CHƯƠNG II.

BỒ TÁT HẠNH.
(Bodhisattacariya).

1- Nghĩa của chữ Bồ tát

Từ chữ Bodhisatta, âm là Bồ đề tát đỏa, gọi tắt là Bồ tát.

Bodhi từ ngữ căn budh nghĩa là: thông minh, hiểu biết.

Satta là hữu tình. Chữ satta còn có nghĩa là chúng sinh, chúng sinh có ba nghĩa:

– Chúng pháp sinh: Nghĩa là nhiều pháp hội lại (chúng) thành (sinh ra).

– Chúng loại sinh: Nghĩa là nhiều chủng loại hội lại (chúng) mà hình thành, (như thế gian có nhiều chủng loại đang hiện hành).

– Thọ chúng đa tử sinh: Nghĩa là nhận nhiều sự sanh lên rồi hoại diệt (tử). Không gọi là chúng tử, vì có sanh ắt có tử là điều hiển nhiên nên chỉ gọi “chúng sinh” là đủ.

Ngày nay, các học giả thường dùng từ satta với nghĩa là các hữu tình để phân biệt với hạng chúng sanh ở cõi Vô tưởng (asaññībhūmi).

Luận Atỳđàm (Abhidhamma pitaka) gọi những pháp nào có Mạng quyền (jīvitindriya), pháp ấy là chúng sinh, như chúng sinh ở cõi Vô tưởng chỉ có sắc pháp không có tâm thức, nhưng sắc pháp này lại có sắc Mạng quyền (jīvitindriya rūpa) nên được gọi là chúng sinh.

Còn ở cõi Vô sắc (arūpa bhūmi), chỉ có tâm thức không có sắc pháp, nhưng tâm thức này có danh Mạng quyền (jīvitindriya nāma) nên cũng được gọi là chúng sinh.

Chính vì thế, tuy đất, nước, núi, sông, cây cỏ, … cũng có ba nghĩa như chúng sinh ở trên, nhưng không có sắc Mạng quyền. Do vậy, chỉ được gọi là sắc pháp mà không được gọi là chúng sinh.

Tóm lại, Bồ tát là hữu tình có trí, có sự hiểu biết. Tức là chúng sinh có tri giác cao.

Thế nào là chúng sinh có trí?

Chúng sinh nào nhận thức được sự biến hoại, thay đổi của thế gian, có tâm nguyện muốn thoát ra khỏi vòng biến hoại đổi thay, sinh sinh tử tử này. Chúng sinh ấy gọi là có trí

Như vậy, điều kiện để trở thành vị Bồ tát là: nhận thức được “thế gian thường thay đổi, biến hoại đi đến diệt vong” và “có tâm nguyện thoát ra vòng khổ ách này“.

Nói gọn hơn “chúng sinh nào thấy được sự nguy hại của các pháp hữu vi (hay thế gian), có tâm nguyện muốn thoát ra khỏi thế gian, chúng sinh ấy là Bồ tát”.

Hay: Người tạo nghiệp lành (phước), nương theo nghiệp lành ấy, phát nguyện rằng: “do nghiệp lành (hay phước báu) này, xin cho tôi thoát ra vòng sanh tử”, bấy giờ chúng sinh ấy là Bồ tát.

2- Bồ tát là phàm hay Thánh?

Có hai quan điểm:

a- Bồ tát là bậc Thánh, thậm chí còn cao Alahán.

Theo quan niệm này: “Giai đoạn đầu Bồ tát vẫn là phàm nhân sau một thời gian tu tập, Bồ tát trở thành bậc Thánh, tự tại ra vào sinh tử”.

Đây là quan điểm của Mahāsaṅghika (Đại Chúng Bộ) cùng một số bộ phái khác.

Đại chúng bộ hệ thì vốn cũng coi Bồ tát là phàm phu, về điểm này tuy cũng nhất trí với Thượng tọa bộ hệ, nhưng địa vị phàm phu ấy chỉ ở Atăngkỳ[1] đầu mà thôi, từ A-tăng kỳ thứ hai Bồ tát đã vào Thánh vị, nghĩa là trong Atăngkỳ thứ hai Bồ tát đã hoàn thành sự nghiệp tự tu.[2]

Nhưng cụ thể vị Bồ tát ở ngôi Thánh vị nào? Đại Chúng bộ không nêu ra cụ thể.

Về sau, các nhà Đại thừa cho rằng “Bồ tát ở ngôi Pháp vân địa (meghabhūmi) cao hơn quả Alahán”.

“Nếu đừng để mình vướng mắc vào ý nghĩa của ngôn từ thì chúng ta có thể dễ dàng đi ra khỏi ngộ nhận cho rằng Alahán là Thanh văn quả nhỏ. Thật sự Alahán đã là quả giải thoát tối hậu của thân giải thoát.”[3]

Và nếu như “bản dịch trung thực với nguyên tác”, tuy công trình nghiên cứu về: “Tư tưởng Phật giáo Đại thừa, Tiểu thừa, Nguyên thủy rất có giá trị, nhưng ông Kimura Taiken đã nhầm lẫn Thượng tọa bộ với Hữu bộ khi cho rằng “Thượng tọa bộ có quan niệm Hữu” [4] . Thật ra “quan niệm Hữu” là của Hữu bộ, chính tên gọi Bộ phái đã nói lên điều này.[5]

Theo Hán tạng, chữ Arahaṃ (Alahán) có ba nghĩa:

– Sát tặc: Là diệt trừ mọi ô nhiễm trong tâm (giết giặc phiền não).

