Luận giải Kinh Sa Môn Quả – Chương I. Vua Ājātasattu (A-xà-thế) yết kiến Đức Thế Tôn
Phần 1: Duyên khởi.
Chánh kinh.
- “Evaṃ me sutaṃ. Ekaṃ samayaṃ Bhagavā Rājagahe viharati Jīvakassa komārabhaccassa Ambavane, mahatābhikkhu saṅghena saddhiṃ aḍḍhatelasehi bhikkhu satehi.
Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Rājagaha (Vương xá) nơi vườn xoài ([1]) của Jīvaka (Kỳ-bà) komārabhacca, cùng với đại chúng Tỳ-khưu một nghìn hai trăm năm mươi vị.
“Tena kho pana samayena rāja Māgadho Ajātasattu Vedehiputto tadahu’posathe pannarase Komudiyā cātumāsiniyā puṇṇāya puṇṇamāya rattiyā rājamacca parivuto uparipāsādavaragato nisinno hoti.
Lúc bấy giờ Ajātasattu (A-xà-thế) con bà Vehehi, vua xứ Magadha (Ma-Kiệt-Đà) nhân lễ bố-tát (uposatha) vào ngày rằm tháng tư([2]) Komudi (cây súng) đang ngồi trên lầu cao an tịnh, chung quanh có nhiều đại thần hầu hạ.
Attha kho rāja Māgadho Ajātasattu, Videhiputto tadahu’ posathe udānaṃ udānesī: “Ramaṇīyā vata bho dosinā ratti, abhirūpā vata bho dosinā ratti, dassanīyā vata bho dosinā ratti, pāsādikā vata bho dosinā ratti, lakkhaññā vata bho dosinā ratti.
Kaṃ nu kh’ajja samaṇaṃ vā payirupāseyyāma, yaṃ no payirupāsato cittaṃ pasīdeyyāti?”.
Lúc bấy giờ Ajātasattu (A-xà-thế) con bà Vedehi, vua xứ Magadha (Ma-kiệt-đà), nhân ngày bố-tát cảm hứng nói rằng: “Thật khả ái thay, đêm sáng trăng! Thật diễm lệ thay, đêm sáng trăng! Thật mỹ miều thay, đêm rằm sáng trăng! Thật êm dịu thay, đêm rằm sáng trăng! Thật điềm lành thay, đêm rằm sáng trăng!
Nay chúng ta nên đến chiêm bái vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, nhờ sự chiêm bái này tâm chúng ta được tịnh tín?”.
Giải:
* “Như vầy tôi nghe” (evaṃ me sutaṃ).
Từ ngữ “Như vầy” (eva), có rất nhiều nghĩa.
– Có nghĩa là “so sánh”, như:
“Yathā’pi puppharāsimhā; kayirā mālāguṇe bahū
Evaṃ jātena maccena; kattabbaṃ kusalaṃ bahuṃ.
“Như từ một đống hoa; nhiều tràng hoa được làm.
Cũng vậy, thân sinh tử; làm được nhiều thiện sự”([3]).
– Có nghĩa là “chấp nhận”, như:
Evaṃ bhante’ti kho te bhikkhū bhagavato paccassosum”.
Thưa vâng, Bạch Thế Tôn. Chư Tỳ-khưu vâng đáp lời Thế Tôn([4]).
– Có nghĩa “chỉ rõ ra”, như:
“Evaṃ jaccā te bhagavanto ahesuṃ itipi, evaṃnāmā evaṃgottā evaṃsīlā evaṃdhammā evaṃpaññā evaṃvihārī evaṃvimuttā te bhagavanto ahesuṃ itipī’ti”.
“Các bậc Thế Tôn ấy, sinh tánh là như vậy, danh tánh là như vậy, tộc tánh là như vậy, giới hạnh là như vậy, pháp hạnh là như vậy, tuệ hạnh là như vậy, trí hạnh là như vậy, giải thoát là như vậy”(sđd).
– Có nghĩa là “xác nhận”, như:
“Evametaṃ, kandaraka, evametaṃ, kandaraka…
“Thật sự là như vậy, này Kandaraka; thât sự là như vậy, này Kandaraka…”([5]).
– Có nghĩa là “truyền đạt”, như:
“Evaṃ kho, āvuso, visākha, sakkāyadiṭṭhi hotī’ti”
“Như vậy, này hiền giả Visakha, là thân kiến”([6]).
– Có nghĩa là “chỉ trích, mắng nhiếc”, như:
“Evamevaṃ panāyaṃ vasalī yasmiṃ vā tasmiṃ vā tassa muṇḍakassa samaṇassa vaṇṇaṃ bhāsati”.
“Trong mọi thời, mọi dịp, kẻ hạ tiện này nói lời tán thán vị Sa-môn trọc đầu ấy như vậy”([7]).
– Có nghĩa là “mang đến”, như:
“Evaṃ mahato anatthāya saṃvattati yathayidaṃ, bhikkhave, pamādo”.
“Này các Tỳ-khưu,về phương diện nội phần, Ta không thấy một pháp nào mang đến bất lợi như vậy, này các Tỳ-khưu như phóng dật”([8]).
* “Tôi” (me), chỉ cho Đức Ānanda.
“Tôi” là một danh từ thông dụng dùng để truyền đạt, đó là “hiệp thành chế định” hay “ngũ uẩn chế định”. Như “chiếc xe” là từ chỉ cho “các bộ phận của chiếc xe” được “liên kết vào nhau”, cũng vậy “tôi” là từ chỉ cho “danh sắc” hay “5 uẩn” liên kết vào nhau([9]).
Từ “tôi” này không mang ý nghĩa “có một bản ngã”.
Đức Ānanda nghe từ đâu? Ngài nghe từ nơi Đức Thế Tôn, tức là bài kinh này Đức Ānanda xác nhận là “do chính Đức Thế Tôn tuyên thuyết”.
Có lần một người chăn bò tên là Moggallāna (Mục-kiên liên) có hỏi Đức Ānanda: “Bạch Đại Đức, Đức Thế Tôn dạy bao nhiêu pháp uẩn?”, Đức Ānanda trả lời rằng:
“Ta nhận từ Đức Phật; tám mươi hai ngàn pháp.
Còn nhận từ Tỳ-khưu, thêm hai ngàn pháp nữa.”([10])
“Như vầy tôi nghe”. Là lời tuyên bố của Đức Ānanda, nêu lên với các ý nghĩa:
– Xác nhận “đây là lời dạy của chính Đức Thế Tôn”.
– Chấp nhận học tập theo lời dạy của Đức Thế Tôn.
– Truyền đạt lời dạy của Đức Thế Tôn đến Tăng chúng trong kỳ kết tập Phật ngôn lần thứ I.
– Mang đến lợi ích cho tất cả nhân thiên.
* “Nghe” (sutaṃ).
Là nghe với sự chú ý, nghe với sự ghi nhớ không sai sót từ ngữ, không bỏ sót từ ngữ.
Đức Ānanda là người có trí nhớ tuyệt vời, khi nghe một bài kinh từ Đức Phật hay từ các vị Đại trưởng lão, Đức Ānanda nhớ không hề sai sót một từ ngữ nào.
Đức Phật có tuyên bố: Đức Ānanda là vị đệ nhất trong hàng đệ tử Tỳ-khưu về 5 hạnh:
– Hạnh “nghe nhiều” (bahussutānaṃ).
– Hạnh “trí nhớ tốt đẹp (satimantānaṃ).
– Hạnh “cử chỉ khả ái” (gatimantānaṃ).
– Hạnh “kiên trì” (dhitimantānaṃ).
– Là vị thị giả tối thắng (upaṭṭhākānaṃ) ([11]).
Đức Ānanda là vị thị giả sau cùng của Đức Thế Tôn, Ngài theo hầu Phật suốt 25 năm cuối trong cuộc đời của Đức Phật, tức là Đức Ānanda chính thức là thị giả của Đức Phật khi Đức Thế Tôn được 55 tuổi thọ.
* “Một thời” (ekaṃ samayaṃ).
Thời (samaya) là một từ chỉ cho “khái niệm về thời gian”.
Có hai từ chỉ thời gian là samaya và kāla.
Samaya (thời), chỉ cho “thời gian bất định”, vì không xác định rõ “vào lúc nào”, chỉ đề cập một cách chung chung, samaya có thể dịch là “dịp”.
Còn kāla (thời gian), chỉ cho “thời gian được xác định”.
… Kālena bījāni patiṭṭhāpetvā samayena udakaṃ abhinetipi apanetipi…”
Cho gieo hạt giống đúng thời xong, người ấy (chỉ người làm ruộng – Ns) cho nước chảy vô chảy ra hợp thời …“([12]).
Quan sát đoạn kinh văn trên, chúng ta thấy hai từ kālena và samayena.
Kāla chỉ cho thời gian xác định (đúng thời vụ), còn samaya là chỉ cho thời gian bất định (khi hợp thời).
Các loại khái niệm về thời gian.
– “Khái niệm thời gian liên quan đến “chuỗi chuyển động”.
Điểm chuẩn của chuỗi chuyển động này là “cái đang có” và được định danh là “hiện tại”; trước hiện tại là quá khứ, sau hiện tại là vị lai. Tức là”
“Quá khứ” là “đã sinh, đã có, đã tồn tại, đã hiện khởi”.
“Vị lại” là “ chưa sinh, chua có, , chưa hiện khởi”.
“Hiện tại” là “đang có, đang sinh, đang tồn tại”([13]).
Để xác định samaya thuộc thời hiện tại, pāli thường diễn đạt là “tasmiṃ samaye (trong khi ấy)”, như:
“Katamaṃ tasmiṃ samaye saddhindriyaṃ hoti?
Thế nào là tín quyền (saddhidriya) trong khi ấy? ([14]).
Thời gian có 3 như trên, theo lý duyên khởi “không biết quá khứ, không biết hiện tại, không biết vị lai” xem như đồng nghĩa với “vô minh”.
Trong nghĩa ẩn dụ thì: “Không biết quá khứ là không biết nhân; không biết vị lai là không biết quả; không biết hiện tại là không biết cả nhân lẫn quả“.
– Khái niệm thời gian liên quan đến thời tiết.
Như “vào mùa lạnh, vào mùa nóng, vào mùa mưa”… hay: “buổi tối, buổi sáng, buổi trưa”…
– Khái niệm thời gian liên quan đến sự kiện. Như:
“Cattarome, bhikkhave, kālā. Katame cattāro?
Này chư Tỳ-khưu, có bốn thời gian. Thế nào là bốn?
-“Kālena dhammassavana, kālena dhammasākaccā, kālena sammasanā, kālena vipassanā:
“Thời giảng pháp, thời đàm luận, thời tu tập (thiền) chỉ, thời tu tập (thiền) quán…”([15]).
Và “thời” ở đây được dùng theo nghĩa xác định.
Như trong ngày, Đức thế Tôn có 5 việc làm:
– Buổi sáng Ngài đi khất thực (pubbaṇhe piṇḍapātaṃ).
– Xế chiều thuyết pháp đến hàng cư sĩ (sāyaṇhe dhammadesanaṃ).
– Chiều tối giáo giới chư Tỳ-khưu (padose bikkhu ovādaṃ).
– Vào nửa đêm trả lới những câu hỏi của chư thiên (aṭṭharatte devapañhānaṃ).
– Gần sáng, Ngài quán xét thế gian tìm kẻ hữu duyên nên tế độ (paccūseva gote kāle bhabb’ābhabbe)([16]).
Cũng vậy, chư Tỳ-khưu có thời khóa biểu trong ngày để: Giảng pháp, đàm luận pháp. Tu tập thiền chỉ, tu tập thiền quán.
– Khái niệm liên hệ đến thực trạng..
Như: “Thời gian an trú trong định (như 7 ngày nhập diệt thọ tưởng định, nhập định 2 giờ …”, “thời gian tịnh cư (như Đức Thế Tôn tịnh cư ba tháng) …”.
Hay “tâm đang sinh khởi”, “tâm diệt đi” (thời gian ở đây chỉ cho thời sátna – khaṇakāla) …
– Khái niệm thời gian liên hệ đến việc làm.
Như “thời gian cày bừa, thời gian gieo hạt, thời gian bón phân nước…”
– Khái niệm thời gian liên hệ đến sinh lý.
Như “thời gian tắm rửa, thời gian ăn uống, thời gian nghĩ ngơi”…
– Khái niệm thời gian liên hệ đến hoạt động.
Như “thời gian đi, thời gian ngồi…”
“Asappāyakiriyā ārogyassa paripantho”.
“Hành động không thích ứng (asappāyakiriyā) là chướng ngại cho vô bịnh”([17]).
Ý nghĩa của Phật ngôn này là: Thời gian đi, đứng, nằm, ngồi phải cân bằng nhau, thời gian hoạt động thích ứng theo việc làm hợp lý sẽ giúp cho cơ thể ngăn trừ được bịnh.
– Khái niệm thời gian liên hệ đến giải thoát. ([18])
Là thời có thể chứng đạt Đạo quả – Nípbàn. Thời này là thời nào?
Là thời có Đức Chánh giác xuất hiện trong thế gian, khi Giáo pháp của Ngài được khai mở.
Đối với bậc Thánh Thinh văn A-la-hán có hai loại thời gian liên hệ đến sự giải thoát (là chứng Nípbàn): Không đúng thời và hợp thời.
a-“Không đúng lúc, không đúng thời” (akkhaṇa asamayā) có 8 loại là:
Khi Đức Như Lai xuất hiện ở đời, thì vị ấy:
– Bị sinh vào địa ngục.
– Bị sinh vào loài thú.
– Bị sinh vào cõi ma đói (peta- ngạ quỷ).
– Bị sinh vào cõi Vô sắc.
– Sinh làm người, nhưng bên ngoài “vùng có giáo pháp của Đức Phật”, do đó không được nghe Phật pháp.
– Sinh trong vùng có Phật pháp được thuyết giảng, nhưng là người điên loạn.
– Sinh làm người không điên loạn trong vùng có Phật pháp giảng thuyết, nhưng là người không có trí bẩm sinh([19]).
– Sinh làm người có trí bẩm sinh, trong vùng có Phật pháp giảng dạy, nhưng là người có “khuynh hướng tà kiến”([20]).
b-“Đúng lúc, đúng thời” (khaṇa samaya) có một loại.
Là hội đủ bốn điều:
– Là người có trí bẩm sinh (tức là người tục sibnh bởi tâm quả có 3 nhân: Vô tham, vô sân và vô si).
– Được thấy, được gặp bậc chân nhân.
– Nghe được diệu pháp
– Thực hành pháp.
Có câu hỏi rằng: “Thời giác ngộ của Đức Chánh giác và Phật Độc giác là thời nào?
Đó là thời kỳ nhân loại có tuổi thọ không dưới trăm tuổi và không cao hơn 100 ngàn tuổi.
Và sự xuất hiện của Đức Chánh giác hay Độc giác cũng là samaya (thời bất định).
Hỏi: Đức Thế Tôn thuyết bài kinh Sa-môn quả vào thời điểm nào?
Đáp: Tuy không xác định chính xác thời điểm xuất hiện bài kinh “Sa-môn quả”, nhưng chúng ta có thể ước lượng “vào khoảng” Đức Thế Tôn được tối thiểu là gần tròn 73 tuổi.
Vì rằng: “Vua Bimbisāra (Bình-sa) lên ngôi năm 15 tuổi, chứng quả Dự lưu lúc 31 tuổi, ngồi ngai vua được 52 năm, vua Bimbisāra kém Đức Phật 5 tuổi.
Đức vua mạng chung lúc 67 tuổi, khi ấy Đức Thế Tôn được 72 tuổi thọ.
Devadatta (Đềbàđạtđa) đã xúi giục Thái tử Ajātasattu (A-xà-thế) giết cha cướp ngôi. Sau khi lên ngôi, vua Ajātasattu trợ giúp Devadadatta (Đề-bà-đạt-đa) tiến hành những phương cách sát hại Phật, từ mờ ám đến công khai.
– Mờ ám: Như sai người ám sát Đức Phật hay chính tự thân Devadatta dùng sợi dây kéo tảng đá lớn lăn từ trên cao xuống khi Đức Phật đi kinh hành bên dưới ở núi Linh Thứu (Gijjhakūṭa)([21]).
– Công khai là thả voi Nālāgiri uống rượu say để chà chết Đức Phật.
Nhưng tất cả đều bất thành.
Khi bị mất thanh danh và lợi lộc thì Devadatta yêu cầu Đức Phật chấp nhận 5 lời đề nghị của mình([22]).
Đức Phật không đồng ý và Devadatta nghĩ “sẽ dùng 5 điều này để thuyết phục mọi người”.
Và Devadatta đã chia rẽ được tăng chúng, nhưng Ngài Sāriputta (Xá-lợi-phất) cùng Đức Moggallāna (Mục-kiền-liên) đã đến nơi Devadatta cư ngụ, thuyết pháp thoại giúp 250 vị Tỳ-khưu chứng quả Dự lưu. Rồi Đức Moggallāna dùng thần thông đưa chư Tăng trở về.
Khi biết được, Devadatta đã tức tối đến nổi mửa máu tươi.
Trong chín tháng, Devadatta nằm liệt giường, tâm tư đầy ăn năn hối hận. Devadatta hỏi: “Hiện giờ Đức Thế Tôn đang ở đâu?”.
Khi biết rằng Đức Phật đang ngụ tại tịnh xá Jetavana, Devadatta nói:
– Hãy đem ta đến diện kiến Đức Phật.
Nhưng do nghiệp đã tạo ngăn cản, không cho Devadatta được diện kiến Đức Thế Tôn, Devadatta bị đất rút ngay cạnh hồ sen trong Tịnh xá Jetavanavihāra (Kỳ-viên tịnh xá), tái sinh vào địa ngục Avīci (Vô gián) cho hết kiếp trái đất này.
Khi Devadatta bị đất rút ở cạnh bờ hồ nơi Jetavanavihāra (Kỳ-viên tinh xá), bấy giờ vua Ajātasattu (A-xà-thế) kinh hoàng và ông nảy ra ý muốn đến sám hối với Đức Thế Tôn.
Một vài bộ Sớ giải cho rằng: “Vua Ajātasattu tịnh tín nơi Tam bảo, vào 8 năm sau cùng của Đức Phật”.
Như vậy thời điểm xuất hiện bài kinh này là vào lúc Đức Phật được 73 tuổi, hoặc ít nhất là Ngài gần tròn 73 tuổi.
* “Đức Thế Tôn” (Bhagavā).
Đức Thế Tôn là một danh từ có tính kính trọng và tôn sùng, danh từ này chỉ Đức Phật. Các bậc Cổ đức có kệ ngôn rằng:
Bhagavāti vacanaṃ seṭṭhaṃ; bhagavāti vacanamuttamaṃ.
Garugāravayutto so; bhagavā tena vuccati([23]).
“Thế Tôn là từ cao quý; Thế Tôn là từ cao thượng.
Ngài là bậc đáng kính phục hơn cả; do đó danh từ Thế Tôn chỉ cho Ngài”.
Ngài Buddhaghosa trong bộ Visuddhi Magga (Thanh Tịnh Đạo) có trình bày chi tiêt về Hồng danh “Thế Tôn” (xin độc giả xem sách Thanh Tịnh Đạo)([24]). Xin tóm lược như sau:
Có 4 loại tên: Tên chỉ cho giai đoạn một cuộc đời (āvatthikaṃ) như: “Bò tơ” (vaccha), “trâu chưa thuần” (damma), “bò kéo cày” (balivadha) …
– Tên chỉ cho một đặc điểm (liṅgika) như: Người mang gậy (daṇdī), người che dù (chattī), người búi tóc (sikhī)…
– Tên chỉ cho sự thành tựu đặc biệt (nemittikaṃ) như: Bậc Tam minh (tevijjā), bậc Lục thông (chalabhiññā)…
– Tên khởi lên do tình cờ (vacanaṭṭhaṃ) như: Người tăng sáng chói (sirivaddhaka), người tăng tài sản (dhanavaddhaka) …
Hồng danh “Đức Thế Tôn” là tên chỉ cho “sự thành tựu đặc biệt”.
Đức Sāriputta (Xá-lợi-phất) có dạy: “Hồng danh Thế Tôn xuất phát từ sự giải thoát rốt ráo của Đấng giác ngộ”([25]).
Và Hồng danh này không do Hoàng hậu Māyā định đặt, không do vua Suddhodana (Tịnh Phạn) định đặt, không do 80 ngàn quyến thuộc định đặt, không do các vị Trời, Phạm thiên định đặt.
Hồng danh này xuất phát từ sự chứng ngộ quả Vô thượng chánh giác dưới cội Bồ-đề.
Gọi là Đức Thế Tôn” vì Ngài:
– Là bậc hạnh phúc (bhāgyavā).
– Là bậc có sự từ bỏ (bhaggavā).
– Là bậc liên hệ đến hạnh phúc (yutto bhagehi).
– Là bậc sở hữu những gì được phân tích (vibhattavā)
– Là bậc năng lui tới (bhattavā).
– Là bậc từ bỏ những sinh hữu (vantagamano bhāvesu).
Có Pāli như sau:
Bhāgayā bhaggavā yutto bhagehi ca vibhattavā;
Bhattavā vantagamano bhavesu bhagavā tatoti ([26]).
“Bậc hạnh phúc, từ bỏ, liên hệ hạnh phúc và chủ phân tích.
Thường lui tới, từ bỏ các sinh hữu, gọi là Đức Thế Tôn”.
– “Ngài là bậc hạnh phúc”. Vì có được 32 đại nhân tướng nơi thân, được người trời kính trong, là bậc có danh tiếng lan rộng…
Là bậc làm chủ thế gian pháp lẫn Siêu thế gian pháp.
– “Ngài là bậc từ bỏ”. Ngài đã từ bỏ các ác pháp, từ bỏ các ác tà kiến, từ bỏ được 1500 phiền não, từ bỏ các bất thiện pháp như: Bốn điên đảo (vipallāsa), 4 ô nhiễm (āsava), 5 chướng ngại (nīvāraṇa), …. từ bỏ tham, sân, si.
Có kệ ngôn Pāli như sau:
Bhaggarāgo bhaggadoso, bhaggamoho anāsavo.
Bhaggassa pāpakā dhammā, bhagavā tena vuccati. (sđd).
“Từ bỏ khát ái, từ bỏ sân; từ bỏ si, không ô nhiễm.
Từ bỏ mọi ác pháp, nên được gọi là “Đức Thế Tôn”.
-“Ngài là bậc liên hệ đến hạnh phúc”. Ngoài những hạnh phúc thế gian như danh tiếng, lợi đắc .. Ngài còn đầy đủ sự tinh tấn, các pháp thần thông, các minh, các hạnh …
Mặt khác, những ai có liên hệ đến Ngài thường nhận được những hạnh phúc giải thoát từ nơi Ngài, như vua Suddhodana (Tịnh phạn), Hoàng Hậu Gotamī (Kiều-đàm), Hoàng hậu Yasodharā (Da-du-đà-la), Thái tử Rāhula (La-hầu-la), cùng với vô số người – trời khác.
– “Ngài là chủ những pháp được phân tích”. Như Ngài phân tích và giảng dạy các pháp thành 3 nhóm: Pháp thiện, pháp bất thiện, pháp vô ký.
Hoặc phân tích các pháp thành 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 4 sự thật, 22 quyền, 12 duyên khởi …
– “Ngài là bậc năng lui tới”. Là Ngài thường an trú tâm trong thiền hiệp thế, trong Diệt thọ tưởng định, trong thiền Siêu thế.
Hay: Ngài thường lui tới các trú xứ để tế độ những người hữu duyên …
– “Ngài là bậc từ bỏ các sinh hữu”. Đối với 3 hữu là: Dục hữu, sắc hữu, Vô sắc hữu Ngài không còn phải sinh lại trong các hữu này.
(Âm Bha từ chữ bhava (hữu), âm ga từ chữ gamana (đi đến), âm va từ chữ vanta và va được biến cách thành vā).
* Trú ở Rājagaha (Vương xá)” (Rājagahe viharati).
“Trú ở”. Ngoài ý nghĩa thông thường là “những nơi được dâng cho” như Trúc Lâm Tịnh xá, Kỳ-viên Tịnh xá… Hay những vùng vô chủ như rừng, núi, cội cây…
Ngoài ra “trú ở” còn mang ý nghĩa “nương vào 4 oai nghi” (avisesena iriyāpatha), là an trú tâm vào 4 oai nghi “đi, đứng, nằm, ngồi”([27]).
Hay “trú ở” là an trú tâm vào 4 phạm trú (dibbabrahma – ariya vihāresu).
Hay “trú ở” là an trú tâm vào các đề mục thiền tịnh …
* “Vương xá” (Rājagaha).
Đây là tên kinh đô của vương quốc Magadha (Ma-kiệt-đà) vùng Trung Ấn, Magadha là một trong bốn đại cường quốc trong thời Đức Phật.
