Cách thức tu tập cổ xưa | 2018 | Thiền Viện Kyunpin | bài 1

Tóm tắt: Ngài Thiền Sư giảng cho thiền sinh mới về cách thức tu tập thời Đức Phật, về tầm quan trọng của việc nghe theo lời dạy của thiền sư, về các phẩm tính của thiền sinh.

Cách thức tu tập cổ xưa
( Ngài thiền sư Kyunpin (U Jatila) giảng tại Thiền viện Kyunpin, Myanmar, năm 2018)
Hôm nay thiền sư gặp gỡ những thiền sinh mới. Dù nói là thiền sinh mới nhưng có những thiền sinh đã hành thiền ở nơi khác do vậy thiền sư muốn nói về cách thức tu tập cổ xưa thời Đức Phật. Thời đó, thiền sinh tu tập thứ dưới sự hướng dẫn của thầy và người thầy đóng vai trò quan trọng đối với sự tiến bộ của thiền sinh. Biết rõ cách thức tu tập cổ xưa này và làm theo, thiền sinh nơi đây có thể vượt qua nhiều khó khăn.
Để học thiền, thiền sinh thỉnh cầu vị thầy mình rằng thầy hãy dạy con cách tu tập, uốn nắn, sửa chữa cho con để con có thể thoát khỏi luân hồi sinh tử, đau khổ. Và khi nhận thiền sư là thầy, thầy nói gì thiền sinh cần chăm chú lắng nghe và làm theo hướng dẫn. Thiền sinh có thể đã hành thiền theo cách thức nào đó ở nơi khác trước kia, nhưng khi đến đây thiền sinh cần tạm thời gác qua một bên những gì đã học và hành trước kia và nghiêm túc làm theo những gì vị thầy hiện thời hướng dẫn. Thiền sinh nghiêm túc làm theo hướng dẫn thì thầy quan tâm, chăm chút thiền sinh nhiều hơn và mối quan hệ này trở nên tốt đẹp.
Về phía mình thiền sư đã dạy thiền 20 năm và đảm bảo rằng thiền sư có khả năng hướng dẫn thiền sinh hành thiền. Nếu làm đúng theo hướng dẫn của thiền sư thì thiền sinh chắc chắn sẽ thấy Pháp, có những tiến bộ cao hơn và có thể thoát khỏi luân hồi, sinh tử. Về phía thiền sinh, thiền sinh cần hiểu mình đến đây là để học từ thiền sư, vậy cần cởi mở, chấp nhận phương pháp này.
Mỗi năm luôn có vài thiền sinh không muốn làm theo phương pháp mà thiền sư dạy. Thiền sinh không làm theo thì thiền sư cũng chẳng sao cả nhưng thiền sinh đến đây và muốn được thiền sư dạy dỗ nên ngài khuyên thiền sinh nên làm theo để có lợi lạc. Thiền sinh đừng coi thường thiền sư và người thông dịch. Thiền sư là thầy dạy, người thông dịch đến từ Mỹ xa xôi và thí chủ hỗ trợ tài chính. Nên thiền sinh cần có thái độ tôn trọng thiền sư, người thông dịch và thí chủ nơi đây đã tạo điều kiện để thiền sinh có cơ hội tu tập trọn vẹn.
Thiền viện này bắt đầu đón nhận thiền sinh từ năm 2009 và thiền sư đã gặp nhiều loại người. Có thiền sinh tin mình thành thánh, rằng mình tu tập rất cao và muốn tu riêng trong phòng, theo cách thức riêng và không muốn trình bày kinh nghiệm hành thiền với thiền sư. Nếu thiền sinh biết cách tu tập rồi thì có thể ở nhà hay chùa tự tu nhưng khi đến đây và nhận thiền sư làm thầy thì thiền sinh cần cởi mở, thành thật và chấp nhận phương pháp tu tập mới này. Đừng khăng khăng cho rằng tôi đã biết mọi thứ, rằng tôi đã hiểu và kinh nghiệm Pháp rồi. Làm như vậy thì thiền sinh khó tiến bộ.
