật trang điểm cho tòa lâu đài xinh đẹp, vững chắc.

Như cung điện chư thiên có nhiều loại châu báu, cũng vậy trong giáo pháp này có 14 quả Sa-môn vi diệu để diệt trừ dần các ô nhiễm, và quả Sa-môn vi diệu cao tột nhất là quả A-la-hán vì diệt trừ tất cả mọi ô nhiễm.

Đức Thế Tôn kết thúc bài pháp bằng từ “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành”, vì từ này đồng nghĩa với Thánh quả A-la-hán (Atk).

Vua Ajātasattu trở thành cận sự nam.

  1. Chánh kinh.

Evaṃ vutte, rājā māgadho ajātasattu vedehiputto bhagavantaṃ etadavoca:

Ðược nghe vậy, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha bạch Thế Tôn:

“abhikkantaṃ bhante, abhikkantaṃ bhante. Seyyathāpi, bhante, nikujjitaṃ vā ukkujjeyya, paṭicchannaṃ vā vivareyya, mūhassa vā maggaṃ ācikkheyya, adhakāte vā telapajjotaṃ dhāreyya cakkhumanto rūpāni dakkhantī’ti”;

“Thật là vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc.

Giải.

“Được nghe vậy” (evaṃ vutte).

Với tâm hoan hỷ cùng với sự chý ý lắng nghe đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối của bài pháp, đức vua nghĩ “trong một thời gian dài ta đi hỏi các vị sa môn, Bà-la-môn những câu hỏi này, ta không thấy có gì cần thiết, ví như “người đi tìm gạo tốt, chỉ thấy vỏ trấu”.

Đức Thế Tôn trả lời câu hỏi của ta, chỉ ra những phẩm chất tuyệt vời như vậy, như thể Ngài soi rọi cho ta với ngàn ngọn đèn, Ngài phát ra ánh sáng vô cùng tuyệt diệu.

Trong một thời gian dài, ta bị lừa dối, ta không biết năng lực diệu kỳ trong các phẩm chất tuyệt vời của Đức Thế Tôn.

Hồi tưởng lại các phẩm chất tuyệt vời của Đức Thế Tôn, thân của đức vua tràn đầy năm loại phỉ lạc, sau khi tán thán, Đức vua xin nương nhờ ân đức Tam bảo.

Để chỉ điều này, đoạn kinh bắt đầu bằng “được nghe như vậy” (At).

Thật là vi diệu thay, bạch Thế Tôn (abhikkantaṃ bhante).

Abhikkantaṃ bhanteti ayaṃ abhikkantasaddo khayasundarābhirūpa – abbhanumodanesu dissati.

Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn là người này “thích thú cao tột về âm thanh”, về sắc tướng hoàn hảo, về thích thú thọ nhận pháp (At).

Đức Thế Tôn có âm thanh vi diệu như tiếng chim Ca-lăng-tần-già; Đức Thế Tôn có 32 đại nhân tướng hoàn hảo và Ngài giảng pháp vi đệu.

Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn. Đức vua A-xà-thế tán dương Đức Phật với 3 điều này, đồng thời Đức vua hoan hỷ thọ nhận lời dạy của Đức Thế Tôn.

Hay nói cách khác thì vi diệu” có nghĩa là cực kỳ hoan hỷ (ati-abhikkanta), cực kỳ hạnh phúc (ati-iṭṭhaṃ), cực kỳ hài lòng (atimanāpaṃ), cực kỳ tốt đẹp (atisundaraṃ) (At).

Đức vua A-xà- thế hai lần tán dương “thật vi diệu, bạch Thế Tôn”.

Sự lập lại lời nói xuất hiện trong những trường hợp: Khiếp sợ, ngạc nhiên, bị khích động, hấp tấp, cười, sầu khổ, tán dương và khẳng định.

Đức vua lập lại lời “thật vi diệu, bạch Thế Tôn”, đó là lời tán dương với sự hoan hỷ và khẳng định.

Tức là, lần đầu là “tán dương với tâm hoan hỷ tột độ”, lần hai là “sự quả quyết”.

* “Tán dương với tâm hoan hỷ tột độ” là: Bạch Thế Tôn, thật vi diệu thay pháp được Ngài thuyết giảng (tức là tán dương pháp ).

* “Quả quyết” là: Bạch Đức Thế Tôn, con khẳng định đây là pháp vi diệu.

Một cách khác, Đức vua tán thán lời dạy của Đức Thế Tôn là “vi diệu”:

– Vi diệu vì diệt trừ được những sai lầm.

– Vi diệu vì thúc đẩy sự thành tựu các phẩm chất đặc biệt.

– Vi diệu vì làm phát sanh niềm tin và làm phát sanh tuệ.

– Vi diệu vì có văn, có nghĩa đầy đủ.

– Vi diệu vì thuật ngữ rõ ràng và ý nghĩa sâu thẳm.

– Vi diệu vì dễ nghe và dễ lãnh hội, đi thẳng vào tâm.

– Vi diệu vì không tự tán dương mình và không gièm pha người khác.

– Vi diệu vì khi nghe hoan hỷ, có thể kiên nhẫn thẩm xét được.

– Vi diệu vì khi nghe được hài lòng, khi thực hành được quả thù thắng.

Tiếp theo, Đức vua tán thán Bậc Đạo Sư bằng bốn ví dụ.

1- “Như ngườì dựng lại những gì ngã xuống”.

Nikkujjitanti adhomukhaṭhapitam. heṭṭhāmukhajātaṃ vā:

“Ngã xuống” là úp mặt xuống bên dưới hay mặt sinh ra ở bên dưới (At).

Ukkhujjeyyāti upari mukhaṃ kareyya:

“Dựng đứng” là mặt hướng lên trên (At).

Như người dựng đứng lại những gì ngã xuống.

Nghĩa là: Bạch Thế Tôn, khi con xa rời Chánh pháp, rơi vào tà pháp, Đức Thế Tôn đã giúp con thoát khỏi những tà pháp đó.

Ví như người úp mặt xuống đất, bị lấm bẩn cát bụi, bi đen tối bởi “không thấy”. Đức Thế Tôn “dựng đứng” con lại, giúp con thấy rõ khung trời cao rộng.

2- Phơi bày những gì bị che kín.

Che kín (paṭicchannaṃ).

Paṭicchannanti tiṇapaṇṇadichāditaṃ:

(như) cỏ dầy đặc, không thấy được, gọi là che kín (At).

Phơi bày (vivareyya).

Vivareyyāti ugghāteyya: Phơi bày là mở ra (At).

Phơi bày những gì bị che kín.

