Cuộc Đời Là Một Trường Học Phần III

Tác Giả: Thiền Sư U Jotika

Người Dịch: Sư Tâm Pháp

Không có phần nào trong cuộc sống của chúng ta mà không chứa đựng những bài học ấy cả. Chừng nào bạn còn sống, chừng đó vẫn còn có những bài học cần phải học.

Khi chúng ta còn trẻ, có rất nhiều bài học cần học hỏi, và khi về già, cũng vẫn còn vô số bài học nữa. Cuộc sống của chúng ta luôn luôn thay đổi và những hoàn cảnh mới đòi hỏi chúng ta phải có những hiểu biết mới và cách nhìn mới. Những thăng trầm, khó khăn, đau khổ trong cuộc đời (lokadhamma) tất cả đều là những bài học.Những kinh nghiệm xấu là bài học, mà kinh nghiệm tốt cũng là bài học.Khi bạn còn trẻ, những khó khăn trong cuộc đời là một loại bài học, khi bạn già đi, chúng là một loại bài học khác.

“Ở chỗ kia” không có gì tốt hơn “ở chỗ này”

Nhiều người luôn có thói quen trì hoãn: “Bây giờ tôi không có thời gian hành thiền, có thể một lúc nào đó trong tương lai, khi có điều kiện thuận lợi, tôi sẽ làm việc đó”. Có lần có người nói với tôi: “Khi làm việc gì đó, tôi muốn làm cho hoàn chỉnh. Vì vậy, tôi sẽ chỉ đi xuất gia làm một nhà sư khi tôi đã xong công việc của mình, nghỉ hưu.Khi đó tôi sẽ vào rừng và cống hiến toàn bộ cuộc đời mình cho việc thực hành. Bây giờ thì không có lý do gì để cố gắng hành thiền cả, bởi vì tôi sẽ không thể thực hành tốt được”.

Tuy nhiên, chẳng có gì đảm bảo là anh ta có thể sống được đến lúc ấy hoặc là có thể sống được lâu nữa sau khi đến tuổi lĩnh lương hưu. Ngay cả khi anh ta sống thọ, cũng sẽ có những lý do để không thể thực hành thiền theo cách mình mong muốn. Những người thực hành hết mình ngay bây giờ, thì khi hoàn cảnh thuận lợi hơn, họ sẽ thực hành còn tốt hơn nữa. Không cố gắng bây giờ mà chỉ nói về nó là một cách để che dấu sự thật rằng người đó thực sự không muốn thực hành.

Giây phút hiện tại là giây phút quan trọng nhất.

Đừng uổng phí hiện tại để hy vọng vô ích cho tương lai.

Đừng quên: một con chim giữ trong tay đáng giá hơn hai con chim bay trên trời. Chớ tham bát bỏ mâm.

Khi “chỗ kia” đó biến thành “chỗ này”, bạn sẽ lại thấy một “chỗ kia” khác tốt hơn “chỗ này” nữa.

Con người ta luôn ôm ấp hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Không biết trân trọng giây phút hiện tại là một thiếu sót lớn của con người. Đừng nghĩ đến một nơi nào đó hay một lúc nào đó ở tương lai, hãy thực hành ngay ở đây và bây giờ! Hãy sống với chánh niệm và tỉnh thức, hãy hành thiền càng nhiều càng tốt, và luôn tìm hiểu tâm mình.

Nếu bạn thực sự hiểu được những gì Đức Phật dạy trong kinh Đại Niệm Xứ (Mahā-Satipatthāna Sutta), bạn sẽ không còn chọn lựa một “lúc nào đó” nữa. Bạn sẽ biết rằng không có một nơi chốn hay thời điểm nhất định nào mới là “thích hợp”, bạn có thể thực hành vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi nào. Thậm chí bạn có thể tập chánh niệm ngay cả trong lúc nói chuyện, chỉ cần chịu khó thực hành là bạn sẽ làm được.

Sống một cuộc đời có ý nghĩa quan trọng hơn là sống sung sướng, hạnh phúc. Một cuộc đời có ý nghĩa là một cuộc đời tràn đầy mãn nguyện.Sự mãn nguyện hay biết đủ với những gì đang có là một loại hạnh phúc sâu sắc hơn.Những người chỉ phấn đấu tìm kiếm hạnh phúc là những người không có chiều sâu và sẽ sớm phải đối diện với đau khổ.Càng phấn đấu tìm kiếm hạnh phúc, sẽ càng khó có được hạnh phúc và bạn sẽ càng không thể sống trọn vẹn cuộc đời mình một cách tốt đẹp.

