Chương III

BỐN CHÁNH CẦN
(Caṭṭāra-sammappadhāna)

Chữ sammappaddhāna = samma + padhāna được dịch là Chánh-cần.

Có định nghĩa như sau:

– Bhusaṃ dāhaṭi vahaṭi’ṭi padhanaṃ. Thường làm phận-sự thiêu đốt là Cần.
– Sammadeva padhānaṃ sammappaddhanaṃ. Tinh cần trong sự chính đáng là Chánh-cần.
Padhāna là sự cố-gắng thực-hiện một điều gì đó bằng sự kiên-trì với quyết tâm mạnh-mẽ.

Nếu sự thực-hiện điều này đúng đắn sẽ mang lại hiệu quả tốt, nên gọi là Chánh-cần (sammappadhāna).

Sự kiên-trì không thối chuyển cùng với quyết tâm đạt được mục-đích, được gọi là āṭapa vīriya (nhiệt-cần).

Ðó là sự cố-gắng gồm bốn đặc-tính được kể ra trong đoạn kinh sau:

Kāmaṃ ṭaco ca nahāru ca aṭṭhi ca avasissaṭu sarīre upasussaṭu maṃsalohiṭam yaṃ ṭaṃ purisaṭhāmena purisa vīriyema purisaparakkamena paṭṭabhaṃ na ṭaṃ apā puṇiṭvā vīriyassa saṅṭhānaṃ bhavissaṭi.Dầu chỉ còn da, gân và xương, dầu thịt và máu trong thân này khô cạn, ta vẫn không ngừng tinh-tấn cho đến khi nào ta đạt được điều con người có thể đạt được do khả-năng tinh-tấn“. (Aṅguṭṭara nikāya, Duka nipāṭa)

Bốn đặc-tính của tinh-tấn có thể tóm tắt là:

Dầu chỉ còn da.
Dầu chỉ còn gân.
Dầu chỉ còn xương.
Dầu máu cạn, thịt khô.

Bốn đặc-tính này hội-tụ trở thành sự quyết tâm mạnh-mẽ, biểu lộ một quyết tâm không lay chuyễn.

Ta sẽ không ngừng nghĩ hay buông lơi, khi chưa đạt đến mục tiêu bằng sự tinh-tấn của con người“.

Ðó là sự thể hiện tinh-tấn của trưởng-lão Sona, đồng thời cũng là của trưởng-lão Cakkhupāla …

Bao giờ sự tinh-cần theo lời dạy của đức Phật được thực-hiện đầy đủ theo trong suốt cuộc đời, khi ấy nếu các tầng thiền, đạo, quả không phát-sanh, bấy giờ người ta mới được phép nói rằng:

“Nguyên-nhân không thành-đạt là do thiếu ba-la-mật, hay là người nhị-nhân hoặc do sanh vào thời-kỳ không có đạo-quả, không có pháp thượng-nhân”.

Ở đời, có một số người không thực-hành sự nhiệt-cần như lời dạy của đức Phật đã nêu bày, thậm chí không thực-hành pháp niệm đến nơi đến chốn, để chữa-trị bệnh buông-lung, phóng túng, lại bào-chữa rằng: “Đạo-quả không đạt được là do sanh nhằm thời-kỳ mạt pháp”. Một số khác lại bảo rằng: “Người trong thời này không đủ pháp ba-la-mật nên không thể chứng-đắc đạo-quả”. Một số khác lại cho rằng: “Thời này là thời của người nhị-nhân”.

Tất cả những luận điệu trên nhằm biện minh cho sự dể-duôi, lười nhác, thiếu tinh-tấn, đồng thời không hiểu rằng: “Đây là thời của hạng người Neyya”. Hạng người Neyya sở dĩ không đạt được đạo-quả là do thiếu tinh-tấn đúng mức.

Nếu chánh tinh-tấn được thực-hiện đúng mức cùng với sự quyết tâm vững mạnh (pahiṭaṭṭa), thì trong ngàn người tinh-tấn như vậy, cũng có ba, bốn hay năm trăm người thành-đạt đạo-quả.

Chữ Pahiṭaṭṭa mang ý-nghĩa: “Sự quyết tâm tinh-tấn đến trọn đời, nếu cần thiết có thể chết trong khi vẫn còn đang thực-hiện tinh-tấn“.

Câu chuyện của trưởng-lão Godhika được ghi trong Tương-ưng kinh là một minh chứng.

Trưởng-lão Godhika tinh-cần sống không phóng-dật nên chứng-đắc được nhất thời tâm giải-thoát (sơ-thiền) nhưng rồi thối thất tinh-tấn. Ðến sáu lần như vậy.

Theo sớ giải, sở dĩ Ngài thối thất sáu lần như vậy là do bị nội thương, khi Ngài tinh-tấn hành pháp thì nội thương lại tái phát. Ðến lần thứ bảy, Ngài lại tinh-tấn sống không phóng-dật chứng được sơ-thiền, bấy giờ nội thương lại tái phát, Ngài suy nghĩ không thể thối thất đến lần thứ bảy, “Thà rằng ta chết đi trong sự tinh-tấn hơn là để thối thất”. Thế là, Ngài đem con dao đến cho mình, trong giây phút sắp mệnh-chung, Ngài tinh-tấn triển khai minh-sát và đạt quả Vô-lậu. Trong kinh có ghi: Ác ma muốn tìm chỗ tái-sanh của Ngài nhưng y thất vọng, Ðức Thế-tôn dạy rằng: Godhika đã Níp-bàn.

Trong kinh Mahā parinibbāna, ở Trường-bộ, có ghi lời di huấn tối hậu của đức Phật:

“Này chư tỳ-khưu! các pháp-hành là vô-thường, hãy tinh-tấn chớ có dể-duôi”.Sự tinh-tấn của trưởng-lão Cakkhupāla được thể hiện bằng sự tỉnh-thức suốt ba tháng an cư chỉ có hai oai-nghi được thực-hiện là ngồi và đi.

Trưởng-lão Phussadeva sau hai mươi lăm năm tinh-tấn hành-đạo như thế (là ngăn oai-nghi nằm) mới chứng đạt đạo-quả. Trưởng-lão Mahāsīva phải kéo dài sự tinh-tấn đến ba mươi năm mới thành-đạt mục tiêu giải-thoát.

Thời trước đã là vậy, thời này càng phải tinh-tấn nhiều hơn nữa. Một điều nên ghi nhận rằng: Trong thời hiện-tại, có người nỗ-lực tinh-tấn, lại không có đủ căn-bản về pháp-học (pariyaṭṭi) nên sự tinh-tấn ấy, đôi khi không chính xác, tức là khiếm khuyết về chánh-cần.

Trái lại, những người có đủ căn-bản pháp-học lại vướng bận (palibodha) trong công việc của tỳ-khưu, vì sống gần đô thị nên phải thuyết-pháp, giảng đạo, luận đạo, biên soạn kinh-sách … và như thế cũng không thể thực-hiện chánh tinh-tấn liên tục được.

Một số có quan niệm rằng: “Khi các pháp ba-la-mật đã chín mùi và thời gian cận kề sắp đến, sẽ chứng đạt đạo-quả dễ-dàng”. Thế là, họ không nỗ-lực tinh-tấn ngay bây giờ và vì không có sự xác tín rằng: “sự tinh-tấn trong hiện-tại chẳng biết có mang lại kết quả hay không?” nên không nỗ-lực tinh-tấn. Xem ra, những người này không suy-nghiệm để so sánh sự khổ tinh-tấn ba mươi năm với sự khổ trong luân-hồi mà họ sẽ đối diện.

Trong thời gian chờ đợi ba-la-mật chín mùi, họ chưa đạt đạo-quả, họ sẽ ra sao? có thể do dể-duôi không tinh-tấn họ sa vào địa-ngục, họ không biết rằng: “Khổ tinh-tấn ba mươi năm không khắc nghiệt bằng khổ trong địa-ngục chỉ vài giờ”.

Họ bảo rằng: “Sau ba mươi năm tinh-tấn, không đạt được đạo-quả giải-thoát, hoàn cảnh cũng vậy thôi”. Nghe qua cũng hữu lý, nhưng gẩm lại thì … nếu có đủ căn duyên người ấy sẽ giải-thoát với sự tinh-tấn này, nếu không đủ căn duyên, cũng sẽ giải-thoát trong kiếp kế.

Cho dù không giải-thoát trong giáo-pháp hiện-tại, nghiệp tinh-tấn tu-tập thường xuyên (bhāvanā aciṇṇa kamma) là nghiệp rất mạnh, nhờ nghiệp này, người ấy có thể tránh khỏi đọa-xứ, sau nhiều lần sanh về nhàn-cảnh (sugaṭi) và sẽ gặp được đức Phật vị-lai.

Còn những người không thực-hiện pháp tinh-tấn, sẽ đánh mất cơ hội giải-thoát trong kiếp này, mặc dầu giá phải trả là ba mươi năm tinh-tấn. Nghĩa là, khả-năng đắc đạo-quả sẽ đến với họ sau ba mươi năm liên tục tinh-tấn, nhưng vì không có pháp tinh-tấn, họ đành để mất tất cả, đồng thời chẳng được gì.

Do vậy, hãy tinh-tấn để đạt được pháp-nhãn (dhammacakkhu) hay tuệ-nhãn (paññācakkhu), đồng thời phòng-ngự trước những nguy-hiểm của luân-hồi đọa-xứ.

