Vấn: Nghiệp của chúng sanh làm có mấy thứ? Đáp: Có hai thứ: nghiệp dữ, nghiệp lành.

Vấn: Nghiệp dữ ấy, giải như thế nào? Đáp: Nghiệp dữ ấy là: nghiệp thân, sự làm của thân có 3; nghiệp khẩu, sự làm của miệng có 4; nghiệp ý có 3. Cộng thành 10 nghiệp.

Vấn: Ba nghiệp thân ấy là cái chi? Đáp: Ba nghiệp thân ấy là: sát sanh: là tự mình giết loài động vật (panā tipāta); trộm cắp: là cướp giật, rình người vô ý để lấy của (adinnādāna); tà dâm: là không phải vợ chồng mà giao hợp nhau (kāmesumicchācāra).

Vấn: Bốn nghiệp khẩu như thế nào? Đáp: Bốn nghiệp khẩu là: nói dối: là nói lời không thiệt “có, nói không; không, nói có; thấy, nói không thấy; không thấy, nói thấy”; nói hai lưỡi: là đem chuyện người này nói với người kia cho sanh điều mích lòng, hờn giận, chia rẽ nhau; nói lời dữ: là chửi rủa, mắng nhiếc kẻ khác; nói lời vô ích: là nói những chuyện không có lợi ích, nói chuyện sang đàng.

Vấn: Ba nghiệp ý như thế nào? Đáp: Ba nghiệp ý là: tham tài: là muốn được của người về làm của mình; sân hận: là oán thù muốn làm hại người; tà kiến: là thấy quấy, hiểu lầm rồi chấp là phải.

Vấn: Thân nghiệp, thân ác và thân môn giống nhau hay là khác nhau? Đáp: thân nghiệp: là sự tạo tác thành tựu do nơi thân; thân ác là kể từ khi cầm khí giới giết chết hoặc không chết, gọi là thân ác; thân môn là nói về dỡ tay hay là dỡ chân lên để đánh đập, đạp, đá, gọi là thân môn. Thân nghiệp, thân ác và thân môn khác nhau như đã giải.

Vấn: Thân nghiệp hành do mấy cửa? Đáp: Thân nghiệp hành do 2 cửa: cửa thân và cửa miệng.

Vấn: Hành trong cửa thân như thế nào? Hành trong cửa miệng như thế nào? Đáp: Hành trong cửa thân là giết hại loài động vật hay là trộm cắp của người, hoặc tà dâm. Như thế gọi là thân nghiệp thuộc về cửa thân; như dạy kẻ khác giết loài sanh vật, ấy là sự hành do thân nghiệp thuộc về cửa miệng, như thế gọi là nghiệp thân về cửa miệng.

Vấn: Khẩu nghiệp hành được mấy cửa? Đáp: Khẩu nghiệp hành được 2 cửa: khẩu nghiệp và khẩu môn.

Vấn: Nghiệp miệng về cửa miệng, như thế nào? Nghiệp miệng về cửa thân, như thế nào? Đáp: Nghiệp miệng về cửa miệng là nói lời dữ như nói dối, gọi là nghiệp miệng về cửa miệng. Còn nghiệp miệng về cửa thân là như viết thơ có lời dối gạt, hoặc đưa tay lên dối gạt cho người tin, như thế gọi là nghiệp miệng về cửa thân.

Vấn: Nghiệp ý hành được mấy cửa? Đáp: Nghiệp ý hành được 3 cửa là: cửa thân, cửa miệng, cửa ý.

Vấn: Nghiệp ý hành trong 3 cửa, như thế nào? Đáp: Nghiệp ý hành trong 3 cửa như vầy:

  • Về phần “tham tài”, liếc xem của người rồi làm cho thân cử động, cầm lấy của người rờ rẫm coi. Về phần oán thù như cầm cây để chờ đánh đập. Về phần tà kiến, hiểu quấy, như nghiêng mình đảnh lễ các hạng ngoại đạo cho rằng cao thượng hơn Tam bảo, như thế gọi là nghiệp ý hành trong cửa thân.
  • Nghiệp ý hành trong cửa miệng là “tham tài” liếc xem của người rồi nói rằng: của này được về ta mới vừa, người không xứng dùng của ấy đâu. Oán thù nói rằng: chúng sanh hãy hư hại đi. Tà kiến là nói 10 điều sai lầm, như nói “Bố thí không có quả phúc”. Những lời như đã giải ấy gọi là nghiệp ý về cửa miệng.
  • Nghiệp ý về cửa ý là không làm cho thân và khẩu cử động, chỉ vào ngồi nơi thanh vắng rồi làm cho tâm tham tài, sân hận, tà kiến phát sanh, như thế gọi nghiệp ý về cửa ý.

