CHƯƠNG VI: MƯỜI PHƯỚC NGHIỆP SỰ (Puññakiriyā – Vatthus) – BỐ THÍ

Từ Puñña hay phước là cái làm cho tâm trong sạch, cái đó thực sự có nghĩa là thiện nghiệp. Kiriya hay sở tác là cái phải được làm. Vatthu có nghĩa là nền tảng hay căn bản cho sự thịnh vượng và hạnh phúc. Như vậy những hành động nào xác định phải được làm vì chúng là căn bản cho sự thịnh vượng và hạnh phúc (mangala – phúc lành) thì được gọi là “phước nghiệp sự” (Puññakiriyāvatthu).

Có mười phước nghiệp sự là:

1. Bố thí (Dāna)
2. Trì giới (Sīla)
3. Tu thiền (Bhāvanā)
4. Cung kính (Apacāyana)
5. Phục vụ (Veyyāvacca)
6. Hồi hướng công đức (Pattidāna)
7. Tuỳ hỷ công đức (Pattānumodanā)
8. Thính pháp (Dhammassavana)
9. Thuyết pháp (Dhammadesanā)
10. Tri kiến chân chánh (Diṭṭhịukamma)

1. BỐ THÍ (Dāna)

Bố thí là cho ra hay cho theo lối làm ơn để tạo phước. Có hai loại bố t hí, đó là (1) cetanā-dāna (tư-thí hay chủ định thí), và (2) vatthu dāna (vật thí). Dâng cúng hay hiến tặng phẩm vật, y phục, chùa chiền, v.v… được xếp vào loại vật thí, trong khi thiện ý trong những hành động bố thí này được gọi là tư thí hay chủ định thí. Chính cetanā này tạo ra những quả lợi ích trong đời này và trong những đời sau, chứ không phải những vật đem ra hiến cúng. Thái độ tâm lý phóng chiếu trên những vật cúng dường này tạo thành những quả lành trong tương lai. Nếu việc cúng dường là thiện và cao quý, thì tư hay cetanā cũng vậy.

Giải thích thêm

Nếu trong khi cúng dường vật thực (thức ăn đặt vào bát) đến tăng (saṅgha), đối tượng nhận thức của thí chủ là vật thực họ dâng cúng và Tăng là người họ đang dâng cúng, thì một dòng liên tục của tư (cetanā) sẽ xuất hiện không ngừng trong tâm thức của họ.

Chủ ý hay cetanā ấy cứ nối nhau sanh và diệt rất nhanh nhưng không biến mất hoàn toàn. Những năng lực do cetanā tạo ra nằm ngầm (trong tâm thức) để sau đó sẽ cho những quả báo tương xứng, (về nghiệp lực ngủ ngầm trong dòng tương tục tâm-thân hay danh-sắc, xem lại phần nói về Nghiệp). Cứ tính rằng có hơn một tỷ đơn vị (sát-na) tâm sanh và diệt trong một cái búng tay, ta có thể hình dung ra cường độ xuất hiện của cetanā lớn biết bao nhiêu trong suốt một buổi lễ đặt bát cho chư tăng kéo dài hai, ba tiếng đồng hồ.

* Vật thí và người thọ nhận thúc đẩy Cetanā thêm mạnh mẽ.

Mặc dù những vật cúng dường như vật thực để bát và người thọ nhận vật thực ấy không thể đi theo thí chủ sang đời sau và mang lại lợi ích, song chúng chắc chắn sẽ giúp để thúc đẩy một cetanā – tư tâm sở – nhạy bén hơn trong tâm thí chủ. Chẳng hạn, cúng dường vật thực được sửa soạn đặc biệt đến chư tăng sẽ khơi dậy một cetanā hay chủ ý mãnh liệt, trong khi cúng dường vật thực bình thường chỉ khởi lên một cetanā yếu ớt. Lại nữa, bố thí đến người thọ nhận xứng đáng tạo ra cetanā mạnh mẽ trong khi bố thí đến người thọ nhận tầm thường chỉ gợi lên một cetanā yếu ớt. Theo cách này, vật cúng dường hay vật thí và người thọ thí có thể thúc đẩy một chủ ý – cetanā mạnh mẽ trong tâm của người bố thí.

* Số lượng vật thí khác nhau cho quả khác nhau

Công sức bỏ ra để thực hiện việc cúng dường hay bố thí với những số lượng vật phẩm khác nhau có thể cho ra những quả khác nhau. Vì những nỗ lực nhiệt thành trong việc tìm kiếm một số lượng lớn vật thí sẽ làm phát sinh một chủ ý hay cetanā mạnh mẽ. Trong khi tìm kiếm chỉ một số lượng nhỏ vật thí đương nhiên sẽ đòi hỏi ít nỗ lực hơn và cetanātương ứng sẽ ít hơn. Lại nữa, trong việc chuẩn bị cho một số lượng lớn vật thí, tư tiền (pubba-cetanā) hay chủ định trước lúc bố thí vì thế sẽ to lớn vô cùng. Do đó, nếu đem so sánh các cetanā hay chủ ý trong việc bố thí với số lượng lớn và số lượng nhỏ, thì hiển nhiên rằng cetanā trong việc bố thí với số lượng lớn sẽ nhiều hơn. Như vậy, bố thí với số lượng lớn và nhỏ sẽ cho quả báo khác nhau là do thời gian (tồn tại) của cetanā trong mỗi trường hợp.

Nếu như cuộc bố thí được thực hiện một cách rộng rãi vào hào phóng thì cetanā cũng sẽ rộng rãi và hào phóng như vậy. Trong thời gian bố thí, tư hiện (munca-cetanā) hay chủ ý trong khi bố thí cũng sẽ tương xứng với cuộc bố thí đó. Sau khi cuộc bố thí đã làm xong, tư hậu (apara-cetanā) hay chủ ý sau khi bố thí cũng sẽ có cùng mức độ kể trên bất cứ khi nào bạn nghĩ đến cuộc bố thí này. Những trạng thái tâm như vậy xảy ra rất thường trong cuộc đời chúng ta.

* Bố thí hào phóng nhưng cetanā (chủ ý) sơ sài

Một số thí chủ cúng dường vật thực, nhà cửa, y áo chỉ có tính cách nghi thức hoặc qua loa chiếu lệ. Nếu làm như vậy, mặc dù của bố thí có thể là hào phóng và rộng rãi, song cetanā hay tâm tư của họ lại không tương xứng với nó; họ không cảm thấy hoan hỷ vì thiện nghiệp đã được làm với chủ ý ít ỏi. Do đó, chỉ số lượng hay chất lượng của vật thí thôi thì cũng không thể quyết định tính chất hào phóng của người bố thí được. Khi vua Duṭṭhagāmani Abhaya sắp lâm chung, ngài không cảm thấy hoan hỷ nhiều trong phước sự xây dựng ngôi Đại tháp Mahācetiya của mình, mà lại cảm thấy vô cùng sung sướng khi nhớ lại việc phước nhỏ nhoi của việc cúng dường bữa ăn đến một vị Sư (là Bậc Alahán) ở trong rừng (xem lại tích chuyện này ở trang 246). Do cetanā mãnh liệt ấy Ngài được tái sinh lên Cung Trời Đâu suất (Tusita). Bởi thế, hãy nhớ rằng chỉ có cetanā (chủ ý) mới quyết định số phận của bạn, không phải số lượng hay giá trị của những món quà bạn đã dâng tặng. Cetanā hay chủ ý được xem là quan trọng hơn sự hào phóng của bạn trong cuộc bố thí.

* Bố thí cũng giống như gieo hạt giống

Người nhận là thửa ruộng; người thí là nông gia; vật thí tựa hạt gieo; lợi ích trong tương lai là quả.