– Ứng cúng: Là xứng đáng nhận vật cúng dường của trời và người.

– Bất sinh: Là mãi mãi (vào) Nípbàn, không phải chịu quả báo sống chết lần thứ hai[6].

Nhưng Bồ tát vì tâm bi mẫn đối với chúng sinh, nên còn lăn trôi trong sinh tử, cho dù với hình thức thị hiện, hóa thân, xét cho cùng vẫn rơi vào một trong tứ sanh là: noãn, thai, thấp, hóa sanh. Vậy ý nghĩa “bất sinh” dường như …

Vị Bồ tát có thể ở quả vị Alahán rồi bị hoại quả vị này chăng? Vì trong bộ Luận sự (Kathāvatthu) có ghi nhận nhiều luận điểm về vị Alahán như:

Vị Alahán có thể bị hoại lìa quả vị A lahán”.

Ngài Buddhaghosa có giải thích “đây là quan điểm của các bộ phái như: Độc tử bộ (Vajjīputtaka), Chánh lượng bộ (Sammittiya) và một vài bộ phái của Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika).

Độc tử bộ là những Tỳ khưu hậu duệ thuộc nhóm của Trưởng lão Purāna.

Khi cuộc kết tập Phật ngôn lần I hoàn tất, Trưởng lão Purāṇa cùng 500 vị Tỳ khưu tùy tùng đi đến Vương xá thành (Rājagaha) để tham dự cuộc kết tập Phật ngôn, nhưng đã trể vì cuộc kết tập Phật ngôn đã hoàn tất.

Trưởng lão Purāṇa tuyên bố chỉ thọ trì những gì mình trực tiếp nghe từ Bậc Đạo Sư. Xét ra, chỉ sai khác về 8 ngoại lệ của Luật, còn về quan điểm tri kiến thì như nhau.

Về sau những Tỳ khưu hậu duệ của nhóm Ngài Purāṇa thay đổi quan kiến thành lập Độc tử bộ.[7]

Chánh lượng bộ lại tách ra từ Độc tử bộ (sđd, tr. 210).

Thượng tọa bộ đã bác bỏ quan điểm “Vị Thánh Alahán bị hoại quả vị”, cho rằng bất kỳ tầng Thánh nào cũng không hề bị hoại quả vị.[8]

Thượng tọa bộ vấn hỏi: Bậc Alahán bị hoại lìa quả vị do nhân chi?

Các bộ phái chủ trương luận điểm này đáp:

– Do bị ái xung đột. Cách xung đột ấy phát sanh do nương vào tùy miên (anusaya).

Và Thượng tọa bộ hỏi: Vị Alahán còn các tùy miên chăng?

Các bộ phái ấy không chấp nhận.[9]

Theo Ngài Buddhaghosa: Các bộ phái này đã hiểu lầm các đoạn kinh như sau:[10]

“Hai pháp này, này các tỳ khưu, đưa đến đọa lạc cho vị Tỳ khưu hữu học. Thế nào là hai: Phẩn nộ và hiềm hận… [11]

Nhưng rõ ràng Tỳ khưu hữu học không phải là bậc Alahán.

Ngoài ra, trong Luận sự (Kathāvatthu) Có nêu ra luận điểm của phái Andhaka (Án-đạt-la) là:

“Bồ tát chứng Thánh đạo và sống đời sống Phạm hạnh trong Giáo pháp của Đức Phật kassapa”.[12]

Theo Sớ giải, do bộ phái này hiểu lầm bài kinh Ghaṭīkāra trong Trung bộ kinh, nói về Bồ tát Jotipāla sống đời Phạm hạnh trong Giáo pháp của Đức Phật Kassapa (Cadiếp). Chữ “chứng đạo nhất định (okkanta niyāma)” và chữ “đời sống Phạm hạnh” đồng nghĩa (chữ okkanta nghĩa là: hiện ra).

Tuy ông Kimura Taiken có trích dẫn:

“Theo Luận sự thì Án- đạt- la phái giải thích là:

“Bodhisatto Kassapassa bhagavato pāvasane okkanta niyāmo carita-brahmacariyo”. Dưới thời Đức Phật Ca Diếp, Bồ tát đã đạt đến chính tính ly sinh, cho nên lúc đó được coi là đã giải thoát địa vị phàm phu.”(sđd, trg.82).

Nhưng nếu thế thì “trước thời Đức Phật Cadiếp, Bồ tát vẫn là phàm phu.

Mặt khác, ông Kimura Taiken không đề cập đến sự phàn bác của Thượng tọa bộ được ghi trong Luận sự (sđd).

– Trong Luận sự có ghi lại một quan điểm của Bộ phái Andhaka cho rằng “Bồ tát thị hiện vào các cảnh giới”.[13]

Andhaka là một bộ phái tách ra từ Đại chúng bộ, chủ trương rằng:

– Bồ tát theo ý chí tự do mà sinh vào ác thú (như địa ngục…).

– Bồ tát theo ý chí tự do mà tái sinh.

– Bồ tát theo ý chí tự do mà hành khổ hạnh.