Vấn: “Tham tài” chỉ về chỗ đã lấy được hay là chỉ tính muốn được, bấy nhiêu thôi, gọi là phá thập nghiệp rồi chưa? Đáp: “Tham tài” không cần đợi phải lấy được của, chỉ tính muốn được của người về cho mình, vì phương tiện nào, cũng gọi là phá thập nghiệp đều đủ.

Vấn: Tham tài có mấy chi? Đáp: Tham tài có hai chi: vật của người khác (parabhaṇḍaṃ); tính cho được về phần mình (attanoparinaamanam). Đều đủ 2 chi ấy thì phạm rồi. Vì là nghiệp ý về cửa ý, như đã có giải.

Vấn: Tà kiến, chia ra có mấy đoạn? Đáp: Tà kiến chia ra có 3 đoạn: định tà kiến (niyatamicchādiṭṭhi), thường kiến (antagāhikādiṭṭhi), thân kiến (sakkāyadiṭṭhi). Định tà kiến là tà kiến đã quyết định, người đã có tà kiến ấy, hằng sa vào không gian địa ngục (lokamtaranaraka)[14] chia ra 3 bực: ngăn quả (natthikadiṭṭhi) nghĩa là hiểu rằng quả của phước và quả của tội không có; ngăn nghiệp (akiriyadiṭṭhi) nghĩa là hiểu rằng phước và tội không có; ngăn cả quả và nghiệp (alutukadiṭṭhi) nghĩa là hiểu rằng phước và tội cũng không có, quả của phước và quả của tội cũng không có.

Vấn: Ngăn quả là gì? Đáp: Ngăn quả là như bố thí không được phước, cảnh thiên đàng cũng không có, cõi trời Phạm thiên cũng không có, chúng sanh chết rồi mất, như thế gọi là ngăn quả (natthi kaviṭṭhi) (lý thuyết này phát sanh do tà sự tên “ajita”).

Vấn: Ngăn nghiệp, giải như thế nào? Đáp: Ngăn nghiệp là nói rằng: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối gọi là không làm nghiệp dữ. Không làm nghiệp dữ là “vì nguyên chất với nguyên chất làm với nhau”; chúng sanh cũng là nguyên chất, thân người giết cũng là nguyên chất như nhau. Như đốn cây, cây có phước, có tội chi mà đi đầu thai nữa, ấy là cái “thức” thôi, như thế gọi là ngăn nghiệp (akiriyadiṭṭhi) (lý thuyết này phát sanh do tà sư tên “puraṇa kassapa”).

Vấn: “Ngăn cả quả và nghiệp” giải như thế nào? Đáp: Ngăn cả quả và nghiệp là hiểu rằng: tất cả chúng sanh, sanh ra không có nhân, không có duyên, dơ nhớp cũng tự nhiên dơ nhớp, trong sạch cũng tự nhiên trong sạch, như cây tốt, cũng tốt tự nhiên, chẳng có phước tội chi làm cho ngay cho vạy, như thế gọi là ngăn cả quả và nghiệp (ahetukadiṭṭhi) (lý thuyết này phát sanh do tà sự tên “makkhaligosāla”). Cả 3 tà kiến ấy ngăn cả đường trời và đường Niết-bàn.

Vấn: Thường kiến (antagāhikādiṭṭhi) giải như thế nào? Đáp: Thường kiến chỉ ngăn đường Niết-bàn, nhưng không ngăn đường trời.

Vấn: Thân kiến (sakāyadiṭṭhi) giải như thế nào? Đáp: Thân kiến hiểu rằng: trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức là cái thường tồn, vĩnh viễn, chia ra có 20 thứ. Nhưng đây không giải vì là pháp rất vi tế, quá sức thường nhơn. Tà kiến này, cõi trời cũng không ngăn, Niết-bàn cũng không ngăn.

Vấn: Vì sao tà kiến, có thứ ngăn đường trời và đường Niết-bàn, có thứ chỉ ngăn đường Niết-bàn, không ngăn cõi trời, có thứ không ngăn đường trời cũng không ngăn Niết-bàn? Đáp: Tà kiến ví như sỏi hay là đá, nhưng đá cũng có thứ lớn, thứ vừa vừa và thứ nhỏ vậy. Đá lớn nếu liệng xuống nước chắc phải chìm, chẳng có vật chi nâng đỡ nổi, như 3 thứ tà kiến ấy chắc sa vào đường dữ không sai. Thứ đá cỡ vừa vừa, nếu để trên bèo hoặc lục bình trôi trên mặt nước cũng không chìm, như thường kiến (antagāhikādiṭṭhi) hiểu thấy rằng thế gian là thường (cõi trời Dục giới và cõi Phạm thiên) rồi ráng làm phước, tu phép thiền định cho được thoát sanh trong cõi ấy sẽ được an vui, vì cho rằng cõi ấy là thường. Tà kiến thiệt, song có quả lành hộ trợ nâng đỡ cho được sanh trong nơi ấy, như cục đá không bị chìm. Thứ đá nhỏ nhen, nếu dính với nhiều bông có thể bay bổng lên hư không được, như thân kiến (sakkāyadiṭṭhi) cố chấp thiệt, nhưng ráng làm những điều lành như tham thiền cho đến đắc đạo Tu-đà-huờn mới dứt trừ tà kiến ấy được.

