Luận giải Kinh Sa Môn Quả (phần 2) – Chương III. Giải về tiểu giới, trung giới, đại giới
Phần 3.
Giải về tiểu giới (Cūḷasīla)
Bản Sớ giải kinh Sa-môn quả trong bộ Sumaṅgalavilāsinī, Ngài Buddhaghosa cho biết “các phần tiểu giới – trung giới và đại giới” (từ đoạn 194 – 211) được giải thích trong kinh Phạm võng (Brahmajālasuttanta).
Ở đây, chúng tôi xin tóm lược những ý chính trong bản Sớ giải kinh Phạm Võng (Chữ At trong phần giải về tiểu giới, trung giới và đại giới là chỉ cho Sớ giải kinh Phạm võng, ngoài phần tiểu- trung- đại giới thì At chỉ choa bản Sớ giải kinh Sa-môn quả).
Phần Tiểu giới có 26 điều (hết đoạn 194) .
Chánh kinh.
- Kathañca, mahārāja, bhikkhu sīlasampanno hoti?
Đại vương, thế nào là vị Tỳ-khưu giới hạnh đầy đủ?
Idha, mahārāja, bhikkhu pāṇātipātaṃ pahāya pāṇātipātā paṭivirato hoti:
Ở đây, này Đại vương, vị Tỳ-khưu đã từ bỏ sát sinh, kiêng tránh sát sinh.
Nihitadaṇḍo nihitasattho lajjī dayāpanno sabbapāṇabhūtahitānukampī viharati:
Bỏ trượng, bỏ kiếm, có sự hổ thẹn, có lòng từ, sống thương tưởng đến hạnh phúc tất cả chúng sinh và loài hữu tình.
Idampissa hoti sīlasmiṃ: Đây là giới của vị ấy.
Giải.
“Tỳ-khưu” (bhikkhu), Ngài Buddhaghosa có giải thích:
Saṃsāre bhayaṃ ikkhatīti bhikkhu ([1]):
“Người thấy sợ hãi trong luân hồi, gọi là Tỳ-khưu”(At).
Theo cách giải thích trên, là nói về tâm lý. Tức là, tuy với phẩm mạo cư sĩ, nhưng người này có tâm kinh cảm với khổ luân hồi, người ấy là “Tỳ-khưu”.
Nhưng “Tỳ-khưu” trong kinh Sa-môn quả, bao gồm: Phẩm mạo xuất gia và tâm kinh cảm “cái khổ luân hồi”([2]).
Do có đức tin, thiện nam tử xuất gia trong giáo pháp này, được định danh là “Tỳ-khưu”, là người sợ hãi khổ luân hồi, hay là người mặc y hoại sắc([3]).
Đôi khi chữ Tỳ-khưu dùng chỉ cho bậc Thánh A-la-hán, như:
“Hoàn toàn, đối danh sắc; không chấp ta, của ta.
Không chấp, không sầu não; thật xứng danh Tỳ-khưu”([4]).
Hoặc: “ Tỳ-khưu bỏ mọi nghiệp; tẩy sạch bụi làm trước.
An trú, không ngã sở; không cần nói với người”([5]).
Giáo thọ sư Dhammapāla có giải thích:
“Tỳ-khưu là chỉ cho vị đã đoạn tận tất cả phiền não (bhinnakilesatāya)”([6])
“Đã từ bỏ sát sinh”(pāṇātipātaṃ pahāya).
Pahāyati imaṃ pāṇātipāta cetanā saṅkhātaṃ dussīlyaṃ pajahitvā:
Đã từ bỏ, là đã dứt bỏ “cố ý sát sinh”(At). Tức là “không còn có ý nghĩ sát sinh”.
Ngài Buddhaghosa có giải thích “từ bỏ” (pahāna) trong sách Thanh Tịnh Đạo như sau:
Pahānanti koci dhammo nāma natthi aññatra vuttappakārānaṃ:
Từ bỏ là bất luận pháp nào chưa có, không ccho sinh khởi([7]). Và:
Từ bỏ là “không cho khởi lên một bất thiện pháp nào”.
Khi không có một bất thiện pháp nào, đồng nghĩa là “có một thiện pháp” (ngoại trừ bậc Thánh A-la-hán vì các Ngài không còn thiện pháp lẫn bất thiện pháp), ví như thành phố không có một người xấu nào, đồng nghĩa “có toàn người tốt”.
Ý nghĩa “từ bỏ” này là “nền tảng của thiện”, là “tập trung thiện pháp”.
Đã từ bỏ sát sinh ở đây chỉ cho :
– Khi chưa đắc Thánh Đạo, trong tâm không cho khởi lên “ý sát hại mạng sống chúng sinh khác”.
Khi tâm khởi lên “cố ý sát sinh”, vị ấy lập tức diệt trừ ý ác ấy. Đây gọi là “tạm thời từ bỏ”.
– Sau khi chứng đắc Thánh Đạo, là “tuyệt trừ ý ác này”, gọi là “tuyệt trừ từ bỏ”.
Bậc Dự Lưu không còn vi phạm vào 5 giới: Sát sinh, lấy của không cho, tà hạnh trong dục lạc, nói dối và uống các chất say cùng các men say.
“Kiêng tránh”(paṭiviato).
Paṭiviratoti pahīnakālato paṭṭhāya tato dussīlyato orato viratova:
Kiêng tránh là “từ bỏ theo từng thời điểm” kế tiếp sự “xa lánh ác giới”.
Tức là cương quyết không “sát hại chúng sinh khác” đi chung với “cố ý không sát sinh”.
Trong 2 từ này: “Từ bỏ” chỉ cho “ý giới”, còn “kiêng tránh” là “chỉ cho thân giới kết hợp với ý giới, hoặc ngữ giới kết hợp với ý giới, hoặc thân giới – ngữ giới kết hợp với ý giới”.
“Theo từng thời điểm”: Là thời điểm tiếp xúc với chúng sinh, chính trong những thời điểm này giữ gìn thân hay ngữ, không cho vi phạm vào nghiệp sát sinh, cho dù đó là nghiệp vô ý, gọi là kiêng tránh.
“Bỏ trượng, bỏ kiếm”. Là vứt bỏ những vật có thể sát hại chúng sinh khác. Nhưng gậy chống đi đường (tích trượng) hay dao cạo tóc của Tỳ-khưu không kể vào loại vũ khí.
Một nông dân ở Tích Lan, sau khi thọ trì giới từ vị Trưởng lão, anh ra đồng làm việc. Bất ngờ một con trăn quấn lấy anh, trong tay anh đang cầm con dao bén, anh suy nghĩ “nếu ta cầm dao bén này, khi con trăn quấn xiết, e rằng ta sẽ giết nó. Ta vừa thọ giới xong, ta hãy giữ giới”. Nghĩ xong anh quăng bỏ con dao bén, rồi quán tưởng ân đức giới. Con trăn có cảm giác đang quấn cục sắt nướng đỏ, vội tháo ra bỏ đi. Đây là điển hình “bỏ trượng, bỏ kiếm”.
Đức Phật có dạy:
Sukhakāmāni bhūtāni; yo daṇḍena vihiṃsati.
Attano sukhamesāno; pecca so na labhate sukhaṃ.
Chúng sinh cầu an lạc; ai dùng trượng hại người.
Để tìm lạc cho mình; đời sau không an lạc.”
Sukhakāmāni bhūtāni; yo daṇḍena na hiṃsati.
Attano sukhamesāno; pecca so labhate sukhaṃ.
“Chúng sinh cầu an lạc; không dùng trượng hại người.
Để tìm lạc cho mình; đời sau được hưởng lạc” ([8]).
“Bỏ trượng, bỏ kiếm” cùng các loại vũ khí sát hại, chủ yếu nói về “thân”, ngoài ra còn hàm ý “không dùng lời xúi giục kẻ khác sát hại chúng sinh”, vì đó là “binh khí miệng lưỡi”.
“Có sự hổ thẹn” (lajjī).
Lajjīti pāpajigucchanalakkhaṇāya lajjāya samannāgato:
Trạng thái chán ghét tội lỗi, thành tựu sự “e ngại” đối với tội lỗi, gọi là “có sự hổ thẹn”(At).
“Có lòng từ”. Là có tâm mát mẻ và thương mến chúng sinh.
“Sống thương tưởng đến hạnh phúc”. Là có tâm thương xót đến chúng sinh, không mong muốn chúng sinh khác đau khổ. Tức là tâm bi mẫn (karuṇā).
Đoạn kinh văn trên, Đức Thế Tôn dẫn ra “giới sát sinh” với 6 cụm từ: Đã từ bỏ, kiêng tránh, bỏ trượng – bỏ kiếm, có sự hổ thẹn, có lòng từ, có tâm bi mẫn.
Trong 6 cụm từ trên, các vị Giáo thọ sư đời sau có lời giải rằng:
Với vị chưa chứng đắc Thánh đạo, “đã từ bỏ”, “kiêng tránh” là giữ giới bậc thấp.
“Bỏ trượng, bỏ kiếm”, “có sự hổ thẹn” là giữ giới bậc trung.
Vì rằng: Tuy tâm ý cố ý tránh xa sát sinh, nhưng trong tay còn vũ khí, có thể do nhân sinh mạng hoặc tứ chi, người này vi phạm giới sát sinh.
Trái lại, khi không có những vũ khí thì người này “không thể sát hại chúng sinh”.
Lại nữa, “hổ thẹn tội lỗi” và “ghê sợ tội lỗi” là nhân gần của giới hạnh, do đó 2 cụm từ này là “giới bậc trung”.
“Có từ tâm và bi tâm” là giới cao thượng.
Giới sát sinh có 5 chi là:
– Chúng sinh (pāṇo).
– Biết chúng sinh (pāṇasaññitā).
– Có ý giết (vaddhakacittaṃ).
– Rán sức giết (upakkamo).
– Chúng sinh ấy chết (tena maraṇaṃ).
Gọi là “chúng sinh” (pāṇa) là chỉ cho “pháp có mạng quyền (jīvitindriya)”.
Một số chúng sinh chỉ có danh mạng quyền như chúng sinh cõi Vô sắc; một số chúng sinh chỉ có sắc mạng quyền, như chúng sinh cõi Vô tưởng, một số chúng sinh có cà danh lẫn sắc mạng quyền, đó là chúng sinh cõi ngũ uẩn.
Sự sát sinh chỉ có “từ cõi Tứ đại vương trở xuống”, phần lớn khởi lên ở trái đất, như những vùng đất do Dạ-xoa (yakkha) trú ẩn hay loài Kim-xí-điểu bắt loài rồng để ăn thịt hoặc các Càn-thát-bà (gandhabba) trú trong danh mộc có lõi thơm sát hại người đốn cây ấy ….
Còn trong cõi người thì người Bắc cưu lư châu (Uttarakurudīpa) giữ 5 giới một cách tự nhiên, nên không có sát sinh([9]).
Sự sát sinh được thực hiện bằng thân lẫn lời nói.
“Bằng thân”, là tự mình sát hại chúng sinh
“Bằng lời nói”, như sai bảo kẻ khác giết, khuyết khích sự tự tử …
Sự sát hại chúng sinh được thực hiện (payoga) theo sáu cách.
1- Tự mình giết.
2- Bảo người khác giết.
3- Giết bằng cách phóng vũ khí, như bắn tên, phóng lao …
4- Giết bằng cạm bẩy, như đào hố, hầm chông ..
5- Giết bằng ma thuật, như các thầy phù thủy dùng chú thuật giết người hoặc phi nhân …
6- Giết bằng thần lực. Như các thiên nhân tiêu diệt quốc độ Daṇḍakī ….
* Giết chúng sinh có thân nhỏ có tội nhẹ so với giết chúng sinh có thân lớn. Như giết con gà có tội nhẹ so với giết bò, giết heo …
* Giêt chúng sinh có lợi ích , có tội nặng so với giết chúng sinh không có lợi ích.
* Giết bậc có ân đức có tội năng so với người không có ân đức.
* Giết cha – mẹ có tội năng nhất, vì chắc chắn phải rơi vào địa ngục ngay kiếp kế tiếp.
Người giết cha-mẹ, gọi là pārājikapuggala (người sống ngoài cõi người).
Người giết cha- mẹ, sau khi chết phần nhiều sinh vào địa ngục A-tỳ (Avīci), nhưng cũng có một số sinh vào địa ngục Đồng sôi (lohakumbhiyaniraya) như vua A-xà-thế là điển hình, số khác rơi vào địa ngục Than khóc (Roruva naraka) (sđd).
Chuyện vua Majjha ([10]).
Thuở quá khứ, có quốc đô tên là Majjha, cai trị vương quốc này là vị vua cũng có tên là Majjha. Đức vua cùng thần dân đều là người tà kiến.
Bấy giờ có vị Đạo sĩ tên là Mātaṅga, vị này có đông đảo tùy tùng, có danh tiếng lan rộng khắp quốc độ.
Đức vua cùng các Đại thần không hài lòng trước danh thơm của Đạo sĩ Mātaṅga; ban đầu chỉ biểu lộ cử chỉ khinh miệt và có lời chỉ trích Đạo sĩ Mātaṅga mà thôi. Về sau do sự xúi giục của các cận thần, vua Majjha đã giết Đạo sĩ Mātaṅga.
Sau khi Đạo sĩ Mātaṅga chết, đồ chúng của vị ấy tản mạn đi sang xứ khác, trong xứ Majjha chỉ còn những người tà kiến.
Chư thiên thấy các bậc có giới hạnh ra đi, những thiên nhân nỗi giận, tạo mưa tro bụi, cùng mưa lửa than nóng đỏ, tiêu diệt cả quốc độ Majjha, quốc độchỉ còn lại đất hoang và rừng rậm mà thôi.
Đây là sự sát hại do thần lực.
Đức Phật có dạy: “Này các Tỳ-khưu, sát sinh được thực hiện (bhāvena), được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của sát sinh là “được làm người” với tuổi thọ ngắn”([11]).
Và trong kinh Tướng (lakkhaṇasutta)([12]) Ngài dạy rằng:
“Trong bất kỳ đời trước nào, Ngài thường gìn giữ học giới này, trong kiếp hiện tại Ngài có 3 đại nhân tướng là: Gót chân thon dài, ngón tay – ngón chân dài và ray – chân mềm mại. Đồng thời “ thọ mạng được lâu dài, không một kẻ thù nào có thể hại được mạng sống”.
Chánh kinh.
Adinnādānaṃ pahāya adinnādānā paṭivirato hoti:
Vị ấy đã từ bỏ lấy của không cho, kiêng tránh lấy của không cho.
dinnādāyī dinnapāṭikaṅkhī: chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho
athenena sucibhūtena attanā viharati: tự sống trong sạch không trộm cắp.
Idampissa hoti sīlasmiṃ: Đây là giới của vị ấy.
Giải.
Tương tự như giới “không sát sinh”, Đức Thế Tôn dẫn ra 6 điều của giới “trộm cắp”, các Giáo thọ sư đời sau giải thích là:
– “Đã từ bỏ’ . Là không có “cố ý lấy của không cho”.
– “Kiêng tránh”. Là không thực hiện bằng thân hay ngữ, kết hợp với “cố ý từ bỏ lấy của không cho”. Hai điều này là “giới bậc thấp”.
–“Chỉ lấy những vật đã cho”. Là chỉ mang đi những vật đã được cho.
– “Chỉ mong những vật đã cho”. Là chỉ nghĩ đến những gì đã được cho, không nghĩ đến những vật không được cho.
Những gì khi xin do nhu cầu cần dùng, nhưng chủ nhân vật ấy không cho thì “không nghĩ đến nữa”, không nói bóng gió, không thuyết phục, không van nài, không gợi ý … để có được vật ấy.
Hai điều này là “giới bậc trung”.
Ngài Buddhaghosa (Giác âm) trong sách Thanh Tịnh Đạo có dẫn ra “nói bóng gió” (samantajappā) như sau:
Có vị Tỳ-khưu đi đến một gia đình với ý mong muốn thọ thực. Khi đi đến nhà, vị ấy vào nhà rồi ngồi xuống; người nữ gia chủ có ý “không muốn cho” nên bạch rằng: “Bạch Ngài, không có gạo”.
Rồi bà đi sang nhà lân cận, giả vờ tìm gạo. Vị Tỳ-khưu đi vào trong, nhìn thấy cây mía tại góc cửa, thấy mật mía ở trong ghè, thấy khoanh cá muối nằm trong giỏ, thấy gạo trong nồi, thấy bơ đặc chứa trong bình. Vị ấy trở ra ngồi vào chỗ cũ.
