Nội Dung Chính
(IV) VƯỢT QUA HÀO QUANG LUNG LINH CỦA CÁI TÔI
Hành Trình Dẫn Đến Giác Ngộ Giải Thoát Của Mae Chee Kaew
“Thấy rõ vô minh nhờ ánh sáng của tuệ giác, chúng ta trở nên nhàm chán với dính mắc của ta vào mớ đau khổ này và buông bỏ sự nắm giữ của ta. Trong khoảnh khắc mát mẻ đó, lửa trong tim ta dịu đi, và sự giải thoát khỏi đau khổ tự nhiên sinh khởi.”
Mae Chee Kaew đã học được cách kiểm tra các hiện tượng thông qua việc sử dụng tưởng thức riêng biệt đồng thời với nhận biết của cốt lõi tâm sẵn có.
Cô nhận ra rằng tâm thức trôi chảy tự nhiên từ cốt lõi của tâm để tạo ra hoạt động nhận thức. Và những nhận thức đó được định nghĩa và phiên dịch bằng hoạt động tạo khái niệm của tâm, bắt nguồn từ cốt lõi tĩnh lặng. Do đó cô tập trung chú ý đặc biệt vào thời khắc mà dòng tâm thức khuấy động và trỗi dậy từ sự tĩnh lặng trong trung tâm sống của tâm cô.
Mỗi một ý nghĩ, một tia lóe lên của ý tưởng, gợn lên nhẹ nhàng qua tâm, rồi diệt đi. Đứng tách riêng, những gợn sóng tâm này không có ý nghĩa cụ thể. Chúng chỉ lóe lên trong chốc lát trong nhận biết rồi biến đi không dấu vết. Những ý tưởng vụn vặt – những yếu tố của suy nghĩ – lóe lên rồi tắt có bắt đầu và kết thúc rõ ràng, như tia chớp lóe hoặc đom đóm nhấp nháy.
Nhưng sự ghi nhận rồi diễn giải của tâm đi chậm hơn nhiều, bao phủ luồng tâm thức như một làn sương mù di động, trước khi tụ lại thành những hình thức khái niệm rõ ràng. Ký ức và suy nghĩ kết hợp cùng nhau để hình thành các khái niệm và ý niệm về một cái tôi hiện hữu.
Hoạt động tạo khái niệm bao gồm các hiện tượng tâm thường xuyên sinh diệt một cách tự nhiên. Các hiện tượng này tự chúng không có nhận biết. Cái hay biết chúng là cốt lõi của tâm, bản chất biết bao trùm tất thảy. Tâm về cơ bản là không có tính nhị nguyên; nó chỉ là một thực tại sống.
Luồng tâm thức từ trung tâm nhận biết tạo ảo giác về lưỡng cực, về bên trong và bên ngoài, cái biết và cái được biết. Sắc tướng và khái niệm là những hiện tượng do hoạt động của tâm thức tạo duyên.
Vì ảo giác vi tế và tràn khắp tồn tại trong tâm của mọi chúng sinh, cái nhận biết sắc tướng và khái niệm trở nên dính mắc vào những thứ do tâm thức tạo nên này. Bám níu vào khái niệm một cá nhân, một con người, tâm biến cảm thọ, ký ức, suy nghĩ thành một cái tôi. Sự bám níu đó biến bản thân tâm thành một cá nhân.
Nhưng suy nghĩ và cảm thọ thực ra chỉ là những chức năng hữu vi của tâm; không phải cốt lõi gốc của nó. Cốt lõi biến thành tâm thức liền tạo ra hiện thực theo khái niệm, không phải là hiện thực bản chất. Và hiện thực theo khái niệm về cái tôi là đối tượng của dính mắc đã bắt rễ sâu bền. Mae Chee Kaew nhận ra rằng tâm chân thực không có hình tướng, và không tạo khái niệm.
Bằng việc quan sát một cách tự nhiên các hiện tượng với chánh niệm rõ ràng, cô đã thoát khỏi sự dính mắc vào suy nghĩ theo khái niệm, điều này cho phép cốt lõi biết xả bỏ việc thêu dệt trong tâm trước khi chúng có thể xuất hiện chắc chắn trong dòng tâm thức.
