Câu hỏi: Tại sao chúng ta phải di chuyển sự chú ý đi khắp cơ thể theo một thứ tự nào đó?
Thiền sư S. N. Goenka: Vì bạn đang tập thăm dò toàn bộ thực tế của tâm và thân. Muốn làm như vậy, bạn phải phát triển khả năng cảm nhận được những gì đang xảy ra ở tất cả mọi phần của cơ thể, không phần nào bị bỏ sót. Và bạn cũng phải phát triển khả năng quan sát tất cả lãnh vực của cảm giác. Đức Phật đã diễn tả cách thực hành như thế này: “Khắp mọi nơi trong phạm vi cơ thể chúng ta cảm nhận cảm giác, nơi nào có sự sống trong cơ thể.”1 – 1 S. XXXVI (II). i. 7, Paṭhama Gelañña Sutta.
Nếu bạn đưa sự chú ý một cách ngẫu nhiên từ phần này đến phần khác, từ cảm giác này đến cảm giác khác, lẽ dĩ nhiên sự chú ý sẽ luôn luôn bị lôi cuốn đến những nơi có cảm giác mạnh hơn. Bạn sẽ bỏ sót vài phần khác của cơ thể, và sẽ không học được cách quan sát những cảm giác tinh tế hơn. Sự quan sát của bạn sẽ có tính cách thiên vị, thiếu sót và hời hợt. Bởi vậy điều thiết yếu là lúc nào cũng di chuyển sự chú tâm theo thứ tự.
Làm sao chúng ta biết được những cảm giác đang có không phải là do chúng ta tự [ám thị] tạo ra?
Bạn có thể thử nghiệm với chính mình. Nếu bạn nghi ngờ không biết cảm giác bạn đang cảm nhận có thật hay không, bạn có thể tự ra cho mình hai hay ba mệnh lệnh, tự kỷ ám thị. Nếu bạn thấy cảm giác đó thay đổi theo mệnh lệnh của bạn, thì bạn biết những cảm giác đó là không thật. Trong trường hợp đó, bạn phải từ bỏ toàn bộ kinh nghiệm và quay lại quan sát hơi thở một thời gian. Nhưng nếu bạn thấy rằng mình không thể kiểm soát các cảm giác, chúng không biến đổi theo ý muốn của bạn, thì bạn phải gạt hết mọi nghi ngờ và chấp nhận kinh nghiệm đó là thật.
Nếu những cảm giác đó có thật, tại sao ta không cảm nhận được chúng trong cuộc sống thường ngày?
Bạn thực sự có cảm nhận ở tầng lớp vô thức. Tâm ý thức không hay biết điều đó, nhưng tâm vô thức cảm nhận được những cảm giác đó từng giây, từng phút trong cơ thể, và phản ứng với chúng. Tiến trình này xảy ra hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Nhờ vào hành thiền Vipassana, bạn phá vỡ được ranh giới giữa ý thức và vô thức. Bạn ý thức được tất cả những gì xảy ra trong cơ cấu tâm – thân, tất cả những gì bạn cảm nghiệm được.
Cố tình để mình cảm nhận cái đau đớn thể xác – điều này có vẻ như bệnh hoạn?
Đúng thế nếu bạn được yêu cầu chỉ cảm nghiệm cái đau. Nhưng ở đây bạn được yêu cầu quan sát cái đau một cách khách quan. Khi bạn quan sát mà không phản ứng, thì tự động tâm bạn bắt đầu vượt khỏi thực tại bề ngoài của cái đau để vào tới được bản chất tinh tế của nó, đó chẳng qua là những rung động sinh diệt trong từng giây phút. Và khi bạn đã kinh nghiệm cái thực tại tinh tế đó thì cái đau không thể làm chủ được bạn nữa. Bạn là chủ nhân của chính bạn, và bạn đã thoát khỏi đau đớn.
Nhưng chắc chắn đau đớn có thể là dấu hiệu cho biết máu đã bị ngăn không đến được một phần nào đó của cơ thể. Làm ngơ trước dấu hiệu đó có phải là khôn ngoan hay không?
Chúng tôi thấy rằng sự thực tập này không gây hại gì cả. Nếu có hại, chúng tôi đã không đề xuất với mọi người. Hàng ngàn người đã thực tập kỹ thuật này. Nhưng tôi chưa từng thấy một trường hợp nào người hành thiền thực tập đúng đắn bị tổn thương. Kinh nghiệm chung cho thấy cơ thể trở nên mềm mại và dẻo dai hơn. Cơn đau sẽ qua đi khi bạn học cách đối diện nó với sự bình tâm.
