Buổi 18: Sắc Ý Vật Nằm Ở Tim Hay Ở Đâu, 4 Tương Quan Nhân Quả – Sư Giác Nguyên 25/04/2024

Buổi 18: Lớp Giáo Lý Căn Bản – Sắc Ý Vật Nằm Ở Tim Hay Ở Đâu & 4 Tương Quan Nhân Quả – Sư Giác Nguyên Giảng Dạy 25/04/2024

Lớp Phật Pháp Căn Bản 18 – Thứ Năm, ngày 25/04/2024

(Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng; Tử Du ghi chép phần chữ Pali)

 

✴️ CHÁNH NIỆM VÀ NHÂN QUẢ

Thưa đại chúng, chúng ta đã qua 17, 18 buổi học rồi, càng đi xa, càng vào sâu thì chúng ta sẽ có cơ hội để tiếp cận với những vấn đề giáo lý quan trọng thay vì chúng ta chỉ lót lòng thôi. Chúng ta đã học xong phần cấu trúc DANH VÀ SẮC tức là TÂM VÀ VẬT. Các vị dò kỹ (đoạn này bị mất tiếng) sở dĩ mà có tới 121 Tâm là bởi vì mình xét thấy từ ở trên xuống là 12 Tâm Bất Thiện Tham, Sân, Si, tiếp theo đó là 18 Tâm Vô Nhân. Xuống nữa đó là các Tâm, 8 Tâm Đại Thiện, Đại Quả và Đại Tố, rồi xuống nữa là 27 Tâm Thiện, xuống nữa đó là 40 Tâm Siêu Thế của Thánh Nhân. Thì mình thấy tại sao mà có 121 Tâm mà lại kể thành 1. Thì nó như thế này, Tâm là chỉ có một thôi. Đó là cái Biết, cái Biết, cái nhận thức đối tượng, và sở dĩ Tâm đó được gọi là Tâm gì là nó phải dựa vào ba điều kiện, là nó dựa vào điểm tựa nào trong 6 Căn. Thí dụ như cái Biết đó mà nó dựa trên Thần Kinh Thị Giác thì mình gọi nó là Tâm Nhãn Thức, có chức năng chủ yếu, căn bản, duy nhất đó là ghi nhận hình ảnh, màu sắc, những gì có thể thấy bằng Mắt. Rồi cũng cái Biết đó mà khi nó dựa vào Thần Kinh Thính Giác thì mình gọi nó là Tâm Nhĩ Thức để ghi nhận âm thanh, tiếng động, cái Tâm đó nó dựa vào Thần Kinh Khứu Giác để biết các mùi thì mình gọi là Tâm Tỷ Thức. Nó dựa vào Thần Kinh Vị Giác thì mình gọi nó là Tâm Thiệt Thức. Nó dựa vào Xúc Giác để biết cái gì là nóng lạnh, cứng mềm, nhẹ, thô, tế, mịn nhám, thì mình gọi cái đó là Tâm Thân Thức. Còn Tâm mà nó dựa vào Ý Vật để mà nó biết tất cả các Cảnh Trừu Tượng. Tức là những cảnh nào, những đối tượng gì, những chuyện gì, không thấy được bằng mắt, tai, mũi, lưỡi, và xúc giác, thì tất cả những cái gì mà không được nhận biết bằng 5 Giác Quan Vật Chất thì mình gọi nó là Cảnh Pháp. Và tôi mới vừa nhắc chữ Ý Vật, tức là Nhãn Thức nó dựa vào Thần Kinh Thị Giác, còn Tỷ Thức thì nó dựa vào Thần Kinh Khứu Giác. Như vậy thì Ý Thức nó dựa vào cái gì ? Thì trong A Tỳ Đàm gọi là dựa vào Ý Vật. Ý Vật là điểm tựa, là cái chỗ nương cho Tâm. Thì rất nhiều và rất nhiều học giả thấy cái chữ Hadayavatthu: Ý vật, kể cả trong Chú Giải, cái chỗ này nó hơi rối rồi nha. Là chúng ta không có phủ nhận giá trị của Chú Giải, nhưng mà cũng phải rất là cẩn trọng khi mà nghiên cứu Chú Giải, bởi vì chúng ta nhớ rằng Chú Giải chúng tôi rất là đắn đo khi mà phải nói ra chuyện này. Tức là có một phần của Chú Giải có nội dung, mình nói chữ vay mượn thì nó hơi nặng, nhưng mà nó là có nội dung giao thoa và trao đổi với cái học thuật thế gian đương thời. Thí dụ như ở trong Chánh Tạng Đức Phật khi Ngài nói về vũ trụ Ngài nói rất là đại khái đơn giản, Ngài xác nhận là có vô số vũ trụ, vô số mặt trăng, vô số mặt trời. Hết. Nhưng mà trong Chú Giải đi chi tiết, và chi tiết đó lấy đâu ra ? Lấy từ kết quả nghiên cứu của học thuật đương thời, của nền văn minh Ấn Độ, đương thời tức là vào thời điểm mà các Ngài biên soạn Chú Giải đó, bởi vì Chú Giải có hai phần, một phần là có từ thời Đức Phật và có một phần là sau thời Đức Phật. Và cái phần mà có từ thời Đức Phật rất là đơn giản, rất gần với lời Phật truyền thống. Có nghĩa là chỉ tập trung vấn đề tu học thôi. Đấy. Còn Chú Giải phần đời sau có những cái rõ ràng là vay mượn, mình nói thẳng luôn là văn học dân gian, truyền thuyết dân gian. Thí dụ như hôm nay chúng ta thấy, tôi đang giảng về Ý Vật mà tôi đi một vòng, phải đi thôi, chỗ này bắt buộc phải đi xa không thể nào không đi. Hôm nay chúng ta đọc về nguồn gốc của người Việt mình là Âu Cơ, Lạc Long Quân trăm trứng, chúng ta đọc lại Cổ Sử Ấn Độ, chúng ta đọc về 18 đời Vua Hùng Vương, chúng ta đọc về 18 đời Vua Phù Nam. Đấy. Và chúng ta cũng biết có một trùng hợp rất đặc biệt là có ông Vua đầu tiên được lịch sử Miến Điện ghi lại. Chứ Vua thì xứ nào cũng có Vua từ muôn kiếp rồi. Nhưng mà ông Vua được ghi vào Chánh Sử, Vua đầu tiên của văn minh Miến Điện, của ông mà đã đem, mở cửa đem Phật Giáo vào Miến. Ông tên là Anuruddha, nhưng mà các bản tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý, mấy ngôn ngữ Âu Mỹ, khi mà viết về Sử Miến Điện thì họ cứ kêu Anawrahta, Anawrahta họ cứ dựa vào cách đọc của người Miến Điện. Chứ thật ra Anawrahta không phải mà Anuruddha. Còn ông Vua đầu tiên của Phù Nam tên là Koṇḍañña tức là Kiều Trần Như, Phù Nam tức là Khmer lục tỉnh mình áh. Rồi ông Vua đầu tiên Miến Điện là ông Anuruddha cùng tên với Ngài Đệ Nhất Thiên Nhãn. Đặc biệt thú vị như vậy. Thì thôi, mấy chuyện đó chuyện nhỏ mà, chuyện này mới quan trọng nè. Cái vụ trăm trứng, cái vụ 18 đời Vua tiếp nối nhau trị vì nó đã bàng bạc từ ở trong cái gọi là Kinh Phật. Chẳng hạn như đời Vua Makharjca, rồi cũng truyền đời, nhiều đời, Sử Thích Ca, niên phổ Thích Ca cũng truyền nhiều đời, mà truyền theo cái cách giống như là cận huyết, hôn nhân cận huyết. Rồi mình thấy là dòng Thích Ca cũng hôn nhân cận huyết. Đấy. Nó có nhiều cái điểm, cái vụ …………. áh là có nhiều cái nền văn học có, và cái này mới ghê nè, ở trong ngàn lẻ một đêm, là một tác phẩm văn học của Ba Tư nó có rất là nhiều tình tiết mà mình thấy có trong Bổn Sinh Jātaka. Đấy. Cho nên hôm nay khi mà coi Chú Giải thì mình phải nhớ rõ, hai bộ phận Chú Giải, phần nào có từ đời Phật, do đệ tử Ngài A Nan, Ngài Ca Diếp, Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, bla… bla… bla…. coi không hiểu hỏi Sư Phụ, Sư Phụ là các vị Thánh Tăng, các vị mới giải thích cho thì các vị đệ tử mới truyền thừa phần Chú Giải đó. Nhưng mà không, trong kỳ kiết tập thì không có được nhắc tới, là vì sao ? Là vì kiết tập chỉ kiết tập cái gì chính thống được Đức Phật thuyết giảng, chính Đức Phật đích thân ấn khả chứng nhận. Chứ còn phần nghe lại từ Sư Phụ là quá nhiều. Phải nói là quá nhiều. Và nó có cái chuyện rất đặc biệt, nếu mà cái phần này, phần này chắc chắn là Ngài A Nan biết hết, nhưng mà nếu đưa vào nó trở thành tiền lệ xấu, có nghĩa là ngoài cái gọi là Phật ngôn chính thống ra mà ai cũng tiện tay đưa vào, đưa vào, của Sư Phụ, Sư Phụ, Sư Phụ. Thí dụ như họ đưa của Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên thì Ok. Nhưng mà họ đưa cái của đệ tử Ngài Mục Kiền Liên, đệ tử của đệ tử Ngài Mục Kiền Liên, rồi đệ tử của đệ tử, của đệ tử, của đệ tử của Ngài Mục Kiền Liên. Nói chung, hễ đời một mà đưa vô được là đời hai, đời ba, đời bốn, đời năm, bằng chứng là hôm nay tại Thái Lan, chúng ta thấy riêng cái gọi là các pháp thoại của Ngài Buddhadāsa, Ngài thuyết trong mấy chục ở Suan Mokkh, Suan Mokkh là đạo tràng của Ngài, Ngài thuyết trong mấy chục năm đệ tử đem chép ra hết, chép rồi đem chỉnh sửa edit rồi đem in, cái số lượng cuốn, mấy cái cuốn mà pháp thoại Ngài Buddhadāsa nhiều hơn là Tam Tạng. Đấy. Rồi Miến Điện mình chỉ thấy sơ sơ là Ngài Ledi Sayadaw là cũng mấy chục cuốn. Rồi Ngài Sadhammajotika của Miến Điện người Viện Trưởng sáng lập của trường Rackham Abhidhamma University=Maha(chulalongkornraja)vidyalaya của Thái ở Bangkok bây giờ đấy, là Ngài cũng để lại mấy chục cuốn, mà các Ngài là biên soạn, còn riêng Ngài Buddhadāsa thì không phải biên soạn mà Ngài tùy duyên mà thuyết giảng, chứ không phải là biên soạn. Thí dụ như tâm đắc bài Kinh nào thì Ngài tán rộng bài Kinh đó theo cái, không dám nói là tư kiến, nhưng mà đại khái là tư kiến. Và nó có chuyện nữa đó là cũng bài Kinh đó, cũng vấn đề đó, nhưng mà cách đây mười năm Ngài nói khác, nhưng mười năm sau Ngài nói khác. Khổ vậy. Chính vì thấy trước chuyện này cho nên các vị Thánh ngày xưa khi kiết tập không kiết tập phần Chú Giải. Bởi vì hễ thêm được Chú Giải của a là b,c,f,n, và cứ như vậy là hết, là đánh mất đi truyền thống nguyên thủy. Đấy. Thế là trong Chú Giải có hai bộ phận, một bộ phận là từ thời Đức Phật, và bộ phận sau thời Đức Phật. Và khi Ngài Mahinda mà Ngài đem qua Tích Lan thì Ngài đem qua cả hai, và từ đó bên Tích Lan mới có ba bộ Chú Giải đó là Mahāpaccarī, Mahākuruṇdī, Mahā-aṭṭhakathā. Lúc đó Ngài đem qua là vào thế kỷ thứ ba sau Phật Lịch. Đến thế kỷ thứ chín Phật Lịch, tức là lúc đó Đức Thế Tôn viên tịch gần 1000 năm rồi đó, non non nghìn năm, thì Ngài Buddhaghosa từ Nam Ấn Ngài đi qua Tích Lan, Ngài mới gọi là quy tập tất cả các bộ Chú Giải của Tích Lan trong ba bộ tôi vừa nói Mahāpaccarī, Mahākuruṇdī, Mahā-aṭṭhakathā, và ngoài đó ra còn 1 tỷ cái tài liệu nữa, 1 tỷ cái tài liệu lưu lạc ở trong Tăng Già, Ngài gom lại và Ngài gọi là tinh tuyển, trích diễm, chiết xuất, cái gì mà Ngài thấy là ổn nhất và Ngài đưa vào trong mấy bộ Chú Giải của Ngài. Thí dụ Chú Giải Trường Bộ là bộ Sumaṅgalavilāsinī, Chú Giải của Trung Bộ Kinh là bộ Papañcasūdanī, Chú Giải của Tương Ưng Bộ Kinh là Sāratthappakāsinī, Chú Giải của Tăng Chi là Manorathapūraṇī, rồi Chú Giải Tiểu Bộ là Paramatthajotikā, Paramatthamañjusā. Mấy bộ của Ngài. Bên A Tỳ Đàm thì 7 bộ, bộ đầu tiên Atthasālinī, bộ thứ hai là Sammohavinodanī, còn 5 bộ sau Chú Giải chung Pañcappakaraṇaṭṭhakathā.

