Nội Dung Chính
- VII. Giải Thích Từ Kammassakā (Nghiệp Sở Hữu)
- VIII. Ba Lĩnh Vực Chính
- Lĩnh Vực Hoạt Động Của Nghiệp (Kammasādhanīya-ṭhāna)
- Lĩnh Vực Hoạt Động Của Nghiệp Quá Khứ: Những dị thục quả sau là do nhân và duyên nghiệp quá khứ của các chúng sinh, và gọi là lĩnh vực hoạt động của nghiệp quá khứ.
- Lĩnh Vực Hoạt Động Của Nghiệp Hiện Tại: Trước tiên bần Tăng sẽ giải thích rõ nghiệp hiện tại (Paccupanna kamma) là gì. Nói vắn tắt, tất cả mọi thân hành, khẩu hành và ý hành mà các chúng sinh thực hiện trong cuộc sống hiện tại vì hạnh phúc hay khổ đau của họ đều là nghiệp hiện tại cả.
- Lĩnh Vực Hoạt Động Của Tinh Tấn Và Trí Tuệ (Vīriyasādhanīya paññāsādhanīyaṭhāṇa)
- Lĩnh Vực Hoạt Động Của Nghiệp (Kammasādhanīya-ṭhāna)
- IX. Giải Thích Về “Kammassakā
- CÁC BÀI VIẾT TRONG SÁCH
VII. Giải Thích Từ Kammassakā (Nghiệp Sở Hữu)
Ở đây, người ta có thể hỏi nhau: ‘Này bạn, nếu thực sự Đức Phật Tối Thượng đã khéo phản bác Tiền định kiến như vậy, thì tại sao và vì lý do gì Ngài lại còn tuyên bố như sau trong kinh Subha?
Kammassakā maṇavassatā kammadāyādā, kammayonī, kammabhandhū, kamma patissaraṇā kamma satte vipajjati yadidam hīna paṇīta bhāvāya.
Chỉ có thiện nghiệp và bất thiện nghiệp mà các chúng sinh đã làm là tài sản riêng của họ, luôn đi kèm với họ bất cứ nơi đâu trong vòng sanh tử luân hồi này.
Tất cả chúng sinh là kẻ thừa tự của nghiệp. Chỉ có nghiệp là quyến thuộc thực sự của họ. Chỉ có nghiệp là nơi nương nhờ thực sự của họ. Bất cứ thiện nghiệp hay ác nghiệp nào mà họ đã làm bằng, thân, khẩu và ý, chính nghiệp ấy phân biệt họ với người khác trên phương diện cao thượng và thấp hèn, tốt và xấu, và họ trở thành kẻ thừa tự của nghiệp ấy.
Sau đây là những câu trả lời cho câu hỏi trên:
- Những người chủ trương thuyết Tiền định cho rằng mọi lạc khổ mà các chúng sinh cảm thọ trong kiếp hiện tại độc chỉ do nghiệp quá khứ của họ làm nhân, làm duyên mà thôi. Họ bác bỏ mọi nhân hiện tại, như tinh tấn và trí tuệ. Do thuyết Tiền định này không chấp nhận các nhân hiện tại, nên nó được gọi là ekapakkhahīna-vāda – Thuyết loại bỏ một phía, đó là loại bỏ nghiệp hiện tại.
- Những người chấp vào thuyết Tạo hóa chủ trương rằng mọi lạc, khổ mà các chúng sinh cảm thọ trong kiếp hiện tại là do một đấng Phạm Thiên tối cao hay Thượng Đế tạo ra. Họ không chấp nhận cả nghiệp quá khứ lẫn nghiệp hiện tại của các chúng sinh, vì thế thuyết này được xem như ubhayapakkhalūna-vāda – Thuyết loại bỏ cả hai phía, đó là loại bỏ cả nghiệp quá khứ lẫn hiện tại của các chúng sinh.
