X. Bác Thuyết Tạo Hóa (Issaranimmāna)

1. Khái Niệm Về Một Đấng Sáng Tạo

Giáo thuyết chủ trương nhất phần thường, nhất phần vô thường (ekaccasassata-vāda)đã được đề cập trong các kinh như: kinh Phạm Võng (Brahmajāla sutta, thuộc Trường Bộ), kinh Phạm Thiên Cầu Thỉnh (Brahmanimantana sutta, thuộc Trung Bộ), và trong Tương Ưng Phạm Thiên của Tương Ưng Bộ, xem vị Đại Phạm Thiên, người đầu tiên cư ngụ trong cõi sơ thiền, là một chúng sinh tối thượng hay Thượng Đế sáng tạo để giải thích cho thuyết Tạo Hóa này.

Những người chấp tà kiến ấy chủ trương như sau: ‘Quả thực chúng sinh này, vị Phạm thiên này, đấng Đại Phạm Thiên này, vị chiến thắng này, người không thể bị kẻ khác chiến thắng, chắc chắn là bậc biến nhãn (all-seeing), toàn năng (all-powerful), bậc cai trị, bậc sáng tạo của tam giới (gồm Okasalaka: Hư không giới; Sattaloka: Hữu tình giới; Sankharaloka: Hữu vi giới), đấng tối thắng, đấng quyền năng, đấng đã thực hành sự an định, cha đẻ của tất cả chúng sinh đang là và sẽ là. Và Ngài đã sáng tạo ra chúng ta.’

Thuyết Tạo hóa có mặt trong thế gian này do một số các vị Samôn và Bàlamôn tin vào thuyết nhất phần thường, nhất phần vô thường (ekaccassasata-vāda), một kiến chấp đã được các vị Phạm Thiên sau khi hết phước trong cõi Phạm Thiên, rơi xuống cõi nhân loại và Chư Thiên (devas), và họ có thể nhớ lại tiền kiếp của mình, chủ trương. Thuyết Tạo hóa này đã được giảng giải rõ trong kinh Phạm Võng. Trước khi Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện, tà kiến này đã được nhiều người Bàlamôn chủ trương. Khi Đức Phật xuất hiện, Ngài bác hết tất cả mọi tà kiến, và tà kiến về thuyết Tạo hóa này đã không còn có cơ hội phát triển ở Ấn Độ.

Những người tin tưởng vào sự sáng tạo của một đấng Thượng Đế được gọi là issaranimmāna-vādi – thần hóa luận giải. (Ba cách phản bác thuyết Tạo hóa này cũng giống như trường hợp phản bác tiền định kiến vậy.)

2. Chỉ Có Nghiệp Là Tài Sản Riêng Của Con Người

Những người chấp vào thuyết Tạo hóa hoàn toàn loại bỏ chánh kiến (đã giải thích trong đoạn ‘Kammassakā sattā kammadāyādā – Nghiệp là tài sản của các chúng sinh, chúng sinh là kẻ thừa tự của nghiệp’) Mặc dù họ loại trừ chánh kiến này, song họ không biết rằng họ đã vô tình lọt vào phạm vi của ‘nghiệp sở hữu – kammassakā’ và ‘nghiệp thừa tự – kammadāyādā’. Điều này là đúng. Những người tin tưởng nơi sự sáng tạo của một đấng siêu nhiên hay Thượng Đế cũng trở thành ‘chủ nhân ông của nghiệp’ và ‘kẻ thừa tự của nghiệp’. Vì sao? Bần tăng sẽ làm sáng tỏ vấn đề.

Đối với lãnh vực hoạt động của nghiệp quá khứ, những người chủ trương thuyết tạo hóa mưu sinh bằng việc canh tác đất chẳng hạn. Chỉ do hành động canh tác đất này, họ đã trở thành chủ nhân ông tài sản của họ – tức những nghiệp do chính họ làm. Điều đó có nghĩa rằng họ có những tài sản dưới dạng ‘canh tác’. Một số khác mưu sinh bằng việc mua bán. Chính do hành động mua bán này, họ trở thành chủ nhân ông tài sản của họ – nghiệp mua bán do họ thực hiện. Điều đó có nghĩa rằng họ có những tài sản dưới hình thức của hành động mua bán. Số khác mưu sinh bằng việc phục vụ cho chính phủ. Chính do những hành động phục vụ chính phủ này, họ trở thành chủ nhân ông những tài sản của họ – là hành động phục vụ chính phủ do họ thực hiện. Điều đó có nghĩa rằng họ có những tài sản dưới hình thức ‘phục vụ chính phủ’. Đối với các lãnh vực hoạt động khác, như các ngành nghệ thuật, khoa học, v.v…, nguyên tắc này cũng có giá trị tương tự.