Trong thời Đức Phật, Ấn độ cổ có 16 quốc độ([28]), trong đó có bốn quốc độ hùng mạnh nhất, đó là:
– Xứ Kosala (Kiều-tất-la), có kinh đô là Sāvatthi (Xá-vệ), vị lãnh tụ quân trong thời Đức Phật còn tại tiền là vua Pasenadi (Ba-tư-nặc).
– Xứ Vaṅsa (còn gọi là Vaccha), có kinh đô là Kiêu-thưởng-di (Kosambi), vị lãnh tự quân là vua Udena.
– Xứ Avaṅti, có kinh đô là Ujjenī, vị lãnh tụ quân là vua Caṇḍapajjota.
– Xứ Magadha (Ma-kiệt-đà), có kinh đô là Vương-xá (Rājagaha), vị lãnh tụ quân là vua Bimbisāra (Bình-sa).
Rāja từ ngữ căn raj là “chiếu sáng”.
Theo nghĩa đen Rājagaha là “nơi hội hợp chói sáng”, hay “nơi hội hợp các vị vua”; nghĩa bóng là “nơi ngụ của những người đại phước” như vua Mandhātu, Bà-la-môn Mahā Govinda …
Trong thời Bà-la-môn Govinda là vị cố vấn Đại thần cho vua Renu, Bà-la-môn Govinda đã vận động 6 vị Đại vương đến kinh thành của vua Renu, rồi Bà-la-môn Mahā Govinda theo lịnh vua Renu cắt đất phân chia 7 phần cho 7 vị Đại vương.
Do nhân đó, kinh thành vua Renu từ đó có tên là Rājagaha (Vương-xá)([29]).
Trong thời Đức Phật, thành Vương xá là nơi có 5 vị trưởng giả giàu nhất Ấn độ, đứng đầu là Ngài Jotika, lần lượt đến Jātila, Mendaka, Puṇṇaka và Kākavalliya([30]), đến nỗi vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) phải xin vua Bimbisāra (Bình-sa) một vị trưởng giả về cư ngụ nơi xứ Kosala (Kiều-tất-la) của mình, và ông Dhanañjaya (cha của bà Visākhā) được vua Bình-sa cử sang xứ Kosala. Và ông Dhanañjaya đã thành lập một thị trấn trù phú là Sāketa (sđd).
Vùng đất thành Vương-xá (Rājagaha) chỉ là kinh đô khi có vua Chuyển luân hay Đức Chánh giác xuất hiện.
Sau khi Đức Phật Nípbàn được ba năm thì thành Vương-xá không còn là kinh đô xứ Magadha, kinh đô xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) được dời về Pātaliputta (Hoa thị thành).
Về sau thành Vương-xá trở nên hoang vu (suñña) và trở thành khu rừng do Dạ-xoa (yakkha) bảo vệ.
* “Vườn xoài của lương y Jīvaka komārabhacca”..
* “Lương y Jīvaka komārabhacca“.
– Cụm từ komārabhacca. Nghĩa đen là “người được xem như Hoàng tử”, hay “người được Hoàng tử nuôi dưỡng”.
Trong Luật Đại phẩm (Vin. i. 268-80) có mô tả rất nhiều về lương y Jīvaka, Ngài là con của cô kỹ nữ Sīlavatī (Tịnh giới) ở trong thành Vương-xá.
Nàng có tên là Sīlavatī, vì khi “nhận tiền của người nào rồi”, thì sẽ “không nhận tiền người khác”, bao giờ “làm xong phận sự” với chủ nhân, bấy giờ nàng mới nhận tiền người khác.
Kỹ nữ Sīlavatī khi sinh ra đứa bé trai, cho người mang đứa bé trai ném vào đống rác.
Vương tử Abhaya (Vô Úy), trên đường đi đến Hoàng cung để chầu vua, thấy đàn quạ bu quanh chiếc giỏ có đứa bé, Vương tử hỏi:
– Này các người, vật gì bị bầy quạ bu quanh vậy?
– Thưa chủ, là một đứa bé trai.
– Nó còn sống không?
– Thưa chủ, còn sống.
Vương tử Abhaya (Vô-úy) cho mang đứa bé về nuôi dưỡng và đặt tên là Jīvaka (người còn sống)([31]).
Khi trưởng thành, Jīvaka (Kỳ-bà) tự mình tìm đến thành Takkasilā (hòn đá biết lý luận) học nghề thầy thuốc 7 năm, khi đã thành tài, Jīvaka trở về kinh thành Vương-xá.
Trên đường về, đến thị trấn Sāketa (Hoàng hôn) thì hết tiền, nơi đây có người vợ của một đại trưởng giả mang chứng bịnh nhức đầu đã 7 năm, các lương y đương thời đã thúc thủ.
Jīvaka đã trị dứt bịnh nhức đầu của bà và được thưởng 16 ngàn đồng tiền vàng, một tôi trai, một tớ gái cùng một cổ xe ngựa.
Khi trở về thành Rājagaha (Vương-xá), Jīvaka dâng toàn bộ số tiền kiếm được cho cha là Vương tử Abhaya (Vô-úy), nhưng Vương tử Abhaya không nhận và khuyên Jīvaka nên xây một biệt thự riêng trong tư dinh, Jīvaka đã làm theo lời khuyên của cha nuôi.
Tại nơi đây, lương y Jīvaka trị chứng bịnh rò rỉ (bhagandalābādha) cho vua Bimbisāra (Bình-sa), khi dứt bịnh vua Bimbisāra ban thưởng cho Jīvaka tất cả vật trang điểm của 500 cung nữ, nhưng Jīvaka không nhận, chỉ xin được một chức vụ.
Đức vua Bimbisāra ban cho Jīvaka chức ngự y, chuyên trị bịnh cho Đức vua, Hoàng tộc và các cung phi.
Lương y Jīvaka trị bịnh cho một đại phú gia trong thành Rājagaha (Vương xá) bị đau đầu 7 năm, ông tiến hành phẩu thuật não, lấy ra hai con sâu trong đầu của vị đại phú này.
Lương y Jīvaka trị bịnh cho con trai của nhà đại phú ở Bārāṇasī (Ba-la-nại) bị xoắn ruột, ông tiến hành phẩu thuật vùng bụng, đặt đường ruột ngay thẳng trở lại.
Lương y Jīvaka còn trị bịnh cho vua Caṇḍa Pajjota xứ Ujjenī, khi dứt bịnh vua Caṇḍa Pajjota ban thưởng cho Jīvaka xấp vải đôi xứ Sivi([32]).
Có lần, thân Đức Thế Tôn toát ra mùi khó chịu, lương y Jīvaka đã làm thuốc cho Đức Thế Tôn xổ 30 lần, Đức Thế Tôn dứt bịnh.
Khi Đức Thế Tôn tắm nước nóng để xổ lần thứ 30, lương y Jīvaka dâng lên Đức Thế Tôn xấp vải đôi rất quý sản xuất tại xứ Sivi, và thỉnh cầu Đức Thế Tôn ban cho hàng tại gia cư sĩ được phép dâng y đến chư Tăng.
Nhân đó, Đức Thế Tôn giảng lên pháp thoại thích hợp và Ngài Jīvaka đã chứng quả Dự lưu, từ đó Ngài Jīvaka là vị lương y riêng cho Đức Phật và chư Tăng.
Ngay sau đó, lương y Jīvaka suy nghĩ: “Ta nên đến thăm bệnh cho Đức Thế Tôn, mỗi ngày hai hay ba lần, nhưng Rừng tre (Veḷuvana) quá xa, khu vườn xoài gần hơn, ta nên dựng Hương thất tại đó cho Đức Thế Tôn.”
Ngài Jīvaka cho xây bức tường rào màu đỏ cao 18 khuỷu tay (khoảng 9m) bao quanh khu vườn xoài, bên trong là liêu cốc, chỗ trú ban ngày, chỗ trú ban đêm cùng những hồ nước, hoa viên…
Nơi này chứa được 1.250 vị Tỳ-khưu cư ngụ thoải mái.
Ngài Jīvaka đã cúng dường vườn xoài này đến chư Tăng, có Đức Phật là vị Thượng thủ.
Sau khi vua Bimbisāra (Bình-sa) mệnh chung, lương y Jīvaka tiếp tục phục vụ dưới triều đại của vua Ajātasattu (A-xà-thế).
Lương y Jīvaka được Đức Thế Tôn ban cho địa vị “được dân chúng kính mến nhất trong hàng cận sự nam”:
“Trong các vị nam cư sĩ của Ta, được dân chúng kính mến, tối thắng là Jīvaka komārabhacca.”([33])
Nàng kỹ nữ Sirimā là em gái của lương y Jīvaka, nhờ nàng Uttarā tiếp dẫn nên nàng Sirimā cũng chứng được Sơ quả ([34]).
Vương tử Abhaya (Vô úy).
Thường được gọi là Abhayarājakumāra. Ngài là con của Vua Bimbisāra (Bình-sa) và nàng Padumavatī, một hoa khôi của xứ Ujjeni.
Vua Bình-sa giao du thân mật với vua Caṇḍapajjota, khi đến thăm vua Caṇḍapajjota ở thành Ujjenī, từ đó có cuộc lương duyên này.
Lúc bảy tuổi, Vương tử Abhaya (Vô-úy) được mẹ gởi vào Hoàng cung của vua Bimbisāra (Bình-sa).
Trước khi gặp Đức Phật, Vương tử Abhaya là môn đệ của giáo chủ Nigaṇṭha Nātaputta.
Nigaṇṭha Nātaputta dạy Vương tử Abhaya một câu đố để luận chiến với “Sa-môn Gotama.”
Khi thấy Phật ung dung trả lời, Vương tử Abhaya đã nhận ra sự thất bại của Nigaṇṭha Nātaputta và sự giác ngộ Tối thắng của Đức Thiện Thệ.
Sau khi nghe pháp từ Đức Thế Tôn, Vương tử Abhaya quy y Tam Bảo và nhận Đức Phật lả bậc đạo sư của mình.
Khi ấy, Vương tử có được cậu công tử mà ông rất thương yêu([35]).
Về sau, khi vua Bimbisaara băng hà, tâm bị giao động mạnh Vương tử Abhaya xuất gia trong Giáo pháp của Đức Phật.
Trong dịp Phật thuyết kinh Tālacchiggalūpama Sutta (1), ông đắc quả Dự lưu, và sau đó đắc quả A-la-hán (2).
Trong Tương ưng kinh (Saṃyutta Nikāya)([36]) có gi nhận: Vương tử Abhaya có đến yết kiến Đức Phật ở núi Gijjhakūṭa (Linh-thứu) và hỏi Đức Phật về chủ thuyết của giáo chủ Pūraṇa Kassapa, nhân đó Đức Phật giảng cho Vương tử Abhaya về Thất bồ đề phần.
Trong Tạng luật, bộ Đại phẩm ghi nhận: Vương tử Vô-úy tìm thấy Jīvaka Komārabhaccanằm trên đống rác (do mẹ là kỹ nữ Sīlavatī quăng ở đó) và đem về nuôi.
Bản Sớ giải kinh Tăng chi (Aṅguttara) lại nói rằng: “Vương tử Abhaya là cha ruột của Jīvaka”.
Vương tử Abhaya có công dẹp loạn ngoài biên thùy nên được cha là vua Bimbisāra ban thưởng cho một vũ nữ tuyệt sắc.
Trong suốt bảy hôm liền ông chỉ vui thú với nàng vũ nữ, nhưng sang ngày thứ bảy nàng vũ nữ bất ngờ bị gió độc làm chết.
Buồn rầu, ông tìm đến Phật và được Phật xoa dịu nổi u buồn([37]).
Apadāna có ghi lại chuyện của ông trong nhiều kiếp trước.
Ông từng là một Bà-la-môn làu thông kinh Vệ-đà ở Haṃsavatī . Khi nghe Phật Padumuttara (Liên hoa) thuyết pháp, ông từ bỏ tín ngưỡng Bà-la-môn, gia nhập Tăng đoàn và dành nhiều thời gian niệm tưởng ân đức Phật.
* “Một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ-khưu” (aḍḍhatelasehi bhikkhusatehi).
“Một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ- khưu”. Chỉ cho số lượng Tăng hội (sāvakānaṃ sannipāto) của Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn Gotama có một Tăng hội là 1.250 vị([38]).
Vào ngày trăng tròn tháng Megha (tháng giêng theo lịch Việt Nam), có 1.250 vị Thánh A-la-hán cùng nhau tụ hội tại Trúc Lâm tịnh xá (Veḷuvanavihāra).
Sự hội hợp này có 3 đặc điểm:
– Không mời, nhưng cùng nhau tự đến.
– Là những bậc A-la-hán Lục thông.
– Là những vị xuất gia theo cách “Ehibhikkhu” (hãy đến đây này Tỳ-khưu).
Và ngày đó chính là ngày thành lập Tăng đoàn.
1.250 vị Thánh A-la-hán ấy là: 1.000 Thánh A-la-hán có Ngài Uruvela kassapa là trưởng + 250 vị Thánh A-la-hán (là 250 vị tùy tùng của Ngài Sāriputta và Moggallāna khi chưa tìm đến yết kiến Đức Phật).
Nhưng số lượng 1.250 vị Tỳ-khưu trong kinh này không ám chỉ “tất cả là bậc A-la-hán), chỉ nêu lên số lượng Tăng hội của Đức Thế Tôn[39].
* “Vua Ajātasattu (A-xà-thế) xứ Magadha” (rājā māgadho ajātasattu).
* “Vua” (rājjā).
Rājāti ādīsu rājati attano issariyasampattiyā catūhi saṅgahavatthūhi mahājanaṃ rañjeti vaḍḍhetīti rājā (At)([40]):
“Người chói sáng, đầy đủ quyền lực, gom ruộng đất từ 4 phương, người được đại chúng hoan hỷ nuôi dưỡng, gọi là vua”.
Theo kinh Khởi thế nhân bổn (Aggaññasuttanta): “Khi ác pháp tăng thịnh, các hữu tình đi đến một hữu tình có sắc đẹp nhất, có gương mặt dễ nhìn nhất và được yêu mến nhất” . Đây là ý nghĩa “chói sáng”.
Đại chúng trao quyền “tức giận khi đáng tức giận, khiển trách khi đáng khiển trách, tẩn xuất khi đáng tẩn xuất”. Đây là ý nghĩa “đầy đủ quyền lực”.
Đại chúng chia cho vị ấy một phần lúa. Đây là ý nghĩa “được nuôi dưỡng”.
Và: “Này Vāsettha “vị chủ của nhiều ruộng vườn”, tức là khattiyā. Làm cho đại chúng (mahājana – sammato) hoan hỷ bởi pháp. Vị ấy là rāja (vua)”.
* “Ajātasattu” (A-xà-thế).
Chữ Ajātasattu nghĩa là “có quyền lực khi chưa sinh“.
Ngài Buddhaghosa trong bản Sớ giải Kinh Sa-môn quả có giải thích: Các nhà chiêm tinh đã tiên đoán: “Ajātoyeva rañño sattu: Ngay cả khi chưa sinh ra (ātaja) đã có dấu hiệu quyền lực (sattu)”.
Ajātasattu là: “Người có quyền lực bẩm sinh”.
Ngoài ra, Ajātasattu cũng có nghĩa là “kẻ thù chưa sinh ra”.
Tương truyền rằng: Khi Hoàng hậu Vedehi mang thai Hoàng tử Ajātasattu (A-xà-thế), bà rất thèm được uống máu ở cánh tay phải của vua Bimbisāra.
Hoàng hậu cân nhắc: “Cơn thèm này thật khủng khiếp, ta không nên để cho ai biết”.
Do phải chịu đựng với cơn thèm khát này Hoàng hậu trở nên gầy gò, xanh xao, ngạc nhiên Đức vua hỏi:
– Này Hoàng hậu, vì sao nàng gầy gò, xanh xao như vậy?.
Khi biết được sự thật, nhà vua đã nói: “Tại sao nàng lại cho điều này là khủng khiếp?”.
Rồi đức vua truyền ngự y đến, dùng dao vàng rạch lên cánh tay phải của mình, nhỏ máu vào bình vàng hòa chung với nước rồi đưa cho hoàng hậu uống.
Khi biết được điều này, các nhà chiêm tinh đã tuyên bố: “Đứa trẻ còn trong bụng mẹ này sẽ giết chết vua cha và lên ngôi.”
Hoàng hậu nghe được, muốn phá bỏ thai nhi, bà ra vườn Thượng Uyển đè bụng xuống đất, bà thử đi thử lại nhiều lần, nhưng không phá được thai bào.
Đức vua thấy lạ, nên hỏi:
– “Vì sao nàng thường ra vườn Thượng Uyển?”.
Biết được lý do, Đức vua nói:
– “Này Hoàng hậu, chúng ta vẫn chưa biết nàng đang mang thai hoàng tử hay công chúa.
Nếu hại chết đứa trẻ chúng ta chưa biết mặt, đồng thời là con của chúng ta, điều này thật khủng khiếp trong vương quốc Magadha. Hoàng hậu đừng làm vậy”.
Rồi Đức vua cho người canh chừng Hoàng hậu, khi hoàng tử ra đời Hoàng hậu nghĩ: “Ta sẽ giết chết đứa trẻ này” . Nhưng quân hộ vệ đã đem hoàng tử đi.
Một thời gian sau, khi hoàng tử đã lớn thì Hoàng hậu mới thấy mặt hoàng tử, khi nhìn thấy hoàng tử, tình thương con của người mẹ đã trỗi dậy và Hoàng hậu không thể giết hoàng tử.
Cuối cùng, nhà vua đã phong cho hoàng tử Ajātasattu (A-xà-thế) làm phó vương.
Có lần, Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) trong khi tịnh cư khởi lên suy nghĩ: “Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất) có hội chúng, Tôn giả Moggallāna (Mục-kiền-liên) có hội chúng, Tôn giả Mahākassapa cũng có hội chúng.
Như vậy, những tôn giả này đều có hội chúng riêng. Ta cũng phải có hội chúng riêng.”
Sau đó, bằng năng lực thần thông, Devadatta đã chiếm được lòng tin của hoàng tử Ajātasattu.
Mỗi ngày, hoàng tử Ajātasattu cúng dường đến Devadatta 500 cổ xe vật thực vào buổi sáng, 500 cổ xe nước giải khát vào buổi chiều.
Đồng thời cho xây dựng một tịnh xá ở Gayasisa cúng dường đến Devadatta.
Một hôm, Devadatta tìm gặp hoàng tử Ajaatasattu nói rằng:
– “Thưa hoàng tử, trong quá khứ mọi người có thọ mạng dài, nhưng hiện nay mạng sống trở nên ngắn ngủi.
Do vậy hoàng tử nên cướp ngôi để lên làm vua, còn ta sẽ giết Sa-môn Gotama để lãnh đạo tăng chúng”.
Và Devadatta xúi giục Hoàng tử Ajātasattu (A-xà-thế) giết cha để đoạt ngôi.
Hoàng tử suy nghĩ: “Ngài Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) có năng lực thần thông, không có việc gì mà Ngài không biết”.
Vào một buổi trưa, Ajātasattu dấu con dao vào đùi, đi vào nội cung để ám sát vua cha, nhưng do quá sợ hãi và lo lắng hoàng tử đã không thực hiện được ý định.
Các đại thần bắt được hoàng tử, khi hạch hỏi hoàng tử thú nhận “toan giết cha để soán ngôi”.
Các đại thần tranh cãi về việc: “Nên hay không nên giết hoàng tử và Devadatta cùng các Tỳ-khưu là đồ chúng của Devadatta”.
Một nhóm Đại thần chủ trương giết, nhóm khác chủ trương “không nên giết”.
Cuối cùng họ đưa sự việc lên vua Bimbisāra xử lý.
Nhà vua đã giáng chức tất cả những quan đại thần muốn giết hoàng tử và Devadatta và tăng chức cho những ai chủ trương “không nên giết”.
Nhà vua hỏi hoàng tử:
– “Tại sao con lại muốn giết cha?”
– “Vì con muốn có vương quốc của cha”.
Nghe vậy, vua Bimbisāra truyền ngôi cho Ajātasattu.
Khi vua Ajātasattu thuật lại cho Devadatta biết “ý nguyện đã được thành tựu” thì Devadatta lại nói:
– Như một người nhốt con giả can trong cái bọc trống bằng da, Đại vương nghĩ rằng mình đã hoàn thành xong công việc sao?. Sau vài ngày, khi nghĩ lại, chính Đức vua sẽ lại làm vua.
– Thưa Ngài, vậy ta phải làm sao?.
– Hãy nhổ cỏ tận rễ, hãy giết vua Bimbisāra đi.
– Nhưng thưa Ngài, không nên dùng vũ khí sát hại vua cha.
– Vậy thì hãy bỏ đói Đức vua.
Vua Ajātasattu (A-xà-thế )cho giam cha mình vào trong ngục, bỏ đói Đức vua không cho ai gặp mặt, ngoại trừ Hoàng hậu Vedehi được phép vào thăm vua Bimbisāra mà thôi.
Hoàng hậu để thức ăn vào trong bình vàng, mang bên hông vào thăm nhà vua. Nhà vua ăn cơm và tiếp tục sống.
Vua Ajātasattu hỏi: “Thưa cha, làm sao mà cha có thể sống được?”.
Khi biết được sự thật, vua Ajātasattu ra lệnh: “Không được cho mẹ ta mang bất kỳ vật gì bên hông vào trong ngục”.
Hoàng hậu để bình vàng trên búi tóc, biết được điều này, vua A-xà-thế ra lệnh: “Không được cho mẹ ta vào ngục với bất cứ vật gì trên búi tóc.”
Hoàng hậu đặt thức ăn vào trong đôi giày vàng đi vào ngục, bằng cách đó, nhà vua vẫn tiếp tục sống.
Một lần nữa, vua Ajātasattu lại hỏi nhà vua làm cách nào có thể vẫn còn sống. Và khi biết được nguồn cơn, ông ra lệnh: “Không cho mẹ ta đi giày vào ngục”.
Hoàng hậu tắm nước thơm, thoa lên người bốn chất ngọt (sữa, mật ong, bơ lỏng và mật). Nhà vua tiếp tục sống bằng cách liếm lên cơ thể của Hoàng hậu.
Một lần nữa Ajjātasattu lại hỏi và khi biết được, đã ra lệnh: “Từ giờ trở đi không cho mẹ ta vào ngục thăm vua cha”.
Nghe lịnh này, Hoàng hậu đứng trước cửa ngục được đóng kín, khóc rằng:
– Ôi, Đại vương! Đại vương đã không cho giết đứa con đó khi còn trong bào thai, chính Ngài đã bảo vệ nó, Ngài đã bảo vệ kẻ thù của Ngài .
-Thiếp đến thăm Ngài lần này là lần cuối, từ nay trở đi thiếp không còn gặp được Ngài nữa rồi.
-Thưa Đại vương, Ngài là người hộ trì của thiếp, thiếp là người nữ tỳ của Ngài, những tội lỗi lớn hay nhỏ do thiếp đã gây ra cho Ngài. Kính mong Ngài mở lòng bi mẫn, hãy tha những tội lỗi ấy cho thiếp.
– Đây là lần cuối cùng thiếp được đảnh lễ dưới chân Đại vương. Kể từ hôm nay chỉ còn là sự chia ly, không mong gì được diện kiến Đại vương nữa rồi.
– Thưa Đại vương, hoàng tử đã vô ân, trăm ngàn dã man tàn ác, dứt khoát không cho thiếp vào thăm Ngài, hết cách rồi. Cái chết sẽ đến với Đại vương, nỗi đau buồn này của thiếp hơn trăm ngàn nỗi đau buồn khi đến ngục thất này.
– Ôi Đại vương! Người như cây lọng ngọc che chở cho thiếp, Ngài đã quan tâm nhiều đến thiếp, một sự lãnh đạm dù nhỏ cũng không hề có. Thiếp hy vọng mình sẽ là đôi hài vàng dưới chân Đại vương cho đến lúc lâm chung.
Than ôi ! Ước vọng này, không thành sự thật rồi.
– Thưa bậc có bi đức với chúng dân, Ngài là bóng mát của chúng dân, Ngài giải trừ sự đói khổ của chúng dân, Ngài mang lại thịnh vượng, an lạc cho vương quốc Magadha (Ma-kiệt-đà) này. Có đáng chăng ? Ngài phải chịu nổi thống khổ như thế.
– Trước đây Ngài ngự trên đỉnh cao sang, chung quanh có cung phi mỹ nữ hầu cận. Giờ đây chỉ còn là ngục thất với người giữ ngục chỉ biết lạnh lùng làm theo mệnh lịnh.
– Trước đây Ngài ngủ trên giường vàng ấm cúng, giờ đây Ngài nằm trên nền đất không vật lót. Thật quá thương tâm.
– Trước đây Ngài thưởng thức những thực phẩm thượng vị, giờ đây ngay cả những vật trét lên thân của thiếp, Ngài cũng không còn nữa rồi.
-Trước đây Ngài từng tắm gội bằng hương liệu đặc biệt, có mùi thơm ngào ngạt.
