PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
THERAVĀDA
—–
CƯ SĨ VẤN ĐÁP (PRASṆĀ GĪHI)
Soạn giả TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG HỘ TÔNG (VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA)
Pl.2503 – Dl.1960
Tôi hết lòng làm lễ Tam bảo ‒ Namatthuratanattayassa
Vấn: Tiếng cận sự nam, cận sự nữ (upasaka) cận sự nữ (upāsikā) nghĩa như thế nào? Đáp: Cận sự nam, cận sự nữ nghĩa là người vào gần đến Tam bảo, nương theo Tam bảo.
Vấn: Quy y có mấy, là cái gì? Đáp: Quy y[1] có ba là: Phật, Pháp, Tăng.
Vấn: Tam quy chia theo tên có mấy? Đáp: Tam quy chia theo tên có hai: Thánh quy và phàm quy.
Vấn: Thánh quy như thế nào? Nói về mấy hạng người? Đáp: Thánh quy là quy, thấy pháp “Tứ thánh đế”[2] dứt trừ phiền não, lấy Niết-bàn làm cảnh giới, là nơi về của các bậc Thánh nhơn, nhất là bậc Tu-đà-huờn.
Vấn: Phàm quy như thế nào? Về hạng người nào? Đáp: Phàm quy chỉ mới vừa được đè nén phiền não như dùng đức của Phật làm cảnh giới, là nơi về của người phàm có đức tin về sự hiểu thấy phải, có đức tin là gốc, làm cho sự hiểu biết ngay trong 10 cách làm phước (puññakiriyāvatthu), như thế gọi là phàm quy.
Vấn: Quy y có mấy cách, là cái chi? Đáp: Quy y có 4 cách là: phú thác mạng sống đến tam bảo (attasanniyātana), nương theo tam bảo kể từ này về sau (tapparāyana), dâng mình làm đệ tử tam bảo (sissabhāvupagamana), tư cách tôn trọng sùng bái Tam bảo (pānipātana).
Vấn: Cả 4 cách quy y ấy, giải như thế nào? Đáp: Giải như vầy:
- “Phú thác mạng sống đến Tam bảo”(attasanniyyātana) là phải nguyện: “Tôi xin phú thác[3]sanh mạng tôi đến đức Phật, đức Pháp, đức Tăng, kể từ ngày nay” (ajja ādiṃ katvā ahaṃ attānaṃ buddhassa, dhammassa saṅghassa niyyādemi) như thế gọi là attasanniyyātana.
- “Nương theo Tam bảo kể từ nay về sau” (tapparāyana) là phải nguyện: “Kể từ đây, tôi xin nương theo đức Phật, kể từ đây, tôi xin nương theo đức Pháp, kể từ đây tôi xin nương theo đức Tăng”. Xin ngài ghi nhớ tôi là người cận sự nam, cận sự nữ kể từ nay về sau (ajja ādiṃ katvā buddhaparāyano, dhammaparāyano, saṅghaparāyano).
- “Dâng mình làm đệ tử Tam bảo” (sissabhāvupagamana) là phải nguyện: “Tôi là đệ tử đức Phật, đệ tử đức Pháp, đệ tử đức Tăng, xin ngài ghi nhớ tôi là đệ tử, kể từ ngày nay về sau (ajja ādiṃ kotvā ahaṃ buddhassa, antevāsiko, dhammassa antevāsiko, saṅghassa antevāsiko).
- “Tư cách tôn trọng sùng bái Tam bảo (pānipātanasaranagamana) là phải nguyện: “Tôi xin tôn trọng sùng bái và nghinh tiếp Tam bảo, nhứt là đức Phật” (ajja ādiṃ katvā ahaṃ abhivādanaṃ paccuppaṭṭhānaṃ añjalikammaṃ sāmīcikammaṃ buddhā dīnaṃyevatinnaṃ vatthunaṃ karomi).
Vấn: Phải có đủ cả 4 cách quy y ấy mới được gọi là quy y, hay là có một trong bốn cách ấy cũng được? Đáp: Có một trong bốn cách ấy cũng được.
Vấn: Bốn cách quy y ấy có quả báo giống nhau hay là khác nhau? Đáp: Có quả báo giống nhau, không khác.
