Luận Giải Kinh Sa Môn Quả – Chương Iii. Quả Sa-môn Theo Thông Thường & Các Quả Thiết Thực Vi Diệu

Luận giải Kinh Sa Môn Quả (phần 1) – Chương III. Quả Sa-môn theo thông thường

( từ đoạn 182 đến hết đoạn 185).

Sau khi trình bày 6 lời giảng của 6 tôn chủ dị giáo đương thời, vua Ajātasattu bày tỏ sự “không thỏa mãn, không hài lòng” về các vị ấy với Đức Thế Tôn.

Rồi Đức vua bạch rằng:

Chánh kinh.

Pathamasandit.ṭhikasāmaññaphalaṃ.

(Quả thiết thực đầu tiên của hạnh Sa-môn).

  1. So’haṃ bhante Bhagavantaṃ pi pucchāmi:

Vậy nên Bạch Đức Thế Tôn, con cũng hỏi Ngài”.

Nghĩa là: “Như một người không thể lấy dầu bằng cách nghiền đá, cũng vậy, con không thấy bất kỳ yếu tố cần thiết nào từ những học thuyết của sáu vị thầy đó. Do vậy, con xin hỏi Đức Thế Tôn” (At).

Tiếp theo, vuaAjātasattu lập lại lời dẫn nhập (như đoạn 163) rồi hỏi:

“Sakkā nu kho me bhante evam eva diṭṭh’eva dhame sandiṭṭhikaṃ sāmaññaphalaṃ paññāpetun ti?”

Bạch Thế Tôn, Ngài có thể cho biết kết quả thiết thực của hạnh Sa-môn chăng?

183.“Sakkā nu kho mahārāja. Tena hi mahārāja taṃ yev’etthapaṭipucchissāmi, yathā te khameyya tathā naṃ vyākareyyāsi.

“Đại vương, có thể được. Này Đại vương, Ta sẽ hỏi Đại vương về vấn đề này, Đại vương hãy trả lời tùy theo ý muốn của Đại vương”.

“Taṃ kiṃ maññasi mahā rāja? Ðại vương hiểu như thế nào?

Idha te assa puriso dāso kammakāro pubbuṭṭhāyi pacchānipāti kiṃ kārapaṭissāvī manāpacārī piyavādī mukhullokako.

Ở đây, Ðại vương nghĩ sao? có một người nô bộc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt (của Ðại vương).

Tassa evaṃ assa: “Acchariyaṃ vatabho abbhutaṃ vata bho puññānaṃ gati puññānaṃ vipāko.

Người ấy nghĩ: “Thật hy hữu thay! Thật kỳ diệu thay quả vị thác sinh của các công đức, quả dị thục của các công đức.

Ayaṃ hi rāja Magadho Ajātasattu Vedehiputto manusso , ahaṃ pi manusso.

Ðức vua Ajātasattu, con của bà Videhi của nước Magadha, là người, tôi đây là người.

Ayaṃ hi rāja Magadho Ajātasattu Vedehiputto pañcahi kāmaguṇehi samappito samaṅgibhūto paricāreti devo maññe

Vị vua Ajātasattu con bà Videhi, của nước Magadha, sống tận hưởng đầy đủ năm món dục lạc, tôi nghĩ không khác gì vị thiên thần.

Ahaṃ pan’amhi ‘assa dāso kammakaro pubbuṭṭhāyi pacchānipāti kiṃ kārapaṭissāvī manāpacārī piyavādī mukhullokako.

Còn ta là người nô bộc, làm mọi công việc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt (của vua).

So vat’assāhaṃ puññāni kareyyaṃ.

Vậy ta hãy tạo các công đức như đức vua.

Yaṃ nūnāhaṃ kesa-massuṃ ohāretvā kāsāyāni vatthāni acchādetvā agārasmā anagāriyaṃ pabbajeyyanti”.

Ta hãy cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình xuất gia hành đạo”.

So aparena samayena kesamassuṃ ohāretvā kāsāyāni vatthāni acchadetvā agārasmā anāgāriyaṃ pabbajeyya.

Và người nô lệ ấy, một thời khác, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu tập.

So evaṃ pabbajito samāno kāyena saṃvuto vihareyya vācāya saṃvuto vihareyya manasā saṃvuto vihareyya ghāsacchādanaparamatāya santuṭṭho abhirato paviveke.

Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, sống chế ngự lời nói, sống chế ngự ý nghĩ, biết đủ với nhu cầu được cho cao nhất, tốt nhất, hoan hỉ sống an tịnh.

Taṃ ce te purisā evam āroceyyuṃ: “Yagghe deva jāneyyāsi yo te puriso dāso kammakaro pubbuṭṭhāyi pacchānipāti kiṃ kārapaṭissāvī manāpacārī piyavādī mukhullokako, so deva kesa-massuṃ ohāretvā kāsāyāni vatthāni acchādetvā agāramā anāgāriyaṃ pabbajito. So evaṃ pabbajito samāno kāyena saṃvuto vihareyya ghāsacchādanaparamatāya santuṭṭho abhirato paviveketi”.

Ðại vương có biết chăng? “Có người nô bộc của Ðại vương, làm mọi công việc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt (của Ðại vương). Tâu Ðại vương, người ấy đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, sống chế ngự lời nói, sống chế ngự ý nghĩ, biết đủ với nhu cầu được cho cao nhất, hoan hỉ sống an tịnh”.

Api nu tvaṃ evaṃ vadeyyāsi: “Etu me bho so puriso, punad eva hotu dāso kammakāro pubbuṭṭhāyi pacchānipāti kiṃ kārapaṭissāvī manāpacārī piyavādī mukhullokakoti”.

Này Ðại vương, Ðại vương có nói như sau chăng?: “Người ấy hãy lại với ta, hãy làm lại người nô bộc, làm mọi công việc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái chú ý từng nét mặt?”

  1. No h’etam, bhante. Atha kho naṃ mayaṃ eva abhivādeyyāma pi paccuttheyyāma pi āsanena pi nimanteyyāma abhinimateyyaama pi naṃ cīvara-piṇḍapāta-senāsana-gilāna-paccaya-bhesajja-patikkhārehi dhammikam pi ‘ssa rakkhā-varaṇa-guttiṃ saṃvidaheyyāmāti”.

Bạch Thế Tôn, không như vậy. Trái lại chúng con kính lễ người ấy, đứng dậy trước người ấy, mời người ấy ngồi xuống ghế, cúng dường người ấy các dụng cụ như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc men trị bệnh và chúng con sẽ ra lệnh để bảo vệ, che chở người ấy đúng theo luật pháp.

  1. Taṃ kiṃ maññāsi, mahārāja? Yadi evam, sante hoti vā sandiṭṭhikaṃ sāmaññaphalaṃ, no vāti?

Này Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Đó là sự an tịnh hay đó có phải là kết quả thiết thực hiện tại hạnh Sa-môn chăng.?

Addhā kho bhante “evaṃ sante hoti sandiṭṭhikaṃ sāmaññaphalaṃ”.

Bạch Thế Tôn, “như vậy là an tịnh, là kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn”.

Idaṃ kho mahārāja mayā paṭhamaṃ diṭṭh’eva dhamme sandiṭṭhikaṃ samaññaphalaṃ paññattanti”.

Này Ðại vương đó là kết quả thiết thực hiện tại thứ nhất của hạnh Sa-môn mà Ta đã trình bày.

Giải.

Vì sao Đức Thế Tôn không giải thích ngay về quả thiết thực của hạnh Sa-môn, Ngài lại hỏi vua Ajātasattu (A-xà-thế) và dạy “hãy trả lời theo ý muốn của Đại vương“?

Đáp rằng: Trước tiên, đây là câu hỏi theo cách thứ tư, tức là “hỏi để người đáp xác nhận ý kiến của mình”.

Thứ đến, nếu Đức Thế Tôn chỉ giảng “quả thiết thực của hạnh Sa-môn” theo cách thông thường, bấy giờ các vị Đại thần là môn đệ của sáu vị tôn chủ dị giáo sẽ cắt ngang để phản đối, nhưng nếu vua Ajaatasattu (xác nhận ý kiến của Đức Thế Tôn) thì họ phải im lặng.

Lại nữa, vua Ajātasattu là người có địa vị cao nhất trong hội chúng tùy tùng đang có mặt, Đức vua lại có tâm tìm hiểu “quả thiết thực của hạnh Sa-môn”, nên vua Ajātasattu không thể trả lời “sai thực tế”.

Hạnh Sa-môn có hai phần: Hình thức và nội dung.

Hình thức Sa-môn hạnh là phẩm mạo xuất gia, còn nội dung Sa-môn hạnh là tu tập những pháp của bậc chân nhân (sappurisa) và thành tựu được pháp thượng nhân.

Trước tiên, Đức Phật nêu lên quả thiết thực của hình thức Sa-môn hạnh, là quả của phẩm mạo xuất gia.

* “Người nô bộc (dāso)”. Có bốn loại nô bộc (hay nô lệ) rõ ràng, một số không rõ ràng lắm.

Dāsoti antojāta dhanakkītaka marānītasāmaṃ dāsabyopagatānaṃ aññataro (At):

Nô bộc là “người sanh trong nhà, người đã trao đổi bằng tài sản, người sự chết tạm ngưng (tù binh), người tự nguyện là nô bộc, cùng những loại nô bộc không rõ ràng (khác)” .

Bốn loại nô bộc rõ ràng là :

Nô bộc sinh ra trong nhà.

Là con của người nô bộc, đứa trẻ sinh ra từ cha mẹ là nô bộc của một nhà quyền quý, giàu sang nào đó, đứa bé ấy trở thành nô bộc cho gia đình người chủ.

Nô bộc được mua bằng tiền.

Nô bộc do bị bắt làm tù binh.

Nô bộc do tự nguyện.

Loại rõ ràng. Là hạng nô bộc làm việc cho chủ, không được đòi hỏi thù lao.

Loại không rõ ràng. Là làm việc cho chủ có thù lao, như người làm thuê…

* “Làm mọi công việc” (kammakāro).

Kammakāroti analaso kammakaraṇasīloyeva (At):

“Làm mọi công việc” là làm những công việc bình thường (analaso), những việc không có tội lỗi.

Ở đây, Đức Phật chỉ đề cập đến những việc làm vô tội của người nô bộc, không đề cập đến những việc có tính tội lỗi mà người chủ bắt buộc người nô bộc phải làm”.

* “Dậy trước”(pubbuṭṭhāyi).

Dūrato disvā paṭhamameva uṭṭhahatīti pubbuṭṭhhāyiti (At):

“Thấy từ xa (đứnglên) trước, thức dậy trước (chủ), là “dậy trước“.

Câu Pāli này có hai ý nghĩa:

– Khi thấy chủ từ xa đi đến thì đứng lên chờ sai bảo.

– Khi chủ chưa thức giấc, thì thức giấc rồi.

* “Thức khuya (pacchānipāti)”. Cũng mang hai ý tương tự như trên. Tức là:

– Khi chủ đứng dậy thì dọn dẹp chỗ ngồi, dùng nước lau sạch chỗ ngồi …

– Khi chủ đi ngủ, dọn dẹp xong mọi công việc rồi mới đi ngủ.

* “Thi hành mọi mệnh lệnh của chủ” (kiṃ kārapaṭissāvī).

Evaṃ kiṃkārameva paṭisunanto vicaratīti kiṃ kārapaṭissāvī (At):

Thi hành mọi mệnh lệnh của chủ” là “quanh quẩn bên chủ và làm hài lòng chủ”.

Câu Pāli này có hai ý:

– Quanh quẩn (vicarati) gần bên chủ để chờ sai bảo.

– Khi chủ bảo làm việc gì, người ấy thực hiện đúng theo ý chủ, làm chủ hài lòng (sunanto).

* “Làm đẹp lòng mọi người” ( manāpacārī).

Manāpameva kiriyaṃ karotīti manāpacārī (At):

Thực hiện những điều làm vui thích người khác, gọi là “làm đẹp lòng mọi người.

Có thể hiểu “làm đẹp lòng mọi người” là giúp đở người khác trong công việc của họ …

* “Lời nói kính ái” (piyavādī).

Piyameva vadatīti piyavādī (At):

Nói dịu ngọt, gọi là lời nói kính ái”.

Tức là không nói với giọng khó chịu, hằn học.

* “Chú ý từng nét mặt (của chủ)” (mukhullokako).

Sāmino tuṭṭhapahaṭṭhaṃ mukhaṃ ullokayamāno vacaratīti mukhullokako (At).

Câu Pāli này có hai ý:

– Quanh quẩn bên chủ để kịp thời làm hải lòng chủ.

– Nhìn vào chủ để nhận biết ý trên gương mặt, làm chủ vui thích hài lòng.

Tức là “làm điều mà chủ đang cần, nhưng không cần chủ phải sai bảo, chỉ biết ý trên gương mặt là thực hiện ngay”.

* “Như thiên thần”(devo maññe).

“Devo maññeti devo viya (At):

“Như thiên thần” là ví như vị chư thiên.

Chư thiên có 3 hạng:

– Giả định chư thiên (sammuti deva): Như vua, quan, Hoàng hậu, công chúa …

– Chư thiên do phước sinh (upapatti deva): Là các vị chư thiên trên các cõi trời.

– Chư thiên thanh tịnh (visuddhi deva): Là các vị Thánh, cao tột là Thánh A-la-hán([1]).

“Như thiên thần ở đây, là chỉ cho “chư thiên giả định”.

* Ta hãy tạo các công đức như Đức vua” (so vat’assāhaṃ puññāni kareyyaṃ).

So vatassāhaṃ puññāni kareyyanti so vata ahaṃ evarūpo assaṃ, yadi puññāni kareyyanti attho (At):

Ta hãy tạo các công đức như Đức vua”, nghĩa là “nếu tạo phước báu, ta chắc chắn được như vị ấy”.

* “Ta hãy cạo bỏ râu tóc” (yaṃ nūnāhaṃ kesa-massuṃ).

Đức Thế Tôn nêu ra ước vọng được xuất gia của người nô bộc với suy nghĩ như sau: “Nếu ta có bố thí cả đời cũng không bằng 1/100 những gì Đức Vua bố thí chỉ trong một ngày. Vậy ta nên xuất gia”.

* “Xuất gia (pabbajito).

Có 7 hạng xuất gia:

1- Vì sống ở tại gia không được, do Đức vua bắt đi lao dịch …

Vì khi xây dựng một công trình nào của Hoàng cung, Đức vua thường huy động người dân tạp dịch, ngoài ra còn một số công việc chung khác, Đức vua cũng huy động người dan tạp dịch.

2- Đi xuất gia để được thân thiện với Đức vua.

3- Để có được quyền chức lớn.

4- Để nuôi mạng sống dễ dàng.

5- Xuất gia vì sợ kẻ nghịch làm hại.

6- Xuất gia vì sợ Đức vua bắt tội.

7- Xuất gia mong thoát ra khổ sinh tử luân hồi([2]).

Xuất gia ở đây là “chánh xuất gia” (sammapabbajita). Tức là hạng thứ 7.

Hỏi: Vì sao người nô bộc “muốn tạo công đức” để thành tựu được như vua Ajātasattu (A-xà-thế), lại xuất gia?

Đáp. Người nô bộc suy nghĩ rằng “ta không thể bố thí bằng Đức vua, vậy ta phải thực hành pháp, tức là hành phạm hạnh”.

Hành phạm hạnh là “không quan hệ tình dục với nữ nhân”, muốn thế phải “lìa bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình”.

Trong các hạnh, thực hành phạm hạnh và hành chánh pháp, là 2 hạnh cao nhất.

“Pháp hạnh và Phạm hạnh; được gọi tối thượng hạnh (vasuttamaṃ)([3]).

Lại nữa, thành tựu được địa vị “vua” trong hiện tại, phải là vị xuất gia trong quá khứ.

Vì đức vua là người có nhiều quyền lực, có quyền lực nhiều là do có đức lớn (mahāguṇa).

Đời sống tại gia không thể thành tựu được ân đức lớn, chỉ có đời sống xuất gia mới thực hiện được.

Trong bộ Milindapañhā (Milinda vấn), Ngài Nāgasena có giải thích “ân đức lớn có được là do “ở trong lãnh vực pháp” (bhūmidhamma), có 20 điều là:

1- Ở trong địa vị cao quý (seṭṭha bhūmisayo). Vì có giới là ân đức (sīlaguṇa) cao thượng.

2- Thực hành pháp (cāro), có ân đức giới là nền tảng.

3- An trú tâm trong 4 phạm trú (brahmavihāro). Là tu tập từ tâm giải thoát, bi tâm giải thoát, hỷ tâm giải thoát và xả tâm giải thoát.

4- Thu thúc trong giới bổn (saññamo).

5- Phòng hộ các môn quyền (saṃvaro).

6- Nhẫn nại (khanti).

7- Có sự nhu thuận (soracca).

8- Vui thích với “con đường tối thắng duy nhất” (ekantābhirati). Đó là bát chánh đạo.

