Faq: Hỏi Đáp Với Thiền Sư Goenka Về Chuẩn Bị Cái Chết Cho Chính Mình

Hỏi Đáp với Thầy Goenkaji Phần II 

Chuẩn bị cho cái chết của chính mình

Thiền sinh: Chúng ta có thể rút ra bài học gì từ cái chết của đức Phật và những môn đệ của Ngài?

Goenkaji: Đức Phật mỉm cười khi qua đời, và dạy Chánh pháp – một bài học Vipassana cho tất cả chúng sanh.
Đức Phật là một bậc đạo sư. Ngài quyết tâm truyền bá Chánh pháp cho đến hơi thở cuối cùng – và người đã thực hiện được. Trước khi đức Phật nhập diệt, một người đã tìm đến xin gặp, nhưng bị vị thị giả kỳ cựu của Ngài là Ānanda ngăn cản và nói: “Không được, bây giờ không phải lúc để gặp đức Thế Tôn.” Thoáng nghe được, đức Phật dạy rằng, “Đừng, Ānanda, hãy cho ông ấy vào. Đưa ông ấy vào đi.” Hạnh nguyện và lòng từ bi của Đức Phật thật cao cả đến mức Ngài không quan tâm nỗi đau của chính mình trước giờ nhập diệt. Ngài hiểu rằng phải truyền trao Chánh pháp cho người này, nếu không ông ta sẽ không còn cơ hội. Từ tâm là một phẩm chất quan trọng cần được phát triển với những ai muốn truyền đạt chân lý.
https://youtu.be/3W7-Mg828mM


Thiền sinh: Con muốn biết ta nên tập trung tâm ý vào nơi nào trên cơ thể vài giờ trước khi mất, và rồi tại đâu, ngay lúc hấp hối?

Goenkaji: Quý vị nên ý thức rõ những cảm giác và tính vô thường (anicca) trong mọi lúc. Qua việc hành thiền Vipassana, quý vị học được nghệ thuật sống và nghệ thuật chết. Nếu quý vị là người thực tập Vipassana thường xuyên thì vào lúc lâm chung quý vị tự động trở nên ý thức trọn vẹn về những cảm giác và tính vô thường, và ra đi rất bình an. Quý vị không thể ra đi trong vô thức, khóc lóc hay sợ hãi. Quý vị ra đi mỉm cười, luôn quán sát những cảm giác. Nhờ vậy, không chỉ cuộc đời hiện tại được an ổn, mà đời sau cũng được an lành nữa.


Thiền sinh: Có người khuyên rằng, trước khi mất, ta nên hồi tưởng lại những việc làm tốt của mình, những công đức mà ta đã tích lũy, như hiến tặng (dāna) và giữ giới (sīla). Vì ta vẫn còn cách xa Niết-bàn (nibbāna), nên có lẽ việc đó giúp ta tái sinh về cảnh giới của chư thiên (devā loka). Ta có nên cố gắng để sinh về cảnh giới chư thiên hay không?

Goenkaji: Đối với những ai chưa từng thực hành Vipassana, chưa từng trải nghiệm về vô thường, đây là việc thích đáng cần làm – nhớ lại những việc làm tốt của mình, những điều sẽ dẫn dắt họ lên cảnh giới hay cõi hiện hữu cao hơn. Nhưng nếu quý vị đang thực hành Vipassana và vô thường, thì quý vị cần thực chứng vô thường, và quý vị cũng sẽ tái sinh về cõi trời nếu quý vị chưa sẵn sàng để thể nhập Niết bàn (nibbāna). Có thể phải trải qua nhiều thời gian trước khi quý vị đạt đến Niết-bàn, do đó quý vị sẽ tái sinh về một cõi trời, nơi quý vị có thể tiếp tục tự tu tập, không cần thầy hướng dẫn. Vì quý vị chết với tâm quán sát vô thường, nên quý vị cũng sẽ tái sinh với tâm quán sát vô thường, và quý vị sẽ tiếp tục thực hành Vipassana.
Nhiều người đến đây tham dự khóa tu nói rằng: “Khi còn bé, tôi đã nhận biết được những cảm giác này; nhưng khi ấy tôi không biết đó là gì.” Điều này xảy ra vì chính người ấy đã từng hành thiền trong quá khứ. Quả thực, sự hành thiền sẽ tiếp tục đi cùng với quý vị từ đời này sang đời khác.


Thiền sinh: Nếu những tư tưởng tiêu cực phát sinh khi ta đang hành thiền với tâm an nhiên, và cái chết xảy ra vào đúng thời khắc ấy thì chúng ta sẽ đi vào cảnh giới nào?

