Nghiệp Là Gì: Tái Sinh Có Xảy Ra Đồng Thời Với Sự Chết Không, Sát Na Tử?

Nghiệp là gì: Tái sinh, tái sinh có xảy ra đồng thời với sự chết không, Sát na tử

K.Sri Dhammananda

Tái Sinh

Lòng khát khao hiện hữu và ham muốn các dục lạc không được thoả mãn là nhân của tái sinh.

Người Phật tử xem giáo lý về tái sinh không phải như một lý thuyết thuần túy mà như một sự kiện có thể xác chứng được trong cuộc đời. Tái sinh tạo thành một nguyên lý vững chắc và cơ bản của đạo Phật. Tuy nhiên, tin chuyện tái sinh không chỉ hạn chế trong đạo Phật thôi, mà còn được tìm thấy ở các xứ sở khác, các tôn giáo khác và thậm chí nơi các nhà tư tưởng độc lập với tôn giáo nữa. Pythagore (triết gia và nhà bác học danh tiếng cổ Hy Lạp thế kỷ IV trước CN) có thể nhớ lại tiền kiếp của mình. Plato (triết gia cổ Hy Lạp 427-347 trước CN) có thể nhớ được một số đời sống trước của ông.

 

Theo Plato, con người có thể tái sinh tối đa mười kiếp. Ông cũng tin rằng việc tái sinh trong loài thú là có thật. Có một niềm tin chung giữa những người Ai Cập và Trung Hoa cổ đại rằng chỉ những nhân vật nổi tiếng như các hoàng đế và vua chúa mới tái sinh. Origen, một người Thiên Chúa rất có uy tín, sống vào năm 185 – 254 A.D. cũng tin chuyện tái sinh. Theo ông, không có cái khổ vĩnh hằng nơi địa ngục (như quan niệm của đạo Thiên Chúa). Gorana Bruno, sống ở thế kỷ 16, tin rằng linh hồn của mỗi con người và mỗi con vật chuyển di từ hiện thể này sang hiện thể khác. Năm 1788, Kant (1724-1804), một triết gia người Đức nổi tiếng hậu bán thế kỷ XVIII, đã chỉ trích thuyết trừng phạt vĩnh hằng. Kant cũng tin việc có thể tái sinh nơi các thiên thể (cảnh giới) khác. Schopenhauer (1788-1860), một triết gia Đức vĩ đại khác, được xem như nhà sáng lập ra triết học yếm thế của Tây phương trong tiền bán thế kỷ XIX, nói rằng ở đâu ý chí sống có mặt, ở đó chắc chắn có sự sống. Ý chí muốn sống tự thể hiện liên tục trong những hình thức luôn luôn mới. Đức Phật đã giải thích ‘ý chí muốn sống’ này như là ái hữu (khát khao hiện hữu).

Thực ra việc xác chứng các tiền kiếp là chuyện có thể nhưng không dễ đối với chúng ta. Bản chất của tâm luôn như vậy, nó không cho phép phần lớn mọi người nhớ lại các tiền kiếp của họ. Tâm chúng ta bị áp đảo bởi năm triền cái: tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo cử hối quá, và hoài nghi. Do năm triền cái này, cái thấy của chúng ta bị giới hạn trong phạm vi trần tục và vì thế không thể hình dung được những chuyện tái sinh. Cũng như một tấm gương bị bụi bặm che phủ không phản chiếu hình ảnh như thế nào, tâm cũng thế, khi năm triền cái vây phủ không cho phép người ta nhớ được những tiền kiếp như vậy. Chúng ta không thể thấy được các ngôi sao vào ban ngày không phải vì chúng không có trên bầu trời, mà vì chúng bị ánh sáng mặt trời chói lọi hơn mà thôi. Tương tự, chúng ta không thể nhớ lại các tiền kiếp của mình vì tâm chúng ta hiện nay luôn bị chất nặng với những ý nghĩ trong hiện tại, những sự kiện hàng ngày và những tình cảm phàm tục.

Một chút lưu tâm đến thọ mạng ngắn ngủi của chúng ta trên cõi đời sẽ giúp chúng ta có chất liệu để suy gẫm đến việc tái sinh. Nếu chúng ta xét cuộc đời cùng với ý nghĩa và mục đích tối hậu của nó, và tất cả những kinh nghiệm khác nhau được coi là khả dĩ đối với con người, hẳn chúng ta sẽ đi đến kết luận rằng chỉ trong một đời người ngắn ngủi làm sao có đủ thời gian để chúng ta thực hiện hết những gì thiên nhiên đã định, nói gì đến những cái mà chính con người muốn làm. Phạm vi của kinh nghiệm là vô cùng.