Trước khi một ý nghĩ hay một ý kiến có thể hình thành đầy đủ, cốt lõi biết chỉ buông xả, làm tâm đang sinh tan biến vào hư không. Cuối cùng, bản chất không dính mắc của cốt lõi thực của tâm cũng trở nên hoàn thiện đến mức hàng loạt các sự thể hiện qua thức cũng không thể trụ được, mà tan ra trước sự hiện diện tĩnh lặng, hùng mạnh của nó.
Khi đó, tâm của Mae Chee Kaew giống như một chiến trường nơi lực lượng của sự tồn tại của tâm thức đấu chọi với cốt lõi bao trùm, bao phủ tất cả nhưng không giữ lại gì. Vì sự rỗng không sâu sắc thường xuyên hòa tan vô số hình thức tồn tại đang nổi lên, cốt lõi biết của tâm chiếm ưu thế, càng trong sáng và tinh khiết hơn.
Khi tuệ giác thâm nhập sâu được vào bản chất ảo giác của các hiện tượng trong tâm, bản chất biết buông bỏ mọi khái niệm, hoàn toàn nhận ra rằng chúng chỉ là những gợn sóng trong tâm và không có bản chất thực. Bất kể chúng hiện ra thế nào trong tâm, chúng chỉ là những hình tướng hữu vi – các quy ước của tâm, rồi cũng chỉ tan vào hư không. Không có ngoại lệ nào.
Thiền của Mae Chee Kaew đang phá hủy khuôn mẫu của tâm đã thống trị sự tồn tại từ vô lượng kiếp trong luân hồi. Không một ý nghĩ nào có thể khởi lên hoặc hình thành, cho thấy chánh niệm thực sự và tự nhiên đã sinh khởi. Sự quan sát tự nhiên của tâm là sự hướng tâm trong sạch, không bị pha trộn, nó đưa đến tuệ giác rõ ràng, xuyên thấu một cách tự nhiên.
Khi tâm hiểu rõ ràng bằng tuệ giác trực kiến rằng không thể tìm thấy cái tôi trong các hiện tượng của tâm, sự buông bỏ xảy ra một cách tự nhiên. Khi chú tâm hẹp lại, các dòng tín hiệu tâm gửi ra càng ngắn hơn và ít hơn.
Mae Chee Kaew đã nghiên cứu và hiểu các hiện tượng theo khái niệm kỹ càng đến mức cốt lõi sáng trong không còn tạo ra mối liên hệ tâm thức với chúng nữa. Suy nghĩ và tưởng tượng trong tâm đã ngưng lại hoàn toàn. Bản chất biết cốt lõi của tâm đứng tách riêng, tự một mình.
Ngoại trừ sự nhận biết cực kỳ thanh sạch – sự nhận biết tràn ngập toàn bộ vũ trụ – tuyệt đối không còn gì xuất hiện. Tâm đã vượt ra khỏi các điều kiện về không gian và thời gian. Bản chất lung linh của sự sống dường như vô giới hạn, nhưng cực kỳ rỗng rang, bao trùm mọi vật trong vũ trụ.
Mọi thứ như đều có một tinh chất vi tế của biết, như thể không còn gì khác tồn tại. Rũ sạch những thứ che mờ và bao phủ cốt lõi hoàn hảo của mình, tâm của cô hiển lộ sức mạnh thực sự của nó.
Khi mọi tay chân của vô minh đã bị chặt bỏ hoàn toàn, tâm của cô hội tụ vào nhân của hào quang rực rỡ – hào quang to lớn và có sức lôi cuốn đến mức Mae Chee Kaew cảm thấy chắc chắn rằng nó báo hiệu kết thúc của mọi đau khổ mà cô đã đấu tranh để đạt được.
Buông bỏ được mọi dính mắc vào các yếu tố của cái tôi, cái chói sáng rực rỡ vi tế ở trung tâm của tâm cô trở thành điểm chú ý duy nhất còn lại của cô.
Tiêu điểm nhận biết của cô tinh xảo và thanh sạch không thể mô tả được, và toát ra một niềm hạnh phúc chưa bao giờ có và lạ lùng đến mức nó như hoàn toàn vượt qua cõi của các pháp hữu vi.
Tâm lung linh toát ra đầy sức mạnh và không gì có thể làm nó sứt mẻ. Không gì có thể ảnh hưởng đến nó được. Mae Chee Kaew bây giờ chắc chắn cô đã đạt được mục đích cuối cùng, Niết bàn.