– Bồ tát theo ý chí tự do mà tu hành và theo học thầy khác.[14]

 Để rồi, bộ phái Đại thừa (Mahāyana) về sau, triển khai rộng rải quan điểm này, nảy sinh những tín ngưỡng về Quan thế âm, Địa Tạng..[15] Các nhà Đại thừa cho rằng: Vị Thánh Alahán được Đức Phật thọ ký trở thành Đức Phật Chánh giác vị lai [16] và trở thành vị Bồ tát.

Trở lại Luận điểm của bộ phái Andhaka, theo GS. André Bareau:

 “Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) cho biết: Vào thế kỷ thứ 3 sau Phật Nípbàn, xuất hiện 6 học phái mới: Vương sơn trú bộ (Rājagirika), Nghĩa thành bộ (Siddhārthika), Đông sơn trú bộ (Purvasaila), Tây sơn trú bộ (Aparasaila), Tuyết sơn trú bộ (Haimavata) và Vajjiriya.

Ngài Buddhaghosa xếp bốn bộ phái đầu là: Vương sơn trú bộ, Nghĩa thành bộ, Đông sơn trú bộ và Tây sơn trú bộ vào một với tên gọi là Andhaka; mà các ghi chép địa phương có cho biết sự có mặt của họ trong vùng Andhra, gần Amarâ-vati.”[17]

Theravāda đã bác bỏ quan điểm này của phái Andhaka và yêu cầu bộ phái Andhaka chứng minh có bài kinh nào nói đến điều này không? Andhaka im lặng[18].

b- Bồ tát là phàm nhân.

Đây là quan điểm của Thượng tọa bộ cùng các bộ phái như Hữu bộ (Sarvastivada)… chấp nhận.

Hữu bộ là một trong các bộ phái tách ra từ Theravāda[19]. Hữu bộ có một thời cực thịnh, đã thực hiện một cuộc kết tập Phật ngôn lần thứ IV dưới thời vua KanishkaII (Ca-ni-sắc-ka), vị Trưởng lão bộ phái này lúc đó là Ngài Rāhulabhadra (Sđd, tr.190).

Nên ghi nhận rằng: “Cuộc kết tập lần IV dưới thời kỳ của vua Kanishka II, không có sự tham gia của Trưởng lão bộ (Theravāda)[20], cho dù là Trưởng lão bộ Ấn Độ hay Thượng tọa bộ Tích lan.

Học giả Kimura Taiken có nêu ý kiến: Nên chia thành hai thời kỳ để khảo sát về đặc tính của vị Bồ tát Chánh giác:

– Thời kỳ còn luân hồi: Thời kỳ này được xác định từ khi Bồ tát Thiện Huệ (Sumedha) được Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkara) thọ ký cho đến kiếp Ngài ở cung trời Đẩu Suất (Tusitadeva).

– Thời kỳ tối hậu thân: Được xác định kiếp chót khi Ngài là Thái tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) cho đến khi hàng ma thành bậc Chánh Đẳng giác [21] (không kể giai đoạn sau khi thành Phật cho đến khi viên tịch).

Bây giờ chúng ta hãy xét giai đoạn tối hậu thân.

Bác sĩ Nguyễn Tối Thiện với Tiểu luận: “Bồ tát hay Thinh văn”, đã trình bày rõ nét về “Bồ tát là phàm nhân” theo quan niệm của Thượng tọa bộ.

Gs. André Bareau cho rằng: “Thượng tọa bộ (Tích lan) vẫn giữ được tính cổ xưa của giáo thuyết” [22].

Mặt khác, trong kinh Tạng hệ Pāli, chúng ta thấy Đức Phật khi dùng từ Bồ tát, đó là ám chỉ Ngài khi chưa chứng đắc Vô thượng chánh giác.

Riêng kinh Đại Bổn (Mahāpadāna sutta) trong Trường bộ III, nói về 7 vị Phật quá khứ, khởi đầu là Đức Phật Vipassī (Tỳ-bà-thi), ông Nalinaksha.Duti cho rằng: “là bản sao cuộc đời của Đức Phật Thích ca mâu ni”[23]. Và như vậy “Bồ tát” cũng ám chỉ cho Đức Phật khi chưa thành bậc Chánh giác.

Có lẽ do chính điểm này (Bồ tát ám chỉ cho Bậc Chánh giác khi chưa giác ngộ quả Chánh giác) nên có sự hiểu lệch rằng: “Bồ tát là vị Thánh thinh văn, sau đó chứng Vô thượng Chánh giác”.

Dĩ nhiên, trong Phật vị thì Vô thượng Chánh giác là cao nhất, bậc Alahán không thể sánh bằng, nhưng tôn chỉ của Đức Chánh giác là gì?

– Là tế độ chúng sanh thoát khỏi sinh tử luân hồi và quả vị Alahán là sự thành tựu mục tiêu ấy.

 Trong bản Tiểu luận, Bác sĩ Nguyễn Tối Thiện có dẫn chứng: “Đức Phật chứng ngộ Túc mạng Minh, Thiên nhãn Minh và Lậu tận Minh. Vị Alahán cũng chứng ngộ Lậu tận Minh, là tuệ giác cuối cùng đưa một chúng sanh vượt thoát luân hồi“.