Trong Ngạ Quỷ sự – Petā Vatthu, một tác phẩm kinh điển Pāli có nói, “Người thọ nhận của bố thí cũng giống như mảnh đất; thí chủ là người làm ruộng; của cúng dường hay bố thí là hạt giống đem gieo. Những lợi ích tích chứa lại sau đó trong suốt kiếp luân hồi làhoa trái sanh ra từ những cây đó.”

Ở đây, có thể mô tả chi tiết hơn như thế này.

Trong nông nghiệp, loại đất tốt hoặc xấu sẽ quyết định năng suất hay hoa lợi của vụ mùa. Tương tự, đức chánh trực và cao quý của người thọ nhận sẽ quyết định tính chất của quả báo.

Ví như sinh lực của hạt giống đem gieo sẽ quyết định sự phát triển và năng suất của cây như thế nào; ở đây sự thanh tịnh của vật cúng, quà tặng, những vật ấy có kiếm được bằng chánh mạng hay không, và số lượng của nó sẽ quyết định tính chất của quả báo như vậy.

Ví như người nông dân phải chuẩn bị cày bừa thửa đất của họ đúng cách trước khi đem gieo hạt giống để bảo đảm có được một vụ mùa đạt năng suất. Người bố thí cũng phải có tư tiền (pubba-cetanā) hay chủ ý trước khi bố thí như vậy. Kết quả sẽ tuỳ thuộc vào sức mãnh liệt của tư tiền này của họ.

Người nông dân cần phải làm cỏ và tưới nước thửa đất của họ; chỉ khi đó cây cối mới phát triển. Cũng theo cách đó, người bố thí cần phải thường xuyên nhớ lại việc làm phước của mình và cảm thấy thoả thích đối với phước sự ấy. Tư hậu (apara-cetanā) hay chủ ý sau khi bố thí này của thí chủ sẽ quyết định tính chất của quả báo.

Nếu người nông dân, do thiếu hiểu biết, làm hư hoại mầm non và cây giống đã trồng, họ sẽ không thể nào hưởng được thành quả lao động của mình. Tương tự như vậy, nếu người bố thí cảm thấy hối tiếc sau khi đã làm, nghĩ rằng lẽ ra ta không nên bố thí, họ sẽ không thọ hưởng được thiện quả do tư hậu (apara-cetanā) yếu ớt này của họ.

Mặc dù đất và hạt giống đều ở trong tình trạng tốt, việc gieo trồng cũng phải được làm đúng mùa tiết, đúng thời vụ để có thể gặt được một vụ mùa chắc chắn. Cũng thế, bạn nên bố thí đến người thiếu thốn, đúng thời và đúng chỗ, bố thí như vậy chắc chắn sẽ đem lại những kết quả tốt nhất.

Trên đây là những bài học và hướng dẫn có giá trị liên quan đến việc bố thí (dāna) rút ra từ “Ngạ Quỷ sự” (Petā vatthu). Vì thế, trong việc bố thí, chọn lựa đúng người thọ nhận, đúng thời gian và nơi chốn rất quan trọng. Bố thí phải được làm với một cái tâm tràn đầy hoan hỷ và thiện ý. Hơn nữa, bạn cũng không nên bố thí với quan niệm được giàu sang, vì một mong ước như vậy luôn đi kèm với tham ái. Chủ ý hay tư của bạn cần phải được trong sạch đến mức có thể.

* Người thọ nhận cũng quyết định tính chất của quả

Trong Ngạ Quỷ sự nói rằng người thọ nhận của bố thí tựa như thửa ruộng mà hạt giống được gieo. Đất trồng trọt nói chung có ba hạng: rất phì nhiêu, không tốt lắm, và xấu. Người thọ nhận cũng thế, có ba hạng khác nhau. Ví như đất không cỏ sẽ cho năng suất cao như thế nào, người thọ nhận nếu không có tham, sân, si cũng thế, thí chủ sẽ hưởng được nhiều lợi ích hơn. Ví như một cánh đồng được bón phân đầy đủ và làm cho thật phì nhiêu chắc chắn sẽ đem lại một vụ mùa bội thu thế nào, thì những quả lành cũng sẽ dồn vào cho thí chủ như vậy khi người thọ nhận là người có giới đức và trí tuệ.

* Bố thí có ý định dâng đến Tăng (saṅghika-dāna)

Saṅghika dāna là một từ Pāli có nghĩa cúng dường vật thực và các vật dụng (tứ vật dụng) khác đến Saṅgha hay Tăng chúng (những vị đệ tử Phật nói chung). Giả sử bạn tặng một số tiền cho một hội đoàn nào đó; tất cả mọi thành viên, giàu hay nghèo của hội đoàn, đều có quyền đối với số tiền đó. Tương tự, nếu bạn cúng dường một bát vật thực hay một bộ Y (casa) đến Tăng (saṅgha), thì mọi người trong Tăng đều có quyền đối với những vật cúng dường đó. Bạn không cần phải đi khắp thế gian để cúng dường đến Tăng. Tóm lại, hành động dâng cúng đến bất cứ vị Sư nào thuộc Tăng (saṅgha) nói chung sẽ tự động có ý nghĩa là Tăng thí (saṅghika-dāna). Mọi thành viên trong Tăng đều có quyền đối với những vật cúng dường ấy.

* Làm thế nào để phóng chiếu thiện ý của mình

Trong việc cúng dường đến Tăng (Tăng thí), tâm của thí chủ phải hướng đến Tăng nói chung. Mặc dù bạn đọc thành lời “Saṅghassa demi: con xin cúng dường đến Tăng” song nếu trong tâm bạn nghĩ đến một vị sư đặc biệt nào hay một ngôi Chùa đặc biệt nào, thời bố thí của bạn không còn là tăng thí (saṅghika dāna) nữa. Cúng dường vật thực đến bất kỳ vị Sư nào đi khất thực hàng ngày, hay cúng đến một vị Sư nào đó do tăng chỉ định, chỉ có thể được xếp vào tăng thí thực sự khi tâm người thí chủ thực lòng hướng đến toàn thể Tăng chúng.

* Thái độ tâm lý trong khi cúng dường

Người Phật tử đức hạnh có niềm tin lớn nơi đức Phật, mong muốn những lời dạy của Ngài được trường tồn và sự kế thừa liên tục của chư Tăng, những người hiền thiện đang làm bổn phận duy trì sự thịnh vượng và thuần khiết của Giáo Pháp, nên hộ trì cho Tăng bằng cách thường xuyên cúng dường vật thực đến chư Sư. Tuy nhiên, để thành tựu Tăng thí khi chuẩn bị vật cúng dường, người Phật tử phải gạt bỏ bất kỳ sự dính mắc nào như, “Đây là Thầy (sayadaw) ta; đây là vị Sư ta quý mến”. Thay vào đó, tâm phải hướng đến toàn thể Tăng khi cúng dường, đồng thời nói lời: “Saṅghassa demi, saṅghassa demi: con xin cúng dường vật thực này đến tăng. Con xin cúng dường vật thực này đến Tăng”. Khi bố thí được thực hiện hàng ngày với thái độ như vậy, nó mới trở thành Tăng thí (saṅghika-dāna) đích thực.

* Bữa ăn mời thỉnh cũng có thể trở thành Tăng thí

Đến một ngôi Chùa gần nhất, người Phật tử tác bạch trước vị Sư có trách nhiệm ở đó, bằng cách nói, “Bạch Ngài con xin được cúng dường vật thực tại nhà ngày mai lúc 6 giờ sáng. Xin Ngài từ bi sắp xếp cho con một vị Sư (hoặc hai, ba vị Sư tuỳ từng trường hợp) đến dự bữa ăn”. (Khi tác bạch, thí chủ không nên đề cập “kể cả Ngài” hoặc “kể cả vị Sư Trưởng” vào đó).