9- Thực hành pháp (có mục đích) duy nhất (ekantācariyā).

Là thực hành pháp với mục đích thoát ra “khổ luân hồi”.

10- Có sự an tịnh thân tâm (patisallī).

11- Là người “hổ thẹn tội lỗi” (hirikā).

12- Là người “ghê sợ tội lỗi” (ottappikā).

13- Có sự tinh tấn (viriyaṃ). Là nổ lực diệt trừ những phiền não, những ô nhiễm.

14- Là người không có “sơ suất” (appamādo). Là luôn có sự ghi nhớ biết mình.

15- Học tập Pháp luật (sikkhāpadānaṃ) do Đức Phật hay các vị Thánh thuyết giảng.

16- Sống an lạc trong giới (sīladi abhirati).

17- Không có sự luyến tiếc (nirālayatā).

18- Thỏa thích thực hành trọn vẹn điều học (sikkhāpada paripūrati).

19- Đạt điều cao tột (aggo). Là thành tựu những pháp thượng nhân như Thiền, Đạo, quả, Níp-bàn.

20- Có sự vững chắc (niyāmo).

Ngoài 20 điều trên, bậc xuất gia có 5 điều gọi là “vô lượng đức” (atuliyaguṇa).

1- Có lãnh vực sát hại (hanta bhūmi bhāva).

Là bậc xuất gia chỉ sát trừ phiền não, ngoài ra không sát hại bất kỳ chúng sinh nào.

2- Có sự trong sạch trọn vẹn (parisuddha bhāva).

3- Có sự thu thúc (saṃvara bhāva).

4- Có sự “xa lánh kẻ ác” (pāpavigata bhāva).

Tức là “xa lánh các ác – bất thiện pháp”.

5- Chứng đắc pháp phân tích (dhammavisesa bhāva).

Tức là chứng đạt “tuệ phân tích”.

Do bậc xuất gia có những phẩm chất tốt đẹp như trên, nên người nô bộc suy nghĩ “Ta hãy tạo công đức như Đức vua”, bằng cách “cạo bỏ râu, tóc”.

Lại nữa, khi xuất gia rồi, người từng “sát sinh” có thể từ bỏ sát sinh, người từng “lấy của không cho” có thể từ bỏ “lấy của không cho”, người từng “tà hạnh trong dục lạc” … người từng “nói dối”… người từng uống rượu men, rượu nấu có thể từ bỏ uống rượu.

Tóm lại, sự xuất gia khiến người xấu trở thành tốt, người lương thiện lại càng tốt đẹp hơn.

Đồng thời, xuất gia là con đường rèn luyện, giúp người ấy chống lại hay diệt trừ các phiền não các ô nhiễm.

Ví như quân trường là nơi rèn luyện người lính biết cách tiêu diệt giặc, người chưa từng là lính, tuy có tốt giỏi hơn người lính trên phương diện nào đó, nhưng không thể giỏi hơn người lính trên phương diện “diệt giặc thù”.

Cũng vậy, người chưa từng xuất gia trong giáo pháp này, tuy có “hạnh kiểm tốt” nhưng không thể “sát trừ kẻ thù là phiền não” như người xuất gia trong giáo pháp này.

* “Chế ngự thân” (kāyena saṃvuto).

Kāyena saṃvutoti kāyena pihitop hutvā akusalassa pavesanadvāraṃ thaketvāti attho (At):

Nghĩa là thân môn đã đóng lại với bất thiện pháp đang có, không cho chúng xâm nhập qua cửa ấy, gọi làchế ngự thân“.

Cửa – dvāra”. Chỉ cho mắt, tai, mũi, lưỡi và thân.

* “Chế ngự lời” (vācāya saṃvuto).

Là từ bỏ nói dối, nói hai lời, nói hung dữ và nói nhãm nhí.

Ngoài ra, chế ngự lời là thực hành lời nói của bậc cao quý.

“Này các Tỳ-khưu, có tám lời của bậc cao quý này. Thế nào là tám?

Không thấy nói không thấy, không nghe nói không nghe, không nghĩ nói không nghĩ, không biết nói không biết.

Thấy nói thấy, nghe nói nghe, nghĩ nói nghĩ, biết nói biết” ([4]).

Ngoài ra, “Chế ngự lời” là nói những lời chân thật có liên hệ đến lợi ích.

Đức Phật có dạy Vương tử Abhaya (Vô Úy):

– Lời chân thật có liên hệ đến mục đích, người nghe không hoan hỷ, Như Lai tùy thời nói.

– Lời chân thật có liên hệ đến mục đích, người nghe hoan hỷ, Như Lai nói.

Ngoài ra: “Lời chân thật, không có mục đích”, Như Lai không nói ([5]).

* “Lời chân thật, liên hệ đến mục đích, là lời như thế nào?”

Đó là “nói về giới, nói về định, nói vê tuệ, nói về giải thoát và nói về giải thoát tri kiến”([6]).

* “Chế ngự ý” (manasā saṃvuto).

Là gìn giữ tâm không cho rơi vào tham dục, sân hận và tà kiến, như Phật ngôn:

“Ở đây, này các Tỳ-khưu, người có tâm không tham, người có tâm không sân, có chánh kiến. Này các Tỳ- khưu, đây gọi là ý thanh tịnh.”([7])

Lại nữa, chế ngự ý là vị Tỳ-khưu luôn quán sát tâm, biết rõ nội tâm của mình, như Phật ngôn:

Ở đây, này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu, nếu nội tâm có tham dục (kāmacchanda), vị ấy rõ biết: “Nội tâm ta có tham dục”.

Nếu nội tâm không có tham dục, vị ấy rõ biết: “Nội tâm ta không có tham dục”.

Tham dục chưa sinh khởi, sinh khởi như thế nào, vị ấy rõ biết.

Tham dục đã sinh khởi, được đoạn trừ như thế nào, vị ấy rõ biết.

Và tham dục đã đoạn trừ, tương lai không sinh khởi như thế nào, vị ấy rõ biết như vậy([8]).

Tương tự như vậy với các trói buộc (nīvaraṇa) còn lại là: sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối và nghi.

* “Biết đủ với nhu cầu được cho cao nhất” (ghāsacchādanaparamatāya santuṭṭho).

Ghāsacchādanaparamatāyāti ghāsacchādanena paramatāya uttamatāya (At):

Nhu cầu được cho cao nhất” là “nhu cầu” có được cao nhất, tốt nhất.

Nhu cầu ở đây chỉ cho “ăn, mặc”, tức là vật thực và y phục.

“Được cho cao nhấ”t. Là người khác cho với số lượng như thế nào thì nhận như thế, và “xem đó là cao nhất”.

Cho dù người có nhiều, nhưng cho ít cũng không đòi hỏi hơn.

“Được cho tốt nhất”. Là người cho vật thực hay y phục loại nào thì nhận loại ấy.

Cho dù người cho có “vật thực thượng vị”, nhưng cho loại “vật thực thô xấu” cũng nhận mà không đòi hỏi hơn.

Hoặc người cho có y phục tốt, nhưng cho y phục thô xấu, cũng không đòi hỏi.

“Cao nhất, tốt nhất” ở đây chỉ cho “người cho”, không chỉ cho “người nhận”.

Nghĩa là “người cho với số lượng nào”, người nhận sẽ nghĩ rằng “đây là khả năng cho cao nhất của người cho”. “Vật cho có phẩm chất như thế nào”, người nhận nghĩ rằng “đây là loiạ tốt nhất mà người cho có khả năng cho được”.

Hậu sớ giải có giải thích: Vị ấy không mong cầu bất cứ nhu cầu vật chất nào khác ngoài hai điều này.

Lại nữa, vị ấy bằng lòng với chỗ trú ngụ trong điều kiện có được.

Ngoài ra, “tốt nhất” là có được bốn món vật dụng đúng theo pháp, nghĩa là các Ngài từ bỏ những điều nuôi mạng sái quấy (tà mạng – micchā jiva).

* “Biết đủ” (santuṭṭho). Là bằng lòng với “những gì có được”.

Etadatthampi anesanaṃ pahāya aggasallekhena santuṭṭhoti attho (At):

“Từ bỏ khổ hạnh khốc liệt, từ bỏ mọi điều nuôi mạng sái quấy cao nhất”, đó là ý nghĩa “biết đủ”.

Biết đủ” là từ bỏ 2 cực đoan: Lợi dưỡng và khổ hạnh.

“Biết đủ” là thực hành “con đường trung đạo”, cân bằng các pháp quyền như”tín quyền, tấn quyền …”

* “Hoan hỷ sống an tịnh” (vihareyya abhirato paviveke).

Bản Sớ giải giải thích: Vị ấy hài lòng (abhirato) với 3 sự an tịnh (paviveka) là: Thân an tịnh (kāyaviveka), tâm an tịnh (cittaviveka), tái sinh an tịnh (upadhiviveka)([9]).

Thân an tịnh. Là độc cư, lánh xa chỗ náo nhiệt, chỗ đông người.

Thân an tịnh là trú nơi thanh vắng như “núi, rừng, cội cây, nơi trống nhà, đống rơm…”

“Ai ngồi, nằm một mình. Độc hành không buồn chán.

Tự điều phục một mình. Sống thoải mái từng sâu”([10]) (HT. TMC dịch).

Tâm an tịnh. Là hoan hỷ với đời sống xuất gia (nekkhammābhiratā) và với những ai đạt được thiền chứng hiệp thế, cao nhất là tầng thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Tái sinh an tịnh. Là thoát khỏi sinh hữu và loại trừ các hành (ám chỉ vị Thánh A-la-hán nhập diệt thọ tưởng định).

Tái sinh an tịnh. Là chứng đạt Thánh quả hay Níp-bàn.

Nói cách khác: Thân yên tịnh là sống độc cư, từ bỏ chỗ náo nhiệt.

Tâm yên tịnh là vị chứng đạt thiền hiệp thế.

Tái sinh yên tịnh là vị chứng được Thánh Đạo và Thánh quả.

Hay đang an trú trong định Siêu thế (nhập thiền quả Siêu thế), hoặc vị Thánh A-la-hán hoặc A-na-hàm an trú vào định Diệt thọ tưởng (At).

Dứt quả thiết thực thứ nhất của hạnh Sa-môn.

Chánh kinh.

Dutiya sandiṭṭhikasāmaññaphalaṃ

(Quả thiết thực thứ hai của hạnh sa-môn).

  1. “Sakkā pana bhante aññaṃ pi evaṃ eva diṭṭh’eva dhamme sandiṭṭhikaṃ sāmañña-phalaṃ paññāpetun ti?

Bạch Thế Tôn, có thể cho biết một kết quả thiết thực hiện tại khác hơn nữa của hạnh Sa-môn?

Sakkā mahārāja. Tena hi mahārāja taṃ yev’ettha paṭipucchissāmi, yathā te khameyya tathā naṃ vyākareyyāsi.

Này Ðại vương, có thể được. Này Ðại vương; Ta sẽ hỏi Ðại vương về vấn đề này. Ðại vương hãy trả lời tùy theo ý muốn của Ðại vương.

Taṃ kiṃ maññasi mahārāja? Idha te assa puriso kassako gahapatiko kara-kārako rāsi-vaḍḍhako.

Ðại vương nghĩ sao? Nếu Ðại vương có một người nông phu, gia chủ, nạp thuế má, làm giàu công khố.

Tassa evaṃ assa: “Acchariyaṃ vata bho abbhutaṃ vata bho.

Người ấy nghĩ: “Thật hy hữu thay! Thật kỳ diệu thay quả vị thác sanh của các công đức, quả vị thục của các công đức.

Ayaṃ hi rājā Māgadho Ajātasattu Vedehi-putto manusso, ahaṃ pi manusso. Ayaṃ hi rājā Māgadho Ajātasattu Vedehi-putto pañcahi kāmaguṇehi samappito samaṅgi-bhūto paricāreti devo maññe,

Vị vua Ajātasattu, con của bà Videhi, nước Magadha, là người, tôi cũng là người. Vị vua Ajātasattu, con bà Videhi nước Magadha, sống tận hưởng đầy đủ năm món dục lạc, tôi nghĩ không khác gì vị thiên thần.

Ahaṃ pan’amhi’ssa kassako gahapatiko kāra-kārako rāsi-vaḍḍhako. So v’assāhaṃ puññāni kareyyaṃ.

Còn tôi là người nông phu, gia chủ, nạp thuế má, làm giàu công khố. Vậy ta hãy làm các công đức như Đức vua.

Yan nunāhaṃ kesamassuṃ ohāretvā kāsāyāni vatthāni acchādetvā agarasmā anagāriyaṃ pabbajeyyan ti”.

Ta hãy cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu tập”…. .(phần còn lại tương tự như đoạn kinh số 184 – 185, chỉ thay đổi từ nô bộc bằng từ “người nông phu, gia chủ”).

Giải:

Hỏi. Vì sao vua Ajaatasattu bạch hỏi Đức Thế Tôn về quả thiết thực khác của hạnh Sa-môn?

Đáp.Vì Đức vua muốn tìm hiểu nhiều quả thiết thực của hạnh Sa-môn hay tìm hiểu quả Sa-môn qua nhiều hình ảnh, nhiều khía cạnh.”

* “Người làm ruộng” (kassaka).

Kasatīti kassako: (Làm việc) cày, bừa là “người làm ruộng”(At).

* “Người gia chủ”(gehapatika).

Gehassa pati, ekagehamatte jeṭṭhakoti, gehapatiko (At):

Chủ nhân ngôi nhà, người có quyền cao nhất trong một gia tộc, gia chủ”.

* “Người đóng thuế”(karakāraka).

Balisaṅkhātaṃ karaṃ karotīti karakārako (At):

Thực hành thuế theo thỏa thuận, gọi là “người đóng thuế”.

* “Làm giàu công khố (rāsivaddhaka).

Dhaññarāsiṃ dhanarāsiñca vaḍḍhetīti rāsivaḍḍhako (At):

Tài sản thành khối được tăng thêm, gọi là “người làm giàu công khố.

Hỏi.Vì sao Đức Thế Tôn đề cập đến người nông phu, người gia chủ sau khi đề cập đến người nô bộc trước đó?

Đáp. Đối với người nô bộc, là người không có tài sản, họ không giúp cho công khố tăng trưởng hay đóng thuế cho Đức vua.

Đức vua có thể không lưu tâm khi người nô bộc xuất gia.

Trái lại người làm tăng lợi tức cho hoàng gia như người nông dân phải đóng thuế lúa, người gia chủ phải đóng nhiều loại thuế khác khác, nếu họ xuất gia có thể Đức vua sẽ không hài lòng.

Do đó, khi đề cập đến người nô bộc, Đức Thế Tôn không đề cập đến tài sản.

Trái lại, khi đề cập đến người nông dân, người gia chủ Đức Thế Tôn nêu lên “tài sản” bằng cách “đóng thuế, làm giàu công khố” (At).

Lại nữa, người không có tài sản dễ dàng xuất gia, trái lại người có tài sản dù chút ít cũng không muốn xa lìa để sống đời sống không gia đình.

Tài sản của người làm ruộng thì nhỏ, còn tài sản của người gia chủ thì nhiều.

Hỏi. Sự thụ hưởng dục lạc sẽ có đối với người có tài sản. Nhưng vì sao, người ấy lại từ bỏ những dục lạc đang hưởng thụ ra đi xuất gia, bằng lòng với những gì được cho, sống biết vừa đủ (saṇtuttha) với những nhu cầu tối thiểu ?.

Đáp.Vì đây là bậc trí, thấy rõ quả đáng hài lòng của phước báu qua hình ảnh vua Ajātasattu.

Bậc có trí hằng suy xét về nghiệp và quả của nghiệp; cho dù có bố thí cúng dường suốt cả đời cũng không bằng 1 phần trăm của vua Ajātasattu làm trong một ngày.

Chỉ có chánh xuất gia mới có được tài sản như vua Ajātasattu, hoặc hơn những loại tài sản mà vua Ajātasattu đang có, nên người này “bỏ lợi nhỏ hưởng lợi lớn”. Như Phật ngôn:

Nhờ từ bỏ lạc nhỏ. Thấy được lạc lớn hơn.

Bậc trí bỏ lạc nhỏ. Thấy được lạc lớn hơn.([11])

Dứt phần 1.

Phần 2.

Paṇītatarasāmaññaphalaṃ.

(Các quả thiết thực VIDIỆU của hạnh Sa-môn).

(từ đoạn 189 đến hết đoạn 193).

Chánh kinh.

  1. “Sakkā pana bhante aññaṃ pi evaṃ eva diṭṭh’eva dhamme sandiṭṭhikaṃ sāmañña-phalaṃ paññāpetuṃ imehi sandiṭṭhikehi sāmaññā-phalehi abhikantatarañ ca paṇītatarañcāti?

Bạch Thế Tôn, có thể cho biết một kết quả thiết thực hiện tại khác hơn nữa của hạnh Sa-môn, vi diệu hơn, thù thắng hơn những kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn vừa kể trên?

Sakkā mahārāja. Tena hi mahārāja suṇohi sādhukaṃ manasikarohi bhāsissāmīti.