Vấn: Thứ tà kiến nào kể vào nghiệp dữ? Đáp: Tà kiến kể vào 10 nghiệp dữ là 3 thường tà kiến (niyata miecchādiṭṭhi), tà kiến ngoài ra không kể vào 10 nghiệp dữ đâu.

Vấn: Vì sao 2 hạng tà kiến kia không kể vào trong 10 nghiệp dữ? Đáp: Không kể vào trong 10 nghiệp dữ vì thứ tà kiến ấy còn làm phước được.

Vấn: Trong các nghiệp dữ, nghiệp nào có tội nặng hơn hết? Đáp: Tà kiến có tội nặng hơn hết.

Vấn: Vì sao tà kiến có tội nặng hơn hết nếu chỉ có hiểu sai, bấy nhiêu thôi? Đáp: Tà kiến có tội nặng hơn hết là vì các nghiệp dữ khác, nếu phạm cũng còn có thể làm phước được, về phần tà kiến hiểu thấy rằng phước, tội không có, thì có ai làm phước được, chỉ làm tội thôi, chết rồi phải đọa vào không gian địa ngục nữa (lokantaranaraka), nên nói là có tội nặng hơn hết, như đã giải.

Vấn: Làm nghiệp thân như sát sanh; làm nghiệp khẩu như nói dối. Cả 2 nghiệp ấy có thể cho là nghiệp ý được chăng? Đáp: Nếu cho là nghiệp ý cũng được, như sát sanh hoặc trộm cắp, tà dâm, nói dối, hiểu thấy rằng không tội, như thế gọi là nghiệp ý chánh thức. Thiệt, chỉ làm bằng thân, bằng khẩu, song tà kiến là chủ, tà kiến đồng là nghiệp ý.

Vấn: Vậy nghiệp ý kể vào nghiệp thân, nghiệp khẩu được chăng? Đáp: Nếu toàn là nghiệp ý, kể vào nghiệp thân, nghiệp khẩu không được.

Vấn: Vì sao kể không được? Bởi làm nghiệp thân, nghiệp khẩu cũng có tâm trong đó, nếu không có tâm, không sao thành tựu được? Đáp: Có tâm thiệt, song tâm trong chỗ này chưa kể là tham tài, thù oán, tà kiến đâu, chỉ có phát sanh chung với thân và khẩu thôi, vì thân và khẩu lớn hơn, khi tâm nương theo thân thì gọi là nghiệp thân, nếu nương theo khẩu thì gọi là nghiệp khẩu, bởi cả 2 nghiệp này được kết quả bằng thân và bằng khẩu, không phải bằng tâm đâu. Nếu tâm chỉ có tính không sao thành nghiệp được.

Về phần nghiệp ý, lấy tâm làm chủ, nếu thân và khẩu ở dưới quyền của tâm như tham tài, thù oán, tà kiến phát sanh lên dầu đã làm bằng thân hoặc bằng khẩu cũng đều gọi là nghiệp ý cả. Ví như tứ đại: đất, nước, lửa, gió, trong chất đất cũng có nước, lửa, gió mà người chỉ gọi là đất thôi vì là đất nhiều hơn. Trong chất nước cũng có đất, lửa, gió, nhưng họ chỉ gọi là nước vì nước có nhiều hơn, 4 chất ấy đều như nhau cả. Bốn chất ấy thế nào, 3 nghiệp kia cũng đều như vậy.

Vấn: Sát sanh lấy chi là cảnh giới? Đáp: Sát sanh lấy sanh mạng và sắc tướng làm cảnh giới.

Vấn: Trộm cắp lấy chi làm cảnh giới? Đáp: Trộm cắp lấy chúng sanh và sắc tướng làm cảnh giới.

Vấn: Tà dâm lấy chi làm cảnh giới? Đáp: Tà dâm lấy sắc tướng làm cảnh giới.

Vấn: Nói dối lấy chi làm cảnh giới? Đáp: Nói dối lấy chúng sanh và sắc tướng làm cảnh giới.

Vấn: Lời dữ, lời đâm thọc lấy chi làm cảnh giới? Đáp: Lời dữ, lời đâm thọc lấy chúng sanh và sắc tướng làm cảnh giới.

Vấn: Tham tài, thù oán lấy chi làm cảnh giới? Đáp: Tham tài và thù oán, cả hai đều lấy chúng sanh làm cảnh giới.

Vấn: Tà kiến lấy chi làm cảnh giới? Đáp: Tà kiến lấy sắc tướng làm cảnh giới?