Và trong lúc chuẩn bị cho bữa cơm cúng dường ngày mai, tâm thí chủ nên hướng đến toàn thể Tăng, chứ không đến một vị Sư hay ngôi Chùa đặc biệt nào, đồng thời lập đi lập lại câu “saṅghassa demi” (con xin cúng dường vật thực này đến Tăng).

Sáng hôm sau, khi vị sư đến thọ thực, thí chủ không nên cảm thấy thất vọng nếu đó là vị nhỏ hạ hoặc ở địa vị thấp. Thí chủ phải tự nhắc mình, “Cúng dường này không phải đặc biệt làm cho vị ấy, nó được tác ý dâng đến toàn thể Tăng mà” và thực hiện việc cúng dường với lòng tôn kính và nhiệt thành thực sự.

Nếu vị Sư đến thọ thực lại chính là vị Sư Trưởng, thí chủ cũng không nên cảm thấy mừng quá; và nên tự nhắc mình rằng “Cúng dường này không phải được làm đến vị sư trưởng mà đến toàn thể tăng trong đó vị ấy chỉ là một thành viên.” Như vậy, nếu bạn có thể hướng tâm đến toàn thể Tăng, thời cúng dường đến một vị sư do Tăng chỉ định cũng được kể là Tăng thí (saṅghika-dāna).

* Thiện ý của một người thí chủ

Xưa có một vị sư giới hạnh bê bối, bị hầu hết các Phật tử và thí chủ không ưa, được tăng chỉ định thay mặt cho tăng đi dự Trai Tăng. Song người thí chủ không cảm thấy thất vọng; sau khi đã hướng tâm mình đến Tăng nói chung, ông cúng dường vật thực và các vật dụng khác đến vị Sư này một cách kính trọng. Ông đối xử với vị ác Sư như thể chính y là Đức Phật vậy, nghĩa là rửa chân khi y đến, mời y ngồi trên chỗ có ướp nước hoa thơm ngát và bên trên có lọng che hẳn hoi. Vì tâm ông luôn hướng đến Tăng, nên cuộc thí của ông có đủ điều kiện như một Tăng thí (saṅghassa-dāna) cao quý, mặc dù người thọ nhận là một ác sư.

Chúng ta hãy xem tiếp. Để ý thấy thái độ tôn kính của vị thí chủ này dành cho mình, vị Tỳ khưu xấu tưởng đã tìm cho mình một người hộ độ nhiệt thành rồi. Chiều hôm ấy, vị Sư cần sửa chữa lại một ít đồ đạc trong chùa, vì thế ông đến nhà người thí chủ để mượn cái cuốc. Lần này, người thí chủ đối với ông không còn kính trọng nữa. Anh ta dùng chân hất cái cuốc và nói một cách khiếm nhã, “Này!”

Những người hàng xóm hỏi anh về hai thái độ cư xử khác nhau mà anh dành cho vị ấy. Anh trả lời rằng buổi sáng lòng tôn kính của anh được hướng đến tăng chứ không phải đến một vị Sư cá biệt nào cả. Còn về thái độ thô lỗ của anh vào buổi chiều, anh bảo, là dành cho vị ác Sư, như một cá nhân, không đáng đảnh lễ hay tôn kính mà thôi. Bài học rút ra ở đây là, khi thực hiện việc cúng dường, bạn nên phóng chiếu tâm mình trên toàn thể Tăng nhờ thế bố thí của bạn mới được kể là Tăng thí.

* Quả báo khác nhau tuỳ theo Tăng thí

Mặc dù bạn cúng dường đến một, hai hoặc nhiều vị Tỳ Khưu (Bhikkhus), song nếu bạn chọn họ theo cách cá nhân thời bố thí của bạn trở thành cá nhân thí – puggalika dāna. Khi làm như vậy, dù cho bạn có cúng dường vật thực đến cả ngàn vị sư, bạn cũng chỉ đang làm việc bố thí theo cá nhân – hay cá nhân thí mà thôi. Ngoại trừ cúng dường đặc biệt dâng đến Đức Phật và chư vị Độc Giác Phật ra, tăng thí được xem như thắng xa mọi hình thức thí khác. Khi chúng ta nói tăng thí, các vị Alahán cũng được kể trong đó. Còn trường hợp cá nhân thí, các vị Alahán có thể hoặc không thể được kể trong đó. Vì thế chúng ta có thể suy ra một cách chắc chắn rằng Tăng thí có nghĩa là cúng dường đến các vị Tỳ Khưu thánh thiện nhất trong khi cá nhân thì cần phải chọn lựa cẩn thận vị Tỳ Khưu thọ nhận. Đến đây, hoàn toàn hợp lý để có thể kết luận rằng tăng thí có năng lực mạnh mẽ hơn và đem lại lợi ích nhiều hơn cá nhân thí vậy.

* Cúng dường đến Đức Phật

Khi Đức Phật còn tại thế, những người có tâm tín thành được đặc ân cúng dường đến tự thân ngài. Song ngày nay Đức Phật không còn ở với chúng ta nữa, vì thế chúng ta phải học từ nơi kinh sách cách nào để cúng dường hết lòng mình đến đức Phật.

Trước tiên bạn phải sửa soạn vật thực cúng dường đủ cho một vị tỳ khưu và đặt vật thực trước tượng Đức Phật. Nếu gần đó không có tượng đức Phật, bạn có thể mường tượng hình ảnh đức Phật với lòng tôn kính và cúng dường vật thực đến hình ảnh đó. Cần nhớ là bạn phải hướng cetanā hay chủ ý của bạn vào tự thân đức Phật.

Sau khi cúng dường xong, bạn có thể cho vật thực ấy đến một Phật tử đang công quả giữ gìn sạch sẽ khu vực ngôi Chùa hay Tháp đó, có thể người ấy là cư sĩ hay một vị Sư. Một người làm công quả, giữ bát quan trai giới (uposatha sīla) có thể ăn vật thực (cúng Phật) đó trước khi làm việc, nếu như giờ ngọ (12 giờ trưa) chưa đến.

Vào những dịp lễ long trọng, nếu bạn muốn cúng dường vật thực đến chư tăng (saṅgha) do Đức Phật dẫn đầu, cũng áp dụng cách thức như trên để thực hiện việc cúng dường đến Đức Phật.

Trường hợp cúng dường y casa đến đức Phật cũng thế, cần phải giữ thái độ như trên. Các vị sư công quả ở ngôi Chùa hay Tháp ấy được quyền thọ dụng những bộ y cúng dường đó. Một điều bạn phải thận trọng là các phẩm vật như hương, hoa, nhang đèn, và nước tại chùa hay tháp không nên để thành một mớ hỗn độn trước các tượng hay hình ảnh Đức Phật. Bố thí của bạn phải được làm với sự gọn gàng tươm tất. Chỉ lúc đó bạn mới có được những quả lành trong đời này hoặc đời sau, và các kiếp sống tương lai của bạn mới được trong sạch, không sai sót.

* Làm thế nào để tỏ lòng tôn kính từ xa

Thường thường hầu hết Phật tử tỏ lòng tôn kính và cúng dường đến hình tượng đức Phật trong nhà riêng của mình vì họ không có đủ thời gian đi đến chùa hay tu viện hàng ngày. Đã từng có những tranh luận về điều: không biết làm như vậy có phước hay không. Vì chúng ta đã biết rằng yếu tố quyết định (phước hay không phước) là cetanā (thiện chí của bạn trong trường hợp này), chúng ta có thể tin chắc rằng việc làm ấy sẽ đem lại những lợi ích lớn. Nếu chủ ý hay tư của bạn được hướng đến đức Phật, dứt khoát nó phải là tư thiện (kusala-cetanā), vì thế không có lý do gì lại không có phước.