Còn riêng Tạng Luật, nguyên Tạng 8 cuốn 5 bộ, chỉ có một cuốn Samantapāsādikā. Ngoài ra thì Ngài không chịu trách nhiệm, và trong cái phần mà Ngài không chịu trách nhiệm đấy, bây giờ ở Tích Lan nó còn rất là nhiều, và những học giả lớn như là Karunadasa chẳng hạn, Kalupahana chẳng hạn, những vị đó khai thác gọi là triệt để cái nguồn mà trôi nổi. Cho nên hôm nay khi mà nghiên cứu về A Tỳ Đàm chúng ta ngoài cái gọi là Tam Tạng Chú Giải ra, chúng ta còn có cái gọi là nguồn tham khảo của Miến Điện với những điểm đặc trưng không thể phủ nhận, và đặc biệt là nguồn tham khảo của Sinhalese cổ, tức Tích Lan cổ mà Ngài Buddhaghosa không nhắc tới hoặc nhắc nhẹ nhẹ thôi. Ngài chỉ gọi là Keci ācariya tức là thêm một vài tài liệu, thêm một vài vị tiền bối. Chỉ vậy thôi nha. Rồi. Tôi cố ý đi một vòng mênh mông để cho bà con thấy cái Chú Giải đó, cái gọi là Chú Giải có nhiều điểm mình cũng phải cân nhắc. Đấy. Thí dụ như trong đó nói về vũ trụ quang, chẳng hạn nói về chiều dày, trọng lượng, chu vi, diện tích của trái đất. mấy cái thông số tôi nghĩ là phải xét lại, rồi nói đến gọi là diện tích, chu vi, của mặt trăng, mặt trời, rồi chưa kể cấu tạo của mặt trời bằng chất liệu gì ? Bằng những thành phần gì ? Rồi mặt trăng, thì cái đó tôi nghĩ mấy cái đó bà con phải tính lại. Đấy. Cho nên khi mà dịch thì cái gì chúng tôi cũng dịch hết, dịch quyển Người Cõi chúng tôi dịch hết. Nhưng mà khi tái bản chúng tôi cũng phải cắt bỏ, nhưng những người cộng sự với chúng tôi, không biết vì họ tiếc hay là vì lý do thiện ý hay ác ý mà họ giữ nguyên. Đấy, đúng ra chúng tôi muốn cắt bỏ phần đó. Cắt phần mà nói về Vũ Trụ Quan, nói về Sinh Vật Học mà kiểu vay mượn từ Veda, từ truyền thuyết dân gian, tín ngưỡng dân gian, ba cái vụ đó phải tính lại. Chẳng hạn như mình thấy người Tàu, người Việt có con giao long, thuồng luồng, kỳ lân. Còn bên Âu Mỹ có con Unicorn ngựa một sừng, thì bên Ấn Độ cũng có những cái con như vậy. Đấy, thì phần này chúng tôi không có ý kiến, trong quyển đó thì các Ngài gom hết vô trong đó, chứ còn mà đúng ra thì chúng tôi nghĩ, là người học Phật nên thông qua mấy cái mà nó lợn cợn, nó lấn cấn, nó lăn tăn cái đầu bỏ đi. Rồi. Bây giờ tôi quay lại chữ Ý VẬT. Ghê không ? Đi một vòng rồi bây giờ quay lại chữ Ý Vật. Thì các Ngài, các Học Giả nhà ta thấy chữ Hadaya các Ngài phán đó là trái tim, điểm tựa của Nhãn Thức gọi là Thần Kinh Thị Giác, điểm tựa của Nhĩ Thức là Thần Kinh Thính Giác, điểm tựa của Tâm Tỷ Thức là Thần Kinh Khứu Giác, điểm tựa của Tâm Thiệt Thức là Thần Kinh Vị Giác, điểm tựa của Tâm Thân Thức là Thần Kinh Xúc Giác, và điểm tựa của Ý Thức đó chính là Sắc Ý Vật. Thì các vị mình thấy cái chữ Hadaya nghĩa đen của nó là trái tim, các vị bèn phán rồi trái tim, trái tim chính là điểm tựa của Tâm. Nhưng mà trong Paṭṭhāna Đức Phật dạy rất rõ là không có tâm, không có tim gan, phèo phổi, óc não gì hết. Ngài chỉ nói là Yaṃ rupaṃ nissāya; ở mỗi loài, ở mỗi chủng loài chúng sinh, cái chỗ nào là tử huyệt, chí tử, thì cái chỗ đó được gọi là Ý Vật.