Vị Thánh Alahán có tâm tế độ chúng sanh thoát khỏi khổ luân hồi, thành đạt quả vị Alahán như vị ấy không? Không thể phủ nhận sự “tế độ chúng sanh” của vị Thánh Alahán được, có điều là trí tuệ của bậc Thánh Alahán không thể sánh bằng trí của bậc Chánh Đẳng giác.

Và theo quan niệm của Nam truyền: “Vị Alahán Chánh đẳng giác (ám chỉ Đức Phật Chánh giác) và vị Alahán Thánh đệ tử đều đồng đẳng trên phương diện giải thoát. Tức là, nếu Đức Phật không còn tham. Sân. Si, phiền não, các ác bất thiện pháp… thì vị Thánh Alahán cũng như thế, chỉ khác nhau ở năng lực của vị Chánh giác và vị Thánh Alahán mà thôi.

Lại nữa, cho dù có chấp nhận “quan niệm Bồ tát là Thánh thinh văn Alahán ở giai đoạn tối hậu thân” chăng nữa, vị Bồ tát phàm cũng phải thực hành những pháp (nhất là Bát chánh đạo) dẫn đến chứng ngộ Alahán quả. Đó là việc làm thiết yếu trước tiên.

Bậc Anahàm (Anāgāmi) sau khi thân hoại mệnh chung, thường tái sanh về cõi Tịnh cư (suddhāvāsa), đây là điểm cả Nam tạng lẫn Bắc tạng đều chấp nhận. Và chính Đức Phật xác nhận rằng:

“Này Sāriputta, nếu Ta luân hồi tại Tịnh cư thiên thời Ta không trở lại đời này nữa”.[24]

Tịnh cư thiên (sudhāvāsa) là cõi chỉ dành riêng cho bậc Anahàm. Xét ra, Bồ tát Jotipāla trong thời Đức Chánh giác Kassapa (Cadiếp) cũng chưa chứng quả Anahàm. Và cho đến giai đoạn tối hậu thân cũng vậy.

Bài kinh “Trước khi giác ngộ” [25] giúp chúng ta nhận định vị Bồ tát trong giai đoạn tối hậu thân.

“Này các tỳ khưu, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh đẳng giác, còn là Bồ tát, Ta suy nghĩ như sau: “cái gì là vị ngọt ở đời? Cái gì là nguy hại? Cái gì là xuất ly?”.

Rồi này các tỳ khưu, cho đến khi nào Ta chưa như thật giác tri (abbhaññāsiṃ) vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các tỳ khưu, Ta không có xác nhận Ta đã “hiểu biết trọn vẹn” (abhisambuddho) vô thượng Chánh đẳng Chánh giác …. Và tri kiến khởi lên nơi Ta: “Bất động là tâm giải thoát của Ta. Đây là đòi sống cuối cùng. Nay không còn tái sanh nữa”.

Thế thì, vị Alahán có hiểu rõ vị ngọt là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly để thành tựu “chấm dứt tái sanh” không? Và vị chưa hiểu rõ ba điều này, để thành tựu “chấm dứt tái sanh”, vị ấy có phải là bậc Alahán không?.

I- Ba hạng Bồ tát

Ngữ căn Budh nghĩa là hiểu biết (giác), có bốn khía cạnh về hiểu biết:

– Y giác (nương theo để hiểu biết): Là tự mình không thể thấu đáo chân lý, phải nhờ người khác chỉ dạy mới thành tựu được mục đích “chấm dứt sanh tử luân hồi”. Đây là cái “giác” của bậc Alahán (arahanta).

– Tự giác: Là tự mình hiểu biết chân lý, không cần nhờ đến ai chỉ dạy. Đây là cái “giác” của Phật Bích chi (pacceka buddha) và Phật Chánh Đẳng Giác (sammā sambuddha).

– Giác tha: Là giúp người khác hiểu biết được chân lý, thoát ra cái khổ sinh tử luân hồi (saṃsāra). Đây là cái “giác” chỉ có nơi Đức Phật Chánh Đẳng giác, bậc Alahán hay Bích chi Phật không thể có được.

 Bậc Alahán có thể tế độ được người khác là do nương vào cái Giác của Đấng Chánh Đẳng giác.

– Giác hạnh: là hiểu biết công hạnh của mình (hay của người) đã viên mãn hay còn khiếm khuyết.

Đức Phật Chánh Đẳng Giác tròn đủ ba cái giác: Tự giác, giác tha và giác hạnh.

Đức Phật Độc giác (Bích Chi) có hai giác: Tự giác và giác hạnh.

Đức Alahán có hai giác là: Y giác và giác hạnh.

Về giác hạnh: bậc Alahán cùng Phật Độc giác chỉ biết rõ về mình, đối với người khác thì không biết. Điển hình Ngài Sāriputta không hiểu biết cơ tánh của ông Bàlamôn Dhānañjani có duyên lành chứng Thánh quả, chỉ hướng dẫn ông đến Phạm thiên giới.

“Này Sāriputta, vì sao dầu cho có những cảnh giới cao hơn cần phải chứng, sau khi an trú Bàlamôn Dhānañjāni vào Phạm thiên giới thấp kém, ngươi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra về”.

Và Đức Sāriputta đã trả lời “Bạch Thế Tôn, con nghĩ như sau: “Những vị Bàlamôn này rất ái luyến Phạm thiên giới…[26]

Bậc Chánh Đẳng Giác biết rõ mình lẫn chúng sanh khác.