Một trăm lẻ tám đại kiếp (kappas) trước, Đức Phật Atthadassi đạt đến sự giác ngộ. Một hôm, một người thiện nam nhìn thấy Đức Phật và các vị thánh đệ tử của ngài phi hành qua hư không bằng năng lực thần thông, anh ta liền thiết lễ cúng dường hương hoa từ đằng xa. Do thiện nghiệp này, trong hàng ngàn kiếp anh ta chẳng bao giờ phải tái sinh vào bốn ác đạo và trở thành một bậc Alahán trong thời Đức Phật Thích Ca của chúng ta với tên là Desapujaka Therā (trưởng lão Desapujaka).

Tư tiền – Tư hiện – Tư hậu

Mọi hình thức bố thí cần phải có ba loại cetanā (tư hay chủ ý), đó là, tư tiền (pubba-cetanā), tư hiện (muñca-cetanā), và tư hậu (apara-cetanā).

* Tư tiền (pubba – cetanā)

Thiện ý khởi lên trong lúc đang tìm kiếm và chuẩn bị cho cuộc bố thí là tư tiền. Cetanā hay tư của bạn phải thoát khỏi sự kiêu mạn hoặc ích kỷ như là, “Ta là người xây dựng ngôi chùa này; ta là thí chủ của tu viện nọ; ta là thí chủ của những vật cúng dường kia,” v.v… Trong khi sửa soạn cho công việc bố thí, bạn và những người trong gia đình không nên để xảy ra cãi vả do bất đồng ý kiến với nhau. Bạn cũng không nên do dự trong việc thực hiện điều thiện một khi đã quyết định làm. Nếu bạn cảm thấy thích thú và hân hoan trong suốt lúc chuẩn bị này, bạn có thể yên chí rằng tư tiền (pubba – cetanā) trong sạch chân thành sẽ thắng thế.

* Tư hiện (Muñca – cetanā)

Thực ra chữ muñca có ý nghĩa là từ bỏ. Do đó, muñca – cetanā là tư hiện hay cho ra (bố thí), chẳng hạn như trong hành vi bố thí thức ăn, tư hay thiện ý khởi lên khi người ta đang làm công việc bố thí đến người thọ nhận, hoặc trong hành vi bố thí bằng cách ra lệnh, tư hay thiện ý khởi lên vào lúc người ấy nói “Tôi bố thí” được gọi là muñca – cetanāhay tư hiện. Vào sát-na tư hiện này, nếu bạn có thể ngăn được những tâm bất thiện không cho khởi lên, hoặc tránh được sự dính mắc vào người thọ nhận, hoặc bố thí một cách rộng rãi không mong đợi một sự đáp trả nào của người thọ nhận, bạn có thể yên chí rằng tư hiện hay thiện ý từ bỏ của bạn đã khởi sanh với sự trong sạch.

* Tư hậu – Apara – cetanā

Cetanā hay tư thứ ba này, vốn khởi lên sau khi đã hoàn tất việc làm phước, là niềm sung sướng của sự hoàn thành mà bạn thọ hưởng vì đã làm được một hành vi đạo đức. Bạn cảm thấy hoan hỷ đối với thành tựu của mình, luôn luôn nhớ lại nó và ước mong sớm được lặp lại việc làm ấy. Đây là lúc tư hậu – apara cetanā của bạn đang phát triển nhanh.

Tuy nhiên, sau khi làm việc phước xong, tư hậu của bạn cũng có thể bị ô nhiễm nếu bạn cảm thấy không hài lòng với số tài sản đã mất trong cuộc bố thí, hoặc cảm thấy thất vọng đối với vị trụ trì mà bạn vừa dâng cúng một ngôi chùa. Và bạn có thể suy nghĩ “Lẽ ra ta không nên làm việc từ thiện đó”. Nếu bạn có ý nghĩ như vậy, chẳng những tư hậu của bạn bị ô nhiễm mà bạn còn phát triển một thái độ sân hận bất thiện (akusala dosa) nữa.

* Cảnh giác

Xây chùa, tạo Tháp, v.v… là bố thí có tầm mức to lớn. Cũng có những hình thức bố thí tầm mức nhỏ hơn như khi bạn dâng cúng vật thực, y áo cho chư sư hoặc khi bạn đem thức ăn, nước uống cho người thực sự đang cần. Trong việc bố thí có tầm mức to lớn, bạn có thể gặp phải sự cản trở từ chính nội tâm bạn cũng như từ những yếu tố hiểm độc bên ngoài.

Do đó, nếu bạn muốn thực hiện một cuộc bố thí có tầm mức to lớn, bạn không nên tự mình dự định mà cần phải tìm lời khuyên từ nơi bạn bè hoặc những bậc thầy hiểu biết. Chỉ khi đó bạn mới có được những người thọ nhận xứng đáng với cuộc bố thí của bạn. Chọn một người thọ nhận dĩ nhiên không đến nỗi quan trọng như vậy nếu bố thí với mức độ nhỏ; ngay cả cho con vật ăn cũng có phước riêng của nó. Yếu tố quyết định trong việc bố thí là phải có thái độ đúng đắn. Cố gắng thực hiện những cuộc bố thí đến tăng hay tăng thí bất cứ khi nào bạn có thể làm được. Đừng bao giờ dính mắc vào những vật dụng mà bạn có ý định bố thí. Hãy để cho tâm bạn tràn ngập với sự xả ly hoàn toàn các sở hữu vật chất mà bạn đã dành riêng cho việc bố thí. Thái độ này được gọi là muttacāgīthí xả giả(mutta có nghĩa là xả ly một cách hào phóng, và cāgī là người có thói quen bố thí). Vì thế những người làm việc bố thí nên ghi nhớ trong tâm rằng: chớ để bị dính mắc vào người thọ nhận; chớ để bị dính mắc vào vật bố thí; chớ bố thí với tâm mong cầu đời sống xa hoa vật chất trong cõi người và cõi trời (phước báu nhân thiên); mà chỉ với ước nguyện cao quý muốn đạt được hạnh phúc tối thượng của Niết Bàn. Điều này sẽ làm cho bạn trở thành một người thí chủ lý tưởng.

* Phân loại các thiện nghiệp (kusala)

Trong các tâm sở thiện (cetasikas) chúng ta biết vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha) là các nhân thiện hay cội gốc của thiện. Giống như cội gốc của một cái cây nuôi nấng toàn bộ cơ thể cây được khoẻ mạnh như thế nào, ba gốc thiện này cũng vậy, làm cho các tâm (citta) và tâm sở (cetasika) thiện tăng trưởng và phát triển như thế ấy. Do đó, tâm thiện (kusala citta) có thể phân thành hai loại: tâm thiện nhị nhân (dvihetuka – kusala citta), tức tâm thiện kết hợp với hai nhân hay gốc vô tham và vô sân; còn tâm thiện tâm nhân (tihetuka – kusala – citta) là tâm thiện kết hợp với cả ba nhân – vô tham, vô sân và vô si.

* Tâm thiện nhị nhân (Dvihetuka kusala citta )

Khi một người nuôi dưỡng một tâm thiện với vô tham và vô sân, thời tâm thiện của người ấy là tâm thiện nhị nhân. Trong mười loại phước nghiệp sự, chánh kiến (sammādiṭṭhi) là tin và hiểu biết nghiệp và quả của nghiệp. Sự hiểu biết đúng hay chánh kiến này còn được gọi là kammassakata-ñāṇa – nghiệp tác trí.

Nếu một đứa bé hay một người thiếu trí không biết gì về nghiệp và quả của nghiệp đem cho người nghèo khó một vật gì, họ cũng cảm thấy một niềm hân hoan nào đó khi làm như vậy. Song sự hoan hỷ ấy không đi kèm với kammassakata-ñāṇa (nghiệp tác trí) – tức không hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp, do đó không có vô si (amoha) trong tâm thiện của họ. Vì chỉ có hai nhân vô tham và vô sân nên một tâm thiện như vậy được đặt tên là tâm thiện nhị nhân (dvihetukakusala-citta).

