Chương II-c
BỐN NIỆM XỨ
(Caṭṭāra-satipaṭṭhāna)
QUÁN THỌ TRONG THỌ.
Trong điều niệm-xứ này, được tóm tắt như sau:
Sự tùy-quán thọ trong thọ là sự cảm giác, lãnh nạp lạc, khổ hay thản-nhiên.
Mỗi loại lại phân-tích theo hai cách: có liên-hệ vật-chất, không liên-hệ vât chất. Tùy-quán thọ trong thọ có chín cách:
Thọ-lạc.
Thọ-khổ.
Thọ-xả (thọ phi khổ phi lạc).Thọ-lạc có liên-hệ vật-chất.
Thọ-lạc không có liên-hệ vật-chất.Thọ-khổ có liên-hệ vật-chất.
Thọ-khổ không có liên-hệ vật-chất.Thọ-xả có liên-hệ vật-chất.
Thọ-xả không có liên-hệ vật-chất.
Trong pháp quán niệm-xứ, phải dùng danh-sắc làm cảnh để xem xét.
Tức là danh-sắc hiển-lộ ra, để cho trí thấy rõ nhân nào sanh lên chúng? Chúng diễn tiến ra sao? Chúng có trạng-thái như thế nào? Vì sao chúng bị hoại diệt?.
Quán thân trong thân là thuần nhất đưa sắc làm cảnh cho tuệ-quán. Quán thọ trong thọ và quán tâm trong tâm là thuần nhất đưa danh làm cảnh cho trí quán. Quán pháp trong pháp là đưa cả sắc lẫn danh làm cảnh để quán-xét. Quán thọ trong thọ, quán tâm trong tâm còn gọi là quán vô-sắc nghiệp-xứ (arūpa kammaṭṭhāna).
Ðức Thế-tôn khi thuyết Vô-sắc nghiệp-xứ, phần lớn Ngài thuyết liên-hệ với khả-năng nghiêng về (abhini-vesa) xúc, thọ, thức.
Ðiều này như thế nào? Có hành-giả quán vô-sắc nghiệp-xứ một cách tóm gọn hay rộng-rãi, khi tâm tiếp chạm với cảnh, xúc hiện rõ hơn hai pháp thọ và thức.
Có hành-giả quán vô-sắc nghiệp-xứ một cách tóm gọn hay rộng-rãi, khi tâm tiếp chạm với cảnh, thọ hiện rõ hơn hai pháp xúc và thức.
Có hành-giả quán vô-sắc nghiệp-xứ một cách tóm gọn hay rộng-rãi, khi tâm tiếp chạm với cảnh, thức hiện rõ hơn hai pháp xúc và thọ.
Nhưng vì sao Ðức Thế-tôn thuyết vô-sắc nghiệp-xứ bằng khả-năng của thọ? Vì khả-năng hiện rõ của xúc và thức rất thất thường, lúc có lúc không, trái lại thọ thường hiển-lộ rõ ràng.
Xúc và thức ví như vật trong bóng tối, khi có ánh sáng chiếu tới thì chúng mới hiện ra, nghĩa là khi nào có sự hướng đến (manasikāra) mới nhận thấy được, riêng thọ vẫn lộ ra dù có hay không có tác-ý đến, nếu có sự tác-ý đến nó càng lộ rõ nét hơn, ví như vật được phơi bày ra ánh sáng.
Mặc khác, thành-phần cơ-bản không thể thiếu của danh-pháp, gồm có năm là:
Sự tiếp xúc với cảnh (xúc – phassa).
Sự nhận lãnh cảnh (thọ – vedanā).
Sự nhớ biết cảnh (tưởng – saññā).
Sự cố ý tạo tác đối với cảnh (tư – ceṭanā).
Sự biết cảnh (thức – viññāṇa).
Người có xúc hiện rõ, khi quán-xét xúc cũng thấy rõ năm pháp này. Người có thọ hiện rõ, khi quán-xét thọ cũng thấy rõ năm pháp này. Người có thức hiện rõ, khi quán-xét tâm cũng thấy rõ năm pháp này.
Với những người “trí quán-xét” chưa nhạy bén, Ðức Thế-tôn dạy quán thọ trong thọ.
Với những người “trí quán-xét” mạnh, nhạy bén, Ðức Thế-tôn dạy quán tâm trong tâm.
Lại nữa, xúc là duyên trực tiếp cho thọ (phassa paccayā vedanā), nên Ðức Thế-tôn thuyết quán thọ trong thọ là bao hàm có cả xúc.
Các pháp hội-tụ, xâu kết vào nhau được là do có xúc, nên gọi là “các pháp có xúc thứ năm“.
Nếu hỏi rằng: Các pháp có xúc là thứ năm nương tựa vào cái chi?
– Nương tựa vào vật (vaṭṭhu) (nhãn-vật, nhĩ-vật, tỷ-vật, thiệt-vật, thân-vật, ý-vật), nói rộng là thân hay sắc uẩn. Thế là toàn bộ ngũ-uẩn được phơi bày.
Trong Pāli văn chữ vediyāmīṭi: pajānāṭi: biết rõ đang cảm giác, như câu:
“Vị tỳ-khưu khi cảm giác thọ-lạc biết rằng: đang cảm giác thọ-lạc…“.
Sự biết rõ cảm giác là biết rõ theo thực-tướng của thọ, không phải biết rõ theo thế tục thường tình.
Lẽ thường, sự biết rõ thọ theo thế tục, bất kỳ ai cũng có, dù đó là đứa bé sơ sinh, còn nằm trong nôi. Trong thời còn bú sữa, đứa bé cũng cảm nhận được thọ-lạc cười tươi tắn, cũng biết thọ-khổ để rồi khóc thét lên.
“Biết rõ cảm giác” trong kinh văn, không đề cập đến cảm giác như đứa bé, vì nó không từ bỏ được ý nghĩ dù không rõ nét lắm: “đây là mẹ, là người thân,…”, khi có người lạ đến, nó có cảm giác không phải người thân hay mẹ của nó, nên khi khách lạ bồng ẵm, nó không hài lòng, khóc thét lên.
