Đối diện cái chết

Năm 2002, Terrell Jones qua đời vì bệnh ung thư tại nhà riêng ở Copper Hill, Virginia. Tám năm trước đó, ông đã gặp được pháp thiền Vipassana và không bao lâu sau đó, vợ ông,

Diane cũng tham gia một khóa thiền. Họ cùng nhau trở thành những thiền sinh nghiêm túc, thiền tập và phục vụ hết khả năng của mình.

Ngay cả việc biết rõ về cái chết của Terrell có thể đến bất cứ lúc nào cũng không ngăn cản được sự phục vụ của hai người. Trong những tuần lễ ngay trước khi mất, Terrell và Diane làm việc trọn thời gian như những nhân viên phụ trách ghi danh cho khóa tu ở một trung tâm không chính thức gần đó.

Hai tuần trước khi Terrell mất, Diane lái xe đưa Terrell đi suốt 12 giờ về hướng bắc đến Trung tâm Thiền Vipassana Dhamma Dharā, ở Massachusetts, nơi ngài Goenkaji và vợ là Mataji đang viếng thăm. Họ muốn bày tỏ lòng tôn kính với hai người và tỏ lòng biết ơn về món quà Vipassana họ nhận được. Trong suốt chuyến đi, Terrell đã là nguồn gợi hứng cho tất cả: không sợ hãi, không hối tiếc, chỉ có sự hân hoan và lòng biết ơn.

Terrell chỉ có 10 tuần lễ để đối diện với không chỉ là bệnh ung thư ở giai đoạn cuối, mà còn là sự mất mát tình yêu thương của ông trong 30 năm qua. Ông cũng phải đối diện với sự thật là ông sẽ không còn nữa để giúp đỡ và an ủi vợ mình.

Khi phải nhìn cơ thể Terrell khô héo dần, Diane cũng có cùng 10 tuần lễ như vậy để học cách đối diện với cái chết của người chồng gắn bó 30 năm qua. Trong tâm trí mình, mỗi ngày bà đều phải đối diện với cái chết của chồng.

Terrell và Diane luôn muốn tìm một phương pháp để giảm nhẹ đi sự luyến ái giữa hai người, để người còn sống sẽ ít đau khổ hơn trước sự mất mát khi người kia chết đi. Và cả hai người đều biết rằng Vipassana chính là phương pháp đó.

Họ thiền tập cùng nhau mỗi ngày, đôi khi trong nhiều giờ. Họ duy trì sự tỉnh giác về các cảm thọ trong nỗi buồn khi họ phải chia xa lâu ngày, và cố giữ sự bình tâm hết mức có thể được trong khi quan sát nỗi đau đớn và sự sợ hãi. Mong ước mãnh liệt của Terrell lúc sắp mất là có được một tâm thức an bình, giữ được trọn vẹn sự bình tâm, với sự tỉnh giác cao độ về những cảm thọ ở thời điểm chết – đ?ó là một mong ước ?đã ?được thành tựu.

Trong thời gian ở Massachusetts, Terrell và Diane đã vui vẻ đồng ý trả lời phỏng vấn, chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của họ về cuộc sống và cái chết đang đến gần của Terrell.

Terrell: Vâng, bà đã biết là tôi bị chứng ung thư mà theo lời bác sĩ thì hy vọng điều trị được rất mong manh. Nhưng đó chỉ là một trò chơi với những con số [về thời gian dài ngắn] mà thôi. Cách đối phó của tôi và Diane là, thực sự mà nói, chúng tôi rất hạnh phúc. Nghe có vẻ ngược đời, nhưng chúng tôi đã xem căn bệnh ung thư này như một món quà, bởi nó cho chúng tôi thấy quá nhiều điều mà trước đây trong cuộc sống hằng ngày chúng tôi không hề nhận biết.