Có số người tin tưởng nơi một Thượng Đế quyền năng và nương tựa nơi vị này. Song họ chỉ có thể có được tài sản và danh vọng khi nào bản thân họ cố gắng làm một ngành nghề nào đó. Ngược lại, chỉ do có đức tin nơi Thượng Đế quyền năng, ắt hẳn họ không thể có tài sản và danh vọng như vậy được.

Có những người chẳng những không tin mà còn bác bỏ sự hiện hữu của Thượng Đế. Những người này cũng phải làm việc để mưu sinh, nhờ vậy có được của cải và danh vọng. Do đó, người có trí hiểu rằng chỉ có những hành động do chính con người thực hiện mới cho họ của cải và vinh quang chứ không có một đấng Thượng Đế nào có thể cho họ bất cứ điều gì cả.

3. Các Chúng Sinh Được Cứu Độ Bởi Nghiệp Riêng Của Họ Như Thế Nào?

Những người tin tưởng vào Thượng Đế, qui y nơi Thượng Đế, có đức tin nơi Thượng Đế và sùng kính Thượng Đế suốt cuộc đời. Họ tin rằng chỉ có ai tin vào Thượng Đế, khi chết mới được ngài cứu độ, còn ai không tin nơi ngài sẽ không được ngài cứu.

Ở đây, rõ ràng là chỉ những ai tin tưởng vào Thượng Đế, có đức tin và qui y nơi ngài thì sẽ được ngài cứu độ, chứ không phải người khác. Sự giải thích của những người tin thuyết Tạo hóa thực đã quá rõ ràng. Vì thế, một điều hiển nhiên rằng chỉ có những nghiệp của họ, dưới hình thức ‘tin tưởng vào Thượng Đế’, ‘qui y nơi Thượng Đế’ và ‘sùng kính Thượng Đế’ mới có thể cứu được họ, còn bản thân đấng Thượng Đế quyền năng kia không thể cứu họ. Ý nghĩa này hoàn toàn rõ ràng.

4. Giải Thích Thêm

Trong thế gian này, tất cả mọi người, dù tin hay không tin vào Thượng Đế, đều phải theo đuổi những công việc làm ăn khác nhau để tự mưu sinh. Trong ‘lãnh vực hoạt động của nghiệp hiện tại’, chẳng có sự khác biệt nào dành cho bất kỳ ai. Như vậy, với mắt trần chúng ta thấy rằng mọi người ai cũng phải làm việc để mưu cầu sự sống, và chính điều này đã làm cho họ trở thành ‘chủ nhân ông của nghiệp riêng của họ dưới hình thức những nghiệp (hành động có chủ ý) trong đời hiện tại.’

Đối với lãnh vực hoạt động của nghiệp quá khứ cũng vậy, không có sự khác nhau nào cả. Với nhãn quan của mình, chúng ta thấy rằng do nghiệp quá khứ của mỗi người tạo điều kiện, ai cũng phải làm việc để duy trì sự sống. Có lẽ chúng ta chưa hề thấy một lợi lạc nào khác có được do sự trung gian của Thượng Đế mà không có sự hoạt động của nghiệp, hoặc quá khứ hoặc hiện tại cả.

5. Cái Ác Ngự Trị Thế Gian

Trong thế gian này có những loại chúng sinh như: người cao thượng, người thấp hèn, người giàu sang, người nghèo khó, người sống lâu, người đoản thọ, người ít bệnh, người nhiều bệnh, người đẹp đẽ, người xấu xí, người đạo đức, người vô luân, người có học, người vô học, người độc ác, trộm cắp, đạo tặc, người phong hủi, người mù lòa, người điếc, người câm, người giết mẹ, người giết cha, người sát nhân, người có tính hay táy máy (cắp vặt), người có thói quen tà dâm, người nói dối, người nói chia rẽ, người nói độc ác, người ưa nói chuyện phù phiếm, người tham lam, người sân hận, người chấp thủ tà kiến. Như vậy, cuộc đời này, người ngay thẳng có rất ít, còn người đê tiện, hèn hạ lại rất nhiều.

6. Chánh Kiến Của Những Người Tin Vào Nghiệp Và Quả Của Nghiệp

Những người tin tưởng vào nghiệp quá khứ và hiện tại, cũng như tin vào những dị thục quả của nghiệp sẽ có chánh kiến như sau: Đối với lãnh vực hoạt động của nghiệp quá khứ, các chúng sinh do đã thực hiện được những thiện nghiệp trong đời trước, bây giờ họ hưởng dị thục quả dưới hình thức trở thành người cao thượng; và những chúng sinh do đã thực hiện những bất thiện nghiệp trong kiếp quá khứ, họ phải chịu quả dị thục dưới dạng trở thành người hạ liệt. Lại nữa, đối với lãnh vực hoạt động của nghiệp hiện tại, do những chúng sinh này làm việc siêng năng trong kiếp hiện tại, họ trở thành người cao thượng, còn những chúng sinh kia do thực hiện những ác hạnh, nên họ trở thành những loại người hạ liệt,v.v…