“Thấy rõ vô minh nhờ ánh sáng của tuệ giác, chúng ta trở nên nhàm chán với dính mắc của ta vào mớ đau khổ này và buông bỏ sự nắm giữ của ta. Trong khoảnh khắc mát mẻ đó, lửa trong tim ta dịu đi, và sự giải thoát khỏi đau khổ tự nhiên sinh khởi.”
Giữa tháng 10 năm 1952 cây sến đỏ đầy hoa rực rỡ. Ngồi dưới gốc cây vào một buổi chiều, tâm cô được tắm trong sự rực rỡ, Mae Chee Kaew thấy đã đến lúc thông báo cho Ajaan Mahā Boowa về thành tựu tột bực của mình. Xét cho cùng, ngài chính là nguồn cổ vũ động viên dẫn tâm cô đến sự chói lọi oai phong sâu sắc. Đã đến lúc đền đáp lại niềm tin của ngài vào cô bằng thành quả của khải hoàn.
Hôm đó là ngày tụng giới, cô đến thăm ngài lúc chiều muộn. Cô rời thiền viện cùng vài cô tu nữ khác, đi cùng nhau qua cánh đồng rìa làng cho đến khi đến bờ bên kia. Từ đó, họ bắt đầu leo dốc núi đến hang của Ajaan Mahā Boowa.
Nhìn thấy Ajaan Mahā Boowa ngồi ở cửa hang, Mae Chee Kaew cúi lạy thầy mình tỏ sự sùng kính và chào ngài. Rồi cô cúi đầu, chắp tay vào nhau và xin phép được nói. Cô nói về tiến bộ của mình trong năm vừa qua, cẩn thận đưa chi tiết về các giai đoạn liên tiếp nhau trong trải nghiệm của mình, kết thúc bằng tiếng “sư tử gầm”, sự rỗng rang tỏa sáng tâm bao trùm toàn bộ vũ trụ và vượt qua khỏi thế giới hữu vi.
Khi cô ngừng nói, Ajaan Mahā Boowa nhìn lên và hỏi một cách từ tốn, “Đã hết chưa?” Mae Chee Kaew gật đầu. Ajaan Mahā Boowa ngưng một lát rồi nói:
“Khi con tìm hiểu các hiện tượng của tâm đến khi con hoàn toàn vượt ra ngoài chúng, những ô nhiễm còn lại của tâm thức sẽ rút lại vào một hạt nhân tỏa sáng duy nhất của nhận biết, hợp vào với cốt lõi tỏa sáng tự nhiên của tâm.
Hào quang này to lớn và tuyệt vời đến mức các căn siêu việt như chánh niệm, tỉnh giác tự nhiên và trí tuệ trực kiến cũng nằm dưới sự điều khiển của nó không thoát được. Sự trong sáng của tâm rất tuyệt vời và làm cho mọi người trầm trồ ngưỡng mộ đến mức không gì có thể so sánh được.
Cốt lõi lung linh là sự cô đọng của thiện pháp và phạm hạnh hoàn hảo, là bậc cao nhất trong hạnh phúc tâm linh.
Đó là cái tôi thực sự ban đầu – cái lõi của sự tồn tại của con. Nhưng cái tôi thực sự này cũng là nguồn gốc cơ bản của dính mắc vào sự tồn tại và muốn trở thành. Cuối cùng chính sự dính mắc vào sự lôi cuốn của hào quang nguyên thủy này của tâm làm cho các chúng sinh lang thang vô định trong thế giới của trở thành và tan rã, luôn luôn bám víu vào sinh để rồi chịu đựng tử.
“Nguyên nhân căn bản của dính mắc đó chính là vô minh về cái tôi thực sự của con. Vô minh là cội nguồn của tất cả các ô nhiễm của tâm thức, và đầu ra của nó là quán tính hoạt động liên tục của thức.
Trong lĩnh vực này, vô minh là chỉ huy tối cao. Nhưng một khi chánh niệm và trí tuệ đủ mạnh để hạn chế hoạt động của thức và do đó đóng đầu ra này lại, ảo giác tạo bởi dòng chảy của các hiện tượng của tâm không còn nữa.
Cắt đứt mọi luồng ra bên ngoài làm vô minh không còn chỗ quay trong tâm, bắt nó phải tụ lại thành một hạt nhân sáng rực rỡ mà từ đó mọi sự biết bắt nguồn. Trung tâm của sự biết này là một sự rỗng rang rực rỡ thực sự tràn ngập và đầy kinh ngạc.