Kể từ khi Ngài bị giam vào đây, mỗi ngày Ngài chỉ còn được tắm với mồ hôi của mình, thân thể cao quý của Ngài phải mang khối hổn độn đáng kinh tỡm hòa với mồ hôi cáu bẩn.
– Trước đây Ngài từng dùng những loại vải, tơ, lụa sai biệt, giờ đây chỉ còn bộ y phục tang thương đầy nhớp nhúa.
Hỡi ơi! Thưa Đại vương cao quý, Ngài hãy bỏ mặc những nỗi thống khổ ấy đi, thiếp không còn cách gì giúp được Ngài nữa rồi.
Giờ đây chỉ còn ân đức Phật, Pháp, Tăng là nơi nương tựa của Ngài, xin Ngài đừng quên điều ấy.
– Thưa Đại vương, thiếp là người bất hạnh, vô phước, xin đê đầu đảnh lễ Ngài lần cuối cùng.
Hoàng hậu trở về cung trong nước mắt và tiếng than van.
Từ đó vua Bimbisāra không còn được cung cấp thức ăn nhưng vẫn tiếp tục sống nhờ đi kinh hành trong hỷ lạc của Sơ quả([41]).
Cơ thể của nhà vua trở nên cực kỳ chói sáng, Ajātasattu lại hỏi: “Thưa cha, làm sao cha có thể sống được?”.
Khi biết vua cha sống được là nhờ đi kinh hành và thấy rằng cơ thể của vua cha cực kỳ chói sáng, Ajātasattu nghĩ: “Ta sẽ không cho vua cha đi kinh hành”.
Vua Ajātasattu (A-xà-thế) ra lệnh cho những người gác ngục: “Hãy dùng dao cạo cắt bàn chân của nhà vua, xát muối và dầu rồi hơ lên than khói từ gỗ của cây xiêm gai”.
Khi những người gác ngục đến, nhà vua nghĩ: “Phải chăng con ta hồi tâm, nên cho người đến cạo râu tóc cho ta”.
Nhà vua hỏi: “Vì sao các ngươi đến đây?”.
– Thưa Ngài, đến để làm theo lịnh của Đức vua.
– Vậy các ngươi hãy làm những gì Đức vua ra lệnh.
Họ yêu cầu vua ngồi xuống, cúi lạy nhà vua và nói:
– Thưa Đại vương, chúng thần chỉ làm theo lệnh của Đức vua. Xin Ngài đừng phẫn nộ với chúng thần.
Họ dùng tay trái chộp lấy mắt cá chân của nhà vua, tay phải lấy dao cạo cắt bàn chân, xát muối và dầu rồi hơ lên than khói từ gỗ của cây xiêm gai.
Do bị tra tấn như vậy, vốn đã kiệt sức thân thể Đức vua rũ xuống như vòng hoa treo trên bảo tháp rũ xuống.
Trong lúc ấy, Đức vua tưởng niệm đến ân đức Phật, mệnh chung tái sinh vào cõi Tứ Đại Vương, là đại thần Dạ-xoa (yakkha) đầy quyền lực của vua Vessavaṇa (Đa văn thiên vương), có tên gọi là Janavasabha ([42]).
Được nghe rằng: “Vua Bimbisāra bị gọt chân mệnh chung”, đây là quả của nghiệp kiếp trước.
Trong một kiếp, tiền thân vua Bimbisāra cũng là một vị vua, Đức vua đi vào chánh điện với đôi giày dưới chân, do nghiệp ấy nên kiếp này vua Bimbisāra bị gọt chân.
Cũng trong ngày đó thì Hoàng hậu của A-xà-thế hạ sinh một hoàng nam([43]).
Hai tin đến cùng lúc, một là hoàng nam vừa được hạ sinh, một là cái chết của Bình-sa.
Các quan cận thần nghĩ: “Ta nên cho Đại vương biết tin về hoàng tử trước”.
Khi nhận được tin hoàng nam vừa sinh ra, tình thương con nảy sinh đã làm cho vua kinh cảm đến tận xương tủy.
Ngay lúc ấy, vua Ajātasattu hiểu được “tâm trạng người cha” và nhận ra rằng:
– Khi ta được sinh ra, hẳn cha ta cũng có tình thương con, như ta thương con ta như vậy.
Rồi vua Ajātasattu tìm đến bà Vedehi hỏi rằng:
– Thưa mẹ! Khi con sinh ra, cha con có thương con không?
– Này đứa con ngu si kia, con đang hỏi gì vậy? Khi còn nhỏ, con bị một mụn nhọt trên ngón tay, con cứ khóc liên hồi và không ai có thể dỗ được.
Các nhũ mẫu đã đem con đến chỗ vua cha khi đó đang lâm triều. Cha con ngậm ngón tay con, cho con đở đau nhức, bất ngờ mụt nhọt vỡ ra, e ngại con bị đau nhức nên cha con đã nuốt cả máu mủ.
Tình thương của cha con đối với con là như thế.
Nghe được việc này, vua Ajātasattu bàng hoàng, liền ra lịnh thả vua cha, nhưng các quan cận thần nói:
-Làm sao chúng thần có thể thả được, thưa Đại vương. Vì Đức vua đã chết.
Và họ đưa tờ tấu trình thứ hai ra.
Vua Ajātasattu than khóc và cho an táng vua cha.
Về sau, khi được yết kiến Đức Thế Tôn qua sự tiến dẫn của lương y Jīvaka, vua Ajātasattu trở thành một phật tử rất tịnh tín nơi Đức Phật.
Nhưng có điều lạ là: “Sau lần ấy, ông không hề đến hầu Đức Phật cũng không thân cận hay tìm gặp vị trưởng lão nào để hỏi Pháp và đó cũng là lần hội kiến duy nhất với Đức Thế Tôn”.
Vua Ajātasattu (A-xà-thế) thương kính Đức Phật cho đến nỗi khi nghe “Upaka con của Maṇḍika (Upaka Maṇḍikaputta) có lời khiếm nhả với Đức Phật, Đức vua đã phẫn nộ và đuổi Upaka ra khỏi quốc độ của mình”([44]).
Theo bản Sớ giải thì Upaka là người ủng hộ Đề-bà-đạt-đa.
Khi nghe Đức Thế Tôn viên tịch vua A-xà-thế đã ngất xỉu mấy lần.
Kinh điển cùng Sớ giải hệ Pāli có đề cập đến nhiều sự kiện liên quan đến triều đại vua Ajātasattu.
Vua Bimbisāra cưới em của vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) là công chúa Vedehi con vua Mahā Kosala, khi vua Bimbisāra chết, không bao lâu sau bà cũng chết theo vì sầu muộn.
Vùng đất Kāsi là của hồi môn của bà Vedehi, lợi tức làng Kāsi thuộc về vương quốc Ma-kiệt-đà, nhưng khi vua Bimbisāra bị giết, thì vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) lấy làng Kāsi trở lại. Do sự kiện này, vua Ajātasattu tuyên chiến với cậu mình là vua Pasenadi (Ba-tư-nặc).
Trước đó, xem ra cậu cháu rất thân tình, có lần vua Ajātasattu (A-xà-thế) gởi đến vua Pasenadi sấp vải ngoại kỳ diệu, dài 16 hắc tay, rộng 8 hắc tay.
Sấp vải này, vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) dâng đến Đức Ānanda([45]).
Vua Ajātasattu (A-xà-thế) chiến thắng ba lần, lần thứ tư nhờ nghe theo lời bố trí binh lược của Trưởng lão Dhanuggaha Tissa([46]), vua Ajātasattu bị bắt làm tù binh cùng với quân đội của vị ấy.
Nhưng rồi vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) chọn phương án không bạo lực, nên thả A-xà-thế ra đồng thời gã con gái mình là công chúa Vajirā cho vua A-xà-thế, ngôi làng Kāsi là của hồi môn cho công chúa Vajirā.
Hai người giao hảo thân thiện như xưa.
Khi vuaPasenadi (Ba-tư-nặc) được 80 tuổi, do sự mưu phản của viên đại thần Dīgha Kārāyana là cháu trai của Thống soái Bandhula.
Nhân khi vua Pasenadi viếng thăm Đức Phật, ông trộm hết ấn tín trở về phò tá con vua Pasenadi là Vidūḍabha (Lưu ly) lên ngôi, chỉ chừa lại cho vua Pasenadi người cung nữ già([47]), đây là lần cuối cùng Đức vua Pasenadi gặp Đức Phật.
Theo bản Sớ giải kinh Trung bộ, sở dĩ Dīgha Kārāyana đột ngột mưu phản, vì ông nhớ lại “khi trước Đức vua cũng vào hầu Đức Phật với các vương hiệu bỏ bên ngoài, sau đó thì chú ta là Bandhula bị giết chết.
Lần này cũng vậy, phải chăng Đức vua muốn giết ta, vậy ta phải ra tay trước”.
Phẫn uất, vua Pasenadi cùng người cung nữ già đi đến thành Vương-xá với ý định mượn quân của A-xà-thế trở về phục nghiệp, nhưng đến nơi thì cổng thành đã đóng, vua Pasenadi phải nghỉ trong chòi lá ngoài thành.
Tuổi già sức yếu lại phải vượt khoảng đường dài, nên trong đêm vua Pasenadi mệnh chung.
Vua Ajātasattu chuẩn bị hỏi tội vua Viḍūḍabha thì vua Viḍūḍabha sau khi tru diệt dòng Thích-ca (Sakya), kéo quân về nghỉ ở cạnh bờ sông, bất ngờ nước sông dâng cao cuốn trôi tất cả([48]), và vương quốc Kosala được sát nhập vào vương quốc Magadha.
Khoảng một năm trước khi Đức Phật viên tịch, vua Ajātasattu cho vị đại thần tâm phúc là Bà-la-môn Vassakāra đến hỏi Đức Phật về ý định quyết đánh dân xứ Vajjī (Bạt-kỳ) có thành công không? Đức Phật dạy “bao giờ dân xứ Vajjī còn duy trì 7 pháp bất thối, thì vẫn còn hùng mạnh”([49]).
Nghe vậy. vua A-xà-thế ngưng đánh xứ Vajjī, cho xây dựng thành Pātaliputta (Hoa-thị-thành) ngăn chận dân xứ Vajjī.
Sau khi Đức Phật viên tịch được 3 năm, do trúng kế ly gián của Bà-la-môn Vassakāra, dân xứ Vajjī không còn đoàn kết, vua A-xà-thế thôn tính được xứ Vajjī một cách dễ dàng, và di đô về kinh thành Pātaliputta.
Một câu chuyện khác kể về vua Ajātasattu khi còn là hoàng tử, nhân dịp theo cha viếng thăm lâu đài của trưởng giả Jotika, Ajātasattu khởi tâm muốn chiếm đoạt. Khi lên ngôi, ông thực hiện ý định này nhưng bất thành([50]).
Có tin đồn vua Caṇḍa Pajjota chuẩn bị cuộc chiến với vua Ajātasattu để trả thù cho người bạn thân là vua Bimbisāra, nên vua Ajātasattu cho xây dựng thành Rājagaha thêm kiên cố ([51]), dường như chỉ là tin đồn vì không thấy đề cập đến cuộc chiến.
Vua Ajātasattu là vị hộ pháp cho cuộc kết tập Phật ngôn lần I.
Vua Ajātasattu bị các môn đệ Nigantha căm ghét. Theo Sớ giải kinh Pháp cú thì nhóm ngoại đạo này thuê côn đồ sát hại Đức Mục-kiền-liên (Moggallāna)([52]), Đức vua cho thám tử điều tra, bắt được những thủ phạm giết chết Đức Moggallāna.
Những tên côn đồ khi bị bắt đã khai “do nhóm Nigantha thuê”; vua Ajātasattu đã cho chôn 500 Nigantha cùng 500 côn đồ, ló đầu khỏi hố chôn, rồi cho xe cày trên những hố ấy.
Vua Ajātasattu (A-xà-thế) cai trị quốc độ được 32 năm, ông bị con mình là Hoàng tử Udayibhadda giết soán ngôi, dù ông đã lo sợ điều này khi đến viếng Đức Phật lần đầu tiên.
Theo Sớ giải Trường bộ kinh (Sumaṅgalavilāsinī) thì vua Ajātasattu mệnh chung, rơi vào Lohakumbhiya niraya (địa ngục đồng sôi) chịu khổ 60 ngàn năm tính theo nhân loại.
Sau 2 A-tăng-kỳ (asaṅkheyya) sẽ là vị Phật Độc giác có tên là Viditavisesa.
Con vua Udayibhadda là Anuruddha lại giết cha cướp ngôi, con vua Anuruddha là Mahā Muṇda cũng giết cha cướp ngôi, hai vị này mỗi vị trị vì được bốn năm.
Và con của Muṇda là Nāgadāsa lại giết cha cướp ngôi, trị vì được 24 năm.
Dân chúng thấy giòng họ này có truyền thống “giết cha soán ngôi” nên nổi dậy lật đổ vương triều Magadha, giết chết vua Nāgadāsa, rồi lập ông hoàng dòng Licchavī là Susūnāya lên làm vua([53]).
* Vương quốc Magadha (Ma-kiệt-đà).
Ngài Buddhaghosa cho rằng: chữ Magadha có nhiều cách giải thích huyền thoại (bahudhā papañcanti).
Đó là có lần vua Cetiya sắp bị đất rút đã bị những người đứng quanh đó khiển trách: “Mā gadhaṃ pavisa” (đừng xiết chặc).
Lại có câu chuyện khác là: Có nhóm đào đất hìn thấy vua Cetiya bị đất rút và vua Cetiya đã nói với họ “Mā gadhaṃ karotha” (đừng làm trói buộc).
Cách giải thích được Ngài Buddhaghosa chấp nhận là: Dường như đó là nơi cư trú của “những chủ ruộng” (khattiyā), nên được gọi là Magadha ([54]).
Vào thời vua Bimbisāra, Aṅga là nước chư hầu của Magadha (Ma-kiệt-đà). Trước đó là 2 quốc độ riêng biệt, thường có chiến tranh với nhau([55]), nhưng về sau vua Bimbisāra thôn tính được xứ Aṅga (thủ đô xứ Aṅga là Campā).
Và vua Bimbisāra xem như vua của Aṅga-Magadha.
Magadha (bao gồm cả Aṅga) có 80 làng và chu vi khoảng 300 do tuần (yojana)([56]), có kinh đô là Rājagaha (Vương xá).
Đến đời vua Ajātasattu, kinh đô xứ Magadha là Pātaliputta (Hoa-thị-thành), đến đời Vua Asoka (A-dục), Pātaliputta trở thành kinh đô của Ấn Độ.
Một vài vị vua của xứ Magadha được nêu tên trong Bổn sanh là Arindama và Duyyodhana([57]).
Vào thời vua Ajātasattu, vương quốc Magadha được nới rộng khi sát nhập được nước Kosala và thôn tính được xứ Vajjī (Bạt-kỳ).
Vào thời Đức Phật, phía đông Magadha là con sông Campā (sông này nằm giữa 2 vương quốc Aṅga và Magadha)([58]), phía nam là các dãy núi Vindhyā, phía tây là sông Soṇa và phía bắc là sông Hằng (Gaṅgā).
Sông Hằng là ranh giới giữa Magadha và nước cộng hòa Licchavī, cả Magadha và Licchavi đều có quyền như nhau đối với sông Hằng.
Khi Đức Phật đến kinh thành Vesāli, vua Bimbisāra tạo một con đường dài năm do-tuần từ thành Rājagaha (Vương xá) đến dòng sông và trang hoàng con đường cùng bến sông. Từ bờ kia sông Hằng đến thành Vesāli dài 3 do-tuần, Vua xứ Licchavī cũng làm tương tự như thế ([59]).
Magadha là một địa bàn quan trọng của Phật giáo, là một căn cứ địa ban đầu của Phật giáo (Trúc lâm tịnh xá), từ đó lan rộng ra các quốc độ đương thời, địa bàn quan trọng này được duy trì cho đến kỳ Kết tập Phật ngộn lần thứ III (vào thời vua A-dục).
Các cánh đồng tại Magadha rất phì nhiêu, mỗi cánh đồng rộng khoảng 1 gāvuta (3km). Đức Ānanda mô phỏng theo những cánh đồng để làm thành tấm y có hình dạng “cánh đồng” cho chư Tỳ-khưu([60]).
Phương ngữ Magadha (Magadhabhāsā) được xem như là “ngôn ngữ bậc Thánh” (Āriya)([61])
Nếu trẻ con lớn lên mà không được dạy bất kỳ ngôn ngữ nào thì chúng sẽ tự nhiên dùng ngôn ngữ Magadha.
Ngôn ngữ này lan rộng khắp “đia ngục, cả súc sanh, ngạ quỷ, người và chư thiên”([62]).
Người Aṅga và Magadha có thói quen tổ chức đại tế đàn hàng năm đến Đại Phạm Thiên, tại buổi lễ đó, một đống lửa với 60 xe củi được sắp xếp.
Đại chúng cho rằng “bất kỳ thứ gì được ném vào ngọn lửa tế thần thì sẽ được nhận lại gấp ngàn lần” ([63]). Magadha nay là bang Behar ở Nam Ấn.
* “Vua Bimbisāra” (Bình-sa).
Theo tư liệu nguồn Thibetan, cha của vua Bimbisāra có tên gọi là Bhāti([64]), mẹ là Bimbī, tên của Bimbisāra đựơc gọi từ tên người mẹ (nghĩa là “hương chất quý của bà Bimbī”), vị ấy còn đựơc gọi là Mahāpaduma (hoa sen quý lớn), ngoài ra còn một lý do khác là:“Gương mặt nhà vua thanh tú, rạng rở như mặt trời buổi sáng”, nên gọi là Bimbisāra.
Một ý nghĩa khác của tên gọi Bimbisāra là “lõi bằng vàng” (bimbī nghĩa là vàng)
Vua Bimbisāra cai trị quốc độ Magadha (Ma-kiệt-đà) và là người hộ pháp của Đức Phật.
Đức vua Bimbisāra kém hơn Đức Thế Tôn 5 tuổi, vua lên ngôi lúc 15 tuổi, ở ngôi vua 52 năm, chứng đắc quả Dự lưu vào năm 30 tuổi.
Tương truyền([65]) hai vị là bạn thời trẻ khi cha của họ là bạn bè với nhau([66]).
Nhưng theo bài kinh Pabbajā Sutta ([67]), khi Bồ-tát xuất gia được 8 ngày, Ngài ngự đi khất thực trong thành Vương xá (Rājagaha), bấy giờ vua Bimbisāra đứng trên lầu cao nhìn thấy Đức Bồ-tát đi ngang qua cửa sổ thành, nhà vua đã cho người đi theo, sau đó diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa Đức Phật và vua Bimbisāra ở núi Pandava ngoài thành Rājagaha.
Bản Sớ giải có ghi nhận: “Trong cuộc gặp gỡ lần đầu này Đức vua Bimbisāra (Bình-sa) muốn nhường nửa quốc độ của mình cho Bồ-tát, nhưng Đức Bồ-tát từ chối.
Bản Sớ giải nói thêm rằng vua Bimbisāra mong Bồ-tát được thành tựu đạo giải thoát và thỉnh Ngài đến thăm Rājagaha khi giác ngộ.
Sau khi tế độ 3 vị đạo sỉ bện tóc cùng 1000 đệ tử đang cư ngụ tại núi Uruvela là: Uruvelakassapa, Nadīkassapa và Gayākassapa (đạo sĩ Uruvelakassapa 500 môn đệ, đạo sĩ Nadīkassapa có 300 môn đệ) chứng đắc Thánh quả A-la-hán.
Đức Thế Tôn thực hiện lời hứa với vua Bimbisāra, Ngài đi đến thành Vương xá với 1000 vị Thánh A-la-hán([68]) có Đức Uruvelakassapa là vị lãnh đạo trước đó.
Đức Thế Tôn ngụ tại điện thờ Supatiṭṭha trong rừng Laṭṭhi. Vua Bimbisāra cùng với 120 ngàn gia chủ đồng hành đã đến đảnh lễ Ngài.
Đức Phật thuyết pháp tế độ vua Bình-sa cùng 110 ngàn gia chủ chứng quả Dự lưu, 10 ngàn gia chủ còn lại xin nương nhờ nơi Tam bảo([69]).
(Theo BuA. tr. 18 f. Đức vua đã trở thành bậc Dự Lưu sau khi nghe bổn sanh Mahā Nārada Jātaka).
Khi chứng đạt quả Dự Lưu, vua Bimbisāra đã trình lên Đức Thế Tôn 5 ước nguyện của mình đã thành tựu là:
– Được làm vua.
– Được Bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ngự đến vương quốc.
– Được tỏ lòng tôn kính đến Đức Thế Tôn.
– Đước nghe pháp từ Đức Thế Tôn.
– Được thông hiểu pháp của Đức Thế Tôn (sđd, số 59).
Vào hôm sau, Đức Phật cùng chư Tỳ-khưu ngự vào thành Vương xá, đến Hoàng cung thọ thực theo lời thỉnh cầu của vua Bình-sa.
Dưới hình dáng một thanh niên tuấn tú, Vua trời Đế-thích (Sakka) dẫn đầu đi đến cung điện và hát những bài hát ca ngợi Đức Phật.
Sau khi Đức Thế Tôn cùng chư Tỳ-khưu thọ thực xong rồi, vua Bimbisāra dâng Rừng trúc (Veḷuvana) để Đức Phật và chư Tăng sử dụng.
Sự cúng dường Rừng trúc của vua Bimbisāra là “hình mẫu” cho sự cúng dường Mahāmeghavana (rừng Mưa lớn) của vua Devānampiyatissa (vua Asoka – A-dục) đến Ngài Mahinda sau này([70]). Và cũng là một trong những bức điêu khắc trong phòng di vật của Mahā Thūpa([71]).
Vào thời Đức Phật Phussa, khi ba người anh em cùng cha khác mẹ của Đức Phật, là 3 vị Hoàng tử con vua Jayasena (nay là 3 vị Uruvela Kassapa) xin vua cha cho các vị cúng dường đến Đức Phật Phussa và chư Tăng trọn ba tháng.
Ba vị Tử hoàng an cư mùa mưa nơi Đức Phật Phussa và chư Tăng đang an cư mùa mưa trong ba tháng, giao tài sản của mình đến quan chưởng khố (tiền thân vua Bình-sa) để cúng dường vật thực đến Đức Phật và chư Tăng.
Những người phục vụ chư Tăng trong thời ấy, đã tự mình dùng trước vật thực dành cúng dường chư Tăng, hoặc cho con mình dùng trước loại vật thực ấy, mệnh chung họ tái sinh làm ma đói (peta).
Khi vua Bimbisāra cúng dường đến Đức Phật Gotama cùng chư tăng, nhóm ma đói ấy báo mộng cho vua Bimbisāra. Theo lời dạy của Đức Phật, vua Bình-sa làm phước rồi hồi hướng đến nhóm ma đói ấy, thọ hưởng phước ấy nhóm ma đói tái sinh về thiên giới([72]).
Được biết Đức vua có biệt tài tiên đoán tình trạng người khác qua âm thanh của người ấy, điển hình là Đức vua tiên đoán Kubhaghosaka là “người có đại tài sản”([73]).
Trong thời gian 37 năm còn lại (Đức vua mệnh chung lúc 67 tuổi), vua Bimbisāra đã dùng quyền lực của mình để giúp đỡ tôn giáo mới và làm cho tôn giáo này lớn mạnh hơn.
Đức vua Bimbisāra làm gương cho thần dân của mình, nhà vua là tấm gương cho các thần dân của mình về việc tu tập giới, Ngài giữ giới Bát quan (uposatha) sáu ngày hàng tháng([74]).
Hoàng hậu của vua Bimbisāra là Vedehī con gái của vua Mahākosala và là em của vuaPasenadi (Ba-tư-nặc).
Hồi môn của Hoàng hậu Vedehī là ngôi làng Kāsi, lợi tức ngôi làng này chỉ là “tiền tắm rữa” cho Hoàng hậu, con trai bà là hoàng tử Ajātasattu (A-xà-thế). Vua Bimbisāra cũng có những Hoàng hậu khác như bà Khemā.
Bà Hoàng Khemā không muốn đến diện kiến Đức Phật để nghe pháp, khi bị mê hoặc bởi những lời mô tả về vẽ đẹp của khu Rừng trúc (Veḷuvana) của các nhạc sĩ, thi sĩ của vua Bimbisāra (Đức vua muốn tế độ Hoàng hậu Khemā nên lập ra mưu chước này).
Bà Hoàng Khemā đi đến Tịnh xá Trúc Lâm (Veḷuvanavihāra), sau khi nghe pháp của Đức Phật bà chứng quả A-la-hán, vua Bimbisāra hoan hỷ cho bà được xuất gia trong giáo pháp của Đức Thế Tôn.
Bà là vị Thánh nữ A-la-hán tối thắng về trí tuệ trong chư Tỳ-khưu ni.