Mỗi ngày, chúng tôi càng nhận biết được nhiều hơn những con người, những sự vật mà chúng tôi cảm thấy phải biết ơn. Trước đây, tôi nghĩ, chúng tôi chỉ xem đó là những chuyện đương nhiên mà không trân quý, đặc biệt là đối với những người bạn yêu mến chúng tôi, nhưng chúng tôi lại nhận biết về điều đó quá ít. Giờ thì chúng tôi không có nhiều thời gian còn lại, hay ít nhất theo dự đoán là như thế, nên chúng tôi không còn xem mọi việc là đương nhiên phải vậy. Chúng tôi luôn cảm thấy mình thật quá may mắn với những gì có được.

Bà Virginia: Anh có lo sợ không?

Terrell: Không, tôi không lo sợ. Có gì để sợ chứ? Tôi có thể chết trong 30 ngày nữa, tôi không biết chắc. Nhưng tôi cũng có thể không chết trong 30 năm nữa. Ngay cả khi tôi có thêm 30 năm nữa, rồi tôi cũng sẽ không sẵn sàng cho cái chết hơn so với bây giờ. Tôi cũng sẽ trải qua chính xác những gì tôi đang trải qua vào lúc này. Vào lúc này, tôi có một cơ hội là 50/50 để vượt qua cái chết. Hoặc là tôi vượt qua và còn sống, hoặc là tôi sẽ chết. Xác suất là 50/50.

Cái chết là tuyệt đối không thể né tránh. Tất cả mọi người trong chúng ta đều phải chết vào một lúc nào đó. Những người không nhận án tử hình từ y học, họ đang ở ngoài kia. Nhưng họ quá bận rộn, họ không ngồi lại suy ngẫm trong từng giây phút về cái chết. Trong khi tôi không có nhiều việc khác để suy nghĩ, nên có lẽ tôi tập trung suy nghĩ sắc bén hơn so với họ.

Bà Virginia: Trong trường hợp như thế nào mà anh tìm gặp được pháp thiền Vipassana?

Terrell: Một buổi tối tôi trò chuyện với một người bạn và than phiền với anh ấy là tôi gặp khó khăn trong giao tiếp. Tôi không thể trò chuyện được với ai cả. Anh ấy nói: “Anh biết không, tôi đã tham gia khóa học này và trong 10 ngày tôi hoàn toàn phải giữ im lặng, gọi là sự Im Lặng Thánh Thiện.” Thế là tôi muốn được một mình đi đến đó. Kỳ diệu thay, mặc dù anh bạn này không tiếp tục thực hành sau khi về nhà, nhưng anh vẫn còn giữ được hai tờ thông tin nhỏ, loại được gởi cho những người tò mò muốn tìm hiểu về các khóa thiền. Anh ấy vẫn còn giữ chúng trong túi hành lý. Tôi đọc qua và ngay lập tức muốn đi.

Nhưng có lẽ tôi đã không đi nếu như việc tổ chức các khóa thiền dựa trên căn bản quyên góp. Bởi vì tôi đã tham gia rồi rút khỏi quá nhiều các hội nhóm khác nhau và tôi rất hoài nghi. Cứ mỗi khi tôi tham gia vào một nhóm nào và tìm hiểu sâu hơn về họ, tôi luôn luôn tìm thấy một điều gì đó mang tính thương mại, mang lại lợi nhuận cho một ai đó. Nhưng việc phục vụ các khóa thiền hoàn toàn miễn phí cho tôi thấy ý nguyện của Vipassana là khác biệt. Tôi đã đến trung tâm này chỉ trong vòng 6 tuần sau khi đọc được 2 tờ thông tin.

