Nội Dung Chính
Lẩn tránh tuệ giác vô thường
Trong nhiều thế kỷ, con người đã phát minh ra vô số những sản phẩm trong nỗ lực nhằm cải thiện vẻ ngoài của cơ thể, che giấu mùi hôi, ngăn chặn sự phân hủy, che giấu những nỗi đau về thể chất cũng như tinh thần. Tất cả đều nhằm tạo ra một ảo tưởng về sự đẹp đẽ, hạnh phúc và thường hằng. Trên thị trường có đủ các thứ đồ trang sức, quần áo thời trang, thuốc nhuộm tóc, đồ trang điểm, kem dưỡng da, thuốc khử mùi hôi, nước hoa, rượu, ma túy… và nhiều thứ khác nữa.
Sự thật về thân thể vật chất này đã bị chôn sâu trong vô thức và sản phẩm do thân này tạo ra chỉ còn là những nắm đất phủ lên quan tài. Đức Phật đã nêu ra sự thật về thân thể vật chất này. Ngài nhận biết qua kinh nghiệm thân chứng sự phân hủy trong từng khoảnh khắc nối tiếp nhau của cơ thể và sự già cỗi nói chung dẫn đến cái chết. Và ngài khám phá ra sự thật về vô thường (anicca) trong thân thể chính là chìa khóa dẫn đến Niết- bàn (nibbāna).
Tất cả chúng ta đều có những manh mối dẫn đến sự thật này, nhưng luôn lẫn tránh nó. Bởi vì nó làm phơi bày một nỗi sợ hãi sâu sắc bao trùm của sự mất mát, gắn chặt cùng những tham luyến mạnh mẽ của ta, với nhận thức sai lầm về một thân thể thường tồn là trú xứ của bản ngã vĩnh hằng.
Thiền tập Vipassana quán chiếu bản chất thực sự của thân tâm với tính chất thay đổi không ngừng của nó – sự vô thường. Phát triển sự bình tâm đối với thực tại thân tâm này chính là phương tiện dứt trừ sự bám luyến với thân tâm và đưa ta đến giải thoát.
Bài kệ của Ambapālī
Thời Phật còn tại thế, Ambapālī là một kỹ nữ nổi tiếng xinh đẹp tuyệt trần. Bà có một người con trai, về sau trở thành một bậc trưởng lão nổi bật trong Tăng đoàn của đức Phật. Một hôm, bà được nghe người con trai thuyết pháp và xúc động vì chân lý trong bài giảng ấy nên từ bỏ đời sống thế tục để xuất gia làm một vị tỳ-kheo ni. Thông qua việc quán chiếu sự hư hoại của thân thể vốn đã từng một thời xinh đẹp của mình, bà nhận hiểu được lẽ vô thường đến mức độ rốt ráo và chứng quả A-la-hán.
Dưới đây là một số vần kệ được chọn lọc từ bài kệ của bà, mô tả những thay đổi làm chuyển biến thân thể khi tuổi già. (Con số trước các dòng kệ là do người Việt dịch thêm vào để người đọc biết được các đoạn kệ được trích từ kinh văn. Toàn bài kệ gồm các đoạn từ 252 đến 270 nhưng ở đây chỉ chọn trích một số đoạn.)
- Mái tóc xưa đen nhánh,
Như màu đen ong mật,
Mỗi sợi đều uốn cong.
Giờ đây do tuổi già,
Đã trở thành thô xấu,
Như những sợi chỉ gai.
Hoàn toàn đúng như lời,
Đấng Tuyên Thuyết Sự Thật.
- Bao phủ đầy hoa thơm,
Ôi mái đầu thơm ngát,
Như hộp chứa hương thơm.
Giờ đây do tuổi già,
Hôi hám như lông chó.
Hoàn toàn đúng như lời,
Đấng Tuyên Thuyết Sự Thật.
- Lông mày xưa xinh đẹp,
Cong vút như vầng trăng,
Được họa sĩ khéo vẽ.
Giờ đây do tuổi già,
Rũ xuống xếp thành hàng,
Trên vầng trán nhăn nheo.
Hoàn toàn đúng như lời,
Đấng Tuyên Thuyết Sự Thật.
- Sáng đẹp như ngọc quý,
Mắt xanh thẫm vuốt dài.
Giờ đây do tuổi già,
Vẻ đẹp đã biến mất.