Goenkaji: Ngay cả khi đang có những tư tưởng tiêu cực phát sinh, tại thời điểm cận tử, lập tức những cảm giác cũng tự động phát khởi, và nếu quý vị đang hành thiền Vipassana, quý vị sẽ quan sát chúng. Là một thiền sinh, sau khi mất, quý vị sẽ không đi vào những cảnh giới thấp, vì ở đó quý vị không thể thực hành Vipassana với sự tỉnh giác về vô thường.
Quý vị không cần phải lo lắng. Chỉ khi nào quý vị ngừng thực tập Vipassana thì lúc đó mới cần phải lo. Nếu quý vị cứ tiếp tục thực hành thiền đều đặn mỗi buổi sáng và tối, thì vào thời điểm cận tử, những cảm giác sẽ tự động nảy sinh – chẳng có gì để nghi ngờ về điều đó cả. Không thiền sinh nào thực hành Vipassana lại phải sợ hãi cái chết – vì đó là lúc mà quý vị sẽ được thăng tiến! Nếu quý vị thực hành Vipassana, cái chết chắc chắn sẽ đến một cách tích cực.


Thiền sinh: Làm thế nào chúng ta biết được là có tiền kiếp, hoặc sẽ tái sinh sau khi chết, khi không có kinh nghiệm bản thân [về những điều này]?

Goenkaji: Vipassana mang đến lợi lạc cho quý vị mà không cần thiết phải tin rằng có kiếp trước hay kiếp sau. Chắc chắn là quý vị phải tin có kiếp sống hiện tại này. Rất nhiều người tham gia các khóa tu không tin có kiếp trước, kiếp sau – cũng chẳng sao cả. Chỉ có khoảnh khắc hiện tại này là hoàn toàn quan trọng: trong từng khoảnh khắc quý vị đang chết, trong từng khoảnh khắc quý vị đang tái sinh. Hãy quan sát điều ấy, thể nghiệm điều ấy, hiểu rõ điều ấy. Và thấu hiểu rằng khi quý vị phản ứng với dòng chuyển biến này, quý vị đang tự làm hại mình. Khi quý vị ngừng phản ứng, hiện thực trở nên ngày càng tốt hơn. Nếu có kiếp sau, chắc chắn quý vị cũng sẽ được lợi lạc ở đó. Còn nếu không có kiếp sau, thì tại sao phải lo lắng? Quý vị đã tận lực hoàn thiện cuộc sống hiện tại của mình. Tương lai chẳng phải gì khác hơn là kết quả của hiện tại. Nếu đời này tốt đẹp, thì đời sau cũng sẽ tốt đẹp.
Pháp thí, thắng mọi thí! Pháp vị, thắng mọi vị! Pháp hỷ, thắng mọi hỷ! Ái diệt, dứt mọi khổ!
Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti; sabbarasaṃ dhammaraso jināti; sabbaratiṃ dhammarati jināti; taṇhakkhayo sabbadukkhaṃ jināti.
– Dhammapada 24.354

Tặng phẩm của Chánh pháp
cao quý hơn tất cả mọi tặng phẩm khác;
Hương vị của Chánh pháp
vượt xa tất cả những hương vị khác;
Hỷ lạc của Chánh pháp
vượt thắng tất cả mọi dục lạc khác;
Sự tận diệt ham muốn
chiến thắng mọi đau khổ.
-Kinh Pháp Cú, Phẩm 24, Kệ số 354 – Bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu

Thước đo của sự tiến bộ trên hành trình tu tập Vipassana không phải ở loại cảm giác mà chúng ta thể nghiệm. Thước đo đó là mức độ thành công trong sự thuần thục tỉnh giác và bình tâm trước mọi cảm giác. Nếu một thiền sinh luôn ý thức được bản chất này của phương pháp, người ấy sẽ không có nguy cơ lạc lối trong sự thực tập, và chắc chắn sẽ tiếp tục tiến bộ đạt đến mục tiêu.
– S. N. Goenka

Nguyện cho tôi luôn nhẹ nhàng và thanh thản, điềm tĩnh và an bình.
Nguyện cho tôi phát triển tâm quân bình.
Nguyện cho tôi quán sát với sự bình tâm hoàn toàn bất kỳ cảm giác nào khởi sinh trên cơ thể.
– S. N. Goenka

Bài viết được trích từ cuốn Nghệ Thuật Chết – The Art Of Dying – Thiền Sư S.N. Goenka và nhiều tác giả. Tải sách file PDF tại đây.

AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT CHẾT

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Nghệ Thuật Chết Của Ngài S.N. Goenka & Nhiều Tác Giả, Được Virginia Halminton Tổng Hợp Và Chuyển Ngữ. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app