Chánh tinh-tấn có bốn là:

1. Anuppannānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ anuppādāya vāyāmo: Tinh-tấn làm cho các ác bất-thiện pháp chưa sanh không sanh-khởi, còn gọi là thận-cần (saṃvarappadhāna).2. Upannānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ pahānāya vāyāmo: Tinh-tấn khắc phục những ác bất-thiện pháp đaõ hay đang sanh, còn gọi là trừ-cần (pahānappaddhāna).

3. Anuppannānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ uppādāya vāyāmo: Tinh-tấn làm cho những thiện-pháp chưa sanh được sanh-khởi, còn gọi là tu-cần (bhāvanāppadhāna).

4. Uppannānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ bhiyyobhāvāya vāyāmo: Tinh-tấn duy trì phát-triển những thiện-pháp đã sanh hay đang sanh, còn gọi là bảo-cần(anurakkhanāppadhāna).

Bất-thiện nghiệp đã sanh và chưa sanh.

Mỗi chúng-sanh còn trôi lăn trong sinh tử luân-hồi, nói về bất-thiện nghiệp, có hai loại:

Uppanna akusala kamma: bất-thiện nghiệp đã sanh, đó là những bất-thiện nghiệp quá-khứ lẫn hiện-tại.

Những bất-thiện nghiệp trong quá-khứ, một số đã trả quả bằng cách cho tái-sanh vào khổ-cảnh, một số khác chờ cơ hội tạo ra sự sanh-khởi vào đoạ xứ. Chúng là tiềm năng dẫn dắt rơi vào đọa-lạc, tiềm năng ấy luôn đi theo chúng-sanh từ đại kiếp này sang đại kiếp khác, từ đời sống này sang đời sống khác, chúng-sanh nào còn mang thân-kiến (sakkāyadiṭṭhi), dầu là người, chư-thiên, hay phạm-thiên, đều chứa một kho của nợ nhiều vô số kể, đó là những tiềm năng bất-thiện, tạo ra sự tái-sanh vào khổ-cảnh, cõi thấp nhất là địa-ngục A-tỳ (avīci niraya).

Thân-kiến là gì?

Là cho rằng có cái ta (tự ngã) trong thân năm uẩn, mỗi uẩn có bốn cách:

Cho rằng sắc là tự ngã.
Cho rằng tự ngã có sắc như cây có bóng cây.
Cho rằng sắc có trong tự ngã như mùi hương có trong bông hoa.
Cho rằng tự ngã có trong sắc như viên ngọc nằm trong hộp.
Tương-tự như thế đối với thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn và thức-uẩn.

Như thế, thân-kiến gồm hai mươi loại.

Tiềm năng trong bất-thiện nghiệp như mầm giống trong hạt xoài, hạt mít … nó không lộ diện khi chưa đủ điều-kiện thích-hợp. Người ta không thể tìm mầm giống hạt xoài bằng cách nghiền nát hay bằm nhỏ hạt xoài, nhưng khi gieo vào đất có nước ẩm ướt, thế là mầm giống xuất hiện. Cũng vậy những tiềm năng trong bất-thiện nghiệp theo sát chúng-sanh, chờ đợi cơ hội sẽ hiển-lộ ra.

Những bất-thiện đã sanh này có căn cội, gốc rễ trong thân-kiến. Gọi là bất-thiện nghiệp ám chỉ những bất-thiện nghiệp dẫn tái-sanh vào khổ-cảnh (duggaṭi).

Khi nào còn thân-kiến những nghiệp ấy không hết được, kho tích lũy bất-thiện nghiệp đã sanh chẳng những chưa tiêu thụ hết, lại còn đưa thêm vào ngày một nhiều hơn.

Nhưng bao giờ tiêu thụ hết? Bao giờ có tuệ-quán thấy rõ tướng vô-ngã (anaṭṭa lakkhaṇa), khi ấy mới loại trừ được thân-kiến.

Khi nào thân-kiến hoàn toàn vắng mặt, khi ấy tất cả những bất-thiện nghiệp liên-hệ với thân-kiến đã sanh cũng biến mất và kho chất chứa bất-thiện nghiệp này trở nên trống rỗng, chúng-sanh này không còn bị tái-sanh vào khổ-cảnh.

Anuppanna akusala kamma: bất-thiện nghiệp chưa sanh. Là những bất-thiện nghiệp trong tương-lai, tức là sau sát na hiện-tại (khaṇa) kế tiếp trong kiếp sống này trở đi. Ở đây, gọi là bất-thiện nghiệp chưa sanh, là ám chỉ những loại nghiệp dẫn sanh vào khổ-cảnh chưa phạm đến, tức là chưa tạo ra. Số lượng bất-thiện nghiệp chưa sanh được người ta gây ra chỉ trong một kiếp sống, cũng không thể đếm hết.

Tiền thân trưởng-lão Losaka là vị tỳ-khưu trong giáo-pháp đức Phật Kassapa, tu hành tinh-tấn, nhưng chỉ một lần ganh tị với vị A-la-hán, đổ hết vật-thực của thí chủ cúng dường đến vị A-la-hán. Vị ấy bị sa vào địa-ngục với thời gian lâu không thể đếm được, rồi sanh làm ngạ-quỉ (peṭa). Ðồng thời kể từ đó trở đi, chưa bao giờ Ngài được no lòng, chỉ đến khi sắp viên tịch, nhờ sự trợ giúp của trưởng-lão Sārīpuṭṭa, Ngài mới được no dạ bữa cuối cùng.

Có suy-gẫm như thế, chúng ta mới kinh-sợ cho bất-thiện nghiệp này và cố-gắng không vi-phạm đến chúng. Tất cả những bất-thiện nghiệp chưa sanh dẫn đến khổ-cảnh đều xuất phát từ thân-kiến, bao giờ thân-kiến được đoạn trừ, khi ấy những bất-thiện nghiệp chưa sanh này cũng tuyệt dứt ngay trong sát na ấy, nghĩa là vĩnh viễn chúng không thể được tạo ra

Ở đây chữ “tuyệt-dứt” nghĩa là không hề phạm kể từ sát na kế tiếp trở đi. Tức là, khi trừ diệt thân-kiến rồi, cho dù trải qua những kiếp sống về sau hay những đại kiếp sau đó, dù là vô-tình cũng không hề phạm phải những bất-thiện nghiệp dẫn đến khổ-cảnh.

Suốt thời gian luân-hồi còn lại, những chúng-sanh này không hề vi-phạm bất kỳ một bất-thiện nghiệp dẫn đọa vào khổ-cảnh, ngay cả trong giấc mơ cũng không hề có.

Nếu như còn thân-kiến, cho dù là vị vua Chuyển-luân nắm quyền thống trị toàn thể thế-gian, vị ấy vẫn chịu sự kềm kẹp của hai ngọn lửa khổ-cảnh phía trước và phía sau. Nghĩa là vị ấy vẫn phải ở giữa bất-thiện nghiệp đã sanh và bất-thiện nghiệp chưa sanh. Khi một trong hai ngọn lửa cháy bừng lên, vị ấy sẽ rơi vào khổ-cảnh như địa-ngục, súc-sanh, ngạ-quỉ.

Tương-tự như thế đối với Tứ đại-vương, vua trời Sakka, các vị Phạm-thiên cõi hữu-sắc, cõi vô-sắc. Tất cả đều bị hai ngọn lửa bất-thiện nghiệp đã sanh và chưa sanh kềm giữ, đều là những kẻ chất chứa hơi nóng địa-ngục, bị trói-buộc bởi xiềng xích của địa-ngục và khổ-cảnh. Bị vây hãm như thế, họ cần phải có sự nỗ-lực mãnh-liệt để dập tắt vĩnh viễn hai ngọn lửa ấy, đồng thời phải biết cách tiêu diệt chúng.

Trong vòng nước xoáy của đại dương luân-hồi đầy nóng bức, chúng-sanh chìm đắm nổi trôi như hạt gạo chìm xuống nổi lên trong chảo nước nóng sôi sùng sục, chúng-sanh này cần phải có ý-niệm mãnh-liệt là “gặp được giáo-pháp của đức Phật Chánh-giác“. Và khi gặp được rồi, sẽ không đánh mất cơ hội dập tắt hai ngọn lửa ấy.

Thật ra, ý nguyện gặp được giáo-pháp của đức Phật chẳng dễ-dàng gì thành-đạt, ý nguyện này giống như người đi tìm vàng ở vùng khô cằn sỏi-đá, rất hiếm khi tìm được vàng. Khi gặp được giáo-pháp của đức Phật rồi, cần phải tinh-cần mãnh-liệt, để thành đạt mục-đích tiêu diệt hai ngọn lửa khổ-cảnh đã sanh và chưa sanh.

Nói cách khác, những chúng-sanh khi gặp được giáo-pháp của đức Phật, chỉ có bổn phận duy nhất là: “dập tắt ngọn lửa bất-thiện nghiệp đã sanh và chưa sanh“, đó là lợi-ích thiết-thực trong tương-lai của họ.

Cũng ví như một người bệnh nặng, y cần hối hả đi tìm vị lương y giỏi để chữa trị, khi tìm thấy rồi y cần phải kiêng cử những loại vật-thực gây tác hại, nhằm mục-đích không cho bệnh đang có được phát-triển, ngăn ngừa những chứng bệnh sanh lên trong tương-lai.

Ðồng thời y phải thường xuyên uống thuốc trị bệnh, nhờ thế bệnh y mau thuyên giảm để rồi dứt hẳn, trở nên khỏe mạnh hoàn toàn.

Phận-sự dập tắt hai bất-thiện nghiệp đã sanh -chưa sanh, là phận-sự trừ diệt được thân-kiến, nếu thân-kiến được đoạn tận thì hai loại bất-thiện nghiệp kia cũng hoàn toàn bị dập tắt.