Có một tầm năng lực bao la nằm ngầm trong con người mà chúng ta có thể phát triển được nếu có cơ hội. Điều này đặc biệt đúng với thời buổi hiện nay, nếu ai đó thử làm một cuộc nghiên cứu chuyên môn về lãnh vực này. Chúng ta phát hiện được chính mình có những khát vọng cao cả nhưng không có thời gian để đạt đến đó. Trong khi ấy, đội quân hùng mạnh của dục vọng và ước muốn, những động cơ và tham vọng ích kỷ lại đang tuyên chiến bên trong chúng ta. Những lực đối nghịch này đuổi bắt lẫn nhau cho đến thời điểm chết của chúng ta. Những lực này phải được thử thách, phải được vượt qua, chế ngự và tận dụng. Một đời người không đủ để làm điều này. Nói rằng chúng ta chỉ có một đời người ở đây với những trách nhiệm cần phải thực hiện cho kỳ hết ấy là điều không thể, là để cho ta thấy rằng thế gian và cuộc sống chẳng qua chỉ là một trò đùa ác độc mà thôi.

Chúng ta cần phân biệt giáo lý của đạo Phật về tái sinh với những thuyết đầu thai và hóa thân của các tôn giáo khác. Đạo Phật phủ nhận sự hiện hữu của một linh hồn thường hằng do Thượng đế tạo ra hoặc một thực thể không đổi đầu thai hết kiếp này đến kiếp khác.

Ví như tính đồng nhất tương đối có thể quan niệm được nhờ sự nối tiếp liên tục nhân quả mà không cần một tự ngã hay linh hồn nào, cái chết cũng vậy, có thể tạo ra tái sinh mà không cần phải có linh hồn đầu thai. Trong một đời người, mỗi sát-na tâm vụt đến rồi đi làm phát sinh sát-na tâm kế cùng với sự diệt của nó. Chính xác mà nói, sự sinh và diệt trong từng sát-na của mỗi đơn vị tâm là một lần sinh và tử. Như vậy, ngay cả trong một đời người thôi chúng ta cũng đã trải qua vô số lần tử sinh từng giây phút. Nhưng vì tiến trình tâm cứ liên tục với sự hỗ trợ của chỉ một thể xác vật lý, nên chúng ta xem chuỗi liên tục tâm – thân ấy như tạo thành chỉ một đời sống.

 

Thông thường khi nói tới chết, chúng ta cho đó là sự diệt của những chức năng sống còn (sinh mạng) của thân. Khi thân xác vật lý mất đi sinh lực của nó, nó không còn hỗ trợ cho dòng tâm thức, phương diện tâm lý của tiến trình sống nữa. Nhưng bao lâu còn có sự chấp thủ vào cuộc sống, còn có ước vọng được tiếp tục tồn tại, dòng tâm thức vẫn không chấm dứt cùng với cái chết của thân. Đúng hơn, khi cái chết xảy ra, tức khi thân vật lý diệt, dòng tâm thức được thúc đẩy bởi khát vọng muốn hiện hữu thêm nữa sẽ xuất hiện trở lại với sự hỗ trợ của một thân xác vật lý mới, một thân xác vừa mới hình thành qua sự gặp gỡ của tinh cha và huyết mẹ (tinh trùng và trứng). Như vậy, tái sinh xảy ra liền ngay sau cái chết. Dòng ký ức có thể bị gián đoạn và cảm giác về tính đồng nhất chuyển sang tình trạng mới, song toàn bộ sự tích lũy của kinh nghiệm cũng như tâm tánh đã được chuyển giao qua sinh thể mới, và vòng sanh hữu bắt đầu luân lưu thêm một kỳ hạn nữa.

Vì thế, đối với đạo Phật cái chết không có nghĩa là cánh cửa đi vào đời sống vĩnh hằng hoặc sự hủy diệt hoàn toàn của một chúng sanh. Đúng hơn, chết là cửa ngõ vào một sanh hữu mới, và rồi lại đi đến một cái chết khác như trước.