XI. Phản Bác Vô Nhân Kiến (Ahetuka)

1. Quan Niệm Về Sự Vô Nhân Của Hiện Hữu

Những người chấp vô nhân kiến chủ trương như sau: ‘Mọi việc trong đời này, chẳng hạn như sự hư hỏng hoặc sự thanh tịnh của các chúng sinh, đã được tiền định trước bởi số phận, chứ không phải do nghiệp quá khứ hay hiện tại, cũng chẳng phải do tinh tấn và trí tuệ.’ Và tất cả những điều này đã được giải thích trong chương nói về sự phản bác Thuyết Tiền định (pubbekata). Hay nói cách khác, họ chủ trương rằng mọi việc trong thế gian này tự nó có mặt chứ chẳng phải do nhân, do duyên nghiệp quá khứ, hay do nhân do duyên sinh nghiệp và trì nghiệp chi cả. Các hiện tượng tâm lý và vật lý khác nhau của hiện hữu được định danh theo qui ước như tự ngã, cá nhân, đàn ông, đàn bà, thú vật v.v… chỉ là trò chơi của sự may rủi không lối thoát, chứ không phải là kết quả của các nhân và duyên. Chúng tự có mặt theo lối riêng của chúng mà không phải do một đấng sáng tạo tạo ra, hay do nhân và duyên sanh nghiệp và trì nghiệp nào làm nên. Những điều như ‘giàu’, ‘nghèo’, ‘tự mãn’, ‘phá hoại’, ‘độc ác’, ‘thông minh’ v.v… tự chúng có mặt và không phải do bất kỳ một nhân hoặc duyên nào cả. Ba cách phản bác Vô nhân kiến cũng giống như ba cách trong trường hợp của Tiền định kiến vậy.

2. Không Nghiệp Nào Có Thể Tự Sanh

Trước khi đức Chánh Biến Tri xuất hiện, Vô nhân tà kiến này đã được các ngoại đạo sư như Guṇakassapa chủ xướng. Trong thời kỳ đức Phật, ‘Thuyết Vô Nhân’ của hiện hữu dựa trên thuyết định mệnh này đã được Makkhali-GosālaAcelaka của Ấn Độ giảng dạy. Những người chủ trương Vô nhân kiến loại bỏ quan niệm ‘các chúng sanh là chủ nhân ông của nghiệp’ (Kammasakata) vốn là lời dạy của Đức Phật. Mặc dù họ loại bỏ quan niệm này, song họ không biết một thực tế là chính họ, bằng cách đó, đã trở thành những người chấp theo ‘Nghiệp Sở hữu kiến’ – Kammasakata. Nếu, theo tà kiến này, mọi hiện tượng tâm vật lý của hiện hữu chỉ là trò chơi của sự may rủi không lối thoát chứ không phải là kết quả của các nhân và duyên, thì sẽ không có gì khác biệt giữa ‘lãnh vực hoạt động của nghiệp quá khứ’ và ‘lãnh vực hoạt động của nghiệp hiện tại’. Cũng như sẽ không có gì khác nhau giữa người phạm tội nhỏ hay người phạm trọng tội, giữa người hành xử ác độc với người hành xử có trí, vì mọi hành nghiệp đều không phải là kết quả của nhân – duyên, mà chúng tự hiện hữu hoặc như một qui luật chung chung vậy thôi.

3. Các Đặc Tính Khác Của Nghiệp, Trí (Ñāṇa) và Tinh Tấn (Viriya)

Theo thuyết Vô nhân này, mọi ước-muốn-làm, tinh tấn, và hành nghiệp sẽ được xem là vô ích và không đem lại kết quả gì, vì cho dù một người có thực hiện những hành động cao thượng đến đâu chăng nữa, họ cũng chẳng có được một dị thục quả đặc biệt nào. Và nếu họ cứ giữ thái độ biếng nhác, không làm gì cả thì cũng thế mà thôi. Trong thực tế, những pháp như Ý chí, Trí tuệ và Tinh tấn này chẳng phải không giá trị và kết quả. Đó là những pháp (dhamma) chắc chắn sẽ cho những dị thục quả. Vì rõ ràng là tính chất lớn hay nhỏ của nghiệp hiện tại tùy thuộc vào mức độ của ước – muốn – làm (dục), tinh – tấn, cũng như trí – tuệ mà con người vận dụng.