- Những người chấp vào thuyết Vô nhân thì chủ trương rằng mọi lạc, khổ mà các chúng sinh cảm thọ trong kiếp hiện tại tự chúng có mặt, và bác bỏ hết mọi nhân. Do thuyết này bác hết mọi nhân của hiện hữu, nó được gọi là sabbahīna-vāda – Thuyết bác bỏ tất cả, đó là, bác bỏ bất kỳ loại nhân nào.
Trong ba tà thuyết này, Đức Phật Tối Thượng, do muốn phản bác thuyết Tạo hóa và thuyết Vô nhân, nên tuyên bố: “Kammassakā māṇavasattā kammadāyādā” (Chỉ có những thiện và bất thiện nghiệp mà các chúng sinh đã làm là tài sản riêng của họ và luôn đi kèm với họ, dù có trôi lăn trong nhiều sanh hữu hay đại kiếp)
Cách Giải Thích Khác: Trong một thái độ chung chung, Đức Phật tuyên bố ‘Kammassaka sattā kammadāyādā’ chứ không có tính cách đặc biệt như ‘pubbekata kammassakā sattā pubbekata kammadāyādā’. Ở đây, kammassakā có nghĩa là cả nghiệp quá khứ lẫn hiện tại của các chúng sinh. Nếu chúng ta diễn đạt đúng theo cách này, thì‘kammassakā’ sẽ có nghĩa ‘nghiệp quá khứ và hiện tại của các chúng sinh’.
—o0o—
VIII. Ba Lĩnh Vực Chính
Ở đây bần Tăng sẽ giải thích về nghiệp quá khứ và hiện tại. Có ba lĩnh vực chính:
- Kammasādhanīya-ṭhāna (lãnh vực hoạt động của nghiệp)
- Vīriyasādhanīya-ṭhāna (lãnh vực hoạt động của tinh tấn)
- Paññāsādhanīya-ṭhāna (lãnh vực hoạt động của trí tuệ)
Lĩnh Vực Hoạt Động Của Nghiệp (Kammasādhanīya-ṭhāna)
Lĩnh vực này được chia làm hai phần:
Lĩnh Vực Hoạt Động Của Nghiệp Quá Khứ: Những dị thục quả sau là do nhân và duyên nghiệp quá khứ của các chúng sinh, và gọi là lĩnh vực hoạt động của nghiệp quá khứ.
- Tái sinh trong cảnh giới an vui hay trong cảnh giới khổ qua một trong bốn loại kiết sanh (paṭi-sandhi) (có 4 loại tái sanh: Hóa sanh, Thấp sanh, Noãn sanh, Thai sanh.
- Tái sanh trong một gia đình cao quý hay trong một gia đình hèn hạ, dù ở trong cảnh giới an vui.
- Có hay không có một căn (giác quan) nào, chẳng hạn như mắt, tai ..v.v
- Đầy đủ trí tuệ, hay thiếu trí vào sát na tục sinh (tức là người tam nhân hay nhị nhân vào lúc tục sinh)
- Dị tật hay không dị tật.
Những hành động mà các chúng sinh thực hiện trong kiếp hiện tại không thể tạo ra những kết quả này. Khi đã sinh vào cõi an vui nhờ thiện nghiệp quá khứ của mình, người ta không thể biến đổi thân tướng hiện có thành thân tướng của cõi khổ nhờ vào những nghiệp hiện tại như tinh tấn và trí tuệ được, trừ khi thân tướng của cõi an vui này tan hoại (tức vào lúc thân hoại mạng chung).
Cũng vậy, khi một người đã sinh vào cõi khổ do nghiệp quá khứ, họ không thể biến đổi thân tướng của họ thành thân tướng của cõi an vui, nếu không có sự tan hoại của thân thuộc cõi khổ này. Không một ai, dù là người, Chư Thiên, Phạm Thiên hay Thượng Đế, nhờ vào nghiệp hiện tại như tinh tấn và trí tuệ, có thể phục hồi được thị lực của một người mà nhãn căn của họ ngay từ lúc thụ thai đã bị hư hỏng do bất thiện nghiệp quá khứ (tức không thể làm cho người mù bẩm sinh thấy được).