Vua Bimbisāra có một người con với nàng kỹ nữ Padumavatī (mẹ của ông Hoàng Abhaya) người xứ Ujjenī, khi Abhaya được 7 tuổi được đưa về kinh thành Vương xá với sự giúp đỡ của Dạ-xoa.
Về sau bà Padumavatī nghe Ngài Abhaya xuất gia, bà cũng xuất gia trong giáo pháp này, bà nghe pháp từ Ngài Abhaya, phát triển tuệ quán chứng quả A-la-hán([75]).
Vua Bimbisāra có một người con khác với nàng Ambapālī có tên là Vimala Koṇḍañña và hai người con khác với những cung phi khác là Sīvalā và Jayasenā.
Kinh điển không đề cập đến bất kỳ bài pháp đặc biệt nào mà Đức Phật thuyết cho vua Bình-sa, cũng như không có câu hỏi nào nhà vua bạch hỏi Đức Phật.
Có lẽ, giống như trưởng giả Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika), do sùng tín nơi Đức Phật nên tự kiềm chế không để có vấn đề nào với Đức Phật, hay hay có lẽ do công việc triều chính (quốc độ Ma-kiệt-đà có đến 80 ngàn làng, chu vi quốc độ là 300 do tuần), không cho phép nhà vua có đủ thời gian để đến gặp Đức Phật thường xuyên.
Có lần vua Bimbisāra thỉnh 4 vị trưởng lão là Godhika Subāhu, Valliya và Uttiya an cư mùa mưa tại thành Vương xá.
Đức vua dâng đến mỗi vị một am thất, nhưng quên không lợp mái, kết quả là chư thiên không cho làm mưa, Đức vua nhớ lại điều bỏ sót đó, cho làm mái che và trời mưa xuống([76]).
Đức vua Bimbisāra cũng quên lời hứa với Trương lão Pilindavaccha, Đức vua hứa cung cấp cho Trưởng lão một người giúp việc tự viện, nếu được Đức Phật cho phép.
Trưởng lão Pilindavaccha trình lên Đức Thế Tôn và được Đức Thế Tôn cho phép.
Trưởng lão thông báo đến vua Bimbisāra nhưng vua lại quên. Sau 500 đêm, Đức vua chợt nhớ lại lời hứa của mình, Đức vua ban cho 500 người giúp việc với một ngôi làng riêng biệt để họ cư ngụ, ngôi làng có tên là Ārāmikagāma (làng của những người giúp tự viện) hay Pilindavacchagāma (làng của Ngài Pilindavaccha)([77]).
Niềm kính mến của vua Bimbisāra đối với Đức Phật là vô hạn, khi kinh thành Vesāli (Quảng Nghiêm) bị ba tai nạn: Sự đói, sự chết và phi nhân.
Vua xứ Licchavī cử Mahāli cùng đoàn tùy tùng, đến thỉnh cầu Đức Phật ngự đến thành Vesāli để giải trừ 3 tai họa của dân xứ này, Đức Phật nhận lời.
Nghe tin này, vua Bimbisāra đã sửa chữa toàn bộ con đường từ thành Vương xá đến bờ sống Hằng (Gaṇgā) dài 5 do-tuần, cuối mỗi do tuần nhà vua cho xây dựng một ngôi nhà nghỉ và trải hoa năm màu đến tận đầu gối dọc tòan bộ con đường.
Hai cái lọng trắng đựơc chuẩn bị cho Đức Phật và mỗi cái cho mỗi vị Tỳ -khưu.
Chính nhà vua đã tháp tùng cùng Đức Phật để chăm sóc Ngài, dâng hoa, nước thơm và tất cả tứ vật dụng suốt đường đi kéo dài năm ngày.
Khi đến bờ sông, nhà vua cho đóng hai con thuyền cùng với nhau, trải hoa ngập đến đầu gối và đi theo con thuyền chở Đức Phật cho đến khi nước ngập đến ngực.
Khi Đức Phật đi rồi, nhà vua cắm trại tại bờ sông và chờ cho đến khi Đức Phật quay trở lại. Khi đó nhà vua lại hộ tống Đức Phật về lại thành Vương xá cũng với lễ hội và sự tráng lệ tương tự.
Có sự thân mật lớn giữa vua Bimbisāra và vua Pasenadi (Ba-tư-nặc). Họ cùng liên quan đến nhau qua hôn nhân, mỗi vị cưới em gái của vị kia.
Có lần, vua Pasenadi đến thăm vua Bimbisāra để xin một đại trưởng giả (amitabhoga) về quốc độ của mình.
Vua Bimbisāra có năm đại trưởng giả là Jotika, Jātila, Meṇḍaka, Puṇṇaka và Kākavaliya. Trong số 5 đại trưởng giả, có vị còn giàu hơn cả vua Bimbisāra như Jotika, người có ngôi nhà đựơc xây hoàn toàn bằng 7 ngọc quý, trong khi cung điện của Đức vua Bình-sa đựơc xây bằng gỗ; nhưng nhà vua không hề tỏ ra ghen tỵ ([78]).
Lời yêu cầu của vua Pasenadi đựơc chấp thuận, con trai của đại trưởng giả Meṇḍaka là ông Dhanañjaya (cha của bà Visākhā) đựơc cử đến xứ Kosala và ông Dhanañjaya thành lập thủ phủ Sāketa([79]).
Vua Bimbisāra cũng có mối quan hệ giao hảo với những vị vua khác như vua Pukkasāti thành Takkasilā, vua Caṇḍdapajjota thành Ujjenī.
Vua Bimbisāra đã cử lương y Jīvaka đến để chữa bệnh cho vua Caṇḍapajjota([80]), và vua Rudrāyaṇa thành Roruka.
Trong số những vị cận thần và người giúp việc của vua Bình-sa được kinh điển và Sớ giải đề cập đến là Soṇa Koḷivisa[81], người thợ hoa Sumana (người cung cấp cho Đức vua tám vòng hoa mỗi ngày)([82]), cận thần Koliya([83]) (là Ngài Kakudha, thị giả của Đức Moggallāna), Kumbhaghosaka (người quản lý ngân khố)([84]) và lương y Jīvaka.
Khi bà Dhammadinnā muốn xuất gia, theo yêu cầu của người chồng, vua Bimbisāra đã ban cho bà chiếc kiệu vàng và cho phép bà đựơc rước đi trong thành Vương xá ([85]).
Danh hiệu Seniya được gắn liền với Bimbisāra (Seniya Bimbisāra), Bản Sớ giải ([86]) giải thích nghĩa của Seniya là “có nhiều người ủng hộ” hay “thụôc về Seniyagotta (giòng họ lãnh đạo)”.
Loại tiền Kahāpana (đồng vàng) sử dụng tại thành Rājagaha trong thời vua Bimbisāra, là lọai tiền đựơc Đức Phật thừa nhận khi hình thành các điều luật có liên quan đến tiền.
Vua Bimbisāra có một ngọn cờ trắng và Paṇḍavaketu là một trong những tên gọi chỉ cho Đức vua Bimbisāra.
Cũng theo lời thỉnh cầu của vua Bimbisāra, Đức Phật đã ban hành tục lệ tập hợp chư Tỳ -khưu lại vào các ngày 8, 14 và 15 mỗi nửa tháng ([87]).
Khi biết rằng Đức Phật ngăn cấm không cho đệ tử mình “phô diễn thần thông”, nhóm ngoại giáo tuyên bố “sẽ thi triển thần thông đấu với Sa-môn Gotama”, Đức vua Bimbisāra lo lắng đi đến Tịnh xá Trúc Lâm bạch hỏi Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn giải tỏa sự lo lắng cùng nghi hoặc của vua Bimbisāra([88]).
Trong kinh Janavasabha([89]) có ghi nhận: “Sau khi mệnh chung, vua Bimbisāra tái sinh làm một Dạ-xoa có đại uy lực tên là Janabhasabha, vị ấy mong muốn được trở thành Sakadāgāmī (Nhất Lai) và mong muốn này được thành tựu trong kiếp ấy.
Hoàng hậu Vedehi.
Vedehi là tiếng dùng để chỉ cho “người sáng suốt”, không phải là tên thật của Hoàng hậu.
Tên Ajātasattu thường gắn liền Vedehiputto (A-xà-thế con bà Vedehi).
Theo tài liệu Tây Tạng thì tên thật của bà Vedehi là Vasavi, nhưng bà được gọi là Vedehi vì là người xứ Videha, cách giải thích này không thuyết phục lắm, vì bà là con của vua Mahā Kosala, em gái của vua Pasenadi (Ba-tư-nặc).
Vedehiputtoti ayaṃ kosalarañño dhītāya putto, na videharañño (At).
“Con của Vedehi“, là con của người nữ có lợi tức xứ Kosala, không phải người xứ Videha.”
Và “Vedehīti pana paṇḍitādhivacanametaṃ (At):
Lại nữa, Vedehi là “lời dịu ngọt của người khôn ngoan”. Như:
-“Vedehika gahapatāni: Nữ gia chủ Vedehi (khôn ngoan)”([90]).
-“Ayyo Ānando vedehamunīti: Đức Ānanda là bậc an tịnh khôn ngoan“.([91])
* Nhân ngày lễ “bố-tát” (uposatha).
Chữ uposatha thường được dịch là “trai giới”, tức là ngày “giới được trong sạch”.
Uposatha = upa + osatha.
Uposatha (bố – tát) nghĩa đen là “gần với thuốc trị bịnh”.
Cái gì bịnh? Tâm bịnh. Ngày uposatha là ngày “trị bịnh cho tâm”.
Ngài Buddhaghosa có giải thích: “Upavasanti etthāti uposatho, upavasantīti sīlena vā anasanena vā upetā hutvā vasantīti attho”.
“Nơi gần với sự tốt đẹp, là uposatha (bốtát)”, hay với ý nghĩa “đang gần với sự tốt đẹp”, hay “không có tổn hại vì ở gần với sự tốt đẹp của giới”.
Mỗi tháng có 6 ngày lễ Bố-tát là ngày 8, 14 và 15 mỗi nửa tháng. Như kinh văn:
Cātuddasiṃ pañcadasiṃ – Ngày mười bốn, ngày rằm.
Yā ca pakkhassa aṭṭthamī – Ngày 8 trong nửa tháng.
Pāṭihāriyapakkhañ ca – Và cả phần đặc biệt.
Aṭṭhaṅgasusamāgataṃ – Khéo đầy đủ cả tám.
Uposathaṃ upavaseyya – Theo làm lễ Bố-tát.
Yopissa mādiso naro’ti.- Vị ấy giống như ta ([92]).
Phần đặc biệt (pāṭihāriyapakkhaṃ). Chỉ cho sự tu tập bằng cách niệm tưởng Ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng, ân đức giới, ân đức thí, ân đức thiên([93]). Hoặc tu tập thiền an tịnh, thiền quán ….
Sáu ngày lễ Uposatha này có lâu đời ở xứ Ấn, sau khi Đức Phật viên tịch về sau các vị Giáo thọ su tiền bối chế định thêm 2 ngày, là ngày 5 trong mỗi nữa tháng. Từ đó hàng phật tử thọ trì giới Bát quan mỗi tháng có 8 ngày.
Bản kinh xác định ngày lễ Uposatha này là ngày rằm tháng tư âm lịch; theo lịch cổ của Ấn độ là Kattika (tháng 10-11). Đêm trăng tròn được gọi là Komudī, vvì người ta cvho rằng,: Đó là lúc hoa huệ trắng dưới nước nở hoa.
* Vua Ajātasattu ngồi trên lầu cao an tịnh (cātumāsiniyā).
“Cātumānisiyā” = cātu + mā +nisiyā.
Nghĩa đen là “nơi ngồi không có ngã tư”, chỉ cho “lầu cao”.
Ngài Budhaghosa giải thích:”Cātumāsiyāti cātumāsiyā, sā hi catunnaṃ māsānaṃ pariyosānabhūtāti cātumāsī (At):
Catumāsiyā là “ngồi nơi an toàn trện lầu cao, nơi thông thoáng không có giao lộ.”
Nghĩa là “Đức vua ngồi nơi cao nhất trên lầu, nơi an toàn và thông thoáng để Đức vua thưởng ngoạn những cảnh đẹp ở bên dưới lẫn chung quanh”([94]).
Bản Sớ giải có nêu ra câu hỏi: Vì sao vuaAjātasattu lại ngồi ở đó? Đáp rằng: Để tránh không phải ngủ.
Từ ngày sát hại vua cha, bất cứ khi nào vào giường ngủ, ngay khi nhắm mắt lại thì vua Ajātasattu (A-xà-thế) thấy như bị hàng trăm cây giáo đâm vào người, thế là vua thức dậy và khóc. Khi được hỏi đang lo lắng điều gì thì nhà vua trả lời “không có gì“.
Từ đó, đối với nhà vua đi ngủ là điều kinh hoàng và nhà vua ngồi đó là để không phải ngủ.
Và vua Ajātasattu có ý muốn đi đến yết kiến Đức Phật, để trấn an nỗi khổ của mình.
* Vua Ajātasattu cảm hứng thốt lên.
“Lời cảm hứng” (udāna). Như dầu không thể chứa hết trong thùng phải trào ra, như sông không thể chứa hết nước, phải tràn trên mặt đất thành lũ lụt.
Cũng vậy, khi trái tim không thể chứa đựng hết những cảm xúc, phải phát thành lời, lời ấy gọi là “lời cảm hứng”.
* ”Đêm nay chúng ta nên đến chiêm bái vị Sa-môn hay Bàlamôn nào?”
Bản Sớ giải giải thích: Câu này là câu hỏi trống, không chỉ định hỏi ai cả, chỉ là câu hỏi chung cho các đại thần, nhưng lại là câu nói có chủ ý.
Chủ yếu câu hỏi này vua Ajātasattu hướng về lương y Jīvaka.
– Vì sao vua Ajātasattu (A-xà-thế) lại hướng về lương y Jīvaka? Vì Đức vua mong được diện kiến Đức Thế Tôn.
– Nhà vua không thể tự mình đến gặp Đức Thế Tôn sao? Không, không thể được.
– Vì sao vậy? Vì vua Ajātasattu đã nghe theo lời Devadatta (Đề-bà-đạt-đa), gây ra nhiều trọng tội.
Vua Ajātasattu đã giết cha mình là vua Bimbisāra, vua Bimbisāra là một vị Thánh đệ tử, là cận sự nam của Đức Thế Tôn.
Sau đó, vua Ajātasattu giúp Devadatta nhiều lần làm hại Đức Thế Tôn.
Lần thứ nhất, vua Ajātasattu cung cấp cho Devadatta những cung thủ đi ám sát Đức Thế Tôn, nhưng tất cả các cung thủ được Đức Thế Tôn cảm hóa và an trú vào quả Dự lưu ([95]).
Lần thứ 2, trợ giúp Devadatta bằng cách thả voi Nālāgiri đang say men rượu, để sát hại Đức Thế Tôn, nhưng không thành.
Do những trọng tội đó, vua Ajātasattu không thể tự mình đến gặp Đức Thế Tôn.
Vì thế, vua Ajātasattu đã nói bóng gió với Jīvaka, một cận sự nam thân tín của Đức Phật.
Đức vua nghĩ rằng: “Ta sẽ nhờ Jīvaka tiến dẫn Ta diện kiến Đức Thế Tôn, ta sẽ theo sau Jīvaka như cái bóng của Jīvaka”.
Bản Hậu sớ giải (Ṭīkā) có giải thích thêm: Vì sao vua Ajātasattu hỏi bóng gió với Jīvaka để được diện kiến Đức Thế Tôn, không tìm đến hỏi pháp nơi các giáo chủ dị giáo khác?
Vua Ajātasattu có tìm đến 6 vị Giáo chủ đương thời (ngoại trừ Đức Thế Tôn) để hỏi pháp, nhưng Đức vua đã thất vọng khi nghe những chủ thuyết của những vị này.
Đồng thời vua Ajātasattu muốn đến yết kiến Đức Thế Tôn để sám hối tội lỗi: “Tội giết cha và tội đã giúp Devadatta làm hại Đức Thế Tôn”.
Từ khi Devadatta mệnh chung, vua Ajātasattu nhận ra rằng “mình đã giao du với kẻ ác”, nên tâm ông ray rứt không yên về điều này.
Đồng thời dân chúng kháo nhau rằng “đức vua giao du với kẻ ác, trợ giúp kẻ ác, xa lánh bậc hiền thiện”, tiếng xấu đã lan truyền khắp lãnh thổ đến tận ranh giới của vương quốc Magadha (Ma-kiệt-đà).
Hình ảnh Devadatta bị đất rút, gây nên nổi kinh hoàng cho Đức vua, Đức vua suy nghĩ : “Nếu ta không tìm cơ hội đến xin sám hối nơi Đức Thế Tôn, là bậc Đạo sư tối thượng của chư thiên và nhân loại, có thể ta sẽ bị đất rút như Devadatta”.
Càng suy nghĩ, đức vua càng kinh sợ cho tội lỗi mà mình đã tạo. Trong lúc ngủ, vua Ajātasattu thấy xuất hiện Diêm chúa cùng nhóm quỷ sứ cầm gươm giáo đâm vào người hằng trăm, hằng ngàn ngọn, khiến vua vô cùng sợ hãi.
Vua Ajātasattu không thấy ai có thể là chỗ nương nhờ, ngoại trừ Đức Chánh giác.
Với những lý do trên, từ lâu nhà vua muốn đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn để sám hối tội giết cha, giải trừ tiếng xấu, đồng thời hỏi về quả của pháp an tịnh (samaññaphaladhamma).
Nên sau khi nghe lương y Jīvaka tán thán ân đức của Đức Thế Tôn, tâm mong muốn đến đảnh lễ Đức Thế Tôn của nhà vua càng mãnh liệt, nên nhà vua “quyết định đi trong đêm” ngay lập tức.
Jīvaka có hiểu rằng nhà vua đang hỏi “hướng chủ ý “ với mình không?
– Có, vị này hiểu.
Nhưng vì sao lương y Jīvaka vẫn im lặng?
– Để tránh bị cắt ngang.
Lương y Jīvaka suy nghĩ: “Trong triều có nhiều người là đồ đệ của sáu tôn chủ dị giáo. Các vị thầy này không hiểu biết chân lý nên chính bản thân họ cũng không hiểu biết chân lý.
Nếu ta nói về ân đức của Đức Thế Tôn thì họ sẽ đứng dậy, cắt ngang lời ta, nói về ân đức của thầy mình, khi đó ta không thể nói được về những ân đức của Đức Thế Tôn.
Nhưng nghe nói về các vị thầy của họ, Đại vương sẽ không hài lòng với những tài đức của các vị thầy đó và Đại vương sẽ biết rằng cuộc nói chuyện với những vị đó thật vô ích, sau đó Đại vương sẽ hỏi ta.
Khi đó, ta sẽ không bị ngăn cản, ta sẽ tán thán ân đức của Đức Thế Tôn và đưa Đại vương đến diện kiến Đức Thế Tôn”.
Do đó, tuy hiểu được ý của nhà vua nhưng Jīvaka vẫn im lặng để tránh bị cắt ngang.
Các vị cận thần nghĩ: “Đại vương muốn qua đêm bằng một trong năm cách([96]), Đại vương đang mong được diện kiến một vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào đó, cật vấn và nghe pháp.
Đại vương sẽ vô cùng kính trọng vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào có bài pháp tạo cho Đại vương nhiều cảm xúc.
Người đề nghị sẽ được Đại vương xem trọng và đó sẽ là sự may mắn cho người ấy”.
Với mục đích được vua Ajātasattu xem trọng, nên mỗi vị cận thần đều nghĩ: “Ta sẽ tán dương vị Sa-môn mà ta hộ độ và ta sẽ đưa đại vương đi cùng với ta”
Do đó, từng người bắt đầu tán dương vị Sa-môn mà cá nhân họ hộ độ.
Dứt phần 1.
Phần 2.
Giải từ đoạn 151 đến hết đoạn 156.
Chánh kinh.
- “Evaṃ vutte aññataro rājāmacco rājānaṃ Māgadhaṃ Ajātasattuṃ Vedehi-puttaṃ etad avoca: “Ayaṃ deva Pūraṇo kassapo saṃghī c’eva gaṇī cagaṇācariyo ca ñāto yassasī titthakaro sādhu sammato bahu janassa rattaññū cira pabbajjito addhagato vayo anupatto.
Khi nghe nói vậy, một đại thần tâu với Ajātasattu, con bà Vedehi vua nước Magadha: “Tâu Ðại vương, có Pūraṇa kassapa (Phú-la Ca-diếp) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng.
Taṃ devo Pūraṇaṃ kassapaṃ payirupāsatu, app’eva nāma devassa Pūraṇaṃ Kassapaṃ payirupāsato cittaṃ pasīdeyyāti’.
Mong Ðại vương đến chiêm bái Pūraṇa Kassapa này. Chiêm bái Pūraṇa kassapa có thể khiến tâm Ðại vương được tịnh tín”.
Evaṃ vutte rājā Māgadho Ajātasattu vedehiputto tuṃhī ahosi.
Khi nghe nói vậy Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha yên lặng không nói gì.
- “Aññataro rājāmacco rājānaṃ Māgadhaṃ Ajātasattuṃ Vedehi-puttaṃ etad avoca: “Ayaṃ deva Makkhali gosālo ….
Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha: “Tâu Ðại vương, có Makkhali gosāla (Mặc-già-lê Cù-xá-lợi) …
- “Aññataro rājāmacco rājānaṃ Māgadhaṃ Ajātasattuṃ Vedehi-puttaṃ etad avoca: “Ayaṃ deva Ajito kesakambalo …
Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha: “Tâu Ðại vương, có Ajita kesakambala (A-kỳ-đa Kỳ-xá-khâm-bà-la) …
- “Aññataro rājāmacco rājānaṃ Māgadhaṃ Ajātasattuṃ Vedehi-puttaṃ etad avoca: “Ayaṃ deva Pakudho kaccāyano …
Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha: “Tâu Ðại vương, có Pakudha kaccāyana (Bà-phù-đà Ca-chiên-nê)…
- “Aññataro rājāmacco rājānaṃ Māgadhaṃ Ajātasattuṃ Vedehi-puttaṃ etad avoca: “Ayaṃ deva Sañjayo belaṭṭhiputtaṃ ….
Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha: “Tâu Ðại vương, có Sanjaya belathiputta (Tán-nhã-di Tỳ-la-phê-phất)…
- “Aññataro rājāmacco rājānaṃ Māgadhaṃ Ajātasattuṃ Vedehi-puttaṃ etad avoca: “Ayaṃ deva Nigaṇṭho nātaputto saṃghī c’eva gaṇī cagaṇācariyo ca ñāto yassasī titthakaro sādhu sammato bahu janassa rattaññū cira pabbajjito addhagato vayo anupatto.
Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha: “Tâu Ðại vương, có Nigaṇṭha nātaputta (Ni-kiền-tử) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng.
Taṃ devo Nigaṇṭhaṃ nātaputtaṃ payirupāsatu, app’eva nāma devassa Nigaṇṭhaṃ Nātaputtaṃ payirupāsato cittaṃ pasīdeyyāti’.
Mong Ðại vương đến chiêm bái Nigaṇṭha nātaputta này. Chiêm bái Nigaṇṭha nātaputta có thể khiến tâm Ðại vương được tịnh tín”.
Evaṃ vutte rājā Māgadho Ajātasattu vedehiputto tuṃhī ahosi.
Khi nghe nói vậy Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha yên lặng không nói gì.
Giải:
Từ đoạn 151 đến hết đoạn 156 là sự giới thiệu sáu vị Tôn chủ trong thời Đức Phật.
Có câu hỏi: Vì sao nghe tên sáu vị tôn chủ đương thời (ngoại trừ Đức Thế Tôn), trước tiên là Pūraṇa kassapa …. vua Ajātasattu (A-xà-thế) lại im lặng?
Đáp rằng: Ví như người muốn ăn trái xoài chín vàng mọng, ngon ngọt, nhưng có người lại dâng trái kājara đắng.
Vua Ajātasattu đang muốn được nghe một bài pháp huyền diệu về những đức hạnh như thiền (jhāna), thắng trí (abhiññāṇa) hay tam tướng, khi nghe giới thiệu đến Pūraṇa kassapa … Đức vua vô cùng thất vọng, vì Đức vua đã từng gặp và thất vọng với các vị ấy.
Tuy thất vọng nhưng Đức vua vẫn im lặng, vì nghĩ rằng: “Nếu ta phản đối hoặc cho người chộp lấy vai và tẩn xuất vị đại thần này, thì những người khác sẽ sợ bị tương tự và sẽ không ai nói gì cả”.
Do Đức vua im lặng đối với Tôn chủ Pūraṇa kassapa, nên các vị cận thần khác nghĩ rằng: “Đức vua không hài lòng vị Tôn chủ ấy, Ta hãy tán dương vị tôn chủ mà chính ta hộ độ”.
Sáu tôn chủ dị giáo.
1- Tôn chủ Pūraṇa kassapa.