Những vị Thánh Tu-đà-hườn như bà Visākhā, ông Anāṭhapiṇḍika … có rất nhiều trong nhân-loại, chư-thiên, phạm-thiên. Ðó là những chúng-sanh đã thoát ra khỏi trạng-thái chìm đắm trôi nổi trong dòng nước xoáy (oghā: bộc lưu) của luân-hồi từ khi thân-kiến bị diệt. Ðó là những chúng-sanh đạt được Níp-bàn lần đầu, đây là loại Níp-bàn có tên Sa-upādisesa nibbāna (hữu-dư y Níp-bàn hay phiền-não Níp-bàn).

Tuy còn phải luân-hồi trong nhiều kiếp hay nhiều đại kiếp, nhưng những vị này không còn là phàm-phu mà là những vị thánh siêu-thế-gian, cuối cùng sẽ thành-đạt trạng-thái Anupādisesa nibbāna (vô-dư y Níp-bàn hay ngũ-uẩn Níp-bàn).

Một dòng sông có khúc ngập tràn bốn dòng nước xoáy, một người lái thuyền tài giỏi, khi thuyền đi vào bốn dòng nước xoáy, y cố-gắng chăm chú lèo lái con thuyền vượt qua bốn dòng nước xoáy, thuyền đi vào khúc sông yên-lặng hiền hòa, trôi xuôi về kinh-thành an-tịnh.

Khúc sông ví như dòng luân-hồi, chúng-sanh bị chìm đắm trong bốn dòng nước xoáy là: dục-bộc (kāmoghā), hữu-bộc (bhavoghā), kiến-bộc (diṭṭho-ghā) và vô-minh bộc (avijjoghā), khi vượt qua bốn vùng nước xoáy ví như trừ được thân-kiến, thuyền đi vào vùng bình an ví như không còn bị chìm đắm trong khổ-cảnh, cuối cùng trôi xuôi về kinh-thành an lạc ví như đạt được vô-dư y Níp-bàn.

Những bất-thiện nghiệp đã sanh -chưa sanh đều xuất phát từ nguồn gốc là tà-kiến, mà thân-kiến là một chi nhánh của nó.

Câu nói “chúng-sanh không nơi nương tựa” là ám chỉ cho những bất-thiện nghiệp sanh từ tà-kiến. Tà-kiến là sự thấy sai, không đúng theo sự-thật, nó ví như ảo ảnh của người đi trong sa mạc.

Lẽ thường người đi trong sa mạc bị nóng bức, khát khô cổ, y nhìn thấy nơi xa xa là vùng đất xanh cỏ, hay thấy những hồ nước trong vắt ngon ngọt, y nghĩ “sẽ đến đó để tắm rửa, giải khát”, nhưng đến nơi cũng chỉ là sa mạc nóng bỏng mênh mông, y than thở rằng: “đây không phải là chỗ trú chân, không phải là chỗ nương thân”.

Cũng vậy, những ác bất-thiện nghiệp có nguồn gốc từ tà-kiến như giết chúng-sanh để tế thần lửa chẳng hạn, đây là một trong những ác bất-thiện nghiệp sanh ra từ tà-kiến, đưa chúng-sanh lâm vào khổ-lụy, phải nhận lấy ác quả khốc liệt. Khi ấy, họ sẽ than rằng “đây không phải là cách để nương thân”

Khi tà-kiến bị diệt, tất cả ác-hạnh cũ lẫn mới, đã sanh hoặc chưa sanh cũng đều dứt sạch, người ấy thoát khỏi khổ-cảnh (apāya), chỉ còn lại là con người cao quí, chư-thiên hay phạm-thiên.

Phương-pháp trừ diệt tà-kiến, chỉ có trong Phật-giáo. Do đó, cần phải có ý nguyện gặp được giáo-pháp của đức Phật, từ đó dẫn đến sự thoát ly khổ-cảnh qua sự trừ diệt được những ác-nghiệp cũ lẫn mới, đã sanh hoặc chưa sanh.

Người may mắn gặp được giáo-pháp của đức Phật ngay trong kiếp hiện-tại, cần phải nỗ-lực để đoạn trừ chướng-ngại lớn đầu tiên là tà-kiến.

Tà-kiến an-trú ở đâu? Chúng an-trú trong mỗi chúng-sanh ở ba vị trí:

1) Viṭikkama – vùng vi-phạm: là chỗ thể hiện qua hành động hoặc lời nói, tức là đã vượt qua lãnh-vực ý nghĩ.2) Parīyuṭṭhāna – vùng trói-buộc (triền): là những ý nghĩ bất-thiện khởi lên trong tâm, ràng buộc tâm dính mắc vào các pháp ô-nhiễm, triền nằm trong phạm vi ý-thức.

3) Anusaya – vùng tùy-miên hay ô-nhiễm ngủ-ngầm.

Ba chỗ này là trú-xứ của thân-kiến. Có thể gọi thân-kiến có ba loại: thô-thiển, trung-bình và vi-tế.

Tà-kiến (hay thân-kiến) thô-thiển là những ý bất-thiện liên-hệ đến tà-kiến, được hiển-lộ qua hành động hoặc lời nói. Tà-kiến triền là trung-bình gồm những ý bất-thiện liên-hệ đến tà-kiến khởi lên trong tâm, nhưng chưa trở thành hành động hay lời nói. Tà-kiến ngủ-ngầm là vi-tế, đó là các bất-thiện pháp liên-hệ đến tà-kiến, tiềm-ẩn trong chúng-sanh suốt cả chuỗi dài luân-hồi.

Có thể hiểu ba loại tà-kiến này qua ví dụ que diêm, que diêm quẹt có ba ngọn lửa là:

– Lửa tiềm-ẩn trong que diêm.
– Lửa đã bật cháy.
-Và lửa cháy lan sang các vật khác như đống rác, y phục, nhà cửa, rừng, ruộng…
Loại thứ nhất ví như tà-kiến còn đang ngủ-ngầm. Loại thứ hai ví như tà-kiến triền, đã sanh-khởi trong ý. Loại thứ ba là tà-kiến thô-thiển đã bộc phát qua hành động hay lời nói.

Ngọn lửa tiềm-ẩn trong que diêm, nó không gây ra tác hại nào cả, cho dù nó được đặt ngay hay cận kề những vật dễ cháy như thuốc súng, vật dẫn hỏa … Cũng vậy, tà-kiến ngủ-ngầm tiềm-ẩn trong mỗi chúng-sanh, không lộ diện khi chưa tiếp xúc với cảnh trần ô-nhiễm của tâm hay những điều-kiện dẫn dắt sanh ra điều ác, chúng vô-hại chẳng có tác-dụng hay ảnh hưởng gì đến tâm.

Tuy nhiên, nếu chúng tiếp chạm với cảnh trần hay những nguyên-nhân hoặc điều-kiện ô-nhiễm, những điều-kiện thích-hợp chúng sẽ nẩy bật ra, giống như que diêm khi cọ xát với miếng giấy kích-thích nó sẽ bật ra ngọn lửa ngay.

Tà-kiến ngủ-ngầm khi bị khuấy động, kích-thích sẽ hiện ra ở ý môn (manodvāra), bấy giờ trở thành pháp trói-buộc tâm, gọi là kiến-triền (diṭṭhi pariyuṭṭhāna).

Nhưng cái gì tạo ra sự khuấy động kích-thích pháp ngủ-ngầm sanh-khởi? Chính là tác-ý sai.

Nếu vào lúc ấy, sự hiện bày pháp ngủ-ngầm bị trấn áp bởi thiện-pháp, tức là do có tác-ý đúng, chúng biến mất khỏi vùng trói-buộc và trở lại trạng-thái ngủ-ngầm. Ví như que diêm bật cháy được thổi tắt ngay, chúng trở nên bất động như trạng-thái ban đầu.

Ngược lại, nếu chúng không bị kìm chế trấn áp, chúng sẽ phát-triển theo khuynh-hướng tự-nhiên, đồng thời được hỗ-trợ bởi tác-ý sai, chúng sẽ khuấy động mạnh-mẽ ở vùng triền ví như ngọn lửa được gió thổi vào, càng lúc càng cháy bùng lên, để rồi chúng vượt qua vùng ý môn, xuyên qua năm môn là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, đi vào vùng vi-phạm, ví như ngọn lửa tìm đến những vật dễ cháy như y phục, gỗ … lan rộng ra mãi. Thế là, người ấy sẽ hành động bằng thân ác hoặc lời nói ác.

Người có sự kiểm-soát mình ở hai vùng: vi-phạm và triền, nhờ đó hành động -lời nói cùng ý nghĩ được thanh-tịnh. Người này được gọi là người hành-thiện có giới, nhưng vì không biết rõ vùng ngủ-ngầm, nên vùng tùy-miên chưa được tiêu diệt. Cho dù hai vùng vi-phạm -triền được kiểm-soát hoàn hảo, nhưng đó chỉ là tạm thời, vì chúng vẫn còn gốc rễ, ví như cây được cưa hết cành lá, gốc, nhưng rễ vẫn còn, khi có cơ hội sẽ đâm chồi, mọc nhánh mới.

Người có thọ-trì các điều-học về giới được mạnh-mẽ, sự kiểm-soát hai vùng vi-phạm -triền có thể kéo dài đến trọn đời, nhưng kiếp sau thì không chắc chắn. Ở kiếp sau, hai vùng này vẫn có thể bị dấy động, để rồi ác bất-thiện khởi lên, bởi vì tùy-miên vẫn còn gốc rễ.

