Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Giữ Giới

2. GIỮ GIỚI

Người ta thường nói rằng, “Giới là đức hạnh cao quý hơn bố thí.” Có lẽ bạn không dễ bị thuyết phục bởi điều này, tuy nhiên có một ý nghĩa thâm sâu nằm dưới lời tuyên bố ấy. Để hiểu được ý nghĩa này đòi hỏi phải có một lý luận nghiêm túc. Trong thế gian này, bảo vệ và che chở cho người khác khỏi những nỗi bất hạnh và khổ đau là một việc làm cao quý. Nâng cao hạnh phúc và thịnh vượng của tha nhân cũng là một việc làm cao quý khác. Bố thí giúp người khác được sống thuận lợi. Giữ giới bảo vệ họ khỏi những điều bất hạnh khổ đau.

[Sīla (giới) ở đây có nghĩa là giữ ngũ giới và ăn ở theo đúng hoạt mạng đệ bát giới – Ājīvaṭṭhamaka sīla – giới và chánh mạng kể như giới thứ tám. Giữ Bát quan trai giới và Thập giới]

* Nhiệm vụ của bố thí

Con người phải có trách nhiệm đối với việc làm của mình. Giả sử một người đang khổ vì nghèo do nghiệp riêng của họ; giúp đỡ người nghèo này có nghĩa là bố thí. Các vị Tỳ khưu không phải là những người nghèo đúng theo nghĩa của nó, song các vị cần bốn món cần thiết (tứ vật dụng; thực phẩm, y áo, thuốc men, chỗ ở) để duy trì sự sống của mình; vì thế cũng có thể xem họ là những người nghèo túng. Do đó cúng dường vật thực và những vật dụng cần thiết đến các vị Tỳ Khưu cũng có nghĩa là bố thí.

Một số vị Tỳ Khưu hoặc Trụ trì thọ nhận rất nhiều của cúng dường và khéo giữ gìn (những vật dụng ấy). Tuy thế nếu bạn cúng dường cho các vị những gì họ cần, đấy cũng là giúp cho người túng thiếu. Ngay cả nếu bạn cúng dường cho họ những vật họ không cần, thì cúng dường của bạn cũng có nghĩa là đang giúp cho người thiếu thốn, vì các vị thường chia sẻ những vật cúng dường ấy cho những vị Tỳ Khưu khác hoặc Cư sĩ thiếu thốn. Dù cho bạn giúp một ít người hay giúp được cho nhiều người, bố thí vẫn là cao quý, là một đức hạnh tuyệt vời. Những ai thực sự hiểu được những lợi ích của bố thí sẽ luôn luôn thấy rằng bố thí là một việc làm chính đáng.

* Tránh sát sanh (Pāṇātipātā-virati)

Còn về Giới, nhiệm vụ của nó là bảo vệ các hữu tình chúng sinh khỏi khổ. Giới thứ nhất của ngũ giới là tránh không sát hại các loài chúng sinh (người và các sinh vật nói chung). Chúng ta hãy tưởng tượng những hậu quả khủng khiếp của việc vi phạm giới thứ nhất này xem. Hãy nghĩ tới nỗi bất hạnh xảy đến với nạn nhân. Hãy hình dung con số những sinh vật ở biển, các loại trâu bò, gia cầm, v.v… phải bị giết do chúng ta không giữ giới thứ nhất. Cũng thử hình dung ra những tội giết người đang hoành hành mà cuối cùng sẽ dẫn đến chiến tranh, máu đổ tràn lan khắp toàn cầu này xem. Đó là sự thực hiển nhiên cho thấy rằng giới thứ nhất (không sát sanh) này không ai được phép vượt qua vì điều đó sẽ gây ra tai hoạ cho một người và cho mọi cư dân của quả đất này vậy.

Nhờ giữ nguyên tắc bất sát, bạn cứu được mạng sống của một, hai, ba hoặc vô số chúng sinh khác. Giới bảo đảm cho sự an toàn của mọi chúng sinh và làm thăng hoa các trạng thái tâm cao thượng: từ (mettā), bi (karuṇā) và hỷ (muditā) đối với tất cả chúng sinh. Từ đó, thế gian này sẽ trở thành một trú xứ cát tường nơi mọi hữu tình chúng sinh sống với nhau một cách an bình, hạnh phúc.

