Nội Dung Chính
Chánh Kiến Tường Giải (tiếp theo) – Giải Thích Về Kammassaka-Vada & Thân Kiến – Ledi Sayadaw
XII. Giải Thích Thêm về Kammassakā-Vāda
1. Ba Nhân hay Duyên
Đoạn ‘Kammasakā…‘ (các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp) đã được giải thích tường tận trong chương nói về sự phản bác Tiền định kiến rồi. Ở đây, bần tăng sẽ chỉ giải thích những điều nào chưa được giải thích ở chương đó mà thôi. Chúng ta biết, có những người làm nông nghiệp, canh tác đất đai. Để cho việc canh tác của họ có được kết quả hay bị hư hoại, cần phải có các nhân, hay các điều kiện. Đó là:
1. Hetu (nhân)
2. Paccaya (duyên hay điều kiện hỗ trợ)
3. Sambhāra (tư lương hay điều kiện cấu thành).
Trong ba nhân này,
– Hạt giống và người canh tác là các nhân chính (hetu)
– Chất mầu mỡ hay dưỡng chất (oja) hàm chứa trong đất canh tác ấy là duyên hay điều kiện hỗ trợ (paccaya)
– Những yếu tố sau là các nhân hay điều kiện cấu thành (sambhāva): mưa, hệ thống thoát nước, sông lạch nuôi dưỡng cánh đồng, mây, gió, mặt trời, mặt trăng, các vì sao, cộng với việc thực hành giới mà người dân trong xứ sở ấy thọ trì.
2. Ví Dụ Cụ Thể
Ở đây, nếu thóc giống chắc và tinh ròng, việc canh tác sẽ thành công và có được một vụ mùa như mong đợi. Nếu ngay từ ban đầu hạt giống không được tinh ròng hay phẩm chất kém, việc canh tác sẽ không thành công và một vụ mùa thất thu sẽ là kết quả. Cho dù hạt giống có chắc và đầy đủ vỏ lụa chăng nữa, việc canh tác chỉ có thể được xem là thành công khi người canh tác biết khi nào thì vỡ đất, cày bừa, ươm mạ, trồng lúa, và làm tất cả những gì cần thiết cho việc canh tác. Mặc dù người canh tác đã làm tất cả những gì được đòi hỏi cho việc trồng trọt rồi, song một lượng mưa thích hợp mới đem lại một vụ mùa tốt đẹp, còn một lượng mưa tồi sẽ đem lại một vụ mùa tồi, và nhất là dẫn đến sự hủy hoại của việc canh tác. Cho dù mưa thuận gió hòa, song nếu không có hệ thống thoát nước hay bờ đập để dẫn nước vào ruộng khi cần và xả nước ra khi những cánh đồng ngập úng, việc canh tác cũng không thành công mà còn có khả năng bị tiêu hoại. Đối với những cánh đồng được dẫn thủy nhập điền bằng nước sông cũng vậy, người canh tác phải biết khi nào thì dẫn nước vào và khi nào thì không. Nếu không vụ mùa sẽ bị tiêu hoại. Nước trong sông còn tùy thuộc vào lượng mưa đổ xuống các vùng núi non, cao nguyên. Nếu không có mưa trên thượng nguồn hay cao nguyên, nước sông cũng không thể tăng lên được. Còn mưa thì chỉ có thể rơi xuống khi các nhân và duyên cần thiết đủ đầy; ngược lại cũng chẳng có mưa.
3. Nghiệp Và Ví Dụ Trên
Ở đây, chúng ta thấy rằng chỉ vấn đề canh tác thôi cũng đã có hàng ngàn nhân duyên cho sự thành công hay tiêu hoại của nó.
Những điều đề cập ở trên chỉ là sự giải thích tóm tắt những gì đang thực sự xảy ra trong thế gian.
4. Quả Báo Chính Và Quả Báo Phụ
Nghiệp quá khứ tạo ra lạc khổ của các chúng sinh trong kiếp kế có thể có hai loại quả – đó là quả báo chính và quả báo phụ.