Lại nữa, khi nhãn căn của một người có được do nghiệp quá khứ đã bị tiêu hoại hoàn toàn bởi một nguyên nhân hiểm nghèo nào đó trong kiếp hiện tại, thì không thể có người nào, không thể có chư Thiên nào, Phạm Thiên hay Thượng Đế nào phục hồi được thị lực đã mất của người ấy bằng trí tuệ và tinh tấn đã được họ luyện tập trong kiếp hiện tại này. Nguyên tắc này cũng đúng đối với các giác quan khác, như nhĩ căn, tỷ căn, v.v… vốn có mặt do nghiệp quá khứ của các chúng sinh.
Lĩnh Vực Hoạt Động Của Nghiệp Hiện Tại: Trước tiên bần Tăng sẽ giải thích rõ nghiệp hiện tại (Paccupanna kamma) là gì. Nói vắn tắt, tất cả mọi thân hành, khẩu hành và ý hành mà các chúng sinh thực hiện trong cuộc sống hiện tại vì hạnh phúc hay khổ đau của họ đều là nghiệp hiện tại cả.
Nói rộng hơn, có những hoạt động như canh nông, chăn nuôi gia súc, buôn bán. Cũng có những ngành học, như các loại nghệ thuật và nghề thủ công khác nhau. Ngoài ra còn có những ngành nghệ thuật như: địa lý (bhūmi-vijjā), tướng số (aṅgavijjā), thiên văn (nakkhatta-vijjā), trí văn (sutamayapaññā), trí tư (cintāmaya paññā); và trí tu(bhāvanāmaya pañña).
Những hoạt động nghệ thuật, thủ công và trí đã đề cập ở trên được gọi là nghiệp hiện tại. Ngoài những hoạt động đã nói trên, cũng có vô số những hoạt động bất thiện, ngu dốt và dễ duôi làm băng hoại cuộc sống và tài sản, tổn hại sức khỏe, bôi nhọ thanh danh, tác hại đến đạo đức, và ngăn che tiến bộ tinh thần. Tất cả những hoạt động này là nghiệp hiện tại. Do đó trong kiếp hiện tại thực sự có rất nhiều loại hoạt động khác nhau, một số trong đó có lợi và số khác bất lợi. Hai loại hoạt động này nằm trong lãnh vực hoạt động của nghiệp hiện tại. (paccuppanna-kammasādhanīyaṭhāna).
Phương Pháp Giải Thích Kết Hợp (Missaka-naya).
Nghiệp quá khứ chia ra làm ba:
– Đại nghiệp (mahanta)
– Trung nghiệp (majjhima)
– Tiểu nghiệp (appaka)
Nghiệp hiện tại cũng phân ra làm ba loại:
– Trưởng phần (vuddhibhāgiya – nghiệp đưa đến sự phát đạt của một người)
– Trụ phần (ṭhitibhāgiya – nghiệp giữ cho một người được ổn định)
– Thối phần (bānabhāgiya – nghiệp đưa đến sự suy thoái của một người)
- Mahantātīta-kammamūlakatika – Ba loại người do đại nghiệp quá khứ của họ tạo điều kiện
Do đại nghiệp quá khứ làm duyên, một số người được tái sinh trong những gia đình vua chúa, gia đình giàu sang. Trong số đó, có những người thực hiện nghiệp trưởng phần (nghiệp hiện tại đưa đến sự phát đạt). Họ sẽ phát đạt về của cải vật chất và quyền lực thế gian. Từ địa vị ban đầu, họ đi lên chứ không tụt xuống địa vị thấp hơn.
Một số người thực hiện nghiệp hiện tại trụ phần (nghiệp hiện tại giữ họ ở mức bình thường). Tài sản và danh vọng của họ sẽ đứng yên tức là từ địa vị bình thường ban đầu của họ, họ không đi lên cũng không xuống thấp hơn.