Chẳng phải riêng tà-kiến, cả tham, sân, si đều có mặt ở ba lãnh-vực này. Ðể tuyệt dứt ba vùng này, người ta phải tinh-tấn thực-hành Giới-định-tuệ cùng bảy pháp thanh-tịnh.

Thiện-nghiệp đã sanh và chưa sanh

Thiện-nghiệp đã sanh hay chưa sanh đều liên quan đến Giới-định-tuệ cùng bảy pháp thanh-tịnh. Với người cư-sĩ giới là mạng sống (ājīva aṭṭhamakasīla), gồm tám điều đó là: không sát-sanh, không trộm-cắp, không tà-hạnh trong dục, không nói-dối, không nói lời hung-ác, không nói lời đâm-thọc, không nói lời nhãm-nhí và nuôi mạng chân-chánh. Năm giới được gọi là thường giới (nicca sīlaṃ), là giới được gìn-giữ đến trọn đời. Riêng về bát quan trai giới hay thập giới (mười giới sa-di) là giúp cho thường giới được trong sạch hơn, thọ-trì được thì tốt bằng không cũng chẳng có chi đáng trách.

Ðối với sa-môn là sa-di, mười giới là thường giới, được gìn-giữ cho đến khi nào còn mặc chiếc y vàng với phẩm mạo sa-di. Ðối với tỳ-khưu là bốn thanh-tịnh giới.

Ðịnh có hai loại là: định cận-hành và định an-chỉ, hai loại định này được thành-tựu qua pháp chánh-định gồm bốn mươi đề mục.

Bốn pháp thanh-tịnh: kiến-tịnh, đoạn-nghi tịnh, đạo-phi-đạo tri-kiến tịnh và hành tri-kiến tịnh, là tuệ hiệp-thế (lokiya paññā). Tri-kiến thanh-tịnh là tuệ siêu-thế. Năm thanh-tịnh này là tuệ.

Trong ba lãnh-vực của tà-kiến: Giới đoạn trừ tà-kiến thô ở vùng vi-phạm, định đoạn trừ tà-kiến trung-bình ở vùng triền và tuệ đoạn dứt tà-kiến vi-tế ở vùng ngủ-ngầm.

Giới đoạn trừ tà-kiến thô-thiển ở vùng vi-phạm nghĩa là người giữ giới nghiêm minh, tà-kiến không thể vượt qua ý-môn để tạo thành ác-nghiệp qua hành động hay lời nói.

Ðịnh đoạn trừ tà-kiến trung-bình ở vùng triền, nghĩa là nếu sự chú tâm vững-chắc vào đề mục, thì sự khuấy động tâm không thể xảy ra.

Tuệ trừ diệt ở tà-kiến vi-tế vùng tùy-miên, là ám chỉ tuệ đạo Dự-lưu, khi đạt đến tuệ-quán này, thấy cái gọi là người, thú, chúng-sanh … chỉ là một khối tập hợp danh-sắc, là những tiến-trình diễn-hoạt của danh-sắc, tiến-trình này là biểu-tượng của ba tướng vô-thường -khổ -vô-ngã. Khi ấy ngủ-ngầm trong sự nghĩ sai, thấy sai: thường, lạc, ngã, trong sạch không còn đứng vững, chúng bị tiêu diệt.

Tà-kiến là gì? Là sự thấy sai với sự-thật, điều gì vô-thường lại cho là thường, điều gì khổ lại cho là lạc, điều gì vô-ngã lại cho là ngã, điều gì không trong sạch lại cho là sạch.

Tất cả những lầm-lạc ấy gọi chung là tà-kiến, thân-kiến là một chi nhánh của tà-kiến trong lãnh-vực vô-ngã cho là ngã.

Tà-kiến được phát huy sức mạnh là do vô-minh hỗ-trợ. Vô-minh đồng nghĩa với si-mê (moha) nhưng giữa vô-minh và si-mê ở một góc độ nào đó lại mang ý-nghĩa khác biệt. Si-mê là sự không biết, là mê-muội, trái lại vô-minh ngoài sự không biết còn là sự lầm lẫn.

Có người đi trong đêm tối, thấy một vật cong cong uốn khúc y ngỡ là con rắn nên kinh-sợ, chợt có ánh chớp lóe lên soi vào vùng đó, y nhìn thấy chỉ là khúc cây khô, nên không còn kinh-sợ và không còn cho đó là con rắn nữa.

Trong ví dụ trên: trong đêm tối ví như si-mê, thấy khúc gỗ cong uốn khúc ngỡ là con rắn ví như vô-minh, cho đó là con rắn ví như tà-kiến. Ánh chớp lóe sáng lên ví như tuệ-quán, soi vùng có khúc gỗ ví như vùng ngủ-ngầm. Và thế là, tà-kiến vùng ngủ-ngầm ví như ngỡ khúc gỗ là con rắn không còn.

Nói tóm lại, khi tuệ-quán sanh-khởi bốn pháp lầm-lạc (vipallāsadhammā) là thường, lạc, ngã, tịnh, ý nghĩ người (puggalā) chúng-sanh (saṭṭa) đều không còn, đó chỉ là một tổ hợp danh-sắc hay ngũ-uẩn diễn tiến theo ba tướng-trạng vô-thường -khổ -vô-ngã và vùng ngủ-ngầm được quét sạch từng phần, cho đến khi không còn tồn tại. Bấy giờ, vị ấy trở thành Thánh Vô-lậu.

Về thiện-nghiệp đã sanh và chưa sanh, được nhận-định qua hai thời điểm, đó là:

– Thời khởi điểm được tính vào ngay kiếp sống này.
– Thời khởi điểm dựa vào chuỗi luân-hồi, tức là trong quá-khứ.
– Thời khởi điểm được tính ngay trong hiện kiếp. Những người ngay trong kiếp sống này đã từng thọ giới gọi là giới đã sanh, chưa thọ giới gọi là giới chưa sanh, đồng thời không có giới đã sanh.

Ðịnh và tuệ cũng như thế. Tức là: Người trong kiếp sống hiện-tại đã từng tu-tập thiền Chỉ đạt đến cận-định, gọi là định đã sanh, nếu chưa tu-tập thiền Chỉ hay tu-tập chưa đạt đến cận-định, gọi là định chưa sanh, đồng thời không có định đã sanh.

Người ngay trong hiện kiếp, đã từng tu-tập tuệ-quán, đạt đến tuệ Phổ-thông (sammasanañāṇa), thấy được ba tướng vô-thường, khổ, vô-ngã, gọi là tuệ đã sanh, nếu chưa tu-tập thiền Quán hay tu-tập chưa đạt được Phổ-thông tuệ, gọi là tuệ chưa sanh, đồng thời không có tuệ đã sanh.

– Thời khởi điểm dựa vào chuỗi luân-hồi trong quá-khứ. Trong phương thức này, cần nhận-định rằng: không một chúng-sanh nào trong vòng luân-hồi không từng tu-tập trong giáo-pháp của Ðức Thế-tôn.

Vì sao? Vì rằng: “Được sanh làm người là một hạnh-phúc“, tức là có phước, có thiện-nghiệp, bất kỳ thiện-nghiệp nào cũng dựa vào Giới-định-tuệ được Ðức Thế-tôn thuyết-giảng, ngay như việc bố-thí cúng dường là do đức-tin hướng đạo, đức-tin được xếp vào giới-uẩn. Do đó thiện-nghiệp đã sanh được xếp vào thiện hiệp-thế, thiện-nghiệp chưa sanh được xếp vào thiện siêu-thế.

Dĩ nhiên, ở đây chỉ đề cập đến phàm-nhân, vì các bậc Thánh-nhân, thấp nhất là bậc Dự-lưu cũng chắc chắn đạt được Vô-dư-y Níp-bàn, gọi là xác định Níp-bàn (niyaṭanibbāna), còn hạng phàm-nhân, đối với Níp-bàn còn là bất định (aniyaṭanibbāna).

Như thế, giới đã sanh là giới hiệp-thế, vì trong chuỗi dài luân-hồi không có ai chưa từng thọ-trì-giới một lần, đối với phàm-phu thì giới siêu-thế là giới chưa sanh.

Ðịnh cũng có hai: định hiệp-thế là định đã sanh, vì trong chuỗi luân-hồi chúng-sanh đã từng đắc định hiệp-thế, cho dù đó là thời có hay không có giáo-pháp đức Phật. Còn định siêu-thế đối với phàm-nhân là định chưa sanh.

Tuệ cũng có hai loại: bốn pháp thanh-tịnh hiệp-thế (lokiyavisuddhi) là tuệ hiệp-thế, đó là tuệ đã sanh đối với những ai đã gặp được giáo-pháp đức Phật quá-khứ và đã thực-hành những pháp thanh-tịnh này.

Bốn pháp thanh-tịnh hiệp-thế là tuệ chưa sanh đối với những ai không gặp giáo-pháp của chư Phật quá-khứ, hay được gặp lại không thực-hành bốn pháp thanh-tịnh này.

Tri-kiến thanh-tịnh là tuệ siêu-thế, là tuệ chưa sanh đối với phàm-phu.

Giới đã sanh và Giới chưa sanh

Cơ hội đoạn trừ hoàn toàn những bất-thiện nghiệp đã sanh, đồng thời ngăn chặn sự xuất hiện những bất-thiện nghiệp chưa sanh trong kiếp này hay những kiếp vị-lai, cơ hội ấy chỉ có được khi có giáo-pháp của đức Phật.

Nói cách khác, khi gặp được giáo-pháp của đức Phật, khi ấy mới có cơ hội đoạn trừ những bất-thiện nghiệp đã sanh đồng thời ngăn chặn những bất-thiện nghiệp chưa sanh trong tương-lai.