Vấn: Chúng sanh như thế nào? Sắc tướng như thế nào? Đáp: Chúng sanh là chỉ về người, sắc tướng chỉ vật để dùng và các vật ngoài ra.

Vấn: Vậy sát sanh vì cớ nào lại lấy sanh mạng và sắc tướng làm cảnh giới. Đáp: Sát sanh lấy sanh mạng và sắc tướng làm cảnh giới là vì người sát sanh chỉ đối với mạng sống của chúng sanh, chỉ mong cho chúng sanh chết, như thế gọi là lấy sanh mạng làm cảnh giới, sắc tướng thì lấy vật giết hại làm cảnh giới của tâm cho nên gọi là sắc tướng làm cảnh giới?

Vấn: Trộm cắp, cớ sao lấy chúng sanh và sắc tướng làm cảnh giới? Đáp: Trộm cắp, lấy chúng sanh và sắc tướng làm cảnh giới, chúng sanh tức là chủ, sắc tướng tức là của cải. Kẻ trộm hằng nhớ tưởng sợ e tài gia hay kịp, chỗ này kể là cảnh giới, tính tìm của để chỗ nọ nơi kia, cho nên kể sắc tướng là cảnh giới.

Vấn: Tà dâm, cớ sao chỉ lấy sắc tướng làm cảnh giới? Đáp: Tà dâm chỉ lấy sắc tướng làm cảnh giới vì sắc tướng tức là sự tiếp xúc rờ rẫm nhầm; người tà dâm chỉ hằng tưởng nhớ sự tiếp xúc là cảnh giới.

Vấn: Nói dối, cớ sao, kể chúng sanh và sắc tướng là cảnh giới? Đáp: Nói dối, kể chúng sanh và sắc tướng là cảnh giới, chúng sanh tức là người nghe, sắc tướng tức là của cải, người nói dối mong lấy được của người hay là làm cho hư hại của người.

Vấn: Vậy lời dữ và lời đâm thọc, cớ sao lại kể chúng sanh là cảnh giới? Đáp: lời dữ và lời đâm thọc mà chỉ kể chúng sanh là cảnh giới, vì người chửi mắng, đâm thọc chỉ đối với người thôi, không đối với của.

Vấn: Nói lời vô ích, cớ sao kể chúng sanh và sắc tướng là cảnh giới? Đáp: Nói lời vô ích kể chúng sanh và sắc tướng là cảnh giới, chúng sanh tức là người nghe, sắc tướng tức là câu chuyện.

Vấn: Tham tài và thù oán, cớ sao chỉ kể chúng sanh là cảnh giới? Đáp: Tham tài và thù oán chỉ kể chúng sanh là cảnh giới, vì tham tài liếc xem của có chủ, thù oán làm hại đối với người.

Vấn: Tà kiến, cớ sao chỉ kể sắc tướng là cảnh giới? Đáp: Tà kiến chỉ kể sắc tướng là cảnh giới vì sắc tướng chỗ này, đối với sắc tướng hành trình trong ba cõi là: cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc – khi tà kiến còn đến đâu, chúng sanh phải xoay vần trong nẻo luân hồi không ngừng nghỉ, không cùng tận đến đó.

Vấn: Nghiệp dữ có mấy thứ, tội như thế nào? Đáp: Nghiệp dữ có 5 thứ tội: tự mình chê trách mình (attāpi attānaṃ upavadati); bậc trí tuệ hằng chê trách mình được (anuviccaviññū garahanti); có tiếng xấu xa bay đến các hướng (pāpako kittisaddho abbhuggacchati); khi sắp chết phải mê loạn quên mình (sammuḷho kalaṃ karoti); đến khi bỏ xác thân sẽ sa vào đường dữ, cảnh khổ vì có cảnh giới, tức là nghiệp ác mà mình đã tạo khi trước hiện đến ở chờ trước cho thấy trong giờ hấp hối (kayassa bhedā marammaranā apāyaṃ duggatiṃ vitipātam nirayaṃ upapajjati).

Vấn: Mười nghiệp dữ, nếu kể vào trong ba gốc tội, vậy nghiệp nào vào gốc tội nào? Đáp: cả mười nghiệp dữ, nếu kể vào trong ba gốc tội ấy như thế này: sát sanh có hai gốc tội: sân và si; trộm cắp có ba gốc tội: xan tham, sân và si; tà dâm có hai gốc tội: xan tham và si; nói dối có ba gốc tội: xan tham, sân và si; nói dữ có ba gốc tội như nói dối; nói hai lưỡi có ba gốc tội như nói dối; nói lời vô ích có hai gốc tội: xan tham và si; tham tài có một gốc tội: si; thù oán có một gốc tội: si; tà kiến có hai gốc tội: xan tham và si.

