Nội Dung Chính
BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NHẤT
Những khó khăn ban đầu – mục đích của phương pháp thiền này
Ngày đầu tiên chúng ta gặp rất nhiều khó khăn và khó chịu, một phần vì chúng ta không quen ngồi cả ngày và cũng không quen việc nỗ lực hành thiền, nhưng phần lớn là do phương pháp thiền mà quý vị bắt đầu thực tập: đó là sự thiết lập ý thức về hơi thở, chỉ hơi thở mà thôi.
Ta có thể định tâm dễ dàng và mau lẹ hơn mà không bị trở ngại vì những khó chịu này nếu cùng một lúc với sự ý thức về hơi thở, ta bắt đầu lặp đi lặp lại một từ, một câu chú, danh hiệu của một vị thần linh, hoặc nếu ta bắt đầu tưởng tượng ra một hình ảnh, một hình dáng của một vị thần. Nhưng quý vị được yêu cầu chỉ quan sát hơi thở đúng như bản chất tự nhiên của nó, không bị điều khiển, không được thêm vào một tiếng nói hoặc một hình ảnh tưởng tượng nào.
Những cách trên không được phép bởi vì mục đích cuối cùng của phương pháp thiền này không phải là sự định tâm. Định tâm chỉ là một sự hỗ trợ, một nấc thang để đưa đến một mục tiêu cao thượng hơn: đó là sự thanh lọc tâm, diệt trừ mọi phiền não, mọi bất tịnh trong tâm, và nhờ đó được giải thoát khỏi mọi khổ đau, được giác ngộ viên mãn.
Mỗi lần một bất tịnh nảy sinh trong tâm như giận dữ, thù ghét, đam mê, sợ hãi, … ta trở nên khổ sở. Bất cứ khi nào có điều không như ý xảy ra, ta trở nên căng thẳng và bắt đầu thắt những nút rối trong lòng. Rồi khi không đạt được những điều mong ước, ta cũng lại tạo ra căng thẳng trong người. Ta lặp đi lặp lại lối hành xử này trong suốt cuộc đời cho tới khi toàn thể cơ cấu thể xác và tinh thần trở thành một đống nút thắt (nội kết) hầu như không thể tháo gỡ được. Và ta không giữ sự căng thẳng này cho riêng mình mà trái lại thường làm lây lan ra cho những người xung quanh. Chắc chắn đây không phải lối sống đúng đắn.
Quý vị đã tới khóa thiền này để học một nghệ thuật sống: làm sao để sống an lạc, hài hòa với chính mình, và để tạo ra sự an lạc và hài hòa cho mọi người khác; làm sao sống được hạnh phúc từ ngày này sang ngày khác đồng thời tiến tới hạnh phúc tột đỉnh của một tâm hồn hoàn toàn thanh khiết, một tâm hồn tràn đầy tình thương không vụ lợi, tràn đầy từ bi, hỉ lạc trước sự thành đạt của người khác, và tràn đầy sự bình tâm.
Để học nghệ thuật sống một cách hài hoà, trước tiên ta phải tìm ra nguyên nhân của
sự bất hòa. Nguyên nhân này luôn luôn tiềm ẩn bên trong, vì vậy quý vị phải tìm hiểu sự thực về chính mình. Phương pháp này giúp quý vị tìm hiểu, khảo sát cơ cấu tinh thần và thể xác của chính mình, là nơi có nhiều vướng mắc, ràng buộc chỉ đưa đến căng thẳng, khổ đau. Ta phải hiểu rõ bản chất của mình về cả tinh thần lẫn thể xác ở mức độ thực nghiệm. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể chứng nghiệm được những gì bên ngoài phạm vi tinh thần và thể xác. Do đó, đây là phương pháp chứng thực chân lý, chứng thực về bản thân để tìm hiểu cái thực thể thường được gọi là “Ta”. Đây cũng có thể gọi là phương pháp chứng ngộ Thượng Đế, bởi vì cuối cùng Thượng Đế không là gì khác ngoài chân lý, tình thương và sự thanh tịnh.
Kinh nghiệm trực tiếp về thực tại rất quan trọng. “Hiểu biết chính mình” – từ việc hiểu một thực tại bề ngoài, hiển nhiên thô thiển tới chỗ biết được những thực tại tinh tế hơn, rồi tới thực tại tinh tế nhất về thân và tâm. Sau khi thể nghiệm những thực tại này, ta có thể tiến xa hơn để thể nghiệm thực tại vượt ra ngoài giới hạn của thân và tâm.
Bài viết trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại Trong Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy. Tải cuốn sách file PDF tại đây.