Như thế, xét về khía cạnh giải thoát khỏi sinh tử, cả ba bậc Buddha (Phật) đều đạt được, nhưng về cấp độ hiểu biết (giác) có sự khác nhau. Nên phân thành ba hạng: Bồ tát Thinh văn giác, Bồ tát Độc giác và Bồ tát Chánh đẳng giác.

Một cách khác là: có ba hạng người chứng được Đạo, quả, Nípbàn là: Khai thị tri giả (ugghatitaññū), Quãng diễn tri giả ( vipañcitaññū) và Ứng dẫn giả (neyya).

Thế nào là hạng người khai thị tri?

– Là người tỏ ngộ pháp khi mới vừa mở đề.[27]

Thế nào là hạng người quãng diễn tri?

– Là hạng người tỏ ngộ pháp khi ý nghĩa lời lược thuyết được phân tích rộng. (sđd)

Thế nào là hạng người ứng dẫn?

– Là hạng người tỏ ngộ pháp theo cách tuần tự, như: nhờ nghe thuyết giáo rồi nhờ vấn hỏi để hiểu rõ, nhờ khéo tác ý, nhờ thân cận bạn lành. (sđd).

Ba hạng người chứng đắc Đạo quả Alahán (chữ tỏ ngộ pháp theo Sớ giải bộ Nhân chế định (Puggala paññatti) của Tạng Diệu pháp là chỉ cho quả Alahán), chứng tỏ trước đó các Ngài đã dày công tu tập, tức là Bồ tát.

Trong ba hạng này:

– Bồ tát Chánh giác thuộc về “Khai thị tri” (ugghatitaññū), nếu muốn thành tựu Thánh Đệ tử (Sāvaka Arahatta) ngay trong kiếp được thọ ký, sẽ thành tựu Alahán cùng với sáu thắng trí (abhiññāṇa), bốn Tuệ phân tích (Paṭisambhidā ñāṇa) nhanh chóng, thậm chí trước khi kết thúc câu thứ ba trong bài kệ bốn câu do Đức Phật thuyết.

Các vị Bồ tát Chánh giác Khai thị tri, được gọi là Paññādhika (bậc tuệ hạnh), là bậc có tuệ quyền (paññidriya) mạnh nhất.

– Bồ tát Chánh giác thuộc về “Quãng diễn tri” (vipañcitaññū), nếu muốn thành tựu Thánh Đệ tử (Sāvaka Arahatta) ngay trong kiếp được thọ ký, sẽ thành tựu Alahán cùng với sáu thắng trí, bốn Tuệ phân tích trước khi kết thúc câu thứ tư trong bài kệ bốn câu do Đức Phật thuyết.

Các vị Bồ tát Quãng diễn tri, được gọi là Saddhādhika (bậc tín hạnh), là bậc có trí tuệ trung bình, có tín quyền (saddhindriya) mạnh nhất.

– Bồ tát thuộc về “Ứng dẫn” (neyya), nếu muốn thành tựu Thánh đệ tử ngay trong kiếp được thọ ký, sẽ thành tựu Alahán cùng với sáu thắng trí cao hơn và bốn tuệ phân tích khi vừa kết thúc toàn bộ bài kệ bốn câu do Đức Phật thuyết.

Các vị Bồ tát Ứng dẫn, được gọi là Viriyādhika (bậc tấn hạnh) và là bậc có trí tuệ yếu nhất trong ba hạng người, có tấn quyền (viriyindriya) mạnh nhất trong năm quyền.

Tất cả ba hạng Bồ tát đều có quyết định tâm thành tựu quả vị Chánh giác trong vô lượng kiếp, trước khi được thọ ký.

Sau khi được thọ ký, các vị ấy tu tập các pháp Balamật và sẽ thành tựu ước nguyện theo thời gian đã định.

a- Thời gian tu tập pháp Balamật.

Sau khi được thọ ký, các vị Bồ tát Chánh giác cần phải bổ túc các Balamật với:

Thời gian cần thiết tối thiểu để tu tập các Balamật là 4 atăngkỳ và 100 ngàn kiếp trái đất (kappa).

Thời gian trung bình là 8 atăngkỳ và 100 ngàn kappa.

Thời gian tối đa là 16 atăngkỳ và 100 ngàn kappa.

Ba khoảng thời gian khác nhau có liên quan đến ba bậc Chánh giác Phật tương lai. Rõ hơn là: Đức Phật Chánh giác có ba bậc:

– Đức Phật Chánh giác tuệ hạnh (Paññādhika).

– Đức Phật Chánh giác tín hạnh (Saddhādhika).

– Đức Phật Chánh giác tấn hạnh (Viriyādhika).

Bồ tát Chánh giác tuệ hạnh phải thực hành tròn đủ 30 pháp Balamật với thời gian là 4 atăng kỳ và 100 ngàn kiếp trái đất.

Bồ tát Chánh giác tín hạnh phải thực hành tròn đủ 30 pháp Balamật với thời gian là 8 atăngkỳ và 100 ngàn kiếp.

Bồ tát Chánh giác tấn hạnh phải thực hành tròn đủ 30 pháp Balamật với thời gian là 16 atăngkỳ và 100 ngàn kiếp.