“Nhưng không được nhầm lẫn sự rỗng rang rực rỡ hào quang ấy với sự rỗng rang thanh khiết của Niết bàn. Hai cái đó khác nhau như ngày và đêm. Cái tâm rực rỡ hào quang ấy là tâm gốc của vòng sinh tử không ngừng; chứ không phải là cốt lõi tâm thuần khiết hoàn toàn thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Hào quang là một trạng thái rất vi tế mà sự rực rỡ và trong sáng làm nó có vẻ rỗng rang. Đó là bản chất tự nhiên gốc của con nằm ngoài tên và hình tướng. Nhưng đó chưa phải là Niết bàn. Nó là cái rất căn bản của tâm đã được thanh lọc đến độ có được đặc tính nổi trội là bản chất biết đầy lôi cuốn và oai phong.
Khi tâm rốt cuộc buông bỏ mọi dính mắc vào hình tướng và khái niệm, cốt lõi còn lại cực kỳ tinh khiết. Nó đã buông xả tất cả – trừ chính nó. Nó vẫn bị bao trùm bởi vô minh căn bản về bản chất thực sự của chính nó.
Vì vậy, cốt lõi rực rỡ hào quang đã chuyển sang hình thái vi tế của cái tôi mà con không nhận ra. Cuối cùng con tin rằng những cảm thọ vi tế của hạnh phúc và hào quang tỏa sáng là cốt lõi vô vi của tâm. Không biết là vẫn còn vô minh, con chấp nhận cái tâm oai phong này như sản phẩm cuối cùng. Con tin nó là Niết bàn, là sự rỗng rang siêu việt của tâm thanh tịnh.
“Nhưng sự rỗng rang, hào quang, trong sạch và hạnh phúc đều là các trạng thái rất vi tế của tâm vẫn bị bao phủ bởi vô minh. Khi con quan sát sự rỗng rang cẩn thận, với chú ý không ngừng, con sẽ thấy nó không thực sự đồng bộ, không thực sự thường tồn.
Sự rỗng rang do vô minh tạo ra là kết quả của các pháp hữu vi rất vi tế. Thỉnh thoảng nó thay đổi chút ít – rất ít thôi – nhưng đủ để cho con biết là nó vô thường. Những thay đổi vi tế có thể thấy được, vì mọi pháp hữu vi – bất kể là chúng tinh khiết, rực rỡ và oai phong thế nào – chắc chắn sẽ biểu lộ vài triệu chứng không bình thường.
“Nếu đó thực sự là Niết bàn, tại sao trạng thái tinh khiết này của tâm lại bộc lộ những trạng thái vi tế khác nhau? Nó không phải là thường và thực. Hãy tập trung vào trung tâm lung linh rực rỡ đó để thấy rõ rằng hào quang của nó vẫn có những tính chất đó – vô thường, không hoàn hảo và không bản chất – cũng giống như tất cả các hiện tượng khác mà con đã vượt qua. Khác biệt duy nhất là hào quang này vi tế và trong sạch hơn rất nhiều.
“Hãy cố gắng tưởng tượng con đang ở trong một căn phòng trống. Con nhìn xung quanh và chỉ thấy không gian trống rỗng – khắp mọi nơi. Hoàn toàn không có gì chiếm lĩnh không gian đó – ngoại trừ con, đứng ở giữa phòng.
Ngưỡng mộ sự rỗng rang, con quên bản thân mình. Con quên là con chiếm vị trí trung tâm trong không gian đó. Thế thì làm sao căn phòng rỗng được? Một khi còn có người trong căn phòng đó, nó không thể hoàn toàn trống rỗng.
Khi con cuối cùng nhận ra được rằng căn phòng không bao giờ có thể thực sự trống rỗng nếu con không rời đi; đó là giờ khắc vô minh về bản ngã thực sự của con tan rã, và tâm vô si, thanh tịnh khởi lên.
“Khi tâm đã buông xả tất cả các pháp, tâm hiện ra cực kỳ rỗng rang; nhưng ai còn ngưỡng phục sự rỗng rang, ai còn đang dính vào sự rỗng rang, người đó vẫn đang còn tồn tại.
Cái tôi, như một điểm tựa, là cốt lõi của mọi sự hay biết sai lệch, vẫn còn lẫn trong cốt lõi biết của tâm. Cảm giác về bản ngã là vô minh căn bản. Sự hiện diện của nó cho thấy sự khác biệt giữa sự trống rỗng vi tế của tâm tỏa hào quang và sự rỗng rang siêu việt của tâm thanh tịnh, thoát khỏi tất cả mọi hình tướng của vô minh.