5. Nghiệp Hiện Tại Và Hai Loại Quả
Trước tiên, bần tăng sẽ giải thích về nghiệp hiện tại trên phương diện này. Chẳng hạn, một người học một ngành nghệ thuật lớn hay một nghề thủ công. Khi chưa xong khóa học, anh ta phải chịu đựng biết bao nhiêu thứ khổ phát sinh do việc học nghề này. Tuy nhiên, đôi lúc anh ta cũng gặp chút ít lạc hay hạnh phúc trong thời gian học của mình. Khi thành tài, anh ta sẽ kiếm được nhiều tiền, hoặc có thể có được một địa vị cao trong chính phủ. Khi ấy anh ta sẽ có được hạnh phúc và giàu có. Do người này là người khéo học, quyến thuộc và bè bạn của anh ta cũng có thể hưởng được các loại lạc nhờ anh ta.
6. Kết Quả Phụ
Như trên chúng ta thấy, cái khổ mà một người phải trải qua trước khi hoàn tất khóa học, và những lợi ích mà thân quyến và bè bạn của anh ta hưởng được nhờ tài năng của anh ta không phải là những kết quả chính của việc học tập, mà chỉ là những kết quả phụ.
7. Kết Quả Chính
Trong bất cứ một ngành nghệ thuật hoặc một nghề thủ công nào cũng vậy, sau khi hoàn tất việc học tập, nếu một người thành công, họ có thể sẽ kiếm được tài sản lớn hay sẽ hưởng được một địa vị xứng đáng trong chính phủ hoặc hưởng được các thứ lợi lạc khác. Những điều ấy mới là kết quả chính của việc học tập của anh ta.
8. Ác Nghiệp Và Hai Loại Quả
Tương tự, đối với ác nghiệp cũng có hai loại quả như vậy. Chẳng hạn, một người giết một người khác, những người thù ghét người đã chết này có thể ca ngợi kẻ sát nhân và tỏ lòng kính trọng hắn, hoặc có thể tặng cho hắn một số tiền hay hiện vật có giá trị tương đương. Ngược lại, thân quyến của người quá cố sẽ căm giận kẻ sát nhân, họ có thể sẽ giết hắn để trả thù, hoặc vận chuyển bánh xe công lý để cho kẻ sát nhân này phải nhận án tử hình. Những quả nghiệp dị thục của kẻ sát nhân, tức ác nghiệp giết một người còn sống, được gọi là những kết quả phụ.
Kẻ sát nhân ấy, vào lúc thân hoại mạng chung, sẽ phải tái sinh vào những cõi khổ kể như dị thục quả của ác nghiệp giết người của hắn, và chịu đựng muôn vàn đau khổ. Đây là kết quả chính của hắn.
Nếu kẻ sát nhân, do thiện nghiệp quá khứ làm duyên, được tái sinh làm người, thì dù sinh ở đâu, hắn cũng sẽ bị đoản thọ (chết non), đa bệnh, và gặp oan trái với những người thù địch. Đây là kết quả chính của nghiệp giết người trong kiếp hiện tại của hắn.
Do hành động giết người này, quyến thuộc của hắn ta sẽ phải chịu nhiều đau khổ. Đấy chỉ là những kết quả phụ. Đối với trường hợp của thiện nghiệp cũng thế, nguyên tắc này có giá trị tương tự.
Lại nữa, quả phụ còn được phân làm hai loại:
– Loại có hiệu lực vào lúc can dự vào hành động,
– Loại có hiệu lực khi nghiệp tương xứng thành thục trong kiếp tương lai.
Trong hai loại này, dị thục quả xảy ra vào lúc phạm một nghiệp thường không ‘cân đối’. Người chịu quả báo phụ của một thiện nghiệp có thể cảm thọ khổ, trong khi người chịu quả báo phụ do một ác nghiệp có thể cảm thọ lạc hay được hạnh phúc. Song khi nghiệp tương xứng đã chín muồi trong một kiếp tương lai nào đó, thì quả báo phụ lại ‘cân đối’, vì ác nghiệp lúc đó sẽ cho quả dị thục khổ và thiện nghiệp sẽ cho quả dị thục lạc không sai chạy.