Vì sao có khoảng thời gian chênh lệch như thế?

Vì rằng:

Vị Bồ tát Chánh giác tuệ hạnh có khuynh hướng thiên về trí, mạnh về trí nhưng thiếu đức tin. Lẽ thường, người có trí mạnh không dễ dàng tin ngay, họ thường dùng trí để suy xét, sau khi phân tích rõ ràng bấy giờ mới xác tín. Một khi người trí đã tin thì đức tin ấy vững vàng và đúng đắn.

Lại nữa, “nương theo trí, có thể sanh khởi nghi hoặc (vicikiccha)”. Chính trí nhận thức nhiều khía cạnh của một vấn đề, nên do dự trước khi quyết định thực hành, sau khi suy xét cẩn thận mọi khía cạnh, bấy giờ sự thực hành không còn sai sót hay nhầm lẫn, mang đến nhiều lợi ích.

Vị Bồ tát tín hạnh mạnh về đức tin nhưng trí tuệ trung bình. Lẽ thường người có niềm tin mạnh, sẽ dễ dàng tin vào những điều sai lầm (tà tín), khi ấy phải vận dụng trí suy xét nhiều mới tìm thấy những sai lầm để sửa chửa. Như trong thời Đức Phật có những chủ thuyết về khổ hạnh và phần đông tin vào chủ thuyết này. Chí đến Bồ tát Siddhattha (Sĩđạtta) cũng thực hành khổ hạnh không ai bì kịp.[28]

Lại nữa, “nương theo đức tin, có thể sanh khởi tà kiến (micchādiṭṭhi)”.

Lẽ thường, khi đã tin sai hẵn dẫn đến hiểu sai, khi hiểu sai sẽ thực hành không đúng với Chánh pháp.

“Này các tỳ khưu, có ba đạo lộ này. Thế nào là ba? Thâm cố đạo lộ (āgāṭhā paṭipadā), kịch khổ đạo lộ (nijjhāmāpaṭipadā), trung đạo lộ”[29]

Trong bài kinh này, thâm cố đạo lộ chỉ cho tà kiến, kịch khổ đạo lộ chỉ cho khổ hạnh.

Vị Bồ tát tấn hạnh mạnh về tinh tấn nhưng trí tuệ yếu. Đạt được quả Chánh đẳng giác phải nhờ vào trí tuệ mạnh, với trí tuệ yếu khả năng thành tựu Phật vị rất chậm.

Lại nữa, “Nương theo tinh tấn, có thể sanh khởi phóng dật” hay “tinh tấn mà không có trí, có thể sanh khởi ác bất thiện pháp”. Như người thợ săn, tinh cần trong nghệ thuật săn bắn…

Đức Phật có dạy:

“Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ khưu đưa đến bất lợi lớn như là phóng dật. Phóng dật, này các tỳ khưu đưa đến bất lợi lớn”[30]

Theo Luận Atỳđàm, tâm sở Phóng dật có mặt trong tất cả tâm bất thiện. Như thế, xét về mãnh lục nương sanh thì phóng dật gây tác hại nhiều nhất.

Lại nữa, theo luận A tỳ đàm (Abhidhamma piṭaka): Tấn (viriya) là một tâm sở (cetasika) có thể hiện khởi trong tất cả tâm thiện lẫn tâm bất thiện (trừ tâm si hợp hoài nghi), tâm sở Tín (saddhā cetasika) chỉ có trong tâm thiện có trí lẫn tâm không có trí, tâm sở Trí (pañña cetasika) chỉ có trong tâm sở có trí (ở đây chỉ nói về khía cạnh thiện và bất thiện).

Điều này cho thấy: Khi có trí thì có cả tín lẫn tinh tấn, khi có tín thì có cả tinh tấn nhưng có thể không có trí, khi có tinh tấn có thể không có cả tín lẫn trí.

Do đó, thời gian tu tập của ba bậc Bồ tát nhanh chậm khác nhau.

Các vị thầy Cổ sơ (apare) cho rằng sự khác nhau giữa ba khoảng thời gian nằm ở ba mức độ trí tuệ: mạnh, trung bình và yếu.

Một số vị Giáo thọ sư cho rằng: ” Thời gian nhanh – chậm, là do nương vào tinh tấn mạnh, trung bình hay yếu”. Các vị ấy dẫn chứng lời di huấn tối hậu của Đức Thế Tôn:

“Vayadhammā saṃkhārā appamādena sampādethāti;
Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn chớ có khinh suất”.
[31]

Thật ra, lời dạy này của Đức Thế Tôn ám chỉ đến hạng người Ứng dẫn (neyya), là người cần phải nỗ lực thực hành pháp theo trình tự. Đồng thời, sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt tuổi thọ chúng sanh giảm do ác pháp tăng, thiện pháp giảm, hai hạng người Khai thị tri và Quãng diễn tri khó tìm, phần đông là hạng người Neyya, nên lời dạy này nhằm mục đích khích lệ tinh tấn cho hành giả nói chung và hạng người Ứng dẫn nói riêng.

Một số vị thầy khác cho rằng: “Do sự sai biệt thuần thục các pháp Balamật, nên thời gian hành pháp Balamật nhanh – chậm khác nhau”. Tức là, vị Bồ tát Chánh giác nào thuần thục pháp Balamật trước khi được thọ ký, thì thời gian hành pháp dộ sau khi được thọ ký nhanh.