Kể từ khi Giáo pháp Đức Thế Tôn Kassapa biến mất, Giáo pháp bị che lấp trong khu rừng tà kiến. Đức Thế Tôn làm hiển lộ giáo pháp ấy, đưa Giáo pháp thoát ra khỏi khu rừng tà kiến.

3- Chỉ đường cho người bị lạc hướng.

Lạc hướng (mūḷhassa vā).

Mūḷhassa vāti disāmūḷhassa: Lạc hướng là nhầm lẫn phương hướng (At).

Chỉ đường (maggaṃ ācikkheyya).

Maggaṃ ācikkheyyāti: hattha gahetvā “esa maggo”ti vadeyya:

Chỉ đường là đưa tay chỉ “đây là con đường” (At).

Chỉ đường cho người lạc hướng.

Nghĩa là: Khi con đi trên con đường sai trái, Đức Thế Tôn vạch ra cho con thấy con đường đến cõi trời và giải thoát.

4- Đem ánh sáng vào trong bóng tối.

Nghĩa là: Khi con chìm trong bóng đêm của si mê, không thể thấy được ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng.

Đức Thế Tôn đưa cho con ngọn đèn của bài pháp mà xua tan bóng đêm của si mê đang che đậy những ân đức này.

Do Đức Thế Tôn thuyết Pháp cho con theo những cách này nên (con nói): “Chánh Pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương diện trình bày, giải thích”.

Chánh kinh.

Esāhaṃ, bhante, bhagavantaṃ saranaṃ gacchāmi dhammañca bhikkhusaṅghañca.

Nay con xin nương nhờ([53]) Đức Thế Tôn, nương nhờ Giáo pháp và nương nhờTỳ-khưu Tăng.

Upāsakaṃ maṃ bhagavā dhāretu ajjatagge pānupetaṃ saranaṃ gataṃ.

Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

Giải.

Khi bày tỏ tâm hoan hỷ với pháp thoại của Đưc Thế Tôn và khẳng định “đây là giáo pháp tuyệt hảo”, vua A-xà-thế bày tỏ tâm quyết định nương nhờ Tam bảo, quy ngưỡng Tam bảo, nên Đức vua nói “Con xin quy ngưỡng Đức Thế Tôn”… (At).

Con xin nương nhờ Đức Thế Tôn (Bhagavantaṃ saranaṃ gacchāmi).

Nghĩa là “Đức Thế Tôn là nơi nương nhờ cao tột, Ngài làbậc đoạn trừ đau khổ, tạo an lạc cho chúng sinh”.

Với mục đích diệt trừ đau khổ, thành tựu hạnh phúc, con xin làm đệ tử Đức Thế Tôn, con nương nhờ Đức Thế Tôn.

Nói cách khác là “do con hiểu biết như vậy, nên con quy ngưỡng Đức Thế Tôn”.

Chữ gacchāti từ chữ gati (đi), nhưng ở đây có nghĩa là “hiểu biết, sáng suốt” (buddhi), khi nói con đi (gacchāmi), nghĩa là “con hiểu biết” (At).

Con xin nương nhờ đức Pháp. (dhammaṃ saranaṃ gacchāmi).

Pháp (dhamma). Xuất phát từ động từ dhāreti (gìn giữ).

Như nói: “Dhamma have rakkhituṃ dhammacārim: Pháp gìn giữ người hành pháp” nghĩa là “người hành pháp sẽ không rơi vào 4 khổ cảnh”

Lại nữa, pháp ở đây chỉ cho Thánh đạo 8 ngành, dẫn đến Nípbàn.

Như Đức Phật dạy:

“Này các Tỳ-khưu, trong các pháp hữu vi, Thánh đạo tám ngành được xem là tối thượng”([54]).

Và trong tất cả pháp, Nípbàn được xem là pháp tối thượng. Như Phật ngoôn:

“Này Cundī, dầu cho loại pháp nào, hữu vi hay vô vi, vô nhiễm (virāga)([55]) được xem là tối thượng”([56]).

Ngoài Thánh đạo 8 ngành và Nípbàn, Pháp còn chỉ cho Thánh quả.

Con xin nương nhờ đức Tăng. (saṅghaṃ saranaṃ gacchāmi).

Tăng (saṅgha). Xuất phát từ saṅgaha (kết hợp, đồng nhất). Tức là “đồng giới, đồng tuệ”.

“Này Sumanā, Ta nói không có sự sai khác nào, tức là so sánh giải thoát với giải thoát”([57]).

Nghĩa là “đồng đẳng” về giải thoát.

Ý nghĩa “kết hợp” là chỉ cho bốn Thánh Đạo và bốn Thánh quả, như Phật ngôn:

Này Cundī, dầu cho hội chúng nào, chúng Tăng đệ tử của Như Lai được xem là tối thượng trong tất cả hội chúng ấy. Tức là bốn đôi, tám vi”(sđd).

Như vậy, trong ý nghĩa cùng tột “quy ngưỡng Tăng, nương nhờ Tăng” là “hướng về Thánh Đạo và Thánh quả”, nơi nương là “thánh đạo và Thánh quả”.

Ý nghĩa “đệ tử Như Lai ở đây” là chỉ cho các vị Thánh Thinh văn.

Giải về nương nhờ (saranaṃ).

a- Ý nghĩa.

Nương nhờ, nghĩa là đi đến nơi tuyệt hảo (kosalla).

Nương nhờ, nghĩa là đi đến nơi phá vỡ (pabheda).

Nương nhờ, được hiểu là “phương cách hủy diệt phiền não”, đạt quả Siêu thế.

Nương nhờ nơi ân đức Tam bảo, sẽ hủy diệt được sự “sát hại” (him.sati); nghĩa là:

Do nương nhờ âm đức Tam bảo sẽ trừ diệt được sự kinh sợ, đau khổ cùng với nỗi khổ sinh tử luân hồi.

Đức Phật hủy diệt sự sợ hãi của chúng sinh bằng cách “chỉ ra phương pháp thoát khỏi tai hại, dẫn đến an lạc”; khích lệ chúng sinh thực hành pháp thoát ra đau khổ, đưa đến an lạc.

Đức Pháp gìn giữ, hổ trợ chúng sinh vượt khòi sa mạc sinh hữu, đến nơi an lạc tối thượng là Nípbàn.

Đức Tăng dìu dắt, tiếp dẫn, dạy cho chúng sinh những hạnh lành, đồng thời tự thân các Ngài cũng thực hành những hạnh ấy, đạt đến quả cao thượng, rộng lớn (vipullaphalapaṭilābhakaraṇena) (At).

Ai nương nhờ Đức Phật; Giáo pháp và Tăng chúng.

Với chánh trí thấy được; bốn sự thật cao quý.

Thật nương nhờ an ổn; thật nương nhờ tối thượng.