Bà gia chủ trở về, nói rằng: “Bạch Ngài, không có gạo”.
Vị Tỳ-khưu đáp rằng:
– Này bà cận sự, tôi vừa trông thấy con rắn thân nó giống như cây mía, đầu nó giống như khoanh cá muối, tôi vội nhặt hòn đá giống như mật mía đặc được chế biến ném vào con rắn, nó nhe răng cắn hòn đá, hàm răng của nó giống như những hạt gạo, khi nó tức giận phun nước bọt lẫn với chất độc giống như bơ đặc chứa trong bình.
Bà gia chủ biết không thể lừa gạt vị Tỳ-khưu, nên đành cúng dường đến vị ấy.
“Tự sống trong sạch, không trộm cắp”. Là cảm thấy “hổ thẹn và ghê sợ” với việc “lấy của không cho”do nhân nuôi mạng sống.
Hoặc không vì bất kỳ nguyên nhân nào mà “sống trộm cắp”. Là giới cao thượng.
Giới trộm cắp có 5 chi:
– Vật có chủ gìn giữ (parapariggahitaṃ).
– Biết rõ là “vật có chủ” (parapariggahitaṃsaññitā).
– Có ý lấy trộm (theyyacittaṃ).
– Rán sức lấy trộm (upakkamo).
– Đã lấy được (tena haraṇaṃ).
Sự trộm cắp có thể thực hiện bằng thân hay bằng lời, như “xúi bảo người khác trộm cắp”. Ngoài ra, khi phá hoại tài sản hay làm hư hại tài sản của người khác cũng được xem là trộm cắp.
Trộm cắp vật ít có giá trị thì tội ít so với trộm vật có giá trị cao hơn.
Trộm vật người có giới đức thì có tội năng so với trộm vật của người ít có giới đức.
“Này các Tỳ-khưu, lấy của không cho được thực hiện. được làm sung mãn, đưa đến cõi địa ngục, đưa đến loài bàng sinh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của “lấy của không cho” là được làm người với sự tổn hại tài sản”([13]).
Sự tổn hại tài sản là:
– Tài sản có được bị lửa thiêu rụi.
– Tài sản có được bị nước cuốn trôi.
– Tài sản có được bị trộm cướp.
– Tài sản có được bị vua, quan chiếm đoạt.
– Tài sản có được, bị người thừa tự phá tán.
Chánh kinh.
Abrahmacariyaṃ pahāya brahmacārī hoti:
Vị ấy đã từ bỏ tà hạnh, thực hành phạm hạnh.
Ārācārī virato methunā gāmadhamma:
Thoát ra, ngăn trừ quan hệ dục tính hèn hạ
Idampissa hoti sīlasmiṃ. Đây là giới của vị ấy.
Giải.
“Tà hạnh” (abrahmacariyaṃ).
Abrahmacariyanti aseṭṭhacariyaṃ:
Tà hạnh là việc làm không cao quý (At).
“Thực hành phạm hạnh” (brahmacārī).
Brahmaṃ seṭṭhaṃ ācāraṃ caratīti brahmacārī:
Thường thực hành điều cao quý như Phạm thiên, gọi là phạm hạnh (At).
Tà hạnh ở đây chỉ cho “những gì liên hệ sái quấy đến nữ nhân”, như: Trêu cợt nữ nhân mang dục tính, đùa với nữ nhân, tỏ tình với nữ nhân, đụng chạm với nữ nhân …
Đức Phật có dạy: “Itthī malaṃ brahmacariyassa: Nữ nhân uế phạm hạnh”([14]).
Đức Ānanda có bạch hỏi Đức Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, chúng con phải cư xử với nữ nhân như thế nào?
– Này Ānanda, chớ có nhìn nữ nhân.
– Bạch Thế Tôn, nếu phải nhìn nữ nhân, chúng con phải làm sao?
– Này Ānanda, chớ có nói chuyện với nữ nhân.
– Bạch Thế Tôn, nếu phải nói chuyện với nữ nhân, chúng con phải làm sao?
– Này Ānanda, phải an trú trong niệm ([15]).
Trong Luật Phân tích Tỳ-khưu có nêu:
– Vị Tỳ -khưu tâm bị ái dục áp chế, đụng chạm đến nữ nhân, phạm giới Tăng tàng (saṅghadisesa) (Điều học thứ 2).
– Vị Tỳ -khưu tâm bị ái dục áp chế, nó lời dâm dục với người nữ, phạm Tăng tàng (điều học thứ 3).
– Vị Tỳ -khưu tâm bị ái dục áp chế, ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân với sự hiện diện người nữ, phạm Tăng tàng (điều học thứ 4).
Về phạm hạnh.
Trước tiên là “không có tư tưởng tình dục”, vì vị Phạm thiên d0 “áp chế được tham dục” trong kiếp trước, nên tư tưởng “tình dục” không có trong tâm vị ấy.
Lại nữa, phạm hạnh chỉ cho 4 pháp “Từ – bi – hỷ – xả”.
Đức Phật có dạy các gia chủ Bà-la-môn ở Venāgapura, “với tâm từ được an trú và làm biến mãn khắp mọi phương; với tâm bi … với tâm hỷ… với tâm xả được an trú và làm biến mãn khắp mọi phương”, thì:
“Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta đi kinh hành, thời trong khi ấy, chỗ kinh hành của Ta thuộc Phạm thiên.
Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta đứng, thời trong lúc ấy, chỗ Ta đứng thuộc Phạm thiên ….”([16])
Như vậy, Phạm hạnh có 2 là: Thân và tâm.
Thân không đụng chạm đến nữ nhân theo 7 cách sẽ được nêu ở dưới, tâm “không có tư tưởng dục tình”.
“Quan hệ dục tính” (methuna).
Methunāti rāgapariyutthānavasena sadisattā methunakāti:
Quan hệ dục tính là bị khát ái chế ngự, liên hệ đến thân nữ nhân với 7 điều (At).
Đức Thế Tôn có giảng cho Bà-la-môn Janussoni 7 điều liên hệ (methuna) đến thân nữ nhân như sau:
Vị ấy bị khát ái chế ngự, tuy không giao hợp với nữ nhân, nhưng:
1- Thích thú, ước muốn, bị kích thích khi được nữ nhân xoa bóp.
2- Cười đùa, vui thích với nữ nhân.
3- Liếc mắt, mắt nhìn mắt với nữ nhân.
4- Nghe tiếng cười, tiếng nói, tiếng khóc của nữ nhân qua vách.
5- Nhớ đến tiếng cười, tiếng nói, tiếng khóc của nữ nhân trước kia.
6- Thích thú nhìn người gia chủ hay con gia chủ thọ hưởng đầy đủ dục lạc.
7- Vị ấy bị kích thích bởi nữ nhân, ước muốn hành phạm hạnh để tái sinh thành vị chư thiên ([17]).
Qua lời giảng trên của Đức Phật, quan hệ dục tính được thể hiện qua thân, ngữ và ý.
Về điều thứ 5 và thứ 7 có thể minh họa qua câu chuyện của Ngài Nanda, Ngài Nanda hành phạm hạnh chỉ với mục đích là “có được 500 cô tiên nữ”, nên chư Tỳ-khưu chê trách Ngài Nanda là “người làm công, người buôn bán”.
Do hổ thẹn, Ngài Nanda từ bỏ ý nghĩ trên, tinh tấn hành đạo và chứng quả A-la-hán, Ngài Nanda đến trình lên Đức Thế Tôn, hiểu rõ việc này, Đức Thế Tôn nói lên cảm hứng ngữ (udāna) rằng:
Yassa tiṇṇo kāmapaṅko; maddito kāmakaṇṭako.
Mohakkhayamanupatto; sukhadukkhe na vedhati.
“Bùn dục lạc băng qua; nghiền nát gai dục trần.
Diệt tận si, đạt được; lạc-khổ không giao động”([18]).
“Hèn hạ” (gāmadhamma). Là sự giao hoan với bất cứ đối tượng nào: Người, thú, phi nhân …
Quan hệ dục tính hèn hạ có 4 chi là:
– Trong 30 khiếu (bhedavatthu).
– Có ý hành dâm (sevanācittaṃ).
– Rán sức hành dâm (Tajja vāyāmo).
– Đã hành dâm (maggena maggappaṭipādanaṃ).
Vị Tỳ-khưu giao hoan với bất kỳ đối tượng nà0, bất kỷ khiếu nào, đều bị tội triệt khai (pārājika), bị trục xuất khỏi Tăng đoàn.
Như vậy: “Từ bỏ, kiêng tránh, ngăn ngừa quan hệ dục tính hèn hạ” là giới bậc thấp.
– “Không có tư tưởng liên hệ đến tình dục” và “từ bỏ 7 loại quan hệ dục tính”, là giới bậc trung.
– Tu tập bốn vô lượng tâm là “giới bậc cao”.
Chánh kinh.
Musāvādaṃ pahāya musāvādā paṭivirato hoti:
Vị ấy đã từ bỏ nói dối, kiêng tránh nói dối.
Saccavādī saccasandho theto paccayiko avisaṃvādako lokassa:
Nói những lời chân thật, y cứ sự thật, đáng tin, ngay thật, không dối gạt với thế gian.
Idaṃpissa hoti sīlasmiṃ: Đây là giới của vị ấy.
Giải.
“Dối trá” (musā).
Musāti abhūtaṃ atacchaṃ: Dối trá là “không hiển lộ”, “không thật có”(At).
Vādoti tassa bhūtato tacchato viññāpanaṃ:
Nói là làm hiển lộ điều ấy, làm cho hiểu biết điều ấy là thật.
Như vậy: “Nói dối” là “làm hiển lộ điều không thật có qua lời nói”.
Một cách khác, “nói dối” là “che dấu điều thật có qua lời nói”.
Khi nói theo tính chất “nói dối” thì đó là “ý” điều khiển thân – ngữ, để người khác hiểu sai sự thật.
Nghĩa là “làm người nghe hiểu điều không có là có; điều thật có là không có thật”, hay “làm người nghe hiểu điều không đúng là đúng, điều đúng là không đúng”…
Đức Phật dạy:
“Này các Tỳ-khưu, có tám phi thánh ngôn này ( anariyavohārā) này:
– Không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, không nghĩ nói nghĩ, không biết nói biết.
– Thấy nói không thấy, nghe nói không nghe, nghĩ nói không nghĩ, biết nói không biết.([19])
Nói dối có thể thực hiện bằng thân như: Viết thư, viết đơn vu khống, hoặc dùng thân ra dấu hiệu không đúng theo sự thật, như có người hỏi” điều này đúng không?”, tuy biết điều ấy đúng, nhưng “lắc đầu” phản bác …
Thường thì nói dối được thực hiện bằng lời.
Nói dối chỉ có một cách là: Tự mình làm, nếu xúi bảo kẻ khác nói dối, người kia thực hiện “nói dối”, người xúi bảo không phạm.
Nói dối làm mất lợi ích ít thì tội nhỏ, làm mất lợi ích nhiều thì tội nặng.
Với kẻ thế, nói dối để “không cho tài sản của mình”, như có người xin vật dụng nào đó, tâm không muốn cho, người này bảo “không có”, thì có tội ít.
– Làm nhân chứng gian, hoặc vu khống người khác thì có tội nhiều.
Với bậc xuất gia, nói dối diễn tiến theo vật nhận được với tâm khôi hài như: Được chút í dầu, khôi hài rằng “hôm nay thấy nhà ấy, dầu chảy như dòng sông”, có tội ít. Nói dối châm biếm thì có tội nhiều.
– Nói phi pháp là pháp, pháp là phi pháp.
– Nói Luật là phi luật, phi luật là luật.
– Có tội nặng là tội nhẹ, tội nhẹ là tội nặng…
Đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người, khiến cho diệu pháp biến mất ([20]), có tội rất nặng.
Như Tỳ-khưu Kapila trong thời Giáo pháp Đức Phật Kassapa là điển hình([21]).
Trong sự nói vu khống, phạm đến bậc có ân đức lớn thì tội nặng so với bậc có ân đức thấp.
Như nàng Ciñcā vu khống Đức Phật giao hợp với nàng, và Ciñcā bị đất rút, rơi vào địa ngục A-tỳ.
Đức Phật có dạy:
“Đức Phật có thuyết, nói Đức Phật không thuyết, là xuyên tạc Đức Phật.
Đức Phật không thuyết, nói là Đức Phật có thuyết, là xuyên tạc Đức Phật”([22])
Đó cũng là lời vu khống, mang tột rất nặng.
Nói dối có 4 chi.
-Điều không thật (atathaṃ vatthu).
– Có ý nói dối (visaṃ vādanacittaṃ).
– Rán sức nói dối (tajjo vāyāmo).
– Người nghe đã tin (parassa tadatthavijānanaṃ).
“Nói những lời chân thật” (saccavādī).
Lời chân thật ở đây bao gồm 5 điều:
a- Nói hợp thời (kālena bhāsitā).
b- Nói sự thật (saccabhāsitā).
c- Nói dịu ngọt (saṇhabhāsitā).
d- Nói lợi ích (atthasañhitā).
e- Nói với tâm từ (mettacittabhāsitā)[23]
“Y cứ sự thật” (saccasandho).
Saccena saccaṃ sandahati ghaṭetīti saccasandho. Na antarantarā musā vadatīti attho:
“Từ nơi sự thật, cố gắng liên kết sự thật ấy là “y cứ sự thật”. Nghĩa là không nói dối trá “lấp lửng” (antarantarā) (At).
Y cứ sự thật là “xác định rõ theo đúng sự thật”, không phải “lời nói có tính mập mờ”, không phải “lời nói có đúng có sai”.
Y cứ sự thật là “không dối trá giữa mối đầu đến mối cuối”. Tức là “lời nói” xuyên suốt đúng theo sự thật, không phải lời nói có “sự thật ở đoạn đầu, sự thật ở đoạn cuối, nhưng đoạn giữa thì dối trá”…
“Y cứ sự thật” là người luôn luôn nói đúng theo sự thật, không phải là người “có khi nói thât, có khi dối trá”.
Lại nữa, “y cứ sự thật” là người cho dù có tai hại đến mạng sống, cũng không vì đó mà dối trá.
“Đáng tin” (theto). Thetoti thiro thirakathoti attho:
Đáng tin là “vững chắc”, nghĩa là kiên định (At).
Lời nói đáng tin là lời nói có tính khẳng định.
Một số người có lời nói như “chữ viết trên nước”, hay “chữ viết trên đất”([24]); một số người có lời nói như “cột đóng trên đống trấu”, một số người có lời nói như “vật đặt trên lưng ngựa”. Những hạng người này có lời nói “không đáng tin”.
Hạng người có lời nói như “chữ khắc trên đá”, như “cột cừ đóng cứng dưới đất”, những hạng người này “lời nói đáng tin”.
Ngay thật” (paccayiko). Là lời nói có chứng cứ rõ ràng.
“Không dối gạt với thế gian” (avisaṃvādako lokassa).
Avisaṃvādako lokassati tāya saccavāditāya lokaṃ na visaṃvādetīti attho:
Không dối gạt với thế gian là người “nói thật”, là “không gian trá” với thế gian.
Tức là “người không cố tình làm cho đời hiểu sai sự thật”.
Thế gian (loka). Có 3 loại thế gian là:
– Pháp hành thế gian (saṅkhāra loka).
– Chúng sinh thế gian (satta loka).
– Hư không thế gian (ākāsa loka) [25].
Thế gian ở đây chỉ cho chúng sinh thế gian.
Không dối gạt với thế gian là “không lừa đảo, không nói quanh co, không nói lời xiểm nịnh” để lừa gạt người khác.
“Lừa đảo” (kuhanā). Được thực hiện bằng lời cũng có; được thực hiện bằng thân cũng có.
“Thực hiện bằng thân”. Là vị Tỳ-khưu bị ác dục chi phối, mong muốn được lợi đắc, cung kính, danh tiếng… Vị ấy tỏ ra mình là “người ít ham muốn, biêt đủ khi thọ nhận bốn món vật dụng”, khiến cư sĩ hiểu lầm là “bậc cao đức” rồi cúng dường những vật quý giá, có giá trị; hoặc tỏ ra “mình là bậc đạo cao đức trọng” ở nơi đông người.