Thời gian luân-hồi của một người tuy dài vô tận, nhưng cơ hội gặp được giáo-pháp của đức Phật thật hiếm hoi, khi không gặp giáo-pháp của đức Phật sự đoạn trừ hai loại bất-thiện nghiệp ấy không thể có được, không thể xảy ra. Vì sao vậy? vì rằng: việc đoạn trừ hai loại bất-thiện nghiệp này đồng nghĩa trừ diệt thân-kiến ngủ-ngầm.

Muốn trừ diệt thân-kiến ngủ-ngầm phải thực-hành pháp quán vô-ngã tướng, điều này chỉ có trong thời giáo-pháp của đức Phật Chánh-đẳng-giác mà thôi.

Những chúng-sanh có chí nguyện thành Phật Ðộc-giác (pacceka buddha) trước tiên phải gieo tạo chủng tử về pháp thiền vô-ngã tướng trong suốt thời gian gặp được giáo-pháp của đức Phật.

Thời gian không có giáo-pháp của đức Phật, người ta có thể nhận-thức được tính vô-thường, tính khổ qua biểu hiện của chúng, nhưng ngay cả tiếng vô-ngã người ta cũng chưa từng nghe qua, nói chi đến lý vô-ngã hay tướng vô-ngã.

Tiếng vô-ngã là tiếng bao hàm bản chất trống rỗng (suññaṭa) của kiếp sống (bhāva), danh, sắc, uẩn (khandha), xứ (āyaṭana), giới (dhāṭu), đế (sacca), duyên -khởi (paṭicca samuppāda). Tất cả những từ ngữ này chỉ xuất hiện trong thời giáo-pháp của đức Phật.

Lý vô-ngã khó hiển-lộ, thì tướng vô-ngã lại càng vi-tế hơn, chẳng một ai cho dù là chư-thiên, phạm-thiên, chí đến đức Phật Ðộc-giác cũng không làm hiển-lộ lý vô-ngã được. Lý vô-ngã chỉ được hiển-lộ qua trí-tuệ của đức Chánh-đẳng-giác, tức là qua Nhất-thiết-chủng trí (sappañ-ñuṭaññāṇa) của Ngài.

Ðức Thế-tôn làm hiển-lộ lý vô-ngaõ bằng sự xác định, làm hiển-lộ tướng vô-ngã bằng sự dẫn nhập.

Như trong kinh Vô-ngã tướng (Anaṭṭa lakkhaṇa suṭṭa).

“Này các thầy tỳ-khưu! Sắc thân là vô-ngã, chẳng phải của ta.
Này các thầy tỳ-khưu! Nếu sắc thân là của ta, nó không chịu sự đau ốm, người đời có thể bảo, sắc thân hãy như thế này, đừng như thế kia.
Này các thầy tỳ-khưu! Sắc thân là vô-ngã, nên nó hằng chịu sự ốm đau, người đời không thể bảo: “Sắc thân hãy như thế này, đừng như thế kia
“.
Ðó là sự xác định vô-ngã của đức Thế-tôn.

– “Này chư tỳ-khưu! Sắc là thường hay vô-thường?– Bạch Thế-tôn! là vô-thường.

– Vật chi là vô-thường, vật ấy khổ hay vui?

– Bạch Thế-tôn! là khổ.

– Vật chi là vô-thường -khổ, có sự biến hoại đổi theo lẽ thường, có nên cho vật ấy là ta, là của ta?

– Bạch Thế-tôn! không nên“.

Ðó là sự dẫn nhập để làm hiển-lộ tướng vô-ngã qua quán-xét hai tướng vô-thường, khổ.

Và trong khi Ðức Thế-tôn giảng dạy, tâm của năm Ngài Aññakodañña (Kiều-trần-như) được giải-thoát các vi-tế phiền-não, tức là đắc quả A-la-hán.

Ý-nghĩa của từ vô-ngã được trình-bày đầy đủ trong tạng Diệu-pháp hay bộ tóm tắt tạng Diệu-pháp là bộ Abhidhammaṭṭha saṅgaha (Thắng-pháp tập-yếu).

Hành-giả tu-tiến tướng vô-ngã, trước tiên phải thực-hành tốt đẹp về Giới, tức là giới được thanh-tịnh, kế đến làm tâm an-tịnh và kiểm-soát được tâm bằng pháp thiền nhất là pháp niệm thân trong thân, vì đây là pháp môn thích-hợp cho mọi cơ-tánh của nhân-loại.

Sau khi tâm được an-tịnh và được kiểm-soát vững-chắc, hành-giả tiến tu Chỉ-tịnh hoặc Minh-quán.

Chỉ khi nào vùng tà-kiến ngủ-ngầm bị ánh sáng Chỉ -Quán soi rọi đến qua sự nỗ-lực tinh-cần, khi ấy các tà-kiến đã sanh, tà-kiến chưa sanh bị tiêu diệt. Ðồng thời các ác-nghiệp dẫn dắt chúng-sanh rơi vào khổ-cảnh mới biến mất.

Còn các thiện-pháp chưa sanh cần phải tinh-tấn làm cho sanh-khởi, tức là: nếu chưa thọ-trì-giới, nên thọ giới tùy theo phẩm mạo cư-sĩ, sa-di, tỳ-khưu.

Giới được hỗ-trợ vững mạnh trong sạch do nương vào đức-tin. Do đó, tam-qui thường gắn liền với thọ giới, đồng thời nỗ-lực tu-tập thiền Chỉ tối thiểu phải đạt đến cận-định, tu-tập thiền Quán tối thiểu phải đạt được tuệ Phổ-thông.

Ðó là tinh-tấn làm cho các thiện-nghiệp chưa sanh được sanh-khởi.

Tinh-tấn duy trì, phát-triển những giới đã sanh, tức là tinh-tấn trong sự gìn-giữ giới, đồng thời cố-gắng phát-triển Chỉ-tịnh từ nền-tảng cận-định cho đến khi đắc định, đối với tuệ đã sanh cần tinh-tấn thực-hành quán-xét tướng vô-ngã.

Trong lãnh-vực này có hai phần cần lưu ý: đó là giới-định -tuệ hiệp-thế là thiện-nghiệp đã sanh, giới-định -tuệ siêu-thế là thiện-nghiệp chưa sanh. Hành-giả cần nỗ-lực để đạt được Giới-định-tuệ siêu-thế vậy.

Thế nào là giới chưa sanh? Giới chưa sanh là giới chưa bao giờ xảy ra trong đời sống của phàm-phu xuyên qua chuỗi luân-hồi quá-khứ.

Ðó là ba chi phần của tám nhánh siêu-thế: chánh-ngữ, chánh-nghiệp và chánh-mạng. Ba chi phần này thông-thường không có đầy đủ trong giới hiệp-thế. Nhưng sẽ xuất hiện đầy đủ trong đạo Nhập-lưu (soṭāpaṭṭimagga) khi lấy Níp-bàn làm cảnh.

Giới này được gọi là giới siêu-thế, giới siêu-thế có công-năng trừ-tuyệt những ác-nghiệp hiện bày qua hành động, lời nói và cách nuôi mạng sái quấy. Tức lúc có sự đoạn trừ này, các ác-nghiệp không còn xuất hiện qua ba hình-thức ấy nữa, dù chỉ trong một sát na. Và điều này kéo dài suốt nhiều kiếp sống, nhiều đại kiếp cho đến khi vị ấy viên-tịch.

Giới siêu-thế chỉ đạt được khi tuệ-quán về vô-ngã được tu-tập thành-tựu. Chúng-sanh cần phải đạt được giới chưa sanh này trong thời giáo-pháp của đức Phật đang hiện khởi. Nghĩa là cần cố-gắng không ngừng nghỉ, kể từ khi thực-hành giới-tịnh, an-trú niệm trong pháp quán thân niệm-xứ, sự tinh-cần càng lúc càng gia tăng khi thực-hành quán vô-ngã tướng.

Thế nào là giới đã sanh? Ðó là giới hiệp-thế, là giới từng xảy ra trong những kiếp quá-khứ và chỉ có trong cõi dục, nên còn gọi là giới cõi dục (kāmavacara sīla).

Khi nói rằng: “tinh-tấn duy trì phát-triển giới đã sanh” hành-giả cần phải hiểu rằng: Giới hiệp-thế này có hai loại: của phàm-nhân và của bậc Thánh.

Giới hiệp-thế của bậc Thánh đã trở thành kiên-cố, không hề có sự đứt đoạn, đó là giới nhất-định (niyaṭa sīla). Còn giới hiệp-thế của phàm-nhân có thể bị hư hoại, đứt đoạn nên gọi là giới bất-định (aniyaṭa sīla). Bậc Thánh Tu-đà-hườn tuy còn luân chuyễn trong cõi dục nhưng đã thành-tựu giới hiệp-thế kiên-định. Nghĩa là bậc Thánh Dự-lưu tuy còn sanh lại cõi dục từ một đến bảy lần đi nữa, các Ngài vẫn không hề vi-phạm ba chi phần chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng qua hành động, lời nói hay cách nuôi mạng sái quấy, ngay cả trong giấc mơ cũng không hề có.

Giới của phàm-nhân trong cõi dục vẫn còn nằm trong phạm vi bất-định, có thể bị hư hoại bất cứ lúc nào. Những người này quá-khứ đã từng là cư-sĩ, sa-môn, ẩn-sĩ có giới nhiều lần, đồng thời cũng nhiều lần chịu khổ trong địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh do giới bị hoại, bị tiêu tan.