Có nương nhờ như thế; vượt thoát mọi khổ đau”([58]).

b- Nương nhờ.

Là “hành động của thức sinh lên” (citt’uppāda), do sự tôn kính và “nhiệt thành” (tappa), vì hiểu biết “không có các ô nhiễm trong ân đức Tam bảo” (At).

Sách Hậu Ṭīkā giải thích: “Hành động của thức”, là thức kết hợp với chuỗi tâm sở đồng sanh như tín, tấn, niệm, tuệ ….

Nhiệt thành”, vì: “Đức Thế Tôn là bậc hoàn toàn giác ngộ, là bậc tối thượng trong Tam giới, Pháp dẫn đến trạng thái “xuất thế gian” (lokuttara), Tăng thực hành tốt phương pháp ấy, các Ngài đã hay đang siêu xuất thế gian.. Và cũng có sự tôn kính với Tam Bảo.

Nhờ sự “tôn kính và nhiệt thànhh”, nên không có ô nhiễm, trừ diệt các trạng thái bất thiện như nghi, si và thiếu tín … nhờ trí nên hiểu biết “Tam Bảo là nơi nương nhờ tuyệt hảo”, “Tam Bảo là nơi tr1u ẩn an toàn cao tột”, “Tam bảo là nơi tách lìa những khổ nạn”.

Đề cập đến “nhiệt thành”, Sớ giải sư chỉ cho “sự nương nhờ Tam bảo của phàm nhân” (lokiyasaraṇa), vì nương theo đức tin là chủ yếu.

Đề cập đến “tôn kính” là chỉ cho “sự nương nhờ của bậc Thánh”, bậc Thánh “nương nhờ Tam bảo” (lokuttarasaraṇaṃ)([59]), vì “nếm được vị giải thoát tuyệt vời”. Nói cách khác “trí là chủ yếu trong sự nương nhờ này”.

Lại nữa, “tôn kinh” vì nhận thấy các ô nhiễm được từ bỏ theo cách tạm thời, theo cách áp chế và theo cách đoạn trừ. Nhờ “tôn kính” nên loại trừ được “vô tín”.

Thuật ngữ “tôn kính và nhiệt thành” có thể chỉ cho “phàm quy” lẫn “Thánh quy”.

Tức là “tôn kính của phàm nhân” và “tôn kính của Thánh nhân”. Tôn kính của phàm nhân còn có thể thay đổi, nhưng tôn kính của Thánh nhân không hề thay đổi. Tương tự như thế với “nhiệt thành” (Atk)([60]).

Chí đến Đức Thế Tôn, Ngài luôn là bậc tôn kính pháp.

“Này các Tỳ-khưu, Như Lai bậc A-la-hán Chánh đẳng giác đúng pháp pháp vương, y cứ pháp, tôn kính pháp …”([61])

c- Người nương nhờ.

Là người hành động với sự điều động thức ấy. Nghĩa là “người đấn gần Tam bảo với hiểu biết” như vầy : “Tam bảo là nơi quy ngưỡng, là nơi nương nhờ tối thượng của ta” (At).

d- Phân tích về nương nhờ. Có 2 sự nương nhờ:

Nương nhờ Siêu thế (là Thánh quy). Tức là nương nhờ của bậc Thánh, sự nương nhờ này được thành tựu ngay sát-na Sơ đạo, do thấy được Tứ đế, loại trừ các ô nhiễm([62]).

Về đối tượng (ārammaṇa) thì lấy Nípbàn làm đối tượng, lấy nibbāna làm cảnh. Về nhiệm vụ là “có niềm tin vững chắc nơi Tam bảo” (At).

Nương nhờ hiệp thế (là phàm quy). Là sự nương nhờ của phàm nhân, các ô nhiễm bị “áp chế” bởi sự “nương nhờ “này.

Sự nương nhờ này có đối tượng là “các tính cách tốt đẹp tuyệt hảo nơi Phật, Pháp, Tăng”, nghĩa là “đặt niềm tin nơi ân đức Phật, Pháp, Tăng”.

Và một trong 10 nhân sinh khởi hạnh phúc là “làm cho tri kiến đúng” (diṭṭhujukamma) phát sinh từ đức tin này.

Thành tựu phàm quy do bốn chi phần: Từ bỏ mình (attasanniyyātana), nhận Tam bảo là nơi nương nhờ (tapparāyaṇatā), tự nhận là đệ tử (sissabhāvūpagamana) và quy ngưỡng (paṇipāta).

* Từ bỏ mình (attasanniyyātana).

Nghĩa là “phó thác mạng sống này đến Tam bảo”, được diễn đạt như vầy:

“Ajjādiṃ katvā ahaṃ attānaṃ buddhassa niyyātemi, dhammassa, saṅghassā’ti”.

(Kể từ hôm nay trở đi, con dâng mạng sống này đến Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng).

* Nhận Tam bảo là nơi nương nhờ (tapparāyaṇatā).

Nghĩa là “chỉ nương nhờ nơi tam bảo, không nương nhờ nơi nào khác”, được diễn đạt như sau:

“Ajjādiṃ katvā ahaṃ buddha parāyano, dhammaparāyano, saṅghaparāyano”.

(Kể từ hôm nay trở đi, Đức Phật, đức Pháp, đức Tăng là nơi nương nhờ cao tột của con, mong các Ngài ghi nhận cho con).

Như Dạ-xoa Ālavaka sau khi chứng quả Dự lưu, đã tuyrên bố:

Con sẽ đi bộ hành, làng này qua làng khác.

Thành này qua thành khác, đảnh lễ Đấng giác ngộ.

Đảnh lễ thiện pháp tánh, của chánh pháp vi diệu.([63])

* Tự nhận là đệ tử (sissabhāvūpagamana).

Được diễn đạt như vầy:

“Ajjādiṃ katvā ahaṃ buddhassa antevāsiko, dhammassa saṅghassa antevāsiko”.

(Kể từ hôm nay trở đi, con là đệ tử của Đức Phật, đức Pháp, đức Tăng, mong các Ngài ghi nhận cho con).

Như Đức Mahā Kassapa lần đầu tiên khi thấy Đức Thế Tôn ngồi tại ngôi đền Bahuputta, Ngài cảm nhận “đây là Bậc Đạo sư” của minh, và Ngài đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Ngài là bậc Đạo sư của con, con là đệ tử”([64])

* Quy ngưỡng (paṇipāta).

Là tâm nhu nhuyến sâu thẳm với ân đức tam bảo, được diễn đạt như vầy:

Ajjādiṃ katvā ahaṃ abhivādanapaccuṭṭhāna – añjalikammaāamīcikamma buddhādīnaṃ yeva tiṇṇaṃ vatthūnaṃ karomīti.