9. Quả Báo Chính
Quả báo chính xảy ra một cách chắc chắn, vì thiện nghiệp sẽ cho một dị thục quả thiện chứ không cho một dị thục quả bất thiện; còn ác nghiệp sẽ cho một dị thục quả ác chứ không cho một dị thục quả thiện được. Quả báo chính xảy ra trong dòng hữu phần của người làm hành động (người tác nghiệp) chứ không phải trong dòng hữu phần của một ai khác. Sau khi cảm thọ quả báo chính của nghiệp mình làm, nếu người này chết, quả báo chính cũng tiêu sạch không để lại chút phản ứng nào của nó.
10. Quả Báo Phụ
Trong trường hợp của quả báo phụ, nó có thể xảy ra trong dòng hữu phần của những người khác. Vì thế ngay cả khi người tác nghiệp chết, phản ứng của quả báo phụ vẫn còn, hoặc đem lại điều tốt hoặc đem lại điều xấu cho những người khác.
Bần Tăng sẽ giải thích điều này rõ ràng hơn. Giả sử một chúng sinh có giới đức và năng lực, đã làm tất cả các ba la mật trong những kiếp trước, bây giờ tái sinh vào bào thai của một người nữ nào đó. Kể từ lúc thụ thai đứa trẻ phi thường ấy, cha mẹ đứa trẻ sẽ được thành mãn trong mọi công việc và tài sản, tôi tớ cũng gia tăng. Nếu đó là một gia đình hoàng tộc, thì những vị cố vấn tài trí và những binh tướng gan dạ chắc chắn sẽ có mặt. Địa phương nơi đứa trẻ tái sinh sẽ được mưa thuận gió hòa, dân cư trong vùng cũng an cư lạc nghiệp. Nói chung, xứ sở này sẽ trở nên thịnh vượng. Đây là phản ứng của quả báo do chúng sinh giới đức và có năng lực ấy đem lại.
Liên quan đến điều này kinh Pháp Cú có nói:
Dullabho purisājañño
Na so sabbattha jāyati,
Yatta so jāyatī dhīro
Tam kulam sukham edhati
(DP. 193)
Thánh nhân thật hiếm thay!
Chẳng phải đâu cũng có,
Nơi nào bậc trí sanh
Gia tộc ấy được lạc.
11. Nghiệp Hiện Tại Và Quả Báo Phụ
Ở đây, bần Tăng sẽ giải thích sự việc này bằng một ví dụ. Nếu một người có khả năng, bằng vào sức mạnh, tài sản hoặc kiến thức kỹ thuật của mình, kiến tạo những mảnh đất có thể trồng trọt được, xây dựng hoa viên, hồ nước, giếng ăn, đập nước, kênh lạch, và những con đường v.v…, những công trình kiến tạo này sẽ tồn tại trong một thời gian dài và đem lại lợi ích cho rất nhiều người, đồng thời nhờ những công trình ấy mà nhiều người có thể sẽ gặt hái được lắm lợi lạc.
12. Nghiệp Quá Khứ Và Quả Báo Phụ
Như chúng ta đã thấy quả báo phụ của nghiệp hiện tại với chính nhãn quan của mình, trong trường hợp lãnh vực hoạt động của nghiệp quá khứ cũng vậy, nhiều người có thể nương tựa vào con người đức hạnh phi thường này. Ngược lại, do phản ứng của ác nghiệp mà một chúng sinh đã làm trong kiếp quá khứ, nhiều người cũng phải chịu những nhọc nhằn, khổ sở.
Như vậy, bậc trí tin rằng mỗi chúng sinh ai cũng có nghiệp quá khứ và hiện tại cùng với những quả báo chính và phụ của chúng.
Trên đây là lời giải thích tóm tắt cách nghiệp quá khứ và hiện tại cho những loại dị thục quả khác nhau như thế nào.
