Tâm sở Tưởng
24- Hỏi: Thế nào là tâm sở Tưởng (saññā cetasika)?
Đáp:
Pháp nào có trạng thái nhớ lại, biết lại, pháp ấy gọi là tưởng.
Trưởng lão Sārīputta có dạy:
– “Sañjānāti sañjānātī’ti kho āvuso tasmā saññāti saññātī’ti. Này hiền giả! Nhớ biết, nhớ hiểu là tưởng” [1] .
Saññā từ ngữ căn saṃ + ñā: là biết.
Ngữ căn saṃ có rất nhiều nghĩa như: mất, suy nghĩ, yên lặng… Như vậy saññā là “biết cái đã mất”, hay saññā là “biết do nghĩ đến” hoặc saññā là “biết do (cái biết hiện tại) không có (yên lặng)”…
Ngoài ra, tùy theo đoạn văn mà saññā có nhiều ý nghĩa khác như māyāsaññā (ảo tưởng), vipallāsa saññā (nghịch tưởng hay điên đảo tưởng)…
Ở đây, Tưởng là sự nhận thức một vật gì đó, do nhớ lại một dấu hiệu đã từng biết như màu xanh, màu vàng, tiếng tru của chó rừng, tiếng hát quen thuộc của ai đó…
Tâm sở Tưởng ví như người giữ kho cho Đức vua, nhận ra thứ tài sản đã được cất giữ trong kho.
Hoặc ví như người thợ mộc nhận ra từng loại gỗ do đã biết những dấu hiệu của chúng.
Vậy nghĩa đơn giản nhất của saññā là: “nhận thức được những gì từng biết qua các giác quan”.
Saññā có thể hiểu là “tri giác” không?
Nếu “tri giác” được hiểu là: “hình thức nhận thức cao hơn cảm giác, phản ánh sự vật với đầy đủ biểu hiện bên ngoài”, thì “tri giác” tuy không lột hết ý nghĩa của saññā, nhưng cũng gần với saññā theo nghĩa thông thường. Vì sao? Vì không từ đó suy diễn ra thêm “một khái niệm nào khác”.
Như cảnh Níp Bàn không phải là pháp được biểu hiện bên ngoài, nhưng tâm đạo Dự lưu nhận cảnh Níp Bàn vẫn có tâm sở Tưởng. Đó là “tri giác cảnh Níp Bàn”.
Không nên hiểu “tưởng là tri giác” theo nghĩa triết học như các triết gia Bacon, Descartes, Spinoza và Leibniz đã dùng [2] .
Tưởng là một tâm sở rất quan trọng trong đời sống tâm linh, chính sự nhận thức “cái gì” đó qua dấu hiệu (nimitta) từng biết, nhận thức ấy có thể đúng, có thể sai. Biết bao lần ta té ngã chỉ vì “từng biết” miếng ván này vững chắc, nhưng hiện tại nó đã mục nát, biết bao lần ta nhầm lẫn người xa lạ là thân quen, chỉ vì họ có những nét “đã từng biết”, có lần ta rơi xuống hố chỉ vì “từng biết đám cỏ” phủ lên trên miệng hố…
Chính những “dấu hiệu đã từng biết” đưa đến suy luận rồi dẫn đến nhận thức sai, như cho rằng “mặt trời quay quanh trái đất” cũng do dấu hiệu “sáng mọc, chiều lặn”. Cũng do những “dấu hiệu kỳ lạ” của đất đá mà nảy sinh “tôn sùng linh vật”, cũng do những dấu hiệu “ủ rũ héo tàn” của cây cỏ khi người chăm sóc chúng mất đi, làm nảy sinh quan niệm “cây cỏ cũng có vui buồn”, cũng do dấu hiệu “hạnh phúc – đau khổ” dẫn đến quan niệm “ban thưởng hay trừng phạt của Đấng Tạo hóa vô hình …
Tưởng có năng lực dẫn dắt tâm đi “lang thang” giữa muôn ngàn “sai – đúng” như thế, nên tưởng rất quan trọng trong hành trình tâm linh.
Chính Tưởng tích lũy những dấu hiệu để hình thành trí suy luận (trí tư), tưởng là nền tảng ban đầu cho tri thức, nếu như tưởng được đặt đúng hướng.
– Tưởng tri (sañjānāti) dẫn đến thức tri (vijānāti).
– Thức tri dẫn đến tuệ tri (pajānāti).
– Tuệ tri dẫn đến thắng tri (abhijānāti).
– Thắng tri dẫn đến liểu tri (pariññā).
Năm pháp này được minh họa như sau:
Hành giả tu tập chỉ tịnh (samatha) với đề mục Đất (paṭhavī kasina) chẳng hạn, giai đoạn đầu nhìn án xứ đất (có tên gọi là parikammanimitta – Sơ tướng hay Chuẩn bị tướng), khi nhắm mắt lại, hình ảnh Sơ tướng hiện ra trong tâm. Hành giả biết rõ như vậy, đây chính là tưởng tri (sañjānāti).
Thời gian sau, do hành trì tinh tấn, khi hành giả nhắm mắt lại Sơ tướng đứng yên không còn khi có khi không như lúc trước, Sơ tướng đã trở thành Trì tướng (uggahanimitta), ấn tướng này rõ nét hơn Sơ tướng, những ưu điểm cùng khuyết điểm của Sơ tướng hiện rõ rệt trong Trì tướng. Hành giả biết rõ như thế, đây là thức tri.
Từ Cận định (upacāra samādhi) hay An chỉ định (appanāsamādhi), hành giảtiến hành tu tập Quán Minh (vipassanā), nhận ra tam tướng:vô thường, khổ, vô ngã của ấn tướng, hay các pháp hữu vi. Đó là tuệ tri
Do phước được tích lũy đầy đủ hành giả chứng đắc Níp Bàn, hiểu rõ sự diệt tắt không còn sanh lại được của pháp ô nhiễm nào đó. Đây là thắng tri.