Nếu bạn muốn sống cuộc đời mình một cách có ý nghĩa, hãy luôn luôn sống với chánh niệm.Tất cả mọi thứ sẽ trở thành có ý nghĩa nếu bạn sống với chánh niệm, làm việc với chánh niệm và nói với chánh niệm.

Mọi người bên ngoài chỉ là những tấm gương để bạn soi lại mình.

Đây là một lời nhắc nhở cho những người sắp bước vào thế giới con người.Trong cuộc sống làm người, bạn sẽ phải gặp gỡ mọi người.Bạn sẽ coi họ là gì?Hãy coi họ như những tấm gương phản chiếu chính mình. Tại sao chúng ta phải soi gương? Bởi vì chúng ta muốn xem mặt mình, hình dáng bên ngoài mình cho gì khó coi hay không – để mà lau rửa, chỉnh trang lại cho tốt đẹp.

Khi nhìn thấy lỗi lầm hay khiếm khuyết của người khác, hãy tưởng tượng rằng bạn đang nhìn thấy khuôn mặt của chính mình trong gương.

Những lỗi lầm và khiếm khuyết đó cũng có thể có trong chính bản thân bạn. Nhận ra và sửa chữa chúng là điều lợi ích nhất chúng ta có thể làm cho chính mình. Không thấy được những lỗi lầm của mình và sửa chữa nó mà chỉ đi tìm lỗi của người khác là việc làm vô ích.

Khi nhìn một ai đó, có thể bạn nghĩ: “Hắn ta thật là kiêu căng, ngã mạn”. Hãy tự hỏi mình: “Mình có kiêu căng và ngã mạn như thế không nhỉ?”. Kiêu mạn (māna) là một loại phiền não rất vi tế. Có tài sản hơn người có thể làm cho bạn kiêu ngạo, học nhiều cũng khiến cho bạn kiêu ngạo, và một số người còn cảm thấy kiêu ngạo bởi vì mình chẳng sở hữu gì (tự cho mình là thanh cao).Thậm chí bạn còn kiêu hãnh rằng mình không kiêu căng, ngã mạn như những người khác.

Thậm chí những người hành thiền cũng nghĩ rằng họ cao thượng hơn những người khác và bắt đầu ra vẻ ta đây cao hơn người: “Tôi tu lâu rồi, rất nhiều năm rồi, đã từng tham dự rất nhiều khoá thiền. Tôi là một trong những đệ tử thân cận nhất của thầy…”.

Một số người còn rất kiêu căng ngay cả khi họ chữa bệnh: “Bệnh của tôi không thể chữa bằng thuốc men bình thường. Con trai tôi phải gửi thuốc này từ tận bên Anh về đấy, ở đây chẳng kiếm đâu ra được đâu”. Ngay cả bệnh tật và thuốc men cũng có thể trở thành chủ đề để ganh đua, hơn thua với nhau. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta cứ luôn phải muốn hơn người. Một số người còn rất tự mãn về những quan điểm và ý kiến của mình: “Tôi chẳng thèm quan tâm đến bất cứ ai. Nói cho mà biết, tôi không dễ bị thuyết phục đâu nhé!”.

Ghi nhớ điều này trong tâm, bạn phải luôn luôn cảnh giác khi tìm lỗi của người, khi bạn thấy họ hành động hay nói năng một cách kiêu ngạo.Hãy tự nhắc nhở mình rằng chính bạn cũng có sự kiêu căng ấy, tự nhắc mình nhìn kỹ sự kiêu mạn đang có trong mình.Có thái độ đúng đắn như vậy sẽ giúp bạn phát triển và trưởng thành hơn.

Tham cũng là một loại phiền não khác rất dễ nhận ra ở người khác. Tất cả chúng ta, không ngoại trừ một ai, đều có tham theo cách này hay cách khác. Không dễ để hoàn toàn không có chút tham nào trong tâm. Có những loại tham vô cùng vi tế, vi tế đến mức thậm chí bạn không nhận diện được nó là tham nữa. Ngay cả khi chúng ta giúp đỡ người khác, vẫn còn mong muốn đạt được chút lợi ích nào đó cho mình: danh tiếng hay uy tín, địa vị, đặc quyền hay một quyền lực, ảnh hưởng nhất định nào đó.