Khi tôi hoàn tất khóa thiền 10 ngày, tâm trí tôi quay lại với tất cả những vấn đề bất ổn mà tôi đã gặp lúc ở nhà, và thật không tin nổi, chúng không còn tồn tại nữa! Những phản ứng tôi thường có với một số ý tưởng nhất định về gia đình hay bạn bè, tất cả giờ đây không còn nữa. Trong tôi tràn ngập sự tỉnh giác về những gì tôi có, sự biết ơn mà tôi cần phải có với những con người trong cuộc đời tôi, những người đã chịu đựng tính khí của tôi suốt cuộc đời họ. Tôi không đợi được nữa mà nôn nóng gọi điện thoại ngay cho Diane để nói rằng tôi yêu cô ấy nhiều biết bao, và khẩn khoản xin cô ấy dành cho tôi một cơ hội nữa. Không lâu sau đó, Diane cũng tham gia một khóa thiền và từ đó trở đi, bà biết không, chúng tôi tu tập rất chuyên sâu, nhiều lần trong một năm, rất nhiều khóa thiền. Sự hiểu biết của chúng tôi càng sâu sắc hơn. Giải pháp cho tất cả các vấn đề bất ổn của chúng tôi đã được tìm ra: thanh lọc, thanh lọc và thanh lọc.

Vì chúng tôi lúc nào cũng yêu thương nhau rất nhiều, cho nên mục tiêu tu tập của chúng tôi là phải có đủ tuệ giác Vipassana để khi một trong hai chúng tôi đi dần vào cõi chết thì chúng tôi vẫn đủ khả năng vượt qua mà không hoàn toàn suy sụp. Và chúng tôi cực kỳ may mắn khi đã đạt được mục tiêu đó. Trước đây chúng tôi không biết điều này, bà biết đó. Chúng tôi đã không biết là mình đạt được mục tiêu này, cho đến khi sự việc xảy ra. Chúng tôi đã hoàn toàn không biết mình sẽ phản ứng thế nào với việc một trong hai chúng tôi phải đối diện cái chết, không biết gì cả. Và khi điều đó xảy ra, chúng tôi phát hiện rằng toàn bộ những hiểu biết mới về bản chất cái chết đã bám rễ ở mức độ rất sâu trong chúng tôi. Bên dưới bộ óc lý trí, sâu trong tầng vô thức, có điều gì đó đã mất đi, đã được thanh lọc nhờ công phu tu tập Vipassana.

Với kinh nghiệm này, chúng tôi đang sống cùng với cái chết ngay trong lúc này, tôi không thể nói chính xác… Tôi thực sự không thể nói ra bằng lời là những gì đã [được thanh lọc] không còn nữa. Nhưng bất kể điều gì đã từng khiến tôi có phản ứng sợ sệt với ý nghĩ về cái chết thì nay đã không còn nữa. Tôi không thể giải thích gì, trừ ra việc là bằng cách nào đó mà tất cả những năm tháng tu tập thiền đã xóa bỏ được điều đó, đã dứt trừ bất ổn đó đến tận gốc rễ. Điều đó thật tuyệt vời.

Bà Virginia: Về phần cô Diane, cô đã đối phó với bản thân, với những cảm giác của mình như thế nào khi nhìn thấy Terrell đau đớn dữ dội? Làm thế nào cô chịu đựng được việc mình bất lực không thể giúp giảm nhẹ nỗi đau ấy? Về mặt thể chất, cô có giúp gì được bằng cách nào khác hay không?

Diane: Với chứng ung thư này, Terrell thường phải trải qua sự khó chịu cực kỳ. Tôi hết lòng yêu thương anh ấy nên luôn mong muốn có thể giúp đỡ anh trong những lúc đau đớn ấy. Nhưng có rất nhiều lần tôi không thể làm được điều đó. Tôi cố sửa đổi tư thế nằm của anh ấy cho được thoải mái hơn và cho anh ấy dùng thuốc để giảm bớt cơn đau, nhưng thường thì chẳng hiệu quả gì. Có nhiều lúc tôi nghĩ: “Trời ơi, còn chuyện gì khác tôi có thể làm được nữa đây?”

