Nội Dung Chính
Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Cung Kính, Phục Vụ, Hồi Hướng, Tuỳ Hỷ, Thỉnh Pháp, Thuyết Pháp, Chánh Kiến
4. CUNG KÍNH (Apacāyana)
Apacāyana có nghĩa là tỏ lòng tôn trọng hay cung kính đối với những người hơn bạn về tuổi tác, giới đức, tính thanh liêm, trí tuệ, công hạnh, v.v… Cung kính các bậc trưởng lão như cha, mẹ, cô, chú của bạn; nhường chỗ ngồi và nhường đường cho các bậc đáng kính; cúi đầu và tỏ lòng khiêm cung, chắp tay xá các vị Sư; bỏ nón, chào họ theo phong tục, v.v… đều là những dấu hiệu tỏ lòng tôn trọng. Tuy nhiên, nếu bạn tỏ lòng tôn kính có tính cách miễn cưỡng trước một người quyền thế do sợ hãi hoặc với một mục đích cá nhân nào đó, hành động này không thể gọi là apacāyana hay cung kính được, vì bản chất của nó là tự thị, khoa trương và chỉ có nghĩa là lừa đảo (māyā) mà thôi.
* Vấn đề cần suy gẫm
Cúi đầu hoặc khom mình thường được mọi người chấp nhận như những cử chỉ tỏ lòng cung kính. Ở Miến ( Myanmar ) người ta còn đặt những vật đang mang trên đầu xuống và nằm phủ phục trên đường khi gặp các vị Sư. Có số thì quỳ trên đường đất bụi bặm mặc cho quần áo mới của họ bị lấm lem. Trong khi số khác quỳ trên lề đường hoặc trên sân ga để đảnh lễ các vị sư hoặc tỏ lòng cung kính các bậc Trưởng lão. Tất nhiên, những hành động ấy nếu được làm với sự chân thành thì không có gì đáng trách. Song vào thời buổi này khi con người phải vội vã trong những nơi tất bật, chỉ cần một cái cúi đầu hoặc một vài lời khiêm tốn là đủ để tỏ lòng cung kính rồi. Quỳ và phủ phục để tỏ sự sùng kính khi gặp một vị sư trên đường hay ở những nơi đông đúc bận rộn trước mặt những người ngoại quốc thực sự không cần thiết lắm.
5. PHỤC VỤ (Veyyāvacca)
Phụ giúp hoặc phục vụ trong những thiện sự của người khác được gọi là Veyyāvacca – phục vụ. Chúng ta nên sẵn lòng tự nguyện phục vụ để cho những thí chủ có thể cảm thấy được thư thả, bớt lo lắng và công việc bố thí được hoàn thành viên mãn. Chúng ta cũng nên sẵn lòng giúp đỡ người đau ốm, người tàn tật và già yếu, phụ giúp cho những người đang mang vác những vật nặng, hoặc giúp cho cha mẹ và các bậc lớn tuổi bớt đi những gánh nặng. Như vậy, mọi hình thức tự nguyện phục vụ cho người khác (với điều kiện những việc làm ấy không phải là việc làm xấu, ác) đều được kể là veyyāvacca-kusala – phục vụ thiện.
Nếu bạn có thiện chí và chủ ý (cetanā) muốn tự nguyện phục vụ đích thực, những lợi ích (quả báo) bạn nhận được có thể sẽ lớn hơn quả báo của thí chủ. Chẳng hạn, vào thời Đức Phật có một vị lãnh Chúa tên Pāyāsi, vốn là người ngoại đạo song nhờ lời dạy của tôn giả Kumāra Kassapa đã trở thành một người có lòng tin với Tam Bảo. Pāyāsi sau đó thường xuyên làm các việc bố thí và để bát cho chư tăng. Nhưng ông không tự mình làm những thiện sự ấy. Thay vào đó ông uỷ thác cho thanh niên Uttara làm công việc cúng dường vật thực đến các vị tỳ khưu. Mặc dù Uttara làm việc nhân danh vị lãnh chúa, song anh đặt hết tấm lòng mình vào việc để bát. Khi cả hai chết, Pāyāsi tái sinh vào cõi Tứ đại Thiên vương (Catumahārājika), cõi trời thấp nhất trong sáu cõi trời dục giới, trong khi Uttara được sanh về cung trời Đạo lợi (Tāvatiṁsa), cõi trời cao hơn Tứ đại thiên vương.
6. HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC (hay chia phước- Pattidāna)
Chia phước hay chia những thiện sự đã làm với người khác được gọi là hồi hướng công đức – pattidāna, (patti là những gì bạn có được; dāna là bố thí hay chia sẻ). Người làm phước hay thí chủ chắc chắn sẽ hưởng được những lợi ích của việc phước mình đã làm. Song ước muốn chia sẻ phước báu ấy với người khác lại còn cao thượng hơn nữa. Do đó, sau mỗi lần làm được một thiện sự nào, mọi người chúng ta nên công bố, “Phàm những ai được nghe lời này, hãy cùng chia phước báu với tôi. Cầu mong các vị được thật nhiều lợi ích như tôi vậy”, và như thế bạn đã chia những phước báu mình kiếm được. Đây là pattidāna hay hồi hướng công đức, một việc làm tự thân nó kể như một thiện sự riêng biệt.
Cẩn thận : Có một số thí chủ chỉ nói bằng miệng, “Tôi xin chia phước đã làm” vậy thôi chứ không thực sự muốn làm như thế. Sự chia sẻ có tính cách chiếu lệ này không đủ điều kiện để trở thành pattidāna – hồi hướng công đức.
Xưa có một người thí chủ, sau khi vay mượn được một số tiền, đã mời rất nhiều người tới dự bữa tiệc linh đình mừng con trai ông xuất gia sa-di. Tiền đóng góp (từ những người khách mời) không đủ để trang trải những phí tổn của buổi tiệc theo như ông mong đợi. Sau buổi lễ, đến phần chia phước hay hồi hướng công đức vào lúc ông đang nhẩm tính xem mình phải thiếu nợ bao nhiêu, một người ngồi kế bên nhắc ông việc chia phước. Bức bách bởi nghĩ đến món nợ nặng nề sẽ phải trả, thay vì nói, “Tôi xin chia phước này đến mọi người” ông lại thốt lên thật lớn, “Tôi hoàn toàn chẳng có xu nào cả!”
* Chia phước không làm giảm quyền lợi của bạn
Khi bạn làm một thiện sự và chia phước đã kiếm được đó cho mọi người, có thể bạn nghĩ rằng phước báu của bạn sẽ giảm đi. Ở đây chúng ta phải nhớ rằng phước báu có được hợp theo cetanā hay chủ ý của bạn. Khi chúng ta bố thí với một thiện ý thật sự, chúng ta kể như đã làm được một việc thiện, và chúng ta cũng đã kiếm được một phước báu xứng đáng với việc thiện đó. Vì thế khi bạn chia phước đã kiếm được với người khác, bạn lại có thêm phần phước báu cho tính cao thượng của bạn. Không có lý do gì phước báu của bạn lại giảm đi được.
Chia phước cũng giống như mồi đèn từ một cây đèn đã cháy vậy. Cây đèn đầu tiên tất nhiên phải được thắp sáng nhờ bật một que diêm. Nhưng có thể dùng cây đèn này để mồi cho nhiều đèn khác; cho dù bao nhiêu đèn có được mồi chăng nữa, độ sáng của cây đèn đầu tiên cũng không sao giảm đi được. Trái lại, ánh sáng kết hợp của tất cả các ngọn đèn sẽ toả sáng thêm rất nhiều. Chia phước kiếm được từ thiện nghiệp giữ giới (sīla-kusala) và thiện nghiệp tu thiền (bhāvanā kusala) cũng là hồi hướng công đức (pattidāna) vậy.