Vấn: Sát sanh cớ sao kể vào trong hai gốc tội? Vì sao không kể gốc xan tham vào với? Đáp: Sát sanh kể vào hai gốc tội: sân và si, vì nếu sân phát sanh lên rồi, si hằng hộ trợ nâng đỡ. Sân nói về chỗ thù oán hại chúng sanh cho chết, cho nên sát sanh có sanh mạng là cảnh giới. Còn trong chi giới cũng phân biệt chỗ chúng sanh chết vậy, mới phạm sát sanh, dầu là đem về ăn hoặc bỏ cũng phạm đầy đủ. Cho nên không kể vào trong gốc xan tham, chỉ kể vào trong gốc sân và si thôi.

Vấn: Trộm cắp, kể vào trong 3 gốc tội, vậy trộm cắp khác nhau như thế nào? Đáp: Nếu trộm do xan tham cũng có si vào hộ trợ xan tham – chẳng phát sanh một mình được (trộm về nuôi vợ con); còn trộm do gốc sân cũng có si giúp vậy, như lén đốt nhà hoặc cướp của đem bỏ vì lòng sân, khác nhau như thế.

Vấn: Vậy tà dâm cớ sao chỉ kể vào trong gốc tham? Đáp: Kể vào trong gốc xan tham vì xan tham dịch là tâm quyến luyến với sự tiếp xúc cảnh giới.

Vấn: Tham tài và thù oán cớ sao chỉ kể vào trong một gốc tội thôi? Các nghiệp dữ khác có nghiệp có 2 gốc, có nghiệp có 3 gốc? Đáp: Kể vào trong một gốc tội ấy vì tham tài (abhijjhā) thuộc về xan tham, mà thù oán thuộc về sân mà kể một gốc si thêm vào nữa thành hai (với mình). Thí như người chỉ có một con trâu phải mướn của người thêm một con nữa thành hai con, cho nên chỉ kể vào trong một gốc tội, như đã có giải.

Vấn: Tà kiến cớ sao không thuộc về gốc si, về phần tham tài, thù oán lại kể vào gốc xan tham và gốc sân? Đáp: Tà kiến và si mê chẳng phải là một, nghĩa là khác nhau. Tà kiến không kể vào với si, vì có nghĩa khác nhau. Si nghĩa là phóng túng (uddhacca), hoài nghi (vicikiccha); tà kiến tức là định kiến (niyata micchā diṭṭhi), thường kiến (antagāhikādiṭṭhi) và thân kiến (sakkāyadiṭṭhi). Song trong thập nghiệp chỉ nói về định kiến (niyata micchādiṭṭhi). Si và tà kiến khác nhau như thế, cho nên kể vào si không được. Còn về tham tài (abhijjhā) và thù oán thay đổi với xan tham và sân hận được. Cớ ấy phải kể si mê riêng, khác nhau.

 

Vấn: Nghiệp lành có mấy điều? Đáp: Nghiệp lành có mười điều là: thân ba, miệng bốn, ý ba.

Vấn: Ba nghiệp thân như thế nào? Đáp: Ba nghiệp thân là: tác ý chừa cải sự sát sanh, tác ý cừa cải sự trộm cắp, tác ý chừa cải sự tà dâm.

Vấn: Bốn nghiệp miệng như thế nào? Đáp: Bốn nghiệp miệng là: tác ý chừa cải sự nói dối, tác ý chừa cải sự chửi mắng, tác ý chừa cải sự đâm thọc, tác ý chừa cải lời nói vô ích.

Vấn: Ba nghiệp ý như thế nào? Đáp: Ba nghiệp ý là: không có tâm tính muốn được của người về làm của mình (anabhijjhā); không có tâm thù oán muốn làm cho người hư hại (abyāpādo); hiểu thấy chơn chánh rồi cho là chơn chánh thiệt (sammādiṭṭhi).

Người nào được hành phải, đúng theo mười nghiệp lành, như đã có giải, người ấy sẽ được an vui, tiến hoá trong kiếp này và kiếp sau, không sai.

Vấn: Pháp (dharma), phần (koṭṭhasa), cảnh giới (arammaṃ), thọ (vedanā), gốc (mūla). Pháp giải như thế nào? Đáp: Pháp là: trong thập nghiệp chia ra làm hai: bảy nghiệp trước thuộc về tác ý pháp (cetanā dharma) vì có tác ý để chừa cải bằng thân và khẩu, 3 nghiệp sau toàn là tác ý (cetanā suddha) vì chỉ chừa cải bằng tác ý thôi.

Vấn: “Phần” (koṭṭhasa) như thế nào? Đáp: Phần (koṭṭhasa) như vầy: 7 nghiệp trước đều là nghiệp ròng, không kể là gốc, 3 nghiệp sau kể là nghiệp và là gốc nữa, như thế gọi là phần (koṭṭhasa).

Vấn: “Cảnh giới” như thế nào? Đáp: Cảnh giới như vầy: như sát sanh có sanh mạng là cảnh giới ví như thánh đạo có Niết-bàn là cảnh giới rồi dứt bỏ phiền não, thế nào, về phần thiện nghiệp như có sanh mạng là cảnh giới để dứt bỏ trạng thái phá giới như sát sanh, cũng như thế ấy. Cảnh giới có giải đều đủ trong nghiệp dữ phía trước rồi.