Cái tôi là chướng ngại thực sự. Ngay khi nó tan rã và biến mất, không còn lại bất kỳ chướng ngại nào nữa. Sự rỗng rang siêu việt xuất hiện. Cũng như trường hợp của một người trong căn phòng trống, ta có thể nói tâm thực sự rỗng rang chỉ khi cái tôi rời khỏi mãi mãi. Sự rỗng rang siêu việt này là sự tách rời hoàn toàn và mãi mãi mà không đòi hỏi bất kỳ một cố gắng nào nữa để duy trì.
“Vô minh là sự nhận biết mù quáng về bản chất, được khoác áo bên ngoài bằng hào quang, trong sáng và hạnh phúc. Do vậy, đó là thiên đường an toàn nhất của cái tôi. Nhưng những tính chất quý báu đó cũng chỉ là sản phẩm của các nhân duyên vi tế. Sự rỗng rang thực sự xảy ra chỉ khi từng dấu tích nhỏ của pháp hữu vi biến mất.
“Ngay khi con quay lại và biết nó là cái gì, nhận biết sai lầm đó sẽ tan rã ngay. Phủ mờ cái thấy của con bằng vẻ lộng lẫy của nó, sự lừa bịp lung linh ấy đã che mất kỳ quan tự nhiên thực sự của tâm.”
Trở về thiền viện tối hôm đó, Mae Chee Kaew quán xét xem cái tâm đầy hào quang đã trở thành dính mắc dai dẳng còn lại duy nhất của mình như thế nào. Ca tụng và nâng niu nó hơn tất cả mọi thứ, cô không hề muốn can thiệp vào nó. Trong toàn bộ thân và tâm, không gì nổi trội như sự lung linh đó. Nó gợi lên cảm giác kinh ngạc mê hoặc trong tâm – và hệ quả là một cảm giác bảo vệ dính mắc – đến nỗi cô không muốn cái gì động chạm vào nó cả.
Vì Mae Chee Kaew còn vô minh về cốt lõi của tâm biết, cô quên không tìm hiểu và đánh giá bản chất tự nhiên của cốt lõi đó. Khi phạm vi của tâm thu vào trong, nó tụ mình vào một nhân hào quang – rực rỡ, vui vẻ và ngoan cường. Mọi hoạt động của tâm đều khởi lên từ nhân đó. Tâm thức trôi chảy từ nhân đó. Suy nghĩ hình thành từ đó. Mọi niềm hạnh phúc cũng như tụ ở đó. Do đó cô đã tin rằng đó phải là Niết bàn, trung tâm của sự sống của cô, luôn luôn sáng và trong.
Nhưng bây giờ cô nhận ra rằng đó chính là cái nhân của nguồn gốc cho mọi khổ đau. Không hề run sợ, Mae Chee Kaew bắt đầu xem xét tỉ mỉ hào quang rực sáng phi thường của mình, tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào của sự không hoàn hảo. Tâm lung linh trông không một tì vết, không bị phiền nhiễu gì và thoạt đầu vô cùng trong sáng.
Nhưng khi cô nhìn nó kỹ hơn, cô bắt đầu nhận thấy một ít mờ đục cũng vi tế tương đương thỉnh thoảng nổi lên làm vẩn đục cốt lõi biết sáng rực rỡ hào quang trong suốt như pha lê ấy. Sự bất thường này khiến một dạng vi tế tương đương của sự không thỏa mãn và không chắc chắn lọt vào. Những trồi sụt cực nhỏ mà cô quan sát được đã thể hiện đủ rõ sự thay đổi để cô nghi ngờ và khích lệ cô kiên trì.
Cuối cùng, cô đã an trú hoàn toàn vào việc quan sát sự thay đổi đó đến nỗi cô mất mọi cảm giác về thời gian. Cô hoàn toàn quên thời gian trong ngày, thời gian để ngủ và thậm chí là cả việc cô đang rất mệt. Không hề nản chí, cô tiếp tục ngày qua ngày, để ý những sự không đồng nhất nhỏ nhất khi chúng khởi lên, cho đến khi sự chắc chắn về nhận biết tỏa sáng hào quang giảm dần rồi biến mất hẳn.