Một số người thực hiện nghiệp thối phần (nghiệp hiện tại khiến cho tài sản và địa vị của họ suy sụp). Do nghiệp này tài sản và danh vọng của họ bị tổn thất; họ không thể giữ được địa vị của họ ở mức bình thường, huống nữa là cải thiện địa vị của mình.
- Majjhimātita-kammamūlakatika – Ba loại người do trung nghiệp quá khứ tạo điều kiện
Do trung nghiệp quá khứ làm duyên, một số người được tái sinh trong những gia đình giàu có trung bình. Trong số đó, những người thực hiện nghiệp hiện tại tăng trưởng sẽ phát đạt về tài sản và danh vọng trong kiếp hiện tại.
Những người thực hiện nghiệp hiện tại trụ phần sẽ giữ được địa vị bình thường của họ không có bất kỳ một sự tiến bộ hay thối giảm nào về tài sản mà chỉ đứng yên một chỗ.
Những người thực hiện nghiệp hiện tại thối phần sẽ tổn thất tài sản và danh dự của họ, đã không thể giữ được mình trong địa vị bình thường, còn nói chi đến việc tăng trưởng (địa vị).
- Appakākatīta – kammamūlakatika – Ba loại người do tiểu nghiệp quá khứ tạo điều kiện
Do tiểu nghiệp quá khứ làm duyên, một số người tái sinh trong những gia đình người nghèo khó. Trong số này, những người thực hiện nghiệp hiện tại trưởng phầnsẽ tăng trưởng tài sản của họ.
Người thực hiện nghiệp hiện tại trụ phần giữ được địa vị bình thường của họ không tăng cũng không giảm.
Người thực hiện nghiệp hiện tại thối phần chẳng những không thể giữ được ngay cả địa vị bình thường của họ, mà lại còn trở nên nghèo khó hơn.
Như vậy, hai lĩnh vực hoạt động chính của nghiệp, lĩnh vực hoạt động của nghiệp quá khứ (atīta kammasādhanīya-thāna) và lĩnh vực hoạt động của nghiệp hiện tại (paccuppana-kammasādhanīyathāna) có liên quan với nhau trong việc quyết định sự tiến hóa hay thối đọa của con người.
Lĩnh Vực Hoạt Động Của Tinh Tấn Và Trí Tuệ (Vīriyasādhanīya paññāsādhanīyaṭhāṇa)
Nhiệm vụ của Tinh Tấn (Vīriya) và Trí Tuệ (Paññā) giúp cho sự hoàn tất của hai nghiệp hiện tại. Ở đây, nếu tinh tấn và trí tuệ càng lớn, thì đại nghiệp (mahanta-kamma) sẽ càng lớn. Nếu tinh tấn và trí tuệ ở mức trung bình, chúng sẽ tạo ra trung nghiệp. Còn nếu tinh tấn và trí tuệ yếu, chúng chỉ có thể tạo ra tiểu nghiệp. Vì thế, khi hai loại lãnh vực hoạt động của nghiệp là lớn, thời lãnh vực hoạt động của tinh tấn và trí tuệ cũng sẽ trở nên lớn như vậy.
Liên Hệ Giữa Nghiệp Quá Khứ Và Hiện Tại Với Tinh Tấn Và Trí Tuệ
Đối với những chúng sinh còn lang thang trong vòng tử sinh luân hồi, nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại là những nhân chính trong việc tác thành hạnh phúc và khổ đau mà các chúng sinh ấy cảm thọ trong kiếp hiện tại. Những nhân khác như thời gian (kāla), nơi chốn (desa), v.v… là các nhân phụ. Do đó, khi giải thích nghiệp quá khứ và hiện tại, Đức Phật tuyên bố, ‘Kammassākā mānava sattā kammadāyādā’ [Chỉ có những thiện nghiệp và bất thiện nghiệp mà các chúng sinh đã làm là tài sản hay sở hữu của họ, luôn luôn đi với họ, dù họ có thể lang thang trong nhiều sanh hữu hay đại kiếp (kappa)].
