Kinh Tăng Chi số 008

Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019

Ngài Cùlapanthaka 

Bảng Hán Tạng dịch âm tên Ngài là Tiểu-bàn-đặc, pantha là con đường, panthaka nghĩa là hành nhân hay kẻ trên đường, lý do là vì sao? Là bởi vì Ngài Cùlapanthaka, cùla là nhỏ, có người anh ruột là Mahàpanthaka, mahà là lớn, chuyện đời của hai anh em cũng có chút ngậm ngùi, đó là mẹ của hai vị là một tiểu thư con nhà giàu sang, vọng tộc, nhưng lại đem lòng yêu anh người làm giúp việc trong nhà, sau khi thương nhau, hai người mới dắt nhau bỏ xứ ra đi. 

Nếu mà quý vị đọc được bảng Pali thì nhân dịp này mình học được nhiều chữ hay lắm, thí dụ như chữ videsa, desa là xứ sở, videsa nghĩa là viễn xứ hay là tha phương, tức là sau khi yêu nhau rồi, hai người mới bàn chuyện bỏ xứ mà đi, chứ không dám ở lại, bởi vì cha mẹ chắc chắn là không đồng ý, thế là cô tiểu thư và anh người làm dắt nhau trốn đi. Chuyện đời của cô này giống giống như chuyện của bà Patàcàrà, tức là trốn đi xong rồi thời gian có mang, cô tiểu thư mới nghĩ trong bụng bây giờ là lúc vượt cạn mà có cha mẹ kế bên thì nó ấm cúng hơn, và nhất là mình là tiểu thư nữa, mình cũng cần sự chăm sóc, chứ mình đâu có thể sanh con kiểu bờ bụi như mấy người nghèo khó được. Cho nên mới bàn với chồng, mà ông chồng tìm cách để cản, cho nên nàng trốn đi, nàng lén chồng trốn đi, nhưng tới lúc chồng rượt theo kịp, thì nàng trở dạ và sinh con trên đường luôn. Vì sanh con trên đường mới đặt tên con là Panthaka, tức là kẻ trên đường, kẻ sanh ra trên đường. Lần thứ hai nàng mang thai, cũng vậy nàng trốn đi và ông chồng rượt theo kịp, rồi thì nàng cũng lại tiếp tục sanh đứa bé trên đường nữa, nên lần này đặt tên là Cùlapanthaka.

Sau khi mà sanh con rồi thì nuôi hai đứa bé được trọng trọng 5, 7 tuổi, nó đi chơi ngoài làng, rồi nó về kể lại cho bố mẹ nghe, nó nói rằng thấy người ta có ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại, mà sao hai đứa con thấy có ba má không, chứ không thấy ai hết. Thì cô tiểu thư mới kể, cô nói con có gốc gác bự lắm, tại hoàn cảnh thì lưu lạc vậy thôi, chứ còn con là nhà cửa tài sản không có thua ai, con cũng ông nội bà ngoại ngon lành lắm. Một lần, hai lần, cuối cùng thì nàng thấy một phần là mệt mỏi, một phần là cũng chạnh lòng, muốn con mình lớn lên bằng chị bằng em với người ta, cho nên bàn với chồng, mới đem con về giao cho bà ngoại, tức là vợ chồng ông triệu phú. Vợ chồng ông triệu phụ nói là cháu thì nhận, nhưng mà con với rễ thì không, bởi vì không có mặt mũi, làm vậy mất mặt lắm, nhận nuôi hai đứa cháu thôi, chứ còn hai đứa con gái với thằng rễ thì họ cho mớ tiền rồi muốn đi đâu thì đi, kể ra cũng hơi mạnh tay, nhưng mà mặt mũi mà! 

Thì thôi họ mới nuôi hai đứa bé này lớn lên, kể vắn tắc đó là hai đứa bé lớn lên thì người anh là Mahàpanthaka một hôm thấy người ta đi chùa cũng bắt chước đi theo, vào chùa nghe Pháp rồi có niềm tin, rồi về xin ông bà ngoại cho đi xuất gia. Xuất gia xong rồi trong thời gian tích tắc là đắc thiền, thọ giới xong rồi, được dạy Pháp môn Tứ niệm xứ với Thiền chỉ Thiền quán, xong rồi vị này mới đắc tới Phi tưởng phi phi tưởng xứ, ra khỏi Phi tưởng phi phi tưởng xứ đó mới nhìn lại cái tầng thiền vô sắc mà mình đã chứng, rồi nhìn lại nó thấy nó vô ngã, vô thường, vị đó đắc A-la-hán, cho nên vị đó được xem là Đệ nhất Chỉ Quán song tu. Ngài Minh Châu dịch là tưởng thắng tiến, Đệ nhất tưởng thắng tiến, cái chữ này nghe hơi hơi ngán, chứ còn trong Chú Giải giải thích tại sao mà trong tiếng Pali kêu là sannàvivattakusalo thuần thục trong việc chuyển giao Chỉ Quán, có nghĩa là từ Thiền Chỉ qua Thiền Quán trong tích tắc, tức là đạt đến tận cùng của Thiền Chỉ là Phi tưởng phi phi tưởng, và ngay trong tích tắc là đưa qua Quán liền, thì với cái khả năng này Ngài được xem là Đệ nhất, trong khi đó Ngài Xá-lợi-phất là Trí Đệ nhất nhưng mà Ngài Xá-lợi-phất Ngài đắc kiểu nào? Ngài Xá-lợi-phất đắc theo cách là đắc Tu-đà-hườn xong rồi thì thôi, Tu-đà-hườn xong rồi ngưng nửa tháng, Ngài Xá-lợi-phất đắc La-hán bằng quá trình tâm dục giới, riêng vị này thì vừa rời Samatha thì Vipassana tiếp theo, đặc biệt vậy đó, khác nhau một chút, cho nên Ngài mới được xem là Đệ nhất trong khả năng thuần thục chuyển giao Chỉ Quán, tức là từ Thiền Chỉ qua Thiền Quán liền. 

Sau khi đắc xong, thì nghĩ đến người em, Ngài nghĩ: Bây giờ thì Phật Pháp hay như vậy, mà có một mình mình biết, còn người em không biết tội nghiệp! Ngài mới về Ngài rủ người em đi xuất gia, và do duyên lành nhiều kiếp, nên người em Cùlapanthaka mới theo anh đi xuất gia, tuy nói anh rủ, nhưng khi Ngài vào trong Đạo xuất gia rồi, thì Ngài một lòng tin Phật, thiết tha tu học, có một điều là trí nhớ của Ngài kém dữ lắm, trong Kinh nói người anh của Ngài cho Ngài một câu kệ bằng tiếng Pali có 4 câu thôi như thế này:

Padumam yathà kokanadam sagandham,

Pàto siyà phullamavìtagandham,

Angìrasam passa virocamànam,

Tapantamàdiccamivantalikkhe.

Chúng tôi mạn phép dựa theo bảng đó mà chúng tôi dịch qua tiếng Việt:

Như cành sen nở đẹp xinh,

Giữa màn sương buổi bình minh thơm lừng, 

Phật-đà vô thượng nhân trung, 

Tuệ quang chói rực mấy tầng thái không.

Suốt 4 tháng trời vị này học không có thuộc 4 câu đó, Ngài Mahàpanthaka tuy là vị A-la-hán nhưng mà Ngài không thể xét được cái duyên của em mình, lạ chỗ đó, Ngài xét không được, bởi vì các vị còn nhớ không, Thinh Văn có hai hạng, một là Buddhaveneyya là chỉ có duyên với Phật, hạng thứ hai là Savakaveneyya là chỉ có duyên với Thinh Văn thôi, thì vị này chỉ có duyên với Phật thôi, cho nên ngay cả Ngài Xá-lợi-phất cũng không có nhìn suốt được cái huệ căn của vị này nữa, điều đó đặc biệt vậy đó, cho nên người anh, tuy là vị A-la-hán, nhưng mà Ngài nói với

người em như thế này:

– Bây giờ 4 tháng trời mà em không có học được một chút xíu xìu xiu nào hết, như vậy thì em lấy cái gì mà em học Giáo Lý, em lấy cái gì mà em học Phật Pháp, mà không biết Giáo Lý thì em lấy cái gì mà em tu đây? Không học được lấy gì tu, mà không tu không học thì em xuất gia làm gì? Thôi em đi về nhà đi, làm cư sĩ rồi tạo phước, công đức được rồi! 

Thì người em buồn lắm vì trong bụng không có muốn về đời, không muốn hoàn tục, không có muốn bị như vậy nên buồn lắm! Thì trong lúc đang buồn như vậy đó thì có ông lương y Jìvaka thỉnh Đức Phật và Chư Tăng ngày mai đến nhà trai Tăng, trong Kinh nói là chùa Kỳ Viên lúc đó đông lắm, cho nên mới cần một vị gọi là bhattuddesaka nghĩa là vị chuyên môn sắp xếp ai đi trai Tăng chỗ nào, thí dụ chùa mình có 2 ngàn vị, chùa Kỳ viên đông lắm thường xuyên có mấy ngàn vị, thí dụ như vua mời thì có bao nhiêu vị đi, mình đã nhận lời ông Cấp Cô Độc bao nhiêu, bà Visàkhà bao nhiêu, rồi ông tướng này, ông thương gia kia, mỗi người nói chung là ai mời bao nhiêu phải có cái vị đứng ra sắp xếp, chứ chư Tăng cả mấy ngàn vị ai mà trông coi chuyện đó đây? Thì trong thời điểm này, Ngài Mahàpanthaka sư huynh là người chịu trách nhiệm làm người tri phạm bhattuddesaka là người sắp xếp cho chư Tăng đi, thì Ngài mới sắp xếp như thế này: 

– Ngày mai chư Tăng đi hết, chỉ chừa lại một vị ở nhà thôi đó là ông Cùlapanthaka, ông không có biết cái gì hết, ông chỉ biết quấn Y thôi, ôm bát vậy thôi, cho nên thôi để ông ở nhà.

Thì người em nghe vậy tủi thân lắm, buồn ra đứng một mình ở cuối chùa, lúc đó Đức Phật Ngài thấy, Ngài mới nói là:

– Người khác không có thấy ngươi, nhưng mà Ta thấy ngươi.

Rồi Ngài mới dùng thần thông Ngài tạo ra một cái khăn tay màu trắng sạch sẽ, Ngài đưa Ngài nói:

– Cứ lau mặt đi, mỗi lần lau mặt niệm là đồ lau bụi, đồ lau bụi, cứ mỗi lần lau cứ nhớ như vậy, cứ đọc câu đó thôi! 