Nếu thuần thục trung bình thì giác ngộ chậm. Nếu thuần thục kém thì giác ngộ càng chậm.

Xét ra, sự thuần thục làm các pháp Balamật tăng trưởng nhờ vào trí quán xét (paccavekkhana ñāṇa) (như đã giải ở trên). Đồng thời khi được thọ ký, vị Bồ tát phải có đủ tám yếu tố cần thiết, như vậy Balamật của các Ngài trước khi được thọ ký cũng thuần thục rồi. Ví như khi thi đậu Đại học xem như đã tốt đẹp rồi, phần tiến triển về sau là do năng lực học tập của người đó.

Như vậy, trong ba quan điểm, quan điểm đầu tiên là thích hợp nhất.

 Tuy nhiên cả ba hạng Bồ tát đều đặt nền tảng hành pháp độ trên: Tinh tấn, Đức tin và Trí tuệ.

Nên hiểu rằng: hạnh (cariya) là khuynh hướng của vị ấy còn phương pháp thực hành là dựa trên nền tảng tinh tấn, đức tin và trí tuệ.

Như có người thiên về đức tin, khi nghe “đây là lời Phật dạy” vội thực hành theo mà không suy xét đúng- sai, thật – giả, trái lại người thiên về trí sẽ suy nghiệm kỹ, sau đó khi tin là đúng rồi mới thực hành, có người không hẳn tin cũng không suy xét, ra công thực hành rồi mới xác định đúng hay sai, đáng tin hay không đáng tin.

Tuy các vị Bồ tát, khi hành pháp độ đều đặt trên nền tảng: Tấn, tín, trí, nhưng với khuynh hướng về trí sẽ giúp vị Bồ tát này nhanh chóng thành tựu hơn, đó cũng là điều hiển nhiên.

Vì thế, các Ngài dạy rằng: “Bồ tát tuệ hạnh nhanh chóng đắc quả và thời gian hành pháp độ ngắn nhất. Kế đến là Bồ tát tín hạnh, sau cùng là Bồ tát tấn hạnh”.

b- Có thể thành tựu quả Vô thượng Chánh giác sớm hơn không?.

Có năm định luật (niyāma):

– Định luật về thời tiết (utuniyāma).
– Định luật về hạt giống (bījaniyāma).
– Định luật về nghiệp (kammaniyāma).
– Định luật về tâm (cittaniyāma)
– Định luật về pháp (dhammaniyāma).
(Luận Atỳđàm có nêu thêm định luật thứ sáu là: định luật về tái sinh (paṭisandhiniyāma)).

Những loại cây trên đồng ruộng chỉ nở hoa, kết trái vào thời kỳ nhất định sau thời gian gieo trồng, cho dù với nỗ lực vun bón phân, nước cao nhất, nhưng chưa đủ thời gian cũng không thể cho hoa trái. Cũng vậy, tất cả các hạng Bồ Tát không thể nào thành tựu quả Chánh giác trước khi thời gian đã định, cho dù các vị ấy có nỗ lực cao độ để tu tập các Balamật, nhưng việc làm thường xuyên (carita – hạnh), không phải chỉ trong thời gian ngắn và các yếu tố về tuệ giác của Đức Chánh giác chẳng phải chỉ một số vấn đề, tuệ giác của Đức Chánh giác là “biết tất cả các pháp”.

Ngày nay với kỹ thuật khoa học, người ta có thể lai tạo các hạt giống, “thay đổi thành phần cấu tạo của hạt giống”, nhưng hạt giống mới vẫn phải có thời gian quy định tối thiểu để cho hoa, quả.

Riêng về định luật về Pháp thì hoàn toàn không thể thay đổi, người ta không thể biến bản chất pháp thiện trở thành pháp bất thiện hay ngược lại, chỉ có thể thay thế pháp bất thiện bằng pháp thiện, gọi là “tạm thời giải thoát (tadaṅga vimutti)”.

Các Balamật là định luật về pháp và muốn hoàn tất định luật pháp phải phụ thuộc vào thời gian cùng sự vận hành của pháp”.

Lại nữa, cho dù là Bồ tát tuệ hạnh, mãnh lực tinh tấn của Ngài cũng cao độ.

Bài kinh Đại sư tử hống trong Trung bộ kinh I, đã nói lên mãnh lực tinh tấn của Bồ tát, đến nổi Tôn giả Nagasamala khi nghe Đức Phật thuật lại cho Tôn giả Sāriputta biết về sự tinh tấn của Ngài khi còn là Bồ tát, Tôn giả Nagasamana đã “lông tóc dựng ngược”.

Tinh tấn gần như ngang nhau, nhưng vị có trí tuệ mạnh sẽ nhanh chóng hoàn thiện các pháp Balamật, vị có trí trung bình thì chậm hơn và vị có trí yếu thì càng chậm, đó cũng là điều hợp lý.

Trong ba hạng Bồ tát ấy lại được phân thành: Xác định Bồ tát (niyata bodhisatta) và Bất định Bồ tát (aniyata bodhisatta).

Xác định Bồ tát.