Hiểu rõ trọn vẹn vấn đề qua 4 khía cạnh: tướng trạng, phận sự, thành tựu, nhân cần thiết. Hay hiểu rõ Nghĩa vô ngại giải (Atthapaṭisambhidā), Pháp vô ngại giải (dhammapaṭisambhidā), Từ vô ngại giải (Niruttipaṭisambhidā), Biện vô ngại giải (Paṭibhāna paṭisambhidā). Đây là liễu tri.
Vị A La Hán đối với một số vấn đề thuộc về chân pháp, Ngài thông suốt hoàn toàn, đây là sự liểu tri của bậc A La Hán, nhưng có một số pháp khác vị A La Hán không thể thông suốt được. Trái lại, tất cả các pháp Đức Toàn Giác thông suốt trọn vẹn, đây là sự liểu tri của Phật Toàn Giác. Như vậy. liểu tri của bậc A La Hán còn hạn hẹp so với liểu tri của Đấng Toàn Giác.
Thật ra, Tưởng chỉ là cái biết “đơn thuần”, các vị Giáo Thọ Sư ví như cái biết của đứa bé khi nhận ra đồng tiền nhờ có dấu hiệu, nhưng không biết giá trị.
Nhưng những dấu hiệu do tưởng nhận ra, giúp cho tâm và trí có nhận thức cao hơn.
Nói cách khác, nhận ra những dấu hiệu từng biết là tưởng, từ nền tảng này tạo điều kiện cho tâm, trí nhận thức cao hơn.
Chính tưởng cũng làm cho “những dấu hiệu” sai khác, không đúng theo thực tướng. Nếu những dấu hiệu được tưởng nhận ra một cách đúng đắn thì mang đến lợi ích lớn, ngược lại thì mang nhiều tai hại. Như Đức Phật có dạy:
“Này các tỷ kheo, có ba pháp này.Thế nào là ba? Dục tưởng, sân tưởng, hại tưởng.
Này các tỷ kheo, có ba pháp này.Để đoạn tận ba pháp này, ba pháp cần phải tu tập.Thế nào là ba?
Để đoạn tận dục tưởng, xuất ly tưởng cần phải tu tập. Để đoạn tận sân tưởng, vô sân tưởng cần phải tu tập. Để đoạn tận hại tưởng, vô hại tưởng cần phải tu tập”. [3]
Hay:
“Tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng nhàm chán trong các món ăn, tưởng không hoan hỷ với tất cả thế gian, tưởng vô thường, tưởng khổ trên vô thường, tưởng vô ngã trên khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham, tưởng đoạn diệt”.
– Này các Tỷ kheo! Mười tưởng này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh.” [4]
Tóm lại saññā (tưởng) ở đây là nhớ lại những cảnh đã từng biết, như Pāli có giải:
Saññātī’ti = saññā: nhớ lại, gọi là tưởng.
Sự nhớ lại sai lạc gọi là tưởng kiến hay tà kiến (thấy sai – micchā diṭṭhi).
Sự nhớ lại đúng theo thực tướng, tức là có trí tuệ can dự vào sẽ mang lại lợi ích lớn.
25- Hỏi: Tứ ý nghĩa của tâm sở Tưởng là gì?
Đáp: Tâm sở Tưởng có bốn ý nghĩa là:
– Trạng thái: Có sự nhớ lại. (Sañjānana lakkhaṇā).
– Phận sự: Nhớ trở lại do có dấu hiệu (đã biết) làm duyên. (Pana sañjānana paccayanimittakaranarasā).
– Thành tựu: Nắm giữ đúng hoặc sai cảnh đã nhớ lại. (Yathā gajhanimittabhinivesa paccupaṭṭhānā).
– Nhân cần thiết: Có cảnh tái hiện. (Yathā upaṭṭhitavisaya padaṭṭhānā).
Giải thích:
Sự nhớ lại này là nhớ những gì đã từng gặp, nói rõ hơn là “nhớ lại” sáu cảnh đã từng biết.
Sự nhớ này chỉ phản ánh đại cương những nét cơ bản, không phản ánh đúng sự thật trong hiện tại. Như màu xanh tại hiện trường, giúp Tưởng nhớ lại màu xanh ở quá khứ, nhưng rõ ràng 2 màu xanh này chưa hẳn đã như nhau.
Vì có sáu cảnh đã từng biết nên Tưởng được phân thành sáu loại: sắc tưởng, thinh tưởng, mùi tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng.
Nhớ lại “cái đã từng biết” khi gặp đối tượng mới, hoặc nhớ lại ngay chính đối tượng đó, đây là trạng thái của Tưởng.
Chính sự nhớ lại “nét đại cương” đã từng biết, phần nhiều đưa đến sai lạc cảnh trong hiện tại, cho dù đồng tiền nhận biết hôm nay chính là đồng tiền hôm qua, nhưng đã có ít nhiều thay đổi rồi, nói chi đến đồng tiền thứ hai. Tưởng chỉ có trạng thái “nhớ lại” chứ không có khả năng phân tích.
Các Ngài A xà Lê (Ācariya) có cho ví dụ: đứa bé nhận biết đồng tiền do nhớ lại ví như cái biết của Tưởng, nhận thức giá trị đồng tiền ví như cái biết của Thức, khả năng phân tích qua sự nhận thức giá trị đồng tiền là cái biết của Trí.
Có thể hiểu khái lược như vầy “biết giá trị đồng tiền” là Thức, “nhận biết sự biến động giá trị này” là Trí, còn Tưởng chỉ đơn thuần “biết đồng tiền”.
Phần nhiều trạng thái nhớ lại của Tưởng che lấp hiện trạng thực tại, dẫn đến những nhận thức hư ngụy (vipallāsa), nên Đức Phật cảnh báo qua lời dạy:
“Quá khứ không truy tìm.
Tương lai không ước vọng….
Chỉ có pháp hiện tại.