Ngày nay, nhiều người Phật tử làm việc từ thiện và đặt bát cho Chư Tăng theo thói quen mà không có sự hiểu biết đúng về nghiệp và quả của nghiệp. Tâm bố thí như vậy chỉ gọi là tâm thiện nhị nhân. Ngay cả một người có học nếu làm các việc thiện một cách qua loa chiếu lệ, thiện tâm của họ cũng rơi vào cùng phạm trù như thế. Tóm lại, mọi thiện sự nếu làm không có trí tuệ đều được sắp vào loại thiện nhị nhân (dvihetuka-kusala) cả.

* Tâm thiện tam nhân (Tihetuka-kusala-citta)

Một tâm thiện kết hợp với ba nhân – vô tham, vô sân và vô si, được gọi là tâm thiện tam nhân. Mọi thiện sự nếu làm với nghiệp tác trí – Kammassakata ñāṇa đi kèm (tức làm với sự hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp) đều nằm trong phạm trù này. Ngày nay nhiều người Phật tử có học thức làm các thiện sự vì Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) cũng như vì cha mẹ và các bậc tôn trưởng của họ với thái độ rất tốt. Bởi lẽ tâm họ kết hợp với sự hiểu biết rõ ràng về những quả lợi ích trong vòng luân hồi (saṁsāra), nên thiện nghiệp của họ trở thành thiện tam nhân (tihetuka-kusala). Nếu bố thí được làm với tư duy minh sát (vipassanā): Những vật chất này thực ra chỉ là các tổng hợp sắc (rūpa-kalāpa), và chúng mang tính chất vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta), thời không cần phải nói, một tâm trạng bố thí như vậy chắc chắn phải là tâm thiện tam nhân cao quý nhất của nó rồi. Do đó, điều thiết yếu là các bậc cha mẹ và huynh trưởng nên dạy cho con em của mình hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp, cũng như sự hiểu biết cơ bản về tính chất vô thường, khổ và vô ngã trước khi làm những việc phước và trước khi chia sẻ những phước báu có được (hồi hướng công đức).

* Thiện nghiệp cao thượng và thiện nghiệp hạ liệt

Trong từ vựng Pāli, ukkaṭṭha có nghĩa là cao thượng, còn omaka có nghĩa là hạ liệt. Nếu các tâm thiện nhị nhân và tâm thiện tam nhân được vây quanh bởi những trạng thái thiện vào lúc khởi lên của tư tiền (pubba-cetanā) hoặc vào lúc khởi lên của tư hậu (apara-cetanā), nghiệp đó được xếp vào loại thiện nghiệp cao thượng (ukkaṭṭha-kusala). Còn nếu chúng bị vây quanh bởi những trạng thái tâm bất thiện, thời nghiệp ấy được xếp vào loại thiện nghiệp hạ liệt (omaka-kusalakamma).

Khi chúng ta nói được vây quanh bởi những trạng thái tâm thiện hay bất thiện, là muốn nói tới những trạng thái tâm nào liên hệ trực tiếp với thiện nghiệp đã làm. Nếu những trạng thái ấy không liên quan đến thiện nghiệp đã làm, chúng ta không thể nói có sự kèm theo của thiện nghiệp (kusala) hay bất thiện nghiệp (akusala) được. Giả sử, một Phật tử ngay trước khi thực hiện một cuộc bố thí lớn thì phẫn nộ với con nợ và đòi kiện anh ta. Dĩ nhiên, đây là sân bất thiện (dosa-kusala). Nhưng nếu cơn giận không ảnh hưỏng đến cuộc bố thí và anh ta vẫn cảm thấy hoan hỷ sau việc làm phước, thời sân bất thiện phát sinh do sự giận dữ trước đó không gây ảnh hưởng bất lợi đến tính chất của tâm thiện bố thí của anh ta.

Tóm lại chúng ta có thể nói: các thiện nghiệp tam nhân cao thượng là những thiện nghiệp được làm với cả hai tư tiền và tư hậu – tức trước và sau lúc làm việc thiện đều có chủ ý tốt. Nếu một trong hai cetanā (tư tiền và tư hậu) này vắng mặt, nghiệp đó trở thành thiện nghiệp tam nhân hạ liệt. Nếu cả hai cetanā đều vắng, thời nghiệp ấy thuộc vào loại thiện nghiệp tam nhân hạ liệt hơn nữa. Tương tự, thiện nghiệp nhị nhân cao thượng và thiện nghiệp nhị nhân hạ liệt cũng phải hiểu như vậy. Đối với các thiện sự khác như trì giới, cung kính, phục vụ, v.v… chúng ta cũng có các phạm trù tư tiền, tư hiện, và tư hậu của loại thiện nghiệp nhị nhân và tam nhân và của loại thiện nghiệp cao thượng và hạ liệt y như vậy.

Yếu chỉ :

1. Một thiện sự được làm với sự hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp là thiện nghiệp tam nhân.

2. Nếu sự hiểu biết này vắng mặt, nó trở thành thiện nghiệp nhị nhân.

3. Nếu một thiện nghiệp được đi trước và nối tiếp sau bởi các tâm thiện, thì đó là thiện nghiệp cao thượng.

4. Nếu tâm bất thiện phát sinh trước và sau một thiện sự, đó là thiện nghiệp hạ liệt.

Phân loại khác

Bố thí (dāna) có thể được xếp theo ba mức độ: hạ liệt thí (hīna-dāna), trung bình thí (majjhima-dāna) và cao thượng thí (paṇīta-dāna). Cách phân loại này dựa trên những vật phẩm cúng dường. Nếu những vật phẩm cúng dường hay bố thí thấp hơn những gì ta dùng, đó là hạ liệt thí (hīna-dāna). Nếu ta cúng dường những vật có phẩm chất tương đương với những gì ta dùng, đó là trung bình thí (majjhima-dāna). Nếu ta bố thí những vật phẩm tốt hơn những gì ta dùng, đó là cao thượng thí (paṇīta-dāna).

Một cách khác, bố thí có thể được phân thành ba: nô bộc thí (dasa-dāna), bằng hữu thí (sahayadāna) và chủ thí. Nô bộc thí được coi là hạ liệt thí (hīna-dāna), tức bố thí thuộc loại hạ liệt giống như cho một kẻ nô bộc; bằng hữu thí được coi là trung bình thí, tức bố thí thuộc loại trung bình giống như cho một người bạn; và chủ thí được coi là cao thượng thí (paṇīta), tức bố thí thuộc loại cao thượng giống như dâng cho người chủ.

Cách khác

Ước muốn (làm), tinh tấn và tư (cetanā) yếu tạo thành hạ liệt thí (hīna-dāna); ước muốn, tinh tấn và tư vừa phải tạo thành trung bình thí (majjhima-dāna) và ước muốn, tinh tấn và tư mạnh mẽ tạo thành cao thượng thí (paṇīta-dāna).

Cách khác

Bố thí với hy vọng được khen, như “Anh ta là thí chủ của ngôi chùa này hoặc ngôi tháp nọ”, hoặc bố thí vì danh vọng là hạ liệt thí (hīna-dāna). Bố thí được thực hiện với suy tư về những lợi ích trong đời tương lai khi còn trôi lăn trong luân hồi là trung bình thí (majjhima-dāna). Bố thí không tính đến những lợi ích tương lai mà chỉ với thiện chí chân thành hợp với phong tục của các bậc giới đức và các bậc trí tuệ là cao thượng thí (paṇīta-dāna).

Ghi chú : Những thiện sự được làm không mong đợi đáp trả được xem là cao quý hơn những thiện sự được làm với hy vọng được một phần thưởng tương lai nào đó. Thiện chí vô ngã, vị tha đối với hạnh phúc của tha nhân chỉ thuộc về những nhân cách cao quý nhất như các vị Bồ tát (Bodhisattas) chẳng hạn.