Vấn: Tư cách tôn trọng sùng bái (pānipatana) chỉ có một cách hay là có thêm nữa? Đáp: Chia ra có bốn cách nữa, là: tôn trọng vì tín rằng “Đức Phật là thân quyến, dòng dõi thanh cao (ñātipānipāta); tôn trọng vì sợ oai lực của đức Phật (bhayapānipāta); tôn trọng vì cho đức Phật là thầy (ācariyapāṇipāta); tôn trọng vì tín rằng đức Phật là bậc thanh cao đáng nương dựa (dakkhineyyapaṇipāta).
Vấn: Bốn cách tôn trọng sùng bái ấy, giải như thế nào? Đáp: Giải như vầy: 1) Tôn trọng, tín rằng: đức Phật này là thân quyến dòng dõi thanh cao, ta nên tôn trọng. 2) Tôn trọng rằng: đức Phật có nhiều thần lực, nếu ta không tôn trọng sùng bái ta phải bị hư hại vì một lẽ gì không sai, cớ ấy ta phải tôn trọng. 3) Tôn trọng, tín rằng: đức Phật này khi còn ở địa vị Bồ tát, Ngài có dạy bảo ta các nghề nghiệp, nay Ngài được giác ngộ làm Phật, ta cần phải tôn trọng Ngài. 4) Tôn trọng, tín rằng: đức Phật này là bậc thanh cao đáng thọ lãnh vật dụng của thí chủ tin lý nhơn quả đem đến dâng cúng người nào đã cúng dường rồi thì được khỏi vòng khổ não. Trong 4 cách tôn trọng ấy, chỉ có cách thứ 4 làm cho phép quy y được kết quả thôi.
Vấn: Phép quy y bợn nhơ có mấy điều? Đáp: Phép quy y bợn nhơ có 3 điều, là: Không biết Phật, Pháp, Tăng, có đức như thế nào (aññāna); Nghi ngờ Tam bảo (saṃsaya); Hiểu sái Tam bảo (micchāñaṇadassana). Không đứt tam quy, nhưng Tam quy không được tỏ rạng, cận sự nam, cận sự nữ không được nhiều phước báu.
Vấn: Thánh quy có bợn nhơ chăng? Đáp: Thánh quy không bao giờ bợn nhơ.
Vấn: Phép quy y đứt do mấy điều? Đáp: Phép quy y đứt do hai điều: đứt mà có tội (sāvajjoca), đứt mà không có tội (anavajjoca).
Vấn: Đứt mà có tội, đứt như thế nào? Đáp: Người đã thọ tam quy rồi, trở lại nương theo ngoại đạo, hủy báng, nhứt là đức Phật, gọi là đứt tam y có tội.
Vấn: Như thế nào, đứt mà không có tội? Đáp: Đứt mà không có tội, là đứt vì chết.
Vấn: Thánh quy, có đứt không? Đáp: Thánh quy không bao giờ đứt.
Vấn: Vì sao Thánh quy không đứt, không bợn nhơ? Đáp: Vì bậc Thinh văn, dầu là thoát sanh trong cõi nào, không có Phật, Pháp, các ngài cũng chẳng tin theo tôn giáo khác, dầu có tai nạn đến nỗi hại mình, các ngài cũng chẳng bỏ các đức lành của mình; cho nên gọi Thánh quy không bao giờ đứt, không khi nào bợn nhơ.
Vấn: Phép quy y có mấy chi? Đáp: Có 3 chi: đức tin (saddhā), trí tuệ (paññā), thí mạng (jīvitapariccāga) là thà bỏ mạng không đành lìa pháp.
Vấn: Thế nào gọi là giới của cận sự nam? Đáp: Ngũ giới, gọi là giới của cận sự nam.
Vấn: Bát giới là giới của ai, nếu ngũ giới là của cận sự nam? Đáp: Bát giới cũng là giới của cận sự nam, cận sự nữ nhưng thọ trì có hạn kỳ.
Vấn: Sự nuôi mạng của cận sự nam, cận sự nữ như thế nào? Đáp: Sự nuôi mạng của cận sự nam, cận sự nữ là phải dứt bỏ 5 nghề buôn bán không nên.