Ngài Buddhaghosa có giải thích: Pūraṇa là tên còn Kassapa là họ.
Người ta cho rằng vị này được mang tên là Pūraṇa (tròn đủ) vì được sinh ra trong một gia đình đã có 99 nô lệ, vì làm tròn được con số thịnh vượng (là một trăm), nên vào ngày lễ đặt tên, hài tử ấy mang tên là Pūraṇa.
Được xem là “người nô lệ làm thịnh vượng cho chủ”, nên Pūraṇa không hề bị rầy la, không bị ai sai bảo chi cả, mặc cho Pūraṇa muốn làm chi thì làm (dĩ nhiên y vẫn phải ở trong giai cấp nô lệ).
Tuy hưởng được đặc ân như thế, nhưng Pūraṇa suy nghĩ: “Tại sao ta phải ở đây chứ ?” và y bỏ nhà chủ ra đi.
Trên đường bỏ trốn, Pūraṇa bị bọn cướp lấy hết quần áo, không tìm được lá hay cỏ che thân, Pūraṇa trần truồng đi vào làng.
Dân làng trông thấy cho rằng: “Vị Sa-môn này là bậc A-la-hán không mong cầu, ít ước muốn, không ai giống như vị này”. Họ đến cúng dường vật thực cho y.
Kể từ đó, ngay cả khi được cúng dâng áo choàng, Pūraṇa cũng không nhận, vì nghĩ rằng: “Ta đến đây, do không có quần áo nên được sự cung kỉnh, ta không nên nhận áo choàng.”
Pūrana cứ lõa thể như thế mà đi lang thang, trở thành một du sĩ (pabbajjā), có 500 người theo sau là đồ chúng, trong số đó có người sinh thiên là thiên tử Asama.
“Đứng một bên, thiên tử Asama nói lên bài kệ này trước mặt Đức Thế Tôn về Pūraṇa kassapa:
Ở đây nếu có người; chém giết hay hại người.
Kassapa không thấy; qua các hành động ấy.
Là ác nghiệp cho mình; hay công đức cho mình.
Ngài tuyên bố như vậy; làm căn bản đức tin.
Ngài thật bậc Đạo sư; đáng được tôn kính, lễ”([97]).
Bài kệ trên cho thấy, Pūraṇa chủ trương “thyết vô hành – akiriyavāda” hay thuyết phi nghiệp.
Bản Sớ giải có giải thích: “Sở dĩ Asama sinh thiên vì tin vào nghiệp trước khi theo chủ thuyết phi nghiệp của Pūraṇa”.
Các Licchavī như Abhaya, Mahāli , du sĩ Vacchagotta([98]) thường đến hỏi ý kiến với Pūraṇa, xem ra Pūraṇa thường xuyên hoạt động trong xứ Licchavī.
Trong kinh Sa-môn quả, cũng ghi nhận Pūraṇa kassapa chủ trương “thuyết vô hành” (akiriyavāda), phủ nhận quả báo của nghiệp thiện lẫn bất thiện.
Ngoài ra, Pūraṇa còn được xem là người truyền bá “thuyết vô nhân” (ahetukavāda), chối bỏ nhân duyên (hetupaccaya).
Bạch Đức Thế Tôn, Pūraṇa kassapa nói như sau: “Không có nhân không có duyên để không biết- không thấy; không biết – không thấy, không có nhân không có duyên. Không có nhân, không có duyên để biết – để thấy …([99]).
Một đoạn kinh khác như sau:
“Bạch Đức Thế Tôn,Pūraṇa kassapa (Phú-lan-na Ca-diếp), thuyết như sau: “Không nhân không duyên là sự nhiễm ô của chúng sinh; không nhân không duyên chúng sinh bị nhiễm ô, không nhân không duyên là sự thanh tịnh của chúng sinh; không nhân không duyên, chúng sinh được thanh tịnh”. ([100]).
Và Pūraṇa tự xưng mình là bậc toàn trí, như kinh văn có ghi nhận:
“Thưa Tôn giả Gotama, Pūraṇa kassapa, bậc toàn tri, toàn kiến, tự nhận mình là có tri kiến toàn bộ không dư (aparisesanānadassana) nói rằng: “Khi ta đi, ta đứng, ta ngủ, ta thức, tri kiến được an trú thường hằng (satataṃ samitaṃ)”([101]).
Trong Sớ giải kinh Pháp cú ([102]), trước khi Đức Phật thi triển song thông lực, vua trời Sakka (Đế-thích) ra lịnh cho thần Gió nổi gió xô xập lều trại cùng lễ đài của nhóm ngoại đạo, đồng thời phun cát bụi vào chúng.
Trên đường chạy trốn, Pūraṇa gặp một nông dân đệ tử, y lấy cái nồi và sợi dây của đệ tử, chạy đến bờ sông, cột dây và nồi vào cổ rồi nhảy xuông sông chết, Pūraṇa tái sinh vào địa ngục Vô gián (Avīci niraya).
Điều này dường như mâu thuẩn với kinh Sa-môn quả, trong kinh ghi nhận “vua A-xà-thế có đến viếng giáo chủ Pūraṇa kassapa”.
Nói cách khác, theo Sớ giải kinh Pháp cú thì ông Pūraṇa kassapa chết khi Đức Thế Tôn được 41 tuổi thọ (vào cuối hạ thứ 6; hạ thứ 7 Đức Thế Tôn an cư tại cung trời Đao lợi, hơn 30 năm sau bài kinh này mới xuất hiện).
Có khả năng, khi còn là vị hoàng tử trẻ, vua Ajaatasatt có đến viếng Pūraṇa kassapa, để rồi hơn 30 năm sau, Đức vua lập lại điều này với Đức Thế Tôn và cũng từ khi ấy, Hoàng tử Ajātasattu không hài lòng với giáo thuyết của Pūraṇa kassapa.
Tuy nhiên, cách lý giải này cũng không ổn, vì rằng: “một vị đại thần đã đề nghị Đức vua đến viếng tôn chủ Pūraṇa kassapa” ngay trong đêm ấy, và cũng chính trong đêm này, bài kinh Sa-môn quả được hiển lộ.
Lẽ nào vị đại thần dám “bạo phổi”, thỉnh Đức vua viếng thăm và đàm luận với “xác chết”?
Một thuyết khác cho rằng: “Sau khi Pūraṇa chết, môn đệ kế nghiệp Giáo chủ Pūraṇa cũng dùng lại danh tự của thầy để tưởng nhớ thầy”, nhưng xem ra lập luận này không vững lắm.
Vì theo Sakuludāyi thì cả 6 vị tôn chủ ngoại đạo không được đệ tử cung kính, tôn trọng, họ bị đệ tử kích bác đến nổi phải giang tay khóc lóc ([103]).
Có thuyết lại nói rằng “sau 12 năm khổ hạnh, vị ấy nhịn đói đến chết” ở Sāvatthi([104]). Nhưng không nói rõ thời điểm tôn chủ Pūraṇa kassapa chết.
Kinh điển của Kỳ-na giáo (jaina) có nhắc đến “một kẻ khổ hạnh ngu si” tên là Pūraṇa có gốc từ Bebhela, chắc hẳn là vị Pūraṇa này.
2- Tôn chủ Makkhali gosāla.
Makkhali là tên, họ là Gosāla. Người ta biết rất ít về Makkhali gosāla.
Ngài Buddhaghosa giải thích “vì sinh ra trong chuồng bò nên gọi là Gosāla”, còn tên Makkhali phát sinh từ sự kiện như sau:
Gosāla là một nô lệ, trong khi mang bình dầu đi dọc theo con đường lầy lội, chủ của Gosāla có nhắc nhở “coi chừng té” (mā khali), nhưng Gosāla do bất cẩn đã té, làm bể bình dầu, ông liền bỏ chạy trốn, người chủ rượt theo, tóm được góc chiếc áo choàng, Gosāla cởi áo để trần truồng chạy đi.
Phần còn lại giống như câu chuyện giáo chủ Pūraṇa kassapa; từ đó ông có tên là Makkhali Gosāla.
Ban đầu ông xuất gia trong phái Ājīvika([105]), sau đó từ bỏ phái này để thành lập giáo phái riêng.
Về sau phái Ājīvika lẫn môn đệ của Makkhali gosāla đều sáp nhập vào đạo Jaina (Kỳ-na).
Đương thời Makkhali gosāla nói rằng: “Bậc xuất gia phải làm sao cho tín đồ triệt để tuân hành những định luật đã an bài“, lý thuyết này được Bà-la-môn Kautilya áp dụng, làm hưng thịnh triều đại Moriya trong thời vua Candragupta trị vì (Candragupta là ông nội của vua A-dục).
Theo tài liệu ghi lại của Đạo Kỳ-na (Jaina)([106]) thì Makkhali gosāla là người làng Saravana gần thành Sāvatthi, có tên là Maṅkhaliputta (con của Maṅkhali).
Cha của Makkhali gosāla là một người buôn tranh ảnh (mankha) có tên là Maṅkhali, mẹ của ông Makkhali gosāla tên là Bhaddā ([107]).
Và Gosāla nối nghiệp cha cho đến khi trở thành vị Sa-môn, nên có tên Makkhali Gosāla.
Tên thật của vị này dường như là Maskarin, dạng Jaina – Prakit là Maṅkhali, dạng Pāli là Makkhali.
Theo tác phẩm The historical Buddha (Đức Phật lịch sử) – nguyên tác của H.W. Schumann, bản dịch Việt ngữ của Trần Phương Lan thì vị này là “con trai người hát dạo (mankha)([108]).
“Maskarin” được Paṇinī ([109]) giải thích là “người mang gậy tre (maskara)”.
Theo giải thích của Patañjali thì, “Maskarin” không phải chỉ cho các du sĩ trên tay cầm gậy tre, mà đó là tên một trường phái “chối bỏ khả năng của lý trí”.
Dạng du sĩ này không nhiều lắm, những du sĩ Maskarin là người theo “thuyết luân hồi tịnh hóa (saṃsārasuddhi)” hay “thuyết định mệnh”.
Môn đệ của Makkhali gosāla được gọi là những vị Ājīvaka (lõa thể).
Nhà khảo cổ H.W. Schumann có ghi nhận (xem sđd, tr. 501 – 504): Theo bản kinh Bhagavatīsūtra của Kỳ-na giáo thì Makkhali gosāla là môn đệ của Nigaṇṭha Nātaputta, tóm lược như sau.
Lần thứ nhất, vào năm 524 trước Tây lịch (tTl), Makkhali gặp Nātaputta đang thực hành khổ hạnh, khi ấy Nātaputta được 33 tuổi, xuất gia được 3 năm đồng thời thực hành khổ hạnh được ba năm.
Bị cuốn hút theo cách khổ hạnh của Nigantha nātaputta, Makkhali xin Nigantha nātaputta nhận mình là đệ tử, nhưng Nigantha nātaputta im lặng bỏ đi.
Thời gian sau, Makkhali gosāla lõa thể như Nātaputta, Makkhali gosāla gặp lại Nātaputta ở Paniyabhūmi gần Nālandā, Makkhali lại thỉnh cầu lần nữa và Nātaputta nhận lời.
Cả hai sống đời du sĩ bên nhau suốt sáu năm, chính trong thời gian này Makkhali chứng kiến những lời tiên đoán của thầy mình đều trở thành hiện thực, nên Makkhali phát triển niềm tin về “thuyết định mệnh”.
Như có lần Nātaputta tiên đoán “vào một ngày nhất định nào đó, Makkhali sẽ được cho một đồng tiền giả, dù Makkhali cố gắng ngăn cản nhưng nó vẫn xảy ra như lời tiên đoán”; vì thế Makkhali kết luận “việc gì phải xảy ra thì sẽ phải xảy ra như vậy, chứ không thể khác được”.
Về sau, do một cuộc thử tài tiên đoán thầy mà Makkhali bị Nātaputta đuổi đi.
Câu chuyện như sau:Trên đường qua Magadha (Ma-kiệt-đà), Makkhali chỉ một cây mè, hỏi thầy “cây này có cho quả gì không?”, Nātaputta đáp “nhiều lắm”.
Rồi hai người tiếp tục du hành, Makkhali lén quay trở lại nhổ cây mè lên.
Thời gian sau cả hai quay trở lại, cây mè tuy bị nhổ lên nhưng có một trận mưa rơi xuống đã làm cho nó bén rễ trở lại và cho rất nhiều quả.
Tuy Makkhali thán phục tài tiên tri của thầy, nhưng trò đùa tinh nghịch này cũng đủ Nātaputta trục xuất người đệ tử kỳ quặc tinh quái.
Makkhali mất vào năm 501 tTl, khi ấy Đức Phật được 62 tuổi (tính năm Bồ-tát Siddhatta – Sĩ-đạt-ta đản sinh là 563 tTl).
Từ điểm này cho thấy “có khả năng khi Ajātasattu còn là Hoàng tử có đến viếng Makkhali gosāla để hỏi về quả báo Sa-môn”, nhưng trong bản kinh ghi nhận “một vị đại thần đề nghị vua Ajātasattu viếng thăm tôn chủ Makkhali gosāla trong đêm ấy” ???.
Đồng thời lý giải: Vì sao Makkhali chủ trương “thuyết luân hồi tịnh hóa” hay “thuyết định mệnh”.
Quan điểm của Makkhali gosāla được nêu trong trong kinh Sa-môn quả rất khó hiểu, chính các Luận giải sư cho rằng “tìm hiểu về các quan điểm của Makkhali gosāla là điều vô vọng”.
Ngoài những con số mà ông nêu ra trong kinh Sa-môn quả, dường như Makkhali tin vào “định số (niyati)”.
Như cuộn chỉ được ném ra, cuộn chỉ cứ lăn mãi đến một thời điểm nào đó chỉ trong cuộn chỉ sẽ hết, cũng vậy, sau 84.000 đại kiếp (mahākappa) thì người ác hay hiền đều giải thoát.
Nếu chưa hết thời kỳ thì dù có hành thiện như thế nào cũng không thể giải thoát.
“Thuyết định mệnh” của Makkhali gosāla tương đồng với “thuyết chối bỏ nhân duyên”.
Mặt khác, Makkhali gosāla có quan điểm rõ ràng về số lượng: Loại chúng sinh, nghiệp, địa ngục, giấc mộng lớn, giấc mộng nhỏ …
Dường như Makkhali gosāla quan niệm thế gian là một hệ thống, trong đó các bộ phận không hề thay đổi, tất cả đều có nơi và có phận sự riêng.
Trong sáu chủ thuyết của 6 tôn chủ dị giáo, Đức Thế Tôn nghiêm khắc phê bình chủ thuyết của Makkhali gosāla “là tệ hại nhất”.
Ví như, này các Tỳ-khưu, tại cửa sông có đặt một cái nơm bẫy cá (khippaṃ), đem lại bất hạnh đau khổ, tổn thương, tổn hại cho nhiều cá.
Cũng vậy, này các Tỳ-khưu, kẻ ngu si Makkhali xuất hiện ở đời, Ta nghĩ rằng như là một cái nơm bẫy cá cho loài người, đưa đến bất hạnh, bất lạc, bất lợi, đau khổ, tổn thương, tổn hại cho nhiều loại hữu tình”.([110])
Và:
Mền bằng tóc, này các Tỳ-khưu, khi trời lạnh thời lạnh, khi trời nóng thời nóng, xấu xí, có mùi hôi, xúc chạm khó chịu.
Cũng vậy, này các Tỳ-khưu, trong các chủ thuyết của các Sa-môn ngoại đạo tuyên bố, chủ thuyết của Makkhali được xem là hèn hạ nhất([111]).
Ngài Buddhaghosa (Giác Âm) có đưa ra sự nhận định về ba chủ thuyết của Pūraṇa kassapa, Makkhali gosāla và, Ajita kesakambala như sau:
“Pūrana phủ nhận nghiệp, Ajita phủ nhận quả của nghiệp, còn Makkhali phủ nhận cả nghiệp lẫn quả”.
Môn đệ của Makkhali gosālacũng có người sinh thiên, như thiên tử Sahāli ([112]).
3- Tôn chủ Ajita kesakambala.
Ajita là tên và vị này mặc y dệt bằng tóc (kesakambala), nên được gọi là Ajita kesakambala.
Y được dệt bằng tóc là tấm y được bện bằng tóc người, không có loại y nào ghê tởm hơn, như đoạn kinh văn đã dẫn ở trên.
Áo bằng loại này được mô tả là “tấm áo khốn khổ” nhất, vào mùa lạnh thì rất lạnh, vào mùa nóng thì rất nóng đồng thời tỏa ra mùi hôi không thể chịu nổi.
Là một trong sáu vị tôn chủ ngoại đạo đương thời với Đức Phật, Ajita kesakambala được mô tả là người lãnh đạo một số đông đồ chúng, nhưng dường như chỉ là tại gia mà thôi.
Ajta kesakambala chủ trương “thuyết hư vô” (natthikavāda) hay “thuyết đoạn diệt” (ucchedavāda).
Theo Ajta kesakambala thì: Trong cõi mênh mông này có bốn thành phần: Đất – nước – lửa – gió (gọi là tứ đại).
Mỗi thành phần của tứ đại có đặc tính “tự tồn, tự tụ, tự tan rã”.
Con người chẳng qua là do tứ đại hợp thành, khi tứ đại tan rã thì “đất trở về với đất, nước trở về với nước, lửa trở về với lửa và gió trở về với gió”.
Như vậy, “sống” hay “chết” chỉ là sự tụ hội hay tan rã của tứ đại mà thôi, khi tứ đại tan rã cái gọi là “hiểu biết, tư tưởng” thành phần năng động của tâm linh cũng tan rã trở về với hư không.
Nói gọn lại, ông Ajta kesakambala cho rằng “chết là hết”, người hiền hay ngu, thiện hay ác, khi chết đều mất tất cả, không còn cái gì gọi là hiền – ngu hay thiện – ác cả.
Cái gọi là “kiếp trước – kiếp sau” chỉ là hư ngụy, là sai lầm, là lừa mị người khác.
Chủ trương “đoạn diệt” của Ajta Kesakambala có mục đích “triệt để chống lại giáo thuyết Bà-la-môn”, và chủ trương của phái này là “thụ hưởng khoái lạc”.
Trong Mahābodhi jātaka([113]), tiền thân của Ajita Kesakambala là một trong năm vị thầy, đã bị Bồ-tát bác bỏ giáo thuyết.
Tuy chủ trương “hưởng lạc, phủ nhận giá trị của khổ hạnh”, nhưng không hiểu vì sao Ajita kesakambala lại chọn y bằng tóc bện, một bộ y “mùa đông lạnh, mùa hè nóng và hôi hám”, một loại vải được xem là tồi tệ nhất (xem dẫn chứng ở trên).
4- Tôn chủ Pakudha kaccāyana.
Pakudha là tên, Kaccāyana là họ, một chi tộc của dòng Bà-la-môn(brahmagotta).
Ngài Buddhaghosa nói rằng: Pakudha không dùng nước lạnh, ngay cả khi đi đại tiện, Pakudha rửa trôn bằng nước ấm hay dầu.
Nếu không có nước nóng thì Pakudha kaccāyana không tắm.
Trên đường, nếu phải lội qua sông hay đi qua vũng nước thì Pakudha cho rằng “Ta đã phạm tội”, Pakudha kaccāyana sám hối tội lỗi bằng cách đấp một ụ đất rồi ra đi.
Đây là sự khổ hạnh trong học thuyết của ông, nó chỉ là hành động bên ngoài mà thôi, còn bên trong thì Pakudha theo thuyết bất hạnh (nissirīkaladdhika).
Học thuyết của Pakudha kaccayana là “thuyết phi nghiệp” (akiriyavāda) hay “thuyết vô hành“.
Theo Pakudha kaccayana thì : Con người do bảy yếu tố (thành phần) hội tụ lại, đó là: Tứ đại, khổ, vui và jīva (linh hồn hay sự sống), bảy yếu tố này có tứ đại là hữu hình, còn khổ, vui, sự sống là vô hình.
Bảy yếu tố này cũng có tính: Tự tụ, tự tan, không có một quyền năng nào có thể hủy diệt cũng như điều khiển, sai sử chúng.
Từ quan điểm này, ông Pakudha đi thêm một bước nữa là “không có cái chi gọi là nghiệp thiện hay nghiệp ác cả”.
Ông cho rằng: “Khi một người với cây gươm bén, chẻ cái đầu làm hai cũng chẳng có chi gọi là ác nghiệp, chẳng qua cây gươm bén đi qua khoảng trống của bảy thành phần ấy thôi, chẳng có người giết cũng chẳng có người bị giết”.
Ông Pakudha Kaccāyana chủ trương như vậy, nhưng nếu có người bảo ông đứng yên để y chém vào đầu ông, ông chắc gì chấp nhận nhỉ?
Người ta nói rằng: “Đệ tử Pakudha kaccāyana không tôn kính ông lắm, trái lại rất thành kính đối với Đức Phật”.
Pakudha kaccāyana cùng môn đệ của ông thường tỏ ra tức giận khi bị thẩm vấn.
Tuy nhiên, ở vài nơi ông rất được dân chúng sùng mộ, là một tôn chủ có danh tiếng, có nhiều đồ chúng. Pakudha đôi khi cũng được xem là một Ājīvaka.
Ông không nói đến sự giác ngộ hoàn toàn, có lẽ do chủ trương “phi nghiệp” nên vấn đề giác ngộ, ông không dám đề cập đến.
5- Tôn chủ Sañjaya belaṭṭhaputta.
Vị ấy là con trai củaBelaṭṭha, có tên là Sañjaya, nên được gọi là Sañjaya belaṭṭhaputta.
Ông này theo thuyết “Bất khả tri” còn gọi là thuyết “hoài nghi”. Ông chủ trương không trả lời trực tiếp vào các vấn đề trừu tượng.
Như có người hỏi: “Có kiếp sau không?“, Sañjaya trả lời: “Nếu tôi tin có kiếp sau, tôi sẽ trả lời là có”, nhưng tôi chưa hề có ý nghĩ đó.
Tôi cũng chưa hề nghĩ là “không có kiếp sau”, cả đến ý nghĩ “có lẽ có” hay “có lẽ không có“, tôi cũng không nghĩ đến.
Hoặc có người hỏi: “Có quả báo không?“. “Có phải làm lành gặp lành, làm ác gặp ác không?”.
Ông cũng trả lời tương tự rằng:
– Nếu tôi tin luật quả báo, tôi sẽ trả lời là có, nhưng tôi chưa hề có ý nghĩ đó, cũng chưa hề có ý nghĩ là “không có quả báo”. Ngay cả ý nghĩ “có lẽ có quả báo” hoặc “có lẽ không có quả báo”, tôi cũng chưa nghĩ đến.
Nói chung, trước những vấn đề trừu tượng thì Sañjaya belatthaputta luôn luôn lẫn tránh, ông khuyên môn đệ hãy biết nhìn những gì ngay trong thực tại, còn những vấn đề siêu hình, trừu tượng, không thể biết chính xác (bất khả tri).
Ông lý luận rằng: “Vấn đề siêu hình biến hóa vô cùng, thoạt có, thoạt không, nó không có mẫu mực nhất định, nên không thể biết rõ một cách chính xác được.
Ngay cả con lươn hữu hình kia, nắm được nó rồi, nó còn trườn thoát ra, nói gì đến vấn đề vô hình chứ”.
Sañjaya belatthiputta sở trường “không xác định rõ vấn đề” là có hay không, ông tạo ra cho người hỏi hoặc môn đệ “có sự hoài nghi” rằng: “có lẽ đúng, có lẽ sai” hoặc “có lẽ có, có lẽ không”, nên chủ thuyết của ông được gọi là “Hoài nghi thuyết”.
Chính vì ví dụ “con lươn trườn uốn” nên chủ thuyết của Sañjaya belaṭṭhaputta còn được gọi là “chủ thuyết trườn uốn như con lươn”.
Sañjaya đình chỉ sự phê phán đối với những câu hỏi, câu trả lời của ông luôn luôn để lại một nghi vấn cho vấn đề đang đề cập.
Có thể ông muốn gây cho môn đệ mình một ấn tượng để suy nghĩ, cũng có thể ông muốn đánh lạc hướng, tránh né sự tranh luận.
Câu trả lời “uốn lượn quanh co” của ông, khiến cho vấn đề được đặt ra bị buông bỏ, hoặc đi vào một “ngã rẽ” khác.
Ngài Buddhaghosa không cho chúng ta biết những nét đặc biệt về tiểu sử của Sañjaya Belatthaputta, ngoài sự kiện “ông là con của Belaṭṭha”.
Kinh Tạng Saṅckrit gọi ông là Sañjayi Vairattiputta.
Trong Sớ giải kinh Pháp cú có ghi nhận, trước khi gặp được Giáo pháp này, vị thầy đầu tiên của Ngài Sāriputta (Xá-lợi-phất) và Ngài Moggallāna (Mục-kiền-liên), là tôn chủ Sañjaya belaṭṭhaputta sống gần thành Rājagaha (Vương xá).