So sánh

Bây giờ khi bạn đã thấy được lòng nhân từ của bố thí và lòng nhân từ của giữ giới, ắt hẳn bạn sẽ tin chắc rằng giới là đức hạnh cao quý hơn bố thí rồi phải không. Chúng ta có thể so sánh mức độ hoan hỷ của người thọ nhận một món quà với mức độ hoan hỷ của người được tha chết cảm nhận. Người sau chắc chắn sẽ ngàn lần vui sướng hơn người trước. Cũng vậy, sự vui mừng của một người đang đói được cho ăn và sự vui mừng của một người bị kết án tử hình được ân xá khác nhau một trời một vực. Người trước không cách nào có thể so sánh với người sau được.

* Tránh trộm cắp (Adinnādāna-virati)

Người ta có thể đau khổ cùng cực khi của cải của họ bị đánh cắp hay bị ăn trộm. Trên bình diện rộng hơn, Vua Chúa và Hoàng Tộc cũng như những công dân của một đất nước còn cảm thấy đau đớn hơn rất nhiều khi quê hương họ bị kẻ khác xâm lăng. Đất nước bị xâm lăng ấy sẽ ngày càng nghèo nàn hơn do người dân trong nước không thể tận dụng hết được những nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước họ. Vì thế trộm cắp gây ra bao nỗi khổ và bất hạnh cho các nạn nhân. Do đó, tránh trộm cắp – adinnādāna virati, được xem là một giới có công năng giải thoát mọi người khỏi khổ đau và bất hạnh và còn tạo được sự bình yên cả về thể xác cũng như tinh thần.

* Tránh tà dâm (Kāmesu-micchācāra virati)

Hàng phàm phu (puthujjana) thường rất thích các dục lạc đặc biệt là khoái lạc của sự xúc chạm hay khoái lạc của thân thể. Không một người có ý thức nào chịu chia sẻ, huống nữa là cho không, vợ hay chồng của mình cho người khác. Mọi người ai cũng rất quý cái nửa (vợ hay chồng) của mình, và không ngại bảo vệ nó một cách mãnh liệt. Họ có thể chịu đựng được sự mất mát tài sản đến một mức độ nào đó, chứ tuyệt đối không thể dung thứ kẻ phạm tội đối với vợ hay chồng của họ. Bởi thế tránh tà dâm nghĩa là tránh gây đau khổ cho người khác, và tránh chuyện ngoại tình hay tránh sự quá đáng về tình dục sẽ mang lại bình yên cho mọi người.

* Tránh nói dối (Musāvāda-virati)

Những ai đã từng nếm trải việc bị gian lận, lường gạt hoặc bị nói dối hẳn cũng đã phải chịu đựng một hình thức phẫn nộ nào đó, dù có hơi vi tế. Hậu quả tai hại của việc bị lừa thực là dễ thấy. Một số kẻ nói dối sành sỏi trong nghề của họ đến độ thậm chí có thể lừa được cả toàn xứ sở. Ngày nay, có nhiều nhà lãnh đạo các giáo phái khi truyền bá tín ngưỡng của họ tự nhận đó là chân lý tuyệt đối. Bởi thế hàng triệu người đã bị dẫn đi lạc đường, cuối cùng gặp phải biết bao là tai hoạ. Do đó, tránh nói dối nghĩa là đã bảo vệ người khác khỏi khổ vậy.

(Ngay cả những người Phật tử chúng ta cũng vậy, khi gặp phải những vị pháp sư rởm thích truyền bá những tín ngưỡng sai lạc, và những vị không có đủ trình độ, đáng buồn thay, lại có đức tin lớn nơi những người như vậy và còn tỏ ra rất tôn trọng họ. Đây là điều đáng để chúng ta suy gẫm)

* Tránh uống rượu và các chất say (surāpāna virati)