Muốn người khác nghĩ rằng chúng ta không tham hoặc rất ít tham, hay muốn người khác coi trọng mình, đó cũng là một loại tham.

Tuy nhiên, bạn không nên chỉ đi tìm những tính xấu của người khác.Khi bạn thấy những đức tính tốt trong người khác, bạn nên tự nhủ chính mình rằng trong mình cũng có những đức tính đó – ít nhất cũng có tiềm năng để trở thành như thế. Tất cả chúng ta cần cố gắng để trở nên ngày càng tốt đẹp hơn.

Một điều rất có thể xảy ra là bạn không thể chấp nhận nổi một số cái xấu trong bản thân mình và vì vậy sẽ tìm cáchche đậy chúng.Khi nhìn thấy đúng cái xấu ấy ở người khác, bạn sẽ có xu hướng chỉ trích mạnh mẽ.Thực tế bạn sẽ rất hay chỉ trích người khác về chính những cái xấu ấy. Vì vậy, mỗi khi thấy mình hay soi mói, chỉ trích những điểm xấu nào đó của người khác, bạn cần phải dũng cảm và chân thật tìm hiểu xem có phải mình làm vậy vì chính mình cũng có cái xấu ấy và đang cố gắng che dấu nó hay không.

Nếu bạn thực sự không có ngã mạn hoặc có rất ít, bạn sẽ không dễ dàng tích cực tìm lỗi của người khác khi họ chẳng may đang bị ngã mạn chi phối. Nếu bạn không tham hoặc rất ít tham, bạn cũng không dễ dàng tìm lỗi người khác và mạnh mẽ chỉ trích họ khi họ đang bị tâm tham chiếm hữu.Bạn sẽ nhận ra rằng thực ra họ đang bị tra tấn bởi vì họ không thấy ra được những tâm tham, tâm sân, sự kiêu căng, ngã mạn của chính mình.Bạn sẽ cố gắng tìm một cách thức nhẹ nhàng để chỉ cho họ những gì đang diễn ra để họ có thể tự mình thấy được.Bạn nhất định không nên dùng lời nói chỉ trích họ, hạ thấp họ, làm cho họ xấu hổ hay đổ lỗi cho họ bằng bất cứ cách nào.

Tham, sân, si, ngã mạn…tất cả chỉ là những hiện tượng tự nhiên.Nếu bạn có thể nhìn chúng như là những động lực không thuộc về cá nhân một ai hết, bạn sẽ không đổ lỗi cho bất cứ người nào khi họ đang phải đau khổ vì nó cả.Điều thực sự quan trọng là bạn phải thấy rõ hay nhận diện ra chúng. Ngã mạn chỉ đơn giản là ngã mạn, không phải cái ngã mạn CỦA ANH TA hay CỦA CÔ TA, và cũng không phải là ngã mạn CỦA BẠN.

Một số người rất hay tự đánh bóng mình trong khi luôn tìm cách hạ thấp người khác, khi thấy người khác giỏi giang hơn hay thành đạt hơn, họ dè bỉu: “Mấy người ấy toàn tâm tham thôi, tôi chẳng bao giờ tham lam, làm ngày làm đêm như họ”. Những người nói như vậy là bởi vì họ không có khả năng làm việc chăm chỉ và không thành đạt.Rất hiếm người nói “không” khi có cơ hội kiếm thêm tiền hay được thăng chức.Nếu có thể được thêm, chẳng ai dại gì mà từ chối. Có một câu tục ngữ, thường mọi người hay dùng để nói đùa nhưng thực ra lại rất chính xác và có ý nghĩa như thế này: “Người không có quyền thì cho rằng mình nhẫn nhịn và dễ tha thứ, kẻ không tiền thì tự nhận mình thanh đạm, giản đơn”.

Một số người sống như thế đấy.Bởi vì không đấu lại người khác, nên họ phải chấp nhận thua cuộc, nhẫn nhịn và nhún nhường.Họ biện hộ cho sự sợ hãi của mình cho rằng đó là đức tính nhẫn nại.Bởi vì không thể kiếm cho đủ sống tơm tất, không có tiền bạc, nên họ nói rằng đó là vì mình biết đủ và sống giản dị. Sự thật là bạn chỉ có thể tự nhận mình là người giản dị khi bạn có đủ tiền để tiêu pha, mà vẫn sống đơn giản, không xa hoa, phung phí.