(Kể từ hôm nay trở đi, con chỉ đảnh lễ Tam bảo, và thực hiện những điều thích hợp đối với Tam bảo).

Điển hình là Bà-la-môn Brahmāyu, sau khi nghe pháp Đức Thế Tôn, đi đến đảnh lễ Đức thế Tôn rồi hôn chân Đức Thế Tôn, nói rằng “Bạch Đức Gotama, con là Bà-la-môn Brahmāyu ! Bạch Đức Gotama, con là Bà-la-môn Brahmāyu”([65]).

Quy ngưỡng có 4 cách là:

– Quy ngưỡng vì đối tượng ấy là thân tộc của ta.

– Quy ngưỡng vì đối tượng ấy là thầy ta.

– Quy ngưỡng vì sợ hãi.

– Quy ngưỡng vì quý mến pháp đáng kinh trọng.

Trong bốn cách ấy, quy ngưỡng vì “quý trọng pháp” là cao thượng nhất. Người nương nhờ Tam bảo là người “quy ngưỡng do tôn kính pháp”.

Một người trong dòng Sakya (hích Ca) hay Koliya quy ngưỡng Đức Thế Tôn. Vì nghĩ “đây là người trong thân tộc chúng ta”, người ấy không phải là “nương nhờ”.

Nếu người quy ngưỡng Đức Thế Tôn do sợ hãi y lực của Ngài vì thấy “Sa-môn Gotama được các Đức vua kỉnh trọng”, nếu ta không quy ngưỡng thì Sa-môn Gotama có thể làm hại ta được, như vậy không phải là “quy ngưỡng”.

Khi nhớ ra điều được học hỏi từ Đức Thế Tôn khi Ngài còn là Bồ-tát, hay một số chỉ dẫn thuộc về thế gian pháp nhận được từ Ngài khi Ngài đã thành bậc Chánh giác, người ấy quy ngưỡng Đức Thế Tôn vì nghĩ “Ngài là thầy tổ của ta”, đó không phải là “quy ngưỡng”.

Nhưng khi nghĩ “Đức Phật là bậc đáng kính trọng nhất trong thế gian”, nên”nương nhờ nơi Ngài”, đó là “quy ngưỡng”.

Ngược lại, người đã “nương nhờ Tam Bảo”, tôn kính những du sĩ dị giáo, do nghĩ rằng “đây là người thân của ta”, thì không bị “đứt quy”, càng không bị đứt nếu người ấy không phải là người ngoại giáo.

Sẽ không bị “đứt quy” nếu tôn kính Đức vua vì sợ hãi, do nghĩ “ Đức vua là người lãnh đạo quốc độ, nếu không tôn kính Đức vua, Đức vua sẽ hại ta”.

Khi nghĩ “đây là vị thầy trước đây của ta, đã truyền dạy cho ta những nghiệp nghệ” nên có sự tôn kính, cũng không bị “đứt tam quy”.

Sách Hậu Ṭīkā giải thích: “Lấy nibbāna làm đối tượng”, nghĩa là “đạo tuệ” chính là “nương nhờ siêu thế”, hay Đạo tuệ “đến gần Nípbàn để nương nhờ”.

Vì “Nípbàn” là “nơi nương nhờ”, nơi ấy “tách ly các ô nhiễm”, Nípbàn được nhận thức rõ do tác chứng (sacchikiriya). Vì thế, Nípbàn là “nơi nương nhờ tuyệt hảo”, không bị “vô thường và khổ” xâm nhập vào (Atk).

Như Phật ngôn:

Sabbe saṅkhārā aniccāti … Các pháp hữu vi là vô thường….

Sabbe saṅkhārā dukkhāti … Các pháp hữu vi là khổ([66])

Vị chứng đắc được Đạo Siêu thế, nhận thức được các tính chất siêu việt của Đức Phật cùng với các đặc tính tuyệt vời của Thánh Tăng. Nên Thánh quy không hề lay chuyển (Atk).

“Tri kiến phát sinh từ đức tin, nghĩa là đức tin đến trước trợ giúp cho trí sinh lên, với sự hiểu biết rằng:

– Đức Phật là bậc đã giác ngộ, là bậc tối thượng trong thế gian.

– Pháp được thuyết giảng tốt đẹp ở giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối. Là Thánh đạo tám ngành cao thượng.

– Tăng là bậc đang thực hành tốt, là bậc đã hay đang chứng thánh quả([67]).

Bằng cụm từ “tri kiến phát sinh từ đức tin”, Sớ giải sư chỉ ra rằng “nương nhờ thế tục”, có trí hiểu được các ân đức Phật, Pháp, Tăng nương vào tín (saddhā) sinh lên.

Với cụm từ “có tín”, vị ấy chỉ ra sự nương nhờ không có trí đi chung, như trong trường hợp những đứa trẻ được cha mẹ nhắc nhở …

Với cụm từ “tri kiến”, vị ấy chỉ ra rằng “nương nhờ thế tục” có trí đi chung, tức là “tín đi chung với tuệ” (Atk).

e- Quả của “nương nhờ nơi Tam bảo”.

Với bốn Thánh quy (là bốn Thánh đạo), bốn Thánh quả: Sơ quả, nhị quả, tam quả, tứ quả, là kết quả.

Nói cách khác “diệt trừ được phiền não, ô nhiễm” là kết quả.

Như Phật ngôn:

Ai nương nhờ Đức Phật; Giáo pháp và Tăng chúng.

Với chánh trí thấy được; bốn sự thật cao quý.

Thật nương nhờ an ổn; thật nương nhờ tối thượng.

Có nương nhờ như thế; vượt thoát mọi khổ đau”([68]).

Lại nữa, quả “thánh quy” là “không xem bất kỳ hành nào là thường, là lạc, là ngã”.

Như có Phật ngôn:

“Này các Tỳ-khưu, một người thành tựu chánh kiến, lại cho rằng “các hành là thường, là lạc, là tự ngã”, sự kiện này không thể xảy ra.

Này các Tỳ-khưu, một người thành tựu chánh kiến, có thể “giết mẹ, giết cha, giết bậc A-la-hán, làm chảy máu Như lai, chia rẽ hòa hợp tăng”. Này các Tỳ-khưu, sự kiện này không xảy ra ([69]).

Với phàm quy. Được kết quả là người hay chư thiên, như Phật ngôn:

“Những ai nương nhờ Phật; sẽ không đọa khổ cảnh.

Sau khi bỏ thân nhân loại; sẽ sinh về thiên giới”([70])

Có lần Đức Moggallāna có giảng cho vua trời Sakka cùng 8000 thiên chúng tùy tùng rằng:

“Lành thay, này thiên chủ, là nương nhờ Phật. Do nhân nương nhờ Phật, này thiên chủ,một số chúng sinh, sau khi thân hoại mệnh chung, được sinh lên thiên giới, nhàn cảnh, cõi trời.