Tôi muốn giúp anh ấy, nhưng thực tế tôi không thực sự làm được gì nhiều về mặt thể chất. Đó chính là chỗ mà thiền tập hữu ích. Tôi thường nói: “Terrell, chúng ta hãy chú tâm vào hơi thở, chúng ta hãy chú tâm vào cảm giác.” Anh ấy sẽ chú tâm vào cơn đau của mình, còn tôi chú tâm vào cơn đau của tôi.

Cơn đau của tôi là cảm giác vô dụng, nhưng rồi điều đó vẫn luôn thay đổi. Đó là vô thường. Nó thay đổi từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Đôi khi tôi có cảm giác muốn giúp đỡ nhưng không giúp được gì, và chính vào lúc đó sức mạnh trong tôi trỗi dậy. Sức mạnh ấy đến từ bên trong, từ nhiều năm thiền tập, trở nên tỉnh giác về những gì đang xảy ra trong khoảnh khắc hiện tại và bình tâm với điều đó – có một tâm quân bình và nhận thức rõ về vô thường (anicca).

Cho nên, khi thời điểm đến tôi chú tâm vào hơi thở, vì đó là nơi Goenkaji gọi là “những núi lửa nhỏ” sẽ bùng lên. Tôi có thể cảm nhận được chúng đang đến, và khi chúng đến, tôi chú tâm vào hơi thở của mình, tôi chú tâm vào những cảm giác. Đôi khi, thậm chí tôi có thể khóc. Khi nước mắt tuôn tràn, tôi cảm nhận chúng nóng bỏng trên mặt tôi. Tôi chú tâm vào đó. Tôi chú tâm vào những giọt nước mắt đang rơi. Tôi chú tâm vào chỗ nghẹn lại nơi cổ họng. Khi tôi cảm nhận mọi cảm giác trên khắp cơ thể, sự khó chịu giảm nhẹ đi. Tôi có thể giúp anh ấy nhiều hơn qua việc anh ấy thấy được cách này có hiệu quả, và khi anh ấy thấy được như vậy, anh ấy chú tâm nhiều hơn. Đó là một sự hợp tác. Nó hiệu quả theo cả hai chiều. Khi anh ấy thấy tôi khó chịu, anh ấy cũng làm giống như vậy để giúp tôi.

Bà Virginia: Hiện giờ có lẽ nhiều người cho rằng cô đang ở vị trí khó khăn hơn, bởi cô chính là người ở lại [sau khi Terrell mất].

Diane: Tôi biết điều đó, lúc nào tôi cũng nghe họ nói vậy. “Cô là người chăm sóc, và người còn ở lại sẽ phải khó khăn hơn nhiều.” Thế nhưng, như tôi đã nói lúc nãy, sự tu tập đã cho chúng tôi sức mạnh và sự hiểu biết về vô thường (anicca) – thay đổi, thay đổi và thay đổi. Khi anh ấy ra đi, tôi sẽ có sức mạnh từ sự tu tập của mình, sức mạnh từ Vipassana, và tâm từ (mettā) cũng như tình yêu. Tất cả những người đã giúp đỡ chúng tôi qua nhiều năm, và sự tu tập mang lại cho tôi sức mạnh. Tôi cũng biết ơn Vipassana đã đi vào cuộc đời tôi qua anh ấy. Chúng tôi đã trưởng thành, chúng tôi đã trưởng thành với một hiểu biết vượt ngoài ngôn ngữ. Tôi không thể diễn đạt điều đó.

Chúng tôi đã thiền tập cùng nhau mỗi ngày, kể từ ngày bắt đầu. Chúng tôi không bao giờ dao động. Thiền tập bao giờ cũng là một phần quan trọng trong cuộc đời chúng tôi. Khi chúng tôi lớn tuổi hơn, việc phục vụ [trong các khóa thiền] cũng trở nên rất quan trọng. Trong mấy năm gần đây, chúng tôi đã quyết định sẽ dành trọn phần đời còn lại chỉ để phục vụ [trong các khóa thiền] và thiền tập. Điều đó không chỉ giúp truyền rộng Dhamma mà cũng giúp chúng tôi củng cố sự thiền tập của mình. Sự tu tập hằng ngày và tâm nguyện của chúng tôi trở nên mạnh mẽ.