Trong những kiếp sống quá-khứ, chưa bao giờ họ thoát khỏi hiểm-họa khổ-cảnh. Ngay hiện-tại, số lượng chúng-sanh ở khổ-cảnh nhiều không đếm xuể, một điểm nhỏ cho thấy là: ngay trong đất nước ta, số lượng kiến, ruồi, muỗi nhiều gấp mấy mươi lần số dân trong nước.

Trong hiện-tại số lượng nhân-loại, chư-thiên phải sanh vào khổ-cảnh cũng nhiều vô số. Do đó, ở cõi dục khi có được giới hiệp-thế trong thời giáo-pháp của đức Phật, nên nỗ-lực tinh-tấn để đưa giới hiệp-thế này vào phạm vi kiên-cố.

Ngoài sự tinh-tấn hành pháp Chỉ-tịnh rồi đi vào Minh-quán ra, không còn con đường nào khác để duy trì phát-triển vững mạnh giới hiệp-thế để đưa vào phạm vi kiên-cố cả. Ðược gặp giáo-pháp của đức Phật là cơ hội hiếm có, nên tinh-tấn thực-hành các pháp trợ giác-ngộ cho đến khi pháp-hành vô-ngã được viên-mãn.

Ðịnh đã sanh và định chưa sanh

Ðịnh bao gồm ba chi phần là chánh tinh-tấn, chánh-niệm và chánh-định. Như lời trưởng-lão ni Dhammadinnā trong Cūla vedalla suṭṭa (Tiểu hữu-minh kinh).

“Này Hiền-giả Visākha, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng được thu nhiếp trong Giới-uẩn.
Chánh tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định được thu nhiếp trong Ðịnh-uẩn.
Chánh-kiến, chánh tư-duy được thu nhiếp trong Tuệ-uẩn
“.
Ðịnh chưa sanh ở đây là định siêu-thế, định đã sanh là định hiệp-thế. Hành-giả cần nhận-định rõ ràng về định như sau:

Theo đúng ý-nghĩa của kinh Cūla vedalla, định là sự nhất tâm (ciṭṭassa ekaggaṭāa), tức là khi tâm thể nhập vào ấn-tướng của đề mục, nói cách khác “Thiền tướng (nimiṭṭajhāna) và tâm chỉ là một”, khi ấy gọi là định.

Ðịnh-tướng là gì? Bốn Niệm-xứ là định tướng. Nghĩa là định được hiển-lộ và an-trú ở bốn chỗ niệm: thân, thọ, tâm, pháp.

Hỗ-trợ (parikkhāra) cho định chính là bốn chánh-cần. Như thế bốn pháp chánh-cần là điều-kiện cần thiết để định chưa sanh được sanh lên, định đã sanh được duy trì và phát-triển.

Ðịnh bao gồm tám (hoặc chín) bậc thiền chứng (samāpaṭṭi jhāna), gồm bốn (hoặc năm) tầng thiền hữu-sắc và bốn tầng thiền vô-sắc.

Ðịnh hiệp-thế là loại định lấy ấn-tướng thiền làm cảnh còn định siêu-thế là định lấy Níp-bàn làm cảnh. Ðối với phàm-nhân, định hiệp-thế là định ở phạm vi bất-định.

Trong vòng luân-hồi, những người này đã từng là ẩn-sĩ, tỳ-khưu … tu-tập thiền Chỉ, đã từng đắc được các tầng thiền hữu-sắc lẫn vô-sắc hoặc các pháp thần-thông như đạo sĩ Āsiṭa, Udaka, Ālāra kālama …

Tuy thế, hiểm-họa khổ-cảnh vẫn sẵn sàng chờ đón họ, nếu như họ chưa từng thành-tựu định siêu-thế.

Trong quá-khứ, nhiều lần họ thành-tựu định, được sanh về phạm-thiên giới để rồi phải tái-sanh xuống làm người, lại rơi vào cảnh địa-ngục, số lần như thế cũng không nhiều xiết kể. Do đó, định hiệp-thế của phàm-phu là bất-định.

Ðịnh hiệp-thế được gọi là nhất-định, đó là loại định của bậc Thánh Bất-lai. Trong hàng tứ thánh: Bậc Dự-lưu, bậc Nhất-lai giới thành-tựu viên-mãn, định còn khiếm khuyết, bậc Bất-lai thành-tựu viên-mãn giới -định, riêng phần tuệ còn khiếm khuyết, bậc A-la-hán thành-tựu trọn vẹn Giới-định-tuệ.

Nói gọn lại, Ðịnh hiệp-thế là định đã sanh cho cả phàm-phu lẫn bậc Thánh, còn định siêu-thế là định chưa sanh cho phàm-nhân, là định đã sanh đối với bậc Thánh. Bậc Thánh phát huy sức mạnh của định này được sung-mãn cho đến khi đạt được quả vị A-la-hán.

Ba chi phần của định siêu-thế, chủ yếu là chánh-định có thể đoạn trừ hoàn toàn tham-dục (abhijjhā) và sân-độc.

Ðiều này có ý-nghĩa ra sao? Giống như thân-kiến, tham-dục và sân-độc cũng hoạt động ở ba vùng: vi-phạm, triền và ngủ-ngầm.

Ở vùng vi-phạm tham-dục và sân-độc bị giới siêu-thế đoạn trừ, nhưng ở vùng triền, giới không có đủ lực để sát trừ phiền-não. Giới chỉ có thể phát huy sức mạnh cao độ ở vùng vi-phạm mà thôi, giới chỉ ngăn trừ hành động cùng lời nói chứ không thể cản trở được ý.

Một người có ý-niệm sát-sanh, nhưng nhờ giới ngăn chặn nên họ không thực-hiện qua hành động, người này không gọi là đứt giới, bị hoại giới.

Như thế, giới chỉ hoạt động hữu hiệu ở vùng vi-phạm, ở vùng triền giới trở nên yếu kém, bấy giờ giới hỗ-trợ cho định phát huy sức mạnh để sát trừ những cấu uế ở vùng triền.

Ðịnh có khả-năng sát trừ uế nhiễm ở vùng triền khi sức mạnh được phát huy đến cực điểm, ở vùng tùy-miên, định mất năng-lực sát trừ, nên chỉ hỗ-trợ cho tuệ phát huy sức mạnh để sát trừ cấu uế.

Có thể hiểu điều này qua ví dụ sau: Khi biên cương có giặc, đức-vua phái vị tướng soái thống lĩnh ba đạo quân ra biên ải để tảo trừ, đồng thời trong nước đức-vua bổ nhiệm các đại quan có năng-lực trấn nhậm, kịp thời tiêu diệt những nội loạn khởi lên. Riêng vùng đế-kinh, đức-vua tự mình quán xuyến.

Ở biên cương vị thống soái với ba đạo quân tinh nhuệ dũng-mãnh sẽ phát huy năng-lực tảo trừ giặc loạn, ví như Giới có ba chi phần chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng có năng-lực sát trừ cấu uế ở vùng vi-phạm, sát trừ những uế nhiễm từ bên ngoài đưa vào (là năm trần-cảnh) xuyên qua năm cửa mắt, tai, mũi, lưởi, thân.

Khi vị thống soái cùng ba đạo quân đến tỉnh thành nào đó, quyền hạn lại thuộc về vị tổng trấn nơi ấy. Trong lãnh địa này phát-sanh nội loạn, vị thống soái chỉ có thể giúp quan tổng trấn dẹp loạn, còn ban phát lịnh tảo trừ hay không là do chính quan tổng trấn. Người ta nói rằng: “vị tướng soái giúp quan tổng trấn tảo trừ giặc loạn”, ví như giới giúp cho định sát-trừ phiền-não ở vùng triền. Quan tổng trấn ví như định, định phát huy được sức mạnh là do giới cùng với chánh tinh-tấn, chánh-niệm hỗ-trợ, sức mạnh ấy đạt được đỉnh cao ở vùng triền . Khi quan tổng trấn về đế-kinh, quyền lực ấy đã suy giảm, chính đức-vua là người quyết định tất cả.

Vùng đế-kinh là vùng tàng ẩn những âm mưu soán nghịch, là nơi dẫn dắt các cuộc nội loạn hay ngoại xâm khởi lên, nếu đức-vua là bậc anh-minh biết rõ âm mưu soán nghịch, Ngài sẽ tiêu diệt ngay. Thế là, những nội loạn hay ngoại xâm từ âm mưu ấy vĩnh viễn không còn. Nếu đức-vua là kẻ mê-muội, âm mưu soán nghịch không được phát hiện, nó được phát-triển thành nội loạn rồi đến ngoại xâm, cuối cùng đất nước ấy rơi vào cảnh tàn khốc, đọa-lạc.

Vùng đế-kinh ví như vùng tùy-miên, đức-vua ví như tuệ, những âm mưu ví như pháp ngủ-ngầm, sự anh-minh ví như tuệ-quán, sự mê-muội ví như ác-tuệ (duppaññā) ác-kiến (duddiṭṭhi).

Tham-dục và sân-độc có gốc rễ là ái, được sự hỗ-trợ của tà tinh-tấn (micchā vāyāma), tà-niệm (micchā saṭi) và tà-định (micchā samādhi) sanh-khởi ở ý-môn, ý-môn là vùng đất lý tưởng cho tham-dục và sân-độc phát-triển mạnh mẻ. Vì sao? Vì rằng: tâm là vật thể thích-thú trong dục-lạc, nó như đứa bé ham rong chơi, khi có sự kiểm-soát (là chánh-niệm), nó khó chịu tìm cách kháng cự lại, nếu người canh giữ nó, chỉ lơ đểnh bất cẩn, nó nhanh nhẹn thoát ra vòng kềm tỏa để rong chơi trong dục-lạc theo ý thích. Ðức Phật có dạy trong Dhammapāda rằng:

“Abhiṭṭhareṭha kalyāne
Pāpā ciṭṭaṃ nivāraye
Dandhaṃ hi karoṭo puññaṃ
Pāpasmiṃ ramaṭi mano.
Hãy gấp rút hành thiện
Hãy chế-ngự việc ác
Tâm thường hay dể-duôi
Chậm thiện rơi vào ác”
.