Thí dụ như mình thấy có những loài cắt đôi nó ra nó ra thì nó vẫn sống được ít lâu. Có những loài mình đập nó chèm bẹp mà nó vẫn ngọ nguậy. Đấy. Thí dụ như vậy. Cho nên là mình phải cẩn thận, mình thấy Ý Vật là cái điểm tựa, chỗ nương của Ý Thức. Thí dụ bây giờ mình nói chỗ nương Nhãn Thức, mắt mình bị đui, võng mạc, giác mạc có vấn đề thì mắt không thấy đường nữa. Nhưng mà trong cơ thể mỗi loài nó có một yếu điểm, tử huyệt mà khi chạm vào đó rồi là phải chết. Chết liền tức khắc. Cho nên Ngài chỉ nói Yaṃ rupaṃ nissāya; chỗ nào mà Tâm của các chúng sanh nương vào thì chỗ đó gọi là SẮC Ý VẬT.
Chứ mình không thể nào mà mình nói kiểu võ đoán, mình phán Hadaya là tim, mình cứ phán tim là Ý Vật thì cái đó không ổn. Phải không ? Cái đó không ổn. Rồi cái hai nữa, một chứng minh rất thuyết phục đó là Chư Thiên trên cõi trời họ cũng có Tâm và họ cũng có Ý Vật, mà mình biết rõ ràng cơ chế sinh học của Chư Thiên làm gì có cái vụ lục phủ ngũ tạng, tim, gan, tỳ, phèo, phổi, thận, làm gì có. Họ là hình sương bóng khói, hình mai vóc hạc, mà làm cái gì có cái vụ tim phổi để mà nói Ý Vật nằm ở tim. Nhớ nha.

Tôi muốn nói cái gì trong bài giảng này ? Tôi muốn nói chuyện khác, mà trên nguyên tắc giảng Cơ Bản Giáo Lý thì phải cho người ta cái Nền. Chứ cất cái nhà mà cất trên cát cất cái gì ? Cất trên cát sao cất ? Phải có cái móng. Thì tôi nhắc lại, chúng tôi nhắc lại, là mình vừa học xong thế nào là TÂM THỨC VÀ TÂM SỞ. Tâm Thức thì gồm có 121, Tâm Thức là Thức Uẩn, còn Tâm Sở thì nó gồm có 52, tùy thuộc vào chuyện Tâm ấy nương Căn nào trong 6 Căn, Biết Cảnh nào trong 6 Trần và Tâm Sở nào đi cùng với nó. Thì ba cái này cộng lại nó mới quyết định Tâm đó là Tâm gì ? Đấy. Và từ đó chúng ta có được 121 Tâm nói rộng và 89 Tâm nói hẹp. Nha. Rồi. Bài giảng trưa nay tôi muốn nói cái gì ? Bà con ngó lại giùm tôi, trong bản đồ đó có ghi rõ Tâm thiện, Tâm ác, rồi cái gì nữa ta ? Tâm nhân, Tâm quả. Thiện đây tức là Nhân thiện đó. Tâm ác là Nhân ác, mà hễ Nhân thiện thì nó cho ra Quả thiện, Tâm Quả. Tâm ác nó ra cho Quả, thì Quả ở đây nó gồm có hai, đó là Quả Bình Sinh và Quả Tái Sinh.

– Quả Tái Sinh có nghĩa là khi mình làm một cái Nghiệp gì đó, nó cho mình hai Quả. Một là quả Tái Sinh, có nghĩa là nó đưa mình đi về một chỗ nào đó, đầu thai vào trong đó.
– Quả Bình Sinh có nghĩa là sau khi mình đã vào cõi đó rồi, thân xác, hình hài đó rồi thì mình sống như thế nào.

Thí dụ như do bố thí, cúng dường, niệm Phật, tụng Kinh, ngồi thiền, thuyết pháp. Phải không ? Nhờ cái đó tôi có Quả Tái Sinh vào cõi người. Đó là Quả Tái Sinh. Và sau khi làm người đời sống tôi nó khác người ta cái gì ? Tôi có được những cái mà người ta không có được. Thí dụ như vậy. Thì cái đó được gọi là Quả Bình Sinh. Nhớ không. Việc ác cũng vậy, sát sanh, trộm cướp, y chang như vậy. Khi mình tạo Nghiệp bất thiện, sát sanh, trộm cướp, thì cái chuyện đầu tiên là nó cho Quả Tái Sinh để đưa mình vào cảnh giới thấp kém, đau khổ nào đó, rồi tiếp theo sau khi mình đã vào đó rồi, thì mình bị đày đọa, dày xéo, phải không ? Đau đớn, bệnh tật, chết yểu, chết thảm gì tùm lum hết. Đúng không ? Như vậy là Quả thứ hai. Nhưng mà cái tôi muốn nói đây là cái gì ? Đã nói đến phàm phu, đã nói đến sanh tử, là chúng ta phải nói đến một nguyên tắc vô cùng quan trọng. Đó là Nhân Quả. vị La Hán giác ngộ triệt để Bốn Đế. Chúng tôi nhấn mạnh chữ “triệt để”. Ba tầng Thánh đầu thấy nhưng mà chưa triệt để, càng lên cao càng rõ, tầng Thánh thấp nhất là Tu Đà Hườn thấy Tứ Đế lần một, Nhị Quả là thấy Tứ Đế lần hai. Tại sao chúng tôi kêu là lần ? Là bởi vì muốn thành Tu Đà Hườn là phải có đủ duyên lành Ba La Mật để cho một Sát Na Tâm nó có cái tên là Tâm Sơ Đạo nó xuất hiện đúng một lần. Chính nó đó, nó quyết định là mình không còn là phàm nữa, chính cái Tâm Sát Na đó nó giúp mình thấy rõ Niết Bàn, Niết Bàn tức là Diệt Đế, thấy rõ Bốn Đế. Thấy rõ rằng mọi hiện hữu là Khổ, dù đó là sự có mặt của một Đức Phật hay là sự có mặt của một chúng sanh mà gọi là vi sinh nhỏ xíu, mắt thường không nhìn thấy, thì bất cứ một sự hiện hữu nào dầu của Bậc Đại Thánh hay là kẻ gọi là phàm phu loại thấp nhất, từ một ông hoàng, bà chúa, cho đến kẻ vô danh đói khát, thì tất cả MỌI HIỆN HỮU LÀ KHỔ, cây cỏ, trăng sao, hoa lá, cũng đều là khổ. Khổ đây có nghĩa là bất toàn, bất trắc, chứ không hẳn khổ nghĩa là phải liên hệ tới cảm xúc. Cho nên Khổ có hai :
– KHỔ CẢM GIÁC.
– KHỔ BẢN CHẤT.

Và nếu mọi thứ nó đều là khổ thì THÍCH CÁI GÌ CŨNG LÀ THÍCH TRONG KHỔ, muốn hết khổ thì đừng thích trong khổ nữa. Ba nhận thức này chính là con đường thoát khổ. Thì chỉ có vị A La Hán thấy triệt để Bốn Sự Thật này. Triệt để đến mức mà trong tâm khảm của Ngài không còn một tí ti chỗ đứng cho Tâm thiện và ác. Ác là dứt khoát là không rồi, nhưng mà thiện cũng không. Bởi vì Tâm thiện là Tâm lành nhưng mà nó còn mang trong đó chủng tử tái sinh. Tái sinh về các cõi lành. Còn vị A La Hán đương nhiên làm ác không có làm rồi đó, Ngài chỉ làm toàn việc lành thôi, thuyết pháp, ngồi thiền, Ngài vẫn ngồi thiền nha, ngồi thiền không phải để cầu đắc đạo, mà vẫn ngồi thiền để an hưởng Thánh Trí. Vẫn ngồi, vẫn phục vụ, giúp đỡ chúng sinh, bla, bla, bla… các Ngài làm, việc làm không, nhưng mà làm bằng Tâm Duy Tác hay là Tâm Đại Tố. Có nghĩa là làm để làm vậy thôi chứ còn không có đầu tư tái sinh, không đầu tư Quả dị thục Y Báo, Chánh Báo như là Tâm thiện của phàm phu. Nhớ nha. Rồi. Trừ Vị La Hán ra. Mà tại sao Ngài không có để, nãy tôi mới vừa nói đó. Tại sao những việc làm của Ngài tuy là lành hết cở tại sao không có cho hai Quả đầu thai Tái Sinh và Bình Sinh ? Là vì Ngài không còn một tí ti chủng tử sanh tử luân hồi nữa. Ngài không còn Dục Ái, Sắc Ái, Vô Sắc Ái, không có ba cái này thì lấy cái gì mà đi đầu thai vào các cõi đây ? Trong A Tỳ Đàm nói rất rõ, phàm tâm giống như con khỉ vậy đó, từ kiếp sống này chuyển kiếp sống kia thì cái loạt Tâm đầu tiên phải là Tham Ái. Nó bỏ cõi này chụp qua cõi kia. Dầu đó là địa ngục, dầu nó sẽ là con chó đi nữa thì cái loạt Tâm đầu tiên phải là Tham Ái. Mà Vị La Hán không còn Tham Ái thì lấy cái gì để mà buông cái này, mà bắt cái kia, buông cái nhánh này, chụp nhánh nọ. Cho nên chỉ trừ La Hán thôi, tất cả chúng sinh còn lại là đều có, không phải đều có nguy cơ, mà chắc chắn là phải tái sinh. Phải không. Rồi. Bây giờ tôi muốn nói chữ Nhân Quả

Nhân Quả càng nói nó càng ra chuyện.