Tuệ quán chính là đây.” [5]
Phận sự: Từ một dấu hiệu đã biết tạo điều kiện cho sự nhớ lại đó là phận sự của Tưởng.
Như khúc quanh của con đường khiến nhớ lại tai nạn mình từng bị ở nơi này, khúc quanh con đường là dấu hiệu (nimitta), việc nhớ lại tai nạn đã xảy ra là phận sự, nhớ lại rõ ràng những chi tiết của tai nạn là trạng thái của Tưởng.
Thành tựu: Nhớ lại những chi tiết của cảnh đã từng biết có thể “nhớ đúng hoặc nhớ sai”, nhưng cả hai đều là kết quả từ phận sự của Tưởng, nên gọi là thành tựu của Tưởng.
Nghe giọng hát quen quen, nhớ lại giọng hát người ca sĩ nào đó rồi cho rằng chính đó là giọng của người ca sĩ ấy, sự “cho là” này có thể đúng, có thể sai, nhưng đều là thành tựu của Tưởng.
Sự nhớ lại cảnh quá khứ, dù nhớ đúng hay nhớ sai, vẫn có cơ hội tạo điều kiện cho tà kiến sanh khởi, nhớ cảnh sai lạc nên tà kiến sanh khởi dễ dàng, điều này rõ ràng dễ hiểu.
Nhưng còn nhớ lại cảnh quá khứ đúng thì làm sao tà kiến lại sanh khởi được? Tà kiến vẫn có thể nương vào đó mà sinh khởi, là do bám chắc, nắm chắc cảnh quá khứ. Vì thế Đức Phật dạy trong kinh Nhất Dạ Hiền Giả:
“Chỉ có Pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây…
Ngài không đề cập đến cảnh, cho dù là cảnh hiện tại.
Trong Kinh Phạm Võng (Brahmajālasutta) Đức Phật có giảng rõ tà kiến phát sanh từ sự nhớ này. Tức là do có thắng trí nhớ lại đời sống quá khứ, rồi so sánh với hiện tại, cho rằng có một tự ngã thường hằng bất biến, thế là “chấp thường” lại hiện khởi, Thường kiến lại hình thành.
Sự nhớ đúng cảnh quá khứ rồi so sánh với cảnh hiện tại, nhận thức ra tính chất vô thường của pháp hữu vi, giúp trí sanh khởi rồi vững mạnh, sẽ mang đến lợi ích lớn.
Đức Phật dạy “Tưởng vô thường đưa đến lợi ích lớn” là đề cập đến sự nhớ lại đúng và không có bám chắc vào cảnh quá khứ này.
Nên ghi nhận rằng: “sự nhận thức đúng- sai so với cảnh quá khứ hay cảnh hiện tại, là khả năng của trí, tưởng chỉ đơn thuần nắm giữ cảnh”.
Nhưng nguyên nhân nào khiến Tưởng phải nắm giữ cảnh? Đó là do tâm, tâm muốn biết cảnh trọn vẹn nên Tưởng phải nắm giử cảnh, ví như Đức vua Chuyển Luân muốn có vàng ở giữa sông, Cư sĩ báu đã làm hài lòng vua Chuyển Luân.
Nói cách khác. thành tựu của Tưởng là “nắm giữ cảnh hiện tại do nhớ lại một dấu hiệu nào đó đã từng biết”. Có ví dụ như sau:
Có năm người mù không từng thấy voi, muốn biết rõ con voi ra sao? Ngày kia, có người dẫn họ đến một con voi, bảo cho họ biết rằng: “Đây là con voi”, rồi cho họ sờ voi.
Một người sờ được vòi voi, một người sờ được thân voi, một người sờ được chân voi, một người sờ được tai voi, một người sờ được đuôi voi. Người sờ được chân voi cho là “con voi giống như cột nhà” vì nhớ lại “cột nhà” rồi so sánh với chân voi, người sờ được tai voi cho là “con voi giống như cái nia sàng gạo”, người sờ được vòi voi cho là “con voi giống như con đĩa lớn”…. Tức là, những người mù ấy “do nắm giữ một dấu hiệu đã biết, sau khi sờ voi, cho rằng con voi giống cái đã từng biết như thế”.
Cũng vậy, Tưởng chỉ nắm giữ cảnh qua dấu hiệu từng biết, còn đúng sai so với thực trạng, vượt ngoài khả năng của Tưởng. Tưởng ví như những người mù kia vậy.
Nhân cần thiết trợ sanh cho Tưởng là có cảnh tái hiện.
Nên hiểu chữ “tái hiện” ở đây không hẳn là cảnh cũ, mà là cảnh có những dấu hiệu (nimitta) từng biết, ví như vị Trưởng lão xướng lên những lời kinh cầu an, những vị Tỷ kheo khác biết ngay tên bài kinh đang tụng, những lời kinh ban đầu là dấu hiệu, bài kinh đang tụng là cảnh của tâm. Chính những dấu hiệu này, có thể khiến Tưởng có nhận định sai lạc, ví như con nai đi vào ruộng ăn cỏ lúa, chợt thấy hình nộm, nó ngỡ là người thật nên hoảng hốt bỏ chạy, nó không đủ tinh khôn để nhận định là người thật hay giả. Hoặc những lời kinh ban đầu khiến nhận định sai, cho là đó là bài kinh A. Thật ra, vị Trưởng lão muốn tụng bài kinh B, giữa hai bài kinh có những câu đầu giống nhau.
Cảnh mới gặp lần đầu có làm Tưởng sanh khởi không?
Cảnh gặp lần đầu đó vẫn có những dấu hiệu mà Tưởng từng biết, tuy gọi là cảnh mới gặp chứ thực ra trong cảnh có chứa nhiều “dữ liệu” mà Tưởng từng biết. Nói chung một cảnh hữu vi thường chứa những dấu hiệu mà Tưởng từng biết, nếu gặp cảnh có nhiều “dữ liệu” thì Tưởng phát huy sức mạnh “nhớ lại” mau chóng, còn nếu ít dữ liệu thì Tưởng sanh lên nhưng không thể phát huy sức mạnh. Biết bao lần ta nhớ mãi không ra một vật cất dấu ở đâu đó, sở dĩ có điều này là do cảnh có “quá ít dữ liệu”.
