Cuộc Đời Là Một Trường Học Phần IV

Tác Giả: Thiền Sư U Jotika

Người Dịch: Sư Tâm Pháp

Khi gặp khó khăn, trước hết bạn hãy suy xét xem có thể vận dụng Pháp vào hoàn cảnh này như thế nào.Cố gắng làm dịu tâm mình và làm cho tâm vững mạnh, kiên định.Đối với một thiền sinh có kinh nghiệm, thực hành thiền đều đặn mỗi ngày thì điều này không khó.Chỉ cần thực hành chánh niệm trên hơi thở vào ra, tâm sẽ trở nên tĩnh lặng và sáng suốt.Khi tâm đã tĩnh lặng và sáng suốt, hãy tự hỏi mình việc tốt nhất cần làm bây giờ là gì.Câu trả lời bạn có trong hoàn cảnh đó sẽ là hợp lý nhất và khách quan nhất.Sẽ rất sai lầm khi quyết định trong lúc tâm còn tham và sân rất mạnh.Khi tâm ngã mạn, kiêu căng, ghen tỵ hay bủn xỉn, đừng bao giờ quyết định làm bất cứ việc gì.Bất cứ việc gì bạn quyết định cũng sẽ là sai lầm.

Khi tâm còn tham, sân, ngã mạn, kiêu căng, ghen tỵ, bủn xỉn…chỉ cần quan sát nó một cách thành thật và dũng cảm.Khi chúng qua đi, khi tâm đã trong sạch trở lại, lúc ấy mới nên quyết định.Bạn sẽ không thể sai lầm.

Tất cả những gì bạn cần làm chỉ là quan sát, lắng nghe và tin tưởng.

Tin tưởng trí tuệ, tin tưởng chính bản thân bạn. Bạn có khả năng hiểu Pháp một cách sâu sắc.Nếu ngày hôm nay bạn biết hơn ngày hôm qua một chút, thì mọi việc sẽ dần dần tiến triển. Hãy tin tưởng vào tiến trình này, tin tưởng rằng tất cả những gì bạn cần chỉ là chánh niệm mạnh mẽ và liên tục.

Rồi bạn sẽ quên những điều này.

Hãy tưởng tượng xem nếu bạn quên những điều này thì sẽ là một sự mất mát lớn dường nào. Lúc đầu, bạn được người ta nói cho tất cả những điều cần biết cho một chuyến đi thành công, nhưng sau đó bạn quên hết những thông tin ấy.Vậy thì điều gì sẽ diễn ra?Bạn sẽ gặp rắc rối lớn. Rất nhiều người đã quên không tự hỏi mình câu hỏi: “Tại sao tôi sinh ra trong kiếp con người này?”.Chính vì vậy họ gặp rắc rối.Họ cố gắng tìm kiếm những thú vui phù phiếm từ việc giải trí và sở hữu tài sản vật chất.Rồi họ chết đi mà chẳng học được bài học nào hết.

Một số người chỉ già đi mà chẳng trưởng thành.Họ không trở thành những con người trưởng thành.Họ ngày càng già đi, nhưng trí tuệ thì không hề tăng trưởng.Đó là một tổn thất cực kỳ lớn. Chúng ta chỉ sống xứng đáng với kiếp sống làm người khi mỗi ngày trôi qua, chúng ta phát triển thêm được một chút ít trí tuệ.

Người ta thường nói rằng rất nhanh rồi chúng ta sẽ sớm quên hết những lời khuyên ấy. Vậy chúng ta phải làm gì để không quên bây giờ? Chúng ta phải thường xuyên tự nhắc nhở mình. Đức Phật và những con người trí tuệ, giới đức vẫn thường xuyên nhắc nhở chúng ta. Tất cả đều nhắc chúng ta rằng: “Đừng quên”.

Một số người kể với tôi rằng họ nhớ được kiếp trước của mình.Họ nói vào lúc hấp hối, họ nhớ lại tất cả những điều quan trọng mà họ đã không làm được trong cuộc đời.Họ cảm thấy vô cùng hối tiếc và quyết tâm sẽ làm những việc tốt, việc thiện nếu họ được sinh lại làm người lần nữa.Vì vậy, ngay trước lúc chết, họ tâm niệm mục đích cao cả và lý tưởng đó trong tâm mình.

Bản thân tôi cũng đã từng ở ngay bên cạnh cái chết một lần.Tôi thực sự tự hỏi xem có đúng là mình đang chết hay không khi nghe mọi người nói với nhau là tôi đã ngất đi rồi.Tôi vẫn biết mọi thứ, nhưng không thể nói được. Thế rồi, tôi nghe tâm mình nói: “Mình không bất tỉnh, mình vẫn đang biết”.

