Nội Dung Chính
Vài nét về nguồn gốc và sinh hoạt Tổ Ðình Bửu Long
Thiền Viện Tổ Đình Bửu Long nguyên là một Tịnh Thất có khuôn viên rộng hơn 11 ha, tọa lạc trên ngọn đồi phía Tây ngạn sông Đồng Nai, trong Công Viên Lịch Sử Văn Hóa Dân Tộc, tại Khu phố Thái Bình 1, Phường Long Bình, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, do cư sĩ Võ Hà Thuật thành lập năm 1942, sau khi đã quy y và thọ pháp với Thiền sư Hộ Tông. Mục đích của ông là lập đạo tràng này để thỉnh Ngài về truyền pháp cho nhóm bạn bè đồng đạo của mình cùng nhau sách tấn tu tập.
Năm 1958, nhân Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam ra đời, ông hoan hỷ dâng cúng tịnh viên này đến Thiền sư Hộ Tông, vị Tổ sáng lập và cũng là đức Tăng Thống đầu tiên của Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam, để thành lập thiền viện và từ đó Thiền viện Bửu Long đã được Tổ chính thức xây dựng. Và cũng từ đó chư Tăng và Phật tử gần xa đến học thiền với Ngài rất đông, vì Tổ không những tinh thâm pháp thiền định tuệ mà còn biết rõ tâm của mỗi hành giả để hướng dẫn pháp hành chính xác và cụ thể cho từng trường hợp.
Năm 1961 Ngài Narada Mahàthera, một vị Tăng Trưởng Phật giáo Tích Lan tặng thiền viện một cây Bồ-đề có nguồn gốc từ cây Đại Bồ-đề đức Phật thành đạo tại Bồ-đề Đạo Tràng, Ấn Độ. Tổ rất quý cây Bồ-đề này nên đã xây dựng thành một Bồ-đề Phật Cảnh để tưởng niệm nơi đức Phật Thành Đạo.
Năm 1965 cư sĩ Võ Hà Thuật mới chính thức được Tổ truyền đại giới, pháp hiệu Lão Tâm, mặc dù đã hầu cận thầy trên 10 năm. Năm 1969 Đại đức Lão Tâm viên tịch hưởng thọ 68 tuổi. Để tỏ lòng tri ân Đại đức, Chư Tăng Phật tử đã xây tháp phụng thờ, trên ngọn đồi phía Đông Nam trong khuôn viên thiền viện.
Năm 1981 Tổ Hộ Tông viên tịch, hưởng thọ 88 tuổi, Tháp Tổ được Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam phụng lập ngay sau Bồ-đề Phật Cảnh, để đời đời tưởng niệm ân đức cao dày của vị Tổ sáng lập Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam, vị Thiền Sư tinh thâm định tuệ và vị Tổ khai sơn Thiền viện Bửu Long.
Dưới thời Tổ Hộ Tông làm Viện Chủ có 4 vị Trụ Trì thay phiên trợ lý: Đại Đức Lão Tâm (1965-1969), Đại Đức Ngự Tâm (1969-1976), Đại Đức Tăng Huệ (1976-1981).
Năm 1982, theo di chúc của Tổ, Hòa thượng Viên Minh được Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam bổ nhiệm về thừa kế chức vụ Viện Chủ Thiền Viện Bửu Long. Trong thời gian làm Viện Chủ, Hòa thượng Viên Minh đã cử Thượng tọa Bửu Đức làm Trụ Trì và đã liên tục trùng tu tôn tạo chùa Tổ thành một ngôi danh lam tiêu biểu cho văn hóa Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam trong Công Viên Lịch Sử Văn Hóa Dân Tộc.
Đến nay Tổ Đình Bửu Long đã xây dựng được những hạng mục như sau:
– Năm 1992 xây dựng Ni Viện để đào tạo Ni Chúng Nam Tông. Số Ni chúng được đào tạo hiện nay đã có nhiều vị đi học nước ngoài, có học vị tiến sĩ, phó tiến sĩ và thạc sĩ.
– Năm 1993 trùng tu thiền thất của Tổ để làm Tổ đường lưu niệm chỗ trú ngụ và sinh hoạt hàng ngày của Tổ trong những năm tu hành cũng như hoằng dương chánh Pháp tại thiền viện Bửu Long. Trong Tổ Đường có tượng sáp của Tổ đang ngồi tự nhiên trong tư thế hàng ngày Ngài dạy đạo cho chư Tăng, Ni, Phật tử mỗi khi đến tham vấn.
– Năm 1995 Hòa thượng Viên Minh cùng với Hòa thượng Hộ Pháp (đệ tử của Tổ du học ở Miến Điện và Thái Lan gần 30 năm trở về) trùng tu Bồ-đề Phật cảnh để tỏ lòng tri ân cũng như thực hiện tâm nguyện của Tổ trước khi viên tịch.