7. TUỲ HỶ CÔNG ĐỨC – Pattānumodana
Hoan hỷ khi thí chủ hồi hướng công đức hay chia phước họ đã làm, nôm na gọi là tuỳ hỷ công đức – pattānumodana. Khi ai đó chia phước, bạn nên hoan nghinh điều đó và bày tỏ lời “sādhu” (lành thay) ba lần. Cảm thấy vui đối với thiện sự người khác làm là thái độ rất đáng ca ngợi. Thái độ ấy có bản chất của tâm hỷ (muditā). Tuy nhiên, để thành tựu việc tuỳ hỷ công đức thực sự không phải là dễ. Một người tỏ bày lời “sādhu” – lành thay có tính chất thông lệ, thiếu chủ tâm và không hoan hỷ thực lòng thì đó không phải là tuỳ hỷ công đức mà chỉ là nghi thức, và đôi khi đã không thực sự cảm thấy hoan hỷ đối với việc làm công đức của người khác, thay vào dó họ có thể trưởng dưỡng thêm tâm ganh ghét và đố kỵ mà thôi.
* Lợi ích tức thì của tuỳ hỷ công đức
Thường thường người ta bố thí và đặt bát cho Chư Tăng là để hồi hướng phước cho những người thân trong gia đình đã quá vãng. Nếu người đã chết tái sinh trong các cõi xấu nhận được phước hồi hướng với tâm hoan hỷ, họ sẽ lập tức thoát khỏi khổ cảnh. Theo kinh điển, nếu việc hồi hướng công đức hay chia phước được làm sau khi bố thí thức ăn hay đặt bát cho Chư tăng, người quá cố, tỏ lời “sādhu”-lành thay, sẽ lập tức thoát khỏi đói khát; nếu bố thí hay cúng dường thuộc về y áo người chết sẽ được y phục đầy đủ do tỏ lời sādhu. Điều quan trọng nhất bạn cần lưu ý là trong việc đặt bát hay cúng dường vật thực để hồi hướng cho người quá vãng, đối tượng thọ nhận phải là người xứng đáng cúng dường. Xưa, tang quyến của gia đình nọ mời một ác giới Tỳ khưu (dussila-bhikkhu) – tức một vị sư không có đạo đức – đến nhà và cúng dường vật thực để hồi hướng phước cho người thân đã quá vãng. Thậm chí khi phước báu được hồi hướng đến ba lần, người quá vãng – là một ngạ quỷ (peta) lúc đó – cũng không nhận được phần phước (đáng được hưởng) của mình. Vì thế y kêu la quyến thuộc, “Ác giới Tỳ khưu này đã ăn cắp phần phước của tôi rồi!” Thế là quyến thuộc y phải làm phước cúng dường đến một vị sư giới đức. Chỉ khi ấy ngạ quỷ mới nhận được phần phước của mình và thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. (Xem chú giải kinh Phân Biệt Cúng Dường – Dakkhināvibhaṅga Sutta – Trung Bộ Kinh).
Sự việc trên dạy cho chúng ta một bài học. Khi chúng ta hiến dâng phước bố thí của chúng ta cho một người bạn hay quyến thuộc đã quá vãng, điều trước tiên phải làm là loại trừ tâm đau đớn, ưu sầu của chúng ta đi đã. Chỉ lúc đó chúng ta mới nên cúng dường vật thực, y áo, dù, dép, chùa chiền, v.v… đến các vị Sư. (cúng dường một ngôi Chùa hay xây cất một ngôi Chùa là để cho ngạ quỉ có chỗ ở). Còn về đặt bát, chúng ta phải thỉnh một vị sư có giới đức trong sạch; hoặc phải thực hiện tăng thí (sanghika- dāna), tức là cúng dường với tác ý đến toàn thể tăng chúng. Trước khi làm lễ cúng dường này, chúng ta nên mời người đã quá vãng đến để chia phước. (Họ sẽ đến nếu như có thể). Trong trường hợp đó chúng ta phải gọi đích danh tên người đã quá vãng và chia phần phước có được đến cho họ.
* Lễ nghi ngày nay
Ngày này, hầu hết mọi người, sau khi người thân qua đời, không lưu tâm tới việc chọn những vị Sư giới đức. Họ cũng chẳng màng đến việc loại trừ tâm đau khổ, buồn rầu của họ. Họ cúng dường vật thực hoặc thậm chí cả tiền bạc đến các vị Sư ngay tại nghĩa trang, xem đó như một thông lệ, dường như để tránh tiếng đời cười chê và để được mọi người khen ngợi (là con cháu hiếu thảo) mà thôi. Và rồi họ cũng hồi hướng công đức song chẳng nghĩ sâu xa đến những lợi ích cho người quá vãng. Thà rằng cúng dường vật thực ở nhà mà tâm không ưu sầu hơn là làm thế tại nghĩa trang trong lúc còn bị bức bách bởi bi ai và sầu muộn. Tất nhiên những thiện sự đã làm và vật thực đặt bát tại nghĩa trang cũng sẽ tạo thành công đức nếu điều đó được thực hiện với tâm không ưu sầu và than khóc.