“Biết rõ cảm giác” ở đây là biết rõ rằng: cảm giác này chẳng phải của ai, chẳng là ai cả, đây là cảm giác của pháp tự-nhiên, nếu còn dính mắc trong ý nghĩ: ta, người,… không gọi là “biết rõ cảm giác”.
Hành-giả phải nhận-thức rõ “cảm giác này là pháp độc lập“.
Vì rằng: cảm giác là khác, thọ là khác, thọ là nhận lãnh cảnh (vedanā -thọ, từ ngữ căn vid nghĩa là thu nạp).
Còn cảm giác giống như sự báo hiệu thọ xuất hiện. Như người đi vào rừng trong đêm tối có cảm giác nguy-hiểm, thế là phát-sanh sự sợ-hãi, lo lắng. Cảm giác nguy-hiểm là khác, sự sợ-hãi, lo lắng là thọ-ưu, lại là khác.
Cái gì tạo ra cảm giác? Nói cách khác, nhân của cảm giác là gì? – Ðó chính là cảnh.
Cảm giác lại là nhân trợ giúp cho thọ hiển-lộ, như người cảm giác có điều may mắn sắp đến nên vui vui, cảm giác có gì đó bất ổn xảy đến nên hồi hộp, lo âu.
Từ cảm giác đến thọ lãnh là khoảng thời gian cực ngắn, nên chúng-sanh nhầm lẫn chúng chỉ là một.
Trái lại, hành-giả cần phải “biết rõ cảm giác” và thọ (lạc -khổ -xả). Nếu không biết rõ cảm giác lạc-thọ là tham tùy-miên (lobhānusaya), nếu không biết rõ cảm giác khổ-thọ là sân tùy-miên (dosānusaya), nếu không biết rõ cảm giác xả-thọ là vô-minh tùy-miên (avijjānusaya).
Như lời Phật dạy trong Saṃyuṭṭa nikāya (Tương-ưng kinh):
(1). Nếu cảm giác lạc-thọ,
Không tuệ tri cảm thọ,
Ðây gọi tham tùy-miên.
(2). Nếu cảm giác khổ-thọ,
Không tuệ tri cảm thọ,
Ðây gọi sân tùy-miên.
(3). Với bất khổ, bất lạc,
Nếu hoan-hỷ thọ ấy,
Bậc Ðại-trí thuyết-giảng,
Không thoát được khổ đau.
Khi quán-xét rằng: năm uẩn nương cái chi? Sẽ nhận biết rằng năm uẩn nương nhân tập khởi là vô-minh, ái, có vô-minh, ái là nhân, là duyên nên ngũ-uẩn hình thành rồi hiện bày.
Nếu được thời-tiết thích-hợp, thân an lạc, vật-thực thích-hợp, pháp-hành hợp cơ-tánh, có thể chứng-đắc quả vị A-la-hán trong thời quán-xét ấy.
Ðức Thế-tôn thuyết nghiệp-xứ, đưa đến quả vị A-la-hán cho ba hạng người như đã trình-bày.
Trong chín loại thọ được trình-bày trong kinh Ðại niệm-xứ ba loại thọ: lạc, khổ, xả là nói về thân-thọ.
Lạc-thọ (sukkha vedanā) ra sao? Lạc-thọ khi sanh-khởi, toàn thân ngập tràn trong hoan lạc, giống như nước ngập tràn thấm ướt toàn thân, tẩy trừ những sự nóng bức của thân.
Khổ-thọ (dukkha vedanā) ra sao? Khổ-thọ khi sanh-khởi, khiến toàn thân đau-khổ, tựa như đang rơi vào chảo dầu sôi sùng sục, hoặc giống như đang rơi vào đống lửa cháy hừng hực.
Xả-thọ (adukkhamasukkha vedanā: phi khổ phi lạc-thọ) ra sao? Ðó là lúc thân có trạng-thái bình thường, tâm lại thản-nhiên, vắng lặng, không vui cũng không buồn.
Trong ba loại thọ trên, thọ-lạc, thọ-khổ dễ nhận diện, riêng xả-thọ lại khó thấy vì không hiện rõ, chỉ hiểu qua suy luận.
Như có ví dụ sau: người thợ săn theo đuổi con nai, y theo dấu chân nai để tìm con nai chạy trốn, con nai chạy băng qua tảng đá lớn. Người thợ săn nhìn thấy dấu chân nai bên này tảng đá rồi mất, y lại thấy dấu chân nai xuất hiện bên kia tảng đá. Thế là y biết: “Con nai đã chạy trên tảng đá“. Dấu chân nai bên này ví như lạc-thọ, dấu chân nai bên kia tảng đá ví như khổ-thọ, dấu chân nai trên tảng đá ví như xả-thọ. Dấu chân nai ở hai bên tảng đá dễ nhận thấy, trái lại, dấu chân trên tảng đá khó nhận thấy.
Nghĩa là giữa lạc-thọ và khổ-thọ đã có xả-thọ. nên biết rằng: từ lạc-thọ sang khổ-thọ hay từ khổ-thọ sang lạc-thọ phải có xả-thọ chuyển tiếp, không thể có sự-kiện từ khổ sang lạc hay từ lạc sang khổ ngay. Ví như, nước từ nóng sang lạnh hay từ lạnh sang nóng phải có giai-đoạn âm ấm.
Cả ba loại thọ này, chỉ sanh lên riêng biệt, nghĩa là không đồng thời có mặt, chúng có tính vô-thường không bền-vững là lẽ tự-nhiên.
Như lời đức Phật dạy trong kinh Trường-trảo (Dīghānakha suṭṭa).
– Này Aggivessana! Thời lạc-thọ sanh-khởi thì khổ-thọ, phi-khổ phi-lạc thọ không sanh.
Thời khổ-thọ sanh-khởi thì lạc-thọ, phi-khổ phi-lạc thọ không sanh.