Lành thay, này thiên chủ, là nương nhờ Pháp. Do nhân nương nhờ Pháp, này thiên chủ,một số chúng sinh, sau khi thân hoại mệnh chung, được sinh lên thiên giới, nhàn cảnh, cõi trời.

Lành thay, này thiên chủ, là nương nhờ Tăng. Do nhân nương nhờ Tăng, này thiên chủ,một số chúng sinh, sau khi thân hoại mệnh chung, được sinh lên thiên giới, nhàn cảnh, cõi trời”([71]).

Lại nữa, trong bài kinh Velāma ([72]), Đức Phật có giảng cho gia chủ Anāthapiṇḍika, tiền thân của Đức Phật là Bà-la-môn Velāma bố thí rộng lớn, nhưng không mang lại kết quả an lạc đáng mong cầu như “nương nhờ nơi Tam bảo”.

f- Ô nhiễm của “nương nhờ”.

Với Thánh quy thì không còn ô nhiễm, vì niềm tin của các Ngài đã “không còn lay chuyển” bởi sự “vô tín” nơi Tam bảo.

Với phàm quy, sự nương nhờ bị ô nhiễm do si, do nghi ngờ, do “không hiểu rõ ân đức Tam bảo”.

Tức là “đức tin không nhận 3 ân đức Tam bảo làm cảnh”, từ đó tâm không được chói sáng và lan tỏa (At).

g- Sự vi phạm (còn gọi là đứt quy).

Thánh quy không bao giờ bị đứt. Sự đứt “nương nhờ” của phàm nhân có 2 trường hợp.

Đứt quy vô tội. Là người cận sự ấy mệnh chung.

Đứt quy có tội. Là vị ấy từ bỏ Đức Đạo sư (là Đức Thế Tôn) tôn sùng vị Đạo sư khác([73]), từ bỏ giáo pháp này để nương theo lý thuyết ngoại giáo, từ bỏ Tăng chúng (At).

Mong Thế Tôn nhận con là đệ tử (upāsakaṃ maṃ bhabte bhagavā dhāreti).

Upāsakaṃ maṃ bhabte bhagavā dhāretīti maṃ bhagavā upāsako ayan’ ti evaṃ dhāretu, jānātūti attho:

Là “Thế Tôn hãy nhận con là người cận sự, (Ngài) hãy hiểu biết con là người cận sự như thế này” (At).

Khéo hiểu ý nghĩa upāsaka (cận sự nam hay nam đệ tử) như sau:

a- Ai là cận sự (ko upāsako)?

Ko upāsakoti yo koci saraṇagato gahattho:

Là bất kỳ gia chủ nào đi đến xin nương nhờ (At).

Ngài Mahānāma dòng Thích Ca, có bạch hỏi Đức Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, như thế nào là người “cận sự”?

“Này Mahānāma, ai nương nhờ Phật, nương nhờ pháp, nương nhờ Tăng, người gia chủ ấy là người cận sự”([74]).

b- Vì sao gọi là “cận sự” (kasmā upāsako)?

Kasmā upāsakoti ratanattayaṃ upāsanato. So hi buddhaṃ upāsatīti upāsako, tatthā dhammaṃ saṅghaṃ.

Người đến gần Tam bảo, gọi là “cận sự”. Người ấy đến gần Đức Phật là “cận sự”, cũng như thế với đức Pháp, đức Tăng (At).

c- Giới của người đó như thế nào (kimassa sīlaṃ)?

Có năm giới. Như:

“Này Mahānāma, không sát sinh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong dục, không nói dối, không uống rượu và chất say. Như vậy là giới của người cận sự.

d- Đời sống người cận sự như thế nào (ko ājīvo)?

Từ bỏ năm loại tà mạng, người đó sống chánh mạng, phù hợp với Pháp.

“Này các Tỳ-khưu, một nam cư sĩ không nên làm năm nghề buôn bán. Thế nào là năm?

Buôn bán đao, kiếm (satthavāṇijjā), buôn bán người (satta), buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán chất độc[75]

e- Lỗi lầm của người cận sự như thế nào (kā vipatti)?

Là không giữ gìn, vi phạm năm giới cơ bản là: Sát sinh, lấy của không cho, tà hạnh trong dục, nói dối và uống các men rượu, men say.

Lại nữa, người cận sự sẽ bị từ bỏ, là người thấp kém trong giới cư sĩ, khi vi phạm vào 5 điều: Không có đức tin; ác giới; tin điềm lành, không tin nghiệp báo; đoán tương lai với những nghi thức đặc biệt; tôn sùng vị Đạo sư khác([76]).

f- Thành tựu của người cận sự là gì (kā sampatti)?

Không vi phạm vào 5 giới, giữ gìn 5 giới trong sạch, đó là thành tựu của người cận sự.

Lại nữa, người cận sự là “viên ngọc quý, là sen hồng, là sen trắng trong giới cận sự”, là người có: Đức tin, có giới, không mê tín, tin nghiệp báo và chỉ tôn sùng Tam bảo (sđd).

Từ nay trở đi cho đến mạng chung con trọn đời nương nhờ (ajjatagge pānupetaṃ saranaṃ gataṃ).

Mệnh chung (pāṇupetaṃ)([77]). Là “không còn hơi thở” (At).

“Từ nay trở đi cho đến khi mạng chung”. Nghĩa là “ Đức Thế Tôn hãy nhận biết con kể từ nay đến hết cuộc đời con”.

Con trọn đời nương nhờ”. Nghĩa là “Đức Thế Tôn nhận con là người cận sự, là đệ tử Tam bảo. Con không nhận bất kỳ ai là Bậc Đạo sư của mình ngoài Đức Thế Tôn. Nếu phải hy sinh cả mạng sống, con cũng không phủ nhận Tam bảo không phải là nơi nương của con (At).

Sau khi nương nhờ nơi Tam bảo, vua A-xà-thế sám hối tội giết cha mình là vua Bình-sa với Đức Thế Tôn.

  1. Chánh kinh.

Taggha tvaṃ, mahārāja, accayo accagamā yathābālaṃ yathāmūḷhaṃ yathā akusalaṃ,

Thật vậy, này Đại vương, đó là một trọng tội, vì thiếu trí, vì mê muội vì bất thiện,

yaṃ tvaṃ pitaraṃ dhammikaṃ dhammarājānaṃ jīvitā voropesi.

Ðại vương đã giết cha, một vị vua chơn chánh, để đoạt vương quyền.

Yato ca kho tvam., mahārāja, accayaṃ accayato disvā yathādhammaṃ paṭikarosi, taṃ te mayaṃ paṭiggaṇhāma.