Nhân Quả nó có hai, gọi là Nhân Quả máy móc và Nhân Quả báo ứng. Nhân Quả Báo Ứng có nghĩa là làm việc thiện thì ra quả lành, quả vui, làm việc ác thì ra quả khổ, quả buồn, quả xấu. Phải không. Đó gọi là Nhân Quả Báo Ứng. Còn Nhân Quả máy móc là sao ? Là nó không có liên hệ đến cái chuyện báo ứng thiện ác, không hề có thiện ác ở đây, mà Nhân Quả máy móc là sao ? Thí dụ như Vị La Hán trời mưa đi trong mưa, không có gì che, về bèn bị trúng mưa. Vị La Hán đi ngoài nắng không có gì che về bèn trúng nắng. Đó là Nhân Quả đó, nhưng mà Nhân Quả máy móc, hoặc người phàm chúng ta mở lò nấu mà không chịu coi, lát sau cháy khét. Đó là Nhân Quả, ở đây không có báo ứng gì hết, cháy khét cái nồi thôi. Rồi đi bất cẩn không chịu ngó té cái ạch. Đó là Nhân Quả máy móc. Còn Nhân Quả báo ứng là nó phải liên hệ đến khía cạnh thiện và ác, thì vị A La Hán không còn kẹt ở trong Nhân Quả báo ứng nhưng mà Nhân Quả máy móc vẫn còn chứ, vẫn còn. Thí dụ như ngay cả Đức Phật khi mà vì lòng đại bi, Ngài dùng món ăn đó cho thí chủ hoan hỉ Ngài vẫn dùng, nhưng mà Ngài biết dùng như vậy là với niềm vui này người ta sẽ được sanh Thiên, người ta sẽ được vô lượng đức lành. Nhưng mà Ngài biết cơ thể Ngài có vấn đề với món ăn đó, Ngài biết, Ngài không còn bị kẹt ở trong Nhân Quả báo ứng nhưng mà Ngài vẫn ở trong Nhân Quả máy móc. Ngài không có còn đầu tư công đức nữa nhưng mà trong sinh hoạt thường nhật của Ngài thì trong Kinh nói rất rõ, Chú Giải nói là trừ những đêm mưa lớn, chứ còn những buổi mà lâm thâm mưa bụi, hay là trời khô ráo Đức Thế Tôn luôn luôn và luôn luôn đi kinh hành ban đêm, vào một khoảng thời gian đầu hôm, tức là sau bài giảng cho Chư Tăng đầu hôm, thì Ngài dành thờ giờ đi kinh hành xong vào trong hương thất để nghỉ ngơi. Đấy. Trong Kinh còn ghi rõ nữa là trong những tình huống ban đêm Ngài đi như vậy thì Ngài kéo cái y Ngài che trên đây. Chú Giải ghi rõ như vậy. Chánh Tạng cũng nhiều chỗ có nói. Chánh Tạng có trong Tương Ưng, còn Chú Giải nói rõ luôn là khi những khi mà trời có mưa bụi, mưa phùn thì Ngài lấy cái y Ngài che trên đó. Vì Ngài biết bây giờ bất cẩn là bệnh, Ngài biết chứ. Nhớ nha.

Nói nãy giờ mà cũng chưa vô được nội dung bài Kinh. Tức là bây giờ làm ơn nhớ là hễ nói tới Nhân Quả là nhớ hai loại Nhân Quả đó là :
– NHÂN QUẢ BÁO ỨNG liên hệ thiện ác.
– NHÂN QUẢ MÁY MÓC nó chỉ là vấn đề technical thôi. Các vị La Hán nói chung và Đức Phật nói riêng, Đức Phật cũng là La Hán nha. La Hán tự ngộ. Thì các vị La Hán nói chung vẫn còn nằm ở trong cái gọi là Nhân Quả máy móc, trong Kinh Pali có ghi rất rõ Nhân Quả Báo Ứng đó là Kammavipāka:
– Kammavipāka: Nhân Quả báo ứng.
– Kamma: Nghiệp thiện ác.
– Vipāka: Quả dị thục, y báo, chánh báo từ thiện ác.
Còn Nhân Quả máy móc thì là chữ Hetu-Phala;
– Hetu-Phala; bao trùm mọi tình huống dầu là Nhân Quả báo ứng hay là Nhân Quả máy móc. Nhưng mà riêng Nhân Quả máy móc thì nó chỉ gọi là Hetu-Phala, ……..

Nói đến Nhân Quả mình phải nhớ đến bốn trường hợp sau đây. Đó là nội dung của bài giảng chiều nay. Đó là NHÂN TẠO RA QUẢ, tôi nhớ tôi giảng ở đâu đó chắc cũng phải 1000 lần, nhưng mà bài giảng thì bắt buộc phải nhắc lại, nói đến Nhân Quả là phải nhớ bốn trường hợp, mà Nhân Quả đây là tôi đang giảng Nhân Quả Báo Ứng nha.

Nhân Quả báo ứng gồm có bốn trường hợp đó là :

1/ NHÂN TẠO RA QUẢ
Khi mình làm nghiệp thiện, nghiệp ác, nó sẽ cho ra quả buồn, quả vui, quả tốt, quả xấu, phải không. Thí dụ như nãy tôi mới nói đó. Mình làm thiện thì mình sẽ được cái gì đó trong kiếp sau, được sanh về cõi nhân thiên hay là đã sanh ra trong hình hài nhân thiên. Chúng ta được cái này, cái kia, được ngoại hình, được đời sống vật chất, được khả năng trí tuệ, được tiếng tăm, được tình cảm, bla, bla, bla. Thì cái đó được gọi là Nhân tạo Quả. Hoặc làm ác cũng vậy. Khi mà mình sát sanh, trộm cắp, thì đời sau sanh ra bị cái này, bị cái kia. Đó gọi là Nhân tạo Quả.
Nhưng mà trường hợp thứ hai đa phần phật tử mình chỉ biết có một thôi. Nó có tới bốn trường hợp mình chỉ biết có một thôi. Phải đáng tiếc không ? Nói tới Nhân Quả mình chỉ biết có Nhân tạo ra Quả. Nhưng mà còn ba cái sau mình chưa có học, trường hợp thứ hai là :

2/ QUẢ TÁC ĐỘNG QUẢ
Quả không có tạo ra nha. Quả không có tạo ra Quả, nhưng mà Quả tác động Quả, có nghĩa là sao ? Do mình làm một việc lành nào đó, cho nên bây giờ mình mới sanh ra trong một cảnh giới nào đó với một hình hài, với một thân phận như thế nào đó. Đó là Nhân tạo ra Quả. Nhưng khi mà mình đã có thân phận, hình hài đó rồi, trong thân phận hình hài đó chúng ta lại có điều kiện để đón nhận nhiều quả thiện ác trong quá khứ. Nếu mà trong hình hài khác, thì có rất nhiều quả chúng ta xù, chúng ta không có nhận được. Thí dụ như chiều nay, tính theo giờ của trái đất, giờ nhân loại, chiều nay 3 giờ rưỡi tôi bị người ta chưởi, chưởi tan nát luôn. Nhưng mà nếu bây giờ tôi là một vị tiên ở trên trời, chung quanh tôi toàn là Tiên đồng, Ngọc nữ, Ngọc hoàng, Thượng đế, Diêu trì, Dương mẫu, Thái thượng Lão quân, Na tra, Lý tịnh không thì tôi hỏi ai chưởi, ai chưởi tôi ? Cho nên, khi mà tôi đã có Quả về trời thì coi như mấy cái Quả bị chưởi, bị đánh, coi như là thông qua bỏ. Chỉ khi nào tôi nhận Quả làm thú, làm người, làm thú thì tôi mới bị người ta đánh, người ta giết. Chứ còn thú có bị chửi cũng trớt quớt, cho nên mình không có kể. Chỉ có làm người, mang thân phận con người thì tôi sẽ có điều kiện để tôi nhận các Quả khác, mà thân phận con người của tôi, hồi nãy tôi mới nói, đó là Quả thiện của đời trước. Nhưng do Quả đó, trên nền tảng của Quả đó, tôi lại có điều kiện, có cơ hội, để tôi nhận vô vàn những Quả khác. Trường hợp này được gọi là Quả tác động Quả.

Do nghiệp thiện ác mà ta sanh ra trong một hình hài nào đó, hình hài ấy chính là Quả thiện ác đời xưa, nhưng mà cũng chính trong hình hài đó ta lại có điều kiện để nhận nhiều Quả khác. Có những hình hài nhận được quả A, quả B, nhưng có những hình hài chỉ nhận được quả C, quả F, chứ không có nhận quả A, B, vì nó không có tiện. Phải không ? Rồi. Theo cái phước của tôi là chiều nay đúng 3 giờ rưỡi chiều nay tôi được người ta mời đi sinh nhật, người ta tặng quà tôi, nhưng mà nó kẹt cái chỗ là tôi đang mang thân con chó, tôi đang là con heo, con heo nọc, con heo nái, trong chuồng, tôi nè. Tôi là con heo nọc, cho nên bây giờ đúng chiều nay 3 giờ rưỡi là tôi được người ta mời đi sinh nhật tặng quà, nhưng mà bây giờ tôi là một con heo rồi làm sao ? Thế làm cái phước mà được mời sinh nhật rồi được tặng quà là coi như nó không có cơ hội. Hiểu chưa ? Rồi. Đó là Quả tác động Quả.