Thời phi-khổ phi-lạc thọ sanh-khởi thì khổ-thọ, lạc-thọ không sanh.
Cả ba thọ này là vô-thường, là pháp hữu-vi nương nhân sanh-khởi, có sự hoại diệt là lẽ tự-nhiên…
“Thọ-lạc thuộc vật-chất, thọ-lạc không thuộc vật-chất” Là nói đến tâm thọ-hỷ (somanassa vedanā).
Thế nào là lạc-thọ (hay thọ-hỷ) thuộc vật-chất? Vật-chất ở đây là sáu cảnh trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp trần. Khi tâm tiếp lãnh cảnh trần, như cảnh sắc chẳng hạn, cảnh sắc này xinh đẹp, tươi tốt, lấy làm vừa ý, thích-hợp với tâm, khiến tâm có cảm giác vui, hay khi nghe tiếng tán tụng, khen ngợi, cảm thấy hài lòng… gọi là thọ-lạc thuộc vật-chất.
Thế nào là thọ-lạc không thuộc vật-chất? Là trạng-thái hỷ-lạc sinh ra không dính mắc đến sáu cảnh trần. Như người tưởng niệm ân-đức Phật, tâm cảm thấy lâng lâng nhẹ nhàng, có cảm giác sảng-khoái. Hay khi vừa thực-hành một việc thiện nào đó, nghĩ lại việc thiện ấy tâm cảm thấy hân-hoan, hoặc hoan-hỷ khi thấy tướng vô-thường trong sắc, thinh… gọi là lạc-thọ không thuộc vật-chất.
“Thọ-khổ thuộc vật-chất, thọ-khổ không thuộc vật-chất”. Là ám chỉ tâm thọ-ưu (domanassa vedanā).
“Thế nào thọ-khổ thuộc vật-chất”? Là sự không hài lòng, khó chịu trước sáu cảnh trần, như cảm thấy khó chịu, bực bội khi gặp đống rác hoặc giật mình khi nghe tiếng sấm nổ vang…
“Thế nào thọ-khổ không thuộc vật-chất”? Là sự phiền-muộn, khó chịu khi thấy mình không có những ân-đức đặc biệt, cảm thấy hối tiếc khi bỏ qua việc thiện nên làm, hay ray rứt việc ác đã làm. Hoặc giả tu-tập một thời gian dài, không thấy ấn-tướng sanh-khởi nên tâm phiền-muộn…
“Thọ-xả liên-hệ đến vật-chất, không liên-hệ đến vật-chất”. Là ám chỉ thọ-xả của tâm (upekkhā vedanā).
“Thế nào là thọ-xả thuộc vật-chất”? Là trạng-thái thản-nhiên trước sáu trần-cảnh
“Thế nào là thọ-xả không thuộc vật-chất”? Là trạng-thái thản-nhiên trước những hiện tượng vô-thường, khổ của pháp hữu-vi (trong thiền Chỉ, đó là trạng-thái của tứ-thiền, trong thiền Quán được hiện rõ trong tuệ Hành-xả).
Hành-giả cần phải “hiểu rõ cảm giác” chín loại thọ như thế.
Khi cảm giác lạc-thọ, khổ-thọ về thân, hành-giả nên tập trung chú niệm để điều chỉnh tâm ở trạng-thái quân-bình, không cho tâm vọng động theo chiều cảm hứng, sung-mãn của lạc-thọ hay co rút, bất bình, cáu kỉnh của khổ-thọ. Cần phải giữ tâm quân-bình trước lạc, khổ của thân.
Lại nữa, hành-giả cần phải nhận-định rõ: thọ-lạc này thuộc về thân, thọ-lạc này thuộc về tâm, thọ-khổ này thuộc về thân, thọ-khổ này thuộc vê tâm.
Có những lúc thân lạc nhưng tâm khổ, như trường-hợp đức-vua ngự nơi êm ái, khí-hậu mát mẻ, nhưng tâm lại sầu muộn, lo âu.
Có những lúc thân khổ nhưng tâm lạc, như trường-hợp công tử Sona, sau khi xuất-gia, tinh-tấn hành-đạo, Ngài đi kinh hành, da chân phồng lên, vỡ ra, rồi rỉ máu trên đường kinh hành. Khi Ðức Thế-tôn hỏi:
– Này Sona! Khi ấy tâm ngươi ra sao?
– Bạch Thế-tôn! Tuy thân con cảm thọ đau đớn, nhưng tâm con an-tịnh
– Lành thay! Nhưng này Sona! Ví như dây đàn nếu căng thẳng quá sẽ đứt, nếu dùn quá sẽ không phát ra âm thanh rõ rệt, không quá căng thẳng, không quá dùn sẽ phát ra âm thanh vi diệu
Có nhiều hành-giả khi hành-pháp, khổ-thọ hiện bày, vị ấy tinh-tấn chú niệm vào tướng khổ-thọ. Dần dần, khổ tướng càng hiển-lộ, tâm hành-giả cảm thấy hân-hoan để rồi khổ-thọ mất đi.
Sự phân-tích sâu rộng về thọ có trong kinh Bahuvedaniya suṭṭa (kinh Ða-thọ) thuộc Trung-bộ.
Cảm giác thọ có liên-hệ vật-chất, là thọ bên ngoài (ngoại phần), cảm giác thọ không liên-hệ vật-chất là thọ bên trong (nội phần).
Nhãn-thọ, nhĩ-thọ, tỷ-thọ, thiệt-thọ, thân-thọ và ý-thọ, là thọ ở bên ngoài lẫn bên trong, bên ngoài vì có liên-hệ đến cảnh trần, bên trong vì tâm lộ có những lộ ý môn nối tiếp với lộ ngũ môn.
Thân-thọ thì lạc-khổ hiện bày rõ ràng, riêng về bốn loại thọ: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt thuộc về xả-thọ rất khó thấy, hành-giả chỉ nên quán-xét qua ý-thọ, cảm giác lạc, khổ hay thản-nhiên mà thôi.