XIII. Giải Thích Về Thân Kiến (Attā-Diṭṭhi)
1. Các chúng sinh phải lang thang trong những cõi sống vui và khổ do thân kiến như thế nào?
Các loại tà kiến khác nhau, các loại ác pháp khác nhau và các loại nghiệp khác nhau nằm ngầm trong và đi kèm theo dòng hữu phần của các chúng sinh còn đang lang thang trong vòng tử sinh luân hồi. Do những tâm sở bất thiện này, mà những điều sau có mặt rất rõ rệt.
1. Bốn cõi thấp (cõi khổ), và
2. Các loại hành nghiệp bất thiện khác nhau.
Do những tâm sở xấu xa này mà các chúng sinh cứ mãi trôi lăn trong các cảnh giới sinh tồn khác nhau. Không nói quá đáng đâu, ngay cả những con heo, con chó, v.v… thuộc bốn cõi thấp trong quá trình luân hồi có thể sẽ trở thành các vị Đại Phạm Thiên. Đôi khi chúng sẽ sinh vào các cảnh giới Phạm Thiên cao hơn, chẳng hạn như Quang Âm Thiên (ābhasara), Biến Tịnh Thiên (subhakiṇha), Quảng Quả Thiên (vehapphala) và những cõi vô sắc. Mặc dù chúng có cơ hội được tái sinh trong những cõi Phạm Thiên cao vời này, khi mà thọ mạng của chúng đã tận hoặc khi phước của chúng đã hết, chúng cũng phải tái sinh lại vào bốn cõi thấp. Đây là đường lối của thế gian.
Bộ Phân Tích có nói:
Ukkhittā puññatejena,
Kāmarūpagatim gatā,
Bhavaggatampi sampattā
Puna gacchanti duggatim.
Do các thiện nghiệp làm duyên, các chúng sinh sẽ tái sinh vào dục giới, sắc giới, và ngay cả cõi phi tưởng phi phi tưởng xứ (neva-saññā-nā saññāyatana) thuộc cõi vô sắc. Dù cho là vậy, khi thọ mạng của chúng đã mãn, hoặc khi phước của chúng đã cạn, chúng cũng phải tái sinh vào bốn ác đạo.
Vì những tâm sở ác tà kiến và ác nghiệp ấy luôn luôn đi kèm theo dòng hữu phần của các chúng sinh, cho dù họ có thành các vị Đại Phạm Thiên, họ cũng chỉ là hàng phàm nhân (puthujjanas), và là những cư dân của cõi thế gian. Cũng như những viên đá hay những mũi lao ném lên trời, cuối cùng rồi sẽ rơi xuống đất trở lại do lực hấp dẫn như thế nào, thời các chúng sinh có thể phải tái sanh vào bốn cõi thấp cũng vậy. Khi dòng hữu phần của họ chứa chất đầy những tâm sở y như địa ngục, thì họ sẽ là những chúng sinh đang đi về hướng các địa ngục (tạm thời); khi những tâm sở độc ác đi kèm với dòng hữu phần, họ là những chúng sinh có tâm địa độc ác, chắc chắn sẽ làm các ác nghiệp; khi họ tồn tại trong cõi mà ác nghiệp có rất nhiều, họ là những cư dân của cõi đó; khi họ tồn tại trong cõi mà hầu hết các chúng sinh không có ‘tuệ nhãn’, họ là những cư dân của cõi đó.
Thế nào là cõi ác nghiệp có nhiều (kaṇha-bhūmi) và thế nào là cõi các chúng sinh bị mù quáng do ngu dốt, không có ‘tuệ nhãn’ (andha bāla-bhūmi)? Những tà kiến (pāpa diṭṭhi), ác pháp (pāpa-dhamma) và bất thiện nghiệp (pāpa-kamma) đã đề cập ở trên hiển hiện rõ ràng trong hai cõi này – kaṇha bhūmi và andha-bāla bhūmi. Câu hỏi kế tiếp: Vì sao ngay cả các vị Đại Phạm Thiên cũng hiện hữu trong hai cõi này? Vì họ có thân kiến hay thường kiến ‘Tôi là, Tôi là’.