Này Ðại vương có thể được. Này Ðại vương, hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

Evaṃ bhante’ti kho rājā Māgadho Ajātasattu Vedehiputto Bhagavato paccassosi.

Thưa vâng, Bạch Thế Tôn. Vua Ajātasattu con bà Videhi vua xứ Magadha trả lời Thế Tôn.

Giải.

Sau khi nghe Đức Thế Tôn chỉ ra hai kết quả thiết thực của hạnh Sa-môn, Đức vua Ajātasattu biết rằng: “Đức Thế Tôn có thể thuyết suốt ngày đêm về quả báo của hạnh Sa-môn với một ý nghĩa qua nhiều hình thức theo thông thường”, nên Đức vua không bạch hỏi “quả thiết thực Sa-môn theo thông thường nữa”.

Đức vua muốn hiểu biết quả Sa-môn thiết thực theo cách thâm sâu hơn, nên bạch hỏi Đức Thế Tôn về quả Sa-môn vi diệu hơn, thù thắng hơn những kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn vừa kể trên.

* “Có thể hơn nữa, bạch Thế Tôn (sakkā pana, bhante)”.

Là Đức vua muốn hiểu thêm nhiều quả Sa-môn hơn nữa và hỏi Đức Thế Tôn: “Ngài có thể giảng thêm những quả Sa-môn thù diệu hơn nữa không?”.

Lại nữa, chữ “có thể” (sakkā) được vua A-xà-thế dùng với 3 ý nghĩa:

– Bày tỏ sự cầu khẩn của Đức vua. Đức vua mong được nghe quả Sa-môn từ Đức Thế Tôn giảng thuyết.

– Đức vua có thể hỏi ‘tóm tắt” hay hỏi “rộng rải” về quả Sa-môn thù thắng.

– Để Đức Thế Tôn xác nhận “sự hiểu biết tận tường về tất cả quả Sa-môn thù thắng” và Ngài sẽ giải đáp mọi câu hỏi tóm tắt hay rộng rải của Đức vua về “sự vi diệu, thù thắng của Sa-môn quả”.

* “Vi diệu hơn” (abhikkantataran)([12]).

Tattha abhikantataranti abhimanāpataraṃ atiseṭṭhataranti attho (At):

Nghĩa là điều xuyên qua sự cao quý nhất (atiseṭṭha), đáng hài lòng nhất (abhimanā), đáng vui thích nhất (taranti).

* “Thù thắng hơn” (paṇītatarañcāti).

Paṇītataranti uttamataraṃ: xuyên qua điều cao nhất (At).

* “Này Đại vương, có thể được” (sakkā mahārāja).

Đức Thế Tôn xác nhận “Ngài có thể giảng những quả Sa-môn thù thắng hơn thế nữa”.

Nhưng vì sao Đức Thế Tôn dùng từ “có thể” (sakkā)?

Đáp. Đức Thế Tôn đáp “này Đại vương, có thể được” với 2 ý nghĩa:

– Đức Thế Tôn xác nhận “Ngài hiểu thấu đáo tất cả quả Sa-môn thù thắng”.

– Đức vua hỏi tóm tắt về quả Sa-môn, Ngài sẽ giảng tóm tắt, Đức vua hỏi rộng rải và chi tiết về quả Sa-môn, Đức Thế Tôn sẽ giảng rộng rải và chi tiết.

* “Hãy lắng nghe” (sunohi).

Sunohīti abhikkantarañca panītatarañca samaññaphala sunāti (At):

Hãy lắng nghelà nghe về quả Sa-môn thù thắng và vi diệu”.

“Tốt đẹp” (sādhukaṃ).

Bản Sớ giải có giải thích: Sādhukaṃ (tốt thay) mang nhiều ẩn nghĩa:

Sự tốt đẹp từ âm thanh (do nghe) (sādhu saddo).

Sự tốt đẹp từ sự van nài (āyācana), như:

Sadhu me, bhante, bhagavā saṅkhittena dhammaṃ desetu…

“Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Ngài thuyết pháp vắn tắt cho con …([13]).

Sự tốt đẹp do thọ lãnh (sampaṭicchana), như:

Sadhu, bhanteti, kho so bhikkhu bhagavato bhāsitaṃ abhinanditvā anumoditvā.

“Lành thay, bạch Đức Thế Tôn, vị Tỳ-khưu ấy sau khi hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Đức Thế Tôn”([14]).

Sự tốt đẹp có tính khen ngợi (sampahaṃsana), như:

“Sādhu sādhu, Sāriputta …

“Lành thay, lành thay, này Xá-lợi-phất.”([15]).

Sự tốt đẹp vì tính chất tốt đẹp (sundare), như,

“Sadhu dassanaṃ ariyānaṃ … lành thay, thấy Thánh nhân.”([16])

Sự tốt đẹp mang tính thức tỉnh (nhắc nhở), như

“Tena hi,brāhmaṇa, suṇohi sādhukaṃ manasikarohi”.

“Vậy này Bà-la-môn, lành thay (sādhukaṃ) hãy nghe và khéo tác ý , Ta sẽ giảng.([17])

Sự tốt đẹp do mang tính tu tập (bhāveti), như:

Cakkhunā saṃvaro sādhu. Sādhu sotena saṃvaro…

Lành thay phòng hộ mắt. Lành thay phìng hộ tai…”([18]).

Lời dạy “lành thay” (sādhukaṃ) ở đây lmang ý nghĩa “nhắc nhở”.

Lại nữa “sự tốt đẹp”(sādhukaṃ) ở đây được dùng chung cho cả hai từ “hãy lắng nghe (sunoti)” và “suy nghiệm kỹ (manasikarohi)”.

Tức là Đức Thế Tôn nhắc nhở Đức vua Ajātasattu “hãy lắng nghe cho tốt đẹp”, “hãy suy nghiệm cho tốt đẹp”.

* “Hãy suy nghiệm kỹ” (sādhukaṃ manasikarohi).

“Suy nghiệm” (manasikarohi).

Manasikarohīti āvajja, samannāharāti attho (At):

Tìm điều rực sáng, điều đáng hài lòng, là “suy nghiệm”(At).

“Hãy suy nghiệm kỹ”.

Sādhukaṃ manasikarohīti ettha pana sādhukaṃ sādhūti ekatthametaṃ:

Ở đây chỉ cho sự chú ý hoàn toàn; lại nữa, đó là sự kết hợp đầy đủ những điều lợi ích(At).

* “Hãy lắng nghe, hãy suy nghiệm kỹ”.

Avikkhitta citto hutvā nisāmeti, cittekarohīti adhippāyo (At):

“Lắng nghe với tâm an tịnh, hay chú ý đến”.

Api cettha suṇohīti sotindriyavikkhepanivāraṇa etaṃ (At):

Đó là nghe với tai không bị chướng ngại”.

Bản Sớ giải giải thích:

Hãy lắng nghe, hãy suy nghiệm kỹ”. Đó là lời “cảnh tỉnh”, là “lời thành lập sự vững chắc” (daḷhikamma), là “lịnh truyền” (āṇattikamma), là “lời làm cho tốt đẹp” (sundarakamma)”.

Nghĩa là: “Này Đại vương, hãy nghe pháp này cho rõ ràng (cảnh tỉnh), tức là ghi nhận pháp này cho kỹ (chắc chắn).

– Hãy thực hành pháp này như lời Như lai dạy (lịnh truyền).

Hãy hiểu biết pháp này cho thấu đáo (tốt đẹp)”.

Lại nữa: Cụm từ hãy lắng nghe”, Đức Thế Tôn “cảnh tỉnh” tâm đang miên man, mù mờ về quả thiết thực hạnh Sa-môn trong tâm của vua Ajātasattu.

Cụm từ “hãy suy nghiệm kỹ là lời “cảnh tỉnh” đến vua Ajātasattu rằng: Này Đại vương, lời dạy của các Đấng Như Lai rất thâm sâu, thù thắng và tốt đẹp về nghĩa (attho) lẫn sự thành đạt (paṭivedha).

Vậy Đại vương “hãy suy nghiệm (cho) kỹ”.

Đây là ý nghĩa “lời cảnh tỉnh”.

– Là “lời ra lịnh”.

Cụm từ “hãy lắng nghe” là “lời ra lịnh” để tránh không bị xao lãng khi nghe Như lai giảng.

Cụm từ “hãy suy nghiệm kỹ”“lời ra lịnh” để tránh tâm bị loạn động khi nghe Đức Như Lai giảng.

Đây là ý nghĩa “lời ra lịnh” phải thực hành.

– Là “lời chắc chắn”.

Từ “hãy lắng nghe” là tránh bỏ sót từ ngữ, tránh hiểu sai từ ngữ và câu văn (sabyañjamo).

Từ “hãy suy nghiệm kỹ” là tránh hiểu sai ý nghĩa (attho) lời giảng của Đấng Như Lai.

Đây là ý nghĩa “lời chắc chắn”.

– Là “lời nắm giữ pháp trong tâm”.

Câu “nắm giữ pháp trong tâm” nghĩa là loại trừ được sự loạn động tâm (uddhacca – phóng dật) và hướng tâm đến mục tiêu muốn đến.

Từ “hãy lắng nghe”, Đức Phật làm cho người nghe chú tâm nghe pháp.

Từ “hãy suy nghiệm kỹ”, Đức Phật làm cho người nghe “nắm giữ pháp trong tâm, đồng thời có sự suy xét pháp.

Tức là, “hãy lắng nghe”, là Đức Phật hướng dẫn tai chú ý nghe pháp.

Từ “hãy suy nghiệm kỹ”, Đức Phật hướng dẫn tâm “nắm giữ pháp”.

– Là “lời làm cho thấu đáo (sādhukaṃ)”.

Từ “hãy lắng nghe”, Đức Thế Tôn chỉ ra “pháp này có lời, có câu văn súc tích”.

Từ “hãy suy nghiệm kỹ”, Đức Phật chỉ ra “pháp này có ý nghĩa thâm sâu, vi diệu, thù thắng”.

Đây ý nghĩa làm cho thấu đáo” cả văn lẫn nghĩa.

Một cách nữa, từ sādhukaṃ được dùng cho cả hai câu “hãy lắng nghe”, “hãy suy nghiệm kỹ”, như vầy:

-Pháp này thậm thâm vi diệu trong Giáo pháp của các Đấng Như lai, được Đấng Như Lai thuyết giảng, do vậy “hãy lắng nghe” cho thấu đáo (sādhukaṃ).

-Pháp này thậm thâm vi diệu về ý nghĩa lẫn sự thành đạt, do vậy “hãy suy nghiệm kỹ” cho thấu đáo.

* “Ta sẽ giảng” (bhāsissāmīti).

Bhāsissāmīti sakkā mahārājāti evaṃ paṭiññātaṃ sāmaññaphaladesanam, vitthārato bhāsissāmi (At):

Như vậy, này Đại vương, có thể được, Ta giảng tóm tắt (desana) về quả Sa-môn, hay giảng rộng rãi và chi tiết.

Cả hai từ bhāsissāmi (lược thuyết)desissāmi (rộng thuyết) đều chỉ cho sự thuyết giảng.

Nhưng desissāmi chỉ cho sự thuyết giảng tóm tắt; còn bhāsissāmi là thuyết giảng rộng rãi, chi tiết. Như:

Desissāmīti hi saṅkkhitādīpanaṃ: Lược thuyết là giải thích tóm tắt.

Bhāsissāmītl vitthāradīpanaṃ: Rộng thuyết là giải thích chi tiết (At).

Đức Vaṅgīsa có nói lên kệ ngôn tán thán Đức Sāriputta (Xá-lợi-phất) rằng:

Ngài giảng cách tóm tắt; Ngài cũng thuyết rộng rãi ([19]).

Như âm thanh vi diệu; của loài chim Sàli([20]).

Còn hai từ desanā và bhāsanā cũng có ý nghĩa tương tự; tức là desanā là thuyết tóm gọn; còn bhasanā là thuyết rộng.

“Ta sẽ giảng”. Là lời Đức Thế Tôn báo trước đến vua Ajātasattu.

“ Thưa vâng, bạch Thế Tôn” (evaṃ bhante’ti).

“Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Là vua A-xà-thế tỏ bày “bằng lòng (paccassosi) thọ lãnh lời dạy Đức Thế Tôn”, “hoan hỷ với lời dạy của Đức Thế Tôn”, “bằng lòng thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn”(At).

Chánh kinh.

  1. 190. Bhagavā etad’avoca. Idha mahārāja Tathāgato loke upajjati, arahaṃ sammāsambuddho vijjācaranasampanno sugato lokavidū anuttaro purisadammasāratthi satthā devamanussānaṃ buddho bhagavā

Thế Tôn nói: Ở đây, này Ðại vương, Như Lai xuất hiện ở đời, là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.

So imaṃ lokaṃ sadevakaṃ samārakaṃ sabrahmakaṃ sassamaṇabrāhmaniṃ pajaṃ sadevamanussaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā pavedeti.

Như Lai sau khi tự chứng ngộ với thượng trí thế giới này luôn cả thiên giới, ma giới, phạm thiên giới, bao gồm cả thế gian này với Sa-môn Bà-la-môn truyền thống, luôn cả chư thiên nhân loại, Ngài tuyên thuyết điều an tinh đã thành tựu với thắng trí..

So dhammaṃ deseti ādi- kalyānaṃ majjhe kalyyanaṃ pariyosāna kalyānaṃ satthaṃ savyañjanaṃ, kevala paripuṇṇaṃ parisuddhaṃ brahmacariyam pakāseti.

Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh([21]).

Giải:

* “Ở đây, này Đại vương”(idha mahārāja).

Idha mahārāja’ti – ādiṃ sakalaṃ suttaṃ avocāti attho (At):

“Ở đây, này Đại vương”, là lời mở đầu của bài pháp trọn vẹn không bị gián đoạn.

* “Ở đây” (idha).

Idhāti desāpadese nipāto, svāyaṃ katthaci lokaṃ upādāya vuccati (At):

Gọi ở đây”“ở nơi gắn liền sự tốt đẹp cho đời, không phải ở nơi khác”.

Ở đây ám chỉ nơi có các bậc Thánh nhân đang trú ngụ, như Phật ngôn:

“Làng mạc hay rừng núi; thung lũng hay đồi cao.

La – hán trú chỗ nào; đất ấy thật khả ái” ([22]).

Bậc Thánh nhân có thể là bậc Toàn giác, bậc Độc giác, vị Thánh A-la-hán.

Ở đây, là nơi có Đấng Như lai xuất hiện, là nơi có Giáo pháp được thuyết giảng, là nơi có Thánh đệ tử cư ngụ” (At).

* “Như Lai xuất hiện ở thế gian” (Tathāgato loke upajjati).

“Như lai” (Tathāgato).

Có bốn nguyên nhân mà Đức Phật tự xưng là Như Lai:

Này Cunda, đối với các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại, Như Lai là vị nói phải thời nói chơn chánh, nói như thật, nói có lợi ích, nói đúng Pháp, nói đúng Luật. Do vậy mới gọi là Như Lai.

Này Cunda, trong thế giới này với chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, với chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, những gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được phân biệt, được đạt đến, được tìm cầu, được suy đạt với ý, tất cả đều được Như Lai biết rõ. Do vậy mới gọi là Như Lai.

Này Cunda, trong thời gian giữa đêm Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh Ðẳng Giác và đêm Như Lai nhập Vô dư y Niết-bàn giới, trong thời gian ấy, những gì Như Lai nói trong khi thuyết giảng, nói chuyện hay trình bày, tất cả là như vậy, chớ không gì khác. Do vậy mới gọi là Như Lai.

Này Cunda, Như Lai nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy. Nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy nên được gọi là Như Lai.([23])

* “ Thế gian” (loka). Có ba loại thế gian (loka) là:

– Hư không thế gian (okāsaloka).

– Chúng sinh thế gian (sattaloka).

– Pháp hành thế gian (saṅkhāraloka).

Bản Sớ giải giải thích: Các Đấng Như lai chỉ xuất hiện trong “chúng sinh thế gian”.

Nhưng trong cõi nào? Các Đấng Như Lai chỉ xuất hiện trong cõi người, không xuất hiện trong cõi chư thiện, không xuất hiện trong cõi Phạm thiên.

Các Đấng Như lai xuất hiện ở cõi người, nhưng ở vùng nào?

Các Đấng Như lai chỉ xuất hiện ở vùng trung tâm, tức là ở giữa vùng Trung Ấn.

Ở vùng này, không những chỉ có Đấng Như lai xuất hiện, mà các vị Độc giác, các vị Thượng thủ Thinh Văn, 80 vị Đại đệ tử, các vị Thánh thinh văn khác, cha mẹ các vị Bồ-tát, các vị vua Chuyển luân (cakkavālarāja), những vị Bà-la-môn, gia chủ xuất chúng cũng xuất hiện nơi vùng đất này.

* “Xuất hiện”(upajjati).