Vì sao? Vì rằng nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt là xả-thọ, nhưng trong xả-thọ này ẩn chứa thọ-lạc vi-tế hay thọ-khổ vi-tế. Nếu như ý-thọ là khổ sẽ kết luận nhãn-thọ hay nhĩ-thọ… kia là khổ.
Nếu ý-thọ là lạc sẽ kết luận nhãn-thọ, nhĩ-thọ… kia là lạc. Vì sao? Vì rằng, khi mắt nhìn thấy cảnh sắc xấu, cảnh ghê rợn như đống rác, bãi phân, cảnh chết chóc… tuy giữ được trạng-thái thản-nhiên, nhưng trong tâm cảm thấy không hài lòng, không muốn thấy lại cảnh này nữa. Như thế, ý-thọ là khổ nên nhãn-thọ kia được xem như ẩn chứa khổ vi-tế hiển-lộ qua ý thọ.
Trái lại, tâm cảm thấy sảng khoái, an-tịnh trong cảnh thiên nhiên, xinh đẹp… đó là ý thọ-lạc, nên nhãn thọ kia cũng là lạc, vì tâm sẽ không từ chối khi nhận lãnh cảm giác này lần thứ hai.
Ðến đây hành-giả nắm được ý chính của quán thọ trong thọ, đó là: biết rõ cảm giác lạc -khổ -xả thuộc về thân hay tâm, có liên-hệ hay không liên-hệ đến sáu trần-cảnh.
“Vị tỳ-khưu sống quán thọ trong các nội thọ, sống quán thọ trong các ngoại thọ, sống quán thọ trong các nội-ngoại thọ“.
Mỗi loại thọ: bên trong, bên ngoài, cả bên trong lẫn bên ngoài đều có tướng riêng.
Hành-giả biết rõ cảm giác thọ này là thọ bên trong, thọ này là thọ bên ngoài, thọ này có cả trong lẫn ngoài, qua tướng-trạng của nó và quán-xét tướng-trạng ấy.
Sự lãnh nạp (thọ) là khác, tướng-trạng lãnh nạp là khác. Như người tiếp khách, gặp người khách thích ý hài lòng thì vồn vã, ân cần, với người không quen biết hay nghịch ý thì lơ là, lãnh-đạm. Gặp người khách là lãnh nạp, tư cách tiếp khách là tướng-trạng.
Gặp người khách là khác, tư cách tiếp khách là khác.
Nói cách khác, thọ là sự thành-tựu lạc, khổ hay xả, còn sự đón nhận, thu nạp cảnh là tướng của thọ. Nói rõ hơn, “cảm giác” chính là tướng của thọ
Tướng của thọ-lạc (thân lạc-thọ) là thân xúc chạm với cảnh tốt, cảnh thích-hợp.
Tướng của thọ-khổ (thân khổ-thọ) là thân xúc chạm cảnh thô xấu, cảnh nghịch ý.
Tướng của thọ-hỷ (tâm lạc-thọ) là cách thu nhận cảnh đáng hài lòng, thích ý của tâm.
Tướng của thọ-ưu (tâm khổ-thọ) là cách thu nhận cảnh nghịch ý của tâm.
Tướng của thọ-xả là cách thu nhận cảnh không đáng hài lòng cũng không làm nghịch ý.
Hành-giả quán-xét thọ qua tướng-trạng sẽ thấy rằng: cảm thọ này là pháp tự-nhiên sanh lên để nhận lãnh cảnh, không có ta hay người cảm thọ chi cả, thọ này là kết quả tự-nhiên hình thành từ sự tạo tác, như người thợ nhận thù lao sau một ngày làm việc, đó là lẽ tự-nhiên.
Nhưng cụ thể ra sao? Tướng của thọ là thu nhận cảnh, sự hưởng cảnh là thọ.
Ai tạo ra cảnh? Ðó là sự kết hợp giữa tác-ý (manasikāra) và sự cố ý (ceṭanā). Nói cách khác, tác-ý và sự cố ý là nhân, còn thọ (vedanā) là quả.
Hành-giả nên nhận-thức rằng: “chẳng có người tạo, chẳng có người hưởng, tất cả chỉ là sự vận hành của pháp”, để thoát ra ngã-tưởng.
Trong kinh Pháp-cú, đức Phật có dạy:
“Ðiều nguy hại của kẻ thù gây ra cho kẻ thù, điều nguy hại ấy còn nhỏ, so với tâm hướng về điều ác“.
“Ðiều lợi-ích của người thiện làm cho người thiện, điều lợi-ích ấy còn nhỏ, so với tâm hướng về điều thiện“.
“Tâm hướng về” là chỉ cho manasikāra (tác-ý).
Hành-giả quán-xét thọ qua phương án nào? Trong Tương-ưng kinh đức Phật có dạy:
“Vị tỳ-khưu cảm thọ-lạc quán là khổ, cảm thọ-khổ quán như mũi tên. Cảm thọ-xả quán là vô-thường”.
Tướng của thọ rất vi-tế, hành-giả có sự chú niệm vững mạnh mới có thể nhận diện được, nếu chú niệm không mạnh, khó nhận ra tướng của thọ.
Như có lưu ý đến, mới nhận thấy nét nhẹ nhàng hay vững-chắc hoặc thô xấu trong sự đi của người nào đó, hoặc trong lúc tiếp chuyện, có lưu ý mới nhận ra sự duyên dáng, tính khôi hài hoặc sự kiêu hảnh của người nói.
Cũng vậy, hành-giả có chú niệm mạnh, mới thấy rõ tướng của cảm thọ và quán trực tiếp ngay tướng ấy
Nếu chú niệm không mạnh, không thể thấy được tướng của thọ, vì nó bị ẩn khuất, che lấp bởi xúc (phassa). Nếu tướng của thọ không hiển lộ, bấy giờ hành-giả cần phát huy sức mạnh của tưởng (saññā) để tăng cường hỗ-trợ cho niệm thêm vững mạnh.