(Pháp Cú : 116)

Ðịnh có năng-lực áp chế lẫn trừ diệt được tham-dục và sân-độc ở vùng triền do luôn có chánh-niệm.

Bậc Thánh Dự-lưu có định siêu-thế đã sanh nhưng định siêu-thế ở tầng Thánh bậc cao là định siêu-thế chưa sanh, vị ấy nỗ-lực làm sanh-khởi định siêu-thế chưa sanh. Khi định siêu-thế sinh lên lần hai, (là bậc Nhất-lai), tham-dục -sân-độc ở vùng triền bị đoạn trừ lần nữa, khi định siêu-thế sinh lên lần ba, thế là toàn bộ tham-dục lẫn sân-độc ở vùng triền bị đoạn trừ vĩnh viễn.

Cho dù gốc của chúng là ái vẫn còn ở vùng tùy-miên, nhưng chúng không thể khuấy động ở vùng triền được, ví như cây bị cưa sát gốc, tuy còn rễ nhưng đất luôn khô ráo, không bị ẩm ướt, nên không thể mọc chồi, đâm nhánh.

Từ lúc tham-dục và sân-độc bị định siêu-thế trừ-tuyệt, chúng không còn khởi sanh nữa, cho dù vị ấy có trải qua nhiều kiếp hay nhiều đại kiếp. Vị ấy đã trở thành bậc Bất-lai, không còn rơi vào cõi dục

Loại định siêu-thế có thể thành-đạt thuận lợi trong thời giáo-pháp của đức Phật. Người có trí, biết rõ điều này sẽ nỗ-lực tinh-cần để đạt được định siêu-thế trước khi xa rời giáo-pháp của đức Phật, bậc Thánh Bất-lai vì còn ái tùy-miên nên còn phải trôi lăn trong luân-hồi.

Ðịnh siêu-thế chỉ trở nên kiên-cố khi sát trừ trọn vẹn tham-dục và sân-độc.

Người có trí thẩm-sát (vimaṃsa ñāṇa) sẽ nỗ-lực tu tiến để thành-tựu được loại định hiệp-thế kiên-cố, dĩ nhiên phải có phước ba-la-mật tương đối đầy đủ hỗ-trợ, nhưng bốn pháp chánh-cần cũng không thể thiếu trong sự thành-tựu này, vì bốn pháp chánh-cần là vật phụ tùng cần thiết cho định.

Trong thời đức Phật hiện-tại vô số vị đắc quả Bất-lai như trưởng-giả Ciṭṭa, trưởng-giả Visākha, bà tín nữ Velïukanṭakī …

Thời đức Phật quá-khứ cũng thế, như Ngài Ghāṭikāra đắc Thánh-quả Bất-lai trong thời giáo-pháp của đức Phật Kassapa…

Trước khi thân hoại mệnh-chung ở cõi dục, các vị ấy đã thành-tựu định hiệp-thế kiên-cố.

Ðịnh hiệp-thế gồm có ba loại là:

– Ðịnh dục-giới, định sắc-giới và định vô-sắc giới.– Ðịnh dục-giới là cận-định hay định trong tâm thiện có trí. Ðịnh trong tâm thiện không trí có gọi là định hiệp-thế không? Không, vì không có trí hỗ-trợ. Nói rõ hơn, nó không thuộc về cận chánh-định, cũng không thuộc về tà định. Vì như đã giải, trong thiền Chỉ trí hổ trợ cho định, dù là cận-định hay an-chỉ định cũng phải có trí hổ trợ, không có trí hổ trợ nên định trong tâm thiện không có trí không xếp vào cận-định.

– Ðịnh sắc-giới là những tầng thiền hữu-sắc, định vô-sắc giới là những tầng thiền vô-sắc.

Tuệ đã sanh và tuệ chưa sanh

Theo kinh Cūla vedalla suṭṭa, chánh tri-kiến và chánh tư-duy là hai chi phần của tuệ. Tương-tự như định, tuệ cũng có hai loại là tuệ hiệp-thế và tuệ siêu-thế. Ðối với bậc Thánh luôn cả phàm-nhân, tuệ hiệp-thế là tuệ đã sanh. Còn tuệ siêu-thế là tuệ chưa sanh đối với phàm-nhân, đối với bậc Thánh là tuệ đã sanh.

Tuệ đã sanh. Ðó là những tuệ hiệp-thế từng xuất hiện trong vòng luân-hồi vô định trong quá-khứ. Tuệ hiệp-thế này cũng bao gồm hai chi phần: chánh-kiến và chánh tư-duy. Những thắng-trí như thiên-nhãn thông, thiên-nhĩ thông … cùng với những loại trí-tuệ trong cõi dục như trí về pháp-học, trí về pháp-hành … đều là tuệ hiệp-thế.

Cũng nên hiểu rằng: trí-tuệ về bốn sự-thật là: trí biết rõ sự khổ, trí biết rõ nhân sanh khổ, trí biết sự diệt khổ và trí biết con đường dẫn đến sự diệt khổ, hoặc trí hiểu biết về nghiệp quả (kammavipākañāṇa), những loại trí này tuy vẫn là hiệp-thế, nhưng chỉ xuất hiện trong thời có giáo-pháp của đức Phật.

Trong những kiếp luân-hồi quá-khứ, phàm-phu từng có những loại trí hiệp-thế này, họ đã từng là vị pháp sư danh tiếng, vị trưởng-lão đáng cung-kỉnh, vị lương y đại tài… nhưng rồi sau đó khổ-cảnh địa-ngục vẫn đón chờ họ và họ cũng từng trở thành rắn, rít, cá, lươn … vô số lần.

Như Kapila là vị tỳ-khưu trưởng-lão danh tiếng trong thời giáo-pháp của đức Phật Kassapa, sau kiếp ấy phải đoạ vào địa-ngục, đến thời đức Phật hiện-tại sanh làm con cá lớn ở sông Aciravaṭī.

Hay tiền thân Ngài Cakkhupāla là vị lương y đại tài, chỉ một ác ý làm mù mắt người bệnh, sau đó phải rơi vào địa-ngục, quả còn dư sót đến thời đức Phật hiện-tại, tuy thành-đạt vị Thánh A-la-hán nhờ sự tinh-cần, nhưng cũng chịu mù lòa …

Như vậy, tuệ hiệp-thế là loại tuệ bất-định, chúng có thể hư hoại dễ-dàng. Mặt khác, vào thời không có giáo-pháp của đức Phật tuy các ẩn-sĩ, đạo-sĩ có thể thành-tựu những thắng-trí, nhưng trí về nhân-quả không hề xuất hiện.

Lý nghiệp-báo, lý nhân-quả, lý tương-sinh, chỉ có trong thời giáo-pháp của đức Phật Chánh-giác.

Người ngoài giáo-pháp của đức Phật, họ tin vào thuyết thiên-mệnh, thuyết sáng-tạo chủ hoặc thuyết vô-nhân vô-quả … Những chủ thuyết ấy được đức Phật thuyết cặn kẽ trong bài kinh Brahmajāla suṭṭa (Phạm-võng kinh) ở Trường-bộ.

Nói cách khác, loại trí như trí về nhân-quả, trí về nghiệp-báo, trí về pháp duyên-khởi là tuệ hiệp-thế, nhưng chỉ có trong giáo-pháp của đức Phật Chánh-giác.

Tuệ chưa sanh. Ðó là hai chi phần chánh-kiến -chánh tư-duy khi lấy Níp-bàn làm cảnh, tức là trí siêu-thế.

Gọi là tuệ chưa sanh vì đối với phàm-nhân chưa hề xuất hiện bao giờ, khi tuệ này xuất hiện, lập tức cắt đứt dòng phàm, nhập vào dòng Thánh, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

Tuệ này soi rọi vùng tùy-miên đồng thời diệt tận gốc rễ các tùy-miên tùy theo sức mạnh có được.

Lần đầu tiên tiêu diệt tận gốc rễ tà-kiến tùy-miên, lẫn hoài-nghi tùy-miên bằng pháp đoạn-trừ (samuccheda pahāna dhamma), kho tích lũy ác-nghiệp dẫn đọa sanh vào khổ-cảnh cũng được quét sạch không còn dư sót, những uế nhiễm ấy không hề sanh-khởi lại trong tương-lai.

Loại tuệ này chỉ xuất hiện trong thời có giáo-pháp của đức Phật, là khi hành-giả quán-xét thấy được tướng vô-ngã, đồng thời nhận Níp-bàn làm cảnh.

Từ khi tuệ siêu-thế này khởi sanh, trí hiệp-thế thuộc hai phần chánh tri-kiến -chánh tư-duy trở thành kiên-cố. Tức là, trí nhận biết ba tướng, trí nhận biết về nhân-quả, trí nhận biết về nghiệp-báo, trí nhận biết về bốn sự-thật, trở thành tuệ hiệp-thế nhất-định.