Từ lúc Bồ-tát Sumedha (Thiện Tuệ) được Đức Phật Dipaṅkara (Nhiên Đăng) xác nhận “sẽ là vị Chánh giác trong tương lai”cho đến khi chứng Đạo A-la-hán, Như Lai được xem như “đang xuất hiện”.

Kể từ khi chứng quả A-la-hán cho đến khi viên tịch là “đã xuất hiện”

Hay là: Từ lúc nơi cung trời Tusita (Đâusuất) , Bồ-tát giáng sinh vào thai bào của Hoàng Hậu Māyā cho đến khi Ngài chứng Đạo A-la-hán, được xem là “đang xuất hiện”.

Kể từ khi chứng quả A-la-hán đến khi viên tịch là “đã xuất hiện”.

Hoặc là: Từ lúc được nàng Sujātā dâng cơm sữa trộn mật ong cho đến khi Ngài sắp chứng Đạo A-la-hán, gọi là “đang xuất hiện”.

Kể từ khi chứng quả A-la-hán đến khi Ngài viên tịch, là “đã xuất hiện”.

Chữ “xuất hiện”ở đây chỉ cho “từ lúc nhận cơm sữa của nàng Sujātā cho đến khi viên tịch”.

Vì sao? Vì nhờ thọ dụng món cơm sữa ấy mà Ngài thành tựu quả vị Vô thượng Chánh giác, bữa cơm sữa ấy có phước báu vô lượng vô biên.

Lại nữa, chính trong đêm ấy Ngài thành tựu quả Vô thượng Chánh giác.

* “Tự chứng ngộ với thượng trí” (sayaṃ abhiññā saccikatvā pavedeti).

*Tự mình” (sayaṃ).

Sayanti sāmaṃ aparaneyyo hutvā (At):

Tự mình” đang có chính nơi mình, không do người khác mang đến.

* “Thượng trí” (abhiññā).

Abhiññāti abhiññāya adhikena ñāṇena ñatvā attho (At):

Thượng trí”nghĩa là “đã hiểu, đang hiểu tận tường cao tột”.

* “Tự chứng ngộ với thượng trí”.

Là trí thực chứng cao tột, trí ấy không phải do nghe, không phải do suy luận.

Hậu sớ giải có giải thích: “Ở đây, trí do nghe hay trí do suy luận bị bác bỏ, vì các Bậc Chánh Giác có một nguồn trí là “Vô chướng ngại trí” (anāvaranañāṇa).

Chính từ nguồn trí này, Đức Chánh giác thông đạt tất cả các pháp một cách cao tột và tận tường.

Trí vô chướng ngại chỉ có cho bậc Chánh giác, các Bậc Độc Giác, Thánh Thượng thủ Thinh văn … không thể có.

Các bậc Độc giác tuy tự mình thành tựu thượng trí giác ngộ, nhưng không thể biết rõ tận tường các pháp như bậc Chánh giác.

Còn thượng trí của bậc Thánh Thinh Văn phải “do nghe” mới thành tựu được.

* Thế gian này” (so imaṃ lokaṃ).

So imaṃ lokanti so Bhagavā imaṃ lokaṃ idāni vattabbaṃ nidasseti (At):

“Thế gian này” là chỉ rõ Đức Thế Tôn trong hiện tại”(At).

Tức là “không phải Đức Chánh giác quá khứ, cũng không phải Đức Chánh giác vị lai”, mà là “Đức Chánh giác hiện tại”.

* “Luôn cả Thiên giới” (sadevakaṃ)([24]). Là chỉ cho 5 cõi trời Dục là: Cõi Tứ Đại vương (Cattuttha Mahārājā), cõi Ba mươi ba (Tāvatiṃsa), cõi Dạma (Yāma), cõi Đẩusuất (Tusita) và cõi Hóa lạc thiên (nimmānaratī).

* “Luôn cả Ma giới” (samārakaṃ). Chỉ cho cõi trời dục thứ sáu là cõi Tha hóa tự tại (paranimmitavasavatī).

Hỏi. Vì sao Đức Thế Tôn không gom cả “Ma giới” vào “thiên giới”?

Đáp. Với cụm từ “luôn cả thiên giới”, Đức Phật nói lên sự nhận biết của Ngài về 6 cõi trời Dục, vì trong cõi Dục thì cõi chư thiên thù thắng nhất.

Nhưng trong hội chúng có người nghĩ rằng: “Ma vương là vị chúa tể cõi Dục, chẳng biết Đức Thế Tôn có biết vị chúa tể chúa cõi Dục này không nhỉ?”.

Để xua tan ý nghĩ hoài nghi ấy, Đức Thế Tôn thuyết tiếp “luôn cả Ma giới”.

Māra, chỉ cho “sự trói buộc, sự cản trở, kẻ ác xấu”.

Có 5 loại māra:

Uẩn ma (khandha māra). Chỉ cho các nhóm của danh – sắc là: Sắc uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, tưởng uẩn và thức uẩn. Là những “nhóm trói buộc” chúng sinh trong luân hồi.

Phiền não ma (kilesa māra). Chỉ cho những pháp ác xấu, trói buộc chúng sinh trong luân hồi, cản trở chúng sinh giải thoát.

Pháp hành ma (abhisaṅkhāra). Chỉ cho các bất thiện pháp lẫn thiện pháp, tất cả đều là “sự trói buộc” chúng sinh vào luân hồi.

Thiên ma (devaputta māra). Chỉ cho những thiên nhân “gây chướng ngại”, “cám dỗ” chúng sinh, không cho chúng sinh này “thực hành phương pháp” dẫn ra luân hồi.

Ngoài ra còn chỉ cho chúa cõi Tha hóa tự tại là Vasavati, cũng là vị chư thiên cao nhất trong cõi Dục.

Tử thần ma ( maccu māra). Sự chết cũng là nguyên nhân “cản trở”, khiến chúng sinh không thể chứng đắc Đạo quả.

Như người có khả năng chúng quả Hữu học lú 7 tuổi, nhưng người này chết lúc 6 tuổi. Sự yểu tử này là một chướng ngại cho Đạo – quả Siêu thế ….

“Luôn cả Ma giới”. Nghĩa là Ngài ngầm trả lời “Như Lai biết rõ chúa cõi Dục chính là Ma vương, Như Lai biết rõ luôn cả cảnh giới của Ma vương”.

Tức là, Như lai biết rõ những “thiên nhân tùy tùng của Ma vương”, biết rõ “những trói buộc”, “những chướng ngại” của chúng sinh và biết rõ “những kẻ ác xấu cùng những pháp cám dỗ, gây chướng ngại cho chúng sinh đang tầm cầu pháp giải thoát”.

* “Luôn cả Phạm thiên giới” (sabrahmakaṃ). Chỉ cho các vị Đại Phạm thiên và các chư Phạm thiên tùy tùng

Trong hội chúng có những Bà-la-môn nghĩ rằng: “Vị Phạm thiên đầy oai lực, với 10 ngón tay vị ấy có thể chiếu sáng 10 ngàn thế giới, Đức Thế Tôn có nhận biết vị Phạm thiên như vậy không nhỉ?”.

Đức Thế Tôn có biết “pháp dẫn đến cõi Phạm tthiên không nhỉ?”.

Nên Đức Thế Tôn thuyết tiếp cụm từ “luôn cả Phạm thiên giới”.

Tức là Ngài dạy rằng “Như Lai biết rõ tất cả các Phạm thiên và con đường dẫn đến Phạm thiên giới”.

* “Luôn cả thế gian này”. Chỉ cho “cõi Vô sắc (arūpabhūmi)”.

Ở trên Đức Thế Tôn dùng cụm từ “Như lai xuất hiện trong thế gian”, chữ “thế gian (loka)”này bao gồm 3 loại: Cõi Ngũ uẩn, cõi nhất uẩn([25]) và cõi Vô sắc.

Cụm từ “luôn cả thế gian này”, chỉ nói đến cõi Vô sắc. Vì sao?

Khi Đức Thế Tôn thuyết cụm từ “luôn cả Phạm thiên giới”, Ngài không thuyết “luôn cả thế gian này” sẽ có người hoài nghi: “Đức Thế Tôn chỉ hiểu biết các cõi Hữu sắc, còn các cõi Vô sắc Ngài có thông đạt không nhỉ”.

Lại nữa, trong hội chúng có những Sa-môn, Bà-la-môn thành đạt được tầng thiền Vô sắc, có ý nghĩ “có lẽ Ngài chỉ thành đạt thiền hữu sắc, còn thiền Vô sắc chẳng biết Ngài thành đạt chưa?”.

Nên Đức Thế Tôn thuyết tiếp “luôn cả thế gian này” để giải trừ nghi hoặc của những người ấy.

Nghĩa là Ngài cho hội chúng biết rằng “chẳng những Như Lai thành đạt tất cả “các tầng thiền Vô sắc”, cả cảnh giới chúng sinh cõi Vô sắc Như Lai đều biết rõ”.

Các Giáo thọ sư cổ sơ dạy rằng:

“Thế giới này luôn cả thiên giới”. Là chỉ ra toàn bộ thế gian này “với những pháp thiện”.

– “Thế giới này luôn cả ma giới”. Là chỉ ra thế gian này “với những pháp bất thiện”.

“Thế giới này luôn cả phạm thiên giới”. Là chỉ ra thế gian này “với pháp vô lượng” (là tứ vô lượng tâm).

Với ba cụm từ “thiên giới, ma giới, phạm thiên giới”, Đức Thế Tôn đã chỉ ra thế gian với những khía cạnh sai biệt.

Nghĩa là “trong thế gian này “các pháp thiện” (chư thiên), “các pháp bất thiện” (ma giới), “các pháp phạm trú” (phạm thiên giới) Như Lai đều thông suốt.

Lại nữa: Với ba cụm từ “thiên giới, ma giới, phạm thiên giới”, Đức Thế Tôn nêu ra “thế gian hữu sắc cao cấp và Ngài phân định rõ lãnh vực: Lãnh vực chư thiên, lãnh vực Ma vương và lãnh vực Phạm thiên hữu sắc”.

Hay là:

– Với cụm từ “thiên giới”, Đức Phật chỉ cho “các tầng thiền hữu sắc”.

– Với cụm từ “Phạm thiên giới”, Đức Phật chỉ cho “bốn phạm trú là: Từ, bi, hỷ, xả”.

Đức Thế Tôn có giảng cho các Bà-la-môn ở làng Venāgapura về 3 loại giường lớn mà Ngài có được không mệt nhọc, không khó khăn, không phí sức, đó là:

Giường chư thiên: Chỉ cho 4 tầng thiền hữu sắc.

Giường Phạm thiên: Chỉ cho bốn Phạm trú (từ- bi- hỷ- xả) được làm cho sung mãn, rải đến tất cả chúng sinh ở mọi phương.

Giường cao – giường lớn của bậc Thánh: Chỉ cho sự tận diệt tham – sân – si ([26]).

– Với cụm từ “luôn cả thế gian này”, Đức Thế Tôn chỉ ra bốn tầng thiền Vô sắc.

Như thế, với ba cụm từ “thiên giới – phạm thiên giới – luôn cả thế gian này”, Đức Thế Tôn dẫn ra toàn bộ thế gian, trọn vẹn cả ba giới: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, cùng với các tầng thiền hữu sắc và các tầng thiền Vô sắc.

* “Với các Sa-môn Bà-la-môn truyền thống” (sassamaṇabrāhmaniṃ pajaṃ).

* “Truyền thống” (pajaṃ).

“Pajātattā pajā, taṃ pajaṃ: Dòng giống nối tiếp, đó là truyền thống (At).

* “Sa-môn, Bà-la-môn truyền thống”.

Chỉ cho các Sa-môn, Bà-la-môn cổ sơ giủ bỏ các ác bất thiện pháp, đồng thời các từ ngữ, ý nghĩa về “pháp truyền thống” của Sa-môn và Bà-la-môn.

Trong hội chúng, một số người có ý nghĩ rằng “có những Sa-môn, Bà-la-môn có thắng trí thời xưa, Đức Thế Tôn có biết những bậc ấy chăng nhỉ?”.

Do đó, để giải nghi cho những người này, Đức Thế Tôn thuyết tiếp “với Sa-môn, Bà-la-môn truyền thống”([27]).

Đức Phật có giảng cho Bà-la-môn Dona về các ẩn sĩ Bà-la-môn thời xưa là Aṭṭhaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta, Yamadaggi, Aṅgīrasa, Bhāradvāja, Vāseṭṭha, Kassapa, Bhagu. Và 5 hạng Bà-la-môn:

Bà lamôn đồng đẳng với Phạm thiên. Là Bà-la-môn có huyết thống thanh tịnh đến 7 đời tổ phụ. Vị ấy sống 48 năm phạm hạnh đồng trinh, sau đó giao “phận sự tế lễ đàn” cho đệ tử, vị ấy xuất gia tu tập “tứ vô lượng tâm”.

Bà-la-môn đồng đẳng với chư thiên. Là vị Bà-la-môn có huyết thống thanh tịnh đến 7 đời tổ phụ. Sau 48 năm sống phạm hạnh đồng trinh, vị ấy giao “phận sự tế lễ đàn” cho đệ tử, vị ấy đi tìm vợ đúng pháp “với mục đích duy trì nòi giống”, vị ấy chi đi đến nữ Bà-la-môn trong thời có thể thụ thai.

Sau khi có con, vị ấy xuất gia tu tập chứng đạt Tứ thiền.

Bà-la-môn có giới hạn. Tương tự như Bà-la-môn chư thiên, nhưng không xuất gia.

Bà-la-môn vượt qua giới hạn. Là hạng Bà-la-môn đi đến các nữ Bà-la-môn trong thời không thể thụ thai.

– Bà-la-môn vứt bỏ. Là hạng Bà-la-môn đi đến các nữ Sát-đế-lỵ, nữ Vệ-xá, nữ nô lệ … ([28])

Theo kinh Khởi thế nhân bổn (Aggañña suttanta)([29]) thì từ Brahmana (Bà-la-môn) xuất hiện trước từ Samaṇa (Sa-môn).

Trong bài kinh này Đức Phật giảng cho Vāseṭṭha và Bhāradvaja về các ngữ – nghĩa xuất hiện theo tuần tự.

Tức là Ngài dạy rằng “Như Lai biết rõ các bậc Sa-môn, Bà-la-môn cổ sơ có thắng trí ấy, đó là các Sa-môn, Bà-la-môn tịnh hạnh”, luôn cả các truyền thống cổ sơ cùng ngữ nghĩa của các Sa-môn, Bà-la-môn.

Vì sao Đức Thế Tôn nêu từ Sa-môn trước Bà-la-môn, trong khi từ Bà-la-môn xuất hiện trước từ Sa-môn?

Tuy từ Bà-la-môn xuất hiện trước từ Sa-môn, nhưng Sa-môn mang ý nghĩa là “an tịnh”, với ba sự an tịnh: Thân an tịnh, tâm an tịnh, tái sinh an tịnh thì cao quý hơn Bà-la-môn do giòng dõi.

Lại nữa, những Bà-la- môn truyền thống sẽ trở thành bậc xuất gia như đã giải trên, tuy Sa-môn xuất hiện sau nhưng cao quý hơn, nên các Bà-la-môn truyền thống cũng phải hòa nhập vào “giòng Sa-môn”.

“Sa-môn” là từ dành cho tất cả “4 giai cấp”, còn Bà-la-môn chỉ cho một giai cấp. Đức Thế Tôn đi từ tổng thể đến chi tiết.

Lại nữa, từ Sa-môn tuy xuất hiện sau, nhưng có thể thành tựu những năng lực kỳ diệu mà Bà-la-môn tại gia không thể thành tựu.

Trong kinh Abaṭṭha([30]), mô tả thanh niên Abaṭṭha 3 lần mạ lỵ dòng Thích ca là đê tiện, Đức Thế Tôn chỉ ra tổ phụ giòng Bà-lamôn Kaṇhāyana của thanh niên Abaṭṭha là “con của nữ tỳ giòng Thích ca” và con người nữ tỳ này vì sao có tên làKaṇhā.

Vì khi mới sinh ra, đứa bé nói “Này mẹ hãy rửa cho con”, “này mẹ hãy tắm cho con”, “này mẹ hãy gội sạch cho con”, người ta cho rằng “đứa bé mới sinh ra đã biết nói, hẳn là ác quỷ” nên đặt tên đứa bé là “Kaṇha (quỷ ám)”.

Khi trưởng thành Kaṇha bỏ Hoàng cung giòng Thích Ca, xuất gia thành vị đạo sĩ (isi) đi về phương nam, học các chú thuật Phạm thiên, sau đó trở về yết kiến vua Okkāka (tổ phụ dòng Thích ca), yêu cầu vua Okkāka gả công chúa Khuddarūpi cho mình và với chú thuật Phạm thiên, đạo sĩ Kaṇhā được thành tựu ý nguyện.

Và Kaṇhā trở thành tổ phụ giòng Bà-la-môn Kaṇhāyana.

Những đoạn kinh trên minh chứng “Đức Thế Tôn thông hiểu các truyền thống Bà-la-môn lẫn ngữ nghĩa”.