Tưởng điều gì? Là tưởng vô-thường, tưởng khổ, tưởng vô-ngã
Trong lãnh-vực tâm linh, tưởng hoạt động rất tích cực, trong khoảng không gian khá rộng, nó hướng dẫn thọ hưởng nhận cảnh, giúp cho tầm (viṭakka) phát huy sức mạnh để thấy được tướng Tiên-khởi của đề mục, giúp cho niệm thêm vững mạnh.
Trong Milinda pañhā, đức-vua Milinda hỏi trưởng-lão Nāgasena rằng:
– Niệm có chi là tướng?
– Tâu đại vương! Niệm có tướng là sự ghi nhớ. Ví như người thợ mộc muốn cưa, xẻ khúc gỗ, y lấy dấu mực. Khi nhìn lại y biết rằng: “đây là chỗ cần cưa, xẻ”.
Sự ghi nhớ được củng cố là do nhớ lại, nhớ lại là tướng (lakkhaṇa) của tưởng.
Những đề mục tưởng niệm ân-đức Phật-Pháp-Tăng-Thí-Giới-Thiên, quán tưởng vật-thực, quán thể-trược nói lên sức mạnh của tưởng hỗ-trợ cho tâm và niệm.
Tưởng là gã họa sĩ tài hoa, nó tô đậm màu sắc cho cảnh quá-khứ, vẽ ra khung cảnh tương-lai theo ý thích của tâm, nếu không khép tưởng vào khuôn-khổ, nó sẽ trở thành tà-tưởng, thế là tà-tầm, tà-niệm lại xuất hiện.
Niệm cột chặt tâm vào cọc trụ đề mục, tưởng đặt đúng vào khuôn phép mới trợ giúp niệm vững mạnh được. Do đó, tưởng cần đặt vào sự vô-thường, khổ và vô-ngã, dần dần ba tướng này hiện bày, niệm ghi nhớ lấy và tứ (vicāra-là một chi-thiền) xem xét một trong ba tướng ấy.
Các vị Cổ-đức có dạy rằng: “Trong thiền Chỉ cần phát huy sức mạnh của Tưởng, trong thiền Minh-sát cần phát huy sức mạnh của Tứ (vicāra), đồng thời loại trừ sức mạnh của tưởng“.
“Vì sao thọ-lạc lại thấy là khổ?” Vì thọ-lạc là mảnh đất hấp dẫn tâm, khiến tâm thích-thú tìm đến để an-trú hưởng-thụ, chính chi lạc (sukha) của thiền Chỉ đối trị với phóng-dật là minh chứng.
Tâm yên-lặng trong lạc-thọ để hưởng-thụ nên không còn vọng động, náo loạn, đôi lúc lại hòa nhập trọn vẹn vào cảnh ấy, đây là trường-hợp đắc định.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra, nếu để tâm mê mẩn trong lạc-thọ? Sẽ là tiền đề cho ái có cơ hội sanh-khởi, do vậy, cần phải quán tưởng là khổ, nhằm mục-đích giảm bớt sự thích ý của tâm, tạm thời đình chỉ tham-ái sanh-khởi, tạm thời xa lánh tham-ái.
Khi hành-giả biết rõ lạc-thọ đang hiện bày, nhưng tướng lạc-thọ không xuất hiện, hãy tác-ý đến khổ, lập tức tưởng sẽ vẽ ra hình ảnh khổ, niệm ghi nhận hình ảnh ấy trong lạc-thọ kia, dần dần tướng khổ trong lạc-thọ hiện bày rõ rệt, bấy giờ hành-giả “thấy lạc-thọ là khổ“.
“Vì sao thấy khổ-thọ là mũi tên?” Lẽ thường, tùy theo chất liệu và tốc-lực, mũi tên gây đau-khổ nặng nhẹ khác nhau, mũi tên làm bằng bông, thân cây lau, sẽ gây khổ-thọ nhẹ; trái lại, mũi tên làm bằng cây gỗ rắn chắc hay bằng thép tốt sẽ gây khổ-thọ mạnh hơn.
Mặt khác, tùy theo tốc-lực của mũi tên, khổ thọ cũng có mức độ nặng nhẹ khác nhau, nếu mũi tên là bông lau nhưng có tốc-lực lớn, cũng có thể sát thương. Trái lại, mũi tên bằng thép tốt mà tốc-lực kém cỏi cũng chẳng gây khổ thọ là bao, nếu mũi tên bằng vật liệu chắc, lại có tốc-lực cao, nó có thể xuyên thấu hay chẻ hai tảng đá.
Khổ-thọ là quả của ác-nghiệp, chất liệu mũi tên là bản chất loại nghiệp ấy, là ác trọng-nghiệp, ác khinh-nghiệp, ác thường-nghiệp, hay ác vô-ý-nghiệp, sức bật dây cung là tốc-lực của nghiệp. Tốc-lực này là do sự cố ý mạnh hay yếu và đối-tượng va chạm vào.
Dây cung càng căng mạnh, nếu không gặp chướng-ngại, mũi tên bật khỏi dây cung lao vút nhanh chóng đến mục tiêu (tức là khổ-thọ nhanh chóng xuất hiện), đồng thời cắm sâu vững-chắc vào mục tiêu. Ðiển hình là trường-hợp vua Suppabuddha chặn đường không cho đức Phật đi khất thực, bị đất rút sau bảy ngày, chàng thanh niên Nandamāṇava hiếp dâm bà tỳ-khưu ni Uppalavaṇṇā, da-xoa Nandayakkha đánh gậy sắt vào đầu trưởng-lão Sārīpuṭṭa, cả hai đều bị đất rút ngay khi vừa khuất tầm mắt các vị Thánh.
Hành-giả quán khổ-thọ như mũi tên, tâm sẽ cảm thấy kinh-sợ trước ác-nghiệp, co rúm trước ác-nghiệp, dần dần thân-ngữ -ý xa lánh ác, bất-thiện nghiệp.