Bà Virginia: Terrell, anh có thể nói về việc phục vụ [trong các khóa thiền]?

Terrell: Phục vụ [trong khóa thiền] cũng tuyệt vời như thiền tập Vipassana vậy. Việc phục vụ tự nó cũng là một khóa thiền khác. Tôi đã tham gia khóa phục vụ 20 ngày hồi năm ngoái. Tôi đã thấy yêu thích việc phục vụ những khóa dài ngày. Bạn đến đó phục vụ mỗi ngày. Bạn làm điều đó vì bạn biết ơn những gì bạn nhận được, và bạn muốn chia sẻ đến với người khác. Cảm giác muốn phục vụ người khác là một cảm giác tốt đẹp – giúp nâng cao tâm hồn và hết sức mãn nguyện. Bạn biết rằng bạn đang hiến tặng thời gian của mình để người khác có thể thực hành Vipassana, nhưng quà tặng mà những người phục vụ nhận lại cũng giá trị không kém, nếu không muốn nói là còn giá trị hơn nữa. Thật tuyệt vời khi nhìn ra thấy cả rừng người đang thiền tập và biết rằng bạn phải là một phần trong đó để điều này có thể được thực hiện. Hết thảy mọi người đang hiện diện ở đó, từ vị thầy hướng dẫn cho đến người lau dọn nhà vệ sinh đều là cần thiết – họ chỉ có chức năng khác nhau thôi. Một số công việc đòi hỏi sự rèn luyện nhiều hơn những công việc khác, nhưng nếu không có những người phục vụ, khóa tu không thể diễn ra.

Bà Virginia: Làm thế nào anh tìm được sự quân bình giữa những nỗ lực giành lại sự sống và việc đạt đến một sự điềm nhiên chấp nhận kết luận y khoa này?

Terrell: Tôi tự thấy mình trong tình cảnh mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Nói ra thật lạ lùng, tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ đến việc bản thân mình bị ung thư giai đoạn cuối. Trong các tài liệu y khoa và trong tất cả những liệu pháp thay thế mà tôi đã từng đọc qua, nếu tìm thấy được một điều gì có hiệu quả, hoặc có vẻ như có hiệu quả, được khen ngợi là hữu ích, hoặc đã từng hữu ích trước đây, tôi đều thử qua. Nhưng tôi không bám víu vào những thứ đó, vì tôi không sợ chết. Tôi sẽ chết bây giờ, hoặc 10 năm nữa, 20 năm, 30 năm nữa – đều là tôi sẽ chết. Không có giải pháp nào né tránh được sự thật là tôi sẽ chết. Vì thế, tôi không tuyệt vọng khi một giải pháp nào đó không hiệu quả. Bây giờ nó không cần phải có hiệu quả. Nếu nó có hiệu quả thì thật tuyệt: Tôi và Diane sẽ có thêm nhiều thời gian để thiền tập và phục vụ. Nếu nó không hiệu quả, cũng thật tuyệt: Chúng tôi có thời gian tuyệt vời này ở bên nhau. Chúng tôi cùng nhau đến với Dhamma. Tất cả những điều tuyệt vời này đã đến với chúng tôi. Chúng tôi tràn ngập sự biết ơn. Chúng tôi vẫn sẽ hạnh phúc bất kể điều gì xảy ra.

Sau khi Terrell qua đời được một tháng, Diane trở lại Massachusetts để thiền tập. Cô ấy kể lại những kỷ niệm lúc anh qua đời và thời gian trước đó.