Vào sát-na cuối cùng của đời người, chức năng vật lý tái tục không còn xảy ra trong tâm một người đang chết. Sự kiện này cũng giống như một người lái xe buông chân ga trước khi dừng lại, nhờ vậy lực kéo không còn tác động vào động cơ nữa. Tương tự, những tính chất vật lý của nghiệp (sắc do nghiệp sanh) không khởi sanh nữa. (Theo Vi Diệu pháp, sắc nghiệp chấm dứt từ sát-na thứ mười bảy tính ngược lại thời điểm chết).

Người Phật tử không cho rằng đời sống hiện tại là đời sống duy nhất giữa hai trạng thái bất tận của khổ đau và hạnh phúc; họ cũng không tin các thiên sứ sẽ rước họ lên thiên giới và để họ sống ở đó vĩnh hằng như quan niệm của các tôn giáo khác. Người Phật tử tin rằng kiếp sống hiện tại này chỉ là một trong vô số những trạng thái hiện hữu và rằng kiếp sống trần gian chẳng qua chỉ là một giai đoạn trong muôn vàn giai đoạn khác của vòng sinh tử luân hồi. Họ tin rằng mọi chúng sinh sẽ phải tái sinh ở đâu đó trong một thời hạn nhất định bao lâu nghiệp thiện, ác của họ còn tồn tại trong dòng hữu phần dưới hình thức tâm lực hay năng lực tinh thần. Ở đây sự giải thích về tâm tiềm thức (hay dòng hữu phần – bhavaṇgā) trong kinh điển Phật giáo không nên lẫn lộn với những gì mà các nhà tâm lý học hiện đại đưa ra, vì lẽ những khái niệm ấy không phải là những từ đồng nghĩa chính xác.

Cái gì là nhân của tái sinh? Đức Phật dạy rằng vô minh tạo ra tham ái. Khát vọng không thỏa mãn được này là nhân của tái sinh. Khi mọi khát vọng được dập tắt, tái sinh chấm dứt. Như vậy, muốn chấm dứt tái sinh, phải diệt tận mọi tham ái. Muốn diệt tham ái, nhất thiết phải đoạn trừ vô minh. Khi vô minh đã được đoạn trừ, con người nhận ra được sự vô ích của mỗi lần tái sinh. Họ cũng thủ tiêu hoàn toàn cái nhu cầu phải chấp nhận một đường lối sống, qua đó khát vọng đối với những lần tái sinh bất tận được thỏa mãn.

Vô minh còn sinh ra những ý tưởng viễn vông và vô lý cho rằng chỉ có một kiếp sống duy nhất dành cho con người, và rằng kiếp sống duy nhất này được theo sau bởi những trạng thái an vui vĩnh hằng hoặc bị hành hạ đời đời.

Đức Phật dạy chỉ có sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế mới phá tan vô minh và đoạn trừ khổ ưu, chứ không do bất kỳ một nguồn lực nào khác. Để phá tan vô minh, chúng ta phải kiên trì thực hành lòng vị tha trùm khắp, phải sống trong chánh hạnh và trau dồi trí tuệ. Chúng ta cũng phải đoạn trừ mọi tham muốn thấp hèn và những lạc thú ích kỷ.

Tái sinh diễn ra như thế nào? Khi thân vật lý này không còn khả năng làm nhiệm vụ nữa, những năng lực tinh thần không chết cùng với nó mà tiếp tục mang một hình tướng nào đó mà ta thường gọi là một đời sống khác. Nghiệp lực tự thể hiện trong hình tướng một con người cũng có thể tự thể hiện trong hình tướng một con thú. Điều này có thể xảy ra nếu một người không có cơ hội phát triển những nghiệp lực tích cực của mình. Năng lực gọi là tham ái, dục vọng, ý chí, khát vọng sống này không dứt cùng với sự ngưng hoạt động của thân, mà tiếp tục thể hiện trong hình tướng khác, tạo ra sự hiện hữu trở lại mà chúng ta gọi là tái sinh.

Ngày nay, ở một số quốc gia trên thế giới có những người đã tự khai mở được trí nhớ về các tiền kiếp của họ. Những sự kiện này đã được giới báo chí dẫn chứng bằng tài liệu rõ ràng. Một số trong họ trước đây chưa từng chấp nhận có một điều gì gọi là tái sinh như vậy cho tới khi những năng lực ký ức về các tiền kiếp của họ xuất hiện. Phần lớn các thông tin mà họ tiết lộ về các kiếp sống quá khứ (của họ) đã được thẩm tra và cho thấy là có căn cứ xác đáng.