Ngài Cùlapanthaka không học được gì, nhưng dặn cái này thì nhớ, cái chữ rajoharanam là đồ lau bụi, chỉ vậy thôi, cứ niệm hoài vậy đó rajoharanam rajoharanam rajoharanam , Ngài lau được vài lần như vậy, thì nhìn thấy nó đen đi, nó đen, nó ố, nó dơ, Ngài nhìn đó Ngài quán tánh sanh diệt, tự nhiên cái Trí nó tới, Ba-la-mật chín muồi, Ngài quán tánh sanh diệt: nó lúc nãy trắng sạch, bây giờ nó đen, nó dơ, thân tâm mình cũng vậy, lúc vầy lúc khác, tâm lúc tham lúc sân, lúc thiện lúc ác, cái thân thì lúc thở ra lúc thở vô, lúc khó chịu lúc dễ chịu, Ngài quán vậy rồi Ngài đắc A-la-hán Lục thông Tam minh và Bốn Tuệ phân tích. Chuyện đó xảy ra rất là nhanh không ai biết hết. Lúc đó nhằm buổi sáng, lúc Ngài đắc là đắc buổi sáng.

Lúc đó Đức Phật và Chư Tăng đi về nhà ông lương y Jìvaka để dự trai Tăng, nhưng mà khi ông Jìvaka quỳ xuống đặt thức ăn vào bát của Đức Phật, thì Đức Phật Ngài lấy cái tay Ngài chặn lại Ngài không có nhận, trong Kinh kêu là Satthà là Bậc Đạo Sư hatthena pattam pidahi dùng tay che cái bình bát lại. Kasmà, Bhante, na ganhathà?: Ông Jìvaka hỏi vì sao bạch Thế Tôn mà Ngài không có nhận? Đức Phật nói: Vihàre eko bhikkhu atthi jìvakàti Ông lương y, chùa còn một vị nữa. 

Chuyện ông Jìvaka: ông là một nhân vật rất nổi tiếng, mẹ của ông vốn là một cô gái điếm ở trong cái xóm Bình Khang là xóm toàn người làm gái rất đông tập trung thành một xóm, nguyên cái xóm đó trong tiếng Hán gọi là xóm Bình Khang, trong xóm đó có một quy định ngầm là con trai không xài được, tổ nghiệp là chỉ cho phép truyền nghề lại cho con gái, còn sanh ra con trai thì không có chuyện gì xài, lớn lên làm ma cô dẫn mối thôi, làm con gái thì được, thế là hễ sanh ra con gái thì giữ nuôi, còn hễ sinh con trai thì liệng bỏ ngoài thùng rác, ác vậy đó, tại vì thật ra mấy cổ đâu biết là con của ai, thêm cái nghề nữa, làm cho người máu lạnh tàn nhẫn từ hồi nào không hay! Thì bữa đó có cô cũng tai nạn nghề nghiệp bị dính bầu, cô do dự hoài không biết là bỏ hay giữ, cuối cùng cái lúc mà cô đang do dự thì cái bụng nó lớn từ từ, lúc mà nó lớn quá lớn thì cô đâu dám bỏ nữa, làm gì có Từ Dũ, làm gì có máy hút, làm gì có đồ mổ như bây giờ, thai lớn quá thôi kệ coi như xui, sanh ra rồi, cổ mới đem liệng thằng nhỏ vô thùng rác, thì buổi sáng hôm đó có ông hoàng tử đi ngang cái thùng rác sao ổng nghe tiếng khóc, thì ổng mới ngừng lại kêu người hầu tới coi cái gì nghe có tiếng con nít, người hầu tới coi trong thùng rác thì thấy có đứa bé, mới lại nói với ông hoàng tử, ông chạnh lòng thương, kêu đem đứa bé về nuôi, thế là đứa bé có cái tên là Jìvaka nghĩa là người có cái mạng lớn, tức là lẽ ra là chết rồi, nằm trong thùng rác, nhưng có người đem về, thì người đó gọi là có mạng lớn, người lớn mạng! (người Ai cập xưa thì họ kêu là người có 9 mạng, người Ấn độ kêu là jìvaka, người Việt nam kêu là mạng lớn) Thì mới đem về nuôi, kêu cho đủ là Jìvaka Komàrabhacca nghĩa là đứa bé có mạng lớn mà được hoàng tử đem về nuôi. Nuôi được thời gian ông mới nghĩ trong bụng: Bây giờ nuôi nó hoài mà nó đâu có máu mủ gì của mình, nó phải tự nó sống chứ! Thế là ông hỏi: Bây giờ con muốn học cái gì thì bố cho con học cái đó. Ông Jìvaka muốn đi học nghề thuốc, mới gởi ông đi học một ông thầy rất là giỏi. Ông học 7 năm, đến cái ngày mà ông thầy không còn gì để dạy nữa, ông thầy mới nói thế này: 

– Con cầm cái cuốc con đi vòng vòng mấy khu rừng, núi chung quanh mình, con đi 7 ngày 7 đêm con tìm đem về cho thầy cái cây nào mà không có làm thuốc được, dầu là thuốc độc hay là thuốc chữa bệnh, con tìm về cho thầy một cây, coi như thầy cho con xuống núi, tìm cho thầy cái cây nào không xài được gì hết! 

Thì ông đi 7 ngày 7 đêm rồi ông trở về đi tay không, xách cái cuốc về ông nói: 

– Thưa thầy, con không có tìm được cái cây nào mà không có dùng làm thuốc được, một là cứu người, hai là giết người, hại người, trong suốt 7 ngày qua con đi, không có cái cây nào mà không dùng được việc này hay việc khác, thậm chí có những cái cây mà không làm thuốc được nhưng mà nó lại có thể dùng làm chất dẫn thuốc được, làm tá dược.

Giỏi đến mức như vậy! Ý ông thầy là muốn trắc nghiệm coi cái mức giỏi về cây cỏ của ông này đến mức nào. Ông thầy nói: 

– Được rồi, như vậy thì con đúng là xuống núi rời thầy – hạ sơn xuất sư được rồi.

Ông thầy mới cho ông này về, trong Tạng Luật nói ông này giỏi lắm, ông Candappajjota vua của Ngài Mahàkaccàyana bị bệnh nặng lắm, mới nghe ông này là danh y nên mời về chữa bệnh, mà ông này sợ vì biết là chứng bệnh này muốn chữa phải dùng loại thuốc dược thảo đó, nhưng khổ nỗi uống vô sẽ làm cho ông này nôn mửa, mà ông vua này ác lắm, chỉ cần ổng thấy nó kỳ kỳ như vậy ổng nghi mình hại ổng, là ổng cũng giết mình chết – chuyện này dài lắm nên tôi bỏ bớt mấy chi tiết phong thần – cho ông vua uống thuốc xong là ổng trốn đi, thì vua giận lắm, vua uống vô bị mửa, buồn nôn khó chịu, vua tưởng ông này hại độc, nhưng trong thời gian ngắn thì ông khỏe trở lại và hết bệnh luôn, cho nên ông mới cho người đi tìm ông này về để mà trả ơn, nhưng ông này từ chối, chỉ nhận phần thưởng của vua thôi, phần thưởng đó là một tấm vải quý, ông đem tấm vải đó cúng cho Đức Phật.

Ông giỏi lắm, ông là một vị Tu-đà-hườn, ông chính là người mà trong suốt thời gian dài chữa bệnh cho Đức Phật và chư Tăng, ông giỏi đến mức mà có rất nhiều người không có tiền chữa bệnh hoặc là bệnh mà thầy chạy thì cũng tìm cách đi xuất gia cạo đầu để được ông chữa bệnh cho, trong Tạng Luật có ghi trường hợp đó. Tức là ông giỏi đến mức mà nhiều người vì muốn được ông chữa bệnh đành phải cạo đầu đắp Y xuất gia đi tu để được ông chữa, chữa xong rồi thì hoàn tục, vì ông chỉ chữa cho chư Tăng thôi, không phải là ông ác, nhưng tại vì chư Tăng quá đông đi, chư Tăng với Phật tử đông quá đi, cho nên ông chỉ chữa cho chư Tăng với phật tử thôi.

Và chuyện ông Đề-bà-đạt-đa lăn đá hại Phật làm Đức Phật bị thương, khi tảng đá lăn xuống thì bị kẹt vô hai tảng đá khác, chỉ văng ra mảnh vụn phan vô đầu ngón chân cái của Đức Phật làm cho tét ra, máu chảy ròng ròng, và hành đau lắm, thì Đức Phật kham nhẫn chịu đựng, rồi ông Jìvaka này mới tới lấy thuốc băng, ngày nào cũng băng, băng vài giờ là thay thuốc khác, đây là loại thuốc hơi đặc biệt cho nên phải thay liên tục, đúng giờ phải tháo ra, chứ không thôi là nó phá hư da thịt, hại vết thương. Ông làm được một vài lần như vậy, đến bữa đó ông bó thuốc cho Đức Phật xong xuôi, thì ông có việc đi vào trong thành, ông dự định đi đâu đó xong rồi trở ra là ông sẽ tháo băng, nhưng mà không ngờ ông đi thăm bệnh trong đó rồi, ông trở ra thì trời tối, cửa thành đã đóng, ông lo quá, ông nghĩ trong bụng: Chết rồi, cái chân của Thế Tôn bây giờ đến giờ thay thuốc, mà bây giờ như vầy là chết rồi!

Ông đang lo như vậy thì Đức Phật Ngài biết, cho nên Ngài mới nói với Ngài Anan tháo băng ra. Tới hôm sau khi ông ra được, ông chạy riết tới chùa, thì ông nhìn chân Đức Phật ông mừng quá, ông nói: Trời ơi hôm qua con lo quá, con nói: Chết rồi, con ra không được rồi không biết cái chân Thế Tôn ra sao? Đức Phật nói: Ta đã biết và Ta nói Anan lấy ra dùm. Đặc biệt như vậy! 

Rồi thời gian sau ông cũng chết, ông không có thọ, không phải ông mang nghiệp yểu thọ, mà vì phước ông nhiều quá! Tội nhiều cũng làm cho người ta đoản thọ, nhưng mà phước nhiều quá cũng có thể làm cho người ta đoản thọ, nhớ nha, nhớ có trường hợp này! Ông phước nhiều quá ông tái sanh về trời, có một lần đó có vị Tỷ-kheo bị bệnh, Ngài Mục-kiền-liên Ngài nhìn hoài không biết phải làm sao, Ngài mới nghĩ tới ông, Ngài nói: Cái này Jìvaka biết.Trong Kinh nói cái thời gian mà từ ở phòng của Ngài mà Ngài bước qua phòng kế bên để Ngài gõ cửa, rồi chờ cái người đó mở cửa ra, nó còn lâu hơn là cái thời gian mà Ngài từ ở dưới đất mà Ngài lên trên cõi trời Ngài gặp ông Jìvaka nữa! Sở dĩ tôi phải nói cái đó chứ không thôi quý vị nói: Trời ơi tại sao cầu kỳ quá vậy? Không phải cầu kỳ, mà tại vì cái thần thông là muốn, cái người mà đắc thì nó lẹ vậy đó, người ta chỉ muốn thôi! Thậm chí mình gửi message nó còn chậm lắm, bên mình gởi bên kia nó kêu cái tẻng một cái, còn bên kia mà lỡ nó đang bận là nó khỏi coi luôn! kêu phone nó không thèm trả lời nữa, hoặc nó trả lời mà nó nói ê ê a a mệt lắm, còn đằng này là Ngài muốn một cái là Ngài có mặt ở trển, Ngài hỏi ông: Bây giờ cái ông Sư bị bệnh như vậy phải làm sao? Thì ông nói: Dạ về cứ cho ổng ăn cháo trắng là hết hà! Rồi Ngài biến mất. Ngài trở về Ngài nói bên đây kiếm cháo trắng cho ổng ăn, là xong! Chết rồi đó, lên trển rồi đó mà cũng còn giỏi như vậy.