3/ QUẢ TÁC ĐỘNG NHÂN
Có nghĩa là vì Nghiệp thiện ác nào đó trong đời quá khứ tôi sinh ra trong một hình hài, một thân phận người hay là thú, và trong hình hài đó tôi có điều kiện sống nhiều với ác hay với thiện. Đấy. Thì trường hợp này được gọi là Quả tác động Nhân. Tác động thôi nha chứ không có tạo ra. Chỉ có một trường hợp là :
– Nhân tạo ra Quả thôi,
– Quả tác động Quả.
– Quả tác động Nhân.
– Nhân tác động Nhân.

Mấy này nó toàn là tác động thôi, thì Quả tác động Quả tôi mới vừa nói đó. Vì Quả xưa mà bây giờ tôi phải có mặt trong một hình hài, một thân phận, một cảnh giới, một chủng loại nào đó. Và trong cảnh giới, hình hài, thân phận, chủng loại ấy, tôi mới có điều kiện nhận các Quả thích hợp. Và cũng trong hình hài, thân phận ấy tôi lại có điều kiện để tạo ra Nhân thiện hay là Nhân xấu.

Bởi vì các vị phải đồng ý với tôi, chuyện tu hành không phải muốn là được. Tôi biết, Kālāma trong bụng của tôi đó, là mình phải mở các lớp, các khóa tu và các khóa học liên tục và liên tục, liên tục và liên tục. Tức là tôi đếm cứ mà 20 người về Kālāma đúng một tháng trở lên. Đúng nha. Đúng 30 ngày trở lên, thì tôi sẽ tổ chức lớp học, hoặc là trên 20 người mà đề nghị xin về đó tu thiền ba tuần trở lên. Thì chúng ta bèn thỉnh Thiền Sư, nhưng mà các vị biết con số 20 đó, trong nhiều trường hợp nó chẳng là cái gì hết. Nhưng mà cái chuyện để về Kālāma thì nó lại khác. Bởi vì các vị biết, đó là các vị đi tiền túi Kālāma đâu có bao đâu đúng không ? Tiền túi. Mà các vị biết khứ hồi đó ít nhất là 500 đô la, 500 đô la hoàn toàn chưa kể tới tiền mà dằn túi, tiền mà dọc đường làm bể bánh tráng của người ta đền, chưa kể, tiền mua chai nước sông, nước suối uống là chưa có. Chưa. Chỉ có tiền bay không đó, khứ hồi là 500. Đó là về tài chánh là thấy làm cho bà con mình phải chùn chân rồi. Đấy. Rồi. Chưa kể một tháng trở lên thì sao ta ? Việc nhà tính sao ? Công việc, công ăn, việc làm tính sao ? Có người thì họ bị là cái Quả rõ ràng. Có người cái gì cũng Ok kẹt cái sức khỏe, sức khỏe kiểu đó đâu dám đi qua Kālāma. Đấy. Qua Kālāma có bề gì rối àh. Đấy. Đó. Có người thì bị rắc rối về vấn đề tài chánh, có người rắc rối vì công việc bỏ không được. Vậy là tài chánh, công việc, sức khỏe, có người rắc rối về gia đình, vợ muốn đi mà chồng phản đối, chồng muốn đi mà vợ phản đối, vợ chồng Ok nhưng mà Cha, Mẹ, con cái phản đối. Đó cũng là cái Quả. Quả nào của quá khứ. Tại sao người ta trơn tru suông sẻ còn mình trục trặc, trục trặc, trục trặc là sao ? Cho nên trường hợp nó được là Quả tác động Nhân là vậy đó. Tức là khi mà anh hưởng Quả cũ của quá khứ, anh có mặt trong một hình hài nào đó, và trong hình hài đó anh có điều kiện để sống thiện hay sống bất thiện. Tôi biết có nhiều gia đình động trời lắm. Vợ đi shopping chồng Ok, vợ đi du lịch chồng Ok, vợ đi tiệc tùng ca hát Ok, mà vợ đi chùa chồng không Ok. Có, có, có cái đó.

Rồi ở Âu Mỹ nó có trường hợp có những người phật tử nữ lấy chồng Chúa hoặc chồng không đạo, cấm không cho làm bàn thờ ở trong nhà. Có. Họ nói cho tôi. Có. Rồi tội nghiệp lắm, bả kể tội nghiệp lắm. Tức là bả có cái hình bả kẹp ở trong cuốn sách, mà mỗi lần bả vô muốn ngồi thiền hay bả muốn tụng Kinh là tụng nhỏ nhỏ, thích quá, thích tụng lắm. Mà không có chuông mỏ gì hết. Có cái hình kẹp trong cuốn sách, cứ mỗi lần bả muốn tụng Kinh là bả đóng cửa lại, lấy rước tấm hình ra, bả để dựng tấm hình trước mặt. Hình đó nha. Hình bọc Plastic ý chứ không được khuôn, bởi vì khuôn dấu đâu đây ? Để trước mặt, rồi ngồi thiền, rồi lạy, đọc lâm râm, lâm râm, lễ Phật, đọc nhỏ nhỏ, nhỏ nhỏ vậy đó. Xong rồi cất vô. Còn thỉnh Kinh, thỉnh sách là là phải nói dóc, nói này mượn của nhỏ bạn về đọc cho biết. Đủ cách như vậy đó. Thì đó gọi là Quả tác động Nhân. Có nghĩa là sanh vô trong một môi trường nào đó tu rất là khó. Làm việc ác rất là khó. Hoặc làm việc thiện rất là khó. Có những gia đình coi như tôi biết là từ bé không cho con sát sinh. Có. Tôi biết có. Từ bé Bố Mẹ không cho con gọi là giết ruồi, muỗi, kiến, mối, dán, chuột, là không. Từ nhỏ là không có cho nói dối, nói dối phạt nặng lắm, tội tru di cửu tộc, nhỏ xíu là không được nói dối, nhỏ xíu là không được tham của phi nghĩa, nhỏ xíu là không được nói dối, không được tham, không có được vô phép phạm thượng. Nhỏ xíu. Có nhiều gia đình đặc biệt lắm. Họ dạy con từ bé và có những gia đình khích lệ con bậy bạ từ bé. Có. có. Đừng ép tôi nói ra nha. Xúi ở đây giống như là a tầm phù, tán đồng, thỏa hiệp, đồng thuận. Đó gọi là xúi là xúi vậy đó.

Chứ không phải nói xúi giục cụ thể, và có những gia đình mà coi như là cho con cái thấy Bố Mẹ nói dối xoèn xoẹt, xoèn xoẹt, cho con cái thấy Bố Mẹ lừa đảo. Thí dụ như đi mua vé, người ta hỏi mấy tuổi ? Nói năm tuổi. Mà trong khi thằng nhỏ 6 tuổi. Nói 5 tuổi nó bớt tiền vé. Nhỏ nó thấy. Thì cái đó là một cách xúi. Đó là một cách xúi. Xúi cho con nó nói dóc, xúi cho con nó tham.

Cho nên đó gọi là Quả tác động Nhân là vậy đó. Tức là do điều kiện, do nghiệp xưa mà hôm nay ta phải sanh vào trong một hình hài, một hoàn cảnh, môi trường nào đó, và ở môi trường đó ta sẽ dễ thiện hơn hoặc là dễ bất thiện hơn, dễ tu thiền hơn, dễ học giáo lý hơn, hay là dễ ăn chơi bậy bạ hơn. Đấy. Cái đó là Quả tác động Nhân. Như vậy mình học ba cái :
1/ Nhân tạo ra Quả.
2/ Quả tác động Quả.
3/ Quả tác động Nhân.
Và cái cuối cùng đó là :

4/ NHÂN TÁC ĐỘNG NHÂN
Là sao? Nhân ở đây gồm có hai, tức là Nhân ở đây là Nhân là thói quen Thiện Ác của tiền kiếp, và cái thứ hai là Nhân ở đây là Thiện Ác ngay đời này. Đấy. Tiền kiếp là sao ? Thí dụ như mình thấy thái tử Tất Đạt trí tuệ bằng trời biển. Đúng không ? Nhưng mà đó là Ngài khác mình ở chỗ nào ? Nói trí tuệ nhưng mà mình phải cho thấy cái khác mình chỗ nào. Đấy. Tức là nhiều đời Ngài đã ly dục, Ngài đã yếm thế, Ngài đã chán đời. Rồi. Đấy. Cho nên bây giờ Ngài sanh ra Ngài chỉ cần nhìn thấy một bà cụ, một xác chết, một đám tang, một ông lão, một người bị bệnh nằm rên hì hì là Ngài muốn bỏ nhà Ngài đi. Bỏ cung vàng áh nha. Cung vàng điện ngọc. Bỏ. Vì nhiều đời đã tu rồi. Tu là Nhân đúng không ? Nhiều đời tu thiền ly dục đó là Nhân. Chính cái Nhân đó nó tác động vô bây giờ Ngài gặp cảnh này Ngài cũng oải.