2. Sức Mạnh Của Thân Kiến
Căn nguyên của mọi tà kiến, mọi bất thiện tâm sở và mọi ác nghiệp là attā-diṭṭhi (thân kiến). Bao lâu những tà kiến này (pāpa-diṭṭhi) còn tồn tại trong dòng hữu phần của một chúng sinh, thời tà kiến, tà pháp (pāpa-dhamma) và tà nghiệp (pāpa-kamma) cũng sẽ tồn tại ở đó. Hễ những tà kiến này còn kèm theo dòng hữu phần của họ, họ sẽ được gọi là ‘người hướng về địa ngục’, ‘người làm điều ác’, ‘cư dân của cõi ác nghiệp thịnh hành’, và ‘cư dân của cõi các chúng sinh bị mù lòa vì si mê – andha-bāla’. Một khi thân kiến diệt, cả ba tà kiến này cũng sẽ bị dập tắt cùng với các loại ác pháp.
Những người không thể diệt trừ thân kiến sẽ trở thành kẻ thừa tự của pāpa-diṭṭhi (tà kiến). Như thế nào? Bởi vì khi một người còn có thân kiến chắc chắn sẽ không thể loại trừ vô vàn tà kiến, tà pháp và tà nghiệp mà họ đã chấp giữ trong nhiều đại kiếp hay nhiều kiếp sống trong vòng tử sinh luân hồi vậy.
Dù cho những chúng sinh mà dòng hữu phần của họ được kèm theo bởi thân kiến này có tái sinh vào cõi phi tưởng phi phi tưởng xứ chăng nữa, những tà kiến, tà pháp và tà nghiệp ấy cũng vẫn cho họ những dị thục quả tương xứng và tất nhiên sẽ kéo họ vào những cõi thấp hơn.
Bao lâu con người không thể loại bỏ thân kiến này, họ sẽ phải trở thành những nạn nhân của tà kiến, tà pháp và tà nghiệp, trong các kiếp tương lai của họ. Và trong bất kỳ kiếp sống nào mà họ sinh ra, họ vẫn sẽ chấp nhận tất cả những tà kiến nào mà họ gặp, thực hiện các loại ‘ác hạnh’ nào họ có cơ hội thực hiện, và phạm vào những trọng nghiệp như giết cha, giết mẹ, v.v…
Trong kiếp hiện tại cũng vậy, thường những ai có thân kiến thì sẽ có khuynh hướng chấp nhận tà kiến, nuôi dưỡng các bất thiện tâm sở và làm những điều ác.
3. Thuyết Tạo Hóa Phát Sinh Do Thân Kiến Thế Nào?
Thực sự, Thuyết Tạo-hóa (issaranimmāna) có mặt trong cuộc đời là do thân kiến này. Chính do thân kiến (aṭṭā diṭṭhi) mà Đại Phạm Thiên (Māha Brahmā) vốn không biết mình từ đâu đến và khi nào thì sẽ rời khỏi Phạm Thiên giới này nghĩ mình là thường hằng, bất biến, vĩnh cửu, không phải chịu sự đổi thay, và tồn tại như một đấng vĩnh hằng. Vị Phạm Thiên này tự nhủ: ‘Ta là đấng Phạm Thiên, Đại Phạm Thiên, bậc chiến thắng, bậc không ai có thể chiến thắng, bậc biến nhãn, đấng quyền năng, bậc cai trị, sáng tạo chủ, đấng tối thắng, đấng toàn năng, đấng đã hành (và đạt đến) an định, cha của tất cả chúng sinh đang là và sẽ là.’ Thỉnh thoảng vị này hiện ra nơi các cõi Phạm Thiên có thọ mạng ngắn hơn và nói: ‘Ta là vĩnh hằng; Ta là toàn năng; Ta tạo ra tất cả các người.’
Khi các vị Phạm Thiên kia nghe những lời ấy, họ tin tưởng ông ta và như vậy trở thành những người chấp giữ thuyết Tạo hóa này. Phạm Thiên còn vậy, nói gì đến những chúng sinh tái sinh nơi các cõi chư Thiên và nhân loại! (Những người chủ trương thuyết tạo hóa này từ đó xem ông ta như đấng sáng tạo của họ. Tóm lại, xuất phát từ những lời của vị Đại Phạm Thiên đó mà tà kiến này có mặt trong cuộc đời vậy.