Vấn: Năm nghề buôn không nên, như thế nào? Đáp: Năm nghề buôn không nên là: buôn khí giới (satthavaṇijjā), buôn người (sattavaṇijjā), buôn thịt là nuôi thú rồi đem bán (maṃsavanijjā), buôn vật say (rượu) (majjavaṇijjā), buôn thuốc độc (visavaṇijjā). Cả 5 nghề ấy, cận sự nam, cận sự nữ không nên làm.
Vấn: Vì sao không nên buôn khí giới? Đáp: Vì là nguyên nhân để giết chúng sanh (người và thú) bởi cận sự nam, cận sự nữ là người không sát sanh.
Vấn: Vì sao không nên buôn người? Đáp: Vì người có dòng dõi đồng nhau không nên làm cho thấp hèn.
Vấn: Vì sao không nên buôn thịt? Đáp: Vì là nguyên nhân giết hại chúng sanh.
Vấn: Vì nguyên nhân nào, buôn thuốc độc không được? Đáp: Vì là vật độc.
Vấn: Vật say là rượu, vì sao cũng cấm nữa? Đáp: Vì là nguyên nhân làm cho mất trí nhớ của người.
Vấn: Sự hư hại của cận sự nam, cận sự nữ như thế nào? Đáp: Nhứt là sự phá giới và sự nuôi mạng sái.
Vấn: Hư hại của cận sự nam, cận sự nữ có mấy thứ? Đáp: Có 5 thứ: cận sự nam, cận sự nữ không có đức tin (asaddhohoti); cận sự nam, cận sự nữ không có giới (dussīlohoti); cận sự nam, cận sự nữ là người không quyết định (kotuhalamaṅgalikohoti); cận sự nam, cận sự nữ tin tà thuyết, không tin nhơn quả (maṅgalampaccetinokammaṃ); cận sự nam, cận sự nữ tin người ngoài Phật pháp (ito ca bahiddhā dakkhineyyaṃ gavesati).
Vấn: Cận sự nam, cận sự nữ không có đức tin, tại sao cũng thành người cận sự nam, cận sự nữ được, vì cận sự nam, cận sự nữ phải có đức tin làm gốc? Đáp: Trước có đức tin thiệt, sau trở lại không có đức tin, cho nên gọi là hư hại.
Vấn: Phá giới, như thế nào? Đáp: Phá giới là nói về người không giữ giới hoặc có giới mà đứt giới, đều gọi là phá giới cả. Phá giới gọi là: “nisīlo” hoặc “asīlo” nghĩa là “người không có giới”.
Vấn: Tin tà thuyết[4], không tin nhơn quả, như thế nào? Đáp: Tin, chấp rằng tháng này tốt, tháng này xấu v.v… hoặc tin rằng ông này bà kia cho tội, phước, không tin nhơn quả.
Vấn: Thế nào gọi là tìm bậc[5] đáng thọ lãnh của tín thí tin lý nhơn quả, ngoài Phật giáo? Đáp: Tìm người ngoài đạo Phật, là tìm kẻ tự xưng mình là bậc đáng thọ lãnh của tín thí tin lý nhơn quả đem đến dâng cúng, ngang hàng với Phật giáo, nếu người nào cho vật chi, phải đến dâng cúng trong hắc[6] đúng đắng mới thọ lãnh. Cho nên trong điều học “Người tu đạo lỏa thể” (acelakasikkhāpada) đức Phật cấm không cho tỳ khưu tự tay mình thí vật chi đến người tu đạo lỏa thể và ngoại đạo, nếu cho phạm tội ưng đối trị. Cớ ấy, cận sự nam, cận sự nữ nào tìm kẻ ngoại đạo[7] gọi là hư hại, không phải là người tu trong Phật giáo.
Cận sự nam, cận sự nữ có 1 trong 5 điều hư hại ấy, gọi là cận sự nam, cận sự nữ hư hại dể duôi (candalā upasaka), cận sự nam, cận sự nữ có pháp bợn nhơ (mala upakasa), cận sự nam, cận sự nữ mà đức Phật chê trách (patikiṭṭha upasaka).