Mặc khác, khi khổ-thọ sanh-khởi, hành-giả cảm nhận sự khổ khốc liệt, sự khổ phơi bày trọn vẹn để rồi diệt mất theo cách tự-nhiên, hành-giả đừng nên tác-ý đến lạc-thọ, vì đó là nhân sanh-khởi cho tham-ái, đồng thời làm giảm sút tinh-tấn. “Tự đến, tự đi -tự sinh, tự diệt” là đường lối của pháp vô-ngã (anaṭṭa dhammā).
Lại nữa, khi khổ-thọ khốc liệt sanh-khởi, hành-giả quán tưởng: “Khổ này chỉ là nhỏ nhoi so với cái khổ trong ngạ-quỉ giới, địa-ngục giới, khổ trong địa-ngục vẫn còn nhỏ nhoi so với cái khổ luân-hồi. Trong vòng luân-hồi, số lần sa vào ngạ-quỉ giới, địa-ngục giới của một chúng-sanh, nhiều hơn nước trong đại dương, nhiều hơn so với cát trên bờ sông Hằng“.
Tâm hành-giả sẽ kinh cảm trước pháp hữu-vi, muốn thoát ra khỏi pháp hữu-vi, hướng đến Níp-bàn, tạm thời đình chỉ được tham-ái, đồng thời giúp cho tinh-tấn tăng-trưởng sức mạnh.
Khổ-thọ này được đức Phật ví như vực thẳm, người can đảm chịu đựng vượt qua khổ-thọ là người đứng trên vực thẳm, như kệ-ngôn:
“Ai có thể chịu nổi
Các khổ-thọ khởi lên
Thân đau hại mạng sống
Cảm xúc không run rẩy
Vị ấy vượt vực sâu
Ðạt đến chỗ chân đứng”. (Tương-ưng kinh)
Trong chú giải kinh Pháp-cú, có ghi câu chuyện của vị tỳ-khưu đang hành pháp, ánh-nắng mặt trời chiếu vào thân Ngài, gây ra khổ-thọ do sức nóng. Ngài quán tưởng “sức nóng này so với sức nóng não hại trong địa-ngục còn nhỏ hơn nhiều“. Ngài tinh-tấn phát-triển Minh-quán, cuối cùng chứng-đắc thánh quả A-la-hán.
Trong Saṃyuṭṭa nikāya, đức Phật dạy rằng:
“Này Mahāli! nếu thọ nhất hướng khổ, rơi trên khổ, nhập cuộc với khổ, không nhập cuộc với lạc, thời chúng-sanh không tham đắm thọ.
Và vì rằng này Mahāli! thọ là lạc rơi trên lạc, nhập cuộc với lạc, nên chúng-sanh tham đắm với thọ.
Do tham đắm thọ nên bị triền phược (trói-buộc), do bị triền phược nên chúng-sanh uế nhiễm“.
Ðoạn kinh trên cho thấy rằng: “nếu không rơi vào lạc sẽ không bị trói-buộc, tâm không bị uế nhiễm”. Do vậy, nếu khổ-thọ sanh lên, hành-giả không nên tác-ý đến lạc, cần phải trực diện với khổ để “thấy như mũi tên“.
“Vì sao thấy xả-thọ là vô-thường?” Vì rằng, xả-thọ là bước chuyển tiếp từ lạc sang khổ hay từ khổ sang lạc, hành-giả cần phải biết rõ bước chuyển tiếp ấy, để ngăn trừ vô-minh ngủ-ngầm.
Vì rằng: trong lạc-thọ có khổ tiềm-ẩn, trong khổ-thọ chỉ đơn thuần là khổ không hề có lạc tiềm-ẩn, trong xả-thọ có lạc vi-tế lẫn khổ vi-tế, thế là có khổ tiềm-ẩn trong đó.
Trong lạc-thọ hay khổ-thọ hành-giả quán thẳng vào khổ như đã trình-bày.
Còn trong thọ-xả vốn đã khó nhận ra, lại phải tìm thấy khổ vi-tế trong đó nữa, do đó phải có bước dẫn xuất để khổ tướng lộ diện, bước dẫn xuất ấy chính là vô-thường tưởng.
Ví như có ba món vật, một vật không bọc chi cả, một vật được bọc một lớp vải mỏng, một vật bọc lớp vải dầy. Vật không bọc chi cả ví như khổ-thọ, vật bọc lớp vải mỏng, người ta có thể nhìn xuyên qua lớp vải mỏng để thấy vật ấy, ví như khổ vi-tế ở trong lạc-thọ.
Với vật bọc lớp vải dầy, người ta muốn nhìn thấy, phải tháo gỡ lớp vải dầy. Ðiều này ví như khổ ẩn trong thọ-xả.
Nói dễ hiểu hơn là: khổ tướng sanh ở vô-thường, trụ ở khổ và diệt ở vô-thường. Do đó, để khổ tướng lộ ra trong xả-thọ cần phải thấy xả-thọ là vô-thường.
Khi ấy tâm hành-giả đối với các cảm thọ sẽ rơi trên nhất hướng khổ, không còn tham đắm trong thọ. Như lời dạy của trưởng-lão Sārīpuṭṭa trong kinh Thập-thượng ở Trường-bộ:
“Thế nào là chín pháp cần được sanh-khởi?.
Là chín tưởng … khổ tưởng trên vô-thường …”.
Cũng nên nói thêm rằng: trong ba tướng vô-thường, khổ, vô-ngã. Tướng khổ là thô, tướng vô-thường là tế, tướng vô-thường là thô, tướng vô-ngã là tế. Trong ba tướng, tướng vô-ngã là vi-tế nhất, rất khó hiển-lộ.
Lý vô-thường, lý khổ có thể tìm thấy trong thời không có giáo-pháp của đức Chánh-đẳng-giác, riêng lý vô-ngã chỉ hiển-lộ trong thời có giáo-pháp của đấng Chánh-giác. Lý vô-ngã hiển lộ do năng-lực trí-tuệ của bậc Chánh-đẳng-giác, không một ai có thể làm hiển-lộ lý vô-ngã được, cho dù đó là trí-tuệ của Phật Ðộc Giác.