Vì Ðại vương đã thấy tội ấy là một tội, đã thú tội đúng pháp, Ta chấp nhận tội ấy của Ðại vương.

Vuddhihesā, mahārāja, ariyassa vinaye, yo accayaṃ accayato disvā yathādhammaṃ paṭikaroti, āyatiṃ saṃvaraṃ āpajjatī’ti.

Ðó là một sự tiến bộ, này Ðại vương, trong luật pháp của bậc Thánh, những ai thấy tội là tội, thú tội đúng pháp, và ngăn chận ở tương lai.

Giải.

Tội lỗi (accayo).

Tattha accayoti aparādho: Tội lỗi ở đây là “phạm lỗi” (At).

Đã vượt qua (accagamā).

Accagamā ti maṃ atikkamma abhibhavitvā pavatto:

“Đã vượt qua” là con “làm quá mức, đã thực hiện vượt quá điều cần sinh khởi” (At).

Ðó là một sự tiến bộ, này Ðại vương, trong luật pháp của bậc Thánh.

Này Đại vương, điều được gọi là tiến bộ trong Pháp luật bậc Thánh, điều đó là gì?

Là thấy được trọng tội là trọng tội, cố gắng thực hành pháp để ngăn chận tái phạm trong tương lai (At).

  1. 252. Chánh kinh.

Evaṃ vutte, rājā māgadho ajātasattu vedehiputto bhagavantaṃ etadavoca:

Ðược nghe nói vậy, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha bạch với Đức Thế Tôn:

Handa ca dāni mayaṃ, bhante, gacchāma bahukiccā mayaṃ bahukaraṇīyāti.

“Bạch Thế Tôn, nay chúng con phải cáo từ, chúng con có nhiều bổn phận, nhiều việc phải làm”.

Yassadāni tvaṃ, mahārāja, kālaṃ maññasī’ti.

Đại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là phải thời.

Atha kho rājā māgadho ajātasattu vedehiputto bhagavato bhāsitaṃ abhinanditvaa anumoditvā uṭṭhāyāsanā bhagavantaṃ abhivādetvā padakkhinaṃ katvā pakkāmi.

Lúc bấy giờ, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha hoan hỷ tán thán lời dạy của Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Thế Tôn đi quanh ba vòng và từ biệt.

Giải.

Đi quanh ba vòng và từ biệt.

Sau khi đi quanh Đức Thế Tôn ba vòng, vua A-xà-thế hoan hỷ chấp tay lên đầu và lui ra, mặt hướng về phía Đức Thế Tôn đến khi hết tầm nhìn. Khi đi xa, nhà vua gập người đảnh lễ và trở về Hoàng cung (At).

  1. Chánh kinh.

Atha kho bhagavā acirapakkantassa rañño māgadhassa ajātasattussa vedehiputtassa bhikkhū āmantesi:

Lúc bấy giờ, khi Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha đi chưa bao lâu, Thế Tôn liền bảo các Tỳ-khưu:

Khatāyaṃ, bhikkhave, rājā. Upahatāyaṃ, bhikkhave, rājā

Này các Tỳ-khưu, tâm nhà vua rất ăn năn, này các Tỳ-khưu, tâm nhà vua rất hối lỗi.

Sacccāyaṃ, bhikkhave, rājā pitaraṃ dhammikaṃ dhammarājānaṃ jīvitā na voropessatha,

Này các Tỳ-khưu, nếu nhà vua không hại mạng vua cha, một vị vua rất chân chánh,

Imasmiññeva āsane virajaṃ vītamalaṃ dhammacakkhuṃ uppajjissathaa’ti

Thì tại ngay chỗ ngồi này, nhà vua đã chứng được pháp nhãn, không nhơ bẩn, không ô nhiễm.

Idamavoca bhagavā. Attamanā te bhikkhū bhagavato bhāsitaṃ abhinandunti.

Thế Tôn dạy như vậy. Các Tỳ-khưu hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn.

Giải.

Này các Tỳ-khưu, tâm nhà vua rất ăn năn, hối lỗi.

Ăn năn (khatāyaṃ). Là “tâm bị đào lên, bị bứng gốc”.

Hối lỗi (upahatāyaṃ). Là tâm bị tổn thương, bị hư hoại.

Rất ăn năn, hối lỗi. Nghĩa là: “tâm vua A-xà-thế bị bứng lên, bị thương tổn mà không thể chống đở (patiṭṭhā)” (At).

Sách Hậu Ṭīkā gỉai thích thêm là:

Ăn năn. Vì tự thấy mình bủy hoại gốc rễ thiện pháp đã tạo được trong quá khứ, thiện nghiệp ấy có thể cho quả an lạc trong hiện tại.

Nhưng gốc rễ thiện này đã bị “bứng lên, bị đào lên rồi”.

Hối lỗi. Vì thấy mình đã làm tổn hại đến các thiện nghiệp, khiến các thiện nghiệp bị ỡ vụn.

Với hai thuật ngữ “ăn năn, hối lỗi”, Đức Phật chỉ ra hành động cực ác của vua A-xà-thế.

“Không thể chống đở”. Vì đã phá hủy gốc rễ thiện.

“Chống đỡ” (patiṭṭhā) là còn có “chỗ đứng”, nghĩa là còn gốc rễ thiện. Ví như cây bị bứng gốc phải ngã xuống, cũng vậy khi gốc rễ thiện bị bứng thì không thể tiến hành để đạt được Đạo Siêu thế.

Với ác trọng nghiệp “giết cha”, vua A-xà-thế tự hủy diệt Đạo Siêu thế mà vị ấy có thể đạt được với sự hổ trợ của các thiện pháp đã tích lũy.

Ví như người cố gắng vun trồng cây cho quả lành, khi cây sắp sửa cho quả, người ấy lại “bứng gốc rễ lên”, nên các quả ngon ngọt không thể có được.

Do hiểu được “gốc rễ” thiện của mình bị chính mình phá hủy, nên Đức vua “tự ăn năn, hối lỗi” (Atk).

Không nhơ bẩn (virajaṃ).

Virajanti rāgarajādivirahitaṃ:

Loại trừ bụi tham trước nhất, gọi là “không nhơ bẩn” (At).

Không ô nhiễm (vītamalaṃ).

Rāgamalādīnaṃyeva vigatattā vītamalaṃ:

Không có bụi tham trước tiên, là “không ô nhiễm” (At).

Pháp nhãn (dhammacakkhuṃ).