Vấn: Thạnh lợi của cận sự nam, như thế nào? Có mấy thứ? Đáp: Thạnh lợi của cận sự nam, ấy là nói về giới và sự nuôi mạng, có 5 thứ là: cận sự nam, cận sự nữ có đức tin (saddhohoti); cận sự nam, cận sự nữ có giới (sīlavāhoti); cận sự nam, cận sự nữ quyết định (nakotuhalamaṅgalikohoti); cận sự nam, cận sự nữ chỉ tin nhơn quả, không tin tà thuyết (kammam pacceti nomaṅgalaṃ); cận sự nam, cận sự nữ không tìm người tự xưng mình là bậc đáng thọ lãnh của tín thí tin lý nhơn quả, ngoài Phật giáo, chỉ tôn trọng sùng bái các hàng tu Phật (na ito bahiddhā dakkhineyyaṃ kavesati idhaca pubbakāraṃ karoti).
Cận sự nam, cận sự nữ có đủ 5 điều ấy gọi là cận sự nam, cận sự nữ quý báu (rotana upasaka), cận sự nam, cận sự nữ như hoa sen (paduma upasaka), cận sự nam, cận sự nữ như hoa sen trắng (puṇḍarika upasaka). Đức Phật cho 3 hiệu ấy vì có đức tánh như đã giải.
Vấn: Cái chi thật là giới? Đáp: Tác ý thật là giới, đúng theo Phật ngôn rằng: “Cetanā haṃ bhikkhave sīlaṃ vadāmi”. Nghĩa là: Này các tỳ khưu! Như Lai gọi tác ý chừa cải thật là giới.
Vấn: Tác ý chừa cải phát sanh giới có mấy? Đáp: Tác ý chừa cải, cho phát sanh giới ấy có 3 thứ: chừa cải đầy đủ (sampattavirati); chừa cải vì tác ý thọ trì (samādānavirati); chừa cải vì dứt bỏ (samucchedavirati).
Vấn: Tác ý chừa cải đều đủ như thế nào? Đáp: Chừa cải đều đủ là: chúng sanh có thể giết được mà không giết, của cải có thể trộm được mà không trộm, vợ con người có thể hành dâm được mà không hành dâm, lời có thể dối được mà không dối, rượu có thể uống được mà không uống. Cả 5 điều ấy đã đến trước mặt rồi mà cũng không làm cho sái, sợ có điều oan trái trong ngày sau. Như thế gọi là tác ý chừa cải.
Vấn: Chừa cải vì tác ý thọ trì như thế nào? Đáp: Chừa cải vì tác ý thọ trì nơi tỳ khưu, sadi, hoặc nơi cư sĩ đã thọ trì giới trước mình. Nếu gặp 1 trong 5 điều oan trái (pañcaverā) không dám làm sai, sợ đứt giới, như thế, gọi là chừa cải vì tác ý thọ trì.
Vấn: Chừa cải vì dứt bỏ như thế nào? Đáp: Chừa cải vì dứt bỏ phiền não, khi Thánh đạo phát sanh lên, giới cũng phát sanh chung trong một thời ấy, phiền não cũng dứt. Như thế gọi là chừa cải vì dứt bỏ.
Vấn: Tác ý cho phát sanh giới, do pháp chi hộ trợ, có mấy thứ? Đáp: Tác ý cho phát sanh giới do 2 pháp là: hổ thẹn tội lỗi (hiri); ghê sợ tội lỗi (attappa). Hai pháp ấy hộ trợ, nâng đỡ làm cho giới phát sanh lên được.
Vấn: Có người trì giới trong sạch đến trọn đời, có người mới giữ được không lâu rồi đứt giới, vậy hổ thẹn và ghê sợ đi đâu đi, không giúp đỡ che chở người? Đáp: Hổ thẹn và ghê sợ không đi đâu, song, vì thế lực thân cận cùng bạn dữ là nguyên nhân làm cho người hành theo bạn dữ; dắt dẫn cho hư hoại điều lợi ích đã phát sanh lên. Còn được giữ giới đến trọn đời là nhờ thế lực thân cận cùng bạn lành. Cớ ấy, đức Phật cấm ngăn không cho gần kẻ dữ, dạy phải nên giao thiệp cùng hàng thiện trí thức.
