Vấn: Sự tu hành của cư sĩ còn không? Đáp: Sự tu hành của cư sĩ còn nữa.

Vấn: Còn phải tu chi thêm nữa? Đáp: Phải xa lánh 6 đường hư hại và phải làm tròn phận sự là: con đối với cha mẹ – cha mẹ đối với con; chồng đối với vợ – vợ đối với chồng; tớ đối với chủ – chủ đối với tớ; bạn đối với bạn; trò đối với thầy – thầy đối với trò; thiện tín đối với Sa-môn – Sa-môn đối với thiện tín. Và phải làm hai điều hữu ích cho phát sanh.

Vấn: Sáu điều hư hại (apāyamukha) ấy là điều dạy cư sĩ phải lánh như thế nào? Đáp: Sáu điều hư hại ấy là: tư cách thường uống rượu, là nguyên nhân phát sanh sự dể duôi (suramerayamajjapamādaṭṭhānannyoga); tư cách thường đi chơi theo chỗ gốc hẻm trong lúc sái giờ (vikālavisikhācariyānuyogo); tư cách đi xem lễ lớn[16] (samajjābhicaronaṃ); tư cách đổ bác (jutappamādatthanānuyono); tư cách thân cận cùng bạn dữ (pāpamittānuyogo); tư cách thường ưa sự lười biếng (alassānuyogo). Cả sáu điều hư hại ấy, cận sự nam, cận sự nữ và cận sự nữ chẳng nên làm.

Vấn: Phận sự con phải đối với cha mẹ như thế nào? Đáp: Con phải đối với mẹ cha phải có 5 điều là: 1) con phải quyết tâm rằng: ta được mẹ cha nuôi nấng rồi ta phải phụng dưỡng mẹ cha lại (bhato nesaṃ bharissāmi); 2) con phải quyết tâm rằng: khi mẹ cha có việc ta phải hoãn việc của ta lại để làm việc của mẹ cha ta (kiccaṃ nesaṃ karissāmi); 3) con phải quyết tâm rằng: ta phải gìn giữ dòng dõi mẹ cha cho đúng đắn, không cho hư hại nghĩa là không làm cho tiêu tan tài sản của mẹ cha, vì sự vô ích, cùng tiếp độ mẹ cha cho khỏi điều tà kiến và cho được ở theo chánh pháp, không làm cho chướng ngại trong các nghiệp lành nhứt là việc trai tăng, bố thí mà mẹ cha đã hành theo chánh pháp rồi (kulavamsaṃ thapesāmi); 4) con phải quyết tâm rằng: ta phải có tánh nết cho tốt vừa lòng mẹ cha, đáng cho mẹ cha chia sớt tài sản cho (dayajjaṃ patipajjāmi); 5) con phải quyết tâm rằng: khi mẹ cha quá vãng rồi, ta phải thường bố thí đến bực đáng thọ lãnh của tín thí tin lý nhơn quả đem dâng cúng để hồi hướng phần quả hước đến mẹ cha kể từ ngày mẹ cha quá vãng được 3 ngày trở về sau (dakkhinaṃ anupadāssānu)

Vấn: Mẹ cha phải đối với con như thế nào? Đáp: Mẹ cha phải đối với con như thế, chẳng phải vì tôn kính con đâu, đây là việc của mẹ cha phải tiếp độ đến con thôi.

Vấn: Mẹ cha tiếp độ con có mấy điều? Đáp: Mẹ cha tiếp độ đến con có 5 điều: 1) ngăn cấm không cho con làm việc dữ như là: không cho sát sanh, không cho trộm cắp (pāpānivārenti); 2) cho con làm nghiệp lành nhứt là bố thí, trì giới (kalyāne nivārenti); 3) cho con học hành nghề nghiệp chữ nghĩa nên học (học chữ, học toán) (sippaṃ sikkhāpenti); 4) lo dựng vợ gã chồng cho con vừa theo dòng dõi và của cải (paṭirupena dārena samyojenti); 5) cho của cải đến con trong hai dịp: thường cho con xây dựng hoặc cho con làm phước, cho trong khi định đôi bạn cho con hay là cho trong khi mình sắp chết (samaye dāyajjaṃ niyyādenti).