Hiện nay có nhiều phương pháp tu tập nhưng nếu là phương pháp tu tập đúng đắn thì tất cả phương pháp tu tập chỉ là một ở nghĩa là khi việc tu tập của thiền sinh tiến bộ thì cách thức đó giúp loại trừ ô nhiễm, chấm dứt mọi đau khổ.
Ô nhiễm trong tâm thật khó thấy. Vì không thấy rõ ô nhiễm gây phiền muộn, đau khổ, không loại trừ được ô nhiễm thì thiền sinh không thể tiến bộ và vẫn còn đòi hỏi phải như thế này, như thế nọ theo sở thích, bản tính riêng và vẫn lầm tưởng rằng mình đang hành thiền ở bậc cao và tiến bộ. Thiền sư khuyên thiền sinh nên thành thật, cởi mở, chấp nhận phương pháp này và thực hành theo. Khi tiến bộ, khi ô nhiễm trong tâm suy yếu thì thiền sinh có thể tu tập bất kỳ nơi đâu.
Thời Đức Phật, có 500 tỳ khưu vào rừng hành thiền. Sau vài ngày các vị gặp khó khăn và trở về gặp Đức Phật xin ngài chỉ dẫn. Lời Đức Phật dạy rất tuyệt vời. Ai muốn kinh nghiệm niết bàn, muốn tiến bộ trong tu tập, muốn loại trừ đau khổ thì cần có những phẩm tính sau:

  • Thứ nhất là thành thật nơi thân và tâm tức là có cử chỉ thẳng thắn, cởi mở, lời nói, tâm ý không quanh co, dối lừa.
  • Thứ hai là dễ dạy, dễ uốn nắn, sửa đổi tức là khi thiền sư nhắc gì thì sẵn lòng sửa đổi, sẵn lòng làm theo.
  • Thứ ba là có tâm ý tốt, mềm mại, dịu dàng, dễ dàng nghe và làm theo.
  • Thứ tư là thiền sinh không nên quá ngã mạn, tự cao.
    Nếu không thành thật, cởi mở thì thiền sinh không thể tiến bộ tại đây. Nếu không dễ dạy, thiền sinh không thể tiến bộ tại đây. Nếu không có tâm ý tốt, không quý trọng thầy, thiền sinh không thể tiến bộ tại đây. Nếu quá ngã mạn thì thiền sinh cũng không thể tiến bộ tại đây. Đức Phật đã nói rõ như vậy.
  • Thứ năm là tri túc. Đừng có đòi hỏi quá nhiều vật dụng, một bộ y và một cái bát là đủ.
  • Thứ sáu là đừng bận rộn làm gì khác mà chỉ chú tâm vào việc tu tập.
  • Thứ bảy là trí tuệ chín muồi tức là hiểu cách tu tập nào đúng, cách tu tập nào sai, cái gì nên làm và cái gì không nên làm để mình tiến bộ.
    Thiền sư nói rằng khi nghe bài giảng, mình cần hiểu rõ phương pháp và khi tu tập cần tự kiểm tra xem mình đã tiến bộ hay chưa, tiến bộ nhiều hay ít để mình có thể tiến xa hơn.
  • Thứ 8 là đừng quá dính mắc với gia đình, với phật tử.
  • Thứ 9 là có khả năng vượt qua khó khăn tức là có đức tin, tinh tấn và trí tuệ.
    Thiền sinh từ xa đến có thể gặp nhiều khó khăn như thời tiết khác biệt, thức ăn không giống như mình đã ăn cho nên hơi khó ăn. Tuy nhiên, mục đích đến đây là loại trừ ô nhiễm chứ không phải để hưởng thụ. Vậy thiền sinh cần có đức tin, tinh tấn và trí tuệ để vượt qua khó khăn.