Qua thôi miên, một số người cũng đã thành công trong việc tiết lộ những tin tức về tiền kiếp. Một vài trạng thái thôi miên thậm chí còn thâm nhập sâu vào tâm tiềm thức và làm cho người ta có thể nhớ được những kiếp sống quá khứ của họ.

Tái sinh hay sự trở thành liên tục là một sự kiện tự nhiên không do bất kỳ một tôn giáo hay thượng đế nào sáng tạo ra. Việc tin hay không tin tái sinh cũng không làm cho tiến trình tái sinh khác đi chút nào, và cũng không tránh khỏi phải bị tái sinh. Bao lâu tham ái với cuộc sống và với dục lạc hoặc chấp thủ còn tồn tại trong tâm, tái sinh còn xảy ra. Những ai hy vọng và thường cầu nguyện cho mình không phải tái sinh trở lại phải hiểu rằng ước nguyện của họ sẽ không bao giờ thành hiện thực cho đến chừng nào họ thực hiện được những nỗ lực nghiêm túc để đoạn tận tham ái và chấp thủ. Sau khi đã nhận ra và trải nghiệm tính bấp bênh và bất toại nguyện của cuộc đời dưới những điều kiện thực tế, bậc trí cố gắng giải thoát tự thân khỏi vòng tử sinh miên viễn ấy bằng cách đi theo chánh đạo. Những ai không thể giảm thiểu được lòng tham ái và chấp thủ của mình phải sẵn sàng để đối diện với tình trạng bấp bênh và không vừa ý của cuộc đời cùng với sự tái sinh và trở thành bất tận.

Tái Sinh Có Xảy Ra Đồng Thời Với Sự Chết Không?

 

Một điều khó hiểu khác về tái sinh là không biết việc tái sinh có xảy ra đồng thời không. Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa các học giả Phật giáo nổi tiếng. Theo Vi-Diệu-pháp (Abhidamma), tái sinh (sự thụ thai) xảy ra liền sau cái chết của một chúng sinh không có bất kỳ một trạng thái trung gian nào cả. Tuy nhiên, một số người lại tin rằng sau khi chết con người sẽ tiến triển sang dạng ma qủy trong một thời gian nhất định nào đó trước khi tái sinh diễn ra. Số khác cũng tin như vậy, nhưng giải thích rằng đó không phải là ma quỷ, mà là thần thức hay tâm lực của người chết còn lưu lại trong hư không, nhờ năng lực của tham ái và chấp thủ của họ nâng đỡ. Tuy nhiên, sớm muộn gì tái sinh cũng phải xảy ra. Những hồn ma (thực ra là hàng ngạ qủy – petas) là những chúng sinh bất hạnh, song đời sống của họ dưới hình thức ngạ qủy này không lâu dài và đó cũng là một hình thức tái sinh, dù chỉ nhất thời.

Một khái niệm khác mà đa số mọi người không thể hiểu nổi là trong tiến trình tái sinh, sao một người có thể sinh làm thú và một con thú lại sinh làm người được. Bản chất thú vật của tâm con người và lối sống chẳng khác gì loài thú đã được họ chấp nhận có thể làm duyên cho việc tái sinh làm thú của họ. Điều kiện và hành vi ứng xử của tâm chịu trách nhiệm cho đời sống kế tiếp. Ngược lại, một người, do một lạm dụng tinh thần nào đó trong kiếp trước, phải sinh trong hình tướng thú vật, vẫn có thể tái sinh làm người trở lại nếu con vật ấy không phạm một ác hạnh nghiêm trọng nào. Một sự kiện mọi người đều thấy rõ là có những con vật rất thông minh. Đây là một bằng chứng hiển nhiên cho thấy rằng chúng có khuynh hướng hướng về đời sống làm người. Cũng có trường hợp một người sinh làm thú có thể tái sinh lại làm người khi ác nghiệp tạo điều kiện cho việc tái sinh làm thú của họ đã hết và thiện nghiệp tích lũy từ trước trở nên ưu thế hơn.