Vấn: Chồng đối với vợ có mấy điều? Đáp: chồng đối với vợ có 5 điều: 1) đối đãi, nói lời êm ái dịu ngọt với vợ (sāmmānanāya); 2) không làm khổ khắc, khinh rẻ vợ như kẻ tôi tớ (avimānanāya); 3)không bỏ lòng vợ (ānaticariyāya)[17]; 4) giao trọn quyền cho vợ làm chủ trong sự sắp đặt vật thực (issariyavosaggena); 5) sắm đồ trang sức cho vợ vừa theo của cải mình (alaṅkārānuppadānena).

Vấn: Vợ đối với chồng phải có mấy điều? Đáp: Vợ đối với chồng phải có 5 điều là: 1) phân phát các việc nhứt là hết lòng lo việc cơm nước cho đúng theo thì giờ đã định (susamrihitakammanta); 2) tiếp độ bà con của chồng và của mình cho đồng nhau (susaṃgahitaparijanā); 3) biết gìn giữ của cải mà chồng đã làm được (sambhatañca anurakkhati); 4) không bỏ bụng chồng (phải trinh tiết) (aniticārinī); 5) làm người đàn bà thông hiểu các việc nhứt là lo cơm cháo, không lười biếng và làm cho các việc được kết quả tốt đẹp (dakkhā ca hoti analasāsabbakiccesu).

Vấn: Cận sự nam, cận sự nữ phải đối với ông thầy Samôn có mấy điều? Đáp: Cận sự nam, cận sự nữ phải đối với ông thầy Samôn có 5 điều: 1) làm việc lành thương là làm việc như đi thỉnh ngài nơi chùa, lấy vải lược, lược nước đem dâng và đấm bóp[18] cho ngài vì lòng tôn kính (mittena kayakammena); 2) nói lời lành thương là nói như: thức tỉnh kẻ khác cho bố thí đến các ngài, lên tiếng tặng khen ngài khi dứt thời thuyết pháp và hết lòng thành thật trọng đãi các ngài (mettena vaciikammena); 3) ý tưởng lành thương là như tâm tính rằng: đối với các ngài thượng toạ hằng đến nhà chúng ta “cầu cho các ngài được an vui” và hết lòng thành thật tôn trọng các ngài (mettena manokammena); 4) trạng thái người không đóng cửa nhà là người siêng năng bố thí đến hàng Samôn khi thấy các ngài đến rồi, làm phước không than tiếc, đối với vật đã có, không nên nói là không có (anāvatadvāratāya); 5) có tư cách dâng cúng vật thực đến hàng Samôn (amisānuppadānena)

Vấn: Cận sự nam, cận sự nữ phải làm đối với hàng Samôn như thế, còn Samôn có phận sự tiếp độ cận sự nam, cận sự nữ chăng? Đáp: Samôn cũng phải có phận sự tiếp độ đến cận sự nam, cận sự nữ do 6 pháp là: 1) ngăn cấm cận sự nam, cận sự nữ không cho làm những nghiệp xấu xa, như không cho sát sanh, trộm cắp (pānānivārenti); 2) cho cận sự nam, cận sự nữ làm những nghiệp lành, nhứt là bố thí, trì giới (kalyāṇenivesenti); 3) tiếp độ cận sự nam, cận sự nữ và rải tâm từ ái cho cận sự nam, cận sự nữ được an vui không có điều khổ não, buồn lo, bịnh tật (kalyāṇena manasā anukampanti); 4) cho cận sự nam, cận sự nữ nghe pháp chưa thường nghe (asutaṃ sāventi); 5) làm cho pháp mà cận sự nam, cận sự nữ đã nghe rồi cho được trong sạch, là giảng giải nghĩa lý pháp ấy cho thêm rõ rệt, cho đến khi cận sự nam, cận sự nữ hết điều nghi ngại; 6) chỉ đường trời cho cận sự nam, cận sự nữ là chỉ cho biết rằng: người mà được thoát sanh về cõi trời vì thế lực của pháp lành, nhứt là ngũ giới và thập thiện.