Dhammacakkhunti dhammesu vā cakkhuṃ, dhammamayaṃ vā cakkhuṃ aññesu ṭhānesu tiṇṇaṃ maggānametaṃ adhivacanaṃ. Idha pana sotāpattimaggassena:

Pháp nhãn là “con mắt của pháp” hay “con mắt do pháp tạo”, nơi khác chỉ cho “ba Đạo thấp”([78]).Ở đây chỉ cho Sơ đạo (At).

Sách Hậu Ṭīkā giải thích:

“Con mắt của pháp” là Đạo Dự lưu, được gọi như vậy vì “thấy được chuỗi danh sắc sinh diệt”, thấy được lý Tứ đế, hay “chuỗi danh sắc của ba Đạo thấp”.

“Mắt do Pháp tạo”, là do Pháp thiền định và tuệ quán sinh ra.

Hơn nữa, từ “tạo ra” (maya) được dùng với nghĩa là “bao gồm”, tức là “con mắt do “giới, định, tuệ” sinh ra (Atk).

Nếu nhà vua không hại mạng vua cha … chứng được pháp nhãn.

Nghĩa là: “Nếu không sát hại vua cha thì trong khi còn ngồi ở đây, ngay tại chỗ này, vua A-xà-thế đã chứng đạt đạo Dự Lưu”.

Nhưng do kết giao với bạn ác (là Devadatta và tùy tùng của Devadatta), chướng ngại đã sinh lên cho Đức vua..

Đức vua đến yết kiến Đức Thế Tôn, xin nương nhờ Tam Bảo và sám hối tội lỗi. Ví như “người vừa giết người có thể được giảm án do tự thú tội và do vị vua có nhân đức”.

Cũng vậy vua A-xà-thế nương nhờ ân đức Tam Bảo và tự sám hối tội trước Đức Thế Tôn, nên thay vì phải rơi vào địa ngục A-tỳ (avīci), với thời gian trọn kiếp trái đất còn lại. Nhà vua chỉ tái sinh vào địa ngục Đồng Sôi (lohakumbhiya niraya) với thời gian là 60.000 năm (tính theo năm nhân loại) thì thoát khỏi địa ngục.

Tương truền rằng “điều này do Đức Thế Tôn dạy nhưng không ghi chép vào Kinh Tạng (At).

Hậu Ṭīkā có giải thích: “Với chúng sinh khác do nghiệp của họ, khi chìm xuống rồi trồi lên mất sáu mươi ngàn năm, rồi lại chìm trở xuống. Cứ như thế có thể đến hằng trăm ngàn năm.Nhưng vua A-xà-thế chỉ bị đau khổ trong địa ngục Đồng sôi 60.000 năm mà thôi. (Atk).

Khi nghe bài kinh này, nhà vua có đạt được lợi ích gì?

Nhà vua đã có lợi ích lớn, từ lúc sát hại vua cha, nhà vua không hề ngủ được dù ngày hay đêm. Nhưng từ khi đến yết kiến Bậc Đạo Sư, nghe được bài pháp thù diệu này, Đức vua có thể ngủ yên.

Đức vua vô cùng tôn kính Tam Bảo, nhất là Đức Thế Tôn, không ai có được niềm tin đặc biệt như vua A-xà-thế. Và sau 2 A-tăng kỳ (Asaṅkheya), Đức vua sẽ là vị Độc Giác Phật có tên là Vijita (At).

Hỏi. Nếu không do nghiệp giết cha, nhà vua đã chứng được pháp nhãn ngay tại chỗ ngồi. Vậy thì trong tương lai làm sao có thể thành tựu Độc Giác Phật?

Nói cách khác, nếu trở thành Độc Giác Phật thì làm sao chứng được Pháp nhãn? Điều này có mâu thuẩn không?

Sự hỗ trợ mang tính quyết định giải thoát cho vị Thánh đệ tử có khác với sự hỗ trợ để thành tựu Độc Giác Phật không?

Đáp. Không hề có sự mâu thuẫn, vì Đức vua sẽ tích lũy balamật để thành tựu Độc Giác Phật sau lần yết kiến Đức Thế Tôn.

Có những chúng sinh được thức tỉnh, thành tựu quả Thánh thinh văn, nếu không có cơ hội “được thức tỉnh” này, sẽ “tự thức tỉnh” trong khoảng trung gian giữa 2 vị Phật Toàn giác.

Như vậy, tính hổ trợ đạo quả không hề khác nhau, vì đều là “thức tỉnh”, chỉ khác phương thức mà thôi. Ví như người ngủ mê, bị đánh thức và người ngủ mê tự thức dậy và cả hai “đều thức giấc”.

Một số Giáo thọ sư cho rằng “Đức vua có ước nguyện thành tựu quả Độc giác trong quá khứ” nên không thể chứng quả Thánh Thinh văn.

Thật ra, có những chúng sinh có ước nguyện “thành tựu quả vị Độc giác”, đồng thời không tạo “nghiệp chướng ngại cho Đạo siêu thế” và “chuyển hướng hạnh nguyện”, vị ấy sẽ trở thành Thánh thinh văn khi được yết kiến và nghe pháp từ bậc Chánh giác.

Do đó, Đức Thế Tôn dạy “Này các Tỳ-khưu, nếu đức vua không hại mạng vua cha”

Chỉ có những vị Bồ-tát Chánh giác không vi phạm năm ác trọng ngghiệp là “giết mẹ, giết cha, giết vị Thánh A-la-hán, làm chảy máu Đức Chánh giác và chia rẽ Tăng chúng” mà thôi.

Những vị Bồ -tát Độc giác hay Bồ-tát Thinh văn vẫn có thể vi phạm vào năm ác trọng nghiệp này, như Ngài Devadatta sẽ thành tựu Độc Giác Phật trong tương lai, nhưng vẫn vi phạm vào năm ác trọng nghiệp (Atk).

Dứt luận giải kinh Sa-môn quả.

Soạn xong vào lúc 16 giờ ngày 21-01-2009.

Nhằm ngày 26-12 năm Mậu Tý.

([1])– Xin độc giả xem thêm sách Thanh tịnh đạo (visuddhimagga), phần Định. O73 đây bản sớ giải kinh Sa-môn quả chỉ giải vắn tắt.

([2])- Đức Tịnh Sự (d). Vph II, số 651.

([3])– Cả hai thể: Vật chất và tinh thần – Ns.

([4])– S.i, 5. Kinh Tỉnh giác.

([5])– Dhp. Câu 21.

([6])– Hỷ ở đây không phải là thọ hỷ (somanassa) – Ns.

([7])Thân khinh an ở đây chỉ cho tâm sở, không phải là thân vật chất –Ns.

([8])– Sắc sinh ra do nghiệp có 9 loại là: Năm sắc thần kinh, sắc ý vật, sắc Mạng quyền vaà 2 sắc tính (nam, nữ).