Lý vô-ngã chỉ được nhận-thức rõ qua vô-thường và khổ. Như là:
“Này Rāhula, ngươi nghĩ thế nào, mắt là thường hay vô-thường.
– Bạch Thế-tôn, là vô-thường.
– Cái gì vô-thường là khổ hay lạc?
– Bạch Thế-tôn, là khổ.
– Cái gì vô-thường, khổ, chịu sự biến hoại có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là tôi, cái này là của tôi, cái này là tự ngã của tôi”.
– Thưa không, bạch Thế-tôn. — (Tiểu kinh Giáo giới Rāhula)
Ðoạn kinh trên là một trong nhiều đoạn được đức Thế-tôn thuyết-giảng cho chư tỳ-khưu nhận-thức được lý vô-ngã.
Trong vô-thường có khổ, vô-ngã, trong khổ có vô-ngã, từ vô-thường -khổ, tướng vô-ngã hiển-lộ.
Ngài Sārīpuṭṭa có dạy, pháp cần được sanh-khởi là:
“Khổ tưởng trên vô-thường, vô-ngã tưởng trên khổ“. — (Kinh Thập-thượng)
Thấy được tướng vô-thường đồng thời sẽ thấy được tướng vô-ngã.
Tóm lại, hành-giả quán thọ trong thọ, cần nhận biết chín loại thọ cùng tướng-trạng của nó. Với sự tinh-cần, chú niệm mạnh thấy được tướng khổ của các cảm thọ, không còn tham đắm trong lạc thế-gian, sẽ nhiếp phục được tham ưu ở đời (loka).
QUÁN TÂM TRONG TÂM
Trong Pāli văn, Ðức Thế-tôn thuyết rằng: “Này chư tỳ-khưu! Thế nào vị tỳ-khưu sống quán tâm trong tâm? Này chư tỳ-khưu! Ở đây vị tỳ-khưu: Với tâm có tham biết rằng: “tâm có tham…”.
Theo Aṭṭhakaṭhā có giải thích: Khi Ðức Thế-tôn thuyết-giảng chín loại thọ tùy-quán xong rồi, Ngài thuyết tiếp 16 loại tâm tùy-quán.
16 loại tâm đó là:
1. Tâm có tham-ái (sarāgaciṭṭa): là tám loại tâm hợp với căn tham (lobhamūla).
2. Tâm không tham-ái (virāga ciṭṭa): là tâm thiện và tâm vô-ký (abyākaṭaciṭṭa) hiệp-thế.
3. Tâm có sân (sadosa ciṭṭa): là hai tâm hợp với căn sân (dosamūla).
4. Tâm không sân (vīṭadosaciṭṭa): là tâm thiện và tâm vô-ký hiệp-thế.
5. Tâm có si (samoha ciṭṭa): là tâm hợp với sở-hữu hoài-nghi và tâm si hợp phóng-dật.
6. Tâm không có si (vīṭamoha ciṭṭa): là tâm thiện và tâm vô-ký hiệp-thế.
7. Tâm co rút (saṃkhiṭa ciṭṭa): là tâm có hôn-trầm chế-ngự, tâm có trạng-thái tâm uể-oải, dã-dượi.
8. Tâm phóng-dật (vikhiṭa ciṭṭa): là trạng-thái tâm tán-loạn.
9. Tâm rộng lớn (mahaggaṭa ciṭṭa): là tâm thiền sắc-giới (rūpāvacara) và tâm vô-sắc giới (arūpāvacara).
10. Tâm không rộng lớn (amaggahaṭa ciṭṭa): là tâm dục-giới (kāmāvacara).
11. Tâm hữu-hạn (sa-uṭṭara ciṭṭa): là tâm dục-giới.
12. Tâm vô-thượng (anuṭṭara ciṭṭa): là tâm sắc-giới và tâm vô-sắc giới.
13. Tâm có định (samāhiṭa ciṭṭa): là tâm cận-định và tâm nhập-định (appanā samādhi).
14. Tâm không có định (asamāhiṭa ciṭṭa): là tâm dục-giới không có cận-định.
15. Tâm giải-thoát (vimuṭṭa ciṭṭa): là tâm giải-thoát phiền-não do năng-lực của Minh hay năng-lực của thiền.
16. Tâm không giải-thoát (avimuṭṭa ciṭṭa): là tâm không ra khỏi phiền-não.
Giải-thoát có năm là:
1- Tadaṅgavimuṭṭi: Tạm thời giải-thoát, là khi tâm thiện sanh-khởi, tạm thời thoát khỏi các bất-thiện pháp.
2- Vikhambhanavimuṭṭi: Áp chế giải-thoát, là các tâm thiền (jhānaciṭṭa) như sơ-thiền, nhị-thiền… khi tâm thiền sanh-khởi, các bất-thiện pháp không thể sanh lên, chỉ khi nào pháp thiền (đắc định) của vị ấy bị đứt, các bất-thiện pháp lại sanh-khởi, ví như đá đè cỏ, khi còn có đá cỏ không thể mọc, nhưng khi tảng đá bị vỡ hay không còn, cỏ lại sanh lên.
3- Samucchedavimuṭṭi: Tuyệt trừ giải-thoát, là giải-thoát những phiền-não do đạo-tuệ phát-sanh lên.
4- Paṭipassaddhivimuṭṭi: an-tịnh giải-thoát, là sự tái-sanh không còn do đắc quả siêu-thế.
Như Dự-lưu quả không còn cho tái-sanh về bốn khổ-cảnh, Bất-lai quả không còn cho tái-sanh về cõi dục, A-la-hán quả chấm dứt hoàn toàn sự tái-sanh.
5- Nissaraṇavimuṭṭi: Giải-thoát hoàn toàn, đồng nghĩa với sự viên tịch của vị thánh A-la-hán.
Trong phần quán tâm niệm-xứ, đức Thế-tôn thuyết từng cặp tâm đối nghịch nhau như:
Tâm có tham, tâm không có tham.