Vấn: Tiếng nói “Balī”[19] ấy nghĩa như thế nào, có mấy cách, là cái chi? Đáp: Tiếng nói “Balī” dịch là cung dưỡng có 5 cách là: 1) cung dưỡng đến bà con là tiếp độ bà con bằng các vật nên tiếp độ; 2)cung dưỡng đến khách mới đến bằng các vật nên thọ; 3) làm phước hồi hướng quả báo đến bà con đã quá vãng; 4) cung dưỡng đến vua là nộp thuế cho vua vì lòng ngay thiệt; 5) cung dưỡng đến Chư thiên là làm phước hồi hướng quả báo đến Chư thiên, tưởng đến Chư thiên được thoát sanh làm vị trời do 5 đức tánh nhứt là đức tin. Cả 5 cách cung dưỡng ấy, cư sĩ nên hành cho được an vui trong đời này và đời sau.

Vấn: Cư sĩ phải làm cho có hai điều hữu ích ấy, vậy phải làm như thế nào? Đáp: Hai điều hữu ích ấy là: hữu ích trong đời hiện tại (ditthadhammikattha), hữu ích trong đời vị lai (samparāyikattha).

Vấn: Hữu ích trong đời hiện tại có mấy điều? Đáp: Hữu ích trong đời hiện tại có bốn điều là: 1) có đủ tánh siêng năng sắp đặt các việc mà mình phải làm, như nghề làm ruộng, lập vườn (uṭṭhāna sampadā); 2) có đủ sự gìn giữ của cải mà mình đã làm được, không cho tiêu hoại vì lẽ gì như bị lửa thiêu, trộm cắp và đổ bác (ārakkhasampadā); 3) gần gũi cùng bạn lành là bạn có đức tin, trì giới, bố thí, trí tuệ chơn chánh (kalyānamittatā); 4) nuôi mạng cho bình đẳng là làm có của cải nên xoay xài theo sức, không cho thái quá, phải cân phân cho đồng (samajivitā).

Vấn: Hữu ích trong đời sau có mấy điều? Đáp: Hữu ích trong đời sau có 4 điều là: 1) có đủ đức tin tam bảo, tin nhơn tin quả (saddhāsampadā); 2) có trì giới nhứt là ngũ giới (silasampadā); 3) có đủ sự bố thí 4 vật dụng (y, vật thực…) đến hàng samôn và  bàlamôn (cāgasampadā); 4) có đủ trí tuệ là sự hiểu biết chơn chánh (paññasampadā).

Cả bốn điều hữu ích ấy, người nào đã làm rồi gọi là được bước lên đường đi qua đời sau, đến khi bỏ ngũ uẩn này, sẽ đi được dễ dàng, ví như người đi theo đường đắp sạch sẽ, không bị điều khó khăn trở ngại.

Người nào không có 2 điều hữu ích ấy, gọi là người không có mắt (andhapuggala) – người nào chỉ có một điều hữu ích hiện tại, gọi là người chỉ có một mắt (ekacakkhu) – người có cả hai điều hữu ích (hữu ích hiện tại và hữu ích vị lai) gọi là người có 2 mắt (dvicakkhupuggala) xem thấy rõ cả hai bên (tả, hữu). Người đã được có hai điều hữu ích ấy gọi là bậc thông minh, đúng theo Phật ngôn rằng: Diṭṭhedhamme ca yocattho yocatthosamparāyiko atthābhisamayā dhīro paṇḍitoti pavuccati. Nghĩa là: người biết (cả 2 điều) lợi ích, là: lợi ích trong đời này và lợi ích trong đời sau, gọi là người có trí tuệ vững chắc.

 

Dứt pháp cư sĩ, vấn đáp tóm tắt

 

 

 

PHÁP TRÍCH LỤC

Người khó kiếm có 2 hạng: người biết ơn, người biết đền ơn.

Chỗ để rước người phá giới có hai: địa ngục, súc sanh.

Chỗ để rước người có giới có 2: cõi trời, cõi người.

Phật có 3 bậc: Phật giác ngộ đều đủ nguyên nhân (Toàn giác), Phật giác ngộ một mình (Độc giác hoặc Duyên giác), Phật giác ngộ theo Phật toàn giác (Thinh văn giác).

Pháp có 3 phần: pháp học (tam tạng), pháp hành (giới, định, tuệ), pháp thành (đạo, quả).

Phật giáo có 3: Phật dạy không cho làm các điều dữ (sabbapāpassākaranaṃ), Phật dạy làm đủ việc lành (kusalassūpasampadā), Phật dạy trau dồi tâm cho trong sạch (sacittapariyodapanaṃ).