Khi tia bình minh đầu tiên của ngày 1 tháng 11 năm 1952 ló rạng, Mae Chee Kaew thấy thân mình mệt mỏi. Với chánh niệm hoàn hảo, cô đã thiền đi trong bốn tiếng đồng hồ bằng đôi chân trần. Cô quyết định ngồi nghỉ một lúc trước khi đi ra bếp chuẩn bị thức ăn cúng dường cho chư tăng.
Tia ban mai đầu tiên của bình minh bắt đầu rọi sáng phần chóp đỉnh của cây sến đỏ, tắm những bông hoa vàng trong ánh sáng nhẹ nhàng của sự thức tỉnh sắp xảy ra. Cô chậm rãi bước về chiếc chõng tre dưới gốc cây, và ngồi hoàn toàn tĩnh lặng một lúc lâu – khoảnh khắc của định sâu không chú tâm, tĩnh lặng.
Một quãng tĩnh lặng kéo dài nơi không có gì tiến lên phía trước, không gì lùi lại sau và không gì đứng yên. Tiếp đó, tỉnh giác nhưng không biết cái gì cụ thể, ngưng trong sự rỗng rang, hào quang trong suốt như pha lê của tâm mà cô đã nâng niu bao lâu bỗng nhiên quay chiều và tan rã – lộ ra cốt lõi biết tất cả, thanh tịnh tràn ngập tâm và bao trùm toàn vũ trụ. Cái biết ở tất cả mọi nơi, nhưng không biết cái gì.
Không có tính cách và không có nguồn gốc, bắt nguồn không từ một điểm cụ thể nào, cái biết chỉ đơn giản là sự xảy ra đồng thời của sự mở rộng của vũ trụ.
Sự nhận biết đầy hào quang đã tan biến trong tích tắc, để lại sự tinh khiết của tâm và tự do cốt yếu của tịnh Pháp – cái biết vô vi đã hoàn toàn vượt qua mọi hình thái khái niệm của con người.
“Mọi người nói rằng họ muốn đạt được Niết bàn do đó họ nghển cổ và nhìn lên sự mênh mông của không gian. Họ không nhận ra rằng họ có nhìn được xa và cố gắng đến đâu, họ cũng không tìm thấy được Niết bàn. Đơn giản là nó không có trong thế giới của thực tại quy ước.”
Sông và đại dương: sông chảy tự do ra biển cả, mỗi con sông có một tên và đặc tính riêng của mình. Tuy nhiên, khi đã chảy hết ra biển mênh mông, các nguồn nước hợp lại thành một chất cơ bản và các con sông mất những đặc tính riêng của chúng. Nước sông vẫn đó nhưng không còn tính chất riêng khác biệt với đại dương nữa. Sông và đại dương không phải là một, mà cũng không khác nhau.
Cũng tương tự như vậy, cốt lõi thanh tịnh của Mae Chee Kaew đã hợp vào đại dương không biên giới của Niết bàn. Cốt lõi vẫn thế, không thay đổi. Nhưng không thể phân biệt nó khỏi yếu tố cốt lõi của Pháp thanh tịnh của Niết bàn.
Và cũng như nước sông không thể quay về thượng nguồn, cốt lõi đã hợp nhất của tâm không thể nối kết với những giây phút quá khứ của thức sinh ra ảo giác về sự tiếp diễn của cái tôi.
Sống trong thực tại không thời gian, không bị trói buộc bởi quá khứ và tương lai, cốt lõi đó không gặt quả của nghiệp cũ hoặc gieo hạt cho nghiệp mới. Nó không còn để lại mảy may dấu vết nào đánh dấu sự tồn tại của nó.
Trong nhiều ngày, Mae Chee Kaew hoàn toàn an trú trong tinh chất của sự chứng ngộ. Ánh hào quang của tâm mà cô đã nâng niu bao lâu nay trở thành thô và bẩn khi mang ra so sánh, như là phân để cạnh vàng vậy.
Cuối cùng, qua luồng tâm thức tự nhiên, cốt lõi của tâm bắt đầu kết nối với các căn nhận biết và với sự tồn tại vật lý của thân cô – những yếu tố thuộc về con người trần thế vẫn đang phải chịu nằm trong vòng sinh tử.
Tâm thức của Mae Chee Kaew và tấm thân vật lý của cô là những thứ còn dư sót lại của nghiệp quá khứ từ vô lượng kiếp, và chúng sẽ tiệp tục nhận quả từ những hành động trong quá khứ cho đến khi chúng tan rã khi chết.