Đồng thời, tuy ở giai cấp thấp kém (con người nữ tỳ), nhưng khi xuất gia (từ isi cũng chỉ cho bậc xuất gia), đã chuyển đổi giòng thấp kém trở thành tổ phụ một dòng Bà-la-môn.

Nghĩa là “có một số dòng Bà-la-môn lại xuất phát từ Sa-môn hạnh”.

D0 đó, Đức Thế Tôn nêu từ “Sa-môn” trước từ “Bà-la-môn”.

* “Luôn cả chư thiên nhân loại” (sadevamanussaṃ).

“Chư thiên” (deva). Chư thiên có ba hạng:

– Giả định chư thiên (sammuttideva). Như Đức vua, Hoàng hậu, quan đại thần …

– Chư thiên do sinh ra (upapatti deva). Là những chư thiên do phước sinh lên.

– Chư thiên thanh tịnh (visuddhi deva). Là những chư thiên trong sạch, như các bậc A-la-hán chẳng hạn.

“Chư thiên” ở đây chỉ cho “giả định chư thiên”, là những người “có quyền lực”.

* “Nhân loại”. Là những gì thuộc về nhân loại, luôn cả “con đường dẫn đến cõi người”.

“Luôn cả chư thiên và nhân loại”.

Đức thế Tôn chỉ ra “những người có quyền lực như Vua, quan …” và những người không có quyền lực.

Đoạn kinh văn “thế gian này với Sa-môn, Bà-la-môn truyền thống, luôn cả chư thiên nhân loại”.

Một lần nữa, Đức Thế Tôn chỉ ra toàn bộ thế gian này với những gì còn sót lại.

Do vậy, với 5 cụm từ “thế gian này, với Sa-môn, Bà-la-môn, thiên, nhân”, tam giới được thể hiện với nhiều khía cạnh khác nhau.

* “Ngài tuyên thuết điều an tinh đã thành tựu với thắng trí” (sayaṃ abhiññā sacchikatvā pavedeti).

Sayaṃ abhiññā sacchikatvā pavedetīti ettha pana sayanti sāmaṃ aparaneyyo hutvā (At):

“Tuyên bố điều an tịnh đã thành tựu với thắng trí” là: Điều an tịnh ở đây ngược với các hiểu biết khác (aparaneyya) đang có.

Một số Sa-môn cho rằng “sự an tịnh nhờ giới” (giới cấm), “sự an tịnh nhờ hạnh” (khổ hạnh) ….

Sự an tịnh mà Đức Thế Tôn tuyên bố là “sự an tịnh thành tựu do thắng trí”, sự an tịnh này Ngài đã thành tựu, không phải do nghe, do suy luận.

“Sự an tịnh” được Đức Thế Tôn “tuyên thuyết” là “tái sinh an tịnh”.

Điều an tịnh này không một Sa-môn, Bả-la-môn nào có thể tự biết.

Trong ba sự an tịnh: Thân an tịnh, tâm an tịnh và tái sinh an tịnh.

Các Sa-môn, Bà-la-môn có thể có 2 sự an tịnh là “thân an tịnh” và “tâm an tịnh”; riêng về “tái sinh an tịnh” chỉ hiện khởi khi có Đấng Chánh giác xuất hiện trên thế gian.

Các vị Độc giác Phật (Paccekabuddha) tuy thành tựu được “an tịnh tái sinh”, nhưng không thể làm hiển lộ “con đường dẫn đến an tịnh tái sinh” (tức là Bát chánh đạo), nên các vị ấy “không thể tuyên thuyết điều an tịnh đã thành tựu”.

Đức Phật có dạy du sĩ Subhadda rằng:

“Trong Pháp luật nào không có Bát Thánh Đạo, thời ở đấy không có 4 bậc Sa-môn”([31])

Và Bát Thánh đạo là “con đường duy nhất” dẫn đến “tái sinh an tịnh”, con đường này chỉ có bậc Chánh giác tìm thấy và giảng thuyết cho chúng sinh hiểu biết.

* “Tuyên thuyết”.

Pavedetīti bodheti viññāpeti pakāseti (At):

“Tuyên thuyếtlà làm cho sự hiểu biết (về) “giác ngộ” được hiển lộ .

* “Ngài thuyết pháp tốt đẹp ở đoạn đầu, tốt đẹp ở đoạn giữa, tốt đẹp ở đoạn cuối” (so dhammaṃ deseti ādi- kalyānaṃ majjhe kalyyanaṃ pariyosāna kalyānaṃ).

Bản Sớ giải giải thích: Đức Thế Tôn với lòng thương xót chúng sinh, Ngài từ bỏ “hạnh phúc viễn ly cao tột” (anuttaraṃ vivekasukhaṃ) để giảng pháp tế độ chúng sinh.

“Hạnh phúc viễn ly cao tột” ở đây chỉ cho “sự viên tịch” (parinibbāna).

Đức Thế Tôn dù thuyết vắn tắt như kệ ngôn có 4 câu hay chi tiết (bài kinh dài), thì đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối đều hoàn hảo.

Là kệ ngôn 4 câu thì: Câu đầu là “mở đầu”, câu 2 -3 là “đoạn giữa”, câu cuối là “kết thúc”.

Trong bài pháp chi tiết cũng có 3 phần như vậy và có câu chuyển tiếp (anusandhi) với “mở đầu” và “đoạn giữa”, với “đoạn giữa” và “đoạn cuối” (phần giữa có thể có nhiều đoạn), câu kết thúc ở đoạn cuối.

Trong một bài pháp (desanā), đều có sự thứ lớp (sāsana) mạch lạc: Phần giới thiệu xuất xứ là “mở đầu”, “Đức Thế Tôn thuyết như vậy” là câu kết thúc thuộc phần cuối, còn lại giữa 2 phần là “đoạn giữa”.

Lại nữa, về sự thứ lớp trong bài kinh: Giới – đinh – tuệ là mở đầu (sāsanassa pana sīlasamādhivipassanā ādi nāma – At). Như Phật ngôn :

“Ko cādi kusalānaṃ dhammānaṃ? Đâu là thiện pháp trước tiên?

Sīlañca suvisuddhaṃ diṭṭhi cā ujukā”ti: Là giới – sự an tịnh tốt đẹp và chánh kiến([32]).

Và: “Này các Tỳ-khưu, có con đường giữa, được Đấng Như Lai giác ngộ”([33]).

Hay: Giới là “mở đầu”, Thánh đạo (ariyamagga) là “đoạn giữa”, quả Siêu thế – Nípbàn là “đoạn cuối”.

Quả Siêu thế là cuối cùng, như:

“Này Bà-la-môn, ở đây có nghĩa là Phạm hạnh, là cốt lỏi, là tận cùng”([34]).

“Nípbàn” là cuối cùng, như :

“Này hiền giả Visākha, đời sống Phạm hạnh dẫn đến Nípbàn, Nípbàn là cuối cùng của đời sống phạm hạnh”([35]).

Như vậy, ngay cả kệ ngôn có 4 câu. Câu đầu là giới, câu 2 – 3 là định và tuệ, câu 4 là quả Siêu thế hay Nípbàn.

Trong kinh Sa-môn quả này, Đức Thế Tôn thuyết “chặng đầu là giới”, chặng giữa là Thánh đạo”, “chặng cuối là Nípbàn”.

* “Đầy đủ văn – nghĩa” (satthaṃ savyañjanaṃ).

Bản Sớ giải giải thích: Giải thích “vật thực, người nam, người nữ…”. là “giảng không đủ nghĩa”.

Đức Thế Tôn bỏ qua cách giải thích như vậy, Ngài giải thích có liên quan đến Tứ niệm xứ, tứ Chánh cần … Bát chánh đạo, liên hệ đến “dứt bỏ” (pahāya), gọi là “giảng đầy đủ nghĩa”.

Giảng với ít từ vựng, đồng thời phát âm không rõ ràng, phát âm với giọng ê a, là “không đầy đủ văn”.

Đức Thế Tôn giảng với nhiều từ vựng, phát âm rõ ràng, với 10 âm tiết: Sithila (đều đều), dhanita (vang xa), dīgha (giọng dài), rassa ( giọng ngắn), lahu ( giọng nhẹ), garu (giọng nhấn mạnh), niggahita (giọng mũi), sambandha (nối tiếp), vivatthita (dừng lại), vimutta (giọng thanh thoát). Gọi là “đầy đủ văn”.

* “Ngài truyền dạy phạm hạnh” (brahmacariyaṃ pakāseti).

Brahmacariyam pakāsetīti ettha panāyaṃ brahmacariya – saddo dāne veyyāvacce pañcasikkhāpadaṃsīle appamañnāsu medhunaviratiyaṃ sadārasantose vīriye uposathaṅgesu ariyamagge sāsaneti imesvatthesu dissati (At).

* “Phạm hạnh” (brahmacariya). Có 10 điều là:

– Bố thí (dāna), phục vụ (veyyāvacca), giữ năm giới (pañca sikkhāpadasīla), 4 tâm vô lượng (appamaññā), ngăn ngừa dâm dục (methunavirati), biết đủ với vợ nhà (sadāra santosa), tinh cần (viriya), thọ 8 giới (uposatha sīla), thực hành Thánh đạo (ariyamagga), và giảng pháp (sāsana).

Bản Sớ giải dẫn ra các bài kinh trong Bổn sanh (jātaka) để minh chứng cho 10 điều này.

Phạm hạnh ở kinh này được giảng với ý nghĩa “cảnh giới phạm hạnh cao quý nhất” (seṭṭhaṭṭhena brahmabhūtaṃ cariyaṃ – At).

Phạm hạnh cao quý nhất, đứng đầu là Phật hạnh.

* “Ngài truền dạy phạm hạnh”.

Đức Thế Tôn chỉ ra 2 loại phạm hạnh: Phạm hạnh của tại gia và phạm hạnh xuất gia .

Phạm hạnh tại gia là 10 điều đã nêu trên, phạm hạnh xuất gia là bát Thánh đạo.

“Này các Tỳ-khưu, thế nào là Phạm hạnh? Chính là Thánh đạo tám ngành này. Tức là: Chánh kiến … chánh định. Đây gọi là phạm hạnh([36])

* “(Phạm hạnh) hoàn toàn đầy đủ” (kevala paripuṇṇaṃ).

“Hoàn toàn đầy đủ”.

Kevala paripuṇṇanti ettha kevalanti sakalādhivacanaṃ (At):

“Hoàn toàn đầy đủ là lời nói nêu ra “trọn vẹn sự cao tột”.

Bản Sớ giải có giải thích: “Hoàn toan đầy đủ” vì nêu lên “những lợi ích cao thượng” không thiếu sót cũng không dư thừa, không phải thêm vào cũng không bỏ bớt đi.

“Này các Tỳ-khưu, thế nào là quả Phạm hạnh? Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả, A-la-hán quả. Này các Tỳ-khưu, đây là quả Phạm hạnh” (sđd)”.

(Phạm hạnh) thanh tịnh trọn ven” (parisuddhaṃ).

Parisuddhanti nirupakkilesaṃ (At):

Thoát ra khỏi phiền não, gọi là “thanh tịnh trọn vẹn”.

Vị giảng sư khi giảng pháp, chú ý đến lợi lộc, danh vọng, là “không thanh tịnh trọn vẹn”.

Đức Thế Tôn giảng pháp, Ngài không quan tâm đến lợi đắc thế gian. Ngài giảng pháp với tâm bi mẫn, tế độ chúng sinh thoát ra các ô nhiễm, thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Gọi là “thanh tịnh trọn ven”.

* “Thanh tịnh trọn vẹn” là diệt trừ được tham, sân, si.

“Này các Tỳ-khưu, diệt tận tham, diệt tận sân, diệt tận si. Đây gọi là mục đích Phạm hạnh”(sđd).

Đời sống phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ”. Là thành tựu giới – định – tuệ được liên tục cho đến khi viên tịch.

Đời sống phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh”. Là diệt trừ tham, sân, si được thành tựu, kéo dài cho đến khi viên tịch.

Chánh kinh.

  1. -“Taṃ dhammaṃ suṇāti gahapati vā gahapati putto vā aññatarasmiṃ vā kule paccājāto.

Nghe pháp này, người gia trưởng hay con người gia trưởng, hay người nào khác hoặc dòng dõi sau đó.

So taṃ dhammaṃ sutvā Tathāgate saddhaṃ paṭilabhati.

Sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai.

So tena saddhāpaṭilābhena samannāgato iti paṭisañcikkhati: “Sambādhogharāvāso rajo patho abbhokāso pabbajjā.

Khi có lòng tín ngưỡng ấy, vị này suy nghĩ: “Ðời sống gia đình chật hẹp, con đường đầy bụi, đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không.

Nayidaṃ sukaraṃ agāraṃ ajjhāvasatā ekanta paripuṇṇaṃ ekanta parisuddhaṃ saṃkha likhitaṃ brahmacariyaṃ carituṃ.

Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng sạch như tù- và bằng vỏ ốc.

Yan nunāhaṃ kesa massuṃ ohāretvā kāsāyāni vatthāni acchādetvā agārasmā anagāriyaṃ pabbajjeyyan ti”.

Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình.

Giải.

“Pháp này” (taṃ dhammaṃ).

Taṃ dhammanti taṃ vuttappakārasampadaṃ (At):

“Pháp này” là điều đã được thuyết giảng trọn vẹn.

Pháp này” chỉ cho “Bát Thánh đạo”. Đó là con đường dẫn ra khỏi luân hồi trọn vẹn, chấm dứt các sinh hữu.

“Người gia chủ nghe pháp này” (suṇāti gahapati).

Bản Sớ giải có giải thích: Vì sao Đức Thế Tôn đề cập đến “người gia chủ” trước?. Vì họ nhiều ngạo mạn (nihatamānatta) và “tự mãn về cái ta” (ussannattā).

Người gia chủ” ở đây chỉ cho người xuất thân từ giòng Sát-đế-lỵ (khattiya), hay giòng Bà-la-môn, hay những người làm chủ một tài sản.

Phần nhiều người xuất thân từ dòng Sát-đế-lỵ, khi xuất gia thường tự hào về dòng dõi (yebhuyyyena hi khattiyakusalo pabbajitā jātiṃ nissāya mānaṃ karonti –At).

Người sinh trong dòng Bà-la-môn, khi xuất gia thường tự hào về chú thuật của mình (Brāhmaṇakulā pabbajitā jmante nissāya mānaṃ karonte –At).

Với người thuộc dòng dõi thấp kém (hīnajaccakulā), khi xuất gia họ không có những tự hào về dòng dõi. Những vị này sẽ cố gắng học pháp – hành pháp.

Tiếp theo, Đức Thế Tôn đề cập đến “con người gia trưởng” (gahapati putto) hay “những người khác” (aññatarasmiṃ).

* “Nào khác” (aññatarasmiṃ).

Aññatarasmiṃ vāti itaresaṃ vā kulānaṃ aññatarasmiṃ (At):

“Nào khác“những người khác hay giòng dõi khác”.

“Những người khác” (aññatarasmiṃ). Như người nông dân, người làm vườn, người cuốc đất, người thương buôn …

Với những người này mùi hôi bốc ra từ 2 nách, mồ hôi đẩm ướt trên lưng, những người này ít kiêu mạn, nên họ tinh cần học pháp từ Đức Thế Tôn, nổ lực hành pháp.

Với 3 cụm từ “người gia trưởng”, “con người gia trưởng”, “những người khác”. Đức Thế Tôn nêu ra “sự tự hào, sự kiêu hãnh” từ nhiều đến ít.

Con người gia trưởng” ít ngạo mạn so với người gia trưởng và “người sinh vào dòng dõi khác” hay “người không phải gia chủ hay con người gia chủ” lại ít ngã mạn hơn so với 2 hạng người trên.

“Sự tự hào” (ngã mạn) là một chướng ngại cho bậc xuất gia, vì họ sẽ trở nên “khó dạy”, không “kỉnh trọng các bậc trưởng thượng” lại “lắm lời”.

Đức Phật có dạy: “Này các Tỳ-khưu, hãy từ bỏ một pháp, Ta bảo đảm cho các ngươi không đi đến tái sinh. Thế nào là một pháp?

Mạn (māna), là một pháp các ngươi hãy từ bỏ, Ta bảo đảm cho các ngươi không đi đến tái sinh.”([37])

Và: “Người bị mạn chi phối; do bị mạn trói buộc.

Nên hoan hỷ sinh hữu; do không liễu tri mạn.

Nên đi đến tái sinh…”([38])

Lại nữa, “người gia trưởng” “con người gia trưởng” thường hưởng thụ năm dục lạc, tâm dính mắc vào tài sản, đất đai, ruộng, vườn, tôi trai, tớ gái …

Những người này “khó lìa bỏ” những điều trên, nhưng khi nghe được “pháp thanh tịnh”, những vị ấy có sự suy gẫm về “sự an tịnh tuyệt đối”, nên “xuất gia, từ bỏ gia đình sống đời sống không gia đình”.