Con có 3 hạng: con thấp hèn hơn cha mẹ, con bằng cha mẹ, con hơn cha mẹ.

Phận sự của thiện trí thức có 3: bỏ của ra cho đến người nên cho (dāna), xuất gia để xa lánh điều dữ, phụng sự cha mẹ (mātāpitupaṭṭhāna).

Cội phước có 3: tâm không ôm ấp của cải (alobha), không nóng giận (adosa), không lầm lạc (amoha).

Gốc tội có 3: tâm ôm ấp của cải, nóng giận, lầm lạc.

Ba điều bố thí có phước báu: của làm ra đúng theo phép, có đủ 3 tác ý (tác ý vui thích trong khi tính làm phước, tác ý vui thích trong khi làm phước, tác ý vui thích sau khi đã làm phước), cúng dường đến bậc nên cúng dường là bậc tu hành chơn chánh.

Suy nghĩ quấy có 3: suy nghĩ trong ngũ trần, suy nghĩ trong sự thù oán, suy nghĩ trong sự làm hại.

Suy nghĩ phải có 3: suy nghĩ trong sự xa lánh ngũ trần, suy nghĩ trong sự không thù oán, suy nghĩ trong sự không làm hại.

Tướng của người có đức tin có 3: mong gặp bậc có giới hạnh trong sạch, mong nghe Phật pháp, dứt bỏ được sự bón rít.

Trí tuệ có 3: trí tuệ phát sanh do sự suy xét, trí tuệ phát sanh do sự nghe học, trí tuệ phát sanh do sự tham thiền.

Lành có 3: lành trong chặng đầu tức là giới, lành trong chặng giữa tức là định, lành trong chặng cuối cùng tức là tuệ.

Hạnh của bồ tát có 3 (cariyā): hạnh độ đời, hạnh độ thân quyến, hạnh để giác ngộ.

Mắt có 3: mắt thịt, mắt thông, mắt trí tuệ.

A-la-hán có bốn bậc: A-la-hán dứt phiền não do phép minh sát, A-la-hán đắc 3 cái giác, A-la-hán đắc lục thông, A-la-hán đắc 4 cái giác phân tích.

Bốn hạng người: người tối, có tối phía trước; người tối, có sáng phía trước; người sáng, có tối phía trước; người sáng, có sáng phía trước.

Bốn hạng người không lành: cư sĩ thọ dụng ngũ trần, lười biếng gọi là không lành; bậc xuất gia không thu thúc gọi là không lành; đức vua không suy xét trước, chỉ biết làm gọi là không lành; người có trí tuệ nhiều nóng giận, gọi là không lành.

Bốn hạng người không nên làm bạn: bạn chỉ tính việc lợi ích cho mình; bạn chỉ tốt vì lời nói; bạn chỉ làm vừa theo ý mình; bạn dắt dẫn trong sự hư hại.

Bốn điều mong mỏi của người trong thế gian: mong được của cải; mong được danh vọng phát sanh đến mình và đến bà con mình; mong được sống lâu; khi thác mong được về cõi trời.

Bốn điều ấy được kết quả do 4 pháp: đức tin, trì giới, bố thí, trí tuệ.

Bốn điều tây vị: tây vị vì thương, tây vị vì ghét, tây vị vì dốt nát, tây vị vì sợ.

Bốn pháp tiếp độ: cho vật dụng đến người nên cho, nói lời dịu ngọt, làm việc hữu ích đến kẻ khác, có tâm bình đẳng (không phân giai cấp).

Thân cận bậc thiện trí thức có 4 phước báu: hằng làm cho giới được thanh cao, hằng làm cho định được thanh cao, hằng làm cho tuệ được thanh cao, hằng làm cho sự giải thoát được thanh cao.

Bốn pháp làm cho trí tuệ được tiến hoá: gần gũi với bậc thiện trí thức, nghe pháp của ngài, dùng trí tuệ ghi nhớ pháp ấy, hành theo pháp ấy.

Bốn điều hữu ích trong đời vị lai: có đức tin, có trì giới, có bố thí, có trí tuệ.

Bốn điều tín ngưỡng: tin nghiệp, tin quả của nghiệp, tin rằng chúng sanh có nghiệp của mình, tin trí tuệ giác ngộ của đức Như Lai.