Thì cái ông này bữa nay ông thỉnh Đức Phật và chư Tăng về nhà cúng dường, lúc mà ông cúng dường cho Đức Phật, thì Ngài không có nhận, ông hỏi tại sao, Ngài nói trong chùa còn một vị nữa. Thì ông mới cho người chạy về chùa, thì vô chùa ông thấy có một ngàn vị Tỷ-kheo mặt mũi mỗi người một mặt, cái chỗ này quan trọng. Mỗi vị một nét mặt, gồm một ngàn vị. Mà tại sao tôi nhấn mạnh cái này? Là bởi vì trong Chú Giải nói thế này: Anne bhikkhù manomayam kayàm nibbattentà tayo và cattàro và nibbattenti na bahuke: Những vị Tỷ-kheo khác mà có dùng thần thông mà hóa hiện ra người này ngươi kia thì hóa hiện không có thể nhiều được, vài ba vị mà thôi, tayo và cattàro và nibbattenti: chỉ vài ba vị mà thôi, na bahuke:

không có nhiều được. Thứ hai là Ekasadiseyeva ca katvà nibbattenti ekavidhameva kammam kurumàne: Những vị khác chẳng những hóa hiện không có nhiều được mà đã vậy những vị mà hiện ra giống nhau y chang ekasadiseyeva: giống như một, ekavidhameva kammam kurumàne: mặt mũi giống nhau y chang và cái hoạt động cũng giống nhau y chang, giống như là nguyên một bộ robot mà được sản xuất hàng loạt như vậy đó. Nhưng riêng Ngài thì sao? Cùlapanthakatthero pana riêng cái vị này thì ekàvajjanena tác ý có một thôi, tức là một cái hướng tâm,

samanasahassam màpesi Ngài đã tạo ra một ngàn vị. Dvepi ca jane na ekasadise akàsi dầu chỉ có hai vị thì hai vị cũng không giống nhau, nói chi là nhiều hơn, tìm hai vị giống nhau cũng không có. Trong khi các vị kia hóa hiện đã ít rồi mà mặt mũi giống nhau y chang, hoạt động giống nhau y chang, tức là vị này giơ tay, vị kia cũng giơ tay, vị này cười, vị kia cũng cười, còn đằng này Ngài có khả năng hóa hiện cả ngàn vị mà mỗi vị làm việc một kiểu! 

Thì người nhà của ông Jìvaka chạy vô chùa thỉnh vị còn sót lại, nhưng mà ông vô thấy cả ngàn vị, vị đang đi kinh hành, vị ngồi thiền, vị quét sân, vị xách nước, ông bối rối quá, ông chạy về nói: Dạ hổng phải một mà cả ngàn, đông lắm! 

Thì Đức Phật dạy: Cứ vào hỏi ai là Cùlapanthaka, và vị nào lên tiếng đầu tiên thì hãy nắm lấy cái chéo y của vị đó!

Civara là lá Y , civarakanna là chéo Y, chéo áo, kanna này có hai dấu chấm dưới chữ n, kanna là lỗ tai, nhưng mà civarakanna nghĩa là chéo Y hay chéo áo. Tại sao họ kêu chéo áo là kanna? bởi vì giống lỗ tai.

Người nhà họ làm y như vậy, họ vào hỏi ở đây ai là Cùlapanthaka, thì cái vị trả lời đầu tiên là ổng mới nắm cái chéo áo của vị đó, chớ còn nếu mà ổng không có làm như vậy, thì cả ngàn vị đúng là nét mặt khác nhau, sinh hoạt khác nhau, nhưng mà lại trả lời, ai cũng nhận mình là Cùlapanthaka hết, cho nên ổng theo cách đó ổng rước được Ngài về nhà trai Tăng. Trai Tăng xong rồi, nghe Ngài thuyết Pháp, Chư Tăng rất là ngạc nhiên và về chùa mới bàn: Thật là lạ, một người mà 4 tháng học không xong một bài kệ, mà bây giờ đùng một phát trở thành một người tinh thông Tam Tạng, thuyết Pháp lào lào như vậy! 

Thì Đức Phật Ngài mới dạy rằng: Không phải nay, mà Ta đã giúp những người chậm chạp như vậy, mà thuở xưa Ta cũng đã từng giúp như vậy rồi. 

Ngài mới kể câu chuyện xưa, kiếp quá khứ Ngài từng giúp một người nghèo khó, từ một cái vốn nhỏ, mà biết tính toán đầu tư, nói theo cái từ trong nước là hạch toán kinh tế nhờ sự tư vấn khôn ngoan của một cái đồng chí có huệ căn về kinh tế, cho nên cuối cùng trở thành một đại gia phú hào. 

Cũng giống như mình biết ông Onassis người Hy Lạp, là chồng sau của bà Jackie Kennedy, vợ của ông Kennedy, ông này cuộc đời cũng bắt đầu giống như vậy, nghĩa là ông là người Hy Lạp rồi hồi nhỏ sống ngoài bến cảng, ông tới chỗ nhà hoang, thềm bar, gầm cầu, chỗ nào mà khuất nắng, khuất mưa, ông lại quét dọn đàng hoàng cho mấy người vô gia cư, ông chỉ xin mốt số tiền nhỏ thôi, ông nói ban ngày mấy người muốn đi đâu thì đi, nhưng tối về cái chỗ này là bảo đảm sạch sẽ, rồi cho tôi xin ít tiền thôi, coi như lông à dạng như muợn đầu heo nấu cháo, tức là mấy cái gầm cầu, thềm bar, hành lang bỏ hoang, ông có trách nhiệm là ông thấy chỗ nào có người ở thì ông tới xin dọn cho sạch rồi tối về ngủ, thì dần dần ông trở thành dạng giống như là chủ khách sạn, mà thật ra mấy cái đó không phải là của ông, ông mới kiếm được mớ tiền bỏ túi, con nít mới 11, 12 tuổi đã biết nghĩ đến chuyện đó, rồi sau đó ông mới thêm cái nghề dẫn mối, thí dụ như mấy cái tàu viễn dương về, thì thủy thủ ai cũng muốn ăn nhậu, bài bạc, nhảy đầm, gái gú gì đó, thì khách xa tới đâu biết gì, thì ông lân la gạ chuyện hỏi … rồi ônh làm trung gian dắt đi, rồi được cho tiền. Cứ như vậy đó mà từ chuyện ông làm thầu mấy cái gầm cầu, rồi chuyển qua làm ma cô dắt mối luôn. Từ bước từ cái vốn nhỏ mà cuối cùng ông mua nhà củ sửa rồi bán, rồi bắt đầu ông mua villa sửa lại bán, cuối cùng ông giàu đến mức mà ông tặng cho chính phủ Hy Lạp nguyên một chiếc tàu ngầm, và ông cũng chính là ngươi mà cưới bà Jacqueline Kennedy, là vợ ông Kennedy bị giết năm 63 ở Dallas, bà đẹp lắm, ông chồng là tổng thống Mỹ bị ám sát, xong rồi thì ông Onassis là người lấy bà. Thì cuộc đời ông này giống y chang như cuộc đời của cái nhân vật mà Đức Phậtkể ở trong chỗ này.

Ở đây chúng tôi mượn một chỗ khác, chứ trong đây không có kể, là tại sao mà Ngài có cái khả năng Ý hóa thông nghĩa là một người hóa ra nhiều người, Lục thông, Tam minh, Tứ tuệ vô ngại mà tại sao bị cái nghiệp gì mà 4 câu học 3 tháng không có thuộc? Là tại vì đời Phật Ca-diếp, Ngài cũng từng đi xuất gia, thông minh, sáng láng, học một nhớ mười, lúc đó Ngài nhìn thấy một vị Tỷ-kheo học chậm, Ngài có lòng trêu chọc người ta, thấy người ta chậm rồi nói những lời trêu chọc, xem thường, thí dụ như: thôi chao ôi, học như ông vậy Tết cũng chưa có xong! Trong Kinh nói là Ngài có lời trêu chọc một người chậm chạp, do cái ác ý đó, các kiếp

sau sanh ra hễ mà làm con gì thì thôi, mà hễ làm người thì coi như là học trước quên sau, nhớ trước quên sau! Nhớ nha, có nhiều khi chỉ là một cái câu trêu chọc thôi mà nó khổ như vậy đó, các vị biết không? 

Đó là chuyện đời của Ngài, Ý hóa thông là như vậy đó, cho nên ở đây Ngài được hai cái đệ nhất, thứ nhất là Ý hóa thông Manomayiddhi có thể hóa hiện nhiều người cùng lúc với các chi tiết khác nhau, và còn một cái nữa gọi là Cetovivattakusala. Người anh của Ngài là thiện xảo trong cái việc chuyển giao Chỉ Quán, còn Ngài là thiện xảo trong việc cũng chuyển giao Chỉ Quán nhưng từ thiền Sắc giới, không phải từ thiền Vô sắc như Sư huynh của mình. Ngài Minh Châu dịch cái khả năng này là tâm thắng tiến, còn người anh Ngài Minh Châu dịch là tưởng thắng tiến. Trong Chú Giải có nói rõ như vậy, là Ngài có khả năng chuyển giao Chỉ Quán nhưng mà từ thiền Sắc giới, tức là nhập đến tầng ngũ thiền Sắc giới, xong Ngài ra khỏi thiền Sắc giới, là Ngài nhìn ngược lại đó là Ngài tu Tứ Niệm Xứ rồi đắc La-hán. Còn người anh là Sannàvivattakusala nghĩa là Ngài đắc đến Phi tưởng phi phi tưởng, ra khỏi Phi tưởng phi phi tưởng, Ngài nhìn lại tầng thiền Vô sắc rồi Ngài đắc. Như vậy người anh cao hơn, nhưng người anh chỉ tới đó thôi, còn Ngài thì Ngài có thêm khả năng Ý hóa thông.

Sẵn đây nói luôn, có những bảng dịch tiếng Việt Nam để người anh của Ngài là Đệ nhất thiền quán, thế nào cũng có lúc quý vị thấy, chứ không thôi bà con mai mốt hoang mang. Ở đây dịch là Đệ nhất thiện xảo trong chuyện chuyển giao Chỉ Quán. 

Nếu không đọc bản Chú Giải mà cứ cắm đầu đọc bản dịch tiếng Việt, thì quý vị cực kỳ hoang mang, đắc A-la-hán là phải tu thiền quán, mà bây giờ tự nhiên có một vị đệ nhất thiền quán là sao? Nó kẹt như vậy, đó là lý do mình phải xem Kinh là phải được nghe giảng Kinh, đọc Chánh Tạng phải có Chú Giải là chỗ đó, chứ không thôi là càng đọc nó càng khùng khùng. Bên Thụy sĩ có một cái bà đó vui lắm, hai vợ chồng ăn xong là cứ lật Kinh Tạng ra , rồi hiểu Kinh Tạng theo cái cách mà tra tự điển Hán Việt, rồi tự cho mình là vô thượng bồ đề, không cần cái gì hết, chỉ cần cầm một cuốn tự điển Thiều Chửu là đọc tuốt tuồn tuột, tất tần tật Kinh Tạng là chết!! 