Trái lại, “người khác” ít có sự dính mắc tài sản, khi nghe pháp này dễ dàng xuất gia hơn.

Do đó sự xuất gia của “người gia trưởng” nổi trội hơn “con người gia trưởng”, sự xuất ga của “con người gia trưởng “lại nổi trội hơn “người khác”.

Do tính “nổi trội” cả 2 mặt: “Tự hào” và “dứt bỏ” ấy, nên Đức Thế Tôn đề cập đến “người gia trưởng” trước, rồi đến “con người gia trưởng”, tiếp đến “những người khác”.

Mặt khác, với từ “nào khác” (aññatararasmiṃ).

Đức Thế Tôn chỉ ra 2 giai cấp còn lại là: Giai cấp thương buôn (Vessa) và giai cấp bình dân (sudā).

Đức Thế Tôn ngầm dạy rằng “pháp thanh tịnh này” không phân biệt gai cấp, không phân biệt hạng người”.

Ví như biển lớn dung nạp tất cả nước mọi con sông, cũng vậy Giáo pháp của Đấng Như Lai dung nạp tất cả mọi hạng người.

“Này Pahārāda, có 4 giai cấp này: Sát-đế-lỵ (khattiya), Bà-la-môn (brahmaṇa), Phệxá (vessa), Thủđà (suda), sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luât được Như Lai tuyên bố này”([39]).

“Vị ấy suy nghĩ” (iti paṭisaṃcikkhati).

Iti paṭisañcikkhatīti evaṃ paccavekkhati (At):

Quán xét như vậy, gọi làvị ấy suy nghĩ”.

“Ðời sống gia đình chật hẹp” (sambādho gharāvāso).

Bản Sớ giải giải thích: “Đời sống gia đình chật hep” là cho dù ngôi nhà rộng 60 hắc tay (30 m) trên vùng đất rộng cả dotuần (16km), chỉ có 2 người “vẫn chật hẹp”.

“Chật hẹp” ở đây chỉ cho “tham, sân, mạn …” đối với ruộng đất, tài sản…

“Con đường đầy bụi” (rajo patho).

Rajo pathoti rāgarajādīnaṃ uṭṭhānaṭṭhānanti (At):

“Nơi dấy lên (bụi), trước tiên là “bụi tham ái”, gọi là “con đường đầy bụi.

Uṭṭthānanti mahā – aṭṭhakathāyaṃ vuttaṃ (At):

“Nơi dấy bụi (đã nói), được giải thích là “tài sản lớn, lợi tức nhiều”.

Tức là, “đời sống gia đình là nơi dấy lên phiền não, trước mắt là “tham ái”, vì đó là nơi “có tài sản lớn hay tài sản nhỏ” .

Mặt khác, “nơi dấy bụi” là thân bằng quyến thuộc, là bậc trưởng thượng trong gia tộc hay người nhỏ tuổi hơn.

Đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không”(abbhokāso pabbajjā).

Alagganaṭṭhena abbhokāso viyāti abbhokāso (At):

Nghĩa là “không dính mắc”, ví như “hư không không sở hữu”, gọi là “phóng khoáng như hư không”.

“Phóng khoáng như hư không, theo Bản Sớ giải “đó là ẩn dụ nghĩa”.

Trong hư không có nhiều loại gió:

“Giống như giữa hư không, gió nhiều loại thổi lên.

Từ phương Đông, phương Tây; từ phương Nam, phương Bắc.

Gió có bụi, không bụi; có gió lạnh, gió nóng.

Có gió lớn, gió nhỏ, gió nhiều loại, thổi lên.([40])

Những ngọn gió không bị trói buộc, di chuyển tùy ý trong hư không.

Cũng vậy, đời sống xuất gia không bị trói buộc, không dính mắc như “gió trong hư không”.

Bản Sớ giải có giải thích: “Thậm chí vị xuất gia đang sống trong ngôi nhà nóc nhọn bằng ngọc báu tinh anh như thiên cung (kūtāgāraratanapāsādadevavimānā dīsu), với các cửa đóng kính, có mái che kín đáo.

Vị ấy không hề dinh mắc (neva laggati), không nắm giữ (na sajjhati), không bị trói buộc (na bajjhati), như gió trong hư không không dính mắc, không bị trói buộc.

“Như tù – và vỏ ốc sạch trắng” (saṅkha likhitaṃ).

Saṅkha – likhitanti likkhitasaṅkha sadisaṃ dhota saṅkhasappaṭbhāgaṃ caritabbaṃ (At):

Nạo vét sạch bên trong vỏ ốc dùng làm tù – và, được rửa sạch sẽ cả trong lẫn ngoài gọi là như tù và bằng vỏ ốc trắng sạch.

Tù và bằng vỏ ốc là một thành ngữ có từ lâu của dân Ấn cổ, đó là “hiệu lịnh của vị Phạm thiên”, để làm “phát sinh” (saṅkhata) một cái gì khác.

Theo quan niệm Bà-la-môn, vị Phạm thiên là “Sáng tạo chủ”, thường dùng tù-và bằng vỏ ốc, khi thổi lên các vị thần linh đều quy tụ lại để nghe lịnh truyền của vị Phạm thiên.

Vua trời Đế thích (Sakka) cũng có chiếc tù-và là “càng cua”, khi vua trời Đế thích thổi tù-và, tiếng tù-và lan rộng khắp kinh thành Sudassana (Thiện kiến) rộng 10 ngàn do tuần ở cõi Ba mươi Ba (Tāvatiṃsa) và chư thiên nghe tiếng tù-và, cùng nhau hội tụ lại Thiện pháp đường (Sudhamma) để nghe pháp([41]).

Tù-và có nghĩa là “lịnh truyền ra”.

Tù và bằng vỏ ốc chỉ cho bốn phạm trú “Từ, bi, hỷ, xả”([42]).

Trắng sạch. Là tu tập, làm biến mãn các phương với “từ tâm giải thoát”, sẽ làm “tăng trưởng các thiện pháp trọn vẹn”, “hủy diệt các ác – bất thiện pháp” trọn vẹn.

Tu tập, làm biến mảnvới các phương với “bi tâm giải thoát”… “với hỷ tâm giải thoát”… “với xả tâm giải thoát”, sẽ làm sẽ làm “tăng trưởng các thiện pháp trọn vẹn”, “hủy diệt các ác – bất thiện pháp” trọn vẹn (sđd).

Chánh kinh.

  1. So aparena samayena appaṃ vā bhoga-kkhandhaṃ pahāya mahantaṃ vā bhoga-kkhandhaṃ pahāya, appaṃ vā ñāti parivaṭṭaṃ pahāya mahantaṃ vā ñāti-parivaṭṭaṃ pahāya, kesa-massuṃ ohāretvā kāsāyāni vatthāni acchādetvā agārasmā anagāriyaṃ pabbajjeyya’nti”.

Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản nhỏ hay tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ hay bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, và xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

  1. So evaṃ pabbajito samāno pātimokkhasaṃvarasaṃvuto viharati,

Khi đã xuất gia Sa-môn như vậy, vị ấy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha,([43])

ācāragocārasampanno aṇumattesuvajjesu bhayadassāvī samādāya sikkhati sikkhāpadesu,

đầy đủ phẩm hạnh hành xứ, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và chấp nhận học tập trong giới học,

kāyakammavacīkammena samannāgato kusalena parisuddhājīvo,

nhờ thân nghiệp, ngữ nghiệp thành tựu từ thiện, sự sống trong sạch,

sīlasampanno indriyesu guttadvāro satisampajaññena samannāgato santuṭṭho.

giới hạnh tròn đủ, gìn giữ các cửa trong các quyền thành tựu từ niệm tỉnh giác, biết đủ.

Giải.

Bỏ tài sản nhỏ hay tài sản lớn”.

“Appaṃ vāti sahassato heṭṭhā bhogakhandho appo nāma hoti, sahassato paṭṭhāya mahā :

“Tài sản dưới 100.000 (1.000x 100) đồng, gọi là “tài sản nhỏ”, từ 100 ngàn đồng (trở lên) gọi là “tài sản lớn” (At).

Từ bỏ quyến thuộc”. Là không liên hệ với quyến thuộc của mình và những người thân chung quanh.

“Quyến thuộc nhỏ hay quyến thuộc lớn”.

“Sopi vīsatiyā heṭṭhā appo nāma hoti, vīsatiyā paṭṭhāya mahā”:

“Dưới 20 người gọi là “quyến thuộc nhỏ”, từ 20 người (trở lên) là “quyến thuộc lớn” (At).

“Sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pātimokkha”(pātimokkhasaṃvarasaṃvuto viharati).

“Giới bổn” (pātimokkha). Nghĩa đen của chữ Pātimokkha là “chủ giải thoát”.

Gọi là “chủ nhân”(pati), vì người định ra các điều học này là Đức Phật, Ngài là vị chủ nhân của Tam giới, ngoài Đức Phật Chánh giác không một ai có khả năng “chế định những học giới với mục đích dẫn đến giải thoát ra khỏi luân hồi”.

Có lần chư Tăng trong thành Xá-vệ (Sāvatthī) quy định rằng: “Này chư hiền, Đức Thế Tôn đang tịnh cư trong ba tháng, ngoại trừ người mang vật thực đến Đức Thế Tôn; không ai được gặp Đức Thế Tôn.Vị nào đi đến gặp Đức Thế Tôn, vị ấy phạm Ưng- đối- trị (pācittiya), phải sám hối.”

Thế rồi, Đức Upasena (em Ngài Xá-lợi-phất), khi mãn mùa an cư đi đến yết kiến Đức Thế Tôn, nghe Đức Thế Tôn lập lại sự quy định của chư Tăng thành Sāvatthī (Xá-vệ), Ngài Upasena bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, chúng con không quy định điều chưa được quy định, sẽ không hủy bỏ điều đã được quy định”.

Đức Thế Tôn khen ngợi rằng:

“Lành thay, lành thay. Không nên quy định điều chưa được quy định, không nên hủy bỏ điều đã được quy định” ([44]).

Lại nữa, gọi là “chủ nhân”, vì chỉ có Đức Phật Chánh giác mới có khả năng “khai mở đạo lộ giải thoát này”.

Vì rằng “Sự chế định Tạng Luật cho chư Tỳ-khưu, mang lại 10 điều lợi ích” là:

– Để Tăng chúng được cực thiện (saṅgha sutthutāya).

– Để Tăng chúng được an vui (saṅgha phāsukatāya).

-Để răn đe, chận đứng các người khó dạy (dummaṅkūnaṃ puggaāanaṃ niggahāya).

– Để các thiện Tỳ-khưu sống an vui (pesalānaṃ bhikkhūnaṃ phāsukavihārāya).

-Để chế ngự các ô nhiễm trong hiện tại (diṭṭhadhammikānaṃ āsavānaṃ saṃvarāya).

-Để ngăn ngừa các ô nhiễm trong tương lai (saṃparāyikānaṃ āsavānaṃ patighātāya).

– Để mang lại niềm tin cho người chưa có niềm tin (appasannānaṃ palādāya).

– Để tăng trưởng niềm tin đến người có niềm tin (pasannānaṃ bhiyyobhāvāya).

-Để Diệu pháp được tồn tại lâu dài (saddhammaṃ maṭṭhitiyā).

– Để Tạng Luật hiển lộ (vinayānuggahāya)([45]).

Cách giải tự khác của từ “pātimokkha” (Giới bổn) là:

Pāti + mokkha = pātimokkha:

Gìn giữ sự giải thoát là Giới bổn.

“Pātimokkhanti sikkhāpadasīlaṃ”: Giới là điều học, gọi là “giới bổn”([46]).

Nghĩa là từ Giới (dẫn đến giải thoát), Đức Thế Tôn chế định thành điều học cho chư Tỳ-khưu.

Giới dẫn đến giải thoát chính là “Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng”.

Giới này giúp cho người gìn giữ (pāti) giới thoát ra (mokkheti) hay thoát khỏi (mocayati) các khổ cảnh như Địa ngục, ngạ quỷ, A-tu- la …

Hay thoát ra khỏi sinh tử luân hồi, nên gọi là “Giới đưa đến giải thoát” (pātimokkha).

Trong kinh văn có ghi nhận: “bản tụng đọc này, gồm hơn 150 học giới”“tất cả được thu nhiếp trong 3 học giới: Tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học và tăng thượng tuệ học”([47]).

Lời dạy trên cho thấy trong Giới bổn chẳng phải chỉ thuần là Giới mà bao gồm cả Định và Tuệ.

Ví như Quân đội có Quân luật, các người lính phải tuân thủ theo luật quân đội. Hay các công sở có nội quy, các công nhân phải tuân thủ nội quy ở nơi làm việc của mình.

Cũng vậy, Giới bổn là những “quy định” được Đức Thế Tôn định đặt cho chư Tỳ-khưu, chư Tỳ-khưu ni. Bao giờ còn là Tỳ-khưu (hay Tỳ-khưu ni), vị ấy phải “khép mình” vào Giới bổn.

Các vị Giáo thọ sư có dạy: Vị trì luật có khả năng chứng đạt quả vị A-la-hán Tam minh và “Giữ được một điều học là thoát ra một tội”.

Mặt khác, đoạn kinh văn trên cho thấy “hơn 150 học giới” là trọng giới, là “những học pháp căn bản Phạm hạnh, tương xứng với Phạm hạnh”.

Có thể hiểu “hơn 150 học giới ấy” là: 4 điều triệt khai (pārājikasīla), 13 giới Tăng-tàng (saṅghadisesasīla), 30 Ưng -xả đối trị (nissaggiyasīla), 92 Ưng-đối trị (pācittiyasīla), 4 Ưng phát lộ (pāṭidesaniyasīla), 7 điều diệt tranh sự và một số học giới trong 75 Ưng học pháp (sekhiyasīla).

Đức Thế Tôn dạy: “Vị Tỳ-khưu nghiêm trì giới luật toàn phần, định một phần, tuệ một phần. Vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt nào (tức là ngoài 150 học giới căn bản nói trên –Ns), vị ấy được xem là Thanh tịnh” (sđd).

Ngoài ra, vị ấy có khả năng chứng đạt quả Dự lưu hay quả Nhất Lai.

“Với vị nghiêm trì Giới luật toàn phần, định toàn phần và tuệ một phần. Vị ấy có khả năng chứng đạt quả Bất Lai”.

“Với vị nghiêm trì Giới luật toàn phần, định toàn phần và tuệ toàn phần. Vị ấy có khả năng chứng đạt quả vị A-la-hán”(sđd).

Đây là ý nghĩa “giải thoát” của giới bổn.

“Chế ngự với sự chế ngự của giới bổn” (pātimokkhasaṃvarasaṃvuto).

Pātimokkhasaṃvarasaṃvutoti pātimokkhasaṃvarena samannāgato:

“Chế ngự với sự chế ngự của giới bổn” là “khép mình” trong các điều được ban hành” (At).

Nghĩa là: Vị Tỳ-khưu nương vào giới bổn để chế ngự thân – ngữ, không cho thân – ngữ rơi vào tội lỗi.

Để sự chế ngự trong giới bổn được hoàn hảo, vị Tỳ -khưu còn phải thọ trì một loại giới trong sạch khác, đó là “giới chế ngự các quyền” (indriyasaṃvarasīla).

Vì rằng: Giới bổn chỉ ngăn ngừa thân – ngữ, không cho thận -ngữ rơi vào tội lỗi, nhưng còn ý thì sao?

Ý sinh diệt cực nhanh, nếu không “chế ngự ý”, ý sẽ rơi vào bất thiện ngay. Như Phật ngôn:

“Khó nắm giữ, khinh động; theo các dục quay cuồng.

Lành thay, điều phục tâm; tâm điều, an lạc đến”([48])

Các quyền (indriyā). Là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữa tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Do những nguyên nhân nào khiến nhãn quyền không được chế ngự, khiến cho tham ái, ưu bi, các bất thiện pháp khởi lên. Vị ấy chế ngự những nguyên nhân ấy. Gọi là “gìn giữ nhãn quyền”.

Tương tự như vậy: Khi tai nghe tiếng …. Khi mũi ngửi mùi … Khi lưỡi nếm vị … Khi thâm dụng chạm … khi ý nhận biết các pháp…([49])

Nhờ “gìn giữ các quyền” như thế, ý không rơi vào tham – ưu. Đây gọi là “Giới gìn giữ các quyền”.

“Như mái nhà khéo lợp; mưa không thể lọt vào.

Cũng vậy, tâm khéo tu; tham dục không xâm nhập”([50]).

Đồng thời vị Tỳ-khưu phải nương theo 2 loại giới khác để trợ duyên cho “chế ngự trong chế ngự giới bổn”. Đó là:

Giới nuôi mạng trong sạch (ājīvaparīsuddhisīla). Tức là lánh xa những điều nuôi mạng sái quấy, cách nuôi mạng chân chánh tốt nhất là “đi khất thực”.

Trong Giới bổn (pātimokkhasīla) có 6 học giới liên quan đến nuôi mạng là([51]):

1- Do nhân nuôi mạng sống, vị Tỳ-khưu khoe pháp của bậc cao nhân mà mình không thực có. Phạm giới trục xuất (pārājika).