Người đã dùng một loại chất say nào đó tất nhiên sẽ phải gánh chịu những hậu quả xấu trong những kiếp sau của họ. Song nếu họ chỉ uống một mình và không gây hại cho ai khác, điều đó còn có thể tha thứ được. Tuy nhiên hầu hết những người uống rượu, khi đã say rồi họ sẽ phạm vào các giới khác không hề do dự. Họ sẵn sàng cãi nhau, giết nhau, trộm cắp hoặc nói dối. Cũng như một tay đầu sỏ tất nhiên không bao giờ tự mình phạm vào một tội ác nào hết, mà chỉ sai bảo lũ đàn em của mình làm những việc đó, rượu hoặc các chất gây say cũng vậy, xúi dục những con nghiện phạm vào các tội ác mà không ngăn cản. Họ sẽ không hề tỏ ra miễn cưỡng khi phạm tội giết người, hiếp dâm, đốt nhà, trộm cắp, v.v… Trở thành một kẻ nghiện kinh niên nghĩa là đang theo con đường phóng dật và gây đau khổ cho gia đình gần gũi nhất, tức là cha me, vợ chồng, con cái, anh em của mình. Sau đó người nghiện này còn gây phiền muộn cho hàng xóm láng giềng của anh ta. Những ai tránh được uống rượu và các chất say sẽ tránh được cho thế gian những phiền muộn và khổ đau này.

Sau khi hiểu rõ những lợi ích của việc giữ ngũ giới, bằng một thái độ tương tự, chúng ta có thể tiếp tục nghiên cứu những lợi ích của hoạt mạng đệ bát giới, hay giới có chánh mạng (sammā ājīva) là thứ tám. Từ trước đến đây chúng ta đã thấy rằng việc giữ ngũ giới sẽ cứu thế gian này khỏi những phiền muộn và lo lắng. Giờ đây chúng ta đã thực sự hiểu được Giới cao quý hơn cả bố thí. Với quan niệm này mọi người chúng ta nên thận trọng giữ gìn giới, nhất là ngũ giới căn bản này. Cầu mong quý độc giả có thể giữ gìn trong sạch ngũ giới và truyền bá lòng từ ái (mettā) và bi mẫn (karuṇā) đến tất cả chúng sinh!

* Bát quan trai giới (Uposatha – sīla)

Các giới thuộc uposatha (bát quan) như: phạm hạnh (brahmacariya hoặc tránh việc hành dâm) và tránh việc thọ thực sau mười hai giờ trưa không thuộc về loại giới (sīla) giống như ngũ giới đã đề cập trên mà chúng ta giữ chỉ để không làm tổn hại kẻ khác; những giới này được giữ để làm cho tâm chúng ta cao thượng. Nói rõ hơn, giới Bát quan trai (uposatha) là giới mà chúng ta giữ một cách nghiêm túc chứ không như kiểu người ta thường giữ để người chung quanh chú ý, nên được gọi là Thánh giới (Ariya uposatha).

Vì thế, những người giữ Bát quan trai giới, sau khi đã thọ giới xong nên độc cư hành thiền, quán tưởng các ân đức của Phật, Pháp, Tăng, hoặc niệm tưởng các đức hạnh bố thí và trì giới của họ. Nhờ thế họ sẽ thấy rằng tham, sân, si và các trạng thái tâm bất thiện khác càng ngày càng ít khởi lên trong họ. Tâm họ mỗi ngày mỗi thanh tịnh và cao thượng hơn. Như vậy, rõ ràng rằng Bát quan trai giới không chỉ là giữ giới đơn thuần mà còn là một người bạn đồng hành của việc tu thiền (bhāvanā) nữa. Do đó, Bát quan trai giới được xem là pháp hành cao quý hơn ngũ giới thông thường.

3. TU THIỀN (Bhāvanā)

Bhāvanā nghĩa là phát triển hay trau dồi tâm. Nó là một hình thức của ý nghiệp (manokamma) làm cho tâm trở nên thanh tịnh. Khi bạn thành tâm ước mong cho hạnh phúc của tất cả chúng sinh và phát toả từ tâm đến họ, là bạn đang thực hành mettā-bhāvanā (thiền tâm từ). Trước tiên bạn trau dồi tâm từ trong tâm bạn và rồi cố gắng phát triển nó sao cho toàn thể con người bạn được thấm đẫm với lòng từ này.