Cách phân loại khác

Bố thí với hy vọng có được đời sống xa hoa vật chất là hạ liệt thí; bố thí với ý định thoát khỏi luân hồi là trung bình thí; đại thí của các bậc Bồ tát để hoàn thiện bố thí balamật (dānapāramī) với hy vọng giúp các hữu tình chúng sinh tự giải thoát khỏi vòng tử sinh luân hồi được liệt vào cao thượng thí. Đó là những cấp độ bố thí khác nhau dựa trên thái độ tinh thần của người bố thí. (Đối với các thiện sự khác như trì giới, cung kính, phục vụ… cũng có thể gặp những mức độ khác nhau như vậy)

* Quả của bố thí

Bố thí, để bát (Chư Tăng), làm từ thiện và thiện chí giúp người nói chung đều gọi là bố thí (dāna) cả. Quả của bố thí là người bố thí sẽ được giàu sang hơn trong kiếp sau. Nhưng nếu bạn không có tư hậu (apara-cetanā) tốt, tức là nếu bạn cảm thấy bủn xỉn hoặc hối tiếc sau khi bố thí, bạn sẽ không được hạnh phúc trong đời sau dù giàu có. Bạn sẽ trải qua những tháng ngày của đời bạn theo như cách của người cơ cực mặc dù bạn là người rất giàu sang.

Câu chuyện của một phú ông

Trước thời đức Phật Gotama (Đức Phật Thích Ca), có một người đàn ông giàu có, nhà ông một hôm được Đức Phật Độc Giác (Paccekabuddha) đến khất thực. Mới đầu, người này ra lệnh cho kẻ ăn người làm của mình mang vật thực ra cúng dường cho Đức Phật Độc Giác. Nhưng sau đó ông lại cảm thấy rằng cúng dường như vậy chỉ là một sự phí phạm; ông ta đã không có tư hậu tốt và không được vui.

Do thiện nghiệp cúng dường vật thực này ông được sanh làm người giàu sang trong thời Đức Phật Gotama của chúng ta. Tuy nhiên do tư hậu không tốt, ông chẳng bao giờ thích sống một cuộc sống giàu sang. Ông mặc những loại quần áo tầm thường, rẻ tiền và chỉ ăn những loại gạo nát với dấm chua. Cứ như vậy, ông sống giống như một người nghèo khổ cho đến chết; sau khi ông qua đời tất cả tài sản của ông bị đức vua sung công hết, do không có người thừa tự.

Bài học từ câu chuyện trên

Ngẫm nghĩ sâu xa về người đàn ông giàu có này, chúng ta thấy thời nay cũng đâu thiếu những con người bủn xỉn, sống cuộc đời không hưởng được sự giàu sang của họ như vậy! Họ không có lòng dạ đâu mà mặc những quần áo tốt đẹp và ăn những món ngon vật lạ. Nếu họ đem tiền bạc và tài sản mà biếu những người nghèo khó và túng thiếu, thời còn biện minh cho sự tiết kiệm của họ được. Song sự keo kiết này đích thị là ác. Trong những kiếp đời sống tương lai sau, sự keo kiết, bủn xỉn của họ sẽ theo đuổi họ dưới hình thức của dị thục quả (vipāka). Rồi họ cũng chấm dứt cuộc đời như người đàn ông giầu có khốn khổ trên mà thôi.

Điều tốt nhất

Hãy nhớ rằng đã là người giàu có thời phải sống đúng theo địa vị và sự giàu sang của mình. Bạn phải sống một cách thoải mái, dành một phần để làm di sản và cũng phải biết bố thí làm phước. Chỉ khi đó bạn mới có thể được xem là biết sống xứng đáng, đem lại lợi ích cho đời này cũng như những đời sau. Ngài Dipeyin Sayadaw khuyến giáo như sau: “Thức ăn đã ăn vào thời trở thành phân; hãy xem của cải bỏ lại phía sau khi người ta chết thì biết; trồng cây – ước của thiện nghiệp (kusala kamma) trong lúc còn sống trong cõi người xứng đáng này, hãy ăn những gì bạn kiếm được; song cũng phải để dành một phần mà làm di sản và bỏ ra một phần để bố thí. Đây là cách sống của con người đức hạnh.”

* Những lợi ích của bố thí

Có lẽ không cần phải trình bày chi tiết những lợi ích của bố thí ở đây. Thiện nghiệp cho một con vật ăn chỉ một lần còn đem lại (a) sống lâu, (b) sắc đẹp, (c) tài sản, (d) sức mạnh và (e) trí tuệ cho cả một trăm kiếp về sau. Do bố thí trong kiếp này, khi tái sinh vào nhân giới hay thiên giới, bạn sẽ vượt trội hơn những chúng sinh khác.

Thời Đức Phật Kassapa (Ca-Diếp) có hai vị sư rất thân với nhau. Một trong họ là người bố thí rộng rãi trong khi người kia thì không. Vì cả hai đều giữ giới (sīla) trong sạch, nên sau khi chết, họ cứ tái sinh hết làm người đến làm chư thiên cho mãi tới thời Đức Phật Thích Ca. Trong mỗi kiếp như vậy, vị biết bố thí luôn luôn ở địa vị cao hơn vị kia. Kiếp cuối cùng, cả hai đều tái sinh làm người trong cung điện của đức vua Kosala (Kiếu Tất La). Vị bố thí rộng rãi trở thành hoàng tử, và vị kia, là con trai của một viên đại thần. Trong khi vị hoàng tử ngủ trong chiếc nôi làm bằng vàng có che lọng trắng biểu tượng của hoàng gia, con trai viên đại thần thì lại ngủ trong chiếc nôi làm bằng gỗ. Mặc dù cả hai đều đạt đến Niết Bàn tối hậu như nhau song những lợi ích họ hưởng trong mỗi kiếp vẫn khác nhau hoàn toàn.

* Bố thí có kéo dài vòng luân hồi không?

Có một số người lầm tưởng rằng bố thí sẽ chỉ kéo dài vòng tử sinh luân hồi thêm mà thôi. Trong câu chuyện của hai người bạn kể trên chúng ta đã thấy rằng người biết bố thí cũng đâu có đắc Niết Bàn trễ hơn. Do đó, thật phi lý khi quả quyết rằng bố thí kéo dài thêm vòng luân hồi. Thực ra, chính sự bất tịnh trong tâm của người bố thí mới có trách nhiệm cho việc kéo dài thêm vòng luân hồi. Việc bố thí thúc đẩy bởi lòng khao khát muốn được hưởng những xa hoa vật chất của cõi người hay cõi trời mới khiến cho con người phải nấn ná trong vòng luân hồi này.

Một số còn lầm lẫn cho rằng chính Đức Phật đã phải lăn lộn lâu hơn trong vòng luân hồi vì thích bố thí trong mỗi kiếp sống. Điều này hoàn toàn không đúng. Chính do bố thí Balamật mà vô lượng chư Phật đã đạt đến sự giác ngộ tối thượng trong khi chúng ta vẫn còn lặn hụp trong vòng trầm luân sinh tử. Liệu có thể cho rằng những cuộc bố thí của chúng ta vượt xa bố thí của chư Phật không? Đức Bồ-tát Vessantara (tiền thân của Đức Phật Thích Ca) đã thực hiện một cuộc đại thí vô tiền khoáng hậu để đạt đến Phật quả chỉ sau có hai kiếp. Dó đó, rõ ràng rằng bố thí không phải là nguyên nhân của khổ đau lâu dài trong vòng luân hồi.