Ngài Subhùti  

Ngài Minh Châu dịch là Đệ nhất trú không có tranh luận, thứ hai là đáng được cúng dường. Subhùti Hán Tạng âm là Tu-bồ-đề, bên Bắt tông Subhùti là một tay thâm hậu về tánh không.

Bên Nguyên Thủy Subhùti là đệ nhất về hai cái, một là Đệ nhất hòa ái, và thứ hai là Đệ nhất Ứng Cúng.

Tiếng Pali là Aranavihàrì, chữ arana có hai nghĩa:

1. không phiền não,

2. không có tranh luận.

Trong đây nói thế này: tại sao một vị A-la-hán mà gọi là arana? Vì chắc chắn là nghĩa một không phiền não là không xài được, tại vì A-la-hán là khi nào cũng không phiền não, Hòa ái là sao? Trong đây mới giải thích thế này: không kể đến phàm, chỉ riêng các vị Thánh khác thì thấy chuyện cần nói thì nói, và không ngại cái chuyện- trong Pali gọi là vannam avannam, có nghĩa là khen hay chê, nhưng tôi không muốn dịch chữ khen chê nghe nó nặng quá, nên dịch là nhẹ nhàng hay nặng lời.

Trong đây mới nói rõ thế này: những vị Thánh khác khi cần thì có thể nói những cái điều mà làm cho người ta bị sốc, thí dụ như: Làm như vậy là người ngu, chỉ có người ngu, thiếu trí mới hành động như vậy, hành động như vậy là hại mình hại người đời này đời sau, thí dụ như vậy, nhiều vị Thánh không ngại nói huỵch toẹt ra như vậy. 

Nhưng mà Ngài thì không, Ngài luôn luôn tránh cách nói mà làm cho người ta bị sốc, luôn luôn nói như mơn trớn, nói nhẹ nhàng, kệ nó, nó đắc hay không kệ nó, nhưng mà đầu tiên là không bao giờ làm cho nó sốc thuốc. Ngài là vô địch cái đó, Đệ nhất hòa ái là như vậy, tức là luôn luôn từ lúc nói chuyện cho đến lúc thuyết Pháp, cả đời luôn luôn hễ gặp Ngài là chỉ có mềm mỏng, êm ái, ấm cúng, chứ không có gì khác hết! đó là Đệ nhất hòa ái.  

Đệ nhất Ứng Cúng là sao? A-la-hán thì vị nào cũng Ứng Cúng hết, nhưng mà tại sao mà cái vị này Đệ nhất Ứng Cúng? Ứng Cúng ở đây có nghĩa là mỗi lần mà đi khất thực, mỗi lần mà nhận sự cúng dường của ai thì Ngài trước đó và đang khi đó Ngài đều an trú vào Từ tâm, vì trong Kinh nói cúng dường cho vị an trú Từ tâm là công đức vô lượng, là vì sao? Là bởi vị cái vị mà an trú Từ vô lượng tâm là tâm vị này lúc đó hướng về vô lượng chúng sanh không phân biệt giới tuyến, màu da ngôn ngữ, tư tưởng, quan điểm, giới tính, sắc tộc … trời người, muôn thú, sa đọa, siêu sanh tất cả đều nằm trong cái lưới từ bi vô lượng của vị này! Cho nên khi mà mình cúng dường cho một người mà cái tâm của họ lúc đó đang trải ra vô lượng vũ trụ thì cái công đức đó chẳng thể nghĩ bàn! Tức là trong vô lượng vũ trụ là rờ đâu cũng gặp toàn thứ ích kỹ không, kể cả những người biết tu hành  thì cũng hiếm bao giờ có thời gian trong ngày mà nghĩ đến vô lượng chúng sanh, vậy mà cái con người này mới ghê chứ! mỗi lần mà ôm cái bát đi là bắt đầu an trú Từ tâm, vì với lòng đại bi mong rằng ai mà cúng cho mình lúc này là công đức vô lượng! Thì con người đó xứng đáng được gọi là Đệ nhất Ứng Cúng! 

Trong Chú Giải có nói thế này: Đức Thế Tôn mỗi buổi sáng khi nào mà Ngài cùng với chư Tăng đi khất thực chung thì Ngài mở cửa ra, cho nên buổi sáng lúc 7, 8 giờ sáng Ngài Anan thấy cửa mở là Ngài Anan thông báo: 

– Thỉnh xin chư Tăng sửa soạn bình bát, hôm nay chúng ta sẽ đi bát chung với Thế Tôn. 

Nhưng buổi sáng nào Ngài Anan nhìn thấy phòng riêng của Đức Phật đóng cửa im ỉm không có mở ra, thì Ngài Anan đánh kẻng thông báo: 

– Anh em ai muốn đi đâu thì đi, miễn là chiều về thôi, chiều về nghe Pháp. 

Chỉ như vậy thôi, là vì sao? Vì những khi đó, Đức Thế Tôn Ngài có cái nhu cầu độ sinh, hôm nào mà cửa của Ngài đóng mà Ngài không có mở ra có nghĩa là Ngài ngầm cho Ngài Anan hiểu là bữa đó Ngài sẽ đi một mình. Và trước khi đi như vậy là Ngài nhập Mahakarunasamapatti có nghĩa là Đại bi định, khi mà Ngài nhập như vậy rồi thì có ai mà quỳ lạy Ngài một cái, xá một cái, cúi chào một cái, lột khăn, tháo nón một cái là công đức bằng trời, các vị biết không? Chứ đừng nói tới chuyện mà cúng dường này nọ là không, chỉ cần một cái tháo nón thôi, tháo giày, cúi đầu, gật đầu là công đức vô lượng, bởi vì Ngài đang an trú Mahakarunasamapatti, đó là Chú Giải nói! Cho nên đặc biệt khi mình thương ai, thương người thân của mình chẳng hạn, khi mà họ cho mình cái gì thì mình nên an trú từ tâm. 

Tấc cả các vị Thánh trong đây ngoại trừ ra vài ba vị, thí dụ như Ngài Xá-lợi-phất, Ngài Mục-kiền-liên, Ngài Bakkula, Bà Da-du, những vị này đều tu trên a-tăng-kỳ, còn 99% còn lại đều là 100 ngàn đại kiếp, cho nên những vị này có cái tiền nghiệp giống nhau là đều gặp Phật Padumuttara, paduma là sen, padumuttara nghĩa là vị này đi đâu, ngồi ở đâu, trên đầu cũng có sen che, dưới chân cũng có sen đỡ chân, sen mọc đầy đón chờ Ngài mỗi bước chân, cho nên Ngài có cái hồng danh là Padumuttara, Ngài cách Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là 100 ngàn đại kiếp, cho nên vào thời điểm đó tất cả Đại Thanh Văn của Đức Thế Tôn mình là đều được thọ ký từ vị này mà ra.

Ngài Subhùti vào đời Phật Padumuttara Ngài cũng gặp được Phật và Ngài thấy Phật tuyên dương một vị Tỷ-kheo có hai cái đệ nhất này, Đệ nhất hòa ái và Đệ nhất Ứng Cúng, Ngài thích quá, Ngài cũng cúng dường rồi Ngài nguyện đời sau sanh ra sẽ gặp một vị Phật tương lai để được làm một vị Tỷ-kheo mà đệ nhất hai cái đó.

Cho nên bây giờ đến khi công thành quả mãn thì Ngài trở thành Subhùti là em út của ông Cấp Cô Độc, rồi Ngài hoan hỷ trong Đạo, Ngài đi xuất gia, rồi Ngài đắc A-la-hán, và điều đặc biệt là Ngài đắc Đạo bằng cách tu Vô lượng tâm để chứng thiền, rồi xuất thiền mới tu tuệ quán, nghĩa là Ngài nhìn lại cái từ tâm của mình và nhìn lại cái đối tượng chúng sanh mà mình đã rải từ tâm, nhìn hai cái đó, quán chiếu danh sắc, Bốn Đế rồi Ngài mới đắc La-hán. Kiểu đắc Đạo thấy đã tràn trề từ tâm rồi! Chưa hết, vua Bimbisàra vừa gặp mặt Ngài là vua thương liền, là vì sao? Là vì Ngài tu tâm từ, đặc biệt như vậy, cái người tu tâm từ mà tu đến cái mức nào đó là thú dữ gặp mình nó cũng cúm chân nữa, chứ đừng nói đến con người, lạ lắm, nó cúm nghĩa là nó thương liền, nó không có đi được. Thì vua Bimbisàra vừa gặp Ngài là vua thương quá sức thương, vua mới thỉnh Ngài về ngự uyển nhập hạ, một hạ, và sẽ cúng một am thất, nhưng do nghiệp quá khứ hồi đó Ngài hứa mà Ngài quên làm, nghiệp chủ ý, cho nên cái đời này tu thì có tu, công đức thì có công đức, được người ta nhìn mặt người ta thương, người ta hứa tùm lum hết, nhưng mà hứa rồi quên. Ngài vô trong ngự uyển Ngài ngồi dưới gốc cây một ngày, hai ngày, một tuần, hai tuần mà ông vua làm quốc sự-quốc gia đại sự, đâu có nhớ. Chư Thiên thương Ngài ở ngoài trời, cho nên chư Thiên dùng thần thông chận không cho mưa xuống trong cái khu vực đó. Thì mọi người thấy lạ, ông vua thấy lạ: Sao kỳ vậy ta? Thì lúc đó vua mới nhớ ra, mới cho thợ xây khẩn cấp trong ngày một cái am cất bằng lá để thỉnh Ngài vào, thì khi Ngài vào rồi, Ngài đọc một loạt cả chục bài kệ, trong đó có nội dung đại khái thế này: Bây giờ nhà đã kín đáo có mái, có vách, có cửa nẻo đàng hoàng, tâm ta cũng vậy, tâm ta cũng có mái, có vách, cửa nẻo đàng hoàng, phiền não không có lấn, nhà không có bị dột, tâm ta cũng không có phiền não, cả tâm và nhà đều ok, chư Thiên nếu thấy thích, thì cứ mưa thoải mái đi! Cả chục bài kệ có cái ý như vậy, nhà đã có nóc có vách rồi, tâm ta cũng có nóc có vách rồi, ok rồi, thì chư Thiên muốn thì chư Thiên cứ mưa thoải mái! Bài kệ rất thơ mộng, tôi nhớ Ngài Minh Châu dịch là: Thần mưa nếu ngươi muốn, cứ mưa hãy mưa đi … đó là một trong những bài kệ mà thơ mộng bật nhất trong văn học Pali!

Và nhân vật thứ hai cũng có một giai thoại truyền kỳ giống y chang như vậy, đó là Ngài Girimananda, cũng được vua thỉnh nhập hạ trong ngự uyển, rồi vua cũng quên mất, rồi Ngài ngồi ở ngoài, trời không dám mưa, rồi sau đó vua nhớ ra vua mới khẩn cấp cho người làm cái am cho Ngài, rồi sau đó trời mới mưa. 