Hoặc “tỏ ra là người phòng hộ 4 oai nghi, giả vờ đi nghiêm trang, đứng nghiêm trang, ngồi nghiêm trang … ở nơi đại chúng”.
Như Tỳ-khưu Tissa (em họ của Bồ-tát Siddhattha), xuất gia lúc tuổi già, nhưng mong muốn đại chúng cung kính, cúng dường. Vị ấy luôn đắp y được giặt giũ, dằn nếp cho thẳng láng và thường ngồi chểm chệ giữa giảng pháp đường trong Tịnh xá.
Những khách Tăng đến Tịnh xá để yết kiến Đức Thế Tôn, thấy Tỳ-khưu Tissa ngỡ là bậc cao Tăng đại đức ([26]).
“Nói xa gần”. Như nói: “Vị Sa-môn nào mặc y như vậy, vị ấy là người có đại uy lực.
Hay nói: Vị Tỳ-khưu nào có thầy Tế độ là Trưởng lão tên này, tên này … vị Tỳ khưu ấy là bậc có đại uy lực …
“Nói xiểm nịnh”. Vị Tỳ-khưu bị ác dục chi phối, mong muốn được lợi đắc, cung kỉnh, danh vọng … nên nói lời tâng bốc (samullapanā) các cư sĩ bằng mọi cách như: Ngài là đại thí chủ khó tìm, Ngài là Đại trưởng giả có tâm rộng mở …
Hoặc nói lời nịnh hót (ullapanā) như: “Ngài là bậc có danh tiếng ai cũng mến mộ; Ngài là người được đại chúng mến mộ …
Mặt khác, “không dối gạt đời”. Là khi hứa với ai điều gì sẽ không thất hứa.
Đức Thế Tôn có 2 quý tướng là: Mỗi lỗ chân lông có một sợi lông mọc ngược lên và giữa 2 lông mày có sợi lông màu trắng (bạch hào) xoắn lại, mềm mại như bông”.
Là do khi còn Bồ-tát Ngài từ bỏ nói dối, lánh xa nói dối, nói lời chân thật, y cứ sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không thất hứa một ai ([27]).
Lại nữa, “sự thật nơi thế gian” là “ vô thường, khổ, vô ngã”.
“Không dối gạt với thế gian” nghĩa là: Những gì vô thường thì nói là vô thường; những gì khổ, nói là khổ; những gì vô ngã, nói là vô ngã.
Chúng sinh tạo phước lành, phát sinh quả an lạc là tái sinh về cõi trời hay cõi Phạm thiên, nhưng những quả an lạc ấy tiềm ẩn sự khổ, không hoàn toàn là “thật sự an lạc”. “Không dối gạt với thế gian” là “nói lên sự khổ tiềm ẩn ấy” để chúng sinh không tham đắm trong những quả an lạc của thế gian.
Điển hình là “tuần tự pháp thoại” (anupubbakathā) của Đức Thế Tôn.
Trước tiên Đức Phật dạy chúng sinh bố thí, trì giới, rồi Ngài giảng về những quả lành của phước báu là “được sinh về các cõi trời”, tiếp theo Ngài chỉ rõ “những nguy hại của các dục lạc” và sau đó Ngài dạy “cách thoát ra những nguy hại” ấy.
Nói cách khác, “tìm sự hạnh phúc vĩnh hằng” trong thế gian không bao giờ có, cho dù bất cứ thế gian nào: Pháp hành thế gian, chúng sinh thế gian hay hư không thế gian. Tất cả đều bị định luật vô thường chi phối, vô thường thì dẫn đến khổ; những gì thuộc vô thưiờng – khổ thì không nên cho là “ta”, là “của ta”.
Trong giới “không nói dối” này, Đức Thế Tôn dùng 7 cụm từ: Từ bỏ, kiêng tránh, nói những lời chân thật, y cứ sự thật, đáng tin, ngay thật, không dối gạt vớii đời. Các Giáo thọ sư đời sau giải thích là:
“Cố ý không nói dối, lánh xa sự nói dối”. Là giới không nói dối bậc thấp.
“Nói lời chân thật, y cứ sự thật”. Là giới không nói dối bậc trung.
“Đáng tin, ngay thật, không dối gạt đời”. Là giới không nói dối bậc cao thượng.
Chánh kinh.
Pisuṇaṃ vācaṃ pahāya pisuṇāya vācāya paṭivirato hoti:
Vị ấy đã từ bỏ lời hai lưỡi, lánh xa lời hai lưỡi.
ito sutvā na amutra akkhātā imesaṃ bhedāya:
nghe điều gì ở nơi này, không đến chỗ kia nói để gây chia rẽ bên này.
amutra vā sutvā na imesaṃ akkhātā, amūsaṃ bhedāya:
nghe điều gì ở nơi kia, không đến chỗ này nói, để gây chia rẽ bên kia.
Iti bhinnānaṃ vā sandhātā, sahitaṃ vā anuppadātā, samaggārāmo samaggarato samagganandī samaggakaraṇiṃ vācaṃ bhāsitā hoti:
Như vậy, vị Tỳ-khưu ấy hòa hợp những người chia rẽ, khuyến khích hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, vui thích trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp.
Idaṃpissa hoti sīlasmiṃ: Đây là giới của vị ấy.
Giải.
“Lời hai lưỡi” (pisuṇāvācā). Là lời làm cho người nghe thương mến mình, ghét người khác (còn dịch là “lời đâm thọc”).
“Lời hai lưỡi” có 4 chi là:
– Người sẽ bị gây chia rẽ (bhinditabbo paro).
– Cố ý nói chia rẽ (bhedanapurekkhāratā).
– Rán sức nói chia rẽ (tajjā vāyāmo).
– Người nghe biết rõ lời ấy (tassa tadatthavijānanaṃ).
Lời chia rẽ có thể thực hiện bằng lời, có thể thực hiện bằng thân, như tiền thân Trưởng lão Kuṇḍadhāna.
Trong kiếp quá khứ, vào thời Giáo pháp của Đức Phật Kassa, tiền thân Trưởng lão Kuṇḍadhāna là một vị chư thiên.
Môt lần nọ, có hai vị Tỳ-khưu rất thương mến nhau, cùng nhau đến Giảng đường để hành lễ Bố-tát (uposatha). Vị Thiên tử suy nghĩ “ta có thể làm cho 2 vị Tỳ-khưu này bất hòa chăng?”.
Nhân khi vị sư đệ đi vào bụi rậm đế làm vệ sinh, chờ vị ấy giải quyết bức bách cơ thể sắp xong, vị thiên nhân hóa ra người nữ từ trong bụi rậm có vị Tỳ-khưu, người nữ ấy đi ra với y phục xốc xếch, tóc rối lên và vị thiên nhân chỉ cho vị Tỳ-khưu cao hạ thấy mà thôi.
Thấy cảnh tượng ấy, vị Tỳ-khưu sư huynh cho rằng “vị kia đã phạm giới”. Từ đó 2 người tranh cải và sau đó đã không đi chung đường ([28]).
Chia rẽ bậc có giới đức cao thì có tội năng so với bậc ít có giới đức.
Chia rẽ Tăng là tội nặng nhất, kiếp kế tiếp sau kiếp sống ấy phải sinh vào địa ngục.
“Chia rẽ ở bên này” (imesaṃ bhedāyāti).
Imesaṃ bhedāyāti , yesaṃ itoti vuttānaṃ santike sutaṃ tesaṃ bhedāya:
“Kể từ khi nói với người thân cận, để gây chia rẽ với người kia, gọi là chia rẽ ở bên này”(At).
Tức là “mang lời nói người không thân, nói lại với người thân, để gây chia rẽ , gọi là “chia rẽ ở bên này”.
“Chia rẽ ở bên kia”. Là “mang lời nói người thân, nói lại với người không thân”, gọi là “chia rẽ ở bên kia”.
Nói cách khác: “Nói với người thân” để gây chia rẽ, gọi là “chia rẽ ở bên này”.
“Nói với người không thân” để gây chia rẽ, gọi là “chia rẽ ở bên kia”.
Ông Dhanañjaya có dạy bà Visākhā (con gái của ông) 10 điều([29]), trong đó có:
– Lửa trong nhà không đem ra ngoài . Nghĩa là “chuyện xấu trong gia tộc bên chồng, không nên nói cho người ngoài biết”. Đây là “chia rẽ chỗ này”.
– Lửa bên ngoài dừng đem vào nhà. Nghĩa là “khi nghe ai nói xấu đến gia đình bên chông, không nói lại cho với bên chồng. Đây là “chia rẽ chỗ kia”.
“Sống hòa hợp những người chia rẽ” (bhinnānaṃ vā sandhātā).
Là làm cho 2 người đang bất hòa sống hòa hợp với nhau như chung một thầy Tế độ, hoặc trở thành bạn của nhau.
Hoặc tìm hiểu nguyên nhân gây chia rẽ rồi giải thích để 2 bên diệt nguyên nhân ấy, như: Chỉ vì nguyên nhân này mà các vị chia rẽ thì không đáng có, vì chúng ta xuất gia trong Giáo pháp này, được nghe nhiều pháp … các vị nên giải trừ chia rẽ, sống hòa hợp với nhau, sự hòa hợp của quý vị giúp cho Tăng đoàn hưng thịnh …
Đức Phật có dạy:
“Này các Tỳ-khưu, khi nào chúng Tỳ-khưu tụ hợp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và hành Tăng sự trong niệm đoàn kết, này các Tỳ-khưu, chúng Tỳ-khưu sẽ được cường thịnh không bị suy giảm”([30]).
“Khuyến khích hòa hợp” (anuppadātā). Là khi thấy hai bên hòa thuận, vị ấy làm cho sự hòa thuận thêm vững chắc, như nói rằng “sự hòa thuận này xứng đáng với quý vị, vì quý vị là người sinh ra trong Giáo pháp này, quý vị đã sống theo pháp, đã tùy thuận với ân đức Pháp”…
“Hoan hỷ trong sự hòa hợp” (samaggāramo).
Samago ārāmo assāti samaggārāmo:
Đến với sự vui thích hòa hợp, là hoan hỷ trong sự hòa hợp (At).
Nghĩa là nơi nào sống không hòa thuận, vị ấy không đi đến, không trú ở nơi ấy. Vị ấy chỉ đi đến nơi hòa thuận, trú ở nơi “sống hòa thuận”.
“Vui thích trong hòa hợp” (sammagarato).
Samaggaratoti samaggesu rato, te pahāya aññatthaya gantumpi na icchatīti attho :
Vui thích trong sự hòa hợp là “quyến luyến” trong sự hòa hợp (At).
Nghĩa là vị ấy không muốn đi đến nơi khác, từ bỏ nơi này (nơi có các vị sống hòa thuận).
“Hân hoan trong sự hòa hợp”(samagganandī).
Samagge disvāpi sutvāpi nandatīti samagganandī :
Hài lòng sau khi nghe, thấy hòa hợp, là hân hoan trong sự hòa hợp (At).
“Nói những lời đưa đến hòa hợp” (samaggakaraṇiṃ vācaṃ bhāsitā).
Là chỉ nói những lời làm cho chúng sinh (satta) hòa thuận, không nói lời khác (na itaranti).
“Từ bỏ, lánh xa lời nói hai lưỡi”. Là giới bậc thấp.
“Không đem chuyện nơi này nói lại nơi kia”. Là giới bậc trung.
“Những cụm từ còn lại “là những chi phần giới bậc cao thượng”.
Chánh kinh.
Pharusaṃ vācaṃ pahāya pharusāya vācāya paṭivirato hoti:
Vị ấy đã từ bỏ lời độc ác, lánh xa lời độc ác.
yā sā vācā nelā kaṇṇa-sukhā pemaniyā hadayaṅgamā porī bahujanakaṅtā bahujanamanāpā tathārūpiṃ vācaṃ bhāsitā hoti:
Vị ấy nói những lời không có lỗi lầm, êm tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người.
Idaṃpissa hoti sīlasmiṃ: Như vậy là giới của vị ấy.
Giải.
Lời độc ác (pharusa) là lời xuất phát từ tâm hiềm hận, là lời nghiêng về hiềm hận, hay nắm giữ “hiềm hận”.
Lời độc ác là lời “cắt đứt sự an lành của người khác” với tâm hiềm hận.
Lời nói tuy hung dữ, nhưng tâm không “có ý hại người”, không phải là lời độc ác. Đó chỉ là lời thô xấu.
Có câu chuyện như sau:
Có đứa bé không vâng lời mẹ, cứ rong chơi trong rừng. Có lần nó đi vào rừng chơi, bà mẹ ngăn cản không được, bà nguyền rủa rằng: “Mày cải lời ta, trâu điên sẽ rượt húc mày đấy”.
Đứa bé vào rừng chơi, chẳng bao lâu xuất hiện con trâu điên chạy đến húc đứa bé, đứa bé kinh hoàng bỏ chạy nhưng con trâu cứ rượt đuổi theo.
Trong cơn kinh hoàng, đứa bé nguyện rằng: “Nếu mẹ tôi muốn giết tôi thì con trâu này hãy húc chết tôi, còn như mẹ tôi chỉ doạ, nhưng vẫn mong an toàn đến tôi. Xin sự an toàn hãy đến với tôi”.
Đứa bé nguyện vừa xong, con trâu tự đứng lại như có ai nắm vàm kéo lại, rồi nó bỏ đi theo hướng khác.
Nên ghi nhận: Tuy tâm hiềm hận xuất phát từ tâm sân, nhưng tâm hiềm hận mang tính sát hại, còn tâm sân chỉ là “trạng thái, khó chịu, phiền muộn và không mang tính sát hại”.
Như cha me khi giận có thể nguyền rủa con, nhưng trong thâm tâm không hề muốn con có sự tai hại nào cả.
Hoặc như vị thầy, trong cơn giận vì người học trò tỏ ra bướng bỉnh, khó dạy, ông mắng rằng “quỷ tha ma bắt mi đi”, nhưng trong tâm ông không muốn như vậy, ông chỉ muốn người học trò tốt hơn, thành đạt hơn ….
Đó không phải là lời ác ngữ mà là lời thô xấu.
Lời thô xấu là lời nói mang tính “cắt đứt lòng mến mộ” đối với người nghe.
Giới của lời độc ác có ba chi:
– Lời độc ác với người khác (akkositabho paro).
– Tâm hiềm hận ( kuppitacittaṃ)
– Đã nói ra (akkosanā).
Lời độc ác ở đây không hẳn chỉ là “lời thô xấu”, nó có thể là lời êm dịu nhưng mang tính “sát hại”, như kẻ muốn giết người khác, ra lịnh rằng “hãy cho người ấy giấc ngủ thiên thu đi”, hay “takhông muốn thấy kẻ ấy trên đời này”…
Tuy không có “ác tâm” với người, nhưng khi nói lời thô xấu với tâm “khó chịu” với bậc có ân đức cao trọng, vẫn nhận hậu quả tai hại lớn.
Như tiền thân bà Ambapālī, trong thời giáo pháp của Đức Phật Kassapa, bà đã mắng vị Tỳ-khưu ni A-la-hán là “Bà giống hạng kỹ nữ”.
Trong thời giáo pháp của Đức Phật Gotama, bà thấp sinh ở gốc cây xoài, nên có tên gọi là Ambapālī, tuy xinh đẹp nhưng bà phải làm kỹ nữ.
Khi nghe Pháp từ Đức Thế Tôn, bà chứng quả Dự lưu, bà từ bỏ nghề kỹ nữ, cúng dườn khu vườn xoài ở trong kinh thành Vesāli đến Đức Thế Tôn và chư Tăng.
Về sau bà xuất gia trong Giáo pháp này, bà nghe được thời pháp từ Trưởng lão Vimala Koṇḍañña (con trai của bà), bà phát triển tuệ quán, chứng quả A-la-hán ([31]).
Hoặc như chính Bồ-tát, trong thời Giáo pháp Đức Phật Kassapa, Bồ-tát là vị Bà-la-môn thông minh có tên là Jotipāla, kết bạn với vị Thánh A-na-hàm có tên là Ghātikāra.
Có lần, Ngài Ghātikāra bảo Bồ-tát Jotipāla đi nghe pháp, kiêu hãnh về sự thông minh của mình, lại nữa “khó chịu” trước sự sùng mộ của Ngài Ghātikāra đối với Đức Phật Kassapa, nên Bồ-tát đã nói “Ồ, ông ấy có pháp chi mà thuyết”.
Do lời nói này, Bồ-tát Gotama phải chịu 6 năm khổ hạnh([32]).