Tâm có sân, tâm không có sân . …
Ðối với hành-giả có học hỏi tạng Thắng-pháp (abhidhamma piṭaka), kiến thức về các loại tâm qua pháp-học sẽ giúp ích nhiều cho vị ấy trong sự nhận dạng các loại tâm.
Còn những hành-giả không học hay thiếu sự hiểu biết về tạng Diệu-pháp, sẽ lúng túng trong sự nhận dạng các loại tâm, chính các hành-giả có hiểu biết về tạng Diệu-pháp, khi hành pháp niệm tâm cũng cảm thấy lúng túng trong lúc đầu.
Tâm (ciṭṭa) từ ngữ căn là CIT nghĩa là “suy-gẫm”.
Tâm-hành ra sao? Hành-giả khi ngồi yên-lặng theo dõi, sẽ thấy rằng tâm phóng đi cùng khắp, sự suy nghĩ miên man sanh-khởi rất lanh lẹ, có thể từ chỗ ngồi phóng ra ngoài đường, hay đi đến những vùng mà hành-giả từng đi qua, như những cảnh du ngoạn, những tự viện thường lui tới, hoặc những cảnh được mô tả qua báo chí …
Nên trong Pháp-cú kinh, đức Phật có dạy:
“Dunniggahassa lahuno
Yaṭṭha kāmanipāṭino
Ciṭassa damaṭho sādhu
Ciṭṭaṃ danṭaṃ sukhāvahaṃ”.
“Tâm lanh lẹ phóng đi, rất khó kiểm-soát.
Nắm giữ được tâm, kiểm-soát được tâm, dẫn đến an lạc“.
(Pháp-cú 35)
Thông-thường tâm phóng theo cảnh trần ở bên ngoài, hành-giả khi tu-tập pháp niệm tâm, cần phải có sự chú niệm vững vàng, cần phải nỗ-lực trong sự chú ý, kiểm-soát tâm, không cho tâm hướng về bên ngoài.
Khi theo dõi tâm, nên tập nhận xét rằng: thời này trạng-thái tâm của ta ra sao? vui thích hay khó chịu? tối mê hay minh mẫn? tâm ấy có dã-dượi co rút, phóng túng tán-loạn không?, nó có yên-lặng không?
Khi hành-giả xác định trạng-thái tâm rồi, hãy theo dõi, hành-giả sẽ thấy rằng: “trạng-thái tâm này nó không mãi mãi như vậy“.
Như khi ưa thích cái gì đó, sẽ thấy rằng nó không ưa thích mãi, nó sẽ bỏ cái ấy để ưa thích vật khác, hoặc giả vào lúc nào đó, nó ghét ngay chính vật ấy, chắc chắn là như vậy.
Khi có buồn khổ điều gì, hãy ghi nhận rồi theo dõi, hành-giả sẽ thấy rằng: nó không buồn khổ mãi, có lúc cũng phải hết buồn, có lúc cũng phải hết khó chịu.
Dần dần, hành-giả sẽ nhận-thức rằng: “Đây là tâm thiện, đây là loại tâm bất-thiện“.
Khi thấy là tâm thiện dù loại nào cũng được, cần gìn-giữ tâm ấy, vì bấy giờ tâm tạm thời thoát ra những bất-thiện pháp, nếu là loại tâm thiện vô-trí, cần nỗ-lực quán-xét khiến trí-tuệ chưa sanh được sanh-khởi.
Trái lại, khi nhận-định: “Đây là tâm không tốt” như tâm tán-loạn, tâm dã-dượi, tâm có nghi-hoặc … đó là những loại tâm bệnh hoạn, tâm càng bệnh hoạn càng mất đi lợi-ích mà hành-giả mong muốn, hãy cố-gắng sửa đổi cho tâm trở nên tốt, giải-thoát ra khỏi hệ lụy bằng cách nào cũng được, bằng tạm thời cũng tốt, bằng áp chế cũng tốt, cho đến khi đoạn trừ được thân-kiến ở vùng tùy-miên.
Cách sửa-chữa tâm không tốt trở nên tốt, có liên quan đến sự đoạn trừ năm pháp che lấp (nīvaraṇa), sẽ giải ở phần niệm pháp trong pháp. Sự tu-tập pháp niệm tâm trong tâm, mang lại rất nhiều lợi-ích, có thể đạt quả vị Ứng-cúng.
Chỉ tập nhận-định: “đây là loại tâm nào?” cũng mang đến lợi-ích lớn là “sự an-tâm“, luôn cả nhận-thức được những oai-nghi sanh-khởi từ tâm ấy.
Như: “Khi tâm như vậy, thân sẽ như vầy, ngữ sẽ như vầy…“. Sự nhận-thức này, giúp hành-giả nhận xét được người khác, hành-giả xác định: “đây là hảo nhân, đây là bậc trí, đây là người xấu, …”.
Thế là, hành-giả giao du với bậc có trí, bậc hảo nhân, hành-giả sẽ gặt hái những tinh hoa trong đời sống tu-tập với mục-đích thoát khỏi khổ.
Cũng nên lưu ý rằng: “Giữa tâm và thọ có liên quan mật thiết.” Những trạng-thái vui, buồn, khó chịu, thản-nhiên là thọ, tâm chỉ là “sự biết cảnh” nhưng ở mặt khác, tâm có bản chất là thiện, bất-thiện hay không thiện cũng không bất-thiện (abyākaṭā: vô-ký). Trái lại, thọ chỉ có tính-chất hưởng-thụ, nhận lãnh.
Thọ chỉ là thiện khi đi với tâm thiện, là bất-thiện khi đi với tâm bất-thiện, là không thiện cũng không bất thiện khi đi với tâm vô-ký. Hành-giả cần lưu ý nét đặc trưng này của tâm và thọ.
Nói dễ hiểu hơn, niệm thọ là quán xét tính vui, buồn, thản nhiên, còn niệm tâm là quán xét tính thiện, tính bất-thiện, tính không thiện cũng không bất-thiện.
-ooOoo-