4. Không Có Hạnh Phúc Thực Sự Khi Còn Thân Kiến
Bao lâu con người không thể loại trừ thân kiến (attā-diṭṭhi), dù cho họ có trở thành một vị Đại Phạm Thiên tự xưng là đấng sáng tạo chăng nữa, họ cũng sẽ không tài nào thoát ra khỏi sự trói buộc của tà kiến, tà pháp, tà nghiệp, vốn đã nảy sinh trong dòng hữu phần của họ trong những kiếp quá khứ, đang khởi lên trong kiếp hiện tại và cũng sẽ hiện hữu trong những kiếp tương lai của họ, và chắc chắn họ sẽ phải tái sinh vào những cõi thấp trong đời sau.
Như vậy họ chỉ là cư dân của những cõi đa nghiệp chướng (kaṇha-bhūmi), cũng như cá và rùa phải cư trú trong đại dương. Vì họ không có ‘tuệ nhãn’ nên họ cũng còn là những cư dân của cõi mà các chúng sinh bị mù lòa do si mê (andha-bāla bhūmi).
Hiện tại những chúng sinh phải tái sinh vào các cõi thấp do bất thiện nghiệp quá khứ mà họ đã tạo, song bất luận ai trong họ cũng có thể, trong một kiếp tương lai nào đó, trở thành một vị Đại Phạm Thiên tự xưng mình là Thượng Đế toàn năng, khi thiện nghiệp quá khứ của họ chín muồi. Như vậy, chúng ta cần phải nhớ rằng, nếu attā-diṭṭhi (thân kiến) còn ngủ ngầm trong dòng hữu phần của các chúng sinh, họ không thể nào tìm được hạnh phúc chơn thực trong khi còn đang lang thang trong vòng tử sinh luân hồi, và chắc chắn cũng sẽ không thể tìm được lối thoát ra khỏi vòng trầm luân ấy.
XIV. Những Lợi Ích Xuất Phát Từ Việc Đoạn Diệt Hoàn Toàn Thân Kiến
1. Không Còn Tái Sinh Vào Địa Ngục
Khi người ta có thể tẩy trừ thân kiến vốn là căn nguyên của tà kiến, thì những hiện tượng tâm lý đã từng đi kèm theo dòng hữu phần của họ trong quá khứ, đang đi kèm trong kiếp hiện tại và sẽ đi kèm với dòng hữu phần của họ trong các kiếp tương lai này, sẽ bị hủy diệt hoàn toàn.
Lúc ấy họ sẽ trở thành kẻ thừa tự của những thiện nghiệp mà họ đã làm trong quá khứ, đang làm trong hiện tại, và sẽ làm trong kiếp tương lai. Một khi các chúng sinh này đã loại bỏ được thân kiến, thì mọi tà kiến, mọi bất thiện tâm sở và ác nghiệp dẫn họ vào bốn ác đạo sẽ diệt cùng với thân kiến ấy. Họ không còn phải tái sinh trong bốn ác đạo, và chắc chắn sẽ thoát khỏi sự kềm kẹp của chúng trong các kiếp sống tương lai. Vì họ không còn tạo tác những ác nghiệp, nên họ sẽ vĩnh viễn thoát khỏi mọi điều ác.
2. Chứng Đắc Niết Bàn
Sự dập tắt hoàn toàn của mọi phiền não bao gồm tà kiến, tà pháp, v.v… và sự dập tắt hoàn toàn của ác nghiệp với các uẩn hữu vẫn còn được gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn (sa-upādisesa-nibbāna) hay cảnh giới siêu thế, cảnh giới của các bậc thánh.