  • Thứ 10 là canh gác các căn tức là canh gác mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
    Theo lời Đức Phật, nếu thiền sinh có được 10 phẩm tính này thì sẽ tiến bộ trong tu tập. Thiền sư giải thích ai cũng có ngạo mạn nhưng khi ngạo mạn quá mức, người này không sẵn sàng học hỏi từ người khác nên không thể sửa đổi có tiến bộ trong hành thiền, trong đời xuất gia.
    Có lần thiền sư gặp một vị sư, vị này nói với thiền sư rằng mình đã là thánh trong khi bản thân vị này chưa thật sự hiểu gì về vô thường (không bền chắc), khổ và vô ngã (không có ngã). Thời nay có những người dễ dàng tuyên bố mình là thánh tu đà hoàn hay a na hàm và có những người tin là vậy. Khi thiền sinh tin mình là thánh thì rất ngã mạn và không còn tin vào hướng dẫn của vị thầy khác nữa. Thiền sư đã gặp nhiều thiền sinh lầm tin như vậy.
    Trong một quyển sách, ngài Mahasi nói rằng có một phật tử cho rằng mình là thánh tu đà hoàn cho nên cố gắng giữ năm giới và nhờ ngài kiểm chứng. Sau khi nghe ngài nói rằng mình chưa là thánh thì người này không còn giữ 5 giới nữa. Chúng ta nên hiểu rằng vị thánh tu đà hoàn tự động giữ 5 giới. Vậy rõ ràng người Phật tử này chưa là thánh nhân. Vậy thiền sinh cần có trí tuệ để hiểu vị thầy nào là đáng tin cậy, để hết lòng làm theo lời chỉ dạy và có được lợi lạc.
    Nói về khả năng vượt qua khó khăn tức là có đức tin, tinh tấn và trí tuệ thì trong số 7 tỉ dân số trên thế giới, rất ít người có thể hành thiền minh sát và trong số những người có thể hành thiền thì rất ít người có thể tiến bộ. Có nhiều lý do như không có đủ đức tin, tinh tấn hay trí tuệ cho nên nhiều người trên thế giới không thể hành thiền và trong số những người hành thiền thì ít người tiến bộ.
    Có thiền sinh không đủ tinh tấn nên gặp khó khăn là bỏ đi. Có thiền sinh không đủ trí tuệ cho nên không biết cách vượt qua khó khăn. Có thiền sinh không đủ được tin vào Phật, Pháp và Tăng nên không tu tập. Khi gặp khó khăn thì thiền sinh nên có đức tin để tiếp tục tu tập và tinh tấn vượt qua. Người vượt qua được là người có khả năng tu tập. Không có đức tin, tinh tấn và trí tuệ thì khi gặp khó khăn thiền sinh sẽ hoài nghi và làm theo sự điều khiển của ô nhiễm, bỏ đi nơi này rồi nơi khác và dĩ nhiên là vẫn không tìm ra được giải pháp nào. Cho nên tại đây, thiền sinh nên làm theo hướng dẫn và tiếp tục ở lại đây tu tập để vượt qua khó khăn. Làm được như vậy thiền sinh sẽ thấy Pháp.
    Từ lúc thiền viện mở cửa đến nay có nhiều thiền sinh đến đây tu tập và tiến bộ và cũng có một số thiền sinh trở nên bất bình thường. Điều này chẳng có gì lạ nhưng người ta chê trách rằng việc hành thiền làm cho con người bất bình thường. Thực ra con người là bất bình thường ở nghĩa là bị ô nhiễm chi phối và họ đến thiền viện để loại trừ sự bất bình thường là tham ái, sân hận và các ô nhiễm khác. Nhưng vì họ không vượt qua được tham ái, sân hận và vô số ô nhiễm khác nên phàn nàn, bực bội, trách móc, khổ sở và trở nên bất bình thường. Chúng ta khổ thân, khổ tâm vì ô nhiễm nhưng rất nhiều người không biết.