Bốn nguyên nhân giáng thế (cayuta) của Chư thiên: giáng thế vì hết tuổi, giáng thế vì hết phước, giáng thế vì hết vật thực, giáng thế vì nóng giận.

Bốn cận phiền não (upakkilesa) của mặt trời mặt trăng: mây; mù sương; khói và bụi; nhựt thực, nguyệt thực.

Bốn cận phiền não của vị Samôn: uống rượu, hành dâm, vui thích vàng bạc châu báu, tà kiến.

Bốn pháp chơn chánh của bậc thánh nhơn: thấy sự khổ là pháp chơn chánh của bậc thánh nhơn, biết lòng ham muốn là nguyên nhân sự khổ là pháp chơn chánh của bậc thánh nhơn, dứt lòng ham muốn là pháp của bậc thánh nhơn, thánh đạo là pháp của bậc thánh nhơn.

Bốn trí tuệ: trí tuệ biết rõ trong sự khổ, trí tuệ biết rõ trong nguyên nhân sự khổ, trí tuệ biết rõ trong nơi dứt khổ, trí tuệ biết rõ trong đường đi đến nơi dứt khổ.

Bốn điều đắc thắng: thắng người giận bằng không giận, thắng người dữ bằng sự lành, thắng người rít róng bằng sự cho, thắng người người nói dối bằng sự nói thiệt.

Bốn pháp của cư sĩ: nói lời ngay thiệt, biết trau dồi tâm tánh, biết nhẫn nhục, đem của mình cho đến người nên cho.

Người có đủ 4 pháp gọi là bậc trí tuệ: nghe; suy xét; hỏi; viết, chép.

Bốn chi của bậc trí tuệ: biết ơn người đã làm đến mình; làm cho mình xa lánh khỏi tội; làm cho người khỏi tội; tiếp độ người nên tiếp độ.

Bốn điều khó: khó được sanh làm người; khó được nuôi mạng dễ dàng; khó được nghe pháp; khó được giác ngộ làm phật.

Năm Phật sự: Ngài đi khất thực trong buổi sáng; Ngài thuyết pháp trong buổi chiều; Ngài chỉ dạy các tỳ khưu trong buổi tối; Ngài đáp câu hỏi của Chư thiên vào canh khuya; Ngài suy xét, xem duyên lành của chúng sanh nên giác ngộ hoặc không nên giác ngộ trong lúc tam canh.

Năm thời bố thí: cho đến người mới đến; cho đến người sắp đi; cho đến người bịnh; cho trong khi đói khó; cho trái cây hoặc vật chỉ mới có đầu tiên.

Năm điều bố thí của bậc thiện trí thức: cho do đức tin; cho do tôn trọng; cho do theo thời; cho do quyết tâm tế độ; cho do không hại mình và không hại người.

Năm điều bố thí của bậc thiện trí thức: cho do trọng vật cho; cho do trọng vật cho và trọng người lãnh; cho do tay mình; không cho như người liệng bỏ; cho do đức tin rằng sẽ được thọ quả phước của sự bố thí.

Năm điều bố thí của kẻ vô trí thức: cho do không trọng vật cho; cho do không trọng vật cho và người lãnh; không cho do tay mình; cho như người liệng bỏ; cho do tin rằng không được thọ quả phước.

Năm phước báu của sự bố thí và trì giới: được nhiều người thương yêu trọng đãi; hàng thiện trí thức hằng vui lòng trọng đãi; danh thơm đồn xa đến các hướng; được tươi tĩnh trong chỗ đô hội; đến khi tan rã ngũ uẩn, được thoát sanh trong cảnh vui.

Năm chi của bậc pháp sư: thuyết pháp theo thứ tự, không cho đứt đoạn; vịn nhân quả dắt dẫn cho thính giả vừa lòng; phát lòng thương xót, muốn cho có điều hữu ích đến người nghe; không thuyết pháp vì mong được lợi (lễ vật, lời khen); không thuyết pháp vì hại mình và hại người.

Năm phước báu của sự nghe pháp: hằng được nghe pháp mà mình chưa từng nghe; hằng làm cho mình được nhớ rõ rệt đến pháp đã quen nghe; hằng được phá sự hoài nghi; hằng làm cho sự hiểu biết được chơn chánh; tâm của người nghe pháp hằng được trong sạch.