* Ai là người được hưởng phước hồi hướng?
Những người đã quá vãng nếu tái sinh làm ngạ quỷ (petas) có thể nhận được những lợi ích từ việc hồi hướng công đức hay chia phước với điều kiện họ phải có mặt trong khu vực quanh (chỗ làm phước) đó. Nếu họ đã tái sinh làm người, làm thú vật, hoặc làm ngạ quỷ ở những núi rừng xa xôi, họ không thể nhận được phần phước đã chia. Tuy nhiên, những thân bằng quyến thuộc đã chết khác hiện làm ngạ quỷ trong vùng lân cận, có thể hoan hỷ với lễ làm phước này và được tái sinh trong những cảnh giới tốt đẹp hơn. Do đó, chia phước đến người đã chết là một việc làm xứng đáng, và mọi người phải nên duy trì.
8. THÍNH PHÁP (Dhammasavana)
Dhammasavana nghĩa là Thính Pháp hay nghe Pháp của bậc Giác Ngộ. Có năm lợi ích của việc thính pháp: (1) có thêm kiến thức mới, (2) những điều đã hiểu biết được sáng tỏ hơn, (3) giải toả được những điều mơ hồ, hoài nghi, (4) có được đức tin chân chánh, (5) làm cho tâm trong sáng nhờ phát triển niềm tin và trí tuệ.
* Những cách nghe Pháp không đúng
Nghe Pháp với ý định gặt hái năm lợi ích kể trên là nghe Pháp chính đáng. Có số người đi dự những buổi thuyết Pháp chẳng qua vì họ thân thiện với vị Pháp Sư; có người vì thích nghe những câu chuyện cười và những giai thoại có tính cách tiếu lâm; có số vì sợ người khác cáo buộc là quá lười; số khác thích đi nghe Pháp để đánh giá khả năng của vị pháp sư, v.v… Tất nhiên bạn chẳng thể gặt hái được lợi ích gì từ việc nghe Pháp với những ý định thấp hèn như vậy. Xưa có một người Trung Hoa qua sông trên một chiếc thuyền nan, lúc người chèo thuyền cảnh báo rằng chiếc thuyền bị rò một lỗ. Người Trung Hoa nghĩ như thế có nghĩa là nước từ trong thuyền sẽ rỉ ra và chảy vào sông; vậy thì có chuyện gì mà phải lo. Được một lát, ông để ý thấy đũng quần mình bị ướt. Ông kinh hoảng và la lên “Thuyền này đâu có rỉ ra đâu; nó còn cho nước lọt vào đây này!” Mục đích chính xác của việc nghe Pháp là để cho những tư duy ác của chúng ta chảy ra. Vì thế chúng ta phải rất thận trọng, nếu không chúng ta sẽ để lọt vào tâm nhiều điều ác thêm mà thôi.
* Những lợi ích của đọc sách
Ngày nay có rất nhiều quyển sách có thể đem lại cho chúng ta sự khôn ngoan và kiến thức. Ở Miến, một quốc gia lấy đạo Phật làm quốc giáo, có hàng trăm cuốn sách chuyên đề Phật học xuất hiện trên các kệ sách. Nhờ đọc những cuốn sách này bạn có được những lợi ích giống như nghe Pháp vậy. Do đó, đọc các loại sách như thế này có thể còn lợi ích hơn nghe những bài thuyết giảng hiện đại rất nhiều. Thậm chí nếu bạn không đọc được, bạn có thể nhờ người khác đọc lớn lên cho bạn nghe. Điều này cũng tương đương với việc nghe Pháp.