Một kiếp khác, Bồ-tát là một Bà-la-môn trí tuệ có 500 tùy tùng, có lần thấy vị Độc Giác phật được cư dân trong vùng mến mộ, Bồ-tát khởi tâm ganh tỵ, có lời bất nhã với Đức Phật Độc giác rằng: “Ông Sa-môn này chỉ xứng đáng ăn gạo Sālī đỏ dành cho ngựa thôi”.
Trong lần an cư mùa mưa thứ 12 tại xứ Verañja, Đức Phật cùng 500 vị Tỳ-khưu gặp phải nạn đói và phải dùng gạo sālī đỏ dành cho ngựa([33]).
“Không lỗi lầm” (nelā).
(Nela = ni + ela, nghĩa đen là “không nước”).
Nelāti elaṃ vuccati doso, nāssā elanti nelā, niddosāti attho:
Gọi “không lỗi lầm” là không bị ướt bởi “khó chịu” (doso), không bị ướt bởi “ganh tỵ”(issā), nghĩa là không có “nóng bức” (doso) (At).
“Lời nói không lỗi lầm” là lời nói với tâm mát mẻ, vui tươi, không khó chịu, không ganh tỵ.
“Êm tai” (kaṇṇasukhā).
Kaṇṇasukhāti byañjanamadhuratāya kaṇṇānaṃ sukhā, sūcivijjhanaṃ viya kaṇṇasūlaṃ na janeti:
(Lời nói) êm tai là những từ ngọt dịu êm tai, không sinh khởi khó chịu ở tai như bị kim bắn thẳng (At).
Lời nói êm tai không phải chỉ riêng cho âm vận nhẹ nhàng, âm vận không chát chúa, mà còn là những ngôn từ không có ý xiên xỏ, không có ý châm biếm, chế nhạo, trêu cợt .
Lời nói nào không làm sinh khởi trong tâm người nghe sự khó chịu, sự phẫn nộ, chỉ sinh khởi trong tâm người nghe “sự cảm mến”, đó là “lời êm dịu”.
“Dễ thương” (pemaniyā).
Atthamadhuratāya sakalasarīre kopaṃ ajanetvā pemaṃ janetīti pemaniyā:
Với ý nghĩa thâm diệu thấm nhuần thân tâm trọn vẹn, đã không sinh khởi sự khó chịu, chỉ sinh khởi sự thương mến, gọi là dễ thương.
Lời dễ thương là lời có nghĩa, có lý thâm sâu, khiến người nghe phát sinh hân hoan, an lạc khắp châu thân.
“Đi thẳng vào tâm” (hadayaṃgamā).
Hadayaṃ gacchati, appaṭihaññamānā sukhena cittaṃ pavissatīti hadayaṃgamā:
Đi thẳng vào tâm an lạc dễ dàng, không có điều nào khác gây trở ngại, gọi là “đi thẳng vào tâm” (At).
“Tao nhã” (porī).
– Về hình thức. Là lời nói dịu dàng như những cung phi quý phái trong cung đình.
– Về nội dung. Là lời làm tăng trưởng những ân đức cao quý.
“Hài lòng nhiều người” (bahujanakaṅtā).
Là lời nói lễ phép của người có giáo dục. như gọi người có tuổi tương đương với cha mình là “cha”, có tuổi lớn hơn mình là anh hay chị, nhỏ hơn là em …
Lời nói như vậy thường làm “hài lòng nhiều người”.
Lại nữa, lời nào khiến nhiều người phát sinh hoan hỷ trong thiện pháp, gọi là lời làm “hài lòng nhiều người”.
Quả của giữ giới “không nói độc ác” với những chi phần như kinh văn đã nêu, sẽ là người có âm thanh vi diệu và lưỡi rộng dài([34])
Chánh kinh.
Samphappalāpaṃ pahāya samphappalāpā paṭivirato hoti,
Vị ấy từ bỏ lời nói vô ích, lánh xa lời vô ích,
kālavādī bhūtavādī atthavādī dhammavādī vinayavādī, nidhānavatiṃ vācaṃ bhāsitā hoti kālena sāpadesaṃ pariyantavatiṃ atthasaṃhitaṃ.
Nói đúng thời, nói theo sự thật, nói có ý nghĩa, nói theo pháp, nói theo luật, nói những lời đáng được gìn giữ, nói hợp thời, thuận lý, có chỗ dừng, hệ thống, có lợi ích.
Idammpissa hoti sīlasmiṃ. Đây là giới của vị ấy.
Giải.
“Lời vô ích” (samphappalāpa).
Anatthaviññāpikā kāyavācīpayogasamut.ṭhāpikā akusalacetanā samphappalāpo:
Biết rõ điều vô ích, do tâm bất thiện điều sử thân-ngữ, làm cho người khác biết rõ điều vô ích ấy, là “lời vô ích” (At).
Lời vô ích có 2 chi:
– Có ý nói chuyên vô ích. Như nói về cuộc chiến đấu của vua trời Bhārata, hay chuyện nàng Sītā.
– Đã nói ra.
Lời vô ích, là những huyền thoại không có thật, hoặc những điều hư cấu do tưởng tượng sinh ra, nhưng cố ý nói để người khác tin là “có thật”, gieo rắc sự hiểu sai (tà kiến).
Hoặc là những chủ thuyết tà kiến, những quan điểm do suy luận rồi tưởng tượng ra (papañca), như là: “Nhìn thấy các sinh vật đa dạng”, suy luận rằng “phải có người tạo ra” như Hoàng cung phải có người “thiết kế” rồi xây dựng … vậy “sinh loại đa dạng này” phải do “người có năng lực cao tột tạo ra”; thế là cho rằng “có Đấng Sáng tạo chủ, Đấng Tạo hóa …” rồi cố chứng minh rằng “điều này có thật”.
Hay là, cho rằng “cây cỏ có linh hồn”…
Hoặc “nói về cách xem tướng các loài vật” (tiracchanakathā) …
Nói rõ hơn: “Lời vô ích” là những lời không liên hệ đến nghĩa (attha), pháp và luật
Lời vô ích này, nếu thực hiện thường xuyên có khả năng dẫn xuống khổ cảnh, như Đức Phật dạy:
“Này các Tỳ-khưu, nói vô ích được thưc hiện nhiều lần, được làm sung mãn, đưa đến địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ…”([35]).
Lời vô ích có 32 loại như sau:
1– Bàn luận về các vị vua, thân quyến của hoàng gia … (rājakathā).
2- Bàn luận về các tướng cướp, các việc trộm cướp (corakathā).
3-Bàn luận về các quan đại thần (mahāmattākathā).
4- Bàn luận về quân đội (hay các tướng lãnh) (senākathā).
5- Bàn luận về những nguy hiểm (bhayakathā).
Như bàn luận về tai hại của lửa thiêu đốt làng mạc, trị trấn … đã xảy ra, hoặc sẽ xảy ra.
Bàn luận về tai hại của nước, như bảo lụt tàn phá các làng mạc, thị trấn … Bàn luận về giặc cướp ([36]).
6- Bàn luận về chiến tranh (yuddhakathā).
7- Bàn luận về vật thực (annakathā).
8- Bàn luận về các loại nước uống (pānakathā).
9- Bàn luận về các loại vải (vatthakathā).
10- Bàn luận về các loại giường (sayanakathā).
11- Bàn luận về các vòng hoa (mālākathā).
12- Bàn luận về các mùi hương (gandhakathā).
13- Bàn luận về các thân hữu (ñātikathā).
14- Bàn luận về các phương tiện vận chuyển (yānakathā).
15- Bàn luận về các làng mạc (gāmakathā).
16- Bàn luận về các thị trấn (nigamakathā).
17- Bàn luận về các thành phố (nagarakathā).
18- Bàn luận về các kinh thành, quốc độ, (janapakathā).
19- Bàn luận về nữ nhân (itthikathā)([37]).
20- Bàn luận về nam nhân (purisakathā).
21- Bàn luận về các anh hùng, dũng sĩ (surakathā).
22- Bàn luận về những con đường (visikhākathā).
23- Bàn luận về những bến nước (kumbhaṭhānakathā).
24- Bàn luận về người đã chết (pubbapetakathā).
25- Nói viễn vông (nānattākathā).
26- Bàn luận về nguồn gốc thế gian (lokakkhākathā).
26- Bàn luận về nguồn gốc của biển (samudakkhākathā).
27- Nói về biển cả, đại dương (samudadakkhāyikakathā).
28- Nói về hưng thịnh và suy vong (itibhavābhavakathā).
29- Nói về các khu rừng (araññakathā).
30 -Nói về những rặng núi (pabbatakathā).
31- Nói về sông ngòi (nadīkathā).
32- Nói về các hải đảo (dīpakathā).
Những điều trên, đôi khi cũng mang lại lợi ích, nhưng chỉ là lợi ích thế gian, còn trong lãnh vực tu tập thì không mang lợi ích chi cả, mà chúng còn cản trở cho sự chứng đắc thiền định hay Đạo quả.
Đức Phật có dạy: “Này các Tỳ-khưu, nói lời phù phiếm, được thực hiện, được rèn luyện, được làm cho sung mãn đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của lời nói phù phiếm là được làm người, và được nghe những lời nói khó chấp nhận (nādeyyavācā)”([38]).
Trong lãnh vực pháp thuyết, nếu nói về những vị vua hùng mạnh, các vị Đạo sĩ có thần lực hay những dũng sĩ, dũng tướng … để ý thức rằng: “Tất cả đều bị vô thường chi phối, bị định luật sinh tử áp đặt”. Hoặc dùng những điều trên để minh họa cho một lý pháp vẫn là điều lợi ích, nếu nói với sự vui đùa, mua vui, để “giết thời gian”, đó là điều nên tránh.
“Nói đúng thời”(kālavādī).
Kālena vadatīti kālavādī vattabbayuttakālaṃ sallakkhetvā vadatīti attho:
“Đúng lúc mới nói, nghĩa là “suy xét thấy thời gian thích hợp”, khi ấy mới nói, gọi là nói đúng thời”(At).
Như “vào buổi chiều Đức Thế Tôn giảng pháp cho cư sĩ, vào buổi tối giảng pháp cho chư Tỳ-khưu, giữa khuya trả lời những câu hỏi cảu các thiên nhân”… là “nói đúng thời”.
Có lần Ngài Bāhiya tìm đến yết kiến Đức Phật để hỏi pháp, bấy giờ Đức Phật đang ngự đi khất thực.Đức Phật dạy rằng:
“Này Bāhiya, đây là thời Như Lai đi khất thực, không phải là thời giảng pháp”.
“Nói có ý nghĩa” (atthavādī), là nói những gì có lợi ích trong hiện tại hay lợi ích trong tương lai. Như nói về:
– Đầy đủ sự siêng năng (uṭṭhāna sampadā).
– Đầy đủ sự gìn giữ (ārakkha sampadā).
– Thân cận bạn lành (kaḷyānamittatā).
– Cân bằng trong sinh hoạt (sama jīvitā).
Đây là “lợi ích trong hiện tại”.
– Đầy đủ đức tin (saddhā sampadā).
– Đầy đủ giới (sīlasampadā).
– Đầy đủ sự từ bỏ (cāgasampadā).
– Đầy đủ trí (paññā sampadā).
Đây là “lợi ích trong tương lai”([39]).
Hoặc “lời liên hệ đến ý nghĩa” là những lời có thể mang đến những điều như: Sống lâu, sức khỏe, tài sản trong kiếp sống này và quả an lành trong kiếp kế như tái sinh làm người …
“Nói hiển lộ” (bhūtavādī), là nói về những pháp thực tính (sabhāvadhammā).
“Nói về pháp” (dhammavādī).
Navalokuttaradhammasannissitaṃ katvā vadatīti dhammavādī:
Nói về sự tiếp cận 9 ân đức Pháp (bốn Thánh Đạo, bốn Thánh quả và Níp-bàn -Ns), gọi là“nói về pháp” (At).
Những “lời liên quan đến Pháp” là những lời chỉ ra cách thực hành để thành tựu những ân đức cao thượng, hay thành tựu những quả an lạc.
“Nói về luật”(vinayavādī).
Saṃvaravinayapahānavinayasannissitaṃ katvā vadatīti inavyavādī:.
Lời nói hợp với luật phòng hộ, luật từ bỏ, gọi là “nói về luật” (At).
Luật thu thúc (saṃvaravinaya).
Saṃvara theo nghĩa đen là: đóng lại, ngăn lại.
Tức là đóng lại những dòng pháp bất thiện không cho xâm nhập vào tâm, hay những luồng bất thiện đang có ở trong tâm bị ngăn chận lại, không cho chúng phát triển.
Chữ saṃvara theo nghĩa bóng mang ý nghĩa: kiểm soát, chế ngự.
Luật thu thúc hay luật chế ngự có năm loại:
– Chế ngự bằng giới (sīlasaṃvara).
– Chế ngự bằng niệm (satisaṃvara).
– Chế ngự bằng sự nhẫn nại (khantisaṃvara).
– Chế ngự bằng sự tinh tấn (viriyasaṃvara).
– Chế ngự bằng trí (ñāṇasaṃvara).
1- Chế ngự bằng giới bổn (pāṭimokkha).
Là kiểm soát thân, lời nói không cho rơi vào ác quấy, tức là thân, lời nói không còn bị sự ác xấu bám theo, đã cách ly sự ác xấu trọn vẹn.
Pāṭimokkha có thể tóm gọn trong kệ ngôn:
“Sabbapāpassa akaranaṃ – Không làm mọi điều ác”([40]).
2- Chế ngự bằng niệm (sati).
Là chế ngự tâm, kiểm soát tâm bằng sự ghi nhận rõ ràng, không cho tâm cuốn hút theo hấp lực của tham ái, sân hận hay si mê.
Tức là, khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tiêp xúc với các cảnh trần : sắc thinh, hương, vị, xúc và pháp; vị ấy kiểm soát tâm không cho rơi vào tham , sân, si. Như thế nào?
– Khi tâm nhận những cảnh tốt đẹp như: Sắc tốt, âm thanh du dương, mùi thơm, vị ngọt diu, sự đụng chạm êm ái và những pháp khả ái liên hệ đến 5 trần cảnh; tâm “ghi nhận” để “không cho tham dục sinh khởi” với 6 cảnh trần dục ấy.
– Khi tâm những cảnh thô xấu như: Sắc xấu, âm thanh khó nghe, mùi hôi thối, vị đắng, cay…, sự đụng chạm khó chịu và các pháp không đáng hài lòng có liên hệ đến năm trần cảnh; tâm “ghi nhận” chúng để không cho sân sinh khởi.
– Bất luận khi nhận 5 trần cảnh như thế nào, hành giả chỉ biết “đó chỉ là cảnh sắc, đó chỉ là cảnh thinh … đó chỉ là cảnh pháp”. Nhân của cảnh ấy là gì?, chúng sẽ tạo ra nhân khác như thế nào … Đó là “ngăn chận không cho si mê sinh khởi.
Lại nữa, kiểm soát bằng niệm là chú tâm suy nghiệm kỹ trước khi hay trong khi hành động, nói năng. Không hề xao lãng trong việc gìn giữ tâm trong mọi thời điểm. Có thể hiểu niệm thu thúc qua kệ ngôn:
“Sacitta pariyopadaṃ: Giữ tâm cho trong sạch” (sđd).
3- Chế ngự bằng sự nhẫn nại.
Là chịu đựng trong những điều kiện khó khăn như: Bị lăng mạ, gặp cảnh bất toại ý, bị đói, bị khát, hoặc những gì làm cho thân, tâm bất ổn, không được an lạc.
4- Chế ngự bằng tinh tấn.
Đây chính là hai pháp trong bốn pháp chánh cần (sammappadhāna) là:
– Cố gắng làm cho các ác, bất thiện pháp chưa sanh không sanh khởi.
– Cố gắng làm cho các ác, bất thiện pháp đang sanh khởi bị tiêu diệt.
5- Chế ngự bằng trí.
Khi thọ dụng bốn món vật dụng: vật thực, y phục, sàng tọa, thuốc trị bịnh có sự suy xét chân chánh là: Dùng những món này với mục đích chi? (xem 16 bài quán tưởng về 4 món vật dụng).
Nhờ quán xét như thế, dòng tâm không bị dục tham cuốn trôi.
Tùy quán (anuvipassanā) về các pháp liên quan đến danh sắc bên trong thân lẫn ngoài thân cũng nằm trong loại kiểm soát này.