Khi Đức Phật giải thích các nhân chính, lời giải thích ấy cũng liên quan đến các nhân phụ. Vì thế khi ngài tuyên bố ‘Kammassakā, v.v…’ và giải thích rõ hai loại nghiệp – nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại – bằng cách ấy ngài muốn nói rằng hai nghiệp chính này được tạo điều kiện bởi những nhân, như ‘thân cận bậc trí’, ‘nghe pháp’ và ‘hành pháp (dhamma)‘. Khi Đức
Phật Toàn Tri tuyên bố ‘Kammassakā,v.v…’ lời tuyên bố ấy cần phải xem như có cả sự giải thích về các yếu tố (chính và phụ) của nó vậy. Những người như thanh nên Subha tới gặp Đức Phật và kể cho ngài nghe những tà kiến của họ về nghiệp quá khứ. Đối với những người này Đức Phật giải thích nghiệp quá khứ theo như Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt và Đại Nghiệp Phân Biệt của Trung Bộ.
Những người như thanh niên Siṅgāla đến gặp Phật và kể cho ngài nghe những tà kiến của họ về nghiệp hiện tại. Với những người này, đức Phật đã giải thích nghiệp hiện tại trong kinh Thi Ca La Việt thuộc Trường Bộ Kinh, hay kinh Vāseṭṭha thuộc Kinh Tập (Tiểu Bộ).
Trong Aṭṭha-nipāta và những bài kinh khác thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật Toàn Tri đã đưa ra những lời giải thích về cả hai loại nghiệp: quá khứ lẫn hiện tại. Đối với những người không hiểu rõ những lợi ích của tinh tấn và trí tuệ, Đức Phật đã giải thích về những lợi ích của tinh tấn và trí tuệ trong cả trăm bài kinh khác nhau.
Nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại, vốn tạo ra những cảm thọ lạc mà các chúng sinh thọ hưởng, không thể có mặt nếu không có chức năng của tinh tấn và trí tuệ. Vì thế khi Đức Phật giải thích nghiệp quá khứ và hiện tại, chúng ta cần nhớ rằng trong lời giải thích ấy kể như đã gồm cả tinh tấn và trí tuệ.
Tinh tấn và trí tuệ hiện hữu chỉ để cho những nghiệp ấy thành hình, hay nói khác hơn, chỉ vì sự thành tựu của những nghiệp ấy. Lời này là đúng, vì nếu không có những hành động cần phải tinh tấn, thời tinh tấn sẽ làm nhiệm vụ ở chỗ nào? Và nếu không có những điều khả tri, lúc ấy trí sẽ biết cái gì? Do đó cần lưu ý rằng ở chỗ nào Đức Phật giải thích tinh tấn và trí tuệ, lời giải thích của Ngài cũng bao hàm luôn hai nghiệp do tinh tấn và trí tuệ ấy tạo ra, và ngược lại.
Tóm lại, những lợi ích mà các chúng sinh thọ hưởng được kể như sau:
– Lợi ích trong kiếp hiện tại – diṭṭhadhammikattha
– Lợi ích trong các kiếp vị lai – samparāyikattha
– Lợi ích siêu thế – paramattha.
Tam tạng (Tipiṭaka) hay những lời dạy của đức Phật được thiết lập trên ba lợi ích này. Khi Đức Phật thuyết giải những lợi ích mà các chúng sinh thọ hưởng trong kiếp hiện tại, chúng ta nên nhớ rằng nghiệp hiện tại đã được tường giải trong những Tạng (Pitakas). Khi Ngài thuyết giải về những lợi ích mà các chúng sinh sẽ thọ hưởng trong kiếp tương lai, chúng ta cũng nên nhớ rằng nghiệp quá khứ cũng đã được giải thích trong các Tạng ấy.
Trong một số bài pháp, ngài thuyết về Uẩn (khandhā), Xứ(āyatana), Giới (dhātu), Đế (saca), và Duyên-khởi (paṭiccasamuppāda) liên hệ với giáo lý Không tánh – suññatadhamma (doctrine of unsubstantiality). Chúng ta cũng nên lưu ý rằng khi Đức Phật Toàn Tri thuyết giải những điều này, lời giải thích của ngài đã bao hàm trong đó những lợi ích siêu thế vốn là những sự thực tuyệt đối. Những lợi ích siêu thế này cũng có liên quan đến lợi ích hiện tại (diṭṭha dhamikattha) và lợi ích tương lai (sampārayikattha).