Năm phước báu của sự nhịn nhục: được nhiều người vừa lòng; ít bị người thù oán; ít phạm điều tội lỗi; không mê loạn trong khi chết; khi thác hằng được thoát sanh trong cõi vui.

Năm điều làm cho người phải sa địa ngục[20]: không có đức tin (Tam bảo); không hổ thẹn (tội lỗi); không ghê sợ (tội lỗi); lười biếng; không có trí tuệ.

Năm điều không thu thúc làm cho phát sanh phiền não: không có đức tin; không có nhẫn nhục; lười biếng; không có trí nhớ; dốt nát.

Năm tội nặng (phải chịu quả khổ nhãn tiền): giết mẹ; giết cha; giết A-la-hán; chích máu đức Phật; chia rẽ tăng già

Năm pháp chướng ngại: vui thích trong ngũ trần; thù oán, muốn làm hại người; buồn ngủ, dã dượi; tâm phóng túng, buôn lung không định; hoài nghi, ngờ vực.

Năm điều sanh pháp chướng ngại: thấy sắc rồi cho là đẹp; tâm bực bội, bức tức; không vui, thích lười biếng và mê ăn; tâm không yên lặng; không dùng trí tuệ ghi nhớ trong tâm.

Năm nguyên nhân làm cho phát sanh yểu thọ[21]: không làm cho vui lòng (theo lẽ chánh); không biết tiết độ trong sự vui; dùng vật thực, chất lửa làm cho tiêu hoá không kịp; đi chơi sái giờ; mê dâm.

Thiền định có 5 chi: tầm (tìm bắt đề mục thiền định); sát (suy xét đề mục thiền định); phỉ (thân tâm no vì vui thích trong mùi đạo); an lạc (thân tâm an vui); định (tâm an trụ vững vàng trong đề mục thiền định).

Năm chi thiền tương phản với 5 pháp chướng ngại: định tương phản với tham dục; phỉ tương phản với thù oán; tầm tương phản với hôn trầm; an lạc tương phản với phóng dật; sát tương phản với hoài nghi.

Năm thứ phỉ (pīti): lông và da mình đều nổi óc; như thấy ánh sáng trời chớp trước mắt; thân như bị sóng đánh; thân tâm nhẹ nhàng như bay bổng; cả thân tâm đều mát mẻ.

Năm pháp thuần thục (vasī): thuần thục trong sự nhớ chi thiền; thuần thục trong khi nhập thiền; thuần thục trong tâm nguyện để gìn giữ thiền cho bền chặt; thuần thục trong sự xuất thiền; thuần thục trong sự suy xét chi thiền trong khi xuất thiền.

Năm điều an vui: an vui vì chỗ ở; an vui vì mùa tiết; an vui vì vật thực; an vui vì bậc thiện trí thức; an vui vì nghe pháp.

Năm pháp làm cho sự giải thoát thêm tiến hoá (vimutti): có bạn lành; có giới trong sạch; nói mười lời trong sạch; có tinh tấn; có nhiều trí tuệ.

Năm điều tưởng làm cho sự giải thoát thêm tiến hoá: tưởng về sự vô thường (của vạn vật); tưởng về sự khổ trong pháp vô thường; tưởng về vô ngã (không có vật chi là của ta, trọng pháp có sự khổ); tưởng trong sự dứt bỏ (thế sự); tưởng trong sự chán nản (thế sự).

Năm pháp kinh động cần phải quán tưởng thường thường (abhinhapaccavekkhaṇa): quán tưởng sự già yếu; quán tưởng sự đau ốm; quán tưởng sự chết; quán tưởng sự chia lìa; quán tưởng cái nghiệp của mình đã làm.

Năm pháp đại thí (mahāpariccāga): thí thân thể, tứ chi; thí của; thí con; thí vợ; thí mạng sống.

Năm điều cầu xin của Devadatta (Đề-Bà-Đạt-Đa là đệ tử nghịch đức Phật): xin cho tỳ khưu ở trong rừng đến trọn đời; xin cho tỳ khưu đi khất thực đến trọn đời; xin cho tỳ khưu mặc y dơ lượm được đến trọn đời; xin cho tỳ khưu ở tu dưới cội cây đến trọn đời; xin không cho tỳ khưu ăn cá, ăn thịt đến trọn đời. (năm điều cầu xin ấy đức Phật không nhận cho).