Vấn: Đứt giới do mấy nguyên nhân? Đáp: do hai nguyên nhân: đứt có tội, vì hành sái một điều học nào (sāvajjoca); đứt không có tội, vì chết (anāvajjoca).
Vấn: Thọ trì có mấy phép? Đáp: Có hai phép: thọ trì chung (ekajjhasamādāna), thọ trì riêng (paccekasamādāna).
Vấn: Thọ trì chung như thế nào? Đáp: Thọ trì tất cả điều học, như nói: “Tôn xin thọ trì 5 giới, hay là 8 giới” không nói: sát sanh, trộm cắp…, như thế, gọi là thọ trì chung (ekajjhasamādāna).
Vấn: Thọ trì riêng, như thế nào? Đáp: Thọ trì riêng là nói ngay, riêng mỗi một điều học cho đến hết, như thế, gọi là thọ trì riêng (paccekasamādāna).
Vấn: Thọ trì chỉ có hai phép ấy, hay là còn nữa? Đáp: Chia ra có 3 phép thêm nữa: thọ trì bậc thấp (hīnasamādāna), thọ tri bậc trung (majjhimasamādāna), thọ trì bậc thượng (panītasamādāna).
Vấn: Thọ trì bậc thấp, như thế nào? Đáp: Thọ trì vì: muốn (chanda), tâm (citta), tấn (viriya), suy xét (vimamsa) (adhipatidhama). Nếu cả 4 pháp ấy thấp hèn thì giới cũng thấp hèn, hoặc vì tâm sự ham muốn (taṇhā), tà kiến (diṭṭhi) và kiêu hãnh (māna) nhập vào khuấy rối làm cho tâm bợn nhơ, vì thiếu trí tuệ (ñānavippayutta) như thế, gọi là thọ trì thấp hèn.
Vấn: Thọ trì bực trung như thế nào? Đáp: Thọ trì vì: muốn, tâm, tinh tấn, suy xét bực trung, không bị sự ham muốn, tà kiến và kiêu hãnh nhập vào khuấy rối, nhưng nhờ có người dắt dẫn (sasaṅkhārikañāna sampayutta) như thế gọi là thọ trì bực trung (majjhimasamādāna).
Vấn: Thọ trì bực thượng như thế nào? Đáp: Thọ trì vì: muốn, tâm, tinh tấn, suy xét bực thượng không bị sự ham muốn, tà kiến và kiêu hãnh nhập vào khấy rối vì có tâm lành, không có người dắt dẫn[8] (asaṅkhārikañāṇa sampayutta), như thế gọi là thọ trì bực thượng (pamītasamādāna).
Vấn: Cả 8 điều giới, chia ra về phần tội có mấy thứ? Khác nhau như thế nào? Đáp: Chia ra về phần tội có 2 thứ, khác nhau như vầy: trong 8 điều học có:
- Năm điều trước thuộc về tội trong đời (lokavajja), dầu thọ trì hay không thọ trì cũng có tội, phải sa vào 4 đường dữ. Nghiệp báo còn dư lại phải đi thoát sanh làm người, chịu tội khác nhau theo mỗi điều học mà mình đã phạm.
- Ba điều sau thuộc về tội Phật cấm (pannathivajjo). Nếu làm sai điều Phật cấm ấy không sa vào 4 đường dữ[9], không có oan trái[10] (verā) chỉ không được hưởng phước báu của “bát quan trai giới” thôi. Vì điều học này phát sanh do thế lực của “bát quan trai”. Ngoài ngày bát quan trai, không có điều học ấy.
Vấn: Năm điều học, có tội khác nhau, vậy khi sa vào cảnh khổ, đi theo điều nào trước hay là đi theo thứ tự, từ sát sanh đi tới? Đáp: Phạm điều học phải sa vào cảnh khổ, nhưng không nhứt định, điều học nào tội nhiều hơn phải đi theo điều học ấy.
Vấn: Năm điều học đức Phật chế ra đối với người nào? Đáp: đức Phật không có chế điều học đối với người nào cả; 5 điều học ấy đã có từ khi đức Phật chưa giác ngộ, gọi là “thường giới” (nicca sīlā) cho nên nói là không cấm chế đối với người nào.