– Năm 1996 xây dựng Tăng xá và trường học Pàli do Hòa thượng Hộ Pháp vận động Phật tử Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam cúng dường để nói lên tinh thần đoàn kết giữa Phật giáo ba nước.
– Năm 2000 xây dựng Trai Dường và nhà trù để cung ứng nhu cầu sinh hoạt truyền thống như để bát, trai Tăng v.v… hàng ngày cũng như trong những dịp lễ lớn hàng năm.
– Năm 2002 xây dựng động Bồ-tát khổ hạnh theo sáng kiến thiết kế của Hòa thượng Viên Minh để tưởng niệm Bồ-tát Siddhattha tu 6 năm khổ hạnh trong một hang động trên núi Khổ Hạnh Lâm gần Bodh Gaya, Ấn Độ.
– Năm 2004 trùng tu Chánh Điện. Chánh điện trước đây là di tích của Tổ và Đại Đức Lão Tâm để lại, vì vậy chủ yếu là trùng tu tôn tạo cho khang trang và tiện nghi hơn nhưng vẫn giữ lại hình dáng như cũ, chỉ thêm phần tiền đường và một vài chi tiết phối hợp giữa kiến trúc Phật giáo Đông Nam Á với kiến trúc triều đại nhà Nguyễn.
– Năm 2005 xây dựng tượng đài Niết-bàn Phật cảnh gồm một Tượng Phật nằm tạc từ đá granite dài 8m, nặng trên 50 tấn. Chung quanh trang trí 10 trụ đèn cũng bằng đá granite điêu khắc theo mẫu trụ đá vua Asoka tại các Phật tích Ấn độ.
– Năm 2007 khởi công xây dựng Đại Bảo Tháp Gotama Cetiya, để tôn thờ Xá-lợi Phật và chư đại Thánh Tăng. Mặt bằng xây dựng tháp rộng trên 2000m2, cao khoảng 70m so với mặt biển. Một kiến trúc vừa hoành tráng hiện đại vừa biểu hiện nét cổ kính nhất của nền văn minh Suvannabhumi cổ đại trong vùng Đông Nam Á.
Tổ Đình Bửu Long có những đặc điểm như sau:
– Sinh hoạt theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravàda) lấy Tam Tạng Pāḷi làm gốc, đồng nhất với các nước Phật giáo Nam Tông trong vùng Đông Nam Á.
– Kiến trúc theo văn hóa Phật Giáo cổ đại có nguồn gốc trực tiếp từ nền văn minh vùng Suvannabhumi ảnh hưởng văn minh Phật giáo Ấn Độ thời đại vua Asoka, còn đậm nét ở Ankor Wat và các tháp Cham Việt Nam.
– Thiền Viện Tổ Đình Bửu Long đã được công nhận là môt hạng mục trong Công Viên Lịch Sử Văn Hóa Dân Tộc. Điều này phù hợp với quyết định của Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam đặt văn phòng Ban Phật Giáo Nam Tông tại đây làm Trung Tâm nghiên cứu và giới thiệu lịch sử hình thành, phát triển, tổ chức, sinh hoạt, và sự cống hiến của Phật Giáo Nguyên Thủy cho nền văn hóa, giáo dục, đạo đức, v.v… của đất nước nói riêng, đồng thời nghiên cứu giới thiệu các nước theo Phật giáo Nguyên thủy đã đóng góp được gì cho sự tiến bộ của văn minh nhân loại.
– Ngoài sinh hoạt tôn giáo và văn hóa giáo dục Thiền viện Tổ Đình Bửu Long còn rất tích cực trong công tác y tế và từ thiện xã hội với các tổ chức: một Ban Từ Thiện, một Chi Hội Chữ Thập Đỏ và một Phòng Khám Bệnh phát thuốc miễn phí hoạt động vào mỗi ngày thứ bảy hàng tuần.
Hiện nay, ngày càng có nhiều người nghiên cứu Phật Giáo Nguyên Thủy, vì vậy Thiền viện Tổ Đình Bửu Long đang nỗ lực phát huy tiềm năng của mình để đáp ứng nhu cầu thiết thực và chính đáng của quần chúng về cả hai mặt pháp học lẫn pháp hành, với phương châm phục vụ để hoàn toàn, hoàn toàn để phục vụ.