Cái này nói theo A Tỳ Đàm cũng là Nhân, Nhân thiện. Tâm thiện là Nhân. Từ cái Tâm thiện xưa nó tác động Tâm thiện hiện tại, hoặc như là em trai của Ngài Xá Lợi Phất cưới một cô vợ đẹp lắm. Đẹp cực kỳ. Tại sao tôi nhấn mạnh cái chữ “đẹp” này ? Không phải là háo sắc đâu. Mà nó quan trọng lắm. Nhấn mạnh là bởi vì nó rất quan trọng. Cổ đẹp lắm. Nhưng mà trong buổi hôn lễ theo truyền thống tập tục của gia đình, gia tộc, là họ cử ra một người lớn tuổi nhất, mà nếu được người này có một cuộc hôn nhân Ok nữa thì càng tuyệt. Chính người này cầm cái bình nước rót lên tay của Tân lang, Tân nương để chúc phúc cho tụi cháu gọi là răng long đầu bạc. Phải không. Trăm năm hạnh phúc – Sắc cầm hảo hiệp – Loan phụng hòa minh, bla, bla, bla…. gì đó. Thì người mà lớn tuổi nhất đã trải qua bao nhiêu dâu biển nhân gian, bao nhêu kinh nghiệm hôn nhân, và đã có được hôn nhân đẹp.

Bây giờ người đó mới truyền năng lượng hôn nhân đó cho cái đám sau thì còn cái gì bằng. Đúng không ? Thế là coi như bà Ngoại của nghề đó được gia tộc cử ra làm đại diện, mà đại diện xịn nhất 120 tuổi. cụ 120 tuổi cụ mới cầm cái bình nước cụ rót, cụ chúc phúc cho đôi Tân lang, Tân nương. Thì Ngài Revata là em ruột của Ngài Xá Lợi Phất lúc đó là đang là chú rể, nhìn cô vợ của mình ta nói trời đất ơi, ta nói cơm chiên cá mặn, oh, chim sa cá lặn. àh, chim sa cá lặn. Nhìn qua bà Ngoại ta nói hỡi ơi, ta nói không còn cái non nước nào mà tả. 120 tuổi rồi coi như là hết rồi. Không còn cái gì để gọi là. Thì Ngài Revata Ngài mới nhìn thấy rồi làm một so sánh nhẹ. Ngài thấy sao nó trớt quớt kỳ quá đi. Nữ với nhau mà sao nó trớt quớt hà. Thì Ngài mới suy nghĩ, Ngài nói, trời ơi, bà Ngoại ngày xưa cách đây 100 năm về trước thì đâu có ngán gì bà xả mình. Phải không ? Chắc chắn rồi. Đâu có ngán. 120 thì cách đây 100 năm thì mới 20. Còn bà xã mình mà 100 năm nữa thì cũng tầm này, tầm này ớn quá. Thì Ngài đành phải dĩ đào vi thượng, ớn quá. Do túc duyên sâu dày 100 ngàn đại kiếp, tu bằng Ngài A Nan và Ngài Ca Diếp, Ngài chỉ cần một cú đẩy nhẹ thôi, đó là làm cái so sánh giữa bà Ngoại với cô dâu. Thế là Ngài mới nói với mọi người xin cho con vào bụi tí. Đang rước dâu cho con vào bụi tí. Ngài đi Ngài lách vô bụi rồi Ngài vọt luôn. Chuyện nó dài lắm. Chuyện kể dài lắm, tôi kể vắn tắt là Ngài đi tu luôn, đắc A La Hán, Lục Thông Tam Minh và Bốn Trí Vô Ngại. Và rõ ràng đó gọi là Nhân tác động Nhân.

Nghĩa là nhiều đời người ta đã tu quá trời tu, cho nên bây giờ từ tu xưa mà chuyển qua tu nay nó lẹ lắm. Còn như mình bây giờ tại sao gọi là thời mạt pháp ? Bởi vì trong Kinh ghi rất rõ, người thời nay mà kêu là vì đạo mà bỏ hết. Khó. Trong Chú Giải ghi thế này, Phật Pháp chia ra nhiều thời kỳ, thời kỳ thứ nhất gọi là
– Vimuttiyuga; tức là period; gọi là thời kỳ, Vimuttiyuga là thời kỳ mà người ta chứng đạo, chứng thền cực dễ. Giai đoạn hai đó gọi là :
– Samādhiyuga; tức là chuyên tu thiền định, đắc thì không bao nhiêu, nhưng mà Tăng ni, Cư sĩ mà ngồi thiền còn đông lắm. Đắc không bằng thời kỳ một, thời kỳ một là Vimuttiyuga, mà thời kỳ hai thì chỉ còn thấy ngồi thiền dày đặt nhưng mà đắc không có nhiều. Gọi là Samādhiyuga. Kỳ thứ ba gọi là :
– Sīlayuga; tức là y áo đi đứng, ăn nói trang nghiêm, đoan nghiêm, chuẩn mực, khả kính. Đấy. Quay phim chụp hình là hết nét. Phải không ? Nhưng mà thiền thì không được nhiều lắm. Giai đoạn này gọi là giai đoạn Sīlayuga; giới hạnh.
– Vimuttiyuga;
– Samādhiyuga;
– Sīlayuga;
– Sutayuga; có nghĩa là gì
knowledge, giai đoan của kiến thức, tức là lúc này chuyện đắc đạo, đắc quả là coi như thông cảm đi. Không có rồi đó, rồi cái vụ mà chuyên tu thiền định xếp bằng lim dim cũng dẹp luôn. Ba cái vụ mà Giới Luật gì đó là cũng thấy oải quá đẩy qua bên, giờ chỉ còn làm sao mà nó uyên bác thôi. Uyên bác. Ông nào mà có thiện chí đó thì gọi là rao giảng Chánh Kiến. Còn ông nào dỏm là lấy Phật Pháp cầu danh trục lợi. Còn ông nào mà khá chút đó thì là rao giảng chân lý, truyền bá Chánh Pháp. Nhưng mà giai đoạn này được gọi là Sutayuga; tức là giai đoạn này chỉ có kiến thức thôi. Và giai đoạn cuối cùng gọi là :
– Dānayuga; là sao ? Là từ Tăng Ni, phật tử chỉ có một đề tài duy nhất để lắng nghe thuyết giảng và hành trì. Nghe cho kỹ nha.

Chỉ có một đề tài duy nhất để thuyết giảng, lắng nghe và hành trì đó là Bố thí. Tức là ông Thầy, ông Sư là cứ là kêu Bố thí chứ còn không có giảng cái gì được nữa. Thứ nhất là có hiểu đâu giảng, kêu Bố thí là gọn nhất, đề tài an toàn. Đúng không. Đề tài an toàn. Đề tài an toàn là đề tài nào ? Thí dụ như là đạo nghĩa vợ chồng, chữ hiếu, con cái hay là bố thí cầu phúc lộc, từ thiện xã hội, rồi niệm Phật cầu Kinh, quét chùa hốt lá rồi đó… đó… thì mấy cái này gọi là những đề tài an toàn. Đấy. Nghĩa là mình thuyết mấy cái đó không ai bắt lỗi mình hết trơn. Không cần phải nghiên cứu Kinh điển rồi gặp ba cái giáo sư, giáo siết, người ta bắt lỗi, bắt cái gì ? Đề tài nó rõ như ban ngày bắt cái gì đây ? Cho nên là cái giai đoạn này gặp nhau Tăng Ni chỉ còn kêu gọi Bố thí, mà cái đề tài phật tử khoái nhất cũng chỉ là đề tài Bố Thí. Và thực tập hành trì cũng chỉ là hành trì Bố Thí. Đấy. Thì tổng cộng vị chi là năm thời kỳ :
1/ Vimuttiyuga
2/ Samādhiyuga
3/ Sīlayuga
4/ Sutayuga
5/ Dānayuga.