Cho nên Ngài có hai cái biệt hạnh, một là Đệ nhất về hòa ái, nghĩa là ngay khi thuyết giảng cũng cố tránh gây sốc, vannam và avannam cố tránh cách nói gây sốc, thứ hai là Đệ nhất Ứng Cúng bởi vì luôn luôn có cái lòng đại bi hướng đến các thí chủ không phân biệt sang hèn giàu hay là khó, đây chính là cái đặc hạnh thứ hai cho nên Ngài được gọi là Đệ nhất Ứng Cúng là như vậy. Chứ còn A-la-hán thì vị nào cũng Ứng Cúng hết, nhưng trong hai cái Ứng Cúng, có vị Ứng Cúng hơn một chút. 

Tôi nói hơn một chút mới nhớ, có ông quan đó khoái hối lộ lắm, có hai thằng đó tới kiện ông về một vụ án mà ông đang băn khoăn không biết xử làm sao, thì thằng Tèo khéo dấu sau lưng bàn tay xòe ra năm ngón, ông hiểu ngầm là 5 lượng bạc, ông mới nói: Rồi thằng Tèo đúng. Thằng Tí thấy như vậy, mới xòe hai bàn tay, ông biết là thằng này hứa cho ổng 10 lượng, nên ổng nói: Thằng Tèo đúng, nhưng mà thằng Tí nó đúng hơn! Lần đầu tiên trên đời có vụ đúng mà có cái vụ đúng hơn!  

Thì ở đây Thánh nhân nào cũng Ứng Cúng hết, nhưng trong số Ứng Cúng ấy, cũng có Ứng Cúng hơn, là sao? Bởi vì trong Kinh có nói thế này: tầng Thánh cao thì Ứng Cúng hơn tầng Thánh thấp, tức là đáng cúng dường hơn một chút, và giữa hai vị cùng tầng với nhau, thì vị nào mà an trú trong Dhammaguna Pháp hạnh hay Pháp đức thì cúng dường cho vị đó phước nhiều hơn, ví dụ như vị vừa xuất khỏi Thiền Diệt thọ tưởng định, thì mình cúng dường cho vị đó là lập tức mình sẽ có quả báo ngay trước mắt. Hoặc là vị an trú Từ tâm, thì cúng dường vị đó công đức sẽ nhiều hơn, là như vậy. Chứ còn A-la-hán thì vị nào cũng số một, vị nào cũng đáng cúng dường hết, có điều số một thường hay số một cộng.

Ngài Revata Khadiravaniya

Khadira là cây keo gai kinh hoàng, vana là rừng, khadiravaniya hay là vanika là người sống trong rừng keo. Tên mẹ đẻ là Revata, đi tu rồi thì ở trong khu rừng đó, người ta mới thêm cái ngoại hiệu là người sống trong rừng cây keo. Bởi vì thời Đức Phật, Revata nhiều lắm, tới 1001 vị Revata, nên người ta mới gắn tên này tên kia vô, giống như mình thấy Kassapa, sơ sơ là 5 vị, đó là những vị nổi tiếng, còn những vị Kassapa mà vô danh thì coi như 1 tỷ rưởi mình đếm không có suể, riêng những vị nổi tiếng đã 5 vị rồi, cho nên mới có cái chuyện là có vị sa di 7 tuổi, Đức Phật khi Ngài có thức ăn gì đó, Ngài nói với Ngài Anan: 

– Đem cho Kassapa đi. 

Thì Ngài Anan hỏi: 

– Bạch Thế Tôn, Ko Kassapo? Kassapa nào? 

Đức Phật mới nói Kumàra-Kassapa, Kassapa mà bébé-baby đó, thì Ngài Anan biết rồi mới đem cho Kassapa mà 7 tuổi, và từ cái chỗ mà Đức Thế Tôn Ngài xác định là Kumàra-Kassapa, từ đó vị này lớn lên 20 tuổi, 80 tuổi, thì tất cả đều gọi Ngài là Kassapa baby, Kumàra-Kassapa, rất là dễ thương!

Thì Revata này cũng là một trong vô số Revata, cho nên mới có cái ngoại hiệu để phân biệt, đó là Revata sống trong rừng keo, vị này là một trong 6 người em của Ngài Xá-lợi-phất, gia đình Ngài có 7 vị A-la-hán, vị lớn đầu tiên là Ngài Upatissa , vị thứ hai là Ngài Upasena Vangantaputta, vị thứ ba là Ngài Mahà-Cunda, rồi Ngài Revata, ba người em gái là Càlà, Upacàlà và Sìsùpacàlà, tất cả là 7 vị A-la-hán. 

Trong 4 anh em trai, Ngài Revata là em út, thì trong nhà lúc đó đã đi tu sạch hết, bà Sàri là mẹ của 7 vị, cho nên Ngài Xá-lợi-phất được gọi là Sàriputta nghĩa là con bà Sàri, bà Sàri rầu quá nói: Trời đất ơi, kiểu này đi tu sạch nhà hả ta? không có được, bây giờ phải dùng cái gì để mà cột lại. Thế là mới cho người đi cưới vợ, lựa một cô vợ thiệt là ngon lành, nhưng mà xui một chỗ là Ngài đã tu 100 ngàn đại kiếp rồi, cho nên khi mà Ngài nhìn thấy bà ngoại của Ngài đứng kế bên bà vợ, Ngài nghĩ trong bụng: Trời đất ơi, bà ngoại hồi xưa đâu có tệ, mà sao bây giờ nhìn sao ớn quá trời ớn, tóc rồi da mặt, rồi da tay, miệng mồm coi như là móm xọm, nhóp nhép, rồi mắt đổ ghèn, miệng chảy nước, rồi tóc le que như trái dừa khô mà gọt chưa có xong vậy đó, nhìn nó nản quá đi, rồi tay chân lẩy bẩy run rẩy. Còn bà vợ kế bên coi như cực kỳ sung mãn, Ngài nghĩ hồi đó bà ngoại cũng cỡ như bà xã mình, rồi bây giờ qua mấy cuộc bể dâu, bây giờ nhìn ớn quá đi, Ngài nhìn vậy Ngài hết chịu nổi rồi, thì ngay trong cái lễ cưới, Ngài là chú rễ ăn mặc vòng vàng châu ngọc tùm lum hết, nhưng mà Ngài nhìn thấy cảnh bà ngoại Ngài ớn quá, cho nên nghe khó chịu trong người Ngài mới xin đi vô trong bụi chút xíu, thì ai cũng tin, ai ngờ Ngài lẻn vô đó Ngài vọt mất trốn luôn trong rừng, chứ Ngài không có dám quay lại đám cưới. 

Thì Ngài gặp được mấy vị Tỷ-kheo đang trì hạnh đầu đà ở trong rừng, đầu đà nghĩa là mấy vị ăn mặc ở cái mức độ gọi là tối thiểu, khiêm tốn, đơn giản ở mức tận cùng bằng số, các vị Đầu Đà Sư, giữa rừng hoang như vậy thì Ngài thấy được mấy ông Sư, Ngài mừng quá, Ngài mới chạy đến Ngài quỳ lạy Ngài xin đi tu, thì mấy vị đó nói không có được, trong Pali nói thế này: 

– Ngươi là con của ai? mà đã vậy đến đây mình mẩy đầy vòng vàng trang sức như vậy thì ngươi không giống ai hết, làm sao cho đi tu? có ai đi tu mà vòng vàng đầy như ngươi vậy hay không? 

Thì Ngài mới la lên: 

– Trời ơi tôi bị cướp, tôi bị cướp! 

Thì các vị Sư mới hỏi: 

– Ở đây chỉ có chư Tăng với ông mà ông nói ai cướp? 

Thì Ngài nói: 

– Cái cơ duyên mà giác ngộ, cái cơ duyên mà tu hành của tôi bị mất rồi, thì không phải bị cướp chứ là cái gì? 

Thì chư Tăng nói:

– Đâu có được, ông đi tu là tốt, nhưng có điều không biết ông gốc gác làm sao, bởi vì trong Luật cấm chúng tôi không có cho ai mà mơ hồ nhân thân lý lịch, bữa nào gia đình tới nó cào chùa làm sao? 

Thì Ngài nói: 

– Chư Tăng không biết con, nhưng mà anh ruột sư huynh của con thì biết các Ngài, mà các Ngài cũng biết ông anh của con nữa. 

Thì các vị hỏi ông anh là ai, Ngài nói:

– Ông anh ở ngoài đời tên là Upatissa mà đi tu rồi nghe hình như là Sàriputta thì phải! 

Thì lúc đó chư Tăng nghe vậy chư Tăng mới Ồ một tiếng: Ồ! Thì ra Ngài Xá-lợi-phất Ngài có dặn, Ngài nói là gia đình của Ngài đều là người tà kiến, cha mẹ ông bà là người tà kiến, cho nên Ngài sẽ là quyền huynh thế phụ, Ngài mới nói trước: Sau này mấy đứa em mà đi tu, chỉ cần nói tới chữ Xá-lợi-phất thì cứ cho tu, chứ không có cần mà hỏi ở nhà làm chi, bởi vì hỏi là coi như ở nhà say no là cái chắc rồi! 

Thế là chư Tăng nghe nhắc đến Ngài Xá-lợi-phất là chư Tăng biết liền: Vậy là được, cho nó xuất gia. Xuất gia xong rồi, ngay trong rừng cây đó, Ngài mới tinh tấn hành thiền, mà hành hoài không có đắc, trong Chú Giải nói tại sao Ngài không có đắc, là bởi vì một lý do là sukhumàlakulaputtassa lùkhabhojanam bhunjantassa cittam valìtam nàma hoti do Ngài xuất thân là công tử bột, sung sướng cực kỳ, cho nên bây giờ sukhumàlakulaputta là công tử bột. 

Sẵn đây tôi nói luôn có nhiều người hỏi tôi mà tôi cứ trả lời từng người tôi mệt quá, cho nên tôi trả lời chung ở đây, trả lời chung cho những người hay hỏi: trong mấy bìa sách tôi có ghi là tôi sẽ phát hành một cuốn gọi là Tự điển chữ khó Pali, các vị ngạc nhiên không biết chữ khó là làm sao? Dạ thưa chữ khó là như thế này, như chữ vừa rồi, như sukhumàlakulaputta là công tử bột, mai mốt ai học Pali mà gặp chữ đó là công tử bột là trúng rồi, sukhumà nghĩa là mịn, mềm, tinh tế, tinh vi, sắc sảo, nhưng mà sukhumàla có nghĩa là cái người mà sống trong một môi trường nhung lụa được cưng như trứng, hứng như hoa, thì kẻ đó được gọi là sukhumàla là công tử bột, dân tháp ngà.