Một người chưa từng đến sa mạc nhưng khi thấy sa mạc thì người ấy biết ngay. Do đâu? Do từng nghe, từng biết trong sách vở, hình ảnh …. Đã bao lần chúng ta nhớ rằng “cảnh này, người này” đã từng gặp ở đâu rồi, thì ra nó từng biết qua tranh ảnh, qua giấc mơ…
26– Hỏi: Nhân cần thiết trợ sanh choTưởng là cảnh từng gặp. Trong tâm Chuyển tánh (gotrabhū) hay tâm Sơ Đạo, cảnh Níp Bàn xuất hiện lần đầu tiên, vì sao Tưởng lại sanh khởi được?
Đáp:
Hành giả tu tập quán Minh, nhờ tinh cần tu tiến chứng đạt Níp Bàn lần đầu tiên, Níp Bàn là cảnh chưa từng hiện khởi cho phàm nhân, nhưng vẫn trợ giúp cho Tưởng sanh khởi được, là vì:
Níp Bàn có trạng thái là vắng lặng (santilakkhaṇaṃ), hiện bày sự vắng lặng lại là thành tựu của Định (upasama paccupaṭṭhāna).
Tâm hành giả hành quán Minh (vipassanā) thường thân cận với Định, cho dù đó là sátna định (khaṇa samādhi), cận định (upacārasamādhi) hay An chỉ định (appanā samādhi).
Sự vắng lặng này là “dấu hiệu” mà Tưởng đã từng biết, do đó trạng thái vắng lặng của Níp Bàn là nhân cần thiết trợ sanh cho Tưởng tâm sở.
Dĩ nhiên sự vắng lặng do thành tựu của Định khác với sự vắng lặng của cảnh Níp Bàn. Trạng thái vắng lặng của Níp Bàn là sự vắng lặng không có phiền não lẫn pháp hữu vi, còn sự vắng lặng của Định còn vướng mắc pháp hữu vi lẫn phiền não. Ví như sự yên lặng của ly nước tinh khiết (cảnh Níp Bàn) với sự yên lặng nước có cặn lắng đọng ở đáy ly (ví như sự yên lặng của Định), chất cặn bã tạm thời lắng yên ở đáy ly nhưng nước vẫn có màu sắc cùng mùi vị của chất bã, khi có cơ hội thì chất cặn bã ở đáy ly sẽ dấy động lên. Nhưng chỉ bấy nhiêu dấu hiệu “yên lặng” của định cũng đủ giúp Tưởng sanh khởi khi nhận cảnh Níp Bàn lần đầu.
Các Ngài bảo rằng “Định chỉ có khả năng áp chế phiền não, chứ không trừ tuyệt được phiền não” là thế đó.
Hành giả tu tập quán Minh phải dựa vào nền tảng của Định, tạm thời làm lắng yên phiền não giúp cho Trí vững mạnh, khi Trí có đầy đủ sức mạnh sẽ sát tuyệt phiền não. Trong quá trình tu tập này, Tưởng lại hổ trợ Định, giúp Định phát triển sức mạnh để áp chế phiền não, nên Tưởng thường ghi nhận dấu hiệu “vắng lặng” của Định. Thế là, sự vắng lặng của Níp Bàn là “dấu hiệu” cần thiết trợ sanh cho Tưởng trong tâm Chuyển tánh (Gotrabhū) là điều dễ hiểu, tiếp đến tâm Sơ Đạo lại nhận cảnh Níp Bàn (xem như cảnh Níp Bàn lại tái hiện), dĩ nhiên Tưởng dễ dàng sanh khởi hơn so với Tưởng trong tâm Chuyển tánh (xem Quy trình tâm pháp – Lộ tâm đắc Sơ Đạo).
27– Hỏi: Vì sao Thọ – Tưởng gọi là tâm hành?
Đáp:
Ông Visākha có hỏi Bà Dhammadinnā rằng:
– Thế nào là tâm hành (katama cittasaṅkhāro ti)?
Bà Dhammadinnā đáp rằng:
Này hiền giả Visākha, thọ và tưởng là tâm hành (saññā ca vedanā ca cittasaṅkhāro ti).
Vì sao thọ – tưởng gọi là tâm hành (tasmā saññā ca vedanā ca cittasaṅkhāro ti)?
Tưởng và Thọ là tâm sở, các pháp này lệ thuộc vào tâm. Nên thọ và tưởng thuộc về tâm hành. (Saññā ca vedanā ca cetasika ete dhammā cittapaṭibaddhā, tasmā saññā ca vedanā ca cittasaṅkhāro ti). [6]
Thọ và Tưởng được gọi là tâm hành vì cột dính (paṭbaddhā) với tâm. Ba pháp: tâm, thọ và tưởng liên kết chặt với nhau. Tâm biết cảnh, thọ hưởng cảnh, còn tưởng nắm giử cảnh.
Tâm sanh lên do bốn nhân: nghiệp quá khứ, có cảnh, có tâm sở và có vật nương. Nhưng chủ yếu là loại tâm sở nào?
Trong năm uẩn, hành uẩn có công năng tạo tác, Phật ngôn có ghi rắng:
“Saṅkhāra paccayā viññāṇaṃ
Viññāṇa paccayā nāmarūpaṃ…
Hành duyên thức, thức duyên danh – sắc...”
Thức duyên cho danh, vậy danh là gì? Danh ở đây chỉ cho Thọ – Tưởng (tuy hành cũng là danh pháp, nhưng Hành hay hành uẩn đã được nêu ra phía trước), vậy Thọ – Tưởng (danh) do Thức làm duyên sanh khởi nên ba pháp này nương vào nhau khắn khít, do đó gọi Thọ và Tưởng thuộc về tâm hành.