Thì mình sinh ra trong thời kỳ coi như là thời kỳ mà càng về khuya nó càng hiu hắt. Đấy. Cho nên như kiếp xưa mình từng tu, thì kiếp này mình chỉ cần được người ta khõ nhẹ là bèn tu dễ dàng. Còn có tình huống, có trường hợp kiếp xưa tu yếu quá, bởi nãy tôi nói rồi. Nhân đây nó gồm có hai. Đó là Nhân tác động Nhân. Thì Nhân mà ở đây nó có hai đó là Nhân xưa, cái Nhân mà để đủ lực tác động có hai, đó là NHÂN QUÁ KHỨ hoặc là NHÂN HIỆN TẠI. Nhân hiện tại là việc thiện ác nào mà mình làm thường xuyên trong nhiều năm, trong thời gian dài, thì nó cũng có lực mạnh lắm, nó trở thành một tập tính, nó trở thành một thói quen, tự nó cũng là nguồn lực mạnh trong hoạt động của mình. Nha. Cái gì mình quen, ví dụ như bây giờ mình cũng không khoái ba cái vụ sát sanh, nhưng mà do hoàn cảnh, rồi sinh ở đồng sâu ruộng cạn, rồi thì nông thôn ruộng lúa vậy đó, văn minh lúa nước vậy đó. Rồi bây giờ thấy cả đời mình chỉ biết có nhiêu đó thôi àh, cho nên sát sanh, mà cái chuyện do Quả xưa mình đầu thai vô cái chỗ nông thôn, đó là Nhân tạo ra Quả. Nhưng khi mình sát sanh quen, sát sanh quen rồi đó, tức là tối ngủ mà nghe cá nó đớp, ngoài đìa cá nó bụp phát là bắt đầu nghĩ đến chuyện ngày mai ra thả câu giăng lưới. Đấy. Rồi mai ra đìa đó xong vét sạch, rồi ngó qua cái đìa khác là làm tiếp, nó có cái trớn dữ lắm. Cái gì bậy nó có trớn. Cái gì bậy là có trớn lắm, câu cá, săn bắn, rồi đánh bài, nhậu nhẹt, cá độ, mấy cái mà nó trời ơi đó có trớn lắm. Thì cái trớn đó được gọi là Nhân tác động Nhân. Làm thiện nhiều nó cũng trớn. Thí dụ như bây giờ mình đọc sách nha, đọc sách có trớn. Như mình thấy trên thế giới bây giờ người ta thống kê, thống kê mới nhất mình đọc thấy cũng vui. Đó là người Đức, người Ấn, người Thái Lan. Đó là những người Đức, Ấn, Thái, Nhật. Đây là bốn dân tộc, ngày xưa là có người Bắc Âu, nhưng mà theo thống kê mới thì tôi cũng chẳng, tôi đâu có đi làm thống kê đâu tôi biết. Ngày xưa là người Bắc Âu ở đầu bảng, rồi bây giờ là người Ấn, Đức, Thái, Nhật, bốn dân tộc nó đọc sách coi như là miên man, miệt mài. Đọc từ bé, nhu cầu đọc sách rất lớn, mà đọc sách riết nó quen. Cho nên hôm nay, dầu là cái thời buổi của internet, rồi bao nhiêu thứ trên internet, trên máy, trên phone, theo tôi biết, có nhiều người vẫn cứ là đọc sách. Kể cả họ đọc bằng sách điện tử, bằng ebook, có hình ảnh rất là đẹp, đó là ở Âu Mỹ, ở Châu Âu, chúng tôi thấy ở đâu đó nhà ga, phi trường, hoặc những khi chúng tôi đi bộ ở trong đường làng, trong xóm núi, đi ngang mấy nhà thờ, mấy cái góc núi đẹp lắm, mà thấy có kẻ ngồi đọc sách, ngồi hoặc có người nằm luôn. Họ trải một cái tấm gì đó, rồi vừa phơi nắng vừa đọc sách. Hình ảnh đó đẹp lắm. Có nghĩa là thói quen đọc sách đó phải được huân tập, một là nhiều đời, hai là nhiều năm, nhiều tháng trong kiếp này. Cho nên bây giờ giữa bao nhiêu cám dỗ của thời đại thì họ vẫn vượt qua được hết. Vẫn trung trinh tiết liệt. Thủy chung một dạ với cuốn sách. Không bỏ. Thì đó gọi là Nhân tác động Nhân. Như nãy tôi nói là em Ngài Xá Lợi Phất tu nhiều kiếp, bây giờ chỉ cần nhẹ phát là bỏ đi tu liền. Đó là Nhân tác động Nhân. Hoặc như hoàng tử Tất Đạt của mình, cái chuyện mà một ông cụ, bà lão, một đám ma, một người bệnh. Trời đất ơi mình thiếu gì cơ hội mình nhìn thấy, nhà mình ngay chóc bệnh viện, ngày nào không nghe ò e, ò e đó, mình có tu hành gì đâu ? nhà mình ngay chóc Bình Hưng Hòa, nhà mình ngay cái khám Chí Hòa bao nhiêu cảnh tù đày lao lý, mình thấy mỗi ngày đó chứ. Đấy. Mà mình có tu hành gì đâu. Nhà xác, lò thiêu, nghĩa trang, bệnh viện, mình có thấy mỗi ngày, bao nhiêu ông cụ, bà lão, lưng khòm, má hóp, mắt mũi kèm nhèm, lơ ngơ đi ngang mình, mình có tu hành gì đâu. Hình ảnh đó không đủ, không đủ để tác động lòng tu. Vì sao ? Vì Nhân xưa mình nó yếu quá. Yếu quá. Trong khi đó những vị Đại trí, Đại hạnh, Đại căn, Đại duyên, thì người ta chỉ cần một tí ti hình ảnh đó là người ta bèn tu hành xuất sắc.

Đấy. Cho nên nói tới Nhân Quả bà con làm ơn nhớ đến bốn trường hợp chứ không phải một. Nha. Đó giờ mình chỉ biết một trường hợp là Nhân tạo ra Quả. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Nhân nào Quả nấy. Mình chỉ biết có nhiêu đó, nhưng thật ra mấy cái đó chỉ có một, đó là Nhân tạo ra Quả thôi. Nhưng mà nó còn ba cái sau. Quả tác động Quả, nhận Quả này nó lại là điều kiện nhận thêm Quả khác.

Quả tác động Nhân là khi nhận Quả báo này là chúng ta có điều kiện để mà sống thiện hay sống ác dễ hơn.
Và cuối cùng khi mà thiện ác nó đã quen tay rồi, nó lại tác động vô số thiện ác khác, trường hợp này được gọi là Nhân tác động Nhân. Vậy có bốn trường hợp. Đó là :
1/ NHÂN TẠO RA QUẢ
2/ QUẢ TÁC ĐỘNG QUẢ
3/ QUẢ TÁC ĐỘNG NHÂN
4/ NHÂN TÁC ĐỘNG NHÂN.

Thì mình có thể thấy cái này trong cái gọi là hệ thống Giáo Lý Duyên Khởi – Vô minh duyên Hành – Hành duyên Thức – Thức duyên Danh Sắc. Thì mình ngồi mình rà trong đó. Đúng. Trong đó có bốn trường hợp này. Tức là Nhân tạo ra Quả. Đúng. Quả tác động Nhân. Quả tác động Quả. Nhân tác động Nhân. Nhớ không. Thì Nhân Quả nó quan trọng. Tại sao tôi muốn nhấn mạnh bốn cái này ? Là bởi vì chỉ xin bà con nhớ một chuyện thôi, ngó lên bản đồ mình mới học xong đấy. Trong đó có Tâm thiện rồi có Quả thiện. Tâm ác Quả ác, mà Quả đây có hai trường hợp. QUẢ TÁI SINH và QUẢ BÌNH SINH. Khi mình làm một việc ác nào đó, là lòng của mình đã nghiêng về cái ác một tí, một độ. Khi mà mình làm thiện thì lòng mình nó nghiêng về cái thiện một độ. Mà mình ngồi yên trong nhà mình một độ không có quan trọng. 360 độ mình nghiêng có 1 độ không quan trọng. Nhưng mà thử mình ở trên máy bay, phi công, đối phi công 1 độ, 2 độ nó lớn chuyện. 1 độ chếch về hướng tây bắc, đông bắc, tây nam, đông nam, lớn chuyện. Thì ở đây cũng vậy. Khi mà mình có lòng làm ác, làm thiện, thì cái lòng mình đã nghiêng về cái thiện, cái ác, mà mình nghiêng nhiều lần như vậy.

Đấy. Cái vấn đề chỗ mình nghiêng nhiều lần. Các vị đốn cây, thấy không ? Người ta mở miệng, mình muốn cho nó ngã về hướng nào mình phải mở miệng ở đó trước. Mở miệng xong rồi, bắt đầu mình mới đưa lưỡi cưa vô, thì nó sẽ ngã đúng cái hướng mà mình mở miệng. Thì khi mà bà con có lòng, bà con đã quyết định là tu hay là không tu, lúc này mình đã mở miệng cái gốc cây, đã cưa mở miệng. Đấy. Và cứ mỗi một đời, mỗi một ngày, một tháng, một năm, một thập niên, nó trôi qua là lưỡi cưa của chúng ta nó cứ miết miết, kéo kéo, miết miết, kéo kéo, kéo kéo, miết miết. Khi mà lòng mình, nghe cho kỹ nè, là nó kéo, nó miết, qua hai cách. Một nó thông qua những gì mình Ghét và những gì mình Thích. Mình Thích cái gì quá nó trở thành ra là hướng đi tương lai của mình.