Vấn: “Thọ” như thế nào? Đáp: Thọ là như vầy: cả mười nghiệp lành chỉ có hai thọ là: thọ vui và thọ không khổ không vui (không có thọ khổ)

Vấn: “Gốc” như thế nào? Đáp: Gốc là như vầy: 7 nghiệp trước, nếu xa lánh bằng trí tuệ thì có 3 gốc là: không xan tham (alobha), không sân hận (adosa), không si mê (amoha); xa lánh bằng cách không có trí huệ thì kể có hai gốc là: không xan tham (alobha) và không sân hận (adosa). Tham tài (anabhijjhā) xa lánh bằng trí tuệ kể hai gốc là: không sân hận (adosa) và không si mê (amoha); xa lánh bằng cách không trí tuệ kể có một gốc là: không sân hận (adosa). Không thù oán cũng như tham tài (abhijjhā) vậy. Chánh kiến có hai gốc là: không xan tham (alobha) và không sân hận (adosa).

Vấn: Chánh kiến, vì sao không kể là lìa trí tuệ (ñāna vippayutta)? Đáp: Không kể là lìa trí tuệ, vì chánh kiến là trí tuệ sẵn rồi, còn kể là lìa trí tuệ (ñāṇa vippayutta) chi nữa.

Thập thiện, nếu kể vào giới, thì bảy nghiệp trước thuộc về tác ý giới (cetanāsīla) có sẵn sự chừa cải (virati), ba nghiệp sau thuộc về tâm sở giới (cetasikasila) vì chỉ xa lánh bằng tâm.

Vấn: Nghiệp lành, nếu chia làm cửa, giống nhau với nghiệp dữ hay là khác nhau? Đáp: Nghiệp lành nếu chia làm cửa, khác nhau như: nghiệp thân hành được 3 cửa, nghiệp miệng hành được ba cửa, nghiệp ý hành được ba cửa như nghiệp ý trong nghiệp dữ vậy.

Vấn: Nghiệp thân và nghiệp miệng trong nghiệp dữ, vì sao chỉ hành được có hai cửa, về phần nghiệp lành, cớ nào lại hành được ba cửa, giải như thế nào? Đáp: Về nghiệp thân và nghiệp lành giải rằng: Nghiệp chừa cải bằng thân, thân nghĩ làm gọi là nghiệp thân, thuộc về cửa thân bởi được thành tựu nhờ thân nghĩ bảo người giết; gọi là nghiệp thân thuộc về cửa miệng nhờ nghiệp thân thành tựu do cửa miệng; chỉ rải tâm bác ái đến chúng sanh đều đủ các hướng, gọi là nghiệp thân thuộc về nghiệp ý, hoặc như thọ trì luôn cả thân, khẩu và ý mới thành là giới được: thân cũng đi, khẩu cũng nói, ý cũng tưởng xa lánh điều học, như thế gọi là nghiệp thân hành được ba cửa.

Về nghiệp khẩu hành được ba cửa là: miệng nghĩ nói (như nói dối) gọi là nghiệp miệng thuộc về cửa miệng; như nghĩ bảo thân viết thơ nói dối, lúc ấy đưa tay lên; nghiệp khẩu thuộc về cửa thân rồi tâm rải thức bác ái đến người khác không tính dối gạt kẻ khác gọi là nghiệp khẩu thuộc về cửa ý, hoặc bằng giữ luôn cả thân, khẩu, ý gọi là hành được ba cửa.

Về nghiệp thân và nghiệp khẩu trong nghiệp lành, chỉ ngăn tâm được, cũng như ngăn luôn thân và khẩu được cả, không lấy chỗ họ biết, nghe.

Về nghiệp dữ, nghiệp nào thành tựu bằng thân, là khi thân đi làm hoặc dạy người làm, mới thành tựu được; nghiệp thành tựu bằng khẩu là khi miệng nói hoặc bảo người viết mới thành tựu được – Tâm chỉ có tưởng không, không, không kết quả bằng nghiệp thân, nghiệp miệng được, có sự khác nhau như đã giải.

Vấn: Nghiệp ý lành, hành trong ba cửa như thế nào? Đáp: Nghiệp ý lành, hành trong ba cửa, không khác nhau đâu, chỉ một là chừa cải, và một là không chừa cải thôi.

Vấn: Nghiệp lành có mấy phước báu? Đáp: Nghiệp lành có 5 phước báu là: tự mình không chê trách mình được (attāpi attanaṃ na upavadati) ; bậc trí tuệ hằng ngợi khen (anuviccaviññū paksaṃsanti) ; có danh thơm tiếng tốt đồn xa (kalyāṇo kittisaddo abbhuggacchati) ; lúc hấp hối không mê loạn, quên mình (asammuḷho kalaṃ karoti) ; đến khi tan rã ngũ uẩn sẽ được đầu thai lên cảnh vui, nghĩa là được về cõi trời (kāyassabhedā carammaramā sugatiṃ saggaṃ lokaṃ upapajjati).

