Nội Dung Chính
Chánh Niệm Thực Tập Thiền Quán
Chương 4: Thái Độ
Trong thế kỷ vừa qua, giới khoa học phương Tây đã có một khám phá lớn làm chấn động tất cả mọi người: Chúng ta là một phần của thế giới ta nhìn. Điều ấy có nghĩa là, chính sự quán sát của ta sẽ thay đổi đối tượng mà ta quán sát.
Ví dụ, hạt điện tử là một vật thể nhỏ bé nhất. Chúng ta không thể nào nhìn thấy nó bằng mắt thường. Và những khí cụ nào ta sử dụng để nhìn sẽ quyết định những gì ta nhìn thấy. Nếu ta nhìn một hạt điện tử, dưới một góc cạnh nó sẽ có những đặc tính của một hạt phân tử (particle), một viên banh bé tí nhảy theo những đường thật thẳng. Và khi ta nhìn nó dưới một góc cạnh khác, hạt điện tử ấy lại có đặc tính của một làn sóng (wave), nó rực sáng và nghiêng ngửa khắp nơi, không có một vẻ gì là đặc rắn hết. Một hạt điện tử là một sự kiện (event) hơn là một vật, và người quán sát tham gia vào sự kiện ấy bằng chính hành động quán sát của họ. Không có cách nào để tránh khỏi mối tương quan ấy.
Khoa học của phương Đông đã nhận ra được nguyên lý căn bản này từ lâu. Tâm thức cũng vậy, tự nó là một nhóm sự kiện, và chúng ta tham gia vào các sự kiện ấy mỗi khi ta quay lại nhìn vào chính mình. Thiền tập là một sự quán chiếu có tham gia: đối tượng quán chiếu sẽ phản ứng tùy theo sự quán chiếu của ta.
Trong trường hợp này, đối tượng quán chiếu là chính ta, và những gì ta thấy sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào cách ta nhìn. Vì vậy, phương pháp thực tập thiền quán phải vô cùng tinh tế, vì kết quả sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào trạng thái tâm thức của ta. Tôi muốn trình bày cho bạn một số thái độ quan trọng, cần thiết cho sự thực tập. Những thái độ này cũng đã được nói sơ qua trước đây, nhưng ở đây tôi muốn gom chúng lại như là những quy luật thiết yếu cho sự thực tập:
Chỉ việc ngồi lại và xem chuyện gì sẽ xảy ra. Coi tất cả như là một cuộc thí nghiệm. Hãy tích cực chú tâm, nhưng đừng để bị dính mắc vào những kỳ vọng về bất kỳ một kết quả nào. Cũng thế, đừng lo nghĩ về bất cứ một việc gì sẽ xảy ra. Hãy để cho tiến trình thiền quán xảy ra theo nhịp độ và đường hướng của nó. Hãy để sự thực tập dạy cho ta. Trong thiền quán ta chỉ muốn thấy được sự vật đúng thật như chúng đang hiện hữu. Cho dù có đúng với sự kỳ vọng của ta hay không, ta cũng cần tạm gác qua một bên mọi ý niệm và định kiến của mình. Trong suốt thời gian ngồi thiền, chúng ta cần bỏ qua hết những hình ảnh, ý kiến, và sự phê phán của ta. Bằng không ta có thể bị vấp ngã.
- Đừng nỗ lực căng thẳng quá
Đừng thúc ép bất cứ điều gì hoặc cố gắng quá mức bình thường. Thiền tập không thể bạo động. Mọi cố gắng có tính chất bạo động đều không có chỗ đứng và hoàn toàn không cần thiết trong thiền tập. Hãy giữ cho sự nỗ lực của ta thật vừa phải và bền vững.
- Đừng vội vã
Không có gì gấp gáp cả, cứ từ tốn. Hãy ngồi xuống tọa cụ và cứ ngồi như là ta có trọn ngày. Bất cứ điều gì quý giá đều cần phải có thời gian để phát triển. Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn.
- Đừng bám víu và cũng đừng bác bỏ
Hãy để cho việc gì đến cứ đến, và làm cho mình thích nghi với nó, bất cứ là việc gì. Nếu một hình ảnh tốt đẹp nào khởi lên trong tâm, cũng được. Nếu một hình ảnh xấu xa khởi lên trong tâm, cũng không sao. Hãy nhìn tất cả bằng một con mắt bình đẳng, và giữ cho mình được thoải mái trước mọi việc xảy ra, đừng chống lại những gì mình kinh nghiệm, chỉ quán sát nó trong chính niệm.