Khi tâm từ đã phát triển trong tâm, bạn cảm thấy xót thương cho những người nghèo đói, bơ vơ không nơi nương tựa. Do đó, bạn phát toả những ý nghĩ trắc ẩn hay tâm bi đến những người cơ nhỡ. Đây gọi là karuṇā bhāvanā (thiền tâm bi). Giờ đây bạn sẽ phát triển một thôi thúc mãnh liệt muốn làm vơi nhẹ những nỗi khổ đau của người nghèo và bất hạnh. Từ khi tâm từ và tâm bi nảy nở trong bạn, bạn bắt đầu cảm thấy hoan hỷ đối với người giàu. Bạn cảm thấy một niềm hoan hỷ vị tha thực sự đối với họ. Đây là muditā bhāvanā (thiền tâm hỷ). Ba loại tu tập thiền (bhāvanā) kể trên có thể được phát triển bởi mọi người với một cái tâm cao thượng trong cuộc sống hàng ngày.

* Đề mục (nghiệp xứ) Tuỳ niệm Ân Đức Phật -Buddhanussati-kammaṭṭhāna

Đối với đề mục tuỳ niệm hay niệm tưởng các Ân Đức Phật (Buddhanussati-kammaṭṭhāna), bạn cần tập trung sâu vào ba thuộc tính: (1) sự tốt đẹp của nhân quá khứ, (2) sự tốt đẹp của quả, và (3) lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Sự tốt đẹp của nhân quá khứ

“Nhân” ở đây muốn nói tới sự hoàn thiện các pháp Balamật (Pāramīs) trong vô lượng kiếp quá khứ. Đức Phật đã thực hiện các nghiệp thiện và hành các Pháp Balamật với nghị lực phi thường. Những việc làm cao quý mà Ngài thực hiện trong suốt kiếp luân hồi không phải để cho riêng Ngài, mà cho sự giải thoát chung của mọi chúng sinh khỏi khổ đau trong trầm luân sinh tử. Chẳng hạn, chúng ta hãy nhớ lại việc thực hiện pháp bố thí balamật của Đức Vua Vessantara, tiền thân Đức Phật của chúng ta xem.

Phần lớn mọi người bố thí là để được nổi tiếng như một đại thí chủ. Thậm chí họ còn xem mình là ân nhân của người thọ nhận, và những người này cần phải biết ơn họ, nếu có thể phải tỏ lòng tri ân họ nữa. Họ hy vọng được tái sinh trong những cảnh giới cao sang. Họ nguyện đắc Niết-bàn chỉ có tính cách chiếu lệ. Còn đối với Đức Vua Vessantara thì khác, ngay khi vừa sinh ra đời, Ngài đã yêu cầu mẹ cho ngài một vật gì đó để bố thí bằng cách chìa bàn tay ra xin mẹ. Là một đứa trẻ thơ Ngài hoàn toàn không có mục đích vị kỷ nào cả. Ngài chỉ có một ước muốn thiết tha được bố thí hợp theo thói quen (vāsanā) của ngài mà thôi.

Do đó, ngài bố thí hết tất cả ngọc ngà châu báu và y áo của mình cho mọi người. Khi lên làm Vua, Ngài cho xây dựng nhiều phước xá và đãi ăn hàng ngày. Những cuộc bố thí của Ngài mỗi ngày lên tới hàng trăm ngàn đồng tiền vàng lúc đó. Ngài thọ hưởng niềm hạnh phúc được thấy mọi người no cơm, ấm áo. Ở đây, cũng vậy, Ngài không hề có ước muốn ích kỷ đối với danh tiếng hoặc mong được tái sinh trong cảnh giới cao sang. Mục đích duy nhất của ngài là được giúp đỡ tha nhân. Ngài tin rằng bổn phận của người giàu là phải chăm lo cho người nghèo. Ước nguyện cứu giúp người nghèo của Ngài quả thực là to lớn.

Việc Ngài bố thí con bạch tượng Paccaya, báu vật của hoàng gia, đã gây sự phản đối ầm ĩ từ phía dân chúng. Song đức Bồ tát Vessantara không lưu tâm đến việc gì khác ngoài ước nguyện chứng đắc toàn giác trí (Sabbaññuta-ñāṇa). Ở đây người ta có thể biện luận rằng mục đích này cũng là vì lợi ích cá nhân của Ngài mà thôi. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng việc chứng đắc toàn giác trí hàm ý gánh vác một công việc gay go hơn đối với Ngài, vì từ đó ngài phải du hành ngàn dặm dưới những điều kiện khác nhau để giảng dạy giáo pháp (của Ngài). Vì thế việc thành tựu toàn giác trí là để phục vụ cho những chúng sinh đang đau khổ, chứ không phải để hoạch đắc lợi lạc cá nhân cho riêng Ngài.