 

Vấn: Nghiệp chỉ có bấy nhiêu hay là còn có thêm nữa? Đáp: Nếu chia cho rộng ra nữa, có 40 nghiệp dữ và 40 nghiệp lành.

Vấn: 40 nghiệp dữ, 40 nghiệp lành chia ra như thế nào? Đáp: Trong mười nghiệp dữ, mỗi một nghiệp chia ra làm bốn. Bốn là:

  • Sát sanh có bốn: tự mình sát sanh (attāna ca pānātipāti hoti), mình rủ hoặc dạy người sát sanh (parañ ca pānātipāte samādapeti), mình vui với sự sát sanh (pānā tipāte samanuñño hoti), mình ngợi khen sự sát sanh (pāṇātipātassa ca vannaṃ bhāsiati).
  • Trộm cắp có bốn: tự mình trộm cắp (attanā adinnādāyī hoti), mình dạy người trộm cắp (parañca adinnādāne samādapeti), mình vui với người trộm cắp được (adinnādane ca samanuñño hoti), mình ngợi khen trong sự trộm cắp (adīnā dānassa ca vaṇṇaṃ bhāsati).
  • Tà dâm có bốn: tự mình tà dâm (attanā ca kāmesu micchācāri hoti), mình rủ kẻ khác tà dâm (pañca kāmesumicchācāre samādapeti), mình vui trong sự tà dâm (kamsumichācāre ca samanuñño hoti), mình ngợi khen trong sự tà dâm (kamesumicchācārassa ca vaṇṇaṃ bhāsati).
  • Nói dối có bốn: tự mình nói dối (attanā ca musāvāde hoti), mình rủ người nó dối (parañca musāvāde samādapeti), mình vui với người nói dối (musāvāde ca samanuñño hoti), mình ngợi khen lời nói dối (musāvādassa ca vaṇṇaṃ bhāsati).
  • Nói lời đâm thọc có bốn: tự mình nói đâm thọc (attanā ca pisuṇāvācā hoti), mình rủ hoặc dạy người nói đâm thọc (parañca pisuṇavācāya samādapeti), mình vui với người nói đâm thọc (pisunāvācāya samanuñño hoti), mình ngợi khen lời đâm thọc (pisunāvācāya ca vaṇṇaṃ bhāsati), chửi mắng có bốn: tự mình chửi mắng (attanā ca pharusavācā hoti), mình rủ hoặc bảo người chửi mắng (parañca pharusavācāyasamada peti), mình vui với người chửi mắng (pharusavācāya ca samanuññū hoti), mình ngợi khen lời chửi mắng (pharusavācāya ca vaṇṇaṃ bhāsati).
  • Nói sang đàng vô ích có bốn: tự mình nói chuyện sang đàng vô ích (attanā ca samphappalāno hoti), mình rủ người hoặc bảo người nói chuyện sang đàng vô ích (parañca samphappalāpe samāda peti), mình vui với người nói việc hoặc giảng tích vô ích (samphappalāpe ca samañño hoti), mình ngợi khen lời sang đàng vô ích (samphappalāpassa ca vaṇṇaṃ bhāsati).
  • Tham tài (Abhijjhā)[15] có bốn: tự mình liếc xem toan tính muốn được của người về làm của mình (attanā ca abhijjhā hoti), mình rủ người hoặc bảo người liếc xem toan tính muốn được của kẻ khác (parañca abhijjhā samādapeti), mình vui với người liếc xem toan tính muốn được của kẻ khác (abhijjhāya ca samanuñño hoti), mình ngợi khen tư cách liếc xem toan tính muốn được của kẻ khác (abhijjhaya ca vaṇṇaṃ bhāsati).
  • Thù oán có bốn: tự mình thù oán người (attanā ca byāpādo hoti), mình rủ hoặc bảo người thù oán kẻ khác (parañca byāpāde samādapeti), mình vui với người thù oán kẻ khác (byāpāde ca samanuñño hoti), mình ngợi khen lời thù oán (byāpādassa ca vaṇṇaṃ bhāsati).
  • Tà kiến có bốn: tự mình hiểu thấy sai (attanā ca micchādiṭṭhi hoti), mình rủ hoặc bảo người hiểu sái (pārañca diṭṭhiyā samādapeti), mình vui với sự hiểu sai (micchādiṭṭhiyā ca samanuñño hoti), mình ngợi khen sự hiểu sai (micchadiṭṭhiyā ca vaṇṇaṃ bhāsati).