– Luật từ bỏ (pahāna vinaya).
Có năm loại từ bỏ là:
– Từ bỏ tạm thời (tadaṅgappahāna).
Chữ tadaṅga = ta + aṅga nghĩa là “phần đó”.
Từ bỏ tạm thời là: Khi pháp thiện sanh lên thì pháp bất thiện vắng mặt.
Đức Phật có dạy: “Này các Tỳ-khưu, pháp của hạng người bất thiện với pháp của hạng người thiện, rất xa, rất xa với nhau”([41]).
Tạm thời trừ bỏ là hình thức từ bỏ có tính mong manh, yếu kém nhất, vì không có nơi trú vững, không có sức mạnh khả dĩ để nâng đở. Ví như đứa bé tập đứng, mới vừa đứng lên đã ngã xuống. Nên Đức Phật có dạy:
“Hãy gấp rút làm thiện; hãy chế ngự tâm ác.
Nếu chậm làm việc lành; ý vui thích việc ác.”([42]).
Loại từ bỏ này cũng có thể gọi là “từ bỏ bằng cách thay thế”, tức là dùng một pháp đối nghịch với pháp bất thiện, như dùng vô tham đối nghịch với tham, dùng vô sân đối nghịch với sân… ví như dùng ánh sáng xua đuổi bóng tối.
– Từ bỏ do áp chế (vikhambhanappahāna).
Là sự từ bỏ sau khi chứng đạt thiền tịnh, như từ bỏ năm triền cái khi chứng đạt Sơ thiền, từ bỏ hai chi thiền tầm- tứ (vitakka – vicāra) khi chứng đạt Nhị thiền, từ bỏ chi hỷ (pīti) khi chứng tam thiền, từ bỏ chi Lạc (somanassa) khi chứng được Tứ thiền …
Loại từ bỏ này được duy trì lâu hơn so với loại trên, các phiền não không có cơ hội sinh khởi trong tâm của người có thiền ở giai đoạn nhập thiền.
Nhưng khi tâm buông bỏ năng lực chế ngự thì phiền não sẽ phục hồi tiềm lực của nó, hành giả chứng đắc thiền khi xả thiền, nếu có sự dễ duôi thì những phiền não này cũng có cơ hội trỗi dậy.
Như trường hợp Bồ- tát Lohaṃsaka chứng tám tầng thiền cùng với “năm pháp thần thông phàm”, vẫn rơi vào dục nhiễm với bà Hoàng hậu, để rồi mất cả thiền chứng cùng năm pháp thần thông.
Các Giáo thọ sư tiền bối ví “sự từ bỏ chế ngự” này như đá đè cỏ, khi còn bị đá đè lên trên, cỏ không thể mọc lên; nhưng khi đá không còn thì cỏ vẫn mọc lên.
– Từ bỏ do đoạn trừ (samucchedapahāna).
Nghĩa là nhờ năng lực của Thánh đạo tuyệt dứt, bất cứ phiền não nào bị diệt trừ do năng lực của Thánh Đạo, phiền não đó không thể sinh khởi được nữa. Ví như cây thốt nốt bị đứt đọt không còn khả năng sanh khởi trong tương lai.
Loại từ bỏ này chuyển một phàm phu trở thành bậc Thánh qua sự phát triển thành tựu tâm Sơ đạo Siêu thế .Và “nâng bậc Thánh lên tầm cao cho đến khi viên tịch” qua các Thánh Đạo còn lại.
Đạo Dự Lưu đã tuyệt dứt tà kiến và hoài nghi, tà kiến và hoài nghi không còn sinh khởi trong tâm của vị Thánh Dự lưu với bất cứ hình thức nào, bất cứ trường hợp nào.
Đạo Nhất lai tuyệt trừ phần lớn tham dục và sân, nên các Ngài chỉ còn sinh lại trong cõi dục một lần nữa thôi, khác với bậc Dự Lưu có thể sinh trở lại Dục giới đến 7 lần.
Đạo Bất lai tuyệt dứt sân và tham dục, dù chưa chứng đạt thiền chỉ tịnh, nhưng khi mệnh chung các Ngài vẫn tái sinh vào Phạm thiên giới. Đây là do mãnh lực đã tuyệt dứt dục ái (kāmarāga).
Đạo A-la-hán tuyệt trừ mọi ái dục cùng tất cả những loại phiền não còn sót lại của bậc Thánh A-na-hàm. Vị này không còn sinh tử luân hồi nữa.
– Từ bỏ nhờ khinh an (paṭipassadhippahāna).
Nghĩa là sự an tịnh các phiền não 2 hay ba sát-na tâm quả Siêu thế trong lộ đắc Đạo.
Tâm Đạo tuy sát trừ phiền não, nhưng chưa làm phiền não hoàn toàn nguội lạnh, tâm Quả Siêu thế là tâm làm nguội lạnh hoàn toàn những phiền não do tâm Đạo sát trừ.
Ví như đống lửa đang cháy, một người dùng nước dập tắt ngọn lửa, lửa tuy tắt nhưng hơi khói và hơi nóng vẫn còn, người ấy mang thêm hai hay ba thùng nước nữa tưới vào đống lửa, khiến ngọn lửa hoàn toàn nguội lạnh.
Ý nghĩa này như thế nào, cũng vậy tâm Đạo ví như thùng nước tưới tắt ngọn lửa, hai hay ba thùng nước sau ví như 2 hay 3 sát-na tâm Quả Siêu thế sinh lên kế tục tâm Đạo.
Do mãnh lực làm an tịnh trọn vẹn những phiền não do tâm Đạo diệt trừ, nên tâm Quả Siêu thế có tên gọi là “khinh an đoạn trừ”.
– Giải thoát từ bỏ (nissaraṇappahāna).
Nghĩa là sự giải thoát đau khổ, ở đây ám chỉ Níp-bàn, từ bỏ các pháp hữu vi hoàn toàn.
Sự từ bỏ này có hai cách: phiền não Níp-bàn (kilesanibbāna) là vị Thánh A- la-hán trừ tuyệt mọi phiền não nhưng còn thân ngũ uẩn, còn gọi là Hữu dư y Níp-bàn.
Khi vị thánh A- la-hán viên tịch là Ngũ uẩn Níp-bàn (khandhanibbāna), còn gọi là Vô dư y Níp-bàn.
Sự từ bỏ nhờ giải thoát ở đây ám chỉ Vô dư y Níp-bàn, vì vị A-la-hán tuy đã sát trừ mọi phiền não, nhưng còn thân ngũ uẩn vẫn còn phải nhận lãnh những ác quả đã tạo trong quá khứ, loại nghiệp này tuy không còn khả năng dẫn dắt đi tái sinh, nhưng nó có thể nương vào năm uẩn để trả quả, ví như loại chùm gởi không thể mọc rễ trong đất, nhưng nó bám vào thân cây để cho hoa, trái.
Lại nữa, “những lời liên quan đến Luật” là nói đến những cách ứng xử, cách gìn giữ thân – ngữ không cho rơi vào ác nghiệp (cả tại gia lẫn bậc xuất gia), nhằm mục đích đoạn trừ tham – sân.
“Nói những lời đáng được gìn giữ”, là nói về : Ít ham muốn, biết đủ, viễn ly, hòa hợp, tinh tấn, giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến.
“Nói hợp thời”. Tuy là nhhững lời “đáng gìn giữ trong tâm”, nhưng không đúng đối tượng sẽ không nói.
“Với người vô tín, nói về đức tin là ác thuyết.
Với người ác giới, nói về giới hạnh là ác thuyết.
Với người nghe ít, nói về đa văn là ác thuyết.
Với người bỏn xẻn, nói về bố thí là ác thuyết.
Với người si dốt, nói về trí tuệ là ác thuyết ([43])
Hoặc là: Có 16 điều liên quan đến thuyết pháp như:
– Không thuyết pháp đến người ngồi chỗ cao hơn.
– Không thuyết pháp đến người vô bịnh có cầm dù, gậy trong tay.
– Không thuyết pháp đến người vô bịnh mang giày, mang dép …([44])
Với những trường hợp như thế, nếu thuyết giảng pháp là “nói không hợp thời”.
“Nói thuận lý” (sāpadesa).
Sāpadesanti sa upamaṃ , sa kāraṇanti attho:
Nói thuận lý là nói có sự đối chiếu, có nguyên nhân (At).
“Nói có hạn định” (pariyantavatiṃ). Là lời nói có ích lợi hiển lộ đến đâu thì dừng ở đó, không vượt qua ranh giới ấy.
“Nói có nghĩa” (atthasaṃhita), là không nói lạc đề. Tức là “nêu ra vấn đề nào thì nói vấn đề ấy, không nói sang vấn đề khác”.
Ở trên là 7 tiểu giới chính bên trong tâm của vị Tỳ-khưu.
Tiếp theo kinh văn nêu ra 19 tiểu giới thuộc bên ngoài như sau:
8- Vị ấy từ bỏ làm hại các hạt giống và các loại cây cỏ.
Hạt giống (bīja). Có 5 loại là:
– Hạt giống từ rễ cây sinh ra (mūlabīja). Như những loại củ như khoai, gừng, nghệ, tỏi, hành …
– Hạt giống từ thân sinh ra (khandhabīja). Là từ những nhánh cây cắm vào đất sẽ phát triển thành cây mới, như: cây sung, cây xanh, cây gừa, cây Bồ -đề, cây si …
– Hạt giống từ hạt (bījabīja). Như hạt lúa, hạt bắp, hạt đậu …
– Hạt giống sinh từ đốt (phaḷubīja), như mía, tre ..
– Hạt giống sinh từ phần ngọn (aggabīja). Như cây húng quế, cỏ lạc đà …
Cây cỏ. Là những loại cây nhỏ đã sinh lên.
9- Dùng một ngày một bữa, không ăn ban đêm. Từ bỏ ăn phi thời.
– Dùng một ngày một bữa. Từ khi hừng sáng (mắt nhìn thấy rõ màu xanh của lá cây) cho đến khi đứng bóng (giờ ngọ), được xem là buổi sáng.
Từ khi bóng xế qua một sợi tóc cho đến khi mặt trời lặn, được xem là buổi chiều.
Từ khi không còn ánh sáng mặt trời cho đến hừng sáng, được xem là ban đêm.
Trong buổi sáng dùng bao nhiêu lần cũng được xem là “dùng một bữa”.
Một số Giáo Thọ sư cho rằng: Dùng buổi sáng là “người ăn”, dùng buổi trưa là “chư thiên ăn”, dùng buổi chiều là “súc sinh ăn” và dùng ban đêm là “ma đói” (peta) ăn”.
– Từ bỏ ăn phi thời. Là không ăn vào buổi chiều và ban đêm.
10- Từ bỏ xem múa, hát, nhạc, diễn kịch.
Vì sự xem múa, nghe hát … không thích hợp với bậc xuất gia.
Các Giáo thọ sư giải thích rộng là “ngay cả xem những loài chim múa như hạc, công..” cũng không thích hợp.
11- Từ bỏ trang điểm bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các trang sức.
Dầu thoa là những hương liệu thoa vào thân, làm tăng thêm vẽ đẹp của thân.
Như dùng sáp ong pha chế thêm nhưng hương liệu, dược chất, khi thoa vào người sẽ làm da mịn màng hơn …
Trang sức, là dùng những vật trang điểm khác, ngoài các loại hoa như vàng, ngọc, đá quý ….
12- Từ bỏ dùng giường cao và giường lớn.
Là không dùng các loại giường cao – rộng quá hạn định. Cụ thể như thế nào?
Trong Atthakathākuṭikārasikkhāpāda của bộ Kaṅkhāvitaranī nói: Không cao – rộng quá 8 ngón tay của Đức Phật.
Như trong Pāṭimokkha có ghi:
Navaṃ pana bhikkhunā mañcaṃ vā pīṭhaṃ vā kārayamānena,
“Tỳ-khưu muốn làm giường hoặc ghế mới,
aṭṭhaṅgulapādakaṃ kāretabbaṃ sugataṃgulena:
Phải làm chân đúng 8 ngón tay (của Đức Phật).
Theo bộ Sớ giải này thì: Một ngón tay của Đức Phật = 3 ngón tay người bậc trung.
Như vậy “giường rộng quá hạn định” là rộng bằng 24 ngón tay người bậc trung, khoảng 3 m.
Như vậy, “giường không cao quá hạn định” là không cao quá 3 m.
Giường cao 3 m xem ra cũng không hợp lý, nếu hiểu cách khác theo đoạn Pāli trên thì: Không cao – rộng quá 8 ngón tay người bậc trung; tức là không cao – rộng quá 1 m thì có vẻ hợp lý hơn, xin các vị Luật sư thẩm xét.
13- Từ bỏ nhận vàng và bạc.
Là vật mà người ta dùng thay cho tiền, như tiền vàng (kahāpaṇa) hoặc māsaka (=¼ kahāpaṇa) bằng vàng, māsaka bằng đồng, māsaka bằng gỗ.
Trong Luật Phân tích Tỳ -khưu, phần giới Ưng -xả đối trị (điều học thứ 8) có ghi nhận: Đại Đức Upasena thọ nhận tiền vàng, cư sĩ đã phàn nàn rằng:
– Chúng tôi nhận lãnh tiền bạc như thế nào thì các Sa-môn Thích tử này nhận lãnh tiền bạc như thế ấy.
Do nhân đó, Đức Thế Tôn chế định học giới này.
14- Từ bò các mễ cốc sống.
Có 7 loại mễ cốc sống là: Lúa sāli, lúa nếp, lúa sāli đỏ, lúa giống, bắp, lúa thơm, lúa mì. Những loại này dùng để gieo trồng trong các vụ mùa.
Đức Phật chế định cho chư Tỳ-khưu “không được nhận”, từc là “sa-môn không phải là nông dân”; nhưng những hạt giống này dùng để làm lương thực thì có thể nhận. Như trường hợp Đức Thế Tôn khi an cư mùa mưa thứ 12 tại xứ Verañja, bấy giờ xứ Verañja găp nạn đói, chư Tỳ-khưu phải nhận gạo Sāli đỏ để dùng.
15- Từ bỏ nhận thịt sống.
Là những con vật còn sống như cá còn sống, gà, vịt còn sống …
16- Từ bỏ nhận đàn bà, con gái.
17- Từ bỏ nhận tớ trai, tớ gái.
Tỳ-khưu nhận tôi trai, tớ gái hẳn nhiên là không thích hợp.
Nhưng có người được gửi vào chùa để giúp việc cho tự viện (công quả), hay là người học pháp trong tự viện, hay được làm dấu (kappiyakāraka) là người thị giả. Vị Tỳ-khưu có thể nhận mà không sai Luật.
Như trường hợp Ngài Anuruddha nhận đồng tử Cūḷa Sumana là thị giả cho mình([45]).
Hoặc như Ngài Pilindavaccha nhận 500 người giúp việc do vua Bình-sa cấp cho và ngôi làng Pilinda vaccha được thành lập([46]).
18-Từ bỏ nhận cừu, dê.
19- Từ bỏ nhận gia cầm, heo.
20- Từ bỏ nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái.
Những vật trên có tính cách “chăn nuôi”, nên vị Tỳ-khưu nhân là không thích hợp.
21- Từ bỏ nhận ruộng, vườn.
Ruộng. Là nơi trồng cây ngắn ngày, thu hoạch nhanh (pubbaṇṇajāti).
Vườn. Là nơi trồng cây lâu năm, thu hoạch chậm (aparaṇṇajāti).
Ruộng là đất đã trồng trọt; vườn là đất đã trồng trọt hoặc chưa trồng trọt.
Những chỗ thấp trủng hay đầm lầy… cũng xếp vào cụm từ “ruộng – vườn”.
22- Từ bỏ nhận người môi giới hay tự mình làm môi giới.
23- Từ bỏ mua bán. Là không mua hoặc bán.
Trong Luật phân tích Tỳ-khưu, phần Ưng-xả đối trị có ghi nhận:
Chư Tỳ-khưu thuộc nhóm Lục sư đã trao đổi vàng bạc với nhiều hình thức. Nhân đó, Đức Phật chế định học giới này.
24- Từ bỏ các sự gian lận bằng cân, vàng bạc và đo lường.
* Gian lận bằng cân. Có 4 cách:
– Gian lận bằng hình thức. Là trái cân có kích thước, hình dạng như nhau, nhưng một trái thì năng, một trái thì nhẹ.