Do đó chúng ta cần nhớ rằng khi Đức Phật thuyết giải Pháp liên quan đến Không tánh (suññata) trong Tam Tạng, gồm cả nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại, thì toàn bộ Tam Tạng đều y cứ trên nghiệp quá khứ và hiện tại. Vì những lý do ấy, bậc trí nên biết rằng khi Đức Phật tuyên bố: ‘Kammassakā sattā, kammadāyādā’, bằng cách đó Ngài cũng muốn nói‘Ñāṇa vīriyassaka sattā, ñāṇavīriyadāyaka’ (Trí tuệ và tinh tấn là tài sản của chúng sinh, các chúng sinh là kẻ thừa tự của trí tuệ và tinh tấn) vậy.
—o0o—
IX. Giải Thích Về “Kammassakā
1. Kammassakā : Bây giờ bần tăng sẽ giải thích tóm tắt câu ‘Kammassakā satta, kammadāyādā, kammayonī, kammabandhū, kammappaṭissaranā’.
‘Attano idanti sakam ‘ – vật gì của riêng ai thì đó là tài sản của riêng họ.
‘Kamma eva sakam ete santi kammassakā – chỉ có nghiệp là tài sản của các chúng sinh. Do đó mới gọi ‘kammassakā’ (nghiệp là tài sản của chúng sinh).
Điều này được giải thích như sau: Người ta gọi vàng bạc, của cải, và châu báu họ thâu thập được là tài sản của họ, vì họ đang đề cập đến những tài sản ấy, và những thứ ấy thuộc về họ chứ không phải người khác. Trong thực tế, ngay cả như vậy, họ cũng không thể gọi những tài sản này là của riêng họ chỉ vì chúng thuộc về họ. Vì sao? Vì họ chỉ có thể hưởng được những tài sản ấy trong kiếp hiện tại, và khi chết rồi họ sẽ phải bỏ lại đằng sau mọi tài sản ấy, không thể mang chúng sang kiếp sau được. Ngay trong kiếp hiện tại cũng vậy, chẳng phải chỉ một mình con người đề cập đến tài sản của họ, mà ‘nước’, ‘lửa’, ‘vua chúa’, ‘phường trộm đạo’, và ‘những kẻ thù’ cũng có liên quan (hay có một sự liên hệ nào đó) đến những tài sản của họ theo cách hủy diệt chúng.
Thực sự, chỉ có những thiện nghiệp và bất thiện nghiệp mà con người làm mới là những tài sản riêng của họ, vì những nghiệp này đi kèm theo dòng hữu phần của họ, có thể là trong hàng trăm, hàng ngàn đời sẽ tới, hay hàng trăm, hàng ngàn đại kiếp sẽ tới, và liên quan đến họ, chứ không phải ai khác, dù cho có hay không có ‘nước’, ‘lửa’, ‘vua chúa’, ‘phường trộm đạo’, hoặc ‘kẻ thù’. Khi Đức Phật tuyên bố ‘Nghiệp là tài sản của các chúng sinh – Kammassakā sattā’ là muốn đưa ra một sự giải thích như vậy. Lời giải thích này cũng đúng với đoạn kế tiếp ‘Kammadāyādā – các chúng sinh là kẻ thừa tự của nghiệp’.
2. Kammadāyādā: ‘Kammassādāyam ādiyantīti kammadāyādā’ (các chúng sinh thừa hưởng hết mọi nghiệp mà họ đã làm trong những kiếp quá khứ và hiện tại. Vì thế họ được gọi là những kẻ thừa tự của nghiệp vậy).