Khi bạn nhìn thấy cái xấu của người khác, hãy cố gắng nhìn lại xem trong mình có thói xấu nào tương tự như thế hay không.Thường là bạn sẽ tìm thấy nó có ở đó.Khi bạn thấy một điều gì tích cực, một đức tính tốt của người khác, bạn cũng kiểm tra lại trong mình xem mình có những đức tính tốt như thế hay không.Nếu có, hãy hoan hỷ về điều đó và cố gắng tăng trưởng nó lên.Nếu chưa có, hãy cố gắng rèn luyện mình để phát triển đức tính ấy trong mình, cố gắng biến nó thành của mình.

Khi bạn yêu hay ghét điều gì đó của người khác, nghĩa là bạn cũng đang yêu hay ghét chính những điều đó trong bản thân mình.

Khi bạn ghét một ai đó, hãy cố gắng hết sức để tìm hiểu xem tại sao mình lại ghét người ta thế. Bất cứ điều gì khiến bạn ghét họ đến vậy cũng chính là thứ bạn đang có trong mình. Nếu bạn cảm thấy gần gũi với một người nào đó, nếu bạn yêu thương một ai đó, bạn cũng phải nhìn thật kỹ. Tại sao bạn yêu người ấy?Có phải bởi vì cô ấy có thái độ sống tốt và có thể thấy được mặt tốt của mọi người hay không? Có phải bạn thích cô ấy bởi vì cô ấy không bao giờ ngồi lê đôi mách hay nói xấu người khác, hay bởi vì mỗi khi giúp đỡ người khác, cô ấy luôn làm với động cơ trong sạch? Trong bạn cótất cả những đức tính ấy không?Bạn có thiện ý chân thành muốn giúp đỡ người khác và cố gắng có cái nhìn đúng đắn về mọi thứ hay không?Bạn có đối xử với mọi người một cách chân thật và tôn trọng, không coi thường ai, không cảm thấy mình cao hơn họ hay không?Bạn nên cố gắng để phát triển những đức tính tốt ấy trong chính bản thân mình.

Bạn muốn tạo nên cuộc đời mình như thế nào là tùy thuộc vào chính bạn.

Đừng bao giờ đổ lỗi cho người khác khi mọi việc trở nên tồi tệ với bạn. Hãy tự chịu trách nhiệm về hành động của chính mình và chấp nhận cả kết quả tốt cũng như kết quả xấu từ hành động mình đã làm.

Bạn có tất cả mọi công cụ và mọi nguồn lực mình cần.Sử dụng chúng như thế nào là tuỳ thuộc vào bạn.Sự lựa chọn là của bạn.

Có nhiều người sinh ra trong gia đình nghèo khổ hoặc phải ở trong những hoàn cảnh khó khăn, nhưng đã trở nên rất thành đạt và giàu có.Tôi có hai người đệ tử, bố mẹ họ mất từ khi còn nhỏ.Hai anh em được một ông chú nuôi, nhưng rồi cũng không sống được ở nhà chú và phải vào sống nhờ trong chùa. Một người sau đó trở thành giáo sư toán học và đang dạy ở một trường đại học ở nước ngoài, người kia đã trở thành một doanh nhân thành đạt và giàu có. Không người nào kiêu căng, tự mãn.Họ cũng chẳng xấu hổ về quá khứ nghèo khó của mình. Họ nói: “chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều khi lớn lên trong chùa và hộ độ chư tăng”.

Một người nữa mà tôi biết vốn sinh ra trong một gia đình giàu có và có địa vị cao, nhưng sau đó thì cha mẹ mất. Họ chưa bao giờ biết tự lo cho thân mình, họ được nuôi dưỡng, chiều chuộng một cách quá đáng. Họ phung phí thời gian tán gẫu, tiêu tiền hoang phí và cuối cùng bây giờ trở nên nghèo kiết xác, cuộc sống vô cùng khốn khổ.

Người Miến Điện có câu tục ngữ rằng: “Không hay lam hay làm thì chớ đổ lỗi rằng vì ai mà mình nghèo khó”. Bạn cần phải hiểu rằng, nếu không cố gắng làm lụng, thì sẽ chẳng có cái gì tốt đẹp đến với mình cả đâu.Tuy nhiên, bạn không cần phải ganh đua với người khác.Một số người học hành giỏi giang, một số người phát đạt trong kinh doanh, một số người khác thì bừng nở trong tu tập. Tất cả chúng ta phải tìm ra cách riêng của mình để làm cho cuộc sống có ý nghĩa và khiến cho cuộc sống làm người của mình có giá trị.