Lại nữa, tâm có phận sự hướng dẫn các tâm sở đồng sanh với mình cùng biết cảnh, vì thế khi tâm biết cảnh xấu, tưởng “nắm giữ cảnh xấu, khi tâm biết cảnh tốt thì tưởng cũng “nắm giữ cảnh tốt”, tưởng đối với tâm ví như gã nô lệ đối với chủ nhân, hoàn toàn làm theo ý chủ nhân. Trưởng lão Tissa tu quán với đề mục bộ xương, nhìn cô gái cười Ngài lại thấy bộ xương nhe răng, đây là hình ảnh do Tưởng tạo ra.
Còn Thọ dính liền với Tưởng, khi Tưởng cho là cảnh tốt thì Thọ sẽ hoan hỷ, khi Tưởng cho là cảnh xấu thì Thọ sẽ khó chịu.
Do ý nghĩa này, nên Bà Dhammadinnā bảo “Thọ và Tưởng thuộc về tâm hành”.
Tâm sở Tư
28- Hỏi: Thế nào là tâm sở Tư (cetanā cetasika)?
Đáp:
Tâm sở cetanā dịch là TƯ, là vì cả ba từ Citta, Cetasika và Cetanā đều xuất nguyên từ ngữ căn CIT là “suy gẫm, suy tư”.
Có ba loại suy gẫm: Suy gẫm biết cái “đang hiển lộ”, suy gẫm để biết cái “ẩn khuất” và suy gẫm để hành động.
Điều “ẩn khuất” có hai loại: đã xẩy ra, và đang xẩy ra nhưng còn bị che lấp.
Có câu chuyên ghi trongBổn sanh: Bồ tát quan sát những chi tiết đặc biệt trên đường đi, suy gẫm biết rắng “Có con voi cái đã đi qua (vì phân và nước tiểu voi nằm chung một chỗ), con voi chột một mắt (vì thấy cỏ một bên còn nguyên, trái lại bên kia đường thì xơ xát)… Đây là suy gẫm biết cái “ẩn khuất đã xẩy ra”.
Một người nhìn thấy ở xa có khói đen bốc lên dày đặc, y biết rằng “nơi ấy đang có hỏa hoạn”, đây lả suy gẫm biết cái “đang xẩy ra bị che lấp”. Như vô thường là pháp đang hiện khởi, nhưng bị che lấp bởi si mê….
Suy gẫm để biết cái “ẩn khuất” phải dụa vào sự hiểu biết trước đó, cái biết ban đầu là TÂM, suy gẫm để biết cái “ẩn khuất” là Trí, còn suy gẫm để hành động, được gọi là Tư.
Tuy Tư (cetanā) cũng là một tâm sở, nhưng có nét đặc biệt riêng là “hành động, tạo tác”.
Đức phật có dạy:
“Gò mối đêm phun khói
Và chiếu sáng ban ngày…” [7]
Ban đêm phun khói là ban đêm suy nghĩ, ban ngày chiếu sáng là ban ngày thực hiện những gì ban đêm suy nghĩ.
Có ví dụ minh họa về ba sự suy gẫm này như sau:
Có một người nghèo khổ, thấy có người giàu sang sung túc, y suy nghĩ “mình nghèo khổ là do thiếu phước, người kia giàu sang là do tích trữ nhiều phước báu, vậy ta hãy tạo phước bằng cách bố thí, cúng dường… để được sung túc sau này”. Biết “nghèo khổ hay giàu sang” là tâm, suy nghĩ “thiếu phước hay đầy đủ phước” là tâm sở Trí, “tạo phước” là tâm sở Tư.
Do đó, Cetanā cetasika dịch là tâm sở Tư, để phân biệt với tâm (citta) và tâm sở (cetasika), đồng thời nói lên được tính tạo tác của tâm sở này.
Nên ghi nhận rằng “ở đây chỉ nêu lên khía cạnh suy gẫm, không đề cập đến cái biết (nhận thức), vì nhận thức là lãnh vực riêng của Tâm, Tưởng và Trí.
Suy gẫm + nhận thức của trí và tưởng theo khuynh hướng thiện, đó là trí Tư.
Suy gẫm + nhận thức của trí và tưởng theo khuynh hướng bất thiện, đưa đến tà trí, tà kiến.
Như một nhà bác học nghiên cứu chế tạo ra những chất độc, giết hại chúng sanh, đó là tà trí. Còn nảy sinh tà kiến ra sao?
Trí tuy có bản chất tốt đẹp, nhưng do Tưởng làm cho lệch hướng nảy sinh tà kiến, ví như trái cây ngọt trở thành chất say, chất ngọt trái cây là khác, chất say là khác.
Chính vì Tưởng nắm giử (chấp thủ) cảnh quá khắng khít nên phát sanh hậu quả trên. Và Đức Phật đã cảnh báo những “chấp thủ” nguy hiểm này: “Chánh pháp còn buông bỏ huống chi là tà pháp”.
Hành giả hành quán Minh, không nên dựa vào sức mạnh của Tưởng quá khắng khít, hãy để cho cảnh trôi chảy tự nhiên theo sự vận hành của Pháp, nhằm mục đích loại trừ tà trí và tà kiến.
Ngoài ý nghĩa “suy ngẫm”, tùy theo trường hợp mà ngữ căn Cit còn có nhiều ý nghĩa khác như: Đối với tâm, ngữ căn Cit có ý nghĩa “nhận biết (vijānana)”, trong Cetanā thì Cit còn có ý nghĩa “cố ý”. Đức Phật có dạy: “cetanahaṃ bhikkhave sīlaṃ vadāmi – Này chư Tỷ kheo, Như Lai dạy sự cố ý là giới”.
Hay: “cetanahaṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi – Này chư Tỷ kheo, Như Lai dạy sự cố ý là nghiệp”.