Trong sớ giải Pháp-cú kinh, có ghi câu chuyện ông Bà-la-môn Suppabuddha (Thiện-giác). Ông bị bệnh cùi, khi nghe pháp từ Ðức Thế-tôn, ông chứng đạt đạo-quả Tu-đà-hườn. Ma-vương muốn biết ông có còn nằm trong sự cai quản của y hay không?. Khi ông về đến nhà, Ma-vương hóa hình giống như Ðức Thế-tôn, đi đến nhà của Suppabuddha, bảo rằng:

– Này Bà-la-môn, khi nãy Như-lai dạy các pháp hữu-vi là vô-thường, thật ra cũng có những pháp hữu-vi thường hằng. Ngươi hãy tin như vậy, bệnh cùi của ngươi sẽ lành.

Bà-la-môn Suppabuddha suy nghĩ: “Rõ ràng ta nhận thấy các pháp hữu-vi là vô-thường, vì sao Ngài lại bảo có những pháp hữu-vi là thường? đây có lẽ là Ma-vương giả dạng”. Suy nghĩ rồi, ông bảo rằng:

– Bệnh cùi của tôi là do nghiệp trả quả. Tôi nhận biết các pháp hữu-vi là vô-thường, chẳng có pháp hữu-vi nào là thường cả, người hẳn là Ma-vương giả hình Ðức Thế-tôn.

Ma-vương biết rằng mình đã bị nhận diện, nên biến mất tại chỗ.

Câu chuyện này cho thấy rằng: khi tuệ siêu-thế sanh-khởi, trí nhận-thức về các pháp theo đúng chân lý trở nên kiên-cố, bất động, ngay cả hình dạng giống như Ðức Thế-tôn, nhưng nói không đúng chân-lý vẫn bị nhận diện là kẻ giả mạo.

Thế nên, người có duyên lành gặp được giáo-pháp của Ðấng giác-ngộ, cần nỗ-lực đạt được tuệ siêu-thế này trước khi rời xa giáo-pháp, vì còn phải chịu luân-hồi trong nhiều kiếp sống, nhiều đại kiếp, tích lũy phước ba-la-mật cho tròn đủ, để đạt đến quả vị Vô-lậu.

Tóm lại, bốn pháp chánh-cần là phương linh dược chữa trị cho người điên được đề cập ở phần trước. Nhờ bốn pháp chánh-cần, tâm được kiểm-soát qua pháp niệm, tâm không còn lang thang vô định theo ngũ-trần phiền-lụy.

Lẽ thường, ở giai-đoạn đầu, hành-giả rất khó khăn trong sự kiểm-soát tâm, có nỗ-lực mạnh-mẽ tâm mới mau chóng khép-mình vào khuôn phép. Một số hành-giả cảm thấy bất lực trước sự loạn-động của tâm, để rồi buông xuôi pháp-hành, họ không thấy rằng: Ðó là kết quả sơ khởi của sự tinh-tấn hành pháp, họ thấy được tâm giao động, phóng nhảy loạn xạ, đó là tiến được một bước trong pháp-hành.

Vì sao? Ví như người ở trong hầm phẩn, không hề ngữi thấy hôi thúi, có người kéo y lên khỏi hầm phẩn, tắm rửa sạch sẽ bằng nước thơm. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, mùi của hầm phẩn đối với y trở nên hôi thúi rõ rệt.

Cũng vậy, trước kia không thực-hành chú niệm, hành-giả không thể biết được tâm loạn-động, nay hành pháp chú niệm thấy rõ được tâm loạn-động, như người đứng ngoài hầm phẩn biết rõ sự hôi thúi của phẩn.

Tâm loạn-động là tâm bất-thiện, là pháp bất-thiện, niệm là pháp-thiện, đức Phật có dạy trong Tương-ưng kinh rằng:

Bờ biển bên này và bờ biển bên kia là hai pháp xa nhau.
Mặt trời và đất là hai pháp xa nhau.
Nơi mặt trời mọc và nơi mặt trời lặn là hai pháp xa nhau.
Nhưng xa hơn tất cả là thiện-pháp và bất-thiện pháp
“.
Theo các vị Luận-sư A-tỳ-đàm, trong một thời điểm tâm chỉ biết một cảnh, tâm biết một cảnh nên niệm cũng biết một cảnh, niệm biết tâm loạn-động nên tâm loạn-động là khác, tâm có niệm là khác. Tâm loạn-động là tâm quá-khứ đã diệt, trở lại làm cảnh cho niệm hiện-tại.

Mặt khác, niệm biết tâm loạn-động đồng nghĩa niệm đã xa lìa đề mục (nếu đề mục là hơi thở chẳng hạn) vì cùng một thời điểm niệm không thể biết hai cảnh. Như thế, hành-giả cần biết rõ rằng: chính khi ấy niệm đã lìa đề mục, tức là khi ấy đã có phóng-dật ngấm ghé xen vào và hành-giả nỗ-lực chú ý ngay trở lại đề mục. Nỗ-lực này sẽ mang lại kết quả: tâm dần dần trở nên nhuần nhuyễn dễ sử dụng, ví như con bò đã bị khuất phục bởi sợi dây vàm xỏ mũi và cây cọc đóng cứng dưới đất, nó trở nên thuần thục theo ý người huấn luyện.

Bốn pháp chánh-cần là phụ tùng cần thiết cho định là như thế.

Người lái thuyền bất tài, khi thuyền lọt vào bốn vùng nước xoát, y cần quyết tâm nỗ-lực điều khiển bánh lái thuyền để vượt qua vùng nước xoáy. Ban đầu rất khó khăn vì con thuyền tuy chưa chìm nhưng không chìu theo ý người lái, dần dần người lái thuyền trở nên thiện xảo qua sự nỗ-lực kiên-trì, y sẽ điều khiển con thuyền lướt trên những dòng nước xoáy dễ-dàng, cuối cùng con thuyền đi vào bến đậu an-toàn. Bốn pháp chánh-cần trợ lực cho giác-ngộ là như thế.

Người mang chứng bệnh sợ nước, tuy môi khô vì khát, thân thể nóng bức vì nắng bụi, nhưng y gặp hồ nước mát đã hoảng sợ bỏ chạy. Nếu y can đảm lao vào làn nước, dĩ nhiên lúc đâu y hoảng loạn, dần dần y cảm thấy quen thuộc và có cảm giác nước chẳng có gì đáng sợ như-ý nghĩ trước đây.

Thế là, y tắm rửa, uống nước, y không còn nóng bức, khô khát nữa. Cũng vậy, bốn pháp chánh-cần giúp dũng-khí cho người tầm đạo, rèn-luyện tâm người hành-đạo có được ý chí dũng-mãnh.

Người bị bệnh, phải uống chén thuốc đắng, lúc đầu y khó chịu nôn mữa, nhưng nếu y cố gắng nuốt, chất thuốc thấm vào khiến bệnh y được giảm thiểu, dần dần y uống thuốc dễ-dàng và bệnh mau chóng tiêu trừ. Cũng vậy, bốn pháp chánh-cần giúp người hành-đạo có đủ kiên nhẫn, chịu đựng và cố vượt qua những chướng-ngại pháp.

Bốn pháp chánh-cần trợ giúp cho sự thực-hành đúng đắn bốn Niệm-xứ nhằm mục-đích đoạn-diệt vùng tùy-miên của tà-kiến.

Là phàm-phu, không thể nào nhận-thức rõ ân-đức Tam-bảo thật sự, nên niềm tin ấy dễ vỡ vụn vì có các tà-pháp, si-mê … chúng có thể ném họ vào vùng tăm tối không có ánh sáng của trí-tuệ, biến họ trở thành không có niềm tin nơi Tam-bảo, nếu có chăng cũng chỉ là niềm tin suông, niềm tin trên hình-thức. Ngay trong kiếp hiện-tại, đã bao lần họ đánh mất sự tôn kính về ân-đức Phật, ân-đức Pháp, ân-đức Tăng cùng những thiện-pháp khác, đánh mất rồi tìm lại, tìm lại rồi đánh mất, càng đánh mất nhiều lần, chướng-ngại pháp càng gia tăng cho họ.

Chính trong quá-khứ cũng từng như thế, nên trong hiện-tại khi hành pháp, chướng-ngại pháp mỗi lúc mỗi phát-sinh, nếu người này không khéo quán sát lý nghiệp-báo, lý nhân-quả sẽ dẫn đến thối thất tinh-tấn. Thế là, lại trôi lăn theo vòng luân-hồi vô định.

Có được cơ hội hiếm có là sống trong thời-kỳ giáo-pháp của đức Phật đang tỏa sáng, lại gặp được giáo-pháp này, người muốn thoát khỏi vùng tăm tối của si-mê, vùng bất an, bất lạc của tà-pháp, phải nỗ-lực tinh-cần hành pháp, với sự quyết chí dũng-mãnh: “nếu cần thiết thà mất mạng sống chứ không mất tinh-tấn” như đức Bồ-tát phát nguyện dưới cội Bồ-đề, như Ngài Godhika mang dao đến cho mình, như Ngài Cakkhupāla thà hy sinh đôi mắt thịt để đổi lấy pháp-nhãn, tuệ-nhãn.

Có quyết tâm tinh-cần như vậy, hành-giả sẽ đạt được tín tối thắng (adhigama saddhā -đức-tin vững-chắc), tuệ bất-động (adhigama paññā) ngay trong kiếp này hay kiếp kế tiếp trong giáo-pháp của đức Phật hiện-tại, những pháp tín -tuệ không lui sụt, giúp cho vị ấy sanh-khởi sự cung-kỉnh ân-đức Tam-bảo đúng đắn. Tức là niềm tin vào sự giác-ngộ (ân-đức Phật), tin vào chân lý (ân-đức Pháp), tin vào đạo-quả siêu-thế (ân-đức Tăng), không gì có thể làm vỡ vụn được vì vị ấy đã tự mình thấy chắc, biết chắc qua sự nỗ-lực kiên-trì hành pháp.

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app