2- Do nhân nuôi mạng sống, vị Tỳ-khưu làm mai dong, phạm tội Tăng tàng (saṅghadisesa).

3- Do nhân nuôi mạng sống, vị Tỳ-khưu nói bóng gió rằng “ vị nào sống trong Tịnh xá của ngươi, vị ấy là bậc A-la-hán”. Sau đó, vị ấy nói sai sự thật, phạm trọng tội (thullaccaya).

4- Do nhân nuôi mạng sống, vị Tỳ-khưu vô bịnh xin vật thực quý, thượng vị để thọ dụng. Phạm Ưng đối trị (pācittiya).

5- Do nhân nuôi mạng sống, vị Tỳ khưu vô bịnh ngỏ lời xin cơm – canh có nhiều chất bổ dưỡng cho mình, phạm tác ác (dukkata)([52]).

6- Do nhân nuôi mạng sống, vị Tỳ-khưu ni vô bịnh, xin vật thực quý, thượng vị để thọ dụng. Phạm Ưng phát lộ.

Có lần Đức Sāriputta (Xá-lợi -phất), sau khi đi bát khất thực theo từng nhà trong thành Vương xá, Ngài ngồi dựa vào một bức tường để thọ thực.

Một nữ du sĩ ngoại giáo là Sucimukhī đi đến Đức Sāriputta và hỏi Ngài:

-Này Sa-môn, có phải người ăn cúi mặt xuống?

– Này chị, tôi ăn không cúi mặt xuống.

-Này Sa-môn, có phải người ăn ngưỡng mặt lên?

– Này chị, tôi ăn không ngưỡng mặt lên.

-Này Sa-môn, có phải người ăn, mặt hướng về bốn hướng chính?

– Này chị, tôi ăn không có hướng về bốn hướng chính.

Và Đức Sāriputta giải thích:

“Khi ăn, mặt cúi xuống là “nuôi mạng bằng nghề xem địa lý và những nghề hèn hạ khác như: Xem tướng súc vật, bói toán …”

“Khi ăn ngưỡng mặt lên, là nuôi mạng bằng nghề xem thiên văn hay những nghề hèn hạ khác”.

“Khi ăn, mặt hướng về bốn hướng chính, là nuôi mạng bằng cách đưa tin tức, làm mai dong, môi giới, trung gian…”([53])

Những cách nuôi mạng trên, được xem là “nuôi mạng không chân chánh”, ngoài ra còn “những cách nuôi mạng sái quấy” được Đức Buddhaghosa trình bày trong tác phẩm Thanh Tịnh Đạo.

Giới liên hệ đến vật dụng (paccayasannissitasīla).

Là khi thọ dụng 4 món vật dụng : Vật thực, y phục, sàng tọa và thuốc trị bịnh, vị Tỳ-khưu cần phải quán xét: Trước khi thọ dụng, trong khi thọ dụng và sau khi thọ dụng.

Có 4 cách thọ dụng bốn món vật dụng:

Dùng như kẻ trộm (theyyaparibhogo).

Là người không gìn giữ giới luật, là người ác giới, làm hoại giới; người ấy dù có ngồi chung trong hàng với Tăng chúng, khi dùng bốn món vật dụng này vẫn được xem là “dùng như kẻ trộm”.

Dùng như người mang nợ (iṇaparibhogo). Là người có giới, nhưng khi dùng bốn món vật dụng, không có sự quán tưởng.

Dùng như người thừa tự (dāvajjaparibhogo).

Bảy bậc Thánh Hữu học khi thọ dụng bốn món vật dụng, là “dùng như người thừa tự”. Vì các Ngài là “con của Đấng Như Lai”.

Dùng như người chủ (sāmiparibho go). Là bậc Thánh A-lahán [54].

Chi pháp của Giới bổn (pātimokkha) là tâm sở Tín (saddhācetasika).

Chi pháp của “giới thu thúc các quyền” là tâm sở Niệm (saticetasika).

Chi pháp của “giới nuôi mạng trong sạch” là tâm sở Tinh tấn (viriyacetasika).

Chi pháp của “giới liên hệ vật dụng” là tâm sở Trí (paññācetaika).

“Sống” (viharati).

“Viharatīti iriyati: Sống là oai nghi (At).

“Sống chế ngự” là sự thực hành.

“Sự chế ngự trong giới bổn”.“chế ngự” của Giáo thuyết.

“Sống chế ngự với sự chế ngự trong giới bổn” là thực hành những điều được Đức Thế Tôn chế định cho chư Tỳ-khưu.

“Đầy đủ phẩm hạnh, hành xứ ” (ācāragocara sampanno).

“Về hành xứ”(gocara).

Vị Tỳ -khưu không nên đến 6 chỗ:

1- Không nên đến khu vực của những kỹ nữ (lầu xanh) (vesiyāgocara).

2- Không nên thường lui tới nhà góa phụ (vidhavāgocara).

3- Không nên thường lui tới nhà phụ nữ lở thời (gái già) (thūlāgocara).

4- Không nên đến chỗ ở của Tỳ-khưu ni (bhikkhuniyāgocara).

5- Không nên đến nhà hoạn quan hay người lại cái (bóng) (paṇḍakāgocara).

6- Không nên thường đến quán rượu (pānāgārāgocara).([55])

Ngoài ra, không nên sống lẫn lộn với vua, quan, các Tôn chủ dị giáo hoặc đệ tử các tôn chủ dị giáo, giao thiệp với người bị luật pháp truy nả, hoặc với những gia đình không có đức tin nơi Tam bảo, thường phỉ báng Tam bảo([56]).

Vị Tỳ-khưu nên thân cận với những gia đình có đức tin Tam bảo như “giếng nước trong”, thân cận với các bậc Thiện trí thức, bậc trì giới, bậc đa văn…

Nếu không có việc khẩn cấp, vị Tỳ-khưu không nên đi trong đêm, vì có 6 tai hại cho người thường đi trong đêm là:

1- Là người không tự bảo vệ được mình (attāpissa agutto arakkhito hoti).

2- Là người không bảo vệ (gìn giữ) được vợ con (puttadāropissa agutto arakkhito hoti).

3- Là người không gìn giữ được tài sản (sāpateyyaṃ pissa agutto arakkhito hoti).

4- Làm người khác nghi hoặc (saṅkiyo ca hoti).

5- Bị người khác phao vu (abhūtavacanañca tasmiṃ ruhati).

6- Gặp nhiều bất hạnnh và đau khổ (bahunnañca dukkhadhammānaṃ) (sđd).

Lại nữa, có loại hành xứ nên nương tựa (upanissayagocara), có loại hành xứ nên gìn giữ (ārakkhagocara), có loại hành xứ nên buộc tâm (upanibandhagocara).

Hành xứ nên thân cận.

Là thân cận các thiện hữu (kalyāṇamitto) nói về 10 điều lợi ích (dasakathāvatthuguṇa). Đó là nói về: Ít ham muốn, biết đủ, sống nơi thanh vắng, sống một mình, tinh tấn, giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến([57]).

Khi thân cận “người bạn lành” này sẽ được “nghe những điều chưa nghe”, “điều đã nghe được hiểu rõ ràng”,”dứt bỏ hoài nghi”, “làm tri kiến trở nên đúng đắn”, “làm tâm trở nên trong sạch”. Đây là “hành xứ nên nương tựa”.

Hoặc do thân cận người bạn lành này sẽ làn tăng trưởng đức tin (saddhāya vaḍḍhati), giới hạnh (sīlena), đa văn (sutena), dứt bỏ (cāgena) và trí tuệ (paññāya).

Hành xứ nên gìn giữ.

Là vị Tỳ-khưu khi đi vào trong xóm, mắt nhìn xa độ một hắc tay, không nhìn tượng binh, không nhìn kỵ binh, không nhìn bộ binh, không nhìn nữ nhân, không nhìn nam nhân, không ngước mắt nhìn lên, không nhìn cúi xuống, không nhìn hướng chính hướng phụ. Đây gọi là “hành xứ nên gìn giữ”.

Sách Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi magga) có dẫn ra câu chuyên Trưởng lão Cittagutta (Nhiếp Tâm) trong sự “gìn giữ con mắt” như sau:

Trưởng lão Cittagutta.

Tương truyền Trưởng lão Cittagutta (Nhiếp Tâm) sống trong hang động Kuruṇḍaka tại Coramahāvihāra.

Trong hang động phía trên nóc có khắc 7 bức phù điêu, mô tả sự xuất gia vĩ đại của 7 vị Phật, những bức phù điêu ấy rất xinh đẹp và sinh động.

Nhiều vị Tỳ-khưu đến viếng thăm thạch động Kuruṇḍaka, thấy 7 bức phù điêu ấy, hỏi Trưởng lão rằng:

– Bạch Ngài, 7 bức phù điêu này có xinh đẹp không?

– Này chư hiền, tôi sống trong thạch động này đã 60 năm, không biết có phù điêu ? Nay chư hiền hỏi, tôi mới biết là có 7 bức phù điêu.

Tuy Trưởng lão sống trong hang động, nhưng không bao giờ ngước mắt nhìn lên. Trước cửa thạch động có cây đại tho nở hoa vàng, trưởng lão cũng không bao giờ ngước mắt nhìn lên. Khi hoa trụng rơi trên đất, Trưởng lão mới biết là cây nở hoa.

Đức vua nghe Trưởng lão là người có sự thu mắt mắt như thế, là người thành tựu được ân đức cao thượng. Đức vua muốn đảnh lễ Trưởng lão, ba lần phái người đến thỉnh Trưởng lão vào cung, Trưởng lão từ chối.

Đức vua ra lịnh niêm phong ngực của những bà mẹ có con nhỏ, đóng dấu ấn teên ấy và ra lịnh rằng: “Bao giờ Trưởng lão chưa vào cung, bấy giờ những hài tử này sẽ không có sữa bú”.

Vì lòng bi mẫn đối với các hài nhi, Trưởng lão đành phải đến Hoàng cung. Nghe Trưởng lão đến, Đức vua ra lịnh cho vị quan Đại thần:

– Hãy thỉnh Trưởng lão vào cung, Ta muốn thọ quy – giới nơi Ngài.

Sau khi Trưởng lão vào cung nội, Đức vua đảnh lễ Trưởng lão rồi cúng dường vật thực đến Ngài, sau đó Đức vua bạch rằng:

-Thưa Ngài, hôm nay chưa đủ điều kiên, mai Trẩm sẽ thọ trì giới.

Hôm sau, Đức vua cùng Hoàng hậu và những người trong Hoàng tộc đi đến đảnh lễ Trưởng lão, thọ trì quy – giới.

Khi Đức vua hay Hoàng Hậu đảnh lễ Ngài, Ngài đều cầu chú “Mong Đại vương hãy an lạc” (vì Ngài không nhìn lên cũng không nhìn quá xa, Ngài chỉ thấy bóng người đảnh lễ mà thôi, nên Ngai chúc như vậy).

Khi Chư Tỳ khưu hỏi:

– Vì sao mà Ngài chúc như vậy.

– Thưa chư hiền, vì tôi không xác định được đó là Đức vua hay Hoàng hậu.

Sau 7 ngày ở Hoàng cung, Đức vua thấy “với nghiêm hạnh của Ngài như thế, sồng ở nơi đây vất vả cho Ngài quá”. Nên Đức vua cung thỉnh Ngài trở về thạch động Kuruṇḍaka.

Khi về trú xứ, trong đêm ấy Ngài đi kinh hành. Vị thọ thần nơi cây đại thọ hoan hỷ với hạnh “nhiếp phục mắt” của Ngài, hoan hỷ cầm đèn soi rọi con đường kinh hành của Ngài.

Sau 7 ngày ở Hoàng cung, nay trở về trú xứ cũ, tâm của Ngài như “voi chúa về rừng”, sự bẩn chật tâm khi ở Hoàng cung tiêu tán. Với tâm hân hoan, Ngài phát triển nghệp xứ thiền quán, khoảng canh giữa Ngài chứng quả A-la-hán, khi ấy quả đất rung động, sấm nổ vang rền khắp đồi núi (đây là báo “Ngài hoàn thành phận sự Sa-môn”).

Do đó, ngườimuốn đạt lợi ích:

“Mắt không nên phóng túng; như khỉ nhãy trong rừng.

Như nai cứ lang thang; như trẻ nằm vùng vẩy.

Đôi mắt hãy nhìn xuống; thấy khoảng một hắc tay.

Tâm đổi như khỉ rừng; chớ rơi vào quyền lực nó”.

Tương tự như thế với,tai, mũi, lưỡi và thân.

Hành xứ cột tâm.

Bốn niệm xứ (catuttha satipaṭṭhāna) là hành xứ cột tâm. Như Đức Phật dạy:

“Này các Tỳ-khưu, chỗ nào là hành xứ của Tỳ-khưu? Chính là bốn niệm xứ”([58])

Về phẩm hạnh” (ācara).

Không vi phạm học giới bằng thân, không vi phạm học giới bằng lời nói, không vi phạm học giới bằng thân lẫn lời nói, gọi là “phẩm hạnh”.

Thu thúc trong các giới như “quyền thu thúc giới” là phẩm hạnh.

Nuôi mạng chân chánh là phẩm hạnh.

Phẩm hạnh tốt đẹp về thân.

Như khi đi vào trong xóm hay ngồi trong xóm, phải đấp y vén khéo, không để hở mình (là không đấp y chừa hở vai), không chống nạnh, không trùm kín đầu khi đi vào trong xóm, không đi nhón gót.

Khi đi khất thực trong xóm không nhìn chỗ này chỗ nọ, chỉ nhìn phía trước khoảng 2 mét … Hoặc khi thọ thực phải nghiêm trang…([59]).

Không đứng – ngồi trước các vị trưởng lão, không chen lấn trước các vị trưởng lão…

Có sự cung kính các bậc Trưởng lão, có sự tôn trọng các bậc đồng phạm hạnh, có hổ thẹn tội lỗi, có ghê sợ tội lỗi, có đầy đủ oai nghi tề hạnh… Có sự “biết đủ”, có sự ghi nhớ (niệm) …

Phẩm hạnh tốt đẹp về ngữ. Như “không cười vang khi đi vào trong xóm”, không nói lời thô tục, tỏ lời chào hỏi các vị Trưởng lão, hỏi pháp hoặc trả lời pháp …

Câu nói “sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn” là nói đến “điều thực hành”.

Câu nói “đầy đủ phẩm hạnh, hành xứ” là nói đến “người” và “cách thực hành” để thành tựu Giới.

Như nói “bảy pháp thanh tinh là: Giới tịnh, tâm tịnh, kiến tịnh…” là “điều thanh tịnh”.

Hành giả (người) thực hành phương pháp (cách) nào, để thành tựu được 7 pháp thanh tịnh.

“Đầy đủ phẩm hạnh, hành xứ”. Bản Sớ giải giải thích “ phẩm hạnh, hành xứ đó là đời sống Phạm hạnh”, “đời sống phạm hạnh được đầy đủ (sampanna) khi Giới – định – tuệ đầy đủ.

“Giới – định – tuệ đầy đủ” trong ba cách:

– Được diễn tiến đến sát-na (khaṇa) cuối cùng trong lộ tâm Đắc đạo A-la-hán.

– Được diễn tiến đến sát-na cuối cùng trong lộ nhập thiền quả A-la-hán (thậm chí cả ngày, 2 ngày…).

– Được diễn tiến đến sát-na viên tịch (trong lộ viên tịch).

“Trong những lỗi nhỏ nhất”(aṇumattesuvajjesu).

“Aṇumattesūti appamattakesu:

Nhỏ nhất” “không có giá trị”(At).”

“Vajjesūti akusaladhammesu”;

Trong tội lỗi là trong bất thiện pháp” (At).

“Thấy tội lỗi nhỏ nhất”“nhận ra được bất thiện pháp ở trong thân – ngữ không tốt đẹp”.

Bất thiện pháp ấy là gì? Là sự phóng dật hay không thận trọng (pamatta).

“Thấy nguy hại trong những lỗi nhỏ nhất”(bhayadassāvī).

Tuy phóng dật ở nơi thân hay lời nói, không mang lại kết quả tai hại nào đáng kể, nhưng vị Tỳ-khưu thường quán xét để ngăn ngừa chúng. Vì sao? Vì khi chúng tích lũy lại sẽ tạo ra những chướng ngại trong sự thực hành pháp.

Ví như một hạt bụi không là gì cả, nhưng khi chúng tích lũy sẽ trở thành khối cát lớn và khối cát này sẽ là một trở ngại cho người đi đường.

Trong Sớ giải kinh Pháp cú có ghi nhận câu chuyện:

Có vị Tỳ-khưu khi sử dụng giường, mền, chiếu của chư Tăng. Vị ấy mang ra ngoài rồi không mang vào, khiến những vật dụng ấy bị hư hoại. Chư Tỳ-khưu nhắc nhở:

-Này Hiền giả, vật dụng sau khi dùng xong, Hiền giả nên mang vào cất cho đàng hoàng.