Khi mua hàng thì dùng trái cân nặng, khi bán thì dùng trái cân nhẹ.
– Gian lận bằng chi thể. Là khi mua hàng thì dùng ngón tay kéo cán cân xuống, khi bán hàng thì dùng ngón tay nâng cán cân lên.
– Gian lận bằng cách nắm. Khi mua hàng thì nắm dây đầu cán cân ghì xuống, khi bán hàng thì nắm dây cuối cán cân.
– Gian lận kín đáo. Là làm cán cân rỗng ruột, đặt cục chì vào bên trong cán cân .
Khi nhận hàng, khéo léo làm cho cục chì chạy ra cuối cán cân (cán cân chúi xuống, khi cán cân thăng bằng thì lượng hàng hóa trong đĩa cân tăng lên).
Khi bán hàng thì khéo léo làm cho cục chì chạy đến đầu cán cân (khi ấy cán cân nhô cao, khi cân thăng bằng thì lượng hàng hóa trong đĩa giảm xuống).
* Gian lận vàng bạc.
Là pha trộn bạc hay đồng vào vàng, khi bán ra tính như là số lượng vàng.
Hoặc làm 2 hay 3 mâm vàng rất giống nhau, trong đó một mâm là vàng thật những mâm còn lại là vàng giả.
Khi có người đến mua thì trưng bày mâm vàng thật, nhưng khi bán thì tráo mâm vàng giả.
* Gian lận đong, lường. Có 3 cách:
– Gian lận chất lỏng. Như bơ hay dầu mè … khi nhận hàng thì đong vào vật chứa một cách chậm chạp để dầu hay bơ lắng đọng xuống, khi bán thì đổ nhanh khiến người nhận thấy đủ rồi, nhưng khi để yên thì dầu hay bơ lắng xuống không đủ số lượng.
– Gian lận chất đặc. Như gạo, lúa, đậu… khi đong để bán thì khéo léo làm cho vật chứa thấy đầy nhưng nhẹ . Khi nhận hàng thì vật chứa thấy đầy nhưng nặng.
– Đo lường ruộng – vườn. Khi đo đạc để giao thì đo thẳng nhưng dây dùn; khi đo đạc để nhận thì đo xéo và kéo dây thước thẳng ra.
25- Từ bỏ sự sái quấy như hối lộ, gian trá, lừa đảo.
* Hối lộ. Là đút lót cho người xử kiện, để người này xử cho mình thắng cuộc.
Hay vị Tỳ-khưu là Luật sư, nhận tứ sự của vị Tỳ-khưu khác rồi xử cho vị Tỳ-khưu kia thắng trong việc tranh chấp vấn đề Pháp hay luật nào đó.
Câu chuyện tiền thân của Dạ-xoa Hemavanta và Sātāgiri là điển hình([47]). Tóm lược như sau:
Vào thời Giáo Pháp của Đức Phật Kassapa. Trong một tự viện có 2 vị Tỳ-khưu tranh tụng nhau về một vấn đề liên quan đến Pháp, không ai chấp nhận ai.
Hai vị quyết định mang sự việc đến nhờ 2 vị Trưởng lão thông suốt pháp luật để xử. Và giao hẹn cùng nhau “nếu ai nói sai pháp, người đó sẽ nhường tự viện cho người nói đúng pháp cai quản và ra đi tìm trú xứ khác”.
Vị Tỳ-khưu nói sai pháp, biết rằng khi đưa đến 2 Trưởng lão thì vị ấy sẽ thua, nên tìm đến 2 vị Trưởng lão trước, sắm sửa tứ sự rất trọng thế cúng dường đến 2 trưởng lão và xin 2 Ngài là vị thầy nương nhờ của mình.
Sau đó vị ấy trình bày câu chuyện nhưng không nói đến sự giao kết và hỏi hai vị Trưởng lão rằng:
– Bạch hai Thầy, trong sự việc này, ai là người đúng pháp?
– Này Tỳ-khưu, ngươi là người nói sai pháp.
– Thưa Thầy, hai Thầy đã chỉ dạy, con mới biết mình nói sai pháp. Nhưng con nay là đệ tử của hai Thầy, xin 2 thầy thương con. Hai Thầy chỉ im lặng, sự im lặng không làm ảnh hưởng đến giới hạnh của 2 thầy.
Hai vị Trưởng lão đồng ý, khi vị Tỳ-khưu kia đến, trình bày câu chuyện và bạch hỏi:
– Bạch hai Ngài, ai là người nói đúng pháp?
Cả 3 lần, 2 vị Trưởng lão đều im lặng và vị Tỳ-khưu trẻ nói rằng:
– Bạch hai Ngài, con ngỡ hai Ngài vì pháp quên người, khhông ngờ hai Ngài vì người quên pháp.
Rúng động vì câu nói của vị Tỳ- khưu trẻ, khi mệnh chung 2 vị Trưởng lão tái sinh thành 2 Dạ-xoa có tên là Hemavanta và Sātāgiri.
– Gian trá. Là cách mập mờ, nửa hư nửa thật để đánh lừa người.
Như đi thụt lùi, rồi núp sang bụi rậm khác, khiến người rượt theo thấy dấu chân tiến về phía trước, ngỡ là “đi về phía trước”.
– Lừa đảo. Là làm cho kẻ thiếy suy xét rơi vào cạm bẩy. Như câu chuyện sau đây:
Có người thợ săn bắt được 2 con hoẳng, một lớn một nhỏ đem ra chợ bán.
Kẻ bịp đi đến hỏi: “Giá bao nhiêu một con”.
– Con hoẳng lớn 2 đồng vàng (kahāpaṇa), con nhỏ một đồng (kahāpaṇa).
Kẻ bịp đưa một đồng rồi mang con nhỏ đi. Một lát sau y đi đến người bán thú bảo:
-Khi nảy tôi đưa ông một đồng phải không?
– Phải rồi.
– Con hoẳng này trị giá một đồng phải không?
– Phải rồi.
– Tôi đưa ông con hoẳng này nữa là 2 đồng Kahāpana, vậy ông đưa con hoẳng lớn cho tôi.
Người bán thú thiếu suy xét, thấy y nói có lý nên đưa con hoẳng lớn cho kẻ bịp.
26- Từ bỏ làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bứt đoạt, trộm cắp, cướp phá.
– Làm thương tổn. Như làm hư hoại tay-chân người khác.
– Câu thúc. Là trói người, buộc chặc người bằng dây.
– Sát hại. Cố ý giết chết, như vị Tỳ-khưu cho uống thuốc phá thai chẳng hạn.
Trung giới
(Majjhimasīla).
(Từ đoạn 195 – 204).
Trung giới có 10 điều.
1- Vị Tỳ-khưu từ bỏ không làm hại hạt giống và thảo mộc.
Giải.
Trong đoạn kinh văn trên có:
– Một số Sa-môn, Bà-la-môn. Sa-môn ở đây chỉ cho những vị xuất gia ở bên ngoài Phật giáo.
“Tín thí” (saddhādeyyāni).
Saddhādeyyānīti kammañca phalañca iddhalokañca paralokañca saddahitvā dinnāni:
Tín thí là tin nghiệp, tin quả, tin có đời này, có đời sau nên cúng dường (bố thí)(At).
Nghĩa là: Không phải do nghĩ rằng”người này là dòng họ của ta”, “người này là bạn của ta”, “người này sẽ đền ơn ta khi nhận những vật cúng dường của ta” hay nghĩ rằng “người này là người ân của ta”.
Nếu nghĩ đến những điều như trên, sự bố thí cúng dường này không phải là “bố thí do đức tin”.
Vật thực (bhojanāhāra). Là những chất bổ dưỡng tử miếng ăn.
Vật thực chỉ là nêu ra để điển hình mà thôi, còn ý nghĩa thì chỉ cho “bốn món vật dụng là: Y phục, vật thực, chỗ trú và thuốc trị bịnh”.
Điều này với tiểu giới thứ 8 giống nhau, nhưng có sự khác biệt là:
– Điều tiểu giới thứ 8 là “nói đến những hạt giống sẽ sinh lên cùng những cây nhỏ hay cỏ, như vị Tỳ-khưu khi dùng những loại trái cây, các loại trái cây ấy được làm dấu (kappiya) là “đã hư hạt giống”…
Còn điều trung giới thứ 1 này là: Chỉ cho những hạt giống đang sinh lên và những cây lớn.
Theo Luật Phân tích Tỳ-khưu, trong phần Ưng đối trị, có ghi nhận: Điều học này được Đức Thế Tôn chế định, do có vị Tỳ-khưu người Āḷavī đốn cây cổ thụ có vị thọ thần trú ngụ,vị ấy vô ý chém trúng cánh tay con của vị nữ thần cây.
Nữ thần cây đã nổi giận, toan dùng thần lực giết chết vị Tỳ-khưu, nhưng nàng kịp thời dằn cơn giận lại, đi đến trình lên Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn khen rằng:
– Lành thay, lành thay, này thiên nữ, nàng dằn được tâm sân đang khởi lên như thế ví như người kềm được chiếc xe đang lao nhanh một cách tốt đẹp.
Nhân đó Ngài thuyết lên kệ ([48]).
Yo ve uppatitaṃ kodhaṃ; rathaṃ bhantaṃ’va dhāraye.
Taṃ ahaṃ sārathiṃ brūmi; rasmiggālo itaro jano.
– Ai chận được phẫn nộ; như dừng xe đang lăn.
– Ta gọi người đáng xe; kẻ khác cầm cương hờ” (HT. TMC dịch).
Sau đó Đức Thế Tôn chế định học giới này.
Sở dĩ Đức Thế Tôn chế định học giới này là vì:
– Tránh sự chỉ trích của các Bà-la-môn.
Các tín đồ Bà-la-môn cho rằng “cây cỏ có linh hồn”, bậc xuất gia đốn cây là phạm vào “giới sát sinh”.
Tuy niềm tin này là sai lạc, nhưng để khởi lên niềm tin cho những người có trí trong giai cấp Bà-la-môn, nên Ngài chế định học giới này.
Lại nữa, đệ tử Đức Thế Tôn là những bậc Thánh, nếu chỉ trích bậc Thánh, phỉ báng bậc Thánh sẽ là “chướng ngại” cho Đạo quả cho người ấy. Thay vì có thể thành tựu Đạo quả Siêu thế khi nghe Pháp từ Đức Thế Tôn, nhưng do phạm vào “chướng ngại” này sẽ “không nhân được hay nhận được một cách chậm chạp” những gì “cần phải nhận”.
– Tránh tổn hại đến chúng sinh.
Các loài thảo mộc phần nhiều có các chúng sinh khác nương trú như kiến vàng, kiến đen … Khi đốn cây khiến những chúng sinh ấy sẽ chết lây.
Đây là ý chính của học giới này.
2- Vị Tỳ-khưu không được tích trữ , thọ hưởng nhiều đồ vật như: Vật thực, nước uống, vải y, xe, chỗ nằm, các hương liệu, các vât thực tốt.
–Tích trữ vật thực. Là vị Tỳ-khưu không được dùng loại vật thực dùng trong một bữa để qua đêm, phạm Ưng đối trị mỗi miếng ăn.
Nhưng nếu vị Sa-di hay người cư sĩ giúp việc chùa, cất giữ để dùng vào ngày mai thì được.
– Tích trữ nước. Là nước để dùng buổi chiều, gồm có 8 loại: Nước trái xoài (ambapāna), nước trái trâm (hay mận) (jambūpāna), nước trái chuối hột (cocapāna), nước trái chuối thường (mocapāna), nước trái viết (giống như trái cà-na, có mùi vị rất thơm ngon) (madhukapāna), nước trái thi. (mudikapāna), nước củ sen, củ co, bông súng… (sālukapāna), nước trái thanh trà (phāsusakapāna).
– Tích trữ vải y. Là vải để làm y, vị Tỳ-khưu nên hài lòng với 3 y. Không được tích trữ nhiều y để xử dụng cho riêng mình.
Trường hợp có y dư để dâng cho các bậc đồng phạm hạnh, chỉ có thể giữ trong vòng 10 ngày, quá thời gian phạm Ưng -xả đối trị (nisaggiya).
– Tích trữ xe. Là tích trữ nhiều loại phương tiện vận chuyển như: Xe 2 bánh, xe 4 bánh, kiệu …
– Tích trữ chỗ nằm. Chỗ nằm của vị Tỳ-khưu nhiều nhất là 2 chỗ: Chỗ nghỉ ban ngày và chỗ ngủ ban đêm.
– Tích trữ vật thơm. Vật thơm chỉ được cất giữ trong lúc cần dùng để trị bịnh. Sau khi hết bịnh, Tỳ-khưu không được cất giữ.
– Tích trữ những vật thực tốt. Là những loại vật thực như: mè, gạo, đậu, muối, thịt , cá, mở, dầu, bơ, sửa, đường …
Trung giới này nhằm mục đích ngăn chận tham, không cho tham ái tăng trưởng qua các loại vật chất, ngăn chận sự tầm cầu.
Đồng thời đó là cách vị Tỳ-khưu thực hành pháp “ít ham muốn” và “biết đủ ”.
3- Tỳ-khưu không được múa, hát, diễn kịch, xem múa hát …
Đức Phật có dạy: “Này các Tỳ-khưu, đây được xem là khóc than (ruṇṇaṃ) trong giới luật bậc Thánh, tức là ca vịnh (gītaṃ).
Này các Tỳ-khưu, đây được xem là điên loạn trong giới luật bậc Thánh, tức là nhảy múa (naccaṃ)”([49]).
4- Tỳ-khưu không được đánh bài, chơi cờ …
5- Tỳ-khưu không được nằm các loại giường cao-lớn sang trọng.
6- Tỳ-khưu không được dùng các loại trang sức, các mỹ phẩm để làm đẹp thân thể.
7-Tỳ-khưu không được nói 32 lời vô ích.
8- Tỳ-khưu không được tranh luận với đời.
9- Tỳ-khưu không được làm môi giới.
10- Tỳ-Khưu không được sống gian trá, lừa đảo.
Đại giới.
(Mahāsīlaṃ).
Đại giới có 7 điều, từ đoạn 205 đến hết đoạn 211 (theo Chánh Tạng Pāli).
Gọi là Đại giới vì nói đến “cách nuôi mạg sống ”. Vị Tỳ-khưu không hành 7 loại nghề sau đây để nuôi mạng.
Đọan kinh văn 205. Tỳ-khưu không được nuôi sống tà mạng bằng cách: Đoán dấu hiệu chi phần (aṅgaṃ nimittaṃ), đoán mộng (supinaṃ lakkhaṇaṃ) dấu chuột cắn (mūsikacchinaṃ), tế lửa (aggihomaṃ), tế muổng, dùng miệng phun hạt cải v..v..vào lửa, tế vỏ lúa, tế tấm, tế gạo, tế thục tô, tế dầu, tế máu, khoa xem chi tiết, khoa xem địa lý, khoa xem mộng, khoa cầu thần ban phước, khoa cầu quỷ ma, khoa dùng bùa chú khi ở trong nhà bắng đất, khoa rắn, khoa thuốc độc, khoa bò cạp, khoa chim, khoa quạ, khoa đoán số mạng, khoa ngừa tên bắn, khoa biết tiếng nói của chim.
Giải.
Dấu hiệu chi phần (aṅgaṃ nimittaṃ).
Aṅgani ārabbha pavattattā aṅgasahacaritam sattham “aṅganti”:
Những phần khởi lên (trong thân) được tồn tại và tiếntriển lâu dài, gọi là “chi phần”(At).
Nimittanti etthāpi eseva nayo:
Dấu hiệu ở đây là “tìm hiều, suy luận” (At).
“Dấu hiệu chi phần”. Bao gồm những khoa “xem tướng, xem tướng chi thể, xem hiện tượng khởi lên rồi suy đoán ..”.
“Xem tướng”. Là người có cách đi như thế này, cách ngồi như thế này, âm thanh như thế này … biết được là “người có tài sản hay không có tài sản” (lābhālābhādivijjā).
Như vua Bimbisāra (Bình-sa) nghe âm thanh của Kumbhaghosaka, Đức vua biết được là “người có nhiều tài sản”([50]).
“Xem tướng chi thể”. Là xem đặc tướng từng bộ phận chi thể trong thân, là quý tướng hay “phá tướng”.
Như Bồ-tát khi sinh ra có những Đại nhân tướng, được các vị Bà-la-môn tinh thông tướng pháp tiên đoán Ngài “sẽ là vua Chuyển luân khi tại gia”, nếu xuất gia sẽ là “bậc Chánh Đẳng giác”.