 Là chỉ cho những vị được sự ghi nhận (thọ ký) từ Đức Phật Chánh đẳng giác, chắc chắn vị này sẽ thành đạt ước nguyện, như: Trưởng lão Sāriputta, Trưởng lão Moggallāna được Đức Phật Anomadassī thọ ký cách đây 1 Atăngkỳ và 100 ngàn đại kiếp. Ngoài sự chứng đạt quả vô sinh bất tử, hai Ngài còn đạt đến địa vị tối thắng “Thượng thủ Thinh văn (aggasāvaka)” của Đức Phật.

Hoặc như Trưởng lão Mahā Kassapa (Maha Cadiếp) , Trưởng lão Upāli … có tâm nguyện giải thoát sinh tử luân hồi, đồng thời đạt địa vị đặc biệt trong hàng Thánh Thinh văn đại đệ tử Phật. Trưởng lão Mahā Kassapa là đệ nhất về trì hạnh Đầuđà (Dhutaṅga), Trưởng lão Upāli tối thắng về hạnh thông Luật[32]

Những vị Bồ tát này (đại đệ tử) được Đức Phật Padumuttara (Phật Liên Hoa) thọ ký cách đây 100 ngàn kiếp trái đất (kappa)…

Xác định Bồ tát là những vị không còn thay đổi nguyện vọng (adhiṭṭhāna) của mình nữa.

Bất định Bồ tát.

Là chỉ cho những vị Bồ tát chưa được Đức Phật Chánh đẳng giác thọ ký, những vị này có thể thay đổi nguyện vọng của mình trong tương lai.

Như Trưởng lão Mahā Kassapa trong quá khứ cũng từng phát nguyện thành bậc Chánh đẳng giác (tức là Bồ tát Chánh đẳng giác), nhưng về sau lại chuyển thành Thánh Thinh văn đệ nhất hạnh Đầu đà (dhutaṅga cariya).

Hoặc một số Phật tử hiện nay, có người có nguyện vọng thành bậc Alahán đệ nhất thuyết pháp (như Trưởng lão Punna Mantāniputta – kinh Trạm xe trong Trung bộ), hay nữ Thánh đệ nhất về trí tuệ (như bà Thánh nữ Khemā) hoặc thành đạt Alahán Tuệ phân tích, Alahán lục thông … Nhưng về sau chỉ còn mong mõi đắc được Alanhán Lạc quán (sukhavipassanā arahanta) là mãn nguyện rồi. Đây gọi là bất định Bồ tát.

 

[1] – Asaṅkheyya (Atăngkỳ). Theo Nam truyền là 1o lũy thừa 140 kiếp trái đất.

[2] – Kimura Taiken – Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, HT. Thích Quảng Độ dịch, trg 82.

[3] – Phật học khái luận – TT. Thích Chơn Thiện – trg 517. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1997,

[4] – Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận – Kimura Taiken (HT. Thích Quảng Độ dịch), trg

[5] – Xem Các bộ phái Phật giáo Tiểu thừa- André Baraeu (Pháp Hiền dịch). Nxb Tôn giáo Hà Nội, năm 2003.

[6] – Từ điển Phật học Hán việt- Nxb Khoa học Xã Hội – năm 2002.

[7] – Thitañaṇa thera, Phật giáo sử (Buddhasāsanapavatti) – Sư Giác Nguyên dịch, trg. 150.

[8] – Xem Kathāvatthu (Luận điểm), chương 1 – vấn đề 2.- Tâm An – Minh Tuệ dịch, trg. 102.

[9] – Kathāvatthu – số 252. Đại trưởng lão Tịnh Sự dịch.

[10] – Luận điểm – Tâm An – Minh Tuệ dịch, trg.103

[11] – A.i, 96.

[12] – Luận điểm – chương IV, luận điểm 8.

[13] – Xem Luận điểm, chương 23, vấn đề “Bồ tát thị hiện”.

[14] – Kimura Taiken – Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, trg. 83

[15] – Kimura Taiken (sđd).

[16] – Kinh Pháp hoa – phẩm 3, 4, 8..

[17] – André Bareau – Các bộ phái Phật giáo Tiểu thừa – Pháp Hiền dịch, Nxb Tôn giáo Hà Nội, năm 2003, trg 25.

[18] – Luận điểm, chương 23. Vấn đề “Bồ tát thị hiện”.

[19] – André Bareau – Các Bộ phái Tiểu thừa – , trang 30.

[20] – Gs. P.V. Bapat- 2500 năm Phật giáo – Bốn nghị hội kết tập của Phật giáo (bài của Giáo sư. B. Jinananda) – Nguyễn Đức Tư – Hữu Song dịch.

[21] – Kimura Taiken – Tiểu thừa Phật giáo Tư tưởng luận, trg 80.

[22] – André Bareau – Các Bộ phái Tiểu thừa – Chương xiii, tr. 207.

[23] – Gs. P.V. Bapat – 2500 năm Phật giáo – Sách tiểu sử, trg.148.

[24] – M.i, Sư tử hống đại kinh (Mahāsīhanāda sutta).

[25] – A.i, 258.

[26] – M.ii, Kinh Đà nhiên ( Dhānañjānisutta).

[27] – Pug – Xiển minh phần bốn chi.

[28] – M.i, Sư tử hống đại kinh (Mahāsīhanādasutta).

[29] – A.i, 205.

[30] – A.i, 15.

[31] – D.iii, kinh Đại viên tịch (Mahāparinibbāna sutta).

[32] – A.i, 21.

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app