Sát-na Tử

 

Trong tâm người sắp lâm chung có ba loại tâm hay thức (vinnāna) làm nhiệm vụ vào sát-na tử: thức tục sinh (patisandhi citta), dòng tâm thụ động hay dòng thức hữu phần (bhavanga-citta), và tử tâm hay thức tách rời kiếp sống hiện tại (cuti-citta). Vào sát-na cuối cùng của kiếp hiện tại, tâm tục sinh hay kiết sinh thức khởi lên, lấy một trong ba tướng (nghiệp, nghiệp tướng, và thú tướng) làm đối tượng của nó. Tâm tục sinh tồn tại trong tiến trình nhận thức chỉ năm sát-na tốc hành (thay vì bảy như bình thường) và rồi chìm vào dòng hữu phần. Cuối dòng hữu phần tâm tử phát sinh, tách rời kiếp hiện tại và chìm lại vào hữu phần. Ngay sát-na (tử tâm) này kiếp hiện tại chấm dứt. Cuối sát-na hữu phần ấy, tâm tục sinh khác sinh lên trong kiếp kế và ngay từ sát-na này đời sống mới bắt đầu. Đây là tiến trình của sự chết và tái sinh theo đạo Phật, và chỉ có trong đạo Phật, tiến trình của hiện tượng tự nhiên này mới được giải thích đến từng chi tiết nhỏ nhặt.

Khi đối diện với cái chết, người Phật tử không xem đó như một cuộc khủng hoảng mà như một sự kiện bình thường, vì họ hiểu rằng bất kỳ ai đã sinh ra trong đời này đều phải chịu cảnh suy tàn và cuối cùng là chết. Hoặc, như ai đó đã khéo diễn đạt sự kiện ấy như vầy, “Mỗi người được sinh ra với tấm giấy chứng tử ngay từ lúc chào đời.” Nếu mọi người có thể nhìn vào cái chết với thái độ hiểu biết hợp lý như thế, chúng ta sẽ không bám víu vào cuộc sống một cách cố chấp nữa.

Ayamantima jati’ natthidani punabbhavo’ (Dhamma Cakka Sutta)

 

CÁC BÀI VIẾT TRONG SÁCH

  1. Chánh Kiến & Nghiệp – Ledi Sayadaw & Nhiều Tác Giả – Lời Nói Đầu
  2. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương I: Nghiệp Dưới Cái Nhìn Của 1 Cư Sĩ
  3. Nghiệp Và Lý Nhân Quả – Câu Chuyện Của Francis (tiếp chương I)
  4. Nghiệp Hoạt Động Thế Nào? Tái Sinh & Chú Niệm Trong Đời Sống & Lúc Chết?
  5. Hành Động & Phản Ứng – Câu Chuyện Của Leonard A.Bullen
  6. Nghiệp & Tự Do Ý Chí – Chia Sẻ Của Francis
  7. Những Suy Nghĩ Về Nghiệp & Quả Của Nghiệp – Nyanaponika Thera
  8. Nghiệp Là Gì? Những Quan Điểm Sai Lầm Về Nghiệp – K. Sri Dhammananda
  9. Nghiệp Là Gì: Tái Sinh Có Xảy Ra Đồng Thời Với Sự Chết Không, Sát Na Tử?
  10. Nghiệp Là Gì – Liệu Có Thể Thay Đổi Được Không? Năng Lực Công Bằng?
  11. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương II: Chánh Kiến Tường Giải – Ba Loại Tà Kiến – Ledi Sayadaw
  12. Chánh Kiến Tường Giải – Phản Bác Tiền Định Kiến, Tạo Hoá Kiến, Vô Nhân Kiến – Ledi Sayadaw
  13. Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Về 3 Tà Kiến & Phản Bác Tiền Định Kiến – Ledi Sayadaw
  14. Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Từ Nghiệp Sở Hữu & 3 Lĩnh Vực Chính – Ledi Sayadaw
  15. Chánh Kiến Tường Giải – Bác Thuyết Tạo Hoá & Vô Nhân Kiến – Ledi Sayadaw
  16. Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Về Kammassaka-Vada & Thân Kiến – Ledi Sayadaw
  17. Chánh Kiến Tường Giải – Cái Tôi Làm Cho Con Người Xấu Xa Thế Nào? Ledi Sayadaw
  18. Chánh Kiến Tường Giải – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Ledi Sayadaw
  19. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương III: Quy Luật Vận Hành Của Nghiệp – Sayadaw U Silananda
  20. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương IV: Nghiệp Phân Tích Theo Vi Diệu Pháp
  21. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương V: Nghiệp & Quả: 1 Số Giải Thích Về Nghiệp
  22. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Bố Thí
  23. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Giữ Giới & Tu Thiền
  24. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Cung Kính, Phục Vụ,.. Chánh Kiến
  25. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VII: Các Thiến Trình Tâm Cận Tử
  26. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VIII: Tái Sinh
  27. Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P1)
  28. Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P2)
  29. Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P3)

 

 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app