Nó trở thành ra nguồn gọi là dẫn đạo chủ lực cho hành động. Nhớ nha. Nguồn dẫn đạo chủ lực. Khi mình Thích cái gì đó. Ghê vậy đó. Và khi mình Ghét cũng vậy. Chính cái mình Ghét nó cũng là một nửa cái nguồn gọi là dẫn đạo chủ lực, cái Thích là một nửa, cái Ghét là một nửa, khi tôi Ghét cái gì đó quá tôi làm gì tôi cũng có cái khuynh hướng là né. Mà khi tôi Thích cái gì đó quá, thì tôi làm việc gì đi nữa nó cũng có một tí ti chuẩn bị cho cái đó. Tin tôi đi, tin tôi đi. Tin chuyện đó có thật. Khi mình Ghét cái gì, Thích cái gì, hành động của mình nó được điều động, được hướng dẫn bởi cái Thích và Ghét. Và tất cả những việc thiện ác mình làm nó đều không nằm ngoài hai tác động Thích và Ghét. Có người thích đi chùa, có người ghét đi chùa. Có người thích lễ lạy, có người cả đời biết cúi đầu trước ai hết. Có người cả đời thích chia sẻ, có người cả đời sợ hao tốn. Có người cả đời khiêm tốn, mà có người cả đời coi như đi dưới đất mà cái mặt hất lên trời. Có người cả đời luôn sống trong trách nhiệm, có người cả đời sống như cây cỏ, chỉ biết hít thở và ăn uống, không có biết cái gì nữa hết, như cây cỏ vậy đó. Rồi. Thì nhớ cái đó. Cho nên cứ nhớ mỗi một giây phút trôi qua chứ không phải ngày, không phải giờ, No, no, không phải ngày giờ, ngày giờ một đơn vị thời gian cực lớn ở trong đạo Phật. Nhớ nha. Ngày và giờ đó là thời gian cực lớn ở trong đạo Phật, đừng nói là năm tháng, chỉ có ngày giờ thôi. Bởi vì theo A Tỳ Đàm thiện ác của mình nó đâu có phải ngày, phải giờ, nó là phút, nó là giây. Đây là lý do vì sao phải tu Tứ Niệm Xứ. Bởi vì chỉ có tu Tứ Niệm Xứ thì anh mới có thể đối diện với chính mình trong từng phút, từng giây. Chứ còn anh đợi tới giờ là anh nát bét rồi. Gọi là 60 phút coi như không còn kịp nữa. Nha. Còn nếu không tin Phật thì thôi, không tin Phật thì mình không chuyện gì để nói với nhau. Nha. Còn nếu tin Phật thì phải để ý, mình phát hiện là mình vừa có một suy nghĩ gì đó, là biết ngay suy nghĩ này là không nên có. Chỉ vậy thôi. Tôi không cần nói rõ là suy nghĩ cái gì ? Nhưng mà tôi chỉ cần mình đang đi, đứng, nằm, ngồi, nói, cười, ăn uống. Phải không ? Mà mình thấy có suy nghĩ nào nó thoáng qua trong đầu mình biết cái này là bất thiện, cái này là ganh tị, biết cái này là bủn xỉn, biết cái này là ác ý, biết cái này là tham, biết cái này là tiểu nhân, biết cái này là hèn hạ, biết cái này là không nên có. Biết liền. Thì người không có tu nghe cái này thấy nó thường lắm, nhưng với một hành giả mà có tu tập, có thực tập, thì chỉ cần sống phát hiện bản thân, tôi gọi nó là sống phát hiện, thì suốt một tháng, hai tháng, thì tùy người, có người thì ba tháng, có người thì sáu tháng, người chín tháng. Khi trải qua chừng đó thời gian sẽ có một ngày mình làm chủ được mình. Dầu mình vẫn còn là phàm, tuy là phàm mình vẫn nhớ được, buổi đầu mình nhớ được trong ngày nay mình có ác ý với ai không ? Ngày nay mình có tham của phi nghĩa không ? Thêm nữa là tu riết mình sẽ nhớ đến cả tuần, nhớ đến cả tháng, nhớ đến cả năm, nhớ trong suốt thời gian qua tôi đã có bao nhiêu lần bất thiện như vậy ? Mình không cần đếm số, mà chỉ bao nhiêu lần đây có nghĩa là nhiều hay ít, tôi không bắt quý vị nhớ là 365 lần rưỡi là không có, không cần. Không cần nhớ số. Chỉ cần mình nhớ là có bao nhiêu lần, rồi tự trả lời là nhiều lắm. Hoặc là không bao nhiêu. Phải không. Trong một tuần qua có bao nhiêu lần tôi có thiện tâm ? Chỉ cần mình biết rằng không bao nhiêu là được rồi. Mà nhớ cái này quan trọng nè. Cái này quan trọng lắm nè. Khi mà mình thường xuyên theo dõi chính mình, mình quan sát chính mình, cái này bà con phải vạch áo lên xâm câu này bằng được, xâm ngay chiều nay, đêm nay “KHI MÌNH LIÊN TỤC PHÁT HIỆN CÁI XẤU CỦA MÌNH CÓ NGHĨA LÀ MÌNH ĐANG SỐNG THIỆN”. Yeah!

Khi mình liên tục phát hiện mình sống thiện thì cái đó là khỏi nói rồi. Nhưng mà khi mình liên tục phát hiện mình bất thiện lại cũng là đang sống thiện. Phải không ? Tôi mệt rồi, tôi không giải thích tại sao nhưng về suy nghĩ có đúng vậy không. Liên tục phát hiện mình bất thiện. Phải không ? Cái này ganh tị nè, cái này bỏn sẻn nè, cái này thù oán nè, cái này hôn thụy nè, cái này tà kiến nè. Liên tục phát hiện cái bất thiện của mình lại cũng là đang sống thiện. Nhớ cái đó. Mình tha đồ quý, đồ đẹp, đồ nghệ thuật về cho nhà đó là một cách trang trí, mà đem cái đồ tầm bậy, tầm bạ trong nhà ra cũng là một cách trang trí. Phải không ? Tôi nói hoài, muốn cho cái mặt mình nó đẹp, muốn cho cái nhà mình nó đẹp, muốn cho cái phòng mình nó đẹp, muốn cho khu đất mình nó đẹp, thì có hai cách. Một là đem cái đẹp vào. Hai là đưa cái xấu đi. Mà đối với cái bất thiện thì sao ? Đối với cái thiện, bất thiện không có cái gì để đưa vào, không có gì đem đi, chỉ làm một việc thôi. Phát hiện. Đối với đồ đạc vật chất thì mới có cái đem vào và lấy ra. Còn đối với cái thiện thì không. Tôi chịu trách nhiệm câu nói này. Không. Không có cái gì để đem vào đem ra, chỉ có chuyện biết rõ thiện đang có mặt, biết nó do duyên mà có, có rồi phải mất. Ở đây chỉ có sự tu tập. Ở đây chỉ có thiện pháp chứ không có người tu tập. Ở đây không có tôi nào, không có ta nào hết. Nhớ nha. Luôn luôn nhớ như vậy. Mọi thứ do duyên mà có. Có rồi phải mất. Liên tục sống trong sự tỉnh táo như vậy đó. Nhớ. Tôi nhắc lại. Liên tục phát hiện mình bất thiện cũng là đang sống thiện, còn liên tục thấy mình thiện thì quá tuyệt. Nhưng mà coi chừng hiểu lầm nha, phải có loại hiểu lầm nữa nha. Cái này chắc phải mở ngoặc, liên tục thấy mình thiện thì chắc nói trên lý vậy thôi chứ làm gì trong room này có vị nào trong đây liên tục thiện. Phải không. Thì nói lý vậy thôi. Liên tục phát hiện thấy cái thiện là tốt đã đành rồi. Đó là số một. Nhưng mà liên tục thấy mình bất thiện cũng là thiện. Cũng là một pháp tu. Nha. Rồi.

Như vậy vị chi bữa nay chúng ta có bốn chuyện rất là quan trọng để nói với nhau, để ghi nhớ thực tập, hành trì. Mình học về 4 NGUYÊN TẮC NHÂN QUẢ :
1/ NHÂN TẠO RA QUẢ
2/ QUẢ TÁC ĐỘNG QUẢ
3/ QUẢ TÁC ĐỘNG NHÂN
4/ NHÂN TÁC ĐỘNG NHÂN.

Mình ngó trên bản đồ coi. Đấy. Tâm thiện Quả thiện, Tâm ác Quả ác. Riêng Tâm Đại Tố, Tâm Duy Tác của La Hán thì không. Không có Quả. Nhớ nha.

Không Nhân, không Quả là Duy Tác. Không thiện, không ác là Vô Ký.

Nhớ cái câu này, nó cũng vần cũng dễ nhớ. Không Nhân, không Quả là Duy Tác. Không thiện, không ác là Vô Ký. Nhiều người cứ lộn hoài. Phải không. Ok. Chúc các vị một ngày vui và hẹn lại tuần sau. Việt Nam bây giờ đang nóng kinh hoàng, các vị biết bên đây nó lạnh không có tả được. Mong sớm gặp lại các vị ở Thụy Sĩ và mong rằng tình hình Kālāma sẽ Ok. Chứ còn hôm nay, thì hiện giờ có một vị Tăng Miến Điện ở đó, khi mà các vị cộng sự ở đó về nước hết thì có vị Tăng đang ở thế, và chúng tôi cũng cầu nguyện cho tình hình ở đó ổn. Chúng ta không ngờ vào thời điểm này cũng còn có tiếng súng, có đạn bom và đặc biệt là không ngờ được cái chuyện đó xảy ra bên cạnh Kālāma. Nhưng mà tôi tin chắc 1000% rồi cái gì cũng qua đi. Tôi vẫn thường an ủi nhiều người lắm, cái gì cũng qua đi, chỉ có nỗi buồn còn ở lại thôi. Chúc các vị một ngày vui!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app