Bây giờ chúng ta đã thấy rằng bố thí không làm cho vòng luân hồi dài thêm. Chỉ có tâm bị ô nhiễm bởi ái dục mới có ảnh hưởng lớn trên chúng ta, và làm cho vòng luân hồi dài thêm mà thôi. Tất cả các vị Bồ tát chỉ phấn đấu để đạt đến sabbaññutāñāṇa – Nhất Thiết Trí và các vị phải lang thang trong sanh tử luân hồi cho đến khi nào những Balamật cần yếu cho Nhất Thiết Trí này được hoàn tất mới thôi. Tất nhiên các ngài phải tích luỹ trí tuệ xứng đáng với một vị Phật. Trái xoài sẽ không chín trừ khi và cho đến khi đủ già có lẽ là hình ảnh liên hệ thích hợp ở đây vậy.

* Hai loại thiện (Kusala)

Một thiện sự được làm không phải với hy vọng thoát khỏi luân hồi mà chỉ để thọ hưởng phước báu nhân thiên gọi là vaṭṭanissita-kusala: thiện y chỉ luân hồi hay thiện sự dựa vào luân hồi. Một thiện sự được làm với hy vọng thành tựu Niết Bàn gọi là vivaṭṭanissita kusala, thiện xuất ly luân hồi hay thiện sự không y tựa vào luân hồi. Trong hai loại thiện này, bất cứ điều gì thuộc y chỉ luân hồi, dù là bố thí hay giữ giới cũng sẽ kéo dài khổ đau của ta trong luân hồi. Ngược lại mọi hình thức của thiện xuất ly luân hồi sẽ thúc đẩy chúng ta vượt thoát khỏi tử sanh luân hồi và trợ giúp chúng ta thành đạt nguyện ước cao quý là chứng đắc Niết Bàn.

* Bố thí trợ giúp sự hoàn thiện các pháp Balamật

Những người bố thí rộng rãi thường có đầy đủ tài sản trong những kiếp sống tương lai của họ, nhờ thế họ có thể sống một cách thanh nhàn. Người có lòng nhân ái và đã thực hiện được những nghiệp thiện xuất ly luân hồi (vivaṭṭanissita kusala) trong đời quá khứ có thể giữ giới, nhất là Bát quan trai giới. Trong khi những người nghèo khổ, túng thiếu, phải lăn lộn kiếm sống, không thể giữ giới được. Trong việc theo đuổi con đường học vấn cũng vậy, người giàu có được đầy đủ phương tiện hơn. Nói gì đến những ngôi trường tốn kém, ngay cả những ngôi trường thuộc chế độ tu viện mà sự giáo dục hoàn toàn miễn phí cũng thế, con em của những gia đình giàu có đương nhiên được quan tâm nhiều hơn. Như vậy, khi một người đã làm các việc bố thí trong quá khứ, họ cũng được tiếp nhận sự giáo dục với nhiều thoải mái hơn.

Một người giàu cũng dễ dàng thực hành đức kham nhẫn khi phải đương đầu với sự lăng mạ hoặc sỉ vả bởi vì họ có thể phớt lờ chúng với sức mạnh của ý chí và lòng tự trọng của họ. Nhưng đối với một người nghèo, nếu bị sỉ nhục, chắc chắn họ sẽ bị ám ảnh bởi mặc cảm rằng chính cái nghèo đã gây nên sự bất công đó và vì thế mà họ phản ứng lại một cách mạnh mẽ. Vì lẽ một người giàu có thường được các thành phần xã hội khác kính trọng, nên họ lại luôn có dịp biểu lộ lòng từ ái và bi mẫn đối với những thành phần này. Một người nghèo thường không có được tình thương yêu và kính trọng của người khác cho nên họ luôn ấp ủ lòng sân hận hoặc kiêu căng hão huyền thay vì nuôi dưỡng lòng từ ái và bi mẫn. Do đó, bố thí còn giúp cho sự hoàn thành của các pháp Balamật khác như kham nhẫn (khantī) và tâm từ (mettā).

Trong đời này, thật khó cho người nghèo giữ được lời hứa. Ở đây cũng thế, bố thí giúp cho người ta sống chân thật và giữ được lời hứa. Không có bố thí, thực khó mà có thể hoàn thành pháp chân thật (sacca) Balamật này. Đó là lý do vì sao các vị Bồ tát trước tiên phải hoàn thành pháp bố thí Balamật. Bố thí đứng đầu trong mười Balamật. Đức Phật Gotama của chúng ta đã hoàn thành các Balamật khởi sự với bố thí. Khi còn là đạo sĩ Sumedha (Su-mê-tha) ngài đã hoàn thành bố thí Balamật đầu tiên. Và khi là Vua Vessantara, đức Bồ tát của chúng ta đã hoàn thành bố thí Balamật kể như giai đoạn cuối cùng của sự toàn bích.

* Những ai có thể thực hành mà không cần bố thí

Có những người không cần phải thực hiện các việc bố thí này. Đó là những hành giả căn cơ cao đang nỗ lực nghiêm mật để vượt thoát luân hồi trong kiếp hiện tại. Các vị dành trọn thời gian vào việc thực hành thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassanā). Nếu họ dùng thời giờ của mình vào việc bố thí, điều đó sẽ chỉ làm mất thời gian và nỗ lực vô ích. Một khi họ đã dành toàn tâm toàn ý vào việc mau chóng chứng đắc giải thoát, bố thí không còn cần thiết đối với họ nữa. Họ phải hành thiền tích cực cả ngày lẫn đêm. Xưa có một vị Tỳ khưu ở Mandalay (thủ đô của Miến) rất thích làm việc bố thí, đến hành thiền dưới sự hướng dẫn của Thiền Sư Mahā Gandhayon sayadaw, vị này cũng là thầy Yết-ma của chúng tôi. Một buổi sáng, vị Thiền Sư thấy thiền sinh mới này đang gom nhặt những bông hoa rơi rụng để cúng dường Đức Phật. Ngài liền khuyên: “Trong lúc hành thiền, hãy chỉ chú tâm vào thực hành; sau đó ông có thể cúng dường hoa cũng không muộn”

Bản thân Thiền Sư Mahā Gandhayon sayadaw cũng miệt mài cả ngày lẫn đêm trong việc hành thiền với quyết tâm tự giải thoát mình khỏi tử sinh luân hồi ngay trong kiếp hiện tại. Dù ngài có thành tựu được mục đích cao cả của mình hay không, tôi không đủ tư cách để biết. Song Mahā Gandhayon sayadaw đã dùng hết thời gian của mình để độc cư hành thiền trong cái hang của ngài. Tuy thế ngài không bao giờ quên việc bố thí. Khi ngài rời bỏ cái hang mà ngài từng độc cư thực hành đó, ngài đã bố thí hết những vật dụng thuộc sở hữu của ngài cho các vị Tỳ Khưu khác. Do đó, khi bạn dành thời gian miệt mài trong việc hành thiền với ý định đạt đến sự giác ngộ trong kiếp hiện tại này, việc thực hành bố thí không còn cần thiết nữa. Nhưng khi bạn không bận rộn theo cách đó, dứt khoát bạn nên làm việc bố thí như những người khác vậy.

* Niềm vui của bố thí (Dāna)

Bố thí quả thực là một niềm hạnh phúc. Người có lòng quảng đại và từ thiện luôn luôn cảm thấy bi mẫn đối với những người nghèo khó và túng thiếu. Tâm bi mẫn này sẽ được theo sau bởi lòng từ ái (mettā) đối với mọi chúng sinh. Từ đó bạn trau dồi thêm tâm hoan hỷ (muditā) với những người đã được giàu sang và thịnh vượng. Vì vậy khuôn mặt bạn luôn luôn toả sáng giống như ánh trăng rằm và phong thái của bạn gợi lên một sự điềm tĩnh và an lành.