Điển hình như giới sát sanh chẳng hạn: “pānātipātā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi: Tôi xin giữ điều học là CỐ Ý tránh xa sự sát sanh”, chữ veramanī đồng nghĩa với cetanā.
Hoặc Cit trong Cetanā dùng theo nghĩa “phối hợp (abhisandaha)”, vì Cetanā liên kết các danh pháp đồng sanh để tạo tác.
Hay Cit trong cetanā dùng theo nghĩa “tích trữ (āyāhana)”, vì cetanā lưu giữ hạt giống (bīja), cho quả về sau.
Vì mang nhiều ý nghĩa như thế, nên rất khó tìm một từ ngữ để diễn đạt trọn vẹn chữ Cetanā, nên tạm dịch Cetanācetasika là Tư tâm sở.
Một từ khác cũng ám chỉ cho Tư tâm sở là saṅkhāra (hành), như trong Thập nhị duyên khởi (sampaṭicca):
“Avijjā paccayā saṅkhārā.
Saṅkhārā paccayā viññāṇaṃ….
Vô minh duyên hành.
Hành duyên thức…..”
Hành ở đây chỉ cho những gì tạo ra (pháp khác) và bị (pháp khác) tạo ra. Như Tư tâm sở tạo ra Thức, nhưng chính Tư tâm sở cũng bị tạo ra từ Vô minh…
Đồng thời Hành ở đây chỉ cho một tập thể các pháp có công năng tạo tác, tức là dùng theo ý nghĩa “phối hợp”, nhưng chủ yếu là Tư tâm sở. Ví như tháp Eiffel là công trình của một tập thể công nhân nhưng chỉ nêu tên “tháp Eiffel” vì công trình này do ông Eiffel là trưởng.
Không nên hiểu Hành là “sự sinh hoạt”, như thế sẽ sai lệch ý nghĩa Phật ngôn: “sabbe saṅkhārā dukkhāti – Tất cả pháp Hành là khổ”, nếu hiểu hành là sự sinh hoạt thì câu Phật ngôn trên trở thành: “Tất cả sự sinh hoạt là khổ”.
Chứng đắc Đạo, Quả, Níp Bàn cũng là sự sinh hoạt của tâm, chẳng lẽ việc này cũng là khổ ư?
Pāli có giải thích từ ngữ Cetanā như sau:
– Cetayatīti = cetanā. “Sự cố ý là Tư.”
– Abhisandahatīti = cetanā. “Phối hợp chung lại với nhau gọi là Tư”.
– Pabandhati pavattati = cetanā. “Luôn duy trì sự tiếp diễn không dứt, gọi là Tư.”
Sách Atthasālinī có giải thích như vầy:
– Attānā sapayutta dhamme ārammaṇa abhisandahati = cetanā. “Phối hợp các pháp tương ưng trên một cảnh cùng với mình, gọi là Tư.”
Sách Vibhāvinīṭīkā lại giải thích:
– Saṅkhatābhisaṅkharaṇe vā byāpāraṃ apajjatī ti = cetanā.
“Hành động hay tạo điều kiện cho pháp khác sanh ra, gọi là Tư”.
Tóm lại Tư tâm sở là pháp có tính quyết định hành động.
Tâm sở Tư tự mình hành động đồng thời điều hành các danh pháp đồng sanh hành động, tất cả đều làm phận sự riêng trên một đối tượng (cảnh).
29– Hỏi: Hãy trình bày bốn ý nghĩa của Tư tâm sở?
Đáp:
Tứ ý nghĩa của Tư tâm sở là:
– Trạng thái: Kích động đến các pháp tương ưng (cetayita lakkhaṇaṃ).
– Phận sự: Tập hợp các pháp tương ưng cùng hướng về cảnh (āyuhanarasā).
– Thành tựu: Có sự phối hợp, xếp đặt các pháp tương ưng (saṃvidhāna paccupaṭṭhāna).
– Nhân cần thiết: Có ba danh uẩn ngoài ra (sesakhandha padaṭṭhā).
Giải thích:
Trạng thái: Khi tâm cùng các danh pháp đồng sanh bị kích thích, nên hướng đến cảnh, chú ý đến cảnh. Hành giả nhận biết rõ điều này, hiểu biết rằng “đây là trạng thái của Tư tâm sở đã phơi bày”.
Phận sự của Tư tâm sở là đôn đốc các danh pháp đồng sanh thực hiện phận sự riêng của mình đối với cảnh, như đôn đốc tâm nhận biết cảnh, thúc đẩy thọ hưởng cảnh, kích thích tưởng nhớ lại…ví như vị Đại thần tấu trình lên Đức vua tình hình của dân chúng, giúp vua hiểu biét rõ sinh hoạt của dân chúng.
Riêng đối với những tâm sở thuộc hành uẩn, có công năng tạo tác thì tâm sở Tư kích động nhiều hơn trong phận sự tạo tác riêng, ví như người điều hành công việc của một công trình.
Riêng Tư tâm sở có hai phận sự:
Phận sự thông thường là tập hợp các pháp tương ưng đồng hướng về đối tượng (cảnh).
Phận sự lưu giữ chủng tử (bīja): nếu như Tư tâm sở có sức mạnh lại đồng sanh với loại tâm thích hợp, sẽ lưu giữ lại hạt giống để tạo quả về sau, đây là phận sự thứ hai của Tư tâm sở.
Phận sự thứ hai này không phổ cập, nó chỉ có thể thực hiện được trong một số tâm (là tâm thiện hay tâm bất thiện) mà thôi.
Ngoại trừ tâm thiện hay tâm bất thiện ra, những tâm vô ký không hề lưu chủng tử tạo thành tâm quả về sau, cho dù khi ấy tâm sở Tư có nhiều sức mạnh. Vì sao? Vì sức mạnh của Vô minh và Ái không thể tác động đến những tâm Vô ký, nói cách khác: những ô nhiểm, cấu uế từ bên ngoài không ảnh hưởng chi đến những tâm Vô ký này cả.