Những người thừa hưởng từ nơi cha mẹ vật gì thì gọi là người thừa tự của cha mẹ. Song, trong nghĩa chân thực, những người thừa hưởng của cha mẹ này không thể gọi là người thừa tự. Vì sao? Vì những vật như vàng bạc, của cải, châu báu chỉ tồn tại nhất thời. Do đó, người thừa hưởng những thứ tạm bợ này không thể gọi là người thừa kế chân thực và đích xác được. Trong thực tế, các chúng sinh chỉ thừa hưởng những thiện nghiệp và bất thiện nghiệp mà họ đã làm. Như vậy họ là kẻ thừa tự nghiệp riêng của họ mới đúng.
3. Kammayoni: ‘Kammameva yoni etesanti kammayoni’ (các chúng sinh là người nối dõi những nghiệp riêng của họ). Ý nghĩa cũng giống như trên.
4. Kammabandhū: ‘Kammamevabandhu yesanti kammbandhū’ (chỉ có nghiệp là quyến thuộc đích thực của các chúng sinh’.
Mọi người ai cũng có quyến thuộc và bè bạn, tuy nhiên, những người này không thể gọi là bè bạn chơn thực và đích xác được, vì họ cũng chỉ tồn tại nhất thời thôi. Do đó, chỉ một mình nghiệp là quyến thuộc thực sự của các chúng sinh.
5. Kammappaṭissaraṇā – ‘Kammameva paṭissaraṇam yesanti kammappaṭissaraṇā’ (chỉ có nghiệp là nơi nương nhờ đích thực của các chúng sinh) dù cho là thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp được các chúng sinh này làm bằng thân, khẩu, hoặc ý, thì họ cũng sẽ trở thành kẻ thừa tự của nghiệp đó.
Con người nương tựa vào các đấng thần thánh nào, thì các đấng ấy được gọi là nơi nương tựa của họ. Đối với những người nương tựa vào thần Vishnu, thì Vishnu là chỗ nương tựa của họ. Đối với người nương tựa vào Rāma (hóa thân của Vishnu), thì Rāma là nơi nương tựa của họ. Đối với những người nương tựa vào Tam bảo, thì Tam bảo là nơi nương tựa của họ.
Cái gọi là các vị thần như Vishnu, Rāma sở dĩ được gọi là nơi nương tựa (quy y ) bởi vì người ta quy y với họ và trông cậy vào họ, tuy nhiên những đấng ấy không thể là nơi nương tựa đích thực được, vì bản thân họ cũng không thường. Thực sự, chỉ có những nghiệp mà các chúng sinh đã làm và luôn luôn đi kèm với dòng hữu phần của họ trong suốt quá trình luân hồi này, chứ không phải một đấng thần linh hay Thượng Đế nào cả, là chỗ quy y chơn thực duy nhất của họ. Lời này là đúng sự thực.
Người quy y với Đức Phật, họ làm vậy là để có được phước thiện, cũng như để có được những nghiệp tương ưng trí (paññā-paṭisamyutta-kamma). Trong thực tế, chỉ có những phước nghiệp (puññā-kamma) và nghiệp tương ưng trí (paññā-kamma) mà các chúng sinh tạo dựng được khi quy y nơi đức Phật mới là nơi nương nhờ đích thực của họ mà thôi.
6. Kammassakā, v.v… trong tương quan với nghiệp hiện tại.
Trong đời sống hàng ngày, ai cũng phải mưu sinh bằng cách làm những nghiệp (nghề) như buôn bán, canh tác, v.v… Những nghiệp hiện tại này chính là sở hữu của họ, nên gọi là ‘kammassakā – nghiệp sở hữu’. Vì họ thừa hưởng nghiệp hiện tại này, nên họ được gọi là kẻ thừa tự của nghiệp (kammadāyādā). Vì nghiệp hiện tại là những nhân căn để của ‘các phương thức tái sinh’ nên chúng được gọi là ‘nghiệp mẫu thai hay thai tạng – Kammyoni’. Vì những nghiệp hiện tại này là quyến thuộc của họ, nên được gọi là ‘nghiệp thân thích’ – Kammabandhū’. Vì nghiệp hiện tại là nơi nương nhờ của họ, nên mới gọi là ‘nghiệp y tồn – Kammapaṭissavaṇā’.