Diane: Vào buổi sáng anh ấy mất, chúng tôi đã thức dậy và thiền tập. Lát sau, trong khi tôi đang nói điện thoại với một người bạn, tôi nghe Terrell gọi: “Diane, em cần phải đến đây bây giờ.” Tôi đáp “vâng” và ngắt điện thoại. Khi tôi đến bên cạnh, Terrell nói: “Đến giờ rồi.” Một lần nữa tôi nói “vâng”.

Chúng tôi trò chuyện một chút và anh ấy hỏi: “Phải chắc chắn là anh đang làm đúng. Anh đang làm đúng chứ, em yêu?” Tôi trấn an anh ấy: “Đúng, anh đang làm đúng mà.”

Anh ấy rất tỉnh giác, anh ấy bắt đầu tỏa sáng. Màu da anh ấy thay đổi, anh ấy đúng là đang tỏa sáng! Một người bạn lúc ấy ở bên tôi, nhìn anh ấy và xác nhận: “Anh ấy đang tỏa sáng.” Anh ấy đang tràn ngập tình yêu, tràn ngập lòng bi mẫn, và Dhamma như vừa hiện hữu… bạn có thể thấy, anh ấy đang tỏa sáng. Anh ấy hoàn toàn đắm mình trong ánh sáng.

Anh ấy bảo tôi: “Tốt rồi, em yêu. Em sẽ không sao đâu.” Anh ấy không hề sợ hãi. Anh ấy tỉnh giác nhận biết mọi thứ chung quanh mình. Anh ấy nhìn tôi và nói: “Em yêu, anh không nhìn thấy được nữa. Giờ đã đến lúc rồi.” Anh ấy hơi nhếch môi chờ đợi một nụ hôn của tôi. Tôi hôn anh.

Vào lúc ấy, đó là tất cả những gì tôi có thể làm – để cảm ơn anh ấy đã cho tôi món quà Dhamma tuyệt diệu này. Không thực sự khó để buông xả vì Dhamma tràn ngập quanh đây; Dhamma đang hiện hữu. Tôi không cảm thấy bám giữ.

Trước khi mất, anh ấy bắt đầu tụng kệ. Anh không cần phải lấy hơi để thở. Đó là những hơi thở rất bình an và tuyệt vời, tràn ngập tình yêu thương, tràn ngập lòng bi mẫn với cả thế giới này. Tôi không còn là “tôi”, không có “cái tôi”, không có “cho tôi”, không có gì “của tôi”. Khoảnh khắc ấy vô cùng thanh khiết. Tôi đã hoàn toàn quy thuận Dhamma.

Chúng tôi đã từng hết sức luyến ái nhau và biết rằng điều đó là không tốt. Chúng tôi đã hy vọng rằng Vipassana sẽ chỉ ra cho chúng tôi phương pháp vượt qua điều đó. Tôi vẫn thường tự hỏi liệu phương pháp ấy có thực sự hiệu quả không khi thời khắc cuối cùng sẽ đến. Và nó đã thực sự hiệu quả. Tôi đã mất đi người yêu của đời tôi, người bạn thân thiết nhất của tôi, người dẫn dắt cuộc đời tôi. Tôi để anh ấy ra đi. Tôi không thấy dính mắc hay cố bám giữ lấy anh ấy. Thậm chí tôi không hề phải nghĩ đến điều đó. Mọi việc chỉ đơn giản xảy ra theo cách như vậy. Đó không chỉ là một niềm vui, đó là một niềm vinh hạnh khi được ở bên anh ấy và cùng trải qua kinh nghiệm này với anh ấy, được giúp đỡ anh ấy đi qua những giây phút cuối cùng. Trong tôi tràn ngập niềm vui. Thật rất khó giải thích.

Khi anh ấy trút hơi thở cuối cùng, một luồng năng lượng chạy khắp người tôi mà tôi thực sự không thể giải thích. Chỉ biết nó chạy khắp người tôi, một năng lượng tốt lành. Tôi cảm thấy dễ chịu, và tôi biết khoảnh khắc đó anh ấy đã ra đi – từ sự sống đến cái chết.