- Buông xả
Hãy để mình trôi theo với những biến đổi phát sinh ra. Buông xả mọi thứ và thư giãn.
- Chấp nhận những gì khởi lên
Hãy chấp nhận những cảm thụ của mình, cho dù đó có thể là những điều mình không muốn. Hãy chấp nhận những kinh nghiệm của mình, cho dù đó là những gì mình ghét. Đừng bao giờ tự lên án mình vì đã có những khiếm khuyết và lỗi lầm. Hãy xem tất cả những hiện tượng trong tâm là rất tự nhiên và có thể hiểu được. Hãy cố thực tập lúc nào cũng có một thái độ chấp nhận khách quan đối với mọi kinh nghiệm của mình.
- Hãy rộng lượng với chính mình
Hãy xử sự tốt với chính mình. Bạn có thể không hoàn hảo, nhưng chính sự không hoàn hảo này là những gì bạn có để thực tập. Tiến trình trở thành một người hoàn hảo như mong muốn phải được khởi đầu trước hết bằng sự chấp nhận hoàn toàn con người thật hiện nay của bạn.
- Quán chiếu tự thân
Đặt câu hỏi với tất cả. Đừng bao giờ cho bất cứ một điều gì là dĩ nhiên hết. Đừng bao giờ tin một điều gì chỉ vì nó nghe có vẻ đầy tuệ giác, thiêng liêng, hoặc vì một thánh nhân nào đó đã nói. Hãy tự mình thấy. Nhưng điều ấy không có nghĩa là ta cần phải đa nghi, bất kính hoặc sỗ sàng. Nó chỉ có nghĩa là ta nên có tinh thần thực nghiệm. Hãy thử nghiệm hết tất cả những lời tuyên bố ấy, và lấy kết quả làm kim chỉ nam cho mình. Thiền quán phát sinh từ một khát vọng muốn được tỉnh thức, tiếp xúc với thực tại, và thắp sáng hiện hữu. Toàn bộ quá trình thực tập phải dựa trên một ước mơ muốn thấy được chân lý. Bằng không thì sự thực tập ấy sẽ chỉ là cạn cợt, hình thức mà thôi.
- Xem mọi khó khăn như là sự thử thách
Hãy nhìn mọi vấn đề tiêu cực khởi lên như là những cơ hội giúp ta học hỏi và trưởng thành. Đừng chạy trốn, đừng tự trách móc, cũng đừng ôm nặng trong lòng với sự im lặng của bậc thánh. Bạn có vấn đề? Tốt! Thêm cơ hội để cho ta thực tập. Vui lên, dấn thân vào và quán chiếu.
- Đừng suy luận
Chúng ta không cần phải hiểu hết tất cả mọi chuyện. Lối suy nghĩ miên man sẽ không giúp ta giải thoát được. Trong thiền quán, tâm ta được thanh lọc bởi năng lượng của chính niệm, bởi một sự nhận diện đơn thuần không cần đến ngôn từ. Những lối suy luận và bàn thảo theo thói quen là không cần thiết cho sự giải thoát của ta. Điều cần thiết là một nhận thức không định kiến, không phân biệt về tự tính của sự vật. Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ làm cho những sợi dây trói buộc ta bị đứt tung. Ý niệm và lý luận chỉ là những cản trở mà thôi. Đừng nghĩ ngợi gì hết. Nhìn đi.
- Đừng cố chấp vào những sự khác biệt
Giữa con người với nhau sẽ có những sự khác biệt, nhưng nếu để mình bị kẹt vào đó thì rất là nguy hiểm. Phải cẩn thận lắm, bằng không nó có thể trực tiếp đưa ta đến một thái độ chấp ngã. Lối suy nghĩ của một người bình thường bao giờ cũng đầy những tham lam, ganh tỵ và tự ái. Một người đàn ông gặp một người khác đi trên đường có thể nghĩ ngay: “Anh chàng này đẹp trai hơn mình.” Và kết quả lập tức sẽ là sự ganh tỵ hay mặc cảm. Một cô gái gặp một cô gái khác có thể nghĩ: “Mình chắc chắn là đẹp hơn cô ta.” Và kết quả là sự tự kiêu. Thái độ so sánh đó là một tập quán của tâm ý, và nó sẽ trực tiếp dẫn đến một cảm thụ bất an nào đó, như là ham muốn, ganh tỵ, tự ái, tự kiêu, hoặc thù ghét. Chúng là những tâm trạng bất thiện, nhưng lại luôn xảy đến với ta. Chúng ta so sánh vẻ ngoài của mình với người khác, hoặc là sự thành công, tiền bạc, tài sản, hoặc chỉ số thông minh… và tất cả đều dẫn đến cùng một kết quả: sự xa rời, ngăn cách giữa mọi người và một cảm giác bất an.