Sáu đức tánh của bậc hướng đạo: có sự nhịn nhục; có sự thức tĩnh thường thường; có sự tinh tấn; có sự bố thí; có tâm từ bi; có sự kinh nghiệm, suy xét.

Bảy pháp làm cho sanh ra đức Thiên đế (Ngọc Hoàng): phụng sự cha mẹ; tôn kính bậc trưởng thượng trong họ; nói lời dịu ngọt; dứt bỏ lời đâm thọc; dứt trừ lòng rít róng; nói lời ngay thiệt; đè nén nóng giận không cho phát sanh.

Bảy chi của người bạn nên gần gũi: cho vật mà khó cho; làm việc mà người khó làm; nhịn nhục với việc hoặc với nhân mà người khó nhịn; nói sự kín với bạn; giấu sự kín của bạn; không bỏ nhau trong lúc có tai nạn hoặc trong khi suy sụp; khi bạn nghèo nàn cũng không khinh rẻ.

Bảy pháp của bậc thiện trí thức, là người: biết nhân (biết nhân nào sanh ra quả nấy); biết quả (biết quả sanh ra có do nhân); biết mình (biết trình độ mình); biết tiết độ (biết tiết độ trong sự ăn uống); biết thì giờ (biết giờ nào nên làm việc gì); biết người (biết người trong khi hội hợp); biết người cao, thấp (biết lựa người để thân cận).

Bảy món báu: tin điều nên tin; trì giới; hổ thẹn tội lỗi, hổ thẹn nghiệp dữ; ghê sợ tội lỗi, ghê sợ nghiệp dữ; người được học nhiều, nghe nhiều; cho của đến người nên cho; có trí tuệ.

Bảy chi sáng suốt: trí nhớ; suy xét pháp; tinh tấn; phỉ lạc; yên lặng; thiền định; xả.

Tám hạng người điên: điên vì ngủ trần; điên vì giận; điên vì hiểu quấy; điên vì lầm lạc; điên vì bị quỷ nhập; điên vì mật cử động; điên vì rượu; điên vì bị hư hại.

Tám điều hư hại (apāyamukha): người chơi gái; người uống rượu; người ăn chơi; người đổ bác; người có bạn dữ; người lười biếng; người đi chơi đêm; người đi xem hát múa, nghe ca nhạc.

Tám điều đoán xét cho biết không phải là pháp luật của Phật[22]: pháp, người hành theo cho phát sanh tình dục; pháp, người hành theo cho phát sanh sự khổ; pháp, người hành theo cho phát sanh phiền não; pháp, người hành theo cho phát sanh ham muốn nhiều; pháp, người hành theo cho phát sanh sự không có trí tuệ; pháp, người hành theo cho phát sanh sự chung chạ; pháp, người hành theo phát sanh sự lười biếng; pháp, người phát sanh theo cho phát sanh sự khó nuôi mạng.

Phụ nữ khinh rẻ chồng có 8 nguyên nhân: vì chồng là người nghèo hèn; vì chồng là người hay đau ốm; vì chồng là người già yếu; vì chồng là người uống rượu; vì chồng là người dốt nát; vì chồng là người dể duôi; vì chồng là người không làm các công việc; vì chồng là người không làm ra của cải.

Dâm phụ vì 9 nguyên nhân: phụ nữ hay đi chơi nơi vườn, ruộng; phụ nữ hay đi chơi nơi vườn bông; phụ nữ hay đi chơi nơi bến nước; phụ nữ hay đi chơi nơi nhà bà con; phụ nữ hay đi chơi nơi nhà người khác; phụ nữ hay đi tìm vật trang điểm; phụ nữ hay đi uống rượu; phụ nữ hay ngó theo lỗ kẹt, vách, cửa sổ; phụ nữ hay đi đứng chơi gần xóm.

Mười điều phát sanh phước báu: phước sanh do bố thí, phước sanh do trì giới, phước sanh do thiền định, phước sanh do sự tôn trọng người nên tôn trọng, phước phát sanh do giúp đỡ trong sự làm phước, phước phát sanh do sự hồi hướng, phước phát sanh do hoan hỷ với phần phước, phước phát sanh do nghe pháp, phước phát sanh do thuyết pháp, phước phát sanh do sự làm cho kiến thức được chơn chánh.