([9])– Sư cô Thích nữ Trí Hải (d). Thanh tịnh đạo I, số 145.

([10])– Tỳ-khưu Chánh Minh (biên soạn). Quy trình tâm pháp. Lộ tâm đắc thiền hay lộ tâm nhập thiền.

([11])– A.i, 231. Pháp 3 chi. Kinh Hữu học (sekhāsuttaṃ).

([12])– Về 10 loại xả này, xin xem sách Thanh Tịnh Đạo.

([13])– Hỷ ở đây chỉ cho thọ hỷ, không phải tâm sở hỷ. Tâm sở hỷ (pīti) là hành uẩn được từ bỏ ở Tam thiền, thọ hỷ thuộc thọ uẩn. Ở Tam thiền tuy chỉ có thọ lạc, nhưng ngầm có thọ hỷ; thọ hỷ nói về tâm, còn thọ lạc nói về thân – Ns.

([14]) – A.iii, 280. Pháp 6 chi.

([15])– A.i, 9. Pháp một chi.

([16])– Mahānidesa. 1.257.

([17])– M. iii, 328.

([18])– Mhv. Chương I, 10.

([19])– Mhv. Chương I, 16.

([20])– Sắc pháp do 4 nhân tạo là: Nghiệp, tâm, nhiệt độ và dưỡng tố.

([21])– Dhp. Câu 53.

([22])– Về các Thắng trí, xin đọc giả tham khảo thêm ở sách Thanh Tịnh Đạo. Ở đây chỉ nêu lên những điều trong bản Sớ giải kinh Sa-môn quả.

([23])– DhpA. Câu số 25.

([24])– Chữ iddhi thường được dịch là “thần thông” hay “như ý”, như iddhipāda (nền tảng như ý”. Ở đây chúngf tôi dịch là “thành tựu” cho đúng với ngữ cảnh của bài kinh.

([25])– Sn, 151. Kinh về dục, số 766.

([26])Ps.ii, 229.

([27])– S.iv. 303. Tương ưng Citta.

([28])– Xem Vsm, chương XII, 369. Hay Ps. Phần Iddhikathā (giải về thành tựu).

([29])– DhpA. Câu số 296.

([30])– DhpA. Câu 21, 22

([31])– DhpA. Câu số 223.

([32])– Ud. 39.

([33])– S.i, 61. Tương ưng thiên tử, kinh Rohita (Rohitasuttaṃ).

([34])Ps.ii, 207.

([35])– D.iii, kinh Đại viên tịch (mahāparinibbānasuttanta).

([36])– Tức là thời gian hành pháp độ bao lâu thì có khả năng nhớ lại bấy nhiêu. Điều này cho thấy “vị Thánh A-la-hán thường”, chỉ mất 1.000 kiếp trái đất thì thành tựu.

([37])– Xem D.iii, kinh Đại bổn (mahāpadānasuttaṃ).

([38])– HT. TMC (d). A.ii, 142. Pháp bốn chi, kinh Kiếp (kappasuttaṃ)

([39])– A.i, 228. Pháp 3 chi. Kinh Abhibhū (Abhibhūsuttaṃ).

([40])– Vn. Luật phân tích Tỳ-khưu.

([41])– M.i, Sư tử hống đại kinh (mahāsīhanādasuttaṃ)

([42])– DA. Sớ giải kinh Đại viên tịch (mahāparinibbānasuttanta).

([43])– HT. TMC (d). A.i, 30. Pháp một chi, kinh Chủng tử.

([44])– DhpA. Câu số 21.

([45])– S.ii, 119. Tương ưng nhân duyên. Kinh Susima

([46])– D.iii, 214.

([47])– M.i,438.

([48])– Dhp. Câu 253.

([49])– Sara nghĩa đen là “cây tên, mũi nhọn”. Ở đây dịch là “ sâu sắc ” cho phù hợp với ngữ cảnh – Ns.

([50])– Xem M.i, kinh tất cả ô nhiễm (sabbāsavasuttaṃ).

([51])– Cõi chỉ có một uẩn là cõi Vô tưởng.

– Cõi có 4 uẩn là cõi Vô sắc.

– Cõi có 5 uẩn là cõi ngũ uẩn.

([52])– Từ bậc Dự lưu Đạo cho đến A-la-hán Đạo – Ns.

([53])– Chữ saraṇa nghịa đen là “nương nhờ”, thường được dịch là “quy y”. Ở đây chúng tôi dùng theo nghĩa bạch văn là “nương nhờ”. – Ns.

([54])– A.ii, 34. Pháp bốn chi, kinh Lòng tin.

([55])– Virāga (vô nhiễm) là tên gọi khác của Nípbàn – Ns.

([56])– A.iii, 35. Pháp năm chi. Kinh Cundī.

([57])– A.iii, 32. Pháp 5 chi, kinh Sumanā.

([58])– Dhp. Câu 190, 192.

([59])– “Nương nhờ Tam bảo của phàm nhân, được gọi là “phàm quy”, nương nhờ Tam bảo của Thánh nhân, gọi là Thánh quy – Ns.

([60])– Atk: Chỉ cho Hậu Ṭīkā

([61])‑ A.iii, 148. Pháp năm chi. Kinh Chuyển luân vương.

([62])– Điều này đề cập đến Đạo Dự lưu khi Tứ đế được thấy trực tiếp và tất cả những nghi ngờ về Tam Bảo bị trừ

([63])– HT. TMC (d). Sn, 192. Kinh Ālavaka.

([64])– S.ii, 220. Tương ưng Kassapa.

([65])– M. ii, kinh Brahmayu

([66])_ Dhp. Câu số 277, 278.

([67])– A.iii,34. Pháp năm chi, kinh Cundī.

([68])– Dhp. Câu 190, 192.

([69])– M. iii, 65.

([70])– S.i, 26. Kinh Tụ hội.

([71])– S.iv, 268. Tương ưng Moggllāna. Kinh Vô tướng.

([72])– A.iv, 392. Pháp chín chi. Kinh Velāma.

([73])– Như trường hợp Tôn giả Sunakkhatta, người Licchavī. Xem D.iv, kinh Pātika (pātikasuttanta).

([74])– S.v, 395. Tương ưng Dự lưu. Kinh Mahānāma.

([75])– A.iii, 208. Pháp năm chi. Kinh người buôn bán.

([76])– Xem A.iii, 206. Pháp năm chi. Kinh Kẻ bị vất bỏ.

([77])– Pāṇa (hơi thở) + upeta (có được). Nghĩa đen của Pānupeta là “hơi thở có được”, ajjatagge pāṇupetaṃ là “từ nay cho đến mệnh chung” – Ns.

([78])– Là Sơ đạo, nhị đạo và tam đạo – Ns.

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app