Thành tựu: làkhi các pháp tương ưng với Tư tâm sở có sự sắp xếp theo đúng chức năng, phối hợp đồng bộ với nhau trên một đối tượng, ví như sự thi công một công trình tiến triển nhịp nhàng đồng bộ, các bộ phận thi công không gây trở ngại cho nhau. hành giả quán sát thấy được đặc tính đồng bộ của các pháp đối với cảnh, thì hiểu rằng: “Đây là sự thành tựu của Tư tâm sở”.
Đức Phật có dạy: “Chúng sanh có nghiệp là thai tạng”.
Và: “Này chư Tỷ kheo, chính Tư tâm sở (cetanā) tạo nghiệp, do năng lực của Tư tâm sở dẫn dắt, chúng sanh thực hiện nghững nghiệp tốt hay xấu xuyên qua thân, ngữ, ý”. [8]
Hai câu Phật ngôn này nói lên phận sự và sự thành tựu của Tư tâm sở.
Ba nghiệp: thân, ngữ và ý nghiệp đều do Tư tâm sở điều sử, đồng thời chữ kamma (nghiệp) ám chỉ cho Tư tâm sở.
Các Giáo Thọ sư Mūlaṭīkā nói rằng: “Gọi là cetanā tạo nghiệp, không phải nói đặc tính chủ yếu trực tiếp của cetanā, mà nêu rõ “sự thành tựu” của cetanā”.
Nghĩa là nêu bày sự thành tựu của Tư tâm sở trong tâm đang hiện khởi bằng tên gọi khác là nghiệp.
Nhân cần thiết của Tư tâm sở là thức, thọ và tưởng. Vì sao?
Vì Tư tâm sở có nét đặc trưng là “sắp xếp, phối trí” các danh pháp đồng sanh phù hợp với phận sự riêng. Pháp tương ưng đồng sanh gồm có: Thức, thọ và tưởng. Nếu không có thức (tâm) thì danh (các tâm sở) cũng không có.
“Viññāṇa nirodhā nāmarūpa nirodho: Do Thức diệt nên danh sắc diệt”.
Nếu không có Thọ thì sự hưởng cảnh cũng không có. Sự tạo tác của hành uẩn trở thành vô ích.
Nếu không có Tưởng, sự nắm giữ, duy trì cảnh cũng không, sự tạo tác đối với cảnh cũng không thể thực hiện được.
Nếu không có ba uẩn này thì phận sự sếp đặt, điều động của Tư tâm sở trong việc xử sự cảnh cũng không hiện hữu. Ví như người điều hành cuộc họp trong phòng họp, nếu không có ai đến họp thì sẽ không có người điều hành. Điều này như thế nào, cũng vậy nếu thiếu ba uẩn trên, thì Tư tâm sở (dẫn đầu trong hành uẩn) cũng không xuất hiện.
Mặt khác, ba pháp này thuộc về tâm hành, mất một pháp xem như mất cả ba.
30- Hỏi: Vai trò của Tư tâm sở trong các loại tâm ra sao?
Đáp:
Trong tâm thiện hiệp thế (kusala lokiyacitta) và tâm bất thiện, vai trò của Tư tâm sở là chủ yếu, vì nó có phận sự giữ lại hạt giống để cho quả về sau. Trong tâm thiện Siêu thế (kusala lokuttaracitta), thì vai trò của trí là chủ yếu, vì tâm thiện Siêu thế có khuynh hướng diệt quả của nghiệp luân hồi, hay là quả của nghiệp hữu (bhavakamma).
Như tâm Sơ Đạo diệt nghiệp cho quả tái sanh vào 4 khổ cảnh.
Tâm Tam Đạo diệt nghiệp cho quả tái sanh vào Dục giới.
Tâm Tứ Đạo diệt nghiệp cho quả tái sanh vào cõi Sắc và cõi Vô sắc.
Khuynh hướng của trí trong tâm Siêu thế trái với khuynh hướng “tích lũy” của Tư tâm sở, tâm sở Tư tích lũy nghiệp cho quả tái sanh vào các cảnh giới. Do đó, trong tâm thiện Siêu thế vai trò của Tư tâm sở không còn là chủ yếu, tuy Tâm Đạo tạo thành tâm Quả Siêu thế nhưng đó không phải là thành tựu của Tư tâm sở, mà đó là kết quả của Trí trong tâm Đạo, nên tâm quả Siêu thế chỉ nhận độc nhất cảnh Níp Bàn mà thôi,
Còn tâm quả hiệp thế là thành quả của Tư tâm sở, nên các tâm quả hiệp thế nhận nhiều cảnh nhưng không thể nhận cảnh Níp Bàn.
Nói cách khác: Tư tâm sở trong tâm Siêu thế chỉ có thành tựu thông thường là: “tập hợp các pháp tương ưng hướng về cảnh” mà thôi, còn phận sự lưu giữ chủng tử không thể thực hiện được.
Tuy tâm sở Trí là thành viên trong hành uẩn có Tư tâm sở đứng đầu, nhưng trong tâm thiện Siêu thế trí vượt trội hơn Tư tâm sở, nên Tư tâm sở “đành phải nương theo trí”, ví như vị cố vấn Đại thần sáng suốt hơn Đức vua, nên Đức vua đành phải theo ý kiến của vị Đại thần.
Vì sao tâm quả thiền cũng chỉ nhận một cảnh, không thể nhận nhiều cảnh? Có phải là thành quả của tâm sở Tư không?
– Đúng vậy, đó cũng là thành quả của tâm sở Tư, nhưng vì cảnh này chỉ là cảnh “khái niệm”, không có thực tính pháp. Lại nữa, cảnh này do sức mạnh của Định gắn chặt, nên những cảnh khác không có cơ hội chen vào ,vì Định đã áp chế được những cảnh tham dục.