Đáp lại, những người thọ thí cũng sẽ có lòng từ ái và ước mong cho hạnh phúc của bạn. Thí chủ càng giàu có, người thọ nhận sẽ càng phát triển thật nhiều tâm hoan hỷ đối với họ. Như vậy, một hành động bố thí sẽ đưa đến sự phát triển của cả bốn phạm trú (brahmavihāra) hay bốn trạng thái tâm cao thượng: từ, bi, hỷ, và xả. Cho đến mức độ này một hành động bố thí cao quý và sâu rộng sẽ lót đường cho các phạm trú – mettā, karuṇā và muditā, cũng như thúc đẩy thêm cho sự tu tập thiền chỉ và thiền minh sát.

* Người rộng rãi là người giàu có

Thực sự những người giàu có thoát được cái lo về sinh kế ở đời này không nhiều lắm. Còn người nghèo, người túng thiếu và cơ cực thì rất nhiều. Người nghèo chắc chắn phải là những người không có niềm tin vào việc bố thí trong những kiếp trước của họ. Và người giàu dứt khoát phải là những thí chủ hào phóng trong những kiếp quá khứ. Vậy, những người giàu này có nên thoả mãn với sự giàu sang của mình trong kiếp này không? Tất nhiên là không. Vì sự giàu có và của cải không thể đi theo họ sang đời sau được. Một khi họ đã qua đời, họ sẽ không còn là người giàu nữa. Bởi thế người giàu phải biết để lại một phần tài sản cho những người thừa kế của họ và phần còn lại đem bố thí cho những người nghèo khó, túng thiếu. Chỉ khi đó họ mới được giàu sang trong những kiếp kế và cho tới lúc chứng đắc Niết-bàn. Nguyên tắc quan trọng ở đây là: “Người bố thí rộng rãi trong kiếp trước là người giàu sang trong kiếp này; người bố thí rộng rãi trong kiếp này sẽ là người giàu sang trong những kiếp tương lai”.

Của cải chẳng qua chỉ là vật sở hữu tạm thời; giàu sang chỉ trong một kiếp, một đời thôi. Chúng ta không nên xem của cải của ta là “sở hữu của ta”. Nó sẽ là “của ta, nếu biết dùng nó cho hạnh phúc của người nghèo”

Chúng ta không nên ngần ngại đem tài sản của mình ra bố thí cho những người thực sự cần nó vậy.

* Người giàu tựa như một con sông…

Một người giàu có, đức hạnh có thể sánh với một con sông, một cội cây, hay một trận mưa, như đã được đề cập trong “Lokaniti” (một tác phẩm răn đời của Miến). Con sông dù chứa đầy nước, nó vẫn không uống lấy một giọt. Con sông chỉ vì lợi ích của tha nhân mà phục vụ. Người ta đi đến bên sông để giặt, để tắm hoặc để uống nước. Cũng thế, cây không ăn những trái nó sinh ra. Trái nó sinh ra cho người khác dùng mà thôi. Mưa không chỉ rơi xuống các sông hồ và giếng nước mà còn rơi cả trên những vùng đất cằn cỗi và trên sa mạc.

Tương tự, người giàu có đức hạnh tích luỹ của cải không chỉ cho riêng họ mà cũng còn để giúp đỡ người nghèo khó. Họ dùng của cải của họ cho hạnh phúc của người nghèo. Khi họ thực hành phước bố thí, không phải họ chỉ dâng nó cho các vị thầy (sayadaw) nhiều phước như những giếng nước đã đầy mà còn cho đến những người nghèo như những mảnh đất khô cằn sỏi đá.

Như trên đã nói, bố thí làm tăng thêm các trạng thái cao thượng hay các phạm trú: từ (mettā), bi (kaniṇā) và hỷ (muditā). Bố thí tạo cho con người có được vẻ mặt tươi sáng vui vẻ. Người bố thí còn tạo được nhiều thiện nghiệp (kusala) trong kiếp này, và cũng sẽ có đầy đủ tài sản trong đời sau. Chúng ta không nên sao lãng đức hạnh bố thí, một đức hạnh có sức mạnh thúc đẩy con người nhanh chóng đạt đến Niết-bàn.

Bởi thế, nếu chúng ta theo lời dạy của Đức Phật, giữ tám giới, mười giới, hoặc Ājīvaṭṭhataka (Hoạt mạng đệ bát giới – giới thứ tám là chánh mạng), tắm và mặc áo quần sạch sẽ, tu tập ba tâm vô thượng: từ, bi và hỷ, với ý định đạt đến Niết-bàn, dám nói với tâm kiên định, “Addhā imāya paṭipattiyā jarāmaraṇamhā parimuccissāmi” – “chắc chắn nhờ việc thực hành bố thí này ta sẽ thoát khỏi những thống khổ như già, bệnh và chết”, có thể thực hành bố thí với tâm hoan hỷ với tất cả những ai đến với chúng ta bất kể họ là người ngay thẳng hay độc ác; thì điều đó thật là sung sướng biết bao? Làm thế nào việc bố thí này lại có thể giữ chúng ta lâu dài trong vòng luân hồi được chứ? Chẳng phải nó sẽ thúc đẩy chúng ta nhanh chóng đạt đến Niết-bàn đó sao?

* Chúng ta không thể không cần đến bố thí

Ta không nên cho rằng những gì vừa nói ở trên là đã bao hàm mọi lợi ích của bố thí. Thực ra, để liệt kê hết những lợi ích của bố thí đòi hỏi phải có một luận giải riêng về đề tài ấy. Nếu một người tin theo những phường hiểm ác nào đó mà từ bỏ việc bố thí, thì những mối tương quan thân thiện sẽ chấm dứt và lòng từ ái nơi họ sẽ tiêu vong. Người giàu sẽ không còn bố thí đến người nghèo mà sẽ có thái độ bất chấp, không quan tâm gì đến mọi người và còn nói, “Ồ, ai chết mặc ai. Lo gì!” Nhân loại không có pháp bố thí thực sự sẽ rất man rợ. Và, dĩ nhiên tâm man rợ này cuối cùng sẽ dẫn đến thân hành thô lỗ.

Bồ Tát Tất-đạt-đa đã đạt đến Giác ngộ và trở thành đấng Như-lai (Tathagata) sau khi từ bỏ của cải quyền lực và sự vinh quang của ngôi vua, chỉ sống nhờ vào sự giúp đỡ và hỗ trợ của các thí chủ cúng dường vật thực hàng ngày. Ngài có thể thuyết giảng Diệu pháp và thiết lập Giáo hội Tăng già để truyền bá Giáo pháp (sasana) của ngài là nhờ sự hỗ trợ của các Phật tử giàu có như Ông Cấp-cô-độc (Anathāpiṇḍika), Bà Visākhā, đức Vua Tầnbāsala, v.v… Nếu không có những thí chủ giàu lòng quảng đại ấy, Đức Phật hẳn sẽ không có mặt trên thế gian, nói gì đến giáo pháp của ngài. Không chỉ đức Phật Gotama của chúng ta thôi, mà vô lượng chư Phật quá khứ chắc hẳn sẽ không đạt đến Toàn Giác nếu thế gian không có pháp bố thí. Vì vậy, tôi muốn thành tâm ước nguyện: “Mãi mãi sẽ không có người nào chống báng hoặc không biết tới việc làm quảng đại của bố thí này”.

Chắc chắn không thể liệt kê một cách đầy đủ những lợi ích bạn sẽ gặt hái được nhờ bố thí, nhờ lòng từ thiện. Nếu như không có bố thí, thì cũng không có Chư Phật chỉ đường cho chúng ta đi đến Niết-bàn. Hãy nhớ rằng những thành phần ưu tú của xã hội, những vị chư thiên lộng lẫy, đa phần trong họ có thể bảo là nhờ vào sự bố thí mà được như vậy, người nghèo và người túng thiếu là những người không có lòng quảng đại. Nếu bạn thành tâm ước nguyện muốn thoát khỏi luân hồi, hãy dùng đến pháp bố thí (dāna).

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app