Thì trong Chú Giải nói rằng bởi vì Ngài sướng quá đi, con nhà đại gia mà, cho nên suốt 3 tháng ăn uống, chỗ ở nó hành Ngài, rồi muỗi cắn, con vắt, con ve, lạnh nóng bất thường chịu không nỗi, hành thì Ngài có cái pháp nguyện như thế này: Cho đến bao giờ Arahattam appatvà dasabalam và bhàtikattheram và na passissàmì ta mà chưa đắc Đạo La-hán thì ta thề không gặp Phật, không gặp Đại sư huynh. Dassabala là Phật Đấng Thập Lực. Mà Ngài nỗ lực như vậy suốt ba tháng trời không có đắc, đến tháng thứ ba thì Ngài mới đắc. 

Lúc Ngài đắc Quả xong thì mới có cái chuyện đặc biệt, trước đó Ngài Xá-lợi-phất từng có ý muốn đi thăm ông em của mình, đọc chỗ này mới thấy thương, trí tuệ của Ngài Mục-kiền-liên chỉ đứng sau Ngài Xá-lợi-phất, và biến hóa thông của Ngài Xá-lợi-phất chỉ đứng sau Ngài Mục-kiền-liên, vậy mà trong đời sống bình thường, các Ngài hoàn toàn không có để lại dấu vết gì của một con người thần thông quảng đại, trí tuệ siêu phàm, Ngài có ý đi vào rừng thăm em của mình, mà đi bằng đường bộ, đi bằng chân không, đầu trần chân đất, Ngài tính như vậy, Ngài muốn như vậy nhưng mà chưa có dịp. Khi ra Hạ rồi, Ngài Xá-lợi-phất mới vào thưa với Phật: 

– Bạch Đức Thế Tôn, con muốn đi thăm ông em của con ông tu trong rừng. 

Trong Kinh nói nếu trước đây Ngài Xá-lợi-phất lên tiếng, thì Đức Phật đã cản, nhưng bữa nay Ngài biết là đi được, bởi vì Ngài biết vị kia nguyện là không muốn gặp lúc còn phàm, cho nên Ngài nói:

– Nếu mà Xá-lợi-phất đi thì Như Lai cũng đi. 

Thế là chư Tăng rất là đông cùng đi với Đức Phật vào trong rừng. Và trong Chú Giải mới nói thế này: trên đường đi đến ngã ba, tiếng Pali là dvedhàpatham, dve là hai, mà dvedhà là hai phần, dvedhàpatha là ngã ba đường, thì Ngài Anan mới bạch Đức Phật: 

– Bạch Thế Tôn, bây giờ ở đây có cái ngã ba, mình nên quẹo đi đâu, mình đi hướng nào?

Đức Phật Ngài hỏi:

– Phải đi về đâu, trái đi về đâu, thẳng sẽ về đâu? 

Thì Ngài Anan nói:

– Bạch Thế Tôn, nếu mà mình đi thẳng ujumagga thì chỉ có 30 do tuần, nhưng đường đó thì ma thiên nước độc amanussapatho khó khăn lắm, còn parihàramaggo là đường vòng, ngõ quẹo, (đây là mấy chữ khó trong cuốn tự điển sau này), nếu quẹo phải quẹo trái nó tới 60 do tuần gấp đôi, đi đường thẳng thì 30 nhưng mà ma thiên nước độc, còn đi đường quẹo thì nó gấp đôi, nhưng mà đi bát dễ hơn subhikkho là tiện khất thực, dễ có đồ ăn subhikka.

Thì Đức Phật Ngài mới hỏi: 

– Trong đoàn có Sìvali đi cùng phải không?

Thì Ngài Anan nói : 

– Dạ đúng, trong đoàn có Ngài Sìvali đi cùng.

Đức Phật dạy rằng:

– Nếu mà có Sìvali đi cùng thì 30 cây số không thành vấn đề, chuyện ma thiên nước độc là không thành vấn đề, cứ đi đường thẳng 30 do tuần, chỉ cần Sìvali là được.

Trong đây chúng ta phải biết thêm, bản thân Đức Phật và Ngài Xá-lợi-phất thì phước tràn trề, nhưng nhân dịp này Đức Thế Tôn Bậc Toàn Giác mỗi ngày như vậy phải làm chuyện gì, Ngài không có sắp đặt sẵn nhưng mà mỗi ngày Ngài biết cái chuyện gì cần phải làm cho ngày đó, buổi sáng Ngài chỉ nhìn một phát là Ngài biết liền, Ngài biết hôm nay mình phải làm cái gì, nói cái gì, gặp ai, cho nên với Trí của Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác Ngài biết rằng hôm nay là cái dịp tốt nhất để Ta tuyên dương Sívali là Đệ nhất tài lộc. 

Thế là Thầy Trò mới trực chỉ đi thẳng con đường 30 do tuần, xuyên qua một vùng ma thiên nước độc, sơn lam chướng khí, mà đặc biệt là đi đến đâu, thấy cũng nhà cửa, nam thanh nữ tú, dập dìu ngựa xe như nước mà áo quần như nêm, giai nhân tài tử giữa rừng sâu mà đầy ắp, rồi có người ra đường quỳ cúng thực phẩm, hoa đăng trỗi nhạc. Thật ra đó là do chư Thiên tạo ra, đã vậy đi đến nơi tới chỗ ở của Ngài Revata thì một ngôi đại tự sừng sững nóc chạm mây, sơn son thếp vàng, phòng ốc đầy đủ, phòng nào là phòng riêng của Thế Tôn, phòng nào của các vị Trưởng Lão, phòng nào cho các vị tân thọ Tỷ-kheo, già thì sao, trẻ thì sao, cực kỳ thích hợp, điện nước đầy đủ.

Chư Tăng ở đó xong xuôi, tới lúc mà ra đi, thì lúc đó Đức Thế Tôn Ngài mới suy xét: Trong nhóm các Tỷ-kheo ở đây có những người không có phục Ngài Revata, vì họ thấy chỗ ở quá tiện nghi, cho nên Ngài mới chú nguyện, tức là buổi sáng trước khi Ngài đi, Ngài mới hỏi: 

– Này Revata, ngươi ở đây như vậy rồi tiếng gầm rú của thú rừng có làm phiền ngươi không?

Thì Ngài mới trả lời thế này:

– Tesam me, Bhante, saddam sunato arannarati nàma uppajjatìti Cứ mỗi âm thanh như vậy nó làm cho con càng vui với hạnh ở rừng hơn, càng thấy hoan hỷ với rừng hơn.

Lúc bấy giờ Đức Phật đã đọc một hơi 500 bài kệ liên tục để mà tán thán hạnh ẩn lâm sống ở rừng, và đồng thời Ngài cũng chú nguyện Yehi bhikkhùhi therassa avanno kathito Những vị Tỷ-kheo nào mà Ngài biết có lòng bất phục đối với Ngài Revata, tesam kattarayatthiupàhanàtelanàlichattànam pamussanabhàvam akàsi Ngài chú nguyện Bất cứ Tỷ-kheo nào mà có lòng bất phục, hiểu lầm, thì hãy bỏ quên một vài món đồ lại để cho họ nếm mùi. Tức là sau khi khen Ngài Revata, Ngài từ giả ra đi, nhưng trước khi ra đi Ngài chú nguyện là ai mà có lòng bất phục thì hãy bỏ quên đồ lại! Thế là Ngài đi. 

Thì những vị quên đồ trong vòng 3 giây phát hiện ra, trong đây mới kể thế này: mỗi vị quên một món, vị thì quên dép, có vị quên dù, có vị quên gậy, là những món Đức Phật cho phép khi đi rừng mình có, mấy vị quay trở lại, thì ôi thôi ngỗn ngang gò đống, cỏ gai ngập lối, các vị biết rừng hoang mà quý vị, coi như trong đây nói các vị không thể đi thẳng người được mà phải khom, tasmim tasmim thàne ukkutikam nisìdanti, jànukena gacchanti có vị phải ngồi mà đi, có vị phải bò bằng đầu gối, bởi vì cỏ, gai chằng chịt, một là phải vừa ngồi vừa đi, hai nữa là vừa bò vừa đi, để mà về lấy món đồ mà mình bỏ quên.

Thì hai nhóm chư Tăng mới đi về chùa Kỳ-viên, bà Visàkhà gặp nhóm một, bà mới hỏi:

– Con nghe nói Đức Phật và chư Tăng đi thăm Ngài Revata, đi trong rừng chỗ đó ma thiên nước độc, mà thấy chư Tăng đi đông quá như vậy rồi vô đó sinh hoạt làm sao?

Chư Tăng nhóm về trước mà không biết gì, thì nói là:

– Trời đất ơi, nói ở trong rừng chớ trời ơi cô biết không, sang trọng lắm! 

Có vị còn đưa lên mây nữa, vị đó nói:

– Cõi trời không hơn! 

Trong tiếng Pali đây kêu là cõi trời không hơn Nandanavanacittalatàdipatibhàgam tam senàsananti tức là cái chỗ ở của Ngài không có thua gì cõi Đao Lợi!

Nhưng khi bà gặp nhóm sau, nhóm bỏ quên đồ, bà cũng hỏi thăm:

– Các vị cũng mới trong rừng về phải không? 

– Chúng tôi cũng mới đi về, trời đất ơi cái chỗ đó thiệt tội nghiệp thiệt chứ, thấy thương quá, thấy Ngài tu ở trong rừng mà khổ cực quá!

Thì bà nghe bà mới lấy làm lạ, bà nói:

– Ủa sao mà con nghe mấy vị kia nói là trong đó đã đời lắm mà, sao bây giờ các Ngài lại nói khác?

Thì bà mới vào hỏi Phật:

– Bạch Thế Tôn, chỉ một trú xứ của Tôn giả Revata thôi, mà vì đâu mà chư Tăng cùng đi một chuyến, cùng đến một nơi, mà trở về thì nói mỗi người một khác, là sao con không hiểu?

Thì Đức Phật Ngài trả lời một câu vắn tắt thôi:

– Bất cứ nơi chốn nào mà La-hán cư ngụ, thì nơi chốn ấy là chốn đất lành. 

Chỉ vậy thôi, chứ Ngài không có nói hơn, một câu nói mà người có Trí như bà sẽ hiểu: dầu cái nơi chốn nào mà La-hán cư trú, chỉ cần có bóng dáng La-hán thì cõi đất nào cũng là đất lành hết! Câu đó ngụ ý cho biết rằng chỗ đó không phải là chỗ ma thiên nước độc, bởi vì người ta đã nói dầu mà, cái chữ dầu này ghê lắm! dầu cái chỗ nào đi nữa mà chỉ cần có bậc chơn tu hiền Thánh cư ngụ thì chỗ ấy là đất lành vậy! Thì bà nghe bà hiểu rồi , bà không hỏi thêm nữa, chỉ biết lễ Phật mà lui ra thôi. 