Vào lúc đó, tôi nhớ lại rất nhiều chi tiết, cách mình đã sống cuộc đời mình ra sao, về tất cả những việc tôi đã làm và cách mình làm những việc ấy. Có một số việc làm tôi cảm thấy vui và hạnh phúc, một số việc khác lại khiến tôi cảm thấy buồn. Tôi nhận ra tôi đã thất vọng và đau khổ rất nhiều vì những việc rất nhỏ nhặt và không quan trọng. Đôi khi chỉ vì một việc nhỏ mà tôi cũng giận đến nỗi không thèm nói chuyện với người ta. Khi nghĩ lại, tôi nhận thấy thật ra chúng chẳng có gì là quan trọng hết.

Tôi nhớ lại một cuộc cãi nhau mà sau sự việc đó tôi không bao giờ nhìn mặt hay nói chuyện với người ấy nữa. Tôi không biết rằng khi ấy người tôi giận kia đã chết rồi. Lúc đó bản thân tôi cũng đang hấp hối. Tôi muốn nói chuyện với người ấy về vụ cãi nhau kia để đỡ hiểu lầm nhau. Tôi muốn nói để chúng tôi có thể hiểu và tha thứ cho nhau. Tôi muốn cả hai người đều vui vẻ trở lại với nhau.

Tôi tự hứa với chính mình là nếu không chết, nhất định tôi sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì chỉ để gây ấn tượng với người khác nữa. Tôi nhận ra rằng hầu hết những việc tôi đã làm chỉ là để nhằm đạt được vị thế và tiếng tăm, và chẳng có việc nào trong đó đem lại cho tôi được sự mãn nguyện thực sự.

Giờ đây tất cả những vị thế và tiếng tăm đó đi đâu hết cả rồi khi tôi đang đến bên cái chết? Bây giờ thì có ai nghĩ tốt về tôi? Tôi chỉ đang hấp hối, một mình trong bệnh viện. Bác sỹ không thể làm gì được cho tôi nữa. Những người vẫn thường kính trọng tôi đó đã đi đâu hết cả rồi? Việc họ vẫn thường cung kính, ngưỡng mộ tôi giờ đây chẳng có ý nghĩa gì nữa cả. Cái hữu ích đối với tôi bây giờ là gì? Chẳng có gì là có ích hết. Bây giờ tôi có thể nương tựa vào cái gì đây? Tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi, trong người tôi chỉ còn lại một chút hơi tàn. Để hít một hơi thở thôi cũng cần cả một sự cố gắng. Đầu óc tôi choáng váng, xây xẩm.

Vào lúc đó, tôi nhớ lại sự thực hành của mình, tôi nhớ đến Pháp. Nếu tôi phải chết bây giờ, thì tôi cũng chẳng thể làm gì được nữa. Tôi quyết định chấp nhận hoàn cảnh của mình và dành sức thực hành thiền. Tôi quyết định rằng nếu được sinh lại làm người, tôi chỉ muốn một cuộc đời mà tôi có thể thực hành thiền – và khi đó tôi sẽ thực hành hết mình. Đó là ước nguyện duy nhất của tôi. Thật may mắn, khi tôi thực hành thiền, sự đau đớn, kiệt quệ tột cùng đó giảm dần và mất hẳn, và tôi ngủ thiếp đi. Khi tỉnh lại, tâm tôi cảm thấy hoàn toàn sáng suốt và tỉnh táo.

Sau đó mọi người nói rằng tôi đã hôn mê, nhưng đối với tôi, tôi chỉ cảm thấy mình rơi vào một giấc ngủ rất bình yên. Khi tỉnh lại, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Bác sỹ thấy tình trạng của tôi khá hơn thì tiêm cho tôi một liều thuốc. Họ tiêm thẳng vào bắp thịt bởi vì sợ rằng tôi yếu quá không thể tiêm ven, nếu tiêm ven có thể bị sốc và chết ngay. Tình hình lúc ấy tệ đến thế đấy.

Mọi người thường chỉ có cái cảm giác động tâm ấy (samvega) khi họ ở bên cạnh cái chết, khi đã quá muộn, khi không còn có thể làm gì được nữa. Đừng đợi cho đến tận lúc đó mới động tâm, hãy động ngay từ bây giờ. Hãy bắt đầu làm công việc cần làm ngay từ bây giờ!

Mục đích của kiếp sống làm người là để có được trí tuệ. Tinh tuý của cuộc đời là trí tuệ.

Loại trí tuệ quan trọng bậc nhất là trí tuệ giải thoát.

Nếu không có được trí tuệ, thì khi ở bên cạnh cái chết chúng ta còn lại được gì? Tất cả những gì chúng ta có được sẽ mất hết. Những thứ ấy chẳng thể thay đổi được gì cả. Bạn không thể mang bất cứ cái gì đi theo. Bạn không thể mang đi theo mình dù chỉ là một cái tăm.