“Khoa đoán tướng diện”. Tức là người có tướng diện như thế này sẽ là vua, hoặc là cận thần, hoặc yểu tử …
“Khoa xem hiện tượng khởi lên để tiên đoán”([51]).
Tương truyền môn nghiên cứu này khởi lên từ vua Paṇḍu lãnh tụ quân quốc độ phương Nam. Câu chuyện như sau:
Có lần vua Paṇḍu nắm trong tay 3 viên ngọc trai, Đức vua hỏi những thầy chiêm tinh: “Trong tay ta đang nắm vật gì?”.
Các vị chiêm tinh trông thấy đàn ruồi đến đậu nơi thỏi đường rồi bay đi, nên thưa rằng: “Thưa Đại vương, là ngọc trai”.
Vì từ muttā (ngọc trai) cùng ngữ căn với chữ mutti, nghĩa là “thoát ra” hay “ra khỏi”.
Đức vua Paṇḍu thấy các nhà chiêm tinh đoán đúng, nên hỏi tiếp:
– “Vậy có bao nhiêu viên ngọc trai?”.
Vừa khi ấy có tiếng gà gáy 3 lần, các nhà chiêm tinh suy luận “với nắm tay của Đức vua không thể nắm nhiều hơn 3 viên ngọc trai”, nên trả lời rằng:
– “Thưa Đại vương, 3 viên”.
Hoặc, khi Ngài Aṅgulimāla sinh ra, những kho vũ khí trong hoàng cung sáng rực, các nhà chiêm tinh tiên đoán “đứa bé sinh ra trong ngày hôm nay sẽ là tên tướng cướp”.
Hay khi Ngài Jotika sinh ra, kho báu của Đức vua sáng rực, các nhà chiêm tinh tiên đón “đứa bé sinh ra trong ngày hôm nay sẽ là đệ nhất trưởng giả trong thành này”.
Tuy nhiên, đó chỉ là “dự báo” mà thôi, vì các nhà chiêm tinh không thể chỉ chính xác là hài tử nào.
Và trong ngày hôm ấy “nếu có nhiều hài tử sinh ra, chẳng lẽ các hài tử ấy đều là “tướng cướp” hoặc đều là “đệ nhất trưởng giả” cả hay sao?
Khoa đoán mộng. Như đoán rằng: Giấc mộng xảy ra vào giờ này sẽ như vầy … như vầy.
Giấc mộng khởi lên do 4 nguyên nhân:
– Giấc mộng khởi lên do tưởng nhớ lại.
– Giấc mộng khởi lên do “rối loạn vật thực”.
– Giấc mộng khởi lên do “điềm nghiệp”.
– Giấc mộng khởi lên “do chư thiên báo mộng”.
Những giấc mộng khởi lên vào lúc “hừng sáng” là những giấc mộng thật và giấc mộng do “điềm nghiệp” là chính xác.
Những giấc mộng do “tưởng nhớ lại” hoặc do “rối loạn tiêu hóa” thì không chính xác, giấc mộng do “chư thiên báo có khi đúng , có khi sai”.
Giấc mộng do “điềm nghiệp”. Như Bồ-tát trước khi chứng quả Vô thượng Chánh giác, Ngài thấy “mộng lớn 5 điều” ([52]).
“Khoa đoán dấu chuột cắn”, là khi chuột cắn vào giờ này sẽ may – rủi như thế này… như thế này, hoặc chuột cắn vào loại vải như vầy sẽ xảy ra điều như vầy … như vầy.
“Khoa tế lửa”, là đốt lửa lên để làm lễ tế đàn.
“Khoa tế muổng”, là dùng muổng múc bơ, dầu mẻ đổ vào đống lửa để tế thần lửa. Hoặc tế thần lửa bằng vỏ lúa, tấm, gạo.
“Khoa tế lửa bằng miệng”, là dùng miệng ngậm hạt cải rồi phun vào lửa để tế thần lửa.
“Khoa tế bằng máu”, là giết những chúng sinh khác, lấy máu đổ vào lửa để tế thần lửa.
“Khoa xem chi tiết”, là xem đốt ngón tay, rồi tiên đoán người này có tài sản hay không có tài sản, có địa vị hay không có địa vị …
“Khoa địa lý”, là xem đất đai tốt hay xấu.
“Khoa cầu thần ban phước”, là tụng những bài kinh (mantra) để cảm ứng đến những vị thần linh.
“Khoa cầu quỷ ma”, là dùng chú thuật để sai sử ma quỷ (giống như các Thầy Pháp thuộc Lão giáo hay các Thầy Mo của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam).
“Khoa rắn”, là thuật bắt rắn, điều khiển rắn, trị độc rắn cắn …
“Khoa thuốc độc”, là trị các chất độc hoặc đầu độc bằng các loại độc chất.
Các khoa còn lại cũng nên hiểu tương tự.
Đoạn 206.
2- Vị Tỳ-khưu lánh xa sự “nuôi sống sái quấy”, không hành những nghề như sau để nuôi sống: Xem tướng các hòn ngọc, tướng, tướng các loại binh khí, tướng nam, nữ, thiếu niên, thiếu nữ, tôi trai, tớ gái, xem tướng các loài thú…
Giải.
“ Xem tướng các hòn ngọc”, là xem loại ngọc có màu sắc như vầy, hình dạng như vầy rồi định giá viên ngọc ấy.
Hoặc đoán rằng “ngọc này mang lại an lành”, “ngọc này mang đến những điều tai hại, rủ ro …”.
“Xem tướng người”, là người có tướng như vầy sẽ phát sinh lợi đắc hay mang tai họa đến, là tướng trung thần, là tướng phản thần, là hiền nhân, là ác nhân …
“Xem tướng thú”, là thú có tướng như vầy …như vầy, là con thú tốt nên để nuôi hoặc là nên ăn thịt.
Hay xem tướng các con thú rồi định giá cho con thú ấy cao hoặc thấp tùy theo quý tướng hay hại tướng mà chúng có được.
Năm đại giới còn lại theo Chánh Tạng Pāli như sau:
3- Vị Tỳ-khưu lánh xa sự “nuôi sống sái quấy”bằng những nghề như: Tiên đoán vua tiến quân, vua lui quân, vua bản xứ sẽ tấn công, vua ngoại bang sẽ triệt thối… (Tức là không hành nghề bói toán về chiến sự để nuôi mạng sống).
4- Vị Tỳ-khưu lánh xa sự “nuôi sống sái quấy”, không hành những nghề như: Tiên đón nhật, nguyệt thựcc, các vì tinh tú… (Tức là không hành nghề bói toán về thiên văn để nuôi mạng sống).
5- Vị Tỳ-khưu lánh xa sự “nuôi sống sái quấy”, không hành những nghề như tiên đoán có nhiều mưa, đại hạn hán, được mùa, mất mùa …
Vị Tỳ-khưu lánh xa sự “nuôi sống sái quấy”, không hành những nghề như: Sắp đặt ngày lành, giờ lành để rước dâu …
Vị Tỳ-khưu lánh xa sự “nuôi sống sái quấy”, không hành những nghề như: Những nghề ảo thuật…
Tiểu giới – Trung giới – Đại giới ra sao?
Một số Giáo thọ sư giải thích rằng:
“ Tiểu giới là 5 giới hoặc 8 giới của cư sĩ, trung giới là 10 giới của Sa-di, còn đại giới là 227 giới của Tỳ-khưu hay 311 giới của Tỳ-khưu ni”.
Điều này không phù hợp với Chánh Tạng như trong kinh Phạm Võng (Brahmajālasuttanta) hay trong kinh Sa-môn quả (samaññāphalasuttanta) đã ghi nhận.
Tiểu giới không phải là “những giới nhỏ”, mà là “những giới ở trong lãnh vực nhỏ”. Trung giới là “những giới ở trong lãnh vực trung bình”. Đại giới là những giới có “phạm vi lớn”.
Trong phần tiểu giới, đó là nói đến phạm vi thân ngữ và ý, đồng thời cũng là căn bản của thiện pháp, tiểu giới là nói đến “nơi thân” của vị ấy, tuy có liên hệ đến “ngoại giới” nhưng chỉ là phần nhỏ.
Bà-la-môn Saṅgārava có bạch hỏi Đức Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả Gotama, thế nào là bờ bên này, thế nào là bờ bên kia?
– Này Bà-la-môn, sát sinh là bờ bên này, không sát sinh là bờ bên kia.
Này Bà-la-môn, lấy của không cho là bờ bên này, từ bỏ lấy của không cho là bờ bên kia.
Tà hạnh trong các dục là bờ bên này, từ bỏ tà hạnh trong các dục là bờ bên kia …
Đức Thế Tôn nói lên kệ ngôn rằng:
“Ít người giữa nhân loại; đến được bờ bên kia.
Còn số người còn lại; xuôi ngược chạy bờ này…”([53]).
Bờ bên kia chỉ cho Níp-bàn. Qua đó cho thấy rằng “những giới này không phải là những giới nhỏ nhặt”, vì những giới này có công năng dẫn đến giác ngộ Níp-bàn.
Hay là: “… Cho đến trọn đời, các vị Thánh A-la-hán đoạn tận sát sinh, từ bỏ sát sinh. bỏ trượng, bỏ kiếm, có tàm, có quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của chúng sinh và loài hữu tình …
“Cho đến trọn đời, các vị Thánh A-la-hán đoạn tận lấy của không cho …
“Cho đến trọn đời, các vị Thánh A-la-hán đoạn tận phi phạm hạnh, hành phạm hạnh …
“Cho đến trọn đời, các vị Thánh A-la-hán đoạn tận nói dối …
“Cho đến trọn đời, các vị Thánh A-la-hán đoạn tận đắm say rượu men …
“Cho đến trọn đời, các vị Thánh A-la-hán dùng mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm …
“Cho đến trọn đời, các vị Thánh A-la-hán không đi xem múa hát, nhạc, diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu …
“Cho đến trọn đời, các vị Thánh A-la-hán đoạn tận không dùng giường cao rộng…([54]).
Cho đến trọn đời bậc Thánh A-la-hán gìn giữ những giới này. Như vậy những giới này “không phải là nhỏ”.
Trung giới có phạm vi rộng hơn, là “vượt ra khỏi bản thân”, đi vào lãnh vực bên ngoài thân với phạm vi trung bình, như những người cư sĩ bình thường”.
Những sinh hoạt theo tính cách cư sĩ không thích hợp với đời sống Sa-môn trong một số phương diện nào đó.
Phận sự của Tỳ-khưu trong pháp luật này chỉ có 2 điều ràng buộc (gantha) là: Học Pháp và hành pháp.
Và vị Tỳ-khưu trong Pháp Luật này phải có lối sống trung thực, không dối gạt người đời, phải mang lại lợi ích cho tha nhân khi những người này “cúng dường do niềm tin”.
Đức Phật có dạy: “Vị Tỳ-khưu có ước nguyện” rằng:
– Mong rằng “những người cúng dường tứ sự đến ta, được quả báo lớn, được lợi ích lớn”, vị Tỳ-khưu ấy phải thành tựu viên mãn giới luật…
– Mong rằng “những thân quyến của ta, khi chúng sắp mệnh chung, nghĩ đến ta với tâm hoan hỷ, (nhờ vậy) được quả báo lớn, được lợi ích lớn, vị Tỳ-khưu ấy phải thành tựu viên mãn giới luật … ([55]).
Đại giới, chủ yếu là lánh xa sự nuôi sống sái quấy bằng những nghề xem tướng, tiên đoán … phạm vi của những giới này rất rộng, bao gồm cả thời tiết, vũ trụ cùng những lãnh vực khác như “đoán mộng, xem tướng người, loài vật, ngọc quý …”.
Sự nuôi mạng chân chánh của vị Tỳ-khưu trong Pháp Luật này là “đi khất thực”. Đức Phật tế độ vua Suddhodana (Tịnh Phạn) bằng kệ ngôn([56]):
“Uttiṭṭhe nappamajjeyya; dhammaṃ sucaritaṃ care.
Dhammacārī sukhaṃ setī; asmiṃ loke paramhi ca”.
Pháp môn khất thực chớ khinh thường,
Chánh hạnh Tỳ-khưu pháp đáng nương
Kẻ y chánh pháp hằng an lạc,
Kiếp trước đời sau vạn kiết tường” (HT. Pháp Minh dịch).
Chánh kinh.
212.“ Sa kho so, mahārāja, bhikkhu evaṃ sīlasampanno na kutoci bhayaṃ samanussati,yadidaṃ sīlasaṃvarato.
Và này Ðại vương, vị Tỳ-khưu ấy, nhờ đầy đủ giới như vậy, nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện giữ giới.
Seyyathāpi – mahārājā, rājā khattiyo muddhābhisito nihatapaccāmitto
Ðại vương, như một vị Sát đế lỵ đã làm lễ đăng quang, đã hàng phục kẻ thù địch,
na kutoci bhayaṃ samanupassati yadidaṃ paccatthikato
không còn thấy sợ hãi từ chỗ nào nữa về phương diện thù địch.
Evameva kho, mahārāja, bhikkhu evaṃ sīlasampanno na kutoci bhayaṃ, samanupassati, yadidaṃ sīlasaṃvaro.
Cũng vậy, này Ðại vương, Tỳ-khưu nhờ đầy đủ giới như vậy, nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện giữ giới.
So iminā ariyena sīlakkhandhena samannāgato ajjhattaṃ anavajjasukhaṃ paṭisaṃvedeti.
Vị ấy nhờ giới uẩn cao quý này, nên nội tâm hưởng lạc vô tội.
Evaṃ kho, mahārāja, bhikkhu sīla sampanno hoti.
Như vậy, này Ðại vương, Tỳ-khưu đầy đủ giới.
Giải.
“Không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện giữ giới (na kutoci bhayaṃ samanussati yadidaṃ sīlasaṃvarato).
Sự sợ hãi chỉ sinh lên từ cội rễ (mūlaka) của “không phòng hộ (asaṃvara)”, ở đây sự sợ hãi không tìm thấy (na samanupassati) bất luận từ phương diện nhỏ nào về sự “gìn giữ giới như vậy”.
Tại sao? Vì sự sợ hãi gốc rễ “ không gìn giữ”, được vị ấy “gìn giữ”, nên sự sợ hãi không thể sinh lên (saṃvarato asaṃvaramūlakassa bhavassa abhāyā) (At)([57]).
Người không giữ giới có 4 sự hãi sinh lên như sau:
– Sợ hãi sinh lên do “tự khiển trách mình (attānuvāda bhayaṃ)”.
– Sợ hãi sinh lên do “người khác khiển trách (parānuvāda bhayaṃ)”.
– Sợ hãi phát sinh do “hình phạt quốc độ (daṇḍa bhayaṃ)”.
– Sợ sa xuống khổ cảnh trong kiếp sau (duggati bhayaṃ)”([58]).
Với người có thân hành ác, ngữ hành ác, ý hành ác cả bốn điều sợ hãi này có thể khởi lên đầy đủ, nhưng chủ yếu là “hình phạt quốc độ và rơi vào khổ cảnh trong đời sau”([59]).
Có những giới tuy không vi phạm vào luật quốc độ, nhưng người vi phạm sẽ “tự khiển trách mình” và “bị người trí khiển trách”.
Như Ngài Sudinna xuất gia trong Giáo pháp này, do không suy xét kỹ đã quan hệ tình dục với người vợ cũ, với mục đích là “cho hạt giống”.
Sau đó Ngài hối hận, phát sinh phiền não đến nỗi da vàng vọt, lộ gân xanh, do nhân này Đức Thế Tôn chế định học giới “tẩn xuất – pārājika”([60]).
Hoặc “làm lễ tế đàn có máu chúng sinh” sẽ bị người có trí khiển trách, cả đến việc “tiên đoán có mưa hay hạn hán” cũng không chính xác vì có những nguyên nhân khiến cho người tiên đoán mưa không thể “nhẫn nại” được.
“Có năm chướng ngại (antarāyā) cho mưa này, các người đoán tướng (nimittā) không biết được, ở đây mắt của người đoán tướng không thể kham nhẫn. Thế nào là năm?