Thế rồi sau buổi chiều đó, Đức Thế Tôn mới hợp chúng lại và Ngài nói thế này:

– Ta từ duyên sự đi thăm Revata, Ta có thể tuyên dương hai vị đệ tử, thứ nhất Sìvali, chúng Tỷ-kheo phải thấy rằng chúng ta đã đi qua 30 do tuần đường rừng ma thiên nước độc, ấy vậy mà chúng ta đến đâu thì chư Thiên cúng dường đến đấy, đó là phước của Sìvali, Ta nói rằng trong đệ tử của Ta, Đệ nhất về tài lộc chính là Sìvali. Và nhân vật thứ hai cũng cần được tuyên dương, đó chính là Revata, Khadiravaniya Revata, Revata em trai của Xá-lợi-phất là Đệ nhất ẩn lâm, vì trong đệ tử của Ta không có vị nào mà xét về hạnh ẩn lâm hơn được Revata.

Vì sao? Vì trong Chú Giải có nói thế này: các vị khác anne therà aranne vasamànà những vị khác mà muốn sống ở rừng thì vanasabhàgam udakasabhàgam bhikkhàcàrasabhàganca sallakkhetvà aranne vasanti những vị khác mà muốn sống ở rừng là phài rà, phải dò, phải xét xem coi chỗ nào đi đứng tiện, khất thực tiện , nước nôi tiện , đường xá tiện, chỗ ở bằng phẳng, sạch sẽ, gọn gàng, dễ tiến, dễ thoái. Riêng vị này thì không, đi xuất gia chỗ nào, xuất gia xong, ở ngay chỗ đó không có lòng kiếm tìm, xác định, để ý, dò xem ở đâu tiện hay không tiện, vị này xuất gia chỗ nào ở y chỗ đó, khi sống ở rừng tuyệt đối không có lòng kiếm tìm cái trú xứ thích hợp.

Nhưng chỗ này cũng xin mở ngoặc nói thêm đối với một vị Lục thông thì bây giờ vị đó mà có ngồi trên cái chảo dầu cũng y như ngồi ở trên cái nệm gấm vậy thôi! Lục thông mà, nhưng mà phải công nhận ở đây cũng là cái hạnh đặc biệt. 

Chú Giải mới giải thích, La-hán ở trong rừng thiếu gì, nhưng vị này được xem là đệ nhất là vậy đó, tức là vị này đặc biệt cuộc đời gắn liền với rừng, bỏ đám cưới, chạy đi đâu? Chạy vào rừng, gặp mấy ông Sư ở rừng, xuất gia xong cũng ở rừng và yêu rừng với tất cả niềm nỗi! Không có lựa chọn, cho nên đệ nhất ẩn lâm là vậy đó.  

Ngài Kankha Revata

Vị này 100 ngàn đại kiếp về trước, cũng gặp Phật, cũng được thấy Phật tuyên dương một vị Đệ nhất nhập thiền, Jhànalàbhi là Đệ nhất thiền giả, nghĩa là thời gian nhập thiền chiếm phần lớn thời gian trong đời. Trong đây nói thời gian nhập định của vị này nhiều hơn cả Thế Tôn, nói như vậy không có nghĩa là Đức Phật thua, nhưng tại vì Đức Phật đâu phải lúc nào Ngài cũng nhập, rồi ai đi độ sanh? Vị này là trú thiền nhiều hơn nữa. 

Đây cũng là cái hạnh, các vị có thể thích hay không thì tùy, nhưng mà tôi đã nói rồi, trong rừng đệ tử Thánh chúng của Thế Tôn, mỗi vị có một biệt hạnh, và tất cả biệt hạnh ấy cộng lại trở thành trăm hoa đua nở trong cái khu rừng Thánh chúng, trong cái Đạo tràng Chánh Pháp. Thì đúng là trăm hoa đua nở thì có người thích hoa này, hoa kia, hoa hồng, hoa lài, hoa lý, glaieul, cẩm chướng, thược dược, quý vị thích cái nào thì chọn cái đó, chứ bây giờ trong đây có nhiều cái hạnh có người thích, người không thích. Như tôi nghe nói hạnh ẩn lâm, là bắt đầu tôi lạnh xương sống rồi, rồi hạnh đầu đà là nghe nó nổi da gà rồi, rồi hạnh phấn tảo Y là chuyên gia mặc Y cũ tôi thấy ớn quá, lượm vải bó xác tôi thấy chịu không nổi rồi! Nhưng có nhiều người họ khoái, cái hạnh Đệ nhất tài lộc thật sự tôi cũng không khoái, trong đây có mấy cái hạnh mà tôi khoái, thí dụ như là Đệ nhất trí tuệ, Đệ nhất thiên nhãn, Đệ nhất túc mạng minh thì nghe còn hơi vui vui một chút, nhưng mà thôi, khi bệnh quá tôi không có muốn nhất cái gì hết, bét cũng được nữa, miễn là Tu-đà-hườn đắc xong rồi chết ngắc cũng được, ngán quá rồi, hổng có nguyện cái gì đặc biệt hết trơn! Chỉ cần hết cái thân kiến, hoài nghi để bảo đảm không đọa là được rồi! Còn nhiều vị họ quởn thì họ cứ đi! 

Vị này sau 100 ngàn đại kiếp tu tập ba-la-mật, đến đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vị này trở thành con của một đại phú gia, sau đó đi nghe Pháp, rồi xuất gia, đắc thiền, và đặc biệt là kể từ khi đi xuất gia, vị này hay chú ý, làm gì cũng hỏi, lòng luôn e ngại mình phạm luật, trong Chú Giải gọi là kappiyesu vatthusu kukucca nghĩa là cứ ray rứt trong khi sinh hoạt thường nhật vốn không có gì phải lo, nên có ngoại hiệu là Revata chuyên gia nghi ngại. Ngài không có phạm luật, nhưng cứ cái gì cũng sợ, cũng ngại, không biết cái này được không, người ta đem lại cúng cho ly sữa uống, cũng hỏi cái này có hợp luật không, người ta đem lại trái xoài, trái cóc, trước khi ăn cũng hỏi mấy vị kế bên, cái này có ok không tôi mới ăn nha! người ta đưa cho đôi dép, đưa cho cây gậy, người ta cúng cho cây đuốc, viên thuốc uống cũng hỏi, hỏi cái này có ok không, ok là tôi mới xài à, cứ suốt tới khi nào đắc A-la-hán thì thôi, đắc A-la-hán thì mới hết! Thì từ đó vị đó mới có cái ngoại hiệu là Kankha Revata, Revata Nghi ngại, kankha nghĩa là chuyên gia nghi ngại. 

Ngài được gọi là Đệ nhất thiền giả là sao? Là bởi vì sau khi đắc La-hán rồi là thời gian Ngài nhập định coi như chiếm phần lớn cuộc đời, cứ quởn là ngồi thiền, quởn là ngồi thiền! Đó là cái hạnh.

Ngài Sona Kolivisa

Vị này là Đệ nhất tinh tấn, ngày xửa ngày xưa cũng từng gặp một Đức Phật quá khứ, rồi thấy có một vị Tỷ-kheo được tuyên dương là Đệ nhất tinh tấn, cho nên vị này thích lắm, mới phát nguyện đời sau con sinh ra cũng được đệ nhất tinh tấn. Thì đúng vậy, sau 100 ngàn đại kiếp tu tập, vị này gặp nhiều vị Phật Độc Giác, Phật Toàn Giác, không gặp được vị Chánh Đẳng Chánh Giác thì gặp Phật Độc Giác, cúng dường nhiều kiếp, đến kiếp cuối cùng thì gặp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và Ngài đi xuất gia, cách đi xuất gia cũng đặc biệt lắm, Ngài về nhà Ngài mới xin cha mẹ, mà cha mẹ từ chối, thì Ngài nói thế này: 

– Một là cho con đi, còn hai mà con ở nhà thì coi như cha mẹ chỉ có cái xác này thôi, bởi vì con sống không nỗi đâu! 

Trong Kinh nói là sirasà sampaticchitvà bán mạng mà xin, sira là cái đầu, sirasà là bằng cái mạng của mình để xin, Ngài nhận được lời cha mẹ cho, rồi Ngài đi tu. Vì Ngài là công tử bột ở ngoài đời sướng dữ lắm, cho nên khi xuất gia buổi đầu cơ thể không có quen, điều kiện sinh hoạt cực kỳ khắc nghiệt rất khó của người tu. Ngày xưa dùng lá Y kiếm sống thì rất là khó đối với Phật Giáo Nguyên Thủy, còn kiểu mình bây giờ thì lá Y là chỗ trú tuyệt vời, nhưng mà đời sống Nguyên Thủy, bây giờ chỉ cần ông Sư không được phép giữ tiền, là coi như số người đi xuất gia sẽ giảm rất là nhiều. Ở đây tôi không dám vô phép, phạm thượng, nói tất cả chư Tăng là vì vật chất xuất gia, tôi không dám nói, nhưng tôi chỉ nói theo Đạo thôi, có nghĩa là hôm nay chỉ cần ông Sư không được phép giữ tiền thì số người xuất gia ít lắm, bởi vì nó bất tiện chứ không có gì hết, trong số đó có những người dỏm đồ giả thì khỏi nói, nhưng mà những vị có lòng tu thiệt họ cũng rất là bất tiện. Bằng chứng ở dưới Khmer, có nhiều vị hoàn tục không phải vì họ chán tu mà bởi vì nó quá bất tiện đi, bị bệnh mà trong chùa không ai lo hết, cứ để nằm lây lất, trong khi ở nhà có cha có mẹ, còn không ở ngoài đời đi làm mình dành dụm một mớ tiền, có lúc bệnh mình còn xoay sở, còn đằng này đi tu đâu có tiền, mà dưới đó đâu có phật tử lo như trên đây, cho nên một khi mà đã bệnh rồi chỉ có chết thôi, tôi thấy rất nhiều vị Sư Khmer hoàn tục, chỉ vì một lý do rất là dễ thương, đó là không có đủ tài chánh. 

Thì vị này đi tu gặp khó khăn là bởi vì đời sống nó quá khó đi, mà công tử bột, cho nên vị này đi kinh hành, mình đi thì đâu có sao, còn vị này đi chân không, đi một hồi nó phồng, nó rợp, mà vẫn cứ đi, đi một hồi cái chỗ mà phồng nó bị tét da, nó bễ, nó chảy nước, bắt đầu nó ra máu. Mà tại sao tôi tả kỹ như vậy, vì trong Kinh kể rõ như vậy, tức là nó phù ra rồi nó đọng nước, nó bễ cái mục nước, bắt đầu thịt mới tét, máu trây trét nó chảy máu, rồi máu bị trét trên đường, nhìn con đường máu không vậy đó mà vẫn đi, đi cuối cùng không nỗi, vị này bắt đầu bò pàdesu avahantesu jannnukehipi hatthehipi vàyamitvà cankamati có nghĩa là đi kinh hành riết hết nỗi, cuối cùng mới là đi bằng tay, rồi đi bằng đầu gối, rồi cuối cùng vẫn không đắc gì hết, vị này mới nghĩ thế này: Mình hổng có duyên rồi, người ta là ugghatitannù nghe một câu đã đắc, vipancitannù nghe một thời đã đắc, neyyo được hướng dẫn chút đỉnh đã đắc, rồi padaparamena mayà bhavitabbam còn mình chỉ là cái hạng tu từ chương thôi, tức là mình chỉ dừng lại ở chữ nghĩa thôi. Cho nên là kim me pabbajjàya vậy ta xuất gia có lợi ích gì, hìnàyàvattitvà thôi thì ta hãy hoàn tục, bhoge ca bhunjissàmi sống hưởng thụ như người cư sĩ, punnàni ca karissàmi ti rồi bắt đầu làm phước này phước kia, chứ còn tu không nổi nữa rồi. 