3. Không Còn Chết
Hữu Dư Y Niết Bàn – trạng thái diệt tận mọi phiền não, như tà kiến, v.v.. với các uẩn hữu vẫn còn (nghĩa là còn thân ngũ uẩn nhưng tâm phiền não đã diệt), không bao giờ bị hư hoại, tiêu hủy hay thối đọa, trong các kiếp tương lai. Trạng thái này là thường hằng và vĩnh cửu; nó không bao giờ thay đổi, không bao giờ hư hoại, không bao giờ mất đi; và không bao giờ diệt vong. Trạng thái này không có ‘sát na hoại’, nên được gọi là bất tử (amata).
4. Không Tạo Tác
Những ai đạt đến trạng thái dập tắt mọi phiền não và căn nguyên phát sinh thân kiến – attā diṭṭhi – như vậy sẽ thấy rằng trạng thái tận diệt này không bao giờ bị hủy hoại trong tương lai. Những tà kiến, tà pháp và tà nghiệp sẽ không thể nào khởi lên trong tâm họ trở lại. Trạng thái không còn tạo tác những ác nghiệp mà vốn sẽ dẫn họ vào các cõi khổ này sẽ chẳng bao giờ bị hủy hoại, cũng không bao giờ bị hư hao. Và họ sẽ chẳng còn phải tái sinh nữa.
Sự dập tắt của mọi phiền não này là bất tử giới (amata-dhātu – trạng thái không còn tử-sinh) hay còn gọi là vô vi giới (asaṅkhāta-dhātu).
5 . Những Cõi Bậc Nhập Lưu Sẽ Tái Sinh
Kể từ lúc thân kiến bị dập tắt trong tâm của những người đã đạt đến Hữu Dư Y Niết Bàn (sa-upādisese-nibbāna), là họ đã vượt qua giai đoạn phàm phu (puthujjana) và không còn nằm trong lãnh vực của phàm nhân nữa. Từ đây họ bắt đầu hiện hữu trong cảnh giới của các bậc thánh và trở thành cư dân của cảnh giới (siêu thế) ấy.
Những người đã đoạn trừ hoàn toàn thân kiến này sẽ chỉ luân chuyển giữa các cõi nhân-thiên tối đa là bảy lần nữa trong vòng luân hồi và cuối cùng thì đạt đến Niết Bàn. (Ghi chú: Ở đây đang nói về bậc Thánh Nhập Lưu – sotapanna)
Tuy nhiên, đối với một số vị thánh Nhập Lưu sẽ tái sinh vào các cõi Phạm Thiên, hay những vị đang luân chuyển trong các cõi Phạm Thiên thì không có sự hạn định này, vì họ đã trở thành hạng uddhāgāmi-puggalā (những chúng sinh sẽ sống qua những tầng phạm thiên cao hơn). Họ có thể trải qua các cõi Phạm Thiên trong hàng trăm, hàng ngàn hoặc hàng trăm ngàn kiếp và đại kiếp; song họ sẽ không bao giờ phải sinh vào bốn ác đạo, cũng như không bao giờ luân chuyển trong các cõi nhân-thiên (dục giới).
Do thiện nghiệp trong quá khứ và hiện tại của họ làm duyên, các bậc thánh này sẽ tiến triển qua những cõi an vui. Trong tương lai cũng vậy, họ chỉ thực hiện những thiện nghiệp và không bao giờ nghĩ đến việc làm các ác nghiệp. Thân kiến, vốn là căn nguyên của tà pháp và ác nghiệp, đã được họ dập tắt hoàn toàn.
Các bậc Thánh đã xua tan thân kiến này sẽ trở thành kẻ thừa tự của nghiệp hiện tại. Họ có những thiện nghiệp để đưa họ đến cõi sống an vui và chắc chắn chỉ có đi đến cõi đó mà thôi. Vì họ đã thành tựu những pháp cao quý, nên họ trở thành các bậc đáng tôn quý. Vì họ hiện hữu trong cảnh giới, nơi đây thiện nghiệp thuần tịnh có nhiều, nên họ trở thành những cư dân của cảnh giới ấy. Vì họ có ‘tuệ nhãn’ nhờ đó họ có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế, nên họ là các bậc thánh. Trong tương lai, dù còn phải dong duỗi bất kỳ kiếp sống nào, họ cũng sẽ có đầy đủ trí tuệ của bậc thánh (ariya-paññā). Vì họ đã vượt qua giai đoạn của phàm nhân chưa thể xua tan thân kiến, nên họ trở thành thánh nhân – những cư dân của cảnh giới siêu thế.