Các trả lời nằm ở bên trong mình.Câu trả lời cho các câu hỏi của cuộc đời bạn ở bên trong bạn.

Không cần thiết phải nhìn ra bên ngoài! Đây là một câu nói rất có ý nghĩa.Bạn cần phải suy nghĩ thật sâu sắc để hiểu được ý nghĩa của nó.

Tôi biết một vị thấy rất già, người đã dành rất nhiều năm nghiên cứu kinh điển và thực hành thiền.Ngài có rất nhiều đệ tử, cả đệ tử cư sỹ lẫn đệ tử xuất gia, nam và nữ.Hàng ngày, họ thường đến hỏi ngài rất nhiều câu hỏi. Ngài có trái tim vô cùng nhân hậu và rất nhiều tâm từ. Ngài cố gắng trả lời tất cả các câu hỏi của họ. Rất nhiều người đến xin ngài lời khuyên về đủ mọi việc: sức khoẻ, các quan hệ xã hội, tôn giáo…

Tuy nhiên, một ngày ngài nói với họ rằng: “Hãy thực hành thiền chánh niệm (satipathāna) liên tục cả ngày, từ khi thức dậy cho đến lúc đi ngủ. Hãy giữ chánh niệm liên tục trong mọi lúc.Khi chánh niệm của bạn tốt, bạn sẽ tự tìm được câu trả lời tất cả mọi vấn đề của mình”.Một câu trả lời đơn giản, nhưng thật sâu sắc và có ảnh hưởng sâu rộng.

Nhiều người chúng ta có rất nhiều câu hỏi để hỏi. Đôi lúc chúng ta có người để hỏi và được trả lời, nhưng có những lúc chẳng ai có thể trả lời cho mình được. Hỏi người khác và được trả lời thì tốt, nhưng nó sẽ không tác động đến tâm mình một cách sâu sắc.Nếu bạn tự hỏi mình, và giữ câu hỏi đó với chánh niệm, trong lúc hành thiền câu trả lời sớm muộn gì cũng bất ngờ xuất hiện trong tâm.Việc tự tìm được câu trả lời như thế sẽ có tác động rất sâu sắc.Những câu trả lời đó có thể làm thay đổi cuộc đời một con người.

Khi hành thiền, chúng ta đạt được những tuệ giác sâu sắc và những hiểu biết về cuộc đời. Chúng ta cũng đạt được những hiểu biết thâm sâu về chính bản thân việc hành thiền nữa. Chỉ cần thực sự cố gắng thực hành.Khi bạn thành thục trong thiền, nhiều sự thật về bản chất của mọi việc sẽ “xuất hiện” trong tâm bạn.Hãy tận dụng những tiềm năng sẵn có trong mình (các Ba la mật) mà bạn đã rèn luyện qu         a bao nhiêu kiếp sống.Chúng vẫn nằm yên ở đó. Khi hành thiền, tâm chúng ta bình an và sáng suốt, chúng ta thấy và hiểu rõ hơn quy luật nhân quả của tự nhiên. Những việc mà mình không hiểu bỗng trở nên rất rõ ràng.Tôi thường rất hài lòng mỗi khi thấy một trong các đệ tử của mình đạt được những hiểu biết đó.

Bản thân tôi cũng trải qua một quá trình y hệt như thế.Lúc đầu có rất nhiều điều tôi muốn biết và tôi có rất nhiều câu hỏi.Bởi vì lúc đó tôi chẳng biết ai để mà hỏi nên tôi bắt đầu tự tìm hiểu.Tôi bắt đầu hành thiền về những điều mình muốn biết và một số câu trả lời đã xuất hiện trong tâm.Điều đó khiến tôi rất vui và nó khích lệ tôi đi tiếp.Thật vô cùng thú vị khi hiểu được rằng Pháp chính là cuộc sống. Nó mang lại cho tôi thật nhiều đức tin trong việc thực hành, và cũng khiến tôi tự tin hơn nhiều.

Khi tâm trong sáng, sáng suốt và bình an do kết quả của thiền, những hiểu biết xuất hiện luôn luôn là thiện lành. Nó sẽ là những hiểu biết đúng đắn, mang đến điều thiện.Bạn không thể sai lầm.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app