Chính vào lúc ấy, một điều gì đó bỗng trở nên rõ ràng đối với tôi. Cuối cùng tôi đã hiểu – 9 năm thiền tập, tỉnh giác về mọi cảm giác và bình tâm với hiểu biết về vô thường (anicca) – mọi việc trở nên rõ ràng với tôi, hết sức rõ ràng: Đây là vô thường. Chính là như vậy.

Trái tim tôi rộng mở. Tôi không còn là Diane. Tôi hoàn toàn sống trong khoảnh khắc hiện tại với sự nhận hiểu trọn vẹn về vô thường (anicca), sự không thường hằng của mọi thứ. Tôi hoàn toàn không còn bám víu vào mọi thứ, và tôi tràn ngập niềm vui đến nỗi anh ấy có thể trao đến cho tôi món quà của sự nhận hiểu về khoảnh khắc này. Tôi sẽ giữ lấy điều này mãi mãi và tôi hy vọng có thể chia sẻ với người khác.

Sau khi Terrell trút hơi thở cuối cùng trong cuộc đời này, đã có những giọt nước mắt, nhưng không có đau thương – chỉ có niềm vui tràn ngập. Thật rất khó giải thích điều đó, vì mọi người đều cảm thấy rằng, khi bạn vừa mất đi người yêu của đời mình, bạn phải hoàn toàn bị nhấn chìm. Nhưng trong tôi lại tràn ngập tâm từ (mettā).

Vài giờ sau khi Terrell mất, người ta đưa anh ấy đến nhà tang lễ. Tôi ngồi một mình trên ghế trong phòng khách, nhìn quanh tất cả những đồ vật của anh và nhận ra rằng thứ duy nhất anh ấy mang theo chính là Dhamma.

Trong một lúc lâu, tôi không thể đưa ra quyết định gì. Tôi có thể đi làm việc gì đó nhưng chỉ đứng lặng như thể đang chờ đợi anh ấy. Chúng tôi luôn cùng nhau đưa ra các quyết định, dù là quyết định nhỏ nhặt nhất. Sự gắn bó này chính là điều khiến người ta cảm thấy thiếu vắng khi họ đã từng sống chung với ai đó trong một thời gian dài. Có một khoảng trống vắng rất khó để vượt qua.

Từ sau cái chết của Terrell, đã có những giọt nước mắt và những khoảnh khắc đau thương. Tôi nhớ anh ấy, nhưng vì tôi có thiền tập, tôi có thể ngồi lên gối thiền. Tôi ngồi đó và chú tâm vào hơi thở – ngay cả khi nước mắt chảy xuống ướt đẫm hai gò má – tôi quan sát nỗi cô đơn, đau buồn, sự trống vắng và nỗi đau trong tim, cảm thấy xót thương cho chính mình. Tôi chỉ quan sát và để cho mọi việc cứ tự nhiên diễn ra.

Jarā vyādhi se mauta se,

lade akelā eka.

Koī sātha na de sake,

parijana svajana aneka.

– Hindi doha, S.N. Goenka

Tuổi già, bệnh tật và cái chết,

Chúng ta đều phải một mình đối diện.

Cho dù gần gũi, thân thiết đến đâu,

Cũng không ai có thể chia sẻ cùng ta những điều này.

– Thi kệ (doha) Hindi, S.N. Goenka

Bài viết được trích từ cuốn Nghệ Thuật Chết – The Art Of Dying – Thiền Sư S.N. Goenka và nhiều tác giả. Tải sách file PDF tại đây.

AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT CHẾT

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Nghệ Thuật Chết Của Ngài S.N. Goenka & Nhiều Tác Giả, Được Virginia Halminton Tổng Hợp Và Chuyển Ngữ. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app