Trong thời kỳ đức Phật có rất nhiều gia chủ (người cư sĩ) ở Sāvatthi, Benares, Vesāli,Rājagaha (những kinh thành mà đức Phật đã đi qua trong thời kỳ hoằng pháp) trở thành bậc Thánh Nhập Lưu (sotāpana) sau khi đã xua tan thân kiến (attā-diṭṭhi).
Kinh điển ghi chép rằng Phạm Thiên Vương Sanankumāra đã có lần bộc lộ cho biết là có vô số bậc thánh trong thế gian này.
Tất nhiên, những người đã đắc nhập lưu trong thời kỳ Đức Phật bây giờ vẫn còn đang sống trong sáu cõi trời dục giới. Các vị Tu-đà-hoàn này được gọi là ‘uddham sota-puggala’ (những vị đang hướng lên các cõi cao hơn – Thượng lưu thiện thú nhân), và sẽ không bao giờ tái sinh vào một cảnh giới thấp hơn.
Có thể nói, mười ngàn thế gian trong cõi thọ sanh (jāti-khetta), có hàng tỷ tỷ, số lượng không thể tính được các vị chư thiên Tứ Đại Thiên Vương là bậc nhập lưu. Trong năm cõi trời dục giới khác và các cõi Phạm Thiên như Phạm Chúng Thiên (brahmaparisajjā)chẳng hạn, số lượng các vị Tu-đà-hoàn nhiều không tính kể. Các vị này được gọi là uddhagāmi-puggalā (Thượng lưu thiện thú nhân) sẽ không bao giờ tái sinh vào một cõi thấp hơn.
CÁC BÀI VIẾT TRONG SÁCH
- Chánh Kiến & Nghiệp – Ledi Sayadaw & Nhiều Tác Giả – Lời Nói Đầu
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương I: Nghiệp Dưới Cái Nhìn Của 1 Cư Sĩ
- Nghiệp Và Lý Nhân Quả – Câu Chuyện Của Francis (tiếp chương I)
- Nghiệp Hoạt Động Thế Nào? Tái Sinh & Chú Niệm Trong Đời Sống & Lúc Chết?
- Hành Động & Phản Ứng – Câu Chuyện Của Leonard A.Bullen
- Nghiệp & Tự Do Ý Chí – Chia Sẻ Của Francis
- Những Suy Nghĩ Về Nghiệp & Quả Của Nghiệp – Nyanaponika Thera
- Nghiệp Là Gì? Những Quan Điểm Sai Lầm Về Nghiệp – K. Sri Dhammananda
- Nghiệp Là Gì: Tái Sinh Có Xảy Ra Đồng Thời Với Sự Chết Không, Sát Na Tử?
- Nghiệp Là Gì – Liệu Có Thể Thay Đổi Được Không? Năng Lực Công Bằng?
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương II: Chánh Kiến Tường Giải – Ba Loại Tà Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Phản Bác Tiền Định Kiến, Tạo Hoá Kiến, Vô Nhân Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Về 3 Tà Kiến & Phản Bác Tiền Định Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Từ Nghiệp Sở Hữu & 3 Lĩnh Vực Chính – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Bác Thuyết Tạo Hoá & Vô Nhân Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Về Kammassaka-Vada & Thân Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Cái Tôi Làm Cho Con Người Xấu Xa Thế Nào? Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương III: Quy Luật Vận Hành Của Nghiệp – Sayadaw U Silananda
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương IV: Nghiệp Phân Tích Theo Vi Diệu Pháp
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương V: Nghiệp & Quả: 1 Số Giải Thích Về Nghiệp
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Bố Thí
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Giữ Giới & Tu Thiền
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Cung Kính, Phục Vụ,.. Chánh Kiến
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VII: Các Thiến Trình Tâm Cận Tử
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VIII: Tái Sinh
- Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P1)
- Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P2)
- Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P3)