Nghiệp lành chia ra có 40 là:

  • Không sát sanh có bốn: tự mình chừa cải sát sanh (āttanā ca pānā tipātā pativirato hoti), mình rủ người cho chừa cải sát sanh (parañca pānātipātā veramaṇiyā samādapeti), mình vui trong sự chừa cải sát sanh (pānātipātā veramaniyā ca samanuñño hoti), mình ngợi khen tư cách chừa cải sát sanh (pānātipātā veramaniyā ca vannaṃ bhāsati).
  • Không trộm cắp có bốn: tự mình chừa cải trộm cắp (attanā ca adinnādānā pativārato hoti), mình rủ người cho chừa cải trộm cắp (parañca adinnādānā veramaniyā samadapeti), mình vui với người chừa cải trộm cắp (adinnādānā veramaniyā ca samanuñño hoti), mình ngợi khen tư cách chừa cải trộm cắp (adinnādānā veramaniyā ca vannaṃ bhāsati).
  • Không tà dâm có bốn: tự mình chừa cải không tà dâm (attanā ca kamesumicchaacārā pativirato hoti), mình rủ người cho chừa cải tà dâm (parañca kamesumicchācārā veramaniyā samadāpeti), mình vui trong tư cách chừa cải tà dâm (kamesumicchācārā veramaniyā ca samanuñño hoti), mình ngợi khen trong tư cách chừa cải tà dâm (kamesumicchācārā veramaniyā ca vaṇṇaṃ bhāsati).
  • Không nói dối có bốn: tự mình chừa cải tư cách nói dối (attanā ca musāvādā pativirato hoti), mình rủ người cho chừa cải tư cách nói dối (parañca musāvādā veramaniyā samādapeti), mình vui với người chừa cải tư cách nói dối (musāvādā veramaniyā ca samanuñño hoti), mình ngợi khen tư cách chừa cải nói dối (musāvādā veramaniyā ca vaṇṇaṃ bhāsati).
  • Không nói đâm thọc có bốn: tự mình chừa cải nói đâm thọc (attanā ca pisunāvācāya pativinato hoti), mình rủ người cho chừa cải tư cách nói đâm thọc (parañca pisunāvācāya veramaniyā ca samādapeti), mình vui với người chừa cải nói đâm thọc (pisunāvācāya veramaniyā ca samanuñño hoti), mình ngợi khen trong tư cách chừa cải nói đâm thọc (pisunāvācāya veramaniyā ca vaṇṇaṃ bhāsati).
  • Không chửi mắng có bốn: tự mình chừa cải chửi mắng (attanā ca pharusavācāya pativirato hoti), mình rủ người cho chừa cải chửi mắng (parañca pharusavācāya veramaniya ca samādapeti), mình vui trong tư cách chừa cải chửi mắng (pharusavācāya veramaniyā ca samanuñño hoti), mình ngợi khen trong tư cách chừa cải chửi mắng (pharusavācāya veramaniyā ca vaṇṇaṃ bhāsati).
  • Không nói chuyện sang đàng vô ích: tự mình chừa cải tư cách nói chuyện sang đàng vô ích (attanā ca samphappalāpā pativirato hoti), mình khuyên người chừa cải tư cách nói chuyện sang đàng vô ích (parañca samphappalāpā veramaniyā samādapeti), mình vui trong tư cách chừa cải nói chuyện sang đàng vô ích (samphappālā veramaniyā ca samanuñño hoti), mình ngợi khen trong tư cách chừa cải nói chuyện sang đàng vô ích (samphappālā veramaniyā ca vaṇṇaṃ bhāsati).
  • Không tham tài có bốn: tự mình không liếc xem toan tính muốn được của kẻ khác (attanā ca anabhijjhāya pativirato hoti), mình rủ người không cho liếc xem toan tính muốn được của kẻ khác (parañca anabhijjhāya samādapeti), mình vui trong tư cách không liếc xem toan tính muốn được của kẻ khác (anabhijjhāya ca samanuñño hoti), mình nói ngợi khen trong tư cách không liếc xem toan tính muốn được của kẻ khác (anabhijjhāya ca vaṇṇaṃ bhāsati).
  • Không thù oán có bốn: tự mình không thù oán kẻ khác (attanā ca abyāpādo hoti), mình khuyên người không cho thù oán (parañca byāpāde ca samadapeti), mình vui trong tư cách không thù oán (byāpāde ca samanuñño hoti), mình ngợi khen trong tư cách không thù oán kẻ khác (abyāpādassa ca vaṇṇaṃ bhāsati).
  • Chánh kiến có bốn: tự mình hiểu phải (attanā ca sammādiṭṭhiko hoti), mình khuyên người cho hiểu phải (parañca sammādiṭṭhiyā ca samādapeti), mình vui trong tư cách hiểu phải (sammadiṭṭhiyā ca samanuñño hoti), mình ngợi khen trong tư cách hiểu phải (sammadiṭṭhiyā ca vaṇṇaṃ bhāsati).

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app