Giac Ngo Giai Thoat
Sơ đồ Thập Nhị Nhân Duyên do Đại Sư Mogok sử dụng để giảng dạy cho các đệ tử tại Miến điện – Sư Chân Tuệ dịch Việt.

1. Đức Phật đã hoàn toàn giác ngộ điều gì? Cơ sở nền tảng của Đạo Phật

[1] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā (Ni Liên Thiền) nơi cội cây bồ đề và vừa mới hoàn toàn giác ngộ. Khi ấy, đức Thế Tôn đã ngồi với thế kiết già ở cội cây bồ đề trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.

Khi ấy vào canh một của đêm, đức Thế Tôn đã suy nghiệm về sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện (paṭiccasamuppāda) thuận chiều và nghịch chiều rằng:

“Vô Minh duyên cho các Hành (sanh khởi),
các Hành duyên cho Thức (sanh khởi),
Thức duyên cho Danh Sắc (sanh khởi),
Danh Sắc duyên cho Sáu Xứ (sanh khởi),
Sáu Xứ duyên cho Xúc (sanh khởi),
Xúc duyên cho Thọ (sanh khởi),
Thọ duyên cho Ái (sanh khởi),
Ái duyên cho Thủ (sanh khởi),
Thủ duyên cho Hữu (sanh khởi),
Hữu duyên cho Sanh (sanh khởi),
Sanh duyên cho Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi;
như thế là sự sanh khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

Nhưng chính

do sự diệt tận của Vô Minh hoàn toàn không còn tham ái (đưa đến) sự diệt tận của các Hành,
do sự diệt tận của các Hành (đưa đến) sự diệt tận của Thức,
do sự diệt tận của Thức (đưa đến) sự diệt tận của Danh Sắc,
do sự diệt tận của Danh Sắc (đưa đến) sự diệt tận của Sáu Xứ,
do sự diệt tận của Sáu Xứ (đưa đến) sự diệt tận của Xúc,
do sự diệt tận của Xúc (đưa đến) sự diệt tận của Thọ,
do sự diệt tận của Thọ (đưa đến) sự diệt tận của Ái,
do sự diệt tận của Ái (đưa đến) sự diệt tận của Thủ,
do sự diệt tận của Thủ (đưa đến) sự diệt tận của Hữu,
do sự diệt tận của Hữu khiến Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não bị diệt tận;
như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”

Sau đó, khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:

Quả vậy, vào thời điểm
các pháp hiện rõ ràng
đến vị bà-la-môn
tinh cần tu thiền định,
và vị ấy rũ sạch
tất cả điều nghi hoặc
từ đó thấu hiểu được
(mọi) việc có nguyên nhân.

[2] Sau đó vào canh giữa của đêm, đức Thế Tôn đã suy nghiệm về sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện thuận chiều và nghịch chiều ….(nt).

Sau đó, khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:

Quả vậy, vào thời điểm
các pháp hiện rõ ràng
đến vị bà-la-môn
tinh cần tu thiền định,
rồi vị ấy rũ sạch
tất cả điều nghi hoặc
từ đó đã hiểu được
sự tiêu hoại các duyên.

[3] Sau đó vào canh cuối của đêm, đức Thế Tôn đã suy nghiệm về sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện thuận chiều và nghịch chiều …(nt).

Sau đó, khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:

Quả vậy, vào thời điểm
các pháp hiện rõ ràng
đến vị bà-la-môn
tinh cần tu thiền định,
tồn tại, tiêu diệt sạch
binh đội của Ma Vương
giống như ánh mặt trời
đang rọi sáng không gian.
Dứt phần nói về sự Giác Ngộ.

Nguồn trích dẫn: Tạng Luật, Đại Phẩm Mahāvagga – Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch

 

* Nội dung được trích từ các bài giảng và tài liệu do Sư Viên Phúc tổng hợp và chia sẻ trên trang Ehipassiko.info

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app