Khi Đức Phật thuyết giải về nghiệp như một pháp căn bản, sự thuyết giải ấy bao hàm luôn những giải thích về các nhân phụ như thân cận các bậc thiện tri thức (kalyāṇimitta),gần gũi các bậc trí tuệ (panḍitasevanā) và thực hành pháp (dhammapaṭipatti), tất cả những điều này dẫn đến sự thành tựu của nghiệp.
Sự giải thích có tính cách khoa học: Khi tuyên bố ‘Nghiệp là sở hữu của các chúng sinh, các chúng sinh là kẻ thừa tự của nghiệp – kammassakā satta, kammadāyādā’, Đức Phật cũng có ý muốn nói như sau: “Những thiện và bất thiện nghiệp một khi đã được thực hiện bởi một người nào đó trong cuộc đời của họ, nghiệp ấy có thể sẽ chín muồi (cho quả) sau một quãng thời gian, có khi hàng trăm, hàng ngàn kiếp, hoặc có khi cả một kiếp của quả đất hay thậm chí lâu hơn. Như vậy thiện nghiệp vốn sẽ cho lạc quả dị thục và bất thiện nghiệp sẽ cho khổ quả dị thục ấy luôn luôn đi kèm theo dòng hữu phần của một chúng sinh.”
Chính vì thế chúng ta nên biết quý trọng ‘thiện hạnh’ hơn cả sinh mạng của mình và giữ gìn nó thật chu đáo. Còn về ‘ác hạnh’, ta phải biết ghê sợ nó hơn sợ chết và cố gắng tránh tạo ác nghiệp.
CÁC BÀI VIẾT TRONG SÁCH
- Chánh Kiến & Nghiệp – Ledi Sayadaw & Nhiều Tác Giả – Lời Nói Đầu
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương I: Nghiệp Dưới Cái Nhìn Của 1 Cư Sĩ
- Nghiệp Và Lý Nhân Quả – Câu Chuyện Của Francis (tiếp chương I)
- Nghiệp Hoạt Động Thế Nào? Tái Sinh & Chú Niệm Trong Đời Sống & Lúc Chết?
- Hành Động & Phản Ứng – Câu Chuyện Của Leonard A.Bullen
- Nghiệp & Tự Do Ý Chí – Chia Sẻ Của Francis
- Những Suy Nghĩ Về Nghiệp & Quả Của Nghiệp – Nyanaponika Thera
- Nghiệp Là Gì? Những Quan Điểm Sai Lầm Về Nghiệp – K. Sri Dhammananda
- Nghiệp Là Gì: Tái Sinh Có Xảy Ra Đồng Thời Với Sự Chết Không, Sát Na Tử?
- Nghiệp Là Gì – Liệu Có Thể Thay Đổi Được Không? Năng Lực Công Bằng?
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương II: Chánh Kiến Tường Giải – Ba Loại Tà Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Phản Bác Tiền Định Kiến, Tạo Hoá Kiến, Vô Nhân Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Về 3 Tà Kiến & Phản Bác Tiền Định Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Từ Nghiệp Sở Hữu & 3 Lĩnh Vực Chính – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Bác Thuyết Tạo Hoá & Vô Nhân Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Về Kammassaka-Vada & Thân Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Cái Tôi Làm Cho Con Người Xấu Xa Thế Nào? Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương III: Quy Luật Vận Hành Của Nghiệp – Sayadaw U Silananda
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương IV: Nghiệp Phân Tích Theo Vi Diệu Pháp
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương V: Nghiệp & Quả: 1 Số Giải Thích Về Nghiệp
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Bố Thí
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Giữ Giới & Tu Thiền
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Cung Kính, Phục Vụ,.. Chánh Kiến
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VII: Các Thiến Trình Tâm Cận Tử
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VIII: Tái Sinh
- Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P1)
- Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P2)
- Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P3)