Người giận hờn kiếm chuyện làm hại kẻ không giận, hằng chịu 10 sự khổ trong kiếp hiện tại: phải bị khổ nặng nề, hao tổn của cải, phải bị hư hại thân thể, phải mang bịnh nặng, phải bị điên cuồng, phải bị nhà nước trừng phạt, phải mang lời nói nặng nề, phải bị chia lìa bà con, phải bị sa sụp, hèn hạ, nhược bằng không thì thì bị lửa cháy nhà.

Mười điều trói buộc: mẹ, cha, vợ, con, bà con, bạn, của, lợi, lộc, danh vọng, ngũ trần.

Đức tin là phần đầu tiên của 12 đức tánh: người có đức tin hằng đi tìm bậc trí tuệ; khi đã tìm được rồi hằng vào ngồi gần; khi đã được ngồi gần rồi, hằng lóng tai; khi đã lóng tai rồi hằng nghe pháp; khi đã nghe rồi, hằng ghi nhớ pháp; khi đã ghi nhớ nghĩa lý rồi hằng phân biện nghĩa lý; khi đã phân biện nghĩa lý rồi nên thẩm xét; khi đã thẩm xét rồi, sự vừa lòng sẽ phát sanh; khi sự vừa lòng đã phát sanh thì phát tâm tinh tấn; khi đã phát tâm tinh tấn, hằng so sánh coi; đến khi so sánh coi rồi, hằng phấn khởi tâm; khi đã phấn khởi tâm rồi, thì thật hành theo.

Chung

 

 

 

‒ Dứt tác phẩm Cư sĩ vấn đáp (Pl.2503-Dl.1960) ‒

 

 

 

 

 

 

MỤC LỤC

CƯ SĨ VẤN ĐÁP. 3

PHÁP TRÍCH LỤC.. 21

 

 

[1] Quy y nghĩa là trở về, là nương theo hay là tu theo

[2] Tứ diệu đế là 4 điều thiệt khổ, nhơn sanh khổ là lòng ham muốn nươi dứt khổ là Niết Bàn, đường đi đến nơi hết khổ là Bát chánh đạo.

[3] Phú thác là gởi mình.

[4] Tà thuyết là lý luận không đúng theo chơn lý.

[5] Bậc ngang hàng Thánh nhơn trong Phật pháp.

[6] Trong hắc là thí chủ phải vào ngồi xa vị tỳ khưu trong 1 hắc 1 gang hoặc gần hơn chút ít rồi dâng cúng.

[7] Tìm kẻ ngoại đạo nghĩa là tìm tin kẻ ấy ngang hàng với người tu Phật và đáng thọ lãnh của tín thí tin lý nhơn quả đem dâng cúng.

[8] “không có người dắt dẫn” là tự mình có trí tuệ suy xét thấy phải, rồi thành tâm làm, không nhờ người nhắc nhở.

[9] Bốn đường dữ là: địa ngục, ngạ quỷ, a tu la, súc sanh.

[10] Kiếp trước làm điều oan, kiếp này phải chịu đày đọa, kiếp này làm việc ức hiếp, kiếp sau phải bị hành gọi là “oan trái”, phạn ngữ gọi là “verā”.

[11] Tâm sở có giải trong kinh Abhidharma.

[12] 20 hạng phụ nữ là những phụ nữ có người gìn gữ (có cha, có mẹ, có chồng, có anh, có em, có bạn, có người đi nói có bà con, có chủ …)

[13] Xem 30 khiếu trong luật tu xuất gia có giải rõ.

[14] Không gian địa ngục là địa ngục ở giữa khoảng không, không có đất chở.

[15] Liếc xem toan tính muốn được của người về làm của mình.

[16] Ngày lễ lớn hoặc là đi nghe ca hát.

[17] Một lòng với vợ.

[18] Cận sự nam chỉ nên đấm bóp thôi.

[19] Tiếng Phạn “bali” dịch là: cung dưỡng, nộp thuế, tiếp độ.

[20] Trái lại thì được về cõi trời.

[21] Trái lại thì được trường thọ.

[22] Pháp ấy đức Phật giải cho bà Gotamī (dì mẫu Phật) nghe.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app