Trong giai đoạn cuối cùng của việc hoàn thiện các pháp balamật như một vị Vua, Đức Bồ tát Vessantara đã bố thí con trai, con gái, và cả Hoàng Hậu, vợ của ngài. Đây là một bằng chứng quá đủ để cho thấy lòng vị tha và thiện chí của ngài đối với tất cả chúng sinh. Chúng ta thử bàn luận chi tiết hơn vấn đề này xem. Có vợ đẹp con khôn được kể như là tột đỉnh của hạnh phúc trong các cõi nhân thiên này. Ngay cả vua Chuyển Luân Vương, nếu không có vợ đẹp, con khôn cũng sẽ không tìm thấy chút hạnh phúc nào trong cuộc đời! Nhưng Đức Bồ tát, Vua Vessantara dám từ bỏ những người thân thương nhất, đó là vợ con yêu quý của mình, và đem bố thí họ cho người khác. Hành động bố thí vô song này chắc chắn không phải vì danh hay lợi, mà vì muốn thành tựu toàn giác trí nhờ đó ngài có thể giải thoát các chúng sinh khỏi khổ.

Với mục đích cao quý và lòng vị tha như vậy, đức Bồ tát đã hy sinh cả sinh mạng của mình để thành tựu hạnh trì giới và kham nhẫn trong nhiều đại kiếp. Ngài cũng đã cứu mạng sống người khác với cái giá phải hy sinh chính sinh mạng của ngài để hoàn thành các pháp balamật khác. Những hành động cao quý và các pháp balamật đã được thành tựu trong những kiếp quá khứ của Ngài là nhân và duyên cho việc trở thành một vị Phật trong thế gian này.

Sự tốt đẹp của quả

Khi những việc làm cao quý và các pháp balamật như vậy đã thành tựu, những kết quả, tự nó chắc chắn sẽ phải là tốt đẹp và cao quý. Do đó, trong kiếp hiện tại, là một vị Phật, Ngài có tướng hảo thanh thoát và tao nhã nhất, trí tuệ cao tột nhất, sức mạnh vĩ đại nhất, và tuệ giác thâm sâu nhất. Bạn nên quán niệm những thuộc tính này của đức Phật, kết quả của những thiện nghiệp quá khứ của Ngài theo chi tiết, khi bạn thực hành đề mục tuỳ niệm Phật.

Những lợi ích các chúng sinh được hưởng

Như trên đã nói, khi những việc làm cao quý và các pháp balamật đã được Đức Phật hoàn thành, chúng sẽ đem lại cho ngài những kết quả thù thắng nhất và cuối cùng thúc đẩy ngài đạt đến toàn giác trí (Sabbaññutā ñāṇa). Sau khi thành Phật, ngài không yên nghỉ trong sự thoả mãn với thành tựu tối thượng này. Suốt bốn mươi lăm năm còn lại của đời ngài, Đức Phật đã thuyết giảng thánh pháp đến mọi tầng lớp con người vì hạnh phúc và lợi ích của họ. Thậm chí, khi sắp nhập Vô-dư Niết-bàn (Mahāparinibbāna) ngài còn khuyến hoá các đệ tử:

Handa dāni bhikkhave āmantayāmi vo,

“Vayadhammā saṅkhārā, appamādena sampādetha”

Hãy nhìn, này các Tỳ khưu, Như Lai khuyên các con,

“Các pháp hữu vi đều có bản chất biến diệt và tan hoại. Do đó, hãy chuyên cần nỗ lực với chánh niệm.”