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn biết được chuyện đó, cho nên Ngài đã cùng với chư Tăng Bhikkhusanghaparivuto tattha gantvà Ngài cùng với đông đảo chư Tăng đến đó để thăm viếng, rồi Ngài mới giảng cho vị này nghe một ít về đề mục để tu, xong rồi Ngài mới trở về núi Kỳ-xà-quật. 

Còn Ngài sau khi Đức Thế Tôn đã đi không bao lâu thì Ngài cũng đắc A-la-hán. Khi Đức Phật giảng cho vị này nghe về áng xứ-đề mục, hồi đó vị này tu lộn, bây giờ Ngài cho một đề mục thích hợp, xong rồi Ngài ra đi, thì khi Thế Tôn ra đi không bao lâu nacirasseva thì vị này arahatte patitthàsi đắc quả A-la-hán. 

Về sau trong một hội chúng chùa Kỳ-viên thì Đức Phật đã tuyên dương trước mặt Tứ Chúng rằng: 

– Trong đệ tử Thinh Văn của Ta, Đệ nhất tinh tấn chính là Sona Kolivisa.

Có nghĩa là đi kinh hành đến cái mức không đi được nữa mà phải bò mà vẫn tiếp tục kinh hành.

Ngài Sona Kutikanna

Vị này có một biệt hạnh là Đệ nhất ăn nói dễ thương, tiếng Pali Chánh Tạng là kalyànavàkka, trong Chú Giải giải thích là madhuravacanàna, madhu là mật, madhuravacana có nghĩa là lời nói nghe như rót mật vào tai, madhura là lời ngọt ngào, kiểu nói mà rót mật vào tai là đã có bên Ấn Độ mấy ngàn năm trước, chứ không phải đợi tới mình bây giờ mới có. Cái này không phải diệu âm, cái diệu âm của Ngài Lakuntaka Bhaddiya nghĩa là giọng nói hay như Phạm Thiên, nghe thấy hay để mà thích thôi, còn cái này nghe thấy thương. Có những giọng hát mình nghe rất là hay, nhưng mà có những giọng hát mình nghe mình mê, mình muốn về mình ở với người ta, hai cái đó khác nhau, giọng hay là khác, còn ăn nói dễ thương là khác. Việt Nam có câu: Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe.

Vị này là thiên hạ đệ nhất ăn nói dễ thương, vị này cũng sau 100 ngàn đại kiếp tu tập ba-la-mật, rồi cuối cùng đến kiếp chót thì gặp được Đức Phật của mình, thì vị này đi xuất gia. 

Trong đây có nói đến hai con Dạ xoa rất là nổi tiếng, đó là cuối đời Giáo Pháp của Đức Phật Ca-diếp, lúc đó Phật Pháp coi như đã mạt rồi, đến thời mạt vận, mạt thế, mạt pháp rồi, thì có hai ông Sư trẻ tranh luận với nhau, mà một ông thì nói đúng, một ông nói sai, thì ông nói sai là ông tào lao tầm bậy, tầm bạ, dốt mà có điều là gian hùng, còn ông mà nói đúng thì ông lại là người chơn chất … thiệt thà. Cho nên ông kia mới đi gõ cửa những người phật tử thân để ông xin cho bằng được đường sửa, xà bông, máy móc, đồ xịn, đồ tốt, ông đem tới cúng dường cho hai vị Trưởng lão nhân vật quan trọng của Giáo hội, ông cúng rồi ông nỉ non ỉ ôi là: Con bị ăn hiếp, ổng tưởng ổng hay, ổng tưởng ổng giỏi, ổng cãi với con, ăn hiếp con, rồi ổng nói mai mốt ở trước mặt chư Tăng ổng đem ra ổng hỏi coi chư Tăng xử coi ai đúng. Thì hai vị đó tu cả đời trong sạch lắm, trí tuệ bằng trời, nhưng bữa đó ma xui quỷ khiến làm sao đó, thấy hai mâm lễ phẩm coi bộ ngó cũng được, cho nên hai vị có hứa: Không sao đâu, con có thể dở hơn ổng, nhưng mà con biết điều. Đại khái như vậy. Thế là ít bữa sau trước mặt chư Tăng, thì ông kia đem ra ổng trình, ông nói:

–  Bây giờ ý kiến về Giáo lý như vậy, con xin hỏi hai Ngài coi ai đúng ai sai. 

Chư Tăng cứ trông cậy hai vị lớn này phân xử, hai vị lớn này nói ông kia đúng. Làm cho cái ông nhà quê ổng buồn quá đi, ổng mới khóc, ổng nói: 

– Hai Ngài đã vì người mà bỏ Pháp! (cái câu này rất là quan trọng). Hôm nay mới đúng là cái ngày mà Đức Thế Tôn viên tịch! 

Ngài nói cái câu đó đặc biệt: hai Ngài đã vì người mà bỏ Pháp rồi, hôm nay mới đúng là ngày mà Đức thế Tôn viên tịch! Nói như vậy rồi vị đó bỏ đi, không ai biết đi về đâu. Nói về hai vị trưởng lão này, sau cái chuyện đó cứ trằn trọc, ray rứt, áy náy không yên, đêm đêm như vậy đó không có ngủ, nghe tiếng thạch sùng nó kêu cầm canh cầm canh, mà cứ nhớ chừng chừng cái lời của ông Sư nhỏ ổng nói: Hai Ngài vì người mà bỏ Pháp, hôm nay Thế Tôn mới thật sự là viên tịch lần nữa nè! Thì cứ cánh cánh bên lòng cái câu nói đó hoài, nó ám cho tới lúc lên giường chết, lúc mà chết thì cứ ám câu đó, thay vì với công đức tu hành, hai vị này thừa sức coi như là lên tới cõi nào cũng được, nhưng mà xui là vì có cái mâm đó thôi, mà nói sai Chánh Pháp, không phải sai gì nhưng mà bênh cái ông kia, chỉ bênh ông kia thôi. Hai vị này không có được về trời mà phải sanh ở trong núi Tuyết sơn làm hai đại lực quỷ vương, một vị tên là Hemavata, một vị tên là Sàtàgira. 

Câu chuyện về hai vị này chúng tôi có viết ở trong quyển Chuyện phiếm thầy tu, tựa là Chuyện liêu trai trong Kinh điển Pali, tôi dịch lai một cách tiểu thuyết hóa, nó hơi thơ mộng hơn một chút, nhưng bảo đảm nội dung không có sai, không có thêu dệt nhiều như Đường xưa mây trắng. 

Trong câu chuyện về Ngài Sona Kutikanna có nhắc tới hai nhân vật này, là khi đi nghe Pháp, ông này đi nghe Pháp rồi ông về mới kể cho ông kia nghe, rồi cả hai người cùng đắc Đạo. 

Sau khi mà Ngài đi nghe Pháp rồi về đi xuất gia, Ngài là đệ tử của Ngài Mahà Kaccàyana Đệ nhất luận nghĩa, có khả năng phân tích rộng rãi những câu kệ, những bài Kinh vắn tắt, một bữa Ngài Maha Kaccayana Ngài mới nhìn cái huệ căn của vị này Ngài biết, cho nên Ngài mới dạy cho vị này học thuộc lòng tám chương trong Tiểu Bộ Kinh, phần Sutta Nipata Kinh Tập gồm toàn các câu kệ, có nội dung tinh hoa của Phật Pháp. Ngài biết trước Ngài nói: Ngày mai con về gặp Phật, mà mọi chuyện sẽ diễn ra như vầy, như vầy … Ngài nói trước cho biết như vậy. Còn bà mẹ của vị này cúng cho vị này một cái tấm chăn rất là đắc tiền, tiếng Pali là kambala hiểu bây giờ giống như bằng cashmere vậy đó, quý lắm, vị này mới dặn là khi Sư về gặp Phật thì Sư trãi cái này ở trong phòng của Phật, để cho Phật sử dụng, nếu Sư có ở lại phòng của Thế Tôn thì Sư có thể ngủ ở trên tấm này, nhưng để lót trong phòng của Ngài để Ngải trãi lót chân. 

Thì mọi sự đúng như vậy, vị này trước khi đi đã là một vị đắc A-la-hán, cho nên khi về thăm Phật, vị này vừa lễ Phật xong, thì Đức Phật Ngài biết mọi chuyện sẽ như vầy, như vầy, Ngài biết! Cho nên Ngài mới nói với Ngài Anan là hãy sắp xếp chỗ ngủ cho Tỷ-kheo Sona này. Trong Kinh nói là Ngài Anan biết ngay dụng ý Thế Tôn muốn gì, cho nên thay vì vị khác thì Ngài sẽ tìm một phòng trống, nhưng mà riêng bữa nay Ngài cố ý Ngài dọn cho vị này một cái chỗ nằm ngay trong phòng của Đức Phật, và sau đêm đó trời gần sáng Đức Phật Ngài mới nói: 

– Sona đọc cho Như Lai nghe một ít kệ ngôn Phật Pháp mà Sona đã được nghe đi.

Ngài Sona đã là A-la-hán rồi, Ngài đọc một hơi 16 bài kệ, mà cái giọng đọc rất là dễ thương, rất là hay, Ngài đọc xong rồi, Đức Phật Ngài Sadhu, và những câu hỏi của Đức Phật được Ngài trả lời rất là mềm mại, dễ thương, lễ phép, mà đặc biệt là Ngài có trình lên Đức Phật, Ngài nói:

– Bạch Thế Tôn, Thầy Hòa Thượng của con trước khi con đi, Thầy có dặn dò con khi gặp Thế Tôn con phải thưa như vầy, như vầy, như vầy; Bạch Thế Tôn, trước khi con đến để gặp Thế Tôn, mẹ con có dặn con như vầy, như vầy … mẹ có dặn là đem cái tấm mền này đến trãi cho Thế Tôn ở trong phòng Thế Tôn, nếu con có ngủ lại đó thì con có thể nằm ở trên đó, rồi sau đó Thế Tôn có thể làm tấm chùi chân.

Ngài nói hết cái chuyện như vậy, thì khi mà Đức phật Ngài nói Sadhu Sadhu Sadhu, trong Kinh nói là cả một cái vũ trụ đều rền vang tiếng của chư Thiên cũng Sadhu. Chư Thiên nghe được cuộc đối thoại giữa Ngài và Đức Phật, ai cũng phải nhìn nhận với nhau là chưa có vị Tỷ-kheo nào mà có cái thỏ thẻ hay mà nó dễ thương, mà nó mềm như vị này, cho nên vào một buổi chiều thu là rụng, trước mặt đại chúng đông đảo, Thế Tôn đã trân trọng tuyên dương trước đại chúng rằng:

– Trong tất cả Thinh Văn của Ta, vị mà có cách ăn nói dễ thương nhất chính là Sona Kutikanna Thera./.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua Paltalk năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app