9. THUYẾT PHÁP (Dhammadesanā)
Dhammadesanā có nghĩa là thuyết giảng Pháp (dhamma). Nếu được làm với lòng chân thành và cao thượng, thuyết pháp vượt xa các hình thức bố thí (dāna) khác. Chính Đức Phật đã nói “Sabbadānaṁ Dhammadānaṁ jināti” (Pháp thí thắng mọi thí). Để thực sự thành tựu thiện nghiệp thuyết Pháp chân chánh, người thuyết giảng hay Pháp Sư phải không mong đợi quà cáp, cúng dường; danh vọng hoặc ngã mạn. Vì nếu thuyết pháp với tâm mong cầu như vậy, lòng tham (lobha) đối với lợi lạc vật chất sẽ làm ô nhiễm và giảm bớt những công đức do thuyết pháp đem lại. Lúc đó vị Pháp Sư sẽ chẳng khác gì kẻ ngu si kia đem đổi gỗ trầm hương đáng giá cả trăm ngàn lấy một bình dấm chua vô vị.
* Tư cách của một vị Pháp Sư
Một vị Pháp Sư đầy đủ tư cách không chỉ là người diễn thuyết thông thường. Họ phải có một giọng nói rõ ràng và đầy oai lực; nhất là phải có đủ khả năng để làm cho người khác hiểu mình một cách minh bạch. Một vị Pháp Sư như vậy quả thực là khó kiếm. ví như cả ngàn con bò trong một trang trại chăn nuôi lớn, song chỉ một con trong số đó sanh ra được con bê đực hoàn hảo. Cũng vậy, hàng ngàn bà mẹ chưa chắc đã sinh ra được một vị Pháp Sư lỗi lạc. Một vị Pháp Sư lỗi lạc quả thực là một nhân vật hiếm hoi trong cuộc đời này.
* Những bất lợi của việc phát âm không đúng
Những vị pháp sư có đầy đủ tư cách cũng cần phải biết đến những thiện nghiệp trong các kiếp quá khứ của họ, khi đọc hay trùng tuyên thánh pháp do Đức Phật dạy, pháp sư phải dõng dạc đọc với chất giọng rõ ràng của đấng trượng phu, không nên cố tình làm cho giọng mình ra vẻ khả ái bằng cách sử dụng trọng âm, ngữ âm hay phong cách không phù hợp.
Đức Phật đã nêu ra những bất lợi của việc vận dụng không đúng âm ngữ, làm cho tiếng nói ngọt ngào giống như đang hát trong lúc thuyết pháp. Những bất lợi đó là: (1) trở nên tham đắm với chính giọng nói của mình; (2) người nghe cảm thấy thích thú theo kiểu dâm dật đối với giọng nói của pháp sư; (3) pháp sư bị chê trách vì đang hát giống như người thế tục; (4) pháp sư sẽ mất sự tập trung trong lúc bản thân ông đang cố gắng tạo ra giọng nói ngọt ngào; (5) các thế hệ tu sĩ kế tiếp sẽ bắt chước cho giống cái kiểu (thuyết pháp) không đúng đắn này.
Ngày nay người ta có thể bắt gặp những bất lợi này trong rất nhiều trường hợp. Các vị sư trẻ chạy theo tấm gương xấu của các vị pháp sư không đứng đắn. Những người Phật tử mộ đạo hiếm khi có mặt ở những buổi thuyết pháp do các vị pháp sư rởm này điều khiển. Còn những ai đi dự thì chỉ chú ý đến bài pháp một cách qua loa chiếu lệ. Những người thuộc tầng lớp có học, dù rất muốn nghe pháp song lại cảm thấy hổ thẹn khi phải có mặt tại buổi giảng của những vị pháp sư dung tục như vậy.
Điều khẩn thiết hiện nay là các vị pháp sư cần phải có đủ sự nghiêm trang chớ đừng tạo ra những âm điệu du dương từ giáo pháp vô giá của đức Phật nữa. Đó là một kiểu thuyết giảng đáng hổ thẹn lắm vậy.