Công việc của người thiền sinh là hoá giải thói quen bất thiện này bằng cách nhìn cho sâu sắc, và rồi thay thế nó bằng một cái khác. Thay vì tìm kiếm những điểm sai biệt giữa ta và người khác, chúng ta hãy ghi nhận những điểm tương đồng của nhau. Ta chú tâm đến những điểm chung phổ biến ở mọi sự sống, những điều sẽ mang chúng ta xích lại gần nhau hơn. Và nếu có sự so sánh, thì đó phải là những gì dẫn ta đến một cảm giác tương thân chứ không phải là chia cách.
Hô hấp là một tiến trình phổ biến. Tất cả động vật đều có một lối thở giống như nhau. Mọi sinh vật đều trao đổi thán khí và dưỡng khí với môi trường chung quanh mình, bằng cách này hoặc cách khác. Đó cũng là một trong những lý do mà hơi thở được chọn làm một đề mục của thiền quán. Thiền sinh được khuyên nên tự khám phá tiến trình thở của mình, nó sẽ giúp ta ý thức được sự liên hệ mật thiết giữa mình và những sự sống khác chung quanh. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên nhắm mắt làm ngơ trước những sự khác biệt trên cuộc đời này. Sự khác biệt bao giờ cũng có mặt. Nó chỉ có nghĩa là chúng ta nên bớt quan trọng hóa những sai biệt, và nên nhấn mạnh vào những yếu tố chung, phổ biến mà trong chúng ta ai cũng giống như ai.
Phương pháp nhận thức ấy là như thế này: Khi tiếp nhận một đối tượng của giác quan, chúng ta sẽ không ôm giữ nó theo một lối thông thường. Thay vào đó, chúng ta sẽ quán sát tiến trình nhận thức ấy. Ta theo dõi xem đối tượng ấy ảnh hưởng đến giác quan và nhận thức của ta như thế nào. Ta theo dõi xem có những cảm thụ và tâm hành nào khởi lên tiếp theo sau. Ta ghi nhận kết quả là một sự thay đổi xảy ra trong tâm thức mình. Và trong khi theo dõi những hiện tượng này, chúng ta cần ý thức được tính chất phổ biến của những gì mình nhìn thấy. Nhận thức ban đầu sẽ làm phát sinh những cảm thụ dễ chịu, khó chịu, hoặc trung hòa. Và đó là một sự kiện rất phổ biến, nó xảy ra trong tâm thức của tất cả mọi người khác, cũng như trong ta, và ta cần thấy rõ được điều ấy. Tiếp theo những cảm thụ ấy sẽ là những phản ứng, và chúng có thể khác nhau. Chúng ta có thể cảm thấy ham muốn, khao khát hoặc ghen ghét. Chúng ta cũng có thể cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bất an hoặc buồn chán. Những phản ứng ấy cũng rất là phổ biến. Chúng ta chỉ cần ghi nhận và gom chúng lại với nhau. Ta nên nhớ rằng, những phản ứng này chỉ là sự đáp ứng bình thường của mọi con người, nó có thể khởi lên trong bất cứ một ai.
Sự thực tập theo phương pháp so sánh này, lúc đầu có thể cảm thấy như là hơi bị ép buộc và giả tạo. Nhưng thật ra nó cũng không kém phần tự nhiên hơn những gì chúng ta vẫn hành xử thường ngày. Chỉ có điều là ta chưa quen mà thôi. Với một sự thực tập, thói quen mới này sẽ thay thế thói quen so sánh cũ đầy ngã chấp, rồi về sau ta sẽ cảm thấy nó tự nhiên hơn. Và kết quả là ta trở thành một người rất hiểu biết và cảm thông. Chúng ta không còn bực mình vì những thiếu sót của kẻ khác. Ta tiến dần đến một trạng thái hài hòa với tất cả mọi sự sống quanh ta.