Có thể thực tập Vipassana bằng cách quan sát cửa ngõ của bất cứ giác quan nào hay không, thí dụ như quan sát sự tiếp xúc của mắt với vật nhìn thấy, tai với âm thanh?
Tất nhiên là được. Nhưng sự quan sát này phải có ý thức về cảm giác. Mỗi khi có sự tiếp xúc xảy ra tại cửa ngõ của bất cứ giác quan nào – như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm – một cảm giác được nảy sinh. Nếu bạn không ý thức được nó thì bạn đã bỏ sót điểm mà từ đó sự phản ứng bắt đầu. Trong trường hợp của phần lớn các giác quan, sự tiếp xúc chỉ có thể có từng lúc. Chẳng hạn như tai có lúc nghe âm thanh, có lúc không. Tuy nhiên ở mức độ thâm sâu nhất, có sự tiếp xúc với tâm và thân từng giây, từng phút khiến cảm giác nảy sinh liên tục. Vì lý do này, quan sát cảm giác là cách dễ đạt đến và sinh động nhất để kinh nghiệm về thực tại vô thường. Bạn phải làm chủ được điều này trước khi nỗ lực quan sát ở các giác quan khác.
Nếu chúng ta chỉ chấp nhận và quan sát mọi sự như nó xảy ra thì làm sao để tiến bộ?
Sự tiến bộ được đo lường bằng sự phát triển sự bình tâm của bạn. Bạn không có sự lựa chọn nào ngoài sự bình tâm, bởi vì bạn không thể thay đổi cảm giác, hay tạo ra cảm giác. Cái gì đến sẽ đến. Cảm giác có thể dễ chịu hay khó chịu, có thể thuộc loại này hay loại khác, nhưng bạn phải giữ được bình tâm thì chắc chắn bạn sẽ tiến bộ trên con đường. Bạn đang phá vỡ thói quen phản ứng của tâm.
Đó là trong khi hành thiền, nhưng làm sao để áp dụng vào cuộc sống?
Khi gặp khó khăn trong đời sống hằng ngày, hãy bỏ ra vài phút để quan sát cảm giác của bạn với sự bình tâm. Khi tâm bình tĩnh và quân bình, thì bất cứ quyết định nào của bạn cũng đều tốt. Khi tâm không được quân bình, thì bất cứ quyết định nào của bạn cũng đều là phản ứng. Bạn phải học cách thay đổi lề lối sống từ phản ứng tiêu cực sang hành động tích cực.
Vậy nếu ta không tức giận hay chỉ trích, và ta thấy có cách khác có thể làm tốt đẹp hơn thì ta cứ việc làm?
Phải, bạn phải hành động. Đời là để hành động. Bạn không được thụ động. Nhưng hành động phải được thực hiện với một tâm quân bình.
Hôm nay khi tôi đang thực hành để cảm nhận cảm giác ở phần cơ thể không có cảm giác, và khi cảm giác xuất hiện, tâm tôi mừng quýnh như đá được quả bóng vào gôn. Và tôi nghe tâm tôi hét lên “Tốt!” Rồi tôi nghĩ “Ồ, không được, tôi không muốn phản ứng như vậy.” Nhưng tôi lại tự hỏi khi quay lại với cuộc sống làm sao tôi không phản ứng cho được khi tôi đi xem những trận đá bóng?
Bạn sẽ hành động. Ngay cả trong những trận đá bóng bạn cũng sẽ hành động chứ không phản ứng, và bạn sẽ thấy là bạn thật sự thích thú. Một sự vui thú kèm theo một phản ứng căng thẳng thì chẳng phải là một sự vui thú thật sự. Khi phản ứng chấm dứt, thì sự căng thẳng cũng bị tiêu tan, và bạn có thể thực sự hưởng thụ cuộc sống.
Vậy tôi có thể nhảy cẫng lên và hò hét?
Được chứ, bạn nhảy lên với tâm quân bình.
Tôi phải làm sao nếu đội bóng của tôi bị thua?
Lúc đó bạn mỉm cười và nói “Hãy vui vẻ !” Hãy vui vẻ trong mọi tình huống!
Theo tôi hiểu thì đấy là điều cốt yếu?
Phải!
Hỏi đáp cùng Thiền Sư S.N. Goenka – Trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống
Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart. Tải cuốn sách bản PDF tại đây.
AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT SỐNG