Vấn: Bát quan trai giới, đức Phật thuyết cho người nào? Đáp: Ngài thuyết cho Mahānāma là một vị vua về dòng Thích Ca (con nhà chú với đức Thế Tôn).
Vấn: Đứt giới có đứt tam quy không? Đáp: Đứt giới nếu đứt vì chết, tam quy cũng đứt; nếu đứt vì phạm điều học, có khi đứt tam quy, có khi cũng không đứt. Nếu đứt vì hiểu rằng: 5 điều oan trái ấy không có tội, như thế, gọi là đứt tam quy. Còn không đứt tam quy là khi phạm điều học mà còn tin nhơn quả, đứt như thế, gọi là chỉ đứt giới, tam quy còn như thường.
Vấn: Cớ sao không đứt tam quy, nếu giới đã đứt? Đáp: Không đứt tam quy, vì thọ tam quy nhờ có đức tin là gốc, nghĩa là còn tin phước tin tội, ví như cây gãy nhánh nhưng gốc rễ vẫn còn đủ. Giới phát sanh do tác ý chừa cải chỉ có hư sự chừa cải thôi, giới và tam quy, tâm sở[11] khác nhau, như đã có giải.
Vấn: Vậy đứt tam quy, đứt giới hay là không đứt? Đáp: Đứt tam quy, giới cũng đứt, vì tam quy là gốc rễ; nếu đã hết tin nhơn quả rồi, giới còn thế nào được.
Vấn: Ngoài Phật giáo, khi đức Phật chưa giác ngộ, có giới chăng? Đáp: Ngoài Phật giáo, khi đức Phật chưa giác ngộ, cũng có giới vậy.
Vấn: Vậy, nói đứt tam quy thì đứt giới, vậy ngoài Phật giáo, không có tam quy, cớ sao lại nói có giới? Đáp: Trong Phật giáo, nếu đã thọ tam quy rồi, trở lại bỏ tam quy, thì giới cũng đứt vì đã hết tin nhơn quả rồi. Còn nói không có tam quy mà còn giới, ấy là đối với thời gian ngoài Phật giáo, không có Phật, Pháp, Tăng chỉ có chừa cải 5 điều oan trái thôi, cho nên nói: cũng có giới vậy.
Vấn: Giới không tà dâm và không thông dâm khác nhau như thế nào? Đã nói không tà dâm còn thêm không thông dâm nữa? Đáp: Không tà dâm đối với 20 hạng phụ nữ[12]; không thông dâm phải xa lánh cả 30 khiếu[13], trong một ngày một đêm; không tà dâm xa lánh luôn, trừ ra vợ chồng.
Vấn: Một người với nhiều người xin thọ giới cách nào cao thượng hơn? Đáp: Xin một người hoặc xin nhiều người chỉ do nơi sự hành, chẳng phải vì chỗ xin.
Vấn: Giới phát sanh nơi người cho, hay là nơi người xin? Đáp: Giới phát sanh nơi người thọ, có thọ, có hiểu rồi chừa cải đều đủ các điều học thì giới mới phát sanh.
Vấn: Nếu phát sanh nơi người thọ, vậy cần gì phải đi xin nơi bậc xuất gia thêm nữa? Đáp: Phải đi thọ nơi các bậc xuất gia cho có sự tôn kính đến tam quy và được các điều phước báu, không cho sự dể duôi phát khởi và cho tâm thuần thục được nghe lời chỉ giáo của bậc trí tuệ, cho nên cần phải đi thọ nơi các ngài mới được.
Vấn: Thế nào gọi là hành bát quan trai? Thế nào gọi là thời bát quan trai? Thế nào gọi là giới bát quan trai? Đáp: Hành bát quan trai là việc phải làm trong ngày bát quan trai như là thọ tam quy… ; còn thời bát quan trai là hạn kỳ bát quan trai, là định ngày phải thọ trì bát quan trai, như ngày mùng 5, 8, 14, rằm … một tháng có 8 ngày; giới bát quan trai là 8 giới như đã có giải.
Vấn: Bát quan trai có mấy? Đáp: Có hai là: bát quan trai (trong một tháng có 8 ngày), bát quan trai (giữ luôn ngày rước và ngày đưa). Bát quan trai có hạn kỳ ngày và cách thọ trì khác nhau, như đã có giải đều đủ trong luật tu cư sĩ rồi, đây không cần phải giải thêm nữa.