Nói cách khác, tuy tâm quả thiền là do tâm sở Tư lưu lại chủng tử hình thành, nhưng do sức mạnh của Định áp chế các cảnh khác, chỉ chấp nhận một cảnh thiền chứng, do đó tâm quả thiền chỉ có một cảnh, mà lại là cảnh “khái niệm – paññāttārammaṇa)”.
Trong tâm quả hiệp thế, tuy có Tư tâm sở nhưng nó không thể tạo thành quả nghiệp trong tương lai, nó chỉ có thành tựu thông thường, vì hạt mầm trong tâm quả hiệp thế đã bị hoại, ví như lúa giống đã bị luộc chín, không thể trở thành cây lúa trong tương lai.
Trong tâm Hạnh (kriyācitta) lại hoàn toàn không có hạt giống (bīja), ví như nước cất tinh khiết, hay nước cốt dừa đã tinh luyện thành dầu và Tư tâm sở cũng chỉ có phận sự thành tựu thông thường mà thôi.
Một tên gọi khác chỉ thành tựu thông thường của Tư tâm sở, đó là “nghiệp đồng sanh – sahajātakamma)”.
Như vậy, có hai loại nghiệp: Nghiệp cho quả vị lai và nghiệp đồng sanh (tức là khi tâm diệt thì nghiệp cũng diệt) và câu Phật ngôn:
“Cetanahaṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi: Này chư Tỷ kheo, Như lai tuyên bố chính sự cố ý là nghiệp”. Là ám chỉ hai loại nghiệp: nghiệp đồng sanh và nghiệp cho quả dị thục tùy theo loại tâm đang nhận cảnh.
31- Hỏi: Tương quan giữa bốn danh uẩn ra sao?
Đáp:
Bốn danh uẫn này có sự tương quan mật thiết với nhau, tạo thành sự vững chắc của danh pháp. Bốn danh uẩn này trợ giúp lẫn nhau theo cách hỗ tương duyên (aññamaññapaccayo).
Khi tâm nghĩ đến hạnh phúc, tưởng sẽ nhớ lại những điều an lạc, hay hình ảnh vị ân nhân đã trợ giúp. Khi tâm nghĩ đến đau khổ, tưởng sẽ tìm lại hình ảnh kẻ thù đã bức hại xưa kia hay những hình ảnh nghiệt ngã của quá khứ hoặc trong hiện tại…
Ngược lại khi tưởng nhớ lại những hạnh phúc thì tâm biết cảnh tốt, tưởng nhớ lại những bất hạnh thì tâm biết cảnh xấu…
Tâm biết cảnh tốt dẫn đến thọ hân hoan, tâm biết cảnh xấu dẫn đến thọ ưu buồn …
Khi thọ hân hoan khiến tâm rộng mở, khi thọ khó chịu tâm lại co rút, như khi vui, người ta dễ dàng chấp nhận mọi điều, khi buồn người ta luôn từ chối mọi việc, cho dù đó là điều hợp lý.
Tưởng cũng tác động đến thọ, khi tưởng cho là cảnh tốt (dù là cảnh không tốt) thọ lại hân hoan, như khi người con phạm lỗi, bị cha mẹ rầy mắng, y cho rằng “mình đã được tha thứ” nên có sự hài lòng. Khi tưởng cho là cảnh xấu (dù là cảnh tốt) thì thọ lại phiền muộn, khó chịu, như trường hợp nghe câu khen ngợi thật tình, nhưng nhớ lại mình đã từng bị lừa mị bằng những lời như thế nên cau mày, khó chịu.
Thọ cũng tác động đến Tưởng, khi Thọ hân hoan Tưởng sẽ vẽ ra một tương lai huy hoàng, khi Thọ sầu thảm Tưởng sẽ vẽ ra một chân trời u ám…
Tâm tác động đến Hành uẩn như tâm hướng về điều ác, Hành sẽ tạo tác thành thân, ngữ, ý bất thiện. Khi Tâm hướng về điều thiện, Hành sẽ tạo tác ra thân, ngữ , ý thiện,
Đức Phật có dạy:
Diso disaṃ yaṃ taṃ kayirā
Verī vā pana verinaṃ.
Micchā panihitaṃ cittaṃ
Pāpiyo naṃ tato kare.
“Kẻ thù hại kẻ thù
Oan gia hại oan gia
Không bằng tâm hướng tà.
Gây ác cho tự thân.” [9]
Và:
Na taṃ mātā pitā kayirā
Aññe vā pi ca ñātakā
Samanā panihitaṃ cittaṃ
Seyya so naṃ tato kare.
“Điều mà mẹ, cha, bà con
Không có thể làm được
Tâm hướng chánh làm được
Làm được tốt đẹp hơn”. [10]
Hành uẩn cũng tác động đến Tâm khi tạo cảnh (tâm sở Tác ý (manasikāra) làm việc này), Hành uẩn tạo cảnh tốt thì Tâm biết cảnh tốt, hành uẩn tạo cảnh xấu thì Tâm biết cảnh xấu.
Bốn uẩn: Thọ, tưởng, hành và thức uẩn, ví như Đức vua có ba vị đại thần. Một vị được vua sủng ái, có vật gì lạ cũng ban thưởng cho (ví như thọ uẩn), một vị trình tấu cho Đức vua những điều tốt hoặc xấu đã xẩy ra (ví như tưởng uẩn), một vị sẽ thi hành lịnh của Đức vua (ví như hành uẩn).
[1] Trung Bộ – Kinh Căn Bản 50
[2] Trưởng lão Nārada – Vi Diệu Pháp Toát Yếu – Phạm Kim Khánh dịch. Trang 105
[3] A.iii, 446
[4] A.v, 105
[5] Trung Bộ – Kinh Nhất Dạ hiền giả.
[6] Trung Bộ – Tiểu kinh Hữu Minh (Cūḷa vedallasuttaṃ).
[7] Trung Bộ – Kinh Gò Mối.
[8] Tương ưng bộ kinh.
[9] Pháp Cú kinh, câu 42.
[10] Pháp Cú kinh, câu 43.
-ooOoo-