    Nói về trí tuệ chín muồi thì trong thế giới này tâm con người có nhiều ô nhiễm như tham, sân, si, ganh tị, ngã mạn, hối hận, suy nghĩ vọng động, miên man. Do vậy, người ta luôn đòi hỏi, phàn nàn, đánh giá, giận dữ, lo lắng, khổ thân, khổ tâm, căng thẳng, trầm cảm. Mục đích của việc hành thiền là làm suy yếu những ô nhiễm này. Biết cách tu tập đúng đắn và hành thiền tiến bộ thì những ô nhiễm trong tâm suy yếu và cuộc đời chúng ta thay đổi, an lạc và hạnh phúc hơn, có nhiều tâm từ và tình thương hơn, biết cách ứng xử, khôn khéo hơn, biết cách xử lý vấn đề theo chiều hướng tích cực hơn. Vậy thiền sinh cần có trí tuệ hiểu rõ đâu là ô nhiễm, đâu không phải là ô nhiễm, hiểu rõ tâm mình có ô nhiễm nhiều hay ít, ô nhiễm tăng hay giảm.
    Không biết cách hành thiền, không hiểu rõ ô nhiễm tăng hay giảm ra sao thì dù có hành thiền lâu, thiền sinh cũng không tiến bộ và không hạnh phúc, an vui được. Để tu tập tiến bộ, thiền sinh nơi đây cần hiểu rõ cách thức tu tập cổ xưa, trong đó người thầy đóng vai trò quan trọng. Hãy để qua một bên những gì đã học trước kia, hạ quyết tâm tôi sẽ cởi mở, chấp nhận phương pháp tu tập mới và thực hành theo trong 3 tháng hạ này.
    Hành thiền theo phương pháp đúng đắn trong 3 tháng hạ, thiền sinh có thể hiểu pháp. Khi tiến bộ rồi thì tu tập ở nơi đâu cũng được và không cần phải trình Pháp. Dĩ nhiên muốn biết mình có khả năng tu tập và không cần phải trình Pháp hay không thì phải hỏi vị thầy đáng tin cậy và được thầy chấp thuận. Vậy để tu tập tiến bộ, thiền sinh cần hiểu rõ cách thức tu tập và cẩn thận làm theo, đó là chánh niệm liên tục từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, ngồi đủ 1 giờ và kinh hành đủ 1 giờ. Khi ngồi thiền thì theo dõi để mục chính là phồng, xẹp kỹ càng, liên tục là điều giúp thiền sinh vượt qua nhiều khó khăn trong thiền tập. Thiền sư lặp lại rằng theo dõi để mục chính là phồng, xẹp kỹ càng, liên tục là điều giúp thiền sinh vượt qua nhiều khó khăn.
    Khi ngồi thiền, dù phồng, xẹp dài hay ngắn, rõ hay mờ thì thiền sinh chỉ hay biết, ghi nhận mà không suy nghĩ, phân tích, thắc mắc hay phàn nàn. Thiền sinh theo dõi phải, trái, dở, bước, đạp cẩn thận và chánh niệm trong sinh hoạt hàng ngày, hay biết những gì mình đang làm. Thiền sinh cần hiểu đúng cách thức tu tập và làm đúng chỉ dẫn như thế. Thiền sinh cần tôn trọng lời dạy của thầy, tuân theo nội quy, gìn giữ, cẩn thận, và duy trì chánh niệm liên tục. Nếu mỗi lần mất chánh niệm, thiền sinh cảm thấy mất mát cái gì đó lớn lao như thể mất cả triệu đô thì trong 3 tháng hạ này, thiền sinh chắc chắn sẽ tiến bộ mà không cần lo lắng gì.
    Sư cô Diệu Pháp dịch
CÁCH THỨC TU TẬP CỔ XƯA, Kênh Dieu Phap Sudhamma

Bấm vào đây để nghe hoặc tải tệp tiếng mp3
Bấm vào đây để nghe hoặc tải tất cả các bài trong khóa thiền, video tĩnh
Bấm vào đây để nghe hoặc tải tất cả các bài trong khóa thiền, tệp tiếng mp3

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app