Do sự đa dạng của nghiệp mà có muôn màu muôn vẻ dị thục quả. Liên quan đến vấn đề này, những người có trí sẽ giữ vững chánh kiến và tin rằng trong lãnh vực hoạt động của nghiệp hiện tại, những hành động dẫn đến ‘tự mãn’, ‘hủy diệt’, ‘giàu có’ hoặc ‘nghèo nàn’ mà các chúng sinh kinh nghiệm trong kiếp hiện tại được gọi là ‘các nhân căn để’. Việc này là hoàn toàn rõ ràng trong đời hiện tại, và trong đời tương lai cũng thế, ước – muốn – làm, tinh – tấn và trí – tuệ tạo ra sự giàu sang, nghèo hèn, tự mãn và hủy diệt của các chúng sinh. Không có thiện hạnh và ác hạnh nào mà không tạo ra kết quả. Thực sự, chúng sẽ tạo ra các dị thục quả thích hợp. Vì những tâm sở này không phải vô sinh mà chắc chắn sinh quả. Đối với lãnh vực hoạt động của nghiệp quá khứ cũng thế, các chúng sinh, do tính chất đa dạng của nghiệp quá khứ làm duyên, sẽ có những loại dị thục quả khác nhau trong những kiếp tương lai của họ, không khác.

4. Xác Định Nhân Do Thấy Quả

Chẳng hạn, do thấy các loại cây cối và hoa trái khác nhau, chúng ta có thể xác định rằng chúng có những loại hạt giống khác nhau. Cũng vậy, do thấy những địa vị khác nhau của các chúng sinh, như tự mãn, hủy hoại, giàu, nghèo v.v… chúng ta có thể phán đoán được các loại nghiệp sai biệt mà họ đã phạm trong những đời quá khứ.

Đức Như Lai biết tất cả những điều này. Ngài đã thấu triệt và thấy rõ sự vận hành của nghiệp trong các lãnh vực hoạt động ở quá khứ cũng như hiện tại, và những dị thục quả của chúng, như giàu, nghèo hay những thăng trầm của cuộc đời. Vì những lý do ấy ngài có thể phản bác thuyết vô nhân của ngoại đạo.

CÁC BÀI VIẾT TRONG SÁCH

  1. Chánh Kiến & Nghiệp – Ledi Sayadaw & Nhiều Tác Giả – Lời Nói Đầu
  2. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương I: Nghiệp Dưới Cái Nhìn Của 1 Cư Sĩ
  3. Nghiệp Và Lý Nhân Quả – Câu Chuyện Của Francis (tiếp chương I)
  4. Nghiệp Hoạt Động Thế Nào? Tái Sinh & Chú Niệm Trong Đời Sống & Lúc Chết?
  5. Hành Động & Phản Ứng – Câu Chuyện Của Leonard A.Bullen
  6. Nghiệp & Tự Do Ý Chí – Chia Sẻ Của Francis
  7. Những Suy Nghĩ Về Nghiệp & Quả Của Nghiệp – Nyanaponika Thera
  8. Nghiệp Là Gì? Những Quan Điểm Sai Lầm Về Nghiệp – K. Sri Dhammananda
  9. Nghiệp Là Gì: Tái Sinh Có Xảy Ra Đồng Thời Với Sự Chết Không, Sát Na Tử?
  10. Nghiệp Là Gì – Liệu Có Thể Thay Đổi Được Không? Năng Lực Công Bằng?
  11. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương II: Chánh Kiến Tường Giải – Ba Loại Tà Kiến – Ledi Sayadaw
  12. Chánh Kiến Tường Giải – Phản Bác Tiền Định Kiến, Tạo Hoá Kiến, Vô Nhân Kiến – Ledi Sayadaw
  13. Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Về 3 Tà Kiến & Phản Bác Tiền Định Kiến – Ledi Sayadaw
  14. Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Từ Nghiệp Sở Hữu & 3 Lĩnh Vực Chính – Ledi Sayadaw
  15. Chánh Kiến Tường Giải – Bác Thuyết Tạo Hoá & Vô Nhân Kiến – Ledi Sayadaw
  16. Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Về Kammassaka-Vada & Thân Kiến – Ledi Sayadaw
  17. Chánh Kiến Tường Giải – Cái Tôi Làm Cho Con Người Xấu Xa Thế Nào? Ledi Sayadaw
  18. Chánh Kiến Tường Giải – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Ledi Sayadaw
  19. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương III: Quy Luật Vận Hành Của Nghiệp – Sayadaw U Silananda
  20. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương IV: Nghiệp Phân Tích Theo Vi Diệu Pháp
  21. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương V: Nghiệp & Quả: 1 Số Giải Thích Về Nghiệp
  22. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Bố Thí
  23. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Giữ Giới & Tu Thiền
  24. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Cung Kính, Phục Vụ,.. Chánh Kiến
  25. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VII: Các Thiến Trình Tâm Cận Tử
  26. Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VIII: Tái Sinh
  27. Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P1)
  28. Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P2)
  29. Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P3)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app