Chính vì vậy bạn cần phải thực hành ngay bây giờ, khi bạn vẫn còn thời gian để làm điều đó. Đừng để một chút thời gian nào của bạn trôi qua uổng phí. Thậm chí ngay cả khi sống một cuộc sống bận rộn mưu sinh, lúc này lúc khác bạn vẫn có thể dành ra được năm phút để hành thiền. Nếu bạn thu xếp được 10 phút rảnh rỗi, hãy thực hành thiền trong 10 phút. Mười lần hành thiền, mỗi lần 5 phút, hay năm lần thiền, mỗi lần 10 phút, đều cộng thêm cho bạn rất nhiều. Một khi bạn đã thực hành thiền một cách đều đặn, thường xuyên, bạn sẽ luôn luôn dành ra được thời gian để hành thiền.

Nhiều người đệ tử của tôi đã hiểu được điều này bằng kinh nghiệm của chính bản thân họ. Trước kia họ thường than vãn rằng họ không có thời gian để hành thiền. Nhưng kể từ khi họ tập được thói quen hành thiền mỗi khi có chút thời gian rỗi, dù ngắn ngủi đến đâu, thì họ phát hiện ra rằng họ luôn có thời gian để hành thiền. Họ dừng lại không làm những việc không quan trọng nữa. Họ không đọc sách báo chỉ để giết thời gian nữa. Một số người còn không nghe đài hay xem TV, vedio nữa. Họ thấy rằng khi họ giảm bớt hay từ bỏ hẳn tất cả những việc ấy, họ dễ dàng có được hai hay ba tiếng mỗi ngày để hành thiền. Họ cũng cố gắng giữ chánh niệm khi đi bộ, khi đi lại, làm việc…Tại sao bạn không thử thực hành như thế xem? Tại sao bạn không thử tiết kiệm và dành ra cho mình càng nhiều thời gian càng tốt như thế?

Chúng ta ăn để sống, chứ không phải sống để ăn. Làm ăn kiếm sống để đáp ứng những nhu cầu của cái thân. Con người chúng ta không thể tránh được điều ấy, chúng ta phải làm việc. Tuy nhiên, mục đích của cuộc sống con người là phát triển trí tuệ tâm linh. Hãy cố gắng đạt được trí tuệ ấy.

[1]Chánh niệm là sự chú ý, hay biết về các cảm nhận trong mình. Hiểu một cách đơn giản, chánh niệm là sự ý thức về bản thân mình, là sự chú ý và quan sát một cách khách quan, như thật (ghi nhận thuần túy) những gì xảy ra trong thân và tâm mình trong hiện tại, gộp lại trong 4 lĩnh vực cảm nhận (Tứ Niệm Xứ): các cử động, oai nghi của cơ thể (Thân), các tính chất-cảm giác: nóng-lạnh, cứng-mềm, sự chuyển động…, cảm giác xúc chạm trên thân, cảm giác thở (Thọ); các cảm xúc: buồn, giận, mừng, vui, cô đơn, tham dục…(Tâm) cho đến những hoạt động tâm lý vi tế: suy nghĩ, tưởng tượng, cơ chế phiền não, những chiều hướng tâm lý, định kiến, chấp thủ, ảo tưởng… (Pháp). Chánh niệm, có thể nói là trung tâm của phương pháp tu tập tâm do Đức Phật thuyết dạy, dẫn đến phát triển trí tuệ trực giác, trực nhận sự thật tuyệt đối của thân-tâm chúng ta (vô thường, khổ, vô ngã), do đó đoạn diệt tận gốc rễ những gốc phiền não-đau khổ (kiết sử) trong tâm con người.

Pháp hành thiền chánh niệm là sự huân tập một thói quen luôn chú ý và ý thức về bản thân mình trong mọi lúc, luôn quay lại quan sát, cảm nhận, ghi nhận thân-tâm mình trong hiện tại, một cách trực tiếp (chứ không phải bằng suy nghĩ)…và phát triển sự tỉnh giác, ý thức về chính mình một cách liên tục và sâu sắc. Người thực hành chánh niệm có thể tập ghi nhận những gì nổi bật, dễ ghi nhận nhất như là các cử động của thân khi đi, đứng, nằm, ngồi, sinh hoạt…các cảm giác trong thân, sự xúc chạm…hoặc là cảm giác thở vào-ra khi ngồi thiền, cảm giác trên chân khi bước đi… Thậm chí, Thiền sư Mahasi Sayadaw còn dạy phương pháp niệm thầm: chạm..chạm, đưa tay..đưa tay, bước..bước, quay người… quay người, nóng..nóng, lạnh…lạnh, giận…giận, buồn..buồn…trong giai đoạn đầu thực hành để thiền sinh tự nhắc mình quay lại ghi nhận bản thân.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app