Vị ấy cải rằng:

– Này chư hiền, việc tôi làm ấy thật nhỏ nhoi, vì những vật dụng ấy không có tâm.

Chư Tăng mang câu chuyên trình lện Đức Phật. Sau khi khiển trách vị Tỳ-khưu phạm lỗi, Đức Đạo sư dạy rằng:

“Chớ khinh thường ác nhỏ; cho rằng chưa đến mình.

Như nước nhỏ từng giọt; rồi bình cũng đầy tràn.

Người ngu chứa đầy ác; do chất chứa dần dần”([60]).

Tuy bản thân Phóng dật (uddhacca) không gây ra kết quả tai hại đáng kể, nhưng vị Tỳ-khưu có trí nhận thức được rằng: “Chúng tạo điều kiện cho tham – sân – mạn – kiến – nghi…” sinh khởi. Riêng chính chúng lại là một chướng ngại trong thiền quán lẫn thiền chỉ, vì phận sự của chúng là “làm cho tâm loạn động”..

Muốn chứng đạt thiền chỉ tịnh, hành giả phải vượt qua chướng ngại là “phóng dật”, khi ấy tâm mới an tịnh, khi tâm an thịnh mới có thể thâm nhập vào ấn tướng (sau khi vượt qua chướng ngại tham dục) để chứng đắc Sơ định.Ví như người muốn xỏ sợi chỉ qua trôn kim, nhưng tay cứ rung rung, sợi chỉ sẽkhông thể đi ngay vào trôn kim; cũng vậy do Phóng dật tâm không thể an tịnh để thâm nhập vào “cảnh thiền”.

Muốn chứng đạt thiền tướng (jhānalakkhaṇa), tâm hành giả phải ở trong trạng thái an tịnh, nhưng Phóng dật sẽ quấy rối tâm, khiến tâm không thể an tịnh.

Một khi tâm không yên tịnh, trí quán sẽ không nhận thức được tam tướng rõ nét, ví như người cứ di động bức tranh, khiến người có mắt không thể nhận thức trọn ven những nét vẽ bức tranh.

Một khi Tam tướng không hiển lộ thì không thể phát triển tuệ quán đển chứng đạt Níp-bàn (Nibbāna).

Do nhận thức được điều này, nên “vị Tỳ-khưu thấy nguy hại trong những lỗi nhỏ nhất”.

Đức Phật có dạy:

“Không phóng dật, đường sống; phóng dật là đường chết.

Không phóng dật, không chết; phóng dật như chết rồi.”([61]).

Lại nữa, “thấy nguy hại trong những tội nhỏ nhất”, là các tội khác với tội vô ý phạm vào giới Ưng học pháp, hay những lỗi nhỏ nhất làm sinh khởi những bất thiện pháp.

Do “thấy được nguy hại trong những lỗi nhỏ nhất”, nên vị Tỳ-khưu trong Giáo pháp này “không dám vượt qua những học giới được Đức Thế Tôn chế định”.

“Này Pahārāda, khi các học pháp được Ta chế định cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua”([62]).

Sách Thanh Tịnh đạo có dẫn ra 2 câu chuyện để minh chứng cho lời dạy của Đức Phật ở trên.

Có vị Trưởng lão trú trong rừng Mahāvattani, có bọn cướp sau khi chúng cướp đoạt tìai sản người đi đường, cùng nhau lẫn trốn vào rừng. Chúng trông thấy Trưởng lão, suy nghĩ rằng: “Đừng cho vị Sa-môn này ra khỏi nơi này, nếu không chúng ta sẽ bị lộ”. Chúng liền trói vị Trưởng lão bằng loại dây leo đen, rồi bỏ đi.

Vị Trưởng lão không dám làm đứt dây leo, vì nghĩ đến giới Ưng đối trị. Trong 7 ngày nằm nơi ấy, Ngài phát triển thiền quán chứng quả A-na-hàm. Mệnh chung sinh về Phạm thiên giới.

Có một câu chuyện khác như sau:

Trên đảo Tampaṇṇi ở Tích Lan, một vị trưởng lão cũng bị bọn cướp bắt trói bằng sợi dây leo trong rừng.

Khu rừng phát hỏa, nhưng dây leo chưa bị cắt nên Ngài không dám vi phạm giới Ưng đối trị, nằm phát triển tuệ quán chứng đắc quả A-la-hán và viên tịch.

Trưởng lão Abhaya (Vô Úy), Giáo thọ sư Trường bộ kinh cùng với 500 vị Tỳ-khưu, chứng kiến vị Trưởng lão “thà chết chứ không vi phạm giới” ấy. Khi lửa rừng đã dứt, Trưởng lão Abhaya cùng 500 vị Tỳ-khưu hỏa táng nhục thân của vị Trưởng lão ấy, rồi lập tháp thờ Xa-lợi của Ngài ngay chính tại chỗ ấy.

“Thọ trì”(samādāya).

Samādāyati sammā ādiyitvā”: Thọ trì là đã nhận lãnh đúng đắn (At).

Học tập trong giới học”(sikkhati sikkhāpadesu).

Sikkhati sikkhāpadesūti sikkhāpadesu taṃ taṃ sikkhāpadaṃ samādiyitvā sikkhati (At):

“Học tập trong học giới” là điều học trong học giới nào đã học tập và thọ trì.

Mỗi học giới có nhiều chi phần kết hợp, học tập học giới là “học tất cả những chi phần của học giới” ấy.

Nói cách khác, có bao học giới vị ấy học tập và thọ trì tất cả một cách đúng đắn (sammā ādāya).

Nhờ thân nghiệp, ngữ nghiệp thành tựu từ thiện, sự sống trong sạch” (kāyakammavacīkammena samannāgato kusalena parisuddhājīvo).

Bản Sớ giải giải thích: “Phẩm hạnh, hành xứ” được viên mãn do nương vào thân – ngữ nghiệp không xa lìa thiện pháp.

Điều “nuôi mạng trong sạch (parisuddhājīva)” để hổ trợ cho “phẩm hạnh, hành xứ viên mãn”. Điều này không sinh khởi từ hư không hay sinh khởi từ ngọn cây, mà sinh khởi từ thân nghiệp thiện, ngữ nghiệp thiện.

Tức là “từ thân nghiệp thiện, ngữ nghiệp thiện dẫn đến “nuôi mạng trong sạch”.

Đức Phật có dạy:

“Katame ca, thapati, kusalā sīlā? Và này người thợ mộc, thế nào là những thiện giới?

“Kusalaṃ kāyakammaṃ, kusalaṃ vacīkammaṃ, parisuddhaṃ ājīvampi kho ahaṃ thapati sīlasmiṃ vadāmi:

“Thân nghiệp thiện, ngữ nghiệp thiện, sự sống trong sạch. Như vậy, này thợ mộc, Ta gọi là Giới”([63]).

Và câu nói “thân nghiệp, ngữ nghiệp thành tựu từ thiện, mạng sống trong sạch”. Đức Thế Tôn chỉ ra “gốc rễ” của “phẩm hạnh, hành xứ đầy đủ”.

“Giới hạnh đầy đủ” (sīlasampanno): Là nêu ra từ 3 điều (tividhena): Thân làm thiện, ngữ nói thiện và “nuôi mạng trong sạch”.

* Thân làm thiện. Là thân nương vào giới bổn để thực hành, ngoài ra còn dùng thân để tao những thiện pháp khác như Phục vụ… lánh xa thân tà vạy”.

* Ngữ nói thiện. Là ngữ nương vào giới bổn để thực hành, ngoài ra còn dùng lời để tạo những thiện hạnh như: Nói đúng thời, nói chân thật, nói có lợi ích, nói mềm dịu và nói với tâm từ ([64]).

“Đóng cửa trong các quyền”(indriyesu guttadvāro).

Indriyesu guttadvāroti manacaṭṭhena indriyesu pihitadvāro hoti (At):

“Đóng cửa trong các quyềnlà “ý thứ sáu trong các quyền, được đóng lại”.

Là khi tham, sân sinh khởi trong nội tâm, vị Tỳ-khưu lập tức diệt trừ ngay chính tai nơi ấy. Bằng pháp nào? Bằng pháp “ghi nhận – niệm (sati)”.

Hay những nguyên nhân nào dẫn đến sinh khởi tham -sân, vị ấy ngăn chận những nguyên nhân ấy, không cho xâm nhập vào tâm. Đây gọi là “đóng cửa ý quyền”.

Những nhân nào khiến sinh khởi tham –ưu ?

Đức Thế Tôn có giảng cho Bà-la-môn Jānussoni: Có 16 nguyên nhân khiến phát sinh tham – ưu là: Thân nghiệp không trong sạch, ngữ nghiệp không trong sạch, ý nghiệp không trong sạch, nuôi mạng không trong sạch, có nhiều tham dục, có ác ý, hôn trầm, tâm dao động, hoài nghi, khen mình chê người, sợ hãi, nhiều ham muốn, lười biếng, thất niệm, tâm tán loạn, và si ám.([65])

Trong Tương ưng kinh, phẩm Tương ưng Vaṅgisa có nêu ra những trường hợp Tôn giả Vaṅgisa “tự đóng cửa ý quyền”.

Tôn giả Vaṅgisa khi mới xuất gia, trú tại ngôi đền Aggālava trong xứ Ālavi, cùng với thầy mình là Tôn giả Nigrodha Kappa.

Vì mới xuất gia nên Tôn giả Vaṅgisa được để lại trông coi ngôi tịnh xá.

Bấy giờ có các nữ nhân trang điểm xinh đẹp, đi vào tịnh xá để viếng cảnh. Tham dục sinh khởi trong tâm của Tôn giả Vaṅgisa, Tôn giả Vaṅgisa tự khiển trách mình rồi cố gắng diệt trừ những tư tưởng dục nhiễm ấy.

“Thành tựu từ niệm tỉnh giác” (satisampajaññena samannāgato).

Satisampajaññena samannāgatoti abhikkante paṭikkanteti ādīsu sattasu ṭhānesu satiyā ceva sampajaññe ca samannāgato hoti (At):

“Thành tựu từ niệm tỉnh giác” trước tiên là “thích thú hướng về 7 nơi đặt niệm” và với hiểu biết trọn vẹn một cách đúng đắn, đó là thành tựu”.

Bảy nơi đặt niệm đó là gì? Ở đây đang nói về thân – ngữ.

Về thân, đặt niệm theo sáu nơi như Kinh Tứ niệm xứ phần niệm thân trên thân, là: Hơi thở, đại oai nghi, tiểu oai nghi, thể trược, tứ đại và tử thi.

Về ngữ có 1, bao gồm nói, cười.

Nghĩa là “đóng cửa ý quyền được thành tựu từ niệm tỉnh giác”.

“Biết đủ” (santuṭṭho).

Santuṭṭhoti catūsu paccayesu tividhena santosena santuṭṭho hoti (At):

“Hài lòng 3 lần với 4 món vật dụng, gọi là biết đủ”.

Tức là quán tưởng trước khi thọ dụng, trong khi thọ dụng và sau khi thọ dụng.

Dứt phần 2.

Dứt tập I.

([1])– Đức Bửu Chơn (s). Kho tàng Pháp bảo, pháp ba chi.

([2])– Đức Giới Nghiêm (d). Mi-tiên vấn đáp I (Milindapañhā), câu thứ 5 (pabbajjā).

([3])– HT. TMC (d). Sn 49, kinh Hành chánh pháp.

([4])– A.iv, 307; Pháp 8 chi; kinh Lời cao quý (Ariyavohārasuttaṃ).

([5])– M.ii, kinh Vương tử Vô Úy (Abhayarājakumārasutta).

([6])– M.i, kinh Trạm xe (RAtthavivūtasutta).

([7])– A.i, 271; Pháp ba chi, kinh Thanh tịnh (PAthamasoceyyasuttaṃ).

([8])– A.i, 272. Pháp ba chi, kinh Thanh tịnh (Dutiyasoceyyasuttaṃ).

([9])– Xem M.i, (kinh số 3) – kinh Thừa tự pháp (Dhammadāyādasutta).

([10])– Dhp. Câu 305.

([11])– HT. Thích Minh Châu (d); kinh Pháp cú câu 290.

([12])– Nghĩa đen của abhikkantataran là “xuyên qua điều thích thú nhất”- Ns.

([13])– S.iv. Kinh Mālukyaputtasuttaṃ.

([14])-M.iii, Mahāpuṇṇamasuttaṃ (Mãn nguyệt đại kinh).

([15])– D.iii, (số 86).

([16])– Dhp. Câu số 206.

([17])– A.iii, 223. Kinh Bà-la-môn Doṇa.

([18])-Dhp, câu số 360.

([19])– HT. TMC (d). S.i, 189. Tương ưng Vaṅgīsa.

([20])– Sālikā, thường dịch là chim Calăngtầngià. Một loài chim huyền thoại – Ns.

([21]) – Trong phần dịch này, cụm từ “hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh” có được do đi với cụm từ “đời sống phạm hạnh”.

Trong khi chú giải (xem ở dưới) cho cụm từ “hoàn tòam thanh tinh” đi với cụm từ “pháp (dhamma)”. Phần dịch đầu dường như có được từ phần 191.

([22])– Dhp. Câu 98. (HT. Thích Minh Châu dịch).

([23])– D. iv, Kinh Thanh Tịnh (Pāsādikasutta). HT. TMC dịch

([24])Sa là từ thu ngắn của saha (luôn cả).

([25])– Chỉ cho cõi Vô tưởng (Asaññībhūmi).

([26])– A.i, 180, pháp 3 chi. Kinh Venāga (63).

([27])– Samitapapa, bahitapapa . Là các ngữ – nghĩa học truyền thống của các từ Samaṇa và brahmaṇa.

([28])– A. iii, 223. Pháp 5 chi, kinh Bà-la-môn Doṇa (Doṇabrahmaṇasuttaṃ).

([29])– D. iv.

([30])‑ D. i. Bài kinh số 3.

([31])– HT. TMC (d). D.iii, kinh Đại bát Níp-bàn (Mahāparinibbānasuttanta).

([32])– S.v, 369.

([33])– S.v. 421. Tương ưng sự thật.

([34])– M.i, 324.

([35])– M.i, 324.

([36])– HT. TMC (d). S.v, 25. Tương ưng đạo (magga saṃyutta), kinh Phạm hạnh (brahmacariyasuttaṃ).

([37])– HT. TMC (d). It, 3. Chương một pháp (Ek. I, 6).

([38])– HT. TMC (d). It, 4. Chương một pháp (Ek. I, 8).

([39])– HT. TMC (d). A. iv, 197. Pháp 8 chi, kinh Atula Pahārāda.

([40])– HT. TMC (d). S.iv, 218. Tương ưng thọ (vedanāsaṃyuttaṃ), kinh Hư không (okāsasuttaṃ).

([41])– D.A. Kinh Javanasabha.

([42])‑ S.vi, 317. Tương ưng thôn trưởng, kinh Vỏ ốc.

([43]) – Điều luật căn bản cho chư Tỳ-khưu, có 227 điều học về Giới.

([44])– Đại Đức Nguyệt Thiên (d). Luật phân tích Tỳ-khưu II, chương Ưng-xả-đối-trị (nisaggiya), điều học thứ 15.

([45])– HT. TMC (d). A.v. 70. Chương 10 pháp, kinh Upāli và giới bổn.

([46])– Vsm. Chương I. Phần Giới, 14.

([47])– HT. TMC (d). A.i, 231. Pháp 3 chi, kinh Hữu học (sekkhasuttaṃ).

([48])– HT. TMC (d). Dhp, câu 35.

([49])– M.i, 180.

([50])– HT. TMC (d). Dhp, câu 14.

([51])– Vsm. Chương I, 16. Giải về giới nuôi mạng trong sạch (ājīvapārisuddhisīlaṃ).

([52])– Tạng Luật. Bộ Tiểu tụng (Parivāra).

([53])– HT. TMC (d). S.iii, 238. Tương ưng Sāriputta, kinh Sucimukhī (Sucimukhī suttaṃ).

([54])– Vsm. Chương I, 19.

([55])– A. iii, 128. Pháp 5 chi, kinh Đáng nghi ngờ.

Và: Đức Bửu Chơn (s.d). Kho tàng pháp bảo; pháp 6 chi.

([56])– Vsm. Chương I, 14.

([57])– M.i, 145.

([58])– S.v, 146. Tương ưng Niêm xứ, kinh Con chim Ưng (sakunagghisuttaṃ).

([59])– Xem Luật phân tích Tỳ-khưu, phần Ưng học pháp.

([60])– HT. TMC (d). Dhp. Câu 121.

([61])– HT. TMC (d). Dhp, câu 21.

([62])– HT. TMC (d). A.iv, 197. Pháp 8 chi, kinh A Tu La Pahārāda.

([63]) M.ii, 260.

([64])– Mi, kinh Ví dụ cái cưa (Kakacūpaman sutta).

([65])– M.i, kinh Sợ hãi và khiếp đảm (Bhayabheravasutta).

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app