Những ngày lễ lớn của Tổ đình:
1. Đêm thọ đầu đà kỷ niệm ngày Thánh Hội – ngày rằm tháng Giêng ÂL
2. Lễ Tam Hợp (Đản Sanh, Thành Đạo, Niết-bàn) – ngày Rằm tháng Tư ÂL.
3. Lễ Để Bát Báo Hiếu – ngày Rằm tháng Bảy và 30 tháng Tám ÂL.
4. Lễ Giỗ Tổ Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam – ngày 26 tháng Bảy ÂL.
5. Lễ Dâng Y Kathina – ngày 17 tháng Chín ÂL.
Cách Đi Đến Tổ Đình Bửu Long Quận 9, HCM
Đây là bản đồ hướng dẫn đường đến chùa Bửu Long đi từ thành phố Hồ Chí Minh. Ở Biên Hòa có một khu du lịch cũng tên Bửu Long, nhiều người đã nhầm lẫn 2 địa điểm này. Chùa Bửu Long thuộc địa phận Quận 9, Tp.HCM; còn Khu du lịch núi Bửu Long thuộc Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Qua khỏi khu vực núi Bửu Long này cũng có một chùa là chùa Bửu Đức do Thượng tọa Giác Chánh trụ trì. Hai địa điểm này, chùa Bửu Long và Khu du lịch núi Bửu Long, cách nhau rất xa.
Bản đồ này hướng dẫn 2 cách đi đến chùa Bửu Long. Có thêm nhiều cách nữa (từ Suối Tiên rẽ phải theo đường Suối Mơ hoặc đi từ Quận 2…) nhưng 2 cách này tương đối dễ đi nhất.
Từ cầu Sài Gòn, đi theo đường Xa lộ Hà Nội. Đi khoảng 8.4km, đến Ngã tư Thủ Đức (gặp Coop.Mart bên góc phải của ngã tư). Từ đây có hai cách đi:
Cách 1: Từ ngã tư Thủ Đức
* 1A: Bằng xe bus.
Bắt xe bus số 611 sẽ chạy ngang qua chùa Bửu Long
* 1B: Bằng các phương tiện khác
– Rẽ phải vào Lê Văn Việt.
– Đi khoảng 4,5km đến cuối đường Lê Văn Việt gặp Ngã ba Mỹ Thành (trước mặt có cây xăng Mỹ Thành).
– Rẽ phải vào đường Nguyễn Văn Tăng. Đi khoảng 2km gặp ngã rẽ bên phải có ghi tên đường là Nguyễn Xiển nhưng đừng rẽ vào đây mà tiếp tục đi thẳng, đường đi thẳng này cũng là Nguyễn Xiển.
– Đi khoảng 3.3km, gặp Trường Trung Học phổ thông Nguyễn Văn Tăng (nguyên là Trường tiểu học Long Bình) nằm bên phải đường.
– Từ Trường Trung Học phổ thông Nguyễn Văn Tăng, tiếp tục đi thẳng khoảng 1km nữa (nhìn bên trái đường đã thấy ngôi tháp cao), Chùa Bửu Long nằm bên trái đường.
Tóm lại, lộ trình ở đây là: Ngã tư Thủ Đức rẽ phải –> Lê Văn Việt –> Nguyễn Văn Tăng –> Nguyễn Xiển –> Chùa Bửu Long nằm bên trái đường. Ưu điểm của cách đi này là đường đi không phải xa lộ nên ít xe cộ và ít bụi. Nhược điểm là hơi xa một chút.
Cách 2: Từ ngã tư Thủ Đức tiếp tục chạy thẳng theo Xa lộ Hà Nội đến suối Tiên
Chạy thêm khoảng 2,5km gặp Cây xăng Hiệp Phú 2 tại Ngã ba Đường mới nằm bên phải xa lộ Hà Nội. Từ dây có 2 cách đi:
1. Rẽ vào Ngã ba đường mới, đi hết đoạn đường ngắn này (1.5km), gặp đường Nguyễn Xiển cắt ngang trước mặt –> rẽ phải một chút qua cầu Đồng Tròn (đã thấy ngôi tháp cao), chạy tiếp khoảng 750m –> Chùa Bửu Long nằm bên phải đường.
2. Tiếp tục đi thẳng theo Xa lộ Hà Nội, thêm khoảng 1km, gặp Ngã ba Tân Vạn –> rẽ phải vào đường Nguyễn Xiển –> qua cầu Đồng Tròn đi thêm khoảng 750m là đến Chùa Bửu Long nằm bên phải đường.
Tóm lại, lộ trình ở đây là: Ngã tư Thủ Đức chạy thẳng –> Cây xăng Hiệp Phú 2 –> rẽ phải vào Ngã ba đường mới hoặc tiếp tục đến Ngã ba Tân Vạn –> Nguyễn Xiển –> qua cầu Đồng Tròn –> Chùa Bửu Long bên phải đường. Ưu điểm là gần hơn cách kia một chút, nhược điểm là nhiều xe cộ và bụi do xa lộ.
Nguồn Trungtamhotong.org
Ảnh Tổ Đỉnh Bửu Long Quận 9, HCM – Ảnh Đẹp Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa.
Nguồn ảnh: Facebook Kyohoang
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)