– Trên hư không, hỏa giới phẫn nộ (pakuppati), do vậy các mây khởi lên bị tán loạn (paṭivigacchanti) …
– Trên hư không, phong giới phẫn nộ, do vậy các mây khởi lên bị tán loạn …
– Rāhu vua các loài A-tu-la (asura) dùng tay thâu lấy nước (paṭicchitvā) rồi đổ xuống biển lớn …
– Chư thiên các loại mây đem mưa (vassavalāhakā) trở thành biếng nhác …
– Khi loài người trở thành phi pháp …([61])
Khi đoán sai sẽ bị “người khác khiển trách”.
D0 đó, nói rằng “vị Tỳ-khưu đầy đủ giới” không thấy sợ hãi từ bất cứ phương diện nào (na kutoci bhayaṃ samanussati).
Có vị Tỳ-khưu trú ẩn trong rừng, Ngài là bậc giữ giới rất thanh nghiêm. Do năng lực giới hạnh của Ngài, khiến vị chư thiên ngụ ở gần đó không thể ở trên cao, vị chư thiên ấy khó chịu, tìm cách tẩn xuất ngài ra khỏi khu rừng này, nhưng không tìm được lỗi của Ngài.
Vị chư thiên liền nhập vào đứa bé, con một người hộ độ vị Tỳ-khưu, sau đó vị chư Thiên hiện thân bảo rằng: “Đứa bé này bịnh rất nặng, chỉ có vị Tỳ-khưu trú trong rừng mới có thể trị bịnh cho đứa bé được mà thôi”.
– Nhưng thưa Ngài, vị Trưởng lão ấy không biết thuốc trị bịnh.
– Hãy xin nước rữa bát của vị ấy cho đứa bé uống.
Hôm sau, vị Tỳ-khưu đến nhà người hộ độ để thọ thực, gia chủ đã tường thuật lại câu chuyện trên và vị Tỳ-khưu đã cho nước rữa bát đến đứa bé.
Khi Trưởng lão về đến nơi cư ngụ, vị chư thiên hiện ra bả0 rằng:
– Này vị Sa-môn, ông đã phá giới, ông hãy ra khỏi chỗ này.
Vị Trưởng lão quán xét lại giới hạnh của mình, thấy hoàn toàn trong sạch, khiến hân hoan sinh khởi trong tâm, rồi Ngài nương theo đó phát triển tuệ quán chứng Thánh quả A-la-hán([62]).
Đức Phật có dạy:
“Yo ca vassasataṃ jīve; dussīlo asamahito.
Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo ; sīlavantassa jhāyino.
“Ai sống cả trăm măm; ác giới, không hành thiền.
Tốt hơn sống một ngày; có giới hạnh, có thiền”.([63])
Đã làm lễ đăng quang (muddhābhisito = muddhā (đỉnh, chót) + ābhi (cao nhất)+ sita (ở nơi)).
Muddhābhisitoti yathāvidhānavihitena khattiyābhisekena muddhanti avasitto:
Nơi sắp xếp, tiến hành xức dầu thánh đặc biệt cho cho vị Sát-đế -lỵ lên ngôi vua, gọi là “lễ đăng quang”(At).
“Hàng phục kẻ thù địch (nihatapaccāmitto).
Là làm cho “những kẻ quấy rối, kẻ chống đối, kẻ gây bất an” trở nên yên lặng, hoặc bị tiêu diệt.
Phương diện thù địch (yadidaṃ paccatthikato).
Từ bất cứ phương diện nào, sự sợ hãi từ một kẻ thù địch cũng không sinh lên, cũng không tìm thấy. Tại sao? Vì đã “hàng phục kẻ thù địch”(At).
Đoạn kinh văn trên, Đức Thế Tôn dùng 2 lần cụm từ “đầy đủ giới (sīlasampanno)”.
Lần đầu, Ngài ám chỉ “vị Tỳ -khưu phàm, chưa thành tựu giới”, nhưng đã cảm thấy an ổn, không còn lo sợ về phương diện giữ giới, nhưng chưa thật sự bảo đảm vững chắc “thoát ra 4 khổ cảnh”.
Lần thứ 2, cụm từ “đầy đủ giới”, Ngài chỉ cho sự “thành tựu giới của bậc Thánh theo từng phần”, tức là vị Thánh hữu học đã “thoát ly vĩnh viễn bốn khổ cảnh” và “thoát ly vĩnh viễn luân hồi” với bậc Thánh A-la-hán.
Chính cụm từ “không còn thấy sợ hãi từ chỗ nào nữa về phương diện thù địch” đã nói lên ý nghĩa này, “kẻ thù nghịch” ở đây chỉ cho các phiền não (kilesa), các phiền não ấy đã bị trừ diệt (nihata) không còn dư sót.
Đức Phật có dạy:
Có 3 chỗ mà vị Sát-đế-lỵ đã làm lễ đăng quang cần phải ghi nhớ trọn đời là:
Nơi vị Sát-đế -lỵ sinh ra, nơi vị ấy làm lễ đăng quang, nơi vị ấy cầm đầu và chiến thắng kẻ thù.
Cũng vậy, có 3 chỗ mà vị Tỳ-khưu phải chi nhớ trọn đời là:
– Nơi vị Tỳ-khưu cạo bỏ râu, tóc, đấp y hoại sắc, từ bỏ gia đình sống đời sống không gia đình.
– Nơi vị Tỳ-khưu như thật rõ biết “đây là khổ”, như thật rõ biết “đây là nguyên nhân sinh khổ”, như thật rõ biết “đây là sự diệt khổ”, như thật rõ biết “đây là con đường đưa đến diệt khổ”.
(Ám chỉ vị ấy chứng đạt quả Dự Lưu, ví như nơi vị Sát-đế-lỵ làm lễ đăng quang, nơi ấy là nơi cao nhất, cũng vậy, Níp-bàn là cảnh giới tối thượng nhất so với các cảnh giới).
– Nơi vị Tỳ-khưu đoạn tận các ô nhiễm (āsava), thành tựu bậc Thánh A-la-hán.
(Ví như vị Sát-đế-lỵ không còn sợ bất kỳ phương diện thù nghịch nào, vì đã hàng phục tất cả kẻ nghịch) ([64]).
Hoặc là:
“Này các Tỳ-khưu, dựa vào vua núi Tuyết Sơn, các loài rắn lớn tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh.
Ở đấy, khi chúng tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh, chúng đi xuống các hồ nhỏ; sau khi xuống các hồ nhỏ, chúng đi xuống các hồ lớn, chúng đi xuống các sông nhỏ; sau khi đi xuống các sông nhỏ, chúng đi xuống các sông lớn; sau khi đi xuống các sông lớn, chúng đi ra biển, ra đại dương. Tại đấy thân của chúng được to lớn và quảng đại hơn.
Cũng vậy, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo tám ngành, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các thiện pháp”([65]).
Hồ nhỏ ví như Thánh Đạo Dự lưu, hồ lớn ví như Thánh Đạo Nhất Lai, sông nhỏ ví như Thánh Đạo Bất Lai, sông lớn ví như Thánh đạo A-la-hán, biển lớn ví như sự viên tịch.
“Nội tâm” (ajjhattaṃ).
Ajjhattanti niyakajjhattaṃ, attano santāneti attho:
Nội tâm là bên trong của mình, nghĩa là nơi tự ngã sinh lên liên tục (At).
Attano (tự ngã) ở đây chỉ cho danh sắc hay năm uẩn (pañcakkhandhā): Sắc, thọ, tưởng, hành và thức.
“Lạc vô tội” (anavajjasukhaṃ). Là thân tâm an tịnh với chuỗi hỷ lạc thiện, dựa trên nền tảng “hổ thẹn tội lỗi” (hiri) và “ghê sợ tội lỗi” (ottappa), là nhân gần (padaṭṭhāna) của giới. (At).
Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-khưu, có hai loại lạc. Thế nào là là hai? Lạc tại gia và lạc xuất gia … này các Tỳ-khưu, tối tắng trong hai lạc này là “lạc xuất gia”.
– Này các Tỳ-khưu, có hai loại lạc. Thế nào là hai? Dục lạc và viễn ly lạc … này các Tỳ-khưu, tối tắng trong hai lạc này là “viễn ly lạc”.
– Này các Tỳ-khưu, có hai loại lạc. Thế nào là hai? Lạc sanh y (upadhisukhaṃ) và lạc không sanh y (nirupadhisukhaṃ) … này các Tỳ-khưu, tối tắng trong hai lạc này là “lạc không sanh y” .
– Này các Tỳ-khưu, có hai loại lạc. Thế nào là hai? Lạc có ô nhiễm (sāsavasukhaṃ) và lạc không ô nhiễm (anāsavasukhaṃ) … này các Tỳ-khưu, tối thắng trong hai loại lạc này là “lạc không ô nhiễm”. … ([66])
* Lạc tại gia (gihisukhaṃ)”.Là những loại lạc có liên hệ đến sắc, thinh, hương, vị xúc. Là loại lạc đi chung với bất thiện tham.
* Lạc xuất gia (pabbajitasukhaṃ)”. Là những loại lạc không liên hệ đến sắc, thinh, hương, vị xúc. Là loại lạc thiện.
* Dục lạc (kāmasukhaṃ)”. Là những loại lạc liên hệ đến cõi dục, liên hệ đến 5 cảnh dục, là loại lạc có thiện có bất thiện.
* Xuất ly lạc (nekkhamasukhaṃ)”. Là loại lạc có tính “thoát ra” những trói buộc, đó là những loại lạc thiền định (Sơ, nhị, tam thiền) hay lạc “xuất thế gian” (là lạc Siêu thế) ([67]).
* Lạc sanh y (upadhisukhaṃ)”. Là loại lạc còn liên hệ đến tái sinh. Chỉ cho những loại lạc trong tâm quả hiệp thế.
* Lạc không sanh y (nirupadhisukham).” Là loại lạc không liên hệ đến tái sinh. Chỉ cho những loại lạc trong tâm quả Siêu thế.
“Lạc có ô nhiễm (sāsavasukhaṃ)”. Là những loại lạc còn dẫn đến tái sinh.
“Lạc không ô nhiễm (anāsavasukhaṃ). Chỉ cho những loại lạc trong tâm Siêu thế.
Lạc vô tội ở đây chỉ cho những loại lạc thiện hiệp thế, lẫn lạc Siêu thế do nương sinh từ ân đức giới.
Dứt phần 3.
Dứt chương III.
([1])– Vsm. Phần 1, 4.
([2])– Xin xem thêm : Tỳ-khưu Chánh Minh (sd). Xuất ly độ.
([3])– Vsm. Chương Giải về Giới, phần giải thích Pāṭimokkhasīla (Biệt biệt giải thoát giới).
([4])– HT. TMC (d). Dhp câu số 367.
([5])– HT. TMC (d). Ud.21. Chương ba, phẩm Nanda.
([6])– Tỳ-khưu Siêu Minh (d). Chú giải kinh Phật tự thuyết (udāna), q2, tr. 627.
([7])– Vsm. Phần 1, 20.
([8])– HT. TMC (d). Dhp, câu 131 – 132.
([9])– ĐĐ Thiện Phúc (d). Chú giải người và cõi. Ba đạc điểm thù thắng của người Bắc Cưu lư châu.
([10])– Trích trong “Chú giải Người và Cõi”, do ĐĐ Thiện Phúc (d).
([11])– HT. TMC (d). A.iv, 247. Pháp 8 chi, kinh Rất là nhẹ.
([12])– D.iv.
([13])– HT. TMC (d). A.iv, 247. Pháp 8 chi. Kinh Rất là nhẹ.
([14])– S.i,. Chương 1. Tương ưng Thiên tử, phẩm già (jarāvaggo), kinh Phi đạo (upatthasuttaṃ).
([15])– D.iii, kinh Đại bát Níp-bàn (Mahāparinibbānasuttanta).
([16])– A.i, 180. Pháp ba chi, kinh Venāga.
([17])– A.iv, 54. Pháp 7 chi. Kinh Dâm pháp (methunasuttaṃ).
([18])– Ud.21. Chuyện Ngài Nanda. Dhp, câu số 14.
([19])– A.iv, 307. Pháp 8 chi, kinh Phi thánh ngôn.
([20])– Xem A.1, 18. Pháp 1 chi. Phẩm Phi pháp.
([21])– DhpA. Câu 334 -335- 336- 337.
([22])– Xem A.i, 59. Pháp hai chi, Phẩm Người ngu.
([23])– M.i, Kinh số 21. Ví dụ cái cưa (kakacūpama sutta).
([24])– A.i, 283. Pháp 3 chi, kinh Chữ viết.
([25])– Pháp hành thế gian là:
– Hành động tạo phước, gọi là phúc hành (puññābhisaṅkhāra).
– Hành động bất thiện, gọi là phi phúc hành (apuññābhisaṅkhāra).
– Không rung động với pháp hành, gọi là bất động hành (aneñjābhisaṅkhāra).Hư không thế gian là: Các cảnh giới tái sinh.
– Chúng sinh thế gian là “danh, sắc, hay ngũ uẩn”.
([26])- DhpA. Câu sổ 3 – 4.
([27])– D.iv. Tướng kinh.
([28])– DhpA. Câu số 133.
([29])– DhpA. Câu số 53.
([30])– HT. TMC (d). D.iii, kinh Đại Bat Níp-bàn.
([31])– Xem Therigāthā. Ambapālī. (Kệ ngôn Trưởng lão ni – Ambapālī).
([32])– Xem Buddhaāṃsa- Atthakathā (Sớ giải Phật sử).
([33])– Xem Cariya –Atthakathā (Sớ giải hạnh Tạng).
([34])– D.iv, Kinh Tướng.
([35])‑A.iv, 247. Pháp 8 chi. Kinh rất là nhẹ.
([36])– A.i, 178. Pháp 3 chi. Kinh Các sợ hãi.
([37]) Nói về người nữ phạm tội theo Majjhima-paṇṇāsa-aṭṭhakathā, tr. 156, ấn bản thứ 6.
([38])– HT. TMC (d). A. iv, 247. Pháp 8 chi. Kinh Rất là nhẹ.
([39])– Đức Bửu Chơn (s.d). Kho tàng pháp bảo, pháp 4 chi.
([40])– HT. TMC (d). Dhp, câu 183.
([41])– A. ii, 50 – tr. 410.
([42])– HT. TMC (d). Dhp , câu 116.
([43])– A.iii, 181. Pháp 5 chi. Kinh Ác thuyết.
([44])– Xem Luật Phân tích Tỳ-khưu II. Phần Ưng học pháp.
([45])– DhpA. Câu số 382.
([46])– Luật phân tích Tỳ-khưu. Giới Ưng xả đối trị (nissaggiyasīla), điều học thứ 23.
([47])– SnA. Kinh Hemavanta.
([48])– DhpA. Câu số 222.
([49])– HT. TMC (d). A.i, 261. Pháp 3 chi, kinh Khóc than
([50])– DhpA. Câu số 24.
([51])– Tương tự như môn “Mai Hoa dịch số” do ông Thiệu Khang Tiết người Trung Quốc sáng lập nên – Ns.
([52])– A. iii, 240. Pháp 5 chi. Kinh Mộng.
([53])– HT. TMC (d). A.v, 225. Pháp 10 chi, kinh Sangārava.
([54])– A.iv, 218, Pháp 8 chi, kinh Các Trai giới.
([55])– A.v, 131. Pháp 10 chi. Kinh Ước nguyện.
([56])– DhpA. Câu số 14.
([57])– At từ đoạn kinh 212 trở đi là chỉ cho Sớ giải kinh Sa-môn quả (Samaññaphala – atthakathā).
([58])-Đai trưởng lão Bửu Chơn (d). Kho tàng pháp bảo, pháp 4 chi.
([59])– A.i, 47. Chương 2 pháp, phẫm hình phạt, kinh Hai loại tội.
([60])-Vn. Phân tích giới Tỳ-khưu (bhikkhuvibhaṅga). Điều tẩn xuất (pārājika) thứ 1.
([61])– HT. TMC (d). A.iii, 243. Chương 5 pháp, kinh Mưa.
([62])– DhpA. Câu số 404.
([63])– Dhp. Câu 110.
([64])– A.i, 106. Phap 3 chi, kinh Ba chỗ.
([65])– HT. TMC (d). S.v, 47. Kinh Con rắn (nāgasuttaṃ).
([66])– A.i, 80. Pháp 2 chi, phẩm lạc (sukhavaggo).
([67])– S.iv, 235. Tương ưng thọ (vedanāsaṃyuttaṃ), phẩm 3: Một trăm lẻ tám pháp môn. Kinh Thanh tịnh, không liên hệ vật chất