Hai Ngài chứng quả Dự lưu khi nghe được kệ ngôn tóm gọn Tứ diệu đế của Ngài Assaji là:
Ye dhammā hetuppabhavā; tesaṃ hetuṃ Tathāgato.
Āha tesañ ca yo nirodho; evaṃ vādī mahā samano.
“Các pháp sinh lên do có nhân; nhân ấy đấng Như Lai chỉ rõ.
Ngài cũng chỉ rõ cách diệt nhân; đó là lời dạy của vị Đại Sa-môn.”
Đức Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên có yêu cầu Sañjaya đến gặp Đức Thế` Tôn, nhưng Sañjaya từ chối.
Khi hai vị này bỏ Sañjaya tìm đến thọ giáo nơi Đức Phật ở Trúc Lâm Tinh xá (Veḷuvana vihāra) cùng 250 môn đệ tùy tùng, ông Sañjaya té xỉu, máu tươi trào ra khỏi miệng ([114]).
Du sĩ Suppiya([115]) cũng là môn đệ của Sañjaya.
6- Tôn chủ Nigaṇṭha nāṭaputta.
Vị ấy được gọi là Nigaṇṭha vì cha mẹ của vị ấy theo giáo phái Nigaṇṭha, và vị ấy cũng gia nhập giáo phái này khi chưa xuất gia.
Tương truyền, vị sáng lập giáo phái Nigaṇṭha là đạo sư Pārsva vào thế kỷ thứ VIII tTl, người xứ Benares (Bāraṇasī).
Nigaṇṭha nghĩa là “không bị trói buộc”, giáo phái này không mặc y phục nên còn gọi là “đạo lõa thể” ngày nay vẫn còn ở Ấn Độ.
Với y phục bằng không khí (lõa thể), tu sĩ Nigaṇṭha tuyên bố rằng:”Chúng ta không có ô nhiễm, không có sự ràng buộc của các ô nhiễm; chúng ta thoát khỏi những trói buộc của các ô nhiễm”.
Được gọi là Nātaputta, vì là con trai của Nāta.
Nigaṇṭha nātaputta là vị Sơ tổ của đạo Jaina (Kỳ-na), đồng thời cũng là một trong sáu vị tôn chủ ngoại giáo đương thời với Đức Phật.
Sau thời Đức Phật, môn đệ của năm vị giáo chủ kia hoặc là từ bỏ phái cũ hoặc là sáp nhập vào đạoJaina.
Riêng Jaina vẫn chuyển mình song song phát triển cùng với Phật giáo và tồn tại đến ngày hôm nay.
Trước khi Phật giáo vươn mình đứng dậy, Bà-la-môn giáo cùng Kỳ-na giáo là hai tôn giáo mạnh nhất thời ấy.
Trong thời gian Phật giáo suy tàn ở Ấn Độ, Ấn giáo (Tân Bà-la-môn giáo) là chúa tế vùng Tây Ấn, còn đạo Jaina là bá chủ miền Đông Ấn, cả hai hệ thống giáo điển này cùng chia nhau “lãnh đạo tinh thần”dân Ấn.
Theo kinh điển đạo Jaina (Kỳ-na), người đương thời gọi Nigaṇṭha nātaputta là Vardhamana họ là Nāta hay (nāya) người xứ Vesāli, cha ông là Siddhattha thuộc dòng Sát-đế-lỵ (khattiya) của vương tộc Jnāta (sk là Jñata), mẹ là Trisālā.
Ông sinh ra tại một lâu đài của Vương tộc Jnāta, ở Bắc thị trấn Vesāli (Vệ-xá) ([116]).
Thầy Thích Mãn Giác, tác giả quyển “Lịch sử triết học Ấn -Độ “, có ghi nhận Nātaputta sinh vào năm 444 trước kỷ nguyên, mất vào năm 372 trước kỷ nguyên (tr. 141).
Có khả năng đây là sự nhầm lẫn do khâu in ấn, vì Nātaputta sinh trước Bồ-tát Siddhattha (Sĩđạtta); tuy niên đại của Bồ-tát Siddhattha chưa nhất quán.
Theo truyền thống Phật giáo thì Bồ-tát Siddhttha sinh vào năm 623 tTl, theo các nhà học giả thì Bồ-tát Siddhattha sinh vào năm 563 tTl([117]), nhưng dù theo niên đại nào thì Nātaputta không thể sinh vào năm 444 tTl.
Theo nhà khảo cổ H.W. Schumann thì: Nātaputta sinh vào năm 557 tTl tại Kundagrāma (nay là Basukund) gần Vesāli, mất vào năm 485 tTl ở tuổi 72 tại Pāvā (nay làPāvapurī) (ông Schumann dùng năm sinh của Bồ-tát Siddhattha là 563 tTl)([118]).
Nhưng cả hai cách ghi nhận này không thuyết phục lắm; vì Đức Phật được xem như “vị Tôn sư trẻ tuổi nhất so với 6 vị Tôn sư đương thời”, mà Bồ-tát Siddhattha sinh vào năm 563 tTl.
Vào những năm đầu, khi được diện kiến Đức Thế Tôn, vị lãnh tụ xứ Kosala (Kiều-tất-la) là vua Pasenadi (Batưnặc).
Khi nghe Đức Thế Tôn xác nhận “Ngài chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác”, đức vua đã có nhận định: So với sáu vị Tôn chủ đương thời thì “Tôn giả Gotama trẻ tuổi, sinh sau, đẻ muộn …”.
Đức vua Pasenadi có liệt kê danh tự sáu vị Tôn chủ dị giáo đương thời, điều này chứng tỏ “Đức vua biết danh tiếng sáu vị Tôn chủ, riêng Đức Phật thì danh tiếng mới vừa nổi lên”.
Nhân đó, Đức Thế Tôn thuyết lên bài kinh Daharasuttaṃ – kinh Tuổi trẻ”, với nội dung “đừng khinh thường vị Sát-đế-lỵ trẻ, không nên khinh thường con rắn nhỏ, không nên khinh thường ngọn lửa nhỏ và không nên khinh thường vị Sa-môn trẻ”. Nghe xong, Đức vua Pasenadi xin quy ngưỡng Tam Bảo ([119]).
Lại nữa, theo kinh Tạng Pāli thì Nigantha nātaputta mất trước Đức Phật.
Nhưng theo nhà khảo cổ H.W. Schumann thì Mahāvira mất sau Đức Phật (xem ở trên).
Ngay khi Nigaṇṭha nātaputta mệnh chung ở Pāva, môn đệ của Nigaṇṭha Nātaputta chia thành hai phái, tranh luận đả kích nhau về giáo thuyết của họ, do không có hệ thống hóa giáo thuyết.
Đức Ānanda đã trình bạch điều này lên Đức Thế Tôn([120]), để ngăn ngừa sự kiện này xảy ra sau khi Đức Phật viên tịch, Trưởng lão Sārīputta thành lập hệ thống pháp môn tinh yếu căn bản trong giáo lý của Đức Phật và bài kinh Phúng tụng ra đời ([121]).
Theo nhà khảo cổ H.W. Schumann, Nigaṇṭha nātaputta không theo phong tục “đa thê” của bản quốc Jnāta, ông chỉ có một vợ, đến năm 30 tuổi thì xuất gia theo phái Nigaṇṭha, nhưng ông tự vạch ra cho mình cách tu tập khổ hạnh riêng.
Khi trở thành giáo chủ, ông đổi tên là Mahāvira (Đại Hùng).
Sau 30 năm chuyên tu khổ hạnh, ông tuyên bố mình “đạt đến địa vị Jina”.
Theo truyền thống Đạo Jaina, Mahāvira được tôn xưng là vị Cứu thế (sk –jirthamkara) thứ 24.
Theo gương cha mẹ, Mahāvira nhịn đói cho đến chết ở tuổi 72 tại xứ Pāvā, điều này cũng khác với kinh điển Pāli.
Theo kinh kinh điển Pāli, khi trưởng giả Upāli quy ngưỡng Đức Phật, đã quay ngược lại với Nigantha nātaputta, khiến Nigantha nātaputta tức tối đến nổi phải mửa máu tươi. Ông được đệ tử cáng về xứ Pāvā và chết ở đấy ([122]).
Khi Mahāvira nắm ngôi giáo chủ, ông đã cách tân giáo lý cổ điển và đổi thành đạo Jaina (Kỳ-na) hay Jina.
Chữ Jina nghĩa đen là “chiến thắng”, nghĩa bóng là “bậc ẩn sĩ đạt đến chổ thù thắng”.
Trong Sớ giải kinh Pháp cú cũng có ghi lại “chư Tỳ-khưu ghi nhận những du sĩ Nigaṇṭha tốt hơn các du sĩ lõa thể (acelaka), vì các đạo sĩ Nigaṇṭha có mảnh vải che thân.
Nhưng các du sĩ Nigaṇṭha lại giải thích “không phải vì họ sợ xấu hổ, mà vì trong đất có chúng sinh, họ sợ rơi vào vật thực của họ”([123]).
Thật ra, trong phái Nigaṇṭha cũng chia thành hai nhóm: Nhóm bạch y và nhóm lõa thể.
Đương thời của Đức Phật là sự phát triển cực độ của “phong trào tự do tư tưởng”, luôn luôn có sự đối lập giữa tông phái với tông phái, giữa các du sĩ với du sĩ, thậm chí còn đưa đến khẩu chiến.
Vùng Trung –Đông Ấn thời ấy thường có những Luận nghị đường để các du sĩ bàn luận, vấn đáp lẫn nhau…
“Ngồi xuống một bên, du sĩ Vacchagotta thưa với Thế Tôn: “Thưa Tôn giả Gotama, những ngày về trước, những ngày về trước nữa, rất nhiều Sa-môn, Bà-la-môn là du sĩ ngọi đạo ngồi tụ tập, tụ hội tại Luận nghị đường, và câu chuyện sau đây được khởi lên…”([124]).
Và :
“Những ai muốn tranh luận. Sau khi vào hội chúng.
Chúng công kích (mithu) lẫn nhau. Chúng gọi nhau là ngu.
Chúng đi đến người khác. Và khởi lên tranh luận (thojjaṃ)
Chúng muốn được tán thán. Chúng gọi chúng thiện xảo.([125])
Trước những trận khẩu chiến ấy, Mahāvira thường phê bình “sự vật thế gian hiện ra với “muôn hình vạn trạng”, nếu không xét đến nguyên lý tạo thành sự kiện, nếu chỉ luận về một khía cạnh, một trạng thái của sự kiện thì dù có biện luận suốt đời cũng không đi đến chân lý”.
Nghĩa là Mahāvira cho rằng “không nên tìm hiểu hình thức của sự vật hãy tìm đến nguồn gốc của sự vật”.
Ông thường nói “đừng lấy mắt mà hạn chế tầm suy luận, mắt chỉ thấy một điểm ở gần, ở một hướng; nhưng sự vật là vô số điểm, có những điểm ở xa tít, ở nhiều hướng khác nhau.
Ngay chính “mắt thấy một điểm” cũng bao gồm: thực thể, hình thức, trạng thái, công dụng, đồng thời chính điểm ấy cũng thay đổi thường xuyên “nay vầy mai khác”.
Nhìn một điểm của sự vật rồi luận bàn sự vật đã là sai, nhìn một khía cạnh của điểm mà luận bàn cả sự vật lại càng sai lầm tệ hại.
Theo Mahāvira “sự vật chỉ là tương đối, không là tuyệt đối độc tôn”, do đó, người ta cho rằng “đạo Kỳ-na chủ trương “thuyết tương đối” (anekantavāda) hay “thuyết bất định” (ayadvāda)”([126]).
Một du sĩ Nigantha thường tuân thủ bốn sự chế ngự (catuttha saṃvara) là:
– Chế ngự đối với các loại nước (sabbavārivārito).
– Chế ngự đối với mọi ác pháp(sabbavāriyutto).
– Chế ngự (để) tẩy sạch tất cả ác pháp (sabbavāridhuto).
– Chế ngự với ý chí gìn giữ đối với tất cả ác pháp (sabbaphuto)([127]).
Chính do bốn sự thu thúc này nên vị ấy được gọi là gatatta (vị đã đến mục đích), yatatta(vị đã điều phục được tâm), thitatta (vị đã an trú được tâm).
Bốn sự chế ngự này không được rõ ràng lắm, nhưng điều luật nổi tiếng của đạo Jaina là “không uống nước lạnh”, vì họ cho ” trong nước lạnh có sinh vật còn sống”.
Ngoài bốn sự chế ngự này, Nigaṇṭha nātaputta còn chủ trương ahiṃsa (vô hại).
Nigaṇṭha không chủ trương về nghiệp mà chủ trương về tội (daṇḍa), trong đó thân tội (kāyadaṇḍa) là quan trọng nhất.
Một môn đệ của Nāṭaputta là Dīghatapassi đến gặp Đức Thế Tôn, sau những lời thăm hỏi thân hữu, Đức Thế Tôn có hỏi:
– “Này Tapassi, Nigantha nātaputta chủ trương có bao nhiêu nghiệp để tác thành ác nghiệp, diễn tiến ác nghiệp?”.
– “Hiền giả Gotama! Nigantha nātaputta không chủ trương nghiệp, diễn tiến của nghiệp, Nigaṇṭha nātaputta chủ trương tội (daṇḍa), diễn tiến của tội”.
“- Này Tapassi, Nigantha nāṭaputta chủ trương có bao nhiêu loại tội, để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp?”.
“Này hiền giả Gotama, Nigantha nāṭaputta chủ trương có ba loại tội để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, tức là thân tội, ngữ tội và ý tội”.
Và chính Dīghatapassi ba lần xác nhận với Đức Thế Tôn “thân tội là tối trọng“([128]).
Nāṭaputta tự xác nhận mình là Đấng Toàn tri, biết và thấy tất cả, ông nói:
“Dầu ta có đi, có đứng, có ngủ và có, tri kiến luôn tồn tại liên tục ở nơi ta”.([129])
Nāṭaputta tỏ ra không do dự, khi tuyên bố những cảnh cảnh giới tái sinh của môn đệ sau khi người này chết([130]).
Nhưng Sakuludāyi lại nói rằng: “Khi bị hỏi về câu hỏi quá khứ, thì ông Nātaputta trườn uốn từ vấn đề này sang vấn đề khác để rồi tỏ ra phẩn nộ, khó chịu và gạt bỏ câu hỏi” ([131]).
Lý thuyết của Nigantha là “phàm có cảm thọ lạc, khổ hay xả là do nhân các nghiệp quá khứ.
Nếu diệt nghiệp quá khứ bằng sự khổ hạnh đồng thời không tạo nghiệp mới, thì nghiệp chấm dứt, nghiệp chấm dứt dẫn đến thọ chấm dứt, thọ chấm dứt đồng nghĩa là “giải thoát khỏi luân hồi”.
“Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt.
“Do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt.
“Do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt.
Do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận”(sđd).
Trong Trung bộ kinh, bài kinh Thiên tý (Devadahasuttaṃ), Đức Phật phân tích rõ về lý thuyết “khổ hạnh” này, và kết luận Nāṭaputta có 10 khuyết điểm trong lý thuyết “khổ hạnh” của mình.
1 -“Này các Tỳ-khưu, nếu các hữu tình do nhân các nghiệp quá khứ, lãnh thọ lạc khổ.
Này các Tỳ-khưu, các Nigantha thật sự đã làm những ác hạnh trong thời quá khứ, nên nay chúng phải lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy”.
2- Này các Tỳ-khưu, nếu các hữu tình do nhân một vị Tạo hóa tạo ra, lãnh thọ những lạc khổ.
Này các Tỳ-khưu, các Nigantha thật sự được tạo ra bởi một vị Tạo hóa ác độc, vì rằng nay chúng thọ lãnh những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy.
3- Này các Tỳ-khưu, nếu các hữu tình do nhân kết hợp các điều kiện (saṅgātibhāva) thọ lãnh lạc khổ.
Này các Tỳ-khưu, các Nigantha thật sự bị ác kết hợp , vì rằng nay chúng lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy.
4- Này các Tỳ-khưu, nếu các loài hữu tình do nhân sinh loại (abijāti), lãnh thọ lạc khổ.
Này các Tỳ-khưu, các Nigantha thật sự bị ác sinh loại, vì rằng nay chúng lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy.
5- Này các Tỳ-khưu, nếu các hữu tình do nhân tinh tấn hiện tại, thọ lãnh lạc khổ.
Này các Tỳ-khưu, các Nigandha thật sự đã tạo ác tinh tấn hiện tại, vì rằng nay chúng lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy (vì là tà tinh tấn, sự tinh tấn không có kết quả lợi ích – Ns).
6– Nếu các hữu tình không do nhân nghiệp quá khứ, thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích (vì nói sai pháp – Ns).
7- Nếu các loài hữu tình không do nhân được một vị Tạo hóa tạo ra, thọ lãnh lạc khổ, các Niganthā đáng bị chỉ trích.
8- Này các Tỳ-khưu, nếu các loài hữu tình không do nhân kết hợp với các điều kiện, thọ lãnh khổ lạc, các Nigantha đáng bị chỉ trích.
9- Này các Tỳ-khưu, nếu các loài hữu tình không do nhân sinh loại, lãnh thọ lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích.
10- Này các Tỳ-khưu, nếu các hữu tình không do nhân tinh tấn hiện tại, thọ lãnh lạc khổ, các Niganthā đáng bị chỉ trích.
Tức là: Nếu khổ, lạc được lãnh thọ trong hiện tại do 5 nguyên nhân ở quá khứ trong chủ thuyết “khổ hạnh” của Nātaputta, thì Nātaputta đáng bị chỉ trích như đã nêu ở trên; nếu như không phải từ năm nguyên nhân này để thọ lãnh khổ lạc thì Nātaputta cũng bị chỉ trích vì “nói sai sự thật”.
Nātāputta có cuộc thảo luận với trưởng giả Citta (vị Thánh A-na-hàm, đệ tử của Đức Phật) ở Macchika Sanda.
Khi bắt đầu tranh luận, ông khen ngợi Ngài Citta, đưa Ngài làm gương cho đồ chúng của mình, đồng ý với Ngài Citta là: Trí tuệ thù thắng hơn đức tin.
Nhưng khi Ngài Citta xác định trí tuệ trong thiền chứng thì Nātaputta phẩn nộ, cho rằng trưởng giả Citta là kẻ hư ngụy.
Do đó, Trưởng giả Citta hỏi Nātaputta mười câu hỏi, Nātaputta im lặng cả mười câu, Ngài Citta bỏ ra về ([132]).
Nātaputta tự cho mình có thần thông, nhưng trong chú giải kinh Pháp Cú ghi nhận Nātaputta “không có thần thông”.
Câu chuyện là: Một Trưởng giả ở Rājagaha có vớt được một khúc trầm, gọt đẽo thành cái bát treo trên cao, rồi tuyên bố: “Ai có thần thông hãy bay lên lấy bát”.
Nātaputta cố gắng lấy bát bằng một mưu mẹo là: Giả vờ nhún mình bay lên lấy bát, một đệ tử ôm ông lại khuyên can rằng:
– Thưa Thầy! Thầy đừng vì một cái bát nhỏ nhoi này mà khoe pháp Thượng nhân.
Rồi Nātaputta giả vờ nghe lời khuyên, ông bảo vị Trưởng giả dâng bát “trầm hương” cho ông, nhưng vị Trưởng giả không mắc mưu ([133]).
Môn đệ của Nātaputta rất đông, trong đó có những người có danh tiếng như: Niṇka (chú của Bồ-tát Siddhatha)([134]), Vappa dòng Thích Ca([135]) (cậu của Bồ-tát Siddhattha), Đại tướng Sīha([136]), vương tử Abhaya([137]), trưởng giả Upāli([138])….
Nhưng mỗi khi những môn đệ của Nātaputta tìm đến vấn đạo nơi Đức Thế Tôn, hầu như đều trở thành đệ tử của Đức Thế Tôn (ngoại trừ Dighā Tapassī).
Tướng quân Sīha là đệ tử cũng là người hộ độ của Nigaṇṭha nātaputta, nghe tiếng đồn tốt đẹp về Đức Gotama, Sīha muốn đến yết kiến Đức Thế Tôn, Nātaputta ra sức ngăn cản Sīha đừng đi đến gặp Đức Phật.
Một lần nọ, tướng quân Sīha cùng nhóm Licchavī đi đến gặp Đức Phật, sau cuộc hỏi đạo, Sīha trở thành đệ tử Phật.
Ngày hôm sau, tướng quân Sīha tổ chức đại lễ trai tăng cúng dường đến Đức Phật và chư Tăng, Nigantha cùng môn đệ đã bêu rếu khắp kinh thành Vesāli rằng: “Sa-môn Gotama biết người khác sát sanh để làm vật thực dâng đến mình, nhưng vẫn thọ dụng vật thực ấy. Sa-môn Gotama khuyến khích sát sanh”([139]).
Nghe được điều này, Đức Phật dạy về “tam tịnh nhục”, đồng thời nhắc lại Bổn sự (Jātaka) Telovada([140]) là: Trong quá khứ, tiền thân của Nātaputta cũng đã bêu xấu Ngài tương tự như hiện tại.
Trong câu chuyện Bāveru Jātaka([141]), tiền thân của Nātaputta là con quạ bị mất danh tiếng do sự xuất hiện của con công (là tiền thân của Đức Phật).
Nhưng có lẽ một “quả đấm mạnh nhất”, giáng xuống cho Nātaputta là “sự quay ngược của Trưởng giả Upāli”.
Trưởng giả Upāli nghe cuộc đàm luận giữa Đức Phật với Dighā Tapassi; Đức Phật chủ trương nghiệp (kamma) và ý nghiệp là quan trọng nhất.
Trưởng giả Upāli xin Nātaputta cho mình đến luận chiến cùng Đức Phật, Dighā Tapassi khuyên Nātaputta đừng cho Trưởng giả Upāli đi vì Sa-môn Gotama có “huyền thuật”, e rằng Upāli sẽ trở thành đệ tử của Đức Phật.
Nhưng Nātaputta vẫn cho Trưởng giả Upāli đi luận chiến cùng Đức Phật, vì ông tin tưởng Trưởng giả Upāli với biện tài sẽ chiến thắng Đức Phật.
Kết quả thì … đúng như dự đoán của Dighā Tapassi; trưởng giả Upāli trở thành đệ tử Đức Phật và không còn cung kính, tôn trọng Nātaputta như xưa.
Nghe du sĩ Dīgha Tapassi cho biết trưởng giả Upāli trở thành đệ tử Phật, Nātaputta không tin, tự mình đi đến trưởng giả Upāli để xác minh và ông đã tức tối mữa máu tươi khi sự thật là như thế.
Đệ tử phải cõng ông từ Balaka (nơi ông đang sống) đến Pāvā, ông từ trần ở đó([142]).
Đức Phật và sáu vị tôn chủ.
1- Về sáu vị tôn chủ.
Đức Thế Tôn được xem là vị Tôn sư trẻ tuổi nhất so với 6 vị giáo chủ dị giáo, và Ngài xác nhận “Ngài là bậc Chánh đẳng giác” (sđd ở trên) .
Mặt khác, đoạn kinh trên cho thấy, Đức Thế Tôn tự cho mình là bậc Chánh đẳng giác trước tiên so với 6 vị Giáo chủ, có lẽ vì thế về sau Pūraṇa kassapa và Nigaṇṭha cũng tự xưng mình có “toàn tri, toàn kiến”.
Không thấy kinh điển Pāli ghi nhận “sự hội kiến giữa Đức Phật và sáu tôn chủ ngoại giáo”.
Với sáu tôn chủ ngoại giáo, có ba lý do khiến các vị ấy không đến hội kiến với Đức Thế Tôn:
a- E ngại sẽ thất bại khi luận chiến với Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn được xem như “một nhân vật đáng kinh sợ”, khó có thể thắng được bằng “luận chiến”.
Chính một du sĩ nổi tiếng đương thời là Nigaṇṭha Saccaka đã từng luận chiến với 6 vị tôn chủ, và đã làm cho 6 vị tôn chủ này phải phẫn nộ, tức tối([143]).
Nhưng chính Saccaka đã bị Đức Thế Tôn nhiếp phục, đến nỗi Saccaka phải tuyên bố:
“Thưa Tôn giả Gotama, có thể có sự an toàn cho một người chiến đấu với con voi điên, nhưng không có sự an toàn cho một người chống lại Tôn giả Gotama.
“Thưa Tôn giả Gotama, có thể có sự an toàn cho một người chiến đấu chống đám lửa rừng, nhưng không có sự an toàn cho một người chống lại Tôn giả Gotama.
“Thưa Tôn giả Gotama, có thể có sự an toàn cho một người chiến đấu với con rắn độc dữ tợn, nhưng không có sự an toàn cho một người chống lại Tôn giả Gotama” ([144]).
Hay du sĩ Sabhiya học được những câu hỏi từ vị thiên nhân, Sabhiya mang hỏi 6 vị tôn chủ dị giáo, chẳng những không trả lời được họ còn biểu lộ sự phẫn nộ.