* Các cách thuyết pháp giản dị
Thuyết pháp không chỉ có nghĩa là giảng pháp trước đông đảo thính chúng trong một giảng đường. Những buổi thảo luận giản dị về pháp giữa đôi ba người cũng là thuyết pháp, với điều kiện là người thuyết không mong đợi có được quà cáp hay bất cứ sự biếu xén gì. Sách tấn những người mộ đạo, cả trẻ lẫn già, dạy những bộ môn học thuật, thủ công hay kỹ nghệ có tính chất vô tội, đọc to lời dạy của Đức Phật cho mọi người nghe, đều xứng đáng để gọi là thuyết pháp – Dhammadesanā cả. Vì thế các vị Tỳ khưu ngày nay nên cố gắng luyện tập để trở thành một vị pháp sư giỏi, có đầy đủ tư cách; ngoài ra các vị còn nên nghiên cứu cách thức nói trước công chúng, cách đọc và viết đúng.
10. TRI KIẾN CHÂN CHÁNH – Diṭṭhijukamma
Có tri kiến chân chánh, ngay thẳng, chính trực được gọi là diṭṭhijukamma (diṭṭhi: kiến, ujukamma: chính trực). Tri kiến là quan niệm của một người về sự vật dựa trên trí hiểu biết của người đó. Khi quan niệm ngay thẳng hay chân chánh, nó được gọi là chánh kiến hay hiểu biết chân chánh (sammādiṭṭhi). Nếu một tri kiến sai lạc, thì gọi là tà kiến (micchadiṭṭhi). Bạn hãy xét kỹ những điều sau:
1. Thiện nghiệp và ác nghiệp;
2. Quả tốt và xấu của những nghiệp ấy;
3. Kiếp sống hiện tại và những kiếp sống tương lai là do những thiện nghiệp và ác nghiệp của một người quyết định;
4. Có các vị chư thiên (devas) và phạm thiên (brahmas)
5. Người nào thực hành theo thánh đạo và đắc các bậc thiền, thần thông hoặc trở thành các vị Alahán.
Nếu sau khi suy xét sâu xa, bạn thấy rằng năm điều kể trên là những sự thực, tin là chúng thực sự có mặt, thời bạn có chánh kiến (sammādiṭṭhi). Đây cũng gọi là tri kiến chân chánh (diṭṭhijukamma) và nghiệp sở hữu trí (kammasakatā-ñāna, do chữ kamma: nghiệp; saka: tài sản riêng của một người; ta: chúng sinh; ñāna: trí hay sự hiểu biết). Nói chung, với sự hiểu biết rằng chỉ có thiện nghiệp và bất thiện nghiệp mà người ta làm là tài sản riêng của họ và đi theo họ bất cứ nơi đâu trong tam giới này, là bạn có chánh kiến.
Nếu bạn loại bỏ tất cả hay bác bỏ một trong năm điều kể trên xem chúng như phi thực, tức chúng không thực sự hiện hữu, như vậy bạn đã có tà kiến (micchadiṭṭhi). Do không tin có nghiệp và quả của nghiệp, người ta không thể nhận ra rằng những con vật cũng là một loại chúng sinh do quả của nghiệp sinh ra. Đó là lý do vì sao những người này không do dự khi đoạt mạng sống của những chúng sinh khác. Họ không cảm thấy cắn rứt lương tâm hay có cảm giác tội lỗi khi làm điều đó vì họ tin rằng không có đời này, không có đời sau do quả của nghiệp, họ có khuynh hướng tin rằng thế gian cùng với các hữu tình trong đó là do một “Đấng quyền năng” sáng tạo ra. Chúng ta có bằng chứng đầy đủ về cuộc đời của đức Phật với những chứng cứ lịch sử. Có bằng chứng nào như vậy về sự hiện hữu của một con người gọi là “Đấng Quyền năng” hay không?
* Là một người Phật tử
Chúng ta vừa nói đến tri kiến chân chánh –diṭṭhijukamma, cũng gọi là chánh kiến – sammādiṭṭhi. Cho đến lúc này chúng ta cũng chưa thể nói rằng mọi người có chánh kiến đều là Phật tử cả. Người theo Ấn giáo cũng tin vào nghiệp và quả của nghiệp song họ vẫn không phải là Phật tử. Chỉ những người nào tầm cầu sự quy y nơi đức Phật, Giáo Pháp (Dhamma) và chư Tăng (Saṅgha) mới là những Phật tử đích thực. Bạn phải công bố, “Con xin quy y đức Phật, Giáo Pháp và chư Tăng” hoặc bằng tiếng Pāli hoặc bằng một thứ tiếng nào khác cũng được. Chỉ sau khi quy y nơi Tam Bảo (Phật – Pháp – Tăng), bạn mới có thể tự gọi mình là một Phật tử. Những người không hiểu rõ pháp Tam quy (Tisaraṇagamana) như các trẻ em chẳng hạn, cũng có thể xem như Phật tử nếu họ tự hiến dâng đời mình cho Tam Bảo theo truyền thống gia đình.