Vấn: Bát quan trai có 2 thôi, hay là có thêm nữa? Đáp: Có 3 thêm nữa là: giữ bát quan trai như kẻ chăn bò (gopāla uposatha); giữ bát quan trai như kẻ ngoại đạo (nigantha uposatha); giữ bát quan trai để trừ phiền não (ariya uposatha).
Vấn: Như thế nào gọi là giữ bát quan trai như kẻ chăn bò? Đáp: Thọ trì bát quan trai như người chăn bò là: người chăn bò đuổi bò đến nơi có nước, có cỏ, rồi chỉ chờ cho đến giờ đuổi bò về giao cho chủ, chỉ mong đòi tiền mướn thôi, thế nào, người giữ bát quan trai trông cho hết ngày bát quan trai để chực ăn uống và thọ hưởng ngũ dục theo ý muốn như ngày trước. Như thế gọi là “thọ trì bát quan trai như kẻ chăn bò (gopāla upasatha)”.
Vấn: Như thế nào gọi là giữ bát quan trai như kẻ ngoại đạo? Đáp: Giữ bát quan trai của kẻ ngoại đạo có định chỗ: như chừa cải không sát sanh ở hướng đông xa 100 do tuần, ở hướng nam xa 100 do tuần, ở hướng bắc xa 100 do tuần, như thế gọi là bát quan trai của kẻ ngoại đạo, bát quan trai như thế không có phước báu đâu.
Vấn: Như thế nào, gọi là giữ bát quan trai để dứt trừ phiền não? Đáp: Thọ trì bát quan trai để dứt trừ phiền não làm cho tâm trong sạch.
Vấn: Bát quan trai dứt trừ phiền não có chia ra nữa chăng? Đáp: Chia ra nữa, có 6 phép: Phật bát quan trai (brahmuposatha) ; pháp bát quan trai (dhamuposatha) ; tăng bát quan trai (saṅghuposatha) ; giới bát quan trai (sīluposatha) ; Chư thiên bát quan trai (devatūposatha) ; thánh thinh văn bát quan trai (arahantuposatha)
Vấn: Phật bát quan trai, giải như thế nào? Đáp: Bát quan trai dùng đức của Phật làm cảnh giới, như chọn lấy 1 trong 9 hiệu (Arahaṃ …. Bhagavā) của Phật để niệm giữ trong tâm, cho đặng dứt trừ phiền não.
Vấn: Pháp bát quan trai, giải như thế nào? Đáp: Dùng đức của Pháp làm cảnh giới, như dùng Svākkhāto … Viññūhi, một hiệu nào để niệm tưởng trong 4 oai nghi.
Vấn: Tăng bát quan trai, giải như thế nào? Đáp: Dùng đức của tăng làm cảnh giới, như dùng Supaṭipanno … Lokassa, dùng một hiệu nào để niệm tưởng trong tâm.
Vấn: Giới bát quan trai, thọ trì như thế nào? Đáp: Nhớ đến giới mà mình đã thọ trì rồi không đứt, không bợn nhơ, không lủng bể … cho thiền định được phát sanh lên vì giới trong sạch, tâm được an vui, không nóng nảy. Như thế gọi là giới bát quan trai.
Vấn: Chư thiên bát quan trai, thọ trì như thế nào? Đáp: Tưởng nhớ đến đức Pháp đem người đi thoát sanh lên 6 cõi trời dục giới, do đức tánh chi? Nhớ thấy rằng: “Khi còn ở cõi người có tu 5 đức: “tin, giới, nghe, thí, tuệ”. Có đủ 5 đức tánh ấy mới sanh làm Chư thiên được. Nhớ được như thế rồi, cố gắng hành bát quan trai cho được tiến hoá lên tột bực (bhiyyobhāba). Như thế gọi là Chư thiên bát quan trai (devatūposatha).
Vấn: Thánh thinh văn bát qua trai thọ trì như thế nào? Đáp: Chư thánh thinh văn thọ trì bát quan trai, dứt bỏ điều oan trái đến trọn đời, không trở lại làm những điều đã dứt bỏ ấy nữa. Như thế gọi là Thánh thinh văn bát quan trai (Arahantuposatha). Trong 6 phép bát quan trai ấy, Thánh thinh văn bát quan trai có nhiều quả, có nhiều phước.