Du sĩ Sabhiya mang những câu hỏi ấy đến hỏi Đức Phật, Ngài giải đáp rõ ràng và Sabhiya trở thành vị Tỳ-khưu A-la-hán trong Pháp luật này([145]).
Những kỳ thoại ấy hẳn được lan rộng và đến tai 6 vị tôn chủ dị giáo.
b- Do hội chúng cản ngăn.
Đối với những nhân vật có danh tiếng, có hội chúng lớn, khi tìm đến hội kiến người khác sẽ làm giảm danh tiếng. Danh tiếng giảm thì lợi lộc bị giảm.
Do đó, cho dù 6 vị tôn chủ có ý muốn đến hội kiến Đức Thế Tôn, sẽ bị hội chúng cản trở, như Bà-la-môn Soṇadaṇḍa muốn đi đến yết kiến Đức Thế Tôn, đã bị nhiều Bà-la-môn khác ngăn cản([146]), tương tự như thế đối với Bà-la-môn danh tiếng Kūṭadanta([147]).
Hay Salukudāyi sau khi nghe Pháp thoại từ Đức Thế Tôn, có ý định xuất gia, nhưng bị chính đồ chúng của mình cản trở([148]).
Theo bản Sớ giải Trung bộ kinh([149]): Salukudāyi tái sinh trở lại vào thời vua A-dục, là vị trưởng lão có tên là Assagutta, rất nổi tiếng về hạnh từ tâm.
Trong sáu vị tôn chủ, chống đối Đức Phật nhiều nhất là Nigaṇṭha nātaputta, giai đoạn đầu là những du sĩ Ājīvaka, trong thập niên cuối cùng của Đức Phật chỉ còn lại phái Nigaṇṭha nātaputta.
Và trưởng giả Upāli xem như người cuối cùng mà Nātaputta chứng kiến “môn đệ của mình quy ngưỡng Đức Phật”.
Tuy không hội kiến Đức Phật, nhưng Nigaṇṭha Nātaputta thường dạy những đệ tử của mình những câu hỏi “móc câu” để vấn nạn Đức Thế Tôn, như kinh Vương tử Abhaya([150]), hay phẩm Tương ưng thôn trưởng trong Tương ưng Bộ kinh, nhưng rồi những đệ tử ấy lại quy phục Đức Thế Tôn, trở thành đệ tử Đức Phật.
c- E ngại tổn thất lợi đắc.
Với những người có danh tiếng như 6 vị tôn chủ đương thời, nếu đi đến hội kiến Đức Thế Tôn “luận chiến”, hoặc “tìm hiểu pháp”.
Khi luận chiến bị thất bại, đại chúng sẽ không còn tôn kính như trước, và do đó sẽ dẫn đến tổn thất lợi đắc.
Còn nếu “tìm hiểu pháp”, hội chúng cũng không còn tôn sùng vị ấy, đồng thời sẽ tôn sùng Đức Thế Tôn, sẽ từ bỏ vị ấy. Và lợi đắc cũng tổn giảm với vị ấy.
Bà-la-môn Sonadaṇḍa có trình bày với Đức Thế Tôn rằng:
“Ai bị hội chúng này phỉ báng, thời danh tiếng bị tổn giảm và ai danh tiếng bị tổn giảm, thì thâu nhận cúng dường bị giảm thiểu”([151]).
2- Về Đức Phật.
Tôn chỉ của Đấng Như lai là “không tranh luận với thế gian”.
– “Này Hiền giả, theo lời dạy của Ta, trong thế giới với chư Thiên, Mara và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không có tranh luận một ai ở đời…. Này Hiền giả, như vậy là quan điểm của Ta, như vậy là lời Ta giảng dạy”([152]).
Ngài cảm thán rằng:
“Này các Tỳ-khưu, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta. Này các Tỳ-khưu, người nói Pháp không tranh luận bất cứ với một ai ở đời”([153]).
Mục đích của Đức Phật chỉ tế độ chúng sinh bằng pháp, đưa chúng sinh thoát ra khổ nạn luân hồi.
Với những chúng sinh ôm chặt tà kiến thì Đức Thế Tôn đành chịu, điển hình như Tỳ-khưu Sunakkhatta([154]), thì còn nói gì đến 6 vị tôn chủ.
Làm sao sáu vị ấy có thể từ bỏ chủ thuyết sai lệch của mình một cách dễ dàng trong khi lơi lộc cùng danh vọng đang có cho những vị ấy.
Với người có duyên lành đạo quả hay có cận y duyên cho đạo quả sau này, trước khi đi cuộc “luận pháp”, Đức Phật thường yêu cầu “đàm luận y cứ trên sự thật”, như với trưởng giả Upāli, du sĩ Saccaka …
Với một trí tuệ linh hoạt mẫn tiệp, Đức Phật thừa khả năng phản bác các chủ thuyết dị giáo một cách dễ dàng, bằng cách nào?
Bằng cách nêu ra sự mâu thuẩn, sự sai lầm trong chủ thuyết của; họ như trong kinh Upāli là điển hình, hoặc phân tích những ưu – nhược trong chủ thuyết của người đối diện, như du sĩ Dīghanakha (Trường trảo) nêu lên quan điểm của mình là “Tất cả đều không làm tôi thích thú”.
Đức Phật buộc du sĩ Dīghanakha phải thừa nhận rằng “Ông cũng không thích thú chính quan điểm của mình vừa nêu”, rồi Đức Phật nêu ra ba quan điểm:
-“Tất cả đều làm tôi thích thú”.
– “Tất cả đều không làm tôi thích thú”.
– “Một phần làm tôi thích thú, một phần không làm tôi thích thú”.
Ưu điểm của quan điểm 1 là không bị tham dục chi phối, khiến du sĩ Dīghanakha hoan hỷ, cho rằng “Đức Thế Tôn tán đồng quan điểm của ông”; nhưng khi phát biểu như thế, du sĩ Dīghanakha đã lộ ra sơ hở, vì “ông đã thích thú trước sự tán đồng của Đức Phật, “sự tán đồng quan điểm khác cũng chính là một quan điểm” (du sĩ Dīghanakkha đã tự mâu thuẩn).
Tiếp theo, Đức Phật nêu ra nhược điểm củacác quan điểm là: Nếu nắm giữ quan điểm này sẽ chống lại hai quan điểm kia, thế là sẽ có tranh luận, có chống đối, có sự đã kích … dẫn đến phẫn nộ, khó chịu.
Tốt nhất là từ bỏ tất cả quan điểm([155]).
Trong phẩm Tương ưng thôn trưởng (Tương ưng bộ kinh)([156]), thôn trưởng Asibandhakaputta có trình bày lời dạy của Nātaputta với các đệ tử như sau:
“Phàm ai sống tối đa với chiều hướng sát sinh, tất cả phải sinh vào địa ngục, phải sinh vào cảnh giới ma đói (peta – ngạ quỷ).
“Phàm ai sống tối đa với chiều hướng trộm cắp …
“Phàm ai sống tối đa với chiều hướng tà hạnh trong dục …”.
Đức Thế Tôn chỉ ra quan điểm sai lầm ấy như sau: “Nếu thật sự là như vậy, thì không một ai rơi vào địa ngục, không một ai rơi vào cảnh giới ngạ quỷ”.
Vì rằng: “Thời sát sinh ít hơn thời không sát sinh, thời trộm cắp ít hơn thời không trộm cắp …”
Lại nữa, có lần, Đức Thế Tôn cùng với chư Tỳ-khưu du hành đến xứ Nālanda, ngụ trong rừng Pāvarikamba.
Bấy giờ, xứ Nālanda đang bị nạn đói kém; khi ấy Nātaputta cũng sống ở Nālanda cùng với đại chúng Nigaṇṭha.
Nātaputta đã chỉ cho đệ tử mình là thôn trưởng Asibandhakaputta câu hỏi móc câu như sau:
–“Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn dùng nhiều phương tiện tán thán thương kính các gia đình, tán thán bảo vệ các gia đình, tán thán từ mẫn với các gia đình?”.
Này thôn trưởng, được hỏi như vậy, nếu Sa-môn Gotama trả lời: “Đúng như vậy, này thôn trưởng, Như lai dùng nhiều phương tiện tán thán thương kính gia đình…. Tán thán từ mẫn với các gia đình”.
Thời ngươi hỏi Sa-môn Gotama: “Vậy vì sao, bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn cùng đại chúng Tỳ-khưu du hành tại xứ Nālanda đang bị nạn đói kém.
Như Vậy Đức Thế Tôn thực hành tàn phá gia đình, thực hành sự bất hạnh cho các gia đình, thực hành sự tổn hại cho các gia đình”.
Như vậy, này thôn trưởng, bị ngươi hỏi với câu hỏi móc câu, Sa-môn Gotama không thể nhổ ra, cũng không thể nuốt xuống”.
Và Đức Thế Tôn đã giải thích: “Sự tổn hại các gia đình do tám nguyên nhân:
– Do vua quan, do trộm cướp, do nước, do lửa, do không nhớ nơi chôn dấu tài sản, do biếng nhác bỏ bê công việc, do người thừa tự phá hoại và do vô thường.
Nghĩa là, Đức Thế Tôn chỉ ra 8 nhân làm tổn hại tài sản là như thế, “chứ chẳng phải do nhân cúng dường hay bố thí”.
Trước đó Ngài cũng dạy thôn trưởng Asibandhakaputta rằng:
“Này thôn trưởng, Ta nhớ từ 91 kiếp([157]) về trước, Ta không hề biết đã có làm hại một gia đình cho đến một bữa cơm cúng dường.
Các gia đình ấy đều rất giàu, tiền của nhiều, tài sản nhiều, vàng bạc nhiều…
Tất cả tài sản ấy được thâu hoạch do bố thí, được thâu hoạch một cách chân thật, được thâu hoạch một cách tự chế”.
Hàm ý Đức thế Tôn nói rằng “Này thôn trưởng, Như lai du hành đến Nālanda, không phải làm tổn hại gia đình mà làm cho tài sản các gia đình được phát sinh và tăng trưởng qua pháp bố thí”.([158])
Và đoạn kinh văn trên cho thấy giáo chủ Nātaputta đã có mặt tại xứ Nālanda, nhưng ông không dám trực tiếp vấn nạn Đức Thế Tôn, ông chỉ “gián tiếp”.
Đấy là cách khôn ngoan của Nātaputta, nếu thắng thì hội chúng của ông sẽ rao truyền rộng rải: “Đệ tử của Giáo chủ Nātaputta khi luận chiến còn thắng được Sa-môn Gotama, thì còn nói gì đến giáo chủ Nātaputta chứ”.
Nếu thất bại thì “đó chỉ là đệ tử thôn trưởng chứ phải đâu là giáo chủ Nātaputta”.
Tuy nhiên, ông Nātaputta cũng chịu tổn hại, vì vị thôn trưởng đã quy ngưỡng Đức Thế Tôn.
Dứt phần 2.
Phần 3.
Giải từ đoạn 157 đến hết đoạn 159.
Chánh kinh.
Komārabhaccajīvakakathā.
(Lời trình của Komārabhaccajīvaka).
- Tena kho pana samayena Jīvako komārabhacca rañño Māgadhassa Ajātasattussa Vedehiputtassa avidūre tuṇhībhūto nisinno hoti.
Lúc bấy giờ Jīvaka komārabhacca ngồi yên lặng cách Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha không xa bao nhiêu.
Atha kho rāja māgadho Ajātasattu Vedehiputto Jīvakaṃ komārabhaccaṃ etad avoca:
Khi ấy Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha, nói với Jīvaka komārabhacca:
“Tvaṃ pana samma Jīvaka kiṃ tuṇhī ti?”.
– Này Jīvaka thân([159]), sao ngươi lại yên lặng như vậy?
“Ayaṃ deva Bhagavā arahaṃ sammā- sambuddho amhākaṃ Ambavane viharati, mahatā bhikkhu saṅghena saddhiṃ aḍḍha- telasehi bhikkhu – satehi.
– Tâu Ðại vương, chính tại vườn xoài này của chúng con, có Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác, hiện đang trú ngụ với đại chúng Tỳ-khưu một nghìn hai trăm năm mươi vị.
“Taṃ kho pana Bhagavantaṃ Gotamaṃ evaṃ kalyāṇo kitti-saddo abbhuggato: “Itipiso Bhagavā arahaṃ sammā-sammbhuddho vijjācaranasampanno sugato lokavidū anuttaro purisadammasaaratthi, satthā devamanussānaṃ buddho bhagavāti”.
“Thế Tôn Gotama có tiếng đồn tốt đẹp sau đây lan rộng: “Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”.
“Taṃ devo Bhagavantaṃ pariyupāsatu, app’eva nāma devassa Bhagavataṃ payirupāsato cittaṃ pasīdeyyati”.
“Đại vương hãy đến chiêm bái Đức Thế Tôn này. Rất có thể nhờ chiêm bái Đức Thế Tôn, tâm của Đại vương được khoan khoái thoải mái.
Giải:
* “Lời hỏi của vua Ajātasattu với lương y Jīvaka komārabhacca”.
Bản Sớ giải có giải thích:
Sau khi nghe những lời tâu của các Đại thần, vua Ajātasattu (A-xà-thế) ngẫm nghĩ: “Ta không mong nghe những lời giảng của những vị ấy. Ta muốn được nghe lời thuyết giảng của người an tịnh như chim Kim-xí -điểu (supaṇṇa) trên vùng trú ẩn của loài rồng (nāga). Chủ thuyết của sáu vị tôn chủ ấy không giúp ích được gì cho ta”.
(Theo truyền thuyết: Loài Kim-xí điểu thường bắt rồng để ăn thịt, khi thấy bóng dáng Kim-xí-điểu, loài rồng trốn mất, nơi đó trở nên yên tịnh).
Khi ấy, ý nghĩ sau đây phát sanh đến nhà vua: “Lương y Jīvaka là người hộ độ cho Đức Phật là bậc an tịnh, chính Jīvaka cũng an tịnh như vị Tỳ-khưu phát nguyện “im lặng”.
Lương y Jīvaka chỉ nói khi được ta hỏi, như chân con voi chúa chỉ bị tóm lấy khi con voi đang dẫm đạp lên bẫy”.
Do suy nghĩ như vậy, nên vua Ajātasattu đã hỏi:
“Này Jīvaka, sao ngươi lại yên lặng như vậy”?
Nghĩa là vua Ajātasattu hỏi với ẩn ý như một cái bẩy:
“Này Jīvaka, trong khi các vị đại thần tán dương vị Sa-môn mà họ hộ độ, vì sao ngươi im lặng?
Chẳng lẽ ngươi không hộ độ cho vị Sa-môn nào như họ đã làm sao?
Ngươi có nghèo khổ chăng? Cha ngươi không cho ngươi bổng lộc sao?
Hay ngươi không có niềm tin vào ai?”.
Nhưng câu hỏi này mang tính “mong đợi” hơn là “đem đến gánh nặng” cho người bị hỏi”.
“Tass’attho “puccha yadi ākaṅkhāsi, na me pañhavissajjane bhāro atthi” (At):
“Câu hỏi này với ý mong được gặp Đức Thế Tôn (ākankhasi), không phải câu hỏi đem đến gánh nặng”.
Nghĩa là: (Đức vua) như ngầm nói với lương y Jīvaka rằng: “Này Jīvaka, hãy tán thán ân đức của Đức Thế Tôn đi, Ta sẽ nhân cơ hội này, tán thành ý kiến của ngươi và ta được yết kiến Đức Thế Tôn”.
* “Lời đáp của lương y Jīvaka”.
Khi đó Jīvaka nghĩ: “Đức vua muốn ta nói về giới hạnh của vị Sa-môn mà ta hộ độ, đây không phải thời ta giữ im lặng.
Ta nên nói về giới hạnh của Bậc Đạo Sư như các vị đại thần nói về giới hạnh của những vị Sa-môn mà họ sùng bái.
Nhưng làm theo cách thức của các đại thần này thì không thích hợp”.
(Tức là, họ đảnh lễ vua Ajātasattu trước, rồi ngồi xuống trình bày ân đức của vị Sa-môn mà họ hộ độ sau).
Do đó, lương y Jīvaka đứng lên khỏi chỗ ngồi, gập người xuống đất cúi lạy về hướng nơi Đức Thế Tôn đang ngụ bằng tư thế “năm chi chạm đất”([160]), đặt đôi bàn tay lên đầu với sự tôn kính rồi nói:
– “Thưa đại vương, mong Ngài đừng nghĩ “sẽ có kẻ chê trách Ngài đi tìm vị Sa-môn không cao thượng”.
Vì rằng Bậc Đạo sư của thần thật sự là vị Sa-môn cao thượng .
Khi Đấng Đạo sư nhập thai bào, khi Ngài ra khỏi thai bào, khi Ngài xuất gia, khi Ngài giác ngộ, khi Ngài vận chuyển bánh xe Pháp, cả 10 ngàn thế giới đều chấn động.
Khi Ngài thể hiện Song thông (yamakapāṭihāriya), khi Ngài rời khỏi cõi Trời Ba mươi Ba (sau khi thuyết giảng tạng Thắng pháp – Abhidhamma), trở về nhân giới thì 10 ngàn thế giới chấn động.
Thưa Đại vương, xin Ngài hãy để tâm thanh tịnh mà lắng nghe: “Đức Đạo sư có tiếng đồn tốt đẹp truyền đi khắp mọi phương như sau: “Đây là Đức Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác…”.
Khi giải thích xong ý nghĩa của từng từ, lương y Jīvaka nói tiếp:
“Ðại vương hãy đến chiêm bái Đức Thế Tôn. Rất có thể, nhờ chiêm bái Đức Thế Tôn, tâm của Ðại vương được tịnh tín”.
Có lời giải rộng về câu nói của lương y Jīvaka là:
Khi nói vậy, vị ấy ngầm nói: “Thưa đại vương, cho dù một trăm, một ngàn hay trăm ngàn người như đại vương đến hỏi, Đấng Đạo Sư vẫn có khả năng trả lời trong giây lát tất cả những câu hỏi, Đại vương nên tự tin tiếp xúc với Ngài và hỏi pháp”.
Khi nghe về những ân đức của Đức Thế Tôn, toàn thân nhà vua phát sinh năm loại phỉ lạc ([161]) khắp châu thân.
Ngay khi đó, Đức vua mong mỏi được đến gặp Đức Thế Tôn và nghĩ rằng:”Nếu ta đến chỗ Đức Phật vào lúc này thì không ai ngoài Jīvaka có thể chuẩn bị xe nhanh hơn”.
Nên vua Ajātasattu ra lịnh:“Vậy này Jīvaka, hãy cho thắng kiệu voi”.
Chánh kinh.
158.“Tenahi samma Jīvaka hatthiyānāni kappāpehīti”.
“Vậy Jīvaka thân, hãy cho thắng kiệu voi”.
“Evaṃ devāti” kho Jīvako komārabhacco rañño MāgadhassaAjātasattussa Vedehiputtassa paṭissutvā,
Vâng, thưa Ðại vương. Jīvaka komārabhacca vâng theo lời dạy của Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha,
pañcamattāni hatthinikāsatāni kappāpetvā, rañño ca ārohanīyaṃ nāgaṃ, rañño Māgadhassa Ajātasattussa Vedehiputtassa paṭivedesi:
sai người thắng năm trăm con voi cái, và con vương tượng vua thường cởi, rồi thưa với Ajātasattu con bà Videhi, vua nước Magadha:
“Kappitāni kho te deva hatthiyānāni yassa dāni kālaṃ maññasīti”.
“Thưa Ðại vương, các kiệu voi đã sẵn sàng. Ngài hãy làm những gì Ngài xem là phải thời”.
Giải.
Có câu hỏi rằng: “Vì sao vua Ajātasattu (A-xà-thế) chọn phương tiện là “kiệu voi“?
Đáp rằng: Vì Đức vua suy nghĩ:
1- Trong số các loại phương tiện di chuyển, kiệu voi là phương tiện sang trọng và tốt nhất (vào thời ấy).
Đến viếng bậc cao quý nhất là Đức Thế Tôn, nên dùng phương tiện di chuyển tốt nhất để tăng vẻ tôn quý cho đối tượng đến thăm viếng.
2- Đức Thế Tôn là bậc an tịnh, xe ngựa (assayāna) hay các loại xe khác (rathayāna) như xe đẩy … thì gây ồn ào, âm thanh của chúng có thể nghe được từ xa, còn voi thì bước từng bước do vậy không phát ra âm thanh nào.
Đến viếng bậc an tịnh như Đức Thế Tôn, không nên gây huyên náo.
Do nghĩ như vậy, nên Đức vua chọn phương tiện di chuyển là “kiệu voi”.
* “Lương y Jīvaka chuẩn bị kiệu voi”.
Có câu hỏi rằng: Vì sao Lương y Jīvaka chuẩn bị các thứ theo cách đã mô tả trong kinh, dù không có lịnh của vua A-xà-thế ? Và vì sao lại chọn 500 con voi cái?.
Đáp rằng: Do sự cẩn thận của lương y Jīvaka.
Lương y Jīvaka là người thông minh, suy nghĩ rằng: “Đức vua có nhiều kẻ thù, lại đi vào giờ này.
Đức vua chỉ ngự đi với con Vương tượng, nếu có nguy hiễm xảy ra trên đường, mọi người sẽ buộc tội ta “đưa Đức vua ra ngoài lúc phi thời”, hoặc họ sẽ có cớ chỉ trích Đức Thế Tôn: “Ngài giảng pháp phi thời”, gây ra tai hại cho Đức vua.
Do vậy, ta nên chuẩn bị bảo vệ cho đức vua để cho không ai buộc tội được ta hay Đức Thế Tôn. Với số lượng 500 con voi thì kẻ nghịch cũng phải e dè.
Hơn nữa, khi được các cung phi theo hầu thì Đức vua không sợ hãi, vì sự tai hại có đến cho Đức vua không phải từ những người nữ này, đồng thời Đức vua cảm thấy hạnh phúc khi được các cung phi vây quanh.
Nên lương y Jīvaka cho sắp xếp 500 con voi cái.
Vị ấy cho 500 cung phi giả trai như những hộ vệ quân ngồi trên lưng voi, tay gầm gươm giáo hộ vệ Đức vua.
Lương y Jīvaka còn suy nghĩ: “Đức vua không có nhân duyên để đạt được đạo quả trong kiếp hiện tại này.
Chư Phật thường giảng Pháp khi thấy có nhân duyên đạo quả trong hội chúng, ta nên cho đại chúng tháp tùng theo Đức vua.
Khi nhìn thấy nhân duyên Đạo quả của người nào trong hội chúng, khi ấy Đức Đạo sư giảng pháp sẽ mang lợi ích đến cho phần đông “.
Lương y Jīvaka cho đánh trống truyền ra khắp kinh thành Rājagaha rằng: “Trong đêm nay Đức vua sẽ đến diện kiến Đức Thế Tôn tại vườn xoài. Mọi người hãy bảo vệ Đức vua theo cách của mình”.
Cư dân thành Rājagaha nghe được tin truyền này, suy nghĩ: “Đêm nay Đức vua đến yết kiến Đức Thế Tôn, Đức thế Tôn sẽ giảng thời pháp như thế nào nhỉ?
Đêm nay chúng ta không cần vui chơi lễ hội vô ích, chúng ta sẽ đến nghe Pháp từ Đức Thế Tôn, sự nghe pháp sẽ mang lại nhiều lợi ích”.
Và những cư dân ấy tay cầm hương hoa … đến chờ nơi Hoàng cung để tháp tùng theo Đức vua.
Lương y Jīvaka sắp xếp: Vây quanh vua là 500 con voi cái có 500 cung nữ giả trai làm hộ vệ quân, sau đàn voi là lính hộ vệ quân, tiếp theo là các quan đại thần hộ tống, sau các quan đại thần là nhóm Bà-la-môn, sau nhóm Bà-la-môn là đoàn vũ – nhạc công, sau cùng là 18 đội bộ binh bảo vệ.
Như vậy, một mũi tên bắn lén từ phía sau, khó có thể trúng vua Ajātasattu.
Sau khi sắp xếp đoàn tùy tùng cho nhà vua xong rồi, chính lương y Jīvaka đi sát bên cạnh nhà vua và nghĩ: “Nếu có nguy hiểm xảy ra, ta sẽ là người đầu tiên hy sinh thân mạng để bảo vệ cho nhà vua”.
Bản Sớ giải có nêu ra con số của đoàn người đến yết kiến Đức Thế Tôn lên đến 16 ngàn người, những chấm đèn tròn được thấp lên có đến hàng vạn.
Chánh kinh.
159.“Attha kho rājā Magadho Ajātasattu Vedehiputto pañcasu hatthinikāsatesu paccekā itthiyo āropetvā ārohaṇīyaṃ nāgaṃ abhirūhitvā, ukkāsu dhāriyāmānāsu Rājagahamhā niyyās mahacca rājānubhāvena, yena Jīvakassa komārabhaccass’ Ambavanaṃ tena pāyāsi”.