* Làm thế nào để có tri kiến chánh trực
Chánh kiến và nghiệp sở hữu trí (kammassakatā ñāṇa) là đồng nghĩa với tri kiến chánh trực (diṭṭhijukamma). Khi bạn tự mình quán xét hay suy tư trên nghiệp và quả của nghiệp, suy tư trên hiện thực của các kiếp sống quá khứ và vị lai, bạn thành tựu tri kiến chánh trực. Khi bạn ghi nhớ trong tâm, lúc sắp thực hiện việc bố thí và giữ giới, rằng những việc làm cao quý như bố thí và giữ giới sẽ đem lại quả lành trong những kiếp sống tương lai, bạn đã phát triển tri kiến chánh trực. Khi bạn làm việc thiện khác với sự hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp cũng sẽ có giá trị như vậy. Nói chung, lòng nhân từ có mặt trong mọi hình thức của thiện sự được nâng lên cao nhờ tri kiến chánh trực (diṭṭhijukamma).
* Bốn mươi việc thiện
Những thiện sự kể trên được xem là những việc làm cao quý không chỉ khi bạn thực sự thực hiện chúng, mà cả khi bạn bảo người khác làm, hoặc khi bạn giải thích những kết quả tốt đẹp của những thiện sự ấy cho người khác, và khi bạn cảm thấy hoan hỷ với những việc làm cao quý của người khác. Như vậy, từ mười phước nghiệp sự (puññakiya-vatthus) chúng ta đã thảo luận ở trên nhân với bốn yếu tố, đó là (1) thực sự làm, (2) khích lệ người khác làm, (3) giải thích những phẩm chất tốt của việc làm ấy cho người khác, và (4) cảm thấy hoan hỷ, chúng ta có bốn mươi thiện sự được gọi chung là bốn mươi phước nghiệp sự (puññakiya-vatthus).
Kết luận : Trong chương này tôi đã giải thích chi tiết mười thiện sự được làm với tâm thiện và chủ ý hay tư thiện. Đối với hành động bố thí (dāna), tôi cũng đã giải thích về những quả báo của nó. Trước khi chấm dứt chương này tôi xin lược qua một số quả báo của giới (sīla) và tu thiền (bhāvanā).
* Quả lợi ích của giới
Giữ ngũ giới hoặc bát quan trai giới (uposatha sīla) đem lại hạnh phúc cho mọi chúng sinh. Giới cũng giúp bạn sống một cuộc sống không lo lắng và phiền muộn. Những quả lành của giới tuy không thể làm cho bạn giàu có; song chắc chắn nó sẽ đem lại sự an lạc của tâm. Bố thí đem lại giàu sang trong các kiếp sống tương lại (dāmato bhogavā). Giới đem lại sức khoẻ của thân và sự an lạc của tâm (sīlato sukhīto)
* Quả của tu thiền
Những ai muốn thực hành thiền chỉ và thiền quán cần phải tìm đến những nơi rừng núi xa xôi, sống một cuộc sống cô độc (độc cư). Bạn chỉ có thể đắc thiền khi thực sự thấy rõ những khuyết điểm của dục lạc. Nếu bạn muốn thực hành để đạt đến Đạo (magga) và Quả (Phala), bạn phải tiến xa hơn nữa và phát triển tâm nhàm chán và ghê tởm đối với các uẩn của danh và sắc (hợp thể thân-tâm) trong suốt kiếp luân hồi.