Vấn: Bát quan trai đứt, do mấy nguyên nhân? Đáp: Do 2 nguyên nhân: đứt vì có tội (sāvajjoca) do hành sái điều học; đứt không có tội (anāvajjoca) vì chết.
Vấn: Cả 8 điều học ấy, điều học nào có tội, điều học nào không có tội? Đáp: Điều học nào kể vào trong tội đời (lokavajja) có tội trong kiếp hiện tại, và có tội phải sanh trong 4 đường dữ; điều học kể vào trong điều Phật cấm (Paṇṇattivajja) có tội, chỉ không được quả báo trong sự thọ trì bát quan trai thôi.
Vấn: Đức tánh của cận sự nam, cận sự nữ như thế nào? Có mấy thứ? Đáp: Đức tánh của cận sự nam, cận sự nữ có 10 thứ:
- Cận sự nam, cận sự nữ là người cùng chia sự vui, khổ với tỳ khưu tăng (saṅghena saddhiṃsamāna sukha dukkho hoti) nghĩa là nếu tỳ khưu tăng có sự vui thì cùng vui với, tỳ khưu tăng có sự khổ cũng chia buồn với nhau.
- Cận sự nam, cận sự nữ có nghiệp thân và nghiệp khẩu đã gìn giữ được chơn chánh (kāyi kavācasikañca surakkhitaṃ hoti)
- Cận sự nam, cận sự nữ lấy Pháp làm trọng là khi làm việc chi hằng lấy Pháp làm lớn, làm gốc, làm mẫu không cho sai, không bỏ Pháp (dhammo adhipateyyo hoti)
- Cận sự nam, cận sự nữ là người vui thích trong sự bố thí theo sức mình, là làm việc bố thí vừa theo của cải ít hay là nhiều, có ít làm ít, có nhiều làm nhiều, không bị sự rít róng bỏn xẻn đè nén (yathā thāmena saṃvibhāga ratova hoti).
- Cận sự nam, tinh tấn học hỏi cho thông rõ Phật giáo là lời dạy bảo của đức Thế Tôn (jina sāsanaṃ jānituñcavāyamati).
- Cận sự nam, cận sự nữ là người chánh kiến, có trí tuệ thấy hiểu đúng theo chơn lý (sammādiṭṭhikova hoti).
- Cận sự nam, cận sự nữ xa lánh không tin tà thuyết và là người không cố chấp tin rằng: người có tà thuật cho tội phước được, chỉ tin lý nhơn quả (apagato kotuhalamaṅgalikova hoti).
- Cận sự nam, dầu có tai nạn đến nỗi hại mình, cũng không bỏ Tam bảo, trở dùng người khác làm thầy, làm nơi nương tựa, quý trọng hơn Tam bảo (jivitahetupi aññaṃ satthāraṃ na uddhisati).
- Cận sự nam, cận sự nữ vui thích trong phép hoà hợp (samaggārāmo va hoti).
- Cận sự nam, cận sự nữ tu hành chơn chánh trong Phật giáo, là chỉ làm theo luật pháp của Phật (sāsane carati).
Mười đức tánh ấy, cận sự nam, cận sự nữ cần phải thiệt hành theo, không nên dể duôi, vì là pháp có thể làm cho tâm của cận sự nam, cận sự nữ ở theo thập nghiệp trong sạch và cho có duyên lành với Niết-bàn.
—————————–
Bài viết được trích từ cuốn Cư Sĩ Vấn Đáp, tác giả Tỳ Khưu Hộ Tông
Link cuốn Cư Sĩ Vấn Đáp
Link tải sách ebook Cư Sĩ Vấn Đáp
Link video cuốn Cư Sĩ Vấn Đáp
Link audio cuốn Cư Sĩ Vấn Đáp
Link thư mục tác giả Tỳ Khưu Hộ Tông
Link thư mục ebook tác giả Tỳ Khưu Hộ Tông
Link giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Hộ Tông
Link tải app mobile Phật Giáo Theravāda