“Khi bấy giờ Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha biểu các cung phi leo lên năm trăm con voi cái mỗi người một con, còn mình thì leo lên vương tượng vua thường cởi, xuất hành ra khỏi Ràjagaha, dưới ánh sáng của các ngọn đuốc được cầm cao, với oai nghi của bậc đại vương, thẳng tiến đến vườn xoài của Jīvaka komārabhacca“.
“Atha kho rañño Māgadhassa Ajātasattussa Vedehiputtassa avidūre Ambavanassa ali ud’eva bhayaṃ, ahi chambitattaṃ, ahu lomahaṃso.
Khi Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha đi đến không xa vườn xoài, Ngài bỗng sợ hãi, kinh hoàng, tóc dựng lên.
Atha kho rāja Māgadhassa Ajātasatu Vedehiputto bhīto saṃviggo lomahatṭṭhajto Jīvakaṃ komārabhaccaṃ etad avoca:
Lúc bấy giờ Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha sợ hãi, kinh hoàng, tóc dựng lên, nói với Jīvaka komārabhacca:
“Kacci maṃ sammā jīvaka na vañcesi? Kacci maṃ samma Jīvaka na palambhesi? Kacci maṃ samma Jīvaka na paccatthikānaṃ desi.
Này Jīvaka thân, ngươi phản ta chăng? Này Jīvaka thân, ngươi lường gạt ta chăng? Này Jīvaka thân, ngươi nạp ta cho kẻ thù chăng?
Kathaṃ hi nāma tāva mahato bhikkhu saṅghassa aḍḍhateḷasānaṃ bhikkhu satānaṃ ṅeva khipitasaddo bhavissati na ukkhāsitasaddo na nigghoso ti?”
Tại sao trong một đại chúng lớn như thế này gần một nghìn hai trăm năm mươi vị, mà không có một tiếng đằng hắng, không có một tiếng ho, không một tiếng ồn?
“Mā bhāyi mahārājā. Na taṃ deva vañcemi, na taṃ deva palambhāmi, na taṃ deva paccatthikānaṃ demi.
– Thưa Ðại vương, Ngài chớ sợ. Tôi không phản Ngài, tôi không lường gạt Ngài, tôi không nạp Ngài cho kẻ thù.
Abhikkama mahārāj. Abhikkama mahārāja.
Thưa Ðại Vương, hãy đi thẳng tới. Thưa Ðại vương hãy đi thẳng tới.
Ete maṇḍalamāḷe dīpā jhāyantītl”.
Tại chỗ kia trong căn nhà tròn chỗ có những ngọn đèn đang thắp sáng”.
Giải.
* “Vua Ajātasattu (A-xà-thế) sợ hãi.
Bản Sớ giải giải thích: Có bốn loại sợ hãi:
– Sợ hãi sinh lên do tâm lo sợ (citt’utrāsabhaya).
– Sợ hãi sinh lên do tuệ (ñāṇabhaya).
– Sợ hãi sinh lên do cảnh (ārammaṇabhaya).
– Sợ hãi sinh lên do “ghê sợ tội lỗi” (ottappabhaya).
Gọi là “sợ hãi sinh lên do tâm lo sợ“, như người sắp nệnh chung, trong tâm phát sinh nỗi kinh hoàng, sự sợ hãi này do tham ái làm duyên.
Hay người tạo ác nghiệp thường kinh hoàng khi nghĩ đến ác quả phải nhận lãnh, hoặc khi tâm không định tỉnh thường phát sinh sự sợ hãi….
Gọi là “sợ hãi sinh lên do tuệ”. Như “khi nghe Đức Phật giảng về vô thường, khổ, vô ngã, các thiên nhân có tuổi thọ dài, hiểu rõ ý nghĩa này, phát sinh lo sợ”.
“Này các Tỳ-khưu, có những chư thiên nào, tuổi thọ dài, có mỹ sắc, hưởng lạc nhiều, đã sống lâu trong các lâu đài to lớn.
Các chư thiên này, sau khi nghe Như lai thuyết pháp, phần lớn chúng trở thành sợ hãi, run sợ, khiếp đảm (saṃvega) …”([162]).
Hoặc khi nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng về sự vô thường của các uẩn, hiểu được điều này, tâm sinh khởi kinh cảm, nhàm chán (nibbinda) đối với các uẩn ([163]).
Gọi là “sợ hãi sinh lên do cảnh”. Như những cảnh hoang vắng, cảnh kinh hoàng, cảnh âm u … làm phát sinh lo sợ.([164])
Gọi là “sợ hãi sinh lên do tâm lo lắng”, là khi nghĩ đến ác quả do tội lỗi tạo ra, nên kinh sợ đối với tội lỗi.
Trong bốn điều sợ đó, sự kinh sợ phát sinh đến vua Ajātasattu là “sợ hãi phát sinh do cảnh” và “sợ hãi sinh lên do tâm lo sợ”.
Bản Hậu sớ giải (Ṭīkā) có giải thích thêm là:
– Tâm lo sợ tự nó là sự sợ hãi.
– “Sợ hãi sinh do tuệ” chỉ là nghĩa bóng, thật sự không phải là trạng thái sợ hãi. Nghĩa là khi thấy cảnh tượng biến diệt nhanh chóng của năm uẩn, hành giả này suy nghĩ “điều này thật đáng sợ”.
Nên nói “tuệ xuất hiện như là sợ hãi, nhưng không phải là “sợ hãi thật sự”.
Vì đơn giản chỉ là sự “suy gẫm” về những hành quá khứ đã diệt mất, liên tưởng đến hành trong hiện tại lẫn hành trong tương lai, tất cả đều bị diệt”.
-“Sợ hãi sinh lên do cảnh”. Bất cứ cảnh nào làm tâm sinh khởi lo sợ, gọi là “sợ hãi sinh lên do cảnh”.
– “Sợ hãi do ghê sợ tội lỗi”. Sợ hãi này cũng chẳng phải là “thật sự sợ”, chỉ vì nghĩ đến hậu quả của tội lỗi, nên “ghê sợ tội lỗi”. Tức là “sợ làm điều ác“.
* “Vì sao vua Ajātasattu lại sợ hãi”?
Vì cảnh quá yên tịnh vượt ngoài dự kiến của vua Ajātasattu (A-xà-thế), đồng thời nhà vua phát sinh nghi ngờ đối với lương y Jīvaka.
Trong số các vương tử con vua Bimbisāra, Ajātasattu úy kỵ nhất là vương tử Abhaya (Vô Úy), người anh cùng cha khác mẹ với mình.
Lương y Jīvaka lại là con của vương tử Abhaya, nên nhà vua đột nhiên cảm thấy sợ hãi.
Khi còn ở trên lầu cao trong cung, lương y Jīvaka có thông báo cho vua Ajātasattu rằng:
– ” Thưa Đại vương, Đức Thế Tôn thích yên lặng. Đại Vương nên yên lặng đến gần”.
Do vậy, vua Ajātasattu cấm không cho chơi nhạc mà chỉ đem nhạc khí, họ không nói lớn tiếng, thậm chí nghe được tiếng chân voi di chuyển.
Trong khu vườn xoài thậm chí không nghe tiếng hắt hơi, nhưng phần nhiều các vị vua lại thích âm thanh như tiếng ca hát, tiếng những nhạc cụ ….
Do sự yên tịnh này vua Ajātasattu thấy không được thoải mái, và sự nghi ngờ lương y Jīvaka sinh lên trong tâm vua Ajātasattu :
“Jīvaka nói với ta rằng có 1.250 vị Tỳ-khưu trong vườn xoài nhưng ta không hề nghe thấy tiếng hắt hơi, hắn nói dối ta.
Muốn chiếm đoạt ngai vàng nên hắn lừa ta, đưa ta ra khỏi thành, sắp đặt mai phục phía trước và sắp bắt ta.
Hắn có sức mạnh bằng năm con voi, lại đi gần bên cạnh ta. Ta không có người bảo vệ, thậm chí vũ khí hộ thân cũng không có. Thật là nguy hiểm!”.
Khi lo sợ như vậy, vua Ajātasattu không thể kềm chế được nên đã thốt ra lời như vậy đối với lương y Jīvaka.
Lương y Jīvaka suy nghĩ: “Đức vua không biết ta, không biết rằng Jīvaka giờ đây không hề có ý nghĩ giết ai cả. Nếu ta không trấn an thì nhà vua sẽ giết ta”.
Do vậy, Jīvaka nói lời trấn an vua Ajātasattu :
– Thưa Ðại vương, Ngài chớ sợ. tôi không phản Ngài, tôi không lường gạt Ngài, tôi không nạp Ngài cho kẻ thù.
Sau lời trấn an, lương y Jīvaka nói tiếp hai lần:
“Thưa Ðại Vương, hãy đi thẳng tới. Thưa Ðại vương hãy đi thẳng tới.
Vì sao lương y Jīvaka phải nói hai lần? Vì nói một lần thì điều này không có tính khẳng định.
“Tại chỗ kia trong căn nhà tròn chỗ có những ngọn đèn đang thắp sáng“.
Lương y Jīvaka chỉ những ngọn đèn đang cháy trong nhà tròn, như hàm ý rằng “Thưa Đại vương, kẻ gian không ở nơi có ánh sáng, Ngài hãy an tâm khi đi về phía đó”.
Lời nói của lương y Jīvaka đã trấn an vua Ajātasattu.
Dứt phần 3 .
Dứt chương I.
([1])– Chữ Vana, nguyên nghĩa là “khu rừng”, nhưng ở đây là khu rừng nhỏ, trong khu rừng này, phần lớn là xoài nên có tên là Ambavana. Ambavana xem ra “không hẳn là rừng, cũng không hẳn là vườn”, vì đây là khoảnh đất rất rộng mà người ta trồng toàn là xoài, không phải là loại “rừng tự nhiên” , mà là “khu rừng nhân tạo”.
Bà Ambapālī cũng có một khu “rừng” tương tự như thế và bà cũng cúng dường đến Đức Phật khi Ngài được 79 tuổi – Xem kinh Mahā parinibbānasuttaṃ (Kinh Đại viên tịch) trong Trường bộ kinh (D.iii).
([2])– Theo bản Sớ giải do Ngài Ñāṇamoli soạn thì: Đó là vào Tháng Kattika (tháng 10-11). Đêm trăng tròn tháng này được gọi là Komudī vì người ta cho rằng đó là lúc huệ trắng dưới nước (kumuda) nở hoa.
([3])– HT. Thich Minh Châu (d). Dhp. Câu số 53.
([4])- HT. TMC (d). D.iii, Kinh Đại Bổn (Mahāpadānasuttanta).
([5]) M.ii, kinh Kandaraka (Kandarakasuttaṃ).
([6])– M.i, Kinh cūḷavedallasuttam (Kinh Tiểu Phương quảng).
([7]) HT. TMC (d). S.i, 160, Chương 7, Tương ưng Bà-la-môn (brahmaṇasaṃyuttaṃ), kinh Dhananjāni.
([8])– A.i, 16. Phẩm Phi pháp (Pamādādivaggo).
([9])– Đại trưởng lão Giới Nghiêm (d) – Milindapañhā (Mi-tiên vấn đáp). Năm 1962, tr. 70.
([10])– Thag, Trương lão Ānanda, kệ ngôn số 1025.
([11])– A.i, 24. Chương một pháp, phẫm Người tối thắng (ekapuggalavaggo).
([12])– HT. Thích Minh Châu (d). A.i, 229. Pháp ba chi. Kinh ruộng (Khettasuttaṃ).
([13])– Đại trưởng lão Tịnh Sự (d), bộ Phân tích I, Uẩn phân tích (1992). Thành hội Thành phố Hồ Chí Minh.
([14])– Đại trưởng lão Tịnh Sự (d). Dhs. Chương tâm sanh (Cittuppādakaṇdaṃ).
([15])-HT. Thích Minh Châu (d). A.ii,140, pháp bốn chi, kinh Thời gian (kālāsuttaṃ).
([16])– Đức Bửu Chơn (s). Kho tàng pháp bảo, pháp 5 chi.
([17])– A.v, 135, pháp 10 chi. HT. Thích Minh châu (d), kinh pháp vui thích (Iṭṭhadhammasuttaṃ)
([18])– Chỉ cho người có khả năng chứng Đạo quả, Nípbàn.
([19])– Tức là người sinh ra bởi tâm Tục sinh có 3 nhân: Vô tham, vô sân và vô si.
([20])-HT. Thích Minh Châu (d). A.iv, 225, Pháp 8 chi. Kinh Không phải thời(Akkhaṇasuttaṃ).
([22])– Năm điều đó là : Vị Tỳ-khưu phải sống trong rừng trọn đời, vị Tỳ-khưu phải mặy y cũ rách trọn đời, vị Tỳ-khưu phải ở dưới cội cây trọn đời, vị Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu phải đi bát trọn đời và vị Tỳ-khưu không được ăn thịt cá trọn đời.
([24])– Vsm I. Chương VII, về sáu tùy niệm (anusati); từ 142 – 145.
([27])– Xem M.i, Kinh Niệm xứ (satipaṭṭhānasuttaṃ).
([28])– A. 1, 205. Pháp 3 chi, kinh Các lễ Uposatha.
([29])– Xem D.iii, kinh Đại Điển Tôn ( Mahā Govinda suttaṃ).
([30])– DhpA. Câu số 53 (Đại Trưởng lão Pháp Minh dịch).
([31])– Có giả thuyết cho rằng: “Jīvaka komārabhacca là con tư sinh giữa ông hoàng Abhaya và nàng kỹ nữ SīlavAtī.
([32])‑ Xem Luật Đại Phẩm II. Chương VIII.
([33])– HT. TMC (d). A. i, 24. Pháp một chi, phẩm người tối thắng.
([35])– M. iii, kinh Vương tử Abhaya ( Abhayarājakumāra Sutta)
([38])– D.iii, kinh Đại Bổn (Mahapadāna suttanta).
([39])– D.iii, kinh Đại duyên (Mahāniddanasuttanta).
([40])– At: Atthakathā (Sớ giải), chúng tôi dùng ký hiêu At chỉ cho bản Sớ giải kinh Sa môn quả, khi giải thích từ ngữ Pāli của Chánh kinh.
([41]) – Nhà vua đã đắc Tu Đà Hườn sau khi nghe bài pháp đầu tiên Đức Phật giảng khi Đức Phật ngự đến kinh thành Vương-xá.
([42]) – Chúa dạ xoa, có vương quốc nằm về phía bắc trên cõi Tứ Đại Thiên Vương.
([43])– Mẹ của Hoàng tử Udāyibhadda không thể là Vajirā, công chúa con vua Pasenadi, được gả cho vua A-xà-thế.
([44])– Xem A.ii,181, Pháp 4 chi, kinh Upaka (Upakasuttaṃ).
([45])– M.ii, kinh số 88. Kinh Bāhitika.
([46])– JA. Câu truyện số 283.
([47])-M.ii, số 89. Kinh Pháp trang nghiêm (Dhammacetiyasuttaṃ)
([49])-D.iii. kinh Đại bát Nípbàn (Mahāparinibbānasuttaṃ).
([51])– M.iii, kinh số 108. Kinh Gopaka Moggallana.
([52])– DhpA. Câu kệ số 137 – 140.
([53])– Đại Đức Giác Nguyên (d), Phật Giáo Sử (kn).
([56])– Mhv. ii, Chương V – Da thú (Cammakkhandhaṃ), 1. (Đại đức Nguyệt Thiên dịch)
([60])– Mhv.ii, chương VII – Yphục (cīvarakkhandhakaṃ), 149. ĐĐ. Nguyệt Thiên (d).
([63])– SA.i, 269 nhưng điều kỳ lạ là trong Vedic, các thời kỳ Brāhmaṇavà Sūtra, Magadha được cho là ở ngoài văn hóa Ariyan và Brahman và do vậy các giáo sĩ Bà-la-môn xem thường. Nhưng đó là vùng đất thánh của Phật giáo. Xem VT. Ii. 207; Thomas; op. cit., 13, 96.
([65])– Mhvs. ii. 25 ff.; Dpv. iii. 50 ff.
([66])– SN. Vs. 405 ff; cũng J. i. 66 và DhA. i. 85; cũng Rockhill, tr. 27.
([67])– Sn. 72 (kinh xuất gia).
([68])– Đúng ra là 1.003 vị, nhưng trong Luật Đại phẩm (Mahāvagga I) ghi là 1.000 vị, nên chúng tôi ghi số lượng 1.000 vị theo tạng Luật.
([69])– Đại Đức Nguyệt Thiên (d), Mhv I, 57.
([72])– Sớ giải Ngạ quỷ sự (Petavatthu – Atthakathā). Chương I, kinhTirokuḍḍa
([75])– Therī. 127. Mẹ Abhayā.
([77])– Luật Phân tích Tỳ-khưu II, số 138.
([80])– Mhv II, chương VIII (chương y phục – cīvarakkhandhakaṃ), 136.
([81])– Thera, 65. (HT. Thích Minh Châu dịch).
([85])– MA.i (Sớ giải kinh Cūlavedallasuttaṃ -Kinh Tiểu phương quảng).
([87])– Mhv.i. Chương II: Lễ UposAtha (UposAthakkhandhakaṃ), số 147.
([90])– HT. Thích Minh Châu (d). M.i, kinh số 21, Kinh Ví dụ cái cưa (Kakacūpamasuttaṃ).
([91])– S.ii, 217, Tương Ưng Kassapa (Kassapasaṃyuttaṃ), Kinh Y Áo (cīvarasuttaṃ).
([92])– A.i, 143, chương 3 pháp, kinh Bốn đại vương 2 (Dutiyacatamahārājasuttaṃ).
([93])– A.i, 205. Chương 3 pháp, kinh Các lễ Uposatha.
([94]) – Có thể hiểu là là ngôi lầu cao để Đức vua “ngắm trăng” – Ns.
([96])– Sớ giải không nêu rõ, 5 cách đó là năm cách nào.
([97])– HT. Thích Minh Châu (d). S.i.65 . Tưng ưng thiên tử (devaputtasaṃyuttaṃ), kinh Các ngoại đạo sư (Nānātitthiyasāvakasuttaṃ).
([98])– S.iv, 398. Tương ưng không thuyết (AsaṅkhAtasaṃyuttaṃ), kinh Luận nghị đường (kutūhalasālāsuttaṃ).
([99])– S.v, 126, HT. Thích Minh Châu (d), Tưng ưng Giác chi (Bojjhaṅgasaṃyuttaṃ), kinh Abhaya (Vô úy) (Abhayasuttaṃ).
([100])– S. iii, 68, HT. Thích Minh Châu (d), Chương I. Tương ưng Uẩn (Khandhasaṃyuttaṃ), kinh Mahāli (Mahālisuttaṃ).
([101])– A.iv, 428. Pháp chín chi, HT. Thích Minh Châu (d). Đại phẩm, kinh Các Bà-la-môn (LokāyAtikasuttaṃ).
([103])– M.ii, kinh số 77. kinh Mahāsakuludāyi (Mahāsakuludāyisuttaṃ).
([104])– Nguyên tác: H.W. Schumann, Trần Phương La (d), Đức Phật lịch sử (2000), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.497.
([105])– Ājīvika hay ājīvaka là tên gọi chỉ cho những tu sĩ ngoài Phật giáo. Nghĩa đen của ājīva là “sự nuôi sống”, nghĩa bóng là “sự tồn tại”, ājīvaka là “người theo thuyết Định mệnh (niyāmavāda).
([106])– Xem E.g, uvāsaga – dasā, tr. 1 .
(3)– Trần Phương Lan (d), Đức Phật lịch sử (2000), Nxb Tp Hồ Chí Minh, tr.499.
(4)– Vin.i. 154,
(5)– Mahābhāṣya iii. 96.
([110])– HT. Thích Minh Châu (d). A.i, 33. Pháp một chi. Chương XVI: Gìn giữ một pháp (Ekadhammapāli), Phẫm III, số 4 (311): Kinh Makkhali.
([111])– HT. Thích Minh Châu (d). A.i, 286. Pháp ba chi. kinh Mền bằng tóc (Kesakambalasuttaṃ).
([112])– HT. Thích Minh Châu (d). S.i, 65. , kinh Các ngoại đạo sư (Nānātitthiyasāvakasuttaṃ)
([114])– DhpA. Kệ ngôn số 11-12.
([115])– D.i, kinh Phạm võng (Brahmajālasuttaṃ).
([116])– Thích Mãn Giác, Lịch sử triết học Ấn-Độ (1967), Nxb Viện Đại Học Vạn Hạnh, tr.140.
([117])-H.W. Sschumann; Trần Phương Lan (d), Đức Phật lịch sử (2000); Nxb Tp Hồ Chí Minh, tr.47.
([118])– Trần Phương Lan (d), Đức Phật lịch sử (2000); Nxb Tp Hồ Chí Minh, tr.512 – 515..
([119])– S.i, 68. Tương ưng Kosala, kinh Tuổi trẻ (daharasuttaṃ).
([120]) – M.iii, kinh số 104. kinh làng Sāma (sāmagāmasuttaṃ)
([121])-D.iv, Saṅgītisuttantā.
([122])– M.ii, kinh Upali (số 56).
([124])– HT. Thích Minh Châu (d). S.iv, 398, Tương ưng không thuyế (AsaṅkhAtasaṃyuttaṃ) , kinh Luận nghị đường (Kutūhalasālāsuttaṃ)
([125])– HT. Thích Minh Châu (d). Sn.161, kinh Pasūra (825) (Pasūrasuttaṃ – 831).
([126])- Thích Mãn Giác. Lịch sử triết học Ấn Độ (1967), Nxb Viện Đại học Vạn Hạnh, tr. 143.
([127])– D.i, kinh Sa-môn quả (sāmaññaphalasuttaṃ).
([128])– M.ii, số 56, kinh Upali (Upalisuttaṃ).
([129])- M.iii, số 101, kinh Thiên tý (devadahasuttaṃ).
([130])– S.iv, 398. Chương 10. Tương ưng không thuyết (AsaṅkhAtasaṃyuttaṃ), kinh Luận nghị đường (Kutūhalasālāsuttaṃ).
([131])– M.ii, số 78. kinh Cūlasakuludāyi.
([132])- S.iv, 297, Chương 7. Tương ưng Tâm (cittasaṃyuttaṃ), kinh Ni Kiền Tử (NigAthasuttaṃ) .
([133])– DhpA. Kệ ngôn số 181.
([134])– S.i, 68. Chương III. Tương ưng Kosala (Kosalasaṃyuttaṃ), kinh Tuổi trẻ (Daharasuttaṃ).
([135])-A.ii, 196. Pháp bốn chi, kinh Vappa (Vappasuttaṃ).
([136])– A.iii, 38. Pháp năm chi, kinh Đại Tướng Sīha (SīhasenāpAtisuttaṃ).
([137])– M.ii, kinh số 58. Kinh Vô Úy vương tử kinh (Abhayarājakuāarasuttaṃ).
([138])– M.ii, kinh số 56. Kinh Upāli ( Upālisuttaṃ).
([139])– A.iv, 179. Pháp tám chi, Phẩm lớn (Mahāvaggo), Kinh Tướng quân Sīha (Sīhasuttaṃ).
([142])– M.ii, số 56, kinh Upāli.
([143])– M.i, kinh số 36. Đại kinh Saccaka (Mahāsaccakasuttaṃ).
([144])– M.i, kinh số 35. HT. Thích Minh Châu (d), Tiểu kinh Saccaka (Cūḷasaccakasuttaṃ).
([145])– Sn. 91; kinh Sabhiya.
([146])– D.ii, Kinh Soṇadaṇḍa (Soṇadaṇḍasuttaṃ).
([147])– D.ii, kinh Kūṭadanta (Kūṭadantasuttam.).
([148])– M.ii. kinh số 79, Cūḷasakuludāyisuttaṃ.
([150])– M.ii, (kinh số 58) – Abhayarājakumārasuttaṃ.
([151])– D.ii, kinh Snodaṇḍa (Sonaḍanḍasutta).
([152])– M.i (kinh số 18) – Kinh Mật hoàn (Madhupindikasuttaṃ).
([153])– S.iii, 113. Chương I, Tương ưng Uẩn (khandhavaggo ), kinh Bông Hoa (Pupphasuttaṃ).
([154])-D.iv, kinh Pātika (kinh Balê) (kinh số 21).
([155])- M.ii, (kinh số 74) – kinh Trường trảo (Dīghanakhasuttaṃ).
([157])– Chỉ cho kiếp trái đất – Ns.
([159])– Samma là cách gọi thân thiện.
([160]) – Là 2 khuỷu tay, hai đầu gối và đầu chạm xuống đất (ngũ thể đầu địa).
([161]) pīti. Đó là: (trang 62) (Vism. IV. 94-99, tr. 149-50). Ngài Ñāṇamoli diễn đạt từ pītinhư là lạc mà được dịch là sukha.
([162])– HT. Thích Minh Châu (d). S.iii. 85. Kinh Sư tử (Sīhasuttaṃ).