Nếu bạn hành thiền và đắc các bậc thiền, bạn sẽ được tái sinh trong phạm thiên giới, ở đây bạn sẽ không còn phải đi tìm một người vợ như trong cõi dục nữa. Bạn sẽ sống một cuộc sống cô độc ở đó để phát triển tâm từ (mettā), bi (karuṇā) và hỷ (muditā). Bạn sẽ sống trong một thiên cung lộng lẫy như một hành giả với vẻ uy nghiêm và bình thản. Còn nếu bạn đã đắc Đạo Quả (Magga-Phala), bạn sẽ không bị dính mắc, chẳng những vào các toà thiên cung mà ngay cả danh và sắc của mình cũng vậy, vì bạn đã ghê tởm và xoay lưng lại với mọi hình thức của danh và sắc. Vì thế khi bạn đạt đến Niết-bàn sẽ chỉ còn lại một yếu tố đặc biệt không liên quan gì với danh và sắc mà thôi.
Do đó, mỗi loại thiện sự (bố thí, trì giới, tu thiền) đều tạo ra những kết quả tương xứng. Mọi hình thức của thiện nghiệp (kusala-kamma) đều đem lại những kết quả lợi ích. Bởi thế, nếu bạn có một mục đích cao thượng muốn đạt đến Niết-bàn, trước hết bạn phải loại bỏ mọi tư duy ác, bất thiện; kế đó, bạn phải dọn con đường cao quý dọc theo vòng luân hồi này bằng cách làm những việc thiện càng nhiều càng tốt.
Cầu mong tất cả độc giả phát triển được khuynh hướng thực hiện các thiện nghiệp của mình nhiều hơn bao giờ hết. Cầu mong tất cả những người cộng tác với tôi hoan hỷ trong các thiện sự với ý định thành tựu sự an lạc tối thượng của Niết-bàn.
Mong cho tôi có thể đứng vững trên nền tảng bố thí, trì giới, và tu thiền; thắng phục được tính miễn cưỡng khi làm các việc thiện dẫn đường đến Niết-bàn. Cầu mong cho tôi có thể phát triển được ngũ lực (hay năm sức mạnh tinh thần), đó là tín (saddhā), tinh tấn (viriyā), định (samādhi), niệm (sati), và tuệ (paññā) trên con đường đi đến mục tiêu cuối cùng (giải thoát khỏi tử sinh luân hồi) của tôi.
CÁC BÀI VIẾT TRONG SÁCH
- Chánh Kiến & Nghiệp – Ledi Sayadaw & Nhiều Tác Giả – Lời Nói Đầu
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương I: Nghiệp Dưới Cái Nhìn Của 1 Cư Sĩ
- Nghiệp Và Lý Nhân Quả – Câu Chuyện Của Francis (tiếp chương I)
- Nghiệp Hoạt Động Thế Nào? Tái Sinh & Chú Niệm Trong Đời Sống & Lúc Chết?
- Hành Động & Phản Ứng – Câu Chuyện Của Leonard A.Bullen
- Nghiệp & Tự Do Ý Chí – Chia Sẻ Của Francis
- Những Suy Nghĩ Về Nghiệp & Quả Của Nghiệp – Nyanaponika Thera
- Nghiệp Là Gì? Những Quan Điểm Sai Lầm Về Nghiệp – K. Sri Dhammananda
- Nghiệp Là Gì: Tái Sinh Có Xảy Ra Đồng Thời Với Sự Chết Không, Sát Na Tử?
- Nghiệp Là Gì – Liệu Có Thể Thay Đổi Được Không? Năng Lực Công Bằng?
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương II: Chánh Kiến Tường Giải – Ba Loại Tà Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Phản Bác Tiền Định Kiến, Tạo Hoá Kiến, Vô Nhân Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Về 3 Tà Kiến & Phản Bác Tiền Định Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Từ Nghiệp Sở Hữu & 3 Lĩnh Vực Chính – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Bác Thuyết Tạo Hoá & Vô Nhân Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Về Kammassaka-Vada & Thân Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Cái Tôi Làm Cho Con Người Xấu Xa Thế Nào? Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương III: Quy Luật Vận Hành Của Nghiệp – Sayadaw U Silananda
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương IV: Nghiệp Phân Tích Theo Vi Diệu Pháp
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương V: Nghiệp & Quả: 1 Số Giải Thích Về Nghiệp
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Bố Thí
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Giữ Giới & Tu Thiền
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Cung Kính, Phục Vụ,.. Chánh Kiến
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VII: Các Thiến Trình Tâm Cận Tử
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VIII: Tái Sinh
- Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P1)
- Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P2)
- Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P3)