Mặc dù mọi dính mắc vào chúng đã tan biến trong đại dương mênh mông của Niết bàn, thân và tâm tiếp tục hoạt động bình thường trong môi trường tự nhiên của chúng.
Nhưng vì cốt lõi của tâm đã thanh sạch, mỗi một ý nghĩ là một thể hiện của vô si, và mỗi một cử chỉ là một thể hiện của sự chứng ngộ.
Sống trong thế gian nhưng không còn là của thế gian nữa, tâm của Mae Chee Kaew không bị ảnh hưởng bởi những ham muốn trần thế. Vì thân và tâm của cô là quả của nghiệp quá khứ còn vương sót lại, cô nghĩ tới việc vén tấm màn che các kiếp quá khứ của mình để xem nó dẫn đến đâu.
Bằng sức mạnh của thiên nhãn, cô bắt đầu quán chiếu về quá khứ vô thủy của các kiếp sống trước của mình. Cô ngạc nhiên khi thấy bao nhiêu lần mình đã sinh ra và bao nhiêu lần mình đã chết; nhìn thấy bao nhiêu kiếp mình đã dừng chân trong thế giới vô tận của cõi hữu tình.
Nếu số xác không thể đếm được mà cô đã vứt bỏ trên con đường ấy được trải ra khắp diện tích cả vùng quê thì cũng không còn một chỗ trống nào. Hãy tưởng tượng quãng thời gian từ khi sinh ra cho đến khi chết cho từng đó kiếp sống! Không thể nào đếm được tất cả những lần sinh và tử. Quá, quá nhiều để có thể thử đếm nữa cơ.
Cô sững sờ khi nhìn quá khứ của mình. Tại sao đã sinh ra vào đau khổ biết bao lần, mà cô vẫn luôn gắng sức để sinh ra tiếp? Cuối cùng, chú ý của cô quay sang số xác không thể đếm được mỗi người đã bỏ đi khi sống trên trái đất này. Cô thấy như vậy ở mọi nơi. Mọi chúng sinh, nam hay nữ, có quá khứ giống hệt nhau trong việc chết và tái sinh; tất cả đều bị cột trong một chu trình sai lầm.
Mọi người đều bình đẳng về mặt này. Không hề có bất công và bất bình đẳng, chỉ có nhân của nghiệp và duyên tạo điều kiện dẫn đến nhiều hình thái lặp đi lặp lại của trở thành và tan rã. Lùi về quá khứ vô cùng, cô thấy cõi hữu tình đầy ắp xác chết và sự phân hủy của chúng sinh. Đó là một cảnh tượng khó quên.
Mae Chee Kaew luôn từ bi – cô đồng cảm sâu sắc với số phận tâm linh của đồng loại. Nhưng sự thực của Pháp tối cao tràn đầy tâm cô bây giờ đã vượt qua toàn bộ hình thức khái niệm của nhân loại. Làm sao cô có thể giải thích bản chất đích thực của Pháp cho người khác được?
Thậm chí nếu cô có thử, người bình thường, còn đắm chìm trong vô minh, không bao giờ có thể hy vọng nắm bắt được sự thanh tịnh phi thường của tâm. Cô khó có thể tìm được người nào có đủ ý thức lắng nghe để mà giảng.
Do đó, Mae Chee Kaew đầu tiên thấy không có động cơ để nói về trải nghiệm của mình. Dù sao cũng đã tìm được đường ra, thoát được một mình là cô đã mãn nguyện rồi. Cô được tự do sống cuộc sống tĩnh mịch hoàn hảo trong những năm còn lại của mình. Hoàn thành trọn vẹn ước nguyện cả đời là đạt được Niết bàn đã là quá đủ rồi. Cô thấy không có lý do gì phải mang trách nhiệm dạy dỗ cho phiền toái.
Quán chiếu sâu thêm khiến cô tưởng nhớ đến Đức Phật và vai trò dẫn lối của Ngài trong việc phát hiện ra con đường đích thực đoạn diệt khổ đau. Suy nghĩ lại về Pháp giải thoát và đoạn đường cô đã phải trải qua để vén mở nó, cô cuối cùng đã nhận ra mình trong những người khác: cô cũng đã từng là một người như họ.
Nguồn trích dẫn: Mae Chee Kaew – Hành trình tới Giác ngộ và Giải thoát. Tác giả: Ajaan Dick Sīlaratano