Những lời dạy của Ngài đã chỉ đường cho chúng sinh thoát khỏi khổ đau và chấm dứt tử sanh luân hồi. Như vậy bạn nên quán niệm với lòng tin sâu xa trên ba thuộc tính vĩ đại trong cuộc đời của Đức Phật, đó là; sự tốt đẹp của các nhân quá khứ, sự tốt đẹp của quả, những lợi ích vun bồi cho các chúng sinh. Từ đó bạn sẽ thấy rằng bạn đã phát triển được một niềm tin trọn vẹn nơi Đức Phật; và bạn tìm đến nương nhờ ngài, bằng cách đọc, “Buddho me saraṇaṁ, aññaṃ natthi – Đức Phật là nơi nương nhờ của con; không có nơi nương nhờ nào khác”. Nhờ thế lòng mộ đạo và đức tin với sự hiểu biết đầy đủ nơi Đức Phật của bạn sẽ đơm hoa kết trái trong dòng tâm tương tục (hữu phần) của bạn. Đây là lời giải thích tóm tắt về pháp thiền tuỳ niệm ân Đức Phật (Buddhanussati – bhāvanā).

Như vậy, sự phát triển của lòng từ (mettā) hoặc sự tu tập niệm Ân Đức Phật trong dòng tâm tương tục của bạn, nói chung, được gọi là bhāvanā (tu tập tâm). Sự tu tập này có thể được thực hành thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể khởi sự, hoặc với mettā-bhāvanā (tu tập tâm từ) hoặc với Buddhanussati-bhāvanā (tu tập niệm Ân Đức Phật) tuỳ bạn thấy pháp nào là thích hợp. Còn về việc thực hành có tính cách miên mật hơn pháp tu tập tâm này, bạn có thể tham khảo từ các cuốn sách khác, chẳng hạn như bộ Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) để có chi tiết đầy đủ hơn.

CÁC BÀI VIẾT TRONG SÁCH

  1. Chánh Kiến & Nghiệp – Ledi Sayadaw & Nhiều Tác Giả – Lời Nói Đầu
  2. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương I: Nghiệp Dưới Cái Nhìn Của 1 Cư Sĩ
  3. Nghiệp Và Lý Nhân Quả – Câu Chuyện Của Francis (tiếp chương I)
  4. Nghiệp Hoạt Động Thế Nào? Tái Sinh & Chú Niệm Trong Đời Sống & Lúc Chết?
  5. Hành Động & Phản Ứng – Câu Chuyện Của Leonard A.Bullen
  6. Nghiệp & Tự Do Ý Chí – Chia Sẻ Của Francis
  7. Những Suy Nghĩ Về Nghiệp & Quả Của Nghiệp – Nyanaponika Thera
  8. Nghiệp Là Gì? Những Quan Điểm Sai Lầm Về Nghiệp – K. Sri Dhammananda
  9. Nghiệp Là Gì: Tái Sinh Có Xảy Ra Đồng Thời Với Sự Chết Không, Sát Na Tử?
  10. Nghiệp Là Gì – Liệu Có Thể Thay Đổi Được Không? Năng Lực Công Bằng?
  11. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương II: Chánh Kiến Tường Giải – Ba Loại Tà Kiến – Ledi Sayadaw
  12. Chánh Kiến Tường Giải – Phản Bác Tiền Định Kiến, Tạo Hoá Kiến, Vô Nhân Kiến – Ledi Sayadaw
  13. Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Về 3 Tà Kiến & Phản Bác Tiền Định Kiến – Ledi Sayadaw
  14. Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Từ Nghiệp Sở Hữu & 3 Lĩnh Vực Chính – Ledi Sayadaw
  15. Chánh Kiến Tường Giải – Bác Thuyết Tạo Hoá & Vô Nhân Kiến – Ledi Sayadaw
  16. Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Về Kammassaka-Vada & Thân Kiến – Ledi Sayadaw
  17. Chánh Kiến Tường Giải – Cái Tôi Làm Cho Con Người Xấu Xa Thế Nào? Ledi Sayadaw
  18. Chánh Kiến Tường Giải – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Ledi Sayadaw
  19. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương III: Quy Luật Vận Hành Của Nghiệp – Sayadaw U Silananda
  20. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương IV: Nghiệp Phân Tích Theo Vi Diệu Pháp
  21. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương V: Nghiệp & Quả: 1 Số Giải Thích Về Nghiệp
  22. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Bố Thí
  23. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Giữ Giới & Tu Thiền
  24. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Cung Kính, Phục Vụ,.. Chánh Kiến
  25. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VII: Các Thiến Trình Tâm Cận Tử
  26. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VIII: Tái Sinh
  27. Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P1)
  28. Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P2)
  29. Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P3)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app