Hoàn toàn đúng như lời,
Đấng Tuyên Thuyết Sự Thật.
- Hàm răng trước xinh đẹp,
Trắng nõn như búp non.
Giờ đây do tuổi già,
Vàng ố và gãy rụng.
Hoàn toàn đúng như lời,
Đấng Tuyên Thuyết Sự Thật.
- Ngực căng tròn xinh đẹp,
Săn chắc và nhô cao.
Giờ đây đã trệ xuống,
Treo như túi nước rỗng.
Hoàn toàn đúng như lời,
Đấng Tuyên Thuyết Sự Thật.
- Thân thể trước xinh đẹp,
Như vàng lá đánh bóng,
Giờ đây đầy nhăn nheo.
Hoàn toàn đúng như lời,
Đấng Tuyên Thuyết Sự Thật.
Bài kệ của Ambapālī
- Đôi bàn chân xinh đẹp,
Như bông gòn trắng mịn.
Giờ đây do tuổi già,
Nứt nẻ và nhăn nheo.
Hoàn toàn đúng như lời
Đấng Tuyên Thuyết Sự Thật
- Thân này là như thế,
Nay già suy hư hoại,
Chất chứa bao nỗi khổ.
Như căn nhà cũ kỹ,
Vôi vữa đều tróc rơi.
Hoàn toàn đúng như lời,
Đấng Tuyên Thuyết Sự Thật.
—Khuddaka Nikāya, Therīgāthā 13. 252–270, (Tiểu Bộ Kinh, Trưởng Lão Ni Kệ, 13. 252 -270) Amadeo Solé-Leris dịch sang Anh ngữ
Dưới đây là bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu:
- Ðen như sắc con ong,
Tóc dài ta khéo uốn,
Nay biến đổi vì già,
Như vải gai, vỏ cây,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
- Thơm như hộp ướp hương,
Ðầu ta đầy những hoa,
Nay biến đổi vì già,
Hôi như lông con thỏ,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
- Trước lông mày của ta,
Chói sáng khéo tô vẽ,
Nay biến đổi vì già,
Nhăn nheo, rơi suy sụp,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
- Mắt ta xanh và dài,
Sáng đẹp như châu báu,
Nay biến đổi vì già,
Hư hại không chói sáng,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
- Trước răng ta sáng chói,
Như búp nụ chuối hoa,
Nay biến đổi vì già,
Bể gãy vàng như lúa,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
- Trước vú ta sáng chói,
Căng thẳng và tròn đầy,
Nay biến đổi vì già,
Trống rỗng treo lủng lẳng,
Như da không có nước,
Trống không, không căng tròn,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
- Trước thân ta chói sáng,
Như giáp vàng đánh bóng,
Nay biến đổi vì già,
Ðầy vết nhăn nhỏ xíu,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
Bài kệ của Ambapālī
- Trước chân ta chói sáng,
Với lông mềm như bông,
Nay biến đổi vì già,
Nứt nẻ đầy đường nhăn,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
- Thân này là như vậy,
Nay già chứa nhiều khổ,
Ngôi nhà đã cũ kỹ,
Vôi trét tường rơi xuống,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
– Bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu
Dvipādakoyaṃ asuci,
duggandho parihārati;
Nānākuṇapaparipūro,
vissavanto tato tato.
Etādisena kāyena,
yo maññe uṇṇametave;
Paraṃ vā avajāneyya
kimaññatra adassanāti.
– Sutta Nipata 1.207-208
Thân nhơ nhớp, hai chân,
Mang đầy mùi hôi hám,
Với bao thứ bất tịnh,
Thải ra qua nhiều lối.
Với thân thể như thế,
Nếu người tự đề cao,
Hay khinh thường người khác,
Còn nguyên do nào khác,
Ngoài lẽ quá ngu si?
– Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập 1. Kệ số 207-208
Thân này với hai chân,
Bất tịnh và hôi thúi,
Ðầy xác chết, chảy nước,
Lại được giữ, nâng niu.
Với thân thể như vậy,
Ai lại nghĩ đề cao,
Hay khinh miệt kẻ khác,
Trừ kẻ không thấy gì.
– Bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu
Bài viết được trích từ cuốn Nghệ Thuật Chết – The Art Of Dying – Thiền Sư S.N. Goenka và nhiều tác giả. Tải sách file PDF tại đây.